ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ VÂN HÀ
MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ
TRONG TRIẾT HỌC TÂY ÂU TRUNG CỔ
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Tôn giáo học
Hà Nội - 2012
2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN THỊ VÂN HÀ
MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ
TRONG TRIẾT HỌC TÂY ÂU TRUNG CỔ
LUẬN VĂN THẠC SĨ TÔN GIÁO HỌC
Mã số: 60 22 90
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Hà Nội - 2012
1
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 2
1. Lý do chọn đề tài 2
2. Tình hình nghiên cứu 4
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 7
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 7
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 8
6. Ý nghĩa của luận văn 8
7. Kết cấu của luận văn 8
Chương 1: ĐIỀU KIỆN, TIỀN RA ĐỜI VÀ THỰC CHẤT VẤN ĐỀ MỐI
QUAN HỆ GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ TRONG TRIẾT HỌC TÂY ÂU
TRUNG CỔ 9
1.1. Điều kiện, tiền đề ra đời quan niệm của các nhà triết học trung cổ Tây Âu
về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí 9
1.2. Thực chất vấn đề mối quan hệ giữa đức tin và lý trí trong triết học Tây
Âu trung cổ 30
Chương 2: QUAN NIỆM CỦA CÁC GIÁO PHỤ VỀ
MỐI QUAN HỆ
GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ 39
2.1. Quan niệm của Tertullien về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí 40
2.2. Quan niệm của Augustino về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí 44
Chương 3: QUAN NIỆM CỦA CÁC NHÀ TRIẾT HỌC
KINH VIỆN VỀ
MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ 60
3.1. Quan niệm của Anselm von Canterbury về mối quan hệ giữa đức tin và lý
trí 65
3.2. Quan niệm của Thomas Aquino về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí . 66
3.3. Đánh giá quan niệm của các nhà triết học Tây Âu trung cổ về mối quan
hệ giữa đức tin và lý trí 83
KẾT LUẬN 95
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 97
2
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ
quan, khi nhắc đến triết học Tây Âu trung cổ, người ta thường quan niệm: đây
là thời kỳ tăm tối, không để lại gì nhiều cho lịch sử nhân loại về khoa học
cũng như triết học. Triết học trung cổ chịu sự “lạnh nhạt” như vậy bởi tính
chất đặc trưng của nó: gắn liền với tôn giáo, như Hegel đã nhận xét: người ta
chung chung có cảm giác là không hề có cái gọi là triết học trung cổ mà chỉ
có thần học trung cổ [16, tr. 149]. Các nhà nghiên cứu, hoặc do thù nghịch,
hoặc dửng dưng với tôn giáo đều không thích tìm hiểu về triết học trung cổ.
Trong thời gian gần đây, đã có một số công trình quan tâm tới triết học thời
kỳ này, song nhìn chung còn ít, đặc biệt, vấn đề quan hệ giữa đức tin và lý trí
trong thời kỳ này chưa được nghiên cứu một cách hệ thống.
Xã hội thời kỳ trung cổ ở Tây Âu là thời kỳ mà về mặt đời sống tinh
thần chịu sự chi phối của tôn giáo và thần học. Vấn đề mối quan hệ giữa triết
học và thần học, đức tin và lý trí nổi lên như những vấn đề trọng tâm nhất
trong các học thuyết triết học. Không phải đến thời kỳ này, vấn đề mối quan
hệ giữa đức tin và lý trí mới được đặt ra mà ngay từ thời cổ đại, con người đã
có quan niệm đối lập đức tin với lý trí, nhưng đến thời trung cổ, nhờ cuộc
tranh luận giữa các nhà thần học - triết học, đã mở ra một xu hướng mới: xu
hướng dung hợp đức tin và lý trí, triết học và thần học. Các nhà triết học trung
cổ, dù bàn đến vấn đề gì, dù lập trường quan điểm khác nhau nhưng mục đích
cuối cùng của họ vẫn hướng đến giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa đức
tin và lý trí. Mặt khác, thực chất của vấn đề mối quan hệ giữa đức tin và lý trí
trong triết học Tây Âu trung cổ là vấn đề về mối quan hệ giữa Kito giáo
nguyên thủy và triết học Hy Lạp cổ đại. Những tư tưởng của các nhà triết học
trung cổ tiêu biểu như Tertullien, Augustino, Anselm von Canterbury,
3
Thomas Aquino là sự kế thừa, luận giải những tư tưởng triết học của các
nhà triết học cổ đại. Do đó, việc đi sâu tìm hiểu vấn đề về mối quan hệ giữa
đức tin và lý trí trong triết học Tây Âu trung cổ sẽ góp phần đưa ra cái nhìn
toàn diện, khách quan hơn về triết học thời kỳ này và vị trí của nó trong lịch
sử triết học phương Tây nói chung.
Đồng thời, việc các nhà triết học Tây Âu trung cổ dùng triết học để
diễn giải học thuyết Kito giáo là yếu tố quyết định trong công cuộc Kito hóa
tư tưởng, là cơ sở lý luận cho đạo Kito.
Trên thực tế, cuộc tranh luận về quan hệ giữa đức tin và lý trí (giữa tôn
giáo và khoa học) đã diễn ra trong suốt chiều dài phát triển lịch sử triết học và
vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Có quan điểm cho rằng cùng với sự phát triển
của khoa học kỹ thuật, vai trò của tôn giáo sẽ ngày càng suy giảm, thậm chí
mất đi. Rõ ràng, khi khoa học công nghệ phát triển, hiểu biết của con người
mở rộng, cái siêu tự nhiên bị thu hẹp lại, con người có thể làm chủ cuộc sống
của mình. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây đã chứng minh chưa bao giờ
con người đạt được những thành tựu khoa học khổng lồ như hiện nay, nhưng
cũng chưa bao giờ con người lại khủng hoảng, mất niềm tin vào cuộc sống
như hiện nay. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật tạo cơ hội cho con người
cải thiện điều kiện vật chất, nâng cao đời sống nhưng trong cuộc sống, con
người vẫn gặp phải rất nhiều rủi ro, bất trắc, khi đó rất nhiều người lại tìm đến
tôn giáo như một chỗ dựa tinh thần, như cứu cánh an toàn nhất.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nhưng thế giới là vô
hạn, nhận thức của con người lại là hữu hạn, hàng loạt hiện tượng kỳ lạ xuất
hiện, con người chưa thể giải thích được, vai trò của tôn giáo và khoa học đối
với đời sống lại được đặt ra như một trong những vấn đề cấp bách nhất. Việc
nghiên cứu quan niệm của các nhà triết học Tây Âu trung cổ về mối quan hệ
4
giữa đức tin và lý trí sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn khách quan, phong phú
hơn về vấn đề này.
