1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ THU HÀ
QUYỀN LỰC TRONG TIỂU THUYẾT
CỦA FRANZ KAFKA
Chuyên ngành Văn học nước ngoài
Mã số: 60.22.30
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đặng Anh Đào
Hà Nội – 2013
2
LỜI CAM ĐOAN
Trong quá trình hoàn thành luận văn, tất cả từ đề tài, ý tưởng đến nội
dung trình bày đều do sự nghiên cứu của riêng tôi dưới sự gợi ý và hướng dẫn
của người hướng dẫn khoa học – PGS. TS. Đặng Anh Đào. Tôi xin cam đoan
bản luận văn này không chép lại đề tài hoặc công trình nghiên cứu nào đã
được công bố ở Việt Nam.
Hà Nội, tháng 11 năm 2013
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Thu Hà
3
LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên, em xin chân thành cảm ơn quý thầy cô khoa Văn học, Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã dạy dỗ em
trong suốt những năm học Cao học và tạo điều kiện để em thực hiện luận văn
này.
Đặc biệt, em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới cô giáo hướng dẫn,
PGS. TS. Đặng Anh Đào, người đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ em trong
quá trình hoàn thành luận văn. Em đã học được ở cô một tinh thần nghiên cứu
khoa học nghiêm túc và thái độ làm việc hết mình. Xin gửi đến cô sự biết ơn
và kính trọng chân thành nhất.
Cảm ơn gia đình và những người bạn thân thiết đã luôn tin tưởng, động
viên và giúp đỡ em.
Hà Nội, ngày … tháng 11 năm 2013
Học viên
Nguyễn Thị Thu Hà
4
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2
3. Nhiệm vụ, mục đích, ý nghĩa của đề tài 15
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 16
5. Phương pháp và thao tác nghiên cứu khoa học 16
6. Đóng góp của luận văn 17
7. Cấu trúc của luận văn 17
CHƢƠNG 1. SỰ HIỆN DIỆN ÁM ẢNH CỦA QUYỀN LỰC 18
1.1 Đề tài 18
1.1.1 Đề tài tội ác và trừng phạt 18
1.1.2 Đề tài về cái phi lý của thân phận 20
1.2 Mô típ 21
1.2.1 Mô típ biến dạng/hóa thân 21
1.2.2 Mô típ mê cung mê thất 23
1.2.3 Mô típ ngôn ngữ bất khả tri 26
1.2.4 Mô típ con người bị đeo bám 29
1.3 Chủ đề 30
1.3.1 Tố cáo chế độ toàn trị 30
1.3.2 Phê phán ý thức bầy đàn 33
CHƢƠNG 2. BIỂU HIỆN ĐẶC TRƢNG CỦA QUYỀN LỰC 36
2.1 Tính chất vô hình 37
2.2 Tính chất huyền thoại 42
2.3 Tính chất phi lí 51
CHƢƠNG 3. QUYỀN LỰC: TÂM THẾ VÀ THỜI ĐẠI 58
3.1 Tâm thế 58
3.2 Thời đại 68
3.2.1 Kafka giữa thời đại của các thái cực 68
3.2.2 Kafka – Gạnh nối thời đại hay người đi trước thời đại 75
KẾT LUẬN 80
THƢ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 82
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Franz Kafka được coi là hiện tượng văn học đặc biệt của thế kỷ XX,
và là một trong những người là đã mở ra một thời kỳ mới của nghệ thuật. Với
một sự nghiệp sáng tác tuy không đồ sộ về số lượng nhưng đã khiến phần lớn
giới sáng tác và nghiên cứu phải ngưỡng mộ, Kafka được coi là người “đã
viết những cuốn sách có ý nghĩa nhất của nền văn chương Đức hiện đại,
những cuốn sách cưu mang trong nó sự chiến đấu của thế hệ hôm nay xuyên
suốt thế giới – trong khi kìm giữ mọi thiên vi.” [30, tr. 1]. Bằng ngòi bút của
mình, ông đã tạo nên những giá trị nghệ thuật có sức sống lâu bền và tầm tư
tưởng mang ý nghĩa thời đại. Không ai có thể phủ nhận được đóng góp to lớn
của ông trong việc thay đổi diện mạo nghệ thuật tiểu thuyết thế kỉ XX.
Trong quá trình nghiên cứu tác phẩm của ông, đặc biệt là bộ ba tiểu
thuyết còn dang dở là Vụ án, Lâu đài và Nước Mĩ, chúng tôi nhận thấy yếu tố
quyền lực là một chủ đề nổi bật tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm, đồng thời
cũng là một phương tiện truyền tải tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. F. Kafka
chắc chắn không phải là người đầu tiên viết về quyền lực, nhưng viết về vấn
đề này đầy ám ảnh, và khiến nhiều nhà nghiên cứu quan tâm lí giải… Tuy
nhiên, trên phương diện nghiên cứu về đặc trưng của quyền lực trong tiểu
thuyết của Kafka, hiện nay, ở Việt Nam, vẫn chưa có một công trình chuyên
biệt nào. Vì vậy, đặt ra việc tìm hiểu vấn đề này trong bộ ba tiểu thuyết của
ông là đáp ứng yêu cầu có tính thời sự.
1.2. Vấn đề quyền lực trong tiểu thuyết của Kafka là một vấn đề hết sức
thú vị, nhiều gợi mở. “Cái nhìn thôi miên của quyền lực” (nói theo M.
Kundera) trong sáng tác của Kafka là ám ảnh về quyền lực của chính tác giả,
của nhân vật và có sức mê hoặc với nhiều độc giả. Những vấn đề này, nếu
được tìm hiểu thông qua các thủ pháp nghệ thuật trong tác phẩm sẽ giúp
2
chúng ta khám phá các phương tiện có hiệu ứng tạo ra sức mạnh chiều sâu tư
tưởng ở bộ ba tiểu thuyết của ông (Vụ án, Lâu đài, Nước Mĩ). Từ đó, tạo tiền
đề cho việc tìm hiểu vấn đề quyền lực trong toàn bộ sáng tác của F. Kafka.
1.3. Hiện nay, ở Việt Nam, nghiên cứu trong nước cũng đã dành sự quan
tâm tới lí thuyết quyền lực, đặc biệt là lí thuyết quyền lực của Michel
Foucault (1926-1984), một triết gia nổi tiếng người Pháp. Bằng sự khảo sát
qua nhiều công trình đồ sộ, M. Foucault đã chỉ ra mối quan hệ giữa quyền lực,
tri thức và diễn ngôn: quyền lực thông qua ngôn ngữ để tạo ra tri thức, và sự
biến đổi của quyền lực cũng kéo theo sự biến đổi về nhận thức của cộng đồng
với cùng một hiện tượng xã hội. Sự quan tâm này của các nhà nghiên cứu
trong nước cũng đã tạo điều kiện thuận lợi và đồng thời, cho thấy hướng
nghiên cứu của chúng tôi là phù hợp và có tiềm năng.
