Tải bản đầy đủ (.pdf) (28 trang)

Công chúng thế hệ Net với các phương tiện truyền thông đại chúng tt.PDF

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (952.67 KB, 28 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN






HOÀNG THỊ THU HÀ
(chữ hoa, BOLD, Times New Roman, cỡ 13)





CÔNG CHÚNG THẾ HỆ NET VỚI CÁC
PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG
(chữ hoa, đậm, Times New Roman, cỡ 18)









LUẬN VĂN THẠC SĨ BÁO CHÍ
(chữ hoa, không đậm, Times New Roman, cỡ 13)















Hà Nội, 2011
(chữ thường, đậm, Times New Roman, cỡ 13)

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN








HOÀNG THỊ THU HÀ







CÔNG CHÚNG THẾ HỆ NET VỚI CÁC
PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG





Chuyên ngành: Báo chí học
Mã số: 60.32.01


LUẬN VĂN THẠC SĨ BÁO CHÍ





Người hướng dẫn khoa học: TS. Đặng Thị Thu Hương









Hà Nội, 2011

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài ……………………………………………………… trang 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề………………………………………………………….3
3. Mục đích nghiên cứu……………………………………………………………….11
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu……………………………………………… 11
5. Phương pháp nghiên cứu…………………………………………………… 12
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn…………………………………………………… 12
7. Cấu trúc của luận văn………………………………………………………………12
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Cơ sở lý thuyết ………………………………………………………………… 13
1.1.1. Vài nét về lịch sử nghiên cứu truyền thông đại chúng trên thế giới………….13
1.1.2. Một số phương pháp nghiên cứu truyền thông đại chúng cơ bản……………19
1.2. Vài nét về sự phát triển của mạng internet ………………………………………22
1.3. Một số khái niệm được sử dụng trong luận văn………………………………….26
1.3.1. Truyền thông………………………………………………………………….26
1.3.2. Truyền thông đại chúng…………………………………………………… 27
1.3.3. Công chúng……………………………………………………………… 27
1.3.4. Thế hệ Net…………………………………………………………………… 28
1.4. Các câu hỏi nghiên cứu………………………………………………………… 29
1.5. Các phương pháp điều tra……………………………………………………… 29
Tiểu kết chương 1………………………………………………………………… 30
CHƯƠNG 2: CÁC KẾT QUẢ ĐIỀU TRA
2.1. Đối tượng và đặc điểm của mẫu điều tra thế hệ Net………………………………31
2.2. Những đặc điểm nổi bật trong cách thức sử dụng các
phương tiện truyền thông đại chúng của mẫu điều tra thế hệ Net…………………… 32
2.2.1. Mức độ và cách thức sử dụng mạng internet……………………………… 32
2.2.1.1. Mức độ sử dụng mạng internet…………………………………………….32
2.2.1.2. Mục đích sử dụng mạng internet………………………………………… 37
2.2.2. Mức độ và cách thức đọc báo in………………………………………………46

2.2.3. Mức độ và cách thức nghe phát thanh…………………………………… ….49
2.2.4. Mức độ và cách thức theo dõi truyền hình………………………………… 53
2.2.5. Tương quan giữa việc sử dụng mạng internet với
việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng khác ……………………… 59
2.3. Sự phân nhóm trong mẫu điều tra thế hệ Net và một số dị biệt trong cách thức
sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng giữa các phân nhóm……………… 63
2.3.1. Phân nhóm theo thị hiếu và giới tính……………………………………….…63
2.3.2. Phân nhóm theo môi trường học tập………………………………………….67
Tiểu kết chương 2…………………………………………………………………… 70
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI CÁC PHƯƠNG TIỆN
TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG
3.1. Mẫu điều tra thế hệ Net có nhu cầu sử dụng các phương tiện truyền thông
đại chúng tương đối cao…………………………………………………………….…71
3.1.1. Nhu cầu sử dụng mạng internet……………………………………………….71
3.1.2. Nhu cầu theo dõi truyền hình……………………………………………….…75
3.1.3. Nhu cầu nghe phát thanh…………………………………………………… 76
3.1.4. Nhu cầu đọc báo in………………………………………………………….…77
3.2. Mạng internet có ảnh hưởng tới mức độ và cách thức sử dụng báo in, phát thanh
và truyền hình của mẫu điều tra thế hệ Net……………………………………………78
3.3. Thế hệ Net là tập hợp của các phân nhóm công chúng với các đặc trưng dị biệt 80
3.4. Một số đề xuất đối với các phương tiện truyền thông đại chúng……………….…81
Tiểu kết chương 3 …………………………………………………………………… 83
KẾT LUẬN…………………………………………………………………………… 84
TÀI LIỆU THAM KHẢO……………………………………………………………….87
PHỤ LỤC……………………………………………………………………………… 94






1

MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Việt Nam chính thức hòa mạng thế giới vào năm 1997. Sau mười bốn năm phát
triển, với khoảng 1/3 dân số cả nước sử dụng mạng internet, có thể nói, cho tới nay,
mạng internet tại Việt Nam tương đối bắt nhịp so với thế giới. Và năm 2011, lần đầu
tiên Việt Nam lọt vào danh sách 20 quốc gia có số lượng người sử dụng mạng
internet lớn nhất thế giới (thứ 19) [67].
Vậy, công chúng thế hệ Net tại Việt Nam có diện mạo như thế nào? Với quan
điểm, thái độ và thói quen tiếp nhận các sản phẩm truyền thông đại chúng ra sao? Sự
ảnh hưởng của mạng internet tới thói quen tiếp nhận của nhóm công chúng này đối
với các loại hình truyền thông truyền thống (báo in, phát thanh, truyền hình) như thế
nào?
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Về lịch sử nghiên cứu thế hệ Net trên thế giới: Don Tapscott được coi là người đầu
tiên giới thiệu thuật ngữ Net Generation (thế hệ Net), trong cuốn sách xuất bản năm
1998 của ông, Growing up digital: The rise of the Net generation (Lớn lên cùng công
nghệ số: Sự vươn lên của thế hệ Net). Tapscott gọi thế hệ Net là thế hệ toàn cầu
(global generation) đầu tiên. Lý giải cho sự hình thành thế hệ toàn cầu đầu tiên – thế
hệ Net, Don Tapscott cho rằng, nguyên nhân căn bản nằm ở sự ra đời và phát triển
như vũ bão của mạng internet toàn cầu. Tapscott cũng cho rằng, mặc dù dân số trẻ
(bao gồm thế hệ Net) tập trung đông nhất tại phương Đông, song, văn hóa đại chúng
phương Tây, vốn được “xuất khẩu” qua các kênh truyền thông đại chúng, đặc biệt
qua mạng internet, mới là yếu tố ảnh hưởng chủ yếu tới thế hệ Net toàn cầu.
Trong khi đó, một số công trình nghiên cứu khác lại đặt giả thuyết và chứng minh
rằng thế hệ Net không đơn thuần tập hợp những đặc điểm tương đồng trên diện rộng
trong cách thức sử dụng công nghệ số và các loại hình truyền thông mới. Ví dụ,
nghiên cứu của Carmel McNaught, Paul Lam và Annisa Ho (2009) đã chỉ ra những
khác biệt đáng chú ý trong kinh nghiệm sử dụng công nghệ giữa các sinh viên và cán

bộ của trường đại học Hong Kong, Trung Quốc [46]. Cuộc điều tra của Rolf
Schulmeister (2008) với 2098 sinh viên tại châu Âu đã gợi ý về sự tồn tại của các
2

