Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

Thị trường vốn_Phân tích thực trạng đầu tư trên thị trường chứng khoán thứ cấp Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (258.22 KB, 21 trang )

LỜI NÓI ĐẦU
Chính thức đi vào hoạt động ngày 28/07/2000, tính đến nay trải qua 14 năm
hình thành và phát triển với rất nhiều những biến động thăng trầm từ những khoảng
thời gian đầu với những cơn sốt ảo đến những lúc chìm sâu vào khủng hoảng do ảnh
hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô
trong nước thì đến đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã dần đi vào ổn
định, phản ánh đúng vai trò và giá trị thực của nó. Cho đến nay, thị trường chứng
khoán đã trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các chủ thể kinh tế
trong bối cảnh mà việc huy động vốn qua các kênh khác gặp nhiều khó khăn và trở
ngại hơn.Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thứ cấp cũng ngày càng được hoàn
thiện phù hợp với thực tế phát triển kinh tế và nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trên
thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực thì thực trạng hoạt động của thị
trường vẫn còn những điểm rất hạn chế: vẫn có sự lũng đoạn trên thị trường của một
nhóm những nhà đầu tư hay nạn đầu cơ vẫn tồn tại gây cản trở cho sự phát triển của
thị trường tác động xấu tới sự phát triển kinh tế, thông tin thị trường vẫn còn thiếu
minh bạch…
Để có một cái nhìn rõ nét hơn về TTCK Việt Nam cũng như hoạt động đầu tư
trên thị trường thì sau một thời gian nghiên cứu cùng với sự hướng dẫn của PGS.TS
Phạm Văn Hùng, nhóm đã quyết định lựa chọn đề tài: “Phân tích thực trạng hoạt
động đầu tư trên thị trường chứng khoán thứ cấp tại Việt Nam” làm bài luận môn học
của mình. Nội dung bài viết gồm có 3 chương là:
Chương 1.Lí luận cơ bản về Thị trường chứng khoán và hoạt động đầu tư trên
thị trường chứng khoán.
Chương 2.Thực trạng hoạt động đầu tư trên Thị trường chứng khoán thứ cấp tại
Việt Nam giai đoạn 2013-T6/2014.
Chương 3.Một số bài học và đề xuất, kiến nghị.
CHƯƠNG 1. LÍ LUẬN CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VÀ
HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN.
1.1. Khái niệm về thị trường chứng khoán và thị trường chứng khoán thứ cấp.
Thị trường chứng khoán: Trong điều kiện của nền kinh tế hiện đại, thị trường
chứng khoán được quan niệm là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán chứng


khoán trung và dài hạn. Việc mua bán này được tiến hành ở thị trường sơ cấp khi
người mua mua được chứng khoán lần đầu từ những người phát hành, và ở những thị
trường thứ cấp khi có sự mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành ở thị
trường sơ cấp.Như vậy, xét về mặt hình thức, thị trường chứng khoán là nơi diễn ra
các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán, qua đó thay
đổi các chủ thể nắm giữ chứng khoán.
Thị trường sơ cấp là thị trường mua bán các loại chứng khoán mới phát hành.
Trên thị trường này, vốn từ nhà đầu tư sẽ được chuyển sang nhà phát hành thông qua
việc nhà đầu tư mua các chứng khoán mới phát hành.
Thị trường thứ cấp là nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị
trường thị sơ cấp.Thị trường này đảm bảo tính thanh khoản cho các chứng khoán đã
phát hành.Đây là nơi trao đổi, mua bán các chứng khoán đã được phát hành. Nhà đầu
tư mua đi bán lại chứng khoán nhằm vào một trong các mục đích: cất giữ tài sản tài
chính, nhận một khoản thu nhập cố định hàng năm, hưởng chênh lệch giá.
Thị trường thứ cấp: tạo ra khả năng chuyển đổi chứng khoán thành tiền mặt dễ
dàng, thuận tiện; Tiền thu được ở đây không thuộc về nhà phát hành mà thuộc về nhà
đầu tư bán chứng khoán, nhượng lại quyền sở hữu chứng khoán cho nhà đầu tư khác.
1.2. Đặc điểm và phân loại thị trường chứng khoán thứ cấp.
1.2.1. Đặc điểm của thị trường chứng khoán thứ cấp
Thị trường chứng khoán thứ cấp có những đặc điểm như:
- Trên thị trường thứ cấp, các khoản tiền thu được từ việc bán chứng khoán
thuộc về các nhà đầu tư và các nhà kinh doanh chứng khoán chứ không thuộc về nhà
phát hành. Nói các khác, các luồng vốn không chảy vào những người phát hành
chứng khoán mà vận chuyển giữa những nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường.Tuy
nhiên, thị trường thứ cấp là một bộ phận quan trọng của thị trường chứng khoán, gắn
bó chặt chẽ với thị trường sơ cấp.
- Giao dịch trên thị trường thứ cấp phản ánh nguyên tắc cạnh tranh tự do, giá
chứng khoán trên thị trường thứ cấp do cung cầu quyết định.
- Thị trường thứ cấp là thị trường hoạt động liên tục, các nhà đầu tư có thể mua
và bán các chứng khoán nhiều lần trên thị trường thứ cấp

