Tải bản đầy đủ (.pdf) (102 trang)

Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Tô Hoài trước cách mạng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.2 MB, 102 trang )



ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




PHẠM THỊ THANH THỦY



ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT
TRUYỆN NGẮN TÔ HOÀI TRƯỚC
CÁCH MẠNG




LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN




HÀ NỘI - 2010


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN





PHẠM THỊ THANH THỦY



ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT
TRUYỆN NGẮN TÔ HOÀI TRƯỚC
CÁCH MẠNG

CHUYÊN NGÀNH : VĂN HỌC VIỆT NAM
MÃ SỐ : 60.22.34



LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hà Văn Đức


HÀ NỘI - 2010


MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU 1
I. Lý do chọn đề tài 1
II. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5
IV. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu 6

V. Kết cấu luận văn 6
CHƯƠNG I. VÀI NÉT VỀ DIỆN MẠO TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM
1930-1945 VÀ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG TÔ HOÀI 7
1.1. Diện mạo truyện ngắn Việt Nam 1930-1945 7
1.2. Sự nghiệp sáng tác văn chương Tô Hoài 14
1.2.1. Quan niệm của Tô Hoài về văn chương nghệ thuật 14
1.2.2. Những thành công trong sự nghiệp văn chương Tô Hoài 17
Tiểu kết 22
CHƯƠNG II. ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN TÔ HOÀI TRƯỚC CÁCH MẠNG 23
2.1. Khái niệm về nhân vật 23
2.2. Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Tô Hoài trước Cách mạng
tháng Tám 23
2.2.1. Nhân vật nông dân, thợ thủ công 24
2.2.2. Nhân vật trí thức 30
2.2.3. Hình tượng loài vật 32
2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Tô Hoài
trước Cách mạng tháng Tám 35
2.3.1. Nhân vật gắn với môi trường lao động, sinh hoạt 36
2.3.2. Nhân vật được chú trọng miêu tả ở ngoại hình, hành động, lời nói 37
2.3.3. Nhân vật được xây dựng dựa trên những chi tiết về phong tục 41


2.3.4. Sử dụng hình ảnh so sánh đặc sắc để miêu tả nhân vật 43
Tiểu kết 45
CHƯƠNG III. ĐẶC ĐIỂM KẾT CẤU, TÌNH HUỐNG
TRUYỆN NGẮN TÔ HOÀI TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 46
3.1. Kết cấu 46
3.1.1. Khái niệm kết cấu 46
3.1.2. Kết cấu trong truyện ngắn của Tô Hoài trước Cách mạng 47

3.1.2.1. Kết cấu theo trình tự thời gian 47
3.1.2.2. Kết cấu đảo lộn trình tự thời gian 49
3.1.2.3. Kết cấu với kết thúc bất ngờ và để ngỏ 52
3.1.2.4. Kết cấu đơn giản đan xen với trữ tình ngoại đề 54
3.2. Tình huống trong truyện ngắn Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám 56
3.2.1. Khái niệm về tình huống 56
3.2.2. Tình huống trong truyện ngắn Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám 56
3.2.2.1. Tình huống đời thường 57
3.2.2.2. Tình huống bỏ làng ra đi 58
3.2.2.3. Tình huống chia li 59
Tiểu kết 60
CHƯƠNG IV. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG
TRUYỆN NGẮN TÔ HOÀI TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 61
4.1. Ngôn ngữ 61
4.1.1. Khái niệm ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương 61
4.1.2. Ngôn ngữ trong truyện ngắn của Tô Hoài trước Cách mạng
tháng Tám 61
4.1.2.1. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình 63
4.1.2.2. Ngôn ngữ dân giã 69
4.1.2.3. Ngôn ngữ đa thanh 72
4.1.2.4. Sử dụng nhiều câu văn ngắn gây ấn tượng 74


4.2. Giọng điệu trần thuật 77
4.2.1. Khái niệm về giọng điệu trần thuật 77
4.2.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Tô Hoài trước Cách mạng 78
4.2.2.1. Giọng điệu dí dỏm 78
4.2.2.2. Giọng điệu dửng dưng 81
4.2.2.3. Giọng điệu trữ tình man mác 83
4.2.2.4. Giọng điệu suồng sã, tự nhiên 86

Tiểu kết 88
KẾT LUẬN 89
TÀI LIỆU THAM KHẢO 91

1
PHẦN MỞ ĐẦU

I. Lý do chọn đề tài
Trong dòng văn học hiện đại Việt Nam, Tô Hoài được đánh giá là một
cây đại thụ. Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 1996. Nhà phê
bình Vương Trí Nhàn đã nhận xét : “So với các cây bút đương thời, Tô Hoài
có lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất. Sống đến đâu viết đến
đấy. Việc viết lách đối với ông là một thứ lao động hàng ngày”. Giáo sư Hà
Minh Đức cho rằng “Tô Hoài là một cây bút văn xuôi sắc sảo và đa dạng”.
Quả thật, Tô Hoài đã miệt mài sáng tác 70 năm nay và đã cho ra đời 160 đầu
sách. Ông thành công ở nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện dài, truyện
đồng thoại, tiểu thuyết, kịch, hồi kí, chân dung văn học. Nghiên cứu nghệ
thuật văn chương Tô Hoài sẽ giúp chúng ta đánh giá được đầy đủ hơn những
đóng góp của ông với nền văn học nước nhà.
Tô Hoài nổi tiếng với những tác phẩm như truyện dài Dế Mèn phiêu lưu
kí, Quê người, Quê nhà, Đêm mưa, Xóm giếng, tiểu thuyết Nhớ Mai Châu, Kẻ
cướp bến Bỏi, hồi kí Cát bụi chân ai, Tự truyện, tập truyện ngắn Tây Bắc
Không chỉ thành công ở truyện dài, tiểu thuyết, hồi kí, ở thể loại
truyện ngắn ngay từ ngày đầu cầm bút, Tô Hoài đã tạo được cho mình một
phong cách riêng. Truyện ngắn của ông hấp dẫn người đọc ở mọi lứa tuổi
với lời kể chuyện hóm hỉnh, tài quan sát và miêu tả, cách thể hiện nhân vật
sinh động. Chuyện về một làng quê làm nghề dệt cửi với biết bao lo toan,
xuôi ngược mà cuộc sống vẫn vất vả bộn bề đã để lại nhiều cảm xúc trong
lòng người đọc.
Ngày nay, truyện ngắn vẫn là một thể loại chiếm vị trí quan trọng trong

đời sống văn học. Nó có sức phát triển bền bỉ qua năm tháng. Vì cuộc sống
công nghiệp bận rộn, gấp gáp, nhiều người yêu văn đã tìm đọc truyện ngắn. Họ
vẫn thấy ở truyện ngắn những bài học cuộc sống, những tâm tình về số phận