phân nhóm (sub-group) trong số những người tham gia khảo sát và các phân nhóm
này có các xu hướng khác nhau trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông số
[72].
Về lịch sử nghiên cứu thế hệ Net tại Việt Nam: Theo sự tìm hiểu của các tác giả thì
cho tới nay, chưa có công trình nghiên cứu nào ở Việt Nam sử dụng thuật ngữ thế hệ
Net. Tuy nhiên, đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về nhóm công chúng trẻ
tại Việt Nam.
Phần lớn các nghiên cứu bài bản về truyền thông đại chúng chỉ mới được Viện Xã
hội học thực hiện trong khoảng hơn một chục năm trở lại đây, với những nghiên cứu
như Sinh viên Hà Nội trong giao tiếp đại chúng (Khảo sát tại Đại học Khoa học Xã
hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Dân lập Thăng Long), do
tạp chí Xã hội học thực hiện năm 1998; hoặc các nghiên cứu theo đơn đặt hàng của
các tổ chức, ví dụ như các nghiên cứu về tạp chí Vì trẻ thơ, chương trình truyền hình
Vì trẻ em, báo Thiếu nhi dân tộc với công chúng trẻ em và Khảo sát các kênh truyền
thông hiện có và tác động của chúng đối với phụ nữ và trẻ em Việt Nam do UNICEF
(Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) tài trợ hoặc chương trình nghiên cứu hình ảnh trẻ em
trên báo chí và vấn đề quyền trẻ em do AMIC (Trung tâm Thông tin và Truyền thông
châu Á) tài trợ.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến một số công trình nghiên cứu độc lập về
công chúng truyền thông, bao gồm công trình nghiên cứu quy mô của Trần Hữu
Quang, Truyền thông đại chúng và công chúng (nghiên cứu trường hợp thành phố Hồ
Chí Minh) (2000); gần hơn là nghiên cứu Công chúng Hà Nội với việc đọc báo in và
báo điện tử của Nguyễn Thu Giang (2007). Cả hai công trình nghiên cứu trên đều
đáng tin cậy ở phương pháp nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu được áp dụng
có hệ thống và được trình bày rõ ràng trong báo cáo, giúp các nghiên cứu sau được kế
thừa.

Trong bối cảnh các nghiên cứu về công chúng truyền thông, từ góc độ tiếp cận
thực chứng, còn chưa nhiều, thì các nghiên cứu về nhóm công chúng thanh niên lại
càng ít. Một trong những nghiên cứu đầu tiên về nhóm công chúng này, phải kể đến
công trình Sinh viên Hà Nội trong giao tiếp đại chúng (Khảo sát tại Đại học Khoa
3

học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Dân lập Thăng
Long), do tạp chí Xã hội học thực hiện và công trình khoa học cấp Bộ, Truyền thông
đại chúng với công chúng thanh niên đô thị. Nghiên cứu trường hợp Hải Phòng, cũng
do Viện Xã hội học thực hiện.
Gần đây nhất, đầu tháng 8/2011, dự án nghiên cứu của Yahoo! Việt Nam và công
ty Kantar Media đã công bố một số điểm nổi bật từ công trình khảo sát tình hình sử
dụng internet tại bốn thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Nghiên cứu này áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp, được thực hiện trên 1500
công chúng nam và nữ (chọn mẫu xác suất qua nhiều giai đoạn), độ tuổi từ 15 đến 54
tại bốn thành phố, có sử dụng internet trong vòng 1 tháng cho tới thời điểm được
phỏng vấn là tháng 1 và 2 năm 2011.
3. Mục đích nghiên cứu
Sau đây là những mục tiêu cụ thể của luận văn:
- Đo lường cách thức và mức độ sử dụng mạng internet của công chúng thế hệ Net,
nhằm chỉ ra và lý giải những đặc điểm chung nổi bật trong cách thức sử dụng mạng
internet của nhóm công chúng này.
- Đo lường cách thức và mức độ sử dụng các phương tiện truyền thông truyền
thống là báo in, phát thanh và truyền hình của công chúng thế hệ Net, nhằm chỉ ra
những đặc điểm chung nổi bật trong cách thức sử dụng các phương tiện truyền thông
này của công chúng thế hệ Net.
- Từ đó, chỉ ra và lý giải sự ảnh hưởng của mạng internet tới cách thức công chúng
thế hệ Net tiếp nhận các loại hình truyền thông truyền thống là báo in, phát thanh và
truyền hình.
- Đưa ra những đề xuất để góp phần tăng hiệu quả truyền thông của các phương

tiện truyền thông đại chúng truyền thống và hiện đại đối với công chúng thế hệ Net.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là cách thức, mức độ, thói quen và nhu cầu
sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng của nhóm công chúng trẻ, có sử
dụng mạng internet, đang sinh sống tại nội thành Hà Nội, được tác giả gọi là nhóm
công chúng thế hệ Net (sẽ được định nghĩa trong chương 1).
4

Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sỹ, tác giả lựa chọn khách thể điều tra cụ
thể là 252 học sinh lớp 10, 11 và 12 của hai trường Phổ thông Trung học Việt Đức và
Chu Văn An, thành phố Hà Nội. Thời điểm điều tra là tháng 5 năm 2011.
5. Phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý thuyết của luận văn là những lý thuyết truyền thông đại chúng và xã hội
học về truyền thông đại chúng.
Cơ sở thực tiễn của luận văn là việc điều tra bằng bảng hỏi (questionnaire) với 252
học sinh của hai trường Phổ thông Trung học Việt Đức và Chu Văn An, thành phố
Hà Nội vào tháng 5 năm 2011. Trên cơ sở những kết quả định lượng từ cuộc điều tra
này, tác giả tiến hành thảo luận nhóm tập trung (focus group) với nhóm thứ nhất, gồm
7 học sinh trường Việt Đức và nhóm thứ hai, gồm 7 học sinh trường Chu Văn An.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Kết quả của công trình nghiên cứu này phần nào phác họa chân dung nhóm công
chúng thế hệ Net của Việt Nam – nhóm công chúng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ
sự phát triển vũ bão của mạng internet toàn cầu. Những hiểu biết mới về nhóm công
chúng này tại Việt Nam chắc chắn sẽ gợi ý các nhà truyền thông về những cách tiếp
cận công chúng hiệu quả hơn.
Công trình này cũng phần nào đóng góp vào hệ thống lý luận ngành khoa học
truyền thông đại chúng tại Việt Nam, nhất là mảng nghiên cứu về công chúng truyền
thông đại chúng. Đây là mảng rất quan trọng, song tới nay vẫn chưa được quan tâm
nghiên cứu đúng mức.
7. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được chia
làm ba chương như sau:
- Chương 1: Cơ sở lý thuyết
- Chương 2: Các kết quả điều tra
- Chương 3: Một số kết luận và đề xuất đối với các phương tiện truyền thông đại
chúng


