Tải bản đầy đủ (.pdf) (115 trang)

Truyền thuyết và lễ hội về Tứ vị Thánh Nương ở Đền Lộ (Hà Nội) qua đối sánh với truyền thuyết và lễ hội vè Dương Thái Hậu ở Điện Mẫu ( Tân Hội, Trung Quốc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (5.72 MB, 115 trang )

0

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN







LONG BẰNG







TRUYỀN THUYẾT VÀ LỄ HỘI VỀ TỨ VỊ
THÁNH NƯƠNG Ở ĐỀN LỘ (HÀ NỘI) QUA ĐỐI SÁNH VỚI
TRUYỀN THUYẾT VÀ LỄ HỘI VỀ
DƯƠNG THÁI HẬU Ở ĐIỆN MẪU (TÂN HỘI, TRUNG QUỐC)



Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Văn học dân gian
Mã số: 60 22 01 25





Người hướng dẫn khoa học:
TS. Nguyễn Hữu Thức







Hà Nội-2012

1

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU 4
PHẦN NỘI DUNG 12
CHƯƠNG 1. TRUYỀN THUYẾT VỀ TỨ VỊ THÁNH NƯƠNG Ở ĐỀN LỘ (HÀ NỘI)
QUA ĐỐI SÁNH VỚI TRUYỀN THUYẾT VỀ DƯƠNG THÁI HẬU Ở ĐIỆN MẪU
(TÂN HỘI, TRUNG QUỐC) 12
1.1.Khái niệm truyền thuyết 12
1.1.1. Khái niệm truyền thuyết theo học giả Việt Nam 12
1.1.2. Khái niệm truyền thuyết theo học giả Trung Quốc 15
1.1.3. Nhận xét. 18
1.2. Truyền thuyết về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc) 19
1.2.1. Dương Thái hậu qua các nguồn thư tịch. 19
1.2.2. Truyền thuyết về Dương Thái hậu qua điền dã thực địa. 21
1.2.3. Nhân xét. 25
1.3. Truyền thuyết về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội). 26

1.3.1. Một số truyền thuyết về Tứ Vị Thánh Nương từ các bản ghi chép ở Việt Nam 26
1.3.2. Truyền thuyết về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội) 29
1.3.3. Nhận xét. 32
1.4. Một số tương đồng và khác biệt giữa truyền thuyết về Tứ Vị Thánh Nương ở đền
Lộ (Hà Hội) với truyền thuyết về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc). 33
1.4.1. Một số tương đồng giữa truyền thuyết về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội) với
truyền thuyết về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc). 33
1.4.2. Một số khác biệt giữa truyền thuyết về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội) với
truyền thuyết về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc). 34
1.4.3. Nhận xét. 37
2

CHƯƠNG 2. LỄ HỘI VỀ TỨ VỊ THÁNH NƯƠNG Ở ĐỀN LỘ (HÀ NỘI) QUA ĐỐI
SÁNH VỚI LỄ HỘI VỀ DƯƠNG THÁI HẬU Ở ĐIỆN MẪU (TÂN HỘI TRUNG
QUỐC) 39
2.1. Khái niệm lễ hội. 39
2.1.1. Khái niệm lễ hội theo học giả Việt Nam. 39
2.1.2. Khái niệm lễ hội theo học giả Trung Quốc. 42
2.1.3. Nhận xét. 44
2.2. Lễ hội về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc) 45
2.2.1. Thời gian, địa điểm tổ chức lễ hội. 45
2.2.2. Tiến trình tổ chức lễ hội. 48
2.3. Lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội). 51
2.3.1. Thời gian, địa điểm tổ chức lễ hội. 51
2.3.2. Tiến trình tổ chức lễ hội. 55
2.4. Một số tương đồng và khác biệt giữa lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà
Hội) với lễ hội về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc). 58
2.4.1. Một số tương đồng giữa lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội) với lễ hội
về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc). 58
2.4.2. Một số khác biệt giữa lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội) với lễ hội về

Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc). 59
2.4.3. Nhận xét. 61
CHƯƠNG 3. GIÁ TRỊ CỦA TRUYỀN THUYẾT VÀ LỄ HỘI VỀ TỨ VỊ THÁNH
NƯƠNG Ở ĐỀN LỘ (HÀ NỘI) QUA ĐỐI SÁNH VỚI GIÁ TRỊ CỦA TRUYỀN
THUYẾT VÀ LỄ HỘI VỀ DƯƠNG THÁI HẬU Ở ĐIỆN MẪU (TÂN HỘI, TRUNG
QUỐC) 64
3.1.Mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội)
và mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội,
Trung Quốc). 64
3.1.1. Mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội. 64
3

3.1.2. Mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội,
Trung Quốc)… 66
3.1.3. Mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà
Nội)……. 68
3.2.Giá trị của truyền thuyết và lễ hội về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung
Quốc) 70
3.2.1. Giá trị lịch sử 70
3.2.2. Giá trị tâm linh. 71
3.2.3. Giá trị văn hóa. 72
3.2.4. Giá trị kinh tế. 74
3.3.Giá trị của truyền thuyết và lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội) qua
đối sánh với giá trị của truyền thuyết và lễ hội về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội,
Trung Quốc) 75
3.3.1. Giá trị lịch sử 75
3.3.2. Giá trị tâm linh. 78
3.3.3. Giá trị văn hóa. 80
3.3.4. Giá trị kinh tế. 81
PHẦN KẾT LUẬN 84

TÀI LIỆU THAM KHẢO 88
PHỤ LỤC 94


4

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
Thông qua các nguồn tài liệu và các truyền thuyết về các vị thần được
thờ cúng ở Việt Nam, chúng tôi được biết rất nhiều nơi ở miền Trung Việt
Nam có đền thờ Tứ Vị Thánh Nương 四位圣娘. Tứ Vị Thánh Nương, như
tên gọi, là để chỉ 4 vị thánh nữ. Quá trình điền dã tại một số địa phương của
Việt Nam, chúng tôi nhận thấy: cả bốn vị thần này đều là những vị thần có
nguồn gốc, lai lịch từ Trung Quốc. Theo một truyền thuyết phổ biến ở Việt
Nam, vị nữ thần đóng vai trò chủ đạo trong số bốn vị nữ thần này chính là
Dương Thái Hậu – mẹ của Tống Đế Bính 宋帝昺, vị vua cuối cùng của nhà
Tống. Sau khi quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, nhà Nam Tống
thất thủ, hoàng tộc nhà Tống nhảy xuống biển tự vẫn. Dương Thái Hậu là
một trong số những người đã tự vẫn theo vua Tống Đế Bính. Tương truyền
thi thể Dương Thái Hậu bị sóng đánh dạt vào cửa biển Việt Nam. Người dân
Việt Nam thấy vậy liền lập miếu thờ cúng bà như là một vị thần biển thiêng
liêng.
Đề tài này khơi gợi cho chúng tôi rất nhiều hứng thú. Tại sao một vị
Hoàng hậu Trung Quốc lại được người Việt Nam thờ cúng trên một phạm vi
địa lí rộng như vậy? Tại sao một vị Hoàng hậu Trung Quốc lại dễ dàng xâm
nhập vào tín ngưỡng của người Việt để trở thành một phần của văn hóa dân
gian của người Việt như vậy? Việc làm rõ vấn đề này, theo chúng tôi, sẽ làm
sáng tỏ nhiều vấn đề về giao lưu văn hóa Việt Nam – Trung Quốc trong lịch
sử, là một bước đi quan trọng tạo tiền đề cho những nghiên cứu trong tương

