MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt bởi các em còn
non nớt về thể chất và tinh thần. Và gia đình chính là nơi thực hiện chức năng
chăm sóc và giáo dục tốt nhất với trẻ. Gia đình là nơi dạy cho trẻ những bài học
đầu tiên về cuộc sống, tình yêu thương con người, là ngôi trường đầu tiên của trẻ.
Trẻ em tuổi càng nhỏ thì gia đình càng có ý nghĩa quan trọng trong sự hình thành
nhân cách và nhận thức.
Đối với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc và êm ái nhất trong
những năm tháng đầu đời. Được sống cùng cha mẹ và những người ruột thịt khác,
được hưởng tình yêu thương cũng như sự chăm sóc về vật chất và tinh thần là
quyền chính đáng của mọi trẻ. Khi lớn lên, những đứa trẻ được chăm sóc cẩn thận
thường có đủ hiểu biết và sức khỏe để sống một cuộc sống hữu ích cho gia đình và
xã hội. Nhưng trên thực tế có rất nhiều trẻ đã không được sống như vậy. Trong các
rủi ro mà các em phải chịu như chúng tôi đã nói thì có lẽ bạo lực gia đình là loại
rủi ro dễ khắc phục hơn cả vì chúng liên quan đến tính chủ động và hành động tự
giác của con người, nhưng thực tế lại không như vậy. Hiện nay ở Việt Nam chưa
có thống kê chính thức là bao nhiêu đứa trẻ phải chịu sự rủi ro này nhưng những
hậu quả gây ra cho chúng thì đã rất rõ ràng.
Những trừng phạt về thể chất có thể gây đau đớn cho trẻ, thậm chí có thể
gây thương tích. Mặt khác trẻ cũng có thể thấy bố mẹ thật ác, thật đáng ghét, thấy
bị tổn thương vì thế mà trở nên xa lánh, né tránh chính người thân của mình.
Nhưng nghiêm trọng hơn là những hậu quả về tinh thần mà phương pháp này để lại
cho trẻ. Đối với trẻ nữ phải sống trong môi trường bạo lực, khi trưởng thành khó
đặt niềm tin vào người khác giới và thường gặp trắc trở trong tình yêu. Họ có sự
1
hoài nghi quá mức với người khác giới do những chịu ảnh hưởng của những hành
vi bạo lực của cha mẹ với bản thân. Các em nam về sau có thể bắt chước các hành
vi bạo lực với người vợ và con cái trong tương lai. Ở lứa tuổi nhỏ, đòn roi của cha
mẹ có thể khiến các em gặp những khó khăn về mặt tâm lý như ngại giao tiếp với
mọi người xung quanh do cảm thấy xấu hổ vì hành vi của cha mẹ, hay mặc cảm vì
mình thường xuyên bị đánh. Các em thường thu mình lại và không giao lưu với thế
giới bên ngoài.
Xuất phát từ thực trạng trên mà tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài “Khó khăn
tâm lý của một học sinh lớp 2 bị bạo lực gia đình”.
2. Mục đích nghiên cứu
Phân tích thực trạng khó khăn tâm lý của một học sinh lớp 2 bị bạo lực gia
đình. Trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp nhằm giảm bớt những khó khăn trong
tâm lý của trẻ bị bạo lực gia đình.
3. Đối tượng và khách thể nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Khó khăn trong tâm lý của trẻ bị bạo lực gia đình.
3.2. Khách thể nghiên cứu
- 01 học sinh lớp 2 thường xuyên bị bạo lực gia đình.
- Gia đình một trẻ bị bạo lực gia đình
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Xây dựng cơ sở lý luận của đề tài nghiên cứu: khó khăn tâm lý là gì, biểu
hiện của những khó khăn tâm lý, bạo lực gia đình, các hình thức bạo lực gia đình…
Xác định các khó khăn tâm lý của trẻ bị bạo lực gia đình.
2
Đưa ra những tác động tới gia đình và trẻ nhằm thay đổi biện pháp giáo dục
để khắc phục những khó khăn tâm lý của trẻ bị bạo lực gia đình.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: nghiên cứu các tài liệu có liên quan, các
công trình nghiên cứu, sách báo, tạp chí chuyên ngành,… để xây dựng cơ sở lý
luận cho đề tài.
5.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn:
- Phương pháp quan sát
- Phương pháp phỏng vấn
- Phương pháp nghiên cứu trường hợp
- Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động
6. Phạm vi nghiên cứu
- Lứa tuổi học sinh tiểu học
- Cụ thể: Em NVT, 7 tuổi tại trường tiểu học Minh Phú – Hà Nội.
- Thời gian nghiên cứu: từ tháng 1/2012 đến tháng 4/2012.
7. Bố cục khóa luận
Chương 1: Cơ sở lý luận nghiên cứu khó khăn tâm lý của học sinh lớp 2 bị bạo lực
gia đình
1.1Khái niệm khó khăn tâm lý
1.2Khái niệm bạo lực gia đình.
1.3Biểu hiện những khó khăn tâm lý của học sinh lớp 2 bị bạo lực gia đình.
Chương 2: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
3
2.1. Tổ chức nghiên cứu
2.2 Phương pháp nghiên cứu
Chương 3: Kết quả nghiên cứu khó khăn tâm lý của học sinh lớp 2 ybị bạo lực gia
đình
3.1. Hoàn cảnh sống của thân chủ
3.2 Thực trạng khó khăn tâm lý của trẻ bị bạo hành
3.3 Tác động với gia đình và trẻ bị bạo lực gia đình
3.4 Tiến triển của trẻ
Chương 1:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Khó khăn tâm lý
1.1.1. Khái niệm khó khăn tâm lý
Theo từ điển tiếng Việt: khó khăn là điều gây trở ngại, phải tốn nhiều công
sức, nỗ lực mới có thể hoàn thành. Còn tâm lý là hoạt động tình cảm, lý trí, nghị
lực của con người.Theo cách giải thích như vậy có thể hiểu khó khăn tâm lý là
những điều gây trở ngại làm ảnh hưởng đến hoạt động tình cảm, nghị lực của con
người [ tr 357 ].