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn “Mối quan hệ giữa đức
tin và lý trí trong triết học Tây Âu trung cổ” làm đề tài nghiên cứu của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Mối quan hệ giữa đức tin và lý trí là một trong những vấn đề nổi bật,
xuyên suốt quá trình phát triển của triết học Tây Âu trung cổ. Ở nước ta, tuy
chưa có một công trình chuyên biệt về vấn đề này, nhưng khi bàn đến triết
học Tây Âu trung cổ, dù ít hay nhiều, các học giả đều đề cập đến mối quan hệ
giữa đức tin và lý trí. Có thể kể đến các công trình sau:
Trước hết là tác phẩm “Lịch sử triết học và các luận đề’’ (2004) của tác
giả Sumel Enoch Stump. Cuốn sách bao gồm hai phần: Phần một, trình bày
lịch sử triết học phương Tây từ thời kỳ sớm nhất đến thời kỳ hiện đại; phần
hai là tuyển tập các tác phẩm gốc của các nhà triết học phương Tây từ thời kỳ
sớm nhất đến thời kỳ hiện đại. Triết học Tây Âu trung cổ được trình bày ở
chương 2 với tên gọi: Hòa nhập giữa triết học và thần học. Trong chương này,
tác giả đi vào phân tích sự hòa nhập giữa triết học và thần học được thể hiện
như thế nào trong quan niệm của một số triết gia cụ thể như: Augustino,
Boethius, Dionysius, Eriugena, Thomas Aquino qua đó trình bày quan niệm
của các ông về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí.
Công trình “Các trường phái triết học trên thế giới’’ (2005) của David
E Cooper gồm ba phần: Phần I - Các trường phái triết học cổ; phần II - Các
trường phái triết học trung đại và cận đại; phần III - Các trường phái triết học
cận đại. Triết học Tây Âu trung cổ được trình bày ở phần II. Thông qua việc
trình bày mối quan hệ triết học và thần học; mối quan hệ giữa thuyết Tân
Plato, học thuyết Augustino và thuyết sáng thế; sự tranh cãi giữa phe truyền
thống và phe Hy Lạp; học thuyết Thomas Aquino; thuyết thần bí tác giả đã
5
gián tiếp bàn đến mối quan hệ giữa đức tin và lý trí, phản ánh được cuộc đấu
tranh của các nhà triết học xung quanh vấn đề này.
Trong công trình “Các phạm trù văn hoá trung cổ” (1998), A. J. A.
Gurevich đã tiếp cận thời trung cổ ở Tây Âu dưới góc độ triết học văn hoá, ông
đã giải mã được ngôn ngữ văn hoá trung cổ, dịch nó sang thứ ngôn ngữ người
đọc hiện đại có thể hiểu được. A. J. A. Gurevich đã xác lập những phạm trù cơ
bản của văn hoá trung cổ: Không gian, thời gian, lao động, phụng sự, Thượng
đế Tuy không trực tiếp trình bày, phân tích mối quan hệ giữa đức tin và lý trí
nhưng tác phẩm đã cho chúng tôi một cái nhìn khách quan về thời kỳ này, từ
đó thấy được sự biến đổi trong quan niệm của các nhà triết học Tây Âu trung
cổ về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí qua các giai đoạn lịch sử.
Trong cuốn “Triết học thượng cổ Tây phương ảnh hưởng trên Kito
giáo” (2010), tác giả Piô Phan Văn Tình đã triển khai, phân tích quan niệm về
vũ trụ quan, nhân sinh quan của các nhà triết học tiêu biểu thời thượng cổ:
Heraclite, Parmenide, Socrates, Plato, Aristotle và các triết gia Kito giáo:
Thánh Justino, Augustino và Thomas Aquino; từ đó đưa ra các nhận định về
ảnh hưởng của triết học thượng cổ đến các triết gia Kito giáo và ngược lại, thể
hiện sự hoà nhập giữa triết học và thần học, đức tin và lý trí.
Tác phẩm “Các nhà tư tưởng lớn của Kito giáo” (2010) của Hans Kung
đã trình bày chi tiết quan niệm của bảy nhà tư tưởng lớn của Kito giáo, trong
đó có quan niệm của Augustino và Thomas Aquino. Augustino được nhắc đến
như tổ phụ của toàn bộ nền thần học phương Tây Latinh, còn Thomas Aquino
được coi như người mở đường cho khoa học đại học và thần học giáo triều,
biến thần học thành một khoa học đại học mang tính lý tính.
Công trình “Lịch sử triết học, tập 1: Triết học Tây Âu trung cổ” (1991)
của J. Hirschberger (dịch giả: Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Chí Hiếu) là một
trong những công trình trình bày khá chi tiết về triết học Tây Âu trung cổ.
6
Trong tác phẩm này, tác giả đã trình bày các giai đoạn phát triển cũng như
những quan niệm của các nhà triết học trung cổ. Sự ra đời của triết học trung
cổ được J. Hirschberger làm rõ trên cơ sở kế thừa các học giả trước đó như:
Plato, Aristote, Plato mới Mối quan hệ giữa đức tin và lý trí được trình bày
một cách khái quát trong quá trình trình bày học thuyết của các nhà triết học.
Với tác phẩm “Đại cương lịch sử triết học phương Tây’’ (2006), TS.
Đỗ Minh Hợp, TS. Nguyễn Thanh và TS. Nguyễn Anh Tuấn đã đề cập đến
những vấn đề chung nhất của triết học Tây Âu trung cổ: Ý nghĩa triết học của
Kinh Thánh, những tư tưởng cơ bản của giáo phụ học, học thuyết Augustino,
triết học kinh viện Trong đó, mối quan hệ giữa đức tin và lý trí được nói đến
với tư cách là hệ chuẩn của triết học kinh viện.
Trong hai cuốn “Nhập môn triết học phương Tây” (2005) của tác giả
Lê Văn Thiện, và cuốn “Triết học trung cổ Tây Âu” (2003) của Doãn Chính
và Đinh Ngọc Thạch, các tác giả đã cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn
diện về những vấn đề cơ bản của triết học Tây Âu thời kỳ trung cổ, trong đó
có vấn đề mối quan hệ giữa lý trí và đức tin.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể kể đến một số công trình:
- Lê Tôn Nghiêm (2000), Lịch sử triết học phương Tây (ba tập), Nxb
Thành phố Hồ Chí Minh.
- E.E. Nexmeyanov (2002), Triết học hỏi và đáp, Nxb Đà Nẵng.
- Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hải Thanh
(2005), Tôn giáo, lý luận xưa và nay, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Edward McNall Burns (2008), Văn minh phương Tây – Lịch sử và
văn hóa, Nxb Từ điển bách khoa.
- Nguyễn Thị Thanh Hải (2006), Một số nội dung cơ bản trong triết
học Thomas Aquino, luận văn thạc sỹ khoa học Triết học, trường Đại học
Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hà Nội.
