Tải bản đầy đủ (.pdf) (100 trang)

Nhân vật Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.38 MB, 100 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------------------------------------

TẠ NHƯ OANH

NHÂN VẬT CADDY TRONG ÂM THANH VÀ
CUỒNG NỘ CỦA WILLIAM FAULKNER

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Văn học Nước ngoài

Hà Nội-2011


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
--------------------------------------------

TẠ NHƯ OANH

NHÂN VẬT CADDY TRONG ÂM THANH VÀ
CUỒNG NỘ CỦA WILLIAM FAULKNER

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Văn học Nước ngoài
Mã số: 60.22.30.

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Đặng Anh Đào

Hà Nội-2011



MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU
1.

Lý do chọn đề tài………………………..……………………….

3

2.

Lịch sử vấn đề……………………….…………………………..

6

2.1

Phần tài liệu tiếng Việt..…………………………….………………....

6

2.2

Phần tài liệu tiếng Anh…………………...……………………………

10

3.


Phạm vi nghiên cứu…………..…………...…………………….

11

4.

Mục đích nghiên cứu…….…………...…………………………

13

5.

Phƣơng pháp nghiên cứu……………...………….…………….

13

6.

Cấu trúc luận văn……………...………….…………………….

13

7.

Đóng góp của luận văn………………..……..………………….

14

CHƢƠNG I: NHÂN VẬT CADDY QUA CÁI NHÌN


15

CỦA CÁC NHÂN VẬT
1.1.

Caddy qua cái nhìn của Benjy…………………….…...……….

16

1.2.

Caddy qua cái nhìn của Quentin…………………...…………..

25

1.3.

Caddy qua cái nhìn của Jason……………………...…………..

32

1.4.

Caddy trong con mắt của ngƣời kể chuyện chƣơng cuối..……

37

CHƢƠNG II: THỰC VÀ ẢO TRONG NHÂN VẬT CADDY

43


2.1.

Tính đứt đoạn và mơ hồ của dịng tâm tƣ ...…...…….………..

43

2.1.1.

Đứt đoạn ………………………………………………………………..

43

2.1. 2.

Xóa mờ ranh giới thời gian…………………………………………...

49

2.2.

Tính biểu tƣợng: Caddy đƣợc biểu hiện qua những hình ảnh
gián tiếp……………...…………………………………………..

54

1


2.2.1.


Ngọn lửa………………………………………..……………………….

55

2.2.2.

Cây………………………………………………………………………..

58

2.3.

Caddy: Xuất hiện và biến mất - Từ thực đến ảo………..…….

60

Bảng tóm tắt những hành động của Caddy………………………….

68

CHƢƠNG III: TÍNH MẪU VÀ BẢN NĂNG PHỤ NỮ TRONG
NHÂN VẬT CADDY

73

3.1.

Caddy: Một tình yêu lớn lao của ngƣời mẹ…..…………..……


74

3.2.

Caddy: Từ bản năng tính dục đến lối vào tâm linh…………...

79

3.3.

Caddy: Hình ảnh nhại từ Đức mẹ Đồng trinh….…………......

86

KẾT LUẬN

92

TÀI LIỆU THAM KHẢO

95

2


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
William Faulkner (1897 – 1962) là một nhà văn xuất sắc của văn học
Mỹ thế kỷ XX. Ông được coi là người kế nhiệm tiêu biểu của những bậc
tiền bối như J.Joyce, M.Proust, F.Kafka. Cùng với Hemingway, William

Faulkner là một tiểu thuyết gia lỗi lạc, đồng thời là một nhà cách tân táo
bạo tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Ở Mỹ, William Faulkner được coi là
nhà văn quan trọng nhất nếu khơng nói là lớn nhất thế kỷ XX.
Sinh ra trong thời kỳ thế giới và nước Mỹ có nhiều biến động, Faulkner
thuộc thế hệ nhà văn sau chiến tranh bi quan, vỡ mộng nhưng lại rất say
mê đối với những tìm tịi nghệ thuật. Ông đã cùng với các nhà văn như
Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, John Dos Passos, John
Steinbeck… tạo ra những hình thức và thủ pháp mới lạ, khác với truyền
thống. Mỗi tác phẩm của William Faulkner viết nên đều thể hiện niềm say
mê tìm tịi, khám phá, sáng tạo và thể nghiệm kỹ thuật viết. Một trong
những đổi mới trong lối viết mà người ta không thể không nhắc đến khi
nói về William Faulkner đó là dịng ý thức (stream of concious); nhắc đến
William Faulkner là nhắc đến nhà văn tiêu biểu cho lối viết theo dòng ý
thức – được phát triển từ kỹ thuật của James Joyce. Với những thể nghiệm
riêng qua từng tác phẩm cụ thể, ông đã khiến kĩ thuật viết của mình khơng
chỉ là một thử nghiệm thuẩn túy hình thức mà đã tạo cho nó một giá trị, trở
thành một kinh nghiệm thẩm mĩ được rất nhiều thế hệ sau học tập.
Với di sản đồ sộ và có giá trị lớn: 19 tiểu thuyết, 75 truyện ngắn, ông đã
từng giành được rất nhiều giải thưởng quan trọng như giải Pulitzer, giải
National Book và đặc biệt ông đã được trao giải Nobel Văn học năm 1949.
Trong số đó, khơng thể khơng kể đến Âm thanh và cuồng nộ (The sound
and the fury), cuốn tiểu thuyết viết năm 1929 là một tác phẩm tiêu biểu
cho văn phong cũng như thể nghiệm kĩ thuật dòng ý thức của ông. Đây là
3


