Tải bản đầy đủ (.pdf) (91 trang)

Một số vấn đề đạo đức trong kinh tế của Nho gia Tiên Tần

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.4 MB, 91 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
o0o





NGUYỄN PHƯƠNG THẢO







MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC TRONG KINH TẾ
CỦA NHO GIA TIÊN TẦN






LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC














HÀ NỘI - 2008


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
o0o





NGUYỄN PHƯƠNG THẢO







MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC TRONG KINH TẾ
CỦA NHO GIA TIÊN TẦN



Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60 22 80



LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC




NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
GS. TS. Nguyễn Tài Thư






HÀ NỘI - 2008

MỤC LỤC


Trang
PHẦN MỞ ĐẦU
1
PHẦN NỘI DUNG
10
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA NHO GIA TIÊN TẦN TRONG VIỆC GIẢI

QUYẾT VẤN ĐỀ KINH TẾ
10
1.1. Nhân tính luận trong Nho gia Tiên Tần
11
1.2. “Ái nhân” - Tư tưởng quản lý xã hội mang tinh thần nhân đạo sâu
sắc
16
1.3. “Đạo chi dĩ đức” - Quan điểm về cơ chế điều hành quản lý của
Nho gia Tiên Tần
21
1.4. “An nhân” - Mục tiêu quản lý của Nho gia Tiên Tần
29
Chương 2: VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC TRONG TƯ TƯỞNG KINH TẾ CỦA NHO
GIA TIÊN TẦN VỚI VIỆC QUẢN LÝ KINH TẾ HIỆN ĐẠI
37
2.1. Một số nội dung chủ yếu trong tư tưởng kinh tế của Nho gia Tiên
Tần
37
2.2. Những vấn đề đạo đức có tính định hướng cho hoạt động kinh tế
của Nho gia Tiên Tần và ý nghĩa của nó trong quản lý kinh tế hiện đại
59
PHẦN KẾT LUẬN
80
TÀI LIỆU THAM KHẢO
83






1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nho gia là một hệ thống tư tưởng lớn, có vị trí quan trọng trong văn
hoá truyền thống của Trung Quốc và các nước Đông Á, trong đó có Việt
Nam. Tuy phải trải qua nhiều thăm trầm nhưng về cơ bản, Nho gia đã chiếm
vị trí thống trị trong xã hội phong kiến trước đây, là công cụ để giai cấp thống
trị quản lý quốc gia. Trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta cũng không thể
phủ định sự tồn tại và ảnh hưởng sâu sắc của hệ thống tư tưởng này đối với
mọi mặt của đời sống. Do đó, việc nhận thức, nghiên cứu và chọn lọc tiếp thu
những tinh hoa tư tưởng để phục vụ cho con người, xã hội hiện đại là một vấn
đề rất cần thiết và có tính chiến lược lâu dài.
Về mặt lý luận, tư tưởng của Nho gia, đặc biệt là tư tưởng của Khổng
Tử đã và đang được quan tâm nghiên cứu rất sôi nổi. Trên thế giới hiện nay
đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa truyền
thống và hiện đại này như: Nho gia và kết cấu nhân cách lý tưởng, Nho gia và
hình tượng người trí thức, Nho gia và vấn đề tu dưỡng cá nhân, Nho gia và
luân lý gia đình và Nho gia với quản lý hiện đại, Mục đích của những
nghiên cứu này là góp phần khai thác tinh hoa truyền thống, làm cho xã hội
trở nên tốt đẹp hơn và phát triển bền vững.
Hiện nay nhiều nước chịu ảnh hưởng của Nho gia đã nghiên cứu kết hợp
giữa tư tưởng kinh tế của Nho gia nói chung và Khổng Tử nói riêng với kinh tế
hiện đại, nhằm tạo ra phương cách quản lý phù hợp với hoàn cảnh văn hoá, xã
hội đặc thù của nước mình. Và Việt Nam hiện nay cũng đã bước đầu quan tâm,
đề cập đến đề tài này ở một số góc độ, trong đó có góc độ kinh tế.
Tư tưởng Nho gia Tiên Tần chứa đựng những lý luận kinh tế và nguyên
tắc quản lý kinh tế rất có giá trị, mặc dù họ chỉ xem kinh tế là một thuộc tính của
tư tưởng chính trị - đạo đức, là điều kiện để đạt đến mục tiêu chính trị. Nhà Nho

2

rất coi trọng đạo đức con người và xã hội. Tinh thần này ảnh hưởng rất lớn tới tư
tưởng kinh tế của họ. Họ cho rằng tăng trưởng kinh tế ngoài biện pháp kinh tế
còn phải cần đến các biện pháp khác như chính trị, đạo đức.
Về mặt thực tiễn, sản xuất hàng hoá và cơ thế thị trường là động lực
làm cho dân giàu nước mạnh, nhưng đồng thời cũng có thể là nguyên nhân
cho con người bị tha hoá, bị biến chất, chỉ biết quyền lợi ích kỷ của bản thân.
Hơn một thập kỷ trở lại đây, trước những biến động hết sức phức tạp của đời
sống xã hội, không chỉ ở nước ngoài, trong giới nghiên cứu Việt Nam đã có
xu hướng đặt lại, nghiên cứu trở lại vấn đề Nho gia trên tinh thần phê phán
nhằm gạn lọc, tiếp thu những nhân tố hợp lý, những giá trị chung của Nho
gia.
Trong thời đại hiện nay, kinh doanh không chỉ đơn thuần là hoạt động
để sinh ra lợi nhuận mà còn để nâng cao đời sống cho con người cả về vật
chất và tinh thần, hướng tới yếu tố văn hoá. Thực tế cho thấy chỉ có con
đường phát
triển nền kinh tế gắn liền với văn hoá, đạo đức mới đảm bảo sự phát triển
bền vững cho mỗi quốc gia. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, tầm
quan trọng của văn hoá, đạo đức ngày càng được khẳng định vững chắc hơn.
Ngày nay, chính phủ các quốc gia trên thế giới đều ý thức được rằng chỉ có
thể đạt được sự phát triển bền vững trên nền tảng một xã hội có văn hoá, đạo
đức. Nếu muốn đứng vững trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị
trường thì nhà kinh doanh không chỉ phải trang bị kiến thức, công nghệ mà
còn cần trang bị một nền tảng văn hoá, đạo đức vững chắc cho chính mình.
Đó chính là vấn đề xây dựng đạo đức trong kinh tế thị trường, mà tư tưởng
Nho gia là một hướng được quan tâm.
Vì vậy, lựa chọn đề tài “Một số vấn đề đạo đức trong kinh tế của Nho
gia tiên Tần”, tác giả hy vọng sẽ khai thác được những yếu tố tích cực của kho
tàng tri thức Nho gia vô giá, từ đó giúp cho chúng ta có được một nguồn vốn

