Đề bài: Tả một cây có bóng mát
Bài làm
Ở sân trường em trồng nhiều cây để lấy bóng mát và làm cảnh
như: bàng, đa, bằng lăng, Nhưng gần gũi và thân thuộc nhất với em
là cây phượng già ở giữa sân trường.
Cây được trồng từ lâu nên nó cao và to lắm. Nhìn từ xa, cây
phượng như một chiếc ô xanh khổng lồ bung nở.Ngọn của nó sà vào
đến tận tầng ba trường em. Tán nó xòe rộng cả một khoảng sân.
Thân cây to, vỏ màu nâu xỉn, có đốm bạc, xù xì lồi lõm, có nhiều vết
nứt ngang. Từ thân chẽ thành ba nhánh giống cái chạc. Cành vươn ra
tứ phía, uyển chuyển la đà. Rễ phượng nổi lên mặt đất như mấy chú
trăn nâu nhoài đi kiếm ăn. Lá phượng giống lá me, mỏng, màu xanh
thẫm mọc song song hai bên cuống trông xa như đuôi con chim
phượng, chắc vì thế mà cây có tên là Phượng. Phượng không trút lá
như cây bàng nhưng đến mùa xuân nó lại ra nhiều lá mới thay cho
những chiếc lá già. Lá mới xanh non, mát rượi, ngon lành như lá me.
Dáng phượng nghiêng nghiêng duyên dáng. Xuân qua, hè tới, phượng
bắt dầu nở hoa. Phượng nở đồng loạt, kết thành từng chùm đỏ rực
trông như một mâm xôi gấc. Hoa phượng có năm cánh, bốn cánh đỏ
tươi và một cánh có đốm trắng. Nhuỵ hoa có một túi phấn hình bầu
dục, giống râu con bướm. Chúng em thường lấy nhuỵ đó chơi chọi gà.
Thế là dưới gốc phượng, tiếng reo hò ầm ĩ. Khi tiếng ve kêu ra rả trên
cây phượng là lúc phượng nở nhiều nhất. Một màu đỏ nồng nàn trên
cây. Lúc ấy, phượng già trẻ lại, bừng bừng sức sống. Phượng nở thúc
giục em một mùa thi cuối cùng của năm học, chuẩn bị nghỉ hè với
bao dự định đầy ắp niềm vui.
Qua hè, hoa phượng tàn dần. Mỗi làn gió thổi, cánh phượng rơi
lả tả trên sân giống như xác pháo. Sân trường đẹp lắm, giống cái
thảm hoa. Chúng em quét sân nhưng luyến tiếc muốn giữ lại cánh
phượng thân yêu. Hết hoa, phượng lại để trái non dài, mỏng, xanh,
đung đưa nhè nhẹ trên cành. Quả phượng thuộc họ đậu.Hạt phượng
mà rang lên, ăn bùi và ngon tuyệt. Cây phượng già lại, trở lại cái
dáng vẻ mộc mạc thân quen.
Em yêu cây phượng, cây phượng như người ban lớn thân thiết.
Dưới gốc phượng, chúng em tụ họp bạn bè. Mỗi lần phượng nở với
tiếng ve kêu đánh dấu một năm học kết thúc, một sự trưởng thành
để rồi chúng em lại náo nức bước vào năm học mới với bao điều thú
vị.
Đề bài: Tả cái cặp sách của em
Bài làm
Mỗi đồ vật đều có một công dụng và hữu ích riêng. Em bút chì
giúp em chữa bài tập sai. Anh bút mực giúp em viết những dòng chữ
nắn nót. Giúp em đựng hết sách vở thật gọn gàng là chị cắp sách.
Chiếc cặp của em được làm bằng vải cứng pha nilông. Dáng cặp
như một hình chữ nhật nằm, rộng gần bằng hai quyển sách giáo khoa
ghép lại. Chiếc cặp trông thật bắt mắt khi khoác lên mình bộ áo màu
hồng pha lẫn với màu trắng. Nổi bật nhất trên nắp cặp là một cô búp
bê, tay cầm bông hoa tươi thắm, bên cạnh là chú mèo trông rất đáng
yêu.
