Tải bản đầy đủ (.pdf) (99 trang)

Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (638.1 KB, 99 trang )


1
MỤC LỤC


A.MỞ ĐẦU 2
CHƯƠNG 1: NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT
TRIỂN TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CỦA NGUYỄN DU 8
1.1. Những tiền đề hình thành tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du
*
8
1.1.1. Tiền đề kinh tế - xã hội 8
1.1.2. Điều kiện chính trị 9
1.1.3. Điều kiện văn hóa – tư tưởng 11
1.2. Nguyễn Du – cuộc đời và tư tưởng 20
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ NỘI DUNG TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CỦA
NGUYỄN DU VÀ GIÁ TRỊ CỦA NÓ ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
VIỆT NAM HIỆN NAY 34
2.1. Quan niệm của Nguyễn Du về thân phận con người 34
2.2. Tôn trọng, bảo vệ phẩm giá và khát vọng sống của con người đặc biệt
là người phụ nữ 46
2.3. Thái độ lên án những thế lực chà đạp lên phẩm giá của con người. . 58
2.4.Ý nghĩa của tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du đối với đời sống xã hội
Việt Nam hiện nay 76
KẾT LUẬN 91
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 94

2
A.MỞ ĐẦU

1.Lý do chọn đề tài


Cuộc sống như một dòng chảy không ngừng nghỉ mà trên mỗi bước đi
của nó luôn hằn rõ dấu vết của ngày hôm qua. Không phải ngẫu nhiên mà đã
hơn hai thế kỷ trôi qua, vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian và sự đào thải
khắt khe của lòng người, những sáng tác của Nguyễn Du vẫn sống trong lòng
người đọc bao thế hệ, không chỉ trên mảnh đất yêu thương hình chữ S mà nó
còn lan tỏa lay động loài người trên khắp năm châu. Để có được những ý
nghĩa vĩnh tồn vượt thời gian ấy, chắc chắn trong bản thân nó phải chứa đựng
những giá trị cao cả mà loài người hướng tới, bất luận trong thời đại nào.
Những điều đó có được trước hết bởi đằng sau những di cảo thơ ca thiên tài là
một nhà tư tưởng với những suy tư vượt thời đại. Có thể nói cuộc đời và tác
phẩm của Nguyễn Du mang nhiều giá trị sâu sắc, quy tụ được nhiều vấn đề xã
hội và có ý nghĩa lớn cho hậu thế. Song để hiểu hết những vấn đề đó là một
điều không dễ dàng. Tuy đã có nhiều công trình lớn, nhỏ tìm hiểu giá trị trong
di sản đó nhưng việc đi sâu nghiên cứu di sản của Nguyễn Du đặc biết dưới
góc độ tư tưởng vẫn đang là mối quan tâm của rất nhiều học giả.
Ngày nay con người đang sống trong một thời đại mới với những biến
đổi to lớn về mọi mặt: kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa. Cùng với sự bùng
nổ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật , với guồng quay của quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và với việc đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế
thị trường thì nhiều giá trị văn hóa của người Việt Nam có sự thay đổi. Bên
cạnh những giá trị tích cực mà nền kinh tế thị trường mang lại thì nó cũng kéo
theo không ít những hiện tượng tiêu cực. Cơ chế thị trường lấy lợi nhuận làm
mục đích chính đã đẩy con người chạy theo guồng quay của đồng tiền mà dần

3
dần đánh mất mình, đánh mất những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của
dân tộc.
Trong khi đó cuộc sống con người đang từng ngày từng giờ phải đối
diện với rất nhiều những khó khăn, đe dọa: Đó là nạn thất nghiệp tràn lan, là
dịch bệnh, thiên tai lũ lụt…Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta nhận thức

rõ hơn sự cần thiết phải giữ gìn và phát triển hơn bao giờ hết truyền thống
nhân văn của dân tộc, truyền thống yêu thương con người. Đó cũng là lý do
quan trọng để chúng ta tìm về với những giá trị nhân văn của dân tộc, thấy
được những điều tốt đẹp mà ông cha ta đã nhắc nhở hàng thế kỷ trước và rút
ra bài học cho con người chúng ta ngày hôm nay.
Những tư tưởng nhân văn trong thơ ca Nguyễn Du đã kế thừa truyền
thống được kết tinh trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của
dân tộc ta. Như người kết tinh hoa từ trong chiều sâu lịch sử đó, Nguyễn Du
nổi lên như một gương mặt tiêu biểu về tư tưởng nhân văn. Tư tưởng nhân
văn của Nguyễn Du kết tinh sâu lắng nhất và cũng là hiện thân của tinh thần,
cốt cách con người Việt Nam rất cần được phát hiện thêm các chiều cạnh
khác nhau để có thể thấy được tầm tư tưởng triết học xứng đáng.
Hơn hai trăm năm trôi qua, đã có rất nhiều những công trình, tác phẩm,
bài viết nghiên cứu, đánh giá về Nguyễn Du ở nhiều gốc độ. Có lẽ chưa một
tác gia nào được bàn nhiều, nghiên cứu nhiều như Nguyễn Du. Cho đến nay,
nghiên cứu về Nguyễn Du vẫn là một đề tài hấp dẫn và “nói mãi không hết”.
Những tư tưởng của Nguyễn Du đặc biệt là tư tưởng nhân văn không chỉ có ý
nghĩa đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam thời đại ông bởi tính vượt thời đại
của nó, bởi những tư tưởng đó mở đầu cho trào lưu hướng đến con người cá
nhân trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Vì những lý do trên mà tôi lựa chọn đề
tài tìm hiểu Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du làm đề tài luận văn thạc sỹ
triết học.