cuốn tiểu thuyết mà Willam Faulkner yêu quý nhất bởi như ơng đã nói:
“Đấy là tác phẩm đã khiến tơi bận tâm nhất, tác phẩm mà tôi đã viết vất vả,
ngay cả khi tơi biết mình khơng làm được nó như ý thì tơi vẫn cứ làm việc
với nó. Có lẽ tình cảm ấy như thể tình cảm của cha mẹ đối với đứa con

kém may mắn. Nó là tuyệt hảo uy nghi và là thất bại tráng lệ” [10, tr. 161].
Trong tác phẩm của mình, câu chuyện mà William Faulkner chuyến đến
độc giả được phó thác cho bốn người kể chuyện khác nhau, cùng thuật về
sự sụp đổ của gia đình Compson. Đây là cuốn tiểu thuyết khẳng định tài
năng sáng tạo của ơng, nó sẽ chi phối phong cách nghệ thuật William
Faulkner sau này, đồng thời tạo nên những ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà
văn hiện đại khác. Linda Wagner-Martin nhận xét rằng: “Về mỹ học hiện
đại chủ nghĩa, Faulkner tiến một bước xa hơn bất cứ một tác giả nào cùng
thời với ơng: Ơng sử dụng những người kể chuyện khách quan vốn là
những khách thể đích thực. Họ nói về những biến cố xảy ra trong truyện kể
mà khơng mang tính chủ quan, vì họ khơng bao giờ hiểu rõ ẩn ý của những
biến cố đó” [39, tr. 35].
Một trong những đóng góp lớn nhất của William Faulkner đối với tiểu
thuyết hiện đại là việc cách tân nghệ thuật kể chuyện. Trong tiểu thuyết
Âm thanh và cuồng nộ nghệ thuật kể chuyện được William Faulker sáng
tạo chưa từng thấy với bốn người kể chuyện khác nhau, với sự độc đáo ở
ngơi kể, điểm nhìn, giọng điệu... Nội dung tiểu thuyết Âm thanh và cuồng
nộ được thể hiện theo tổ chức hướng trọng tâm vào nhân vật hơn là hướng
trọng tâm vào cốt truyện. Đọc tiểu thuyết này độc giả sẽ thấy nhân vật
Caddy là hình tượng xuyên suốt tác phẩm, xuyên suốt ý nghĩ, câu chuyện
của các nhân vật khác. Luận văn của chúng tôi chọn nhân vật Caddy làm
đối tượng để nghiên cứu và phân tích là bởi câu chuyện chính của tồn bộ
cuốn tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ chỉ xoay quanh nhân vật Caddy
(tuy nhân vật này không xuất hiện trong vai người kể chuyện).
4


Trong một buổi giảng bài cho sinh viên William Faulkner đã nói: “Đối
với tơi, nàng (Caddy) là hiện thân của cái đẹp. Nàng là niềm trìu mến trong
trái tim tơi. Đó là điều tơi miêu tả trong cuống sách này và tôi đã sử dụng

những phương tiện mà tôi cho là thích hợp để kể lại và miêu tả hình tượng
Caddy”. Những lời yêu thương, trân trọng mà William Faulkner đã dành
cho Caddy cũng chính là những trăn trở để sao cho có thể miêu tả nhân vật
này một cách đặc biệt nhất, độc đáo nhất và nhiều góc cạnh nhất. Nhìn vào
tồn bộ tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ sẽ thấy mọi cách thể hiện đều
hướng vào nhân vật Caddy - một nhân vật đặc biệt xuyên suốt tác phẩm.
Chính từ đây đã tạo ra cuốn tiểu thuyết bất hủ, khẳng định tài năng sáng
tạo của Faulkner, nó sẽ chi phối phong cách nghệ thuật của ông sau này
đồng thời ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà văn hiện đại khác.
Với những cách tân vô cùng táo bạo, tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ
là một cuốn tiểu thuyết được đánh giá là một cuộc cách mạng về cả phong
cách lẫn nội dung. Có thể nhìn nhận từ trường hợp Caddy để thấy sự đổi
mới nghệ thuật độc đáo nhất của tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ đó là:
cuốn tiểu thuyết có nhiều người kể chuyện nhất lại là lúc vắng bóng người
kể chuyện nhất, vì khơng cịn người kể chuyện đáng tin cậy. Tiểu thuyết
Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner đã đánh mất đi một người kể
chuyện đáng tin. Thế giới nghệ thuật của tác phẩm bị vỡ ra trong những cái
nhìn khác nhau mà không thể hàn gắn và cũng đầy giới hạn.
Với những lý do trên, luận văn của chúng tôi đã lựa chọn đề tài “Nhân
vật Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner” với
mong muốn tìm hiểu, phân tích sâu hơn những đóng góp độc đáo của tác
phẩm cùng tài năng xuất sắc của William Faulkner. Bên cạnh đó, luận văn
mong muốn đóng góp một phần vào q trình tiếp cận ngày một sâu hơn
cả về nội dung và hình thức của tiểu thuyết hiện đại thế giới.
2. Lịch sử vấn đề
5


Dưới đây là những tài liệu trong và ngoài nước có liên quan đến tiểu
thuyết Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner được chúng tôi thu

thập được trong quá trình nghiên cứu:
2.1.

