Tải bản đầy đủ (.doc) (25 trang)

tóm tắt luận án tiến sĩ thơ dân tộc tày từ 1945 đến nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (219.84 KB, 25 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Ngay từ khi mới ra đời, thơ dân tộc thiểu số nói riêng và văn học
nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung đã là một bộ phận
không thể tách rời của nền văn học nghệ thuật Việt Nam, góp phần làm nên
một tiếng nói độc đáo, giàu bản sắc. Trong đó, với bốn thế hệ tiếp nối nhau,
có thể thấy đội ngũ các nhà thơ dân tộc Tày vẫn chiếm số lượng đông đảo
nhất và cũng là dân tộc có nhiều thành tựu nhất so với các dân tộc thiểu số
khác. Một tín hiệu đáng mừng là dân tộc Tày cũng là dân tộc có được đội
ngũ kế cận tương đối nhiều và đồng đều để tiếp bước thế hệ trước.
1.2. Thực trạng nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số nói chung, thơ dân
tộc thiểu số nói riêng hiện nay còn nhiều hạn chế. Các công trình đã có
phần nhiều dành cho việc tổng kết theo giai đoạn hoặc từng dân tộc nhưng
còn thiếu sự chuyên sâu. Bên cạnh đó là những công trình phác thảo diện
mạo theo hướng tập trung những gương mặt tiêu biểu Bởi vậy, việc nghiên
cứu một cách hệ thống, toàn diện về thơ ca các dân tộc thiểu số, trong đó
không thể thiếu thơ dân tộc Tày là một công việc có ý nghĩa thiết thực. Xuất
phát từ những lí do đó, chúng tôi lựa chọn Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay
làm đề tài nghiên cứu cho luận án.
2. Mục tiêu nghiên cứu
- Việc tìm hiểu, nghiên cứu những đặc điểm của thơ ca dân tộc Tày từ
năm 1945 đến nay góp phần tìm hiểu, soi sáng một bộ phận quan trọng
trong bức tranh văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, từ đó có cái nhìn
tương đối đầy đủ, toàn diện về những đặc điểm nổi bật, độc đáo của thơ ca
dân tộc Tày trên các bình diện đội ngũ, nội dung và hình thức nghệ thuật,
những phong cách sáng tạo độc đáo.
- Luận án với mục tiêu phác hoạ lại diện mạo thơ của dân tộc Tày từ
1945 đến nay nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào sự ảnh hưởng của văn hóa
1
vùng đến những sáng tác. Trong mỗi phần giải quyết những luận điểm cụ
thể, chúng tôi luôn có ý thức phân tích theo hướng đối chiếu, so sánh để nhận


rõ hơn những điểm tương đồng và nhất là những khác biệt của thơ dân tộc
Tày so với sự phát triển chung của thơ dân tộc Kinh cũng như so với sự thay
đổi của thơ ca các dân tộc thiểu số khác như Thái, Mông, Dao, Mường
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận án lấy mốc bắt đầu từ năm 1945 để khảo sát. Đây là thời điểm mà
nhiều nhà nghiên cứu văn học đã lựa chọn và thừa nhận sự biến chuyển lớn
của văn học Việt Nam hiện đại nói chung và văn học dân tộc thiểu số/ dân
tộc Tày cũng không ngoại lệ.
Luận án sẽ tập trung nghiên cứu các tác phẩm thơ của các tác giả dân
tộc Tày từ năm 1945 đến nay; bên cạnh đó là một số tác phẩm thơ dân
tộc Tày trước năm 1945, kho tàng thơ ca dân gian Tày; tác phẩm thơ của
các dân tộc thiểu số khác như Thái, Mông, Dao, Mường và những tác
phẩm thơ của dân tộc Kinh cùng giai đoạn để có cái nhìn hệ thống; các
công trình, bài nghiên cứu về thơ ca dân tộc Tày nói riêng và các công
trình nghiên cứu về thơ/ văn dân tộc thiểu số nói chung; một số tài liệu
về lý luận, lý thuyết có liên quan đến đề tài.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án chủ yếu tiếp cận vấn đề bằng việc sử dụng kết hợp các phương
pháp nghiên cứu vừa truyền thống vừa hiện đại để từ đó lý giải, xác lập luận
điểm, luận cứ và rút ra những kết luận cần thiết: Phương pháp văn học sử,
phương pháp phân tích và tổng hợp, một số thao tác bổ trợ: đối chiếu, so
sánh, thống kê Ngoài ra luận án vận dụng thi pháp học hiện đại để khảo
sát các hình thức nghệ thuật của thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, đồng thời
kết hợp với phương pháp phong cách học để định ra những đặc trưng cơ bản
của một số tác giả. Để triển khai các luận điểm, lý giải một số vấn đề, chúng
tôi còn sử dụng một số phương pháp của các khoa học liên ngành.
5. Đóng góp mới của luận án
5.1. Đây là công trình nghiên cứu có quy mô và hệ thống về thơ dân tộc
2
Tày trong hơn nửa thế kỷ trên các bình diện như: đội ngũ nhà thơ dân tộc

Tày từ 1945 đến nay; sự thay đổi cảm hứng trong hai giai đoạn phát triển;
những đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật thể hiện và một số phong cách
sáng tạo của thơ dân tộc Tày qua hơn nửa thế kỷ phát triển.
5.2. Khi nghiên cứu những tác phẩm thơ dân tộc Tày không chỉ dưới
góc độ nghiên cứu văn học mà còn từ góc độ văn hóa học, chúng tôi chỉ rõ
những kế thừa từ mạch nguồn văn hóa dân gian, sự cách tân ở từng tác giả,
tác phẩm và những dấu vết của sự sáng tạo để đổi mới ngôn ngữ, thể
loại ; khảo sát hệ thống biểu tượng để thấy được sức sống bền bỉ của văn
hóa dân tộc Tày lưu truyền đến thời kỳ hiện đại.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận án được sắp xếp thành bốn chương:
Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
Chương 2: Hiện thực đời sống trong thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay
Chương 3: Các phương diện nghệ thuật cơ bản của thơ dân tộc Tày từ
1945 đến nay
Chương 4: Một số phong cách sáng tạo trong thơ dân tộc Tày từ
1945 đến nay.
3
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Tình hình nghiên cứu thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay
1.1.1. Tình hình nghiên cứu thơ dân tộc thiểu số từ 1945 đến nay
Dù đã dành được sự đầu tư nhất định nhưng do nhiều yếu tố khách quan
và chủ quan nên việc nghiên cứu thơ dân tộc thiểu số vẫn còn trong tình
trạng sơ lược. Các công trình đã có tập trung theo ba hướng:
- Nghiên cứu về đội ngũ: Đội ngũ những người sáng tác thơ dân tộc
thiểu số ngày càng gia tăng về số lượng, có mặt trên nhiều vùng miền dân
tộc và được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau. Bàn đến vấn đề đội ngũ
người dân tộc có thể kể đến những bài viết của Hoàng Tuấn Cư với Văn

học dân tộc thiểu số và vấn đề đội ngũ tác giả người dân tộc, Chẩm Hương
Việt với Chương trình trọng tâm đối với văn học nghệ thuật các dân tộc
thiểu số, Dương Thuấn với Cần nâng cao chất lượng văn học viết về dân
tộc và miền núi, K.Đích với Phát triển đội ngũ sáng tác là người dân tộc
thiểu số ở Nam Tây Nguyên
- Nghiên cứu theo hướng khái quát, đưa ra những đặc điểm chung, phác
họa diện mạo và chỉ ra những điểm thành công và cả những hạn chế về nội
dung, nghệ thuật: Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam trước cách mạng
tháng Tám năm 1945 (Phan Đăng Nhật, Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1981);
Văn học các dân tộc thiểu số - từ một diễn đàn, (Nhiều tác giả, Nxb. Văn
hóa dân tộc, H, 1999); Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại -
một số đặc điểm (Trần Thị Việt Trung, Cao Thị Hảo đồng chủ biên, Nxb.
ĐH Thái Nguyên, 2011) Trong đó, Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam
hiện đại (Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1995) của Lâm Tiến có thể coi là một
công trình nghiên cứu qui mô nhất về văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam
hiện đại từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 trên cả ba lĩnh vực: thơ,
văn xuôi và kịch.
- Nghiên xứu theo hướng nhận diện những gương mặt tiêu biểu. Có thể
kể đến: Hoa văn thổ cẩm của Lò Ngân Sủn (3 tập, Nxb. Văn hóa dân tộc,
H, 1998, 1999, 2002); Tuyển tập Văn học dân tộc miền núi (Nông Quốc
Chấn chủ biên, Nxb. Giáo dục, H, 1998) Tiêu biểu nhất, đầy đủ nhất tính
đến thời điểm hiện tại là hai tập Nhà văn dân tộc thiểu số đời và văn của
Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với việc giới thiệu
4
87 tác giả văn thơ trên tất cả các vùng miền của văn học dân tộc thiểu số
thời kỳ hiện đại.
Từ thực trạng nghiên cứu như chúng tôi vừa phân tích, có thể khẳng
định những nghiên cứu đã có vẫn chưa thực sự đáng kể so với đội ngũ
tác giả và khối lượng tác phẩm đồ sộ ngày một sung sức của thơ dân tộc
thiểu số.