Quai cặp làm bằng vải sợi nilông, bên trong có một cái đệm mút
rất êm để em đeo cặp dễ dàng hơn. Giúp em mở được cặp là chiếc
khóa cặp. Khóa cặp làm bằng sắt có mạ một lớp nhôm bên ngoài rất
chắc chắn. Mỗi khi cần mở cặp chỉ cần ấn nhẹ vào hai bên.
Mở chiếc cặp ra em thấy cặp có tới năm ngăn. Có hai ngăn to và
hai ngăn nhỏ. Ngăn to đầu tiên em để sách giáo khoa. Ngăn to thứ
hai em đựng vở và hộp bút. Ngăn nhỏ bên trong có ngăn khóa kéo
trông thật bí mật nằm gọn gàng trong hai ngăn to thì em đựng một ít
giấy kiểm tra và giấy vẽ. Hai ngăn nhỏ bên ngoài trông như hai chiếc
tai xinh xinh thì một ngăn em để ô, còn một ngăn em đựng nước
uống.
Trước đây, bây giờ, và sau này, chiếc cặp sẽ mãi lưu giữ cho em
những ấn tượng, những kỷ niệm vui buồn ở thời Tiểu học này. Chiếc
cặp sẽ mãi là người bạn đồng hành thân thiết giúp em đi những bước
đi đầu tiên.
Đề bài: Ở vườn (hoặc công viên), các luống hoa(chậu hoa) nở
bông rất đẹp. Hãy tả một cây hoa mà em thích nhất.
Bài làm
Người Hà Nội ai cũng thích trồng cây cảnh. Cây cảnh có loại cho
hoa quý, có loại cho vẻ đẹp của thế cây. Nhà em cũng có cây cảnh.
Em hãy tả một cây cảnh mà em thích nhất.
Nhà em ở mặt phố nên không có vườn nhưng khi tới thăm làng
hoa Ngọc Hà, mẹ em đã mua một cây hoa hồng nhung rất đẹp, để
trồng ở lan can trước cửa phòng của em.
Ôi chao! Cây hoa hồng nhung mới đẹp làm sao! Cây chỉ cao bằng
một cậu bé hai, ba tuổi mà thôi! Thân cây mảnh mai, yêu kiều nhưng
chi chít là những chiếc gai sắc nhọn, như là chàng hoàng tử đang bảo
vệ nàng công chúa. Cành cây nhỏ nhắn thì đang đón những tia nắng
vàng rực rỡ. Trên những cành cây đó thì có rất nhiều lá. Những chiếc
lá đó được trang trí rất đẹp, đó là đường gân và viền răng cưa đấy!
Mỗi khi chị gió bay đến thì những chiếc lá đó lại rung rinh như khẽ
chào chị. Mới chiều hôm qua, cây còn lấm tấm nụ. Thế mà hôm nay
cây đã đua nhau nở hoa đỏ thắm, mà cánh hoa thì mịn nàng. Bên
trong những cánh hoa đó toả ra hương thơm quyến rũ những chú ong
làm mật cho đời và những chị bướm tinh nghịch.
Những hôm đi học về, em thường đến bên cây để tưới nước và bắt
sâu cho cây. Cây hoa khẽ ngả mình như để cảm ơn em. Ôi thật hạnh
phúc biết bao! Em rất yêu quý cây hoa hồng nhung này và em sẽ mãi
yêu quý cây.
Đề bài: Tả con vịt.
Bài làm
Lâu rồi em mới được bố mẹ cho về quê chơi. Vừa bước đến cổng
nhà bà, em nghe thấy tiếng “cạc! cạc! cạc!” từ sân sau. vòng ra sân,
em thấy có một đàn vịt bơi lội tung tăng dưới ao.
Đàn vịt khá to. Trong đàn, có một con cái to, nặng khoảng gần hai
ký. Cái mỏ của nó có màu vàng nhạt, dẹt và hơi dài. Đôi mắt thì long
lanh ngơ ngác nhìn em có ý hỏi “- Bạn là ai! Tại sao bạn cứ nhìn
chằm chằm vào tôi thế?”.