Từ điển Anh - Việt thì "difficulty" hoặc "hardship" đều dùng để chỉ sự khó
khăn, gay go, khắc nghiệt đòi hỏi nhiều nỗ lực để khắc phục [25].
Trong từ điển tiếng Trung khó khăn được giải nghĩa là những sự việc phức
tạp, hoặc gặp nhiều trở ngại, rào cản. Danh từ của nó là những trở ngại hoặc vấn đề
4
không giải quyết trong đời sống con người.
Tâm lý là não bộ con người phản ánh quá trình của thực tế khách quan như
tri giác, tư duy, tình cảm. Cũng có nghĩa chỉ cuộc sống nội tâm của con người như
tình cảm, suy nghĩ.
Như vậy, từ cách định nghĩa của các từ điển trên ta có thể thấy khi nói đến
khó khăn có nghĩa là nói đến những gì cản trở, trở ngại, đòi hỏi nhiều nỗ lực để
vượt qua.
Trong cuộc sống, khi tiến hành bất cứ một hoạt động nào con người đều gặp
phải những khó khăn, làm cho hoạt động chệch hướng, làm giảm đi hiệu quả mà
con người mong muốn, thậm chí không đạt hiệu quả hoạt động. Những khó khăn
này, được gọi chung là những khó khăn trong quá trình hoạt động của con người
được tạo nên bởi các yếu tố mang tính chất tiêu cực. Đó là những yếu tố khách
quan (bên ngoài) và yếu tố chủ quan (bên trong).
Những yếu tố bên ngoài, được hiểu là môi trường sống và làm việc có thể là
những điều kiện, phương tiện, môi trường Đây là những yếu tố có ảnh hưởng
gián tiếp đến tiến trình hoạt động của con người.
Những yếu tố bên trong, chính là những yếu tố xuất phát từ bản thân mỗi cá
nhân khi tham gia vào hoạt động đó, như nhận thức, thái độ tình cảm, năng lực,
vốn kinh nghiệm, thao tác kỹ năng tiến hành hoạt động. Xét theo phương diện
nguồn gốc xuất phát, các yếu tố bên trong có thể chia làm hai loại: yếu tố sinh học
và yếu tố tâm lý. Những khó khăn do yếu tố tâm lý tạo nên gọi là những khó khăn
tâm lý. Chính yếu tố bên trong này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình và kết quả
hoạt động của con người.
Xuất phát từ quan điểm trên, khó khăn tâm lý trong đề tài này được hiểu:
5
khó khăn tâm lý là những tác nhân cản trở, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình và
hiệu quả hoạt động của chủ thể.
1.1.2. Biểu hiện của khó khăn tâm lý
Khó khăn tâm lý biểu hiện trên ba mặt: mặt nhận thức, mặt thái độ và mặt
hành vi. Cụ thể là:
Mặt nhận thức: Nhận thức là nhân tố đầu tiên, quan trọng trong đời sống tâm
lý con người. Trên cơ sở nhận thức mà con người tỏ thái độ, tình cảm và có hành
vi tương ứng. Trong thực tế, không phải bao giờ con người cũng có nhận thức
đúng đắn trước các vấn đề phức tạp của cuộc sống. Nhất là đối với trẻ bị bạo hành
gia đình. Những trẻ này có xu hướng rời xa gia đình và do vậy dễ tiếp thu những
ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hoặc trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội.
Về mặt thái độ: thể hiện thái độ tình cảm của các em trong học tập cũng như
trong cuộc sống. Khó khăn tâm lý biểu hiện ở dạng thái độ, tình cảm là việc xuất
hiện những xúc cảm âm tính đối với các hoạt động như thờ ơ, chán ghét học tập, lo
lắng, sợ hãi, chán nản khi gặp những vấn đề nảy sinh trong học tập Hoặc không
làm chủ được cảm xúc của mình, dễ xúc động.
Về mặt hành vi: hành vi được hiểu là sự phối hợp các vận động của toàn bộ
các bộ phận, giác quan, tư thế, điệu bộ, cử chỉ, của cơ thể khi giao tiếp. Mặt
khác, hành vi còn là nơi biểu hiện của nhận thức, xúc cảm – tình cảm. Người có
khó khăn tâm lý thường biểu hiện:
- Cư xử với các bạn theo xu hướng bạo lực
- Dạn đòn, tỏ ra lì lợm khi bị trách phạt
1.2. Bạo lực gia đình
6
1.2.1. Khái niệm
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Bạo lực là việc đe dọa hay dùng sức
mạnh thể chất hay quyền lực đối với bản thân, người khác hoặc đối với một nhóm
người hay một cộng đồng người mà gây ra hay làm gia tăng khả năng gây ra tổn
thương, tử vong, tổn hại về tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển hay gây ra sự mất
mát.
Bạo lực gia đình hay bạo hành gia đình là thuật ngữ dùng để chỉ các hành
vi bạo lực giữa các thành viên trong cùng một gia đình.
Hành vi bạo lực thường thấy nhất là giữa vợ và chồng nhưng bạo lực giữa
cha mẹ với con cái hay ông bà, anh em ruột với nhau hoặc giữa mẹ chồng và con
dâu cũng có xảy ra và được xếp vào nhóm các hành vi này. Nạn nhân của bạo lực
thân thể thường là phụ nữ - vợ hoặc mẹ của đối tượng, với nam giới họ là nạn nhân
của bạo lực tinh thần nhiều hơn. Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, nền văn
hóa, tôn giáo không ngoại lệ giàu nghèo và trình độ học vấn cao hay thấp.
Theo định nghĩa của Đại hội đồng Liên hiệp quốc thì Bạo lực gia đình bao
gồm bất kỳ một hành động bạo lực dựa trên cơ sở giới nào dẫn đến, hoặc có khả
năng dẫn đến những tổn hại về thân thể, tình dục hay tâm lý, hay những đau khổ
của phụ nữa, bao gồm cả sự đe dọa có những hành động như vậy, sự cưỡng bức
hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra nơi công cộng hay cuộc
sống riêng tư.