3

nhân văn đa tầng, đa diện có ý nghĩa đối với quá trình phát triển, hoàn thiện
các lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam ngày nay, trong đó có lĩnh vực
kinh tế.
2. Tình hình nghiên cứu
Các đề tài về sự chuyển biến mới của Nho gia trong xã hội hiện đại, sự
kết hợp giữa tư tưởng Nho gia với các lĩnh vực trong thực tiễn cuộc sống đã
được giới học thuật nghiên cứu, bàn luận rất sôi nổi trong một thời gian dài
gần đây. Tư tưởng Nho gia với kinh tế hiện đại cũng là một trong số những
vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý.
Ở Trung Quốc quê hương của Khổng Tử và Nho gia, vấn đề cũng đã
được tích cực nghiên cứu với mục tiêu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại,
trên cơ sở đó tìm ra phương hướng cho lý luận và phương thức quản lý kinh
tế mang đặc sắc Trung Quốc. Cho tới nay, các học giả Trung Quốc đã cho ra
đời rất nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về tư tưởng Nho gia và kinh tế
hiện đại có giá trị.
Nho gia và sự phát triển kinh tế là vấn đề được rất nhiều người quan
tâm, chú ý đặc biệt là từ sau khi Nhật Bản, một nước có truyền thống Nho
giáo, có sự phát triển thần kỳ về kinh tế và nhất là từ khi xuất hiện bốn con
rồng kinh tế mới ở châu Á. Thực tế cho thấy Nhật Bản và bốn nước công
nghiệp phát triển trên - vốn là những nước tôn sùng Nho gia trong quá khứ và
hiện nay - có sự phát triển kinh tế nhanh chóng, trong khi các nước xã hội chủ
nghĩa ở châu Á - phê phán Nho gia - lại có nền kinh tế phát triển chậm. Chính
hiện tượng này đã dẫn đến hai quan điểm trái ngược nhau:
* Quan điểm thứ nhất phủ nhận vai trò tích cực của Nho gia đối với sự
phát triển kinh tế. Phần nhiều các học giả của Việt Nam nghiêng theo quan
điểm này. Nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho rằng Nho gia từ Khổng
Tử trở đi ít bàn, ít quan tâm đến vấn đề kinh tế, đến lợi ích vật chất mà chỉ tập

4
trung vào vấn đề chính trị, đạo đức. Trong "Nho giáo xưa và nay", tác giả

Trần Đình Hượu cho rằng: "Những vấn đề kinh tế không được đặt ra theo góc
độ kinh tế mà theo góc độ chính trị xã hội, được giải quyết không theo cách
kinh tế mà theo cách đạo đức, hành chính. Nếu không làm được cho mọi
người no ấm hơn thì cũng làm cho mọi người vui với cảnh nghèo khổ trong
trật tự phận vị" [18, 100].
Giáo sư Hoàng Việt cũng có tư tưởng tương tự, ông cho Nho gia không
thể đóng vai trò gì trong sự phát triển kinh tế ở Việt Nam [18, 206 - 216].
Tác giả Tương Lai, trong bài viết "Đạo đức và vấn đề thực hiện ba lợi
ích", tạp chí Văn hoá Nghệ thuật số 5, 1982 nói rằng: "Nho giáo đối lập đạo
đức với lợi ích, đặc biệt là lợi ích vật chất".
Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: "Nho giáo với tính chất giáo điều duy tâm
và bảo thủ như trên, vốn là sản phẩm của trì trệ đất nước, lại trở thành nhân tố
củng cố thêm sự trì trệ ấy. Tóm lại, nó cùng với chế độ quan liêu và nền kinh
tế xã hội Việt Nam tạo nên cái kiềng ba chân của tình trạng lạc hậu lâu dài
trên đất nước Việt Nam" [18, 336].
Giáo sư Trần Văn Giàu, trong bài viết "Đạo đức Nho giáo và đạo đức
truyền thống Việt Nam", Tạp chí Triết học số 1, 1987 cho rằng Nho gia cản
trở tiến trình hiện đại hoá. Có tác giả cho rằng Nho gia về cơ bản mâu thuẫn
với văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam và chữ Hán, Nho gia không
thuộc truyền thống dân tộc.
Tác giả Hà Thúc Minh thì khẳng định: "Không thể cho Nho giáo là
động lực phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay được" và "đối với các nước
đang trong tình trạng kinh tế chậm phát triển, thực ra không cần kỳ vọng gì
vào động lực Nho giáo" [28, 24]. Ông cho rằng Nho gia vào thời kỳ của nó
cũng chưa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, thì ngày nay, đối với nền
kinh tế thị trường thì càng khó có thể coi Nho gia là một động lực phát triển

5
kinh tế. Nho gia đối lập đạo đức với kinh tế "Vi nhân bất phú, vi phú bất
nhân", Nho gia đã cho rằng có cái nọ thì không có cái kia.

Như vậy, nhìn chung các học giả của Việt Nam phủ nhận vai trò tích
cực của Nho gia đối với sự phát triển kinh tế.
* Quan điểm thứ hai: Một số nhà nghiên cứu thế giới thì lại có quan
điểm khác. Nhà Đông phương học người Pháp, L.Vandermensch cho rằng
Nho gia đã làm cho kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển nhanh, còn Việt
Nam sở dĩ kinh tế phát triển chậm vì Nho gia ở Việt Nam không phát triển
bằng hai nước trên [18, 84].
Một giáo sư trường Đại học Kim Sơn, Hàn Quốc, ông Kim Nhật Tân
nói: "Nho giáo là nền văn hoá quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế các nước
Đông Á phát triển" [18, 303].
Một giáo sư Viện Dân tộc Trung ương của Đài Loan, ông Ngưu Kim
Chung, cho rằng: "Nho giáo ít nhất không gây trở ngại cho việc hiện đại hoá
và thậm chí nó còn có tác dụng tích cực" [18, 304].
Nhà nghiên cứu Nhật Bản Michi Morishima, trong cuốn "Chủ nghĩa tư
bản và Nho giáo", cho rằng Nho gia nằm trong di sản văn hoá, nếu khinh rẻ
nó thì sẽ không có sự phát triển [18, 300].
Song nhiều người cho rằng Nho gia không phải là động lực trực tiếp
đối với kinh tế, nhưng theo họ, nó tác động một cách gián tiếp đến sự phát
triển kinh tế thông qua con người. Điều đó thể hiện ở chỗ nó góp phần bồi
dưỡng phẩm chất đạo đức của con người, nó góp phần xác lập mối quan hệ
giữa cá nhân và xã hội. Nho gia không đề cao chủ nghĩa cá nhân mà đề cao
tính cộng đồng, Nho gia không đề cao cuộc sống hưởng thụ mà đề cao tinh
thần tự lực, tự cường, ý chí cống hiến (Nghĩa) cho xã hội, chứ không phải ý
thức đòi hỏi hưởng thụ (Lợi). Thực tế phát triển kinh tế của Nhật Bản và bốn
con rồng châu Á, hoặc nhiều, hoặc ít đã chứng minh điều đó, và cho thấy đặc