1.1.2. Tình hình nghiên cứu thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay
1.1.2.1. Những công trình khái quát, tổng kết
- Nghiên cứu thơ Tày hiện đại trước 1986 tiêu biểu có Nông Quốc
Chấn với ba công trình phê bình tiểu luận: Đường ta đi (1970), Một vườn
hoa nhiều hương sắc (1977), Chặng đường mới (1985).
- Các tác giả người Kinh có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu văn học
dân tộc Tày như Tô Hoài, Phạm Quang Trung, Nguyễn Trọng Hoàn, Trinh
Đường với nhiều bài viết có giá trị.
- Liên quan trực tiếp đến luận án là những công trình đánh giá về diện
mạo chung của thơ Tày có Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc
thiểu số Việt Nam hiện đại - Khu vực phía Bắc Việt Nam (Nxb. Đại học
Thái Nguyên, 2010). Các tác giả dành một chương để khái quát về tính
chất “dòng riêng giữa nguồn chung” của thơ Tày hiện đại và một số
gương mặt tiêu biểu. Tuy nhiên một số nhận định vẫn còn sơ lược và
thiên về thế hệ thứ nhất và thứ hai của thơ Tày hiện đại, chưa bao quát
được những chuyển động mạnh mẽ của thơ Tày giai đoạn sau. Bên cạnh
đó là một số bài viết như Dương Thuấn, Nhìn lại văn học dân tộc Tày
trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9-2006; Đỗ Thị Thu Huyền, Thơ ca
Tày hiện đại qua một số gương mặt tiêu biểu trên tạp chí Nghiên cứu văn
học, số 5-2008
1.1.2.2. Những công trình về các tác giả, tác phẩm cụ thể
Ngoài số lượng lớn các bài phê bình trên các báo, tạp chí về những tác
phẩm tiêu biểu cụ thể của thơ dân tộc Tày, số lượng bài viết về thơ của
từng tác giả cũng chiếm số lượng đáng kể (tập trung vào những tác giả có
phong cách độc đáo). Tuy nhiên, những bài viết này cũng phần nào làm
hiện lên diện mạo chung của thơ dân tộc Tày hiện đại. Có thể kể đến: Nhà
văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại giới thiệu về 7 tác Triều Ân, Vi
Thị Kim Bình, Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Hoàng Hạc, Vi Hồng
và Nông Viết Toại; Tuyển tập văn học dân tộc miền núi của Nxb. Giáo dục
5

gồm 8 tập, 3 tập đầu là những bài phê bình về thơ dân tộc thiểu số (tập 1 và
2 xuất bản năm 1998, tập 3 xuất bản năm 1999). Trong đó có 19 tác giả dân
tộc Tày được giới thiệu; Nhà văn dân tộc thiểu số - Đời và văn có 32 tác giả
dân tộc Tày trong tổng số 87 tác giả - một con số ấn tượng, vượt xa các dân
tộc thiểu số khác có mặt trong tuyển tập
Có thể thấy, cũng như thơ dân tộc thiểu số nói chung, hiện chưa có
công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và kĩ lưỡng về thơ dân tộc
Tày từ 1945 đến nay, đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là một thách thức
khi chúng tôi triển khai đề tài. Cùng với tình hình nghiên cứu nói trên, một
trong những đặc điểm quan trọng của thơ dân tộc thiểu số nói chung, thơ
dân tộc Tày từ 1945 đến nay nói riêng là sự bám sát và phát huy truyền
thông văn hóa văn học của dân tộc. Cho nên, để có thể nhận thức một cách
sâu sắc đặc điểm thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, không thể không nói
đến truyền thống văn hóa Tày.
1.2. Văn hóa dân tộc Tày
1.2.1. Đặc điểm tộc người và điều kiện tự nhiên
Người Tày là dân tộc thiểu số đông nhất ở miền Bắc, sinh sống rải rác
hầu hết khắp các tỉnh thượng du và trung du Bắc bộ, từ tả ngạn sông Hồng
đến vịnh Bắc bộ. Theo Tổng hợp số dân và phân bố các dân tộc của cả
nước và theo tỉnh, dân tộc Tày có 1.626.392 người, trong đó có những nơi
tập trung đông hơn cả là Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang,
Bắc Kạn
1.2.2. Văn hóa vật chất
Người Tày cũng như nhiều dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc và Tây Bắc
có tập quán cư trú thành làng bản. Trong mỗi bản làng của người Tày thì
quan hệ huyết thống là mật thiết nhất.
Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, có bộ sườn làm theo
kiểu vì kèo 4, 5, 6 hoặc 7 hàng cột, phổ biến là kiểu nhà 3 gian 2 chái. Các
bộ phận chính gồm có mái nhà, bộ cột kèo và xuyên, sàn nhà, phên vách;
bộ phận phụ gồm có máng đựng nước rửa chân, cầu thang, cửa ra vào, sàn

nước, gác và gác bếp, sàn phơi.
Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ sợi vải bông tự dệt, nhuộm
chàm. Nhìn chung, trang phục của cả nam và nữ giới dân tộc Tày tương
đối giản dị chân phương về màu sắc, cách tạo hình, kiểu cách và hầu như
không có hoa văn trang trí.
6
1.2.3. Văn hóa tinh thần
1.2.3.1. Tiếng nói, chữ viết
Tiếng nói của dân tộc Tày cũng như những dân tộc thuộc cùng nhóm
ngôn ngữ đã phát triển khá cao, hệ thống từ vựng của các thứ tiếng này rất
phong phú, đủ sức phản ánh những nội dung liên quan đến các vấn đề về
kinh tế - văn hóa - xã hội.
Chữ Nôm Tày xây dựng trên mẫu tự tượng hình, gần giống chữ Nôm
Việt ra đời khoảng thế kỷ XV nhưng không được thông dụng. Sau Cách
mạng tháng Tám, dân tộc Tày cũng như các dân tộc thiểu số khác đã dùng
chữ quốc ngữ (từ chữ cái latinh) ghi âm tiếng nói dân tộc mình, nhiều nhà
thơ, nhà văn cũng dùng chữ này để sáng tác.
1.2.3.2. Tín ngưỡng, lễ hội
Hình thức thờ cúng quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của
người Tày là thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, người Tày còn thờ các vị
thần che chở bảo vệ cho gia đình, làng bản: mẹ Hoa (bà Mụ - vị thần cai
quản và bảo hộ cho trẻ em), thờ vua bếp (đặt ngay trong bếp), thờ thần
tài, thờ thổ công
Để cầu mong sự bảo vệ, che chở và phù hộ của thần linh, hàng
năm đồng bào Tày tổ chức rất nhiều nghi lễ cúng (hội lồng tồng, hội
Nàng Hai…).
1.2.3.3. Văn học dân gian
Điểm đặc biệt đáng chú ý trong văn học dân gian Tày là kho tàng
truyện thơ Nôm truyền miệng, với nội dung rất phong phú. Bên cạnh đó,
các loại hình ca dao, bài lượn, then, tục ngữ, câu đố của người Tày hết sức