7
- Hoàng Thị Mỹ Quỳnh (2010), Quan niệm của Augustino về con người
và ảnh hưởng của nó đến triết học hiện sinh của Karl Jaspers, luận văn thạc
sỹ khoa học Triết học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học
Quốc gia Hà Nội), Hà Nội.
Nhìn chung, trong các công trình nghiên cứu trên đây, chưa có một
công trình chuyên biệt nào về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí trong triết
học Tây Âu trung cổ mà vấn đề này chỉ được đề cập một cách gián tiếp và
khái quát thông qua việc phân tích quan niệm của các nhà triết học nói chung.
Để có cái nhìn khách quan và đánh giá đúng giá trị của triết học Tây Âu trung
cổ, đặc biệt là quan niệm của các nhà triết học về mối quan hệ giữa đức tin và
lý trí, chúng tôi thấy cần phải có những công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn
nữa về vấn đề này.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích: Làm rõ quan niệm của các nhà triết học Tây Âu trung cổ về
mối quan hệ giữa đức tin và lý trí; từ đó đưa ra nhận định về giá trị và hạn chế
của quan niệm này.
- Để đạt mục đích trên, luận văn thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Phân tích điều kiện, tiền đề ra đời và thực chất mối quan hệ giữa đức
tin và lý trí trong triết học Tây Âu trung cổ.
+ Phân tích quan niệm của các nhà triết học tiêu biểu trong triết học
Tây Âu trung cổ về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí.
+ Đánh giá quan niệm của các nhà triết học Tây Âu trung cổ về mối
quan hệ giữa đức tin và lý trí.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Quan niệm của các nhà triết học Tây Âu trung
cổ về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí.
8
- Phạm vi nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu quan niệm của
các triết gia tiêu biểu của triết học trung cổ Tây Âu: Tertullien, Augustino,
Anselm von Canterbury, Thomas Aquino.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
- Cơ sở lý luận: Luận văn được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp
luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo và về lịch sử triết học.
- Phương pháp nghiên cứu: Trong luận văn, tác giả sử dụng các
phương pháp chủ yếu sau: Phân tích, tổng hợp, thống nhất lôgic và lịch sử,
trừu tượng hoá, khái quát hoá
6. Ý nghĩa của luận văn
- Luận văn nghiên cứu chuyên sâu quan niệm của các nhà triết học tiêu
biểu thời kỳ Tây Âu trung cổ về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí, từ đó góp
phần đánh giá khách quan hơn về triết học trung cổ trong sự phát triển của
lịch sử triết học phương Tây, cũng như vai trò của các nhà triết học, thần học
thời kỳ này đối với sự hình thành quan điểm Kito giáo.
- Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho sinh viên và học viên cao
học ngành triết học, tôn giáo học.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn
gồm 03 chương với 07 tiết.
9
Chương 1: ĐIỀU KIỆN, TIỀN RA ĐỜI VÀ THỰC CHẤT VẤN ĐỀ
MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ TRONG
TRIẾT HỌC TÂY ÂU TRUNG CỔ
1.1. Điều kiện, tiền đề ra đời quan niệm của các nhà triết học trung
cổ Tây Âu về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí
1.1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội cho sự ra đời quan niệm của các nhà
triết học Tây Âu trung cổ về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí
Vào những năm đầu công nguyên, ở các nước Tây Âu có sự chuyển
biến căn bản trong xã hội. Đó là sự tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ và sự ra
đời của chế độ phong kiến, do những cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt diễn ra
trong thời kỳ khủng khoảng của chế độ nô lệ kết hợp với các cuộc tấn công
của những man tộc bên ngoài. Thời kỳ trung cổ ở Tây Âu được đánh dấu
bằng thời điểm sụp đổ của tây bộ đế quốc La Mã năm 476 và kết thúc khi
xuất hiện các hình thức ban đầu của chủ nghĩa tư bản (thế kỷ XV). Một loạt
nhà nước phong kiến vốn là các tỉnh thành của đế quốc La Mã đã hình thành
như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức… Quá trình hình thành chế độ phong
kiến ở Tây Âu được biểu hiện ở ba mặt chủ yếu: sự lãnh địa hoá toàn bộ
ruộng đất trong xã hội, quá trình nông nô hoá giai cấp nông dân và trang viên
hoá nền kinh tế.
Trong giai đoạn đầu của sự chuyển biến từ chế độ nô lệ sang chế độ
phong kiến ở các nước Tây Âu, nền kinh tế - xã hội bị suy sụp nghiêm trọng.
Trong kinh tế, ngành nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi) chiếm
địa vị thống trị. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên chế độ tư hữu về
ruộng đất. Các thế lực quý tộc phong kiến chiếm giữ toàn bộ ruộng đất, đồng
cỏ, rừng rú lập thành các lãnh địa phong kiến. Các lãnh chúa phong kiến
khống chế hầu hết các hoạt động kinh tế trong xã hội như sản xuất nông
10
nghiệp, tổ chức các xưởng thủ công, đặt các loại thuế để bóc lột người lao
động Đời sống của người nông nô hết sức thấp kém, tối tăm. Phản ánh tình
trạng này, Ph.Ănghen viết: “Sự cướp bóc của quý tộc đối với nông dân mỗi
năm một tinh vi hơn. Nông nô bị bóp nặn đến giọt máu cuối cùng, những
nông dân phụ thuộc phải gánh thêm những khoản thuế và đảm phụ mới với
mọi lý do và dưới mọi tên gọi. Lao dịch, địa tô, phù thu lạm bổ, thuế thay đổi
chủ, thuế di sản, tiền bảo hộ tăng lên một cách độc đoán, bất chấp tất cả mọi
hợp đồng cổ” [5, tr. 463].
Đến giữa thời kỳ trung cổ, thủ công nghiệp có bước phát triển, nhiều
ngành nghề mới ra đời với trình độ kỹ thuật ngày càng hoàn thiện. Đó là các
nghề khai mỏ, luyện kim, chế tạo vũ khí, thuộc da, dệt len dạ Sự tiến bộ ấy
của thủ công nghiệp đòi hỏi phải có những người thợ thủ công chuyên môn
hoá, đồng thời phải biến thủ công nghiệp từ một nghề phụ của nông nghiệp
thành một ngành độc lập. Chính sự tách rời giữa thủ công nghiệp và nông
nghiệp ấy là điều kiện quan trọng dẫn đến sự ra đời của thành thị thời trung
đại ở Tây Âu. Các thành thị, các xưởng sản xuất thủ công và những tầng lớp,
giai cấp mới trong xã hội như chủ xưởng, thương nhân, thợ thủ công xuất
hiện, dần dần trở thành đối thủ của tầng lớp quý tộc ruộng đất. Tình hình
nông nghiệp cũng có nhiều tiến bộ như nông cụ được cải tiến, diện tích canh
tác không ngừng được mở rộng, năng suất lao động tăng cao, sản lượng và số
chủng loại sản phẩm tăng lên nhiều.