6
điểm của hoạt động kinh tế theo kiểu phương Đông là kết hợp kinh tế thị
trường với đạo đức Nho gia.
Tóm lại, hai quan điểm trên mâu thuẫn với nhau và mỗi loại đều có lý

riêng của nó. Tuy nhiên hai khuynh hướng tư tưởng này có điểm chung là
chưa được trình bày một cách có hệ thống và có luận điểm còn khiên cưỡng.
Tất cả đều đang đòi hỏi được phân tích sâu và hệ thống lại có cơ sở hơn.
Ở Việt Nam, mặc dù vấn đề Nho gia vẫn rất được quan tâm nhưng đề
tài Nho gia với phát triển kinh tế còn khá mới mẻ và chưa được đi sâu nghiên
cứu nhiều. Hiện mới chỉ có một số tác phẩm dịch có liên quan đến đề tài như
cuốn: “Khổng Tử với tư tưởng quản lý và kinh doanh hiện đại” của tác giả
Trung Quốc Phan Nải Việt, “Đạo của quản lý” của tác giả Trung Quốc Lê
Hồng Lôi, Những tác phẩm này tuy có đề cập đến tư tưởng Khổng Tử và
quản lý kinh tế hiện đại nhưng chưa được đầy đủ và còn thiếu tính hệ thống.
Trong luận văn này, người viết sẽ đi sâu phân tích các quan niệm đạo đức
trong tư tưởng kinh tế của Nho gia Tiên Tần, trên cơ sở đó vận dụng vào lĩnh
vực quản lý kinh tế ở Việt Nam, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.
Mặc dù đây mới chỉ là những nghiên cứu hoàn toàn trên phương diện nhận
thức, nhưng người viết hy vọng luận văn của mình sẽ là đóng góp có ý nghĩa
cho những nghiên cứu về khoa học kinh tế của chúng ta hiện nay.
3. Mục đích và nhiệm vụ
Mục đích nghiên cứu: Xuất phát từ Lý do chọn đề tài và Tình hình
nghiên cứu liên quan đến đề tài, trên cơ sở phân tích một số vấn đề đạo đức
trong kinh tế của các nhà Nho Tiên Tần, luận văn chỉ ra những khía cạnh hữu
dụng, có ý nghĩa của tư tưởng kinh tế Nho gia Tiên Tần đối với quản lý kinh
tế ở Việt Nam hiện nay.
Nhiệm vụ nghiên cứu: Để đạt được mục đích trên, luận văn tập trung
làm rõ các vấn đề chủ yếu sau:

7
- Cơ sở lý luận của Nho gia Tiên Tần trong giải quyết vấn đề kinh tế.
- Các quan niệm đạo đức trong tư tưởng kinh tế của Nho gia Tiên Tần
và vai trò của chúng trong quản lý kinh tế ở nước ta hiện nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý luận: Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của Triết học Mác -
Lênin về xã hội và con người.
Phương pháp nghiên cứu: Luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp
biện chứng duy vật của Triết học Mác - Lênin kết hợp với một số phương
pháp khác như: phương pháp nghiên cứu lịch sử triết học, phương pháp lôgíc
và lịch sử, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp đối chiếu và so
sánh, phương pháp liên ngành khoa học xã hội.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu : một số quan niệm đạo đức trong tư tưởng
kinh tế của Nho gia Tiên Tần có ý nghĩa đối với sự vận hành kinh tế hiện đại.
Phạm vi nghiên cứu :
- Tài liệu nghiên cứu về các nhà Nho Tiên Tần, trong đó chủ yếu là
Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử.
- Tài liệu gốc có liên quan như sách Tứ thư, sách Tuân Tử.
- Luận văn chủ yếu tập trung khai thác một số phương diện đạo đức
tích cực, phù hợp với thời đại và có giá trị của tư tưởng kinh tế Nho gia Tiên
Tần, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý kinh tế.
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn khẳng định và làm rõ một số phương diện đạo đức có giá trị
trong tư tưởng kinh tế của các nhà Nho Tiên Tần đối với quản lý kinh tế hiện
đại. Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho những người quan tâm
nghiên cứu về quản lý kinh tế và sự chuyển biến mới của Nho gia trong xã hội
hiện đại.

8
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2
chương, 6 tiết.

9

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA NHO GIA TIÊN TẦN
TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ KINH TẾ

Tư tưởng quản lý xã hội của Nho gia ra đời từ rất sớm và theo các nhà
Nho, tư tưởng ấy có vai trò quan trọng và hiển hiện trong việc quản lý quốc
gia, xã hội cổ đại. Trong tư tưởng quản lý của mỗi nhà Nho tuy có những
điểm khác nhau, song đều mang đậm màu sắc nhân văn, đó là những lý luận
quản lý mang tính chất phổ quát với đặc điểm xuyên suốt là “dĩ nhân vi bản”
– lấy con người làm gốc. Ở Nho gia, vấn đề kinh tế vẫn chưa tách khỏi chính
trị - đạo đức, nói cách khác, kinh tế chỉ được nhìn nhận trên cơ sở chính trị -
đạo đức. Do vậy, các nhà Nho Tiên Tần quan niệm rằng, động lực chủ yếu,
đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội là ý thức, tư tưởng chính trị -
đạo đức. Các nhà Nho Tiên Tần xem kinh tế là một lĩnh vực của tư tưởng
chính trị - đạo đức. Vì vậy, người viết sẽ đi sâu phân tích các vấn đề mang
tính lý luận trong tư tưởng chính trị - đạo đức của các nhà Nho Tiên Tần làm
cơ sở cho tư tưởng kinh tế của họ. Bên cạnh đó, người viết cũng chú ý đến
các quan điểm, phương pháp quản lý cụ thể rất đa dạng và rất có giá trị với
quản lý kinh tế hiện đại.
Trước tiên, xét nền tảng nhân tính luận trong tư tưởng của Khổng Tử.
Trong nhân tính luận, ông cho rằng, tính của con người vốn lành, ngây thơ,
mộc mạc nhưng không phải là nhất thành bất biến mà có thể thay đổi, uốn nắn
được và khuynh hướng của nó là hướng về tính thiện và con người thông qua
giáo dục, tu dưỡng để đạt được những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Trên cơ sở
đó, Khổng Tử đề ra tư tưởng chung cho quản lý xã hội với tinh thần nhân đạo

