Tải bản đầy đủ (.pdf) (100 trang)

Chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm trong nhận thức luận của I. Cantơ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.81 MB, 100 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN








LUẬN VĂN THẠC SĨ




Chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm trong nhận
thức luận của I. Cantơ


CHUYÊN NGÀNH : TRIẾT HỌC
MÃ SỐ : 60. 22 .80



NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC : TS. NGUYỄN ĐÌNH TƯỜNG
NGƯỜI THỰC HIỆN : KHUẤT DUY DŨNG
















HÀ NỘI, 2006


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ………………………………………………………………………1
Ch-¬ng 1
Sù ra ®êi cña chñ nghÜa duy t©m tiªn nghiÖm ……………17
1.1. Đời sống văn hoá tinh thần Tây Âu Cận đại…………………………………………… 17
1.2. Những vấn đề của triết học Tây Âu Cận đại…………………………………………… 26
1.2.1. Lưỡng đề của lý tính…………………………………………………………………… 26
1.2.2. I.Cantơ với lưỡng đề của lý tính…………………………………………………………34
CHƯƠNG 2
BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA DUY TÂM TIÊN NGHIỆM TRONG
NHẬN THỨC LUẬN CỦA I.CANTƠ …………………………………… . 44
2.1. Một số vấn đề và khái niệm liên quan. …………………………………………….44
2.2. Đối tượng của nhận thức…………………………………………………………………45
2.3. Những điều kiện nhận thức luận……………………………………54
2.3.1. Không gian và thời gian………………………………………… 54
2.3.2. Các phạm trù giác tính……………………………………………64

2.3.2.1. Nguồn gốc các phạm trù giác tính…………………………… 66
2.3.2.2. Tính khách quan và vai trò của phạm trù giác tính……… ….72
2.3.3. Tự ý thức tiên nghiệm…………………………………………… 79
Kết luận
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO




1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài.
Triết học duy tâm Cổ điển Đức là một giai đoạn đặc biệt của lịch sử triết
học. Tính chất đặc biệt ấy thể hiện ở sự xuyên suốt của hệ vấn đề được đặt ra,
ở phương thức giải quyết và thành quả mà nền triết học ấy đạt được. Bất chấp
sự khác biệt giữa họ, các triết gia duy tâm Cổ điển Đức vẫn thống nhất với
nhau ở một điểm: xu hướng tiến bộ ngày càng rõ trong khoa học, trong xã hội
đã được họ tái hiện về mặt triết học dưới dạng những phân tích về tiềm năng
tích cực, tính sáng tạo của chủ thể (với tư cách loài) hoặc một năng lực của
chủ thể (ý thức tiên nghiệm, lý tưởng đạo đức, tư duy khoa học, v.v ). Các
triết gia Cổ điển Đức sở dĩ là những nhà duy tâm vì họ đã phân tích những
tiến bộ trong khoa học, trong xã hội, đánh giá những điều kiện, cơ chế, dấu
hiệu của chúng dưới hình thức lộn ngược. Có thể nói, phép biện chứng và chủ
nghĩa duy tâm là hai đặc trưng xuyên suốt của triết học Cổ điển Đức.
Trên cả hai phương diện ấy, I.Cantơ đều xứng đáng được tôn vinh là
người sáng lập. Ở khía cạnh thứ nhất, công lao quan trọng của I.Cantơ là đã
nêu lại phép biện chứng mà các nhà siêu hình thế kỷ XVII - XVIII đã đưa vào
lãng quên, đã làm cho phép biện chứng thoát khỏi “cái vẻ bề ngoài độc đoán”,
khiến cho nó không còn là một thứ nghệ thuật hùng biện, một thứ triết lý hão
huyền nữa. Ông đã sáng tạo ra một hình thức mới của phép biện chứng - phép

biện chứng tiên nghiệm. Ở khía cạnh thứ hai, I.Cantơ đã sáng tạo ra chủ nghĩa
duy tâm tiên nghiệm. Nói một cách chính xác, đó là dạng chủ nghĩa duy tâm
chủ quan đặc biệt. Khác với Hium, I.Cantơ không phủ nhận thực tại khách
quan dù ông cũng phê phán phương pháp quy nạp, cũng phủ nhận tính chất
khách quan của sự nối kết các ấn tượng bên trong và cũng thừa nhận thế giới
tự nó là không thể nhận thức. Khác với Béccơli, I.Cantơ không cho rằng bản

2
chất của thế giới là phức hợp các tri giác; ông không dành cho tri giác cái vai
trò bản thể luận. Chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm của I.Cantơ là chủ nghĩa duy
tâm chủ quan trong nhận thức luận, là một học thuyết được xây dựng như là
con đường trung gian giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, giữa
khuynh hướng duy lý và kinh nghiệm, giữa hoài nghi luận và chủ nghĩa tự
nhiên khoa học.
Được xây dựng với định hướng như vậy cho nên, ngay từ khi xuất hiện,
chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm đã phải hứng chịu sự phê phán cả từ phía tả và
phía hữu. Nếu như sự phê phán triệt để nhất đối với chủ nghĩa duy tâm tiên
nghiệm từ lập trường duy tâm đã được thực hiện trong triết học Hêghen thì,
cùng với việc khắc phục chủ nghĩa Hêghen, chủ nghĩa duy vật biện chứng đã
đưa ra những đánh giá khoa học nhất đối với học thuyết ấy.
Dẫu vậy, thực tế cho thấy là triết học phương Tây hiện đại (từ đây gọi tắt
là triết học hiện đại) vẫn không ngừng quay lại với chủ nghĩa duy tâm tiên
nghiệm, dù để viện dẫn hay phê phán. Lý do không hẳn vì tính chất phức tạp,
mâu thuẫn trong những luận điểm của I.Cantơ, cũng không hẳn do những
đánh giá trước đây chưa thấu đáo. Một trong những nguyên nhân quan trọng
của sự quay trở lại ấy là khả năng gợi mở, là ý nghĩa thời sự của chủ nghĩa
duy tâm tiên nghiệm khi được quy chiếu vào đời sống hiện đại. Vai trò của
tính chủ thể, chẳng hạn, là một vấn đề mà triết học hiện đại thường tìm về
những luận điểm khai phá của I.Cantơ như là luận cứ lịch sử. Triết học Mác -
Lênin đã lý giải một cách khoa học vai trò của yếu tố chủ quan, của chủ thể

trong thực tiễn. Song triết học hiện đại không thoả mãn với chủ thể với tư
cách loài; vấn đề được quan tâm không chỉ là vai trò của chủ thể trong hoạt
động nhận thức, trong cải tạo xã hội. Các triết gia hiện đại muốn đi sâu mô tả,
phân tích những yếu tố cấu thành của tính chủ thể, của tồn tại người; đánh giá
vai trò của nó trong lĩnh vực giá trị, đạo đức, ngôn ngữ và văn hoá nói chung.