phong phú phản ánh tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong quan hệ giữa
con người với con người, con người với thiên nhiên.
1.3. Đội ngũ nhà thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay
1.3.1. Trước 1945
Một số tác giả thơ văn là những trí thức nho học như Bế Văn Phụng
(1567-1637), Nông Quỳnh Văn (1566-1640), nổi tiếng với những bài lượn
được truyền khẩu rộng rãi trong dân gian (Lượn Tam nguyên, Lượn Tứ quý).
Tiếp đó là một số tác giả như Bế Hữu Cung (1757-1820), Hoàng Ích Ngọ
(1766-1828), Hoàng Ích Thặng (1783-1853). Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ
XX, thơ Tày đánh dấu một thời kỳ phát triển mới với một số tên tuổi: Hà Vũ
Bằng, Bế Ích Bồng, Nông Đình Cấp, Bế Đức Cốm Tiêu biểu nhất là Hoàng
7
Đức Hậu (1890 - 1945) với một số lượng tác phẩm đồ sộ bằng cả tiếng Tày,
tiếng Việt và tiếng Hán.
1.3.2. Từ 1945 đến nay
1.3.2.1. Bốn thế hệ nhà thơ sau 1945
Thế hệ đặt nền móng cho văn học các dân tộc thiểu số nói chung cũng
như văn học hiện đại dân tộc Tày nói riêng có thể kể đến Nông Quốc Chấn,
Nông Minh Châu, Bế Sĩ Uông, Nông Viết Toại, Hà Phan, Hoàng Hóa
Thế hệ thứ hai của thơ dân tộc Tày với một lực lượng hùng hậu: Nông
Văn Bút, Hoàng Hạc, Hoàng Trung Thu, Triều Ân, Hoàng Định, Bế Thành
Long, Bế Dôn, Ma Đình Thu, Hoàng An, Hoàng Luận, Vân Hồng, Triệu
Lam Châu, Y Phương, Mai Liễu, Nguyễn Thị Đua, Ma Trường Nguyên,
Triệu Sinh, Trần Thị Thu Nhiễu, Vi Thị Kim Bình, Triệu Đức Xuân
Thế hệ thứ ba, thơ Tày có một đội ngũ nhà thơ dân tộc thiểu số vững về
tay nghề và có những đóng góp tích cực cho văn học nghệ thuật nước nhà:
Triệu Thị Mai, Hoàng Thị Diệu Tuyết, Ma Phương Tân, Lương Định,
Nông Thị Ngọc Hòa, Đoàn Lư, Đoàn Ngọc Minh, Hữu Tiến, Dương
Thuấn, Tạ Thu Huyền, Hoàng Minh Thông, Dương Khâu Luông, Ma Kim
Ly, Hà Thị Hải Yến, Vi Thị Thu Đạm

Thế hệ thứ tư là những nhà thơ tuổi đời còn rất trẻ, tuy vậy cũng đã có
một số tác giả thành danh từ khá lâu và một số mới bắt đầu sự nghiệp cầm
bút của mình, có thể kể đến: Bế Phương Mai (1972), Nông Thị Tô Hường
(1978), Nông Văn Lập, Đinh Thị Mai Lan (1979), Vi Thùy Linh (1980),
Hoàng Chiến Thắng (1980), Phạm Văn Vũ (1982), Ngô Bá Hòa (1985)
1.3.2.2. Ba xu hướng biến đổi của thơ Tày từ 1945 đến nay
- Xu hướng truyền thống: Ở xu hướng này, đầu tiên cần chú ý đặc biệt
tới các nhà thơ thuộc thế hệ thứ nhất. Những tác giả này có sự gần gũi với
những người cách mạng, những văn nghệ sĩ cách mạng và được họ dìu dắt
cả trên con đường đấu tranh lẫn con đường sáng tạo nghệ thuật buổi đầu.
Những sáng tác thời kỳ này mang nét hồn nhiên, chân thành, thô mộc của
những người miền núi lần đầu tiên được tiếp xúc với những điều mới mẻ
của miền xuôi. Ta thấy được cái phong cách truyền thống đậm nét trong
những sáng tác của Hoàng Văn Thụ, Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu,
Nông Viết Toại, Ma Trường Nguyên Có thể thấy, qua thơ họ truyền
thống của văn học dân gian Tày được kế thừa một cách xuất sắc.
- Xu hướng dân tộc và hiện đại: tiêu biểu có Y Phương, Mai Liễu,
8
Dương Thuấn, Dương Khâu Luông thế hệ trẻ có Nông Thị Tô Hường,
Hoàng Chiến Thắng, Phạm Văn Vũ… Trong thơ của họ, ảnh hưởng của
văn hóa Tày rất rõ, họ ý thức được vai trò của nguồn cội, truyền thống
trong sáng tạo nghệ thuật và thiên chức cao cả của những người cầm bút,
và thường lấy cảm hứng sáng tác từ những tiết tấu trong cuộc sống đời
thường của con người miền núi.
- Xu hướng hiện đại hóa: Xu hướng hiện đại hóa bao gồm sáng tác của
các tác giả thực sự vươn tới sự đổi mới trên tinh thần thời đại, mang yếu tố
hiện đại, không mang ảnh hưởng sâu đậm của văn học dân gian Tày. Nhiều
khi chúng ta khó nhận ra dấu ấn Tày trong đó, có thể kể đến Bế Thành
Long, Triều Ân, Nông Thị Ngọc Hòa (trong giai đoạn sau của sự nghiệp
sáng tác), Hoàng Kim Dung, Vi Thuỳ Linh… Trong thơ họ cách diễn tả,

nguồn cảm hứng, cách tư duy đã bắt đầu có sự thay đổi rõ. Xu hướng hiện
đại hóa dường như là một sự phát triển tất yếu của thơ ca Tày nói riêng và
văn học, văn hóa các dân tộc.
Chương 2
HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG
TRONG THƠ DÂN TỘC TÀY TỪ 1945 ĐẾN NAY
2.1. Hai giai đoạn phát triển của thơ dân tộc Tày sau 1945
Từ 1945 đến 1975, thơ dân tộc Tày hình thành và phát triển trên cái nền
của hiện thực nhiều biến động - đó là cuộc kháng chiến của dân tộc, cùng
với đó là sự quan sát học hỏi từ một nền thơ nhiều thành tựu (trong tương
quan với thơ của các tác giả miền xuôi). Giai đoạn này, thơ dân tộc Tày chủ
yếu viết về những cảm nhận của đồng bào miền núi khi có ánh sáng Đảng
soi đường, sự thức tỉnh của những người giác ngộ cách mạng và cái anh
dũng quật cường của con người trong chiến đấu chống giặc: Tiếng ca
người Việt Bắc, Đèo gió của Nông Quốc Chấn, Cưa khửn đông (Muối lên
rừng) của Nông Minh Châu, Đét chang nâư (Nắng ban trưa) của Nông
Viết Toại, Nắng ngàn, Bốn mùa hoa… của Triều Ân.
- Nếu như giai đoạn 1945-1975, thơ Tày có sự tập trung cao, tất cả
hướng về cuộc sống và chiến đấu của người miền núi thì sau 1975, sự phân
hóa phức tạp dần bộc lộ rõ. Giai đoạn từ 1975 đến nay thơ dân tộc Tày có
những chuyển biến mạnh mẽ không chỉ đội ngũ sáng tác mà còn có những
9
phát triển vượt bậc về chất lượng những tác phẩm. Có thể kể đến Cỏ may,
Ở nguồn của Bế Thành Long; Tiếng hát tháng Giêng, Lời chúc, Chín
tháng của Y Phương; Tiếng lá rừng gọi đôi, Câu hát vắt qua vai, Bắc cầu
vồng thăm nhau của Ma Trường Nguyên; Tìm tuổi, Giấc mơ của núi, Đầu
nguồn mây trắng của Mai Liễu; Đi tìm bóng núi, Đi ngược mặt trời, Hát
với sông Năng của Dương Thuấn; Tương tư, Núi và hòn đá lẻ của Lương
Định; Trăng sáng trên non, Ngọn lửa rừng của Triệu Lam Châu; Trước
gương, Lời của lá, Con đường cho mây đi của Nông Thị Ngọc Hòa rồi thế

hệ trẻ hơn có Dương Khâu Luông với Gọi bò về chuồng, Dám kha cần
ngám điếp, Bản mùa cốm, Co nghịu hưa cần, Lửa ấm bản Hon; Tạ Thu
Huyền với Đầy vơi; Đinh Thị Mai Lan với Tiếng đàn đêm; Bế Phương Mai
với Bài thơ cho cha…
2.2. Đời sống và tâm thế con người dân tộc Tày
2.2.1. Quê hương
- Hình ảnh thiên nhiên trong thơ của các nhà thơ dân tộc Tày nói riêng
và thơ dân tộc thiểu số nói chung hầu hết đều khai thác nét đẹp của những
núi rừng, những dòng sông, dòng thác đổ nghiêng trời hay đèo cao, núi
sâu. Nhưng từ những điểm chung đó, mỗi tác giả lại tìm ra một cách truyền
tải mới lạ để thể hiện cách cảm của riêng mình: Mùa thu dưới lũng - Lương
Định, Về Cao Bằng - Đinh Thị Mai Lan, Tản mạn sông Lô - Mai Liễu
Không chỉ tự hào về những cảnh sắc quê hương, địa danh lịch sử với
núi non hùng vĩ, tươi đẹp… mà thơ dân tộc Tày còn bộc lộ niềm yêu mến,
tự hào bởi đó là miền đất với những con người và phong tục tập quán đặc
sắc. Những nét đẹp ấy đi vào trong thơ với những hình ảnh chân thực,
phong phú, sinh động, cụ thể; gửi gắm qua đó niềm tự hào về đời sống tinh
thần giàu có, ấm áp nghĩa tình của những con người xứ núi. Chính nội
dung này đã góp phần quan trọng trong việc làm nên giá trị độc đáo, đặc
sắc riêng cho những tác phẩm thơ của họ: sự sẻ chia, gắn bó của người Tày
trong Cái bờ ruộng, Của Pang - Dương Khâu Luông, tục ở rể trong thơ
Dương Thuấn, tục kết tồng (kết nghĩa anh em) trong Kết tồng ngày nay -
Nông Minh Châu, hội Lồng tồng trong thơ Nông Thị Ngọc Hòa, tục hát
lượn trong Câu hát chia tay - Ma Phương Tân
Trong thơ những tác giả thuộc thế hệ thứ hai, ba của thơ dân tộc Tày như
Y Phương, Mai Liễu, Ma Trường Nguyên, Lương Định, Triệu Lam Châu,
Dương Thuấn người đọc thấy được những ý thức rất rõ về từng chặng đường
10
mà họ đã đi qua, đã sống, đã yêu thương và trang trải những món nợ với quê
hương mình. Những triết lý trong thơ của họ dường như cũng song hành cùng

