Tải bản đầy đủ (.pdf) (132 trang)

Địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc dưới góc nhìn văn hóa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.12 MB, 132 trang )

Đại học Quốc gia Hà Nội
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển





Cao Thị Nhật Diễm


Địa danh Vùng ngã ba Bạch Hạc
dưới góc nhìn văn hóa



Luận văn thạc sỹ
Chuyên ngành Việt Nam học







Hà Nội – 2012
Đại học Quốc gia Hà Nội
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển



Cao Thị Nhật Diễm




Địa danh Vùng ngã ba Bạch Hạc
dưới góc nhìn văn hóa


Luận văn thạc sỹ
Chuyên ngành Việt Nam học
Mã số : 603160


Người hướng dẫn khoa học : GS.TS Trần Trí Dõi




Hà Nội – 2012




Mục lục
A. MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Mục đích, phạm vi nghiên cứu 2
3. Lịch sử vấn đề 2
3.1. Về lịch sử xuất hiện và lịch sử nghiên cứu địa danh Bạch Hạc 2
3.2.Về lịch sử gắn với địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc 5
4. Phương pháp nghiên cứu 6
5. Đóng góp của luận văn 7

6. Cấu trúc luận văn 8
B. NỘI DUNG 9
Chương 1 VẤN ĐỀ ĐỊA DANH VÀ ĐỊA DANH VÙNG NGÃ BA BẠCH HẠC 10
1.1 Cơ sở nhận thức về địa danh 10
1.2 Khái quát về địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc 12
1.2.1 Khái niệm “vùng văn hóa” 12
1.2.2 Vùng ngã ba Bạch Hạc 14
1.2.2.1 Tiểu vùng văn hóa đất Tổ 14
1.2.2.2 Vùng ngã ba Bạch Hạc 15
1.2.3 Phong Châu – Bạch Hạc – Việt Trì 15
1.2.4 Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên và dân cư vùng ngã ba Bạch Hạc 17
1.2.4.1 Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên 17
1.2.4.2 Đặc điểm dân cư – văn hóa xã hội 20
1.2.5 Đặc điểm về cách đặt tên của vùng ngã ba Bạch Hạc trong quá
trình phát triển 22
1.3 Tiểu kết 27



Chương 2 BẠCH HẠC - ĐỊA DANH CỦA NHỮNG TRUYỀN
THUYẾT 29
2.1 Truyền thuyết và cách thức giải mã truyền thuyết 29
2.2 Địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc và những truyền thuyết 30
2.2.1 Xã Minh Nông và truyền thuyết “ vua Hùng dạy dân cấy lúa” 30
2.2.2 Làng Lâu Thượng và truyền thuyết “hôn nhân thời vua Hùng” 32
2.2.3 Thôn Lang Đài (Bạch Hạc) - Nơi gắn với truyền thuyết “đài thượng
võ” 32
2.2.4 Làng Dữu Lâu và hai truyền thuyết “ thời vua Hùng” 34
2.2.5 Làng Kim Quất Hạ và truyền thuyết “sản vật thời vua Hùng” 34
2.2.6 Làng Cẩm Đội và truyền thuyết “đọi đèn chống lụt” của Sơn

Tinh 36
2.2.7. Làng Hương Trầm và truyềnthuyết “ trồng lúa nếp thơm” 36
2.2.8 Phường Bến Gót và truyền thuyết “dấu chân thời vua Hùng” 36
2.2.9. Ngã ba Hạc (Bạch Hạc) và truyền thuyết “chim hạc trắng” 37
2.3 Tiểu kết 38
Chương 3 BẠCH HẠC: BỨC TRANH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ QUA ĐỊA
DANH 40
3.1 Khái niệm về văn hoá dùng để tác nghiệp 40
3.2. Địa danh những di tích khảo cổ 40
3.2.1 Di chỉ Đồi Giàm thuộc xã Lâu Thượng 41
3.2.2 Di chỉ Gò Mã Lao thuộc giai đoạn văn hoá Đồng Đậu 42
3.2.3 Di chỉ Gò Gai thuộc giai đoạn văn hoá Gò Mun 43
3.2.4 Di chỉ Gò Tro Trên, Gò Tro Dưới thuộc giai đoạn văn hoá Gò Mun 43
3.2.5 Di chỉ Gò Con Cá thuộc giai đoạn văn hoá Gò Mun 44
3.2.6 Di chỉ Gò Thế thuộc giai đoạn văn hoá Gò Mun 44
3.2.7 Di chỉ Gò Tôm thuộc giai đoạn văn hoá Đông Sơn 45
3. 2.8 Di chỉ Gò Hào thuộc văn hoá Đông Sơn 45
3.2.9 Di chỉ Làng Cả - di chỉ lớn nhất của văn hóa Đông Sơn 46
3.3 Địa danh di tích kiến trúc - tôn giáo 52
3.3.1 Nhóm di tích được xây dựng sớm vào thời Lê 52
3.3.2 Nhóm các di tích xây dựng vào thời Nguyễn 54
3.3.3 Nhóm các di tích khác 54
3.3.4 Quần thể di tích lịch sử Đền Hùng 56
3.3.4.1 Cổng đền 57
3.3.4.2 Đền Hạ 57
3.3.4.3 Đền Trung ( Hùng Vương tổ miếu) 58
3.3.4.4 Đền Thượng và Lăng Hùng Vương 58
3.3.4.5 Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh) 59
3.3.4.6 Đền Tổ Mẫu Âu Cơ và bảo tàng Hùng Vương 59
3.4. Địa danh gắn với lễ hội 60

3.4.1 Lễ hội Tịch Điền 61
3.4.2 Hội hát xoan An Thái 63
3.5 Địa danh liên quan đến văn hoá ẩm thực 64
3.5.1 Hồng Hạc 65
3.5.2 Sông Hồng và cá Anh Vũ 65
3.5.3. Thịt chó Việt Trì 66
3.6 Tiểu kết 66
C. KẾT LUẬN 69
TÀI LIỆU THAM KHẢO 73
PHỤ LỤC 78







A. MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Nghiên cứu địa danh là một lĩnh vực rất quan trọng và cần thiết
trong nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu khu vực. Bởi vì địa danh là một
dạng thức ngôn ngữ, về bản chất, bao giờ cũng có những mối quan hệ gắn
bó, những ảnh hưởng hay tác động qua lại với văn hoá, lịch sử, địa lý,
dân cư nơi nó tồn tại. Nghiên cứu địa danh trong những mối quan hệ với
các mặt có liên quan đó, đặc biệt nghiên cứu địa danh trong mối quan hệ
với văn hoá hiện đang là một trong những công việc được quan tâm hiện
nay. Và đó chính là lý do vì sao chúng tôi nghiên cứu địa danh vùng ngã
ba Bạch Hạc nhằm góp phần tìm hiểu những giá trị văn hoá của vùng đất
lịch sử này.