3
Trong chừng mực nhất định, dường như I.Cantơ đã đặt ra những vấn đề tương
tự khi luận chứng cho khả năng của chủ thể trong việc kiến tạo những biểu
tượng, sử dụng những cấu trúc tiên nghiệm của tinh thần để thống nhất những
dữ liệu đa tạp và từ đó xây dựng cho mình hình ảnh về thế giới bên ngoài. Dĩ
nhiên, dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, không ai còn lý giải điều đó theo
nghĩa rằng I.Cantơ đã dành cho tinh thần vai trò bản thể luận. Điều mà triết
học hiện đại tìm được sự đồng điệu ở chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm là những
ý tưởng về vai trò của chủ thể trong việc thế giới được đem lại cho anh ta, bộc
lộ trước anh ta như thế nào; cái gì quy định thế giới được đánh giá như thế
này hay thế khác bởi chủ thể xác định. Thế giới tồn tại khách quan - điều ấy
không còn cần phải bàn cãi. Vấn đề quan trọng hơn là thế giới ấy tồn tại với
nghĩa như thế nào và chủ thể có vai trò gì trong việc thế giới được đem lại
như anh ta quan niệm.
Với tư cách là sự phản tư của thời đại, mà trước hết là sự phản tư đối với
khoa học, triết học hiện đại và chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm cũng có những
điểm tương đồng. Chúng ta biết rằng, khi luận chứng cho vai trò của tri thức
khoa học, I.Cantơ đã phân biệt giữa lĩnh vực mà tri thức khoa học có thể đạt
tới - hiện tượng - với lĩnh vực mà cách tiếp cận của khoa học bất khả - vật tự
thân. Một kết quả của sự luận chứng này là việc thừa nhận sự bất lực của siêu
hình học truyền thống - thứ siêu hình học sử dụng cách tiếp cận của khoa học
tự nhiên - trước vật tự thân. Triết học hiện đại, khi thực hiện sự phản tư đối
với lý tính hiện đại, đã đi đến yêu cầu xác định tính đặc thù của triết học với
tư cách một lĩnh vực tri thức nhân văn trong sự phân biệt với tri thức khoa học

nói chung. Vấn đề ở đây không phải là sự phủ nhận vai trò của khoa học mà
là yêu cầu giới hạn nó. Tri thức triết học được phân biệt với tri thức khoa học
không phải bởi nó giành lấy một lĩnh vực đối tượng nghiên cứu cho riêng
mình mà bởi cách tiếp cận riêng, bởi nhãn quan riêng. Khác với khoa học,

4
triết học khi đánh giá thế thế giới, trong đó có tồn tại người, không giả định
sự vắng mặt của yếu tố chủ quan (trong khi đó, yêu cầu trừu tượng hoá yếu tố
chủ quan là bắt buộc trong nghiên cứu khoa học). Đặc biệt là, nó không đặt ý
thức, tồn tại người như một đối tượng ngang hàng với những đối tượng khác
của thế giới. Ý thức, tồn tại người được xét như một đối tượng đặc biệt mà vai
trò của nó thể hiện ở sự tất yếu để lại dấu ấn trong việc thế giới được đem lại,
có nghĩa như thế nào với con người. Trong khi luận chứng cho yêu cầu này,
rất nhiều triết gia hiện đại đã tìm về với chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm.
Như vậy, chỉ xét riêng lịch sử triết học phương Tây từ I.Cantơ đến nay,
chỉ xét riêng một số nội dung của lịch sử ấy, chúng ta cũng thấy chủ nghĩa
duy tâm tiên nghiệm vẫn là một đề tài thu hút được nhiều sự quan tâm. Lịch
sử triết học cũng chính là triết học. Cho nên, để hiểu phần nào triết học
phương Tây hiện đại, cũng có nghĩa là để hiểu được phần nào đời sống tinh
thần của phương Tây hiện đại, việc nghiên cứu chủ nghĩa duy tâm tiên
nghiệm là cần thiết.
Vả lại, chủ nghĩa duy tâm nói chung không phải là kết quả của những trí
tuệ kém phát triển, không phải là một thứ bướu thừa trên cái cây nhận thức
mà người ta có thể cắt bỏ đi một cách giản đơn. Sự cần thiết phải nghiên cứu
các hình thức của nó xuất phát chính yêu cầu xây dựng và phát triển quan
điểm duy vật khoa học. Sở dĩ có yêu cầu đó bởi lẽ, một mặt, chủ nghĩa duy
tâm “không phải là không có cơ sở” [14, tr. 386], mặt khác, nhiều vấn đề mà
nó đặt ra có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của triết học nói chung. Trong
chừng mực như vậy, quan điểm đó có thể được coi là một thứ “chủ nghĩa duy
tâm thông minh”. Theo nghĩa như vậy, chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm cũng

có thể được xem như một thứ chủ nghĩa duy tâm thông minh. Nghiên cứu một
quan điểm như vậy là yêu cầu nội tại của chủ nghĩa duy vật khoa học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài.

5
Ngay từ khi mới xuất hiện, chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm đã trở thành
tiêu điểm của những cuộc tranh giành về tư tưởng.Trong khi cố gắng đưa ra
những giải thích và luận chứng thuyết phục hơn đối thủ, các nhà triết học
đương thời đã buộc phải nghiên cứu chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm một cách
tương đối cẩn trọng. Và, những luận giải của họ cho đến nay không phải là
không đáng lưu tâm.
Ở nước Đức năm 1786 đã diễn ra một sự kiện, mà thoạt nhìn tưởng như
không có liên quan gì đến học thuyết duy tâm của I.Cantơ, đó là “cuộc tranh
luận phiếm thần” giữa Menđensơn và Giacôbi. Mức độ ảnh hưởng của cuộc
luận chiến này lớn đến mức Gơth đã ví nó như “một vụ nổ”, còn Hêghen coi
đó là “tiếng sét giữa bầu trời xanh” [39, tr. 18-36]. Về thực chất, cuộc luận
chiến chỉ xoay quanh tuyên bố của Giacôbi, rằng chính Létxing - nhà tư tưởng
tôn kính của phong trào Khai sáng Đức - đã thú nhận ông là người theo tư
tưởng Xpinôda. Vấn đề là ở chỗ, ở nước Đức thế kỷ XVIII, tư tưởng Xpinôda
bị hiểu đồng nghĩa với thuyết vô thần và định mệnh luận và, đến lượt chúng,
hai quan điểm trên lại bị coi là hệ quả của đường lối duy vật. Với các nhà
Khai sáng Đức, chủ nghĩa duy vật Cận đại, mặc dù xuất hiện chính trong quá
trình phát triển của lý tính, vẫn được xem như cái gì trái với bản chất của lý
tính, bởi những kết luận cuối cùng của nó không thừa nhận những phẩm chất
đặc biệt của lý tính. Trong khi đó, kể từ khi xuất hiện, chủ nghĩa duy tâm tiên
nghiệm đã được họ ủng hộ ít nhất ở phương diện nó bảo vệ tính tự trị của lý
tính. Cho nên tuyên bố của Giacôbi không chỉ đánh vào nhà tư tưởng hàng
đầu của họ mà còn gián tiếp phủ nhận chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm. Vì thế,
cuộc tranh luận đã thu hút những nhà tư tưởng hàng đầu của nước Đức thời
bấy giờ, như Hécđơ, Haman, Oaigienman, Slêhen, Slâyemakhơ và cả Hêghen

trẻ tuổi. Nội dung cuộc tranh luận đã từ chỗ bảo vệ Létxing thành ra bảo vệ
chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, chống lại chủ nghĩa duy vật.