4
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài
Nguyễn Du là một tác gia tiêu biểu của Việt Nam, những đóng góp của
Nguyễn Du là rất lớn, vì vậy những tác phẩm đánh giá, bình luận trên nhiều
phương diện về Nguyễn Du rất nhiều khó có thể thống kê được. Trong phạm
vi luận văn này, tôi chỉ đề cập đến những tác phẩm tiêu biểu, trong đó có nội
dung liên quan bình giá đến tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du.

Về tinh thần nhân đạo, nhân văn của Nguyễn Du được nhiều học giả
nghiên cứu. Trong cuốn Khảo luận về Kim Vân Kiều, Đào Duy Anh đã lí giải
tình cảm xót thương của Nguyễn Du đối với những kiếp tài hoa nhưng xấu số
và những kẻ nghèo khổ “dưới đáy xã hội” xuất phát từ chỗ cho rằng bởi nhà
thơ là người “đồng cảnh” với họ.
Song Trương Chính không đồng tình với cách nhìn nhận ấy. Theo ông,
không phải lúc nào và ở đâu Nguyễn Du cũng chỉ thấy mình và chỉ nghĩ đến
mình. Trong sách giáo trình văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII đầu thế kỷ
XIX, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2001, Nguyễn Lộc cũng khẳng định: Nguyễn Du
không bao giờ “chỉ ngồi ngắm cái bóng dưới chân mình”. Và ông còn đi xa
hơn khi cho rằng trong thi phẩm của Nguyễn Du thấm nhuần một chủ nghĩa
nhân đạo: Nguyễn Du luôn quan tâm đến cuộc đời, đến con người, “không chỉ
riêng Trung Quốc mà của cả Việt Nam”, “khắp nhân gian”, “khắp cõi người”.
Vậy là tình thương của Nguyễn Du từ chỗ được lí giải như loại tình cảm cá
nhân của một người nghệ sỹ đa cảm “đồng cảnh”, “đồng bệnh”, đến chỗ được
xem như một phẩm chất của chủ nghĩa nhân đạo rộng lớn
Trong bài viết Nguyễn Du nhà thơ nhân đạo lỗi lạc, nhà nghiên cứu
người Nga N.I.Niculin đã nhận xét: “Nguyễn Du là một nhà nhân đạo chân
chính, ông đã đi theo con đường nghiên cứu tâm lý các hình tượng một cách
tinh vi, sáng tạo ra những tính cách trọn vẹn và nhất trí”[13; 1010]

5
Ngoài ra còn rất nhiều công trình viết về Nguyễn Du và tác phẩm
Truyện Kiều trong đó tiêu biểu như:
Truyện Kiều – Những lời bình do tác giả Hoài Phương biên soạn và
tuyển chọn, tập trung rất nhiều bài viết, nhiều ý kiến đóng góp, phê bình của
rất nhiều học giả trong và ngoài nước về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Trong
sách những bài sưu tầm của Hoài Phương có bài viết của Hoài Thanh: Quyền
sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hoài Thanh đã thấy
được sức sống mãnh liệt của những con người đang chịu cảnh áp bức trong xã