với quá trình ấy, đó là: sự ra đi, sự trải nghiệm và sự trở về. Y Phương với
Thất tàng lồm, Mai Liễu với Đầu nguồn mây trắng, Lương Định với Núi và
hòn đá lẻ, Ma Trường Nguyên với Tiếng lá rừng gọi đôi rồi thời điểm hiện
tại, Lửa ấm bản Hon (2012) của Dương Khâu Luông với Tiếng quay sa của
mẹ, Con đường nối bản, Người miền núi, Tiếng chim cũng vẫn nằm trong
một mạch cảm xúc - đó là sự đối lập giữa hai cuộc sống, phố phường thị
thành sầm uất và bản làng quê hương bình dị.
Không phải ngẫu nhiên mà thơ của các nhà thơ dân tộc Tày bên cạnh
những tác phẩm viết về sự hòa nhập văn hóa nơi đồng bằng, thị thành là
việc xuất hiện nhiều phong tục tập quán, nhiều nét đẹp văn hóa truyền
thống và nhiều địa danh quê hương, không chỉ với tư cách là những tên
riêng, cái cớ bộc lộ cảm xúc mà mang ý nghĩa của cội nguồn nuôi dưỡng,
một chiều sâu nhân bản: quê hương là điểm xuất phát ra đi, cũng là điểm
tìm về để sống hết mình và để khẳng định giá trị nhân cách con người.
2.2.2. Con người
2.2.2.1. Người mẹ vùng cao
Nhiều tác giả thơ dân tộc Tày dành những trang thơ hay nhất, sâu lắng
nhất cho người mẹ, đầu tiên là bộc lộ tình yêu thương, kính trọng vô bờ bến
của mình: Mẹ/ Người bạn đầu tiên của tôi/ Kho báu đầu tiên của tôi (Y
Phương). Khi đi xa, hình ảnh người mẹ luôn hiện lên đầu tiên trong nỗi nhớ.
Thơ nhiều tác giả chủ yếu khai thác người mẹ ở khía cạnh đời thường nhưng
từ đó tạo được nhiều liên tưởng sâu sắc: Gọi vía - Mai Liễu, Bà mẹ xứ mây -
Dương Thuấn
Hình ảnh người mẹ trong thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay chủ yếu
hiện lên với những đặc điểm tâm hồn, tính cách vùng cao; cả những hành
động, lời nói và cách yêu thương con cái cũng đậm sắc thái dân tộc. Ở các
tác phẩm văn học mang tính sử thi, hình ảnh người mẹ thường được khắc
họa trong cảm hứng về số phận chung của dân tộc. Thơ của các nhà thơ
dân tộc Tày cũng nằm trong mạch cảm xúc đó nhưng vẫn nhận ra những
nét khác biệt, đó là hình ảnh người mẹ vùng cao lam lũ được nhắc đến

nhiều như là sự trở lại với những con người không tên tuổi, nhưng cuộc
đời của họ mãi mãi đọng lại trong tâm hồn mọi niềm cảm thương, sự kính
trọng, lòng yêu thương vô bờ pha lẫn chút xót xa.
11
2.2.2.2. Người lính áo chàm
Những anh bộ đội áo chàm - nét độc đáo riêng của thơ dân tộc Tày
được khắc họa giản dị. Nếu trước 1975, cảm hứng sử thi - ngợi ca là chủ
đạo, thì sau năm 1975 văn học bước sang một thời kỳ mới - thơ dân tộc
Tày bắt đầu có những đổi thay. Vẫn tiếp nối mạch cảm xúc cũ nhưng thơ
viết về người lính, chiến tranh mang dư vị khác trước. Cảm hứng trữ tình
chuyển từ sự tự hào, ngợi ca sang suy tư, chiêm nghiệm; bởi thế cái hào
sảng, hùng tráng nhường chỗ cho sự bình dị, mộc mạc.
Người lính không còn được khai thác nhiều ở tư thế: Gió bão ta không
sợ/ Sấm sét ta không lùi mà trở về với cái thật nhất trong suy nghĩ mỗi
cá nhân. Họ không ngại nói đến sự hi sinh của những người chiến sĩ (Hoa
súng đỏ - Ma Trường Nguyên, Nghĩ về những tấm Huân chương - Nông Thị
Ngọc Hòa), nỗi đau nỗi đau vì hậu họa dai dẳng của chiến tranh (Hạnh
phúc không bình an - Lộc Bích Kiệm, Bốn em bé ở Bắc Ninh - Dương
Thuấn, Đứa con của chiến tranh - Hoàng Chiến Thắng ).
2.2.3. Tình yêu
Mỗi nhà thơ đem đến một tiếng nói mới mẻ riêng trong đề tài tưởng như
quá quen thuộc này. Tình yêu trong thơ Triều Ân thường trực nhất ở trạng thái
hạnh phúc tràn đầy: Băn khoăn, Trái tim , thơ tình yêu của Y Phương lại là
hình ảnh của những đôi trai gái yêu nhau, đậm chất miền núi trong cái hạnh
phúc thơ ngây của dân tộc mình: Để rồi sáng sớm trong rừng/ Lá rụng/ Hoa
rụng/ Quả rụng/ Chim chóc cáo chồn ngơ ngác/ Suối chở đầy hương thơm
nhàu nát…
Đội ngũ các nhà thơ dân tộc Tày có khá nhiều gương mặt nữ. Thơ
tình của Nông Thị Ngọc Hòa, Hoàng Kim Dung, Đinh Thị Mai Lan
phần nhiều gặp nhau ở một điểm là sự thể hiện cái thiên tính nữ, đằm

thắm và trong trẻo
Trong đề tài tình yêu của thơ dân tộc Tày, hình ảnh người phụ nữ luôn
ở vị trí trung tâm. Dù mất mát, tan vỡ hay có được hạnh phúc vĩnh viễn,
người phụ nữ luôn là cứu cánh của cuộc sống, là khởi nguồn cho tình yêu,
cho cuộc sống. Thơ dân tộc Tày đặc biệt đề cao, ngợi ca người phụ nữ.
Khác với cách nói của người miền xuôi, thơ dân tộc Tày có những so sánh
rất đặc trưng.
Một điều hiển nhiên là đề tài tình yêu không bao giờ là mới nhưng nó
vẫn dành được sự ưu ái không thể phủ nhận của tất cả mọi nhà thơ. Thơ
12
dân tộc Tày từ những bài dân ca, phuối pác, phong slư hàng thế kỷ nay đã
nói đến tình yêu. Các nhà thơ thời kỳ hiện đại vẫn tiếp tục khai thác đề tài
vô tận ấy bằng một cái nhìn mới, cách tư duy mới. Thơ tình yêu của nhiều
tác giả Tày độc đáo bởi những liên tưởng thú vị, đậm chất dân tộc: Bất ngờ/
Em đổ vào tôi/ Củi mục cành khô lại xanh chồi/ Hòn đá vỡ mọc lên cây
nghiến” (Y Phương), hay Em muốn ngủ bên anh như rễ cây trong đất (Vi
Thùy Linh) cách nói ấy là của người dân miền núi. Chỉ có người miền núi
mới nói: rễ cây ngắn, rễ người dài, mặt trời rơi, mặt trăng rơi, rượu vào
mồm - mồm giòn, trâu khỏe vai - ngựa khỏe lưng - đàn bà khỏe da khỏe
bụng… Thơ dân tộc Tày là một minh chứng sinh động và giàu xúc cảm về
tâm hồn và tính cách người miền núi, và nói như cách của Dêgơcx, chừng
nào tâm hồn một con người còn cần đến với một tâm hồn khác, chừng đó
tác phẩm nghệ thuật còn cần thiết cho con người.
Chương 3
CÁC PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT CƠ BẢN
CỦA THƠ DÂN TỘC TÀY TỪ 1945 ĐẾN NAY
3.1. Sự đan xen thể loại
Thể loại của văn học dân tộc Tày có những điểm chung, điểm riêng so với
tiến trình phát triển của thể loại văn học Việt Nam. Trước năm 1957, thơ là
thể loại duy nhất, các thể thơ thường theo lối dân ca truyền thống, có sự đổi