2
con người, cả định hướng tương lai. Các nhà văn tâm huyết với nghề cũng
đang lao động không ngừng để tìm hướng phát triển mới của truyện ngắn.
Với đề tài “Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Tô Hoài trước Cách
mạng”, chúng tôi muốn có cái nhìn đầy đủ, trọn vẹn về những đóng góp của
Tô Hoài trong quá trình vận động và phát triển của truyện ngắn Việt Nam
hiện đại.
II. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Tô Hoài bước vào con đường văn học khá sớm. Ông cầm bút và nổi
danh từ trước năm 1945. Đến nay, Tô Hoài vẫn là nhà văn viết nhiều, dẻo
dai, sung sức ở các thể loại. Truyện ngắn Tô Hoài đã được giới phê bình văn
học chú ý ngay từ những ngày đầu cầm bút.
Các truyện ngắn của Tô Hoài trước năm 1945 được nhà xuất bản Hoa
Tiên Sài Gòn in lai với tựa đề “Chuột thành phố”, năm 1967 đã khẳng định
“Các truyện ngắn O chuột, Gã chuột bạch, Con dế mèn, Đực, Cu Lặc, Tuổi
trẻ, Một cuộc bể dâu… Đó là những tập truỵên ngắn xuất sắc, tiêu biểu cho
lối văn dí dỏm, tinh nghịch của nhà văn Tô Hoài. Hầu hết những tập truyện
ngắn này, tuy cái vỏ bên ngoài nó mang nhãn hiệu là truỵên loài vật, nhưng
thực chất bên trong nó là sự phản ánh trung thực của truyện loài người, sống
giữa giữa cuộc đảo điên của xã hội ngày nay…”[28, tr 1]
Những ý kiến đánh giá phê bình về truyện ngắn của Tô Hoài còn
được tập trung trong cuốn Tô Hoài về tác gia và tác phẩm, nhà xuất bản
Giáo dục, năm 2007 được tái bản nhiều lần, do Phong Lê (giới thiệu) và Vân
Thanh (tuyển chọn).
Phong Lê cho rằng: “Đặc sắc của Tô Hoài trước năm 1945 là truyện
ngắn, gồm truyện ngắn về loài vật và truyện ngắn về cảnh và người một

vùng quê ven đô- quê ngoại và cũng là quê sinh - nơi tác giả đã sinh sống
suối đời cho đến hôm nay.” [31, tr 30]. Ngòi bút của Tô Hoài đã miêu tả sự
thay đổi của cuộc sống xung quanh mình những năm trước năm 1945.

3
Vũ Ngọc Phan nhận ra ngay cả những truyện ngắn viết về loài vật của Tô
Hoài người đọc cũng thấy thấp thoáng cuộc sống của người dân quê: “Dưới
con mắt của Tô Hoài, những nhách chó nhỏ nằm vật lên nhau, rên ư ử mà
ngủ kia. Chính là “những đứa trẻ nằm mơ, những đứa trẻ khoai củ ở nhà
quê” chị gà mái “là một người đàn bà giỏi giang, đa tình thì nhất mực đa
tình, mà khi vướng vào cái bổn phận dạy dỗ nuôi nấng con trẻ lại đáng nên
một bậc mẹ hiền gương mẫu.” [31, tr 64-65]
Khi nghiên cứu về Tô Hoài, Phan Cự Đệ nhận xét: “Tô Hoài có một
khả năng quan sát đặc biệt, rất thông minh, hóm hỉnh và tinh tế. Khả năng
này giúp anh thành công khi miêu tả những hiện tượng bên ngoài, dễ trực
tiếp quan sát và cảm thụ; cảnh vật thiên nhiên, sinh hoạt hằng ngày, phong
tục lễ nghi, thế giới loài vật, vv nhưng khả năng này rõ ràng là không đủ
khi nói về đời sống tâm lí bên trong, biện chứng tâm hồn, những quy lật bản
chất xã hội. Mặt khác, giống như một số nhà văn hiện thực phê phán chuyển
mình sang phương pháp hiện thực chủ nghĩa, Tô Hoài miêu tả khá thành
công các quan hệ gia đình, làng xóm, bạn bè, trai gái ”[31, tr 101]
Năm 2006, Mai Thị Nhung cho ra đời cuốn sách Phong cách nghệ
thuật Tô Hoài và bài viết Đặc điểm thế giới nhân vật Tô Hoài trên tạp chí
văn học. Trong đó, tác giả cũng đã thu thập rất nhiều ý kiến về nghệ thuật
viết văn Tô Hoài [38, tr 8, 9,10].
Phan Cự Đệ nhận thấy “Tô Hoài có khả năng quan sát đặc biệt, rất
thông minh, hóm hỉnh và tinh tế”. Nguyễn Đăng Mạnh cũng đồng quan
điểm “Nhà văn có khiếu quan sát hết sức phong phú và sắc sảo, tài hoa”. Hà
Minh Đức trong Lời giới thiệu tuyển tập Tô Hoài khẳng định: “Tô Hoài có
một năng lực phát hiện và nắm bắt nhanh chóng thế giới khách quan”. Trần

Hữu Tá chỉ rõ năng lực đặc biệt của Tô Hoài chính là “nhãn quan phong tục
đặc biệt nhạy bén sắc sảo”. Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: “Ở Tô Hoài, cảm
quan hiện thực nghiêng về phía sinh hoạt và phong tục”. Vương Trí Nhàn quả