hội cũ và thấy được thái độ của Nguyễn Du đối với nhân vật đó là sự cảm
thương sâu sắc, là tinh thần nhân đạo cao cả của nhà thơ. Hoài Thanh đã cho
rằng khi Nguyễn Du dựng lên một cuộc đời, một con người trong tác phẩm thì
đó là cách ông phát biểu ý kiến của mình trước những vấn đề thời đại. Nói về
Thúy Kiều, “Nguyễn Du đã nói dùm nỗi niềm cho tất cả những người bị ngạt
thở trong cái khuôn phong kiến”. Còn nói đến Từ Hải là nói đến cái mơ ước
được sống phóng túng, “sống mạnh mẽ, sống say mê ở ngoài khuôn khổ bấy
giờ”. Gía trị nhân đạo của Truyện Kiều, theo Hoài Thanh chính là ở đó.
Trong luận văn thạc sĩ khoa học của Vũ Thị Nga Tư tưởng nhân đạo
của Nguyễn Du trong tác phẩm Truyện Kiều đã trình bày một cách sâu sắc
những nội dung tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Luận
văn đã phân tích và khẳng định rằng tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du là một
giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Từ đó, luận văn cũng khẳng định
được những ý nghĩa của tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa của Nguyễn Du đối với
việc giáo dục giá trị đạo đức truyền thống ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra còn có rất nhiều bài viết khác nghiên cứu về tư tưởng nhân
đạo của Nguyễn Du như những nghiên cứu của Nguyễn Lộc, Trần Nho Thìn,
Trương Tửu, Lê Đình Kỵ, Lê Thị Lan…

6
Có thể khẳng định, các sáng tác của Nguyễn Du không thật đồ sộ về số
lượng nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản văn học và văn hóa dân
tộc. Và cũng chính vì thế, số lượng những bài bình giá, những tác phẩm
nghiên cứu về chủ đề tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du là rất lớn. Tuy nhiên,
các nhà nghiên cứu về Nguyễn Du trong chừng mực nhất định thường chú
trọng tìm hiểu tư tưởng nhân đạo đó thể hiện ở Truyện Kiều – là tác phẩm tiêu
biểu của Nguyễn Du mà ít có sự quan tâm đến những tác phẩm thơ chữ Hán
và chữ nôm khác. Đặc biệt, với tư cách là nhà thơ có tư tưởng nhân văn sâu
sắc nhưng di sản của Nguyễn Du chưa được các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu
về tư tưởng này mà có chăng chỉ là sự nghiên cứu dưới những góc độ nhỏ lẻ.

Chính những yêu cầu bức thiết đó, trong giới hạn luận văn triết học, chúng tôi
kế thừa các giá trị của những người nghiên cứu trước đồng tập trung nghiên
cứu những tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du một cách đầy đủ hơn với hy
vọng giải đáp chúng một cách rõ ràng hơn trước.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu: Tìm hiểu một số nội dung của tư tưởng nhân
văn của Nguyễn Du.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
 Tìm hiểu những tiền đề hình thành tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du.
 Nêu và phân tích một số nội dung cơ bản tư tưởng nhân văn của
Nguyễn Du.
 Tìm hiểu giá trị tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du đối với sự phát
triển của xã hội Việt Nam hiện nay.
4.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng: Tác phẩm của Nguyễn Du khá đồ sộ và chứa nhiều nội
dung, tuy nhiên trong giới hạn đề tài của luận văn chỉ tập trung nghiên cứu
nội dung tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du.

7
Phạm vi nghiên cứu: Biểu hiện của tư tưởng nhân văn chủ yếu qua
cuộc đời và thơ văn Nguyễn Du.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn là các quan
điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phương pháp nghiên cứu: Trong luận văn chủ yếu sử dụng phương
pháp logic kết hợp với lịch sử, phương pháp phân tích, tổng hợp và đối chiếu.
6. Đóng góp của đề tài:
Dựa vào các tác phẩm của Nguyễn Du để chỉ rõ được cội nguồn và nội
dung tư tưởng nhân văn rất sâu sắc của Nguyễn Du thể hiện trong cuộc đời và
thơ văn của ông và ý nghĩa của nó đối với hiện nay từ góc nhìn triết học

7.Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài:
*Ý nghĩa lý luận: Làm rõ hơn về những tiền đề cho sự ra đời và những
biểu hiện nội dung của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du. Trên cơ sở đó bước
đầu đánh giá những giá trị của tư tưởng nhân văn Nguyễn Du đối với sự phát
triển của lịch sử tư tưởng giai đoạn này.
*Ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu có thể dùng làm tài liệu tham
khảo cho các học viên chuyên ngành triết học và những người quan tâm đến
vấn đề này.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn
gồm 2 chương 6 tiết
Chương 1: Những tiền đề của sự hình thành và phát triển tư tưởng nhân
văn của Nguyễn Du.
Chương 2: Một số nội dung tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du và ý
nghĩa của nó đối với đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.