5

CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Cơ sở lý thuyết
1.1.1. Vài nét về lịch sử nghiên cứu truyền thông đại chúng trên thế giới
Giai đoạn thứ nhất từ đầu thế kỷ 20 đến cuối thập niên 30 của thế kỷ này: Quan
điểm chủ đạo của giai đoạn này là truyền thông có sức tác động to lớn tới đám đông
và có hiệu quả trực tiếp, đồng nhất ở mọi cá nhân đơn lẻ (lý thuyết “mũi kim tiêm”,
hypodermic needle theory). Trường phái phê phán Frankfurt (Frankfurt critical
school, gồm nhiều học giả người Đức như Max Horkheimer, Theodor Adorno, Leo
Lowenthal, Karl Wittfogel, Erich Fromm và Hebert Marcuse) vào thập niên 30, 40
của thế kỷ trước, được coi là tiêu biểu cho giai đoạn này.
Giai đoạn thứ hai từ sau thập niên 40 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ 20: Quan
điểm chủ đạo của thời kỳ này là hiệu quả của truyền thông chỉ mang tính hạn chế
(limited effect paradigm), trong đó, truyền thông không có quyền lực vạn năng mà
chỉ củng cố thêm những xu hướng xã hội có sẵn. Tiêu biểu cho giai đoạn này là
nghiên cứu khảo sát mức độ ảnh hưởng của chiến dịch bầu cử đối với quyết định bỏ
phiếu của công chúng do nhà nghiên cứu Paul F. Lazarsfeld và nhóm nghiên cứu tiến
hành.
Giai đoạn thứ ba từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước tới khoảng 1995: Ngoài
hướng nghiên cứu công chúng và nghiên cứu tác động của truyền thông đại chúng,

xuất hiện nhiều hướng nghiên cứu đa dạng. Chẳng hạn như các nghiên cứu về nội
dung các thông điệp của truyền thông đại chúng, về quá trình truyền thông đại chúng,
quá trình sản xuất của các phương tiện truyền thông, nghiên cứu về tổ chức và lao
động của bản thân những người làm truyền thông…
Giai đoạn thứ tư mới bắt đầu từ khoảng năm 1995 đến nay. Giai đoạn này được
đánh dấu bằng sự bùng nổ của mạng internet toàn cầu. Bên cạnh đó còn là sự phát
triển và hội tụ đa tính năng truyền thông vào điện thoại di động, máy tính bỏ túi,
ipod…Chính do đặc điểm này mà việc nghiên cứu truyền thông tập trung vào tìm
hiểu mạng internet và tác động của nó đối với xã hội loài người.
1.1.2. Một số phương pháp nghiên cứu truyền thông đại chúng cơ bản
6

Trong khoảng một thế kỷ qua, hệ thống phương pháp nghiên cứu truyền thông đại
chúng đã phát triển khá đa dạng, chủ yếu được phân thành hai nhóm, các phương
pháp nghiên cứu định lượng và các phương pháp nghiên cứu định tính. Các phương
pháp nghiên cứu định lượng có thể kể đến là điều tra qua thư hay điều tra bằng bảng
hỏi trực tiếp. Một số phương pháp định tính phổ biến bao gồm phỏng vấn sâu, thảo
luận nhóm tập trung, phân tích nội dung hay thí nghiệm.
1.2. Vài nét về sự phát triển của mạng internet
Vài thập kỷ trở lại đây, sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem đến cho xã
hội loài người những thay đổi vượt qua sự tưởng tượng của chính những người phát
minh ra chúng. Trong lĩnh vực truyền thông, sự ra đời của mạng internet, điện thoại
di động và các loại phương tiện tích hợp đa chức năng khiến cho việc truyền thông
của xã hội loài người có bước thay đổi lớn lao.
Kể từ khi World Wide Web (WWW) được Tim Berners Lee phát minh vào năm
1991, tới tháng 3/2011, đã có 30.2% dân số thế giới sử dụng mạng internet [67]. Có
thể nói, trong hai thập kỉ qua, mạng internet đã tạo ra một cuộc cách mạng trên tất cả
các lĩnh vực của đời sống con người, mà trước nhất và ấn tượng nhất là trong lĩnh vực
truyền thông đại chúng. Cho tới nay, đã có rất nhiều các nghiên cứu lớn, nhỏ được
tiến hành nhằm tìm hiểu những vấn đề mà truyền thông internet đặt ra, đặc biệt là sự

ảnh hưởng qua lại giữa loại hình truyền thông mới này với các phương tiện truyền
thông ra đời trước đó là báo in, phát thanh và truyền hình.
Việt Nam chính thức hòa mạng internet toàn cầu vào tháng 11/1997. Có thể nói,
cho tới nay, sự phát triển của mạng internet tại Việt Nam đã tương đối bắt nhịp với
thế giới. Tính tới tháng 8/2011, số người sử dụng mạng internet tại Việt Nam là 30.04
triệu người, chiếm 34.58% dân số, tăng 13.53% so với cùng kì năm 2007 (thời điểm
Việt Nam hòa mạng thế giới được 10 năm). [21]
1.3. Một số khái niệm được sử dụng trong luận văn
1.3.1. Truyền thông
Thuật ngữ này cho tới nay có nhiều ý nghĩa và định nghĩa khác nhau, nhưng về cơ
bản thì truyền thông (communication) là một quá trình làm gia tăng sự tương đồng
7

hoặc sự chia sẻ giữa những người tham gia, trên cơ sở của hành vi gửi và nhận thông
điệp (message). [48, pg.552]
1.3.2. Truyền thông đại chúng
Truyền thông đại chúng (mass communication) được hiểu là quá trình truyền đạt
thông tin một cách rộng rãi đến mọi người trong xã hội thông qua các phương tiện
truyền thông đại chúng (mass media).
Từ cách hiểu này chúng ta thấy truyền thông đại chúng là một quá trình xã hội phụ
thuộc chặt chẽ vào các phương tiện kỹ thuật, hay còn gọi là các kênh (channel).
1.3.3. Công chúng
Công chúng (audience) được hiểu là đối tượng của các phương tiện truyền thông
đại chúng, trong một quá trình xã hội là truyền thông đại chúng (mass
communication).
Công chúng có thể phân tán về mặt không gian nhưng điều này không có nghĩa là
công chúng hoàn toàn cô lập nhau, rời rạc nhau. Công chúng không phải là một khối
người thuần nhất và đồng dạng mà ngược lại đây là một thực thể phức tạp, bao gồm
nhiều nhóm, nhiều giới, nhiều tầng lớp và giai cấp xã hội khác nhau với những đặc
trưng đa dạng và những quyền lợi dị biệt và nhiều khi mâu thuẫn nhau.

1.3.4. Thế hệ Net
Thuật ngữ “thế hệ Net” được dùng trong luận văn này được định nghĩa bởi hai yếu
tố sau: Thứ nhất, đây là những người sinh trong khoảng từ năm 1985 đến 1999 (15
năm); Thứ hai, đây là những người có sử dụng mạng internet.
Tất nhiên việc lựa chọn khoảng năm sinh như trên để xác định thế hệ Net tại Việt
Nam của tác giả luận văn chỉ mang tính tương đối. Hi vọng với các nghiên cứu quy
mô hơn trong tương lai về cùng đề tài sẽ giúp hoàn thiện định nghĩa về thế hệ Net của
Việt Nam.
1.4. Các câu hỏi nghiên cứu
Luận văn này nhằm mục đích trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau đây về nhóm công
chúng thế hệ Net đang sinh sống tại nội thành Hà Nội:
- Những đặc điểm chung nổi bật trong cách thức sử dụng mạng internet của công
chúng thế hệ Net như thế nào?
8