lai về tín ngưỡng thờ cúng thần linh của hai nước.
Một điều lý thú nữa, trong quá trình đi khảo sát để lựa chọn đề tài nghiên
cứu, chúng tôi tình cờ phát hiện ra đền Lộ, thuộc thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở,
5

huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, một trong những tụ điểm tín ngưỡng
lớn thu hút dân chúng ở khu vực đồng bằng sông Hồng, cũng chính là một
địa điểm thờ Tứ Vị Thánh Nương. Tại sao một điểm nằm sâu trong vùng
châu thổ Bắc Bộ lại xuất hiện nơi thờ Tứ Vị Thánh Nương, vị thần bảo trợ
cho những người đi biển? Vậy Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ còn được thờ
như là vị thần biển nữa hay không hay đã mang thêm những nội dung, chức
năng khác? Đấy là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm. Thông qua nguồn
truyền thuyết dân gian và các sinh hoạt lễ hội liên quan tới Tứ Vị Thánh
Nương ở đền Lộ, chúng tôi hi vọng đưa ra một hướng tiếp cận để góp phần
trả lời câu hỏi này. Chúng tôi còn hi vọng làm rõ dấu vết của một nền văn
hóa mang dấu ấn địa phương được thể hiện một cách rõ nét thông qua truyền
thuyết về Tứ Vị Thánh Nương cùng với những hoạt động lễ hội diễn ra trong
đền thờ của các làng đồng bằng sông Hồng. Truyền thuyết và lễ hội đều
thuộc di sản văn học, văn hóa dân gian, là một thành tố góp phần vào việc
định hình bản sắc dân tộc. Để làm rõ được bản chất sự ra đời và lưu truyền
của chúng, chúng tôi cho rằng không thể tách rời hai bộ phận truyền thuyết
và lễ hội mà sẽ tiến hành nghiên cứu chúng như một tổng thể không thể chia
tách.
Thứ nữa, để hiểu sâu hơn về Tứ Vị Thánh Nương và sự hiện diện của tín
ngưỡng này trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, chúng tôi cho rằng
phải đặt vị thần này trong tương quan đối sánh với vị thần nguyên gốc, đó là
Dương Thái Hậu được thờ ở điện Mẫu Tân Hội, Quảng Đông, Trung Quốc.
Việc so sánh này sẽ giúp chúng tôi làm rõ được những biến đổi của một vị
thần từ nguyên gốc đến một vùng khác với nhiều nội dung phát sinh và
những ý nghĩa mới.

Một lý do nữa khiến chúng tôi chọn đề tài liên quan đến Tứ Vị Thánh
Nương đó là do những thuận lợi của chúng tôi khi tiếp cận tư liệu nghiên
6

cứu của Trung Quốc cũng như Việt Nam. Là người mang quốc tịch Trung
Quốc, lại được đào tào rất bài bản ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy nghiên
cứu so sánh là một ưu thế. Chúng tôi rất bất ngờ và cảm thấy hứng thú khi
biết có một Hoàng hậu người Trung Quốc là Dương Thái Hậu lại được thờ ở
nhiều nơi Việt Nam. Những học giả tiền bối, những người nghiên cứu về Tứ
Vị Thánh Nương ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc chưa có điều kiện nghiên
cứu trong thế đối sánh một cách toàn diện những nguồn tư liệu. Chúng tôi có
điều kiện khai thác được nguồn tư liệu của cả hai nước, vì vậy chúng tôi
nhận thấy cần phải tập trung nghiên cứu so sánh này nhằm đưa ra những
hiểu biết toàn diện nhất có thể về đối tượng.
Vì những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài Truyền thuyết và lễ hội về Tứ
Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội) qua đối sánh với truyền thuyết và lễ hội
về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc). Quá trình nghiên
cứu, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ sự giao thoa, ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa
hai nước Trung - Việt và xu hướng địa phương hóa tín ngưỡng thờ Dương
Thái Hậu ở Trung Quốc và Tứ Vị Thánh Nương ở Việt Nam. Từ góc nhìn
của lí thuyết nghiên cứu ảnh hưởng và nghiên cứu so sánh, chúng tôi nhận
thấy việc tìm hiểu truyền thuyết và lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ
(Hà Nội) trong tương quan với truyền thuyết và lễ hội về Dương Thái Hậu ở
điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc) sẽ có đóng góp nhất định, tạo tiền đề cho
những giao lưu, trao đổi học thuật Trung Quốc và Việt Nam xung quanh vấn
đề này trong tương lai. Đây là một nhu cầu cần thiết đặt ra với những nhà
nghiên cứu văn học dân gian hai nước.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy tư liệu sớm nhất
có ghi chép về Tứ Vị Thánh Nương là Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ

Liên thế kỷ XV. Cuốn sử sách này đã viết về sự kiện Tống phi hiện về báo
7

mộng cho vua Trần Anh Tông: “…đêm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói
với vua: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng
gió, trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ
hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công” [23, tr. 44]. Sau đó là cuốn Tục
biên Việt điện u linh của Nguyễn Văn Chất (1422-?) viết: “phu nhân họ
Triệu là công chúa nước Nam Tống, tất cả có ba mẹ con, phu nhân là con gái
út… Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng gió nguy hiểm, kêu cầu đều
được thoát nạn. Sau các nơi cửa bể đều lập đền thờ, đền nào cũng có tiếng
thiêng” [51, tr. 117].
Ngoài ra, nguồn tư liệu thần tích quý báu hiện đang được lưu giữ ở đền
Lộ như ngọc phả, bi ký, sắc phong, hoành phi câu đối… cũng đóng vai trò
quan trọng trong nghiên cứu của chúng tôi. Trên cơ sở đó, đền Lộ đã nhờ
các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hán nôm căn cứ vào thần phả
chữ Hán để dịch thuật. Vào tháng 2 năm Bính Tý (năm 1996), Đại Lộ tối
linh từ được biên soạn, Phó giáo sư Nguyễn Tá Nhí hoàn thành việc dịch
thuật, trong đó có bản dịch nghĩa của “Ngọc Phả Bốn Vị Thánh Nương Nam
Hải Đại Càn Quốc Gia (thờ phụng ở xã Đại Lộ)”, kê ra thời gian cụ thể của
16 sắc phong Tứ Vị Thánh Nương được các vị vua của các triều đại phong
kiến ban, còn có bài hỏi đáp về những vấn đề liên quan đến sự tích Tứ Vị
Thánh Nương và bài nói chuyện của Phó giáo sư Trần Lâm Biền với nhân
dân thôn Đại Lộ vào ngày 30 tháng 7 năm 1993.
Hiện nay các công trình nghiên cứu về Tứ Vị Thánh Nương chủ yếu tập
trung vào những vấn đề liên quan đến đền Cờn (Nghệ An) và về văn hóa
biển ở Việt Nam. Trong cuốn Tục thờ thần và thần tích Nghệ An (năm 2010),
Phó giáo sư Ninh Viết Giao đã dành một số trang nhất định để giới thiệu Tứ
Vị Thánh Nương, truy nguyên việc thờ cúng Tứ Vị Thánh Nương là xuất
phát từ việc thờ thần nước, thần biển. Năm 2009, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần

8

Thị An có bài viết “Tìm hiểu sự hình thành truyền thuyết Tứ Vị Thánh
nương (qua các nguồn thư tịch, truyền thuyết dân gian và tục thờ cúng)”
đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học. Trong bài viết này, tác giả Trần Thị
An đặt vấn đề “Tại sao các vị thần Trung Quốc được thờ rộng rãi đến thế ở
Việt Nam” và bà đã giải mã câu hỏi trên từ các bình diện như văn hóa, lịch
sử, niềm tin và nhu cầu của nhân dân: “Sự hình thành của một truyền thuyết,
sự phát sinh, tồn tại và phát triển của một tục thờ không đơn giản chỉ xuất
phát từ niềm tin và nhu cầu của người dân mà còn chịu sự tác động đa chiều
trong mối quan hệ chồng chéo trong lịch sử” [4, tr. 73].
Cũng năm 2009, bài viết của Trần Thị An là “Về ngôi đền thờ Tống Phi
ở Phố Hiến, Hưng Yên” được đăng trên Thông báo văn hoá. Bài viết này đã
so sánh đền Mẫu Phố Hiến và đền Cờn, Quỳnh Lưu, đồng thời đưa ra quan
điểm đền Mẫu và đền Cờn là sự kết nối truyền thuyết trên nền tín ngưỡng
thờ thần biển: “Chính từ cái nền tín ngưỡng dân gian thờ thuỷ thần này mà
truyền thuyết của hai vùng đã xích lại gần nhau” [5, tr. 206].
Đáng chú ý là ngày 15-16 tháng 6 năm 2009, Hội thảo khoa học Lễ hội
đền Cờn, tục thờ Tứ Vị Thánh Nương với văn hóa biển ở Việt Nam đã được
tổ chức tại xã Quỳnh Phương huyện Quỳnh lưu tỉnh Nghệ An. Trong hội
thảo, các nhà khoa học nổi tiếng từ Trung ương và địa phương về tham dự
với nhiều báo cáo khoa học có chất lượng được trình bày. Kết quả là Kỷ yếu
hội thảo khoa học Lễ hội đền Cờn, tục thờ Tứ Vị Thánh Nương với văn hóa
biển ở Việt Nam được xuất bản vào năm 2010. Kỷ yếu dầy 370 trang, tập
hợp 23 bài viết của các nhà nghiên cứu như Ninh Viết Giao, Trần Thị An,
Nguyễn Xuân Đức…. trong đó phần lớn tác phẩm tập trung vào nơi thờ Tứ
Vị Thánh Nương khá tiêu biểu ở Việt Nam là đền Cờn, Nghệ An. Trong kỉ
yếu này, có những nghiên cứu tập trung và chứng minh quá trình biến thiên
của truyền thuyết Tứ Vị Thánh Nương, có những nghiên cứu khác lại tiến
9


hành miêu tả khá sâu về lễ hội đền Cờn và tiến hành bóc tách lớp văn hoá
biển đền Cờn. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng đền Cờn (Nghệ An)
– một đền nằm ở một ngôi làng ven biển là nơi phát tích và cũng là một
trung tâm thờ cúng Tứ Vị Thánh Nương. Những nghiên cứu này còn cho
biết Tứ Vị Thánh Nương đã nhanh chóng hóa thân thành những vị thần biển
của Việt Nam và trở thành một trong số những vị thần được thờ cúng phổ
biến ở nhiều làng quê người Việt. Những địa điểm thờ cúng Tứ Vị Thánh
Nương khác ở các địa phương thuộc Bắc bộ, Trung bộ như Hà Nội, Nam
Định, Hải Phòng, Đà Nẵng… cũng đã được những nhà nghiên cứu trong hội
thảo quan tâm đề cập đến. Bài “Đền Lộ ở Hà Nội với tín ngưỡng thờ Tứ Vị
Thánh Nương” của thạc sĩ Võ Hoàng Lan bước đầu tiến hành phân tích hiện
tượng tín ngưỡng thờ Tứ Vị Thánh Nương ở Đền Lộ. Trong bài viết này, Võ
Hoàng Lan có miêu tả truyền thuyết và lễ hội ở đền Lộ, nhưng chưa cụ thể
và thực sự chi tiết. Những ý kiến đã nêu và bài viết của các nhà khoa học
nghiên cứu về Tứ Vị Thánh Nương là tiền đề thuận lợi giúp chúng tôi giải
quyết vấn đề nghiên cứu mà luận văn này đặt ra.
3. Đối tượng và phạm vi
Đối tượng của đề tài: Truyền thuyết và lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương ở
đền Lộ (Hà Nội) và truyền thuyết và lễ hội về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu
(Tân Hội, Trung Quốc).
Phạm vi nghiên cứu của đề tài: Địa bản khảo sát và nghiên cứu chính là
đền Lộ (Hà Nội), có mở rộng phạm vi nghiên cứu là điện Mẫu (Tân Hội,
Trung Quốc). Ngoài ra, chúng tôi tiến hành tìm kiếm, khảo sát nhằm chứng
minh nguồn gốc truyền thuyết và lễ hội Tứ Vị Thánh Nương thông qua hệ
thống thư tịch Trung Quốc và Việt Nam hiện còn được lưu giữ. Ngoài hoạt
động chính là điều tra, điền dã tại đền Lộ (Hà Nội) và điện Mẫu (Tân Hội,
Trung Quốc), chúng tôi còn quan tâm theo dõi một số nơi thờ Tứ Vị Thánh
10


Nương khác ở Việt Nam, đặc biệt là ở đền Cờn (Nghệ An), nơi được coi là
điểm chính thờ Tứ Vị Thánh Nương ở Việt Nam.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận văn này bao gồm:
- Phương pháp tra cứu tài liệu
- Phương pháp điền dã thực địa
- Phương pháp so sánh loại hình
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.
5. Mục tiêu của luận văn
Mục tiêu của luận văn bao gồm:
- Căn cứ vào các tư liệu điền dã, dựng lại truyền thuyết và lễ hội về Tứ
Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội).
- Qua việc so sánh truyền thuyết và lễ hội ở đền Lộ (Hà Nội) với
truyền thuyết và lễ hội ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc) làm rõ những nét
tương đồng và khác biệt của chúng.
- Làm rõ mối quan hệ giữa truyền thuyết, lễ hội về Tứ Vị Thánh
Nương ở đền Lộ (Hà Nội) và mối quan hệ giữa truyền thuyết, lễ hội về
Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc).
- Đưa ra một số giá trị của truyền thuyết và lễ hội về Tứ Vị Thánh
Nương ở đền Lộ (Hà Nội) qua đối sánh với truyền thuyết và lễ hội về Dương
Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc).
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn có những đóng góp chính yếu sau:
- Luận văn cung cấp nguồn tư liệu thực địa phong phú là kết quả của
quá trình điền dã ở những di tích lịch sử nhà Tống. Tiến hành tìm kiếm, sưu
11

tầm, tập hợp, nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống những sự tích liên
quan đến truyền thuyết Tứ Vị Thánh Nương.

