ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
o0o
NGUYỄN LAN ANH
NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO VÀ ẢNH
HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VIỆT
NAM THỜI LÝ - TRẦN
LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC
HÀ NỘI - 12/2008
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
o0o
NGUYỄN LAN ANH
NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO VÀ ẢNH
HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VIỆT
NAM THỜI LÝ - TRẦN
LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC
Chuyên ngành: TRIẾT HỌC
Mã số: 60 22 80
Người hướng dẫn khoa học: TS. Đặng Thị Lan
HÀ NỘI - 12/2008
LỜI CẢM ƠN
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thế giới hiện có ba tôn giáo lớn đó là Phật giáo, Thiên chúa giáo và
Hồi giáo. Mặt tiêu cực của tôn giáo là làm cho con người hoàn toàn thụ động
và chịu khuất phục trước sức mạnh siêu nhiên, dẫn đến tâm lý bị động trước
hoàn cảnh và không thực sự tin tưởng vào nội lực bản thân. Nhưng bên cạnh
đó, tôn giáo cũng có nhân tố tích cực đó là tinh thần nhân đạo và sự hướng
thiện, trong đó Phật giáo thể hiện rõ hơn cả những nhân tố tích cực ấy.
Phật giáo xuất hiện trong một xã hội tồn tại nhiều bất công và phân chia
đẳng cấp rất nghiệt ngã, vì vậy mà triết thuyết của nó thể hiện tinh thần bình
đẳng, từ bi, hỷ xả rõ nét. Cũng bởi vậy mà, giáo lý của Phật giáo ngày càng
gần gũi hơn với mọi người, không phân biệt địa vị, giai – tầng khác nhau
trong xã hội, mà chỉ cần có thiện tâm. Trong các tôn giáo du nhập vào Việt
Nam như Đạo giáo, Nho giáo, Thiên chúa giáo, đạo Tin lành, Hồi giáo… thì
Phật giáo là tôn giáo bám rễ bền chắc hơn cả. Phật giáo đã góp phần xây dựng
nên truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó của dân tộc Việt. Phật giáo có vai
trò quan trọng trong việc hình thành tâm lý, lối sống, đạo đức của con người
Việt Nam. Đặc biệt ở Việt Nam, thời Lý – Trần là giai đoạn Phật giáo phát
triển rực rỡ nhất, ảnh hưởng nhất và có vai trò nổi bật nhất đối với lịch sử dân
tộc.
Phật giáo dưới thời Lý – Trần (kéo dài hơn 4 thế kỷ, từ thế kỷ XI đến
cuối thế kỷ XIV) thực sự có tiếng nói trên vũ đài tư tưởng và có ảnh hưởng
lớn trong sự phát triển của đời sống văn hoá tinh thần người Việt. Nó góp
phần giải đáp những vấn đề có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong buổi đầu dựng
nước và giữ nước của ông cha. Đặc biệt là triết lý nhân sinh từ bi, bác ái, cứu
khổ, cứu nạn của Phật giáo đã góp phần đoàn kết dân tộc, cố kết cộng đồng,
khơi dậy và động viên được tinh thần yêu nước của nhân dân. Phật giáo góp
2
phần không nhỏ trong việc thống nhất dân tộc và trong công cuộc dựng nước
và giữ nước thời kỳ Lý – Trần. Ngoài ra, sự ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo
với tư tưởng, chính trị, đạo đức, văn học nghệ thuật là một trong những yếu tố
tạo nên sắc thái văn hoá riêng có thời Lý – Trần. Giai cấp thống trị của cả hai
triều đại phong kiến này đã dùng Phật giáo như một phương tiện để liên kết nhân
tâm, củng cố vương triều, chống lại nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh.
Thời Lý - Trần có những ông vua, bà hoàng và các vị quan đầu triều
nhân từ, phúc huệ: hoà đồng với người dưới, xót thương những kẻ bị cầm tù,
khoan hoà với địch, lo lắng cho dân như con… Chính ảnh hưởng của nhân
sinh quan Phật giáo đã mang lại cho họ những nhân cách như vậy. Ngày nay,
sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin đã mang
đến nhiều nguy cơ: sự căng thẳng trong nhịp sống xã hội, tính vô định của số
phận cá nhân, sự cô đơn của con người bên cạnh khối lượng của cải đồ sộ do
con người tạo ra… Vậy, tinh thần bình đẳng, bác ái, thái độ từ bi hỉ xả và sự
tu dưỡng thập thiện, ngũ giới của đạo Phật còn có vai trò trong thời đại ngày
nay hay không?
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đang bước vào
công cuộc đổi mới trên nhiều lĩnh vực. Quá trình đổi mới này cũng mang lại
nhiều chuyển biến cả tích cực, cả tiêu cực trong đời sống xã hội và đến số
phận của từng người. Bên cạnh những thành tựu trong lĩnh vực kinh tế, chính
trị, xã hội như: chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, tình
hình chính trị ngày càng ổn định; địa vị và uy tín của nước ta trên trường quốc
tế ngày càng được nâng cao; Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều quốc gia
trong khu vực và trên thế giới về hợp tác kinh tế và du lịch. Nhưng mặt khác,
chúng ta đang gặp phải những khó khăn: Việt Nam chưa thoát khỏi danh sách
những nước nghèo trên thế giới, người dân chưa thực sự được hưởng cuộc
sống sung túc, ấm no, hạnh phúc; tâm lý người dân chưa hoàn toàn thích nghi
3
với sự thay đổi của cơ chế mới; tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng Chính vì
thế, con người Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều áp lực về tinh thần.
Kinh tế phát triển nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần của con người
thay đổi, xuất hiện nhiều cám dỗ dẫn đến sự biến thái về đạo đức. Trước tình
hình đó, Phật giáo với tư cách tôn giáo dân tộc của Việt Nam mà đỉnh cao là
Phật giáo Lý – Trần đã có những đóng góp vĩ đại cho dân tộc Đại Việt trong
những thời điểm đầy biến cố về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá…vậy,
nhân sinh quan Phật giáo có vai trò, ảnh hưởng và tác dụng như thế nào trong
thời kỳ đó, và ngày nay chúng ta phải tiếp tục phát huy cũng như khắc phục
những điểm gì của nhân sinh quan Phật giáo trong điều kiện, hoàn cảnh hiện
nay.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đó, với mong muốn tìm hiểu về Phật
giáo nói chung và nhân sinh quan Phật giáo nói riêng, cùng với ảnh hưởng
của Phật giáo trong thời Lý – Trần, chúng tôi đã chọn đề tài: “Nhân sinh
quan Phật giáo và ảnh hưởng của nó tới đời sống xã hội thời Lý - Trần”
cho luận văn thạc sĩ triết học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Nghiên cứu về Phật giáo nói chung và nhân sinh quan Phật giáo nói
riêng, trong những năm gần đây, đã trở thành một đề tài thu hút nhiều nhà
nghiên cứu khoa học xã hội, nhiều công trình nghiên cứu đã trở thành tài liệu
có giá trị trong việc nhìn nhận, đánh giá lịch sử phát triển của dân tộc. Trong
đó có thể kể đến một số tác phẩm sau: Việt Nam Phật giáo sử luận của
Nguyễn Lang; tác phẩm Thiền học của Nguyễn Đăng Thục; Các tác phẩm
Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo
đối với con người Việt Nam hiện nay do tác giả Nguyễn Tài Thư chủ biên;
Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, Tập 1: Từ khởi nguyên đến thế kỷ
XIV của Nguyễn Hùng Hậu; Phật giáo với văn hoá Việt Nam của Nguyễn
4
Đăng Duy; Triết học Phật giáo của Nguyễn Duy Hinh… Trong đó, dù nó
không được trình bày thành các mục riêng, nhưng các tác giả cũng đã đề cập
đến ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến xã hội Việt Nam thời Lý –
Trần.
