ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA TRIẾT HỌC
***
BÙI THỊ HÀ
VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC ĐẢM
BẢO CÁC QUYỀN TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI
TỪ CÁCH TIẾP CẬN CỦA MÔNGTÉTXKIƠ
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: TRIẾT HỌC
Hà Nội - 2013
1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA TRIẾT HỌC
***
BÙI THỊ HÀ
VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC ĐẢM
BẢO CÁC QUYỀN TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI
TỪ CÁCH TIẾP CẬN CỦA MÔNGTÉTXKIƠ
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: TRIẾT HỌC
Mã số : 60.22.80
GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN: PGS.TS NGUYỄN THÚY VÂN
Hà Nội – 2013
1
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 3
1. Lý do chọn đề tài: 3
2. Tình hình nghiên cứu đề tài. 5
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu. 9
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 9
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu. 10
6. Đóng góp của luận văn. 10
7. Kết cấu của luận văn. 10
PHẦN NỘI DUNG 11
Chương 1: Những điều kiện và tiền đề cho sự ra đời tư tưởng về quyền
tự nhiên của con người và vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo các
quyền tự nhiên của con người của Môngtétxkiơ. Error! Bookmark not
defined.
1.1 Điều kiện kinh tế - xã hội. 11
1.2.Tiền đề tư tưởng. 17
1.2.1 Quan niệm của một số triết gia phương tây thời cổ đại và trung cổ. 17
1.2.2 Quan niệm của các triết gia Phương Tây thời Phục hưng, Cận đại
trước Môngtétxkiơ. 23
1.3 Thân thế và sự nghiệp của Ch.S. Môngtétxkiơ 29
Chương 2. Quan niệm của Môngtétxkiơ về quyền tự nhiên của con
người và vai trò của nhà nước trong bảo việc bảo đảm quyền tự nhiên
của con người. 36
2.1 Quan niệm của Môngtétxkiơ về quyền tự nhiên của con người. 36
2.1.1 Quyền tự do. 37
2.1.2 Quyền bình đẳng. 42
2.1.3 Nguồn gốc của bất bình đẳng, mất tự do. 47
2
2.2 Vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo các quyền tự nhiên của
con người. 48
2.2.1 Hình thức nhà nước có thể đảm bảo thực hiện quyền con người. 51
2.2.2 Vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo các quyền tự nhiên của con
người 58
2.3 Một số giá trị, hạn chế và ý nghĩa của tư tưởng Môngtétxkiơ đối với
quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
hiện nay. 69
2.3.1 Giá trị. 69
2.3.2 Hạn chế. 74
2.3.3 Ý nghĩa của tư tưởng của Môngtétxkiơ đối với quá trình xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. 77
KẾT LUẬN 85
TÀI LIỆU THAM KHẢO 88
3
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Triết học Khai sáng Pháp là một dòng triết học riêng biệt có vai trò hết
sức quan trọng trong tiến trình phát triển tư tưởng triết học thế giới nói
chung, triết học Tây Âu nói riêng. Cuộc đại cách mạng tư sản Pháp năm
1789 – 1894 như một mốc son chói lọi đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của
chế độ phong kiến Tây Âu, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên
của nền văn minh công nghiệp với sự sống lại và phát triển mạnh mẽ những
giá trị nhân văn đã bị vùi lấp trong đêm trường trung cổ. Vào năm 1784,
trong bài viết “Trả lời cho câu hỏi: Khai sáng là gì?”, Immanuel Kant đã
từng nói thời kỳ Khai sáng như sau: Khai sáng là sự vượt thoát của con
người khỏi trạng thái vị thành niên tự kỷ. Tính vị thành niên là tình trạng
bất lực của con người trong việc sử dụng nhận thức của chính mình mà
không có sự hướng dẫn của người khác. Tính tự kỷ là tình trạng thiếu vắng
sự quyết đoán và dũng khí để sử dụng nó mà không cần đến chỉ đạo. Giúp
con người vượt thoát khỏi sự nô dịch về mặt tinh thần trong suốt thời trung
cổ để vươn tới những giá trị đích thực của tự do và lý trí là kết quả của
phong trào Khai sáng. Làm nên tinh thần và sức sống vĩ đại của cả một
thời kỳ lịch sử như thế, cần phải ghi nhận những đóng góp của triết học
Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, ngọn cờ lý luận của giai cấp tư sản trong thời
kỳ bình minh đầy tính cách mạng của nó. “Triết học Khai sáng Pháp thế kỷ
XVIII là sự kế tục và phát triển mới về chất các khuynh hướng tư tưởng bài
trừ siêu hình học thế kỷ XVII, cũng như đánh giá lại các giá trị triết học
truyền thống. Nó bắt đầu từ sự phê phán không thương tiếc các quan niệm
cũ về thế giới con người. Giờ đây, tôn giáo, quan niệm về tự nhiên, xã hội,
tổ chức nhà nước, tất cả đều được đem ra phê phán hết sức nghiêm khắc,
tất cả đều phải ra trước tòa án của lý tính và biện hộ cho sự tồn tại của mình
hoặc từ bỏ sự tồn tại của mình” [85, 350].
4
Nằm trong dòng chảy tư tưởng ấy, Môngtétxkiơ nổi lên như một nhà
tư tưởng tiến bộ, dám khẳng định những quyền thiêng liêng nhất của con
người như: Tự do, bình đẳng … Giá trị của những tư tưởng đó đã được
đánh giá rất cao “con người khó có thể nhận ra được những quyền lợi căn
bản của mình nếu như không có những con người như Xôcrat, Platôn,
Rútxô, Hốppơ, Mác và lẽ tất nhiên –Môngtétxkiơ …” [32,21]. Những quan
niệm của Môngtétxkiơ về các quyền cơ bản của con người cũng như học
thuyết của ông về nhà nước; vai trò của nhà nước trong việc bảo vệ quyền
tự nhiên của con người, đặc biệt là tư tưởng về phân chia quyền lực nhà
nước của ông, như là một cách thức tốt nhất để đảm bảo thực hiện quyền tự
nhiên của con người có vai trò và ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ đối với
cách mạng tư sản Pháp mà còn đối với cuộc đấu tranh cho các quyền con
người trên thế giới nói chung. Khai thác tư tưởng triết học Môngtétxkiơ
trên tinh thần tiếp thu chọn lọc chính là góp phần nhận thức và tìm ra
phương hướng giải quyết những vấn đề thực tiễn chính trị xã hội một cách
tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây nói
chung, tư tưởng Pháp nói riêng đối với Việt Nam chúng ta. Ngay từ những
năm đầu khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta, những luồng gió
mới từ triết học Khai sáng Pháp mang tới đã tác động lên tư tưởng của các
chí sỹ yêu nước Việt Nam, giúp họ nhận thức đúng về quyền tự do, bình
đẳng, về vị thế của các quốc gia độc lập, để từ đó lựa chọn con đường giải
phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Hiện
nay, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới toàn diện, trong đó có việc
xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – nhà nước lấy mục tiêu
cao nhất là tôn trọng, đề cao và bảo vệ quyền con người. Thực tiễn này
đang nổi lên nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ về mặt lý luận về quyền
con người, cơ chế đảm bảo quyền con người, vai trò của nhà nước trong
việc đảm bảo các quyền đó Chính vì vậy mà việc tìm hiểu và vận dụng
5
những tư tưởng của các nhà triết học trong đó có Môngtétxkiơ có ý nghĩa lý
luận và thực tiễn to lớn đối với việc đảm bảo xây dựng thành công nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Đó cũng chính là lý do mà tác giả luận văn chọn đề tài “Vai trò của
nhà nước trong việc đảm bảo các quyền tự nhiên của con người từ cách
tiếp cận của Môngtétxkiơ” làm đề tài nghiên cứu.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài.