4
quyết: “Tô Hoài lõi đời, sành sỏi, con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt”.
Nguyễn Đăng Điệp khái quát: “Cái nhìn không nghiêm trọng hóa là nét trội
trong cảm quan nghệ thuật của Tô Hoài”. Bên cạnh đó, Nguyễn Đăng Mạnh
trong bài viết Tô Hoài với quan niệm “con người là con người”, tác giả khẳng
định: “Tô Hoài quan niệm con người là con người, chỉ là con người, thế thôi”.
Về ngôn ngữ giọng điệu, Vân Thanh nhận định: “Ngôn ngữ Tô Hoài thường
ngắn gọn và rất gần với khẩu ngữ của nhân dân lao động”. Phan Cự Đệ cũng
có trùng một quan điểm như vậy: “Tô Hoài đã chú ý học tập ngôn ngữ nghề
nghiệp và ngôn ngữ địa phương”, “Trong tác phẩm của Tô Hoài, nhìn chung
ngôn ngữ của quần chúng đã được nâng cao, nghệ thuật hoá”. Cùng với Phan
Cự Đệ, Bùi Hiển thấy rằng: “Văn phong Tô Hoài chủ yếu bằng những nét
nhẹ, mảnh, nhuần nhị, tinh tế, đôi khi hơi mờ ảo nữa”. Nguyễn Đăng Điệp
cũng nhận thấy những nét tiêu biểu về lối kể chuyện của Tô Hoài: “Viết về
cái của mình, quanh mình là định hướng nghệ thuật và cũng là kênh thẩm
mỹ của Tô Hoài. Đúng hơn, đây là yếu tố cốt lõi làm nên quan điểm nghệ
thuật của ông. Nó khiến ông cho văn Tô Hoài có được phong cách, giọng
điệu riêng. Đó là một giọng kể nhẩn nha, hóm hỉnh và tinh quái”.
Năm 2007, cuốn Truyện ngắn Việt Nam lịch sử-thi pháp- chân dung”
do tác giả Phan Cự Đệ chủ biên đã viết về quá trình ra đời, phát triển của
truyện ngắn Việt Nam cùng với những gương mặt nhà văn tiêu biểu. Trong
đó, Tô Hoài đựơc nhắc đến cùng với các tác giả tên tuổi như Nguyễn Công
Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao Người viết đã nhấn mạnh một số đặc trưng
nghệ thuật truyện ngắn Tô Hoài như “lối viết thông mình, hóm hỉnh, thậm
chí tinh quái, một đôi nét tâm lí và triết lí đượm sắc thái buồn pha chút mùi
vị chua chát kiểu Nam Cao”; “Những con vật trong tác phẩm Tô Hoài có nét

gì đó giống người, quen thuộc với người. Tô Hoài bắt rất nhanh những nét
đặc trưng trong tính cách của chúng.”; “Truyện ngắn Tô Hoài chịu nhiều
ảnh hưởng của văn học dân gian. Nhưng lối dẫn truyện, kết cấu truyện,

5
giọng điệu trần thuật cũng như các thủ pháp khắc hoạ tính cách nhân vật đã
thuộc về truyện ngắn hiện đại”; “Trong số truyện, cũng giống như Nam Cao
trong Chí Phèo, Tô Hòai đã sử dụng ngôn ngữ văn xuôi đa thanh, giọng điệu
của người kể chuyện hoà lẫn với giọng điệu nhân vật”[5, tr 309, 310]
Như vậy, những đặc điểm truyện ngắn Tô Hoài trước Cách mạng đã
được đề cập trong một số bài viết và các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên
chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách chuyên sâu và có tính hệ
thống. Chính vì thế, chúng tôi đã lựa chọn đề tài cho luận văn của mình là
“Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Tô Hoài trước Cách mạng”.
III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1. Đối tượng
Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám
2. Phạm vi
Tuyển tập Tô Hoài, nhà xuất bản Văn học năm 1987, do giáo sư Hà
Minh Đức sưu tầm, tuyển chọn gồm 26 truyện ngắn.
1. Nhà nghèo
14. Ông dỗi
2. Lụa
15. Vàng phai
3. Một đêm gác rừng
16. Buổi chiều trong nhà
4. Chớp bể mưa nguồn
17. Khách nợ
5. Lá thư tình đầu tiên
18. Ông giăng không biết nói

6. Đi tắm đêm
19. Vợ chồng trẻ con
7. Hết một buổi chiều
20. Người đàn bà có mang
8. Một chuyến định đi xa
21. Dấy binh lấy lau làm cờ
9. Một người đi xa về
22. Con gà trống ri
10. Bóng đè
23. Đôi ri đá
11. Nhà có ma
24. Một cuộc bể dâu
12. Mùa ăn chơi
25. O chuột
13. Giữa thành phố
26. Gã chuột bạch

6
IV. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu
1. Nhiệm vụ
Với đề tài nghiên cứu như trên, chúng tôi mong muốn:
+ Tìm ra những đặc điểm nổi bật về truyện ngắn của Tô Hoài trước
Cách mạng.
+ Đánh giá được những đóng góp của ông trong sự nghiệp văn chương
của dân tộc và đặc biệt là mảng truyện ngắn trước Cách mạng.
2. Phương pháp
+ Phương pháp phân tích tác phẩm.
+ Phương pháp so sánh
+ Phương pháp tổng hợp, thống kê
+ Phương pháp nghiên cứu liên ngành như ngôn ngữ, văn hóa

V. Kết cấu luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo luận văn
gồm có bốn chương
Chương I. Vài nét về diện mạo truyện ngắn Việt Nam 1930-1945 và
sự nghiệp văn chương Tô Hoài.
Chương II. Đặc điểm nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn
của Tô Hoài trước Cách mạng.
Chương III. Đặc điểm kết cấu và tình huống trong truyện ngắn Tô Hoài
trước Cách mạng.
Chương IV. Đặc điểm ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Tô
Hoài trước Cách mạng.


7
CHƯƠNG I
VÀI NÉT VỀ DIỆN MẠO TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM 1930-1945
VÀ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG TÔ HOÀI

1.1. Diện mạo truyện ngắn Việt Nam 1930-1945
Truyện ngắn Việt Nam ra đời từ thời kì văn học trung đại. Theo dòng
thời gian, thể loại này ngày càng phong phú, đa dạng, hoàn thiện, chiếm một
vị trí quan trọng trong nền văn học nước nhà. Có thể nói, giai đoạn 1930-
1945, truyện ngắn Việt Nam đã có bước tiến nhảy vọt, với nhiều phong cách
đa dạng, độc đáo.
Nhìn lại thời kì trước đó, ta mới thấy sự phát triển của truyện ngắn Việt
Nam 1930-1945.
Truyện ngắn Việt Nam thời trung đại mang nội dung và ảnh hưởng của
lối kể chuyện dân gian. Giai đoạn này còn chịu ảnh hưởng của lối văn tự sự
trong các bộ sử, lối văn ghi chép sử ít có tính văn học. Truyện có lối kể
chính xác, khách quan, lời văn ngắn gọn đơn giản, ít miêu tả tâm lí của nhân

vật, mang tính ước lệ tượng trưng. Truỵên ngắn trung đại là bước mở đầu,
đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam hiện đại.
Nhà văn Vũ Tú Nam cho rằng: “Truyện ngắn ở nước ta đã có từ lâu. Đó là
các ký cổ, truyện cổ tích…Học trong các truyện ngắn cổ như Truyền kì mạn
lục của Nguyễn Dữ, Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông… Những
truyện này đáng được học tập với thái độ trân trọng vì nó rất sinh động, súc
tích và sáng tạo. Truyện ngắn của ta nặng nề về kể và thường rất ngắn gọn,
độc đáo” [ 50, tr 63]
Bước sang thế kỉ XX, chữ quốc ngữ bắt đầu thể hiện ưu thế trong việc
mở rộng công chúng văn học. Với kĩ thuật in ấn, báo chí ngày càng phát
triển đã giúp cho các tác phẩm đến với công chúng dễ dàng và rộng lớn hơn,
chứ không bị bó hẹp như trước. Thể loại truyện ngắn đã có nhiều thay đổi