1.4. Năm 2010, chúng tôi đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp, đề
tài: “Vấn đề quyền lực trong Lâu đài của Kafka dưới góc nhìn lí thuyết quyền
lực của Foucault”. Đây là nền tảng để chúng tôi tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn
đề quyền lực trong bộ ba tiểu thuyết của Kafka.
Với những tình hình như vậy, yêu cầu nghiên cứu vấn đề quyền lực
trong tiểu thuyết của Kafka một cách hệ thống đã trở nên cấp thiết.
2. Lịch sử vấn đề
Vấn đề nghiên cứu của chúng tôi bắt nguồn từ một nhận xét của M.
Kundera về “cái nhìn thôi miên” của quyền lực trong tiểu thuyết của Kafka.
Đây không phải là vấn đề mới trong sáng tác của ông, và đã được các nhà
nghiên cứu bàn tới từ rất sớm (Năm 1924, sau khi Kafka mất, báo Quyền lợi
Đỏ của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã nhận xét rằng: “Kafka thâm nhập vào cơ
chế xã hội, ông thấy nỗi đau của kẻ này, quyền lực và giàu sang của kẻ
khác”). Do vậy, trước khi tìm hiểu quyền lực trong tiểu thuyết của Kafka, ta
cần trở lại với những nhận định, đánh giá đó.
3
2.1 Ý kiến của giới phê bình Việt Nam
Ngay ở Việt Nam, Franz Kafka cũng sớm thu hút được sự quan tâm của
đông đảo những nhà nghiên cứu trong nước. Đồng thời, các nghiên cứu về
Franz Kafka của các nhà nghiên cứu lớn trên thế giới cũng đã được dịch và
giới thiệu khá phong phú. Trong luận văn này, chúng tôi chỉ đưa ra một cái
nhìn sơ lược về lịch sử nghiên cứu Kafka ở Việt Nam và tập trung vào những
ý kiến nghiên cứu phê bình có liên quan tới vấn đề quyền lực trong tác phẩm
của Kafka, đặc biệt là trong tiểu thuyết của ông.
Trước hết, do khó khăn về việc tiếp cận tư liệu nên chúng tôi đã gần
như bỏ qua việc khảo sát một số nghiên cứu về Kafka ở miền Nam Việt Nam
trước năm 1975. Tuy nhiên qua số tài liệu ít ỏi có trong tay, vẫn có thể thấy
rằng giới nghiên cứu miền Nam Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt tới
Kafka. Vào năm 1965, trên tạp chí Văn, Sài Gòn số 39 đã có một chuyên khảo
về Kafka. Trong số này, đã có những bài viết giới thiệu tiểu sử, cuộc đời, đặc
điểm thế giới nghệ thuật Kafka (Vũ Đình Lưu), dịch và giới thiệu truyện ngắn
của Kafka (Hoàng Hưng, Nguyễn Mạnh Côn).
Ở miền Bắc, việc tiếp cận Kafka và các tác phẩm của ông có phần
muộn hơn một chút, vào khoảng cuối những năm 1960 và thực sự nở rộ vào
đầu thập kỉ 1970. Trong một thời gian dài, Kafka chỉ được nghiên cứu một
cách sơ lược qua những cuốn như: Phương Tây – văn học và con người
(1971) của Hoàng Trinh; Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa của Đỗ Đức
Hiểu (1978); Về tư tưởng và văn học phương Tây hiện đại của Phạm Văn Sĩ
(1986)… Những tác phẩm này được coi như những nỗ lực đầu tiên đưa Kafka
đến với bạn đọc Việt Nam. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, các nhà nghiên
cứu này đều chỉ chú ý tới mặt tiêu cực trong sáng tác của Kafka, coi những
sáng tác của ông là sản phẩm của nghệ thuật tư sản suy đồi.
4
Bước sang thời kì đổi mới, nghiên cứu về Kafka được mở rộng hơn với
sự đóng góp tích cực của Đặng Anh Đào, Trương Đăng Dung, Đỗ Ngoạn,
Phùng Văn Tửu, Nguyễn Văn Dân, Hoàng Ngọc Tuấn, Lê Huy Bắc… Về cơ
bản, những vấn đề nghệ thuật và nội dung trong sáng tác của Franz Kafka
được nghiên cứu một cách chuyên sâu và tập trung, tiêu biểu nhất là trong ba
mảng đề tài: tính huyền thoại, tính phi lý và sự tha hóa. PGS. Đặng Anh Đào,
trong giáo trình Văn học phương Tây in năm 1992, đã cung cấp một cái nhìn
tương đối toàn diện về nội dung xã hội và thân phận con người trong sáng tác
của Kafka. Qua việc khảo sát lần lượt các tác phẩm tiêu biểu của ông như:
Biến dạng (còn có tên là Hóa thân), Nước Mĩ, Vụ án, bà cũng đã đề cập tới
ám ảnh về quyền lực trong những trang viết của thiên tài nghịch dị này:
“Kafka giữa lại ấn tượng rất sâu về sự đánh giá khắc nghiệt của cha đối với
mình và về quyền lực của người cha. Bởi thế sau này, những nhà phê bình
phân tâm học thường giải thích nhiều mô típ quan trọng trong tác phẩm của
ông (như: đứa trẻ bị kết tội, hình ảnh kẻ ăn bám, lời phán quyết…) như những
chấn thương (trauma) của tuổi thơ hằn lại trong tác phẩm” [8, tr. 643]. Năm
1995, trên tạp chí Văn học số 8, Đỗ Ngoạn có bài F. Kafka và thân phận cô
đơn của con người, trong đó đưa ra quan niệm của Kafka về một quyền lực vô
hình ở bên trên “quyết định và xem xét mọi việc”.
Nguyễn Văn Dân nhìn nhận Kafka trong “cuộc chiến chống phi lí”, tiếp
tục khẳng định vòng cương tỏa của thiết chế, của quyền lực đối với thân phận
của con người: “Cái quyền lực vô hình và phi lí trong Vụ án và Lâu đài đã
được ông biểu đạt thực sự tài tình và đấy ấn tượng… Trong tác phẩm của
Kafka, cái quyền lực vô hình và phi lí tồn tại như một bóng ma, nó lờ mờ ẩn
hiện và được vây bọc bởi một mê cung không thể vượt qua” [11, tr. 9]. Trong
bài Thế giới nghệ thuật Franz Kafka, giáo sư Trương Đăng Dung dành nhiều
sự quan tâm tới những băn khoăn của Kafka về số phận con người trước thiết
5
chế quyền lực phi lí: “Các tác phẩm của Franz Kafka là sự lí giải những ấn
tượng nghiệt ngã về thế giới phi lí, về sự tha hóa của con người trong vòng
vây của những thiết chế quyền lực vô hình” [15, tr. 939]. Khi đi sâu nghiên
cứu tiểu thuyết Lâu đài, giáo sư cho rằng: “Lâu đài trong cuốn tiểu thuyết
này, thực ra, cũng là luật pháp trong Vụ án: không thể tiếp cận, không thể tìm
gặp, nó tồn tại không cụ thể; khắp mọi nơi đều như có nó mà vẫn không có
nó. Tòa lâu đài là hình ảnh huyền thoại về một tổ chức quyền lực quan liêu
với những sợi dây vô hình đã trói buộc cuộc đời của từng con người… Cái
thiết chế quyền lực bí ẩn, với những hình ảnh quái dị, tầm thường đó đã chế
ngự đời sống của từng con người, quy định trạng thái sống, hành vi ứng xử và
cách nghĩ của họ, biến họ thành những kẻ làm theo, nói theo, vừa hài hước,
vừa tội nghiệp!” [15, tr. 942-943]. Tác giả cho rằng, Kafka, qua sáng tác của
mình “không chỉ xem xã hội tư bản là phi lí, mà mọi loại xã hội với những
thiết chế quyền lực không thực sự vì lợi ích của con người đều phi lí, xấu xa,
không đáng sống và không thể nào sống được” [15, tr. 938].