Trên thực tế, việc nghiên cứu các vấn đề về quyền con người và về vai
trò của nhà nước trong việc đảm bảo các quyền con người không phải là
mới mà đã được đề cập, nghiên cứu ở nhiều góc độ, nhiều khoa học khác
nhau như: Xã hội học, Triết học, Chính trị học, Luật học …
Trong số những công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài chúng
tôi chia thành hai mảng cơ bản sau:
Thứ nhất là những công trình nghiên cứu về tư tưởng của Môngtétxkiơ
nói chung về quyền tự nhiên của con người và vai trò của nhà nước trong
việc bảo vệ quyền con người.
Nói đến các công trình nghiên cứu về Môngtétxkiơ nói chung thì
trước hết phải kể tới các giáo trình, sách, tài liệu về lịch sử triết học. Trong
những công trình này, khi đề cập tới giai đoạn triết học khai sáng Pháp đều
có phân tích những quan điểm tư tưởng cơ bản của Môngtétxkiơ. Có thể
điểm qua một số công trình tiêu biểu như: Nguyễn Hữu Vui với “Lịch sử
triết học”; “Đại cương lịch sử triết học phương Tây” do tập thể tác giả Đỗ
Minh Hợp, Nguyễn Thanh, Nguyễn Anh Tuấn biên soạn, Nxb Tổng Hợp,
TP Hồ Chí Minh 2006; “Lịch sử triết học phương Tây” do tác giả Nguyễn
Tiến Dũng biên soạn năm 2006; Lê Tôn Nghiêm với “Lịch sử triết học Tây
phương”, tập 1, 2 và 3, nxb Tp Hồ Chí Minh, 2000, Đây là các công
trình có sự phân tích một cách hệ thống về triết học phương Tây từ cổ đại
đến hiện đại, cung cấp một cách nhìn toàn diện về nền triết học Khai sáng
Pháp với tính đặc thù riêng của nó và những vấn đề cơ bản mà nền triết học
6
này đã đề cập, trong đó có triết học của Môngtétxkiơ. Tác giả Phạm Minh
Lăng với tác phẩm “Những chủ đề cơ bản của triết học Phương Tây”, nxb
Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003, đã trực tiếp đề cập tới nhiều những nội
dung về triết học chính trị, một trong các chủ đề cơ bản của triết học
phương Tây, trong đó tập trung vào nêu và phân tích các quan niệm về
quyền con người của các nhà triết học Khai sáng Pháp, đặc biệt là những
đóng góp và giá trị của triết học Môngtétxkiơ trong lịch sử triết học. Vũ
Dương Ninh với “Lịch sử thế giới cận đại”; Trần Văn Phòng, Dương Minh
Đức với “Lịch sử triết học phương Tây trước Mác”, P.S.Taranốp với “106
nhà thông thái”, dịch giả Đỗ Minh Hợp. v v Các công trình trên, dù là
cách tiếp cận sử học hay triết học đã phân tích một cách hệ thống điều kiện,
tiền đề cho sự ra đời tư tưởng của các nhà triết học Pháp cũng như những
nội dung chính yếu trong tư tưởng của họ nói chung và của Môngtétxkiơ
nói riêng.
Nghiên cứu về Môngtétxkiơ, còn phải kể đến những nỗ lực của các
dịch giả Việt Nam khi sưu tầm và dịch các tác phẩm của Môngtétxkiơ ra
tiếng Việt. Đó là bản dịch tiếng Việt được coi là trung thành nhất với tư
tưởng của Môngtétxkiơ qua cuốn “Tinh thần pháp luật” của dịch giả Hoàng
Thanh Đạm, nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 1996.
Liên quan đến tư tưởng về quyền con người, vai trò của nhà nước
trong bảo vệ quyền con người có hàng loạt các công trình, bài báo được
đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. Có thể liệt kê một số công trình tiêu
biểu như: Trần Ngọc Đường: “Quyền con người, quyền công dân trong nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam”, NXB Chính trị quốc gia năm
2004; “Hành trình quyền con người” do tác giả Mai Hồng Qùy chủ biên;
Hoàng Chí Bảo với “Quyền con người trong Chủ nghĩa xã hội”, tạp chí
triết học, số 2 năm 1991. Chu Văn Tuấn với “Tính phổ biến và tính đặc thù
của quyền con người từ phương diện triết học” tạp chí nghiên cứu con
người, số 2, 2010. Hoàng Văn Hảo, Hoàng Văn Nghĩa với “Thuyết pháp
7
luật tự nhiên và vấn đề quyền con người”, tạp chí nghiên cứu lí luận, số 12,
tháng 12 năm 1991; Vũ Dương Minh với “Từ quyền tự do tự nhiên của con
người đến quyền tự do độc lập của dân tộc”, tạp chí khoa học, Đại học
QGHN, KHXH – NV, số 3, 2005; Nguyền Trọng Thụ với “Từ thực trạng
tình hình thế giới nghĩ về vấn đề nhân quyền”, tạp chí Cộng sản, số 2,
1991. Đỗ Trung Hiếu với “Một số vấn đề về xã hội công dân” tạp chí triết
học, số 10, 2002; Nguyễn Thị Thanh Huyền với đề tài khoa học “Quan
niệm của các nhà triết học khai sáng Pháp thế kỷ XVIII về quyền con người
và vấn đề phát triển quyền con người ở Việt Nam hiện nay”, ĐH
KHXHNV, ĐH QGHN, Hà Nội, 2012, v v Các công trình này, trong
những chừng mực nhất định và tuỳ góc độ tiếp cận đã ít nhiều bàn đến
những vấn đề có liên quan đến pháp luật tự nhiên, sự biến đổi từ trạng thái
tự nhiên sang trạng thái dân sự của con người cũng như cách hiểu về quyền
con người trong xã hội, trong đó có khảo cứu đến tư tưởng của
Môngtétxkiơ. Các công trình cũng đề cập đến một vài yếu tố có thể đảm
bảo được quyền con người trên thực tế, trong đó có vai trò của nhà nước
với tư cách là yếu tố quan trọng nhất.