8
đáng kể. Bước đầu, truyện ngắn Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của văn học
dân gian, văn học trung đại Việt Nam và Trung Quốc nhưng với sự xâm
nhập mạnh mẽ của văn hoá phương Tây, truyện ngắn thời kì này đã có màu
sắc mới. Truyện ngắn dân tộc đã dần dần chuyển mình hoà vào xu thế chung
của thời đại, vào quá trình hiện đại hoá nền văn học nước nhà, vượt qua
những ảnh hưởng và hạn chế của các thế kỉ trước đó.
Sự ra đời của truyện ngắn hiện đại Việt Nam được đánh dấu bằng tác
phẩm Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887). Đây là
truyện ngắn đầu tiên được viết bằng chữ Quốc ngữ, khởi đầu cho hàng loạt
truyện ngắn bằng chữ quốc ngữ ở giai đoạn tiếp theo. Truyện đã đưa đến
nhiều cái mới mẻ cho công chúng. Truyện được kể ngắn gọn, sáng rõ, cốt
truyện, tình tiết, chi tiết không quá phức tạp về một chuyện tình tay ba (thầy
Phiền, vợ và bạn thân). Tác phẩm được viết theo lối kể chuyện ở ngôi thứ
nhất, kết cấu theo quy luật tâm lí chứ không theo trình tự thời gian, kết thúc
bằng bi kịch của nhân vật chứ không phải kết thúc có hậu như những câu
chuyện dân gian.

Vào những năm 20 của thế kỉ XX, truyện ngắn Việt Nam đã có nhiều
bước đi táo bạo với sự phát triển của nhiều khuynh hướng văn học.
Truyện ngắn viết theo khuynh hướng đạo lí gắn liền với các tên tuổi như
Nguyễn Bá Học, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Chánh Sắt…Bản thân họ
xuất thân là nhà Nho. Trước lối sống thực dụng của xã hội thị thành đang bị
Âu hoá, nền đạo đức Nho phong trong các gia đình phong kiến đã dần bị
phá vỡ. Những tác giả nhà Nho cảm thấy đau lòng. Họ lên tiếng bênh vực
đạo đức truyền thống. Quan niệm văn dĩ tải đạo vẫn chưa thoát khỏi các
phẩm của họ. Các tác giả chưa chú trọng xây dựng nhân vật có cá tính được
thể hiện ở chiều sâu tâm lí, ngôn ngữ, hành động. Nhân vật thực chất là một
mẫu hình để nhà văn thuyết giảng về đạo đức, vì vậy trở nên khô cứng, gò
bó, không có sức sống.

9
Khuynh hướng yêu nước và cách mạng gắn liền với tên tuổi Phan Bội
Châu và Nguyễn Ái Quốc. Tác phẩm của Phan Bội Châu có thể xem là
những đoản thiên tiểu thuyết bổ sung cho chính sử, cho lịch sử cách mạng
Việt Nam. Phan Bội Châu sáng tác để đề cao anh hùng, liệt nữ, để cổ vũ cho
phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc. Ông nổi tiếng với những tác phẩm
Sùng bái giai nhân (1907), Chân tướng quân (1917), Tước Thái thiền sư
(1917), Tái sinh sinh (1918), Truyện Phạm Hồng Thái (1925). Phan Bội
Châu còn chịu ảnh hưởng của bút pháp viết sử, sử bình của truyện kể trung
đại. Tuy nhiên, truyện của ông đã có những đổi mới, có những dấu hiệu của
truyện ngắn hiện đại. Tác giả đóng vai là người kể chuyện, đứng ra dẫn dắt
câu chuyện. Kết cấu truyện theo trình tự thời gian nhưng cũng có kết cấu
phá vỡ thời gian tuyến tính như Tái sinh sinh. Truyện kí của Nguyễn Ái
Quốc được đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng Sản Pháp và báo Người
cùng khổ của Liên hiệp các dân tộc thuộc địa từ năm 1922 đến năm 1925.
Các tác phẩm nổi tiếng của Người vào thời kì này được độc giả luôn ghi nhớ
như Con rùa, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Lời than vãn

của bà Trưng Trắc, Con người biết mùi hun khói…Phương pháp sáng tác
của Nguyễn Ái Quốc được các nhà nghiên cứu như Nguyễn Đức Nam, Hà
Minh Đức… khẳng định đó là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Đánh giá về truyện ngắn Nguyễn Ái Quốc nửa đầu những năm hai mươi,
Phan Cự Đệ viết: “Đó là những truyện ngắn cô đọng, vừa mang ý nghĩa
tượng trưng, có sức khái quát lớn. Đó là những truyện được kể theo ngôi thứ
nhất hoặc ngôi thứ ba sử dụng ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện, có
khi sử dụng ngôn ngữ đa thanh nhiều nhân vật (bình phẩm về Va-ren). Đó là
những truyện ngắn tính cách, những truyện có cốt truyện căng thẳng giàu
kịch tính và những truyện có màu sắc luận đề”[6, tr 281].
Khuynh hướng hiện thực có Phạm Duy Tốn và Nguyễn Công Hoan.
Sống chết mặc bay (1918) của Phạm Duy Tốn kể về nỗi khổ của những

10
người dân và cảnh ăn chơi sa đoạ của tên quan hộ đê. Phạm Duy Tốn cũng
sử dụng nghệ thuật đối lập, tăng cấp kiểu như Ván bài bi-a của nhà văn Pháp
Alphonse Daudet để tố cáo sự vô trách nhiệm của quan lại thời bấy giờ,
đồng thời bộc lộ sự cảm thông trước nỗi thống khổ của nhân dân.
So với thời kì trước đó, truyện ngắn những năm 1930-1945 phát triển
rực rỡ, phong phú hơn. Tư duy hệ tư sản dần dần thắng thế tư tưởng phong
kiến. Cái tôi được giải phóng, nhà văn phát huy sức sáng tạo của mình. Vì
vậy, thời kì này xuất hiện nhiều cây bút độc đáo. Hàng loạt các gương mặt
tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi
Hiển, Thạch Lam, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Thạch Lam, Hồ
Dzếnh, Đỗ Tốn… Các khuynh hướng văn học ngày càng phân hoá rõ rệt và
đấu tranh, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Đỗ Tốn, Nguyễn Tuân tiêu biểu
cho phong cách lãng mạn trữ tình.
Thạch Lam viết truyện với nghệ thuật tinh tế nhất là việc sử dụng tương
phản và hài hoà giữa các âm thanh và các vùng ánh sáng. Câu chuyện để lại

trong tâm hồn người đọc những dư vị đằm thắm của quê hương và sự cảm
thương những cuộc đời thầm lặng như những chấm sáng lù mù nhoè đi
trong bóng tối của một vùng quê tù đọng. Thạch Lam ít sử dụng cốt truyện
giàu kịch tính. Ông nghiêng về những cốt truyện tâm lí, hướng dến thế giới
bên trong con người, đặc biệt là thế giới ấn tượng và cảm giác như Hai đứa
trẻ, Dưới bóng hoàng lan, Sợi tóc.
Cũng giống như Thạch Lam, Thanh Tịnh thiên về miêu tả thế giới nội
tâm, cảm giác. Truyện ngắn của ông thường chỉ có một tình huống. Cái kết
bao giờ cũng là một kỉ niệm buồn man mác: kỉ niệm ngày đầu tiên đi học
[Tôi đi học], kỉ niệm những ngày ở làng Mĩ Lí [Quê mẹ]. Lời văn giàu chất
thơ, nhẹ nhàng, tha thiết bày tỏ một niềm cảm thông với con người nghèo