Và trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học, luận án tiến sĩ, luận
văn thạc sĩ đã công bố và bảo vệ thì nhân sinh quan Phật giáo cũng là đề tài
được nhiều tác giả quan tâm. Trong đó, tác giả tiếp thu, kế thừa khá nhiều từ
các công trình nghiên cứu sau:
Luận án tiến sĩ Triết học của tác giả Đặng Thị Lan: Đạo đức Phật giáo
và ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người Việt Nam. Trong đó, nội dung về
đạo đức Phật giáo; các quan niệm khác nhau về đạo đức Phật giáo; sự ảnh
hưởng của đạo đức Phật giáo và cả giải pháp đối với vấn đề đạo đức con
người Việt Nam hiện nay, trên cơ sở tác động của đạo đức Phật giáo được tác
giả trình bày một cách khá toàn diện. Kết cấu đề tài rất chặt chẽ, khiến cho
việc trình bày vấn đề khá rõ ràng. Tuy nhiên, đề tài chỉ đưa ra một số luận
điểm cơ bản về đạo đức Phật giáo (từ bi, ngũ giới, thuyết nhân quả, nghiệp
báo luân hồi ), từ đó đưa ra những nhận định khách quan về sự ảnh hưởng
của đạo đức Phật giáo đến đạo đức của con người Việt Nam hiện đại. Trong
khi, đạo đức chỉ là một nội dung trong nhân sinh quan của Phật giáo và ảnh
hưởng của đạo đức Phật giáo đến đời sống xã hội dưới thời Lý – Trần dù có
được nhắc đến trong luận án, nhưng tác giả chỉ dừng ở mức khái quát.
Luận án Tiến sĩ Triết học của tác giả Nguyễn Thị Toan: Quan niệm về
giải thoát trong Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với đời sống người Việt
Nam hiện nay. Đề tài đã phân tích khá sâu sắc về quan niệm về giải thoát. Tác
giả đã tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của quan niệm về giải thoát
của Phật giáo nguyên thuỷ, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Tiểu thừa qua khảo
sát một số bộ kinh của Phật giáo. Tiếp theo, tác giả trình bày về quan niệm
5
giải thoát trong Phật giáo Việt nam, trên cơ sở đó tác giả phân tích sự ảnh
hưởng của quan niệm giải thoát đối với đời sống người Việt trong lịch sử và
đời sống người Việt Nam hiện nay. Đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu
về một nội dung quan trọng của nhân sinh quan Phật giáo: vấn đề giải thoát.
Công trình nghiên cứu này đã mang lại một cái nhìn toàn diện về quá trình
hình thành và phát triển của quan niệm giải thoát trong Phật giáo nói chung và
Phật giáo Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên cũng giống như đề tài của tác giả
Đặng Thị Lan, đề tài cũng chỉ tập trung trình bày một nội dung của nhân sinh
quan Phật giáo, và dù có giành một vài trang đi vào phân tích ảnh hưởng của
tư tưởng giải thoát dưới thời Lý – Trần nhưng chỉ giới hạn ở nội dung về ảnh
hưởng của triết lý giải thoát ở lĩnh vực chính trị.
Đề tài về Phật giáo thời Lý – Trần cũng được nghiên cứu khá nhiều
như Luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Văn Sinh: Về vai trò Phật giáo ở Việt
Nam (qua triều đại Lý). Trong đề tài của tác giả Phạm Văn Sinh, tác giả có
cách tiếp cận riêng khi xem xét tôn giáo với tư cách là một hiện tượng xã hội -
một tiểu hệ thống kiến trúc thượng tầng của xã hội. Cách tiếp cận như vậy, có
ưu điểm là không chỉ nhận thấy những hạn chế, sai lầm của tôn giáo nói
chung, Phật giáo nói riêng mà còn có khả năng tìm ra những yếu tố hợp lý và
tích cực của tôn giáo trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tác giả Phạm Văn Sinh
chỉ tập trung vào đặc trưng của Phật giáo Việt Nam thời Lý qua việc phân biệt
rõ ràng vai trò của phái Thiền tông so với phái Tịnh độ tông và phái Mật tông.
Theo đó, tác giả khẳng định rằng, Thiền tông thì ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực
lịch sử tư tưởng Việt Nam, vì Thiền tông nặng về phương diện tư tưởng, triết lý
nhân sinh. Còn hai phái Tịnh độ tông và Mật tông lại có vai trò chủ yếu trên lĩnh
vực tín ngưỡng, tôn giáo, bởi nó có khuynh hướng thiên về tín ngưỡng. Khi
nghiên cứu ảnh hưởng của triết lý nhận sinh của phái Thiền tông, tác giả Phạm
Văn Sinh chỉ dừng lại ở lĩnh vực tư tưởng như: xây dựng một nền tư tưởng quốc
gia dân tộc độc lập, tự chủ và thống nhất; thiết lập khối đại đoàn kết dân tộc và
6
nhân ái trong lòng dân tộc Việt Nam. Trong khi ảnh hưởng của nhân sinh quan
Phật giáo không chỉ dừng lại ở lĩnh vực tinh thần, tư tưởng mà nó còn tác động ở
nhiều lĩnh vực khác nhau như: đời sống chính trị, đạo đức, văn hóa của quốc gia
Đại Việt.
Luận văn Thạc sĩ của tác giả Đặng Ánh Tuyết: Góp phần tìm hiểu nhân
sinh quan Phật giáo đời Trần. Với đề tài này, khi trình bày về nhân sinh quan
Phật giáo đời Trần, tác giả chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về sự ảnh hưởng của
nhân sinh quan Phật giáo đối với triết lý nhân sinh của Phật giáo thời Trần (quan
niệm về con người, đời người và quan niệm về giải thoát) mà chưa đưa ra nhận
định rằng, những ảnh hưởng đó có tác động ra sao đến đời sống xã hội lúc bấy
giờ.
Với luận án Tiến sĩ ngữ văn của tác giả Nguyễn Công Lý: Văn học
Phật giáo thời Lý – Trần, diện mạo và đặc điểm. Đề tài đã đi vào nghiên cứu,
tìm hiểu về văn học Lý – Trần, diện mạo và đặc điểm của văn học Phật giáo
Lý – Trần. Đây không phải đề tài nghiên cứu dưới góc độ triết học, nhưng qua
việc trình bày về sự phát triển của văn học Phật giáo Lý – Trần, đề tài đã đưa
đến nhận định về mối tương quan chặt chẽ và sự ảnh hưởng của Phật giáo với
văn học ở thời kỳ này. Từ đó, có thể đưa ra những khẳng định về vai trò của
Phật giáo nói chung và nhân sinh quan Phật giáo nói riêng đối với một lĩnh
vực khá quan trọng của đời sống văn hoá tinh thần thời Lý – Trần, lĩnh vực
văn học.