Phần tài liệu tiếng Việt

Cuốn sách nghiên cứu sâu và đầy đủ đầu tiên về William Faulkner tại
Việt Nam phải kể đến cuốn William Faulkner - Cuộc đời và tác phẩm của
Doãn Quốc Sĩ và Nguyễn Văn Nha. Cơng trình gồm ba phần: phần một
giới thiệu con người và nghệ thuật, phần hai phân tích tác phẩm, phần ba là
phần dịch văn. Ở đây, cuộc đời và sự nghiệp của William Faulkner đã
được khái quát khá đầy đủ với những thành tựu và vị trí của ơng trên văn
đàn. Bên cạnh đó, tác giả cũng trình bày được những luận điểm về mối
quan hệ của tác giả, tác phẩm với nền lý luận Thanh giáo hay những quan
niệm của William Faulkner về Định mệnh. Trong phần hai của cuốn
nghiên cứu này tác giả cũng đã phân tích một vài điểm chính của tiểu
thuyết Âm thanh và cuồng nộ, tuy nhiên nội dung phân tích vẫn cịn mờ
nhạt, chưa đầy đủ, tác giả chỉ coi những nhân vật trong tác phẩm như
những kẻ điên loạn, sa đọa, chưa thấy được đặc điểm, tính cách đa chiều ở
nhân vật.
Trong cuốn Từ điển văn học, Phùng Văn Tửu có đánh giá cao sự sáng
tạo của Faulkner trên phương diện nghệ thuật viết, đồng thời tác giả cũng
cho rằng hạn chế của William Faulkner là ở nhân sinh quan bi đát về thân
phận con người.
Cũng đánh giá về những thành tựu của William Faulkner ở tiểu thuyết
Âm thanh và cuồng nộ, Nguyễn Đức Đàn, tác giả của cuốn Hành trình
văn học Mỹ cho rằng đóng góp lớn nhất của Faulkner là ở trên phương diện
đổi mới nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật ngôn từ.
Trong cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, ở chương IX, Phạm
Công Thiện đã viết khi đọc Âm thanh và cuồng nộ lại đặc biệt chú ý tới
6



Caddy: “Tôi sửng sốt ngạc nhiên nhận ngay rằng tôi đã đi vào một thế giới
phũ phàng đen tối vô cùng; thế mà không hiểu sao trong một thế giới như
vậy tôi lại thấy đầy chim, nhái, bướm, cây, hoa, bầu trời, hoa kim ngân…
Faulkner viết những trang văn quá thác loạn tàn nhẫn như thế, mà vẫn
không bao giờ quên một tiếng chim kêu hay một con bướm vàng hoặc mùi
thơm ngây ngất của hoa kim ngân. Đó là một điều lạ…Điều lạ thứ ba: tôi
nghe biết bao nhiêu lần những câu như “chị Caddy có mùi thơm như cây
lá” (She smelled like trees) “Chị Caddy có mùi thơm như lá cây” (Caddy
smelled like leaves). “Chị Caddy có mùi thơm như cây lá dưới mưa”
(Caddy smelled like trees in the rain). Tôi đã được nghe đi nghe lại những
câu trên không biết bao nhiêu lần. Caddy là ai? Caddy là một cơ gái xinh
đẹp đa tình, khả ái, thơng minh, lẳng lơ, số kiếp long đong trôi nổi, bị gia
đình từ bỏ, sống giang hồ luân lạc; những điều ấy khiến tôi cảm thấy
thương Caddy như thương một người con gái thực sự ở đời (chứ không
phải như một nhân vật tiểu thuyết) [25]. Đây cũng là một gợi ý cho chúng
tôi để chọn đề tài nghiên cứu về nhân vật Caddy.
Chuyên luận Văn học Mỹ - Nghệ thuật viết văn và kỹ xảo (NBX Văn hóa
- Thơng tin, 2009) của nhà nghiên cứu Huy Liên đã khái quát thành tựu và

xu hướng của văn học Mỹ thế kỷ XIX và XX, đồng thời có những nghiên
cứu cụ thể về những tác giả tiêu biểu của nền văn học này. Một trong
những tác giả được nhà nghiên cứu Huy Liên đề cập và tìm hiểu đó là
William Fauklner. Từ “nhà văn và tác phẩm” cho tới “nghệ thuật viết văn
của William Faulkner qua tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ” đều được tác
giả khái quát rất đầy đủ và rõ nét, trong đó cũng có những đánh giá khá cụ
thể về nhân vật Caddy - nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Âm thanh và
cuồng nộ. Chuyên luận này là một trong những tài liệu hữu ích giúp chúng
tơi thực hiện đề tài của mình.