6
Song song với sự phê phán có xu hướng làm sống lại chủ nghĩa duy vật,
chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm còn phải hứng chịu sự phê phán có xu hướng
làm sống lại hoài nghi luận. Dựa vào những phân biệt đến mức cực đoan của
I.Cantơ giữa cảm năng và giác tính, giữa trực quan và khái niệm, những
người như G.E. Xcundơ, E. Plátnơ, A.W. Rêbớc, v.v., đã buộc tội I.Cantơ là
một “Hium nước Phổ” bởi, theo họ, những phân biệt có tính nhị nguyên trên
đây chính là hình thức tinh tế của sự phân biệt giữa những ấn tượng, cảm giác
trực tiếp với thế giới tự nó cũng như sự phân biệt giữa tinh thần và thể xác.
Mặc dù, như chúng ta biết, để phản bác những quy kết kiểu như vậy, I.Cantơ
đã phải viết thêm phần “Sự phản bác với chủ nghĩa duy tâm” trong lần xuất
bản lần thứ hai tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý, song người ta vẫn buộc
tội ông đã biến tinh thần thần một thực thể thần bí. Kết quả bất ngờ của cuộc
phê phán này là sự hình thành một thứ chủ nghĩa Hium mới ở nước Đức
những năm 80 - 90 của thế kỷ XVIII [39, tr. 28].
Hai cuộc phê phán trên đây cho thấy ít nhất hai vấn đề của chủ nghĩa duy
tâm tiên nghiệm: một mặt, nó không hoàn toàn bác bỏ được chủ nghĩa duy vật
như ý đồ của I.Cantơ; mặt khác, hoài nghi luận vẫn có thể tìm thấy cơ sở của
nó ngay trong lòng chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm.
Tuy nhiên, phải đến Hêghen, chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm mới nhận
được những đánh giá thích đáng cả về phương diện tích cực lẫn phương diện
tiêu cực. Một mặt, Hêghen đã nêu bật những công lao của I.Cantơ, rằng ông
làm sống lại phép biện chứng, đã phát triển một vấn đề quan trọng của nhận
thức luận là ý niệm về “sự thống nhất tiên nghiệm của tổng giác”, tức là sự
thống nhất của ý thức trong đó hình thành khái niệm [14, tr. 107; 176], v.v
Mặt khác, Hêghen cũng đã phê phán I.Cantơ một cách triệt để. Nói như Ph.
Ăngghen, “những gì có tính chất quyết định nhằm bác bỏ quan điểm đó [quan

điểm của I.Cantơ] thì đã được Hêghen đưa ra, trong chừng mực quan điểm

7
duy tâm chủ nghĩa cho phép” [19, tr. 406]. Quả vậy, trong khi bác bỏ I.Cantơ
“chính về mặt nhận thức luận”, Hêghen đã chỉ ra tất cả những hạn chế của bậc
tiền bối: chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa tâm lý, tính hai mặt, tính không triệt
để, v.v Ông đã vạch ra một cách chính xác thực chất của triết học I.Cantơ:
“ và triết học của ông có thể được gọi là chủ nghĩa duy tâm chủ quan:
bởi vì ông cho rằng cả hình thức lẫn nội dung của tri thức đều được cung cấp
bởi cái tôi - hay chủ thể nhận thức - hình thức thì được cung cấp bởi cái tôi trí
tuệ còn nội dung thì được cung cấp bởi cái tôi cảm giác” [39, tr. 38].
Từ lập trường duy vật, Phơbách đã phê phán sai lầm của I.Cantơ trong
vấn đề nguồn gốc của cái tiên nghiệm, trong sự phân biệt siêu hình giữa cảm
năng và giác tính. Theo Phơbách, I.Cantơ đã không biết đến quá trình tổng
hợp những tri thức kinh nghiệm trong khái niệm chung rồi từ đó nên lên
những phán đoán tổng hợp a priori, không hiểu được rằng “lý tính là thực thể
tối cao, là kẻ thống trị thế giới, nhưng chỉ ở tên gọi, chứ không phải trên thực
tế” [14, tr. 85; 87 - 88].
Trong quá trình xây dựng và phát triển một lập trường triết học khoa học,
các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã nhiều lần chỉ ra hạn chế của cả chủ
nghĩa duy vật cũ lẫn chủ nghĩa duy tâm, trong đó có chủ nghĩa duy tâm tiên
nghiệm của I.Cantơ, đã vạch ra thực chất của cách tiếp cận tiên nghiệm cũng
như chìa khoá để hoá giải tất cả những “trò vặn vẹo” mà hoài nghi luận và
chủ nghĩa bất khả tri tạo ra. Chúng tôi coi đó là những chỉ dẫn quý báu về mặt
phương pháp luận cho quá trình thực hiện luận văn này.
Cho đến nay, những vấn đề mà I.Cantơ đặt ra trong chủ nghĩa duy tâm
tiên nghiệm vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của nhiều học giả phương Tây.
Trong khi có nhiều quan điểm thừa nhận rằng, chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm
được tạo nên như một giải pháp trung gian giữa hai thái cực, một bên là chủ
nghĩa duy tâm triệt để với một bên là chủ nghĩa duy vật, người ta vẫn tranh


8
cãi với nhau về thực chất của sự phân biệt giữa hiện tượng và vật tự nó [44,
tr. 228-243]. Từ cuộc tranh luận này lại xuất hiện đòi hỏi phải phân biệt
phương diện nhận thức luận với phương diện bản thể luận trong chủ nghĩa
duy tâm tiên nghiệm. Tác giả Henry E. Allison cho rằng, sự phân biệt giữa
hiện tượng và vật tự thân về thực chất là sự phân biệt giữa hai cách thức trong
đó các sự vật được xem xét chứ không phải sự phân biệt giữa hai loại sự vật.
Nói đến hiện tượng tức là nói đến sự vật được xem xét trong quan hệ với điều
kiện chủ quan của nhận thức, còn nói đến vật tự thân là nói đến cũng sự vật ấy
nhưng như chúng tự thân tồn tại, độc lập với những điều kiện nhận thức [38,
tr. 3-27].
Khi phân tích quan điểm của I.Cantơ về những điều kiện cho khả thể của
tri thức khoa học, một số tác giả còn xác định điều kiện nhận thức luận trong
sự khác biệt với kiều kiện tâm lý học và điều kiện bản thể luận. Họ chỉ ra
rằng, mặc dù I.Cantơ đã cố gắng luận giải cho chức năng “khách quan hoá”
của những điều kiện nhận thức luận có sẵn nơi chủ thể nhưng rốt cuộc chính
I.Cantơ đã phải thừa nhận tính chất duy tâm gắn liền với phương pháp tiên
nghiệm. Nói cách khác, phương pháp tiên nghiệm xem xét đối tượng dưới
dạng những điều kiện của những biểu tượng về chúng. Tuy vậy, tính chất duy
tâm đó hoàn toàn không có nghĩa rằng nhà duy tâm tiên nghiệm coi đối tượng
là tồn tại trong tinh thần dưới dạng những ý niệm kiểu Béccơli hay dưới dạng
những dữ liệu giác quan của nhà hiện tượng học. Với I.Cantơ, thực tại khách
quan là điều không cần và không thể bác bỏ [40, tr. 441-453].
Tuy khá rối rắm và đôi chỗ thần bí nhưng sự luận chứng của I.Cantơ cho
tính tích cực của chủ thể nhận thức vẫn là một đề tài thu hút nhiều sự chú ý.
Những vấn đề mà ông đặt ra như “tính tự khởi” của giác tính, nguồn gốc tiên
nghiệm của tri thức khoa học, cơ sở của quá trình tổng hợp của tư duy, thực
chất và vai trò của thông giác tiên nghiệm, của cái “Tôi tư duy”, v.v., đã được


