Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

skkn giúp học sinh lớp sư tầm và lưu giữ ca dao tục ngữ lưu hành tại địa phương cổ loa thông qua cá hoạt động ngoại khóa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (221.3 KB, 24 trang )

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔNG ANH
PHÒNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Đề tài :
GIÚP HỌC SINH LỚP 7 SƯU TẦM VÀ LƯU GIỮ
CA DAO, TỤC NGỮ LƯU HÀNH Ở ĐỊA PHƯƠNG CỔ LOA
THÔNG QUA CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ
Giáo viên : Đỗ Thị Kim Hoà
Tổ : Xã hội
Đơn vị : Trường THCS Cổ Loa
Năm học 2003 - 2004
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
DÀN Ý
A. Đặt vấn đề:
I. Lý do chọn đề tài:
II. Cơ sở thực tiễn và lý luận:
1. Xuất phát từ mục tiêu của tiết học, mục đích của dạng bài "Chương
trình địa phương"
2. Dựa trên đặc điểm tâm sinh lý và hoàn cảnh học trò.
3. Căn cứ vào thực tế giảng dạy của giáo viên.
III. Phạm vi đề tài và đối tượng khảo sát:
B. Nội dung chính:
I. Nhận xét sơ bộ về thực trạng soạn bài của học sinh:
II. Những biện pháp cụ thể:
1. Giúp học sinh sưu tầm ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương Cổ Loa.
a. Xác định nguồn sưu tầm:
- Sưu tầm từ người lớn tuổi, nghệ nhân, nhà văn, người già cả
đang sinh sống ở địa phương
- Sưu tầm từ các tạp chí văn học, sách báo của xã.
- Sưu tầm từ các tác phẩm văn học bị lãng quên.,
b. Giáo viên kiểm tra kết quả sưu tầm


- Kiểm tra thường xuyên định kỳ.
- Xác minh, kiểm nghiệm tính đúng đắn của nguồn tư liệu.
2. Hướng dẫn học sinh lưu giữ ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương.
a. Chọn lọc, sắp xếp biên tập lại các câu ca dao tục ngữ theo chủ đề và
thứ tự chữ cái ABC.
b. Tìm hiểu ý nghĩa, chọn bình giảng một số câu hay:
c. Ghi chép vào sổ tư liệu
d. Bổ sung vào Tập san Văn học của nhà trường.
e. Tổ chức các hoạt động ngoại khoá xoay quanh chủ đề: Sưu tầm và
lưu giữ ca dao, tục ngữ ở địa phương.
g. Kết hợp với chính quyền, đoàn thể ở thôn xóm, làng xã cùng giữ gìn,
trân trọng.
III. Kết quả thực hiện
IV. Bài học kinh nghiệm rút ra
C. Lời kết
 
2
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sách giáo khoa Ngữ văn 7 - Tập II
2. Sách giáo viên Ngữ văn 7 - Tập II.
3. Phân tích tác phẩm văn học dân gian - Bộ Giáo dục Đào tạo.
(Tài liệu Bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ 1992 - 1996)
4. Tục ngữ, ca dao Việt Nam.
(Mã Giang Lân - Nhà xuất bản giáo dục 1998)
5. Tục ngữ, ca dao Hà Nội.
6. Bình luận văn chương.
(Hoài Thanh - Nhà xuất bản giáo dục - 1998)
7. Loa thành Thánh tích.
(Chu Trinh - Nhà xuất bản Hà Nội - 1968)

8. Dấu xưa.
(Hội Nhà văn Cổ Loa - 1968)
9. Lịch sử Việt Nam - Tập I.
 
3
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Nhà thơ Xuân Diệu nói về ca dao "Trong những câu ca dao tự nghìn đời
tổ tiên để lại như có đất có nước, như có cát, có biển, như có mồ hôi
người ". Khi ta sống với cao dào thì một tên đất, tên làng, tên một thổ nghi
(đặc sản), một nét cảnh vật, một thoáng lịch sử, một điệu tâm hồn người đọc
gợi lên trong đó cũng làm động đến niềm yêu thương gắn bó với quê hương,
xứ sở, đồng bào. Cho nên khi ta sống với ca dao thì điều nó gợi lên trong lòng
ta nhiều khi lại đáng nói hơn bản thân điều nó diễn tả. Bởi vì ca dao, tục ngữ
chính là đời sống tâm tư tình cảm của nhân dân lao động các miền, các vùng,
các địa phương được đúc kết từ nghìn đời nay. Đặc biệt, những địa phương
như Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) là một mảnh đất ngàn năm văn hiến có bề
dày lịch sử thì ắt hẳn vốn ca dao tục ngữ vô cùng phong phú. Nhiệm vụ của
thế hệ chúng ta, những người con sinh ra và lớn lên trên đất Loa Thành lịch
sử phải gìn giữ, trân trọng kho tàng văn hoá quý báu ấy. Bổn phận của người
giáo viên làm thế nào giúp học sinh sống với nó, quý tọng nó, hiểu nó và tìm
cách lưu giữ nó. Thế nhưng, đây là một công việc khó khăn, gian nan và lâu
dài. Bởi vì theo lời ông Chu Trinh (Trưởng Ban văn hoá xã Cổ Loa) thì những
sách báo viết về cao dao tục ngữ ở địa phương không có nhiều. Những câu ca
dao, dân ca, tục ngữ lưu hành trên địa phương, liên quan (nói về) địa phương
đa số chỉ được lưu truyền trong nhân dân bằng lối truyền miệng. Cổ Loa là
mảnh đất Thánh, các tích truyện, các nguồn gốc dấu ấn lịch sử hầu như mang
đậm sắc thái huyền thoại truyền thuyết, in dấu phong cách dân gian, ngay cả
ca dao tục ngữ cũng vậy, chỉ đơn thuần là truyền miệng. Vậy thì giáo viên và

học sinh cũng như tất cả mọi người chúng ta phải gom góp, nhặt nhạnh tích
thành "kho tàng" của địa phương.
II. CƠ SỞ THỰC TIỄN VÀ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ.
1. Xuất phát từ mục tiêu tiết dạy và mục đích của dạng bài "Chương
trình địa phương"
Rất may mắn, theo chương trình đổi mới, SGK lớp 7 được Bộ giáo dục
sắp xếp một số tiết ngoại khoá "Chương trình địa phương" (Tiết 74, 133,
134) nhằm cung cấp vốn sống: "Sưu tầm ca dao tục ngữ lưu hành ở địa
phương, nhất là những câu đặc sức mang tính địa phương (mang tên địa
 