mới nhưng ít tạo được sự chú ý. Giai đoạn đầu thơ dân tộc thiểu số nói chung
vẫn chịu ảnh hưởng đậm của các thể thơ dân gian (sli của người Nùng, lượn
của người Tày, xường, rang của người Mường, khắp của người Thái, dung
của người Dao ).
Thơ dân tộc Tày giai đoạn đầu phổ biến là những thể thơ theo lối cũ, 7
chữ, 8 chữ hoặc 4 dòng 1 bài, theo các làn điệu sli, lượn, và chủ yếu là theo
phương thức tự sự, kể chuyện, miêu tả, tâm tình. Tác phẩm đầu tiên có ý
thức vươn lên đổi mới là Dọn về làng (Nông Quốc Chấn).
Trong thơ của các tác giả dân tộc Tày có một sự thể nghiệm (ráo riết) tất
cả những thể loại sẵn có, càng về giai đoạn sau thì những biến đổi càng trở
nên bức thiết. Các nhà thơ thuộc thế hệ đầu và thế hệ thứ hai như Nông
Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Triều Ân đa phần trung thành với các cấu
trúc truyền thống, lối kết cấu dài mang tính tự sự kết hợp trữ tình.
13
Sự vận động từ lối trần thuật, phô diễn, kể tả đến lối viết chắt lọc chi tiết,
cô đọng, súc tích là một bước tiến với ý thức chủ động mạnh mẽ của nhiều
nhà thơ hiện đại dân tộc Tày (Y Phương với Tiếng hát tháng Giêng (1987),
Dương Thuấn với Đêm bên sông yên lặng (2004)… rồi những nhà thơ sau
này như Dương Khâu Luông, Đinh Thị Mai Lan, Bế Phương Mai, Nông
Thị Tô Hường, Hoàng Chiến Thắng…
Trong nỗ lực đổi mới các thể thơ cũ, các tác giả dân tộc Tày cũng tìm
đến thơ tự do như một lựa chọn tất yếu trong quá trình vận động văn học
(Y Phương, Mai Liễu, Hà Lâm Kỳ, Dương Thuấn, Ma Phương Tân…).
Các nhà thơ dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Tày nói riêng cũng
tìm đến lục bát như một sự thử sức. Thơ dân tộc Tày cũng có nhiều nhà
thơ thành công với thể lục bát nhưng đa phần khai thác âm điệu thiết tha
và giàu hình ảnh.
Bên cạnh xu hướng dung lượng bài thơ ngắn lại, trường ca xuất hiện như
một nỗ lực đáng ghi nhận. Bắt đầu với Nông Quốc Chấn (Cần Phja Bjooc -
Người núi Hoa), Nông Minh Châu (Cưa khửn đông - Muối lên rừng) tiếp

đến là Ma Trường Nguyên (Mát xanh rừng cọ), Y Phương (Chín tháng, Đò
trăng), Dương Thuấn (Mười bảy khúc đảo ca), Nông Thị Ngọc Hòa (Nước
hồ mãi trong xanh), Nông Thị Tô Hường (Hằn sâu trên đá), Hoàng Chiến
Thắng (Lời đá núi)
Trong những trường ca của dân tộc Tày, có tác giả kết cấu dựa vào một
cốt truyện cụ thể, có tác giả lại triển khai trên một hệ thống sự kiện Có thể
thấy, một số trường ca của dân tộc Tày chưa thực sự nổi bật. Kết cấu hoàn
chỉnh, cốt truyện rõ ràng, chủ đề thường được kết cấu thành từng chương,
mạch lạc, âm hưởng ngợi ca chủ đạo và bút pháp trữ tình - tự sự kết hợp
hài hòa tất cả những đặc điểm ấy khiến trường ca của dân tộc Tày dừng
lại ở mức độ “làm tròn vai” trong quá trình vươn tới cái đích của trường ca
là tái hiện được những sự kiện, những vấn đề liên quan tới vận mệnh của
một cộng đồng, một dân tộc, trong một thời gian và không gian rộng lớn.
3.2. Sự đa dạng của ngôn ngữ và giọng điệu thơ
3.2.1. Ngôn ngữ
Vấn đề sáng tác bằng tiếng dân tộc: Trong sáng tác của bốn thế hệ nhà
thơ Tày, dấu ấn về những sáng tác bằng tiếng dân tộc có những thay đổi
trong từng giai đoạn. Giai đoạn đầu là sự học hỏi cách nói, cách viết của
người miền xuôi, tuy nhiên vẫn giữ được nét độc đáo của những sáng tác
14
tiếng Tày. Một phần cũng là do họ chưa thành thạo trong việc sử dụng
tiếng Việt khi diễn tả cảm xúc. Nông Quốc Chấn sáng tác thành công ở cả
hai ngôn ngữ. Ông là một trong số ít người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang
tiếng dân tộc (tác phẩm Mười điều kháng chiến), sau đó là những tập thơ
tiếng Tày rất thành công: Cần Phja Bjoóc (Người Núi Hoa), Dám kha Pác
Bó (Bước chân Pác Bó)… Nông Viết Toại với Rại roá vít pây - Điều xấu
bỏ qua (1956), Kin ngay phuối khát - Ăn ngay nói thẳng (1971), Đét
chang nâư - Nắng ban trưa (1976) và sau này là Ngoảc đếnh - Ngoảnh lại
nhìn (2006). Thế hệ thứ hai và thứ ba có thể kể đến những tác giả sáng tác
bằng tiếng Tày như: Y Phương, Dương Thuấn, Ma Trường Nguyên,

Hoàng Kim Dung, Dương Khâu Luông, Nông Thị Tô Hường… với
những tập thơ được đánh giá cao: Lục pjạ hết lúa, Trăng Mã Pí lèng, Slíp
nhỉ tua khoăn của Dương Thuấn, Thất tàng lồm - Ngược gió của Y
Phương, Cằm bâư ngản rọong tói - Tiếng lá rừng gọi đôi của Ma Trường
Nguyên, Co nghịu hưa cần - Cây gạo giúp người, Dám kha cần ngám
điếp - Bước chân người đang yêu của Dương Khâu Luông, Tềnh pù -
Trên núi của Nông Thị Tô Hường…
Từ 1945 đến nay, ngôn ngữ thơ dân tộc Tày tồn tại song song nhiều
phong cách, có sự giản dị, tự nhiên, mộc mạc, trong sáng, thuần khiết,
giọng điệu bộc bạch chân tình, nhưng cũng có những ngôn ngữ được chọn
lọc kỹ lưỡng, tạo được những ẩn ngữ, giàu màu sắc triết lý. So với các dân
tộc thiểu số khác, dân tộc Tày bởi có đội ngũ sung sức hơn, tác phẩm nhiều
hơn và trong đó có một số tác giả có phong cách độc đáo, vì thế tạo thành
một diện mạo tương đối phong phú cho thơ dân tộc Tày nói chung và
mang đến những cách thể hiện nhiều tìm tòi, khám phá.
Cùng với phong slư, người Tày còn có một hình thức giao lưu ngôn
ngữ bước đầu có mang sắc thái thẩm mỹ là phuối pác (còn gọi là phuối rọi),
một kiểu nói có vần trong giao lưu nam - nữ hàng ngày, hoặc trong các sinh
hoạt lễ hội của cộng đồng. Lối nói vần này có ảnh hưởng sâu sắc đến cách
viết của các nhà thơ hiện đại. Trong thơ Tày hiện đại ta thường xuyên bắt gặp
lối “nói thơ” một cách rất tự nhiên (thơ Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu,
Nông Viết Toại).
Trong thơ của các tác giả dân tộc Tày đôi khi vẫn chú trọng vào nội
dung, ý tứ được thể hiện là gì, nhiều khi chưa đề cao cách thể hiện. Có thể
thấy, sự quan tâm của thơ Triều Ân, Triệu Đức Xuân, Ma Phương Tân,
15
Nông Thị Ngọc Hòa, Hoàng Kim Dung, Hoàng Diệu Tuyết thiên về cái
được biểu đạt chứ không phải là cái biểu đạt. Điều này dẫn đến một xu
hướng nổi trội trong thơ họ là ngôn từ mang tính chất kể rất rõ. Ở xu
hướng khác, ta thấy thơ Mai Liễu, Bế Thành Long, Y Phương, Lương