Cha ông ta đã có câu: “chim có tổ, người có tông”. Vùng ngã ba
Bạch Hạc chính là vùng đất thiêng, vùng đất cội nguồn của cộng đồng
người Việt. Tìm hiểu về vùng đất “ngã ba sông” không còn là nhu cầu
riêng của người dân nơi đây mà là nhu cầu chung của mọi người dân Việt
Nam. Chúng tôi chọn đề tài này cũng là muốn giới thiệu những giá trị văn
hoá đặc sắc qua mỗi địa danh trên vùng ngã ba Bạch Hạc.
Hơn nữa, vùng đất “ngã ba sông” được coi là cái nôi văn hoá, là
cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nơi đây gắn với những truyền thuyết
cha Rồng mẹ Tiên, gắn với bình minh lịch sử thời các Vua Hùng dựng
nước. Bởi vậy, địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc đã thu hút được sự quan
tâm của không chỉ nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá nói chung mà
của cả các nhà Việt Nam học nói riêng. Chúng tôi chọn đề tài: “Địa danh
vùng ngã ba Bạch Hạc dưới góc nhìn văn hoá” cũng là để phục vụ cho
chuyên ngành Việt Nam học mà mình theo đuổi. Tìm hiểu về địa danh
này, chúng tôi không chỉ có được cái nhìn sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về lịch
sử, văn hoá vùng đất Tổ mà còn có được cái nhìn toàn diện hơn, đa dạng
hơn về dân tộc Việt từ buổi bình minh dựng nước.
Trong mỗi chúng ta ai cũng có một miền quê để thương, để nhớ.
Đó là nơi ta đã sinh ra và lớn lên, nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta, nơi chứa
đựng bao ký ức tuổi thơ trong sáng. Tôi gắn bó với từng căn nhà, từng
góc phố, từng hàng cây và những con người nơi vùng đất “ngã ba sông”.
Càng xa quê hương, tôi càng thấm thía hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan
Viên:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”
Chính bởi sự gắn bó tự nhiên máu thịt với nơi “chôn rau cắt rốn” mà
tôi chọn vùng ngã ba Bạch Hạc cho luận văn của mình. Vì thế, viết về ngã
ba Hạc cũng chính là viết về một phần của tâm hồn tôi, nó chứa đựng trong
đó những tình cảm của tôi với mảnh đất này.
2. Mục đích, phạm vi nghiên cứu

Mục đích : tìm hiểu những giá trị văn hoá ẩn sau mỗi địa danh trên
vùng đất Bạch Hạc.
Phạm vi nghiên cứu: dựa vào tư liệu điền dã và những sách vở mà
chúng tôi thu thập được về địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc.
Khi thực hiện đề tài này, chúng tôi chỉ xin tìm hiểu những giá trị
văn hoá ẩn sau một số địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc chứ không có
tham vọng bao quát một cách toàn diện mọi giá trị văn hoá vùng Đất Tổ.
3. Lịch sử vấn đề
3.1. Về lịch sử xuất hiện và lịch sử nghiên cứu địa danh Bạch
Hạc.
Ngã ba sông Bạch Hạc – hợp điểm tam giang, là nơi hợp lưu của
ba dòng sông: sông Thao, sông Đà, sông Lô thuộc địa phận phường Bạch
Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi hợp lưu ba con sông để
tạo nên một con sông chính - sông Hồng - của đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi
của nền văn minh Việt cổ; và đây cũng là một danh thắng tuyệt đẹp đã
được cổ nhân nhắc đến trong nhiều tài liệu chính sử viết về vùng đất cố
đô Văn Lang xưa, với tên gọi như Bạch Hạc Tam Giang, Bạch Hạc từ,
Bạch Hạc Phong Châu.
Tên gọi Bạch Hạc xuất hiện lần đầu tiên trong Dư địa chí của
Nguyễn Trãi: “Phong Châu là Bạch Hạc thuộc Phủ Tam Đái bấy giờ”
[49; 23], “đất Phong Châu có cây chiên đàn, chim hạc trắng đậu ở trên
cây, thế mới gọi là Bạch Hạc.” [49; 28-29]. Rõ ràng, theo cách ghi của
Nguyễn Trãi, Bạch Hạc cũng là cách gọi khác của vùng đất Phong Châu.
Cách giải thích về ý nghĩa của địa danh là nơi “có chim Hạc trắng” quần
tụ mang ngụ ý đây là nơi “đất lành chim đậu”.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư (Thế kỷ 17), Bạch Hạc gắn liền với
một dòng sông: “Nhâm Tuất [Thiệu Long] năm thứ 5 (1262) : tháng 3,
xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền. Quân thủy, lục
tập trận ở chín bãi phù sa sông Bạch Hạc” [44; 39-40]. Cũng trong Đại
Việt sử ký toàn thư, địa danh ngã ba Bạch Hạc xuất hiện lần đầu : “Đinh