8


CHƯƠNG 1: NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA SỰ HÌNH THÀNH VÀ
PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CỦA NGUYỄN DU
1.1. Những tiền đề hình thành tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du
*
1.1.1. Tiền đề kinh tế - xã hội
Ngay từ thời Lê sơ ruộng đất dần dần tập trung vào giai cấp địa chủ, sự
phá sản và bần cùng hóa ngày càng tăng nghiêm trọng, đến nỗi năm 1711
Trịnh cương phải ra lệnh “Các nhà quyền quý thế gia, các viên gia và các nhà
hào phú không được thừa khi xã dân bần khổ, phiêu bạt thác cớ, mua ruộng
đất để chiếm nhận làm của riêng tư, lập trang trại”. Tuy nhiên, chiếm dụng

ruộng đất không vì thế mà thuyên giảm, trái lại ngày càng phát triển và đẩy
nhiều người dân vào tình trạng không một tấc đất cắm dùi. Ruộng đất của
nông dân bị tước đoạt để xây dựng đền chùa, cung điện. Ruộng đất công cũng
không tránh khỏi bị bọn địa chủ cường hào thôn tính, còn lại thì chỉ đủ cấp
cho lương tính và thụ lộc. Sự phá sản của nông dân và sự tập trung ruộng đất
vào một thiểu số thống trị đã gây nên mâu thuẫn lớn, cơ bản nhất của xã hội –
mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến, làm nên nguồn gốc căn bản
của mọi tệ nạn xã hội.
Mặt khác, để dồn sức cho chiến tranh và phục vụ cho sự ăn chơi xa
đọa, bọn vua chúa đã đẩy chính sách thuế khóa, phu phen tạp dịch đến mức
vô cùng nặng nề. Tình hình bọn thống trị Đàng trong cũng không kém phần
thối nát, đồi trụy. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) làm ra vẻ sùng đạo
nhưng vẫn có tới 146 con, Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi năm 12 tuổi (1765),
mọi quyền hành đều nằm trong tay Trương Phúc Loan. Sử sách kể rằng: hàng
năm quân lính phải nộp cho Loan 5 gánh gây mây để xâu tiền đồng tiền kẽm.

*Những tư liệu về lịch sử mục 1.1 lấy từ nguồn “Truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn
du, Nxb KHXH, Hà Nội, 1970 ” của Lê Đình Kỵ

9
Tiền ấy đâu ra nếu không phải là tiền cướp đoạt của nhân dân? Cảnh nghèo
đói của nhân dân đặt bên cạnh cảnh ăn chơi sa hoa của bọn thống trị đã khắc
sâu thêm mối mâu thuẫn cơ bản vẫn tồn tại âm ỷ trong lòng xã hội phong kiến
đó là mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến.
Bên cạnh đó, cũng có thể nhận thấy rằng, từ thế kỷ XVIII cũng là thế
kỷ mà nền kinh tế hàng hóa phát triển khá mạnh. Các nghề thủ công như nghề
khai mỏ ở miền núi, ươm tơ, kéo sợi, dệt vải ở miền xuôi phát triển. Lưu
thông hàng hóa trở thành nhu cầu cấp bách. Các phủ huyện đều có chợ, riêng
Thăng Long có 8 chợ lớn, có những làng chuyên sống bằng nghề buôn bán.
Tiền tệ ngày càng lưu thông rộng rãi và đóng một vai trò quan trọng trong đời

sống hàng ngày. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, các đô thị
cũng phát triển với tốc độ ngạc nhiên. Tuy nó chưa đủ để tạo ra một cơ sở tiền
tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam nhưng nó đã góp phần làm cho mâu thuẫn xã
hội phong kiến trở nên gay gắt từ khi xu thế dùng tiền để thao túng quan hệ xã
hội.
1.1.2. Điều kiện chính trị
Nếu như nền kinh tế trong giai đoạn này bị suy thoái, trì trệ trầm trọng
thì về mặt chính trị cũng không kém phần khủng hoảng. Có thể khái quát, tình
hình chính trị giai đoạn này nổi lên hai đặc điểm cơ bản là đó là sự suy đồi,
thối nát của bộ máy cai trị và tinh thần quật khởi đòi quyền sống của quần
chúng, đặc biệt là giai cấp nông dân.
Chế độ phong kiến Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển
của mình kéo dài hàng chục thế kỷ luôn có những thăng trầm. Từ khi hình
thành cho đến thế kỷ XV là giai đoạn cực thịnh của nó thể hiện rõ trong
những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm oai hùng, trong sự hoàn thiện và phát
triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng tính chất “tích cực
của xã hội phong kiến chỉ là tương đối”. Gắn liền với chế độ phong kiến là

10
một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, là sự trì trệ về kinh tế, văn hóa và một
hệ thống luân lý đạo đức khắc nghiệt bóp nghẹt quyền sống và khát vọng của
con người.
Sự hạn chế của chế độ phong kiến càng thể hiện rõ hơn trong giai đoạn
xuống dốc của nó. Từ đầu thế kỷ XVI, nhất là khi Mạc Đăng Dung đoạt ngôi
vua Lê lập nên nhà Mạc (1527-1592) đã báo hiệu một cuộc khủng hoảng
không sao cứu vãn nổi của chế độ phong kiến Việt Nam. Vào khoảng thời
gian này, mặc dù đất nước vẫn duy trì một sự quản lý tương đối thống nhất,
nhưng với chính sách “nới rộng địa bàn”, tiêu diệt những tàn tích của vua Lê
đã làm nảy sinh những mâu thuẫn mới và đẩy những mâu thuẫn trong xã hội
ngày càng sâu sắc. Cuộc phân liệt Nam – Bắc triều là minh chứng cho điều