10
sâu sắc “nhân giả ái nhân” - nhấn mạnh ý nghĩa của tình cảm yêu thương, tôn

trọng lẫn nhau giữa con người với con người. Về cơ chế quản lý, Khổng Tử
đề ra “đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ” với mong muốn khuyến khích, khiến cho
con người có thể tự giác tuân thủ theo các quy định, nguyên tắc quản lý và
chủ động, tích cực trong công việc. Khổng Tử còn đưa ra mục tiêu quản lý
của mình, đó là “an nhân”. Mục tiêu quản lý này đóng vai trò là một loại mục
tiêu quản lý trừu tượng, có tính phổ biến và tinh thần của nó phù hợp với hoạt
động quản lý của các thời đại khác nhau và trong các xã hội khác nhau. Đây
là những điểm nổi bật nhất trong lý luận quản lý “dĩ nhân vi bản” của Khổng
Tử và đó chính là cơ sở để giải quyết những vấn đề kinh tế của Nho gia Tiên
Tần.
1.1. Nhân tính luận trong Nho gia Tiên Tần
Lịch sử của hoạt động quản lý cũng lâu đời như nền văn minh của nhân
loại, mọi hoạt động của con người đều cần có sự quản lý. Quản lý suy cho
cùng đều là quản lý con người. Con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của
hoạt động quản lý. Vì vậy, trong thực tiễn quản lý lâu dài của mình, loài
người đã nhận ra rằng: việc nghiên cứu con người, nhận thức con người là
một điều rất quan trọng để thực hiện mục tiêu quản lý, tiến hành quản lý,
khiến cho những người bị quản lý tự giác tuân thủ các quy định, phát huy tính
chủ động và năng động của mình. Những điều này đều có liên hệ rất mật thiết
với góc độ chính xác và sâu sắc của nhận thức nhân tính. Các nhà tư tưởng đã
phải tốn rất nhiều tâm sức vào việc nhận thức con người, tìm hiểu về nhân
tính và cũng đã đưa ra nhiều học thuyết về vấn đề này. Mặt khác, nhân tính
cũng là tiền đề tất yếu của lý luận quản lý. Trên thực tế, bất kỳ lý luận nào
cũng lấy một nhân tính luận nhất định làm tiền đề cơ bản của mình.
Các nhà tư tưởng Trung Quốc từ rất sớm đã đi sâu tìm hiểu và có được
một hệ thống quan niệm khá hoàn chỉnh về con người, về nhân tính và mối
quan hệ giữa con người và phương pháp quản lý con người. Trong số đó

11
không thể không nói đến tư tưởng Khổng Tử và những lý thuyết về nhân tính

đa dạng của Nho gia. Quan niệm nhân tính mà Khổng Tử đưa ra là tính của
con người có thể đào luyện, uốn nắn được. Xuất phát từ đó, các nhà Nho đã
đưa ra nhiều lý luận nhân tính khác như: “Tính thiện luận” của Mạnh Tử,
“Tính ác luận” của Tuân Tử, “Tính không thiện không ác luận” của Cáo Tử
và “Tính có thiện có ác luận” của Thế Thạc, Với các đặc điểm riêng cơ bản
của tư tưởng Nho gia Tiên Tần, những lý luận này đã đề cập tới vấn đề nhân
tính từ góc độ khác nhau. Vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu con người và
nhân tính luận của các nhà Nho Tiên Tần có ý nghĩa quan trọng đối với việc
xác định chính xác tư tưởng kinh tế của họ.
Nhân tính là sự thống nhất giữa tính tự nhiên, tính xã hội và tính tinh
thần. Bản chất của con người người bao hàm trong tính xã hội của con người
còn tính tự nhiên cũng là “tự nhiên” đã bị xã hội hoá. Có thể thấy, nhân tính
khiến con người thoát khỏi tự nhiên, là thuộc tính đặc hữu của loài người, do
vậy, con người là quý giá nhất, linh thiêng nhất trong vũ trụ.
Người ta đã tiến hành nhiều nghiên cứu về vấn đề này và đã đưa ra rất
nhiều định nghĩa về con người, ví dụ: “Con người là động vật lý tính”, “con
người là động vật chính trị”, “con người là động vật tôn giáo”, “con người là
động vật văn hoá”, “con người là động vật kinh tế”, nhưng nhận thức của
loài người về bản thân vẫn còn mông lung, nhận thức về nhân tính vẫn còn ở
những biểu hiện bề ngoài, chưa thật sự đi sâu vào bản chất bên trong của nó.
Con người là tồn tại xã hội phức tạp, nhân tính cũng là một vấn đề vô
cùng phức tạp. Nhận thức về con người và nhân tính có ý nghĩa thực tiễn quan
trọng và các nhà tư tưởng từ trước đến nay vẫn không ngừng theo đuổi,
nghiên cứu về nó. Trong tác phẩm “C. Mác, Ăngghen toàn tập”, tập 3, trang
11, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 1995, Các Mác viết: “Trong tính hiện thực
của nó bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”. Luận điểm của

12
Mác đã tiến thêm một bước đi sâu vào bản chất con người, đồng thời chỉ ra
một phương hướng đúng đắn cho những nghiên cứu sau này.

Học thuyết của Nho gia Tiên Tần, tiêu biểu là học thuyết của Khổng Tử
có bao hàm tư tưởng kinh tế rất phong phú. chúng còn có giá trị rất lớn trong
thời kỳ hiện đại của Trung Quốc. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng rất lớn đến các
nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapo và Việt Nam. Tư
tưởng kinh tế Khổng Tử mang màu sắc nhân bản rõ nét, nó xuất phát từ việc
coi trọng con người, lấy nhân tính thiện làm nền tảng, lấy trật tự đạo đức làm
hạt nhân, lấy an dân, phú dân làm mục tiêu quản lý, từ đó xây dựng nên mô
thức quản lý đầy nhân tính. Việc nghiên cứu những tư tưởng của Nho gia
Tiên Tần về con người và nhân tính trong quản lý thật sự có ý nghĩa đối với
vấn đề kinh tế hiện nay.
Khổng Tử rất coi trọng vị trí và tác dụng của con người trong xã hội.
Trước tiên, ông luôn khẳng định giá trị của con người, thừa nhận nhân cách
độc lập của con người. Trong “Hiếu kinh - Chương Thánh trị” có dẫn câu nói
của Khổng Tử: “Thiên địa chi tính, nhân vi quý” (giữa các loài có tính trong
trời đất, con người là quý nhất). Có thể nói, tư tưởng “quý nhân” của Khổng
Tử trong câu nói này chính là quan niệm nền tảng của quan điểm kinh tế của
Khổng Tử và các nhà Nho Tiên Tần.
Khổng Tử luôn nhấn mạnh giá trị của con người. Con người quý hơn
đạo, “Tử viết: Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân” (Khổng Tử nói:
Người phát huy được đạo, chứ đạo không phát huy được người) [30, 487];
con người quý hơn quỷ thần: “Tử viết: Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ” (
Khổng Tử nói: “Chưa biết thờ người, làm sao có thể thờ quỷ” [30, 393];
Trong sách Lễ ký - Lễ vận viết con người quý hơn cả trời đất: “Cố nhân giả,
thiên địa chi tâm dã, ngũ hành chi đoan đã, thực vị, biệt thanh, bị sắc nhi sinh
giả dã” (Con người là tâm của trời đất, đầu mối sinh ra ngũ hành, sinh ra biết