Hợi [Quang Thuận] năm thứ 8: Ngày 26, tập trận đồ Thường Sơn ở ngã
ba sông Bạch Hạc.” [44;522]. Cách ghi của Đại Việt sử ký toàn thư cho
thấy địa danh Bạch Hạc được nhận diện là nơi hợp lưu của ba con sông
như đã nói ở trên.
Bạch Hạc là một đơn vị hành chính được viết lần đầu tiên trong
sách Bộ Lễ nhà Lê, do người thôn Lương Yên (?) sao lại năm Cảnh Hưng
24 triều Lê (1763) có tên Nam Việt thần kỳ hội lục (sách được lưu trữ
trong viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội – ký hiệu A761). Sách chép về
2824 vị thần được thờ trong cả nước thời bấy giờ, trong đó đã chép về
thánh tổ Hùng Vương như sau:
“ Nhất các xứ huyện, xã dân đồng phụng sự cộng thất thập tam
xã…Bạch Hạc huyện, Bạch Hạc xã, Việt Trì thôn”.
(Dân các xã huyện, xứ cùng thờ cúng, có 73 xã. Thôn Việt Trì, xã
Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc) [30; 81]. Như vậy, theo cách ghi này, Bạch
Hạc là một địa danh chỉ về một đơn vị hành chính, nơi dân làng thờ cúng
Hùng Vương.
Địa danh Bạch Hạc chỉ một đơn vị hành chính còn được khắc trong
bài minh của quả chuông chùa Hoa Long có tên Hoa Long Thiền tự với
dòng lạc khoản : Tam Đái phủ, Bạch Hạc huyện, Bạch Hạc xã, Việt Trì
thôn. Do chỗ quả chuông chùa Hoa Long chưa xác định được niên đại
nên rất có thể địa danh hành chính Bạch Hạc ở đây có liên quan đến cách
ghi trong bộ sách Nhà Lê vừa nói ở trên.
Như vậy có cơ sở để nói rằng địa danh Bạch Hạc tồn tại suốt trong
thời kỳ phân cấp hành chính ra huyện, xã, thôn thời Lê.
Tác giả Phan Huy Chú (1782- 1840) trong cuốn Hoàng Việt địa dư
chí chép huyện Bạch Hạc thuộc phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, có 64 xã.
“Núi Nghĩa Lãnh ở xã Việt Trì huyện Bạch Hạc, tương truyền Kinh
Dương Vương từng dời đô đến đó” [7; 87]. Trong Phương đình dư địa chí
(tức Đại Việt địa dư toàn biên) tác giả Nguyễn Văn Siêu lại chép về đời
Lê, Bạch Hạc “có 69 xã, 1 thôn và 2 châu[40; 155].

Địa danh Bạch Hạc còn được chép trong các thư tịch đời Nguyễn
liên quan đến các di tích của địa phương này. Sách Đại Nam nhất thống
chí mục Cổ Tích, tỉnh Sơn Tây chép “Thành cổ của Kinh Dương Vương ở
sau chùa Hoa Long thôn Việt Trì huyện Bạch Hạc có một gò đất, tương
truyền đó là nền thành cũ…”(59; 224).
Trong thời kỳ kháng chiến chống pháp và chống Mỹ, không có
nhiều tài liệu viết về Bạch Hạc.
Căn cứ vào những tài liệu tìm hiểu được, chúng tôi chỉ thấy tên địa
danh Bạch Hạc được ghi lại trong một số sách chứ chưa thấy một công trình
nào nghiên cứu về vùng đất này.
Trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về
vùng đất ngã ba sông. Tiêu biểu như Di tích và danh thắng vùng đất tổ
của Trần Kim Thau, Văn nghệ dân gian Việt Trì của nhiều tác giả…. Đặc
biệt vấn đề về kinh đô Văn Lang là đề tài thu hút được nhiều nhà nghiên
cứu lịch sử, văn hoá dân gian tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời một số
công trình liên quan đến vấn đề này như Truyền thuyết Hùng Vương
(Nguyễn Khắc Xương), Hùng Vương dựng nước (Nhiều tác giả - NXB
Khoa học Xã hội), Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng (NXB Hội nhà văn-
1996)… Đặc biệt năm 1996, Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao Vĩnh Phú
đã tổ chức hội thảo về kinh đô Văn Lang với sự tham gia của nhiều nhà
khoa học trung ương, địa phương và đã thống nhất một vấn đề, đó là sự
tồn tại của kinh đô Văn Lang trên đất Việt Trì. Hội thảo đã cho ra đời
cuốn Kỷ yếu Hội thảo kinh đô Văn Lang.
Tuy nhiên các công trình trên mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên
cứu và khẳng định sự tồn tại của kinh đô Văn Lang thời các vua Hùng mà
chưa có công trình nào nghiên cứu địa danh Bạch Hạc dưới góc nhìn văn
hoá, nhằm tìm hiểu những giá trị văn hoá ẩn sau mỗi địa danh trên mảnh
đất này. Với luận văn của mình, chúng tôi muốn miêu tả và tổng hợp một
cách khái quát những ý nghĩa văn hoá, lịch sử trên đất Bạch Hạc, trên cơ
sở những công trình nghiên cứu trước đây và từ những tìm tòi phát hiện

của bản thân mình.
3.2.Về lịch sử gắn với địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc
Chúng tôi xin trình bày một cách khái quát về lịch sử gắn với địa
danh vùng ngã ba Bạch Hạc :
Thời đại Hùng Vương, vùng Việt Trì – Phong Châu - Bạch Hạc là
trung tâm chính trị - kinh tế và được coi là kinh đô của nước Văn Lang,
nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam
Năm 257 TCN, Thục An Dương Vương lập nên nước Âu Lạc, bộ
Văn Lang bị thu hẹp lại và được gọi tên theo âm Hán Việt là Mê Linh.
Dưới thời thuộc Hán, nước ta được chia làm 3 quận: Giao Chỉ, Cửu
Chân, Nhật Nam. Vùng ngã ba Bạch Hạc thuộc về huyện Mê Linh, quận
Giao Chỉ.
Thời Tam Quốc - Lưỡng Tấn và thời Tuỳ (thế kỷ III- Thế kỷ VI),
vùng ngã ba Bạch Hạc thuộc huyện Gia Ninh, quận Tân Xương.
Đến đời Đường, vùng ngã ba Bạch Hạc thuộc huyện Thừa Hoá, quận
Phong Châu.
Thời Thập nhị xứ quân (944- 967) đất đai vùng Bạch Hạc nằm
trong khu vực chiếm giữ của tướng Kiều Công Hãn.
Thời Trần, vùng ngã ba Bạch Hạc thuộc về châu Thao Giang, lộ
Tam Giang.
Thời Hậu Lê, vùng ngã ba Bạch Hạc thuộc phủ Tam Đái, trấn Sơn
Tây.
Thời Nhà Nguyễn, trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, địa
danh vùng ngã ba Bạch Hạc thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây.
Sau khi hoà bình lập lại, tháng 2- 1955 thị trấn Việt Trì được thành
lập gồm 3 khu phố: Thuần Lương, Việt Hưng, Việt Lợi. Ngày 7- 6- 1957
Thủ tướng chính phủ cho sát nhập thị trấn Bạch Hạc (tỉnh Vĩnh Yên) với
thị trấn Việt Trì thành thị xã Việt Trì.
Như vây, địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc đã có lịch sử hình thành
và phát triển khá lâu đời. Xét theo chiều dài lịch sử, nó là một địa danh