9
phát triển theo ít nhất là hai hướng. Từ lập trường duy vật biện chứng, cái chủ
quan được xem xét như một yếu tố, một vòng khâu trong quá trình biện chứng
của sự nhận thức chân lý khách quan; tri thức của con người được lý giải là có
nội dung khách quan và hình thức chủ quan; cái quy định quá trình tổng hợp
tri thức về thế giới chính là tính thống nhất, toàn vẹn của thế giới. Trong khi
đó, các nhà triết học ngoài mácxít, nhất là các triết gia hiện sinh, hiện tượng
học, v.v., lại gắn những luận chứng của I.Cantơ cho tính chủ thể với những
kết luận về sự bất lực của siêu hình học truyền thống trước vật tự thân và coi
I.Cantơ là người đặt ra vấn đề về tính đặc thù của đối tượng siêu hình học.
Những yếu tố chủ quan về mặt nhận thức luận mà I.Cantơ đặt ra đã được họ
đi sâu mô tả, phân tích và phát triển thành hệ vấn đề về tồn tại người cùng
những yếu tố quy định của tồn tại người. Họ đặc biệt chú ý đến quan điểm của
I.Cantơ về tính trống rỗng, tính khó nắm bắt một cách có hệ thống nhưng lại
không thể bác bỏ của cái “Tôi tư duy” [44, tr. 143-167; 38, tr. 92-106].
Ở Việt Nam, không phải ngay từ đầu triết học I.Cantơ đã thu hút được sự
chú ý. Trước năm 1975, chúng ta thấy chỉ có ba tác giả đề cập đến người sáng
lập nền triết học Cổ điển Đức. Công trình mang tên Triết học Kant của
Nguyễn Đình Thi (Tân Việt xuất bản, 1942) có lẽ là tài liệu sớm nhất đã trình
bày triết học I.Cantơ dưới dạng phổ thông. Tiếp đó, trong thời gian 1955 -
1957, giáo sư Trần Đức Thảo đã thực hiện những bài giảng về tư tưởng trước
Mác, trong đó có tư tưởng của I.Cantơ, tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Bài
giảng của ông đã được tập hợp và xuất bản thành cuốn Lịch sử tư tưởng trước
Mác (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995). Trong bài giảng của mình, ông đã
dành khá nhiều ưu ái cho I.Cantơ. Tuy nhiên, nội dung và bản chất của triết
học I.Cantơ mới được đề cập ở mức độ khái lược. Năm 1974, ở miền Nam,
tác giả Trần Thái Đỉnh xuất bản công trình Triết học Kant (Văn Mới, 1974).
Với kiến thức triết học và nguồn tài liệu phong phú, tác giả đã đề cập và phân

10

tích khá toàn diện hệ thống triết học I.Cantơ thời kỳ phê phán. Riêng đối với
triết học lý luận, tác giả cũng đưa ra nhiều luận giải khá sâu. Ông cho rằng,
khi phê phán lý tính thuần tuý, I.Cantơ không nhằm phá huỷ siêu hình học
mà, trái lại, nỗ lực xây dựng một siêu hình học mới; rằng, mục đích chủ yếu
của Phê phán lý tính thuần tuý là trả lời câu hỏi: “Theo khả năng tri thức của
con người thì có thể có khoa siêu hình học không? nghĩa là con người có thể
tri thức về những thực tại siêu hình như linh hồn và Thượng đế không” [3, tr.
19]. Theo tác giả, chính I.Cantơ đã chỉ ra tính chất đặc thù của môn siêu hình
học đang cần phải xây dựng: tính lưỡng nan của nó. Nghĩa là, môn siêu hình
học ấy vừa thừa nhận những thực tại siêu hình vừa không phải là tri thức khoa
học về những thực tại ấy [3, tr. 50].
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, việc nghiên cứu lịch sử triết học
cũng có những bước phát triển nhất định. Trong xu hướng chung đó, di sản
triết học I.Cantơ ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm. Trong công trình
Triết học Imanuin Cantơ (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996), tác giả
Nguyễn Văn Huyên đã phân tích khá sâu những nội dung và đặc điểm cơ bản
của nhận thức luận I.Cantơ. Tác giả chỉ ra cơ sở lý luận của bước ngoặt cách
mạng mà I.Cantơ đã thực hiện trong triết học, đó là sự điều hoà giữa chủ
nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm. Tác giả cũng chỉ ra ba nguyên nhân
dẫn I.Cantơ đến quan niệm về “vật tự nó” và thuyết bất khả tri là: (1) tính chất
đặc biệt phức tạp của mối quan hệ giữa tư tưởng và hiện thực; (2) hạn chế của
khoa học thời I.Cantơ và (3) thuyết động lực, một quan niệm phổ biến khi đó,
coi nguyên nhân đầu tiên của vật chất và vận động là “lực vận động” hay vật
tự do bí ẩn nào đó đằng sau các sự vật.
Điểm chung của các công trình kể trên là mặc dù triết học I.Cantơ đã
được tiếp cận và phân tích ở mức độ nhiều hay ít, nông hay sâu, song các tác

11
giả vẫn chưa phân biệt nhận thức luận với chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, do
đó chưa thực sự chú ý đến cốt lõi của lý luận nhận thức của I.Cantơ.

Trong công trình I. Cantơ - người sáng lập nền triết học Cổ điển Đức
(Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997), nhiều bài viết đã bắt đầu đề cập đến
tính chất duy tâm tiên nghiệm trong nhận thức luận của I.Cantơ. Một số tác
giả coi toàn bộ hệ thống triết học của I.Cantơ thời kỳ phê phán là “hệ thống
triết học duy tâm tiên nghiệm” [1, tr. 23]. Song, cũng có tác giả lại khẳng định
“hệ thống các khái niệm và các nguyên tắc của “Phê phán lý tính thuần tuý”
tạo thành nội dung của cái được gọi là triết học tiên nghiệm của Cantơ” [1, tr.
73]. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác thì cho rằng I.Cantơ là người sáng lập
chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm hay chủ nghĩa duy tâm phê phán; rằng, chủ
nghĩa duy tâm tiên nghiệm là cơ sở lý luận, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt không chỉ
lý luận nhận thức mà cả triết học phê phán của I.Cantơ [1, tr. 104; 294]. Chỉ
có điều, những khẳng định này chỉ được sử dụng như tiền đề cho những phân
tích tiếp theo của tác giả chứ không được chứng minh.
Một trong những điểm còn gây bất đồng giữa nhiều tác giả là vấn đề
nguồn gốc, thực chất của cái tiên nghiệm. Có tác giả cho rằng, cái tiên nghiệm
có ba ý nghĩa: (1) cái có trước kinh nghiệm, (2) cái có tầm quan trọng hàng
đầu và (3) cái siêu nghiệm, trong cái siêu nghiệm lại bao gồm cái tiên nghiệm
và hậu nghiệm (?) [1, tr. 97-98]. Cũng tác giả này, khi nói về nguồn gốc của
cái tiên nghiệm, đã cho rằng chúng vừa có mặt bẩm sinh, tự nhiên, vừa có mặt
xã hội nhưng mặt tự nhiên là đáng chú ý hơn. Để chứng minh, tác giả phân
tích những luận cứ như tính sáng tạo của thiên tài, vai trò của xúc cảm “khoái
cảm”, “khát dục” trong sự phát triển của nhân cách và xã hội. Đối lập với
quan điểm đó là quan điểm cho rằng, khi sử dụng khái niệm “tiên nghiệm”,
“Cantơ luôn hàm ý nói tới các hình thức và cấu trúc của ý thức có ý nghĩa phổ
quát và tất yếu”. Nói cách khác, “tiên nghiệm” có nghĩa là tri thức phổ quát và