Sau một hồi im lặng, đàn vịt chạy về tổ. Em đi vào nhà. Một lát
sau, em nghe thấy tiếng bà nói: “Cạc!cạc!cạc! đàn vịt bé bỏng của
bà, lại đây ăn đi, ăn cho mau khoẻ để đẻ trứng cho bà nhé!”. Em
ngó ra, thấy bà vung một nắm ngô ra sân. Bọn nó tranh nhau ăn,
xô đẩy nhau trông thật là ngộ nghĩnh. Nhìn kỹ em thấy có một con
khác hẳn so với các con khác. Cái đầu mượt mà, ngoắc qua ngoắc
lại trên cái cổ dài mầu xám. Bộ lông có mầu ghi, hơi xam xám pha
đen theo thân hình. Lông đuôi của nó hơi xoè ra, phần dưới thì cứ
xệ xuống, hỏi ra thì đó chính là vịt mẹ. Khi ăn xong, đàn vịt con
lạch bạch dạo chơi cho đỡ căng bụng. ở trên bờ em thấy vịt mẹ
như một con rùa, nhưng khi xuống ao thì nó trở nên nhanh nhẹn,
hoạt bát hơn hẳn. Đang bơi, nó nghe thấy tiếng động nho nhỏ. à
thì ra đó là một con cá màu trắng. Đó chính là thức ăn mà đàn vịt
ưa thích nhất. Cái mỏ dẹt hếch qua hếch lại, cái đầu chúi xuống
nước. Một lát sau, nó nhô lên cùng một con cá trắng to, giẫy đành
đạch. Nó khoái chí, tha lên bờ cho đàn vịt con.
Vịt dễ nuôi, đẻ nhiều. Thịt và trứng của nó đều rất ngon. Em rất
muốn xin về một vài con để nuôi, nhưng không có chỗ, đành hẹn đàn
vịt con bé bỏng là hè sang năm sẽ gặp lại.
Đề bài: Tả ngôi nhà em ở.
Bài làm
Đi học về là em chạy nhanh trên con đường quen thuộc mang tên
Cát Linh để về nhà. Kia rồi, ngôi nhà thân thuộc nằm trên phố Giảng
Võ đã dần hiện ra trước mắt em. Nơi này đã gắn bó với em từ khi còn
bé tí mà đến bây giờ đã trở thành một cô bé phổng phao, hoật bát
thế này.
Ba em xây ngôi nhà này cũng đượ sáu, bảy năm nay rồi, nhưng
trông vẫn còn hấp dẫn. Cánh cổng sắt khoắc trên mình chiếc áo
măng tô màu xanh sẫm. Từ cổng sắt vào, lối đi rải sỏi trắng, rộng độ
hai met, hai bên trồng cỏ tóc tiên xanh um. Trên bậc tam cấp bước
lên nhà là hai cây mai chiểu thuỷ trồng trong hai cái chậu lớn màu
nâu, đắp nổi hình rồng, phượng.