Thứ hai, những công trình nghiên cứu về tư tưởng triết học chính trị
của Môngtétxkiơ.
Đây là những công trình nghiên cứu có liên quan trực tiếp tới đề tài
nghiên cứu của luận văn bởi vấn đề quyền con người và vai trò của nhà
nước trong bảo vệ các quyền con người là những nội dung cơ bản của triết
học chính trị. Ở mảng này có một số công trình tiêu biểu sau: “Lịch sử các
học thuyết chính trị trên thế giới” do Lưu Kiếm Thanh, Phạm Hồng Thái
dịch, nxb Chính trị Quốc gia, 1993. Đây là cuốn sách bàn về học thuyết
chính trị của nhiều nhà triết học chính trị lớn trên thế giới trong đó có
Môngtétxkiơ. Tiếp đến là công trình “Lược sử triết học Pháp” của tác giả
Jean Wahl, được tập thể tác giả Nguyễn Hải Bằng, Đào Ngọc Phong, Trần
Nhựt Tân dịch, Nxb Văn hóa thông tin, 2006. Tác phẩm là một bức tranh
8
theo chiều dài lịch sử của triết học Pháp, trong bức tranh đó, những tư
tưởng về triết học chính trị của Môngtétxkiơ đã được phân tích cả từ chiều
sâu đến những nhận định tổng quát về giá trị của những tư tưởng triết học
này; Nguyễn Văn Vĩnh với “Triết học chính trị về quyền con người”, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. Tác phẩm đã đưa ra những nhận định về
triết học chính trị về quyền con người với nhiều đại biểu trong đó có
Môngtétxkiơ; Đinh Ngọc Thạch với “Về tự do với tư cách là phạm trù của
triết học xã hội”, tạp chí triết học số 2 năm 2004; Vương Thị Bích Thủy với
luận án “Tất yếu và tự do, một số vấn đề lý luận và thực tiễn”; trong công
trình này, các tác giả đã đề cập đến một số vấn đề về tất yếu, tự do được
nhìn dưới góc độ triết học chính trị và cách thức cũng như con đường để có
được tự do trong xã hội.
Đặc biệt, trong số các luận văn, luận án có liên quan mật thiết đến nội
dung nghiên cứu của đề tài, phải kể đến luận án “Triết học chính trị
Môngtétxkiơ với việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam” của tác
giả Lê Tuấn Huy, nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Ở trong công trình này,
tác giả Lê Tuấn Huy đã làm rõ những vấn đề triết học chính trị của
Môngtétxkiơ và bước ngoặt mà học thuyết này tạo ra trong lịch sử triết học
chính trị cùng những ý nghĩa thời đại mà nó đem lại. Đoàn Trường Thụ với
“Quyền con người, thước đo quan trọng của tiến bộ”, luận án tiến sỹ triết
học, Viện triết học, Hà Nội, 2006. Luận án cũng đề cập đến vấn đề về
quyền con người thông qua sự khảo sát tư tưởng một số triết gia lớn trên
thế giới trong đó có Môngtétxkiơ, coi nó như một đóng góp quan trọng từ
phương diện triết học chính trị để từ đó xem xét nội dung và cách thực thực
hiện quyền con người trong thời đại hiện nay v v
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu ở trên, mặc dù ở những
phương diện khác nhau đã có những đóng góp vào việc việc nghiên cứu
trào lưu triết học Khai sáng Pháp nói chung, triết học chính trị của
Môngtétxkiơ nói riêng. Tuy nhiên nghiên cứu riêng về quan niệm vai trò
9
của nhà nước trong việc đảm bảo các quyền tự nhiên của con người từ cách
tiếp cận của Môngtétxkiơ thì chưa có công trình nào chuyên biệt. Đó là
hướng nghiên cứu chính mà luận văn này hướng tới.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu.
Mục đích của luận văn:
Trình bày những nội dung cơ bản về quyền tự nhiên của con người và
vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo các quyền tự nhiên của con người
từ cách tiếp cận của Môngtétxkiơ. Từ đó đánh giá những giá trị và hạn chế
của cách tiếp cận này trong lịch sử cũng như ý nghĩa của nó trong quá trình
xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.
Để đạt được mục đích trên, luận văn phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Trình bày những điều kiện, tiền đề cho sự ra đời tư tưởng của
Môngtétxkiơ về vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo các quyền tự
nhiên của con người
- Phân tích nội dung tư tưởng của Môngtétxkiơ về quyền tự nhiên
của con người và vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo các quyền tự
nhiên của con người.
- Đánh giá những giá trị và hạn chế của cách tiếp cận trên của
Môngtétxkiơ trong lịch sử và ý nghĩa của những cách tiếp cận này trong
quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Đối tượng : Cách tiếp cận của Môngtétxkiơ về quyền tự nhiên của con
người và tiếp cận vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo các quyền tự
nhiên của con người.
Phạm vi : Luận văn khảo sát tư tưởng của Môngtétxkiơ chủ yếu qua
tác phẩm “Tinh thần pháp luật” và một số tác phẩm khác như: “Bàn về
những nguyên nhân hưng thịnh và suy vong của người Rome”, “Thư Ba
Tư” …
10
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu.
Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin trong việc
nghiên cứu lịch sử tư tưởng.
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu như phân tích, tổng
hợp, so sánh, khái quát hóa, đặc biệt là phương pháp logic - lịch sử.
6. Đóng góp của luận văn.
Luận văn góp phần làm sáng tỏ những nội dung cơ bản trong cách tiếp
cận về quyền tự nhiên của con người và vai trò của nhà nước trong việc
đảm bảo các quyền tự nhiên của con người từ cách tiếp cận của
Môngtétxkiơ. Đây là những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ
đối với giai đoạn lịch sử đã qua mà cả đối với hiện tại, đặc biệt có ý nghĩa
to lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam hiện nay.
Luận văn có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho phần nghiên
cứu về Môngtétxkiơ nói riêng, triết học khai sáng Pháp nói chung.
7. Kết cấu của luận văn.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung luận
văn được kết cấu gồm 2 chương, 6 tiết.