Năm 2006, nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc xuất bản cuốn Nghệ thuật
Phran-dơ Káp-ka, ca ngợi Kafka là “người khai sinh ra thi pháp mới của kỉ
nguyên hiện đại” [4, tr. 974]. Đồng thời, ông cũng đưa ra những nhận xét sắc
sảo về sự thống trị của quyền lực cũng như nỗi khổ nhục của con người trong
những tác phẩm của Kafka: “Thế giới của những người bị biến dạng, là sản
phẩm cơ bản của những kẻ độc tài biến dạng, hiểu theo nghĩa những kẻ độc
tài này không có hình thù cụ thể, không xuất hiện trong tác phẩm. Chúng chỉ
là những khái niệm mà bất kì ai nghe đến cũng đều run sợ. Mảng hiện thực
được Káp-ka khai sinh này là mảng hư ảo của những nhân vật vắng mặt, bao
gồm: kẻ độc tài, kẻ quan liêu, kẻ hối lộ - tham nhũng. Có thể các nhân vật này
đã từng được khắc họa trong tác phẩm của những nhà văn trước Káp-ka
nhưng không giống với bất kì ai trước đó lẫn sau này Káp-ka không tái dựng
6
cụ thể trong tác phẩm, ngay cả cái tên chúng cũng không có (chẳng hạn như
người kết tội Giô-dép K. trong Vụ án, ông chủ lâu đài trong Lâu đài…) nhưng
chỉ cần thông qua thái độ và xúc cảm tâm lí của các nhân vật có liên quan đến
họ thì người đọc sẽ thấy ngay sức mạnh quyền uy của họ lớn đến nhường
nào” [4, tr. 124]. Nhà nghiên cứu này cũng quan tâm tới việc lí giải ám ảnh
quyền lực trong sáng tác của Kafka qua hình ảnh của người cha.
Trong tạp chí Nghiên cứu văn học số 3/2006, Lê Thanh Nga có bài
Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka, tiếp tục khẳng định ám
ảnh quyền lực trong sáng tác của Kafka: “Bất kì ở đâu, bất kì lúc nào, sừng
sững trước mặt con người cũng là những thế lực có thể tạo cho họ nỗi khiếp
đảm, cho dù đó là pháp đình, lâu đài, lão chủ hay thậm chí là người thân thiết
nhất: người cha. Người cha với lời buộc tội trong Lời tuyên án, người cha với
cây gậy lăm lăm trong tay, với đôi giày “vĩ đại” và nhất là với quả táo ném
vào lưng chú côn trùng Gregor và dính luôn vào đấy không bao giờ rơi xuống
nữa, như một vết thù, như một nỗi đau mà định mệnh buộc phải hứng chịu
trong Hóa thân. Cũng cần phải nói thêm rằng, vết thương ấy nhắc người đọc
nhớ đến ông bố kiêm ông chủ khắc nghiệt mà chính nhà văn cũng phải sợ. Tất
cả những hệ thống áp chế ấy chính là hành lang quyền lực bao quanh con
người, thống trị hoàn toàn số phận của họ, kể cả thể chất và tinh thần” [36, tr.
109-110].
Đầu năm 2013, tác phẩm Thư gửi bố của Kafka đã được dịch ở Việt
Nam. Dịch giả Đinh Bá Anh trong phần “Đôi lời của dịch giả” đã đưa ra
những nhận xét như sau về vấn đề quyền lực trong tác phẩm Thư gửi bố nói
riêng và các tác phẩm của Kafka nói chung: “Chủ đề trung tâm trong Thư gửi
bố là quan hệ cha-con, trong đó người cha đóng vai một thứ quyền lực tối cao
được biện hộ đơn thuần bằng tính chính danh miễn tranh cãi do vị thế tự
nhiên của người cha là kẻ sinh thành và nuôi dưỡng người con; còn người
7
con, vốn là sản phẩm trực tiếp của ảnh hưởng từ người cha, vừa mò mẫm tìm
cách thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng này, vừa cố gắng tác động ngược lại người
cha, nhưng tất cả đều là những nỗ lực tuyệt vọng… Dưới sự đè nén bởi quyền
lực của người cha - một thứ quyền lực có sức mạnh vô biên và hiện diện ở
mọi nơi mọi lúc nhưng lại không rõ hình thù, vì nó được xây dựng dựa trên
cảm tính và tín điều chứ không phải dựa trên lí lẽ - tâm lí và tính cách của
người con bị biến dạng: anh ta trở thành người yếu đuối, nhu nhược, mất khả
năng quyết định; còn người cha trở thành kẻ cáu bẳn và đau khổ vì đứa con
mình sinh ra đã không thể trở thành người mạnh mẽ, quyết đoán như kì vọng.
(Ta có thể tìm thấy mô típ về một cuộc đấu với một thứ quyền lực không rõ
mặt trong nhiều tác phẩm của Kafka, đặc biệt trong hai tiểu thuyết Vụ án và
Lâu đài. Trong Vụ án, đó là cuộc đấu của Joseph K. với hệ thống tòa án đầy
quyền lực với các phòng ban nhằng nhịt như mê cung mà không một ai trong
số các nhân viên các cấp có thể nói cho Joseph K. biết thực ra anh bị bắt vì tội
gì. Còn trong Lâu đài, người đạc điền K. phải đối diện với một hệ thống hành
chính thôn xã có quyền lực vô biên, hiện diện ở khắp nơi, với các nhân viên
khệnh khạng và lười nhác, nhưng không một ai biết mặt ông chủ Lâu đài cũng
như hoạt động thực sự của nó.)” [16, tr. 11,12].