Ngôi nhà của em được xây làm bốn tầng. Tầng một là nhà bếp và
phòng khách. Phòng khách được mẹ em trang trí rất đơn sơ và giản
dị. Bộ ghế xa-lông màu mận chín kê quanh chiếc bàn tròn bằng gỗ
cẩm lai, bên trên đặt một tấm kính trong suốt. Chiếc tủ buýt-phê
được kê ở giữa phòng, bên trong là các bộ ấm chén và lọ hoa các
kiểu, cả chú gấu nhồi bông và cô búp-bê tóc vàng cũng được bày
trong đó. Mẹ em đặt một bình hồng nhung lên chiếc bàn làm việc của
bố em. Chiếc đồng hồ quả lắc mỗi giờ lại buông một hồi chuông ngân
nga, thánh thót. Trên tường, bức tranh sơn mài vẽ phong cảnh quê
hương được đặt trang trọng trong khung lớn. ở dưới tủ sách là hai
chiếc loa ngồi hai bên như muốn át giọng nói của bác ti-vi ngồi chễm
chệ ở giữa. Bên ngoài phòng khách là nhà bếp với bộ bàn ghế bằng
gỗ pơ-mu được kê ngay ngắn. Chiếc tủ bếp xinh xinh xếp đầy bát đĩa
vẫn ngồi yên ttrên giá. Xoong, nồi, dao thớt đều được xếp ngăn nắp
trong tủ dưới. Những bữa cơm thân mật của gia đình em diễn ra đều
đều ở đây. Phòng của em ở trên tầng ba còn phòng của ba mẹ em thì
ở tầng hai. Mỗi phòng đều được trang trí khác nhau với đủ chăn, ga,
gối, đệm. Chiếc bàn học của em được kê ngay sát cửa sổ. Mỗi buổi
sáng, ánh nắng chan hoà, hắt qua cửa sổ giúp em học bài. Trên bàn,
bác đồng hồ Liên Xô luôn miệng kêu “tích tắc”. Em còn dán thời khoá
biểu, thời gian biểu và các khẩu hiệu khác lên tường như: “ Chưa
làm bài xong chưa đi ngủ, chưa làm bài đủ chưa đi chơi”. “Học tốt-
chăm ngoan”. Xung quanh, em trang trí bằng các sản phẩm lao động
kĩ thuật mà cô đã dạy ở trên lớp. Ngước mắt lên trần, em gặp ngay
bác bóng đèn, bác đang hì hục làm công việc của mình là thắp sáng
ngôi nhà này. Nhìn ra cửa sổ, em thấy nào là mùi hoa xoan tim tím
thơm phảng phất, mùi khế ngọt thơm nồng, mùi của những bông hoa
cúc đang độ lớn.
Em yêu quý biết bao ngôi nhà này vì nơi đây em đã sinh ra và lớn
lên. Nó đã gắn bó với em như máu thịt, cùng em chia sẻ nỗi buồn,
niềm vui. Em đang được sống giữa mái ấm của gia đình mình. được
sống trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ
Đề bài: Tả quanh cảnh trường em trước buổi học.
Bài làm.
Tiểu học Cát Linh là tên ngôi trường thân yêu mà em đang học,
nằm đối diện với khách sạn Horison. Hôm nay, em đến sớm làm trực
nhật.
Hàng chữ đỏ thắm “Trường Tiểu học Cát Linh” nổi bật giữa nền
vàng. Bước vào cổng trường, em đi qua cánh cửa sơn màu xám. Con
đường dẫn vào trường thẳng tắp, bên phải là nhà chờ còn bên trái là
bờ tường ngăn với cấp hai. Cái trống nằm im lìm trên giá như đang
ngủ say chờ người đánh thức. Sân trường hình chữ nhật, rộng rãi.
Hàng dừa xoè tán lá xanh mượt toả mát một vùng. Trước mặt em là
sân khấu nhỏ, phòng Đoàn Đội, phòng Ban Giám hiệu và phòng Hội
đồng được trang trí ngăn nắp và khoa học. Sân khấu là nơi thường
diễn ra lễ chào cờ, phát động thi đua hay những ngày kỷ niệm. Em đi
nhanh qua dãy lớp một, hai, ba ở tầng một. Còn tầng hai thì dành
cho khối bốn và năm. Các lớp học sáng sủa, đều có ảnh Bác Hồ đang
mỉm cười với đàn cháu thân yêu, ở dưới là khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn
Bác Hồ vĩ đại” cùng bảng đen trang nghiêm và dãy bàn của bốn tổ
học sinh. Những bức vẽ dán trên bảng thi đua do những bàn tay xinh
xinh chúng em vẽ. Chúng em rất dễ nhầm lớp nếu không có tấm biển
ghi tên lớp treo ngay ngắn trước cửa. Em bắt đầu công việc của
mình. Em đi giặt khăn lau bảng ở sân sau. Vườn trường ở sân sau đầy
những loại hoa cùng đua nhau khoe sắc. Lau bảng xong, em kê lại
bàn ghế cho ngay ngắn. Trong mỗi tiết học đôi khi chúng em cần đồ
dùng học tập và thư viện là nơi cung cấp cho chúng em. Cạnh đó là
phòng học vi tính. Những hồi trống đầu tiên vang lên, một buổi học
bắt đầu.