Khảo sát các luận văn, báo cáo khoa học tại thư viện Trường Đại học Sư
7


phạm I Hà Nội và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học
Quốc gia Hà Nội chúng tơi tìm thấy được những tài liệu liên quan đến Âm
thanh và Cuồng nộ như sau:
- Tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội
+ Nguyễn Thị Phương, Kết cấu Âm thanh và Cuồng nộ của William
Faulkner, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2000.
Luận văn đã triển khai rõ những luận điểm về điểm nhìn trần thuật, thời
gian nghệ thuật – phá vỡ và tái thiết và nhân vật trong tác phẩm Âm thanh
và Cuồng nộ. Trong phần: Nhân vật - hệ quy chiếu mới của những giá trị
về tư tưởng và nghệ thuật, tác giả Nguyễn Thị Phương đã tìm hiểu ba kiểu
nhân vật mà Faulkner đã xây dựng đó là nhân vật bất thường, nhân vật
biểu tượng và nhân vật tấm gương. Đây cũng là một cơ sở cho chúng tôi
nghiên cứu đề tài của mình về Nhân vật Caddy trong Âm thanh và Cuồng
nộ của William Faulkner.
+ Mai Việt Trung, Những biến đổi của kiểu nhân vật truyền thống ở một
số tiểu thuyết phương Tây giữa hai cuộc thế chiến, Luận văn thạc sĩ, Đại
học Sư phạm Hà Nội, 2002.
Luận văn đã lấy Âm thanh và Cuồng nộ của William Faulkner làm
một trong những tác phẩm cơ sở để nghiên cứu. Tác giả luận văn đã đề cập
đến nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm qua lời kể của ba nhân vật và độc
thoại nội tâm, dịng tâm tư.
+ Ngơ Thị Diễm Hằng, Trần Thị Minh, Nhân vật cô đơn trong Âm thanh
và cuồng nộ của William Faulkner, Báo cáo Khoa học, Đại học Sư phạm
Hà Nội, 2003,
Báo cáo chia làm năm chương, trong đó bốn chương đầu phân tích về
nỗi cơ đơn của từng nhân vật chính trong tác phẩm (là Benjy, Quentin,

Jason, Caddy). Ở chương bốn, tác giả phân tích nỗi cơ đơn của nhân vật
Caddy. Đây cũng là một gợi ý để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và phát
8


triển riêng một luận văn về nhân vật Caddy.
+ Ôn Thị Mỹ Linh, Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn Ernest
Hemingway và William Faulkner, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Sư phạm
Hà Nội, 2004.
Trong khóa luận này, người viết đã đi từ góc nhìn so sánh để thấy được
những nét nghệ thuật độc đáo trong truyện ngắn của Ernest Hemingway và
William Faulkner, bởi vậy không liên quan trực tiếp đến đề tài của chúng
tôi.
+ Huỳnh Thị Thu Hậu, Yếu tố huyền thoại trong “Con gấu” của
William Faulkner, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2004.
Trong luận văn này, tác giả đã nghiên cứu yếu tố huyền thoại cụ thể
trong kinh thánh, trong các tác phẩm văn học và các yếu tố không gian
huyền thoại, thời gian huyền thoại. Đây cũng là một tư liệu gợi cho chúng
tôi triển khai một vài luận điểm trong luận văn của mình.
+ Lê Thị Thu Ngân, Dòng ý thức trong “Âm thanh và cuồng nộ của
William Faulkner”, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005.
Khóa luận được chia làm ba chương, trong đó: chương một là dịng ý
thức - những biểu hiện, chương hai là dòng ý thức - kỹ thuật tự sự, chương
ba là dòng ý thức - quan niệm thời gian. Những nghiên cứu và phân tích
này cũng là tài liệu cho chúng tôi triển khai phần nghệ thuật xây dựng nhân
vật trong luận văn của mình
- Tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia
Hà Nội:
+ Nguyễn Hoàng Quý Hà, Vấn đề dòng ý thức và người kể chuyện
trong tiểu thuyết “Âm thanh và cuồng nộ”, Đại học Khoa học xã hội và

Nhân văn, 2005.
Khóa luận đi vào hai vấn đề dòng ý thức và người kể chuyện. Qua đó
cũng đề cập đến các nhân vật trong tác phẩm.
9