- Luận văn thông qua việc so sánh truyền thuyết về Dương Thái Hậu ở
điện Mẫu (Tân Hội, Trung Quốc) với truyền thuyết về Tứ Vị Thánh Nương
ở đền Lộ (Hà Nội) để tìm ra những đặc điểm mang tính địa phương trong
truyền thuyết Tứ Vị Thánh Nương ở đền Lộ (Hà Nội).
- Luận văn thông qua việc đối sánh với lễ hội điện Mẫu (Tân Hội,
Trung Quốc), giới thiệu, miêu tả và phân tích lễ hội đền Lộ (Hà Nội) một
cách cụ thể và toàn diện.
- Luận văn hướng đến giải quyết câu hỏi: Tại sao đền Lộ (Hà Nội)
thuộc vùng châu thổ Bắc Bộ lại thờ thần biển mặc dù xung quanh đó không
hề có biển?
- Luận văn hướng đến chứng minh quá trình lưu truyền truyền thuyết và
tổ chức lễ hội về Tứ Vị Thánh Nương là một quá trình có động cơ và đầy
tính sáng tạo.
- Quá trình triển khai đề tài, chúng tôi chứng minh sự đúng đắn của
phương pháp nghiên cứu văn học dân gian hiện nay là gắn việc nghiên cứu
văn bản (nghệ thuật ngôn từ) với môi trường diễn xướng của tác phẩm.









12

PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. TRUYỀN THUYẾT VỀ TỨ VỊ THÁNH NƯƠNG Ở ĐỀN
LỘ (HÀ NỘI) QUA ĐỐI SÁNH VỚI TRUYỀN THUYẾT VỀ DƯƠNG

THÁI HẬU Ở ĐIỆN MẪU (TÂN HỘI, TRUNG QUỐC)
1.1. Khái niệm truyền thuyết
1.1.1. Khái niệm truyền thuyết theo học giả Việt Nam
Truyền thuyết ở Việt Nam có từ khá sớm, hình thành vào cuối thời kỳ
công xã nguyên thủy. Tuy nhiên thuật ngữ truyền thuyết và việc giới thiệu
nó ra đời lại khá muộn, vào khoảng giữa thế kỉ XX.
Người đầu tiên đề cập đến truyền thuyết là Đào Duy Anh. Khi ông viết
về vấn đề “Những truyền thuyết đời thượng cổ nước ta” trên tạp chí Tri Tân,
ông đã đề cập đến từ truyền thuyết: “Sách xưa của người Trung Quốc không
chép việc Triệu Đà đánh An Dương Vương để chiếm Tượng Quận, nhưng
cứ truyền thuyết ấy, nếu ta bỏ đi những yếu tố hoang đường thì cũng còn lại
kỷ niệm của một cuộc chiến tranh hẳn có” [7, tr. 126].
Đến những năm 50 của thế kỷ XX, thuật ngữ “truyền thuyết” đã được sử
dụng nhiều hơn. Định nghĩa đầu tiên về “truyền thuyết” có lẽ xuất hiện trong
công trình Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam. Khi xác định gianh giới giữa
thần thoại với truyền thuyết, các tác giả Nhóm Lê Qúy Đôn đã bước đầu
định nghĩa truyền thuyết như sau: “Truyền thuyết là tất cả những chuyện lưu
hành trong dân gian có thật xảy ra hay không thì không có gì bảo đảm” [26,
tr. 60].
Năm 1961, trong bộ giáo trình Văn học dân gian Việt Nam của trường
Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả Đỗ Bình Trị thừa nhận truyền thuyết là
một thể loại và đã đưa ra định nghĩa về nó: “Truyền thuyết là những truyện
có dính líu đến lịch sử mà lại có sự kì diệu – là lịch sử hoang đường – hoặc
13

là những truyện tưởng tượng ít nhiều gắn với sự thực lịch sử” [43, tr. 176].
Còn trong giáo trình của Đại học tổng hợp được viết và xuất bản từ năm
1962, Giáo sư Đinh Gia Khánh không thừa nhận có thể loại truyền thuyết
mà chỉ coi đó là cổ tích lịch sử.
Báo Nhân dân số 549 ngày 29 tháng 4 năm 1969 đăng bài “Nhân ngày

Giỗ Tổ vua Hùng” của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bài báo đã nêu ra vấn
đề mẫu chốt của truyền thuyết là mối quan hệ giữa lịch sử và truyền thuyết:
“Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thực lịch sử mà
nhân dân qua nhiều thế hệ đã lí tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha
của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ
thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con cháu còn ưa
thích” [29, tr. 48-49].
Viết một cách khá công phu về truyền thuyết phải kể đến chuyên khảo
Truyền thống anh hùng trong thời kỳ phong kiến của tác giả Kiều Thu Hoạch
được công bố vào năm 1969, đây là một chuyên khảo khoa học được dư luận
đồng tình và coi như một cái mốc đầu tiên trong việc nghiên cứu truyền
thuyết như một thể loại của văn học dân gian. Ông đã đưa ra khái niệm
tương đối hoàn chỉnh về truyền thuyết: “Truyền thuyết là một thể loại truyện
kể truyền miệng, nằm trong loại hình tự sự dân gian; nội dung cốt truyện của
nó là kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các
phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân, biện pháp nghệ thuật
phổ biến của nó là khoa trương, phóng đại, đồng thời nó cũng sử dụng
những yếu tố hư ảo, thần kì như cổ tích và thần thoại; nó khác cổ tích ở chỗ
không nhằm phản ánh xung đột gia đình, sinh hoạt xã hội và số phận cá nhân,
mà thường phản ánh những vấn đề thuộc phạm vi quốc gia, dân tộc rộng lớn,
nó khác thần thoại ở chỗ nhào nặn tự nhiên và xã hội trên cơ sở sự thật lịch
sử cụ thể chứ không phải hoàn toàn trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng
14

tượng” [14, tr. 18-19]. Trong cuốn sách Văn học dân gian người Việt – Góc
nhìn thể loại, Giáo sư Kiều Khu Hoạch công bố bài viết “Thể loại truyền
thuyết dưới mắt các nhà nghiên cứu FOLKLORE Nhật Bản và Trung Quốc”,
giới thiệu quan điểm của học giả Trung Quốc, ông cho rằng muốn hiểu rõ
loại truyền thuyết đích thực của Trung Quốc cần phải nắm vững 3 vấn đề là
tính cố định, đặc trưng và mục đích. Vấn đề tính cố định chỉ thời đại cố định,