- Những đặc điểm chung nổi bật trong cách thức tiếp nhận các loại hình truyền
thông truyền thống là báo in, phát thanh và truyền hình của công chúng thế hệ Net
như thế nào?
- Mạng internet có ảnh hưởng thế nào tới cách thức công chúng thế hệ Net tiếp
nhận các loại hình truyền thông truyền thống là báo in, phát thanh và truyền hình?
1.5. Các phương pháp điều tra
Phương pháp chọn mẫu cho khảo sát là chọn mẫu phi xác suất vì vậy kết quả của
khảo sát không có tính đại diện cho toàn bộ quần thể mẫu là thế hệ Net hiện đang
sinh sống tại nội thành Hà Nội.
Phương pháp thảo luận nhóm tập trung (focus group): Thảo luận nhóm tập trung là
một phương pháp định tính, sử dụng các câu hỏi mở, các câu hỏi nối tiếp nhằm tìm
kiếm để thấu hiểu động cơ, cảm xúc và phản ứng của những người tham gia thảo
luận. Số lượng người tham gia thảo luận nhóm có thể dao động từ 6 tới 12 người. Số
lượng tối ưu được cho là từ 6 tới 8 người. [15, tr.287]
Với đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn này là công chúng thế hệ Net

tại nội thành Hà Nội, cụ thể là hai nhóm học sinh của trường Việt Đức và Chu Văn
An, tác giả đã tiến hành một thảo luận nhóm tập trung với 7 học sinh trường Việt Đức
và một thảo luận nhóm tập trung với 7 học sinh trường Chu Văn An. Tổng cộng là
hai thảo luận nhóm tập trung.
CHƯƠNG 2
CÁC KẾT QUẢ ĐIỀU TRA
2.1. Đối tượng và đặc điểm của mẫu điều tra thế hệ Net
Đối với Hà Nội, cũng tính tới ngày 1 tháng 4 năm 2009, dân số thành thị chiếm
41% tổng số dân của thành phố này. Và trong tổng số dân thành thị của Hà Nội,
nhóm tuổi từ 15 đến 19 là 236472 người, chiếm 8.9%. [2]
Tỉ lệ về giới tính của mẫu điều tra thế hệ Net tại nội thành Hà Nội trong nghiên cứu
này là đồng đều, 50% nữ và 50% nam. Và quá nửa mẫu điều tra là 16 tuổi, hầu hết
đang học lớp 10 (tại thời điểm điều tra).
2.2. Những đặc điểm nổi bật trong cách thức sử dụng các phương tiện truyền
thông đại chúng của mẫu điều tra thế hệ Net
9

2.2.1. Mức độ và cách thức sử dụng mạng internet
2.2.1.1. Mức độ sử dụng mạng internet
Tới 96% mẫu điều tra thế hệ Net tại nội thành Hà Nội có sở hữu mạng internet tại
nhà. Đây là tỉ lệ sở hữu rất cao. Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ
Thông tin và Truyền thông) thì số lượng thuê bao internet tại Việt Nam vẫn tăng hàng
năm. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới mức độ sử dụng mạng internet của các
nhóm công chúng.
Có 66.7% mẫu điều tra thế hệ Net sử dụng mạng internet gần như hàng ngày. Và
27.8% mẫu điều tra sử dụng mạng internet một đến vài lần mỗi tuần. Chỉ 5.6% mẫu
điều tra có tần suất sử dụng mạng internet một đến vài lần mỗi tháng. Nhìn chung,
mẫu điều tra thế hệ Net tại nội thành Hà Nội có tần suất sử dụng mạng internet tương
đối thường xuyên. Và nhóm người sở hữu mạng internet tại nhà có xu hướng sử dụng
mạng internet nhiều hơn nhóm người không sở hữu mạng internet. Có 92.1% mẫu

điều tra lựa chọn Ở nhà là địa điểm hay sử dụng mạng internet nhất.
Nhìn chung, thời gian từ tối đến đêm là khoảng thời gian rảnh nhất của nhóm công
chúng thế hệ Net, khi hầu như không bị trùng vào lịch học trên lớp. Thời điểm sử
dụng mạng internet của nhóm công chúng này có thay đổi trong năm, khi lịch học
chính khóa và lịch học thêm thay đổi.
Có 56% mẫu điều tra có thời lượng sử dụng mạng internet trung bình theo ngày là
dưới 3 tiếng. Thảo luận nhóm tập trung cho thấy tần suất và thời lượng sử dụng mạng
internet trung bình của nhóm công chúng này có thay đổi trong năm. Nhóm công
chúng này có xu hướng sử dụng mạng internet với tần suất và thời lượng sử dụng
mạng trung bình cao hơn trong các dịp nghỉ hè hoặc nghỉ lễ.
Bên cạnh đó, điểm đáng lưu ý là có tới 22.2% mẫu điều tra có thời lượng sử dụng
mạng internet trung bình theo ngày từ 4 tiếng trở lên. Nếu xét tới quỹ thời gian của
một học sinh cấp ba, vào giai đoạn cuối năm học, thì thời lượng sử dụng mạng
internet 4 tiếng/ ngày là khá cao.
Có thể thấy sự khác biệt giữa nhóm công chúng nam và nhóm công chúng nữ trong
mức độ sử dụng mạng internet là không đáng kể, khi tỉ lệ sử dụng mạng internet gần
như hàng ngày và một đến vài lần mỗi tuần đều trên 90%. Nói cách khác, yếu tố giới
10

tính ảnh hưởng không đáng kể tới mức độ sử dụng mạng internet của công chúng thế
hệ Net.
2.2.1.2. Mục đích sử dụng mạng internet
Âm nhạc là một trong những sở thích hàng đầu của công chúng thế hệ Net, khi 145
lượt người (30.1%) đã chọn nghe nhạc là việc hay làm đồng thời với việc sử dụng
mạng internet.
Có tới 75.8% số người sử dụng mạng internet lướt web thường xuyên. Lướt web
được hiểu là hoạt động xem lướt qua nhiều trang web cùng một lúc. Các trang web
này bao gồm nhiều loại, từ trang web tin tức đến các trang web giải trí hay giáo dục.
Trong đó, cách gọi các trang tin tức không phân biệt các trang báo điện tử hay các
trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài. Thảo luận nhóm tập

trung cho thấy, dường như, với nhóm công chúng thế hệ Net, hầu hết các trang web
trên mạng internet đều có thể trở thành nguồn thông tin, không chỉ các trang báo điện
tử, các trang thông tin điện tử, mà cả các trang mạng xã hội (facebook, youtube,
wikipedia) hay các diễn đàn trực tuyến. 68.3% mẫu điều tra cho biết thường xuyên
theo dõi các trang tin tức trên mạng internet. Có thể thấy, nhu cầu thông tin của nhóm
công chúng này là khá cao.
Khi được đề nghị kể tên trang tin tức trên mạng internet mà bạn thường vào nhất,
137 lượt người đã kể tên trang web Kenh14.vn, chiếm tỉ lệ cao nhất, 54.4% tổng số
người trả lời (Bảng 2.12). Kenh14.vn là trang thông tin trực tuyến dành cho đối tượng
là thanh thiếu niên, bao gồm nhóm công chúng thế hệ Net. Thảo luận nhóm tập trung
cho thấy các chuyên mục thu hút sự quan tâm nhất của nhóm công chúng này là Star
(người nổi tiếng), 2-Tek (công nghệ), Fashion (thời trang), Teeniscovery (khoa học
thường thức) và Giới tính. Đặc biệt, đề tài về người nổi tiếng được nhóm công chúng
này đặc biệt quan tâm theo dõi khi vào Kenh14.vn cũng như khi vào hầu hết các trang
web khác như Ngoisao.net, Vnexpress.net hay Zing.vn. Những người nổi tiếng thu
hút sự quan tâm theo dõi của nhóm công chúng này là các ca sĩ, diễn viên, người
mẫu, người dẫn chương trình truyền hình trong nước và nước ngoài và nhiều khi là
những nhân vật đang nổi tiếng trên các trang mạng xã hội hay diễn đàn trực tuyến
như Youtube hay Facebook.
11