Kafka còn được nhắc tới trong một số công trình khác như một đối
tượng (vấn đề) so sánh, đối chiếu. Ví dụ như: Tiểu thuyết Pháp hiện đại
những tìm tòi đổi mới của Phùng Văn Tửu, Ernest Hemingway – Núi băng và
hiệp sĩ của Lê Huy Bắc, Truyện ngắn – Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn
thể loại của Bùi Việt Thắng, Cái kì ảo trong tác phẩm của Balzac của Lê
Nguyên Cẩn… Hầu hết các công trình này đều tiếp tục khẳng định vai trò tiên
phong của Kafka trong việc đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết. Ngoài ra, chúng
tôi xin phép không kể tên rất nhiều bài viết, các công trình nghiên cứu khác
nữa cả có liên quan và không liên quan trực tiếp tới đề tài của luận văn nhưng
8
đã giúp chúng tôi trong quá trình nghiên cứu cũng như định hướng phương
pháp chung (xin xem thêm phần Thư mục tài liệu tham khảo).
2.2 Ý kiến của giới phê bình nƣớc ngoài
Kafka, sinh thời, không phải là một nhà văn có tiếng tăm. Tên tuổi của
ông chỉ thực sự trở thành một tượng đài văn học thế giới sau khi ông mất
được hơn mười năm. Mặc dù vậy, ngay khi ông qua đời (1924), tờ Quyền lợi
đỏ của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã xem Kafka như một nhà văn có nhiều
đóng góp vào cuộc đấu tranh chống lại những thế lực tàn bạo chống lại con
người, và sớm nhận thấy ở ông “một trí tuệ tinh tế và trong sạch, từng ghê
tởm thế giới này và mổ xẻ nó bằng con dao không xót thương của lẽ phải.
Kafka xâm nhập vào cơ chế xã hội, ông thấy nỗi đau của kẻ này, quyền lực và
giàu sang của kẻ khác” [8, tr.654].
Vấn đề quyền lực trong tác phẩm của Kafka đã sớm trở thành mối quan
tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình trên thế giới. Năm 1935, Dorothy
Brewster và John Angus Burrell trong cuốn Tiểu thuyết hiện đại, đã dẫn ý kiến
của Harry Slochower cho rằng “cả hai cuốn The Trial và The Castle đều lấy đề
tài là bản chất của quyền hành, sự tranh đấu của con người với quyền hành của
thế nhân hay của Đức Chúa, và ý thức tội lỗi” [5, tr. 217]. Hai nhà nghiên cứu
này cũng đưa ra nhận định rằng “không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy Kafka
lấy bản chất và áp bức của quyền hành làm đề tài chính để viết văn.”
Năm 1956, khi xuất bản cuốn Lâu đài của Kafka (Kafka’s Castle),
Ronald Gray đã coi tòa lâu đài như một hiện thân của quyền lực: “Lâu đài
xuất hiện trước K. như một quyền lực đang lôi kéo anh ta tới cái nhìn đơn
nhất của nó về mọi thứ. K. sợ hãi “quyền uy của ngoại cảnh làm cho mình
chán nản, sợ sự dửng dưng mệt mỏi của mình trước những thất vọng, sợ sức
mạnh của những tác động không thể nhận thấy của từng giây lát” đang ngấm
ngầm phá hoại quyết tâm của anh ta khiến các giả định đều trở nên hoàn toàn
9
không chắc chắn. Không có điểm dừng nào cho vô số những khả năng giải
thích cho mỗi sự kiện, và K. là một gã vô danh có ý thức nhất về điều này.
Duy trì được nhận thức đó đồng nghĩa với “tự do”, đồng nghĩa với việc không
bị ngăn cấm bởi tập tục và truyền thống, việc nhìn mọi thứ hồn nhiên và tươi
trẻ.” [44, pg.35-36].
Năm 1957, trong cuốn Văn học và cái ác, Georges Bataille đã dành hẳn
một chương để viết về Kafka. Ông cũng đã dành sự quan tâm tới vấn đề
quyền lực trong tác phẩm của thiên tài nghịch dị và chủ yếu giải mã vấn đề
này dựa trên cách tiếp cận tiểu sử, xoáy sâu vào mối quan hệ nặng nề giữa
Kafka và cha. Nhà nghiên cứu này cũng đánh giá rất cao Kafka, ông cho rằng
“Kafka có lẽ là một nhà văn khôn ngoan nhất – bất kể trong tình huống nào
ông cũng không để mình bị lừa phỉnh” [3, tr. 228] hay “Cần phải có được sức
mạnh âm thầm và đến tuyệt vọng của Kafka để không mong mỏi vùng lên
chống lại quyền uy, từ chối quyền sống và tránh xa sự lầm lạc chung có thể
dẫn tới sự đối địch với quyền lực” [3, tr. 240].
Năm 1963, trong tác phẩm Về một chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến,
Roger Garaudy coi những nhân vật như quan tòa hay cha cố trong Vụ án “là
những người được ủy quyền của một quyền lực, hay một tôn giáo mà ý nghĩa
sâu sắc, có tính nhân văn hay thần thánh từ lâu đã bị quên đi, hoặc bị làm biến
chất” [23, tr. 309], những người “vẫn tiếp tục quản lí cái thiêng liêng đã mất
hết nội dung một cách bạo chúa và ngu độn” [23, tr. 309]. Nhà nghiên cứu
này cho rằng quyền lực của nhóm nhân vật thống trị trong sáng tác của Kafka
“vừa là quy luật của một thế giới chính trị và xã hội, vừa là quy luật vũ trụ của
thần thánh”. Joseph K., theo quan điểm của Roger Garaudy, cũng là một
người “sở hữu quyền lực nào đấy”, nhưng lại “không hề có quyền lực thực tế
nào” [23, tr. 306].
10
Năm 1971, R. M. Albérès trong Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học Âu
châu thế kỷ XX 1900 – 1959 cũng nhắc tới vấn đề quyền lực trong tác phẩm
của Kafka. Ông gọi những tác phẩm của thiên tài nghịch dị này là “thiên luận
về thần quyền mới mẻ vắng mặt thượng đế” [2, tr. 244]. Cũng trong khoảng
thời gian này, Ernest Fischer, khi phân tích tiểu thuyết Vụ án, đã đưa ra nhận
định sau: “Người chơi đàn hạc của Goethe buộc tội những thế lực quyền uy
trên trời rằng: “Các người đẩy kẻ đáng thương này vào tội ác và trao cho nỗi
đau!”. Nhưng Kafka thì lại trả lời về điều đó trong cuốn tiểu thuyết này (Vụ
án) rằng không phải các lực lượng quyền thế trên trời mà là các thế lực quyền
lực trần thế đã đẩy con người vào tội ác. Tuy nhiên, ở đây tội ác không sinh ra
từ sự căng thẳng cảm xúc, từ sự chống đối luật pháp như trong thế giới lãng
mạn của Milton, người chơi đàn hạc mà từ sự thui chột cảm xúc, từ việc con
người bị phụ thuộc vào quy luật của tham vọng, của đời sống tư sản để đề cao
địa vị. Kafka bằng những công cụ châm biếm kì quái, như là bức biếm họa
gây hoảng sợ, đã dựng lên cái bộ mặt quyền lực bẩn thỉu, thối nát, méo mó;
cái bộ máy truy trách nhiệm cho Jozsef K. và cái tòa án đồi bại, khuất tất mà
dám đại diện cho trật tự của thế giới đạo đức” [23, tr. 334-335].