Trong đề tài này, bạo lực gia đình được hiểu là hành vi cố ý của thành viên
gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối
với các thành viên khác trong gia đình. ( Luật phòng chống bạo lực gia đình năm
2007).
1.2.2. Các dạng bạo lực gia đình
7
Bạo hành thể xác: những hành vi như đá, đấm, tát tác động trực tiếp đến
sức khỏe nạn nhân. Kiểu hành vi này hay xảy ra khi hai bên chênh lệch về sức
mạnh thể chất như giữa chồng và vợ, bố mẹ và con cái hoặc con cái và bố mẹ già.
Bạo hành tình dục: Ép quan hệ tình dục khi bạn đời không muốn. Hành vi
loạn luân giữa cha và con gái, hoặc mẹ và con trai, giữa anh chị em cũng được
xếp vào loại này.
Bạo hành xã hội: ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh
tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng.
1.2.3. Các hành vi bạo lực gia đình
Hành hạ, ngược đãi, đánh đạp hoặc hành vi cố ý khác xâm phạm đến sức
khỏe, tính mạng;
Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả
nghiêm trọng;
Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà
và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
Cưỡng ép quan hệ tình dục;
Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự
nguyện, tiến bộ;
Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài
sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên
gia đình;
Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả
năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ
thuộc về tài chính;
Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
8
1.2.4. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình
Nguyên nhân chủ quan:
Do nhận thức về giới và sự bình đẳng giới còn hạn chế.
Quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ”, tư tưởng gia trưởng, gia
quyền còn nặng.
Sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước nạn bạo hành gia đình còn
hạn chế, thiếu kiên quyết, thẳng thắn và còn cam chịu.
Nguyên nhân khách quan
Trình độ học vấn, năng lực nghề nghiệp, đặc biệt là tình trạng chênh lệch về
nghề nghiệp giữa vợ và chồng là một trong những yếu tố khách quan gây nên nạn
bạo hành trong gia đình.
Năng lực tự chủ tài chính của người đàn ống trong gia đình bị hạn chế, hình
thành ở họ tư tưởng tự ti, hẹp hòi. Đây cũng là nguyên nhân gây nên nạn bạo hành
gia đình với người phụ nữ.
Tác động của các chất kích thích, của men bia, rượu, ma túy…
Đối với trẻ em, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: cha
mẹ bị cuốn vào các tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè,…; cha mẹ mâu
thuẫn hoặc ly hôn; lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái.
Gia đình nghèo, kinh tế khó khăn cũng là nguy cơ dẫn tới bạo lực gia đình vì
kinh tế khó khăn sẽ gây ra áp lực, căng thẳng, bế tắc dẫn đến mâu thuẫn trong gia
đình, và hậu quả là trẻ em phải gánh chịu.
1.3. Biểu hiện những khó khăn tâm lý của trẻ bị bạo hành gia đình
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những đứa trẻ thường sống trong cảnh bạo lực
như chứng kiến bố mẹ đánh nhau, cãi cọ hoặc bị bố mẹ đánh thì hay gặp ác mộng
và đái dầm buổi tối. Không chỉ có vậy, những đứa trẻ đó còn có triệu chứng bất
thường như không chú ý vào người đối diện, trí nhớ giảm và tư duy cũng kém đi.
9
Các chuyên gia cũng nhận thấy những người đã có một tuổi thơ bạo lực thì
họ thường nhớ và vận dụng những thái độ, cách cư xử đó vào trong gia đình riêng
khi họ trưởng thành và kết hôn. Có nhiều trường hợp tuổi thơ bạo lực và lớn lên
thành những tay chơi, “đầu gấu” trong giang hồ.
Một đứa trẻ bị bạo hành thường rất cộc cằn, cảm thấy cô đơn, hay xa lánh
bạn bè, lơ là hoặc bỏ ngang việc học. Nếu chúng ta lớn lên trong một môi trường
mà cha mẹ chúng ta thưòng gây gổ, la mắng nhau, chúng ta sẽ dễ dàng trở thành
những người có khuynh hướng bạo hành đối với kẻ khác. Một người chồng/vợ mà
dễ dàng sử dụng những lời la mắng, hay đánh đập người hôn phối hay con cái của
mình những khi có chuyện gì bất đồng ý kiến trong gia đình có thể chính họ là nạn
nhân của sự bạo hành trong quá khứ. Chúng ta thường lập lại những gì đã xãy đến
cho chúng ta trong quá khứ trên chính những người thân của chúng ta ngày hôm
nay.
Một đứa trẻ đã từng bị bạo hành (hay chứng kiến cảnh bạo hành) thường tỏ
ra giận dữ, gắt gỏng, buồn chán, ăn ngủ bất thường hoặc hay bị ám ảnh là sẽ bị bỏ
rơi. Những nạn nhân của sự bạo hành thường bị những triệu chứng của sự Rối
Loạn Và Căng Thẳng Hậu Chấn Thương (Post Traumatic Stress Disorder, PTSD)
như: căng thẳng thường xuyên, giận dữ vô cớ, bị ám ảnh bởi khung cảnh của biến
cố gây nên sự chấn thương, hay bị ác mộng, đề nén tình cảm, ngủ không yên, cảm
thấy tội lỗi, chán chường, chứng lơ đãng, tránh né những gì có thể làm gợi lại biến
cố gây chấn thương, …
Một người lớn lên trong môi trường có bạo hành sẽ có khuynh hướng dễ bị
hư hỏng, dễ giận dỗi, không thích hợp với xã hội, học hành kém. Người ấy dễ sa
vào những sa đọa, nghiện ngập về rượu, thuốc lá hoặc ma túy, hay có vấn đề với
10
pháp luật. Có khuynh hướng lẫn tránh người khác, tính tình nhút nhát, hay lo sợ,
thiếu tự tin.