Nhu cầu giao tiếp và tương tác của nhóm công chúng thế hệ Net trên mạng internet
là khá cao, khi tần suất thường xuyên chat của nhóm công chúng này là 62.3% và
thường xuyên tham gia mạng xã hội là 50.4%. Thảo luận nhóm tập trung được tiến
hành vào đầu kì nghỉ hè của các đối tượng tham gia, tại thời điểm đó, hầu hết những
người tham gia thảo luận nhóm đều chat từ 3 đến 4 tiếng/ngày, có trường hợp chat từ
6 đến 7 tiếng/ngày.
Có 69% mẫu điều tra thường xuyên nghe nhạc trực tuyến. Một lần nữa, âm nhạc
chứng tỏ sức hấp dẫn đối với nhóm công chúng này. Cách thức nghe và sử dụng nhạc
phổ biến của nhóm công chúng này là “nghe thử trên mạng, hay thì tải về máy để khi

nào thích thì nghe, hoặc cho vào di động hoặc ipod”.
Bảng 2.12: Các trang web hay vào nhất của mẫu điều tra thế hệ Net tại nội thành Hà
Nội
STT
Trang web
Số lượt
1
Kenh14.vn
137
2
Vnexpress.net
89
3
Dantri.com.vn
76
4
Zing.vn
63
5
24h.com.vn
26
Nguồn: Cuộc điều tra tháng 5/2011
Zing.vn cũng là một địa chỉ mạng quen thuộc của công chúng thế hệ Net. Hầu hết
những người tham gia thảo luận nhóm đều cho biết vào Zing chủ yếu để nghe nhạc và
tải nhạc về máy, chứ ít khi đọc tin hay tham gia mạng xã hội. Phiên bản mạng xã hội
của Zing được cho là có nhiều điểm giống với mạng xã hội Facebook nhưng không
hấp dẫn bằng. Những người có tài khoản mạng xã hội của Zing chủ yếu dùng tài
khoản này để chơi trò chơi chứ ít khi để kết bạn hay tương tác trên mạng xã hội.
Youtube.com cũng là một địa chỉ mạng quen thuộc với hầu hết công chúng thế hệ
Net trên thế giới. Với hai nhóm tham gia thảo luận, hầu hết đều cho biết thường vào

Youtube khi cần xem 1 clip cụ thể và ít khi đăng tải (post) clip cá nhân lên trang này.
Họ cũng cho biết dù hay đọc các bình luận (comment) bên dưới các clip song ít khi
trực tiếp tham gia bình luận. Mục đích vào Youtube chủ yếu là để nghe nhạc, xem
12

các clip hài hước và xem phim bộ nhiều tập (vì các phim này thường có thể tìm xem
trên mạng internet trước cả khi được chiếu trên truyền hình, ví dụ phim Sự quyến rũ
của người vợ).
Khi được hỏi: “Khi cần biết một thông tin quan trọng hoặc có tính thời sự, bạn
thường làm thế nào?”, tất cả những người tham gia thảo luận đều cho biết sẽ sử dụng
công cụ tìm kiếm Google và sẽ vào xem những trang web đầu tiên trong kết quả tìm
kiếm. Google cũng được chọn làm trang chủ (homepage) trên máy tính của hầu hết
những người tham gia thảo luận nhóm. Những người này cho biết lí do là họ thường
xuyên tìm kiếm thông tin trên mạng internet.
Có thể nói, Google hiện là công cụ tìm kiếm thông tin trên mạng phổ biến nhất của
công chúng thế hệ Net. Và Google hiện có ảnh hưởng đáng kể tới lượng truy cập vào
các trang web khác. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu được công bố gần đây
của Viện nghiên cứu báo chí và con người PEW của Mỹ về thực trạng báo chí truyền
thông 2009-2010 tại Mỹ. Một trong những điểm đáng lưu ý, đó là: “Trong không
gian số, các tổ chức truyền thông ngày càng lệ thuộc vào các mạng lưới độc lập để
bán quảng cáo. Họ phụ thuộc vào các công cụ tập hợp tin tức (news aggregators), ví
như Google, và các mạng xã hội, ví như Facebook, để có được thị phần công chúng
quan trọng của mình. Và ngày nay, khi việc tiêu thụ tin tức trở nên di động hơn thì
các công ty truyền thông buộc phải lựa theo các nhà sản xuất thiết bị, ví như Apple,
và các đơn vị phát triển phần mềm, ví như Google, để chuyển tải nội dung của họ”.
[69]
Điều này không chỉ đặt ra vấn đề quan trọng về lợi nhuận giữa các bên trong ngành
công nghiệp truyền thông mà còn đặt ra vấn đề sâu xa hơn, đó là về vị trí của các tổ
chức truyền thông trong thời đại số này. Trong thế kỉ trước, các tổ chức truyền thông
luôn tự tin với vai trò là kênh trung gian của mình – mà các bên khác buộc phải ít

nhiều phụ thuộc khi muốn tiếp cận công chúng, thì trong thế kỉ này, vai trò trung gian
ấy có vẻ như đang dần chuyển dịch sang các công ty công nghệ.
Khi được đề nghị thảo luận về các điểm hạn chế của mạng internet, những người
tham gia thảo luận nhóm đã tương đối nhất trí về các điểm hạn chế sau:
- Lạm dụng mạng internet sẽ hại mắt.
13

- Lạm dụng mạng internet có thể khiến “đầu óc mụ mị”.
- Chất lượng đường truyền và dịch vụ mạng internet của Việt Nam đôi lúc chưa
thật sự tốt. Một số trang web rất khó vào.
- Nhiều báo điện tử/ trang thông tin điện tử hay lặp lại tin, bài của nhau, thậm chí
tới từng dấu chấm, dấu phẩy, có lúc trích nguồn, có lúc không. Vì vậy khi thông tin bị
sai, thì tất cả sẽ cùng sai, và hiếm khi có đính chính hay xin lỗi độc giả, mà chỉ đơn
giản là “coi như không có chuyện gì xảy ra”. Nếu độc giả viết bình luận (comment)
phản đối bên dưới bài viết thì nhiều báo điện tử/ trang thông tin điện tử sẽ đóng chức
năng bình luận.
Nhìn chung, tất cả những người tham gia thảo luận nhóm đều bày tỏ sự không
đồng tình, thậm chí phê phán lối “giật tít”, “câu khách” của nhiều trang tin tức hiện
nay.
Khi được đề nghị lựa chọn và thảo luận về hai mục đích vào mạng internet, hai
mục đích vào mạng được những người tham gia lựa chọn nhiều nhất là giao tiếp và
giải trí. Bên cạnh đó là các mục đích:
- Học và chơi
- Chat và nghe nhạc
- Chat và đọc truyện
- Chat và mua bán
Có thể thấy, giao tiếp và giải trí là nhu cầu hàng đầu của nhóm công chúng thế hệ
Net.
2.2.2. Mức độ và cách thức đọc báo in
Báo in là loại hình báo chí lâu đời nhất nhưng chỉ có 15.5% mẫu điều tra đọc báo

in gần như hàng ngày, trong khi đó có tới 30.6%, tức khoảng 1/3 mẫu điều tra cho
biết hầu như không đọc báo in.Việc sở hữu báo là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới
tần suất đọc báo in của công chúng. Nhóm người có sở hữu báo có mức độ đọc báo
cao hơn nhóm người không sở hữu báo.
Thảo luận nhóm tập trung cho thấy báo chí thường là sở hữu chung của cả gia đình
chứ ít khi là sở hữu cá nhân. Trong gia đình, bố mẹ thường là người đi mua hoặc đặt
mua các báo, tạp chí như An ninh thủ đô, An ninh thế giới, Công an nhân dân, Lao
14