11
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ CHO SỰ RA ĐỜI TƯ TƯỞNG
QUYỀN TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI VÀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC
TRONG VIỆC ĐẢM BẢO CÁC QUYỀN TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI CỦA
MÔNGTÉTXKIƠ
1.1 Điều kiện kinh tế - xã hội
Thế kỷ XV – XVIII, ở Châu âu, lực lượng sản xuất đã có những bước
phát triển to lớn, nó đòi hỏi phải thay thế quan hệ sản xuất cũ – quan hệ sản
xuất phong kiến bằng quan hệ sản xuất mới – quan hệ sản xuất tư bản chủ
nghĩa để mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Chính sự phát triển
về các mặt kinh tế, khoa học – kỹ thuật,… đã tạo lực cho một sự thay đổi
khá toàn diện và sâu sắc về mặt lịch sử.
Những điều kiện và tiền đề làm nẩy sinh phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa ở Châu Âu trong các thời gian này đã được bộc lộ rõ nét. Trước
hết là ở việc sử dụng la bàn, kỹ thuật in và máy in. Tiếp sau đó là nghề dệt
bùng nổ, luyện kim trở nên phát đạt, công nghệ theo đó mà cũng phát triển
theo. Ngoài ra công trường thủ công, hình thức sản xuất mang tính tư bản
chủ nghĩa đầu tiên ra đời thay thế phường hội. Bên cạnh đó, công cụ sản
xuất nông nghiệp được cải tiến, đất canh tác được mở rộng. Sản xuất và
trao đổi hàng hóa có những bước tiến dài, phá vỡ khuôn khổ tự cung tự
cấp. Hơn nữa, những phát kiến địa lý đã đem lại một không gian thương
mại mới cho các nước Châu Âu trên phạm vi toàn thế giới, khiến cho sự
thông thương được tăng cường, tạo điều kiện phát triển hơn nữa nền sản
xuất theo hướng tư bản chủ nghĩa. Sự khám phá và chế tạo hàng loạt đồng
hồ cơ học đã giúp con người thời kỳ này sản xuất có kế hoạch, tiết kiệm
thời gian và tăng năng suất lao động.
Sự xuất hiện và ngày càng phát triển của phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa đã buộc giai cấp tư sản phải nắm lấy chính quyền nhằm phá bỏ
cát cứ phong kiến, tạo ra và mở rộng thị trường thống nhất. Mâu thuẫn giữa
12
giai cấp tư sản và hệ tư tưởng tư sản với giai cấp địa chủ phong kiến cùng
hệ tư tưởng phong kiến ngày càng sâu sắc. Chính mâu thuẫn đó đã thúc đẩy
hàng loạt các cuộc cách mạng tư sản nổ ra trên khắp lãnh thổ Châu Âu.
Cách mạng tư sản Hà Lan – Cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trong lịch sử
diễn ra vào năm 1579, đặc biệt là cách mạng tư sản Anh (1642 – 1648) báo
hiệu giờ cáo chung của chế độ phong kiến Châu Âu đã đến. Mặc dù cách
mạng tư sản Anh chưa triệt để nhưng “bắt đầu từ đó giai cấp tư sản trở
thành một bộ phận khiêm tốn nhưng được thừa nhận của các giai cấp thống
trị ở Anh” [8,444].
Như vậy, cùng với những biến cố lịch sử khác, những sự kiện trên đây
đã cho thấy, ở Châu Âu trong các thế kỷ XV – XVIII, sự phát triển của
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã trở thành một xu thế lịch sử
không gì ngăn cản nổi. Sự quá độ từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản
là nền tảng thực tiễn xã hội của triết học Tây Âu thời kỳ này. Nếu như
trong các thế kỷ XV – XVII, khi chủ nghĩa tư bản đã đi từ giai đoạn tích
lũy nguyên thủy tư bản đầu tiên đến dần dần hình thành và bước hẳn lên vũ
đài lịch sử bằng các cuộc cách mạng tư sản, thì đến thế kỷ XVIII, trung tâm
của những cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến
đã chuyển sang nước Pháp. Triết học khai sáng Pháp cũng nảy nở và phát
triển trọn vẹn trong thế kỷ này. Khai sáng là một trong những trào lưu
chính của hệ tư tưởng chính trị Pháp thế kỷ XVIII, nó thể hiện quyền lợi
của các tầng lớp khác nhau thuộc đẳng cấp thứ ba.
Trước cách mạng, nước Pháp là một nước quân chủ chuyên chế phong
kiến, nhà vua nắm mọi quyền hành, hầu như không chịu bất kỳ sự kiểm
soát nào. Vua có quyền quyết định mọi công việc đối nội và đối ngoại
của
nhà nước, thường coi quyền của mình do trời ban cho để cai trị đất nước.
Công cụ thống trị của nhà nước phong kiến gồm có quân đội, cảnh sát, và
nhà thờ. Hơn nữa, chế độ chuyên chế đã duy trì những đạo luật, những
nguyên tắc và những tập tục phong kiến, loại bỏ quyền bình đẳng của con
13
người trước luật, kiên quyết chống lại mọi tư tưởng nổi loạn đòi quyền bình
đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật.
Chính điều này đã tạo ra tiền đề cho những tư tưởng đòi quyền con
người ra đời, cũng như tư tưởng cần phải xây dựng một chế độ nhà nước
mới cho phù hợp với những đòi hỏi về mặt thực tiễn cũng như lịch sử lúc
bấy giờ.
Nước Anh vào thế kỷ XVIII là một nước đang tiến mạnh trên con
đường công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa. Sau cách mạng chính trị được thể
hiện ở hai cuộc nội chiến (1642 – 1646 và 1648) và những tranh chấp
quyền lực tiếp theo đó, vào tháng 11 năm 1688, các đại biểu của giai cấp tư
sản và quý tộc mới đã thực hiện một cuộc chính biến, thiết lập nền quân
chủ lập hiến. Về mặt kinh tế, nước Anh đã diễn ra cuộc cách mạng công
nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp đó đã làm cho nền kinh tế Anh phát
triển vượt bậc, đưa nước Anh lên hàng dẫn đầu thế giới. Nước Anh lúc này
với những thành tựu đã đạt được cả về mặt chính trị lẫn kinh tế đã trở thành
“ kiểu mẫu sáng chói đối với các nhà khai sáng Pháp sau này trong đó có
Môngtétxkiơ” [32,29].
Trong khi nước Anh đạt được những thành tựu to lớn như vậy thì
nước Pháp vẫn là một nhà nước quân chủ chuyên chế điển hình ở Tây Âu.
Về kinh tế, các phương thức sở hữu và canh tác phong kiến cũ kỹ, công cụ
sản xuất cổ xưa, năng suất đặc biệt thấp, nạn mất mùa xảy ra thường xuyên.