Năm 1977, Gilles Deleuze và Félix Guattari xuất bản một trong những
nghiên cứu kinh điển về Kafka: Kafka - Vì một nền văn học thiểu số. Cuốn
sách khổ nhỏ, dày khoảng 127 trang, có nguyên một chương để bàn về vấn đề
quyền lực (Chương 6: Sự tăng sinh của các chuỗi: Vấn đề quyền lực - Ham
muốn, mảng và đường). Trong đó, các tác giả đưa ra quan điểm cho rằng:
“Không có một ham muốn quyền lực mà chính quyền lực là ham muốn… Vì
là một kết chuỗi nên ham muốn và các thành phần, các bộ phận của cỗ máy
hoàn toàn chỉ là một, ham muốn và quyền lực của cỗ máy hoàn toàn chỉ là
một” [10, tr. 166].
11
A. Karelski trong bài viết Về sáng tác của Franz Kafka, do Nguyễn
Văn Thảo dịch, in trên tạp chí Văn học nước ngoài, số 4 năm 1996, cũng đã
khẳng định các tiểu thuyết của Kafka là “bức tranh ấn tượng được thực hiện
đầy sáng tạo về sự bất lực của con người, của nhân cách đối diện với quyền
lực nặc danh và chế ngự tất cả” [31, tr. 194]. Trong bài viết này, ông tiếp tục
nhấn mạnh sự ám ảnh về quyền lực trong những tác phẩm của Kafka: “Ở
Kafka, thế lực nào đã gây ra tính bi kịch của các nhân vật? Kafka đã chú ý tới
vấn đề nguyên nhân, vấn đề thế lực quyết định kết quả cuối cùng ấy trong các
tác phẩm lớn của mình - trong các tiểu thuyết Vụ án và Lâu đài… Ở đây hình
thành rõ nét hai mặt của mối xung đột, ở đây xuất hiện cái thế lực quyết định
đến số phận của con người, thế lực ấy - là một kiểu hệ thống các định chế xã
hội chằng chịt và phức tạp, quan liêu đến cùng cực, vô tâm đến cùng cực, câu
kết với nhau bởi cơ chế cùng chịu trách nhiệm, cái thế lực mà sau nó không
còn nhìn thấy một mục đích hợp lí nào nữa, ngoại trừ có một: đè bẹp cá thể K.
này, khơi lên trong anh ta cảm giác có tội. Ở Kafka trong Vụ án chỉ có một
định nghĩa, hơn nữa lại là tổng quát cho thế lực ấy: - đó là Luật pháp (có thể
nói là tính cần thiết được biểu trưng hóa, là quyền lực của thế giới bên ngoài,
là cái cần thiết đã thắng sự tự do của cá thể)” [31, tr. 190-191].
Trong Tiểu luận, Milan Kundera đã nhiều lần nhắc tới vấn đề quyền lực
trong sáng tác của Kafka và đặc biệt nhấn mạnh tới tính mê cung và tính phi lí
của quyền lực: “Kafka không tiên tri. Ông chỉ nhìn thấy cái “ở đằng sau kia”.
Ông không biết rằng cảm nhận của ông cũng là một tiên cảm. Ông không có ý
định lột mặt nạ một chế độ xã hội. Ông đã đưa ra ánh sáng những cơ chế mà
ông biết trong hoạt động riêng tư và vi - xã hội của con người, không ngờ
rằng sự tiến hóa về sau của lịch sử lại làm chuyển động chúng lên sân khấu
lớn của nó. Cái nhìn thôi miên của quyền lực, cuộc đi tìm tuyệt vọng tội lỗi
của chính mình, sự loại trừ và nỗi kinh hoàng bị loại trừ, tội buộc phải xu
12
thời, tính chất hư ảo của cái thật và thực tại ma thuật của hồ sơ, sự xâm phạm
thường xuyên đời sống riêng tư…, tất cả những trò thí nghiệm đó mà lịch sử
thực hiện với con người trong những ống nghiệm khổng lồ, Kafka đã thực
hiện chúng (vài năm sớm hơn) trong các tiểu thuyết của ông” [17, tr. 119].
Milan Kundera cũng đã gọi quyền lực trong tác phẩm của Kafka là “một thiết
chế có tính mê cung duy nhất mênh mông mà họ không thể thoát ra và không
thể hiểu được” [17, tr. 103], “quyền lực được thần thánh hóa”, “ngày một trở
nên bí hiểm” [17, tr. 112-113]. Ông cho rằng chất Kafka trong thế giới hiện
đại chính là sự tập trung dần quyền lực hướng đến sự tự thần thánh hóa; sự
quan liêu hóa các hoạt động xã hội biến tất cả các cơ quan thành các mê cung.
Năm 1986, Richard K. Myer trong bài viết Vấn đề của quyền lực:
Franz Kafka và Nagib Mahfuz (The Problem of Authority: Franz Kafka and
Nagib Mahfuz) đăng trên Tạp chí Văn học Ả rập, tập 17 đã viết: “Ý tưởng về
trật tự được cố định vĩnh viễn trong vấn đề về quyền lực. Một ai đó hoặc một
điều gì đó phải được thiết lập và duy trì hệ thống trật tự. Đó là một sức mạnh
cưỡng ép của một quyền lực mà cho phép một trật tự được áp dụng, trong khi
khước từ trật tự khác… Những tác phẩm của Kafka là những chân dung đầy
kiên nhẫn của sự phi lí. Mọi quyền lực hoặc là một sự bối rối đối với chính
bản thân nó hoặc đang đóng vai trò của một kẻ hoàn toàn ngốc nghếch…
Quyền lực - sức mạnh - trong vũ trụ không phải là đối tượng của sự khinh
miệt với Kafka hay Mahfuz. Chính xác hơn, đó là đối tượng của sự bối rối.
[47, pg. 82-83].