1.3.1 Trẻ có xu hướng lảng tránh, rời xa gia đình.
Phản ứng thường thấy ở những đứa trẻ phải sống trong môi trường gia đình
có bạo lực là lảng tránh tất cả. Ban đầu có thể là lảng tránh sự lục đục của người
lớn, xa lánh các cuộc cãi vã, hoặc tránh cả cuộc sống gia đình để tránh những trận
đòn, những cơn sỉ vả không đáng có.
Từ sự xa lánh cuộc sống gia đình dẫn đến tâm lý không tôn trọng gia đình,
coi thường các mối quan hệ gia đình. Những đứa trẻ không có sự tôn trọng đối với
cha mẹ - những người dùng bạo lực đối với chúng. Như vậy, lời nói của cha mẹ
không có trọng lượng đối với đứa trẻ nữa. Đồng thời, gia đình không còn là nơi
giáo dục, chỉ bảo cho trẻ những bài học về cuộc sống, tình yêu thương được nữa.
Không tìm thấy niềm yêu thương an ủi từ phía gia đình, những đứa trẻ sinh
ra trong hoàn cảnh bạo lực gia đình ghê sợ cuộc sống và khinh ghét, coi thường nó.
Và điều tất yếu là những đứa trẻ quay lưng lại với gia đình, quay lưng lại với tất cả
các mối quan hệ gia đình.
Những biểu hiện cụ thể như: tránh tiếp xúc với cha mẹ, thu mình trong một
góc, lầm lì…
1.3.2. Trẻ thiếu tự tin, rụt rè, lo sợ và hay làm hỏng việc
Khoảng 6 – 11 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển những ưu tư gần như những ưu tư
của người lớn. Những năm sau đó là các chuỗi lo lắng kéo dài trước những vấn đề
của cuộc sống. Chẳng thế mà Nguyễn Gia Thiều đã coi nỗi khổ và sự sợ hãi của
con người như một định mệnh khiến họ ngay từ khi sinh ra đã chào đời không phải
bằng nụ cười mà bằng tiếng khóc và khi chết đi cũng kết thúc bằng tiếng khóc.
11
Nỗi thống khổ và sự sợ hãi bản năng đó sẽ còn đeo bám và lớn lên gấp nhiều
lần đối với một con người nếu người đó luôn phải sống trong một gia đình ít tình
yêu thương mà đầy rẫy bạo lực. Sống trong những trận đòn, những lời mắng chửi,
sỉ vả khiến người công dân tương lai sẽ bị méo mó đi rất nhiều bởi sự trầm cảm,
tính nhu nhược, các em học hành sút kém, trì độn, hay lo sợ, thiếu tự tin. Những
người xung quanh có thể nhận thấy các em đa phần đều trầm lặng, ít nói, xa lánh
mọi người và trong lòng chứa đầy mặc cảm.
Những biểu hiện cụ thể: trẻ ít giao tiếp với những người ngoài gia đình, khó
gần, hay gặp ác mộng,…
1.3.3. Những đứa trẻ trở nên lì lợm và hung tính
Người Ấn Độ có câu châm ngôn rằng một cái tát vào mặt con anh có thể trở
thành một cú đấm vào mặt cháu anh, tức là anh đã truyền cái tát cho thế hệ con
cháu với cường độ mạnh hơn. Việc cha mẹ dùng bạo lực với con cái đồng nghĩa
với việc dạy dỗ, tập cho chúng quen dần với việc dùng bạo lực với người khác.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong không khí bạo lực gia đình thường
dùng bạo lực trong việc xử lý các mối quan hệ xã hội, bạn bè thậm chí cả anh em,
họ hàng. Hay nói cách khác, dùng bạo lực đối với trẻ em khiến chùng trở thành bản
sao của cha mẹ chúng trong tương lai.
12
CHƯƠNG 2
TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Tổ chức nghiên cứu
Thời gian thực hiện đề tài: từ ngày 06/01/2012 đến ngày 06/05/2012
Cụ thể:
STT Tiến trình nghiên cứu Thời
gian
Ghi
chú
1 Xác định tên đề tài
nghiên cứu
1/2012
2 Xây dựng đề cương đề tài Lý do chọn đề tài 1/2012
Mục đích, đối tượng; khách
thể; nghiên cứu; phương
pháp nghiên cứu; giả thuyết
khoa học
1/2012
3 Nghiên cứu lý luận Tìm hiểu các khái niệm
công cụ liên quan đến đề tài
2/2012
13
nghiên cứu
4 Chuẩn bị nghiên cứu thực
trạng
Xây dựng bảng quan sát 3/2012
5 Nghiên cứu thực trạng Tìm hiểu khách thể và môi
trường thân chủ sống
Thu thập thông tin liên
quan đến thân chủ
Dựa trên kết quả thu được
hoàn thiện bảng quan sát
6 Phân tích kết quả nghiên
cứu
7 Hoàn thiện đề tài nghiên
cứu
Viết kết quả nghiên cứu:
báo cáo, báo cáo tóm tắt.
5/2012
In ấn 5/2012
8 Báo cáo kết quả nghiên
cứu
5/2012
2.2. Nội dung nghiên cứu
Căn cứ vào mục đích, giới hạn của đề tài, giả thuyết khoa học và những
nhiệm vụ nghiên cứu chúng tôi tập trung nghiên cứu những vấn đề sau:
2.2.1 Nghiên cứu lý luận
Tham khảo các công trình nghiên cứu, sách, báo, tạp chí chuyên ngành về
các vấn đề liên quan như: khó khăn tâm lý, đặc điểm học sinh tiểu học, khái niệm
14
bạo hành gia đình… Từ đó hệ thống và khái quát hóa các khái niệm công cụ làm
cơ sở lý luận cho đề tài.
2.2.2 Nghiên cứu thực trạng
Nghiên cứu thực trạng bao gồm các công việc như: thu thập thông tin, xử lý
thông tin, viết kết quả nghiên cứu thực trạng, viết kết quả nghiên cứu, kết luận,
kiến nghị, hoàn tất luận văn.