đó, nó mở đầu cho thời kỳ nội chiến tàn khốc và kéo dài gần nửa thế kỷ.
Trong khoảng thời gian thế kỷ XVII – XVIII đất nước thực sự đứng trước
nguy cơ do sự tàn sát lẫn nhau giữa các phe cánh Đàng trong và Đàng ngoài.
tồn tại song song hai chính quyền trên một lãnh thổ Đàng ngoài ( vua Lê chúa
Trịnh) với một chính quyền ở Đàng trong (chúa Nguyễn) đã tạo nên thế gằm
ghè, đấu đá nhau. Và ngay trong nội bộ mỗi chính quyền cũng không hề bình
lặng. Những mâu thuẫn âm ỷ bùng nổ thành những cuộc đấu tranh lớn nhỏ.
Họ Trịnh vẫn duy trì một ông vua chung (vua Lê) trên danh nghĩa và họ
Nguyễn vẫn xưng thần với nhà Lê một cách hình thức. Trên thực tế, các thế
lực phong kiến đều muốn thanh toán lẫn nhau để giành quyền lực và lãnh thổ
về một mối. Đất nước thời bấy giờ thực sự rơi vào tình thế hỗn loạn, các cuộc
đấu tranh giữa các vua chúa vô cùng gay gắt và căng thẳng.
Bộ máy chính quyền phong kiến từ trung ương đến địa phương đều
mục ruỗng, thối nát và đứng trước bờ vực thẳm của sự tan rã. Vua Lê bù nhìn,
chúa Trịnh ăn chơi sa đọa, xa rời cuộc sống của nhân dân, trong khi đó bọn
quần thần chỉ biết khư khư giữ những vị trí béo bở. Hiện thực này đã được

11
phản ánh một cách chân thực trong tác phẩm nổi tiếng Hoàng Lê Nhất Thống
Chí của Ngô Gia Văn Phái.
Chúa Trịnh đàng ngoài ăn chơi, say mê Đặng Thị Huệ đã phế trưởng
lập thứ, đưa Trinh Cán mới 5 tuổi lên ngôi chúa để dễ dàng thao túng phủ
chúa. Đặng Thị Huệ cấu kết với Quận Huy để lộng quyền. Bấy giờ đã xảy ra
nạn kiêu binh – một biến cố chưa từng có trong lịch sử chế độ phong kiến
Việt Nam, nó phản ánh cho không khí chính trị loạn lạc của xã hội Việt Nam
cuối thế kỷ XVIII và cũng là hệ quả tất yếu của một chế độ mục nát đến cùng
cực. Thời kỳ Lê Trung Hưng là thời kỳ tranh chấp giữa vua Lê chúa Trịnh.
Sự suy đồi và phản động của giai cấp phong kiến đã trở thành chất xúc
tác mạnh mẽ nhóm lên ngọn lửa căm hờn trong quần chúng nhân dân, đặc biệt
là giai cấp nông dân. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của nông dân nổi lên

mạnh mẽ là một tất yếu lịch sử. Đó là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển,
Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oanh ở Hải Dương, Lê Duy Mật ở Thanh Hóa, Nghệ
An…Trong đó có cuộc khởi nghĩa lớn kéo dài hàng chục năm như cuộc khởi
nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (từ 1741- 1751), hoạt động trên một vùng rộng
lớn của đồng bằng Bắc Bộ, uy hiếp cả kinh thành Thăng Long, cuộc khởi
nghĩa của Nguyễn Danh Phương ở Sơn Tây rồi tràn sang Thái Nguyên, Tuyên
Quang. Cuộc khởi nghĩa của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã cuốn đi những
gì rác rưởi của thời đại, đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước. Mặc dù sự xuất
hiện của triều đại Tây Sơn rốt cuộc vẫn là sự thay thế triều đại phong kiến này
bằng một triều đại phong kiến khác nhưng phong trào khởi nghĩa nông dân
Tây Sơn đã chứng tỏ sức mạnh của nhân dân lao động, niềm khao khát hướng
đến cuộc sống mới tự do, hạnh phúc.
1.1.3. Điều kiện văn hóa – tư tưởng
Để hiểu hơn những điều kiện văn hóa - tư tưởng cho sự hình thành và
phát triển tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du thì chúng ta tìm hiểu nội hàm