chỉ về một vùng đất liên quan đến Phong Châu, Bạch Hạc và Việt Trì
hiện nay. Luận văn của chúng tôi, với nhiệm vụ viết về địa danh vùng ngã
ba Bạch Hạc, như vậy, chỉ khuôn lại ở góc nhìn văn hoá giới hạn trong
một phạm vi hẹp của ngã ba Bạch Hạc. Nhiệm vụ của luận văn như thế
cũng chỉ là góp thêm kiến thức nhỏ bé của mình vào kho tàng kiến thức
chung về vùng đất lịch sử quan trọng này.
4. Phương pháp nghiên cứu
Nguồn tư liệu.
Để có thể dựng lại bức tranh văn hóa cơ bản nhất về hệ thống địa
danh hiện đang tồn tại trên vùng ngã ba Bạch Hạc, chúng tôi đã cố gắng
sưu tầm, tập hợp ở mức độ cao nhất. Các cứ liệu địa danh được chúng tôi
thu thập được từ các nguồn :
- Tư liệu điền dã thực tế.
- Các tài liệu gồm: Địa chí tỉnh Phú Thọ, Lịch sử Đảng bộ thành
phố Việt Trì, bản đồ, các bài viết…có liên quan đến vùng ngã ba Bạch
Hạc.
Xử lý tư liệu :
- Thống kê, sắp xếp và phân loại theo chủ đề
- Tìm hiểu những yếu tố liên quan đến nội dung địa danh trong
dân gian như truyền thuyết hay lịch sử tên gọi, những lễ hội gắn với địa
danh v.v
Phương pháp nghiên cứu :
- Phương pháp chính được thực hiện trong luận văn là miêu tả nội
dung của địa danh trên cơ sở vận dụng tri thức của nhiều ngành như văn
hoá, lịch sử, ngôn ngữ, địa lý v.v. Đồng thời, để lý giải những nội dung
khác nhau ấy được tích hợp trong từng địa danh, chúng tôi dùng thủ pháp
phân tích, thống kê, tổng hợp. Như vậy, có thể nói phương pháp làm việc
trong luận văn là phương pháp có tính liên ngành hay đa ngành.
- Ngoài ra, khi thực hiện luận văn, chúng tôi có vận dụng lý thuyết
văn hoá để chỉ ra đặc trưng văn hoá của vùng.

- Chúng tôi cũng sử dụng phương pháp điền dã để thu thập tư liệu.
Trong quá trình nghiên cứu, không phải bao giờ các phương pháp
trên cũng được chúng tôi sử dụng tách bạch mà có sự kết hợp, vận dụng
một cách tổng hợp để rút ra những kết luận cuối cùng.



5. Đóng góp của luận văn
Thông qua việc thống kê, tổng hợp và phân tích các địa danh ẩn
chứa giá trị văn hóa, luận văn đã nêu bật bức tranh văn hóa của vùng ngã
ba Bạch Hạc.
Trên cơ sở nêu bật bức tranh văn hóa của vùng ngã ba Bạch Hạc,
luận văn góp phần mang đến cho người đọc cái nhìn toàn diện hơn, sâu
sắc hơn về vùng đất Tổ.
Nghiên cứu địa danh trên vùng ngã ba Hạc, luận văn cho thấy sự
vận động và phát triển của thành phố Việt Trì trong suốt chiều dài lịch sử.
Gía trị của việc nghiên cứu địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc còn
cho ta thấy được đời sống của các cư dân Văn Lang xưa và sự ngưỡng
vọng của con cháu đời sau về một thời đại Vùng Vương trong lịch sử.


6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, luận văn của chúng tôi sẽ được triển khai trên
ba chương:
Chương 1. Vấn đề địa danh và địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc
Chương này người viết nêu cơ sở nhận thức về địa danh, những
cách hiều, quan niệm về địa danh. Khái quát về vùng ngã ba Bạch Hạc và
những tên gọi có liên quan trong lịch sử. Nêu đặc điểm về cách đặt tên
của vùng đất này trong quá trình phát triển.
Chương 2. Bạch Hạc – Địa danh của những truyền thuyết

Chương này người viết nêu khái niệm về truyền thuyết và cách
thức giải mã truyền thuyết, từ đó tìm hiểu địa danh thông qua việc giải
mã các truyền thuyết có liên quan đến các địa danh. Qua nhiều truyền
thuyết gắn với những địa danh trên vùng ngã ba Bạch Hạc, ta thấy phần
lớn những địa danh, những truyền thuyết đều gắn với thời các vua Hùng,
phản ánh đầy đủ các mặt văn hóa và tinh thần của cư dân Văn Lang xưa.
Những truyền thuyết này không phải chỉ là hư cấu bởi nó một phần phản
ánh cuộc sống, phản ánh lịch sử, phản ánh những tâm tư, tình cảm của
người dân. Qua những chứng cứ khảo cổ học, ta có thể chứng minh được
rằng có tồn tại thời đại Hùng Vương trong lịch sử.
Chương 3. Bạch Hạc : Bức tranh lịch sử - văn hóa qua địa danh
Chương này người viết tìm hiểu địa danh thông qua các di tích
khảo cổ học, di tích kiến trúc – tôn giáo, địa danh gắn với lễ hội và địa
danh liên quan đến văn hóa ẩm thực. Qua đó, ta có một cái nhìn đầy đủ
và toàn diện về lịch sử và văn hóa của vùng ngã ba Bạch Hạc. Đây không
chỉ là mảnh đất mang trong mình chiều dài 4000 năm lịch sử, bắt đầu từ
thời Hùng Vương dựng nước mà còn chứa đựng chiều sâu văn hóa. Bao
trùm toàn bộ văn hóa vùng ngã ba Bạch Hạc là văn hóa thời Hùng
Vương, văn hóa gắn liền với 18 đời họ Hùng. Địa danh di chỉ khảo cổ,
địa danh di tích kiến trúc tôn giáo, địa danh lễ hội và địa danh ẩm thực
minh chứng rằng thời đại Hùng Vương không chỉ tồn tại trong truyền
thuyết mà còn tồn tại trong hiện thực, trong lịch sử qua những chứng cứ
hùng hồn và thuyết phục.
Cuối cùng là phần Kết luận, Thư mục tham khảo và phần Phụ lục
gồm “Tên đường phố Việt Trì” và “Một số hình ảnh về vùng ngã ba Bạch
Hạc”.
