+ Hoàng Thị Quỳnh Trang, Nghệ thuật kể chuyện trong “Âm thanh và
cuồng nộ” và “Khi tôi hấp hối” của William Faulkner, Nghiên cứu sinh
chuyên ngành Văn học Bắc Mỹ.
Tài liệu này chúng tôi tiếp cận được khi người viết đang trong q trình
triển khai hồn thiện phần đề cương chi tiết thành Luận án Tiến sĩ. Đây là
một tài liệu thiết thực để chúng tôi áp dụng những cách tiếp cận khi nghiên
cứu về William Faulkner và một số vấn đề liên quan đến tác phẩm Âm
thanh và cuồng nộ.
2.2. Phần tài liệu tiếng Anh
Theo www.hindustantimes.com, một tờ báo mạng của Ấn Độ thì Âm
thanh và cuồng nộ là một trong mười cuốn tiểu thuyết khó đọc nhất thế
giới và cuốn sách đến nay vẫn là một thách thức, ngay cả với những người
nghiên cứu văn William Faulkner.
Cuốn Faulkner International Perspectives, Doreen Fowlor và Ann
J.Abdie, The University Press of Misissippi, 1984 là sự tập hợp rất nhiều
bài viết bằng tiếng Anh của nhiều tác giả ở các nước trên thế giới viết về
Faulkner. Trong đó có những bài viết như “Faulkner ở Ý”, hay “Giảng dạy
về Faulkner ở các nước Xơ Viết”, “Faulkner trong phê bình văn học Xơ
Viết”, “Faulkner ở Nhật”. Trong phần lời giới thiệu của cuốn sách, tác giả
Doreen Fowlor có dẫn ý của tác giả Myriam Díaz-Diocaretz rằng sẽ có rất
nhiều những vấn đề khi dịch tác phẩm của William Faulkner ra tiếng nước
ngoài bởi khi người đọc đọc tác phẩm của Faulkner ở một bản dịch khác
chúng ta sẽ thấy như là đọc “một Faulkner khác” vậy.
Cũng trong cuốn này đã tập hợp rất nhiều những bài viết về tầm ảnh

hưởng của Faulkner đối với văn học các nước. Đây là một cuốn tài liệu
hữu ích cho chúng tơi khi viết về chân dung William Faulkner trong phần
giới thiệu sự nghiệp tác giả.
Cuốn Faulkner and Women, Doreen Fowler và Ann J. Abadie, The
10


University Press of Misissippi, 1986 đề cập đến việc Faulkner sáng tạo ra
cuốn tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ với nhân vật Caddy là “một cô gái
nhỏ xinh đẹp và đầy bi kịch” của mình và Caddy như là “một giấc mơ về
một sự mất mát và hủy diệt”.
Bài viết có tiêu đề Poe, Faulkner, and Gothic America của tác giả Itoh
Shoko (đăng trên The Home page of William Faulkner society in Japan)
mang tính nghiên cứu sâu về Poe và Faulkner với ảnh hưởng của tiểu thuyết
Gothic Mỹ. Trong mơi trường đa văn hóa cùng với những thay đổi của xã hội
thì kiến trúc Gothic khi áp dụng trong văn học có những sự thay đổi khá lớn.
Tác giả đi nghiên cứu về sự thay đổi căn bản của tiểu thuyết Gothic Mỹ so
với Gothic ở Châu Âu. Người viết đã đưa ra những nghiên cứu, phân tích về
ảnh hưởng của tiểu thuyết Gothic trong các tác phẩm của Poe và Faulkner.
Tóm lại nguồn tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh mà chúng tôi đã tiếp cận
được tuy rằng chưa đầy đủ trong số rất nhiều những cơng trình nghiên cứu
về William Faulkner nhưng đó cũng là những tài liệu quý báu bước đầu,
làm cơ sở để chúng tôi triển khai luận văn của mình. Trong tất cả những tài
liệu đã tiếp cận, có những phần nghiên cứu riêng về nhân vật Caddy trong
Âm thanh và cuồng nộ khiến chúng tôi thấy đầy thú vị và hấp dẫn, gợi ý
cho chúng tôi tập trung vào Nhân vật Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ
của William Faulkner.
3. Phạm vi nghiên cứu
a) Xác định bản dịch
- Luận văn của chúng tôi nghiên cứu tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ

của William Faulkner, bản tiếng Việt do Phan Đan và Phan Linh Lan dịch,
NXB Hội Nhà văn, 2008, với đề tài mang tên: “Nhân vật Caddy trong Âm
thanh và cuồng nộ của William Faulkner”.
b) Các thuật ngữ liên quan
Một số nhận định triển khai ở luận văn có liên quan tới những vấn đề lý
11


luận sau đây:
+ Gothic fiction (tiểu thuyết Gothic): Là một thể loại văn học phổ biến
trong thời gian cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Thể loại này thường miêu
tả sinh động những câu chuyện kỳ bí đối mặt với sự ghê rợn, tuyệt vọng, sự
kỳ cục và các khía cạnh "bóng tối". Văn học Gothic được đặt tên theo ảnh
hưởng rõ ràng của kiến trúc gothic tiêu cực của một thời kỳ ở thể loại này.
Nhân vật Caddy trong Âm thanh và cuồng nộ mang nhiều đặc điểm của
tiểu thuyết Gothic Mỹ, trong đó Caddy ln được gắn với ngọn lửa (qua
cảm nhận của Benjy và Quentin). Ngọn lửa là hình ảnh đầy bí ẩn trong tiểu
thuyết Gothic.
+ Parody (nhại): Trong phê bình văn học, thuật ngữ này ám chỉ một sự
mô phỏng một tác phẩm văn học nghiêm túc hoặc phong cách đặc trưng
của một tác giả cụ thể một cách lố bịch. Một sự nhại điển hình thơng qua
văn phong của bản gốc và áp dụng nó vào một chủ đề khơng phù hợp cho
hiệu ứng hài hước. Nhại là một hình thức châm biếm và có thể được coi
như là một sự tương đương nghệ thuật của một bức tranh biếm họa hoặc
phim hoạt hình.
Các nhân vật trong Âm thanh và cuồng nộ là nhân vật “nhại” (parody)
các nhân vật trong kinh thánh. Nhân vật Caddy là hình ảnh “nhại” từ Đức
mẹ đồng trinh.
+ Ambiguity (sự mập mờ): Sự mập mờ là một điều kiện mà thơng tin có
thể được hiểu hoặc giải thích theo nhiều cách và khác biệt từ điều không