4
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
phơnưg, nói về sản vật, di tích, thắng cảnh, danh nhân, sự tích, từ ngữ địa
phương )" (SGK Ngữ văn 7 - Tập II).
Mục tiêu của tiết học này "Giúp học sinh sưu tầm ca dao tục ngữ theo
chủ đề và bước đầu biết chọn lọc, sắp xếp, tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Học
sinh tăng thêm sự hiểu biết và tỉnh cảm gắn bó với địa phương, với quê hương
mình". (SGK Ngữ văn 7 - Tập II).
Một số tiết học "Chương trình địa phương" theo giáo viên nhận xét, đánh
giá là những tiết học hay và bổ ích, có tác dụng giáo dục học sinh vô cùng sâu
sắc: vừa rèn cho học sinh có đức tính kiên trì (học hỏi, ghi chép, thu lượm),
vừa rèn ý thức khoa học (lựa chọn, sắp xếp các câu ca dao, tục ngữ theo thứ
tự ABC và tìm cách giải thích nội dung những câu ca dao tục ngữ đã sưu tầm
được). Qua bài học này, học sinh lại có thêm những tri thức về địa phương.
2. Dựa trên đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh học trò.
Nhưng làm thế nào để giúp học sinh lớp 7 sưu tầm và lưu giữ ca dao tục
ngữ lưu hành ở địa phương trong khi học sinh lứa tuổi này đa số còn hiếu
động, chưa chăm, mau nhớ, chóng quên.
Mục tiêu của các tiết Ngoại khoá yêu cầu mỗi học sinh sưu tầm ít nhất
20 câu ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương. Yêu cầu này đối với học sinh

lớp 7 quả là khó. Vì các em chưa có vốn sống phong phú, dụng cụ học tập
nghèo nàn, hoàn cảnh gia đình nhiều em còn khó khăn; không có tiền mua
sách báo tham khảo. Dụng cụ học tập của các em chủ yếu là sách giáo khoa.
Một số học sinh có điều kiện tốt lắm cũng chỉ thêm được vài cuốn sách: Bài tập
trắc nghiệm, Bài tập Ngữ văn, đa số học sinh chưa yêu thích môn văn học.
3. Thực tế giảng dạy của giáo viên (Thuận lợi, khó khăn)
Giáo viên chúng tôi ở vùng ngoại thành cũng gặp rất nhiều thuận lợi
trong công tác giảng dạy như được cấp trên đầu tư cho nhiều đồ dùng dạy
học, được giảng dạy tại một địa phương có bề dày về vốn văn học dân gian,
nằm giữa vùng văn hoá dân gian lâu đời. Song chúng tôi còn gặp nhiều khó
khăn về phương tiện dạy học. Trình độ sử dụng còn hạn chế, chất lượng băng
hình chưa tốt (không rõ tiếng, hình ảnh chưa nét ) Có những bài chúng tôi
cần băng hình nhưng đi tìm không có. Ví như băng hình lễ hội đền Cổ Loa,
Hội Gióng, Hội Chèm nhưng không sưu tầm được cho nên chúng tôi giải
quyết những khó khăn ấy bằng cách thay thế vào đó là những bức tranh, ảnh,
biểu bảng để dùng trong giờ dạy.
 
5
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
Từ những xuất phát điểm trên, tôi trăn trở và băn khoăn trước một vấn
đề: "Làm thế nào giúp học sinh lớp 7 sưu tầm và lưu giữ ca dao tục ngữ
lưu hành ở địa phương, nói về địa phương xã Cổ Loa" trong khi vốn sống
của các em còn non nớt, nghèo nàn, điều kiện dạy học của giáo viên còn khó
khăn.
Qua một năm thử nghiệm những biện pháp "Giúp học sinh lớp 7 sưu
tầm và lưu giữ ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương Cổ Loa" đã có kết
quả, tôi mạo muội để xuất trong đề tài này một vài biện pháp hữu hiệu.
III. PHẠM VI ĐỀ TÀI VÀ ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT:
Đối tượng thử nghiệm của chúng tôi là học sinh lớp 7 vùng ngoại thành
các em được sinh ra và lớn lên trên đất Loa Thành lịch sử, có truyền thống

văn hoá lâu đời, cái nôi của văn hoá dân gian với những tích truyện hấp dẫn,
với những làn điệu dân ca ngọt ngào. Để đề tài được sâu sắc, phong phú, tôi
xin dừng ở phạm vi: "Sưu tầm và lưu giữ ca dao, tục ngữ lưu hành ở xã
Cổ Loa". Dựa trên kết quả đạt được, tôi đã và đang bổ sung hoàn thiện cho
đề tài được hoàn chỉnh.
 
6
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
B. NỘI DUNG CHÍNH
I. NHẬN XÉT SƠ BỘ VỀ THỰC TRẠNG SOẠN BÀI CỦA HỌC SINH.
Từ trước đến nay, người giáo viên muốn giờ dạy đạt kết quả cao thì
không thể bỏ qua khâu "Hướng dẫn về nhà". Trong việc hướng dẫn về nhà,
chúng tôi yêu cầu học sinh học bài cũ và chuẩn bị bài mới. Như thường lệ sau
bài "Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất", tôi dành 2 phút hướng dẫn
học sinh chuẩn bị cho tiết 74 "Chương trình địa phương": Hãy sưu tầm ca dao
tục ngữ lưu hành ở địa phương. Mỗi em tìm ít nhất 20 câu. Tôi còn nhắc sâu:
các em chỉ sưu tầm những câu ca dao tục ngữ lưu hành ở địa phương, nói về
địa phương hoặc có liên quan đến địa phương mình.
Đến tiết 74, tôi kiểm tra đồng loạt 38 em thì cả 38 em không tìm nổi 5
câu. Điều đó chứng minh rằng các em chưa phát huy tính chủ động, chưa chịu
học hỏi những người xung quanh. Cho nên để khích lệ học sinh tư duy, chủ
động làm việc, tôi đã thiết lập một vài biện pháp hữu hiệu, sát thực, phù hợp
với đối tượng.
II. NHỮNG BIỆN PHÁP CỤ THỂ:
Trước thực trạng ấy, chúng tôi băn khoăn tìm hướng đi cho giờ dạy
"Chương trình địa phương": Sưu tầm và lưu giữ ca dao, tục ngữ lưu hành ở
địa phương Cổ Loa (Tiết 74, 133, 134). Vậy thì sưu tầm và lưu giữ bằng cách
nào?
Tiết 74, chúng tôi hướng dẫn học sinh sưu tầm, mách cho học sinh
nguồn sưu tầm: Hỏi người lớn, nghệ nhân, nhà văn, người già cả , tìm trong