B. NỘI DUNG
Chương 1
VẤN ĐỀ ĐỊA DANH VÀ ĐỊA DANH VÙNG NGÃ BA BẠCH HẠC
1.1 Cơ sở nhận thức về địa danh
Bất kỳ một đối tượng nào trong thế giới thực tại khi được con
người gọi tên, đặt tên đồng nghĩa với việc nó đã được con người nhận
thức, nhận diện. Cách đặt tên, gọi tên này tùy thuộc vào từng mục đích,
dựa trên những quy ước nhất định trong từng hoàn cảnh và không gian
sinh tồn cụ thể của cộng đồng dân cư; nó còn phụ thuộc vào cách thức
hoạt động của ngôn ngữ mà cộng đồng cư dân đó sử dụng. Nhu cầu đặt
tên, gọi tên là một nhu cầu thường trực, tất yếu và quan trọng của cộng

đồng con người.
Tên đất, tên núi, tên rừng, tên biển, tên sông, tên đường phố, thậm
chí tên gọi các hành tinh bên ngoài Trái Đất đều là những địa danh.
Thuật ngữ địa danh nguyên thủy, trong tiếng Hy Lạp có cấu tạo
gồm hai bộ phận: topos (địa điểm) và anyma (tên gọi chung nhất với ý
nghĩa là “ tên gọi địa lý”). Nói khác đi, tất cả các tên gọi địa lý được đánh
dấu và ghi nhận bởi các địa danh. Địa danh chính là tên gọi được áp dụng
cho một đối tượng, không gian địa lý hoặc một đặc trưng địa hình, địa vật
nào đó, có tác dụng khu biệt nó với những cái xung quanh và xác định địa
điểm tồn tại của nó trong môi trường.
Ở Việt Nam, theo triết tự Hán - Việt, thuật ngữ địa danh có nghĩa
là “tên đất”. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều cách hiểu về địa danh. Tác
giả Đào Duy Anh cho rằng: “ Địa danh là tên gọi các miền đất” [2; 220].
Còn trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên lại giải thích địa
danh là “ tên đất, tên địa phương” [38; 34]. Nguyễn Văn Âu cho rằng: “
Địa danh là tên đất, gồm tên sông, núi, làng mạc, hay là tên địa phương,
làng mạc” [3; 18].
Với cách tiếp cận địa danh theo góc nhìn ngôn ngữ học, Nguyễn
Kiên Trường quan niệm: “ Địa danh là tên riêng chỉ các đối tượng địa lý
tự nhiên và nhân văn có vị trí xác định trên bề mặt Trái đất” [54; 16].
Còn Lê Trung Hoa đưa ra cách hiểu:
“ Địa danh là những từ ngữ cố định được dùng làm tên riêng của các địa
hình thiên nhiên, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ ( không có
ranh giới rõ ràng) và các công trình xây dựng thiên về không gian hai
chiều” [19; 21].
Còn tác giả Từ Thu Mai lại đồng ý với cách hiểu của Superanskaja:
“ Địa danh là những từ ngữ chỉ tên riêng của các đối tượng địa lý có vị
trí xác định trên bề mặt Trái đất” [28; 21] .
Nhìn chung, với những quan niệm khác nhau đó có một số sự khác
biệt nhất định trong các quan niệm trên chủ yếu xuất phát từ phương diện,

góc nhìn không giống nhau. Nhưng qua đó cũng có thể hiểu một cách
chung nhất về địa danh như sau: Địa danh là những từ, cụm từ dùng để
gọi tên các đối tượng, không gian địa lý, các địa hình, địa vật; có tác dụng
khu biệt, định vị những đối tượng, không gian địa lý, các địa hình, địa vật
này với các đối tượng, không gian địa lý, các địa hình, địa vật khác.
Không có các địa danh tức là chúng ta đã mất đi những khung định vị,
những quy chiếu không gian quan trọng trong môi trường sinh tồn của
chúng ta.
Các nhà nghiên cứu địa danh học đều nhất trí cho rằng dịa danh
chính là những vật chứng đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu về dân
tộc, lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ. Dĩ nhiên, không phải biến cố lịch sử,
dân tộc, văn hóa nào cũng được địa danh ghi lại, cũng được phản ánh
trong địa danh. Nhưng địa danh chính là những “di chỉ khảo cổ học”
không nằm trong lòng đất, hiện hữu với tư cách là những bằng chứng,
hiện tượng đồng đại nhưng lại mang chứa nhiều thành tố thuộc về lịch
đại. Đó chính là cơ sở, là xuất phát điểm để chúng tôi thông qua mô tả nội
dung địa danh trong mối liên hệ với nhận thức của cộng đồng để nhận
diện nội dung văn hóa lịch sử của địa danh.



1.2 Khái quát về địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc
1.2.1 Khái niệm “vùng văn hóa”
Xét về mặt từ nguyên “vùng” - region, được hiểu là một khu vực
địa lý, như vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gắn với một cấp hành
chính nhà nước. Trong khi đó, thuật ngữ “lãnh thổ” - territoire, được hiểu
là một vùng hay khu vực địa lý thuộc một cấp quản lý hành chính nhà
nước. Do đó trong một vùng có thể có nhiều lãnh thổ.
Thuật ngữ “khu vực” được hiểu, được sử dụng với những biến thái
khác nhau. Nó có thể nhỏ hơn vùng như khu Tả ngạn, Hữu ngạn sông