Do đó, ở Pháp, trước cách mạng tư sản, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản
ở nông thôn nói chung còn khá yếu. Về mặt công nghiệp, có sự phát triển
hơn so với nông nghiệp. Nhiều công trường thủ công ra đời, máy móc được
cải tiến, số lượng công nhân tăng lên và có sự chuyên môn hóa cao. Trước
cách mạng, tuy đạt được một số thành tựu nhất định song về cơ bản thì
nước Pháp vẫn là một nước phong kiến lạc hậu, sự phát triển của chủ nghĩa
tư bản ở nông thôn nói chung còn yếu. Chế độ phong kiến ở nước Pháp
cùng với nó là những đạo luật hà khắc vẫn giữ vị trí thống trị về mọi mặt
14
trong đời sống xã hội trong đó có kinh tế. Sự phát triển của nền công
nghiệp Pháp bị kìm hãm bởi những nguyên tắc điều chính sản xuất do nhà
nước chuyên chế phong kiến định ra, bởi chế độ phường hội, bởi các thứ
trở ngại về mặt tiêu thụ và vận chuyển hàng hóa. Với vô số các loại thuế
quan, tiền tệ không thống nhất, không có những tiêu chuẩn đo lường thống
nhất đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nội thương.
Đến giữa thế kỷ XVIII Pháp trở thành một nước quân chủ chuyên chế
điển hình ở Tây Âu. Cùng với những trì trệ về mặt kinh tế, với hệ thống
chính trị kém hiệu năng như vậy là một kết cấu xã hội vô cùng phi lý bảo
thủ với nhiều đẳng cấp có những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Do vậy,
mâu thuẫn giữa các đẳng cấp trở nên hết sức gay gắt.
Đẳng cấp thứ nhất là giới tăng lữ có đặc quyền, đặc lợi vô hạn. Giáo
hội Kitô lúc này có quyền tham dự và quyết định mọi mặt của đời sống xã
hội và đóng vai trò như một nhà nước bên trong nhà nước. Họ có quyền
đánh thuế, thu tô thuế, cai quản trường học, bệnh viện …
Đẳng cấp thứ hai là quý tộc nắm giữ những chức vụ cao trong nhà
thờ, quân đội, và nhà nước. Họ thu từ người nông dân không chỉ là tô tức
mà còn là những khoản phí đã trở thành tập quán. Cũng như giới tăng lữ,
quý tộc là những người có quyền trực tiếp thu thuế nhưng lại được miễn trừ
trước bất cứ một khoản thuế nào. Nó hợp thành những đẳng cấp có đặc
quyền sống trên thuế khóa và sự bóc lột người lao động. Chúng “quen sống
dựa trên thành quả lao động của người khác, đồi bại và đớn hèn trong sự
nhàn rỗi, không một chút lo nghĩ, bọn quý tộc và tăng lữ cao cấp từ lâu đã
hoàn toàn trở thành bọn ăn bám xã hội” [54,65]. Trong hàng ngũ quý tộc,
có một số ít đã tư sản hóa, chuyển sang kinh doanh công thương nghiệp, bỏ
vốn vào các công ty ở thuộc địa và thu được món lãi lớn. Cũng có một số
quý tộc xuất thân từ đại tư sản, mua tước hiệu phong kiến thường có vai trò
trong ngành luật pháp, gọi là quý tộc áo dài. Trên cơ sở kinh tế và nguồn
gốc đó, quan điểm chính trị của họ cũng có thay đổi. Họ công kích chế độ
15
phong kiến chuyên chế, đòi cải cách xã hội theo hình thức tư bản chủ
nghĩa, có khuynh hướng tự do.
Đẳng cấp thứ ba bao gồm tất cả những tầng lớp còn lại như: nông dân,
thợ thủ công, bình dân thành thị, công nhân, tri thức,… chiếm số đông
trong xã hội, trong đó nổi trội nhất là giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản tập
trung trong tay số vốn lớn với những xí nghiệp, các ngành nội thương và
ngoại thương, và cũng kinh doanh một số ruộng đất … và cũng có những
thế lực nhất định về mặt kinh tế. Chính vì sự phát triển thế lực kinh tế của
mình đã dẫn tới thế lực chính trị của họ cũng ngày càng tăng lên. Sự phát
triển ấy làm cho ý thức giai cấp của họ ngày càng bộc lộ rõ nét, khiến cho
giai cấp tư sản “đủ điều kiện mở trong thế kỷ XVIII một cuộc đại tấn công
vào phong kiến” [77,299].
Trái với giai cấp tư sản đang lên về mọi mặt, nông dân lao động phải
đi làm thuê, tình cảnh của họ bi đát, khổ cực hơn ai hết. Ngoài những phần
đất manh mún và cằn cỗi sở hữu được, họ hầu hết phải thuê lại đất từ quý
tộc, và cùng những khoản thuế quá lớn đề giao nộp là một cuộc sống bần
cùng bị nhiều tầng áp bức.
Ba đẳng cấp trên tồn tại là do sự quy định của nhà nước, điều đó thể
hiện một cơ cấu xã hội hết sức phi lý và bảo thủ bởi địa vị xã hội của các
giai tầng bị quy định bởi dòng dõi và thành tích, địa vị ấy được pháp luật
thừa nhận và bảo hộ. Như vậy nhà nước và pháp luật nghiễm nhiên trở
thành công cụ của giai cấp thống trị đàn áp giai cấp bị trị, nhà nước không
thể đảm bảo cho mọi công dân thực hiện quyền làm chủ của họ trong xã
hội, ngược lại nó trở thành công cụ tước đoạt quyền con người. Đây cũng
chính là một trong những lý do quan trọng dẫn tới sự ra đời của phong trào
Khai sáng nói chung, của tư tưởng Môngtétxkiơ về vai trò của nhà nước
trong việc đảm bảo các quyền tự nhiên của con người nói riêng.
Về mặt văn hóa lý luận, như ta đã biết, phong trào Phục hưng được
xuất phát ở Italia. Italia cũng là trung tâm điểm của phong trào Phục hưng
16
thời kỳ này. Đây là thời kỳ người ta bắt đầu phục hồi lại những giá trị văn
hóa tinh thần mà nhân loại đã đạt được ở thời kỳ cổ đại sau nhiều thế kỷ bị
vùi lấp bởi đêm trường trung cổ. Sự phục hồi lớn nhất, phải kể đến là sự
phục hồi quan điểm về những giá trị nhân văn đề cao vẻ đẹp con người,
quyền tự do của con người…
Thực tiễn kinh tế, chính trị, xã hội như trên đã khiến giai cấp tư sản và
tầng lớp lao động nhận thấy cần thiết phải thủ tiêu sự thống trị của giai cấp
phong kiến, đập tan sự thống trị về mặt tinh thần của giáo hội – nền tảng tư
tưởng và tinh thần của chế độ phong kiến và chế độ quân chủ chuyên chế.