các tạp chí văn học, sách báo của xã (Ban văn hoá xã), từ những tác phẩm văn
học viết về địa phương.
1. Hướng dẫn học sinh sưu tầm ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương.
a. Xác định nguồn sưu tầm cho học sinh:
Như trên tôi đã hướng dẫn học sinh tìm nguồn sưu tầm, những nguồn
sưu tầm ấy có tác dụng phụ trợ, bổ sung cho nhau thêm hoàn thiện hơn.
* Sưu tầm từ người lớn tuổi, nghệ nhân, nhà văn, người già cả đang sinh
sống ở địa phương.
 
7
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
Thế hệ những người này có sự am hiểu dày dạn về địa phương mình cư
trú. Họ hay tham gia các hoạt động cộng đồng, giao lưu văn hoá, có những
người đã giữ những chức vụ chủ chốt trong lĩnh vực văn hoá xã (Trưởng ban
văn hoá xã) Họ có vốn hiểu biết phong phú về cội nguồn ca dao, tục ngữ.
Tôi đã khuyến khích các em phải biết "tận dụng" trí tuệ của họ: hãy về địa
phương tìm cách hỏi người lớn trong xã mình và tôi mách cho các em một số
địa chỉ: Ông Chu Trinh (xóm Nhồi), ông Nguyễn Văn Viển (xóm Mít), ông
Lại Duy Lực (xóm Lan Trì), bà Nguyễn Thị Ngâm (xóm Mít) Đây là những
địa chỉ các em có thể tìm đến để học hỏi.
* Sưu tầm từ các Tạp chí văn học, sách báo của xã:
Xã Cổ Loa là một xã có truyền thống văn hoá, có nhiều di tích lịch sử,
cách mạng, văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng. Nối nghiệp truyền thống
cha anh, nhân dân Cổ Loa cũng như các cán bộ xã Cổ Loa thời nay đã và
đang gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy. Đảng uỷ, UBND xã, các
cấp lãnh đạo đã kết hợp với Bưu điện huyện Đông Anh đặt một trụ sở: Phòng
văn hoá xã chợ Sa - Cổ Loa. Nơi này Đảng uỷ đã lập phòng đọc để nhân dân
đến đây đọc sách báo, Tạp chí. Từ trẻ em đến người già đều có quyền đến
đây học hỏi, giao lưu văn hoá và cũng tại nơi đây có rất nhiều tư liệu quý giá
mà tôi và các em học sinh đang cần đến. Chỉ có điều từ xưa đến nay, các em

thích tìm đến đây với mục đích đọc "Đôrêmon", "Bảy viên ngọc rồng"
Song giáo viên có biện pháp động viên khích lệ đúng đắn, đưa ra chỉ tiêu
phấn đấu để các tổ thi đua nhau, thì với lứa tuổi hiếu thắng, học sinh lớp 7 sẽ
đến đây với mục đích lục tìm tư liệu để sưu tầm ca dao, tục ngữ.
* Sưu tầm từ các tác phẩm văn học cổ xưa hầu như ít ai biết đến.
Cổ Loa là mảnh đất địa linh nhân kiệt, Cổ Loa không chỉ được Nhà nước
xếp hạng di tích lịch sử mà nơi này còn được mệnh danh là đất thiêng "Đất
thiêng tất xuất người tài". Cái nôi đào tạo cán bộ cao cấp của Đảng như ông
Đào Duy Tùng (Uỷ viên Bộ chính trị), Trần Trung (Thứ trưởng Bộ vật tư -
những năm 80), Ông Nguyễn Quốc Thái (Thứ trưởng Bộ nông nghiệp những
năm 1980), không những thế Cổ Loa sản sinh ra nhiều người con ưu tú là nhà
văn, nhà thơ như ông Chu Trinh (xóm Nhồi), Trương Quang Hoằng (xóm
Hương) Họ có một kho tàng tri thức phong phú về địa phương Cổ Loa với
những tập "Dấu xưa" (Nhà xuất bản Hội nhà văn); "Cổ Loa thánh tích" (Nhà
xuất bản Hà Nội - 1968). Trong những tác phẩm ấy họ viết về phong tục, tập
quán, truyền thống lịch sử, văn hoá của xã nhà. Họ đã sử dụng một số câu ca
 
8
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
dao, dân ca, tục ngữ lưu truyền trong nhân dân. Nhưng những cuốn sách này
ít ai biết đến. Chỉ khi nào ta để ý đến nó, quý trọng nó thì ta mới biết đến
những con người này. Tôi biết được điều này nhân tình cờ vào phòng văn hoá
- xã hội của xã mượn sách và lục tìm được 2 quyển sách cũ kỹ, sờn mép, rách
bìa, mất góc. Tôi mách học sinh đến đó để tìm đọc.
b. Giáo viên kiểm tra kết quả sưu tầm của học sinh.
Tôi nghĩ rằng cung cấp cho học sinh nguồn sưu tầm giống như việc tung
cho học sinh cái phao khi tập bơi. Còn học sinh có chịu tập hay không và có
bơi tốt hay không thì người giáo viên cần phải sát sao đôn đốc, nhắc nhở,
kiểm tra. Việc sưu tầm ca dao, tục ngữ cũng vậy, nếu giáo viên không có biện
pháp kiểm tra, đôn đốc thường xuyên thì có khác gì đánh trống bỏ dùi.