1.2.2. Phân loại thị trường chứng khoán thứ cấp
Dựa theo tiêu thức nhất định, có thể chia thị trường chứng khoán thứ cấp thành
các thị trường khác nhau
a) Theo tính chất tổ chức của thị trường:
• Thị trường chứng khoán tập trung (thị trường chứng khoán có tổ chức): thực hiện
mua bán các loại chứng khoán niêm yết được tổ chức một cách chặt chẽ. Việc giao
dịch chủ yếu được thực hiện theo phương thức khớp lệnh tập trung.
Hình thái điển hình của Thị trường chứng khoán tập trung là Sở Giao dịch
Chứng khoán.
Sở Giao dịch Chứng khoán là một pháp nhân được thành lập và hoạt động theo
quy định của pháp luật, có chức năng tổ chức và giám sát hoạt động giao dịch của các
chứng khoán niêm yết. Thông thường trên thế giới Sở Giao dịch chứng khoán có các
hình thức sở hữu chủ yếu như: sở hữu thành viên, hình thức công ty cổ phần và sở
hữu nhà nước.
Theo tính chất tổ chức thị trường, thông thường Sở Giao dịch Chứng khoán là
thị trường chứng khoán tập trung; trong đó việc giao dịch chứng khoán được thực
hiện tại một địa điểm tập trung là sàn giao dịch hay qua hệ thống mạng thông tin máy
tính điện tử do các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện.
• Thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC - over the counter market): là thị trường
giao dịch các chứng khoán chưa niêm yết được các Công ty chứng khoán thực hiện
qua mạng thông tin.
b) Theo loại hàng hóa giao dịch trên thị trường:
• Thị trường cổ phiếu
Thị trường cổ phiếu là thị trường giao dịch và mua bán các loại cổ phiếu, bao
gồm cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu là giấy chứng nhận số tiền nhà đầu tư đóng góp vào công ty phát hành.
Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận
quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Nguời nắm giữ cổ phiếu trở
thành cổ đông và đồng thời là chủ sở hữu của công ty phát hành.
• Thị trường trái phiếu;

Thị trường trái phiếu là thị trường giao dịch và mua bán các trái phiếu đã được
phát hành; các trái phiếu này bao gồm: trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đô thị và trái
phiếu công ty.
Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho
người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong
một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.Người phát hành có thể là doanh
nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ
chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho
bạc), chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính
phủ).Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc
chính phủ.Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trường hợp này gọi là trái
phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh).
• Thị trường chứng khoán phái sinh
Thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh là thị trường phát hành và mua đi
bán lại các chứng khoán phái sinh đã được phát hành.Đây là loại thị trường cao cấp
chuyên giao dịch những công cụ tài chính cao cấp, do đó thị trường này chỉ xuất hiện
ở những nước có TTCK phát triển mạnh.
Cùng với sự phát triển của TTCK, các công cụ lưu thông trên TTCK cũng ngày
càng phát triển về số lượng và đa dạng về chủng loại. Bên cạnh các giao dịch truyền
thống về cổ phiếu và trái phiếu, các giao dịch mua bán chứng từ tài chính khác như:
quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn đã xuất hiện. Các chứng từ
tài chính này được ra đời từ các giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) và được
quyền chuyển đổi sang các chứng khoán qua hành vi mua bán theo những điều kiện
nhất định. Do đó, người ta gọi chúng là các chứng từ có nguồn gốc chứng khoán, hay
các chứng khoán phái sinh.
1.3. Các chủ thể tham gia trên thị trường chứng khoán thứ cấp.
1.3.1. Nhà đầu tư
Nhà đầu tư chứng khoán là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường
chứng khoán. Nhà đầu tư có thể đồng thời mang hành vi của nhà đầu tư thuần túy
(mua và sở hữu chứng khoán với kì vọng hưởng lợi ích thuần túy từ hoạt động của tổ

chức phát hành) hay của người buôn bán chứng khoán và của người đầu cơ.
Phân loại nhà đầu tư
- Nhà đầu tư cá nhân: là những người có vốn nhàn rỗi hoặc tạm thời nhàn rỗi,
tham giam mua bán trên thị trường chứng khoán với mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
- Nhà đầu tư có tổ chức: là các định chế đầu tư thường xuyên mua bán chứng
khoán với số lượng lớn trên thị trường. Thông thường đó chính là các nhà đầu tư
chứng khoán chuyên nghiệp. Các định chế có thể tồn tại dưới các hình thức chủ yếu
như: các quỹ đầu tư chứng khoán, các công ty đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ bảo
hiểm, công ty tài chính, ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán.
Ngoài ra, nếu theo quốc tịch thì còn có thể phân loại là nhà đầu tư trong nước và
nhà đầu tư nước ngoài.
1.3.2. Các chủ thể kinh doanh trên thị trường chứng khoán
• Công ty chứng khoán: là một tổ chức tài chính trung gian ở thị trường chứng
khoán, thực hiện trung gian tài chính thông qua các hoạt động chủ yếu như mua bán
chứng khoán, môi giới chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa hồng, phát hành
và bảo lãnh chứng khoán, tư vấn đầu tư và quản lý quỹ đầu tư. Công ty chứng khoán
có thể tham gia quá trình trao đổi cổ phiếu trong thị trường với vai trò trung gian
• Quỹ đầu tư chứng khoán: Quỹ đầu tư chứng khoán là mô hình đầu tư mà theo đó,
nguồn vốn của quỹ được đầu tư chủ yếu vào chứng khoán và các nhà đầu tư uỷ thác
cho công ty quản lý quỹ quyền trực tiếp điều hành quỹ.
• Các trung gian tài chính khác.
1.3.3. Các tổ chức có liên quan đến thị trường
• Cơ quan quản lý Nhà nước
• Sở giao dịch chứng khoán
• Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán
• Tổ chức lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán
• Công ty dịch vụ máy tính chứng khoán
• Các tổ chức tài trợ chứng khoán
• Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm
1.4. Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả hoạt động đầu tư chứng khoán