Cuộc đấu tranh chống phong kiến diễn ra trên cả hai mặt: Trong thực tế xã
hội và trên lý luận.
Trên mặt trận lý luận là sự tranh luận, phê phán của những nhà tư
tưởng như Rútxô, Điđrô, Môngtétxkiơ,…về chế độ độc quyền, bất bình
đẳng, phi dân chủ của sự thống trị thần học thời trung cổ, họ kêu gọi sự
thức tỉnh của lý trí, sự khai mở của trí tuệ cho một xã hội mới. Họ đều là
những con người “đạp lên những định kiến truyền thống, những ý nghĩa
phổ biến lên quyền lực, hay chính là những cái nô dịch tư duy con người,
họ giám tự mình suy nghĩ, họ xem xét lại quá khứ và tìm kiếm những
nguyên lý rõ ràng nhất, họ không thừa nhận bất cứ cái gì khác ngoài những
gì được chứng thực bằng kinh nghiệm và lý trí của họ” [32,33]. Các nhà
triết học thời kỳ này đồng thời là những nhà văn học, sử học, những người
có tư tưởng tiên tiến đã liên tiếp tấn công vào thành trì quân chủ chuyên
chế bằng những học thuyết mới mang tính dân chủ cách mạng. Các nhà
Khai sáng mỗi người có một con đường đi khác nhau, chủ trương khác
nhau, thành phần và địa vị xã hội khác nhau song điểm chung ở họ là đều
nhận thấy được thực trạng xã hội đương thời, đều tự gánh trên mình trách
nhiệm trước xã hội. “Các triết gia mỗi người có chủ trương, đường lối khác
nhau vì thành phần và vị trí xã hội của họ khác nhau. Môngtétxkiơ là tư sản
áo dài đã quý tộc hóa. Vônte là tư sản kinh doanh trở nên triệu phú.
17
Hônbách là một tài phiệt. Trái lại, Điđrô và Rútxô sống khó khăn sóng gió,
vật lộn với đồng tiền. Do đó thế giới quan và nhân sinh quan của họ khác
nhau. Thật là một thế kỷ hỗn độn. Ai cũng biết cái gì cần lật đổ nhưng bằng
cách nào? Ai cũng biết phải đòi tự do, nhưng để làm gì và giới hạn ra sao?”
[77,336].
Có thể nói rằng, xã hội nước Pháp lúc bấy giờ, với tất cả sự bất công
áp bức, nô dịch trên phương diện tinh thần, tư duy chính là vấn đề mà
không một nhà Khai sáng nào không phê phán cho dù là trực tiếp hay gián
tiếp, công khai hay ngầm ẩn. Chính những sự phát triển mạnh mẽ về kinh
tế, khoa học kỹ thuật,…đã tạo lực cho một sự thay đổi toàn diện và khá sâu
sắc về mặt lịch sử. Những mâu thuẫn sâu sắc giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ
tư tưởng phong kiến, cùng với những đạo luật hà khắc thống trị trong mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội, sự mâu thuẫn giữa các đẳng cấp, sự nô dịch
về mặt tinh thần, và đặc biệt là những định kiến về một quan hệ nhà nước –
thần dân chỉ dựa trên sự chuyên quyền tối cao,… Tất cả những điều ấy đã
tạo tiền đề vô cùng to lớn cho những tư tưởng đòi hỏi về việc phải xây
dựng một nhà nước mới, nhằm bảo đảm những quyền tự nhiên vốn có của
con người đã hình thành. Đó cũng chính là điều kiện cho sự ra đời tư tưởng
của Môngtexkiơ về quyền con người cũng như vai trò của nhà nước trong
việc đảm bảo quyền tự nhiên của con người trong xã hội thời kỳ này
1.2.Tiền đề tư tưởng.
1.2.1.Quan niệm của một số triết gia phương Tây thời cổ đại và trung
cổ.
Triết học của Môngtétxkiơ ra đời không chỉ xuất phát trực tiếp từ đời
sống xã hội mà còn ra đời dựa trên cơ sở kế thừa những tư tưởng triết học
Tây Âu trước đó. Đó là tư tưởng đề cao con người, đề cao tự do bình đẳng,
cũng như vai trò của nhà nước đối với việc đảm bảo thực hiện quyền tự
nhiên cho công dân trong nhà nước ấy. “Triết học thời kỳ Khai sáng thực
chất thừa hưởng rất nhiều từ tư tưởng của nhà triết học cổ đại với những
18
đại biểu nổi tiếng nhất, họ đều là những người có học vấn cao có thể đọc
những sách tiếng Hy Lạp và tiếng La tinh” [79,28 – 29]. Mặt khác, triết học
Hy Lạp cổ đại có nền móng và tầm ảnh hưởng xuyên suốt trong lịch sử tư
tưởng nhân loại. Ănghen đã từng khẳng định rằng “từ các hình thức muôn
hình muôn vẻ của triết học Hy Lạp đã có mầm mống và đang nảy nở hầu
hết tất cả các loại thế giới quan sau này” [7,491].
Có thể nói rằng, quan niệm về tự do, bình đẳng đã được đề cập trong
tư tưởng của rất nhiều triết gia cổ đại và trung cổ, song với tư cách là tiền
đề của triết học Khai sáng Pháp thì ta không thể không nghiên cứu tư tưởng
của Xôcrát, Platôn, Aritxtốt, Xixêrôn, Êpiquya, Augustin và Tômát
Aquinô.
Xôcrát ( 469 – 399 TCN) là một trong những nhà triết học đầu tiên đã
chuyển đối tượng của tư duy triết học từ thế giới tự nhiên sang thế giới nội
tâm của con người. Việc chuyển đối tượng triết học từ thế giới tự nhiên
sang nghiên cứu thế giới nội tâm con người đã đánh dấu bước ngoặt trong
lịch sử tư tưởng nhân loại. Xôcrát quan niệm rằng một thể chế chính trị dân
chủ là thể chế mà ở đó quyền tự nhiên của con người được công nhận thông
qua pháp luật. Ông ủng hộ triệt để nguyên tắc tuân thủ pháp luật, theo đó
công lý ở trong sự tuân thủ pháp luật, sự công minh và sự hợp pháp đều là
một. Theo ông, nếu con người không tuân thủ pháp luật thì sẽ không có nhà
nước và trật tự pháp luật; công dân của nhà nước nào tuân thủ pháp luật thì
nhà nước đó sẽ vững mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, bình đẳng, quyền tự
nhiên của con người được làm sáng tỏ và tôn trọng. Xôcrát cũng là một
trong những người có ý đồ phân loại các hình thức nhà nước, ông cho rằng
nhà nước có các hình thức sau: quân chủ - chế độ quý tộc – nền dân chủ -
nền bạo chúa. Theo ông, chế độ quý tộc là ưu việt nhất vì nó dưới sự cai trị
của một số người có địa vị, học vấn và đạo đức. Người quản lý nhà nước
phải có sự kết hợp giữa đạo đức và luật pháp với mục đích là hướng đến sự
công bằng. Như vậy dưới cái nhìn của Xôcrát, một nhà nước có thể đảm
19
bảo được những quyền lợi căn bản của con người phải là một nhà nước mà
ở đó quyền tự nhiên của con người được công nhận về mặt pháp luật và thể
chế ấy không gì hơn đó là chế độ quý tộc.