* Kiểm tra thường xuyên định kỳ.
Công việc sưu tầm được thực hiện trong 10 tuần đầu của học kỳ II.
Trong 10 tuần này, tôi yêu cầu học sinh cứ mỗi tuần cô sẽ kiểm tra 1 lần vào
ngày thứ 2 đầu tuần. Tổ nào sưu tầm chăm chỉ, tích cực hơn, sưu tầm được
nhiều hơn, cô sẽ thưởng. Các em rất hiếu thắng, ai cũng muốn tổ mình hơn
nên các em thi đua nhau rất quyết liệt. Và kết quả không ngờ, chỉ sau 5 tuần
các tổ đã đạt chỉ tiêu tối thiểu: 20 câu, có tổ các em còn sưu tầm được trên 20
câu (tổ 3 và 4).
* Xác minh, kiểm nghiệm tính đúng đắn, xác thực của nguồn tư liệu.
Để đảm bảo tính xác thực của những tư liệu, tôi tìm đến gặp gỡ và tiếp
cận với các nguồn sưu tầm. Theo báo cáo của học sinh, tôi tìm đến nhà ông
Chu Trinh, năm nay ông 78 tuổi, địa chỉ: Xóm Nhồi - xã Cổ Loa. Ông là
thương binh 1/4. Ông làm Trưởng ban văn hoá xã Cổ Loa từ năm 1953, suốt
30 năm giữ chức vụ này ông rất tâm huyết với sự nghiệp văn hoá xã nhà. Tôi
muốn kiểm nghiệm lại nguồn tư liệu và thấy rằng học sinh đã thu lượm học
hỏi được rất nhiều nguồn ca dao, tục ngữ quý giá nói về địa phương Cổ Loa
từ ông.
Như trên đã nói, tôi tìm thấy hai cuốn sách cũ kỹ xuất bản từ những năm
1968 có ghi chép những tư liệu rất quý. Trên trang đầu tập sách "Loa Thành
thánh tích" có in câu đối bằng phiên âm chữ Hán, nguyên văn như sau:
"Lạc quốc thuỷ kinh doanh ngũ thập niên, tiền thần chính tích.
Loa Thành vô kim cổ ức thiên tải hậu thánh phong thanh"
 
9
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
Tôi tìm đến ông Chu Trinh (một trong các tác giả của cuốn sách đó) nhờ
ông giảng nghĩa dùm. Đôi câu đối kia diễn Nôm như sau:
"Năm mươi năm chiến tích còn đây, khi khởi thuỷ sửa sang nước Lạc.
Ngàn vạn thuở tiếng tăm để lại, khắp xưa nay duy mỗi thành Loa"
Ý nghĩa của hai câu này muốn ca ngợi An Dương Vương và giá trị của

Loa Thành. Kể từ ngày lên ngôi cho đến lúc nước Âu Lạc bị rơi vào tay Triệu
Đà, An Dương Vương toạ ngôi được 50 năm. Trong 50 năm ấy, đức vua có
công sửa sang xây dựng đất nước Âu Lạc vững mạnh, xây thành đắp luỹ, chế
nỏ thần để lại biết bao chiến tích tiếng tăm để lại muôn đời. Tên tuổi An
Dương Vương gắn liền với Loa Thành, một toà thành kiên cố, vĩ đại, cổ xưa
nhất đất nước.
Đôi câu đối trên mở đầu cho cuốn sách "Loa Thành thánh tích" (Xuất
bản năm 1968). Nội dung cuốn sách: các tác giả viết về quá trình hình thành
và phát triển của nước Âu Lạc cùng phong tục tập quán, vị trí địa lý, lề lối
sinh hoạt của nhân dân Cổ Loa xưa trong đó có dùng một vài câu ca dao. Đối
chiếu với kết quả học sinh sưu tầm, tôi thấy học sinh cóp nhặt được những
câu ca dao có trong tập sách đó.
Như vậy, bằng một vài biện pháp tôi đã khích lệ, động viên học sinh
hoàn thành văn bản sưu tầm của mình trong 5 đến 7 tuần sau khi hướng dẫn.
Nhưng để học sinh trân trọng lưu giữ nó, tôi đã tiến hành một vài biện pháp
hữu hiệu (thực hiện trong tiết 133, 134).
2. Hướng dẫn học sinh lưu giữ ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương.
Trong ca dao, tục ngữ mỗi một tên đất, tên làng, tên một thổ nghi (đặc
sản) đều gợi lên một dấu ấn nào đó trong đời sống tinh thần, truyền thống
văn hoá, phong tục tập quán của nhân dân ta xưa. Bổn phận của thế hệ
chúng ta phải lưu giữ nó.
a. Chọn lọc, sắp xếp, biên tập lại các câu ca da, tục ngữ theo chủ đề.
Để giúp học sinh lưu giữ thuận lợi hơn, tôi cùng các em chọn lọc, sắp
xếp, biên tập lại các câu ca dao, tục ngữ theo những chủ đề nhất định.
Thứ nhất, các tổ báo cáo kết quả, giáo viên là người tổng hợp loại bỏ
những câu trùng lặp của tổ. Giáo viên nhận xét, đánh giá công việc sưu tầm,
bình điểm cho các tổ.
 
10
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà

Thứ hai, tôi hướng dẫn học sinh sắp xếp biên tập lại thứ tự ABC các câu
ca dao, tục ngữ (dựa vào chữ cái đầu câu) theo từng chủ đề. Sau khi sàng lọc,
sắp xếp, các em được một văn bản sưu tầm:
VĂN BẢN SƯU TẦM
* Ca dao:
- Chủ đề: Ca dao về tình cảm con người (tình bạn, tình người, tình yêu
làng xóm, quê hương).
Câu 1:
Loa Thành khắp mọi miền quê
Một làng trăm họ tụ về sống chung.
Câu 2:
Thuần phong mĩ tục tâm đồng
Xứng danh con Lạc, cháu Hồng Cổ Loa
- Chủ đề 2: Ca dao về vị trí địa lý, thuần phong, mĩ tục, dấu ấn lịch sử,
văn hoá.
Câu 3:
Ai về thăm huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa thành Thục Vương
Cổ Loa thành ốc khác thường
Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây
Câu 4:
Ai về thăm huyện Đông Ngàn
Ghé xem thành ốc Rùa Vàng tiên xây
Căm hờn giếng Ngọc tràn đầy
Máu pha thành luỹ ngàn cây bóng tà.
Câu 5:
Chết thì bỏ con bỏ cháu
 
11
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà

Sống không bỏ hội mồng sáu tháng giêng.
Câu 6:
Chợ Chờ, chờ đợi người đi
Qua núi Thất Diệu hiểm nguy chết người.
Câu 7:
Cổ Loa bóng cả cây cao
Địa hình nhân kiệt tụ vào thành đô.
Câu 8:
Diệu Sơn qua lại yên bình
Hai nghìn năm lẻ kê tinh hết rồi
Câu 9:
Đống Chuông, Đồng Bãi, Đồng Chầm
Mỗi tên một nghĩa ta cần hiểu sâu
Câu 10:
Loa Thành di chỉ rất giầu
Kho tàng cổ vật nằm sâu địa bàn
Câu 11:
Mồng sáu tháng giêng đăng quang
Thục cháu Hoàng đế ngai vàng tôn vinh
Câu 12:
Mười ba tháng tám thành Loa
Ăn sêu Bà Chúa ấy là Mỵ Châu
Câu 13:
Ngày xưa lễ hội Cổ Loa
Được mùa nghênh rước mười ba ngày liền
Câu 14:
Nỏ thần sức mạnh dân Nam
Chỉ sông sông cạn, núi ngàn giặc tan
Câu 15:
Thánh đế, Thường Đỏ thánh hiền