rõ ràng, đó là sự trình bày về việc thiếu rõ ràng trong nó hoặc có chứa
thơng tin. Văn cảnh có thể đóng vai trị trong việc phân định cái mơ hồ. Ví
dụ cùng một nhóm thơng tin có thể trở nên mơ hồ trong một văn cảnh này
và rõ ràng trong một văn cảnh khác.
Dựa vào khái niệm trên, luận văn tìm thấy sự đối ứng ở nhân vật chứa
đựng rất nhiều những sự mập mờ, mơ hồ khó đốn định là Caddy. Mỗi cái
12


nhìn của các nhân vật/của người kể chuyện lại mang đến những hình ảnh
khác nhau.
4. Mục đích nghiên cứu
Qua những nét độc đáo trong việc xây dựng nhân vật Caddy, luận văn
nhằm mục đích chỉ ra những cách tân trong nghệ thuật kể chuyện của
William Faulkner.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Luận văn được viết trên cơ sở ứng dụng phương pháp nghiên cứu: thi
pháp học, kết hợp với các thao tác: đối chiếu, so sánh, phân tích, tổng hợp,
thống kê.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn bao gồm 3 chương:
+ Chương I: Nhân vật Caddy qua cái nhìn của các nhân vật
+ Chương II: Thực và ảo trong nhân vật Caddy
+ Chương III: Tính mẫu và bản năng phụ nữ trong nhân vật Caddy
Sở dĩ chúng tôi chia làm 3 chương với nội dung như trên là bởi: Khi
nghiên cứu lịch sử vấn đề chúng tôi thấy điều mà các tác giả của các bài
viết, cơng trình nghiên cứu hay luận văn đều hướng về nét độc đáo trong
nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm, mỗi phần của tiểu thuyết Âm thanh và
cuồng nộ đều được kể theo lời một người kể chuyện khác nhau.
Chương 1 của luận văn đi theo logic lời kể chuyện của các nhân vật

trong tác phẩm và nêu hình ảnh Caddy qua cái nhìn của mỗi nhân vật.
Chương 2 nêu đặc trưng chung trong cách nhìn Caddy (đã tách biệt ở
chương 1) với điểm độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật Caddy ở
tính đứt đoạn, mơ hồ của dịng tâm tư trong từng lời người kể chuyện, tính
biểu tượng trong việc xây dựng nhân vật và sự xuất hiện rồi biến mất của
Caddy - thật và ảo quanh nhân vật này. Ở Chương 3, vấn đề tính mẫu và
bản năng người phụ nữ của Caddy lại bàn về một cách nhìn - giới hạn ở cái
13


nhìn của người em Benjy và anh trai Quentin. Việc triển khai các chương
như trên đã cho chúng ta khám phá và hiểu sâu hơn về những cách tân,
sáng tạo và nét độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của William
Faulkner.
7. Đóng góp của luận văn
- Luận văn nhằm nêu lên cái mới của tiểu thuyết này là ở mối liên hệ
giữa người kể chuyện - nhân vật trung tâm - người đọc.
- Luận văn nhằm đóng góp thêm một cách nhìn về William Faulkner và
tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ, đặc biệt là nét đặc sắc trong nghệ thuật
xây dựng nhân vật chính của tác phẩm: Caddy. Luận văn cũng nhằm khẳng
định sự cách tân táo bạo, độc đáo của William Faulkner trong việc xây
dựng nhân vật tiểu thuyết.
- Gắn với thực tiễn Việt Nam, sáng tạo của William Faulkner trong cách
kể chuyện có thể soi sáng cho việc hiểu biết về cách việc xây dựng nhân
vật, điển hình như tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh,
“Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương...