Trong quá trình đầu tư trên thị trường chứng khoán thứ cấp thì để đánh giá xem
rằng một nhà đầu tư có thực sự thành công hay không thì chúng ta có thể sử dụng
một số tiêu chí như:
- Tổng số vốn đã đầu tư vào thị trường
- Doanh thu, lợi nhuận từ việc mua bán và sở hữu chứng khoán
- Sự đa dạng trong danh mục đầu tư, số loại cổ phiếu tăng trưởng cao mà nhà
đầu tư đang nắm giữ
- Lợi nhuận trung bình trên một đơn vị cổ phiếu hay lợi nhuận thu được trên
một đơn vị vốn đã bỏ ra
Ngoài ra còn có một số chỉ tiêu khác cũng có thể phản ánh được hiệu quả đầu tư
trên thị trường chứng khoán thứ cấp của các nhà đầu tư.
1.5. Một số nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư chứng khoán trên thị
trường thứ cấp
Hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thứ cấp luôn
thay đổi rất nhanh chóng, nó phụ thuộc vào sự thay đổi về lợi nhuận mà họ nhận
được từ các khoản đầu tư trên thị trường. Những khoản lợi nhuận này phụ thuộc rất
lớn vào sự biến động của giá chứng khoán nói chung và cổ phiếu nói riêng (trong
phạm vi bài nghiên cứu sẽ chỉ tập trung nghiên cứu về hoạt động đầu tư cổ phiếu trên
TTCK thứ cấp). Do vậy, những sự biến động của giá cổ phiếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp
tới hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư. Thông thường, hoạt động này chịu ảnh
hưởng của các nhân tố như sau:
a) Hoạt động của các công ty phát hành cổ phiếu niêm yết trên thị trường
Hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư tham gia đầu tư trên thị trường thứ cấp phụ
thuộc khá nhiều vào hoạt động của doanh nghiệp phát hành chứng khoán được niêm
yết trên thị trường.Nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, có lợi nhuận và cổ tức lớn tức là
lợi ích mang lại từ việc sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp đó là cao thì thường các
nhà đầu tư sẽ tập trung mua cổ phiếu của các doanh nghiệp đó.Ngược lại, khi doanh
nghiệp niêm yết gặp khó khăn, thua lỗ thì các nhà đầu tư thường không quan tâm tới
cổ phiếu của doanh nghiệp đó cho dù giá của cổ phiếu đó có rẻ thế nào đi chăng nữa.
b) Sự biến động của kinh tế vĩ mô và những sự thay đổi về chính sách của Chính

phủ
Việc thay đổi trong các chính sách cũng như các yếu tố số vĩ mô thường có tác
động khá mạnh (cả tích cực và tiêu cực) lên TTCK và tâm lý của các nhà đầu tư. Các
yếu tố vĩ mô ở đây có thể kể đến như: chỉ số phát triển của nền kinh tế, lạm phát, lãi
suất, … cùng với đó là những thay đổi trong chính sách của Chính phủ cũng có thể
ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường cũng như tâm lí và hoạt động đầu tư của các nhà
đầu tư.
Lạm phát: Lạm phát tăng luôn là dấu hiệu cho thấy rằng sự tăng trưởng của nền
kinh tế sẽ không bền vững, lãi suất sẽ tăng lên, khả năng thu lợi nhuận của doanh
nghiệp bị hạ thấp làm cho giá cổ phiếu giảm. Bất cứ khi nào lạm phát bùng lên, đồng
tiền khôn ngoan sẽ rời khỏi các cổ phiếu mà nó đã được đầu tư trước đó và ngược lại.
Sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, tình hình kinh tế khu vực và thế
giới.Giá cổ phiếu có chiều hướng đi lên khi nền kinh tế tốt lên (và có chiều hướng đi
xuống khi nền kinh tế xấu đi).Bởi khi đó, khả năng về kinh doanh có triển vọng tốt
đẹp, của cải tăng lên và nhiều người sẽ đầu tư vào cổ phiếu.
Tình hình biến động của lãi suất: Lãi suất tăng làm tăng chi phí vay đối với
doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Chi phí này được chuyển cho cho các cổ đông vì
nó sẽ hạ thấp lợi nhuận mà doanh nghiệp dùng để thanh toán cổ tức. Cùng lúc đó, cổ
tức hiện có từ cổ phiếu thường sẽ tỏ ra không mấy cạnh tranh đối với nhà đầu tư theo
đuổi lợi tức, sẽ làm họ chuyển hướng sang tìm nguồn thu nhập tốt hơn ở bất cứ nơi
nào có lãi suất cao (giả dụ lãi suất tiết kiệm).
Chính sách của Nhà nước: Nếu những chính sách của nhà nước trực tiếp hoặc
gián tiếp ảnh hưởng tới thị trường có lợi cho các nhà đầu tư thì sẽ làm cho số người
đầu tư tăng lên và ngược lại.
Những biến động về chính trị, xã hội, quân sự: Đây là những yếu tố phi kinh
tế nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá cổ phiếu trên thị trường. Nếu những yếu
tố này có khả năng ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng
tích cực thì giá cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ tăng lên từ đó sẽ kích thích tâm lí đầu tư
của các nhà đầu tư.
c) Một vài yếu tố khác