 
12
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
Đống Giáo, Đống Bắn, Vườn Thuyền, Gồ Vôi
Câu 16:
Thành ốc bao bọc đế đô
Thục Vương dựng nước cơ đồ sáng tươi
Câu 17:
Viên Lôi, Thượng Ngõ, Cự Nê
Ngô Thị, Hậu Miếu, Quan Kê chung làng
Chạ Lan, Dũng Thượng, Đa Bang
Hương giai lập xóm sau làng cổ xưa
Câu 18:
Vườn Thuyền, Ao Mắm cổ xưa
Bán mua tấp nập, lụa tơ tràn đầy.
* Tục ngữ về vị trí địa lý, dấu ấn lịch sử, văn hoá:
Câu 19:
Quậy ủ Chủ tươi, Quậy cười Chủ khóc
Câu 20:
Thứ nhất lễ hội Cổ Loa
Thứ hai hội Gióng
Thứ ba hội Chèm
Vì khuôn khổ bài viết và thời gian có hạn, tôi chỉ xin trích lục 20 câu ca
dao, tục ngữ đang lưu hành ở địa phương Cổ Loa, một địa danh đã đi vào lịch
sử của nước nhà với nước dấu son chói lọi.
b. Tìm hiểu ý nghĩa, chọn bình giảng một số câu hay:
Ca dao, tục ngữ là kho tàng tri thức vốn sống của nhân dân Cổ Loa từ
xưa đến nay. Muốn cho học sinh gắn bó, quý trọng và lưu giữ ca dao, tục ngữ
thì trước hết, các em phải hiểu về nó, sống với nó. Bởi vậy trong tiết 133, tôi
dành 25 phút giúp học sinh sắp xếp các câu ca dao tục ngữ tìm được thành

một Văn bản sưu tầm, 20 phút còn lại của tiết 133 tôi dành để hướng dẫn
 
13
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
học sinh tìm hiểu ý nghĩa của các câu ca dao, tục ngữ tìm được và chọn bình
giảng một số câu hay, có tác dụng giáo dục đạo đức, nhân cách, trách nhiệm
của học sinh, giúp các em thêm yêu quý địa phương mình.
Theo F. Hê-ghen: "Ca dao là một trong những dòng chính của thơ trữ
tình". Chức năng ca dao là diễn tả đời sống tâm hồn của nhân dân ta. Người
giáo viên làm thế nào để chuyển tải đời sống tâm hồn ấy đến với học sinh. Từ
đó các em tư duy nâng lên thành cảm nhận suy nghĩ của mình. Các em sinh
ra và lớn lên ở một địa phương có bề dày lịch sử. Vậy các em hiểu gì về địa
phương mình? Cho nên, tôi chọn giảng, giải thích 2 câu:
Câu 5: (Theo thứ tự Văn bản sưu tầm)
Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống không bỏ hội mồng sáu tháng giêng
và câu 19: (theo thứ tự Văn bản sưu tầm)
Quậy ủ Chủ tươi, Quậy cười Chủ khóc
Thông qua câu 5, tôi giúp các em hiểu sâu hơn về sự kiện An Dương
Vương xây dựng kinh đô Âu Lạc. Tương truyền trong dân gian kể rằng: Cuối
đời Hùng Duệ Vương không có con trai, vua Hùng cho kén rể để kế ngai
rồng. Vua tổ chức cuộc thi cả văn và võ. Sơn Thánh (tên gọi Thục Phán - An
Dương Vương) vào ứng thí:
"Võ siêu quần bạt núi lấp sông
Văn nghiên bút cửu long bay lượn"
Tài đức của Sơn Thánh khiến vua Hùng nể phục, quần thần, dân chúng
kính nể. Phò mã Sơn Thánh được Vua Hùng cho kế nghiệp ngai rồng. Sau khi
vua Hùng mất, Thục Phán lên ngôi (Hôm đó ngày 6 tháng giêng -Lịch sử Việt
Nam - Tập I). Từ đấy, cứ đến ngày 6 tháng giêng, nhân dân Âu Lạc mở hội tế
lễ, tưởng nhớ đến công đức của An Dương Vương. Chính vì vậy nhân dân có

câu:
Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống không bỏ hội mồng sáu tháng giêng
để nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như lòng biết ơn của nhân dân đối với An
DươngVương.
 
14
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
Sự việc An Dương Vương lên ngôi còn liên quan đến ý nghĩa của câu
tục ngũ "Quậy ủ Chủ tươi, Quậy cười Chủ khóc". An Dương Vương rời đô từ
Bạch Hạc (Phú Thọ) về vùng đất Kẻ Chủ (Cổ Loa- Đông Anh ngày nay) cao
ráo mà bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Nhân dân vùng Kẻ Chủ tự nguyện
nhường đất để nhà vua xây thành, dựng kinh đô. Nhân dân rời về vùng Quậy
(thuộc xã Liên Hà - Đông Anh).
Bởi vậy, trong dân gian lưu truyền câu ca:
"Tổ tiên làng Quậy xưa Cổ Loa
Vua Thục dựng đô hiến quê nhà"
Vùng Quậy là đồng chiêm trũng, hễ mưa nhiều thì mất mùa, mưa ít được
mùa. Ngược lại, Kẻ Chủ là vùng đất cao ráo, hễ mưa nhiều thì được mùa, mà
mưa ít thì mất mùa(câu này nói về vị trí địa lý hai làng Quậy và Chạ Chủ (Kẻ
Chủ)). Nhưng dù thế nào, hai làng luôn kết tình anh em hoà hảo, no đói có
nhau:
"Mấy nghìn năm nghĩa tình nguyên vẹn
Thủ túc muôn đời Quậy, Cổ Loa"
Mục đích của việc dạy Văn góp phần hình thành nhân cách học sinh.
Nhà phê bình Hoài Thanh có nói: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta
không có, luyện những tình cảm ta sẵn có". Bất cứ dạy một giờ văn nào mục
tiêu của người giáo viên cũng nhằm giáo dục nhân cách, bồi đắp tư tưởng tình
cảm cho học sinh. Giờ "Chương trình địa phương", tôi càng coi trọng mục
tiêu này. Vì qua những hiểu biết về giá trị tinh thần của nhân dân ta, các em