12
tất yếu; chúng điều tiết một cách “cưỡng bách” và “ngay từ đầu” mọi quá
trình kinh nghiệm của ý thức; chúng tồn tại trước kinh nghiệm và không thể
quy về kinh nghiệm [1, tr. 266-267].

Tại Hội thảo khoa học Triết học Cổ điển Đức: nhận thức luận và đạo đức
học (do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia
Hà Nội tổ chức, tháng 12 năm 2004), một số tác giả đã bước đầu chỉ ra thực
chất của chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, những yếu tố duy tâm trong học
thuyết ấy, v.v Khi phân tích quan niệm của I.Cantơ về cái siêu việt (mà tác
giả đồng nhất với siêu nghiệm, tiên nghiệm), tác giả Phạm Văn Chung nhận
xét: “Theo Kant, tổng hợp là năng lực riêng của lý tính, một quá trình “siêu
việt” và hoàn toàn không có nguồn gốc hiện thực. Đây là quá trình lý tính tự
triển khai, tự đạt được sự thống nhất của các khái niệm, các biểu tượng bên
trong nó. Chính năng lực này đưa lại khả năng nhận thức sự thống nhất của
cái đa dạng của các đối tượng kinh nghiệm (hiện thực). Đây chính là biểu hiện
rõ ràng “tính chất duy tâm tiên nghiệm (siêu nghiệm)” trong triết học Kant”
[31, tr. 14]. Có thể nói, I.Cantơ đã không phát hiện được cơ sở khách quan
của nhận thức tổng hợp - sự thống nhất của cái đa dạng trong sự tồn tại và
phát triển của bản thân đối tượng hiện thực - do vậy, đã biến quá trình tổng
hợp của tư duy thành đối tượng cơ bản và về thực chất là duy nhất của sự
phân tích triết học. Đó cũng là đặc trưng của cách tiếp cận tiên nghiệm mà
chính Ph. Ăngghen đã chỉ ra.
Tác giả Đỗ Minh Hợp, khi so sánh bản thể luận Huxéc với chủ nghĩa duy
tâm tiên nghiệm, đã cho rằng sự xuất hiện chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm
thực chất là sự thay thế bản thể luận tư biện bằng một quan điểm mới có tính
đến năng lực nhận thức của con người như là yếu tố tất yếu sẽ để lại dấu ấn
trong quá trình và trong kết quả nhận thức. Vì vậy, có thể coi chủ nghĩa duy
tâm tiên nghiệm là một dạng bản thể luận đặc biệt: nó không hướng đến

13
những tính quy định chung nhất của tồn tại mà hướng vào những thành tố đầu
tiên, những điều kiện chủ yếu của nhận thức tiên nghiệm. Theo nghĩa đó, bản
thể luận của I.Cantơ là học thuyết trùng khít với nhận thức luận [31, tr. 108-
109].

Qua việc đi sâu phân tích quan điểm của I.Cantơ về “tổng giác tiên
nghiệm”, “cái Tôi tiên nghiệm”, “cái Tôi tư duy”, một số tác giả đã vạch rõ
tính chất duy tâm trong nhận thức luận của ông. Có ý kiến cho rằng, I.Cantơ
đã dành cho “tổng giác tiên nghiệm” vai trò cơ sở của sự tổng hợp các dữ kiện
đa tạp trong biểu tượng cũng như sự tổng hợp các biểu tượng trong giác tính.
Chính điều này đã nói lên thực chất bước ngoặt Côpécníc mà I.Cantơ thực
hiện: ông đã thay thế đối tượng chủ yếu của phản tư triết học từ chỗ là tự
nhiên thành ra chủ thể tiên nghiệm [31, tr. 69-70; 252].
Trong luận án tiến sỹ triết học Vấn đề tự ý thức trong lịch sử triết học
phương Tây (Hà Nội, 2003), tác giả Nguyễn Văn Sanh đã cố gắng xem xét
triết học I.Cantơ với tư cách là sự tự ý thức của lý tính. Theo tác giả, trong
nhận thức luận của I.Cantơ, những khái niệm như “tổng giác tiên nghiệm”,
“cái Tôi tư duy”, “tự ý thức thuần tuý” là rất gần gũi về mặt ý nghĩa. Tổng
giác tiên nghiệm được I.Cantơ xem như căn cứ chung của các khái niệm, là
đặc tính cơ bản nhờ đó hoạt động lý tính, nhận thức khoa học và việc áp dụng
những kết quả của nó trở nên có thể. Thực chất tư tưởng của I.Cantơ về “tự ý
thức thuần tuý” hay “tổng giác tiên nghiệm” là ở chỗ “các định hướng thế giới
quan triết học của chủ thể quy định phương hướng kinh nghiệm của con
người, có tác động mang tính liên kết đến quan hệ đa dạng của con người đối
với thế giới. Với tư cách là sự tự đồng nhất nội tại của cái tôi, tự ý thức thuần
tuý ở I.Cantơ biểu thị mối liên hệ giữa các yếu tố văn hoá tinh thần riêng biệt
của cá nhân” [23, tr. 76-77].