địa điểm cố định, nhân vật cố định, sự kiện cố định. Vấn đề đặc trưng là tính
đáng tin, tính cụ thể, tính không cố định của hình thức kể chuyện. Còn mục
đích của thể loại truyền thuyết là giáo huấn và giải thích.
Năm 1971, trong công trình Truyền thuyết anh hùng trong loại hình tự
sự dân gian, tác giả Phan Trần có bài “Tinh thần dân tộc qua các truyền
thuyết lịch sử” đã nêu định nghĩa về truyền thuyết: “Truyền thuyết là những
truyện truyền tụng trong dân gian về những sự việc và nhân vật có liên quan
đến lịch sử. Những nhân vật, sự việc đó được phản ánh qua trí tưởng tượng
của con người, qua sự hư cấu của nhân dân” [32, tr. 14].
Đầu những năm 90 của thế kỉ XX, Giáo sư, tiến sĩ Lê Chí Quế, trong
giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, phân loại và phân tích từ các dẫn
chứng cụ thể giúp người đọc hiểu đầy đủ hơn về thể loại truyền thuyết:
“Truyền thuyết là một thể loại trong loại hình tự sự dân gian phản ánh những
sự kiện, nhân vật lịch sử hay di tích, cảnh vật địa phương thông qua sự hư
cấu nghệ thuật thần kì” [31, tr. 49]. Đặc biệt, đối với giáo trình Văn học dân
gian của Trường Đại học Tổng hợp mà nói, thì đây là một sự thay đổi lớn
trong quan điểm biên soạn phần truyền thuyết. Nếu như trước đây mấy chục
năm, Giáo sư Đinh Gia Khánh không thừa nhận có thể loại truyền thuyết mà
chỉ coi đó là cổ tích lịch sử, thì từ nay, trong bộ giáo trình này, tác giả Lê
Chí Quế đã thừa nhận sự tồn tại độc lập của truyền thuyết như một thể loại
trong kho tàng tự sự dân gian.
15

1.1.2. Khái niệm truyền thuyết theo học giả Trung Quốc
Trong các bộ sách cổ Trung Quốc như Ngũ Kinh, Hán Thư v.v chúng ta
đã gặp từ “truyền thuyết” với hàm nghĩa hết sức phong phú. Lúc đầu nó chỉ
những dị bản khác của một tác phẩm, sau đó nó được sử dụng để chỉ sự
khác biệt giữa cổ văn kinh học và kim văn kinh học, hoặc là chỉ hoạt động
giải thích kinh điển. Ngoài ra, khái niệm truyền thuyết còn được sử dụng để
chỉ những ngôn luận bao gồm câu chuyện, tin tức, ca dao được lưu truyền

trong dân gian v.v… Hiển nhiên, khái niệm truyền thuyết truyền thống
khác với khái niệm truyền thuyết hiện đại mà chúng ta đang sử dụng.
Tuy nhiên, ở thời cổ đại Trung Quốc, chúng ta vẫn có thể tìm thấy
những danh từ tương đương với khái niệm truyền thuyết hiện đại đó là
“truyền văn”, “truyền ngoa” v.v… Gọi là “truyền văn”, tức là chỉ những sự
việc mà không phải chính tai mình nghe thấy, chính mắt mình trông thấy.
Gọi là “truyền ngoa” tức là chỉ vào những sự việc, những mẩu chuyện
hoang đường kì quái được lưu truyền trong dân gian. Những mẩu chuyện
truyền văn, truyền ngoa ở một mức độ nào đó cũng có thể coi là truyền
thuyết.
Cho đến phong trào Ngũ Tứ của giai cấp công nhân và trí thức Trung
Quốc bùng nổ ngày 4/5/1919, dưới sự ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng
phương Tây, hầu hết các trí thức đều học tập theo phương Tây, họ nỗ lực
thúc đẩy sự phát triển của văn hóa học thuật bản địa Trung Quốc hòa nhập
quỹ đạo văn hóa quốc tế. Khái niệm truyền thuyết và nhiều văn bản truyền
thuyết phương Tây được dịch và giới thiệu giúp học giả Trung Quốc dần
dần ý thức đến tính độc đáo của truyền thuyết, bước đầu coi truyền thuyết
như thể loại văn học dân gian, còn việc dịch những từ như Sage trong tiếng
Đức và Legend trong tiếng Anh ra tiếng Trung là chỗ dựa quan trọng của
khái niệm truyền thuyết ra đời.
16

Từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã xuất hiện mấy định nghĩa khác nhau
về truyền thuyết dân gian. Theo sự phát triển của thời đại, sự hiểu biết về
khái niệm truyền thuyết cũng không ngừng phát triển. Nói chung, khi xác
định khái niệm truyền thuyết, học giả Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến đặc
trưng của thể loại là tính lịch sử, tính địa phương và tính văn học.
Một số học giả coi trọng đặc trưng tính lịch sử và tính địa phương khi
định nghĩa khái niệm truyền thuyết. Trương Tử Thần trong Tri thức cơ bản
văn học dân gian cho rằng: “Truyền thuyết dân gian, tức là những truyện

truyền miệng do nhân dân lao động sáng tác, gắn bó chặt chẽ với nhân vật
lịch sử, sự kiện lịch sử cũng như cổ tích, phong tục địa phương v.v Truyền
thuyết thường bắt đầu từ những nhân vật, sự kiện lịch sử nhất định và danh
lam thắng cảnh của các địa phương… từ đó xây dựng những tình tiết sinh
động, có sự giải thích bằng trí tưởng tượng về các sự vật hữu quan có tính
lịch sử và tính khả tin” [75, tr. 24]. Chung Kính Văn cũng cho rằng “Truyền
thuyết dân gian là những truyện do nhân dân lao động sáng tác có liên quan
tới nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, cổ tích địa phương, phong vật tự nhiên,
tập tục xã hội nhất định” [77, tr. 183]. Ông đặc biệt nhấn mạnh sự liên hệ
chặt chẽ giữa truyền thuyết và lịch sử, coi truyền thuyết là “lịch sử truyền
miệng”. Việc định nghĩa truyền thuyết liên quan chặt chẽ tới lịch sử và cổ
tích, phong tục địa phương cho thấy quan điểm của các học giả rất coi trọng
chức năng giải thích của truyền thuyết. Quan điểm này thực ra nhấn mạnh
vào nội dung lớp ngoài của truyền thuyết, vì vậy có thể nói, nó vẫn chỉ là
một quan điểm có tính chất sơ bộ.
Một số học giả ngoài việc coi trọng mối liên hệ giữa truyền thuyết và
lịch sử, cổ tích, phong vật địa phương ra, còn nhấn mạnh đặc trưng tính văn
học của truyền thuyết. Lưu Thủ Hoa trong Văn học dân gian khái luận thập
giảng vừa nhấn mạnh truyền thuyết như là “một loại truyện có tính lịch sử
17