Ngôi trường này đã gắn bó với em. Em sẽ mãi không bao giờ quên
những tháng năm em học ở nơi này.
Đề bài: Ở vườn (hoặc công viên) các luống hoa (chậu hoa) nở
bông rất đẹp. Hãy tả một cây hoa mà em thích nhất.
Bài làm
Ở vườn nhà ông em trồng một số cây như cúc, phong lan, lay
ơn Nhưng em thích nhất cây hồng nhung. Cây này được trồng từ hồi
em còn bé xíu.
Nhìn cô nàng hồng nhung đứng giữa các bạn của mình trông thật
kiêu hãnh. Thân cây thanh mảnh, màu nâu, là loại cây gai to và sắc.
Cành cây vươn ra những cánh tay đón lấy ánh nắng ban mai, uống
những giọt sương long lanh và không khí trong lành, mát mẻ của
mùa xuân. Những chiếc là màu xanh thẫm được tô điểm đường gân
và viền răng cưa nổi bật. Còn các bông hoa thì thật tuyệt vời, không
còn chê vào đâu được. Những đì hoa xanh mỡ màng kia có thể đỡ
được cô tiên nữ xinh đẹp và lộng lẫy đó. Cánh hoa đỏ và mịn đan xen
thành từng lớp. Các lớp hoa ở trong khum khum úp vào che chở cho
nhị hoa yếu ớt. Cạnh một bông hoa đã nở là một nụ hoa chờ ngày
phô sắc, toả hương. Ngày ngày, ong bướm rập rờn bên cây hoa. Mõi
khi chị gió bay qua là hồng nhung lại nghiêng người như để chúc chị
một ngày tốt đẹp.
Hàng ngày em chăm sóc cây rất chu đáo. Em coi cây như một
người bạn của em. Mỗi khi đên mùa xuân, hoa hồng lại là một nữ
hoàng trong thế giới loài hoa.
Đề bài: Thuật lại việc tốt mà em chứng kiến tại nơi em ở.
Bài làm.
Hôm qua khi tôi đang cùng mẹ làm bếp ở nhà bỗng có một cơn
mưa từ đâu ập đến, mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm. Nhìn cơn
mưa tôi chợt nhớ tới bác Toán người đã giúp đỡ gia đình tôi lấy quần
áo trong một lần mưa lớn.
Khu tập thể nhà tôi hầu hết là các nhà một tầng và chung một sân
phơi quần áo. Một lần cả nhà tôi đi thăm người ốm là một bác cùng
làm ở cơ quan mẹ tôi. Tôi cùng bố mẹ hỏi thăm sức khoẻ của bác.
Bỗng có một cơn mưa ập đến. Mẹ tôi sực nhớ ra đống chăn màn mới
giặt. Mẹ tôi cứ chép miệng xúyt xoa: “thôi thế là đống chăn màn mới
giặt ướt hết”. Tôi nghe vậy mà thấy thương mẹ. Một lúc sau, mưa
tạnh hẳn, trời hửng lên. Đúng là mưa mùa hè “mưa mau đến ròi lại
mau đi”. thấy vậy gia đình tôi xin phép bác ra về.
Về đến nhà, mẹ rất ngạc nhiên vì thấy trên dây không còn gì nữa.
Vừa lúc đó bác Toán gọi mẹ đến lấy đống chăn màn. Mẹ tôi cứ cảm
ơn bác mãi. bac chỉ cười và nói: “Có gì đâu, hàng xóm mà cô”. tôi rất
ngạc nhiên vì mọi ngày bác vốn là một người rất khó tính và nghiêm
khắc. Từ việc này mà gia đình tôi và bác đã thân thiết hơn trước.
Qua chuyện này tôi thấy câu mà mẹ vẫn dạy tôi là “Bán anh em
xa mua láng giềng gần” thật là ý nghĩa.