Định, Nông Thị Tô Hường, Phạm Văn Vũ có những biến đổi linh hoạt
hơn trong ngôn từ.
3.2.2. Giọng điệu
Maiacovsky từng khẳng định nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng
cơ bản của câu thơ. Câu thơ và vần có một cái duyên mà thậm chí khi lời, ý
dở, nhà thơ vẫn quyến rũ người nghe bằng nhịp điệu và sự cân đối (Isokrate).
Thơ Mai Liễu, Dương Thuấn, Ma Trường Nguyên thường có giọng thủ thỉ
tâm tình khi kể chuyện. Thơ Y Phương, Lương Định thường trầm, sâu bởi
chất giọng triết lý; trong khi đó một số tác giả nữ lại có xu hướng thể hiện
thiên tính đằm thắm như Nông Thị Ngọc Hòa, Hoàng Kim Dung, Tạ Thu
Huyền, Nông Thị Tô Hường
Có thể thấy, những vận động rất sớm cách đây hơn nửa thế kỷ đã chứng
tỏ những thành công không thể phủ nhận của thơ dân tộc Tày với sự phong
phú về thể loại, từ lối cũ đến những thể nghiệm mới, từ những bài thơ nhỏ
đển thể loại dài hơi như trường ca; sự đa dạng của ngôn ngữ, giọng điệu: từ
sự giản dị, mộc mạc đặc trưng đến những cách tân mới mẻ Dù có lúc ghi
được dấu ấn mạnh, có lúc chỉ là sự thử nghiệm chưa tới nhưng điều cần
khẳng định là sự độc đáo và nổi bật của thơ dân tộc Tày so với các dân tộc
thiểu số khác một phần bởi sự linh hoạt và những nỗ lực đổi mới của cả
bốn thế hệ tác giả trong tìm tòi về hình thức biểu đạt.
3.3. Một số biểu tượng thơ tiêu biểu
3.3.1. Biểu tượng thơ
Khi khảo sát tác phẩm thơ ca, tìm hiểu ý nghĩa của những biểu tượng là
công việc quan trọng. Nó giúp nhận rõ hơn cái thông điệp được gửi gắm,
giúp khám phá ra cái thế giới tinh thần ngầm ẩn bên trong, những trầm tích
văn hóa Khác với biểu tượng văn hóa, biểu tượng thơ được cấu tạo lại
thông qua tín hiệu nghệ thuật, chính là ngôn từ. Lúc này, ở trong một văn
bản ngôn từ/ một tác phẩm thơ, biểu tượng văn hóa sẽ đóng vai trò là “mẫu
gốc” để từ đó làm phong phú hơn các ý nghĩa cho biểu tượng thơ - ý nghĩa
đặc trưng của biểu tượng văn hóa được lưu giữ và ý nghĩa phái sinh sau khi

được tri nhận.
16
Trong một “kho tàng” đồ sộ và phong phú các biểu tượng văn hóa của
dân tộc Tày như thế, chúng tôi chọn ra một số biểu tượng tiêu biểu: Mẹ
Hoa, lúa, đàn tính, ngựa. Khảo sát quá trình phát triển và biến đổi của
những biểu tượng đó trong thơ ca Tày thời kỳ hiện đại để từ đó thấy được sự
tiếp thu và kế thừa văn hóa như thế nào trước sự “xâm lăng” của văn minh
hiện đại.
3.3.2. Hệ thống biểu tượng trong thơ Tày từ 1945 đến nay
3.3.2.1.Biểu tượng Mẹ Hoa
Mẹ Hoa trong quan niệm của người Tày là vị thần bản mệnh, chăm sóc
thế giới tinh thần cho con người. Mẹ Hoa có quyền ban phát hoa để sinh ra
con trai, con gái. Trải qua một thời gian dài, đến nay tục thờ mẹ Hoa vẫn
được người Tày duy trì và mẹ Hoa đã trở thành một biểu tượng mang những
ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần dân tộc Tày.
Qua sáng tác các nhà thơ dân tộc Tày, ý thức hướng về nguồn cội được
thể hiện rất rõ. Biểu tượng mẹ Hoa xuất hiện như là một sự trở về nguồn,
tìm về lưu giữ bản sắc dân tộc Tày quê mình với niềm tự hào, trân trọng và
đề cao. Tuy nhiên, cái tính chất ứng biến linh hoạt của văn hóa cũng được
thể hiện song hành. Biểu tượng mẹ Hoa vẫn mang ý nghĩa vốn có trong tín
ngưỡng dân gian, tuy nhiên sắc thái thể hiện đã khác đi. Mẹ Hoa vẫn là
một vị thần có sức mạnh vô song, khiến người Tày ngưỡng mộ, thần thánh
nhưng lại đi vào cuộc sống thực tại một cách hồn nhiên, dung dị (tiêu biểu
qua sáng tác của Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn, Hoàng
Chiến Thắng…)
3.3.2.2. Biểu tượng lúa
Biểu tượng lúa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa người Tày.
Trong thơ Tày hiện đại, lúa cũng xuất hiện với nhiều tầng ý nghĩa: là ẩn dụ
cho cuộc sống khó nhọc của con người; là người bạn gần gũi sẻ chia tình
cảm, là sự sống sung túc của con người, là biểu tượng của tình yêu, hạnh

phúc, và cao hơn hết là biểu tượng của sự vĩnh hằng, của cái đẹp sánh ngang
với vũ trụ, đất trời
Có thể thấy, biểu tượng lúa - một biểu tượng xuất phát từ hình ảnh thực
trong cuộc sống giản dị của con người nhưng lại mang đến những ý nghĩa
thiêng liêng, cao quý. Với dân tộc Tày, cây lúa trở thành biểu tượng riêng
bởi nó bắt nguồn từ quan niệm đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Người Tày
có câu: Síp lạo pây puôn pản/ Bấu tấng lạo chuối đin (Mười người đi
17
buôn không bằng một người cày đất) thể hiện sự đề cao công việc cày
cấy. Có quan điểm giải thích về tộc danh Tày bắt nguồn từ cách nêu đặc
điểm của nhóm người chuyên nghề cày ruộng, làm lúa nước, nông cụ tiêu
biểu là chiếc cày. Trong tiếng Tày - Thái cổ cày gọi là Mạc Thay hay
Thây rồi biến âm thành Tày và Thái, bằng dụng ý rõ ràng hơn khi người
Tày được gọi là Cần Nà - người cày ruộng. Người Tày nói chung đều tự
nhận là Cần Tày, bởi vậy, cây lúa cùng việc cấy cày có một ý nghĩa đặc
biệt thiêng liêng.
3.3.2.3. Biểu tượng đàn tính
Cây đàn tính (còn gọi là tính then, đàn then) chiếm một vị trí quan
trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Tày. Đàn tính được dùng
đệm hát trong các nghi lễ Then, là nguồn khải lực để Then thoát hồn, thông
quan với các loại thần linh.
Các sáng tác dân gian dân tộc Tày nhắc nhiều đến cây đàn tính như một
biểu tượng không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Biểu
tượng đàn tính trong đời sống tinh thần, trong văn học dân gian của
người Tày thống nhất ở ý nghĩa biểu đạt. Đó là cây đàn mang đến sức
mạnh tinh thần cho con người, gắn kết tâm hồn của những con người
trong một cộng đồng. Thơ Tày hiện đại vẫn bảo lưu ý nghĩa ấy. Các nhà
thơ dùng những hình ảnh đẹp nhất, sáng tạo nhất để diễn tả sức mạnh âm
thanh cây đàn tính.
Một điểm đặc biệt là những sáng tác của thơ Tày hiện đại chú ý đến sự