động, Gia đình hay Tạp chí truyền hình và con cái thường là người đi mua hoặc đặt
mua các báo như Hoa học trò, Thế giới học đường, Trà sữa cho tâm hồn hay 2!. Có
thể thấy hai báo và tạp chí được đọc nhiều nhất là những ấn phẩm dành riêng cho
nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, là Hoa học trò và chuyên đề 2!. Bên cạnh đó là
nhiều tờ báo tương đối quen thuộc với công chúng nội thành Hà Nội nói chung, bao
gồm các tờ báo về an ninh như An ninh thế giới, An ninh thủ đô hay Công an nhân
dân.
Các đối tượng tham gia thảo luận nhóm nhìn chung bày tỏ thái độ tích cực về hành
vi thảo luận tin tức thu lượm từ việc đọc báo, tạp chí, giữa những người thân trong
gia đình.
2.2.3. Mức độ và cách thức nghe phát thanh
Hơn một nửa dung lượng mẫu điều tra thế hệ Net hầu như không nghe phát thanh
(53.2%). Mặt khác, 46.8% có nghe phát thanh gần như hàng ngày, một đến vài lần
mỗi tuần hoặc một đến vài lần mỗi tháng. Số liệu này cho thấy phát thanh tuy chưa
trở thành loại hình truyền thông phổ biến trong nhóm công chúng thế hệ Net song vẫn
có một sức hút nhất định với nhóm công chúng này. Việc sở hữu đài có ảnh hưởng
tới mức độ nghe phát thanh của mẫu điều tra thế hệ Net.
Có tới 62.6% nhóm người nghe phát thanh chủ ý nghe chương trình phát thanh yêu
thích. Và 31.3% nhóm người có nghe phát thanh có thói quen cứ nghe thôi và không
quan trọng là chương trình nào. Thói quen nghe phát thanh của những người xung
quanh có ảnh hưởng tới mức độ nghe phát thanh của công chúng thế hệ Net.

Âm nhạc là loại chương trình được nhóm công chúng thế hệ Net ưa thích và nghe
nhiều nhất trên sóng phát thanh (chiếm 87.9% mẫu điều tra có nghe phát thanh).
Thảo luận nhóm tập trung cũng cho thấy một đặc điểm chung trong mức độ nghe
phát thanh của công chúng thế hệ Net là: Tần suất nghe phát thanh không đều. Có sự
thay đổi trong tần suất nghe phát thanh của nhóm công chúng này, tùy từng giai đoạn.
Thảo luận nhóm tập trung cho thấy nhóm học sinh đi học bằng xe buýt hoặc ô tô
riêng của gia đình đều có tần suất nghe phát thanh thường xuyên hơn các nhóm học
sinh khác, cụ thể là nghe hệ phát thanh giao thông hoặc hệ âm nhạc thông tin giải trí
15

VOV3. Đây cũng là hai kênh phát thanh được mẫu điều tra thế hệ Net nghe nhiều
nhất.
2.2.4. Mức độ và cách thức theo dõi truyền hình
Theo cuộc điều tra tháng 5/2011 thì 100% mẫu điều tra thế hệ Net tại nội thành Hà
Nội đều sở hữu ti vi tại gia đình. Đây cũng là phương tiện truyền thông duy nhất có tỉ
lệ sở hữu tuyệt đối của mẫu điều tra.
Có tới 88.5% mẫu điều tra thế hệ Net tại nội thành Hà Nội xem truyền hình gần
như hàng ngày. Đây là loại hình báo chí truyền thông có tỉ lệ theo dõi gần như hàng
ngày cao nhất của mẫu điều tra. Mức độ và thói quen theo dõi truyền hình của người
thân trong gia đình có ảnh hưởng tới mức độ theo dõi truyền hình của công chúng thế
hệ Net.
Thời lượng theo dõi truyền hình trung bình theo ngày của mẫu điều tra, trong đó
46% mẫu điều tra xem truyền hình dưới 3 tiếng/ngày, trong khi đó, 24.4% xem
truyền hình từ 4 tiếng trở lên. Có thể nói, thời lượng theo dõi truyền hình trung bình
theo ngày của mẫu điều tra là tương đối cao.
Hầu như không có sự khác biệt trong mức độ theo dõi truyền hình giữa nhóm công
chúng nam và nhóm công chúng nữ. Nói cách khác, yếu tố giới tính ảnh hưởng không
đáng kể tới mức độ theo dõi truyền hình của công chúng thế hệ Net.
2.2.5. Tương quan giữa việc sử dụng mạng internet với việc sử dụng các
phương tiện truyền thông đại chúng khác

Nhìn chung, mẫu điều tra thế hệ Net có mức độ sử dụng mạng internet cao hơn hẳn
mức độ đọc báo in. Gần 1/3 nhóm người có tần suất sử dụng mạng internet gần như
hàng ngày hầu như không đọc báo in (32.7%). Trong khi đó, nhóm người sử dụng
mạng internet gần như hàng ngày có tỉ lệ đọc báo in gần như hàng ngày là 16.7%.
Đây cũng là tỉ lệ đọc báo in thấp nhất của nhóm này. Tỉ lệ đọc báo in gần như hàng
ngày cũng thấp nhất (12.9%) trong nhóm người có tần suất sử dụng mạng internet
một đến vài lần mỗi tuần.
Có thể thấy, công chúng thế hệ Net có mức độ sử dụng mạng internet cao hơn hẳn
mức độ nghe phát thanh. 57.1% nhóm người có tần suất sử dụng mạng internet gần
như hàng ngày hầu như không nghe phát thanh và chỉ có 9.5% nhóm này nghe phát
16

thanh gần như hàng ngày. Trong khi đó, 44.3% nhóm người có tần suất sử dụng
mạng internet một đến vài lần mỗi tuần hầu như không nghe phát thanh và chỉ có
18.6% nhóm này nghe phát thanh gần như hàng ngày.
Có sự tương đồng giữa tần suất sử dụng mạng internet với tần suất theo dõi truyền
hình. Nhóm người sử dụng mạng internet gần như hàng ngày có tỉ lệ theo dõi truyền
hình gần như hàng ngày lên tới 88.1%. Và nhóm người sử dụng mạng internet một
đến vài lần mỗi tuần có tỉ lệ theo dõi truyền hình gần như hàng ngày lên tới 90%.
Nhiều người cho biết có thói quen cùng lúc vừa sử dụng mạng vừa theo dõi truyền
hình. Khi sử dụng mạng internet, họ có thể đồng thời vừa đọc tin tức trên các báo
điện tử/ trang thông tin điện tử, vừa chat, vừa tham gia mạng xã hội, vừa tìm kiếm
thông tin trên mạng và vừa theo dõi chương trình truyền hình. Như vậy, việc theo dõi
truyền hình sẽ chủ yếu là nghe truyền hình. Nếu gặp chương trình truyền hình hấp
dẫn, họ sẽ tạm dừng việc sử dụng mạng để tập trung nghe và xem truyền hình. Cá
biệt, có trường hợp cho biết đôi khi vừa sử dụng mạng internet, vừa theo dõi truyền
hình và vừa nghe phát thanh trên đài; hoặc vừa sử dụng mạng internet, vừa đọc báo
in/ tạp chí và vừa theo dõi truyền hình.
Việc đồng thời sử dụng nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau là
điều dễ bắt gặp ở nhóm công chúng thế hệ Net. Các thao tác với từng loại phương