cần có thái độ trân trọng ca dao, tục ngữ và tìm cách bảo tồn, lưu giữ nó. Và
các em phải hiểu về nó. Ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương Cổ Loa
thường gắn với một tên đất, tên làng, một dấu ấn cụ thể Mỗi một địa danh,
tên tuổi mà ca dao, tục ngữ đề cập đến đều có những đặc trưng tiêu biểu.
Các em cần phải hiểu những tên đất, tên làng cổ xưa thường dùng, ngày nay ít
người hiểu. Vậy thì nhiệm vụ của giáo viên là phải giảng giải cho học sinh.
Tôi đơn cử một ví dụ:
Câu 15: (Theo thứ tự Văn bản sưu tầm)
Thánh đế, Thường Đỏ, thánh hiền
Đống Giáo, Đống Bắn, Vườn Thuyền, Gồ Vôi
Những địa danh trên đây ở đâu, có ý nghĩa gì.
 
15
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
- Thánh đế: Gò đất nhỏ nằm sau xóm Dõng (Cổ Loa), nơi này nhân dân
trong xóm lập miếu thờ An Dương Vương.
- Cầu Thường Đỏ: Cạnh miếu thờ quan Trấn Võ (đặt trên Thành Trung)
- Đống Giáo, Đống Bắn: Cạnh Đồng Đô (Cổ Loa) cách xưởng phim
Đông Anh khoảng 2 cây về phía Tây. Đây là nơi tập luyện bắn cung, nỏ (còn
gọi là trường bắn) của quân đội nhà vua.
- Vườn Thuyền: Đối diện Trạm xá xã Cổ Loa. Đây từng là nơi buôn bán
sầm uất của kinh đô Âu Lạc.
- Gồ Vôi: Nằm trên vòng thành Trung, giáp địa phận làng Gia Lương
(Việt Hùng).
(Ghi theo lời giải thích của ông Chu Trinh)
Với mục tiêu giúp học sinh hiểu về ca dao, tục ngữ tôi đã tiến hành giải
nghĩa và bình giảng một số câu hay. Đây là những câu ca dao rất gần gũi với
địa phương, nơi các em sinh ra và lớn lên. Vì vậy, tôi thấy học sinh rất chăm
chú và hứng thú lắng nghe.
c. Ghi chép vào sổ tư liệu.

Để cho việc lưu giữ có hiệu quả hơn, tôi còn yêu cầu học sinh ghi chép
vào sổ tư liệu. Đây là cuốn sổ mà chúng tôi yêu cầu học sinh phải chuẩn bị
ngay từ khi các em bước vào cấp II. Chúng tôi thống nhất trong tổ nhóm: phải
yêu cầu học sinh lập sổ tư liệu. Cuốn sổ này để ghi chép lời hay, ý đẹp, những
tư liệu quý giá. Đối với ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương, tôi cho rằng
đây là những tư liệu quan trọng bổ ích, các em cần ghi chép tích luỹ. Từ đó
nâng cao dần cho học sinh khả năng tích luỹ, làm giàu vốn sống, phục vụ cho
việc viết văn.
d. Bổ sung vào Tập san Văn học của nhà trường.
Để nhân rộng đề tài và đề tài có hiệu quả hơn, tôi đã bổ sung tư liệu:
Đánh máy những câu ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương đã tìm được bổ
sung vào Tập san Văn học của nhà trường. Đây là cuốn Tập san quý giá mà
tổ tôi dưới sự gợi ý của các cấp lãnh đạo đã hình thành được 3 năm nay.
Trong Tập san này có đăng những bài thơ hay, những câu chuyện hấp dẫn của
thầy trò đoạt giải các cấp huyện, thành phố như cô Bùi Thu Hà với bài
"Thương thời ấu thơ" giải nhất cuộc thi sáng tác thơ lục bát do Công đoàn
huyện Đông Anh tổ chức, cô Ngô Hương Lan (Cháu nội nhà văn Ngô Tất Tố)
 
16
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
giải nhì (cũng cuộc thi trên) Những câu ca dao, tục ngữ quý giá này cũng rất
đáng được nâng niu, gìn giữ. Cho nên tôi cho đánh máy, bổ sung vào cuốn Tập
san cho phong phú hơn. Vào thứ 7 hàng tuần, tôi cho nhóm phát thanh viên phát
trên loa đài của trường dưới hình thức Chuyên san: Giáo dục truyền thống địa
phương.
e. Tổ chức các hoạt động Ngoại khoá xoay quanh chủ điểm "Sưu tầm và
lưu giữ ca dao, tục ngữ lưu hành ở địa phương"
* Tổ chức các trò chơi phù hợp lứa tuổi.
Hoạt động này trước tiên tôi tiến hành thử nghiệm ở lớp tôi dạy. Vì đối
tượng học sinh chỉ trong phạm vi 1 lớp: 38 em mà thời gian 1 tiết học hạn

hẹp. Tôi dành 10 phút đầu của tiết 134 cho công việc ghi vào sổ tư liệu còn 35
phút sau, tôi tổ chức cho học sinh các trò chơi để kiểm tra trình độ sưu tầm và
lưu giữa trong trí nhớ của trò, đồng thời kiểm tra cả trình độ hiểu biết về thơ
lục bát, vần nhịp
Ví dụ: Trò chơi: Điền từ vào chỗ trống:
Câu 4: (Theo thứ tự Văn bản sưu tầm)
"Ai về thăm huyện
Ghé xem Rùa Vàng tiên xây"
Câu 12: (Theo thứ tự Văn bản sưu tầm)
Thành Loa
Ăn sêu Bà Chúa ấy là Mị Châu"
Đáp án:
Câu 4: Đông Ngàn (tên gọi cũ của Đông Anh)
Câu 12: Mười ba tháng tám (ngày Mị Châu được Triệu Đà cho người
sang dạm hỏi về làm con dâu)
+ Trò chơi: Thi tiếp sức.
Tôi chia lớp thành 4 đội. Tôi chuẩn bị 4 bảng phụ, mỗi đội 1 bảng. Trong
vòng 10 phút đội nào ghi ra bảng được nhiều câu ca dao tục ngữ liên quan đến
địa phương nhất thì đội đó sẽ thắng. Các em có thể thay phiên nhau lên viết
tiếp các câu mà bạn mình chưa viết. Giờ học sinh đông, vui nhộn và học sinh
vô cùng thích thú.
* Tổ chức: Du lịch Cổ Loa qua ca dao:
 