14
Khi phân tích cơ sở lý luận, nội dung và đặc điểm của học thuyết phạm trù
trong triết học I.Cantơ, tác giả Lê Văn Sự cho rằng “luận điểm xuất phát hay
thực chất bước ngoặt Côpecníc mà Cantơ muốn thực hiện không phải là cái gì
khác ngoài chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, và có thể nói, chủ nghĩa duy tâm
tiên nghiệm là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ triết học phê phán và học thuyết
phạm trù của ông” [26, tr. 45]. Một trong những nguyên nhân dẫn I.Cantơ đến

chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, theo tác giả, chính là vì ông đã không hiểu
được ý nghĩa và vai trò của thực tiễn đối với quá trình nhận thức nói chung.
Qua phần tổng hợp trên đây, chúng ta thấy chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm
đã được tiếp cận không hoàn toàn thống nhất. Một số tác giả đồng nhất chủ
nghĩa duy tâm tiên nghiệm với nhận thức luận, thậm chí với toàn bộ triết học
I.Cantơ thời kỳ phê phán. Do đó, sự phân tích tiếp theo đối với những nội
dung, đặc điểm của nhận thức luận được đồng nhất với sự phân tích về chủ
nghĩa duy tâm tiên nghiệm. Cách tiếp cận này, theo chúng tôi, là không thoả
đáng. Mặc dù, như chúng ta biết, do điều kiện chính trị - xã hội đặc biệt ở
nước Đức thời đó, mà những phản ánh lý luận đối với xu hướng của lịch sử
hầu hết đều mang hình thức lộn ngược. Ở I.Cantơ, chúng biểu hiện thành hệ
vấn đề về chủ thể tiên nghiệm. Song, trong hệ thống của các triết gia duy tâm
Cổ điển Đức, bên cạnh những quan điểm thể hiện lập trường triết học và
chính trị, còn có những vấn đề chuyên sâu về học thuật. Đồng nhất giữa lập
trường triết học với quan điểm học thuật của họ có thể, một mặt, sẽ làm cho
việc đánh giá những hạn chế cũng như đóng góp của họ với lịch sử triết học
không đầy đủ, mặt khác, làm mất đi cái ranh giới thực tế luôn tồn tại giữa hai
đường lối triết học. Trong phạm vi nhận thức luận của I.Cantơ, bên cạnh
những quan điểm cho thấy lập trường triết học của ông, chúng ta còn thấy
những vấn đề thuộc chuyên môn mà cho đến nay vẫn gây tranh cãi xung
quanh tính hạn chế và gợi mở của chúng.

15
Bên cạnh hướng tiếp cận trên, một số tác giả coi chủ nghĩa duy tâm tiên
nghiệm như một bộ phận, như cơ sở lý luận của nhận thức luận I.Cantơ. Tuy
nhiên, khẳng định trên đây chỉ được sử dụng như tiền đề cho những phân tích
tiếp theo chứ không được chứng minh.
Khi phân tích tiền đề lý luận cho sự xuất hiện nhận thức luận của I.Cantơ
nói chung, chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm nói riêng, hầu hết các tác giả đều
đề cập đến cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm

xung quanh vấn đề nguồn gốc, thực chất, điều kiện và giới hạn của tri thức;
coi sự điều hoà giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm như một cơ
sở lý luận của nhận thức luận I.Cantơ. Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận đó là
đúng song chưa đầy đủ. Thứ nhất, sự phân biệt giữa chủ nghĩa duy lý và chủ
nghĩa kinh nghiệm trên thực tế không hề đơn giản. Chẳng hạn, chúng ta
thường coi Đêcáctơ là nhà duy lý, song trên thực tế chính Đêcáctơ vẫn thừa
nhận vai trò đáng tin cậy của sự quan sát kinh nghiệm trong việc kiểm nghiệm
các giả thuyết và trong việc tìm hiểu cơ chế của tự nhiên (học thuyết “dòng
xoáy”[vortex theory] của ông về sự xoay vòng của các thiên thể chính là dựa
trên những quan sát trạng thái của những xoáy nước) [42, tr. 195] . Hơn thế
nữa, trong siêu hình học của ông có nhiều yếu tố kinh nghiệm, chính xuất
phát từ Vật lý học của ông mà một bộ phận chủ nghĩa duy vật Pháp rơi vào
máy móc và quan điểm của họ hoà lẫn với khoa học tự nhiên Pháp. Bên cạnh
đó, những nhà kinh nghiệm luận như Hium và Béccơli lại phủ nhận khả năng
có được tri thức khoa học - điều này hoàn toàn đối lập với các nhà kinh
nghiệm luận duy vật còn lại, những người đứng trên quan điểm tự nhiên khoa
học. Thứ hai, cách tiếp cận trên chưa chỉ ra được tính chất đặc biệt phức tạp
của bối cảnh triết học Cận đại với tư cách cái nền lý luận cho sự xuất hiện chủ
nghĩa duy tâm tiên nghiệm. Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy lý và chủ
nghĩa kinh ngiệm chỉ là một trong những mâu thuẫn nội tại của triết học Cận

16
đại - nền triết học mà nguyên lý nền tảng là quyền uy của lý tính. Nguyên lý
ấy vẫn còn ảnh hưởng đến triết học sau I.Cantơ rất mạnh mẽ.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn.
Mục đích: Phân tích những biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa duy tâm tiên
nghiệm trong nhận thức luận của I.Cantơ, trên cơ sở đó chỉ ra những điểm
tích cực và hạn chế của nó.
Nhiệm vụ:
+ Làm rõ bối cảnh xuất hiện chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm.

+ Phân tích những biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm trong
nhận thức luận của I.Cantơ.
+ Nhận xét những điểm tích cực và hạn chế của chủ nghĩa duy tâm tiên
nghiệm.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu.
Luận văn được thực hiện dựa trên quan điểm của triết học Mác - Lênin về
triết học với tư cách một hình thái ý thức xã hội, về lịch sử triết học như một
triết học duy nhất. Đồng thời, luận văn cũng dựa trên những nghiên cứu của
các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin về lịch sử triết học nói chung, về
triết học I.Cantơ nói riêng, coi đó là những chỉ dẫn quý báu về mặt phương
pháp luận.
Luận văn sử dụng các phương pháp: phân tích và so sánh, thống nhất giữa
phân tích và tổng hợp, giữa lôgíc và lịch sử.
5. Điểm mới của luận văn.
Luận văn luận chứng cho một cách hiểu mới về cuộc cách mạng mà I.
Cantơ thực hiện trong siêu hình học; chỉ ra điểm mấu chốt để hiểu cuộc cách
mạng đó nằm ở sự phân biệt giữa hiện tượng và vật tự thân.

17
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn.
Luận văn đáp ứng phần nào yêu cầu nghiên cứu ngày một tăng đối với
triết học I.Cantơ ở nước ta; có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho
việc giảng dạy lịch sử triết học.
7. Kết cấu của luận văn.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, luận văn
gồm 2 chương, 5 tiết.



17

Chương 1
SỰ RA ĐỜI CỦA CHỦ NGHĨA DUY TÂM TIÊN NGHIỆM
1.1. Đời sống văn hoá tinh thần Tây Âu Cận đại.
Nghiên cứu lịch sử triết học nói chung không thể không chú ý đến những
quy định lịch sử. Tuy nhiên, quan hệ giữa cái quy định và cái bị quy định
không hề đơn giản. Sẽ là sai lầm nếu chỉ dựa vào những điều kiện kinh tế - xã
hội nước Đức thời Cận đại, chẳng hạn, để giải thích những thành tựu, và cả
hạn chế, của nền triết học mà dân tộc ấy đã tạo nên. Mặt khác, tư tưởng triết
học là một hiện tượng thuộc đời sống tinh thần, cho nên những biến động của
nó trước hết là kết quả của những xung lực trong đời sống tinh thần. Vấn đề
không phải là sự coi nhẹ vai trò của những điều kiện kinh tế - xã hội mà là
đánh giá đúng tương quan của nó trong so sánh với vai trò của điều kiện tinh
thần.
Triết học duy tâm Cổ điển Đức, nhìn chung, được chính những người tạo
ra nó hiểu như bộ phận hạt nhân trong quá trình tinh thần tự thức tỉnh, trong
sự tự phát triển của lý tính. Những cơ chế, dấu hiệu, động lực của sự tiến bộ
trong xã hội, trong khoa học đã được các triết gia Cổ điển Đức trình bày dưới
hình thức trừu tượng. Các sự kiện lịch sử lớn - biểu hiện trong khoa học, sản
xuất, các phong trào của quần chúng - được hiểu như là xu hướng chung của
một động lực nào đó và như là sự hướng tới mục đích thống nhất. Biểu hiện
về mặt triết học của xu hướng ấy là tư tưởng về tính tích cực của chủ thể. Chủ
đề này chẳng qua là sự trình bày tiềm năng tích cực, sáng tạo của loài người
trong triết học. Cũng giống như vấn đề tiến bộ của lịch sử, của khoa học
không phải là vấn đề riêng của nước Đúc lúc đó mà là vấn đề của cả Tây Âu
Cận đại, chủ đề trên đây đã được các triết gia Cổ điển Đức tiếp thu và phát
triển dưới một hình thức mới từ các tiền bối Cận đại. Điểm chung với những

18
người đi trước là ở chỗ, khi phát triển quan điểm của mình về vấn đề này, họ
biểu hiện thái độ tích cực đối với mục đích và lý tưởng của các lực lượng cách

mạng đương thời, đối với việc xây dựng một chế độ chính trị mới và phần nào
đó là sự tự đồng nhất lý luận của mình với các lực lượng ấy, quan niệm về tư
tưởng của mình như một bộ phận thể hiện mục đích chung.
Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi dừng lại ở việc nghiên cứu tư
tưởng của I.Cantơ về chủ đề trên trong phạm vi nhận thức luận. Chúng ta biết
rằng, triết học I.Cantơ là hiện tượng nằm trong bối cảnh phát triển của văn
hoá Tây Âu Cận đại, có liên hệ nội tại với toàn bộ văn hóa Tây Âu Cận đại,
cho nên, để hiểu tư tưởng của ông, trước hết, chúng ta cần hiểu đặc trưng của
văn hoá Tây Âu Cận đại. Vả lại, cũng giống như mọi học thuyết, chủ nghĩa
duy tâm tiên nghiệm của ông trước hết phải xuất phát từ những tài liệu tư
tưởng đã tích lũy từ trước, mặc dù gốc rễ của nó nằm sâu trong các sự kiện
kinh tế - xã hội.
Xét về mặt lịch đại, có quan điểm cho rằng thời Cận đại được bắt đầu từ
cách mạng tư sản Anh (1642 - 1648). Trong khi đó, nhiều quan điểm khác lại
cho rằng thời Cận đại bắt đầu từ phong trào Phục Hưng và những cải cách tôn
giáo. Trên thực tế, cách mạng tư sản Hà Lan (thế kỷ XVI) là tiếng chuông
chính thức đầu tiên của lịch sử báo hiệu sự xuất hiện một lực lượng chính trị
mới và cũng đánh dấu sự suy tàn của chế độ phong kiến. Kể từ đó, quá trình
hình thành chủ nghĩa tư bản trên phạm vi châu Âu trở thành xu thế không thể
đảo ngược, biểu hiện qua cách mạng tư sản Anh và cách mạng tư sản Pháp.
Gắn liền với sự xuất hiện và lớn mạnh của lực lượng chính trị mới là yêu
cầu phê phán tất cả những gì cản trở nó, là sự luận chứng cho tính chính đáng
của những lợi ích tư sản trong sự đối lập với lợi ích phong kiến. Có thể nói
phê phán là một đặc điểm nổi bật trong đời sống văn hoá tinh thần Tây Âu
Cận đại. Ban đầu, đối tượng của sự phê phán là những biểu hiện trần tục của

19
những đối tượng siêu nhiên vẫn được hệ tư tưởng phong kiến bảo vệ. Đó là
những biện minh dưới dạng văn học, đặc biệt là thơ ca, là những công trình
kiến trúc mang môtíp kiến trúc nhà thờ, là quan niệm sống gần như thù

nghịch với hiện tại, là sự cuồng tín thầy tu, v.v Lĩnh vực đầu tiên biểu hiện
tinh thần phê phán rõ rệt là văn học, nghệ thuật. Điều này cũng dễ hiểu bởi
những tiềm năng sáng tạo và lý trí của con người châu Âu đã được đánh thức
trước hết nhờ văn học, nghệ thuật thời Phục Hưng và tác động của nó vẫn kéo
dài đến khi xuất hiện các cuộc cách mạng trong hoa học cũng như trong xã
hội. Hơn nữa, nghệ sỹ chính là những người nhạy cảm nhất trong việc phát
hiện những nhân tố mới cũng như phê phán cái cũ. Nhà thơ John Donne viết:
“Nền văn học nghệ thuật mới phải đặt tất cả những gì của chuyên chế và thần
quyền dưới sự phê phán thẳng tay” [55, tr. 656]. Theo đúng tinh thần ấy, thơ
và kịch hồi thế kỷ XVII chứa đầy những nghi ngờ và chế giễu đối với các tín
điều, bọn thày tu, vua quan, trưởng giả, v.v Như chúng ta đã biết, sự phê
phán dưới hình thức các tác phẩm văn học còn phát triển mạnh hơn nữa ở các
nhà Khai sáng. Các tác phẩm của Vônte, chẳng hạn, đã nổi tiếng đến mức
chúng được ví như những “cú đánh trực diện” làm chao đảo cả cái “thế giới
trí tuệ và kiểu cách tập trung trong những phòng trà Pháp”. Mức độ sâu cay
của sự phê phán và sự đón nhận của quần chúng khiến cho Vônte bị đặt dưới
án tử hình của triều đình đương thời và nhiều năm sau ông phải trốn tránh bên
ngoài nước Pháp.
Tuy nhiên, đời sống tinh thần của thế giới cũ chỉ thực sự bị chao đảo khi
mà chỗ dựa của nhà nước phong kiến, tức là những tín điều Thiên Chúa, cơ sở
của nó trong Kinh Thánh và uy quyền của nó thể hiện ở nhà thờ, bị đặt dưới
sự phê phán về mặt triết học. Năm 1647, trong tác phẩm Về bản chất của sự
vật, P. Gaxenđi đã giáng một đòn nặng nề vào niềm tin Thiên Chúa khi làm
sống lại nguyên tử luận của Epiquya và luận chứng rằng nguyên tử và khoảng