Sự thay đổi trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường chứng
khoán còn chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: sự phát triển hay biến động của các
thị trường khác, tâm lý nhà đầu tư, sự minh bạch thông tin trên thị trường hay trình
độ, sự hiểu biết thị trường của chính các nhà đầu tư…
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRÊN THỊ TRƯỜNG
CHỨNG KHOÁN THỨ CẤP TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN
2.1. Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam
Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động ngày 28/7/2000 cho đến nay, trải qua 14 năm
hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã và đang ngày càng đóng vai trò quan
trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường của đất nước. Trong quá trình
hình thành và phát triển của mình, tuy có trải qua những thăng trầm, có lúc sôi động
có lúc trầm lắng nhưng nói chung cho đến nay TTCK vẫn là một nơi huy động nguồn
vốn lớn cho nền kinh tế cũng như tạo môi trường thanh khoản cho các dòng tiền tệ và
thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để có một
cái nhìn tổng quan nhất về TTCK Việt Nam cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp thì
chúng ta có thể thấy được qua những con số sau:
1.700.000 tỷ đồng là tổng số vốn thị trường chứng khoán Việt Nam huy động
thành công trong 14 năm hoạt động. Trong đó, Chính phủ huy động khoảng
1.000.000 tỷ đồng từ trái phiếu chính phủ; các DN huy động khoảng 700.000 tỷ đồng
qua thị trường chứng khoán trong giai đoạn này.
1.100.000 tỷ đồng là tổng mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam, tính
trên quy mô Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội. Trong đó, vốn hóa tại Sở
GDCK TP. HCM chiếm 89% vốn hóa tại Sở GDCK Hà Nội chiếm 11%.
1.300.000 là số tài khoản nhà đầu tư mở tại thị trường chứng khoán Việt Nam
tính đến ngày 20/7/2014.Trong đó có 1.282.831 nhà đầu tư trong nước, 17.169 nhà
đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.
717 là số DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến ngày
20/7/2014.Trong đó, số DN niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM là 322; số DN niêm yết
tại Sở GDCK Hà Nội là 395.
87 là số CTCK có hoạt động môi giới tại thị trường chứng khoán Việt Nam và

loại DN này vẫn đang tiếp tục tiến trình tái cơ cấu để giảm số lượng, tăng sức cạnh
tranh trên thị trường nội địa và quốc tế. Một số CTCK lớn đã ghi nhận các giải
thưởng tầm cỡ khu vực và quốc tế về hoạt động nghiêp vụ như SSI, HSC, Bản Việt…
41 là số công ty quản lý quỹ đang hoạt động tại Việt Nam, các DN này cũng
đang thực hiện việc tái cơ cấu để phát triển lành mạnh. Nhiều sản phẩm mới đã được
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính cho phép triển khai, như quỹ mở, quỹ
bất động sản, quỹ ETF…, tạo nền tảng tốt cho khối công ty quản lý quỹ phát triển,
góp phần tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường.
Trong 14 năm vừa qua, chỉ số VN-Index cũng đã có rất nhiều giai đoạn biến
động. Trong đó phải kể đến thời điểm 12/3/2007 khi VN-Index lên đến mức đỉnh đạt
hơn 1100 điểm, đây là khi thị trường trở nên nóng nhất, nhà nhà chơi cổ phiếu, người
người chơi cổ phiếu khi mà có thể nói là cứ mua cổ phiếu thì sau một đêm thức dậy
nhà đầu tư sẽ có tiền. Đây chính là giai đoạn hình thành bong bóng, phát triển ảo xa
rời giá trị thực tại của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau đó bước sang năm 2008
khi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nổ ra và lan rộng toàn thế giới thì
TTCK Việt Nam mà nhất là thị trường thứ cấp cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực
rất lớn. Ngày 24/2/2009, chỉ số Vn-Index đã xuống mức rất thấp chỉ đạt 235,5 điểm,
đây chính là khoảng thời gian đen tối đối với các nhà đầu tư, họ dần rời bỏ thị trường
khiến cho giá cổ phiếu giảm liên tục đã có những cổ phiếu giá chỉ bằng mớ rau thậm
chí cho không cũng không có ai muốn nắm giữ. Sau quãng thời gian khủng hoảng thì
trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây thị trường cũng đang dần phục hồi trở lại và
dần phản ánh đúng với giá trị thực của nó, các nhà đầu tư cũng đã tìm lại với chứng
khoán, thị trường cũng không còn những biến động mạnh mặc dù cũng xuất hiện
những cơn sốt giá, chỉ số VN-Index thường dao động ở mức từ 500-600 điểm.
Thị trường chứng khoán thứ cấp tại Việt Nam bao gồm: các thị trường chính
thức thực hiện giao dịch trên hai Sở giao dịch là Thành phố Hồ Chí Minh và Sở giao
dịch Hà Nội, thị trường OTC và thị trường Upcom. Tuy nhiên, trong phạm vi bài
nghiên cứu, nhóm sẽ chỉ tập trung phân tích thực trạng đầu tư cổ phiếu trên thị trường
thứ cấp chính thức. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thứ cấp cũng vận động biến
đổi không ngừng nên để có một cái nhìn tương đối chính xác về hoạt động đầu tư trên

thị trường này thì nhóm cũng sẽ chỉ phân tích theo các số liệu thống kê từ năm 2013
đến nay.
2.2. Thực trạng hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán thứ cấp Việt
Nam giai đoạn 2013 – T6/2014
Năm 2013, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nền kinh tế thế giới
nói chung còn gặp nhiều khó khăn thì thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh
giá là có mức phát triển khá ấn tượng dưới sự tác động tích cực từ các chính sách
được chính phủ ban hành. Trong năm 2013, công tác tái cấu trúc thị trường chứng
khoán đã được đẩy mạnh đồng bộ, bao gồm việc tái cấu trúc cơ sở hàng hóa trên thị
trường, thị trường trái phiếu, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và
công ty chứng khoán. Nhiều quy định hỗ trợ thị trường đã được ban hành như: hướng
dẫn về việc niêm yết của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập
nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc các công ty niêm yết; khung pháp lý về
quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, ETF, công ty đầu tư chứng khoán, kéo dài thời gian
giao dịch, triển khai các chỉ số mới …đã tác động tích cực đến sự phát triển của thị
trường. Bước sang năm 2014, thị trường vẫn tiếp tục duy trì được đà phát triển từ
năm 2013, VN-Index vẫn tiếp tục tăng cho đến giai đoạn giữa năm thì chững lại do
chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhiều yếu tố.
Biểu đồ VN-Index từ cuối 2013 – cuối T6/2014
Nguồn số liệu tạo biểu đồ: Sở giao dịch chứng khoán TPHCM
Có thể thấy rằng, tiếp đà thăng hoa của năm 2013 thì bước sang năm 2014 thị
trường vẫn có những biến tiến mạnh mẽ khi chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục tăng và lập
đỉnh vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, sau đó chỉ số này giảm nhẹ trong suốt những tháng
tiếp theo cho đến t6/2014. Điều này có thể được giải thích rằng do trong thời gian này
tình hình căng thẳng trên Biển đông đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường thứ
cấp khi mà tâm lí các nhà đầu tư trở nên e ngại hơn và có những động thái rút vốn
khỏi thị trường khiến cho giá cổ phiếu liên tục giảm.
Bên cạnh đó, thì trong thời gian qua, ngoài việc có thêm những công ty mới
niêm yết trên cả hai sàn giao dịch thì việc nhiều mã cổ phiếu nhận được sự quan tâm
của các nhà đầu tư có lượng giao dịch lớn, khiến mức giá tăng lên cũng giúp cho mức

vốn hóa trên thị trường thứ cấp liên tục tăng.
Nguồn số liệu lập biểu đồ: UBCK nhà nước
Mức vốn hóa thị trường trên thị trường thứ cấp liên tục tăng trong thời gian vừa
qua chứng tỏ sức hút của TTCK thứ cấp Việt Nam với các nhà đầu tư vẫn là rất lớn
và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, cũng thấy rằng trong thời gian tháng 5/2014
mức vốn hóa thị trường đã có một sự suy giảm đáng kể một phần là do một số doanh
nghiệp hủy niêm yết trên thị trường cùng với đó là quá trình rút khỏi thị trường của
nhiều nhà đầu tư trong thời gian ngắn do tâm lí e ngại về tình hình căng thẳng trên
Biển Đông của Việt Nam.
Từ năm 2013 đến nay, TTCK thứ cấp vẫn giữ được một sức hút nhất định của
các nhà đầu tư trong và ngoài nước so với các thị trường khác, thanh khoản thị trường
liên tục được cải thiện. Giá trị giao dịch cổ phiếu trung bình mỗi phiên của thị trường
vẫn có dấu hiệu tăng và ở mức cao chứng tỏ các nhà đầu tư vẫn đổ một lượng tiền lớn
vào thị trường.
Bảng giá trị giao dịch cổ phiếu trung bình trên TTCK thứ cấp
Thời gian 2013 T1/2014 T2/2014 T3/2014 T4/2014 T5/2014 T6/2014
Giá trị giao
dịch cổ
1372.27 1984.16 3297.59 4117 2742.55 2129.74 1840.33
phiếu trung
bình (tỉ
đồng)
Nguồn số liệu: UBCK nhà nước
Để chứng minh thêm cho sức hấp dẫn của TTCK thứ cấp Việt Nam đối với các
nhà đầu tư trong khoảng thời gian gần đây sau khi bước qua giai đoạn khó khăn do
khủng hoảng thì chúng ta có thể nhắc thêm tới số lượng tài khoản của các nhà đầu tư
tham gia đầu tư mua bán trên thị trường chính thức thông qua hai Sở giao dịch. Nếu
như tính đến cuối năm 2013 toàn thị trường có khoảng 1.287.576 TK. Trong đó có
15.718 TK của các NĐT nước ngoài và số còn lại là NĐT trong nước thì đến giữa
năm 2014 đã có tới 1.300.000 TK trong đó có 17.169 nhà đầu tư nước ngoài tham gia