2.3 Phương pháp nghiên cứu
2.3.1 Phương pháp nghiên cứu tài liệu
Chúng tôi tiến hành phân tích, tổng hợp những tài liệu lý luận và phương
pháp có liên quan đến khó khăn tâm lý của trẻ em bị bạo hành gia đình. Trên cơ sở
đó hệ thống hóa, khái quát những vấn đề lý luận về khó khăn tâm lý của trẻ em có
khó khăn tâm lý khi bị bạo hành gia đình như khái niệm khó khăn tâm lý, khái
niệm bạo hành gia đình, các hình thức bạo hành gia đình, …
2.3.2 Phương pháp quan sát
Quan sát là một phương pháp nghiên cứu trong đó người quan sát sử dụng
các quá trình tri giác để thu thập thông tin về hành vi, cử chỉ, lời nói của khách thể
nghiên cứu trong những điều kiện nhất định nhằm đạt được mục đích nghiên cứu
nhất định.
Phương pháp này được sử dụng nhiều trong quá trình phỏng vấn sâu – vừa
phỏng vấn vừa quan sát điệu bộ, khuôn mặt, cử chỉ, ánh mắt, giọng nói của khách
thể và những người có liên quan để them căn cứ cho đề tài.
2.3.3 Phương pháp phỏng vấn
15
Là cách thức giao tiếp trực tiếp để thu thập thông tin về một số vấn đề liên
quan đến những khó khăn tâm lý của trẻ lớp hai bị bạo hành gia đình. Nội dung
phỏng vấn tập trung vào các vấn đề: những biểu hiện của trẻ có khó khăn tâm lý,
hoàn cảnh diễn ra cuộc nói chuyện, nội dung, hình thức giao tiếp,…
Chúng tôi đã tiến hành gặp gỡ và trực tiếp phỏng vấn sâu với các khách thể
sau: thân chủ, bố mẹ thân chủ, giáo viên chủ nhiệm.
Cuộc phỏng vấn tiến hành dưới hai hình thức: chuẩn bị trước bộ câu hỏi cần
phỏng vấn bằng văn bản đồng thời phỏng vấn theo ngữ cảnh, nếu thấy vấn đề quan
trọng mà khách thể đề cập thì cần phải xoáy sâu để thu thập thông tin. Trong quá
trình phỏng vấn chúng tôi ghi chép lại cuộc phỏng vấn.
2.3.4 Phương pháp nghiên cứu trường hợp ( case study )
Nghiên cứu trường hợp là phương pháp nhà tâm lý học lâm sàng nghiên cứu
một cá nhân cụ thể trong một tình huống lâm sàng để thu thập thông tin trực tiếp,
điển hình và có hệ thống cho từng hồ sơ tâm lý nhằm phục vụ cho mục tiêu đánh
giá, chẩn đoán hoặc trị liệu lâm sang.
Trong đề tài này, chúng tôi nghiên cứu 1 trường hợp điển hình là em NVT, 7
tuổi, học sinh lớp 2G trường tiểu học Minh Phú – Hà Nội.
Quy trình nghiên cứu trường hợp được tiến hành như sau:
Tiếp xúc, làm quen, xây dựng mối quan hệ với trẻ.
Trò chuyện, tìm hiểu thông tin về hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống – học
tập của các em
Quan sát các em trong điều kiện tự nhiên: ở lớp học, tại gia đình, khi tham
gia các trò chơi, quan sát trẻ vẽ tranh.
16
2.3.5 Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động – tranh vẽ
Dựa vào sản phẩm hoạt động do đối tượng tạo nên để nghiên cứu, đánh giá
tâm lý con người như thái độ, tình cảm, tính cách con người.
Trong đề tài này, chúng tôi sử dụng phương pháp này để phân tích tranh vẽ
của em NVT để từ đó phân tích tâm lý của em được thể hiện qua tranh vẽ.
Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Hoàn cảnh sống
3.1.1. Môi trường xã hội
NVT hiện đang sống cùng gia đình tại xã Minh Phú – Sóc Sơn – Hà Nội. Xã
Minh Phú nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 50km. Tại đây người dân chủ yếu sống
bằng nghề nông nghiệp và trồng rừng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Trong những năm gần đây, kinh tế của xã có bước phát triển mới, đời sống
người dân được nâng cao hơn. Những người dân quanh năm chân lấm tay bùn đã
quen hai sương một nắng gắn bó với đồng ruộng thì nay nhàn rỗi vì đã bán đất, bán
ruộng. Từ việc phải chạy ăn từng bữa nay họ đã có tiền rủng rỉnh trong túi, những
người nông dân chất phác không biết dùng tiền vào việc gì. Từ đó nảy sinh những
tệ nạn xã hội như: cờ bạc, nghiện hút, rượu chè,…
Họ có điều kiện hơn để quan tâm đến con cái, nhưng mặt khác xuất hiện một
bộ phận cha mẹ cho rằng chỉ cần cho con ăn ngon, mặc đẹp, cho tiền tiêu vặt đầy
17
đủ là được mà không quan tâm đến đời sống tình cảm của các em. Chính vì vậy
xuất hiện một bộ phận thanh – thiếu niên đua đòi, ăn chơi và tham gia các tệ nạn xã
hội như nghiện hút, cờ bạc, tụ tập đánh nhau,…
3.1.2. Môi trường học đường của thân chủ
NTV hiện đang học lớp 2G trường tiểu học Minh Phú – Hà Nội. Trường có
8 lớp 2, trong đó lớp 2G do cô Phạm Thanh Tâm chủ nhiệm.
Qua trao đổi với giáo viên, chúng tôi được biết “NVT là em có học lực trung
bình. Ở lớp em có nhận thức chậm hơn so với các bạn khác và có biểu hiện lơ
đãng trong học tập. Ví dụ như khi tôi gọi đứng dậy trả lời bài thì thường phải nhắc
lại câu hỏi cho em.