Qua việc tham khảo các đề tài trên tác giả nhận thấy, nhân sinh quan
Phật giáo Lý – Trần mặc dù là một nội dung khá hấp dẫn và được đề cập đến
ở hầu hết các đề tài nghiên cứu về Phật giáo, tuy nhiên nó lại chỉ được đề cập
đến ở một khía cạnh nhất định (quan niệm về đạo đức, giải thoát) và ảnh
hưởng của nhân sinh quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng chưa có
công trình nghiên cứu nghiên cứu chuyên biệt. Tuy nhiên, qua việc khảo sát,
7
nghiên cứu này, tác giả luận văn cũng đã tiếp cận được nhiều cách đánh giá,
phân tích khác nhau về Phật giáo nói chung, nhân sinh quan Phật giáo thời Lý
- Trần nói riêng và kế thừa được cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kết
cấu trình bày có tính khoa học chặt chẽ từ các nghiên cứu. Trên cơ sở các
nghiên cứu đó, tác giả nhận thấy, nhân sinh quan Phật giáo đã góp phần lớn
tạo lên thần thái văn hoá, bản sắc dân tộc Việt Nam. Chính tính nhân bản của
Phật giáo đã góp phần làm cho giáo lý Phật giáo được truyền bá sâu rộng vào
trong các tầng lớp dân chúng, đặc biệt trong thời Lý – Trần, một thời đại anh
hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc lại chính là thời kỳ mà
Phật giáo phát triển mạnh nhất ở Việt Nam.
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các đề tài trước đó và bằng sự nghiên
cứu của mình, tác giả đi vào tìm hiểu về sự ảnh hưởng của nhân sinh quan
Phật giáo đối với đời sống xã hội Việt Nam thời Lý - Trần và đưa ra một số
kết luận, đánh giá về sự ảnh hưởng đó đối với con người Việt Nam hiện đại,
dù chỉ mang tính khái quát.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến một số lĩnh vực
chủ yếu của đời sống xã hội Việt Nam thời kỳ Lý-Trần.
* Nhiệm vụ nghiên cứu
- Phân tích khái quát về mặt triết học những nội dung chủ yếu của
nhân sinh quan Phật giáo.
- Trình bày diện mạo đời sống xã hội Việt Nam thời Lý – Trần.
- Phân tích và đánh giá những ảnh hưởng của Nhân sinh quan Phật
giáo trong một số lĩnh vực chủ yếu của xã hội Việt Nam thời kỳ Lý – Trần.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu
8
Nhân sinh quan Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội
người Việt Nam trong thời Lý – Trần.
* Phạm vi nghiên cứu
Một số lĩnh vực chủ yếu trong đời sống xã hội như văn hoá (tâm linh,
tín ngường; văn học), chính trị, đạo đức của quốc gia Đại Việt trong thời Lý –
Trần chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhân sinh quan Phật giáo.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
* Cơ sở lý luận
- Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về xã hội, con người và về tôn giáo.
- Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề tôn giáo nói
chung và Phật giáo nói riêng.
* Phương pháp nghiên cứu
Luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp luận của triết học Mác - Lênin và
kết hợp với một số phương pháp nghiên cứu khoa học khác như: Phân tích - tổng
hợp; lôgích - lịch sử; so sánh; phương pháp trừu tượng hoá - khái quát hoá…
6. Đóng góp của đề tài
Đề tài có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, giảng
dạy Phật giáo nói chung, nhân sinh quan Phật giáo nói riêng và ảnh hưởng
của nó ở Việt Nam trong giai đoạn Lý – Trần.
7. Kết cấu đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo; Nội
dung của luận văn gồm 2 chương và 6 tiết; toàn bộ nội dung được trình bày
trong 85 trang.
9
NỘI DUNG
Chương 1
NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO, SỰ DU NHẬP VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA
NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO TRONG THỜI LÝ – TRẦN
1.1. Nhân sinh quan Phật giáo
1.1.1. Khái lược về sự ra đời của nhân sinh quan Phật giáo
Phật giáo hình thành ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ VI trước công
nguyên. Người sáng lập là Tất Đạt Đa (Siddharatha), họ là Cồ Đàm
(Gautama) nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), là con vua Tĩnh Phạn
(Suddhodana) trị vì bộ tộc Thích Ca ở miền Bắc Ấn Độ. Từ nhỏ, bản tính của
Đức Thích ca rất nhân từ, bác ái. Dù được sống trong cảnh sung túc và hạnh
phúc nhưng Ngài vẫn cảm nhận thấy tính phù du và tuyệt vọng của cuộc đời,
Ngài thương xót cho những cảnh đời khó nhọc, vất vả. Một lần ra ngoài
thành chơi, gặp một người tu hành hình dáng đoan trang, ông thấy rằng chỉ có
10
sự tu hành mới giải thoát khỏi mọi sự lo buồn, khổ não trên thế gian, từ đó
ông quyết chí xuất gia đi tu, với mong muốn tìm thấy con đường giúp chúng
sinh ra khỏi cảnh khổ đau, bất hạnh, giải thoát lên cõi Niết bàn.
Thời kỳ này, xã hội Ấn Độ có sự phân chia đẳng cấp khắt khe, cùng sự
thống trị của những tư tưởng duy tâm, tôn giáo do ảnh hưởng của kinh Veda
(bộ kinh cổ của người Ấn Độ) và đạo Bàlamôn. Chế độ xã hội tồn tại trên sự
phân biệt màu da, dòng dõi, nghề nghiệp, tôn giáo… Theo đó, xã hội Ấn Độ
lúc đó tồn tại bốn đẳng cấp lớn: 1. Tăng lữ, lễ sư Bàlamôn (Brahmana)
chuyên lo việc tôn giáo, truyền bá kinh Veda; 2. Đẳng cấp vua chua, quý tộc,
tướng lĩnh, võ sĩ (K
’
shatriya) chuyên sử dụng vũ khí để bảo vệ chính quyền;
3. Đẳng cấp thương nhân, điền chủ và thường dân hay những người bình dân,
tự do (Vaishya) chuyên lao động sản xuất, buôn bán, chăn nuôi nhằm tạo ra
của cải vật chất nuôi sống xã hội; 4. Đẳng cấp tiện dân, nô lệ (Shudra) có bổn
phận phục dịch ba đẳng cấp trên. Ngoài bốn đẳng cấp trên, còn có những
người bị coi là ngoài lề đẳng cấp xã hội. Đó là những người làm các nghề bị
coi là hạ đẳng, thấp hèn (giặt quần áo, đồ tể, thuộc da…) và những người do
đàn bà của đẳng cấp Brahmana lấy đàn ông của đẳng cấp Shudra sinh ra…
Sự phân chia đẳng cấp rất khắc nghiệt: không được ăn cùng những
người khác đẳng cấp, không được kết hôn với những người thuộc đẳng cấp
khác, những người thuộc đẳng cấp dưới phải tôn kính và phục tùng vô điều
kiện đối với những người thuộc đẳng cấp trên, đặc biệt là những người thuộc
đẳng cấp Bàlamôn. Người Bàlamôn phải được tôn trọng như một vị thần bởi
họ được thượng đế ban cho “tinh thần thiêng”, có thể làm chủ cả thế giới.