Platôn (427- 347 TCN), ở ông xuất hiện thuật ngữ “Polics” – xã hội
chính trị. Nhà nước xuất hiện từ những nhu cầu con người trên cơ sở sự
hợp tác giữa họ để cùng hướng tới một lợi ích công cộng. Ở Platôn đã xuất
hiện tư tưởng về sự bình đẳng được thể hiện ở chỗ ông cho rằng mỗi con
người có một vị trí ngang nhau trong xã hội dựa trên sự phân công lao
động. Sự hợp tác giữa những con người trong xã hội để làm nên xã hội
chính trị và nhà nước phải xây dựng lên một đạo luật chính trị công bằng
xác định vị thế ngang nhau giữa những con người trong xã hội. Theo ông,
không có một chế độ nhà nước nào, nếu luật được đề ra vì lợi ích của một
số người. Ông nhận thấy được sự sụp đổ nhanh chóng của nhà nước ở nơi
nào mà pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền của một ai đó. Từ
đó ông đưa ra chủ trương chỉ có thể gọi là nhà nước khi có sự công bằng và
chỉ có luật mới là tiêu chuẩn của công bằng. Ông còn cho rằng xã hội là
một tổng thể hữu cơ, trong đó lợi ích của toàn xã hội cao hơn lợi ích cá
nhân. Tư tưởng của Platôn về sự tuân thủ pháp luật một cách tự giác đã thể
hiện được tính chất công bằng của pháp luật và khẳng định mọi người dân
có quyền ngang nhau và được pháp luật bảo vệ. Do vậy với Platôn, để nhà
nước có thể đảm bảo cho quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp
luật thì pháp luật phải vì những lợi ích chung của toàn xã hội, pháp luật ở
đây đóng vai trò là cán cân mang lại công bằng cho công dân trong xã hội
ấy.
Aritxtốt (384 – 322, TCN) cho rằng mọi công dân trong xã hội có
quyền bình đẳng như nhau trước pháp luật, nhà nước lập ra với mục đích là
hướng tới nguồn lợi chung. Giữa cá thể và nhà nước liên hệ với nhau theo
pháp luật cùng hướng tới một nguồn lợi chung. Pháp luật ở đây đóng vai
trò như cây cầu nối giữa công dân và nhà nước để cùng hướng đến một
20
mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo công bằng xã hội. Để làm được điều
đó, pháp luật phải là quyền lợi chung, nơi nào không có nhà nước thì không
có luật và ngược lại. Đặc biệt, Aritxtốt đã bước đầu xây dựng nên một mô
hình nhà nước và pháp luật có thể thực hiện được vai trò trên bằng cách
xây dựng nên một hệ thống chính trị có sự phân chia quyền lực nhà nước
đó là : cơ quan tư vấn pháp lý, tòa thị chính và cơ quan tư pháp. Ông cho
rằng pháp luật phải thống trị trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Theo
Aritxtốt, khái niệm công bằng gắn liền với quan niệm về nhà nước bởi vì
pháp luật chính là tiêu chuẩn của sự công bằng, là quy phạm điều chỉnh sự
giao tiếp chính trị. Aritxtốt còn đưa ra tư tưởng về mối quan hệ bên trong
và tất yếu giữa nhà nước và pháp luật ở chỗ: ông coi luật pháp như là thước
đo cho sự công bằng xã hội, thông qua những quy phạm pháp luật để điều
chỉnh sự giao tiếp chính trị tạo nên mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật
là không thể tách rời, đồng thời làm nên tính chất công bằng của nhà nước.
Êpiquya ( 341 – 270 TCN) đề cập tới một trong những quyền tự nhiên
cơ bản của con người là tự do. Ông cho rằng tự do là sự tự chủ, tự quyết
định hành động vươn tới hạnh phúc, tránh mọi đau khổ, và không bị cám
dỗ bởi những thú vui vật chất tầm thường. Tự do là không bị lệ thuộc vào
thói quen ý thức và tín ngưỡng truyền thống. Thông qua đó, ông đề cao tự
do của con người, đề cao khát vọng giải phóng khỏi tính tất yếu xã hội trói
buộc con người. Các Mác đã đánh giá như sau: “ Êpiquya là một nhà khai
sáng cấp tiến thực sự thời cổ, ông công khai công kích tôn giáo thời cổ, và
chủ nghĩa vô thần của người La Mã – trong chừng mực nó tồn tại ở họ -
cũng bắt nguồn từ ông” [29,186]. Bên cạnh đó, Êpiquya còn phát triển ý
tưởng về khế ước xã hội “Êpiquya là người đầu tiên đưa ra quan niệm cho
rằng Nhà nước dựa trên sự giao ước giữa người với người, một khế ước xã
hội” [6, 185 – 186].
Xixêrôn (104 – 44, TCN) cho rằng con người có quyền bình đẳng với
nhau, đó là một trong những quyền tự nhiên của con người, pháp luật phải
21
có nhiệm vụ bảo vệ quyền tự nhiên ấy. Ông là người phát triển mối quan hệ
lẫn nhau giữa nhà nước, pháp luật, chính trị theo một cách mới. Ông đề cao
pháp luật trong việc đảm bảo quyền bình đẳng giữa các công dân trong xã
hội, nhấn mạnh pháp luật là cội nguồn tạo ra chế độ, tổ chức nhà nước.
Pháp luật ở đây được hiểu là pháp luật tự nhiên, pháp luật được xuất phát
từ bản chất của lý trí, của con người và thế giới xung quanh con người như
sự sáng tạo của lý trí thần thánh. Chính vì vậy, con người với tư cách là sản
phẩm của tạo hóa, sản phẩm có lý trí, nên pháp luật là sự công bằng và là
thuộc tính vốn có của con người, cộng đồng pháp luật của con người được
hình thức nhà nước mới có thể có được. Theo Xixêrôn, khi xây dựng luật
của nhà nước thì cần phải đáp ứng được những đòi hỏi của pháp luật tự
nhiên. Ông đưa ra nguyên tắc luật có tác dụng đối với tất cả mọi người kể
cả người nắm quyền lực nhà nước lẫn công dân. Ông luận giải cho quan
điểm này đó là: sự bình đẳng của mọi công dân trước luật của nhà nước
xuất phát từ chỗ bản thân nhà nước là pháp luật chung của mọi công dân.