11
khổ. Bên cạnh đó, những sáng tác của ông còn đậm chất truyền kì, những
truyện kinh dị, kì bí [Ngậm ngải tình trầm].
Văn học lãng mạn còn xuất hiện một cái Tôi độc đáo- Nguyễn Tuân.
Suốt đời đi tìm và tôn thờ cái Đẹp, Nguyễn Tuân đến với các nhân vật tài
hoa, tài tử, những thú chơi tao nhã trong văn hoá ứng xử, trong văn hoá ẩm
thực. Vang bóng một thời, ông đề cao những thú chơi cổ xưa. Uống trà, chơi
hoa là một thứ nghệ thuật trang trọng, cầu kì [Chén trà trong sương sớm,
Thạch Lan Hương]. Lối chơi chữ thể hiện khí phách của người quân tử,
những con nguời có tài, có tâm [Chữ người tử tù]. Nhân vật của Nguyễn
Tuân có cái ngông, lập dị không phải là những con người bình thường. Dù
đứng ở phía nào thiện hay ác, nhân vật đều có tài đặc biệt hơn người, được lí
tưởng hoá, được phóng đại theo thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn. Truyện
của Nguyễn Tuân vẫn được kể theo trật tự thời gian tuyến tính, ở ngôi thứ
ba. Cái tài của ông là xây dựng nhân vật. Ông nắm bắt những nét đặc trưng
nhất trong tính cánh của nhân vật, miêu tả những hành động theo cách riêng
hết sức độc đáo
Trong dòng văn học hiện thực phê phán, có những tên tuổi như Nguyễn

Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Kim Lân…
Nguyễn Công Hoan là người đi đầu trong phương pháp hiện thực phê
phán. Ông được coi là lá cờ đầu của văn học hiện thực phê phá những năm
1930-1945. Nguyễn Công Hoan viết về những câu chuyện về con người và
xã hội Việt Nam thời bấy giờ, với một lối kể chuyện hóm hỉnh hài hước có
tính chất châm biếm. Ông đả kích bọn quan lại và chế độ thực dân. Những
mảng đề tài xã hội trước đây, Nguyễn Công Hoan nhanh chóng chuyển sang
đề tài phản ánh các sự kiện chính trị thời cuộc. Những truyện ngắn của ông
tiểu biểu cho một thứ văn vui, thứ văn mà có lẽ từ khi nước Việt Nam có
tiểu thuyết viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngòi bút của ông mà thôi.
Những tác phẩm đầu tay của ông lấy từ đề tài những điều mắt thấy tai nghe

12
như Kiếp hồng nhan, Sóng vũ môn, Cụ đồ Ba, Cô hàng nước. Trần ai tri
kỷ… Thái độ căm ghét bọn quan tân học, luyến tiếc những nhà Nho cũ được
thể hiện qua Sóng vũ môn, cảm tình với những người ăn ở chung thuỷ nhân
hậu được thể hiện qua Cô hàng nước, Trần ai tri kỉ. Có truyện giàu yếu tố
hiên thực, tiến bộ [Sóng vũ môn], có truyện còn yếu tố lãng mạn, bảo thủ
[Kiếp hồng nhan]. Nguyễn Công Hoan khai thác đề tài từ tin tức thời sự
hàng ngày, hoặc mô tả những việt thật mà ông mắt thấy tai nghe như Oằn tà
roằn, Thật là phúc, Lập Gioòng, Răng chó của nhà tư sản, Hai thằng khốn
nạn… Chất hiện thực thấm đẫm trong tác phẩm của ông. Chủ đề tập trung
công kích bọn quan lại, địa chủ, tư sản những xấu xa của xã hội thực dân
nửa phong kiến. Truyện có nhiều chi tiết sinh động, hấp dẫn, tạo nên tiếng
cười châm biếm đả kích vào tầng lớp thị dân và nhiều kết thúc bất ngờ ảnh
hưởng truyện dân gian.
Nam Cao góp phần quan trọng trong quá trình hiện đại hoá văn học
với kiểu kết cấu tâm lí, sử dụng một thứ ngôn ngữ đa thanh, giàu chất tạo
hình. Nam Cao quan tâm đến những người nông dân bị xã hội thực dân nửa
phong kiến đẩy vào con đường bần cùng hoá, lưu manh hoá. Chí Phèo trong

tác phẩm cùng tên đã để lại nhiều nhức nhối trong lòng người đọc. Một anh
Chí nông dân, hiền lành, chân chất bị Bá Kiến, một tên lí trưởng của làng
Vũ Đại vì ghen tuông đã đẩy vào con đường tù tội. Nhà tù thực dân đã tha
hoá, biến Chí Phèo trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Bi kịch của Chí là bi
kịch không được thừa nhận là con người mặc dù Chí đã tha thiết trở về con
đường lương thiện. Hiện tượng người nông dân bị lưu manh hoá như Chí
Phèo được lặp đi lặp lại như một quy luật qua một số nhân vật như Năm
Thọ, Binh Chức, Trương Rự, Trạch Văn Đoành. Nam Cao còn phản ánh bi
kịch của người trí thức nghèo. Họ có khát vọng to lớn làm nên tác phẩm để
đời nhưng những nỗi lo toan cơm áo gạo tiền cứ ghì sát đất, nhà văn buộc
phải cho ra đời những tác phẩm nhạt nhẽo, nghèo nàn để mưu sinh hàng