Đẳng cấp nô lệ dù không phải là lực lượng sản xuất chính trong xã hội, nhưng
họ làm đầy tớ cho các gia đình giàu có, thuộc đẳng cấp trên và chỉ được coi là
một tài sản, họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào người khác, có thể bị đuổi, bị đánh
đập hoặc bị giết bất cứ lúc nào… Sự bất bình đẳng giữa các giai cấp trong xã
hội là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao các tư tưởng tôn giáo –
11
triết học ấn Độ cổ đại bàn nhiều về nhân sinh quan: quan niệm về con người,
đời người; về sự sinh thành, tồn tại, phát triển của con người; về lẽ sống -
chết; về quan niệm sống và mục đích sống của mỗi người.
Giống như hầu hết các trường phái triết học lúc ấy, mục đích chính của
nhân sinh quan Phật giáo là tìm ra con đường giải thoát, lên cõi “Niết bàn”.
Giải thoát là phạm trù trung tâm, là hạt nhân của các trường phái triết học Ấn
Độ cổ đại. Tư tưởng giải thoát có mầm mống từ kinh Vêda. Tuy nhiên, thời
kỳ đầu tư tưởng giải thoát chưa thật rõ rệt trong Vêda bởi con người còn đang
lệ thuộc vào tự nhiên, các khúc ca trong kinh Veda đã gữi gắm ước vọng của
người dân vào sự giúp đỡ của thần linh bằng cầu xin, tế lễ. Cuối thời kỳ Veda,
tư tưởng giải thoát hoàn thiện hơn trong kinh Upanisad (bộ phận cuối cùng
của kinh Vêda), Upanisad cho rằng linh hồn vũ trụ tối cao (Brahman), là thực
thể có trước, tồn tại vĩnh viễn và từ đó mà sinh ra vạn vật, đồng nhất với linh
hồn cá nhân (Atman) tồn tại trong mỗi con người, nhưng con người không
nhận thấy được. Upanisad còn cho rằng, linh hồn cá nhân tồn tại trong vỏ bọc
thể xác, mà thể xác lại chứa đựng những ham muốn, dục vọng, nên đã gây
đau khổ cho linh hồn cá nhân. Linh hồn con người bị giam hãm vào các kiếp
sống khác nhau, gánh chịu hậu quả của kiếp sống trước, bị ràng buộc bởi thế
giới ảo ảnh nên không trở về với linh hồn vũ trụ. Giải thoát chính là giúp linh
hồn cá nhân vượt qua khỏi thế giới ảo ảnh, thoát khỏi vòng nghiệp báo luân
hồi để nhập vào bản thể tuyệt đối của linh hồn vũ trụ. Tư tưởng giải thoát
trong Upanisad mới chỉ là sự vươn lên của linh hồn cá nhân hợp nhất với linh
hồn vũ trụ tối cao. Tư tưởng giải thoát tiếp tục được phát triển trong các
trường phái triết học Ấn Độ. Triết học Samkhya đề cập tới nỗi đau vĩnh cửu
của các cá thể sinh ra từ sự phối kết hợp giữa tự nhiên (prakriti) và linh hồn
(purusha). Giải thoát theo họ là xóa bỏ vòng luân hồi, đưa cái tôi tâm lý, cái
tôi xã hội thoát khỏi thế giới sinh tử. Triết học Yoga tìm con đường giải thoát
bằng cách thực hành yoga (nguồn gốc của thiền), huỷ bỏ đam mê và sự quan
12
tâm tới thế giới bên ngoài mà đi sâu vào thực thể bên trong để đạt tới trạng
thái tinh thần trong sáng. Phái Mimansa cho rằng phải thực hiện nghiêm mọi
luật lệ, quy tắc, nghi thức của thánh kinh Veda và luật lệ của xã hội đẳng cấp
mới đạt tới giải thoát. Phái Vedanta đặc biệt chú trọng đến việc phát triển trí
tuệ để đạt tới giác ngộ, giải thoát. Đạo Jaina lại nghiêng về phép tu hành khổ
hạnh để giải thoát. Phật giáo đã kế thừa có chọn lọc các tư tưởng giải thoát
đó. Phật giáo phủ nhận Atman và Brahman, nhưng lại tiếp thu tư tưởng
nghiệp báo luân hồi của Upanisad. Phật giáo cho rằng, thế giới nằm trong
dòng chảy không ngừng nên vô thường vô ngã, song do mê muội, vô minh
không thấu hiểu điều này mà con người mắc vào cái ngã, và đắm chìm trong
dục vọng, để rồi phải gánh chịu những hậu quả đó ở kiếp sau trong vòng
nghiệp báo luân hồi. Vì vậy, theo Phật giáo phải giải thoát khỏi những u mê,
lầm lẫn đó thông qua con đường tu luyện tâm linh, trí tuệ và đạo đức. Phật đã
kế thừa các tư tưởng truyền thống của ấn Độ cổ đại (kinh Veda, kinh
Upanisad, đạo Bàlamôn…) và các trường phái triết học lúc bấy giờ
(Samkhya, Yoga, Mimansa, Vedanta, Jaina ) trên cơ sở đó sáng lập ra một
trường phái triết học mới, triết học vô thần, khuyên con người nhìn thẳng vào
nỗi khổ đau nhân thế và tìm con đường giải thoát từ sự nỗ lực của bản thân
mình.
Quan niệm nhân sinh của đức Phật mang tính nhân văn và tính biện
chứng sâu sắc, cốt lõi của nhân sinh quan Phật giáo là bàn về nỗi khổ, nguyên
nhân và con đường thoát khổ. Nội dung này tập trung trong thuyết “Tứ diệu
đế” (Cattari ariyasaccani): 1. Khổ đế: chân lý về nỗi khổ của chúng sinh; 2.
Tập đế (nhân đế): chân lý về nguyên nhân nỗi khổ; 3. Diệt đế: chân lý về sự
diệt trừ nỗi khổ; 4: Đạo đế: chân lý về con đường diệt trừ nỗi khổ. Sau khi
Phật tịch diệt, những nội dung này được tập hợp trong cuộc kết tập lần thứ
nhất, ghi lại trong bốn bộ chính: Trường A hàm, Trung A hàm, Tạp A hàm và
Tăng nhất A hàm.
13
Khoảng 100 năm sau, trong cuộc kết tập lần thứ hai, một số người đòi
hỏi phải sửa chữa, bổ sung, biên soạn lại kinh điển Phật giáo. Mâu thuẫn này
đã dẫn tới sự phân hoá giáo đoàn Phật giáo thành hai phái: Thượng tọa bộ
(Sthaviravada) và Đại chúng bộ (Mahasanghika). Các bộ phái Phật giáo sau
này được gọi là Phật giáo Tiểu thừa (Hinayana). Phật giáo Tiểu thừa (con
đường nhỏ): chủ trương bảo tồn giáo lý và phương pháp tu đạo mà Đức Thích
ca lúc đương thời thường thuyết giảng, chủ trương giác ngộ cho bản thân
mình. Phật giáo tiểu thừa chấp nhận về mặt lý thuyết có nhiều vị Phật, nhưng
chỉ thờ riêng một Đức Thích ca.