khá rõ ràng”, vừa nhấn mạnh nó là câu chuyện “có tính văn học nhất định”:
“Truyền thuyết dân gian liên quan tới nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử nhất
định cũng như cổ tích địa phương, phong vật tự nhiên, phong tục, tập quán
của địa phương đó v.v… vì vậy nó là một loại truyện có tính lịch sử khá rõ
ràng. Từ “truyền thuyết” có mấy hàm nghĩa khác nhau, truyền thuyết có thể
là một trong những loại hình văn học truyền miệng dân gian, tức là chỉ
những truyện truyền miệng có tính văn học nhất định, mà truyện kể truyền
miệng thô sơ không nằm trong lĩnh vực truyền thuyết dân gian” [65, tr. 68].
Định nghĩa về truyền thuyết trong Thử tìm hiểu truyền thuyết và phong tục

dân gian cũng có quan điểm như thế này. Công trình này quan niệm truyền
thuyết là “những truyện được hình thành thông qua hoạt động sáng tác của
nhân dân các dân tộc, lưu truyền trong một thời gian dài, đặc biệt là thông
qua quá trình điển hình hóa, các thủ pháp nghệ thuật hóa tương đối phức tạp
như khoa trương, ảo hóa, đúc kết v.v để làm sáng tỏ bản chất sinh hoạt xã
hội loài người” [52, tr. 3].
Có nhiều học giả tỏ thái độ đồng thời coi trọng cả ba đặc trưng của
truyền thuyết là tính lịch sử, tính địa phương và tính văn học khi xác định
khái niệm truyền thuyết. Nông Học Quan cho rằng: “Nói một cách khái quát,
truyền thuyết dân gian là những câu chuyện được nhân dân các dân tộc sáng
tác trên cơ sở vận dụng những thủ pháp biểu hiện của văn học và phương
thức diễn đạt lịch sử, phản ánh những nhân vật, sự kiện lịch sử tại những
thời kỳ khác nhau, hoặc danh lam thắng cảnh, phong vật tự nhiên, tập tục xã
hội ở các địa phương khác nhau” [52, tr. 3]. Hoàng Đào trong Khái luận văn
học dân gian Trung Quốc cho biết: “Truyền thuyết là những truyện truyền
kỳ do dân chúng sáng tác, truyền bá bằng miệng để miêu tả những nhân vật
lịch sử hoặc sự kiện lịch sử, giải thích phong vật hoặc tập tục địa phương”
[61, tr. 143]. Vạn Kiến Trung cũng cho rằng: “Truyền thuyết, tức là loại hình
18

tự sự truyền kỳ bằng miệng, miêu tả những nhân vật lịch sử hoặc sự kiện
lịch sử, giải thích phong vật hoặc tập tục địa phương” [52, tr. 3].
Giáo sư, tiến sĩ Kiều Thu Hoạch, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian
nổi tiếng của Việt Nam, trên cơ sở tham khảo công trình nghiên cứu của các
học giả Trung Quốc, đã công bố bài viết với nhan đề “Thể loại truyền thuyết
dưới mắt các nhà nghiên cứu FOLKLORE Nhật Bản và Trung Quốc”. Theo
quan điểm của giáo sư Kiều Thu Hoạch, các học giả Trung Quốc khi tiếp
cận về truyền thuyết đã đưa ra lý thuyết về truyền thuyết như sau: “Khái
niệm truyền thuyết theo nghĩa hẹp ở đây được hiểu là những truyện truyền
miệng lấy nhân vật hoặc sự kiện lịch sử làm nội dung và hệ thống các tình

tiết xoay quanh câu chuyện đều lấy sự kiện lịch sử làm cơ sở. Cũng gọi là
truyền thuyết theo nghĩa hẹp những câu chuyện dựa theo lịch sử để giải thích,
thuyết minh các vật tự nhiên (núi, sông, động, thực vật…) hoặc các vật nhân
tạo (đền miếu, chùa chiền, thành quách…). Muốn hiểu rõ loại truyền thuyết
theo nghĩa hẹp, tức là truyền thuyết đích thực của Trung Quốc cần phải nắm
vững 3 vấn đề sau: Một là vấn đề tính cố định – Hai là vấn đề đặc chưng –
Ba là vấn đề mục đích của truyền thuyết” [52, tr. 3].
1.1.3. Nhận xét
Thông qua so sánh khái niệm truyền thuyết theo học giả hai nước Việt
Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể thấy cách nhìn nhận về thể loại truyền
thuyết của học giả hai nước cơ bản là tương đồng. Mặc dù phương thức diễn
đạt của các học giả Việt Nam và Trung Quốc có khác biệt, nhưng họ đều
nhất trí coi truyền thuyết bám sát với lịch sử, truyền thuyết có yếu tố hư ảo,
thần kì. Điểm khác biệt rất nhỏ giữa học giả Trung Quốc và Việt Nam là có
nhiều học giả Trung Quốc nhấn mạnh đến tính địa phương của truyền thuyết
khi xác định khái niệm truyền thuyết.
19

1.2. Truyền thuyết về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu (Tân Hội, Trung
Quốc)
1.2.1. Dương Thái Hậu qua các nguồn thư tịch
Sử liệu sớm nhất có ghi chép về Dương Thái Hậu là Tống Sử
宋史
:
“Thừa tướng Lục Tú Phu 陆秀夫… ngậm ngùi nước mắt cõng vị hoàng đế
nhỏ mới 8 tuổi nhảy xuống biển tự tử. Dương Thái Hậu biết tin con trai đã
chết, bèn khóc than rằng: “Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cũng là vì cốt
nhục của nhà Triệu, hôm nay chết rồi, ta còn sống được nữa ư?” Nói rồi
cũng nhảy xuống biển tử tự theo con trai” [70, tr. 243].
Cuốn Thành phố nổi tiếng văn hoá lịch sử Tân Hội đã ghi: “Dương Thái