12
của khái niệm chủ nghĩa nhân văn. Tùy cách tiếp cận dưới góc độ triết học,
tôn giáo học hay nhân chủng học, đạo đức học…chúng ta có thể hiểu nhân
văn theo nhiều nghĩa khác nhau. Trải qua quá trình phát triển, nội hàm khái
niệm nhân văn cũng có những thay đổi nhất định.
Để hiểu khái niệm tư tưởng nhân văn, chúng ta phải hiểu tư tưởng là
gì? Tư tưởng được hiểu là sự suy nghĩ, là quan điểm hay ý nghĩ chung của
con người đối với hiện thực khách quan và xã hội nói chung [67, 1262]. “Tư
tưởng” là ý nghĩ sâu sắc [71, 1019] hay chính là sự suy nghĩ, là những quan
điểm và ý nghĩ chung của con người về thế giới tự nhiên và xã hội” [70, 841].
Ban đầu người ta sử dụng thuật ngữ gốc Latinh là Studia Humanitatis
nghĩa là chủ nghĩa nhân văn dùng để chỉ việc nghiên cứu về các môn học của
người Hi Lạp cổ như nghệ thuật, văn học, lịch sử, đạo đức…đó là những môn
học tách hẳn khoa học tự nhiên, siêu hình học và thần học mà người ta cho là

đề cập thẳng đến con người, tư duy và trí tuệ, tư cách sống của con người.
Như vậy, theo nghĩa rộng chủ nghĩa nhân văn bao gồm tất cả những cố
gắng, tư tưởng và trào lưu lấy con người tiến lên tự do làm trung tâm, xuất
phát từ sự tôn trọng giá trị con người, tin vào sức sáng tạo vô biên của con
người, yêu thương con người và cuộc sống trần gian. Chủ trương phát triển
mọi khả năng của con người và xã hội.
Tác giả V.P.Von-ghin trong cuốn chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa xã
hội đưa ra định nghĩa: “Chủ nghĩa nhân văn là toàn bộ những quan niệm đạo
đức, chính trị bắt nguồn từ không phải cái gì siêu nhiên, kỳ ảo, từ những
nguyên lý ngoài đời sống nhân loại mà từ con người tồn tại thực tế và hiện
thực của nó. Và những nhu cầu khả năng ấy đòi hỏi phải được phát triển đầy
đủ, phải được thỏa mãn”[79; 5-6]
Nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn
Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán chủ biên có viết: “Ở cấp độ thế giới

13
quan, chủ nghĩa nhân văn là toàn bộ những tư tưởng quan niệm, tình cảm quý
trọng các giá trị như trí tuệ, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp. Chủ nghĩa
nhân văn không phải là một khái niệm đạo đức đơn thuần và bao hàm cả cách
nhìn nhận, đánh giá con người về nhiều mặt (vị trí, vai trò, khả năng, bản
chất) trong các quan hệ tự nhiên, xã hội và con người”[20, 75-76]
Vì vậy mà các tác giả của cuốn sách Từ điển văn học đã khẳng định
thuật ngữ chủ nghĩa nhân văn được hiểu là “một hệ thống quan điểm triết học
– đạo đức, chính trị - xã hội coi con người và đời sống hiện thực, trần thế của
con người là một đời sống văn minh, hạnh phúc, hữu ái, là mục đích cao nhất.
Nó giải thích những nguyên nhân đã gây ra cho nhân loại cảnh bất hạnh, tội
lỗi, đồi trụy…và đề ra phương pháp giải quyết những hành động đó để cho
con người được sống một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”[20;78]
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì thuật ngữ chủ nghĩa nhân văn
tương đương với thuật ngữ chủ nghĩa nhân đạo.

Xét ở cấp độ lịch sử, cuốn sách này cho rằng chủ nghĩa nhân văn là một
trào lưu tư tưởng văn hóa nảy sinh ở Italia và một số nước khác ở Châu Âu
thời Phục hưng (thế kỷ XIV – XVI). Khi nói về chủ nghĩa nhân văn Phục
hưng, chúng ta có thể hiểu nó là một trào lưu tư tưởng và văn hóa thời Phục
hưng ở Châu Âu. Đây là một phong trào chống giáo hội nhằm đề cao con
người và giải phóng cá nhân khỏi sự đè nén tinh thần của chế độ phong kiến,
chống chủ nghĩa kinh viện và giáo hội, hướng con người vào xây dựng cuộc
sống thực tại. Không phải ngẫu nhiên khi thấy vấn đề con người đứng ở trung
tâm thời đại này. Vừa để tỏ rõ sự kế thừa văn minh cổ đại (kế thừa là một quy
luật, một thuộc tính của sự phát triển văn minh và văn hóa của con người),
vừa để dễ chống đỡ với những quyền uy đương thời, để tránh bị gán cho là tà
đạo, những người đi đầu thời đại Phục hưng đề xướng sự trở về với những cội
nguồn thời cổ đại. Đó chính là sự trở về với những yếu tố nhân văn chủ nghĩa