Đầu công nguyên, Phật giáo Đại thừa (Mahayana) ra đời, mầm mống là
từ Đại chúng bộ. Phật giáo Đại thừa (con đường lớn): chủ trương tự giác, tự
tha, không cố chấp vào kinh điển, giác ngộ cho mình đồng thời giác ngộ cho
người khác. Phật giáo Đại thừa không những thờ Đức Thích ca mà còn thờ cả
các Đức Phật khác, Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai: Đức A-di-đà, Bồ
tát Di Lặc và các vị Bồ tát khác.
Trong lịch sử, Phật giáo tuy ra đời ở Ấn Độ nhưng về sau này nó không
phải là tôn giáo chính thống. Không những thế, Phật giáo còn bị áp chế ở Ấn
Độ ngay từ cổ xưa. Song chính điều này đã làm cho Phật giáo truyền bá rộng
rãi ra các nước xung quanh. Sự truyền bá của Phật giáo theo hai hướng, một
xuống phía Nam và một lên phía Bắc. Hướng Bắc: truyền từ Ấn Độ tới vùng
Cadacxtan rồi truyền sang vùng Tân Cương và Tây Tạng của Trung Quốc.
Phật giáo từ đó lại truyền sang Mông Cổ và vào nội địa Trung Quốc, rồi sang
Triều Tiên và Nhật Bản. Hướng Bắc truyền cũng nhập vào Việt Nam từ
Trung Quốc. Hướng Nam: truyền từ Ấn Độ xuống Srilanca rồi từ đây truyền
sang Mianma, đến Thái Lan, Cămphuchia, Lào… và sang Việt Nam từ phía
Nam thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
14
1.1.2. Một số nội dung chủ yếu của nhân sinh quan Phật giáo
Phật giáo ra đời trong thời kỳ xã hội Ấn Độ đã xuất hiện rất nhiều hệ
phái tôn giáo – triết học, các hệ phái này đều dựa vào uy quyền của kinh Vê
da - Upanisad và kế thừa nội dung của nó. Phật giáo nói chung và nhân sinh
quan Phật giáo nói riêng cũng bị ảnh hưởng của Upanisad (một bộ phận quan
trọng trong kinh Vêda - bộ kinh cổ của người Ấn Độ). Nhân sinh quan Phật
giáo tiếp thu tư tưởng luân hồi, nghiệp, kiếp của Upanisad: mọi sự mất đi ở
chỗ này sẽ được sinh ở chỗ khác, quá trình thác sinh luân hồi này do nghiệp
chi phối theo nhân quả. Mục đích cuối cùng của Phật giáo là tìm ra con đường
để giải thoát, đưa chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi bất tận đó. Để thoát
khổ, để chứng được Niết bàn, theo Phật giáo, con người phải tu luyện, phải trì
giới, phải có thiện tâm Nhân sinh quan Phật giáo tập trung chủ yếu ở các nội
dung sau:
1.1.2.1. Quan niệm về con người và đời người
Nếu như triết học Mác cho rằng, con người bao gồm mặt sinh học và
mặt xã hội, trong đó mặt xã hội là yếu tố quyết định đến việc hình thành nhân
cách, bản chất con người, thì Phật giáo cho rằng, con người được tạo ra bởi
hai yếu tố sắc (vật chất) và danh (tinh thần). Theo Phật giáo, mọi động vật
được phân ra hai bậc thấp và cao. Bậc thấp là những loài được sinh ra hoàn
toàn chỉ bằng tính dục (như loài sâu bọ, loài lông vũ, loài lông mao). Bậc cao
là loài động vật không chỉ đơn thuần được sinh ra bằng tính dục, mà còn bằng
tình yêu, bằng mối liên hệ tình cảm có tính người, giữa con người với nhau.
Con người vì thế chính là động vật cao cấp nhất. Mỗi cá thể người này được
cấu thành bởi hai yếu tố là Sắc và Danh. Sắc gồm có: Địa (đất); Thuỷ (nước);
Hoả (nhiệt độ trong con người); Phong (không khí, hơi trong cơ thể); Không
(khoảng trống trong cơ thể). Danh chính là ý thức, tinh thần của con người,
yếu tố này là những dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa con người với các động
15
vật khác. Mỗi cá thể người liên hệ, nhận biết thế giới bên ngoài bởi sự kết hợp
giữa lục căn và lục cảnh. Lục căn gồm: Nhãn (mắt), Nhĩ (tai), Tỵ (mũi), Thiệt
(lưỡi), Xúc (da), Ý thức. Lục cảnh gồm: màu sắc, âm thanh, hương, vị, các
cảm giác, các pháp (danh vọng, địa vị).
Bản chất con người theo Phật giáo, là một tích hợp của nhân duyên do
tinh cha, huyết mẹ cộng với dòng nghiệp thức. Nếu có đầy đủ các nhân duyên
mà thiếu vắng dòng nghiệp thức thì con người không thể hình thành như một
sinh vật biết tư duy, có tri giác, biết sáng tạo và có trái tim yêu thương…
Nghiệp chính là tư duy và hành động của chính mỗi con người. Con người
trên trần thế, đã tạo nghiệp (nhân) thì phải gánh chịu nghiệp (quả) đó.
Theo Phật giáo, mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới nằm trong dòng
chảy không ngừng nghỉ. Thế gian là vô thường nên cuộc đời vô ngã. Phật
giáo phủ nhận linh hồn cá nhân (Atman) và thuyết linh hồn vĩnh cửu của
Upanisad khi cho rằng không có một cái ngã thường hằng, ổn định, mọi cái
trên thế gian chỉ là phù du, ảo ảnh, nằm trong sự biến đổi không cùng của đời
sống. Trong khi, con người luôn khao khát một sự thường hằng, cố tìm mọi
cách thoả mãn những dục vọng tầm thường. Đau khổ nảy sinh chính từ mâu
thuẫn của lòng khao khát về cái vô hạn, trường cửu trong khi dời người lại
hữu hạn.
Nội dung chủ yếu và là cái cốt lõi trong nhân sinh quan Phật giáo nằm
trong Tứ diệu đế – Bốn chân lý kỳ diệu.
Một, Khổ đế - Dukkha Satya - lý luận về cái khổ, về những nỗi khổ
của con người, của đời người.
Trong nội dung này, Phật giáo khẳng định rằng, cuộc đời con người là
bể khổ, tồn tại đã là khổ. Phật giáo cho rằng, khổ đau là do con người luôn
tham ái. Phật giáo có nhiều cách phân loại khổ: nhị khổ, tam khổ, tứ khổ, ngũ
khổ, bát khổ…
16
Nhị khổ gồm:
1. Nội khổ: 404 loại bệnh tật là thân khổ; buồn phiền ghen ghét làm tâm khổ.
2. Ngoại khổ: một là: bị giặc ác, hổ lang làm hại; hai là: gặp tai nạn,
mưa gió nóng lạnh.
Tam khổ gồm:
1. Khổ khổ: là nỗi khổ do nóng lạnh, đói khát sinh ra.
2. Hoại khổ: trong cảnh vui nhưng đến lúc tàn hoại thì sinh ra khổ.
3. Hành khổ: là nỗi khổ của hết thảy các pháp hữu vi, vô thường biến động.
Tứ khổ đó là: sinh, lão, bệnh, tử.
Ngũ khổ gồm:
1. Nỗi khổ do sinh, lão, bệnh, tử (hợp bốn khổ thành một khổ).
2. Nỗi khổ do yêu nhau mà phải xa nhau (ái biệt ly khổ).
3. Nỗi khổ vì phải gần gũi với người mà mình oán ghét (oán tăng hội khổ).
4. Nỗi khổ do cầu mà không được (cầu bất đắc khổ).
5. Thân và tâm phải chịu hết những nỗi khổ trong quá trình sinh trưởng
(Ngũ ấm thịnh khổ. Ngũ ấm là tổng thể thân và tâm.)
Bát khổ gồm:
1. Sinh; 2. Lóo; 3. Bệnh 4. Tử; 5. Ái biệt ly khổ - tức xa cách người
thân yêu; 6. Cầu bất đắc khổ - tức muốn mà không được; 7. Oán tăng hội khổ
- tức gặp phải cái oán ghét; 8. Ngũ thụ uẩn khổ - tức chấp vào ngũ uẩn: sắc,
tưởng, thụ, hành, thức và bị nó nung nấu.
Cái khổ của mà Phật giáo muốn đề cập còn bao hàm chỉ sự không hoàn
thiện, vô thường, xung đột, trống rỗng, không bản chất. Chữ Dukkha thực ra
được cấu tạo bởi hai từ “Du” là “khó” và “kha” là “chịu”. Và Dukkha nghĩa là
khó chịu, bứt dứt, dày vò, đau đớn, buồn phiền… Phật giáo cho rằng, cái làm
cho tâm buồn phiền gọi là khổ. Dukkha còn được hiểu như trạng thái bị quy
định. Con người bị quy định, ràng buộc bởi sắc (vật chất), thụ (tình cảm),
17
tưởng (trí), hành và thức. Các yếu tố ấy là vô thường, sự kết hợp của cái vô
thường lại càng vô thường. Bởi vậy, ngũ uẩn là khổ, con người, cuộc đời con
người là khổ. Sự hình thành con người suy cho cùng cũng chỉ là giả hợp của
ngũ uẩn. Nội dung của khổ đế cũng không hoàn toàn bi quan, yếm thế, Dukkha
cũng hàm chứa cả đau khổ và hạnh phúc. Trong kinh Tăng nhất A hàm đã phân
chia hai loại hạnh phúc: hạnh phúc của người bình thường và hạnh phúc của cư sĩ,
hạnh phúc của thân và tâm, hạnh phúc đời thường và hạnh phúc giải thoát. Tuy
nhiên, nếu con người cứ bám víu lấy vào những khoái lạc, nhục dục giả tạm thì
con người sẽ khổ. Con người chỉ tìm thấy hạnh phúc ở sự giải thoát, khi đó con
người sẽ đạt được hạnh phúc thực sự, được tự do vĩnh cửu nơi nội tâm chứ không
phải ở tiền bạc, của cải hay danh vọng.
Hai, Tập đế - Sammudaya Satya - sự phát sinh hoặc nguồn gốc của khổ.
Cuộc đời là khổ, nguyên nhân sâu xa của khổ là gì? Nguyên nhân của
khổ có nhiều, trước hết là do tồn tại dục vọng. Dục vọng không phải là
nguyên nhân đầu tiên và cũng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến
Dukkha. Nó chỉ là nguyên nhân trực tiếp dễ thấy, là nguyên nhân phổ biến
nhất. Nguyên nhân trực tiếp là do tồn tại dục vọng, nhưng nguyên nhân cơ
bản, then chốt nhất là vô minh - ý tưởng sai lạc về sự tồn tại của một cái ngã
làm trung tâm, sự vật trong thế giới chỉ là ảo giả nhưng cứ tưởng là thật rồi
triền miên trong cảnh luân hồi, từ đó mà nảy sinh dục vọng. Phật giáo cụ thể
hoá nỗi khổ mà chúng sinh gặp phải trong thập nhị nhân duyên - mười hai
nhân duyên, nó mô tả cuộc sống qua những thời kỳ, kế tiếp nhau của cuộc
đời. 1. Vô minh: tức là không sáng suốt, không nhận thức được thế giới, sự
vật, hiện tượng đều là giả, là ảo mà cứ cho đó là thực; 2. Duyên hành: hành là
hoạt động của ý thức, sự dao động của tâm, của khuynh hướng, và đã có
manh nha của nghiệp; 3. Duyên thức: tâm thức từ chỗ trong sáng, cân bằng
trở nên ô nhiễm, mất cân bằng. Cái tâm thức đó tuỳ theo nghiệp mà tìm đến
18
các nhân duyên khác để hiện hình, thành một cuộc đời khác; 4. Duyên thanh –
sắc: là sự hội họp của các yếu tố vật chất và tinh thần. Đối với loài hữu hình,
sự phối hợp của Danh và Sắc sinh ra Lục căn, tức cơ quan cảm giác (mắt,
mũi, tai, lưỡi, thân thể và ý thức); 5. Duyên lục nhập: là quá trình tiếp xúc với
thế giới khách quan xung quanh. Lục căn tiếp xúc với Lục trần (thanh, sắc,
hương, vị, xúc, pháp); 6. Duyên xúc: là sự tiếp xúc, phối hợp giữa lục căn, lục
trần và thức; 7. Duyên thụ: thụ là cảm giác, cảm giác do tiếp xúc mà nảy sinh
ra yêu – ghét, buồn – vui…; 8. Duyên ái: ái là yêu thích, ở đây chỉ sự nảy sinh
dục vọng; 9. Duyên thủ: có “ái” rồi thì có thủ, tức là đã yêu thích rồi thì muốn
giữ lấy, chiếm lấy; 10. Duyên hữu: tiến tới xác định chủ thể chiếm hữu (cái
ta) thì phải tồn tại (hữu), tức đã có hành động tạo nghiệp; 11. Duyên sinh: đã
có tạo nghiệp (hữu), tức là có nghiệp nhân thì ắt có nghiệp quả, tức là phải có
sự sinh sôi; 12. Duyên lão – tử: đã có sinh ắt có già và chết.
Trước Phật giáo, trong Upanisad đã đề cập tới vô minh – một trạng thái
mê lầm, không thấy được sự đồng nhất giữa tiểu ngã Atman và đại ngã
Brahman, gắng tìm một cái ngã cá nhân biệt lập với cái đại ngã dẫn tới vô
minh. Tới Phật giáo, vô minh mang ý nghĩa của sự mê lầm, không sáng suốt,
lẫn lộn thật giả, thực hư, không hiểu lẽ vô thường, vô ngã và tứ diệu đế. Vô
minh chính là nguyên nhân của dục, dục là nguyên nhân của Dukkha. Hợp cả
vô minh và dục vọng sẽ tạo thành ý chí sinh tồn mù quáng, cái động lực căn
bản thúc đẩy con người tái sinh qua các kiếp luân hồi, để rồi gánh chịu sự trầm
luân không cùng của nghiệp báo. Mười hai nhân duyên, đó là sự sinh, sự hoá
ra cái khổ. Mười hai cái nhân, cái nọ làm duyên (tạo quan hệ với nhau và vì
nhau) cho cái kia mà thành ra vạn vật trên thế gian này. Mười hai nhân duyên
sẽ tạo thành một vòng tròn, và như vậy sẽ không còn cái gì là nguyên nhân
đầu tiên nữa. Vòng tròn này chính là vòng nghiệp báo luân hồi. Đây là một
quan niệm biện chứng, nó phản ánh quá trình vận động, diễn tiến của quá trình
vũ trụ theo quan hệ nhân – quả. Theo đó, sự sướng - khổ ở mỗi con người
19
không hoàn toàn giống nhau, mỗi con người có một cảnh sướng khổ riêng. Bởi
theo triết lý nhân quả tương tục, mọi hành động của mỗi người tạo thành kết
quả về sau. Những kết quả do hành động của con người gây ra đó gọi là nghiệp
báo. Nếu tạo nghiệp thiện, con người sẽ được hưởng hạnh phúc và ngược lại.
Đã mang cái nghiệp vào thân, thì chỉ có ở chủ quan lòng ta, tâm ta quyết định
cuộc đời ta.
Ba là, Diệt đế - Nirodha Satya - Lý luận về giải thoát
Phật quan niệm sống trên đời là khổ, “nước mắt chúng sinh nhiều hơn
nước biển”, nhưng Phật cũng khẳng định con người có thể giải thoát khỏi đau
khổ, khỏi tính liên tục của Dukkha. Trong mười hai nhân duyên của Phật
giáo, cái này là kết quả của cái trước nhưng là nguyên nhân của cái sau, có cái
này nên có cái kia, cái này hết nên cái kia cũng hết. Từ đó, Phật giáo chỉ ra
con đường để giải thoát khỏi đau khổ, khỏi tính liên tục của Dukkha bằng
cách chặt đứt một mắt xích trong chuỗi xích mười hai nhân duyên, lấy đó làm
đầu mối để gỡ các nhân duyên khác. Vậy, khi tìm ra được nguyên nhân của
đau khổ, người ta sẽ tìm ra con đường để diệt trừ nó. Mắt xích quan trọng
nhất để loại trừ Dukkha là diệt trừ vô minh. Diệt trừ vô minh sẽ làm dịu lắng
tất cả những dục vọng, những ham muốn của con người, theo đó, các nguyên
nhân dẫn đến Dukkha cũng sẽ bị trừ khử. Như vậy, nhân loại có thể thoát khổ,
tiến đến giải thoát, đạt được sự an lạc, thanh tịnh, tự do tuyệt đối, tức giác
ngộ, chứng được Niết bàn – trạng thái hoàn toàn sáng suốt, yên tĩnh, chấm dứt
sinh tử, luân hồi. Sau khi khẳng định con người có thể thoát khổ, lên cõi Niết
bàn, Phật giáo đã đưa ra cách thức để đạt được điều này, cách thức đó nằm
trong tứ thứ tư, đạo đế.
Bốn, Đạo đế - Marga Satya - Lý luận về con đường dẫn đến sự chấm dứt của
khổ
Mục đích cuối cùng của các trường phái tôn giáo - triết học Ấn Độ cổ
đại là giải thoát, nhưng ở mỗi trường phái con đường để đạt đến giải thoát lại
20
khác nhau. Thời kỳ này, ở cơ bản có hai quan niệm trái ngược nhau là: 1. Con
đường tu khổ hạnh, ép xác (tiêu biểu là đạo Jaina); 2: con đường hưởng thụ
mọi khoái lạc vật chất (tiêu biểu là phái Lokayata). Phật đã từng sống cuộc
đời vương giả, giàu sang, phú quý; từng lấy vợ và đã có một người con,
nhưng ông đã sớm nhận thấy sự sung túc về của cải, vật chất, những dục vọng
đời thường chỉ là mong manh, giả tạm, nó sẽ càng khiến con người thêm đau
khổ. Phật đã từ bỏ cuộc sống đó và tìm đến con đường tu hành khổ hạnh để
mong giải thoát khỏi nỗi khổ đau trần tục. Ban đầu, Phật cũng chọn cách ngồi
tu khổ hạnh, giữ giới nhịn ăn, nhịn mặc, không tiếp xúc với ai. Tu trong vòng
6 năm vẫn không đắc đạo. Phật nhận thấy, một cơ thể gầy gò, bạc nhược sẽ
không thể mưu cầu giải thoát tâm linh được. Phật nhận thấy rằng, tu hành khổ
hạnh cũng không phải con đường dẫn tới giải thoát. Phật bèn chọn con đường
tu độc lập – con đường Trung đạo, một phương tiện độc đáo mà sau này trở
thành một trong những đặc điểm của giáo lý Đạo Phật. Nghĩa là tu theo con
đường giữa, vẫn ăn uống bình thường, không say mê việc đời mà vẫn không
khắc khổ hại thân. Và sau 49 ngày đêm, ngồi tu dưới gốc cây pippala (cây Bồ
đề), suy nghĩ nguyên nhân về sự khổ của chúng sinh, nguyên nhân sự biến
hoá vô thường trong thế gian, Phật đã đắc đạo, đã tìm ra con đường để thoát
khỏi vòng sinh tử, luân hồi.
Vậy, con đường mà Phật giáo chỉ ra không phải là tu luyện khổ hạnh,
cũng không phải chìm đắm trong tửu sắc thấp hèn. Do bản thân mình đã trải
qua cả hai thái cực đó, bằng thể nghiệm bản thân, Phật nhận thấy hai trạng
thái cực đoan này đều không có ích lợi gì, ông cho rằng, để diệt dục vọng, xoá
bỏ vô minh, giác ngộ và giải thoát phải tìm con đường nằm ở giữa hai con
đường ấy. Tức là con đường tu luyện đạo đức theo giới luật (sila), tu luyện tri
thức (jâna), trí tuệ bằng thực nghiệm tâm linh, trực giác, đó là thực hành Bát
chính đạo. Bát chính đạo (Tám con đường chân chính) gồm: 1. Chính kiến –
hiểu biết đúng đắn, am tường tứ diệu đế, hiểu được thực tướng của vạn vật và
21
thực tướng của bản thân mình; 2. Chính tư duy – tư duy đúng đắn, không
tham, sân, si, nhằm đạt tới chân lý và giác ngộ; 3. Chính ngữ - lời nói chân
chính, không nói những điều giả dối, ác độc, xấu xa, vu khống, không nói lời
thêu dệt, nhục mạ người khác; 4. Chính nghiệp – hành động đúng đắn, không
làm việc gian ác; 5. Chính mệnh – sống nhân nghĩa, trung thực, chính trực,
không tham lam, vụ lợi; 6. Chính tinh tiến – nỗ lực, sáng suốt, vươn lên một
cách đúng đắn; 7. Chính niệm – luôn tâm niệm về đạo lý chân chính, đến điều
tốt, không nghĩ về những điều xấu xa; 8. Chính định – kiên định, tập trung tư
tưởng vào chân lý, đạo lý chân chính, đạt tới giác ngộ.