13
phân biệt mùi vị, âm thanh, màu sắc”. Tóm lại, theo Khổng Tử, con người là
quý giá nhất trên thế giới này, là linh hồn của vạn vật trong vũ trụ.
Thái độ khẳng định, đề cao giá trị con người này của Khổng Tử có ý

nghĩa trong mọi thời đại, đặc biệt là đối với xã hội bấy giờ. Bởi khi đó vẫn
còn tồn tại phổ biến những tư tưởng coi thường con người, coi thường giá trị
của con người. Người cai trị có thể sai khiến, đánh đập, thậm chí giết hại dân,
đối xử với dân như súc vật. Quản Tử từng chủ trương: “Người cai trị như
nước, nuôi dưỡng con người như nuôi dưỡng lục súc, dùng người như dùng
cây cỏ” (Quản Tử - Thất pháp). Khổng Tử còn thừa nhận, mỗi con người đều
có ý chí độc lập của riêng mình, và ý chí, nhân cách của con người cần phải
được tôn trọng, không thể bị làm tổn thương hoặc chà đạp.
Về vấn đề nhân tính, Khổng Tử đã đề xuất ra chủ trương tính con người
có thể xây dựng, rèn luyện và uốn nắn được. Đây chính là đặc điểm lớn nhất
trong nhân tính luận của Khổng Tử và các nhà Nho Tiên Tần khác.
Khổng Tử nói: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” [30, 514]. Ý của
câu này là: Thiên tính (bản tính trời cho) của con người vốn là gần gũi với
nhau, không có sự phân biệt gì lớn lắm, nhưng khi trải qua những hoàn cảnh,
tập nhiễm sau này, giữa con người với con người sẽ dần dần kéo dài khoảng
cách, không còn giữ nguyên như trước nữa. Ở đây, Khổng Tử chưa đề cập
đến nhân tính của con người rốt cuộc là thiện hay ác. Ông chỉ khẳng định
nhân tính có thể cải biến được. Bản tính con người được trời trao cho, khi mới
sinh ra hoàn toàn không có hình thái cố định và có thể được xây dựng, rèn
luyện, biến đổi bởi hoàn cảnh sau này. Hoàn cảnh khác nhau thì trạng thái
tính cách cũng khác (hoặc là ác hoặc là thiện). Đối với Khổng Tử mà nói,
đương nhiên ông mong muốn nhân tính sau khi tập nhiễm là tính thiện, đây
cũng chính là căn cứ lập luận và mục đích cơ bản của “nhân học” của ông.
Lý luận nhân tính với khuynh hướng thiện của Khổng Tử đã trở thành
nền tảng chung trong các nhân tính luận của phái Nho gia. Trên cơ sở đó, các

14
nhà Nho Tiên Tần sau này đã đưa ra những nhân tính luận khác nhau, tiêu
biểu là “Tính thiện luận” của Mạnh Tử, “Tính ác luận” của Tuân Tử.
Mạnh Tử chủ trương “Luận tính thiện”, cho rằng thiên tính mà con

người được ban cho là lương thiện. Con người sinh ra đã có lòng trắc ẩn
(thương xót), tu ố (biết hổ thẹn), từ nhượng (từ chối không tiếp nhận) và thị
phi (biết phân biệt phải trái); khi đem mở rộng và phát triển chúng thì chúng
sẽ trở thành những bản tính lương thiện: nhân, nghĩa, lễ, trí. Do đó, theo
Mạnh Tử, con đường tạo dựng xây đắp nhân tính, dẫn dắt con người làm điều
thiện là ở chỗ “tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính” (Bảo tồn lương tâm mình, nuôi
dưỡng bản tính của mình) [30, 755]. Nổi bật lên ở đây là chữ “dưỡng”. Tồn
tâm dưỡng tính trước tiên phải bắt đầu từ người quản lý và nó cũng có quan
hệ rất lớn với người bị quản lý. Mạnh Tử chỉ ra: “Dĩ thiện phục nhân giả, vị
hữu năng phục nhân giả dã. Dĩ thiện dưỡng nhân, nhiên hậu năng thiên hạ.
Thiên hạ bất tâm phục nhi vượng giả, vị chi hữu dã” (Người quản lý dựa vào
điều thiện để khiến cho mọi người phải phục tùng thì chưa đủ, còn cần phải
dựa vào điều thiện đó để giáo dục, bồi dưỡng họ, sau đó mới có thể làm cho
họ phục tùng. Việc mọi người không tin phục người quản lý thì không thể tạo
ra được sự thịnh vượng) [30, 719], ý muốn đem cái thiện của nhân, nghĩa, lễ,
trí để đào luyện giáo dưỡng con người, như thế mới có thể làm cho người
trong thiên hạ thực sự quy phục. Vì vậy, “tồn tâm dưỡng tính” cho đến
“dưỡng nhân vi thiện” là con đường duy nhất để quản lý quốc gia.
Tuân Tử thì chủ trương “Tính ác luận”, cho rằng con người sinh ra vốn
đã có bản tính “cơ nhi dục bão, hàn nhi dục noãn, lao nhi dục tức, hiếu lợi nhi
ố hại” (Đói thì muốn ăn no, rét thì muốn ấm, mệt thì muốn nghỉ, thích lợi mà
ghét hại), nếu thuận theo tự nhiên, không tiến hành hạn chế thì sẽ dẫn đến
loạn. Vì vậy, con đường nhào nặn xây dựng nhân tính, dẫn dắt nhân dân làm
điều thiện chính là ở “hoá tính khởi nguỵ”, ở đây nổi bật là chữ “hoá”. Nội
dung của “hoá tính” ở đây bao gồm phương thức cử chỉ và phong tục tập

