Bài thu hoạch NQ TW6 khoá 11
Sau khi đã yên tâm với việc con em vui vẻ bước vào năm học mới và ổn định học hành, nhân dân cùng
với các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, các nhân viên phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo đã hồi hộp
chờ đón Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
và đào tạo” với ý nghĩa là một sự kiện quan trọng và lớn lao trong lịch sử phát triển giáo dục nước nhà. Trong
gần 70 năm Cách mạng Tháng Tám, ở nước ta đã diễn ra 3 cuộc Cải cách giáo dục vào các năm 1950, 1956,
1979. Những cuộc cải cách đó là những cột mốc đánh dấu sự phát triển giáo dục trong từng giai đoạn lịch sử
cách mạng. Nền giáo dục của chúng ta đã góp phần rất lớn vào sự nghiệp khai sáng dân trí, hun đúc dân khí,
vun đắp dân chủ, cải thiện dân sinh
Gần 30 năm, kể từ khi Đảng khởi xướng đổi mới toàn diện đất nước (1986), nền giáo dục của chúng ta chỉ thực
hiện những đổi mới có tính chất bộ phận để đáp ứng tức thời những đòi hỏi của kinh tế - xã hội hoặc để đối
phó những tình huống nảy sinh bất thường bằng những giải pháp tình thế
Tại Hội nghị Trung ương lần này, Đảng đặt ra một vấn đề rất lớn, rất trọng đại: “Đổi mới căn bản và toàn diện
giáo dục và đào tạo”, nghĩa là sẽ loại trừ hết những gì trong giáo dục, từ mục tiêu đào tạo, chương trình sách
giáo khoa, hệ thống trường lớp, công tác quản lý, chế độ, chính sách và cơ chế điều hành… không đủ tính thích
ứng với thời đại, không phù hợp với sự phát triển của đất nước.
“Thế nào là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo?”
Về thực trạng nền giáo dục Việt Nam
Trong những thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển, có những thành tựu đáng
ghi nhận, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi
mới đất nước. Nhưng đồng thời nền giáo dục đang ẩn chứa rất nhiều yếu kém, bất cập, mà Đại hội IX, X đến
Đại hội XI của Đảng vẫn nêu rất đậm nét, đó là:
- Giáo dục-đào tạo còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập chậm được khắc phục; chất lượng giáo dục còn thấp,
quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng; so với yêu cầu phát triển của đất nước còn nhiều nội
dung chưa đạt; chưa thực sự là quốc sách hàng đầu.
- Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục còn lạc hậu, chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa, chưa gắn chặt
với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp; chưa phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh,
sinh viên.
- Chất lượng giáo dục có mặt bị buông lỏng, giảm sút, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục mới quan
tâm nhiều đến dạy “chữ”, còn dạy “người” và dạy “nghề” vẫn yếu kém; yếu về giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối
sống, lịch sử dân tộc, tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống…
- Hệ thống giáo dục quốc dân không hợp lý, thiếu đồng bộ, chưa liên thông, mất cân đối.
- Quản lý nhà nước trong giáo dục còn nhiều yếu kém, bất cập, chậm đổi mới, là nguyên nhân chủ yếu của
nhiều nguyên nhân khác; cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, còn nhiều lúng túng, nhận thức rất khác nhau,
nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực khác
của đất nước.
- Đội ngũ cán bộ QL giáo dục và giáo viên còn nhiều bất cập, đạo đức và năng lực của một bộ phận còn thấp.
- Chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác xã hội hóa giáo dục; định hướng liên kết với nước ngoài trong
phát triển giáo dục còn nhiều lúng túng, chưa xác định rõ phương châm.
- Tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới-phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển
kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; khoa học giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng nghiên
cứu khoa học giáo dục còn nhiều bất cập.
- Các cơ quan chức năng chậm cụ thể hóa những quan điểm của Đảng thành cơ chế, chính sách của Nhà nước;
thiếu nhạy bén trong công tác tham mưu, thiếu những quyết sách đồng bộ và hợp lý ở tầm vĩ mô (có khi chính
sách được ban hành rồi nhưng chỉ đạo tổ chức thực hiện không đến nơi đến chốn, kém hiệu quả); một số chính
sách về giáo dục còn chủ quan, duy ý chí, xa thực tế, thiếu sự đồng thuận của xã hội.
Những vấn đề, những yếu kém và bất cập nêu trên của giáo dục không thể giải quyết khắc phục được căn bản
chỉ bằng các giải pháp cục bộ, đơn lẻ, bề mặt nhất thời, thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn, thiếu tính đồng
bộ và hệ thống, chưa đạt tới chiều sâu bản chất của vấn đề. Để giải quyết được căn bản những vấn đề đặt ra,
những người lãnh đạo - quản lý, những nhà khoa học, những người làm giáo dục phải có cách nhìn toàn diện,
đầy đủ, khách quan, như các văn kiện của Đảng đã nêu, sâu hơn, bản chất hơn những gì nêu trên báo chí và
những báo cáo tổng kết thành tích.
Mục tiêu tổng quát của sự nghiệp GD&ĐT là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền giáo dục XHCN mang
tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Thực hiện giáo dục toàn diện ở tất cả các bậc học. Chú trọng giáo
dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo và năng lực
thực hành. Thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan
trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.
Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu
chuẩn hoá, HĐH, XHH, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.