Đến thế kỷ VI, thương mại cũng bắt đầu sống lại. Những trung tâm
thương mại đầu tiên hình thành ở Venise. Khi các điền chủ nhận ra rằng mình
có thể thu tiền lời bằng việc bán một loại nông sản nào đó, ông ta bắt đầu
trồng nông sản đó nhiều hơn và dùng số tiền bán nông sản đó để mua những
nông sản mà ông ta không có [13, tr. 154]. Khi đó, nhu cầu của con người
ngày càng cao, kỹ nghệ ra đời. Và sự phục hồi của thương mại cùng với
11
những khởi đầu của kỹ nghệ đã đưa đến sự hình thành các thành phố, những
người thợ chẳng bao lâu cũng được tổ chức thành phường hội, những phiên
chợ lớn được hình thành.
Sự biến chuyển về kinh tế như trên ảnh hưởng lớn đến đặc điểm xã hội
Tây Âu trung cổ.
Trong đời sống xã hội Tây Âu trung cổ, sự phân hoá giai cấp diễn ra
sâu sắc: “Đặc điểm của xã hội phong kiến ở các nước Tây Âu là có một cái
thang tôn ti trật tự phức tạp - từ những kỵ sĩ phổ thông qua những công tước
và đến vua hay hoàng đế; đó là một cái thang mà cái chân của nó dựa vào số
quần chúng nông dân phụ thuộc bị bóc lột tàn nhẫn, và sau đó dựa vào những
thợ thủ công nhỏ” [79, tr. 199]. Sự phân hóa này còn được thể hiện ngay trong
tầng lớp tăng lữ: “Giới tăng lữ cũng chia thành hai giai cấp hoàn toàn khác
nhau. Hệ tôn ti của giáo hội phong kiến hình thành nên giai cấp quý tộc: giám
mục và tổng giám mục, trưởng tu viện, giáo chủ và các giáo chức cao cấp
khác. Các giáo chức cao cấp đó của giáo hội đều hoặc giả tự mình là những
vương công của đế chế, hoặc giả là những chúa phong kiến phục tùng chính
quyền tối cao của những vương công khác và chiếm hữu những vùng đất đai
rộng lớn có nhiều nông nô và dân cư lệ thuộc” [5, tr. 464].
Mặc dù có sự phân hóa, nhưng nhìn chung xã hội Tây Âu trung cổ gồm
hai giai cấp cơ bản: nông dân và quý tộc phong kiến. Trong đó, giai cấp quý
tộc nắm trong tay nhiều tiền của, ruộng đất, còn giai cấp nông dân thì bị phụ
thuộc một cách nhục nhã về cá nhân và về kinh tế. Nông dân phải lao động
quần quật từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Cuộc sống của họ vô cùng
khổ cực: nhà ở thường là một nơi tồi tàn, dơ dáy, làm từ các tấm liếp trát bùn;
giường ngủ thường là cái thùng độn đầy rơm; ghế ngồi là chiếc ghế đẩu ba
chân; thức ăn là chiếc bánh mì đen, pho mát và súp, thịt và cá muối được nấu
qua loa, bị thối rữa một nửa. Những người nông dân được nhắc đến như
12
những sinh vật bị khinh miệt – những sinh vật chậm hiểu, bần tiện, xấu xí,
được sinh ra rừ “đống phân lừa”…
Cùng với sự thống trị của quý tộc phong kiến, giới tăng lữ, Giáo hội
cũng trở thành một lực lượng đầy quyền uy, nắm trong tay cả thần quyền,
quyền lực về kinh tế và quyền lực về chính trị. Giáo hội Kito giáo chiếm hữu
khoảng một phần ba đất đai ở châu Âu và một số lượng lớn nông nô. Mỗi Giáo
hội có một tu viện và cả trăm thôn xã phụ thuộc với hàng vạn hécta đất, hàng
chục vạn nông nô. Giáo hội được vua chúa ban tặng rất nhiều ruộng đất và tài
sản. Ngay từ thế kỷ XII - XIII, quyền lực của Giáo hoàng đã rất lớn. Giáo
hoàng Inocento III viết: “Chúng ta được phó sứ mệnh thống trị mọi người và
mọi nước”, “Giáo hoàng mang lại vinh quang và uy tín cho vương quyền như
mặt trời đem lại ánh sáng cho mặt trăng”, “Giáo hoàng là đại diện cho Thượng
đế trên trái đất, không những là chủ của tăng lữ mà cũng là thủ lĩnh của hoàng
đế nữa” [71, tr. 51-52]. Tài sản, quyền lực của Giáo hoàng và Giáo hội ngày
càng lớn mạnh nhờ những chính sách như: lập ra quỹ “nhà thờ thập tự” để
quyên tiền chuẩn bị cho “thập tự chinh” hay chính sách bán thẻ “miễn tội”.
Theo tuyên truyền của Giáo hội, họ có thể xá tội cho những kẻ tội lỗi, giúp họ
thoát khỏi nhục hình ở địa ngục, do đó người nào mua được thẻ thì có thể thoát
tội, thậm chí khi chết có thể được lên thiên đàng.
Đặc biệt, ở Đức, Giáo hoàng và Giáo hội hoành hành cực kỳ mạnh mẽ,
giáo hội chiếm 1/3 diện tích ruộng đất, bóc lột nhân dân vô cùng tàn tệ. Hàng
năm, tiền của chở từ Đức sang La Mã rất nhiều, trong khi đó nông dân nhiều
nơi chết đói, dân nghèo thành thị không có việc làm, đời sống thiếu thốn khổ
cực. Trước tình hình đó, nhiều tầng lớp nhân dân đều oán hận Giáo hội, thậm
chí có những nơi diễn ra phong trào chống Giáo hội: phong trào dưới sự lãnh
đạo của các nhà nhân văn chủ nghĩa như: Erasmus, Unrich von Hutten Để
chống lại sự phản kháng của nhân dân, Giáo hoàng và Giáo hội đã thực hiện
13
những chính sách tàn khốc, hàng loạt tòa án dị giáo được lập ra, rất nhiều giáo
dân bị thiêu sống trên cột lửa.