15
quán. Trong hoàn cảnh nhất định và tập quán hành vi nhất định, qua sự góp
nhặt, rèn luyện lâu ngày thì bản tính của con người có thể dần được cải biến.
Người quản lý hiểu đạo lý “hoá tính” nói trên thì cần đảm nhiệm trách nhiệm

giáo hoá lễ nghĩa, xây dựng nhân cách một cách tự giác. Tính người vốn là ác,
nhưng thông qua giáo hoá lễ nghĩa của người quản lý thì có thể tiến hành
những hạn chế cần thiết đối với tính, dẫn dắt tính theo cái thiện. Tuy có mang
dấu ấn của chế độ đẳng cấp phong kiến; nhưng việc Tuân Tử coi sự bồi
dưỡng tạo dựng con người làm nhân tố quan trọng của sự phát triển xã hội là
rất có ý nghĩa.
Nhân tính luận mà Khổng Tử đề xướng không chỉ chi phối tư tưởng
của các học giả thuộc phái Nho gia là Mạnh Tử và Tuân Tử mà cũng còn ảnh
hưởng đến các tư tưởng nhân tính của các biệt phái Nho gia khác. Ví dụ
“Luận tính vô thiện vô bất thiện” của Cáo Tử, “Luận tính hữu thiện hữu ác”
của Thế Thạc,
Trong tư tưởng của các nhà Nho Tiên Tần, vấn đề nhân tính không chỉ
là tiền đề tất yếu của quan điểm kinh tế, mà hơn nữa là trọng tâm, hạt nhân
của toàn bộ hoạt động kinh tế. Mặc dù luận nhân tính chưa trực tiếp khẳng
định bản tính thiện của nhân tính, nhưng Khổng Tử luôn đề cao việc học tập,
tu dưỡng, cải tạo nhân tính để hướng tới nhân tính thiện. Định hướng đó đã
quy định phương pháp giáo dục, tu dưỡng đối với con người và đồng thời
cũng quy định các tư tưởng kinh tế của các nhà Nho Tiên Tần.
1.2. “Ái nhân” - Tư tưởng quản lý xã hội mang tinh thần nhân đạo
sâu sắc
“Ái nhân”, theo Nho gia Tiên Tần là mục đích, ước vọng cao nhất của
con người và trong quan hệ giữa con người với con người. Tình cảm yêu
thương, tương thân tương ái là tiền đề của hài hoà, đoàn kết, hợp tác và cũng
là tiền đề của sự hoà hợp xã hội, sự hoà hợp giữa các thành viên trong cộng
đồng. Nếu con người mất đi lòng nhân ái, nhân tính trở nên tà ác, thì xã hội sẽ

16
đầy rẫy tội lỗi và bạo lực. Tình thương yêu giữa con người với con người là
một tiêu chí của xã hội văn minh, là điều kiện quan trọng không thể thiếu để
xây dựng một xã hội tốt đẹp. Vì vậy, khi xét đến động lực bên trong của quản

lý, trước tiên cần phải đề cập đến tư tưởng “nhân giả ái nhân” của Nho gia
Tiên Tần.
Trong toàn bộ học thuyết của Khổng Tử, chữ “nhân” chính là tư tưởng
hạt nhân, đồng thời đó cũng chính là sợi dây xuyên suốt lý luận quản lý của
ông, “nhân” là đối tượng trong quản lý. Theo Nho gia, bản chất của quản lý là
“trị nhân” (trị người), tiền đề của quản lý là “nhân tính”. Tóm lại, tất cả đều
không thể xa rời “nhân”.
Trong sách “Luận ngữ” của Khổng Tử, chữ “nhân” được xuất hiện hơn
109 lần. “Thuyết văn” giải thích chữ “nhân” như sau: “Nhân, thân dã, tòng
nhân tòng nhị”- kết cấu chữ “nhân” bao gồm chữ “nhân” là người và chữ
“nhị” là hai, ý nghĩa chỉ mối quan hệ giữa hai con người, giữa con người với
con người, thể hiện là: thừa nhận cả ta và người đều là hai con người như
nhau, hai con người có nhân cách độc lập, thể hiện quan hệ giữa con người
với con người. Con người là sinh vật xã hội hoá, không phải là những cá thể
sống đơn độc mà luôn tồn tại trong mối quan hệ qua lại, liên hệ lẫn nhau. Vì
vậy, quan hệ xã hội giữa con người với con người là mối quan hệ cơ bản nhất
của con người, của xã hội. Không có sự quan hệ qua lại, hợp tác giữa con
người với con người thì sẽ không có xã hội, quy luật xã hội, Khổng Tử đã
sớm thấy được tầm quan trọng của các mối quan hệ này. Vì vậy ông đặt trọng
tâm nghiên cứu của mình vào “con người”, mối quan hệ giữa họ và đưa ra
khái niệm “nhân”, tạo ra nền tảng tinh thần cho toàn bộ nền văn hoá Trung
Hoa.
Nội hàm của “nhân” vô cùng phong phú, nhưng cơ bản nhất là “ái
nhân”. Như học trò Phàn Trì hỏi Khổng Tử “nhân” là gì, Khổng Tử đã trả lời:
“Ái nhân” [30, 418]. Ái nhân theo Khổng Tử, ông yêu cầu giữa con người với

17
người phải yêu thương nhau, tôn trọng nhau. Tư tưởng ái nhân này của Khổng
Tử trước tiên được thể hiện ở sự khẳng định giá trị con người trong xã hội.
Trong “thiên Hương đảng, sách Luận ngữ” có ghi câu chuyện như sau: Một

hôm chuồng ngựa nhà Khổng Tử bị cháy, Khổng Tử mãn chầu trở về, biết tin
này liền vội vàng hỏi: “Người giữ ngựa có bị thương không?” chứ không hỏi
đến ngựa. Trong xã hội lúc bấy giờ, những người nô lệ không có được các
quyền của một con người, lại càng không được tôn trọng như một con người.
Họ bị coi như loài vật, bị sai bảo, đem buôn bán, biếu tặng, thậm chí là giết
hại. Giá trị của một nô lệ không bằng giá trị của một con ngựa. Nhưng ở đây,
khi chuồng ngựa bị cháy, Khổng Tử quan tâm hỏi đến trước tiên là người giữ
ngựa chứ không phải là ngựa. Điều này chứng tỏ, ông đặc biệt coi trọng con
người. Khổng Tử còn kịch liệt lên án và phản đối chế độ tuẫn tàng người, cho
đó là hành động bất nhân, vô nhân đạo. Trong “chương Lương Huệ Vương
thượng, sách Mạnh Tử” có viết: Khổng Tử trách mắng kẻ dùng hình người để
chôn theo người chết sẽ bị tuyệt tử tuyệt tôn.
Tóm lại, ý nghĩa căn bản đầu tiên trong tư tưởng “nhân giả ái nhân” là
khẳng định giá trị của con người. Trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ, tư
tưởng này của Khổng Tử có lẽ khó được tiếp nhận, nhưng nó thật sự có ý
nghĩa tiến bộ và có giá trị cho đến tận ngày nay.
Mặt khác, Khổng Tử cho rằng, “ái nhân” phải được bắt đầu từ trong gia
đình, gia tộc, từ việc hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng, thương yêu anh em.
Trong “thiên Học nhi, sách Luận ngữ” có viết: Khổng Tử nói với học trò
Hữu Nhược: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vị nhân chi bản dã” - hiếu đễ chính là gốc
của “nhân”. Vì vậy, Khổng Tử rất chú trọng giáo dục đức “hiếu” cho các học
trò của mình. Trong “Luận ngữ” có ghi lại rất nhiều lời dạy bảo của Khổng
Tử về đức hiếu đễ, chẳng hạn như: “Khi phụng dưỡng cha mẹ, nếu cha mẹ sai
thì khuyên can nhẹ nhàng, thấy ý cha mẹ không theo thì vẫn phải kính trọng
mà không được làm trái nghịch, chịu khó nhọc mà không oán giận” [30, 273]