Quan điểm chỉ đạo phát triển GD&ĐT:
Một là, nắm vững nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của GD&ĐT là nhằm xây dựng những con người và thế hệ
thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có thể lực, trí lực và tình cảm lành mạnh, có kỹ năng
lao động giỏi, có ý chí và bản lĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Hai là, giữ vững mục tiêu XHCN của sự nghiệp GD&ĐT về nội dung, phương pháp và chính sách giáo dục;
Ba là, thực sự coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Nhận thức sâu sắc GD-ĐT cùng với KH-CN là nhân tố quyết
định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Thực hiện các chính
sách ưu đãi đối với giáo dục, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương, chính sách cán bộ. Có các
giải pháp mạnh mẽ để phát triển giáo dục;
Bốn là, GD&ĐT là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức
đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể nhân dân, các gia đình và cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp GD-
ĐT. Khuyến khích phong trào toàn dân học tập và toàn dân chăm lo phát triển giáo dục;
Năm là, phát triển GD-ĐT gắn liền với nhu cầu phát triển KT-XH gắn với những tiến bộ khoa học công nghệ
và củng cố quốc phòng, an ninh. Coi trọng ba mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả.
Thực hiện giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, lý luận gắn với thực tế, học đi đôi với
hành, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội;
Sáu là, thực hiện công bằng xã hội trong GD&ĐT. Tạo cơ hội và điều kiện để ai cũng được học. Người nghèo
được Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để có điều kiện học tập. Khuyến khích những người học giỏi để phát
triển tài năng. Giữ vai trò nòng cốt của các trường công lập đi đôi với đa dạng hoá các loại hình GD-ĐT, trên
cơ sở Nhà nước thống nhất QLGD, từ nội dung chương trình, quy chế học, thi cử, bằng cấp, tiêu chuẩn giáo
viên. Phát triển các trường ngoài công lập ở những nơi có điều kiện. Mở rộng các hình thức đào tạo không tập
trung, đào tạo từ xa, từng bước hiện đại hoá hình thức và phương pháp dạy học.
* Thông báo Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI có đoạn viết: “Tập trung
nghiên cứu, tiếp tục làm sáng tỏ một số vấn đề về lý luận – thực tiễn của công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất
nước và hội nhập quốc tế. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là đối
với thế hệ trẻ và trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”
Hội nghị Trung ương lần này đã chỉ ra rằng chất lượng giáo dục và đào tạo nhìn chung còn kém, nhất là ở lĩnh
vực đại học và dạy nghề, do đó chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Vấn đề đặt ra là, hệ thống giáo dục ban đầu bao gồm các thiết chế giáo dục từ nhà trẻ, mầm non, phổ thông,
chuyên nghiệp và đại học… có nhiệm vụ chuẩn bị thế hệ trẻ thành nguồn nhân lực, tức là nhân lực đang trong
quá trình đào tạo, còn nhân lực đang được sử dụng trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân cũng cần phải
có chất lượng cao, hay nói cách khác, cũng phải được giáo dục, bồi dường, đào tạo lại một cách thường xuyên.
Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân như Hội nghị Trung ương yêu cầu tất phải bao gồm việc
hoàn thiện hệ giáo dục người lớn - những người lao động đang làm việc trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh,
văn hóa, khoa học, giáo dục, an ninh, quốc phòng Hệ giáo dục người lớn bao gồm chủ yếu các thiết chế giáo
dục không chính quy và phi chính quy, người học theo phương thức vừa làm, vừa học, học thường xuyên, học
suốt đời. Không nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục người lớn thì không bao giờ đạt yêu cầu nâng cao
chất lượng nhân lực của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Trong thời đại mà xã hội học tập đã trở thành hướng phát triển của giáo dục thế giới, bốn trụ cột giáo dục (học
để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người) đã trở thành bốn nguồn tri thức, bốn hướng phát
triển trí tuệ của con người, trong đó, không phải ngẫu nhiên, UNESCO lại đặt HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI là cung
bậc cuối cùng. Hướng đích của bất cứ nền giáo dục nhân văn nào cũng là vun trồng nhân cách. Nền giáo dục
truyền thống của dân tộc ta cũng đề cao triết lý học để làm người, có học mới nên người, nhân bất học bất tri lý
(người không học thì không biết đạo lý). Làm người là quá trình học hỏi, tu dưỡng để có đủ những phẩm chất
cần thiết (trong đó quan trọng hàng đầu là phẩm chất đạo đức) để sống hữu ích, sống lương thiện, sống tử tế,
sống vì lợi ích của dân tộc, sống để xây đắp và bảo vệ sự trường tồn của đất nước. Đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục và đào tạo trước hết phải là làm cho nền giáo dục của chúng ta trong sạch, lành mạnh, minh
bạch, hướng đến cái CHÂN, THIỆN, MỸ để xây dựng nhân cách con người.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phải có sự chú ý thích đáng đổi mới căn bản và toàn diện hệ
thống sư phạm. Hệ thống sư phạm trong một chừng mực nào đó phải được đổi mới trước cả sự đổi mới hệ
thống giáo dục phổ thông, chuyên nghiệp và đại học. Đầu tư vào hệ thống sư phạm là đầu tư cho chất lượng
giáo dục-đào tạo con người. Do vậy, đầu tư cho sư phạm trước hết là đầu tư xây dựng nhân cách nhà giáo và
sau đó là đầu tư bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo.