Họ và tên:
Nghề nghiệp:
Chức vụ:
Cấp bậc:
Nơi công tác:
BÀI XÃ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ
Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Ngày nay trên phạm vi toàn cầu, môi trường sinh thái đang bị ô nhiễm trầm trọng. Đó là một trong
những vấn đề toàn cầu của thế giới hiện nay; nó có tác động trực tiếp đến mọi quốc gia, vùng lãnh thổ,
đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam của chúng ta. Ô nhiễm môi trường đã đang
và sẽ là một vấn đề hết sức cấp bách, gây bức xúc trong cộng động quốc tế. Tình trạng ô nhiễm môi
trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra ngày càng trầm trọng, đe
doạ đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của thế hệ hiện tại và tương lai. Để
giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải có sự hợp tác của toàn nhân loại. Nếu có sự hiểu biết
đúng đắn về môi trường, chúng ta sẽ có giải pháp hợp lý giúp chúng ta bảo vệ môi trường thế giới ngày
càng xanh, sạch đẹp.
Trong bài xã luận này, tôi sẽ cố gắng phân tích, tổng hợp từ những hiểu của mình để phần nào nâng
cao tinh thần bảo vệ môi trường đối với mọi người. Trước hết, tôi sẽ đề cập về một số khái niệm cơ bản
về môi trường, kế tiếp sẽ nêu lên thực trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta trên các phương diện: ô nhiễm
môi trường đất, nước và không khí. Đồng thời, phân tích một số nguyên nhân khách quan và nguyên nhân
chủ quan dẫn tới sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay. Tiếp theo tôi sẽ nêu ra một số hậu
quả mà ô nhiễm môi trường đem lại đối với đời sống con người và môi trường sinh thái. Cuối cùng tôi xin
đề xuất, luận chứng một hệ thống các giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi
trường, hướng tới cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống của chúng ta.
Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao
quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.
Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn
của con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi sông, biển
cả, không khí, động, thực vật, đất, nước.
Môi trường là không gian sống của con người và các loài sinh vật. Môi trường là nơi cung cấp tài
nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người. Môi trường là nơi giảm nhẹ các tác
động có hại của thiên nhiên tới con người và sinh vật trên trái đất. Môi trường là nơi lưu trữ và cung cấp
thông tin cho con người. Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, trồng
cấy, chăn nuôi, cung cấp cho con người các loại tài nguyên khoáng sản cần cho sản xuất, tiêu thụ, cung
cấp cho ta cảnh đẹp để giải trí, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú. Môi trường nhân tạo, bao
gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống, như ôtô, máy
bay, nhà ở, công sở, các khu vực đô thị, công viên nhân tạo. Môi trường cần thiết cho sự sinh sống, sản
xuất của con người, như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã
hội. Môi trường là tất cả những gì có xung quanh ta, cho ta cơ sở để sống và phát triển.
Theo luật bảo vệ môi trường Việt Nam: “Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi tính chất của môi
trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường”. Trên thế giới, ô nhiễm môi trường là việc chuyển các chất thải
hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây hại đến sức khỏe con người, đến sự phát triển
sinh vật hoặc làm suy giảm chất lượng môi trường, hay cũng có thể hiểu ô nhiễm môi trường là tình trạng
môi trường bị ô nhiễm bởi các chất hóa học, sinh học gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, các cơ
thể sống khác.
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là do con người và cách quản lý của con người hoặc do từ
các thảm họa thiên nhiên (thiên tai) như núi lửa, lũ lụt, bão tố, sóng thần… Các tác nhân chính ô nhiễm
bao gồm các chất thải ở dạng khí (khí thải), lỏng (nước thải), rắn (chất thải rắn) chứa hoá chất hoặc tác
nhân vật lý, sinh học và các dạng năng lượng như nhiệt độ, bức xạ.