Hậu, tức Dương Thục phi, là phi tử của Nam Tống Độ Tông. Cuối thời Nam
Tống, quân Nguyên tấn công Lâm An, Dương Thục phi đưa Triệu Thị 赵昰,
Triệu Bính 赵昺 chạy về phía nam theo đường biển. Quần thần tôn Triệu
Thị (Đoan Tông) làm đế, Dương Thục phi làm Thái Hậu. Tại trận Nhai Môn
giữa quân Tống và quân Nguyên, Dương Thái Hậu nhảy xuống biển tự vẫn”
[72, tr. 32].
Sử liệu các đời cho phép chúng ta tái hiện lại bối cảnh lịch sử thời kỳ
Dương Thái Hậu: Năm 1276, kinh đô Lâm An của nhà Nam Tống rơi vào
tay quân đội Mông Cổ, vua nhà Tống là Tống Cung Tông bị bắt làm tù binh.
Dương Thục phi (phi tử của Tống Độ Tông) đưa hai hoàng tử bé là Triệu
Thị, Triệu Bính chạy về phía nam qua đường biển, cùng những văn thần, võ
tướng tiếp tục bất khuất chống Nguyên. Lực lượng còn sót lại kéo đến Phúc
Châu đã đưa Triệu Thị (tức Tống Đoan Tông), lúc này mới chỉ là một đứa
trẻ 8 tuổi, lên ngôi báu, quân thần tôn Dương Thục phi là Thái Hậu, có
quyền nhiếp chính. Lúc bấy giờ, quân Nguyên tiếp tục đánh đuổi Tống Đoan
Tông, buộc triều đình nhà Tống phải tiếp tục lênh đênh trên biển. Chuyến đi
cực nhọc này đã khiến Tống Đoan Tông mới có 9 tuổi đổ bệnh và qua đời
20

vào ngày 8 tháng 5 năm 1278 tại trấn Mai Oa trên đảo Lạn Đầu. Để duy trì
nhà Tống, Dương Thái Hậu cùng các đại thần lại ủng hộ Triệu Bính (7 tuổi)
làm vua, đây là Tống Đế Bính, vị vua cuối cùng của nhà Tống. Cuối cùng
nhà Tống thiên đô đến Nhai Sơn, Tân Hội, Giang Môn, Quảng Đông, vốn là
một hải đảo bỏ hoang tương đối lớn ven biển, đây cũng là vùng có địa thế
hết sức hiểm yếu, phía Đông là Nhai sơn 崖山, phía Tây là Thang Bình sơn
khiến việc phòng thủ trở nên dễ dàng. Tại đây, triều đình nhà Tống xây dựng
hành cung 30 gian, trong đó chính điện hành cung là điện Từ Nguyên 慈元
殿, là cung điện dành cho Dương Thái Hậu và Tống Đế Bính vào triều nghị
chính. Bên ngoài cung điện có hơn 3000 gian nhà ở dành cho văn võ bách
quan và quân đội, tất cả tổng cộng có khoảng 200 nghìn quân dân. Triều

đình nhà Tống tập hợp lực lượng, đóng chiến thuyền, rèn võ khí, tập luyện
thủy quân, triệu tập quân dân các địa phương, chiêu binh cần vương. Một hải
đảo hoang vắng đã xuất hiện cảnh tượng phồn vinh trong một thời gian ngắn.
Nhai Sơn trở thành căn cứ địa cuối cùng của nhà Nam Tống, là nơi nhà Nam
Tống đóng quân lâu nhất trong quá trình lưu vong (trong vòng 9 tháng). Vào
ngày 25 tháng 2 năm 1279, lực lượng truy đuổi của nhà Nguyên tiến đánh
quân Đế Bính, một trận quyết chiến lớn giữa hai bên đã diễn ra trên vùng
biển ngoài khơi Nhai Môn. Cuối cùng, thủy quân Nam Tống bị thua. Ngày
19 tháng 3 năm 1279, ở vào thế đường cùng, Thừa tướng Lục Tú Phu ôm
Tống Đế Bính mới có 8 tuổi nhảy xuống biển tự vẫn chứ không chịu rơi vào
tay quân Nguyên, quần thần đều nhảy xuống theo. Dương Thái Hậu biết tin
Đế Bính đã chết, cũng nhảy xuống biển tự tử. Hôm sau trên biển nổi lên hơn
100 nghìn thi thể. Nhà Nam Tống bị diệt vong.
Bài viết “Từ N guyên tiểu khảo” của Lâm Phúc Kiệt được đăng trên Nhật
báo Giang Môn vào ngày 6 tháng 7 năm 2007 đã miêu tả về sự hi sinh cao
cả của Quốc Mẫu Dương Thái Hậu như sau: “Dương Thái hậu tên họ là
21

Dương Cự Lương (1244 – 1279), sinh ngày 27 tháng 4 âm lịch năm 1244, là
quý phi của Tống Độ Tông, là mẹ ruột của Tống Đoan Tông, tức Triệu Thị,
khi Thị lên ngôi bà được tôn là Hoàng Thái Hậu. “Từ Nguyên” là tên riêng
dùng để chỉ Dương Thái Hậu. “Bia miếu Từ Nguyên” 慈元庙碑 của nhà
nho Trần Hiến Chương 陈献章 đã gọi Dương Thái Hậu là “Từ Nguyên
Hậu”. Dương Thái Hậu rất yêu thương người con ruột của mình là Triệu Thị,
giúp đỡ Triệu Thị xử lý quốc gia đại sự sau khi Triệu Thị lên ngôi tại Phúc
Châu vào năm 1276, sau Triệu Thị mắc bệnh qua đời, bà lại là người đã ủng
hộ Triệu Bính không phải con ruột mình lên ngôi, vẫn coi như con ruột, tận
tâm dạy dỗ Đế Bính học văn và phụ trợ xử lý chính sự. Nay tại miếu Từ
Nguyên có bày tượng từ mẫu dạy dỗ con trai của Dương Thái hậu. Tên gọi
Từ Nguyên ở đây có nghĩa là “Thiên hạ đệ nhất từ mẫu” [63].

1.2.2. Truyền thuyết về Dương Thái Hậu qua điền dã thực địa
Mặc dù trong 5000 năm lịch sử Trung Quốc, Dương Thái Hậu không
phải là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, sử sách cũng chỉ đề cập qua về Dương
Thái Hậu. Nhưng vùng Tân Hội, Giang Môn, Quảng Đông, nhất là ở các
làng hoàng tộc, những câu chuyện lịch sử về Dương Thái Hậu được nhân
dân truyền tụng từ đời này sang đời khác. Ngày 30 tháng 5 năm 2011, chúng
tôi đã khảo sát tại ba làng hoàng tộc là làng Quan Xung, làng Hà Lộ và làng
Từ Khê nằm xung quanh điện Mẫu, dân trong vùng còn gọi là điện Quốc
Mẫu, chúng tôi phát hiện truyền thuyết Dương Thái Hậu được người dân kể
đi kể lại chủ yếu gắn bó chặt chẽ với trận hải chiến Nhai Môn giữa quân
Tống và quân Nguyên 宋元崖门海战. Theo điều tra điền dã của chúng tôi,
truyền thuyết về Dương Thái Hậu kể về cuộc đời của Dương Thái Hậu từ
khi bà đưa hai hoàng tử bé chạy nạn sang Quảng Đông đến khi bà tự vẫn để
không phải rơi vào tay quân Mông Cổ, cốt truyện gần giống như chính sử.
22