Do ảnh hưởng của đặc điểm kinh tế - xã hội nên hệ tư tưởng thống trị
suốt hàng thế kỷ trong đời sống xã hội Tây Âu trung cổ là Kito giáo với hai
biến thể của nó là đạo Chính thống và Kito giáo La Mã. Kito giáo thời kỳ đầu
tiên là tôn giáo của người nghèo, đồng thời là tôn giáo của sự phản kháng
chống lại trật tự hiện hành hà khắc, phi nhân tính. Sự ra đời của Kito giáo
trong xã hội La Mã lúc đó có thể được xem là một hiện tượng cách mạng. Bởi
nó xoá bỏ sự phân biệt giàu nghèo, đề cao tính dân chủ trong sinh hoạt cộng
đồng, tuyên truyền nguyên lý về sự bình đẳng; tư tưởng Kito giáo chủ trương
xây dựng một thế giới mới, khắc phục tội lỗi, sự đố kỵ và thù hận, đáp ứng
những mong muốn thầm kín của đại bộ phận quần chúng. Mặc dù thế giới
trong Kinh Thánh vẽ ra là hoang tưởng, tách khỏi mảnh đất trần tục, nhưng nó
đem đến cho con người niềm an ủi, giúp họ quên đi những nỗi đau thể xác và
tinh thần. Điều đó có nghĩa là với sự ra đời của Kito giáo, trong ý thức con
người đã diễn ra sự chuyển biến từ phản kháng bạo lực sang phản kháng đạo
đức. Kito giáo cảm nhận sự thiếu hoàn thiện và thiếu nhân tính trong các quan
hệ xã hội đương thời như kết quả của sự thiếu hoàn thiện trong mỗi người, do
đó lấy tinh thần hoà giải và tha thứ để cảm hoá họ: “ Tư tưởng nhất quán ấy
khiến Kito giáo khác với các tôn giáo thiên về trừng phạt, bạo lực, kể cả Do
thái giáo ” [16, tr. 9].
Kito giáo đã phải trải qua những chặng đường đầy cam go thử thách để
có thể trở thành tín ngưỡng độc tôn. Lúc đầu, các tập đoàn thống trị ở La Mã
không mấy thiện cảm với Kito giáo vì nó chỉ thừa nhận một chân lý duy nhất,
một Chúa duy nhất, một quyền năng duy nhất. Ròng rã ba thế kỷ, Kito giáo bị
truy bức và tàn sát hết sức đẫm máu, song các tín đồ với tính thống nhất và kỷ
luật cao, vẫn kiên trì theo đuổi mục đích của mình. Mãi đến thế kỷ thứ IV,
14
chính quyền La Mã mới thay đổi thái độ với Kito giáo. Các hoàng đế
Licinnius và Constantinus chấm dứt những cuộc tàn sát và hợp pháp hoá Kito
giáo vào năm 311 và 313. Tiếp đó là hai thế kỷ đấu tranh không mệt mỏi của
Kito giáo đòi quyền tôn giáo chính thống. Trở thành “nhà nước trong nhà
nước”, Kito giáo hoàn thiện tổ chức của mình và bắt đầu can thiệp vào mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội. Đạo Kito giành được thắng lợi là do tính chất
tổng hợp, từ Do Thái giáo, và cả những đóng góp của người Ba Tư, người Hy
Lạp. Các tôn giáo huyền bí và triết học cổ Hy Lạp đã tạo ra nhiều học thuyết
và thông lệ để đạo Kito có thể tiếp thu, đồng thời bảo tồn những điểm đặc
trưng của mình. Thuyết Ngộ đạo phát triển niềm tin vào sự khải huyền huyền
bí và dạy rằng khái niệm về con người nguyên thủy hay Chúa – Con Người sẽ
hóa thân trong hình dạng con người. Tục thờ thần Mithras giúp con người chú
ý vào các hình thức nghi lễ. Bổ sung vào những ảnh hưởng này là ảnh hưởng
của triết học theo chủ nghĩa Khắc kỷ, làm cho các tầng lớp có học thức quen
với khái niệm về chủ nghĩa toàn thế giới và tình huynh đệ giữa con người [14,
tr. 243].
Khi đế quốc La Mã sụp đổ vào thế kỷ V, “Giáo hoàng La Mã trở thành
địa vị tối cao, được định chế vững chắc trong một thế giới mới và khủng
khiếp ” [13, tr. 11]. Giáo hội là tổ chức độc quyền nắm trong tay lĩnh vực
văn hoá, nhà trường và việc giáo dục. Các tín điều tôn giáo là cơ sở cho tất cả
các quan niệm về thế giới, về con người và nó đã trở thành nội dung tư tưởng
chính thống dùng để giảng dạy trong các nhà trường của Giáo hội cũng như
ngoài xã hội. Nội dung học tập chủ yếu trong các trường đại học lúc bấy giờ
là thần học, môn học được suy tôn là “bà chúa của khoa học”. Ngoài thần học
còn có các môn ngữ pháp, tu từ học, logic học, số học, hình học, thiên văn
học và âm nhạc, được gọi là “bảy môn nghệ thuật tự do”, song các môn học
này đều là môn phụ trợ và phải phục vụ cho thần học.
15
Qua những đặc điểm kinh tế - xã hội, chúng ta có thể nhận ra rằng nhà
thờ đạo Kito là một tổ chức tập quyền hùng mạnh, thống trị châu Âu cả về
tinh thần và chính trị. Trong xã hội đó, khoa học và triết học không thể tìm
cho mình một con đường đi độc lập, việc nghiên cứu khoa học và triết học
chủ yếu tập trung trong các tu viện và trường học của nhà thờ [80, tr. 215]. Do
đó, tín điều nhà thờ là điểm xuất phát của mọi tư duy, và thế giới quan thời kỳ
trung cổ là thế giới quan thần học bao trùm lên tất cả các lĩnh vực khác. Trong
thời kỳ đó, mối quan hệ giữa đức tin và lý trí trở thành vấn đề trọng tâm của
các học thuyết triết học cũng như thần học.
1.1.2. Tiền đề tư tưởng của quan niệm của các nhà triết học Tây Âu
trung cổ về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí
Với ý định tốt đẹp và cao thượng, các nhà triết học Tây Âu trung cổ
chủ trương thống nhất mọi thứ tản mát (tính muôn màu muôn vẻ của triết học
Hy Lạp) về một chân lý duy nhất. Bởi theo họ, trên con đường tìm kiếm chân
lý - Thiên Chúa, con người cần phải có lý trí dẫn đường để đức tin không bị
mù quáng, sai lạc. Mặt khác, tin tưởng cũng là một hình thức suy tư, như
Augustino từng nói: một người không có khả năng suy tư thì không có khả
năng tin tưởng.
Đức tin Kito giáo muốn vững chắc và được con người đón nhận, cần
phải được luận giải, chứng minh bằng lý trí. Trong tinh thần ấy, Kito giáo rất
cần đến sự liên minh với triết học, lấy tư tưởng, ngôn ngữ triết học để lý giải,
chú giải nội dung của Kinh Thánh. Tuy nhiên, do đặc thù của xã hội thời kỳ
này nên quan niệm về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí của các nhà triết học
Tây Âu trung cổ không phải kế thừa toàn bộ nền triết học cổ đại mà chỉ tiếp
thu, cải biến một số học thuyết triết học cổ đại như triết học Plato, Aristotle,
chủ nghĩa Plato mới
16
1.1.2.1. Một số học thuyết triết học cổ đại
Plato được coi là “một trong những cái đầu sáng tạo vĩ đại của thời cổ
đại” [67, tr. 93], học thuyết của ông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng của
nhiều nhà triết học sau này, trong đó có các nhà triết học Tây Âu trung cổ.