Hồng, khu vực Hồ Gươm, Hồ Tây ở Hà Nội ; hoặc nó tương đương
vùng, ví dụ khu vực (hay vùng) Tây Bắc; cũng có thể lớn hơn vùng và
tương đương miền, ví dụ khu vực (hay miền) Bắc, Trung, Nam. Trong
tiếng Viêt, thuật ngữ “miền” thì rõ ràng nghiêng về cách hiểu là lớn hơn
“vùng”.
Cũng cần nói thêm rằng, thuật ngữ “vùng” không chỉ liên quan đến
vùng kinh tế, mà cơ bản dùng để chỉ một vùng văn hóa. Ở phương Tây, từ
cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện lý thuyết văn hóa vùng (Culture area). Năm
1894, O.T. Mason, lần đầu tiên trình bày lý thuyết văn hóa vùng trong tạp
chí American Anthropologist (Nhân loại học Mỹ), để làm cơ sở phân loại
các bộ lạc thổ dân da đỏ. Tiếp đó, vào những năm 1950, giới dân tộc học
ở Liên Xô cũ, trước tiên là các giáo sư N.N.Trebôcxarốp và M.G. Lêvin,
đã xây dựng lý thuyết về loại hình kinh tế - văn hóa và khu vực lịch sử -
dân tộc học, hay có thể gọi chung là lý thuyết lịch sử - văn hóa.
Các lý thuyết trên mặc dù khác nhau nhưng về cơ bản đều dựa vào
trình độ sản xuất các phương tiện sinh sống để phân chia các loại hình
kinh tế - văn hóa; ngoài ra còn chú ý đến các yếu tố cảnh quan - lãnh thổ,
quá trình cộng cư lâu dài, cùng chung vận mệnh lịch sử trong quá trình
hình thành, tồn tại, phát triển của các vùng văn hóa. Giới dân tộc học, văn
hóa học nước ta nhìn chung chịu ảnh hưởng nhiều của lý thuyết lịch sử -
văn hóa của các nhà khoa học Xô Viết.
Có thể quan niệm “vùng văn hóa” là một thực thể văn hóa, bao
gồm những đặc điểm về cảnh quan - lãnh thổ, trình độ và cách thức hoạt
động kinh tế, và các đặc điểm về văn hóa vật thể (nhà cửa, y phục, ăn
uống ), văn hóa phi vật thể (phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng -
tôn giáo ); trong đó có một số đặc trưng điển hình so với các vùng khác.
Văn hoá thống nhất trong đa dạng. Đặc trưng này thể hiện ngay
trong một nền văn hoá. Chính vì vậy, phân vùng là một trong những yêu
cầu có tính phương pháp luận trong nghiên cứu văn hoá.
Hiện có khá nhiều quan niệm về vùng văn hoá, trong đó quan niệm

của Trần Quốc Vượng đảm bảo được tính ngắn gọn của một định nghĩa,
thể hiện rõ quan điểm tiếp cận, đồng thời nêu bật được đặc trưng cơ bản
của một vùng văn hoá: “Một vùng văn hóa là một tổng thể - hệ thống một
không gian văn hóa (cutural space) với một cấu trúc - hệ thống
(structure- system) bao gồm các hệ dưới - hay tiểu hệ (sub- system) theo
lối tiếp cận hệ thống (system-analysis)” [58, 401].
Bên cạnh khái niệm vùng văn hóa của Trần Quốc Vượng, người viết
còn muốn đề cập đến khái niệm vùng thể loại văn hóa của Ngô Đức
Thịnh như một định hướng để tìm hiếu vùng ngã ba Bạch Hạc. Theo Ngô
Đức Thịnh, vùng thể loại văn hóa là một không gian địa lý nhất định, mà
ở đó từng thể loại văn hóa (truyền thuyết, sử thi, dân ca, sân khấu, âm
nhạc, ẩm thực, kiến trúc….) biểu hiện tính tương đồng, thống nhất thông
qua nội dung, kết cấu, các sắc thái biểu hiện, phương thức lưu truyền.
[46; 76]
Như vậy, trong luận văn, chúng tôi chấp nhận và sử dụng khái niệm
“vùng văn hóa” của Trần Quốc Vượng và “vùng thể loại văn hóa” của
Ngô Đức Thịnh để nhận diện vùng văn hóa ngã ba Bạch Hạc sau khi mô
tả nội dung của một số địa danh thuộc “không gian địa danh Bạch Hạc”

1.2.2 Vùng ngã ba Bạch Hạc
Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi “sông Bạch Hạc”, khi mà đời xưa,
giao thông đường bộ chưa phát triển, thực tế đã trở thành phên dậu phía
Tây của kinh thành Thăng Long, mà điểm khởi đầu là điểm hợp lưu chính
thức của ba dòng sông : Đà, Thao và Lô, khi ấy gọi là sông Tuyên. Ngã
ba Hạc hợp lưu bởi sông Thao, sông Đà, sông Lô, tạo nên dòng trong
dòng đục, nước sông mênh mông, xa xa tả có Tam Đảo, hữu có Ba Vì,
hai bên bờ là làng mạc ruộng vườn tươi tốt, bến sông thuyền bè tấp nập
vào ra… Tất cả những phong cảnh đó tạo cho ngã ba Bạch Hạc từ lâu nổi
danh là vùng sông nước hữu tình, sơn thanh thủy tú, bồi đắp sinh khí cho
vùng đất cổ Phong Châu, nơi vua Hùng chọn làm kinh đô đầu tiên của

nhà nước Văn Lang. Nơi này hội tụ cả ba dòng sông hùng vĩ của đất Bắc,
nên người xưa tin rằng ngã ba sông Bạch Hạc chính là nơi hợp “đại long
mạch” của đất tổ Hùng Vương.
Ngã ba Bạch Hạc chính là điểm hợp lưu của ba dòng sông. Vậy,
vùng ngã ba Bạch Hạc được xác định như thế nào? Theo định nghĩa của
Giaó sư Trần Quốc Vượng, vùng văn hóa trước hết là một không gian văn
hóa với một cấu trúc hệ thống bao gồm các tiểu hệ theo lối tiếp cận hệ
thống. Như vậy, khi tiếp cận một vùng văn hóa phải tiếp cận theo cấu trúc
hệ thống.
1.2.2.1 Tiểu vùng văn hóa đất Tổ
Căn cứ trên các sắc thái văn hóa địa phương, Ngô Đức Thịnh đã
phân chia vùng đồng bằng Bắc Bộ thành các tiểu vùng văn hóa và các đa
dạng văn hóa mang tính chuyển tiếp. Tiểu vùng văn hóa đất Tổ nằm trong
vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Tiểu vùng văn hóa này nằm gọn trong
địa giới tỉnh Phú Thọ và một phần của Sơn Tây cũ, gần trùng với xứ Đoài
như quan niệm dân gian. Thời các vua Hùng, vùng đất này là phần chính
của bộ Văn Lang, trung tâm của 15 bộ thời vua Hùng, nơi hợp lưu của
sông Đà, sông Lô với sông Thao để tạo ra dòng chảy sông Hồng. Thời
hậu Lê và đầu thời Nguyễn, vùng đất này thuộc trấn Sơn Tây, là một
trong “tứ trấn nội kinh”.
1.2.2.2 Vùng ngã ba Bạch Hạc
Theo như bài viết của Ngô Đức Thịnh thì vùng ngã ba Bạch Hạc
thuộc tiểu vùng văn hóa đất Tổ. Không gian văn hóa đất Tổ có một điểm
tương đồng và thống nhất từ ngàn xưa : không gian văn hóa mang đậm
dấu ấn của buổi bình minh dựng nước thời các vua Hùng. Nhắc đến vùng
ngã ba Bạch Hạc, ta nghĩ ngay đến vùng đất thiêng, cội nguồn của dân
tộc Việt, đến kinh đô Văn Lang xưa.
Ngã ba Bạch Hạc nằm trong địa giới thành phố Việt Trì ngày nay.
Thành phố Việt Trì còn có tên gọi là thành phố ngã ba sông. Địa giới
thành phố Việt Trì được xác địnhh từ Đền Hùng đến hết cầu Việt Trì