xuất hiện song hành cặp đôi đàn tính - hát then, điều này rất hiếm thấy
trong những sáng tác dân gian. Cây đàn tính cùng với chùm xóc nhạc, quạt
giấy là dụng cụ không thể thiếu trong nghi lễ then. Khi cây đàn tính với
câu hát then xuất hiện cùng nhau - một chỉnh thể hoàn hảo được tạo lập thì
mọi sức mạnh được quy tụ lại. Trong thơ Tày hiện đại, cặp biểu tượng đàn
tính - hát then mang đến những ý nghĩa mới, tầng bậc mới. Đấy là niềm vui
của bản làng, là lời ước hẹn thề nguyền bền chặt, là tình yêu, hạnh phúc
3.3.2.4. Biểu tượng ngựa
Với người Tày nói riêng và người miền núi nói chung, con ngựa được
nhắc tới nhiều trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong đời sống
văn hóa tinh thần. Giai đoạn hiện đại, ngựa xuất hiện trong những sáng tác
thơ ca đôi lúc vẫn với ý nghĩa quen thuộc, nhưng các tầng nghĩa được thay
đổi một cách đáng kể.
18
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy biểu tượng ngựa trong thơ ca Tày
hiện đại xuất hiện đậm đặc, biểu đạt bốn lớp nghĩa chính. Đầu tiên, ngựa
tượng trưng cho cái đẹp, oai hùng, cái kỳ vĩ. Cái hay, cái đáng nói hơn cả
là những chú ngựa với sức mạnh phi thường, những con ngựa hoang của
đại ngàn chất chứa nhiều khát vọng. Ở lớp nghĩa thứ hai, ngựa xuất hiện khi
thể hiện sự đồng cảm với con người, ngựa là một người bạn gắn bó, ngựa
mang tâm trạng con người, ẩn dụ cho một cuộc sống khác (khi còn áp
bức, khổ đau; khi đất nước được giải phóng ). Ở lớp nghĩa thứ ba, ngựa
là biểu tượng của những khát vọng con người. Ý nghĩa biểu đạt thứ tư,
ngựa là nỗi đau của con người. Đây là một lớp nghĩa đặc biệt. Nó khác
với ý nghĩa vốn có của biểu tượng ngựa cũng như các lớp nghĩa xuất hiện
trong văn hóa/ văn học dân gian Tày. Có thể thấy, con ngựa trong sáng
tác dân gian thiên nhiều về biểu thị đời sống vật chất, sang giai đoạn thơ
hiện đại, con ngựa là hiện thân của một thế giới tinh thần kỳ vĩ, của những
ước vọng lớn lao, của những niềm khát khao vô biên, thậm chí được nâng
đến mức thần thánh.

- Ngoài ra, ở những mức độ khác nhau mỗi nhà thơ dân tộc Tày còn có
những biểu tượng đặc thù, phù hợp với cá tính, phong cách riêng của mình
như núi, sông, suối, đá, lửa nhưng luận án chỉ tập trung vào một số biểu
tượng nổi bật nhất, mang nhiều ý nghĩa thường xuất hiện trong thơ dân tộc
Tày để khảo sát.
3.3.3. Nhận xét
- Biểu tượng - sức sống văn hóa dân tộc: Một trong những biểu hiện cụ
thể của sự kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc là sự tìm về những khởi
nguyên - cội nguồn, những biểu tượng ăn sâu vào tâm thức con người dân
tộc, và tiếp thu sáng tạo từ mạch nguồn lâu bền ấy. Những biểu tượng như
Mẹ Hoa, lúa, đàn tính, ngựa… đã được tiếp nối một cách sáng tạo trong thơ
Tày hiện đại, đem đến những ý nghĩa mới mẻ, thể hiện được cái “khí
thiêng sông núi”, đồng thời giúp hiểu thêm về sự kế thừa truyền thống, ý
thức gìn giữ văn hóa dân tộc của mỗi nhà thơ.
- Sự biến đổi của ý nghĩa biểu tượng trong thơ Tày từ 1945 đến nay:
Qua khảo sát, có thể thấy hai xu hướng biến đổi biểu tượng được thấy rõ rệt
nhất, đó là xu hướng thần thánh hóa (biểu tượng lúa, đàn tính - hát then); xu
hướng “giải thiêng” (biểu tượng Mẹ Hoa) nhưng không mất đi ý nghĩa cao
đẹp vốn có. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi này, đó là sự biến
19
đổi của tư duy, ảnh hưởng của cuộc sống ngày một phức tạp và rộng mở, từ
đó biểu tượng lại mang đến những ý nghĩa mới mẻ. Hệ thống biểu tượng
trong thơ ca Tày hiện đại có sự mở rộng trường liên tưởng rất lớn.
Khảo sát trong thơ một số tác giả trẻ như Vi Thuỳ Linh, Nông Thị Tô
Hường… cho thấy một điều khá rõ, biểu tượng cũng tồn tại hai xu hướng
hình thành và phát triển song song. Xu hướng rõ nhất là thay đổi theo chiều
hướng mờ dần ý nghĩa, những biểu tượng Mẹ Hoa, lúa, đàn tính, con
ngựa… rất hiếm khi xuất hiện; xu hướng thứ hai là những biểu tượng ấy
vẫn được tiếp tục nhưng sự bồi đắp lớp nghĩa mới rất ít…
Chương 4

MỘT SỐ PHONG CÁCH SÁNG TẠO
TRONG THƠ DÂN TỘC TÀY TỪ 1945 ĐẾN NAY
Trong đội ngũ đông đảo các nhà thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay,
Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn là ba phong cách độc đáo có
khả năng đại diện cho thành tựu bề thế của thơ dân tộc Tày tính đến thời
điểm hiện tại. Chúng tôi lựa chọn nghiên cứu ba phong cách thơ Nông
Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn, thứ nhất vì đó là những tác giả đạt
được thành tựu tiêu biểu, nổi trội; sức viết bền bỉ và những đổi mới không
ngừng trên hành trình sáng tạo; thứ hai, phong cách thơ của ba tác giả này
có sự ảnh hưởng lớn đối với thế hệ sau.
4.1. Thơ Nông Quốc Chấn - sự kết hợp truyền thống và tinh thần
thời đại
Là người dân tộc thiểu số

đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Việt Bắc
vào thi ca

”, Nông Quốc Chấn được xem là “cánh chim đầu đàn của
những người làm văn học cách mạng của các dân tộc thiểu số. Tuy những
bài thơ đầu tiên là thơ tình nhưng đặc điểm nổi bật nhất của thơ Nông
Quốc Chấn là thứ thơ ra đời cùng cuộc kháng chiến, cùng những ngày
gian khổ, do đó, cảm xúc hết sức chân thành kết hợp với bút pháp trữ
tình khiến những tác phẩm của ông đến với đông đảo quần chúng nhân
dân, được đồng bào miền núi yêu mến. Nông Quốc Chấn biết phát hiện
những yếu tố mới lạ bằng một cái nhìn tinh tế mang vẻ hồn nhiên, khỏe
khoắn, vui tươi của người miền núi, của dân tộc Tày quê ông.
Khi cả nước dốc toàn lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, thơ Nông
20
Quốc Chấn có sự thay đổi khá nhiều trong cách thể hiện, với một loạt
những tác phẩm thành công như Người núi Hoa (1958), Tiếng ca người

Việt Bắc (1959), Đèo gió (1968), Bước chân Pác Bó (1971) rồi đến
Dòng thác (1977), Bài thơ Pác Bó (1982), Suối và biển (1984

). Giai
đoạn này thơ Nông Quốc Chấn có sự mở rộng đề tài, thử sức nhiều trong
bút pháp thể hiện và nổi lên những bài thực sự xuất sắc, có thể kể đến
Chiến sĩ và diễn viên, Người Tân Trào, Nhuộm áo, Nhớ
Từ những bài thơ đầu tiên cho đến những bài thơ cuối cùng, một chặng
đường sáng tác 60 năm, ông viết chủ yếu về đề tài cách mạng. Khi viết về
quê hương mình, dân tộc mình, ông vẫn luôn ý thức sâu sắc về mối quan hệ
giữa bản sắc riêng, phong cách riêng trong ngôn ngữ, vần điệu của dân tộc
mình với Tổ quốc Việt Nam trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa và trong toàn
thế giới, Nông Quốc Chấn khẳng định: “Thơ của tôi, thơ của bạn trước sau
vẫn là tiếng nói, tâm hồn của dân tộc mình. Dù có nói tới muôn nghìn việc
mới, dù có tiếp thụ thêm bao nhiêu hình thức mới, dù có được bổ sung thêm
bao nhiêu cây bút mới, thì tiếng nói và tâm hồn thơ của mỗi dân tộc vẫn cứ
cần được giữ lấy chất trong sáng, chân thật của dân tộc mình”.
4.2. Thơ Y Phương – giàu chất trí tuệ
Ba mảng đề tài chính được Y Phương dụng công khai thác là sự tin
yêu, tự hào về con người, quê hương, đất nước; nỗi lòng, ý chí của người
lính chiến đấu xa quê hương và một tình yêu bền bỉ, thiết tha.
Lấy mốc 2001 làm sự phân chia hai giai đoạn sáng tác của Y Phương,
ta sẽ thấy sự thay đổi khá rõ rệt trong cảm hứng. Ban đầu là thơ, trường ca,
rồi đến tản văn. Y Phương viết nhiều đề tài, nhưng thành công nhất là đề
tài chiến tranh - số phận con người - số phận dân tộc. Cũng trong đề tài ấy
ông gói gọn được cả tình quê hương, tình yêu lứa đôi và tình cảm gia đình
một cách sâu sắc nhất. Từ Tiếng hát tháng giêng (1987) đến Thất tàng lồm
- Ngược gió (thơ song ngữ Tày - Việt, 2006), trường ca Đò trăng (2009)
đều nhất quán điều ấy.
Trong thơ Y Phương, những mảng đề tài cũ vẫn xuất hiện nhưng bằng