13
ngày. Họ sống trong nỗi tuyệt vọng, đau khổ [Đời Thừa, Trăng Sáng]. Nam
Cao đã đưa ra những nguyên tắc sáng tác: “Văn chương không cần đến
người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, văn chương chỉ
dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai
khơi và sáng tạo những gì chưa có”.
Tô Hoài được đánh giá là nhà văn có sở trường về truyện ngắn.
Truyện của ông mang hương vị đồng quê với những phong tục tập quán lâu
đời của người dân quê vùng ven ngoại thành. Đằng sau cái màu sắc phong
tục, ngòi bút của Tô Hoài đã miêu tả rất rõ một xã hội đói khổ của những
người nông dân nghèo, những người thợ thủ công bị phá sản, những mối
tình cảm dang dở và những cuộc ra đi vì mưu sinh. Ông có tài phác hoạ chân
dung các kiểu người ở vùng quê ngọai thành Hà Nội thời đó. Một ngòi bút
sắc sảo tinh tế và hóm hỉnh khi tả về những phong tục sinh hoạt, chân dung
và hành vi nhân vật.
Nguyên Hồng là cây bút truỵên ngắn xuất sắc trong thời kì Mặt trận
Dân chủ. Truyện ngắn Nguyên Hồng đã làm sống dậy cuộc đời lam lũ, cơ
cực, bần cùng của những người lao động nghèo ở các vùng ngoại ô, ngõ

hẻm thành phố Hải Phòng. Ông sử dụng thủ pháp nghệ thuật tương phản,
đối lập như trong các truyện Giọt máu, Cô gái quê, Nhà bố Nấu, Hai dòng
sữa, Cái bào thai… Có những truyện mang tính chất luận đề rõ rệt và nhiều
chi tiết mang ý nghĩa tượng trưng, có những truyện kết cấu dàn trải theo
chiều dài cuộc đời bi thảm của nhân vật.
Có thể nói, truyện ngắn Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng
tháng Tám đã dần dần khẳng định được vị trí riêng của mình trên con đường
hiện đại hoá văn học nước nhà. Nhiều cây bút, nhiều phong cách mới lạ.
Những tác phẩm văn chương không dừng ở nói chuyện đạo lí, lịch sử mang
trong mình hơi thở của cuộc sống. Những câu văn dài ngắn hết sức linh
hoạt, giống như lời ăn tiếng nói của nhân dân không bị gò bó như những câu

14
văn biền ngẫu trong truỵên ngắn thời trung đại. Nhân vật và chi tiết trong tác
phẩm cũng đời thường không khuôn sáo, ước lệ như trước. Đặc biệt các nhà
văn bộc lộ cái tôi của mình một cách độc đáo rõ nét. Vì vậy, mỗi tác phẩm là
một cá tính sáng tạo riêng, một cách cảm nhận riêng về cuộc sống. Trong số
những tác giả viết truyện ngắn có tên tuổi thời kì này, Tô Hoài được coi là
môt cây bút xuất sắc, đóng góp không nhỏ cho sự thành công của truyện
ngắn nước nhà.
1.2. Sự nghiệp sáng tác văn chương Tô Hoài
1.2.1. Quan niệm của Tô Hoài về văn chương nghệ thuật
Tô Hoài sinh năm 1920, tên thật là Nguyễn Sen. Ngoài tên thật khi
viết báo, ông còn dùng những bút danh khác như: Mắt biển, Mai Trang, Duy
Phương Quê nội ông ở thị trấn Kim Bài huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây
nhưng nhà văn lại sinh ra và lớn lên và rất gắn bó với quê ngoại ở làng
Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông Cũ (nay là phường Nghĩa Đô quận
Cầu Giấy, Hà Nội. Cái tên Tô Hoài đã trở nên gần gũi với bạn đọc suốt 70
năm qua.
Sớm đến với văn chương, ban đầu Tô Hoài cũng chịu ảnh hưởng của

xu hướng sáng tác lãng mạn đương thời, cây bút trẻ ấy cũng bắt đầu sự
nghiệp bằng những bài thơ lãng mạn, nhưng sau này ông chuyển hướng.
Trong Tự truyện, Tô Hoài tâm sự: “Chưa bao giờ tôi bắt chước theo truyện
của Khái Hưng, mặc dầu tôi thích đọc những truyện ấy. Bởi lẽ giản dị: viết
truyện viển vông giang hồ kỳ hiệp, ai cũng có thể tưởng tượng, nhưng viết
cái giống thật thì nhân vật trong truyện của các ông nhà giàu con quan có
đồn điền như thế, tôi không viết những kiểu người ấy, không bắt chước
được” [23, tr 218]. Lời thổ lộ chân tình ấy của Tô Hoài đã bộc lộ rất rõ quan
niệm của ông về văn chương. Tô Hoài không thi vị hoá đời sống, không viết
về những đôi lứa “lá ngọc cành vàng”. Tô Hoài chỉ viết những điều mà ông
nhìn thấy ở quanh mình, ở chính mình: “Đời sống xã hội quanh tôi, tư tưởng

15
và hoàn cảnh của chính tôi đã vào cả những sáng tác của tôi, ý nghĩ tự nhiên
của tôi bấy giờ là viết những sự thực xảy ra trong nhà, trong làng quanh
mình” [23, tr 218]
Tô Hoài sống gần gũi quen thuộc với những người bình dân, những
con người lam lũ, nghèo khổ, nhếch nhác. Nhà văn từng bộc bạch: “Đời
không suông nhạt của mảnh cổ tích nhăng cuội, ở những chuyện trai gái
thông thường đem bôi nhèm trên giấy. Tôi có thể viết vô vàn truyện mơ
mộng hoa lá. Mà tôi viết không được. Xưa nay, tôi chỉ quen với những gì
vụn vặt, nhem nhọ” [31, tr 118]
Quan niệm văn chương phải bắt nguồn từ cuộc sống đã chi phối toàn
bộ các sáng tác của Tô Hoài. Bên cạnh đó, ở thể loại truyện ngắn, Tô Hoài
cũng có suy nghĩ riêng.
Nhiều tác giả văn học đã có những quan điểm rất rõ ràng về nghệ
thuật truyện ngắn. Môôm cho rằng: “Truyện ngắn là sự trình bày một sự
kiện theo trình tự diễn biến của câu chuyện , hoặc theo trình tự tâm tình.
Nhờ sự thống nhất có kịch tính, sự trình bày đó có thể loại trừ tất cả những
gì không cần thiết để bộc bạch suy nghĩ”[ 37, tr 84]. Nhà văn Bùi Hiển khi

bàn về truyện ngắn cũng khẳng định: “Truyện ngắn lấy một khoảnh khắc
trong cuộc đời một con người mà dựng lên. Có khi nhân vật đặt trước một
vấn đề phải băn khoăn suy nghĩ lựa chọn, quyết định. Có khi chỉ là một
cảnh sống và làm việc bình thường, trong đó nhân vật biểu lộ ý chí tình
cảm của mình. Có khi ở những hành động mãnh liệt, những tình tiết éo le…
Cũng có khi chỉ là tâm trạng của một nỗi bồn vui, một ý tình chớm nở.
Nhưng phải chọn khoảnh khắc mà nhân vật thể hiện đầy đủ nhất”[37, tr 17].
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Truyện ngắn mang rất rõ cái chất của
người viết, nhất là cái chất quả quyết, đột ngột… Truyện ngắn vốn có
nhiều vẻ” [37, tr 27].