Trong cuốn sách ra mắt vào năm 2004, Kafka: Lược dẫn (Kafka: A
Very Short Introduction) của Nhà xuất bản Đại học Oxford, tác giả Richie
Robertson cũng dành nhiều sự quan tâm tới vấn đề quyền lực: “Làm thế nào
người ta có thể thoát khỏi những cấu trúc của quyền lực? Nhiều nhân vật của
Kafka tìm thấy một sự tự do tạm thời và mơ hồ. Sự giam mình của Gregor
13
trong căn phòng của anh ta dưới hình dạng côn trùng, mỉa mai thay, giải thoát
anh ta khỏi những gánh nặng kinh tế và xã hội. Tiến sĩ Bucephalus bước ra
ngoài lịch sử bằng cách miệt mài đọc những cuốn sách luật. Con linh trưởng
trong Báo cáo dành cho Viện hàn lâm, đã phải đối mặt với tình trạng nuôi
nhốt, từ bỏ bất kì khát vọng nào hướng tới “cảm giác hùng vĩ của tự do từ mọi
hướng” và dàn xếp một “lối thoát” như một nghệ sĩ trình diễn âm nhạc. Trong
Chương 8 của cuốn Lâu đài, K. đòi quyền lợi của mình bằng cách ngăn
Klamm không bước vào xe trượt tuyết, rồi nhận thấy mình đứng đơn độc
trong một cái sân phủ đầy tuyết với một sự tự do trống rỗng và vô nghĩa:
“không có cái gì tuyệt vọng hơn sự tự do, sự chờ đợi và sự bất khả xâm phạm
này”” [50, pg. 94]. Ông cũng cho rằng ám ảnh quyền lực trong sáng tác của
Kafka là bắt nguồn từ gia đình. Cũng trong cuốn sách này, ông viết: “Gia
đình, với Kafka, cũng chính là cội nguồn quyền lực, tội lỗi, kỉ luật và trừng
phạt. Thư gửi Cha mô tả cách Hermann Kafka đặt ra những quy định về cách
cư xử đúng mức mà ông luôn được miễn trừ. Từ những trải nghiệm như vậy,
Kafka đã hình dung ra pháp luật là một cỗ máy quyền lực, bắt nguồn từ những
mối quan hệ gia đình. Trẻ em, phụ thuộc vào cha mẹ chúng và bị mắc kẹt bởi
những xiềng xích của tình yêu thương, chấp nhận quyền lực áp đặt lên sinh
mạng nhỏ bé của chúng, và tiếp nhận những tiêu chuẩn hành vi mà sau đó
chúng sẽ áp đặt lên con cái của chúng sau này. Sự phục tùng củng cố nguyên
tắc/điều luật trong gia đình đã tiếp tục được duy trì ở tuổi trưởng thành như là
sự phục tùng trong những thể chế xã hội. Như nhà triết học Marxist Louis
Althusser đã lập luận, và như Kafka đã biết trước đó, rằng quyền lực của xã
hội dựa phần lớn không phải trên sự áp bức về mặt thể xác mà dựa trên sự
thừa nhận những thể chế xã hội của mọi người, kể cả với những thể chế hủy
hoại họ.” [50, pg. 72]. Cũng dựa trên quan điểm này, Richie Robertson đã
“góp mặt” trong cuốn Kafka với thế kỉ XXI (Kafka for Twenty-First Century)
14
với một bài viết có nhan đề: Kafka, Goffman và thể chế toàn trị (Kafka,
Goffman, and the Total Institution). Trong đó ông tiếp tục khẳng định: “Kafka
có một cái nhìn sâu sắc khác thường đối với những cơ chế của sức mạnh, uy
quyền và bạo lực, những cơ chế mà đã trở thành thước đo chung cho một loạt
các hệ thống xã hội” [43, pg. 137].
Trong cuốn Kakfa: Dẫn nhập (Introducing Kafka) xuất bản năm 2006
của Totem Books & Icon Books, các tác giả David Zane Mairowitz, Robert
Crumb khẳng định quyền lực, cùng với sự phục tùng, và sự nhục mạ là đề tài
chính trong văn chương của Kafka. Cũng trong cuốn sách này, hai tác giả có
viết: “Nỗi sợ hãi suốt đời của Kafka về việc phải đối diện với quyền lực tối
cao, điều đã trở nên nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết Vụ án và Lâu đài, bắt
nguồn từ cha ông, Hermann Kafka. Kafka cảm thấy sợ hãi và căm ghét các
giáo viên ở trường, nhưng luôn phải kính trọng những người này chỉ vì họ có
một vị trí uy quyền. Ông cũng không bao giờ nổi loạn. Thay vào đó, Kafka
biến nỗi sợ hãi thành một kiểu tự hạ mình hoặc một chứng bệnh tâm lí. Trong
tất cả mọi lần gặp phải những chuyện không may với quyền lực, Kafka tự
biến mình thành một kẻ tội đồ. Hơn nữa, giống như trong mối quan hệ truyền
thống giữa chủ nhân và nô lệ, giữa kẻ thực dân và người thuộc địa, ông bắt
đầu nhìn chính bản thân mình qua đôi mắt của người cha.” [46, pg. 28]
2.3 Tiểu kết
Qua việc khảo sát tư liệu (khoảng 35 tư liệu bằng tiếng Việt và tiếng
Anh), có thể nói các nhận định về quyền lực trong tác phẩm của Kafka nói
chung, và tiểu thuyết Kafka nói riêng được tập trung vào ba hướng chính:
Thứ nhất là lí giải ám ảnh quyền lực trong tác phẩm của Kafka dưới
góc độ xã hội học.
Thứ hai, lí giải ám ảnh quyền lực dưới góc độ phân tâm học, đại diện là
Ritchie Robertson.
15
Thứ ba, tiếp cận quyền lực dưới góc nhìn huyền thoại học: đồng nhất
quyền lực trong tác phẩm Kafka với quyền lực của Chúa. Đại diện cho nhóm
này, có thể nhắc tới Max Brod, người bạn thân thiết của Kafka và cũng là
người luôn cho rằng “phạm trù thánh thần, không phải phạm trù văn học, là
cái duy nhất có thể áp dụng để hiểu văn chương Kafka”. Ngoài ra có thể nhắc
tới các đại diện khác như Thomas Mann, Harry Slochower, Erich Helen, R.
M. Albérès…
Qua lịch sử vấn đề, có thể nhận định rằng, mặc dù được nhắc tới trong
nhiều công trình nghiên cứu và được giải mã theo nhiều cách khác nhau,
quyền lực trong tiểu thuyết của Kafka nói riêng, và các tác phẩm của ông nói
chung, chưa phải là vấn đề được nghiên cứu chuyên biệt ở Việt Nam mà
thông thường chỉ được đặt trong một nhánh nhỏ khi nghiên cứu Kafka dưới
góc độ huyền thoại học, phân tâm học hay triết học… Ngoài ra, cũng cần phải
nói thêm rằng, các nhà nghiên cứu đã bỏ công sức rất nhiều đối với hai tiểu
thuyết của ông là Vụ án và Lâu đài, trong khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên của
ông là Nước Mĩ lại chỉ được nhắc đến rất ít (Ở Việt Nam, cuốn tiểu thuyết này
chưa được chuyển ngữ và chỉ được một vài nhà nghiên cứu nhắc tới, tiêu biểu
là: Đặng Anh Đào trong phần Franz Kafka, Văn học phương Tây; Lê Huy Bắc
trong Nghệ thuật Phran-dơ Káp-ka và Đỗ Văn Khang trong bài viết Franz
Kafka – Người mở đầu cho chủ nghĩa hiện sinh về phương diện văn học, in
trong cuốn Những vấn đề triết học phương Tây). Chính vì những lí do trên,
chúng tôi muốn tiến hành một nghiên cứu chuyên biệt về những nét đặc trưng
của quyền lực trong bộ ba tiểu thuyết của ông.