Trong suốt bốn mươi lăm năm giảng đạo của mình, dù thời điểm khác
nhau, đối tượng nghe khác nhau và bằng nhiều hình thức khác nhau những
những thực chất những lời giảng của đức Phật cũng đều nằm trong nội dung
của bát chính đạo.
1.1.2.2. Quan niệm về giải thoát
Dù cuộc đời chứa đựng đau khổ, nhưng con người không được ủ ê, sầu
não mà cần tìm cách thoát khổ. Phật giáo chủ trương cứu khổ, vấn đề “diệt
khổ” cho con người là vấn đề trọng tâm, cơ bản của đạo Phật. Giải thoát khỏi
cái khổ, tức dẫn dắt con người đến cái vui chân thật, thanh tịnh, cái vui mà về
tính chất khác hẳn cái lạc thú, hư giả của thế gian.
Cũng giống như các tôn giáo – triết học thời kỳ đó Phật giáo cũng đưa
ra tư tưởng về giải thoát. Tuy nhiên, người sáng lập ra đạo Phật đã đưa ra một
tuyên ngôn độc đáo “Nước ngoài biển khơi chỉ có một vị mặn, đạo của ta
cũng chỉ có một vị là vị giải thoát”. Tư tưởng giải thoát của Phật giáo có mặt
tích cực, bởi nó hướng tới sự bình đẳng. Đức Phật từng nói: Ta là Phật đã
thành và chúng sinh là Phật sẽ thành. Nghĩa là triết lý của đạo Phật không
phân biệt sang hèn, kẻ trí người ngu, tất cả chúng sinh đều có thể tu tập và có
khả năng tự giải thoát khỏi mọi khổ đau, sầu não. Phật giáo không đặt niềm
22
tin vào cầu nguỵên, van xin, tế lễ mà đặt ở chính con người. Mọi khổ đau và
hạnh phúc của con người đều do con người tự gây ra và cũng có thể tự giải
quyết. Luật nhân quả trong Phật giáo chỉ rõ: con người là kết quả của chính
bản thân mình chứ không phải của đấng sáng tạo. Mầm sống được tạo bởi sự
kết hợp của tinh cha, huyết mẹ và năng lượng của nghiệp đã được tích luỹ từ
đời sống trước. Hạnh phúc hay đau khổ, thiên đường hay địa ngục do bản
thân mỗi người quyết định, không thể đổ lỗi cho số mệnh. Bát chính đạo mà
Phật giáo đưa ra là con đường tự lực chứ không phải tha lực. Lời nhắc nhở
của Phật “hãy tự thắp đuốc mà đi” đã tiếp thêm sức mạnh để con người đối
mặt với cảnh sống đau khổ, bất hạnh.
Vấn đề giải thoát khỏi đau khổ cho con người ở thế giới này là mục
đích cuối cùng của đạo Phật, đó cũng là vấn đề cơ bản nhất được thể hiện nhất
quán trong giáo lý Phật giáo. Sự giải thoát theo đạo Phật nhằm phá tâm, diệt
trừ dục vọng, bởi nguồn gốc của mọi đau khổ, theo Phật giáo chủ yếu là do
lòng ham muốn của chính con người và do cái tâm của con người không chịu
an phận. Phật giáo cho rằng, hạnh phúc của người bình thường là những khoái
lạc nhục dục, ham muốn vật chất đó chỉ là giả tạm, nếu cứ bám víu vào nó thì
con người sẽ khổ. Hạnh phúc thực sự chính là hạnh phúc của sự tự do vĩnh
cửu nơi nội tâm, không phải ở tiền bạc, của cải hay danh vọng. Thực tế cho
thấy, vì không làm chủ được bản thân, không có niềm tin nơi bản thân mình
nên con người luôn cảm thấy bất an, ngay cả khi có cuộc sống vật chất đủ
đầy. Bởi thế, Phật hướng niềm tin của con người vào chính bản thân mình.
Phật không đặt niềm tin vào cầu nguyên, van xin, tế lễ mà đặt nơi con người.
Mọi khổ đau và hạnh phúc của con người đều do chính bản thân con người,
con người tạo nghiệp nhưng con người cũng có thể đổi hướng của nghiệp.
Đức Phật không khuyên mọi người phải chối bỏ cuộc sống, từ bỏ phàm trần,
sống cô độc mà mỗi người đều có một căn duyên khác nhau, nên có thể lựa
chọn một cách sống riêng phù hợp. Tuy nhiên, chọn cách sống nào cũng cần
23
xuất phát từ thiện tâm, bởi họ phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình.
Nếu tạo nghiệp thiện, con người sẽ được hưởng hạnh phúc về sau và ngược
lại.
Phật giáo cho rằng, thế giới nằm trong dòng trôi chảy không ngừng nên
thế giới là vô thường, vô ngã. Song do vô minh, nên con người không hiểu
điều đó. Con người mắc vào một cái ngã để rồi suốt cuộc đời theo đuổi cái
dục vọng không có thực mà sinh ra đau khổ. Vì vậy, con người cần phải thoát
ra khỏi những u mê, lầm lẫn đó bằng cách tu luyện tâm linh, trí tuệ và đạo
đức. Theo đạo Phật, giải thoát là vượt lên khỏi sự ràng buộc của thế giới hiện
tượng, dập tắt dục vọng, xoá bỏ vô minh, chấm dứt sinh tử, luân hồi tức là đạt
được trạng thái tối cao là nhập Niết Bàn. Bát chính đạo chính là phương thức
thực hành để diệt trừ khổ đau, giải thoát con người khỏi vô minh, ái dục. Niết
Bàn - một trạng thái tâm linh thanh tịnh, an lạc, bất sinh bất diệt, tự do tự tại.
Đây là điểm đích cuối cùng, và chỉ những ai tu thành chính quả mới có được.
Như vậy, để đạt tới cõi niết bàn, bên cạnh việc tu luyện về trí tuệ con
người cũng cần có đạo đức. Ngay cả Tuệ trong Phật giáo cũng hàm chứa những
yếu tố đạo đức (tư tưởng đúng đắn là tư tưởng không tham, sân, si) và trong việc
tu luyện để đạt tới giải thoát, Phật giáo rất coi trọng việc tu luyện về đạo đức.
1.1.2.3. Quan niệm về đạo đức
Phật giáo chỉ cho con người nhận biết nguyên nhân của nỗi khổ và đưa ra
con đường giải thoát khỏi đau khổ, xuất phát từ tinh thần đại từ, đại bi đó, những
giáo thuyết mà Phật giáo đưa ra đã có tác dụng tích cực đến việc tu dưỡng đạo
đức. Chình vì vậy, có thể nói đạo Phật là một tôn giáo từ bi, một hệ thống lý luận
có tính nhân văn, nhân bản cao cả.
Trọng tâm của đạo đức Phật giáo nằm trong Đạo đế – con đường đúng
đắn để mỗi người tự giác đạt tới giải thoát. Đạo đế (đế thứ tư trong Tứ diệu
đế), chính là bát chính đạo, gồm tám con đường, nếu làm theo nó, chúng sinh