16
Nguyễn Công Hoan thì chú ý nhiều hơn đến việc xây dựng truyện
ngắn. Theo ông, “Truyện ngắn không phải là truyện mà là vấn đề được xây
dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ và bằng thái độ với cách đặt câu
dùng tiếng có cân nhắc… Muốn truyện ấy là truyện ngắn, chỉ nên lấy một
trong ngần ấy ý làm ý chính, làm chủ đề cho truyện” [50, tr 25]
Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, tác giả Lê Bá Hán đã nhận định
về truyện ngắn như sau: “Thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng
văn xuôi, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội.
Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện
ngắn thích hợp với người tiếp nhận đọc nó liền mạch không nghỉ… Cốt truyện
của truỵên ngắn thường diễn ra trong không gian hạn chế, chức năng của nó
nói chung là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người. Kết
cấu của truyện ngắn không phân chia thành nhiều tầng bậc mà thường xây
dựng theo nguyên tắc tương phản hoặc liên tưởng. Bút pháp tường thuật của
truyện ngắn thường là chấm phá. Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện
ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều
ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết”[18, tr 134,135].
Là người có sở trường viết truyện ngắn, ông đã có những quan điểm

rõ ràng nhất quán về thể loại này trong suốt cuộc đời hoạt động văn chương
của mình.
Trong Sổ tay viết truyện ngắn, ông đã từng bày tỏ niềm say mê của
mình với truyện ngắn: “Tôi thích truyện ngắn, bao giờ cũng tìm đọc truyện
ngắn bởi nó là thể loại có tính chiến đấu mạnh mẽ”. Tô Hoài còn quan niệm
truyện ngắn là “cưa lấy một khúc đời sống” nhưng không thể vì ngắn gọn
mà làm mất đi “chất khoẻ khoắn của đời sống” [22, tr 8]. Ông đã hiểu được
hiểu được tính hiệu quả của truyện ngắn. Theo Tô Hoài, với truyện ngắn,
người viết phải biết tận dụng từng chữ, lo săn sóc từng chữ. Truyện ngắn là
nơi nhà văn có thể thử tìm phong cách cho mình.

17
Tô Hoài đã từng trăn trở về “truyện ngắn hay nhất”, làm thế nào để
viết ngắn “rút ngắn, rút ngắn nữa. Cho chặt, cho chắc, cho tinh tế”[21, tr
100]. Và tác phẩm ấy phải chứa đựng những suy nghĩ của người viết về
cuộc đời: “Cái truyện ngắn hay nhất bao giờ cũng là truyện sẽ viết. Người
viết thấy ra cái khó ấy, cái đau khổ ấy, niềm hy vọng không cùng ấy trong
lúc cầm bút” [21, tr 101]. Như với các thể loại khác, Tô Hoài khẳng định
người viết truyện ngắn cũng phải để lại cho bạn đọc một dư âm nào đó trong
lòng, tránh lối viết nhạt nhẽo: “Chúng mình làm nghề viết, thành nghề viết
rồi, có thể viết cái gì viết cũng có thể được in, ít nhất thì cũng tàm tạm sạch
nước cản. Nhưng, anh cứ tưởng tượng xem, một sáng tác ra đời, bạn đọc
xong rồi, dư luận im lặng. Nghe như hòn gạch ném xuống giếng, sau tiếng
rơi bõm vào lòng giếng, là cái im lặng mênh mông. Đối với người cầm bút
không có gì ghê rợn hơn, thất vọng hơn gặp phải cảnh như thế”[22, tr 65]
Quan niệm của Tô Hoài cũng giống với các nhà viết truyện ngắn
khác. Song Tô Hoài nhấn mạnh hơn yếu tố ngắn gọn. Đồng thời, ông khẳng
định một tác phẩm truyện ngắn có giá trị phải phản ánh hiện thực cuộc sống
và sự sáng tạo, hoài bão của nhà văn.
Như vậy, truyện ngắn trước hết phải súc tích. Người viết không được

kể dài dòng. Các chi tiết hết sức tinh lọc, gây ám ảnh với người đọc, tạo nên
ấn tượng mạnh mẽ và những liên tưởng. Dung lượng và cốt truyện tập trung
một vài biến cố, trong một khoảng thời gian nhất định. Nhân vật thường
đựơc làm sáng tỏ thể hiện một trạng thái tâm thế con người thời đại. Chi tiết
đóng vai trò quan trọng mang tính biểu tượng. Truyện ngắn có khả năng
miêu tả sinh động cuộc sống và những vui buồn và khát vọng của con người.
1.2.2. Những thành công trong sự nghiệp văn chương Tô Hoài
Năm 1940, ông chính thức vào nghề văn từ truyện ngắn Nước lên.
Năm 1941, ông viết Dế Mèn phiêu lưu kí để lại một tiếng vang lớn trên văn
đàn Việt Nam cho đến tận bây giờ. Tác phẩm này được giới phê bình trong

18
nước và ngoài nước đánh giá rất cao tiêu biểu là Gô-lôp-nep, Xô-lô-khin
(1963), Trần Đăng Xuyền (1984), Nguyễn Lộc, Đỗ Quang Lưu (1990). Họ
cho rằng tác phẩm đã thể hiện tài “quan sát, nghiên cứu tỉ mỉ thế giới sinh
vật nhỏ bé của nhà văn [31, tr 454].
Từ đó cho đến nay,Tô Hoài đã hơn bảy mươi năm lao động miệt mài
không nghỉ. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đồ sộ, hơn
160 đầu sách đã xuất bản. Nhiều tác phẩm của Tô Hoài đã được dịch ra các
tiếng nước ngoài như Nga, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức, Bungari,
Cu Ba, Mông Cổ, Nhật Bản… Một số tác phẩm được đạt giải như Truyện Tây
Bắc, giải nhất tiểu thuyết của Hội văn nghệ Việt Nam, năm 1956. Miền Tây,
giải thưởng Hội nhà văn Á-Phi, năm 1970. Quê nhà, giải A giải thưởng Hội
văn nghệ Hà Nội, năm 1980. Ông còn đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt 1
năm 1996.
Tô Hoài là một trong số ít nhà văn hiện đại nước ta đạt con số kỷ lục
trong sự nghiệp sáng tác của mình. Ông đã trải qua những mốc lịch sử và
văn học đặc biệt: trước và sau Cách mạng tháng Tám; trong chiến tranh và
trong hòa bình; trước và sau thời kỳ đổi mới văn học. Sáng tác của Tô Hoài
đa dạng về đề tài và thể loại: từ đề tài miền ngược đến đề tài miền xuôi; từ