17
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
Hoạt động này tôi lồng ghép trong chương trình các buổi ngoại khoá của
khối 7. Từ mấy năm trở lại đây, hoạt động ngoại khoá, CLB bộ môn ở trường
tôi phát triển rất mạnh mẽ. Môn Văn - Sử - Công Dân, mỗi tháng 1 kỳ, chúng
tôi tổ chức một buổi Ngoại khoá. Trong mỗi một buổi, chúng tôi có phần
"Dành cho khán giả" dưới hình thức: Du lịch Cổ Loa qua ca dao. Chúng tôi

chọn 5 em đi du lịch Cổ Loa bằng cách đọc các câu ca dao, tục ngữ nói về địa
danh Cổ Loa. Lần lượt từ trái sang phải ai đọc nhiều nhất (người đó về sau
cùng) sẽ thắng và được động viên bằng một phần thưởng của Ban tổ chức.
Bằng một số biện pháp trên, tôi đã giúp học sinh lưu giữ, trân trọng và
hiểu về ca dao, tục ngữ nói về địa phương Cổ Loa.
g. Kết hợp với chính quyền đoàn thể thôn xóm làng xã cùng giữ gìn, trân trọng.
Kho tàng ca dao, tục ngữ về địa phương Cổ Loa là một vốn văn hoá vô
cùng quý báu của nhân dân ta. Nhưng hiện nay kho tàng ấy bị thất tán, tản
mạn rất nhiều. Những tư liệu mà tôi và học sinh sưu tầm được đa số từ ngôn
ngữ truyền miệng của những người già cả, có tuổi trong xã như ông Chu
Trinh (78 tuổi), ông Nguyễn Văn Viển (76 tuổi), bà Nguyễn Thị Ngâm (74
tuổi). Chúng tôi tìm được rất ít trong sách báo của xã những câu mang đậm
tính ca dao, dân ca, tục ngữ. Nếu thế hệ cao tuổi không còn nữa, chúng ta sẽ
mất đi những nguồn văn hoá quý giá. Vậy trách nhiệm của thế hệ chúng ta
phải trân trọng lưu giữ nó.
Tôi đã tham mưu với Phòng văn hóa - thông tin xã in ấn đầu sách có tên
"Ca dao, tục ngữ Cổ Loa". Và chúng ta phải nghiêm túc huy động trí tuệ tối
đa của nhân dân để tập hợp tư liệu.
Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị đoàn thể trong xã như Chi đoàn, Hội
người cao tuổi dấy lên những cuộc thi: Sưu tầm ca dao tục ngữ nói về địa
phương, ngâm vịnh về ca dao tục ngữ ở địa phương Từ đó có tác dụng khơi
dậy truyền thống ngàn năm văn hiến của đất đế đô.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:
Qua gần một năm thực hiện những biện pháp trên, tôi có so sánh đối
chiếu hai lớp dạy, tôi thấy kết quả như sau:
1. Lớp 7C:
Thực hiện tuần tự như SGK, giáo viên chưa đầu tư thoả đáng về công
đoạn hướng dẫn, cách thức tiến hành
 
18

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
a. Về số lượng:
- Số học sinh tìm được 20 câu: 0
- Số học sinh tìm được 15 câu: 0
- Số học sinh tìm được 10 câu: 0
- Số học sinh tìm được 5 câu: 15 em
- Số học sinh tìm được 3 câu: 13 em.
b. Về chất lượng:
- Tôi thấy học sinh chưa hứng thú học.
- Học sinh còn hiểu mơ hồ
- Những buổi ngoại khoá ngoài trời ít học sinh đoạt giải.
- Không hiểu những câu các bạn đọc trên loa phát thanh của trường.
2. Lớp 7E:
Áp dụng những biện pháp trên, tôi thấy:
a. Về số lượng:
- Học sinh tìm được 20 câu: 30 em
- Học sinh tìm được 15 câu: 8 em
b. Về chất lượng:
- Học sinh thích thú học những tiết Ngoại khoá, đặc biệt là những tiết
học liên quan đến địa phương.
- Học sinh yêu thích ca dao tục ngữ.
- Học sinh được làm giàu vốn sống: có thêm hiểu biết về gốc gác, lịch sử
địa phương: tên đất, tên làng, tên danh nhân ở nơi mình sinh ra và lớn lên.
- Học sinh được bồi đắp tình yêu làng xóm quê hương, tinh thần tự hào
về địa phương mình.
- Học sinh có thể sẵn sàng trở thành hướng dẫn viên du lịch giới thiệu
cho khách thập phương biết đến những sự tích, dấu ấn lịch sử, những truyền
thống lịch sử, văn hoá của xã nhà. Và tất cả chúng ta đều có quyền tự hào về
mảnh đất địa linh nhân kiệt, thế rồng cuộn hổ ngồi:
"Loa thành mảnh đất tam Đế Vương

 
19
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
Thục, Ngô, Phật Tử chống bạo cường"
(Chu Trinh)
IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
- Từ kết quả trên và các kết quả của những giờ giảng văn trước đó, tôi
rút ra một số kinh nghiệm: Muốn thành công phải đầu tư thời gian cho bài
dạy, thiết lập những cách thức tiến hành cho từng dạng bài. Và đặc biệt chú
trọng sử dụng những phương tiện dạy học: Tư liệu gốc, biểu bảng
- Đối với những tiết Ngoại khoá, người giáo viên nên linh hoạt tổ chức
nhiều hình thức phong phú, sinh động hấp dẫn học sinh.
- Giáo viên cần có quá trình tích luỹ thường xuyên. Trước khi dạy bài
này, tôi đã phải trăn trở và băn khoan nhiều: lục tìm tư liệu, gặp gỡ nhiều
người cao tuổi trong xã để nhặt nhạnh, tích cóp có được kiến thức tối thiểu
về ca dao, tục ngữ ở địa phương.
- Về phía học sinh, người giáo viên cần có biện pháp để khích lệ (động
viên khen thưởng) học sinh chủ động lĩnh hội và giải quyết tình huống có vấn
đề. Giáo viên chỉ là người kiểm tra, sửa chữa, bổ sung những chỗ thiếu sót ở
học sinh.
- Giáo viên cũng nên hướng dẫn học sinh có những cuốn Sổ tư liệu để
tích luỹ vốn sống, tự làm giàu trí tuệ của mình. Đối với những học sinh khá
giỏi đây là việc làm thích thú và thiết thực. Còn đối với học sinh trung bình
trở xuống, giáo viên thường xuyên có biện pháp kiểm tra công việc ghi chép,
tích luỹ, hàng tháng có nhận xét, đánh giá, xếp loại Sổ tư liệu.
Tôi thiết nghĩ không chỉ môn Văn mà đối với các môn khác học sinh
cũng nên có sự tích luỹ.
 