14



CHƢƠNG 1: NHÂN VẬT CADDY QUA CÁI NHÌN
CỦA CÁC NHÂN VẬT
Một người con gái xinh xắn, đáng yêu có mùi như cây với tên gọi
Caddy. Đó là những hình ảnh đầy ấn tượng với bất cứ ai khi đọc Âm thanh
và cuồng nộ. Tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ chính là bức chân dung
về một người phụ nữ với đầy chất thơ lãng mạn. Nếu như Flaibert có thể tự
hào nói rằng “Tơi có Bà Bơvary” thì Faulkner khơng ngần ngại khi khẳng
định rằng “Tơi có nàng Caddy”. Caddy chính là tình u, là một người con
gái đẹp đẽ nhất được Faulkner dày công vun đắp…
Các phần của tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ được kể với những
người kể chuyện khác nhau nhưng đều chủ yếu xoay quanh Caddy. Cốt
truyện được kể lại thơng qua nhiều điểm nhìn khác nhau. Chiếm phần lớn
là ngôi kể thứ nhất ở ba chương đầu (Benjy, Quentin, Jason) cùng với đó là
người kể chuyện trung hòa ở chương cuối. Ở mỗi người kể chuyện ở mỗi
chương đều hướng đến câu chuyện thảm cảnh suy sụp của gia đình
Compson và trung tâm là Caddy, nhưng bằng cách nhìn nhận, đánh giá
khác nhau. Họ chính là những nhân chứng trong một câu chuyện về cuộc
đời của nhân vật đã bỏ nhà ra đi - nhân vật Caddy. Sự lặp lại của cốt truyện
thông qua những người kể chuyện khác nhau đã tạo nên tính đa chủ thể
trong phương thức tự sự, thể hiện những quan điểm, những cách nhìn khác
nhau về một sự kiện, về nhân vật Caddy.
Trong tác phẩm của mình William Faulkner đã sử dụng dòng ý thức như
một biện pháp kể chuyện. Đó là dịng ý thức thơng qua điểm nhìn của
Benjy, là dịng ý thức thơng qua điểm nhìn của Quentin, là dịng ý thức
thơng qua điểm nhìn của Jason. Điểm nhìn trong tác phẩm thuộc về người
kể chuyện đã được nhân vật hóa, nhân vật trong tác phẩm được kể bởi
người trong cuộc. Để câu chuyện thêm thuyết phục, nhà văn không chỉ trao
15



quyền kể chuyện cho một cá nhân mà trao cho cả hai, ba người cùng trần
thuật. Gắn liền với đó là điểm nhìn cũng được gia tăng. Ở mỗi điểm nhìn
của người kể chuyện trong mỗi phần, người đọc đều thấy hiện lên nhân vật
Caddy, nhưng Caddy của Benjy lại không giống Caddy của Quentin, cũng
chẳng giống Caddy của Jason và cũng khơng như Caddy của người kể
chuyện trung hịa ở chương cuối.
Faulkner đã trao quyền phát ngơn cho chính các nhân vật trong tác phẩm
để nói về một nhân vật trong tác phẩm là Caddy, tuy nhiên nhân vật Caddy
lại khơng hề có mặt ở hiện tại. Caddy chỉ được xuất hiện dưới lăng kính
chủ quan của mỗi nhân vật bằng những hồi tưởng, nên hiện thực về nhân
vật này bị biến dạng sâu sắc. Vì thế Âm thanh và cuồng nộ đã mất đi
người kể chuyện đầy tự tin thuộc về một thế giới vẹn toàn và nguyên khối.
Người đọc phải hướng vào từng phần của tác phẩm để lắng nghe, trải
nghiệm với mỗi người kể chuyện để hình dung, cảm nhận và tự quan sát để
“nhìn” thấy nhân vật trọng tâm, xuyên suốt tác phẩm.
1.1. Caddy qua cái nhìn của Benjy
Người kể chuyện Benjy mở đầu cho tác phẩm này. Nhan đề tác phẩm rút
ra từ vở kịch Macbeth: “Đó là một câu chuyện dịng ý thức một thằng ngây
ngô kể ồn ào và điên giận chẳng có ý nghĩa gì cả”, nhưng thực ra câu
chuyện Benjy có ý nghĩa rất lớn. Benjy tuy khờ khạo nhưng bằng con mắt
đặc biệt và tâm hồn tinh tế đã đưa người đọc đến với một thế giới đầy tình
yêu thương và giàu cảm xúc. Tuy Benjy kể chuyện một cách vơ thức,
nhưng chỉ có anh ta với tư cách một thành viên gia đình Compson mới cảm
nhận được mọi sự thay đổi dù nhỏ nhất, đặc biệt với Caddy.
Trong thế giới của “âm thanh và cuồng nộ” hỗn loạn, Benjy là một
người khơng bình thường kể từ khi sinh ra, cậu bị câm và trí não chậm phát
triển. Mọi nhận thức của Benjy về thế giới bên ngồi thơng qua thị giác,
thính giác, xúc giác và đặc biệt là khứu giác và Benjy cảm nhận về chị
16