Nền tảng trong học thuyết triết học của Plato là học thuyết về ý niệm.
Ông ví đời sống con người như một cái hang, trong hang có một dãy người tù
bị trói quay lưng ra cửa hang, họ chỉ được nhìn về phía vách hang trước mặt,
ngoài cửa hang có một đoàn người mang theo nhiều đồ vật đi qua đi lại. Dưới
ánh sáng mặt trời hắt bóng đoàn người trên vách hang, những người tù chỉ
nhìn thấy bóng người mang theo đồ vật in trên vách, và ông cho rằng cái bóng
đó chỉ là kết quả của sự bắt chước nguyên mẫu, chỉ là tri thức mờ nhạt (thuộc
về dư luận) chứ không phải là tri thức chân thực. Plato khẳng định: chỉ có
nguyên mẫu (ý niệm) mới là thế giới chân thực, là cái chung, tồn tại thực sự.
Thế giới ý niệm của Plato chủ yếu mang tính đạo đức nên trong tất cả các ý
niệm thì ý niệm phúc lợi là ý niệm tối cao, là ngọn nguồn của chân lý. Sau
này, các học trò của Plato (chủ nghĩa Plato mới) coi ý niệm phúc lợi tối cao
của ông chính là Thượng đế.
Như vậy, Plato đã phân chia thế giới thành hai phần: thế giới sự vật
cảm tính và thế giới ý niệm. Trong đó, thế giới sự vật cảm tính không phải là
thế giới chân thực, đúng đắn mà thế giới đó luôn vận động, biến đổi; chỉ có
thế giới ý niệm là bản chất, tồn tại vĩnh viễn, là nguồn gốc của vạn vật.
Mặt khác, khi bàn đến vấn đề con người, Plato cho rằng: con người
gồm hai phần là thể xác và linh hồn, trong đó bản chất của linh hồn là trong
sáng nhưng khi thể xác sinh ra lại luôn luôn chịu ảnh hưởng của thế giới vật
chất, luôn luôn bị lôi kéo bởi dục vọng. Ông ví ý niệm như một cỗ xe ngựa có
hai con ngựa cùng kéo, nếu con ngựa dục vọng khỏe hơn sẽ kéo con người đi
xuống, con người sẽ quên mất nhiều thứ và không thể hồi tưởng được. Nhưng
17
nếu con ngựa linh hồn khỏe hơn, nó sẽ kéo cỗ xe đi lên, hướng về ý niệm
tuyệt đối, lúc đó con người sẽ hồi tưởng được nhiều hơn, trở nên thông thái và
thông minh hơn.
Theo Plato, con người luôn bị lệ thuộc vào những dữ kiện cảm tính nên
họ thường coi những cái bóng là hiện thực chân chính, và khi được giải phóng
khỏi những gông cùm, họ cũng không thể nhận thức ngay được thế giới tối
thượng mà sự nhận thức đó phải diễn ra dần dần. Nhưng cuối cùng, họ vẫn
đến được với thế giới màu nhiệm đó bởi “họ không chỉ là thể xác, trong linh
hồn của họ có một điểm nào đó là tinh thần, hay như Plato thường gọi là trí
tuệ, mà trí tuệ này là miền giao của hai thế giới Linh hồn chỉ gắn với thể
xác trong một thời hạn nhất định, còn tự nó khác với thể xác, nó giống với cái
thần thánh và cũng bất tử, nó là cái chỉ nhận thức được bằng trí tuệ. Nó là cái
khởi nguyên đầu tiên nhất trong con người và có nhiệm vụ lãnh đạo thể xác.
Sau khi ly biệt thể xác thì linh hồn đi về nơi của nó là vị trí có tính thần thánh
bất tử và lý tính sau khi đạt được vị trí đó rồi sẽ đạt tới sự hoan lạc và sẽ vĩnh
viễn thuộc về các thần linh” [2, tr. 139].
Với học thuyết về ý niệm, Plato chỉ ra rằng: tồn tại hai thế giới - thế
giới sự vật cảm tính và thế giới ý niệm. Quan niệm này được các trường phái
triết học sau này như Plato mới hay các nhà thần học Kito (đặc biệt là
Augustino) kế thừa và phát triển để xây dựng quan niệm về hai thế giới: thế
giới con người và thế giới Thiên Chúa. Học thuyết về linh hồn của ông cũng
chính là cơ sở để các nhà thần học đưa ra quan niệm về thần linh, Thượng đế.
Ngoài Plato, Aristotle cũng là một trong những tên tuổi được nhắc đến
nhiều trong học thuyết của các nhà triết học Tây Âu trung cổ khi lý giải vấn đề
mối quan hệ giữa đức tin và lý trí. Tư tưởng của Aristotle được Thomas
Aquino và các nhà triết học kinh viện sử dụng làm tiền đề, từ đó xây dựng nên
các học thuyết nhằm bảo vệ thần học, chứng minh đức tin vào Thiên Chúa.
18
Nội dung chủ yếu trong học thuyết của Aristotle là học thuyết về tồn
tại, được trình bày chủ yếu trong tác phẩm “Siêu hình học”. Aristotle cho
rằng tồn tại nói chung xuất phát từ bốn nguyên nhân:
+ Materie (vật chất) - đó là cái mà khái niệm hiện thực hóa trong nó.
+ Hình dạng (hình thức) - nhờ nó mà người ta nhận biết, phân biệt được
sự vật này với sự vật khác.
+ Vận động - nhờ đó mà hình dạng được hiện ra trong vật chất thành vật.
+ Mục đích - là cái mà hành động hoạt động xảy ra và vì nó mà mọi
hành động được thực hiện [68, tr. 7-8].
Theo Aristotle, trong số các nguyên nhân trên thì nguyên nhân hình dạng
là cơ bản nhất. Nó là thực chất của tồn tại, là bản chất của sự vật. Bản thân nó
đã bao hàm cả nguyên nhân vận động và nguyên nhân mục đích. Ông đã rất
đúng khi cho rằng bản chất của sự vật (tức hình dạng) nằm trong chính sự vật.
Ông chia bản chất thành hai cấp độ: bản chất thứ nhất, là bản chất có thể mất đi
cùng sự vật, còn bản chất thứ hai nằm ngoài sự vật, là hình dạng phi vật chất.