14
đã nảy sinh từ thời cổ đại, trở về với vấn đề con người. Vì thế, họ tự xưng là
những nhà nhân văn chủ nghĩa (humaniste, gốc từ chữ Latin “humanus” –
của con người) để đối lập với dòng tư tưởng nhà thờ chính thống đương thời.
Trong khi dòng tư tưởng chính thống tập trung vào việc nghiên cứu Thượng
đế thì những nhà nhân văn chủ nghĩa tập trung vào nghiên cứu con người. Lần
đầu tiên, một sự đối lập giữa con người và thượng đế được thiết lập dưới hình
thức công khai hay thầm kín. Ðây là sự phản ứng quyết liệt của con người đối
với Thượng đế, nói đúng hơn, với thứ Thượng đế do đức tin giáo hội trung cổ
áp đặt. Tôn giáo đã làm con người bị lu mờ trong những tín điều của những
tín ngưỡng, của nghi lễ, của sự phục tùng tuyệt đối. Vì thế các nhà nhân văn
chủ nghĩa vén bức màn tôn giáo ấy để cho con người hiển hiện như vốn có.
Họ làm một “sự phát hiện về thế giới và con người”. Họ thấy rằng con người
không phải tự nó chìm ngập giữa những đống tội lỗi, bắt đầu từ “tội tổ tông”,
để rồi họ phải suốt đời tìm cách cứu rỗi bằng cách hiến mình cho Thượng đế.
Họ thấy rằng con người là một thực thể sống, với tất cả những nhu cầu, những

khát vọng của chính nó. Con người từ chỗ là một “thân phận tội lỗi và thấp
hèn” bây giờ được nhận thức như là một niềm kiêu hãnh. Con người từ chỗ là
một con vật được an bài về tất cả các mặt đời sống xã hội và cá nhân, bây giờ
đã trở thành những thực thể sáng tạo. Sáng tạo – cái quyền thiêng liêng nhất
trong vũ trụ – từ chỗ là độc quyền của Thượng đế, bây giờ trở thành năng lực
của chính con người. Tâm trạng u ẩn của con người dần dần nhường chỗ cho
một thái độ sống hết sức lạc quan.
Một câu hỏi đặt ra là, vậy chủ nghĩa nhân văn khác với chủ nghĩa nhân
đạo và chủ nghĩa nhân bản như thế nào? Giữa chúng có mối liên hệ ra sao?
Ở Phương Tây có thời kỳ người ta đồng nhất khái niệm chủ nghĩa nhân
văn với khái niệm chủ nghĩa nhân đạo. Thuật ngữ Humanism (Anh),
Humanisme (Pháp) và Gumanizm (Nga) có nghĩa chung là nhân văn = nhân

15
đạo. Điển hình là trong cuốn Từ điển triết học, Nxb Chính trị, Matxcơva,
1975 do VS.GS M.M Rozental chủ biên giải thích đã có sự đồng nhất khái
niệm nhân văn với nhân đạo.
Về sau, khái niệm chủ nghĩa nhân đạo được tách ra khỏi khái niệm chủ
nghĩa nhân văn để lưu ý khía cạnh văn hóa người biểu hiện phẩm chất con
người với tư cách là một chủ thể nhân ái, với chủ thể nhân ái, chúng ta dễ
dàng nói về việc cứu giúp con người…hay nói cụ thể hơn đó là những hành vi
đạo đức nhân đạo, chứ không phải hành vi nhân văn. Đây là điểm khác biệt cơ
bản giữa khái niệm nhân văn và khái niệm nhân đạo.
Khái niệm chủ nghĩa nhân bản thường dùng để xem xét bản chất con
người trên bình diện triết học. Khái niệm nhân bản thuộc quan điểm của chủ
nghĩa duy vật trước Mác. Các nhà triết học của trường phái này coi bản chất
của con người trong tính hiện thực có nguồn gốc trong tự nhiên. Để chống lại
quan điểm duy tâm về con người (tức là chống lại sự tách rời giữa tâm và
vật), các ngành triết học nhân bản lại đồng nhất con người với tự nhiên, coi
bản chất con người là có tính thuần sinh học. Đại biểu lớn nhất của chủ nghĩa

duy vật nhân bản là L.Fuerbach và S.Tsécnepxki.
Trong truyền thống trước đây, khái niệm nhân văn ở Phương Đông
được hiểu với nội dung là văn hóa, giáo hóa. Sách Kinh Dịch có viết: Quan hồ
nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ, nghĩa là: xem xét nhân văn để giáo hóa cho
toàn thiên hạ.
Dĩ nhiên, chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng nhân văn này thuộc phạm trù
văn hóa Phương Đông nên có những đặc thù so với chủ nghĩa nhân đạo, tư
tưởng nhân văn Phương Tây thời Phục hưng – khi giai cấp tư sản xuất hiện
trong bối cảnh văn hóa Tây Âu.
Có thể nói, khái niệm nhân văn nghiêng về khía cạnh văn hóa – tư
tưởng coi con người là một chủ thể sáng tạo văn hóa; yêu cầu đối xử với con