Tại lớp, NVT cũng khá nhút nhát, không giao tiếp với các bạn. Bởi theo tôi
thấy, em hầu như không kết thân với em nào. Vào giờ chơi T chỉ ngồi góc lớp nhìn
các bạn chơi đùa mà không tham gia. Nếu có bạn rủ em ra chơi thì T chỉ lắc đầu
mà không chơi. Dần dần không có em nào rủ em chơi cùng nữa.
Tôi thấy có một điều lạ là ở các lớp nhỏ thế này, các em hầu như nói với cô
giáo mọi chuyện như: bạn A lấy sách của con, bạn B nói chuyện riêng, bạn C đánh
con,… nhưng T chưa bao giờ nói với tôi những điều ấy. Khi tôi hỏi han thì em lại
có biểu hiện né tránh và không muốn tiếp xúc.
Và mặc dù rất nhút nhát nhưng T lại cục tính. Em đã nhiều lần đánh bạn vì
bị các bạn trêu. Gần đây nhất là T đã ném dép vào mặt bạn vì bạn gọi là “thằng
ngu trọc đầu”. Có khi em đánh bạn thâm tím mặt mày khiến tôi phải yêu cầu phụ
huynh đến gặp.
T cũng ít tham gia các hoạt động của lớp như văn nghệ, phong trào kế
hoạch nhỏ, đặc biệt là các phong trào về học tập thì em rất ít tham gia. Hoạt động
18
T tham gia nhiều nhất là việc tưới cây cho bồn hoa của lớp. Lớp tôi được giao
nhiệm vụ chăm sóc một cây phượng trong khuôn viên trường. Hàng ngày em đều
xách nước tưới cho cây – dù không phải là lượt của em. Có lẽ T rất thích cây
phượng nên em muốn tự tay chăm sóc cho nó.
3.1.3. Quan hệ bạn bè
Quanh khu vực em NVT sống, có rất nhiều bạn cùng độ tuổi. Tuy nhiên hầu
như em không kết thân với bạn nào.
Một bạn học của T nói: Em không chơi với thằng Tài đâu. Nó vừa học dốt
lại xấu nữa. Mà nó cũng chẳng chơi với bọn em bao giờ. Cái đồ suốt ngày ngồi
một đống chẳng biết chơi gì cả. Nói chuyện với nó, nó cũng không trả lời.
Vào mỗi buổi sáng, các em thường cùng nhau đi học. Các em đi đến đâu thì
chỗ đó râm ran tiếng cười đùa, nghịch ngợm của các em. Những lúc như vậy, NVT
chỉ đi phía sau nhìn các bạn chơi mà không tham gia. Khi có bạn nào trêu em, nếu
tỏ thái độ không thích mà em đó vẫn tiếp tục thì T sẵn sàng lao vào đánh bạn. Rất
nhiều lần cha mẹ những em bị T đánh tìm đến nhà “nói chuyện” với bố mẹ T. Mỗi
lần như vậy T đều bị bố mẹ đánh chửi và bắt nhịn đói.
3.1.4. Hoàn cảnh gia đình
Gia đình em NVT gồm 5 người gồm: bố mẹ, 2 chị gái và em NVT. Bố 45
tuổi trước là công nhân lao động tự do, ai thuê gì làm nấy. Hiện nay đã chuyển
sang môi giới đất đai. Mẹ 39 tuổi hiện đang ở nhà làm ruộng, chăn nuôi nhỏ và có
làm thêm nghề phụ là xay xát gạo.
Bố NVT sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em (3 trai, 3 gái). Thủa nhỏ,
kinh tế gia đình khó khăn nên các chị em chỉ học hết tiểu học rồi tham gia lao động
sản xuất nhằm giải quyết khó khăn về kinh tế.
19
Ông nội T trước đây vốn là cán bộ thôn xã nên hay tổ chức họp hành, ăn
uống tại nhà. Mỗi lần như vậy, bố T cùng các anh chị phải nấu nướng, phục vụ rất
vất vả. Khi mọi người ăn uống no say và ra về cũng là lúc ông nội T đã ngà ngà
say. Ông hay hạnh họe cũng như đánh mắng vợ con. Theo như hàng xóm kể lại,
mỗi lần uống say ông nội T lại đánh và đuổi vợ con đi. Có hôm trời mưa bão, vợ
con ông phải sang nhà hàng xóm xin ngủ nhờ.
Có thể do sống trong hoàn cảnh gia đình có cha thường xuyên say rượu lại
hay đánh đập vợ con nên đã ảnh hưởng đến tính cách bố T hiện nay. Bố T cũng
dùng đòn roi, đánh chửi để dạy dỗ các chị em T.
Đó là khi bố T còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, cha em T không có việc làm
ổn định mà chủ yếu làm những việc như bốc vác, cửu vạn hay bất cứ việc gì người
ta thuê và canh tác trên 1 diện tích nhỏ đất nông nghiệp. Tuổi thanh niên, bố T hay
tụ tập cùng các bạn cùng lứa trong làng. Và cứ dăm bữa nửa tháng họ lại có 1 trận
đánh nhau với các thanh niên làng khác vì tội “dám tán gái làng ta” hay “ghét cái
mặt thằng ấy”.
Đến khi xây dựng gia đình, cha em T lại thường xuyên đánh vợ. Lý do anh
ta đưa ra là vợ không biết làm việc nhà, cãi lại chồng hay nhìn vợ “ngứa mắt”.
Mỗi lần như vậy, chị vợ lại khóc lóc và sang nhà họ hàng trốn.
Trong tuổi thơ, bố T sống dưới sự giáo dục nghiêm khắc của ông nội T. Hễ
làm gì sai hay chưa vừa ý ông là bố T lại bị đánh. Và bố T đang lặp lại những điều
ấy với con mình mà quên mất rằng khi bằng tuổi con bây giờ mình mong muốn gì,
hy vọng gì, …
Còn mẹ NVT 39 tuổi. Là con cả trong gia đình có 3 chị em. Ông ngoại em T
có 2 vợ. Người vợ đầu của ông ngoại T sinh được 1 người con – mẹ T. Người vợ
20
sau có 2 người con trai. Ông ngoại T mở cửa hàng ăn nên công việc khá bận rộn.