(Phía Đông, Việt Trì giáp sông Lô, huyện Lập Thạch, huyện Vĩnh Tường
– tỉnh Vĩnh Phúc; phía Tây giáp thị trấn Lâm Thao, thị trấn Hùng Sơn, xã
Tiên Kiên, xã Thạch Sơn; phía Nam giáp sông Hồng, xã Cao Xá, xã Sơn
Vi, huyện Lâm Thao và huyện Ba Vì – tỉnh Hà Tây cũ; phía Bắc giáp xã
Phù Ninh, xã An Đạo, xã Tử Đà, huyện Phù Ninh). Trên địa bàn thành
phố Việt Trì còn in đậm dấu tích thời các vua Hùng dựng nước Văn
Lang.
Như vậy, vùng ngã ba Bạch Hạc và thành phố Việt Trì có nhiều
điểm tương đồng, thống nhất trong một không gian văn hóa đất Tổ. Để
tiện cho việc nghiên cứu và thống kê, người viết xin xác định vùng ngã ba
Bạch Hạc là không gian văn hóa từ núi Nghĩa Lĩnh (Đền Hùng) đến hết
cầu Việt Trì (trùng với địa giới hành chính thành phố Việt Trì). Trong
“Truyền thuyết Hùng Vương”, Nguyễn Khắc Xương cũng đã xác định :
“Vua Hùng chọn đất Phong Châu làm kinh đô của nước Văn Lang, từ
ngã ba sông Bạch Hạc về tới núi Nghĩa Lĩnh” [60;26].
1.2.3 Phong Châu – Bạch Hạc – Việt Trì
Kinh đô Văn Lang xưa thường gắn với địa danh Phong Châu. Vậy,
Phong Châu và Bạch Hạc liệu có phải là một?
Trong Ức Trai di tâp, Nguyễn Trãi viết : “ Phong Châu là Bạch
Hạc, thuộc phủ Tam Đái bây giờ” [49; 23]. “ Đất Phong Châu có cây
chiên đàn, chim hạc trắng đậu ở trên cây, thế mới gọi là Bạch Hạc” [49;
28-29]. Vì sao người viết chọn tên địa danh là Bạch Hạc chứ không phải
Phong Châu? Bởi lẽ tên Bạch Hạc gắn liền với dòng sông. Và như chúng
ta đều biết, những nền văn minh lớn trên trái đất đều khởi nguồn từ các
dòng sông. Trong lịch sử nước ta, với sự tiến bộ của thuật luyện kim
đồng, các vùng ngã ba sông đã hình thành nên những điểm tụ cư đông
đúc của nhiều tộc người. Vùng Lào Cai với Nguyên Giang và Nam Khê
Hà hợp với nhau, nơi khởi đầu của sông Hồng trong lãnh thổ Việt Nam;
vùng đồi đền ở Cửa Rào Tương Dương, nơi hợp lưu của Nậm Nơn và
Nậm Mô để tạo ra sông Cả của tiểu vùng Nghệ An; vùng Đông Sơn với

sông Mã, sông Chu hợp lưu; vùng Việt Trì với sông Thao, sông Lô, sông
Đà. Theo dòng chảy xuôi của thời gian, số phận của những trung tâm này
đi theo những hướng khác nhau. (theo Diệp Đình Hoa- [30; 71]).
Giaó sư Trần Quốc Vượng đã viết : Nếu chỉ nói một câu về vị thế
địa chính trị, địa chiến lược, địa văn hóa của kinh đô cổ đại Văn Lang thì
tôi xin nói rằng : đó là vùng NGÃ BA SÔNG (Hợp lưu Thao-Lô-Đà). Tổ
tiên ta có câu : TỤ NHÂN NHƯ TỤ THỦY. Đây là vùng Tam Giang –
Tam Đái thới Lý Trần, vùng Tây Đạo thời Lê, xứ Đoài cuả dân gian Lê-
Nguyễn…. Về mặt địa chính trị - địa văn hóa, ta có 3 “thủ đô” tự nhiên :
Việt Trì (Văn Lang), Cổ Loa (Âu Lạc), Thăng Long – Phố Hiến (Đại
Việt). Cha ông ta đã rất tài tình khi lựa chọn đất đóng đô, đến mức nhà
địa lý học tài danh Nguyễn Thiệu Lâu và chúng tôi đã mệnh danh Làng
Cả (Việt Trì), làng Chủ (Cổ Loa) và Đại La (Thăng Long) là những thủ
đô thiên nhiên của người Việt phương Nam. Có sông Thao từ Vân Qúy
đến, lại có sông Đà từ Tây Bắc cuộn về, lại có sông Lô (và phụ lưu là
sông Chảy, sông Gâm) từ Việt Bắc dồn về. Thế thì Việt Trì – Bạch Hạc -
Ngã ba Hạc là nơi hội tụ của nhiều luồng cư dân (30; 22-23).
Như vậy, theo cách nhìn địa văn hóa của giáo sư Trần Quốc Vượng
và nhiều học giả khác, không gian Việt Trì (hiện nay) và Phong Châu
(xưa) chính là vùng ngã ba Bạch Hạc. Chính ngã ba này là thực thể tự
nhiên thể hiện “vùng văn hóa” Phong Châu – Bạch Hạc – Việt Trì. Nói
một cách khác, vùng ngã ba Bạch Hạc chính là hiện thân tự nhiên của
“vùng văn hóa đất Tổ”.
1.2.4 Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên và dân cư vùng ngã ba Bạch Hạc
1.2.4.1 Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên
Vùng ngã ba Bạch Hạc là mảnh đất nằm giữa sự chuyển giao từ địa
hình đồi núi sang địa hình đồng bằng và là một đỉnh của tam giác châu
thổ sông Hồng, cái nôi của nền văn hóa Việt cổ. Chính vì vậy mà vùng
đất này có cả địa hình đồi núi trung du ( phía Bắc của Việt Trì) và địa
hình đồng bằng (phía Nam Việt Trì). Nơi đây cảnh đẹp hữu tình với núi