20
không là cơ sở cuối cùng của thế giới, vì thế không còn chỗ cho Thượng Đế.
Tuy là một linh mục song Gaxenđi lại kịch liệt chống lại tư tưởng thần học
của Arixtốt và Đêcáctơ, chống lại tư tưởng ngu dân của các thế lực phong
kiến trong và ngoài tôn giáo.Bên kia eo biển, Lốccơ trứ danh đã xuất bản

những tác phẩm mà người Pháp - lúc bấy giờ đang bị cuốn hút bởi những vấn
đề trần tục nhiều hơn là những tranh cãi siêu hình học - chào đón nhiệt liệt.
Lốccơ cho rằng, cả ngàn năm qua, người châu Âu luôn viện đến những di sản
văn bản (tức Kinh thánh) để giải đáp những vướng mắc về luân lý và tôn giáo;
người ta đã đưa ra những chiến lược lý giải, những phân biệt công phu chỉ để
nhằm rút ra, từ những nguồn gốc tạp nham này, một tập hợp tín điều thống
nhất và đặc biệt phức tạp. Thế nhưng, đến thời của Lốccơ, hơn một trăm năm
sau cải cách tôn giáo, truyền thống luân lý và tôn giáo của châu Âu đã phân rã
thành những mảnh đoạn xung khắc và mâu thuẫn với nhau. Cho nên, độc giả
nên “từ bỏ việc đặt niềm tin vào những phát biểu quyền uy thuần tuý, những
truyền thống không được thẩm định” [42, tr. 437].
Từ một góc độ khác, Đêcáctơ đã chủ trương chống lại thần học dù cho nhị
nguyên luận của ông rốt cuộc lại phải viện đến Thượng đế. Khi đưa ra luận
điểm “Tôi tư duy ”, ông muốn làm cho quan hệ nhận thức của con người với
giới tự nhiên và với chính mình thoát khỏi mọi cái trung gian thần thánh.
Luận điểm của ông biểu thị xu hướng định hướng lại quan niệm về chủ thể
hiện thực của mọi hoạt động, đó là bước chuyển từ Thượng đế sang con
người. Cho nên, “Tôi tư duy ” trước hết được hiểu là “người tư duy là tôi,
chứ không phải Thượng đế”. Cũng trên định hướng ấy, Malơbrăngxơ, khi
phản bác phiếm thần luận của Xpinôda, đã lập luận rằng “Chúa được tạo nên
để giúp ích cho lý tính” [55, tr. 676].
Tuy nhiên, khi phê phán chế độ chuyên chế, nông nô, những đặc quyền
đặc lợi và cái gắn liền với chúng là những niềm tin, lý tưởng tôn giáo, các nhà

21
tư tưởng Cận đại không phủ nhận tôn giáo nói chung. Cái bị bác bỏ ở đây là
những những tín điều được viện dẫn như là cơ sở lý luận cho những thiếu sót
trần tục của nhà nước, cho những đặc quyền đặc lợi, là lý tưởng “sống vì thế
giới bên kia”, là sự can thiệp thô bạo vào đời sống cá nhân cũng như hoạt
động của nhà nước. Các nhà tư tưởng Cận đại phê phán nhánh Thiên chúa

giáo La Mã, kêu gọi quay lại tinh thần đạo Ki Tô đích thực khuyến khích tự
do tư tưởng và tự do phê phán của cá nhân. Phong trào cải cách tôn giáo (thế
kỷ XVI) dẫn đến sự ra đời của hàng loạt giáo phái Ki Tô mới dưới tên gọi
chung là “Tôn giáo phản kháng” (Protestantism), Tân giáo hay đạo Tin lành;
tất cả đều lên tiếng đòi tách khỏi Thiên chúa giáo La Mã. Lời kêu gọi của các
giáo phái mới này là, mỗi người hãy là linh mục của chính mình, không phục
tùng tuyệt đối bất cứ lời dạy nào của tăng lữ. Theo M. Vêbe, trái với đạo
Thiên chúa, giáo lý của Tân giáo Canvanh và Thanh giáo đề cao lao động,
khuyến khích làm giàu bằng kinh doanh, đã tạo ra yếu tố tinh thần quyết định
sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở phương Tây.
Câu hỏi đặt ra là, một khi niềm tin tôn giáo không còn giữ được quyền uy
như xưa nữa thì những tín điều nói chung liệu có thể tồn tại không? Câu hỏi
này được đặt ra một cách tất yếu, không chỉ vì rất nhiều tri thức của thế giới
cũ có liên hệ với niềm tin tôn giáo cả về mặt nội dung cũng như định hướng
thế giới quan, mà còn bởi những hiểu biết mới về thế giới vật lý đang ngày
càng nhiều lên nhờ cuộc cách mạng khoa học. Sự phát triển của các khoa học
thực nghiệm và kinh nghiệm, đặc biệt là ở nước Anh, đã làm cho tư duy kinh
nghiệm và thế giới quan cơ giới đặc biệt phát triển. Đến lượt mình, chúng tác
động mạnh mẽ vào khoa học nhân văn. Trong các lý thuyết về nhân cách, về
sự phát triển của con người, về các cơ chế xã hội, các nhà tư tưởng thế kỷ
XVII - XVIII đã từ bỏ lối giải thích kiểu tôn giáo và luân lý mà hướng đến
một sự phân tích mang tính kinh nghiệm và lối giải thích cơ giới luận đối với

22
những quy luật hành vi, những tương tác của con người. Toàn bộ tri thức cũ
về các vấn đề này, cùng với cơ sở của chúng, bị đặt dưới sự phê phán thẳng
tay. Không dừng lại ở những niềm tin tôn giáo, các thiết chế phong kiến, sự
phê phán đã bao trùm mọi niềm tin nói chung (tức là tất cả những tri thức vốn
được coi là xác tín cho đến lúc bấy giờ). Điều này lý giải cho sự phát triển
mạnh mẽ của nhận thức luận Cận đại - đến mức mà sau này, nhiều triết gia

hiện đại buộc tội các nhà triết học Cận đại đã thổi phồng hệ vấn đề nhận thức
luận. Qủa thực, chính nhu cần phê phán là một động lực nội tại làm phát triển
nhận thức luận bởi lẽ, nếu như việc thẩm định những lý do của niềm tin cần
phải được tiến hành một cách triệt để và có phương pháp thì người ta buộc
phải nghiên cứu những nguồn gốc, điều kiện, bản chất và giới hạn của tri
thức nói chung. Lịch sử cho thấy, sự phát triển của nhận thức luận từ Lốccơ
đến Béccơli và Hium ở Anh, từ Đêcáctơ đến Malơbrăngxơ và Côngđiắc ở
Pháp, từ Lépnit đến I.Cantơ ở Đức, đều nảy sinh từ yêu cầu phải thiết lập sự
phê phán chặt chẽ và có hệ thống. Như vậy, bắt đầu từ những tín điều tôn giáo
và những thiết chế phong kiến, sự phê phán đã chuyển sang cơ sở nhận thức
luận của chúng và vấn đề nhận thức luận nói chung.
Trên thực tế, hai người mở đường của khoa học Cận đại là Bêcơn và
Đêcáctơ đều đề nghị bác bỏ toàn bộ những di sản tri thức được thừa nhận từ
quá khứ để bắt đầu lại từ đầu, nhằm xây dựng một nền tri thức thích đáng về
thế giới và giúp ích cho con người trong việc chinh phục tự nhiên. Bêcơn
muốn phát triển một phương pháp giúp loại trừ tất cả những ngẫu tượng,
trong đó có sự sùng bái quyền uy học thuật và quyền uy thế tục. Ông kêu gọi
xây dựng một khoa học mới, dựa trên hoạt động thí nghiệm tập thể có tổ chức
với một hệ thống ghi chép kết quả. Những hoạt động đó là hoạt động cảm
tính, trực tiếp hướng đến tự nhiên. Trong khi đó, Đêcáctơ bắt đầu triết học của
mình với phương pháp nghi ngờ. Không chỉ tri thức cũ mà ngay cả các giác

×