Mẹ T cũng chỉ học hết cấp 2. Sau 1 thời gian ở nhà phụ giúp gia đình thì lấy bố T.
Cả bố và mẹ T đều có trình độ học vấn thấp điều này ít nhiều ảnh hưởng đến
việc lựa chọn phương pháp giáo dục con cái của gia đình.
Dân gian có câu “ Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ lại thương
con chồng”. Mẹ T cũng không phải là ngoại lệ. Mẹ T vừa phải quán xuyến việc
nhà lại phải lo việc ở hàng ăn, suốt ngày đầu tắt mặt tối. Nhưng như vậy vẫn là
chưa đủ đối với người dì. Cũng như bố T, mẹ T sống trong những tiếng mắng chửi,
nhiếc móc, “ngày 3 bữa cơm thì 2 bữa chan nước mắt”.
Có lẽ vì vậy mà khi gặp bố T, hai người có cùng cảnh ngộ tìm thấy sự đồng
cảm ở nhau. Và họ nhanh chóng đi đến hôn nhân.
Lập gia đình, mẹ T ở nhà làm ruộng và làm xay xát gạo tại nhà. Thời gian
đầu kinh tế còn khó khăn nên vợ chồng hay nảy sinh mâu thuẫn và hay cãi vã. Về
sau, khi bố T chuyển sang môi giới đất đai thì kinh tế gia đình có sự thay đổi rõ rệt.
Từ chỗ ở trong căn nhà cấp 4 đến nay đã có nhà 3 tầng để sinh sống. Vì vậy, đời
sống của chị em T cũng được cải thiện so với trước, tuy nhiên những trận đòn roi
thì vẫn không dứt.
Từ chỗ gia đình khó khăn, phải chạy ăn từng bữa đến nay gia đình T đã
khấm khá hơn. Bán đất, bán ruộng giúp gia đình T có một khoản tiền lớn trong tay
khiến họ không biết sử dụng vào việc gì. Thay vì đầu tư tái sản xuất bố mẹ em lại
mua xe máy, xây nhà, đánh lô đề, ăn hàng, … Chị em T vì vậy cũng được bố mẹ
chu cấp thoải mái hơn. Các em được cho nhiều tiền để ăn sáng, tiền tiêu vặt, tiền
mua sắm, … trong khi còn bé và chưa ý thức được giá trị đồng tiền.Nếu gia đình
quản lý các em một cách lỏng lẻo sẽ dễ dẫn đến đua đòi, hư hỏng.
21
NVT là con thứ 3 trong gia đình. Trên T có 2 chị, 1 học lớp 7 và 1 học lớp 4.
Các chị em T đều ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ và ít giao tiếp với mọi người.
Bình thường, khi bố mẹ đi làm, cháu NTN 13 tuổi sẽ phụ trách trông các em
thay bố mẹ. Khi các em không nghe lời, NTN sẵn sàng lao vào đánh chửi, mắng
mỏ các em và dọa về mách tội các em với bố mẹ. NTN phụ giúp mẹ được nhiều
việc nhất nhưng lại là cháu hay bị mẹ đánh nhất. Có hôm thấy có người bán bánh
mì dạo, N nói thèm ăn và bảo mẹ mua nhưng liền bị mẹ lao vào túm tóc và đánh
chửi. Nguyên nhân là do ở xóm bên có bạn cùng tuổi N có bầu, sợ con có biểu hiện
lạ nên mẹ T “răn đe” trước. Nhưng thay vì tâm sự, trao đổi với con, chị lại dùng
những câu như “con ranh con, mày làm sao mà thèm ăn bánh mì?”, “mới nứt mắt
ra đã đua đòi à”, “mày mà vác cái bụng về đây xem, tao thì tao mổ bụng mày ra
cho chó nó ăn”, …
Sau NTN, cháu NTH là chị thứ 2 của NVT được xem là hiền lành hơn. NTH
thường đứng ra can ngăn, khuyên bảo NTN khi đánh em và chăm chỉ làm các công
việc nhà như quét dọn, chăn nuôi, nấu cơm,…
Tuy nhiên, T và các chị lại thường xuyên bị cha mẹ đánh chửi mà nhiều khi
chẳng có nguyên nhân gì.
Trong nhà thường chỉ có bố T hay đánh em, còn mẹ T dù thương con nhưng
cũng không dám can ngăn. Nếu có người đến nhà nói rằng hôm nay con anh đã
đánh con tôi thì T thường phải nằm lên 1 phiến đá hình vuông (dùng làm bàn uống
nước) để bố đánh. Mỗi roi vung lên là bố T lại mắng chửi em như: “tao cho mày
ăn cơm chứ có phải ăn cứt đâu mà mày hư đốn thế hả?”, “đến con chó còn biết
nghe lời mà mày không bằng con chó à”, “thà tao không có đứa con như mày còn
hơn”, “nếu biết trước có đứa con mất dạy như mày thì tao đã bóp chết từ lâu rồi”,
“cho mày ăn học xũng chỉ tốn cơm gạo thôi, thà tao nuôi chó còn hơn”, … Những
22
vết thương trên người T sẽ lành theo thời gian nhưng những lời nhiếc móc, mắng
mở của bố mẹ có lẽ sẽ ám ảnh T mãi về sau. Mỗi khi gặp khó khăn hay thất bại thì
những lời nói trên làm em không có nghị lực để phấn đấu mà biến T thành con
người tự ti, hay bi quan. Theo mẹ T kể thì “khi ngủ em hay bị giật mình, và hay
khóc nữa”. Điều này cho thấy nỗi lo hãi đi theo em cả vào trong những giấc ngủ.