truyện ngắn đến tiểu thuyết, truyện đồng thoại đến kịch bản phim. Ở đề tài
và thể loại nào, ông cũng ghi lại những dấu ấn riêng.
Là một trong những nhà văn thành công ở thể loại hồi kí, tự truyện,
Tô Hoài được người đọc biết đến qua những tác phẩm Cỏ dại, Tự truyện,
Cát bụi chân ai, Chiều chiều. Những tác phẩm này ghi lại những chặng
đường đời khác nhau của nhà văn. Cỏ dại ghi lại kí ức về một thời thơ dại
với những kỉ niệm buồn trong những “ngày cũ buồn bã”. Tự truyện tái hiện
lại chặng đường thời niên thiếu từ lúc còn là học sinh lớp nhất trường Yên
Phụ cho đến khi phải nghỉ học, lang thang khắp đất Kẻ Chợ đến cảng Hải
Phòng tìm việc, rồi vào nghề văn, tiếp tục những ngày “phiêu lưu kiểu kiến

19
bò cho qua cơn trống trải” cùng các nghệ sĩ đến những ngày tháng sôi nổi
hoạt động cách mạng trong phong trào Văn hoá cứu quốc. Đến Cát bụi chân
ai và Chiều chiều, những chi tiết đời tư mờ dần, tác giả không kể nhiều về
mình, về gia đình mình. Nội dung chủ yếu của tác phẩm là những câu
chuyện về cuộc đời, về bạn bè, đồng nghiệp, về những người đã từng gặp gỡ
trong công tác xã hội hoặc ngoài đời thường…
Tô Hoài còn thử sức trong lĩnh vực sân khấu nghệ thuật. Ông viết
kịch bản phim: Vợ chồng A Phủ (NXB Văn học), Mường Giơn (Tạp chí Văn
nghệ Quân đội), Kim Đồng (NXB Kim Đồng), Ông Gióng (NXB Văn hóa),
Trâu húc (NXB Hà Nội), Xây thành Cổ Loa (NXB Kim Đồng), Sự tích
Thăng Long (báo Văn nghệ). Tô Hoài còn tham gia viết kịch nói, kịch múa
rối: Thạch Sanh (NXB Kim Đồng), Con mèo lười (NXB Thanh Niên), Ông
Gióng (Hội Văn nghệ Hà Nội). Hầu hết những đóng góp của ông đã gây
tiếng vang lớn.
Tên tuổi Tô Hoài được nhắc nhiều ở thể loại truyện dài. Trong suốt
bảy năm sáng tác, Tô Hoài đã để lại một khối lượng khá lớn. Bao gồm các
truyện Dế Mèn phiêu lưu kí (1941), Quê người (1941, NXB Tân Dân),
Giăng Thề (1943, NXB Tân dân), Xóm giếng ngày xưa (1943, NXB Bách

Việt), Đêm mưa (mất bản thảo), Lão đồng chí ( 1949, NXB Cứu quốc),
Mười năm (1957, NXB Hội nhà văn), Miền Tây (NXB Văn học, in hai lần –
giải thưởng Hoa Sen năm 1970), Hội nhà văn Á-Phi, Tuổi trẻ Hoàng Văn
Thụ (NXB Thanh Niên), Những ngõ phố, người đường phố (NXB Thanh
niên), Đảo hoang, Chiếc nỏ thần (NXB Kim Đồng), Quê nhà (1983, NXB
Tác phẩm mới, Giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội) Các truyện dài của
Tô Hoài đã tạo dựng nên một bức tranh đời sống xã hội rộng lớn, lôi cuốn
người đọc bởi một bản sắc dân tộc rất đậm đà và độc đáo, một thế giới nhân
vật bình dị, đời thường, một lối kể chuyện “tự nhiên mà thủ thỉ cái tiếng nói
hồn nhiên của bản thân cuộc sống” [31, tr 24]. Trong số đó, những tác

20
phẩm nổi tiếng của ông đựơc người đọc nhắc đến nhiều nhất là Quê người,
Mười năm, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Đảo hoang, Chuyện nỏ
thần. Ở Quê người, Vũ Ngọc Phan nhận thấy Tô Hoài là “một nhà tiểu
thuyết có con mắt quan sát sâu sắc. Những tính tình u ẩn phô diễn ra ở
những cử chỉ rất nhỏ của người dân quê, những thói hủ bại, những ngôn ngữ
kỳ quặc của người dân quê và cả những cách sống cùng cực rất đáng thương
của người dân quê, ông đều cặn kẽ” [31, tr 53]. Dưới ngòi bút tả chân của
Tô Hoài, ngoài những cảnh làm lụng chật vật của người dân quê, người ta
thấy rất nhiều thói tục có thể là những tài liệu chân thực cho những nhà xã
hội học muốn khảo sát về phong tục.
Tô Hoài để lại dấu ấn đặc biệt ở thể loại truyện ngắn. Thực sự ông đã
trở thành cây bút truyện ngắn độc đáo, hấp dẫn.
Trước năm 1945 là truyện ngắn gồm các tập truyện về loài vật và truyện
ngắn về cảnh và người ở một vùng quê ven đô, nơi tác giả sinh sống suốt đời
cho đến ngày hôm nay. O chuột (1943, nhà xuất bản Tân dân) là cả một tập
truyện gồm 8 truyện về loài vật, lấy tên O chuột để gọi chung. Vũ Ngọc Phan
viết “Tô Hoài tỏ ra không giống một nhà văn nào trước ông và không giống
một nhà văn nào mới nhập tịch làng văn như ông. Truyện của ông có tính

chất nửa tâm lý, nửa triết lý mà các vai lại là loài vật O chuột là truyện
ngắn đầu tiên của Tô Hoài và cũng là tác phẩm tiêu biểu cho lối văn đặc biệt
của ông, một lối văn viết dí dỏm, tinh quái đầy những phong vị và màu sắc
thôn quê. Cái tinh ma và cái xác thực có lẽ gặp nhau ở chỗ này” [31, tr 63].
Nhà nghèo ( là một tập truyện ngắn viết về nông thôn. Tô Hoài
thường nhìn nông thôn thiên về phía phong tục với cặp mắt hóm hỉnh, sắc
sảo. Có lẽ đây là chỗ hấp dẫn đặc biệt của ngòi bút Tô Hoài: ông nói về tục
tảo hôn (Vợ chồng trẻ con), tục đòi nợ (Khách nợ), tục cúng bái mê tín, cả
đến “tục” vợ chồng cãi nhau, làng xóm nhiếc móc nhau (Nhà nghèo, Mẹ
già ).

×