20
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà

C. LỜI KẾT
Vì đây là đề tài nghiên cứu của tôi trong năm nay và muốn có kết quả
thử nghiệm kịp thời nên tôi đã đảo 2 tiết 133, 134 nên dạy trong tuần 27 (lớp
7C), tuần 28 (lớp 7E) ở cả 2 lớp này tôi đều mượn các tiết ngoài thời khoá
biểu (tiết 3 và 4 - sáng thứ 5)
Trên đây là một vài biện pháp tôi giúp học sinh lớp 7 lưu giữ ca dao, tục
ngữ liên quan đến địa phương. Đề tài của tôi chắc chắn còn nhiều thiếu sót,
tôi rất mong các cấp lãnh đạo, các bạn đồng nghiệp lượng thứ và cho tôi
những ý kiến đóng góp.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Cổ Loa, ngày 08 tháng 4 năm 2004
Người viết
Đỗ Thị Kim Hoà
 
21
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
PHỤ LỤC
GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐỊA DANH, TÊN TUỔI ĐƯỢC NÓI ĐẾN
TRONG CÁC CÂU CA DAO, TỤC NGỮ
(Lưu ý: Thứ tự các câu theo thứ tự trong văn bản sưu tầm)
Câu 1:
Loa thành: Chỉ Cổ Loa nói chung.
Câu 4:
- Đông Ngàn: Tên của huyện Đông Anh trước thời kỳ chống Pháp.
- Giếng ngọc: Nơi in dấu mối tình Mị Châu - Trọng Thuỷ (Trong Thuỷ
tự vẫn tại đây).
Câu 6:
- Chợ Chờ (Chợ Núi) thuộc huyện Yêm Phong - Bắc Ninh
- Núi Thất Diệu: Giáp chợ Chờ, tương truyền trên núi có con gà trắng
thành tinh (Bạch Kê Tinh) cứ sáng sáng gáy lên 3

tiếng thì thành Cổ Loa vừa xây hôm trước lại bị đổ.
Câu 8:
- Diệu Sơn (Núi Thất Diệu).
Câu 9:
- Đống Chuông: Xóm Bãi trông sang, Đống chuông ở phía Tây.
- Đồng Bãi: Xóm Bãi trông sang, Đồng bãi ở phía Tây.
- Đồng Chầm: Bên tay phải đường Quốc lộ 3 (địa phận từ Lộc Hà - Mai
Lâm) đến Đống Lủi.
Ba địa danh này ngợi ca những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu của Chạ
Chủ khi xưa.
Câu 12:
- Mị Châu: Con gái của An Dương Vương, nhân dân cảm thông với mối
tình oan trái, tôn xưng bà là Bà Chúa. Để tưởng nhớ bà, nhân
dân Kẻ Chủ có tục lệ cứ đến ngày 13/8 hàng năm (ngày mà
Triệu Đà cho người sang dạm hỏi Mị Châu) cả làng ăn sêu bà
chúa: cả làng làm bún cúng lễ để ăn.
 
22
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
Câu 15:
- Đống giáo, đống bắn: Nơi tập luyện cung nỏ của quân đội Âu Lạc xưa.
- Vườn Thuyền: Nơi buôn bán sầm uất của kinh đô Âu Lạc.
Câu 17:
- Viên Lôi: Tên gọi của xóm Nhồi trước đây. Xưa kia nhân dân ta
thường gọi: Viên Lôi hạ (bây giờ là Nhồi Dưới); Viên Lôi
thượng (bây giờ là Nhồi Trên).
- Thượng Ngõ: Xóm Thượng
- Cự Nê: Tên gọi cũ của xóm Mít.
- Ngô Thị: Tên gọi cũ của xóm Chợ.
- Hậu Miếu: Tên gọi cũ của xóm Chùa.

- Quán Kê: Tên gọi của của xóm Gà.
- Chạ Lan: Xóm Lan Trì bây giờ.
- Dũng Thượng: Tên gọi cũ của xóm Dõng.
- Đa Bang: Tên gọi của của xóm Vang.
- Hương Giai: Xóm Hương bây giờ.
Câu 18:
- Vườn Thuyền, Ao Mắm là nơi trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập
sầm uất của kinh đô Âu Lạc.
Câu 19:
- Quậy (thuộc xã Liên Hà): Anh cả của Chạ Chủ.
- Chủ: Tên gọi của của Cổ Loa trước đây (đất Kẻ Chủ).
Câu 20:
- Ý nói thứ tự vị trí, tầm quan trọng, mức độ đông đúc náo nhiệt của các lễ hội.
- Hội Cổ Loa: Tưởng nhớ đức vua, người có địa vị cao nhất. Lễ hội sinh
động, đông đúc nhất.
- Hội Gióng (ở Gia Lâm): tưởng nhớ Đức Thánh Gióng: người giúp dân
đánh giặc Ân (thời Hùng Vương thứ sáu)
- Hội Chèm (ở Từ Liêm): Tưởng nhớ Lý Ông Trọng, một vi tướng của
An Dương Vương giúp vua diệt yêu quái.
* Những tư liệu trên phần lớn tôi ghi theo lời kể, lời thuật của ông Chu
Trinh (nguyên Trưởng Ban văn hoá xã Cổ Loa từ năm 1953), nay đã nghỉ
 
23
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM  Đỗ Thị Kim Hoà
hưu, ngụ tại Xóm Nhồi, xã Cổ Loa) Và phần còn lại tôi ghi theo lời giải thích
của ông Nguyễn Văn Viển (82 tuổi - Xóm Mít) là một nghệ nhân Tuồng nổi
tiếng.
 
24

×