3. Nhiệm vụ, mục đích, ý nghĩa của đề tài
3.1 Xác định vấn đề quyền lực là một trong những đề tài bao quát các
tiểu thuyết của Kafka, ở đó xuất hiện “cái nhìn thôi miên của quyền lực”.
16
3.2 Phát hiện những nét đặc trưng của quyền lực trong tác phẩm của
Kafka
3.3 Lý giải quan niệm nghệ thuật của Kafka từ vấn đề “quyền lực”.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Tác phẩm khảo sát
- Tiểu thuyết Lâu đài, Trương Đăng Dung dịch, in trong cuốn Tuyển tập
tác phẩm Franz Kafka, Nguyễn Văn Dân chủ biên, Nxb Hội nhà văn, Trung
tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2003.
- Tiểu thuyết Vụ án, Phùng Văn Tửu dịch, in trong cuốn Tuyển tập tác
phẩm Franz Kafka, Nguyễn Văn Dân chủ biên, Nxb Hội nhà văn, Trung tâm
Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2003.
- Tiểu thuyết Amerika (The man who disappeared), bản dịch tiếng Anh
của Micheal Hofmann, A New Directions Book, 2004.
4.2 Đối tƣợng nghiên cứu
4.2.1. Những biểu hiện của quyền lực trong tiểu thuyết của Kafka.
4.2.2. Những kĩ thuật đặc trưng của Kafka để khẳng định sức ám ảnh
của quyền lực.
5. Phƣơng pháp và thao tác nghiên cứu khoa học
Trong quá trình triển khai đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp
sau:
5.1 Sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống dựa trên hai trục chính:
- Đề tài, mô típ, chủ đề: hệ thống kĩ thuật phù hợp với mục đích chứng
minh sức ám ảnh của quyền lực trong tiểu thuyết Kafka.
- Đúc kết những đặc trưng chung của quyền lực – điều làm nên vị trí
riêng biệt trong tác phẩm của thiên tài Kafka so với những tác giả từng đề cập
đến vấn đề này.
5.2 Thao tác đối chiếu so sánh:
17
- Với một số truyện ngắn của Kafka
- Với một số tác phẩm của một vài tác giả hiện đại có chung đề tài về
quyền lực
5.3 Phương pháp xã hội học
5.4 Phương pháp phân tâm học
5.5 Phương pháp phân tích tiểu sử
6. Đóng góp của luận văn
6.1 Luận văn là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách
chuyên sâu về vấn đề quyền lực trong bộ ba tiểu thuyết của Franz Kafka.
6.2 Luận văn đóng góp một cái nhìn vào tiểu thuyết của Franz Kafka –
một tác giả nằm trong chương trình nghiên cứu ở bậc đại học.
7. Cấu trúc của luận văn
Tương ứng với những nhiệm vụ đã đề ra, ngoài phần Mở đầu và Kết
luận, luận văn sẽ chia thành ba chương:
Chương 1: Hiện diện ám ảnh của quyền lực
Chương 2: Biểu hiện đặc trưng của quyền lực
Chương 3: Quyền lực: Tâm thế và thời đại
Cuối cùng là phần Thư mục Tài liệu tham khảo.
18
CHƢƠNG 1
SỰ HIỆN DIỆN ÁM ẢNH CỦA QUYỀN LỰC
Trong chương này, chúng tôi khảo sát về mặt số lượng đề tài, mô típ,
chủ đề trong ba cuốn tiểu thuyết: Nước Mĩ, Vụ án, Lâu đài của Kafka, để
chứng minh sự hiện diện ám ảnh của quyền lực. Chúng tôi không có ý định
liệt kê tất cả những đề tài, chủ đề, mô típ có trong ba tác phẩm này mà chỉ đề
cập tới những mảng có liên quan tới vấn đề quyền lực, hoặc là cách thể hiện
vấn đề này trong tiểu thuyết của Kafka. Có thể nói, những đề tài mô típ, chủ
đề này là một sự “đề cập” tới quyền lực. Thêm nữa, riêng về khía cạnh “chủ
đề”, có thể nó không hoàn toàn nằm trong ý đồ của nhà văn – nhưng thông
qua tác phẩm, những chủ đề nêu lên ở đây, chủ yếu thuộc về tiếp nhận của
người đọc, bởi những tư tưởng của Kafka thường biểu đạt một cách mông
lung, hồn nhiên, khó nắm bắt.
1.1 Đề tài
1.1.1 Đề tài tội ác và trừng phạt
Tội ác và trừng phạt là một đề tài phổ quát đã được phản ánh và lí giải
trong các tác phẩm văn chương của nhân loại. Song ở Kafka, nói đến đề tài
này là nói đến quyền lực – quyền lực của kẻ trừng phạt tội lỗi. Nước Mĩ, Vụ
án hay Lâu đài đều xoay quanh một cá nhân có mặc cảm tội lỗi đè nặng và
phải chịu đựng sự trừng phạt từ các thế lực siêu hình vượt khỏi tầm hiểu biết
và kiểm soát của anh ta.