rừng, sông suối chằng chịt, dãy đồi san sát như bát úp và những dải đồng
bằng màu mỡ dồi dào sản vật. Đồng thời, phía trước có ba con sông lớn
từ ba hướng đổ về hội tụ, phía sau có đồi núi trùng điệp bọc đỡ, bốn bề
đều có thành vách tự nhiên che chắn, không chỉ là nơi “sơn chầu thủy tụ”
dồi dào khí thiêng sông núi mà còn giữ thế chiến lược quan trọng “ tiến
khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (nghĩa là “tiến thì giữ thế mạnh, lui thì giữ
thế thủ”). Đây chính là nơi mà vua Hùng đã chọn làm đất đóng đô trong
buổi đầu dựng nước. Vùng đất này đã đi vào truyền thuyết: “ Đi tới một
vùng, trước mặt ba sông hội tụ, hai bên có Tản Viên, Tam Đảo chầu về;
đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như hình hổ phục
rồng chầu, tướng quân bắn nỏ, ngựa chạy phượng bay. Giữa những quả
đồi xanh tốt thấy có ngọn núi đột ngột nổi lên như con voi mẹ nằm giữa
đàn con. Vua lên núi nhìn ra bốn phía thấy ba bề bãi rộng bồi đắp phù
sa, bốn mặt cây xanh hoa tươi quả ngọt, vừa trùng điệp vừa quanh co, có
rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu. Vua cả mừng khen rằng đây thực là đất
họp muôn dân, đủ hiểm để giữ, có thế để mở, thế đất vững bền có thể
dựng được muôn đời”(tập 1) [34; 100].
Từ ngàn xưa, ngã ba Hạc đã là vùng đất “ tụ thủy tụ nhân” được
chọn làm trung tâm chính trị của nhà nước Văn Lang. Nhà quân sự kiêm
nhà thơ Phạm Sư Mạnh ( đời Trần) đã có những bài thơ ca ngợi vị trí và
cảnh đẹp nơi đây. Tiêu biểu là bài “ Hành quân”:
“ Nghĩ thuyền hà thạch tố thanh ba
Lãng lại tranh nghênh sứ bái qua
Lô thủy phiên ty, Thao tụ lạc
Văn Lang nhật nguyệt, thục sơn hà”
Tạm dịch:
“ Ngược dòng sóng đậu thuyền bến đá
Dân giành nhau đón sứ thần qua
Sông Lô phên dậu, Thao dân tụ
Văn Lang ngày tháng thục sơn hà”.

Với vị trí đặc biệt như vậy, Bạch Hạc - Việt Trì được các nhà sử
học và văn hóa học nước ta coi là một trong ba “ thủ đô tự nhiên” của
người Việt trong lịch sử: Làng Cả ( Việt Trì), Làng Chủ ( Cổ Loa) và Đại
La ( Thăng Long). Về mặt địa lý, nó tạo nên một tam giác châu thổ sông
Hồng nhưng cũng rất phù hợp với tiến trình lịch sử trải qua ba giai đoạn:
đỉnh Việt Trì (hơn 4000 năm), đỉnh Cổ Loa ( hơn 3000 năm) và đỉnh phố
Hiến ( hơn 400 năm).
Có thể nói Việt Trì – Bạch Hạc được chọn làm kinh đô của người
Văn Lang là điều tự nhiên, tất yếu bởi vị thế về mọi mặt hoàn toàn phù
hợp để xây dựng một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của một đất
nước mà chủ nhân của nó là những cư dân của nền văn minh sông Hồng.
Điều này đã được chứng minh trong lịch sử khi mà vị trí của Việt Trì
được đánh giá rất cao trong suốt quá trình dựng nước, giữ nước của dân
tộc.
Trong thời kì phong kiến tự chủ, thành phố ngã ba sông luôn là
một tụ điểm kinh tế, tụ điểm dân cư, nơi trao đổi các luồng sản vật của
núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc dồn về; hải sản từ miền biển lên; khiến nơi
đây trở thành một địa danh nổi tiếng sầm uất, trên bến dưới thuyền của
miền Tây Bắc.
Vùng ngã ba Hạc cũng nằm trên con đường thiên lý từ Vân Nam
(Trung Quốc) sang kinh đô Đại Việt. Nhiều triều đại phong kiến Việt
Nam thời Trần, thời Lê, thời Mạc đã chọn vùng ngã ba sông Bạch Hạc
làm vị trí trấn giữ phía Tây Bắc Thăng Long, bảo vệ triều đình và kinh đô
cả nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc,
Việt Trì – Bạch Hạc có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng ở vùng
hậu phương. Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch cả đường sắt, đường
bộ, đường thủy; đây là cây cầu nối giữa Nam Trung Quốc, Tây Bắc Việt
Nam với thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng là địa điểm
tập trung khu công nghiệp lớn quan trọng của cả nước phục vụ công cuộc

xây dựng nền móng cho Chủ nghĩa xã hội.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc ngày nay, vùng ngã
ba Hạc vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh
tế - văn hóa - quốc phòng. Việt Trì – Bạch Hạc được coi là một trong
những cửa ngõ trọng yếu án ngữ phía Tây Bắc thủ đô và là điểm chốt
giao thông giữa một bên là cả vùng Việt Bắc rộng lớn và một bên là vùng
Tây Bắc mênh mông hiểm yếu của Tổ Quốc. Vị trí chiến lược lợi hại đó
cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, thành phố ngã
ba sông thực sự được coi là một vùng trọng điểm về mọi mặt trong chiến
lược xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

×