tiện này được xen kẽ với nhau.
Khi được hỏi về tần suất xem truyền hình và nghe phát thanh trên mạng internet,
kết quả cho thấy 67.9% người được hỏi hầu như không xem truyền hình trên mạng
internet và 94% người được hỏi hầu như không nghe phát thanh trên mạng internet.
Điều này cho thấy truyền hình và phát thanh tại Việt Nam chưa khai thác hiệu quả
mạng internet như một kênh để tiếp cận công chúng thế hệ Net.
2.3. Sự phân nhóm trong mẫu điều tra thế hệ Net và một số dị biệt trong cách
thức sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng giữa các phân nhóm
2.3.1. Phân nhóm theo thị hiếu và giới tính
Kết quả nghiên cứu ghi nhận sự phân nhóm trong mẫu điều tra theo thị hiếu đọc
báo và tạp chí. Công chúng thế hệ Net có thị hiếu tương đối đa dạng về các loại báo
và tạp chí thường đọc. Các báo và tạp chí được nhóm công chúng này chọn đọc nhiều
17

nhất không chỉ gồm các báo, tạp chí dành riêng cho học sinh, sinh viên như Hoa học
trò, 2! hay Trà sữa cho tâm hồn mà còn là các báo thông tin tổng hợp chính trị - văn
hóa – xã hội như Thanh niên, Hà Nội mới, Tiền phong, Tuổi trẻ Tp. Hồ Chí Minh,
các báo an ninh như An ninh thủ đô, An ninh thế giới hay Công an nhân dân. Bên
cạnh đó còn là các ấn phẩm về thể thao và giải trí như báo Bóng đá hay tạp chí
Truyền hình.
Về mức độ và cách thức đọc báo và tạp chí, nghiên cứu còn ghi nhận có sự phân
nhóm theo giới tính.
Các loại chương trình truyền hình được nhóm công chúng thế hệ Net quan tâm
theo dõi nhất là phim truyện, âm nhạc, trò chơi, hoạt hình, thời sự, giáo dục và thể
thao. Nhưng sự lựa chọn kênh truyền hình để theo dõi các nội dung trên là khá đa
dạng.
Công chúng thế hệ Net có sự phân nhóm theo thị hiếu khá sâu sắc trong mức độ và
cách thức sử dụng mạng internet. Và có thể thấy nhu cầu tiếp nhận và trao đổi thông
tin của nhóm công chúng này là tương đối cao khi số lượng các trang web thông tin
tổng hợp là nhiều nhất. Có thể thấy, ngoài các trang web bằng tiếng Việt, công chúng

thế hệ Net còn hay vào các trang web bằng tiếng nước ngoài.
2.3.2. Phân nhóm theo môi trường học tập
Công trình nghiên cứu này đã tiến hành điều tra trên một nhóm tương đối nhỏ gồm
252 người thuộc thế hệ Net đang sinh sống tại nội thành Hà Nội. Nhóm người này có
những điểm tương đồng về môi trường sống là cùng sống tại nội thành Hà Nội; nhiều
người trong số họ học cùng trường, cùng lớp, thậm chí cùng nhóm bạn thân. Kết quả
điều tra bằng bảng hỏi kết hợp thảo luận nhóm tập trung đã cho thấy tồn tại sự phân
nhóm theo môi trường học tập, mà rõ nhất là theo trường và lớp, trong mẫu điều tra.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI CÁC PHƯƠNG TIỆN
TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG
3.1. Mẫu điều tra thế hệ Net có nhu cầu sử dụng các phương tiện truyền thông
đại chúng tương đối cao
3.1.1. Nhu cầu sử dụng mạng internet
18

Kết quả điều tra cũng cho thấy công chúng thế hệ Net có nhu cầu thông tin và giao
tiếp trên mạng internet tương đối cao. Phần lớn mẫu điều tra thường xuyên sử dụng
mạng internet với 66.7% mẫu điều tra sử dụng mạng internet gần như hàng ngày.
Nhóm công chúng này có tỉ lệ đọc tin tức, chat và tham gia mạng xã hội cũng khá cao
(tỉ lệ thường xuyên vào các trang tin tức là 68.3%, thường xuyên chat là 62.3%,
thường xuyên tham gia mạng xã hội là 50.4%).
Phần lớn mẫu điều tra có thói quen nghe nhạc, ăn, uống, ngủ, xem truyền hình
hoặc học bài đồng thời với việc sử dụng mạng internet. Khi sử dụng mạng internet,
mẫu điều tra thế hệ Net hay làm những việc sau nhất: Lướt web, nghe nhạc trực
tuyến, vào các trang tin tức, chat và tham gia mạng xã hội. Thảo luận nhóm tập trung
cho thấy, dường như, với nhóm công chúng này, hầu hết các trang web trên mạng
internet đều có thể trở thành nguồn thông tin, không chỉ các trang báo điện tử, các
trang thông tin điện tử, mà cả các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube, Wikipedia)
hay các diễn đàn trực tuyến.

Kenh14.vn là trang thông tin trực tuyến được mẫu điều tra thế hệ Net quan tâm
nhất. Các chủ đề thu hút sự quan tâm theo dõi của nhóm công chúng này nhất khi
lướt web là người nổi tiếng, âm nhạc, công nghệ, điện ảnh, thời trang. Bên cạnh đó,
kết quả điều tra cũng cho thấy, nhu cầu giao tiếp và tương tác của mẫu điều tra thế hệ
Net trên mạng internet là khá cao. Mạng xã hội được nhóm công chúng này ưa thích
nhất, nếu so sánh với blog và các diễn đàn trực tuyến. Trong đó, Facebook là mạng
xã hội đang được nhóm công chúng này ưa dùng nhất.
Phần lớn mẫu điều tra thế hệ Net thường xuyên nghe nhạc trực tuyến. Cách thức
nghe và sử dụng nhạc phổ biến của nhóm công chúng này là “nghe thử trên mạng,
hay thì tải về máy để khi nào thích thì nghe, hoặc cho vào di động hoặc ipod”.
Zing.vn và Youtube.com là hai trong số những trang web mà công chúng thế hệ
Net hay vào nhất. Nhiều người cho biết có thói quen lựa chọn vào Zing hay Youtube
từ các kết quả tìm kiếm của Google. Google hiện đang là trang web có ảnh hưởng
quan trọng tới lượng truy cập vào các trang web khác trên mạng internet.
Hai nhóm thảo luận đều bày tỏ sự không đồng tình, thậm chí phê phán tình trạng
“giật tít”, “câu khách” của nhiều trang tin tức hiện nay. Và mong muốn các trang tin
19

tức trên mạng internet sẽ thông tin một cách độc lập hơn và có trách nhiệm hơn. Đây
cũng là một vấn đề đang gây tranh luận rộng rãi từ góc độ những người làm báo,
quản lý báo chí hay công chúng tiếp nhận. Khi được đề nghị lựa chọn và thảo luận về
hai mục đích vào mạng internet, thì giao tiếp và giải trí là hai mục đích vào mạng
internet phổ biến nhất.
Kết quả điều tra của nghiên cứu này cũng phù hợp với kết quả điều tra của nhiều
công trình nghiên cứu của thế giới khi cho thấy công chúng thế hệ Net là một trong
những nhóm công chúng luôn đón nhận và sử dụng các loại công nghệ truyền thông
mới sớm nhất (early adopter). Có thể thấy, đây là nhóm công chúng có nhu cầu thông
tin, giao tiếp và giải trí rất cao. Và họ có tính tích cực nhất định trong việc tìm kiếm
đa dạng các nguồn thông tin, các kênh giải trí và các hình thức giao tiếp khác nhau
trên mạng internet.