Trong Nước Mĩ, Karl Rossmann bị cha mẹ đưa sang Mĩ vì làm cho cô
hầu gái có bầu. Ngay từ đầu cuốn tiểu thuyết, cậu đã xuất hiện như một đứa
trẻ bị cha trừng phạt, và suốt hành trình khốn khổ của cậu, cậu liên tục gặp
phải những rắc rối với người chú giàu có, người quản lí khách sạn, người
canh cửa khách sạn, rồi hai gã bạn xấu… Họ hành hạ Karl khi cậu mắc phải
bất kì lỗi nhỏ nào. Trong Vụ án, Jôzep K. bị tuyên bố là có tội. Anh ta cố gắng
19
tìm cách biện hộ, “chạy án” nhưng không đạt được kết quả gì. Anh ta sống
trong trạng thái mơ hồ đó cho tới khi bị giết. Nạn nhân chịu đựng những điều
vô lí ấy như những sự kiện hiển nhiên, giống như một đứa con bị cha hành
tội, cam chịu việc nhận một cái chết vô lí… Trong Lâu đài, nhân viên đạc
điền K. đi từ một nơi xa xôi tới Lâu đài nhưng anh ta lại nhận được thông báo
ở đây không có gì phải đo đạc cả. Càng cố gắng chứng minh mình là nhân
viên đo đạc do Lâu đài gọi tới, K. càng sa vào một mê cung khốn khổ của bộ
máy hành chính quan liêu, và dần dần rơi vào cảnh “sống mòn” bên cạnh tòa
Lâu đài mà anh ta không thể nào tiếp cận được…
Cả ba cuốn tiểu thuyết của Kafka đều xoay quanh một nhân vật phạm
lỗi, có thể là một tội lỗi rõ ràng (Karl trong Nước Mĩ) hoặc là một tội lỗi mơ
hồ (K. trong Vụ án) hoặc là tội lỗi siêu hình (Jôzep K. trong Lâu đài). Tội lỗi
này có thể được lí giải như là mặc cảm tội lỗi của người con đối với người
cha hoặc tội lỗi nguyên thủy của tín đồ Ki tô giáo. Và suốt hành trình khốn
khổ của mình, các nhân vật đều phải chịu đựng sự trừng phạt nhằm tìm kiếm
một sự cứu rỗi. Cuộc tìm kiếm của Karl Rossmann, K. hoặc Jôzep K. đều báo
trước một kết cục hết sức đau đớn. Niềm tin và bản sắc của họ bị bào mòn
trong một sự chờ đợi vô vọng. Nhân vật chính của những cuốn tiểu thuyết này
là đại diện cho “kẻ phạm tội” hoàn toàn bất lực trước tình trạng bị cô lập, bị
loại trừ của mình. Với họ, không có sự giải thoát nào khỏi bản án tử hình,
thậm chí “một đức tin bền vững” chỉ là điều vô nghĩa trong một thế giới tha
hóa. Không giống như các tác phẩm khác về đề tài tội lỗi và trừng phạt, kẻ
phạm lỗi đến cuối tác phẩm sẽ bị tuyên án và nhận lấy sự trừng phạt, trong
các tiểu thuyết của Kafka, sự trừng phạt đã đến sớm hơn rất nhiều. Nói như
Kundera, trong sáng tác của Kafka, sự trừng phạt đi tìm kiếm tội lỗi chứ
không phải là tội lỗi đi tìm sự trừng phạt.
20
1.1.2 Đề tài về cái phi lý của thân phận
Các tác phẩm của Kafka tập trung phản ánh cái phi lý của những thân
phận bé mọn bị đè bẹp bởi quyền lực. Tiểu thuyết Vụ án kể về Jôzep K., một
nhân viên ngân hàng vào ngày sinh nhật lần thứ 30 đã bị bắt ngay trên giường
ngủ của mình vì một tội lỗi nào đấy mà anh ta không hề biết. Sau đó, suốt một
năm trời, anh ta phải trải qua những cuộc thẩm vấn với những nhân vật trung
gian mà không được gặp bất cứ một quan tòa thực sự nào hay điều trần trước
bất cứ một tòa án nào. Anh ta sống trong trạng thái mơ hồ đó cho tới khi bị
giết. Nạn nhân chịu đựng những điều vô lí ấy như những sự kiện hiển nhiên,
giống như một đứa con bị cha hành tội, cam chịu việc nhận một cái chết vô lí.
Tới kỉ niệm sinh nhật lần thứ 31, K. bị hai gã to béo lôi ra khu khai thác đã ở
ngoại ô thành phố, cho hai nhát dao vào tim.
Tiểu thuyết Lâu đài kể về K., một nhân viên trắc địa được mời tới làm
việc tại một khu làng chịu sự cai quản của bá tước West West. Nhưng khi K.
tới đó, người ta nói ở đây không cần nhân viên đo đạc, rằng việc triệu tập anh
ta là một sự nhầm lẫn của giới quan chức. Từ đó, K. lâm vào tình trạng của một
kẻ xa lạ, không thuộc về Lâu đài, cũng không thuộc về làng, buộc phải lao vào
một hành trình mỏi mệt để chứng minh cho sự tồn tại của mình. Tuy nhiên,
cũng giống như Jôzep K., K. chẳng bao giờ tiếp cận được những người sống
trong tòa lâu đài bí hiểm kia dù anh ta có cố gắng như thế nào chăng nữa. Thậm
chí, những người dân làng ở quanh đó cũng không hề ủng hộ anh ta.
Cuốn tiểu thuyết Nước Mĩ lại xoay quanh Karl Rossmann, một thanh
niên 17 tuổi được bố mẹ đưa sang Mĩ vì tội làm cho cô hầu gái có bầu hoặc
nói chính xác hơn là bị cô hầu gái dụ dỗ làm những việc mà chính cậu cũng
không hiểu rõ. Ngay từ đầu, cuốn tiểu thuyết đã mở ra bằng một tình huống
khó tin: cậu ta để quên ô trên tàu nên giao vali có toàn bộ tài sản của cậu cho
một người bạn mới quen, sau đó bị lạc đường, gặp người thợ đốt lò, đấu tranh
21
cho sự công bằng của ông ta và tình cờ gặp ông chú Jakob giàu có của cậu.
Cuốn tiểu thuyết sau đó là một chuỗi những tình huống phi lý khác: một lần
nữa bị đuổi khỏi nhà trên đất khách; khi bị đuổi đi, cậu được trả lại vali bị thất
lạc với đầy đủ tài sản ở bên trong; bị hai gã bạn xấu đeo bám một cách kì
quặc đến độ bị mất việc…
Trong cả ba cuốn tiểu thuyết của Kafka, nhân vật chính càng cố gắng
thoát khỏi tình trạng khốn khổ của mình thì lại càng lạc sâu vào mê cung của
một thế giới phi lí, không thể nào hiểu nổi và tồn tại ngoài ý muốn của con
người. Từ những chất liệu hiện thực: tòa án, luật pháp, khách sạn…, Kafka đã
nhào nặn, biến đổi chúng để tạo ra sự phi lí. Ông đưa các phòng lưu trữ của
tòa án lên tầng áp mái của khu cư xá, các căn phòng làm việc được nhét vào
không gian vừa chật vừa tối… Trong tiểu thuyết của Kafka, có người bị bắt
nhưng lại có thể nói anh ta không hề bị bắt: không bị tống giam, vẫn đi làm
bình thường, thậm chí vẫn tán tỉnh yêu đương; có anh chàng đạc điền không
thể nào chứng minh được sự tồn tại của mình và có cậu bé 17 tuổi lúc nào
cũng ngơ ngác trước những trò ác ý người ta dành cho cậu. Những nhân vật
của ông chờ đợi điều không bao giờ tới, tìm gặp người không bao giờ gặp
được, và “Cái phi lý đó ẩn náu xa vời đằng sau mấy lần cửa của tòa lâu đài
pháp luật bí ẩn mà con người suốt cả cuộc đời vẫn không thể nào tiếp cận và
hiểu được nó” [11, tr. 45].
1.2 Mô típ
1.2.1 Mô típ biến dạng/hóa thân
Theo Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Khoa học xã hội (1994) thì:
Hóa thân là một dạng của “biến dị”, nghĩa là “sự thay đổi ít nhiều về hình
dạng, cấu tạo, đặc tính sinh học ở cá thể sinh vật do ảnh hưởng của các đột
biến di truyền hoặc của môi trường khác nhau”, hóa thân cũng còn là một
kiểu của biến hóa “biến đổi thành ra cái khác hoặc sang trạng thái khác, hình