Caddy của mình bằng những cảm giác ấy. Sự “ngửi” của Benjy là sự hịa
trộn các giác quan, ít khi cậu cảm nhận chỉ bằng một giác quan. Thế giới
hiện lên qua cái nhìn của Benjy bị lược đi mọi đường nét cảm nhận cá
nhân, thế giới hiện lên như chính nó là vậy, dường như là khách quan và
khơng bị biến dạng. Nhưng những ý nghĩ của chàng khờ này lại đầy hỗn
loạn, phi lôgic khiến sự xuất hiện của sự vật hoàn toàn trong trạng thái
ngẫu nhiên, nhạt nhịa, khơng rõ nét. Nói như Virginia Woof: “Trí não con
người ghi nhận vô số những ấn tượng từ sự tầm thường điều tuyệt diệu đến
các cảnh vật chóng nhạt nhòa hoặc khắc sâu với những vết hằn vĩnh cửu.
Trên các nẻo đường đi đến, cùng hiện diện như cơn mưa rào triền miên của
vô khối sự kiện” [9, tr. 10]. Những ký ức, sự kiện có liên quan đến chị
Caddy của chàng khờ Benjy này cũng vậy, có lúc đổ dồn về ào ạt, vây kín
tâm trí cậu, xuyên qua mọi khơng gian và thời gian. Thật vậy, “trí nhớ lộn
xộn, xáo trộn hiện tại với quá khứ của Benjy đã khiến cho người đọc cảm
nhận sâu sắc những chuyển biến mang tính bi kịch trong số phận của
Caddy” [18, tr. 270]. Qua những cảm nhận vô cùng tinh tế và không
nhuốm màu thời gian của Benjy, người đọc càng được đi sâu, tường tận
tìm hiểu và khám phá những điều bí ẩn về nhân vật Caddy.
Dịng tâm tư của Benjy khơng có một chất kết dính nào để chắp nối các
sự kiện với nhau, chỉ có những sự kiện, quá khứ với hiện tại hòa vào một,
nhưng bản thân Benjy khơng phân biệt được dịng thời gian ấy. Song, dù
chẳng có gì để chắp nối các sự kiện diễn ra xung quanh Benjy, người đọc
vẫn thấy có một hình ảnh nổi bật mà các sự kiện rời rạc nhau có xu hướng
bị hút về đó là Caddy - người chị thân yêu của cậu em khờ khạo Benjy, với
tiếng nói, hành động, cử chỉ, sự quan tâm thấu hiểu đã thắp sáng thế giới
cơ đơn của Benjy. Vì thế trong hồi ức, trong suy nghĩ hiện tại của Benjy,
chị Caddy hiện lên đầy ấm áp, đẹp đẽ. Caddy như tượng trưng cho sự cứu
rỗi, đem lại cảm giác bình an cho cuộc đời Benjy.
17



Benjy hồn tồn khơng nhận thức được cuộc sống nhưng lại có khả năng
ghi nhớ chính xác các sự việc diễn ra xung quanh nhất là những gì liên
quan đến người chị gái Caddy… Mặc dù người kể chuyện không ý thức
được rằng mình đang “kể chuyện”, nhưng chính Benjy mới cho người đọc
thấy được bức chân dung của Caddy đa chiều hơn, với những lời mô tả hết
sức tự nhiên và đầy tình cảm. Benjy có thể ngửi thấy “Caddy có mùi cây”.
Ấn tượng này được lập lại mỗi khi Caddy có cử chỉ âu yếm, dịu dàng với
Benjy. Caddy và “mùi cây” không chỉ thể hiện sự cảm nhận lạ thường về
sắc điệu trinh nguyên mà còn gợi mối quan hệ gắn bó của con người với
cội nguồn thuần khiết, cái mang lại sự cứu rỗi và bình n. Tuy khơng nói
được nhưng Benjy cảm nhật rất tinh tế sự thay đổi của Caddy. Khi Caddy
khơng cịn trinh trắng nữa thì Benjy nhận ra khơng cịn mùi cây trên cơ thể
Caddy. Khi Caddy mặc chiếc áo diêm dúa hay lúc xức nước hoa và cả khi
cơ tình tự cùng Charlie, thì “tơi khơng cịn ngửi thấy mùi cây nữa và tơi ịa
khóc”. Đó là khi trong đám tang của bà, khi Caddy trèo lên cây để xem
mọi việc đang diễn ra, thì Benjy cùng Quentin, Jason và những cậu nhóc
con người đầy tớ da đen Dilsey “nhìn thấy cái đũng quần đầy bùn của chị”
[15, tr. 65], chỉ riêng Benjy là thấy chị Caddy “với những đóa hoa trên tóc
và tấm voan dài như gió sáng. Caddy Caddy” [15, tr. 65]. Benjy không
ngớt rền rĩ khi “Caddy ôm chồng lấy tơi, và tấm voan ngời sáng của chị,
tơi khơng cịn ngửi thấy mùi cây nữa và tơi ịa khóc. Benjy, Caddy nói,
Benjy. Chị lại ơm chồng tơi, nhưng tơi bỏ đi. “Sao thế, Benjy?” Chị nói,
“Tại cái mũ này phải không?” Chị bỏ mũ ra và lại tới, tôi bỏ đi…” [15, tr.
67]. Chỉ đến khi Caddy cởi bỏ những thứ diêm dúa ấy và Caddy rửa sạch
mọi thứ với nước thì Benjy mới lại tìm thấy chị Caddy của mình: “Em lại
tìm thấy Caddy phải khơng?”, chị nói. “Em tưởng Caddy đi mất rồi phải
khơng?” Caddy có mùi cây…[15, tr. 69]. Mùi cây của chị Caddy vừa
thoang thoảng trở về với Benjy thì Caddy đưa lọ nước hoa cho Benjy ngửi,

18



×