3.1.2. Nhu cầu theo dõi truyền hình
Kết quả điều tra cho thấy truyền hình là loại hình báo chí – truyền thông có tỉ lệ
theo dõi gần như hàng ngày cao nhất của mẫu điều tra (88.5% ). Thời lượng theo dõi
truyền hình của mẫu điều tra là tương đối cao khi 54% mẫu điều tra cho biết thời
lượng theo dõi truyền hình trung bình theo ngày là từ 3 tiếng trở lên. Bên cạnh đó,
mức độ theo dõi truyền hình của người thân trong gia đình có ảnh hưởng tới mức độ
theo dõi truyền hình của nhóm công chúng này. Đôi khi cả gia đình cùng chia sẻ
thông tin và thảo luận các vấn đề thu lượm được từ các chương trình truyền hình, đặc
biệt là từ chương trình thời sự.
3.1.3. Nhu cầu nghe phát thanh
Tần suất nghe phát thanh của mẫu điều tra là không đều. Có sự thay đổi trong tần
suất nghe phát thanh của nhóm công chúng này theo từng giai đoạn. Việc sở hữu đài
trong gia đình có ảnh hưởng tới mức độ nghe phát thanh của nhóm công chúng này.
Bên cạnh đó, nhóm học sinh đi học bằng xe buýt hoặc ô tô riêng của gia đình có mức
độ nghe phát thanh cao hơn các nhóm khác, cụ thể là nghe hệ phát thanh giao thông
tại Hà Nội hoặc hệ âm nhạc thông tin giải trí VOV3. Đây cũng là hai kênh phát thanh
được mẫu điều tra nghe nhiều nhất.
20

Phát thanh tuy chưa thật sự phổ biến trong nhóm công chúng này song vẫn có một
sức hút nhất định. Âm nhạc là loại chương trình được nhóm công chúng này nghe
nhiều nhất trên sóng phát thanh. Hệ âm nhạc – thông tin – giải trí VOV3 và hệ Phát
thanh giao thông là hai hệ phát thanh được nhóm công chúng này nghe nhiều nhất.
3.1.4. Nhu cầu đọc báo in
Kết quả điều tra cho thấy chỉ 69.4% mẫu điều tra thế hệ Net tại nội thành Hà Nội
có đọc báo in. Và chỉ 15.5% mẫu điều tra có thói quen đọc báo in gần như hàng
ngày. Các thế hệ trong gia đình bao gồm ông, bà, bố, mẹ và con cái cùng đọc báo và
nhiều khi bàn luận về các tin tức thu lượm từ báo. Những người tham gia thảo luận
nhóm nhìn chung bày tỏ thái độ tích cực về hành vi thảo luận tin tức thu lượm từ báo,
tạp chí, giữa những người thân trong gia đình. Kết quả khảo sát cũng cho thấy

nhóm người sở hữu báo in có mức độ đọc báo in cao hơn nhóm người không sở hữu
báo in. Và thói quen đọc báo, tạp chí của người thân và bạn bè sẽ khuyến khích nhóm
công chúng này đọc báo và tạp chí nhiều hơn.
Có thể thấy, tuy mức độ tiếp nhận thông tin từ báo in của nhóm công chúng này
hiện không cao bằng mức độ tiếp nhận từ mạng internet hay truyền hình nhưng nhóm
công chúng này vẫn có nhu cầu tiếp nhận thông tin từ báo in. Và nhu cầu này là khá
đa dạng. Nhóm công chúng thế hệ Net sẽ tích cực đọc báo, tạp chí hơn khi có điều
kiện tiếp xúc tốt hơn với loại phương tiện truyền thông đại chúng này.
3.2. Mạng internet có ảnh hưởng tới mức độ và cách thức sử dụng báo in, phát
thanh và truyền hình của mẫu điều tra thế hệ Net
Kết quả điều tra cho thấy, nhìn chung, mẫu điều tra thế hệ Net tại nội thành Hà Nội
có mức độ sử dụng mạng internet cao hơn hẳn mức độ đọc báo in và mức độ nghe
phát thanh. Xét tới quỹ thời gian rỗi, có thể thấy, quỹ thời gian rỗi dành cho các
phương tiện truyền thông đại chúng của nhóm công chúng này hiện chủ yếu được
chia sẻ giữa mạng internet và truyền hình. Mẫu điều tra thế hệ Net có mức độ sử
dụng mạng internet và mức độ theo dõi truyền hình đều rất cao và xấp xỉ nhau. Và
buổi tối là khung giờ vàng cho cả truyền hình lẫn mạng internet.
Nhưng trong những năm gần đây, khi mạng internet phát triển với tốc độ “chóng
mặt” thì thói quen sử dụng mạng internet đã có những ảnh hưởng rõ rệt tới thói quen
21

theo dõi truyền hình của nhóm công chúng này, mặc dù truyền hình đã có một lịch sử
phát triển lâu đời và đã định hình thói quen theo dõi truyền hình cho nhiều thế hệ
công chúng.
Kết quả khảo sát và thảo luận nhóm tập trung cho thấy mẫu điều tra có thói quen
đồng thời sử dụng nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau. Các thao tác
với từng loại phương tiện này được xen kẽ với nhau.
Khi được hỏi “Khi quan tâm theo dõi một thông tin hấp dẫn diễn ra trong nhiều
ngày, bạn ưu tiên theo dõi qua các phương tiện truyền thông như thế nào?”, nhóm
người lựa chọn mạng internet là ưu tiên cao nhất lên tới 60.7%, chiếm tỉ lệ cao nhất.

Đứng thứ hai là ti vi với tỉ lệ là 35.3%. Báo in và đài chiếm tỉ lệ không đáng kể. Điều
này có thể lý giải bằng một trong những thế mạnh nổi bật của mạng internet, đó là
khả năng thông tin nhanh nhất. Thảo luận nhóm tập trung làm rõ thêm cho điều này.
Khi được đề nghị lựa chọn duy nhất hoặc ti vi hoặc mạng internet, đại đa số người
tham gia thảo luận đã nhanh chóng lựa chọn mạng internet. Lý do được đưa ra tương
đối giống nhau: Nếu có mạng internet thì vẫn xem được truyền hình. Bên cạnh đó, có
thể chủ động chọn lọc thông tin muốn xem trên mạng internet. Và bất cứ khi nào
cũng có thể tìm kiếm thông tin bằng công cụ Google.
3.3. Thế hệ Net là tập hợp của các phân nhóm công chúng với các đặc trưng dị
biệt
Trong chương 2 tác giả đã xem xét sự phân nhóm trong mẫu điều tra thế hệ Net
theo các yếu tố thị hiếu, giới tính và môi trường học tập. Theo đó, mẫu điều tra có sự
phân nhóm rõ rệt trong thị hiếu đọc báo in, theo dõi truyền hình và theo dõi các trang
web trên mạng internet. Mẫu điều tra có sở thích đọc đa dạng các loại báo, tạp chí
khác nhau; theo dõi các loại chương trình truyền hình khác nhau và quan tâm tới rất
nhiều loại trang web khác nhau. Bên cạnh đó, mẫu điều tra còn có sự phân nhóm theo
giới tính, khi nhóm công chúng nam và nhóm công chúng nữ có những định hướng
khác nhau trong việc chọn lựa các loại báo và tạp chí khác nhau để đọc.
Kết quả điều tra còn cho thấy mẫu điều tra phân nhóm rõ rệt theo môi trường học
tập, ví dụ, mức độ theo dõi truyền hình của nhóm học sinh trường Việt Đức nhìn
chung cao hơn mức độ theo dõi truyền hình của nhóm học sinh trường Chu Văn An.

×