Và theo ông, mọi sự vật hiện tượng đều phải phát triển theo những trình tự, quy
luật, xu hướng riêng, tức có mục đích nhất định theo sự sắp đặt của Thượng đế.
Ông coi Thượng đế là nguyên nhân đầu tiên, nguyên nhân của mọi nguyên
nhân, hình dạng của mọi hình dạng. Vậy Aristotle đã luận giải thế nào cho sự
tồn tại của nguyên nhân đầu tiên này? Trong “Các trường phái triết học trên thế
giới”, David E Cooper viết: “Aristotle nhấn mạnh rằng: chuyển động tất yếu
phải vĩnh cửu vì nếu không có chuyển động vĩnh cửu thì không có thời gian, và
như thế là vô lý bởi vì không thể có cái trước, cái sau nếu không có thời gian.
Vậy mà, vì mọi bản thể bình thường đều sẽ bị hủy diệt nên tất yếu phải hiện
hữu một bản thể vĩnh cửu để đảm bảo sự tiếp nối chuyển động. Vì là nguồn
chuyển động, tác nhân chuyển động này không thể bị chuyển động bởi một vật
19
nào khác. Hơn nữa vì bất cứ vật gì là vật chất đều sẽ bị hủy diệt nên tác nhân
chuyển động vĩnh cửu này phải là vô chất” [18, tr. 129].
Thượng đế của Aristotle là nguyên nhân tuyệt đối, tách rời khỏi tất cả
sự vật cảm tính. Đó là Thượng đế triết học, nó giống Thượng đế của
Xenophane nhưng nó cũng khác với Thượng đế của vị tiền bối ở chỗ: Thượng
đế (động cơ đầu tiên) không bao giờ hòa nhập với tự nhiên, nó sống và hoạt
động nhờ vào lý trí của nó, nghĩa là “Lý tính mà nó đang suy tư bản thân và
chính ý tưởng của nó là tư duy về tư duy” [68, tr. 11].
Với học thuyết về Thượng đế, Aristotle đã biến triết học thứ nhất (triết
học lý luận, siêu hình học) của mình thành thần học, thành cơ sở nền tảng của
thần học sau này. Và như trên đã nói, những quan niệm của Aristotle được
Thomas Aquino và các nhà triết học kinh viện kế thừa, kết hợp với các quan
niệm thần học Kito giáo, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đương thời.
Khi nói đến ảnh hưởng của học thuyết cổ đại trong quan niệm về mối
quan hệ giữa đức tin và lý trí của các nhà triết học Tây Âu trung cổ, chúng ta
không thể bỏ qua chủ nghĩa Khắc kỷ - một trường phái triết học lớn thời kỳ
Hy Lạp hóa. Các nhà triết học trung cổ tiếp thu chủ nghĩa Khắc kỷ trong quan
niệm về vật lý học và đạo đức học.
Trong vật lý học, tức quan niệm về giới tự nhiên, các nhà Khắc kỷ cho
rằng vũ trụ là “một toàn thể kết hợp gồm chất thể thụ động hay vật chất và một
nguyên lý chất thể chủ động gọi là pneuma (khí hay hơi thở), được mô tả như
một lửa sáng tạo Hơn nữa, preuma còn có mục đích, trí khôn và lý trí” [18,
tr. 139]. Mọi sự vật đều phát triển theo những trình tự tất yếu nhất định do
Thượng đế sắp đặt trước nên vật lý học còn bao hàm cả thần học - học thuyết
về Thượng đế. Các nhà triết học Khắc kỷ đã chỉ ra sự tồn tại của thần thánh
thông qua sự nhất trí của con người về vấn đề này. Theo Crip - một trong
những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa Khắc kỷ: “Người ta đặt tên bản chất
20
chung của tất cả mọi vật là thần Zeus, kể cả số phận và tất yếu của chúng.
Không có các họ thánh nam và nữ cũng như không có những quốc gia và phẩm
hạnh như vậy, các thánh chỉ được gọi bằng các tên của nam giới hay nữ giới, ví
dụ như người ta gọi mặt trăng là Se’lena, Arex nghĩa là trật tự quân sự, là chế
độ và sự đối vị Mặt trời, mặt trăng, và cả các vì sao, cả quy luật là các thần”
[Dẫn theo 68, tr. 61]. Nói cách khác, các thần tồn tại là do có sự nhất trí của
mọi người gọi các thần như vậy. Cleanf cũng đã đưa ra cách chứng minh bản
thể luận về tồn tại của các thần: “Nếu một bản chất tốt hơn bản chất khác thì tồn
tại một bản chất nào đó tốt hơn Do đó là thần tồn tại” [Dẫn theo 68, tr. 61].
Còn Pirxria bào chữa cho các thần như sau: các thần là sự vĩ đại, không để cho
tội lỗi xảy ra, những cái ác trong thế giới hiện thực không phải do các thần
thánh mà là kết quả của những hoạt động sai lầm của con người.
Bàn về đạo đức, phái Khắc kỷ coi mục đích tối thượng của bất kỳ hành
động nào của con người chính là hạnh phúc. Muốn đạt được hạnh phúc, con
người phải sống hòa hợp với tự nhiên bằng cách sống theo quy luật của thế
giới thần thánh.
Từ những quan niệm về thần thánh và đạo đức, các nhà Khắc kỷ đã đưa
vào học thuyết triết học của mình những môtip tôn giáo thần học, sau này các
nhà thần học Kito lấy đó để xây dựng quan niệm về Thượng đế.
Do chịu ảnh hưởng của triết học Khắc kỷ và thần học, Philon được coi
là nhà triết học tiêu biểu cho sự dung hòa Kinh Thánh Do Thái giáo và truyền
thống Hy Lạp, La Mã. Những quan niệm của ông trở thành cơ sở đầu tiên của
giáo phụ học trung cổ. Ông đã dịch và bình chú Kinh Thánh từ tiếng Do Thái
sang tiếng Hy Lạp, nhất là bộ Ngũ kinh của Moses, dung hòa nó với triết học
của trường phái Plato và Khắc kỷ [16, tr. 34], trong thần học, ông còn lấy cả ý
niệm thiện của Plato.
21
Theo Philon, sở dĩ triết học Hy Lạp và Kinh Thánh có thể dung hòa với
nhau vì chúng thừa nhận một sức mạnh nền tảng là lý trí thần minh, lời thiêng
(hay Logos). Nhưng Kinh Thánh có ưu thế hơn vì nó đơn giản là lời Chúa,
còn triết học Hy Lạp là lời Chúa đã được con người lĩnh hội và tái lập lại nên
mất đi tính thiêng liêng và uyên bác ban đầu. Chúa của Kinh Thánh là đơn tử
tuyệt đối, nhất thể, không thể dùng lý trí đại chúng mà cắt nghĩa. Ngôn ngữ
con người thiếu hoàn thiện, cụ thể và cảm tính, khó có thể diễn đạt hình ảnh
của Chúa [16, tr. 34].