Đối với nước ta, trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, vì tập trung ưu tiên phát triển
kinh tế và cũng một phần do nhìn nhận vấn đề còn hạn chế nên chưa chú trọng đúng mức việc gắn phát
triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tình trạng tách rời công tác bảo vệ môi trường với sự phát triển kinh
tế - xã hội diễn ra phổ biến ở nhiều ngành, nhiều cấp. Từ đó, dẫn đến những hệ quả tiêu cực về môi
trường, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến và ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng
trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống sinh hoạt của con người. Giải quyết vấn đề ô nhiễm
môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay không chỉ là đòi hỏi cấp thiết
đối với các cấp quản lý, các doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của hệ thống chính trị và của toàn xã
hội.
Về ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay, trước hết cần xác định đối tượng gây ô nhiễm, đó chủ
yếu là hoạt động sản xuất của các nhà máy, làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn. Ô nhiễm môi trường
bao gồm 3 loại chủ yếu là: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Trong ba loại ô nhiễm đó ở
nước ta thì tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề là nghiêm trọng
nhất, mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Bên cạnh các khu công nghiệp và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, tại các đô thị lớn, tình
trạng ô nhiễm cũng ở mức báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế,
không khí, tiếng ồn Những năm gần đây, sự mở rộng và phát triển của các đô thị tăng nhanh khiến hệ
thống cấp thoát nước không đáp ứng nổi và xuống cấp nhanh chóng. Nước thải, rác thải sinh hoạt (vô cơ
và hữu cơ) ở đô thị hầu hết đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào
ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày người dân ở các
thành phố lớn thải ra hàng nghìn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối nước thải
độc hại; các phương tiện giao thông thải ra hàng trăm tấn bụi, khí độc.
Với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hoá như hiện nay
thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ô nhiễm đất xuất phát từ việc lạm dụng nhiều hóa chất và tập quán bón
phân thiếu khoa học. Áp lực tăng dân số đòi hỏi nhu cầu tăng lương thực, thực phẩm ngày càng tăng và
phải tăng cường khai thác độ phì nhiêu của đất bằng nhiều biện pháp như tăng cường sử dụng hóa chất đã
làm cho đất nhanh chóng bạc màu. Ngoài ra, các loại hóa chất bảo vệ thực vật thường là những hóa chất
độc, khả năng tồn lưu lâu trong đất, tác động vào môi trường đất, sau đó đến sản phẩm nông nghiệp, đến
động vật và người, theo kiểu tích tụ, ăn sâu và bào mòn. Do việc sử dụng, bảo quản chưa đúng quy định
nên đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và nông sản gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Việc đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường đất ở
Việt Nam. Hiện nay nhiều nguồn nước thải ở các đô thị, khu công nghiệp và các làng nghề tái chế kim
loại, chứa các kim loại nặng độc hại như :Cd, As, Cr, Cu, Zn, Ni, Pb và Hg. Một diện tích đáng kể đất
nông nghiệp ven đô thị, khu công nghiệp và làng nghề đã bị ô nhiễm kim loại nặng
Ô nhiễm nước là sự biến đổi nói chung do con người đối với chất lượng nước, làm nhiễm bẩn nước
và gây nguy hiểm cho con người, cho công nghiệp, nông nghiệp, cho động vật nuôi và các loài hoang dã.
Tình trạng ô nhiễm nước ở các đô thị thấy rõ nhất là ở tại các thành phố lớn, nước thải sinh hoạt
không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương). Mặt khác,
còn rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, phần lớn các bệnh viện và cơ sở y tế lớn chưa có hệ
thống xử lý nước thải; một lượng rác thải rắn lớn trong thành phố không thu gom hết được… là những
nguồn quan trọng gây ra ô nhiễm nước. Hiện nay, mức độ ô nhiễm trong các kênh, sụng, hồ ở các thành
phố lớn là rất nặng.
Về tình trạng ô nhiễm nước ở nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp, hiện nay Việt Nam có
gần 76% dân số đang sinh sống ở nông thôn là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của
con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm
2
nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, số vi khuẩn Feca coliform trung bình biến đổi từ 1.500-3.500MNP/100ml ở các vùng ven sông
Tiền và sông Hậu, tăng lên tới 3800-12.500MNP/100ML ở các kênh rạch tưới tiêu.
Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông,
hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khoẻ nhân dân.
Do nuôi trồng thuỷ sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật tác động tiêu cực
tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hoá chất trong nuôi trồng
thuỷ sản làm cho môi trường nước bị ô nhiễm, làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện
một số tảo độc; thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện thuỷ triều đỏ ở một số vùng ven biển Việt Nam.
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí hoặc có sự xuất hiện các khí
lạ làm cho không khí không sạch, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và
sinh vật. Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới, theo một nghiên cứu
thường niên về môi trường do các trường đại học của Mỹ thực hiện và công bố tại Diễn đàn kinh tế thế
giới ở Davos mới đây.
Các hoạt động chính gây ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta gồm có: Công nghiệp, giao thông
vận tải và sinh hoạt.
Mặc dù đất nước chúng ta nền công nghiệp chưa phát triển nhưng ô nhiễm không khí đã xảy ra.
Nhà máy Khu công nghiệp Thượng Đình, khu công nghiệp Văn Điển, nhà máy Rượu… không khí
đều đã bị ô nhiễm nặng. Ở Hải Phòng , ô nhiễm nặng ở khu nhà máy Xi măng, nhà máy Thủy Tinh và Sắt
tráng men… Ở Việt Trì, ô nhiễm nặng xung quanh nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Giấy,
nhà máy Dệt. Ở Ninh Bình và Phả Lại ô nhiễm nặng do nhà máy Nhiệt điện, các nhà máy vật liệu xây
dựng, lò vôi. Hầu như tất cả các nhà máy hóa chất đều gây ô nhiễm không khí, dân cư sống ở các vùng
nói trên thường mắc các bệnh đường hô hấp, da và mắt.
Ô nhiễm giao thông hiện nay đang là một trong những tác nhân lớn nhất có ảnh hưởng đến không
khí đô thị. Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân như ôtô, xe máy.
Thành phố Hà Nội có tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng thấp nhất châu Á, với 4 triệu phương tiện cá
nhân, nguyên nhân chính của việc thường xuyên tắc đường và sự ô nhiễm nghiêm trọng trong thành phố.
Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng là nguồn gây ô nhiễm, chủ yếu là các hoạt động đun nấu
sử dụng nhiên liệu nhưng đặc biệt gây ô nhiễm cục bộ trong một hộ gia đình hoặc vài hộ xung quanh.
Ngoài ra, hoạt động xây dựng sửa chữa công trình cùng với đường sá mất vệ sinh cũng trở thành nguyên
nhân không nhỏ ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí đô thị hiện nay.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau,
song tập trung ở các nguyên nhân chủ yếu sau:
Đầu tiên, người dân còn tỏ ra thờ ơ thiếu tinh thần hợp tác với Nhà nước trong việc bảo vệ môi
trường mà đặc biệt là các bạn trẻ. Nhiều người nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để
làm hại môi trường. Một số người khác lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước,
của chính quyền mà không phải là của mình. Số khác lại nghĩ rằng việc ô nhiễm môi trường không ảnh
hưởng gì tới mình nhiều Việc phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp
nhiều người lại là lớn. Trách nhiệm bảo vệ môi trường tuy cũng có một phần là của nhà nước nhưng đa
phần lại là của người dân. Và những việc chúng ta làm đối với môi trường, tuy hiện giờ ta chưa thấy
được, nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng tới ta ít nhiều.
Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh
nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác,
góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường. Các chế tài về xử lý hành chính lẫn truy cứu trách nhiệm hình
sự của Nhà nước đều không đủ sức răn đe hành vi vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp. Do đó,
tình trạng tái vi phạm, thậm chí với mức độ trầm trọng hơn, thường xuyên diễn ra.
Những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực
hiện của các cơ quan chức năng. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đã có khoảng 300 văn bản pháp luật về
bảo vệ môi trường được ban hành để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế,
các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này
3
vẫn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được
ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến. Từ đó, làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành
vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế trong việc bảo vệ môi trường. Công tác thanh tra,
kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính
qua loa, chiếu lệ. Việc tố giác, khiếu nại của người dân địa phương về các hành vi gây ô nhiễm môi
trường chưa được các cơ quan chức năng coi trọng, thậm chí có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, làm ngơ
trước những thiệt hại về sức khoẻ, tài sản của người dân đang phải sinh sống trong môi trường ô nhiễm.