thị trường. Điều này có thể minh chứng một cách khái quát nhất cho sức hút của thị
trường cũng như sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào
TTCK thứ cấp bởi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như trên thì số lượng tài
khoản nhà đầu tư đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, thì cho tới thời điểm hiện tại thì
cũng đã có 26 quỹ đầu tư chứng khoán tham gia đầu tư trên TTCK Việt Nam.
Trong hoạt động của nhà đầu tư trên TTCK thứ cấp của Việt Nam thì chúng ta
không thể không nhắc tới hoạt động cũng như vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy chỉ với số lượng ít nhà đầu tư (chiếm khoảng 1,5% số lượng tài khoản đầu tư
trên thị trường) và cho đến nay số lượng mã giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư
nước ngoài được cấp mới chỉ là 17509 mã nhưng các nhà đầu tư nước ngoài lại chiếm
tới khoảng 22% về giá trị giao dịch so với toàn thị trường. Điều này chứng tỏ một
tiềm lực lớn cũng như vị thế và vai trò của nhóm nhà đầu tư này đối với TTCK thứ
cấp của Việt Nam.
Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán TP HCM
Nếu như trong 2 năm 2013 giá trị đầu tư mua của nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ
đạt khoảng 10.845 tỉ đồng và còn là bán ròng thì tổng cộng đến cuối năm, họ mua
vào 1,714 tỷ cổ phiếu, trị giá lên tới 48.878 tỷ đồng, trong khi bán ra 1,532 tỷ cổ
phiếu, tương ứng 42.049 tỷ đồng. Tổng giá trị mua ròng đạt 6.829 tỷ đồng, tăng hơn
gấp rưỡi so với mức mua ròng hơn 4.400 tỷ đồng của năm 2012; đây là một sự bứt
phá mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại trong năm 2013.Tiếp đà đó, bước sang năm 2014
xu hướng của các nhà đầu tư ngoại vẫn là mua ròng, lượng tiền đầu tư vào thị trường
vẫn ở mức rất lớn mà đỉnh điểm là quý 2 năm 2014 khi trong quý này khối ngoại đã
mua ròng khoảng 5.140,178 tỉ đồng.Điều này một lần nữa cho thấy sức hút của thị
trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như việchọ vẫn đang kỳ vọng khá lớn
vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
2.3. Một số ví dụ về ảnh hưởng của các nhân tố đến hoạt động đầu tư trên thị
trường chứng khoán thứ cấp tại Việt Nam
Ví dụ 1: Việc ông Nguyễn Đức Kiên, một nhân vật có tiếng trong giới doanh
nhân, bị bắt tạm giam điều tra về các sai phạm trong hoạt động kinh tế đã châm ngòi
cho một phiên bán tháo khủng khiếp trên cả hai sàn trong ngày 21/8.

Khởi đầu, hai cổ phiếu của ngân hàng ACB, EIB bị bán tháo đã kéo nhóm cổ
phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán sụt giảm theo. Nhiều nhà đầu tư đã quyết bán
giá sàn nhưng không thành công do lệnh đặt bán quá lớn ở nhiều mã trong khi vắng
bóng lệnh mua.
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán và ngân hàng sụt giảm mạnh đã kích hoạt
hoạt động bán tháo tại tất cả các cổ phiếu còn lại ở trên sàn khiến số lượng cổ phiếu
giảm xuống mức giá sàn tăng lên nhanh chóng và chiếm tới trên 80%. Hầu hết các cổ
phiếu blue-chip đều bị bán sàn và hết sạch dư mua với tâm lý thoát hàng bằng mọi
giá của các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 22/8, VN-Index đã hãm được đà giảm khi chỉ mất 1,59%, trong
khi đó, dưới sức ảnh hưởng của việc cổ phiếu ACB giảm sàn, HNX-Index tiếp tục
giảm mạnh với 3,44%.
Như vậy, sau hai phiên giao dịch kể từ khi thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị
bắt, VN-Index giảm tổng cộng 27,05 điểm, tương đương mức giảm gần 6,2%. Còn
HNX-Index giảm 6 điểm, tương đương mức giảm gần 8,5%.
Tính đến ngày 22/8/2012 sau 2 ngày, thị trường chứng khoán niêm yết của Việt
Nam “bốc hơi” trên 49.200 tỷ đồng, tương đương trên 2,3 tỷ USD.
Ví dụ 2: Sau hơn một năm với nhiều dự báo tốt và những đỉnh mới liên tiếp
được chỉ số chứng khoán chinh phục, ngày 8/5, giới đầu tư một lần nữa phải chứng
kiến cảnh sắc đỏ nhuộm kín hai sàn. Vn-Index mất 32,88 điểm(5,87%) còn HNX-
Index bay hơn 4,9 điểm (6,4%) và được đánh giá là cú giảm điểm tệ nhất trong lịch
sử thị trường suốt gần 14 năm qua.
Nguyên nhân chính, theo giới đầu tư là những căng thẳng leo thang về chính trị
biển đảo gây ảnh hưởng lên tâm lý người cầm cổ phiếu khiến nhà đầu tư có xu hướng
bán ra ồ ạt và rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, đợt giảm điểm này cũng trùng vào nhịp
điều chỉnh diễn ra trên thị trường kéo dài từ cuối tháng Ba. Sau hai ngày làm việc, tới
thời điểm T+3 (phiên 12/5), Vn-Index lại tiếp tục mất 25,41 điểm (4,68%).
Ví dụ 3: Nửa đầu năm 2013 các chỉ số vĩ mô có dấu hiệu khả quan như : lạm
phát được kiềm chế, mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống từ 11 - 15%, tỷ giá cơ bản
ổn định, dự trữ ngoại hối tăng khá. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế

được Chính phủ ban hành như: Gói giải pháp hỗ trợ DN, khơi thông thị trường do Bộ
Tài chính đề xuất; Chính phủ quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ
chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ thị trường bất động sản
trị giá 30.000 tỷ đồng chính thức có hiệu lực Đã góp phần tác động tích cực đến tâm
lý nhà đầu tư (NĐT), tạo động lực giúp TTCK khởi sắc trong 6 tháng đầu năm.Khối
lượng giao dịch toàn thị trường đã tăng khoảng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước,
trong đó riêng khối lượng giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ước tăng 12%. Tính đến
ngày 16/6/2013, chỉ số VN-Index đã đạt mức tăng 216,6% so với đáy ngày 24/2/2009
và tăng 26,8% so với thời điểm 6/1/2012. Chỉ số HNX-Index tăng 35% so với ngày
9/1/2012, ngày lập đáy mới của chỉ số này
2.4. Ví dụ về phân tích hiệu quả đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư trên thị
trường thứ cấp
Tính đến nay, với khoảng hơn 1,3 triệu tài khoản tham gia đầu tư trên thị trường
thứ cấp thì có thể nói rằng thị trường này vẫn đang là một nơi thu hút đối với các nhà
đầu tư cá nhân cũng như tổ chức. Tuy nhiên, khi đầu tư không phải ai cũng có thể đạt
lợi nhuận và đầu tư có hiệu quả. Trong phạm vi của vấn đề nghiên cứu này, nhóm xin
đưa ra phân tích hiệu quả hoạt động đầu tư chứng khoán của một nhà đầu tư tổ chức
tiêu biểu là công ty chứng khoán VNDirect trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến
nay.
Bảng kết quả hoạt động tự doanh chứng khoán giai đoạn 2013 – T6/2014.
Chỉ tiêu Năm 2013 6 tháng đầu năm 2014
Tổng khối lượng giao dịch (đơn vị
cổ phiếu)
83.904.041 31.776.532
Tổng giá trị giao dịch (VND) 1.047.018.682.007 503.371.179.802
Doanh thu từ hoạt động đầu tư
chứng khoán (VND)
62.115.674.728 27.062.622.079
Lợi nhuận (VND) 45.823.791.164 21.085.917.160
Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (VND) 1.248 802

Nguồn: Báo cáo tài chính năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014-VNDirect
Tính đến thời điểm hết tháng 6/2014 thì công ty hiện đang sở hữu các cổ phiếu
niêm yết là: SUD, PTI, DPR, ACB, S96 và một số cổ phiếu khác, với tổng khối
lượng là 10.079.369 đơn vị và tổng giá trị thị trường là 109.671.968.229 VNĐ
Hết năm 2013 công ty sở hữu các cổ phiếu niêm yết là: SDU, DBC, DPR, ITC,
VIS, và một số cổ phiếu khác, với tổng khối lượng là: 11.851.702 đơn vị, tổng giá trị
thị trường là: 240.088.801.511VNĐ.
Hoạt động đầu tư trên thị trường thứ cấp hay nói cách khác là hoạt động tự
doanh chứng khoán là một hoạt động đóng vai trò quan trọng của công ty và thường
đem lại một khoản lợi nhuận lớn. Có thể thấy rằng, với kết quả của các chỉ tiêu trên
thì hoạt động tự doanh chứng khoán hay nói cách khác là hoạt động đầu tư chứng
khoán của công ty rất hiệu quả.Theo bảng trên có thể thấy rằng quy mô đầu tư của
công ty trong thời gian vừa qua là rất lớn cùng với đó là một khoản lợi nhuận đầu tư
là không hề nhỏ nếu đặt trong bối cảnh thị trường có rất nhiều biến động và khó khăn
trong thời gian qua. Trong khoảng thời gian từ 2013 đến nay, thị trường có rất nhiều
biến động với rất nhiều sự thay đổi trong hoạt động tái cấu trúc thị trường và thị
trường tuy có khó khăn nhưng cũng dần trở về với giá trị thực của nó. Do vậy, có
được những kết quả như trên là do công ty có một nền tảng vững chắc, một đội ngũ
phân tích, đầu tư giỏi hoạt động một cách hiệu quả trên thị trường.
CHƯƠNG 3. MỘT SỐ BÀI HỌC VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Một số bài học rút ra sau qua trình phân tích.
Sau khi phân tích thực trạng hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán thứ
cấp mà sâu hơn là thực trạng đầu tư cổ phiếu trên TTCK Việt Nam thì nhóm nghiên
cứu có thể đưa ra một số bài học nếu như tiến hành đầu tư trên thị trường như sau:
Một là, cần phải có sự nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi đầu tư chứ không đầu tư
theo cảm tính hay theo tâm lí đám đông. Có nghĩa là trước khi quyết định mua một
loại cổ phiếu nào đó thì nhà đầu tư cần phải có sự nhìn nhận phân tích một cách thấu
đáo, không nên mua chỉ vì cảm thấy thích cổ phiếu đó hay đơn giản là vì có nhiều
cũng mua cổ phiếu đó bởi không phải đám đông lúc nào cũng đúng.
Hai là, với những nhà đầu tư cá nhân đầu tư bằng nguồn vốn nhàn rỗi tự có,

trình độ hiểu biết về thị trường và cổ phiếu có hạn cũng như không phải là những nhà
đầu tư lướt song thì nên lựa chọn mua những cổ phiếu tăng trưởng. Cổ phiếu tăng
trưởng ở đây không có nghĩa là giá cổ phiếu đó tăng liên tục trong ngắn hạn mà là sự
tăng trưởng liên tục và bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp phát hành cổ phiếu đó. Khi sở hữu những cổ phiếu loại này các nhà đầu tư sẽ
được nhận những khoản lợi nhuận chính từ việc chi trả cổ tức trong dài hạn cho các
cổ đông của doanh nghiệp phát hành chứ không đơn thuần là lợi nhuận từ việc hưởng
chênh lệch giá khi mua bán trong ngắn hạn.
Ba là, các nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục cổ phiếu mà mình nắm
giữ.Việc nắm giữ cổ phiếu luôn có hai mặt là lợi nhuận và rủi ro. Do vậy, việc đa
dạng hóa các loại cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình sẽ giúp cho nhà đầu tư
phân tán được rủi ro cho hoạt động đầu tư của mình. Tuy nhiên, khi đa dạng hóa danh
mục đầu tư thì các nhà đầu tư cũng cần có sự phân tích, tính toán kĩ lưỡng và hiểu
biết rõ về cổ phiếu mà mình muốn nắm giữ chứ không phải mua bán một cách bừa
bãi.
Bốn là, trong quá trình đầu tư thì các nhà đầu tư cần biết rút ra những bài học
kinh nghiệm cho chính mình sau những lần thất bại.Bên cạnh đó thì các nhà đầu tư
cũng nên học hỏi tham khảo từ những nhà đầu tư thành công khác trên thị trường và
thường xuyên học tập nâng cao trình độ hiểu biết, phân tích cho bản thân mình.
Năm là, trong quá trình đầu tư mua bán cổ phiếu trên thị trường thì nhà đầu tư
phải có sự dứt khoát trong những quyết định đầu tư của mình.Sự dứt khoát ở đây có
thể hiểu là mua bán đúng lúc, nắm bắt được cơ hội của mình để tạo ra những khoản
lợi nhuận tối ưu nhất.
Cuối cùng, một bài học mà nhóm có thể đưa ra chính là khi đã tham gia đầu tư
trên thị trường thì nhất thiết các nhà đầu tư dù là cá nhân hay tổ chức chuyên nghiệp
thì đều nên thực hiện theo đúng những quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh
đó, các nhà đầu tư cũng nên tạo dựng niềm tin để phát triển một cách vững chắc chứ
không nên đầu tư theo kiểu chộp giật, trái pháp luật bởi khi đầu tư theo các đó thì
sớm hay muộn cũng sẽ thất bại.
2. Một số đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lí nhà nước về thị trường

chứng khoán
Nếu đặt ra trường hợp là những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong
giai đoạn hiện nay thì nhóm sẽ đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là, Chính phủ cần phải giữ sự ổn định của những chính sách, pháp luật có
liên quan đến hoạt động đầu tư trên thị trường. Không nên thay đổi một cách quá đột
ngột làm ảnh hưởng xấu đến tâm lí của các nhà đầu tư. Những chính sách, pháp luật
hay các quy định có liên quan cần phải bám sát với yêu cầu của thị trường chứ không
nên xa rời thực tế gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Hai là, tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính có liên quan nhằm tiết kiệm chi
phí và thời gian cho các nhà đầu tư.
Ba là, giữ vững sự ổn định của thị trường, tạo môi trường đầu tư tốt công bằng
và cạnh tranh cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, nhà nước cũng cần phải giữ vững sự
ổn định và phát triển của các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế quốc gia, tránh gây ra
những tác động tiêu cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Bốn là, tăng cường các hoạt động đào tạo nâng cao trình độ nghiên cứu, phân
tích cho các nhà đầu tư để giúp cho các nhà đầu tư có thể hoạt động tốt hơn trên thị
trường. Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho những cán
bộ tham gia điều hành quản lí thị trường của các cơ quan quản lí nhà nước về chứng
khoán.
Năm là, giữ vững sự ổn định chính trị xã hội của đất nước bởi lẽ những yếu tố
này có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của thị trường cũng như tâm lí của các
nhà đầu tư nhất là những nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Thị trường vốn – 2012 (PGS.TS Phạm Văn Hùng)
2. Giáo trình Thị trường chứng khoán – 2011 (TS. Lê Trung Thành)
3. Luật chứng khoán 2006; Luật chứng khoán 2011
4. Báo cáo hoạt động thường niên của UBCK Nhà nước
5. Báo cáo tài chính thường niên của công ty chứng khoán VNDirect
6. Trang web của sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở giao dịch chứng khoán
Hà Nội

×