Philon cho rằng Chúa tồn tại và chúng ta có thể nhận thức Chúa bằng
cách đặt những câu hỏi mà mở đầu bằng những câu trả lời “không”: Chúa
không phân chia, Chúa không bị giới hạn, Chúa không cần bất kỳ điều kiện
tồn tại nào Nhưng do đâu mà chúng ta đặt được những câu hỏi này? Do trực
giác, xuất thần và mặc khải. Trong đó, trực giác và xuất thần nằm trong
truyền thống Hy Lạp, mặc khải nằm trong Kinh Thánh.
Tương tự như vậy, khái niệm Logos cũng được diễn đạt theo tinh thần
dung hòa. Logos của Philon được hiểu theo hai nghĩa:
Theo nghĩa truyền thống Hy Lạp, Logos một mặt là trật tự thế giới, quy
luật thống nhất vạn vật, sức mạnh nội tại và lý trí thế giới, chi phối các quá
trình tự nhiên và đời sống của con người; mặt khác, là sự ngự trị của những ý
tưởng siêu việt, thống nhất với ý tưởng tối cao hay Thượng đế [16, tr. 35].
Theo tinh thần của Kinh Thánh, Logos trước hết là lời phán truyền vì
Logos chính là lý trí của Chúa, đồng thời cũng là ý chí sáng tạo theo hình mẫu
của Chúa với tính cách hiện hữu bao trùm, duy nhất. Con người là khâu trung
gian giữa Chúa (đúng hơn là Logos lý trí của Chúa) và vũ trụ, bởi con người
thừa hưởng sức mạnh từ cả hai, nhưng trong đó chỉ có Chúa mới đem đến cho
con người sức mạnh siêu phàm, vượt lên trên thế giới hữu hình. Chúa sinh ra
con người giống như vạn vật nhưng con người còn được Chúa truyền cho tinh
22
thần, lý trí của Chúa. Logos, đó còn là ý chí của Chúa để thế giới hình thành,
vận động. Đó là lý do vì sao chỉ có Chúa mới biết có ngày tận thế.
Để đánh giá đúng vai trò, vị trí những tư tưởng của Philon, các tác giả
cuốn sách “Triết học trung cổ Tây Âu” viết: “Tư tưởng của Philon khác với tư
tưởng Kito giáo chính thống ở nhiều điểm, bởi lẽ ông không phải là giáo phụ mà
là triết gia Do Thái - Hy Lạp hóa, nhưng được các giáo phụ nhắc đến như hình
ảnh tiêu biểu trong quá trình xây dựng thế giới quan nhất thần” [16, tr. 36].
Cùng với Philon, chủ nghĩa Plato mới được coi là cầu nối đa thần giáo
với nhất thần giáo, cổ đại với trung cổ. Chủ nghĩa Plato mới là “đứa con tinh
thần muộn màng” của thế giới cổ đại già nua, đó là sự tiếp tục sự nghiệp của
Plato, hòa nhập với hệ tư tưởng cùng thời. Thực chất của chủ nghĩa Plato mới
là chiết trung triết học, kết hợp chủ nghĩa duy tâm khách quan với chủ nghĩa
Khắc kỷ, chủ nghĩa Pitago và phái tiêu dao Aristotle.
Plutac là người đặt nền móng cho chủ nghĩa Plato mới, Ammoni là
người sáng lập ra trường phái này nhưng chính Plotin mới là người làm cho
nó được nhắc đến trong lịch sử như chiếc cầu nối giữa truyền thống Hy Lạp
với hình thức tư duy trung cổ. Khái niệm trọng tâm, đồng thời là nguyên lý
tối hậu, tuyệt đối của bản thể luận trong quan niệm của Plotin là đơn nhất -
cơ sở và nguồn gốc của mọi tồn tại. Plotin chỉ ra các đặc tính cơ bản của
đơn nhất:
Thứ nhất, trong khi là nguồn gốc của tồn tại, đơn nhất cũng đồng thời
là thực tại đầu tiên không giới hạn, không hình thức, không chịu bất kỳ sự
quy định nào.
Thứ hai, đơn nhất là sự thống nhất thuần túy và giản đơn, hoàn toàn
loại trừ mọi đa thể tính, vì chúng đã bị dung nạp, đúng hơn là hòa tan vào nó.
Đó là sự nhất trí tuyệt đối.
23
Thứ ba, đơn nhất là bản chất tự nhiên, siêu việt, không được nhận biết,
không thể hiện ra cho tri giác và không diễn đạt được bằng ngôn ngữ. Ta chỉ
có thể chiêm nghiệm đơn nhất bằng sự hòa đồng huyền diệu, được trợ giúp
bởi năng lực trực giác thần bí.
Thứ tư, đơn nhất không là tư tưởng, không là ý chí bởi tất cả những thứ
ấy đều thiết định sự tồn tại của các mặt đối lập, chủ thể và đối tượng, nhưng
do đó nó vừa là tất cả, vừa là “không gì cả”, tóm lại là bản thể hư vị.
Thứ năm, dù là bản thể hư vị, đơn nhất của Plotin vẫn được gán cho thế
giới các ý niệm (ý niệm cái thiện). Chúng ta luôn hướng tới đơn nhất như
hướng tới cái thiện [16, tr. 49-50].
Đơn nhất của Plotin chính là sự pha trộn tồn tại của Parmenit, cái thiện
của Plato và Thượng đế - đệ nhất động cơ của Aristotle. Trong cái đơn nhất
có sự dẫn xuất từ đơn nhất đến sự vật (con đường đi xuống) và từ các sự vật
trở về với cái đơn nhất (con đường đi lên hoặc phục hồi). Với cái đơn nhất,
các dẫn xuất diễn ra song song với nhau, tạo nên dòng chảy liên tục trong vũ
trụ. Cũng như ý niệm của Plato (nếu linh hồn hướng tới ý niệm thì có đạo
đức), trở về với cái đơn nhất, với Plotin, đó là sự hướng thiện thông qua
những bậc thang tri thức như: cảm tính, trí năng, lý tính
Sự phân tích trên cho thấy, chủ nghĩa Plato mới chịu ảnh hưởng trực
tiếp của triết học Plato, Aristotle và sau này, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư
tưởng của các nhà triết học Tây Âu trung cổ. Plotin được coi là cây cầu nối
quyết định giữa triết học cổ đại và Augustino, đồng thời những quan niệm của
ông cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà triết học kinh viện, đặc
biệt là Thomas Aquino.
Như vậy, các học thuyết triết học cổ đại có ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp
đến quan niệm của các nhà triết học Tây Âu trung cổ, đặc biệt là quan niệm
về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí. Do đó, có thể khẳng định: triết học trung