Do vậy công dân là một trong những chủ thể bình đẳng của pháp luật, của
các mối liên hệ pháp luật, của trật tự pháp luật chung. Tính hiệu lực thực tế
và hiện thực của nhà nước với tính cách là trật tự pháp luật chung, ông cho
rằng, muốn có được nó thì phụ thuộc rất nhiều vào tính tích cực của chính
trị, pháp lý của người dân. Vì vậy mà việc bảo vệ cho tự do của người dân
không phải là công việc của riêng ai, tự do của công dân chính là quyền
công dân. Như vậy ở đây Xixêrôn đã đề cao vai trò của pháp luật tự nhiên
trong việc đảm bảo cho sự công bằng trong xã hội, nhà nước ra đời cần
phải đáp ứng được những yêu cầu của pháp luật tự nhiên, điều này đồng
nghĩa với việc nhà nước phải đảm bảo bình đẳng trong xã hội thông qua
pháp luật.
Bước sang thời trung cổ, đây là thời kỳ của sự thống trị của nhà thờ và
tôn giáo thì quan niệm về tự do bình đẳng cũng bị thay đổi hẳn. Ở giai đoạn
này con người chỉ trông chờ vào chúa trời, vào sự rửa tội mà dường như
22
không có được một tiếng nói cá nhân nào. Chính vì vậy mà quan niệm về
tự do bình đẳng trong thời trung cổ dường như không được đề cập một
cách cụ thể như ở thời cổ đại.
Theo Augustin (354 – 430) toàn bộ lịch sử loài người được quy
định bởi cuộc đấu tranh giữa hai thiết chế: Vương quốc Chúa và Vương
quốc trần gian. Ông cho rằng một mặt Chúa định trước số phận loài người
bằng tòa án khủng khiếp và ngày tận thế, mặt khác bản thân mỗi cá nhân là
một bản chất đạo đức vì vậy đòi hỏi mỗi cá nhân phải phấn đấu tu dưỡng,
trau dồi những phẩm chất tốt đẹp để đến với vương quốc của hạnh phúc.
Xét từ góc độ chính trị - xã hội, tư tưởng của Augustin có những ý nghĩa
nhất định. Việc ông kêu gọi xóa bỏ vương quốc trần gian, hướng tới vương
quốc Chúa thực chất là hướng tới một nhà nước của sự quần hợp toàn nhân
loại. Trong nhà nước ấy không còn ông chủ và nô lệ, mọi thành viên đều
được đối xử như những con người bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Chỉ
trích tình trạng thù hận và xa cách giữa người với người trong “vương quốc
trần gian”. Ông đòi hỏi phải xây dựng một xứ sở lý tưởng mà ở đó kẻ thống
trị và người bị trị có thể đồng cảm được với nhau. Điều đó có nghĩa là ông
đòi hỏi thay thế đế quốc La Mã phi nhân tính và bạo ngược bằng một chế
độ xã hội không có giai cấp đối kháng, bảo đảm được lợi ích chung của
mọi thành viên, thực hiện quyền tự do bình đẳng …
Tômát Aquino (1221 – 1274) mặc dù là một nhà thần học, luôn
quan niệm rằng con người không có sứ mệnh gì hơn là vâng theo lời Chúa,
song ông vẫn đưa ra những tư tưởng về quyền con người. Điều này được
thể hiện ở việc ông đưa ra bốn loại luật đó là: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên,
nhân luật và thần luật. Trong bốn loại luật này, luật tự nhiên (gọi là nhân
luật tự nhiên) được Tômát coi là sự phản chiếu của luật vĩnh cửu bằng lý trí
con người và bao gồm mong muốn tự bảo tồn, kế tục nòi giống và quy luật
chung sống của con người, đây chính là các quyền tự nhiên của con người.
Mặt khác ông lại là người có tư tưởng tiến bộ trong quan niệm về sự cần
23
thiết phải có luật pháp để quản lý xã hội, mối quan hệ giữa luật pháp và
quyền lực, tư tưởng về việc đảm bảo quyền tự nhiên cho các công dân
trong xã hội.
1.2.2 Quan niệm của các triết gia phương Tây thời Phục hưng, Cận
đại trước Môngtétxkiơ.
Bước sang thời kỳ Phục hưng người ta bắt đầu nghi ngờ về sự thống
trị tuyệt đối của nhà thờ và đức tin tôn giáo trong đời sống xã hội, bóng ma
trung cổ dần được xua tan. Lúc này người ta bắt đầu đi tìm những giá trị
đích thực của con người, ca ngợi vẻ đẹp của chính con người, xem con
người là trung tâm của vũ trụ, đề cao năng lực tự do lựa chọn, chứng minh
cho những khát vọng trần tục của con người. Đó chính là tư tưởng nhân
văn thời kỳ Phục hưng – thời kỳ được xem là khởi nguồn của triết học Khai
sáng Pháp – với những tên tuổi như Tômát More, Rabelais, Montaigue,…
Thời kỳ này cùng với sự phát triển của nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác,
trong lĩnh vực tư tưởng xuất hiện nhiều nhà triết học tiếp tục xu hướng tiến
bộ của thời kỳ Hi Lạp cổ đại. Do đó, vấn đề về con người, con người cá
nhân và về sự tự do cá nhân đã trở thành vấn đề được tập trung chú ý và là
vấn đề trung tâm của các nhà tư tưởng tiên tiến thời kỳ này. Những vấn đề
đó được triết học Khai sáng Pháp kế thừa và phát triển thành những tư
tưởng về quyền tự do, bình đẳng, dân quyền, dân chủ, bác ái.
Tômát Hốpxơ (1588 - 1679) là nhà triết học duy vật Anh tiêu biểu của
thế kỷ XVII. Những tư tưởng của ông có ảnh hưởng đến Môngtétxkiơ trên
các phương diện: quan niệm về quyền con người, về trạng thái tự nhiên và
bước chuyển từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái dân sự, về ý chí chung
và cách thức thực hiện ý chí chung, về khế ước xã hội. Hốpxơ bàn về
quyền con người ở các khía cạnh đó là quyền tự do và quyền bình đẳng, nó
xuất phát từ quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền sống. Theo
Hốppơ, trong trạng thái tự nhiên, mọi người đều tự do bình đẳng tuyệt đối
nhưng không tách rời nhau. Tuy nhiên, con người về bản tính tự nhiên là