Theo mẹ T kể “Buổi tối tôi thường phải chạy qua phòng T vì em khóc. Hỏi
làm sao thì nó không nói mà chỉ khóc to hơn. Tôi đoán là nó mơ ngủ. Rõ chán, con
trai con đứa gì mà lớn tướng mà đi ngủ vẫn còn thế. Những lúc ấy, tôi phải dỗ mãi
nó mới chịu ngủ tiếp. Chứ không để bố nó nghe thấy lại khổ cả con lẫn mẹ. Đêm
ngủ T hay nói mơ nữa, cứ ú a ú ớ suốt. Chắc tại ban ngày nó chơi đùa hò hét nhiều
quá nên đêm không ngủ yên được”.
3.2 Thực trạng khó khăn tâm lý của trẻ bị bạo hành gia đình.
3.2.1 Trẻ thu mình, tách xa các mối quan hệ gia đình và xã hội
Lần đầu gặp tôi, T thể hiện là một người nhút nhát, sợ sệt. Em đang ngồi
trong phòng khách, thấy tôi T liền đi vào phía trong và không ra ngoài nữa cho đến
khi bị mẹ bắt ra ngoài.
Mẹ T nói: Thằng này nhà chị nhát lắm. Thấy khách đến nhà là nó trốn biệt
cấm có ló mặt ra bao giờ. Nhiều khi đi đâu cũng ngại về con, như con nhà người
ta có lạ thì chỉ lạ một lúc thôi chứ. Còn nó cứ ngồi một xó, không nói chuyện với ai
cũng chẳng chơi gì, cứ ngồi như cục đất ấy. Lâu rồi thành ra cũng chẳng cho nó
đi đâu nữa”.
“Đi học về là nó vứt cặp vào phòng rồi ra sân ngồi đến lúc chị bắt đi tắm nó
mí chịu đi. Chứ nó có giúp được gì đâu, cơm không biết nấu, lợn gà cũng chẳng
biết cho ăn. Chỉ ăn với phá là giỏi”.
23
“Ở nhà nó cũng ít nói chuyện với chị, chắc đi học mấy chị em nó chơi với
nhau rồi. Về nhà chỉ có hai con vịt giời kia là chí cha chí chóe suốt ngày thôi. Cu
Tài giống bố nên ít nói. Nó chả kể chuyện ở trường, ở lớp hay bạn bè nó thế nào
bao giờ”.
Lúc ngồi nói chuyện T chọn vị trí ngồi xa tôi nhất và không tham gia vào
câu chuyện. T chỉ ngồi một góc và đóng vai thính giả. Nghe mẹ kể tội mình với
khách em cũng không tỏ thái độ khó chịu hay bức xúc gì, T chỉ ngồi nhìn ra cửa
sổ. Nói chuyện với tôi một lúc thì các chị T đi làm việc nhà, chỉ còn em ngồi lại.
Khi tiếp xúc với tôi, T thường vặn các ngón tay hoặc đan các ngón tay lại với nhau.
Điều này cho thấy em có cảm giác không thoải mái, lo lắng. Có thể em đang chờ
mẹ hoặc các chị quay lại hoặc hy vọng tôi ra về. Về mặt ngôn ngữ, T trả lời những
câu hỏi của người quan sát bằng cách lắc hoặc gật đầu chứ không mở rộng nội
dung trò chuyện. T nói ngọng và chưa rõ từ. Ví dụ như em không nói được tròn từ
“không” mà nói thành “hông”, “tuyến – tiết”, “khiêm – hiêm”. Các thành viên
trong gia đình không quan tâm đến việc rèn cho em phát âm đúng mà xem đây như
điều bình thường. Có thể do cả nhà đều hiểu những từ em nói nên thấy bình
thường. Nhưng T đã 7 tuổi, ở tuổi này rất ít trẻ còn nói không rõ từ như T. Những
trẻ bị phát âm sai từ thường chỉ gặp ở tuổi 2 – 5 tuổi và thường kết thúc khi trẻ vào
lớp 1.
Khi nói chuyện với tôi, T không hề nhìn và có sự giao tiếp bằng mắt. Em
chủ yếu nhìn xuống đất hoặc nhìn xung quanh. Mỗi khi bắt gặp ánh mắt tôi em lại
quay đi chỗ khác. Mà không biết giao tiếp bằng mắt là một trong ba dấu hiệu cơ
bản để nhận biết trẻ tự kỷ.
Sự giao tiếp của T với các thành viên trong gia đình có sự khác biệt rõ rệt.
Em thân thiết với mẹ hơn cả. Còn bố thì hầu như em không nói chuyện bao giờ.
24
Mẹ T kể: trước đây, có lần T bị bố phạt bắt đứng giữa trời mưa vì để chó ăn mất
con gà bố nó mới luộc. Chả là bố nó đi lấy cái thớt để chặt gà bảo nó trông bếp.
Không biết nó làm gì mà để chó vào tha mất con gà đi. Bực mình quá bố nó đánh
cho một trận rồi trói ở gốc nhãn. Được một lúc thì mưa nhưng bố nó vẫn không
cởi trói. Nhiều khi ngồi ngẫm lại chị cũng thấy thương con, thương mình. Ngày
xưa anh ấy đánh mình thì không sao. Bây giờ có con thì lại đánh con. Thấy chồng
đánh con thâm tím cả mặt mày mà chị chỉ muốn chết. Bởi vào can thì lại làm anh
ấy bực hơn đánh luôn cả mấy đứa kia. Còn không can thì cũng xót con, con mình
dứt ruột đẻ ra mà. Sau này làm mẹ rồi em sẽ hiểu.
Sau lần ấy T nó đâm ra lì lắm. Nó không chào, không hỏi han gì bố cả. Hai
bố con mà cứ như người dưng ấy, thấy bố về nó chào được câu rồi thôi. Bố nó sai
gì thì nó làm còn đâu hai bố con chả nói chuyện với nhau bao giờ.
Tâm lý thu mình, tránh giao tiếp với các thành viên trong gia đình của T
được thể hiện trong tranh vẽ:
25