Từ đó, gây bất bình và làm mất lòng tin của người dân vào cơ quan nhà nước.
Chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các
hành vi phá hoại môi trường tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường
nghiêm ngặt và do đang cần các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy": trở thành nơi
tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất,
nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cô lưu thông ngày
càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí. Quyền hạn pháp lý
của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng cảnh sát môi trường, còn những hạn chế, bất
cập, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi
phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo về môi trường trong xã
hội còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được tinh thần tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân,
cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và bảo vệ môi trường. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội
ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác
kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, trong nhiều trường hợp, đoàn kiểm tra không
thể phát hiện được những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường.
Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỷ lệ người chết do các bệnh liên quan như viêm
màng kết, tiêu chảy ngày càng tăng. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em tử vong tại các khu vực bị ô nhiễm nguồn nước
cũng rất cao. Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường. Hàng năm có
khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong
những năm tới, con số này còn có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác
không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa sông cũng như các vùng nước lợ
biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm
lịch tại vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn 30 km bãi biển
từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh
vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho
nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt
trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều…
Để có một sự phát triển bền vững cần phải có một chương trình hành động thống nhất và có thể bổ
sung hỗ trợ lẫn nhau giữa phát triển sản xuất với công tác bảo vệ và kiểm soát môi trường. Nếu không có
một chính sách đúng đắn về bảo vệ môi trường, nền kinh tế sẽ bị thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài.
Chính vì vậy mà bảo vệ môi trường sinh thái là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cả hệ thống chính
trị, các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng. Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng
được Đảng và nhà nước ta rất quan tâm trong chiến lược phát triển chung về kinh tế xã hội trong giai
đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
Để ngăn chặn, khắc phục và xử lý có hiệu quả những hành vi gây ô nhiễm môi trường, tôi xin đề
xuất một số giải pháp sau đây:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường với những chế tài đủ mạnh, bao gồm
cưỡng chế hành chính và xử lý hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh và đủ sức
răn đe. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công
nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt
đẹp và thân thiện hơn với con người.
Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường
xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh
tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời,
triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cần nâng cao năng
4
lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương
tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.
Ba là, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, các
đô thị, đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có
chính sách phù hợp. Đối với các khu công nghiệp, cần bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng
hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường
xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải tại đó.
Bốn là, chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối
với các dự án đầu tư; trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền
xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần được
cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài.
Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công
dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự
chuyển biến và nâng cao tinh thần chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người
dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; làm cho mọi người nhìn nhận một cách tự
giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội.
Bảo vệ môi trường không chỉ là của riêng một ai đó, khi làm gì đó hãy nghĩ rằng mỗi việc làm của
chúng ta đều tác động tới môi trường. Nếu đó là tác động tốt thì chúng ta nên tích cực và phấn đấu nhiều
hơn nữa. Còn nếu tác động xấu nhưng ta không thể tránh được thì hãy làm sao cho tác động đó là tối
thiểu, bởi môi trười đó chưa hẳn đã tác động đến chúng ta mà nó có tác động rất lớn đến con em chúng ta,
thế hệ tương lai nói riêng và con người nói chung.
Môi trường ô nhiễm là hiểm họa đối với tương lai phát triển của tất tả các quốc gia trên thế giới nói
chung và Việt Nam nói riêng. Tình trạng môi trường ở nước ta tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu
vãn nếu mỗi người biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường đã đang và sẽ
còn là vấn đề cấp bách của thời đại, là vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính
xã hội sâu sắc, gắn liền với đấu tranh xóa đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hòa bình và
tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đây là một vấn đề vô cùng rộng rãi và phức tạp đòi hỏi phải giải
quyết, nhanh tróng với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên của mọi cá nhân, mọi cộng đồng,
mọi quốc gia và toàn thể nhân loại trong tất cả các hoạt động và lĩnh vực của đời sống con người. Vì
tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau./.
5