18
và “ đối với cha mẹ mà không kính trọng thì nuôi dưỡng cha mẹ và nuôi
dưỡng súc vật có gì là khác biệt đâu?” [30, 228].
Hiếu đễ là sự thực hiện cái gốc căn bản của “nhân”, cũng là sự bắt đầu

của quá trình đào luyện, uốn nắn nhân tính, xây dựng nên mô thức quản lý
nhân tính. Theo Khổng Tử và các nhà Nho Tiên Tần, một người mà đến cha
mẹ mình còn không có hiếu thì anh ta không thể có được tấm lòng nhân ái.
Vì vậy, việc yêu người phải bắt đầu từ những người thân thiết của mình trong
gia đình, gia tộc, sau đó mở rộng ra khắp mọi người và vạn vật xung quanh.
Tình cảm thương yêu con người cũng có thể khiến cho xã hội trở nên cân
bằng, yêu vạn vật sẽ tạo ra sự cân bằng trong sinh thái tự nhiên. Cân bằng xã
hội và trong sinh thái tự nhiên chính là điều kiện quan trọng để thực hiện mục
tiêu quản lý.
Trong học thuyết của Khổng Tử, “nhân” là nấc thang đạo đức cao nhất
của con người, của đời người. Muốn đạt được đến điều “nhân”, làm được đến
“ái nhân” không phải là chuyện dễ dàng. Trong “chương Ung Dã, sách Luận
ngữ” có viết: Có lần Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Nếu một người có thể đem ân
huệ đến cho mọi người, tạo cho mọi người cuộc sống ấm no đầy đủ thì có thể
coi là người nhân không?” Khổng Tử tra lời: “Người đó không chỉ là người
nhân mà đã là thánh nhân rồi! Đến đức Nghiêu Tuấn cũng khó mà làm được
như vậy. Người có nhân là người bản thân muốn lập mà lập cho người khác,
bản thân muốn thông đạt mà làm cho người khác cũng được thông đạt. Xuất
phát từ mong muốn bản thân mình mà thúc đẩy người khác. Đó có thể coi là
phương pháp để đạt đến điều nhân” [30, 314].
Còn trong “chương Nhan Uyên, sách Luận ngữ”, viết: Trọng Cung hỏi
làm thế nào để thực hành đạo nhân, Khổng Tử trả lời: “Lúc ra cửa phải trang
trọng, nghiêm chỉnh giống như sẽ gặp khách quý, sai khiến dân chúng phải
cẩn thận, trang nghiêm giống như hành đại lễ. Những gì mình không thích thì
không được áp dụng cho người khác. Như vậy, trong nước mới không có ai

19
oán hận ngươi, trong nhà không có ai oán hận ngươi” [30, 412] và để thưch
hành đạo nhân, Khổng Tử còn nói: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi
đạt nhân” (bản thân muốn lập mà lập cho người khác, bản thân muốn thông

đạt mà làm cho người khác cũng được thông đạt) và “Kỷ sở bất dục, vật thi ư
nhân” (Những gì mình không thích thì không được áp dụng cho người khác).
Khổng Tử cho rằng, xuất phát từ ý nguyện của mình để thúc đẩy người khác,
những gì mà người khác muốn thì mình giúp họ đạt được, những gì mà họ
không muốn thì không nên ép họ. Làm như vậy sẽ xử lý tốt được mối quan hệ
giữa con người với con người. Đó chính là “ái nhân”.
Trong sách “Đại học” còn trình bày cụ thể hơn về vấn đề này: “Những
việc mà mình không muốn người trên thi hành với mình thì không nên dùng
để đối đãi với người dưới; những việc mà mình không thích người dưới làm
thì không nên dùng nó để đối đãi với người trên; những gì mà người phía
trước mình không thích thì không nên áp dụng cho người phía sau; những gì
mà người phía sau mình không thích thì không nên áp dụng cho người bên
trái mình; những gì mà người bên trái mình không thích thì không nên áp
dụng cho người bên phải mình” [30, 29]
Trên thực tế, đây chính là một cách giải thích thuyết “ái nhân” của
Khổng Tử, theo đó “ái nhân” là “đạo trung thứ”. “Đạo trung thứ” là tư tưởng
xuyên suốt học thuyết của Khổng Tử. Tăng Tử từng nói: “Phu Tử chi đạo,
trung thứ nhi dĩ dã” (Đạo của Phu Tử chính là đạo trung thứ) [30, 270]. Theo
Tăng Tử, toàn bộ học thuyết của Khổng Tử có thể dùng hai chữ “trung thứ”
này để khái quát. Thật ra, cả “trung” và “thứ” đều là những nội dung quan
trọng của “nhân”. Ý nghĩa cơ bản của “trung” là: tận tâm tân lực, làm hết sức
mình một cách công chính, vô tư. Trong “Thuyết văn” ghi: “Trung, kính dã.
Tận tâm viết trung” (Trung là tận tâm, làm hết sức), “Quảng Vận” viết:
“Trung, vô tư dã” (Trung là vô tư). Vì vậy, “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục
đạt nhi đạt nhân” chính là đạo “trung”. Còn “thứ” là một mặt khác của

20
“nhân”. “Thuyết Văn” ghi: “Thứ, nhân dã” (Thứ là đức nhân), Chu Hy giải
thích: “Suy kỷ vị chi thứ. (Từ mong muốn của bản thân mình mà suy nghĩ cho
người khác gọi là thứ). Do đó, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” chính là “thứ”.

Qua đây, ta có thể thấy sự khác biệt giữa “trung” và “thứ”. “Trung” là thái độ
chân thành đối với con người và vạn vật xuất phát từ nội tâm, lấy thái độ đó
để làm việc, mưu sự cho người khác. “Thứ” là dựa vào tấm lòng nhân ái của
mình để đoán định lòng người khác, từ đó xử lý được tốt đẹp, chính xác các
mối quan hệ xã hội và biết thông cảm, lượng giải cho những điều chưa được
chu toàn và không thoả đáng của người khác.
Đạo trung thứ của Khổng Tử có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với hậu thế.
Có người còn cho rằng: Người bình thường nếu nắm được đạo trung thứ thì sẽ
có thể trở thành người “nhân”, còn người quản lý mà nắm được đạo trung thứ
thì sẽ có khả năng quản lý tốt khắp cả thiên hạ.
Trong xã hội loài người, trong tổ chức doanh nghiệp từ xưa đến nay,
tình cảm yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, tương thân tương ái vẫn luôn được
khẳng định và hướng tới. Hiện nay, trong quản lý kinh tế hiện đại cũng cần
phải thực thi ái nhân bên cạnh việc áp dụng các chế độ kỷ luật nghiêm khắc.
Tóm lại, một doanh nghiệp nếu tạo ra được môi trường hợp tác tương
thân tương ái, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau giữa các cán bộ quản lý, giữa
các nhân viên, cán bộ quản lý với nhân viên, giữa doanh nghiệp và người tiêu
dùng, xã hội thì doanh nghiệp này nhất định sẽ có được sức mạnh nội tại rất
lớn, khả năng cạnh tranh mạnh, và tất nhiên theo đó sẽ là những lợi ích kinh
tế lớn.
1.3. “Đạo chi dĩ đức” - Quan điểm về cơ chế điều hành quản lý của
Nho gia Tiên Tần
Trong thời đại của Khổng Tử có hai loại phương thức quản lý: một là
“đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ”, coi trọng sự dẫn dắt, chỉ dạy, giáo hoá; còn một
loại là “đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình”, nặng về cưỡng chế, trừng phạt.

21
Khổng Tử chỉ ra: hiệu quả của hai phương thức này hoàn toàn khác nhau. Nếu
người quản lý dùng đạo đức để dẫn dắt, dùng lễ pháp để ước thúc thì sẽ có
được hiệu quả “hữu sỉ thả cách” - người bị quản lý sẽ có cảm giác xấu hổ,

liêm sỉ và có thể tự giác sửa đổi những sai lầm của mình. Ngược lại, nếu dùng
pháp chế chính lệnh để dẫn dắt, dùng hình phạt để trừng trị thì sẽ tạo ra hiệu
quả “dân miễn nhi vô sỉ” - mọi người có thể tránh khỏi việc phạm pháp mà
không biết đến xấu hổ khi phạm pháp (Luận ngữ - Vi chính). Vì vậy, Khổng
Tử chủ trương dùng phương pháp “đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ” để tiến hành
quản lý, bên cạnh đó sử dụng “lễ” như một biện pháp ước thúc bên ngoài, từ
đó đạt tới sự cân bằng và hài hoà trong quản lý và xã hội. Đó chính là “đức
trị” - biện pháp quản lý quan trọng của Nho gia Tiên Tần, là sợi dây xuyên
suốt tư tưởng quản lý của Khổng Tử. Nắm bắt được vấn đề này chính là đã
nắm bắt được đặc trưng tiêu biểu của tư tưởng quản lý xã hội của các nhà Nho
Tiên Tần.
Trong “Luận ngữ - Vi chính” có viết: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình,
dân miễn nhi vô sỉ; đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách” [30, 227]
“Đạo” ở đây có nghĩa là dẫn dắt, khuyến dụ, dạy bảo; “chính” dùng với nghĩa
hẹp, tức là chỉ chính trị và pháp luật. Còn chữ “cách” vốn có rất nhiều nghĩa,
có thể giải thích là “chính”, “kính”, nhưng trong “Lễ ký - Tri y” có dẫn câu
nói của Khổng Tử là: “Phù dân, giáo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, tắc dân hữu cách
tâm. Giáo chi dĩ hình, tề chi dĩ hình, tắc dân hữu độn tâm” (Dẫn dắt dân bằng
đạo đức, chỉnh đốn dân bằng lễ thì dân sẽ quy thuận. Dẫn dắt dân bằng hình
pháp thì dân sẽ trốn tránh). Chữ “độn” ở đây có nghĩa là trốn tránh, ngược với
trốn tránh là thân cận, quy phục, hướng đến. Dựa vào đây, ông Dương Bá
Tuấn trong “Luận ngữ dịch chú” đã đem giải thích chữ “cách” là “quy phục
nhân tâm”. Tóm lại, đại ý câu nói này của Khổng Tử là: Dùng chính pháp để
dẫn dắt dân chúng, dùng hình phạt để chỉnh đốn họ thì họ chỉ tạm thời tránh
tội mà không có lòng liêm sỉ, không biết xấu hổ. Nếu dùng đạo để dẫn dắt họ,

22
dùng lễ để chỉnh đốn họ thì dân chúng không những biết xấu hổ, liêm sỉ mà
còn thật lòng quy phục.
Khổng Tử nhấn mạnh việc cai trị quốc gia nên coi giáo hoá đạo đức

làm gốc mà không nên nhấn mạnh một cách phiến diện các hình phạt, giết
chóc. Đây chính là cái gọi là “Thiện nhân vi bang bách niên, diệc khả dĩ thắng
tàn khử hát hĩ” (Nếu có những người lương thiện nối tiếp nhau làm việc nước
trong trăm năm, cũng có thể cảm hoá kẻ tàn bạo trở thành lương thiện) [30,
432]. Vì vậy, Khổng Tử mới nói rằng: “Thính tụng, ngô do dân dã, tất đã sử
vô tụng hồ” (Xử lý kiện tụng ta cũng giống như người khác. Nhưng theo ta thì
nhất định phải làm cho sự kiện tụng hoàn toàn bị mất đi thì mới tốt) [30, 415].
Có một lần, Quý Khang Tử xin thỉnh giáo Khổng Tử về việc cai trị: “Nếu như
giết hết những kẻ xấu mà gần gũi thân cận với người tốt thì thế nào?”, Khổng
Tử đáp: “Người xử lý việc chính trị, tại sao phải giết chóc? Người muốn làm
cho quốc gia trở nên tốt đẹp thì trăm họ sẽ tốt lên. Đức hạnh của người lãnh
đạo giống như gió, đức hạnh của nhân dân trăm họ giống như cỏ, gió thổi về
hướng nào thì cỏ ngả theo hướng đó” [30, 416]. Qua đây Khổng Tử đã khẳng
định làm việc chính sự là dùng đạo đức để dẫn dắt, quy thuận dân chúng.
Tuy nhiên, Khổng Tử cũng không hoàn toàn chủ trương không dùng
đến hình luật. Ông đã từng nói rằng: “Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ”
(Người quân tử để tâm đến hình phạt, kẻ tiểu nhân để tâm đến ân huệ) [30,
272]. “Hoài hình” ở đây chính là chủ trương người thống trị phải quan tâm
đến hình pháp. Ông còn chỉ ra “Hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc”
(Hình phạt không đúng, không hợp lý thì dân không biết để tay chân vào đâu)
[30, 430]. Điều này chứng tỏ, Khổng Tử không phản đối “hình” mà chủ
trương hình phạt phải “trúng”, phải thích đáng, đúng mức. Mặt khác, theo
Khổng Tử, đạo đức so với hình pháp dễ được lòng dân hơn, từ đó có thể đạt
được hiệu quả quản lý cao hơn và lâu dài hơn. Phái Pháp gia và Hàn Phi Tử
đều cho rằng, quản lý bằng cách giáo hoá đạo đức không thể nhanh chóng

×