Tuy nhiên, truyện kể trong dân gian tràn đầy tình cảm kính mến, nhớ
thương của nhân dân đối với Dương Thái Hậu. Theo như lời kể của dân
chúng, Dương Thái Hậu là người tài sắc, đức độ, và hiền hậu. Bà ngày đêm
vì nước, vì dân, và là một người mẹ rất mực yêu thương con cái. Những dị
bản liên quan đến truyền thuyết về Dương Thái Hậu ngoài những truyện kể
bám sát nội dung chính sử, được lưu truyền phố biến trong vùng Tân Hội,
Giang Môn, Quảng Đông ra, còn một số truyền thuyết liên quan đến phong
tục và cảnh vật địa phương.
Trong dân gian, việc xây dựng điện Mẫu được cho là bắt đầu từ một
truyền thuyết về việc Dương Thái Hậu hiển mộng. Tương truyền Trần Bạch
Sa là một nhà Nho lớn nổi tiếng rất chú trọng việc ngợi ca và phát dương
công tích đến những vị công thần liệt sĩ trong lịch sử. Năm Hàm Hóa, ông
kiến nghị tri huyện Đào Lỗ cho xây dựng đền Đại Trung tại Nhai Sơn để kỷ
niệm Thừa tướng nhà Tống là Văn Thiên Tường, Lục Tú Phu và Thái phó

Trương Thế Kiệt. Sau đó, Trần Bạch Sa nằm mơ thấy một người đàn bà mặc
quần áo trắng, đứng trước đền Đại Trung Nhai Sơn, cử chỉ trang nghiêm,
than khóc mà nói: “Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cũng là vì giữ được nhà
Tống, nay ta phiêu bạt không chỗ dựa, ông có thể giúp đỡ không.” Trần
Bạch Sa nghe xong biết là Dương Thái Hậu, liền quì gối, chưa kịp bẩm báo,
người dân bà ấy đã tiêu tan trước mắt. Việc Dương Thái Hậu báo mộng
khiến Trần Bạch Sa mãi không thể nào quên.
Năm Hồng Trị, quan Chính sử hữu bố là Lưu Đại Hà đến Tân Hội, mời
Trần Bạch Sa cùng đi Nhai Sơn thăm viếng chiến trường thời Nam Tống
xưa. Hai người đi thuyền đến Nhai Môn, khi đến chiến trường xưa, Trần
Bạch Sa không khỏi cảm thán bi thương. Lưu Đại Hà biết Trần Bạch Sa là
người mang tinh thần dân tộc và là một quân tử trung nghĩa tiết liệt. Để Trần
Bạch Sa không phải quá sầu buồn, ông kiến nghị dừng thuyền đi lên di tích
23

hành cung cổ Nhai Sơn thăm viếng. Đứng trước cung điện nhà vua Nam
Tống xưa, giờ đây chỉ sót lại tường long vách lở, một vùng vắng lặng, Trần
Bạch Sa xúc động đọc mấy câu thơ:
Hoang sơn dã thủy vô nhân đáo,
Lạc nhật trường phong tiễn khách bi.
Thiên địa cơ hội nhân biến quỷ,
Phong ba vạn lý mẫu tướng nhi.
(荒山野水无人到,
落日长风送客悲。
天地几回人变鬼,
风波万里母将儿。
Dịch nghĩa:
Núi sông hoang dã không người đến,
Chiều muộn, gió lạnh khiến lòng khách bi thương.
Giữa đất trời bỗng nhiên người hóa thành quỷ,

Phong ba nghìn dặm mẹ làm tướng cho con.)
Những câu thơ của Trần Bạch Sa đọc lên nghe vừa thê lương vừa sầu
thảm. Lưu Đại Hà mới an ủi ông rằng: “Tiên sinh đừng quá đau buồn, nơi
đây đã không hoang vu như xưa, đền Đại Trung do ông kiến nghị xây dựng
15 năm trước, nay chẳng phải đang đứng nguy nga trên Nhai Sơn hay sao?
Nghe Lưu Đại Hà nói vậy, Trần Bạch Sa nhớ đến việc Dương Thái Hậu hiện
mộng, liền trình bày tỉ mỉ cho Lưu Đại Hà nghe. Lưu Đại Hà cũng tán thành
xây dựng lại điện Từ Nguyên. Một người đứng ra nhận việc cổ vũ, việc xây
dựng này ở cấp tỉnh, một người đứng ra hô hào nhân dân trong huyện. Bằng
sự nỗ lực của Trần Bạch Sa và Lưu Đại Hà và sự đóng góp tiền bạc của
người dân làng Tam Giang là Triệu Tư Nhân, hậu duệ của hoàng tộc, cuối
cùng điện Từ Nguyên đã được xây dựng lại, hoàn thành được ước vọng của
24

Dương Thái Hậu nhắn nhủ lại cho Trần Bạch Sa trong giấc mộng. Từ đó
miếu Từ Nguyên sừng sững ven biển Nhai Hải, bốn mùa được nhân dân thờ
cúng rất đông.
Còn có một truyền thuyết về Dương Thái Hậu lại liên quan đến loại cây
quất là đặc sản của Tân Hội, Giang Môn. Tương truyền sau khi Lục Tú Phu
cõng vua bé nhảy xuống biển tự vẫn, Dương Thái Hậu cũng nhảy xuống
biển chết theo con trai, Nam Tống bị tiêu vong. Những người dân chài bản
địa không muốn thi thể của họ trôi dạt đi nơi khác mà phải được an táng
đàng hoàng tại đấy nên đã cố gắng tìm kiếm tại vùng Nhai Môn. Sau đó họ
tìm được thi hài của Dương Thái Hậu, vớt lên đặt trước cổng miếu Long
Mẫu. Những người dân làng chài nghĩ rằng, Dương Thái Hậu khi còn sống
đã hết lòng lo cho dân, vì dân mà nhiều phen vất vả, không thể để sau khi
chết bà phải mặc bộ quần áo ướt. Vì vậy họ cởi áo long bào của Dương Thái
Hậu ra, phơi trên một cây quất trước miếu. Không lâu, thân cây và cánh cây
quất kia đều sinh ra đầu rồng, đuôi rồng, mắt rồng, vẩy và chân v.v… sinh
động như con rồng thật. Những cây quất ở nơi khác, tuy lá cây không có gì

khác với cây quất ở Tân Hội, nhưng chỉ riêng thiếu “con rồng” trên thân cây.
Vì vậy, người dân tại đây đã đặt một cái tên rất sang cho loại quất này là
“Triền Long Sơn Quất”. Sau đó người dân xung quanh đã chặt những cành
cây của loại quất này để làm thành những tẩu thuốc. Tẩu thuốc tự nhiên đã
có hình dạng của một con rồng. Người ta cho rằng hút thuốc bằng loại tẩu
thuốc này, mùi thuốc đậm đà đặc biệt hơn rất nhiều. Điều càng đáng quý là
loại tẩu thuốc này còn có chức năng là lọc chất Nicotine gây hại, sử dụng
thuốc lâu dài cũng không gây hại cho sức khỏe, vì vậy loại tẩu thuốc này đã
trở thành báu vật rất có giá trị.
Ngoài ra, người dân còn chôn cất Dương Thái Hậu rất chu đáo tại Thọ
Tinh Đường, làng Quan Xung, dưới chân Nhai Sơn, họ xây tường bao bốn

×