một cách viết khá hiện đại và đậm chất miền núi, ở đó có sự từng trải trong
cuộc sống, có những cách diễn tả hồn nhiên mà sâu lắng; cách quan sát,
bộc lộ cảm xúc cho thấy một lối tư duy hiện đại, vừa chan hòa vừa chế
ngự, điều khiển được tự nhiên xung quanh của ông. Chính cách viết đến
hiện đại từ truyền thống đã giúp ông tiếp tục có những phát hiện rất hay về
21
dân tộc mình.
4.3. Thơ Dương Thuấn - khát vọng hướng về nguồn cội
Từ những tập thơ đầu tiên Cưỡi ngựa đi săn (1991), Đi tìm bóng núi
(1993) đến Soi bóng vào tôi (2009), Tuyển tập Dương Thuấn (song ngữ,
2010), thơ Dương Thuấn thực hiện một hành trình từ bản Hon đến với phố
phường, đến với thế giới, vẫn một phương châm, một tư duy và một lối
nói: Ta là chàng trai của núi - Chỉ biết hát lời cho quả sai
Thơ Dương Thuấn có sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, hình
ảnh nổi bật nhất là những bà mẹ đậm chất vùng cao, những cô gái xứ mây,
những chàng trai xứ núi “chỉ biết hát lời cho quả sai” Nét độc đáo, vẻ
đẹp đời sống tâm hồn, chiều sâu tâm linh người dân tộc thiểu số được nhà
thơ Dương Thuấn thể hiện giản dị mà sâu sắc. Điều quan trọng phía sau
những ngôn từ, giọng điệu, hình ảnh, Dương Thuấn đã tìm ra được một
giọng nói của riêng mình, như anh từng ấp ủ: Người sinh ra trên núi/ Cầm
dao tự phát lối cho riêng mình… Dương Thuấn đã khéo léo dung hòa giữa
cái truyền thống và hiện đại, giữa cái cách tân và những nét đẹp giản dị.
Dương Thuấn vẫn miệt mài viết và dấn thân, viết cho thế hệ mình, cho
cuộc sống giản dị xung quanh như một sự sẻ chia nỗi lòng, một cách đền
ơn. Trải qua hành trình gần 30 năm sáng tác, Dương Thuấn vẫn giữ trong
mình cái khát khao vừa dung dị vừa thiêng liêng, trọn vẹn nghĩa tình: Đi
đâu rồi cũng trở về/ Nước múc gáo/ Gạo vẫn đong bằng đấu/ Bên bếp mắt
lại nhìn đau đáu/ Đêm dài lửa ấm có em…
Có thể nói, ba tác giả Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn
mang đến cho độc giả ba giọng điệu, ba cách nhìn cuộc sống, họ giống nhau

ở con đường đi (gắn bó với cội rễ văn hoá dân tộc mình), giống nhau ở đích
đến (ấy là những sáng tác dành cho “chín phương bè bạn, mười phương
thương nhớ”). Nông Quốc Chấn với nhiều đề tài phong phú nhưng lúc nào
cũng bộc lộ một cách nhiệt thành niềm tự hào, trân trọng văn hóa dân tộc; Y
Phương viết bằng một khát vọng và niềm tin nhiều như sông như suối,
muốn “đục đá kê cao quê hương” Tày của mình; còn Dương Thuấn lúc nào
cũng đau đáu một khát khao “đi tìm bóng núi” và “hát những lời cho quả
sai”. Qua ba tác giả, độc giả có thể hình dung một phần về diện mạo văn học
Tày cũng như văn học dân tộc thiểu số hiện nay. Ngoài ra, đội ngũ thơ dân
tộc Tày nói riêng và thơ dân tộc thiểu số nói chung còn nhiều tác giả đã và
đang đạt được những thành tựu đáng ghi nhận cho phép chúng ta kì vọng
22
vào một sự phát triển ngày một mạnh mẽ hơn.
23
KẾT LUẬN
1. Việc nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về thơ dân tộc Tày nói
riêng cũng như thơ các dân tộc thiểu số nói chung sẽ góp phần tìm hiểu, soi
sáng một bộ phận văn học trong bức tranh văn học các dân tộc thiểu số
Việt Nam, từ đó có cái nhìn tương đối đầy đủ, toàn diện về những đặc
điểm nổi bật, độc đáo của thơ ca dân tộc Tày trên các bình diện đội ngũ,
nội dung và hình thức nghệ thuật, những phong cách sáng tạo độc đáo.
2. Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay với ba xu hướng biến đổi (xu
hướng truyền thống, xu hướng dân tộc và hiện đại và xu hướng hiện đại
hóa) giúp lý giải cặn kẽ hơn sự ra đi và trở về như một quy luật có ý thức
của nhiều tác giả khi muốn khẳng định vị thế, tầm vóc dân tộc mình.
Cảm hứng sáng tạo của thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay có sự thay đổi
qua hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1945-1975 có sự tập trung cao với
cảm hứng chính là cuộc chiến đấu của đồng bào miền núi, giai đoạn sau
1975 là sự phân hóa phức tạp khiến thơ dân tộc Tày đa sắc màu hơn với ba
cảm hứng chính: quê hương, con người, tình yêu.

3. Ở phương diện nghệ thuật biểu hiện, chúng tôi phân tích những
biểu hiện nghệ thuật của thơ dân tộc Tày trong mối liên hệ biện chứng
giữa kế thừa truyền thống văn học dân gian và sự cách tân đổi mới.
Những biểu tượng mẹ Hoa, đàn tính, lúa, ngựa trong thơ dân tộc Tày từ
1945 đến nay chứng tỏ sức sống của văn hóa dân gian được lưu truyền đậm
nét từ thời kỳ khởi nguyên cho đến thời kỳ hiện đại.
Ở chương cuối cùng của luận án, chúng tôi giới thiệu một cách sâu hơn
về phong cách thơ của ba tác giả Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương
Thuấn. Đây là những tác giả thể hiện thành công một cách có ý thức về vai
trò của nguồn cội, truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật và thiên chức cao
cả của những người cầm bút. Thơ của họ đã lưu giữ, truyền tải văn hóa dân
tộc Tày một cách sáng tạo, độc đáo.
4. Thơ dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại đã và đang đạt được nhiều
thành tựu, việc nghiên cứu từng dân tộc, khu vực sẽ hoàn thiện bức tranh
đa dạng sắc màu trong một chỉnh thể của nền văn học Việt Nam. Bên
cạnh việc chỉ ra những thành tựu cũng như hạn chế là cái nhìn khát quát
24
giữa thành tựu thơ dân tộc Tày với thơ dân tộc thiểu số khác và dân tộc
Kinh để thấy rõ sự độc đáo cũng như vị trí thơ dân tộc Tày và đóng góp
của nó trong thơ Việt Nam hiện đại.
Nếu có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, chúng tôi sẽ tìm hiểu một số vấn
đề còn đang dang dở như sự chi phối của văn hóa vùng tới thơ của từng tác
giả, những gương mặt thơ nữ của thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, nghiên
cứu sâu từng thế hệ để nhận thấy sự biến chuyển mạnh mẽ trong quá trình
vận động của thơ dân tộc Tày trong ảnh hưởng của văn học/văn hóa Kinh
Chọn đề tài này chúng tôi không có tham vọng sẽ giải quyết toàn bộ những
vấn đề liên quan đến thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, bởi do sự hạn chế
về thời gian và tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu. Ngoài ra, sự hạn chế
về trình độ khoa học của người nghiên cứu cũng là một thực tế kh tránh
khỏi. Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ có những công trình tiếp tục nghiên

cứu về thơ dân tộc Tày nói riêng, thơ dân tộc thiểu số nói chung để có cái
nhìn toàn cảnh về một nền văn học còn nhiều vấn đề hứa hẹn chờ người
khai phá; cùng với đó là cách tiếp cận mới khiến đối tượng nghiên cứu có
thể được soi chiếu từ nhiều góc độ, chiều kích.
25

×