16
người trên bình diện văn hóa: coi trọng con người; coi trọng tự do và vai trò
cá nhân của con người chủ thể trong xã hội.
Ở Phương Tây, khi nói đến chủ nghĩa nhân văn, người ta thường liên
tưởng ngay đến cơ sở thực tiễn của nó là sự phát triển của các đô thị, đến nền
kinh tế hàng hóa và sự ra đời của giai cấp tư sản. Bởi có thể nói chủ nghĩa
nhân văn, ở một góc độ nào đó là hệ tư tưởng của giai cấp tư sản đang lên
nhằm chống lại hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến đang thống trị và nó được
thể hiện cả trong văn học, nghê thuật và nhất là trong các tác phẩm chính luận
bàn về chủ nghĩa nhân văn từ các mức độ đậm nhạt khác nhau và phát triển
mạnh mẽ vào thời Phục hưng.
Nếu đem áp đặt công thức khái niệm chủ nghĩa nhân văn Phương Tây
như chúng ta vừa nói trên vào nghiên cứu biểu hiện cụ thể ở lịch sử tư tưởng
Việt Nam là không đủ cơ sở, nếu không muốn nói là cục bộ, phiến diện và
giáo điều. Trong bài Những nhận xét phê phán về vấn đề dân tộc, V.I.Lênin
đã cho rằng trong mỗi nền văn hóa dân tộc đều có những yếu tố văn hóa dân
chủ và xã hội chủ nghĩa – dù rằng những yếu tố ấy ít nhiều phát triển đến đâu
đi chăng nữa – bởi vì trong mỗi dân tộc đều có quần chúng lao động và bị bóc

lột mà những điều kiện sinh hoạt tất nhiên phải làm phát sinh ra một hệ tư
tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa.
Những yếu tố “dân chủ” và “xã hội chủ nghĩa” mà Lênin nói đến ở trên
không phải là cái gì khác mà thực chất đó chính là những nội dung cơ bản của
chủ nghĩa nhân văn. Và như vậy, có thể khẳng định, chủ nghĩa nhân văn ra
đời không chỉ gắn liền với sự hình thành của giai cấp tư sản và nền kinh tế
hàng hóa mà trước hết nó gắn liền với quần chúng lao động bị bóc lột, và nó
có những biểu hiện đa dạng ở mỗi nền văn hóa dân tộc khác nhau.
Chủ nghĩa nhân văn là một bản sắc chủ đạo của truyền thống văn hoá
Việt Nam. PGS PTS Bùi Khánh Thế cho rằng: chủ nghĩa nhân văn Việt Nam

17
luôn luôn là cốt lõi, là hằng thể ẩn tàng trong những biến thể của bản sắc văn
hóa Việt Nam.
Chủ nghĩa nhân văn truyền thống của Việt Nam được sản sinh và nuôi
dưỡng trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, trong
một không gian và thời gian của nền kinh tế - xã hội khá điển hình cho xã hội
Đông Á theo phương thức sản xuất Châu Á… Chính điều này đã tạo nên
những nét độc đáo của của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Theo một số nhà
nghiên cứu văn hoá, chủ nghĩa nhân văn ở Việt Nam trong lịch sử có đặc
điểm là thường thiên về chủ nghĩa nhân văn hành động, đậm tính hiện thực, ít
có tính lý thuyết, luân lý, nhập thế nhiều hơn, ưu trội hơn nhưng lại không bài
bác hay kình địch những giá trị tâm linh xuất thế. Cho nên, chủ nghĩa nhân
văn Việt Nam là chủ nghĩa nhân văn mở, bao dung và hoà đồng. Chủ nghĩa
nhân văn này vừa bình dân vừa bác học, dù bác học những vẫn rất dung dị.
Cũng có người cho rằng tư tưởng nhân văn của dân tộc Việt Nam là tư
tưởng nhân ái của Nho gia hay chỉ là biểu hiện tư tưởng từ bi của Phật Giáo
đã lưu hành ở xứ ta từ vài ngàn năm rồi, người Việt Nam mình tiếp thu giá trị
ấy từ văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ chứ bản thân dân tộc Việt Nam không có
giá trị văn hóa có nét gì riêng biệt, sáng tạo độc đáo về mặt ấy đâu.

Nhìn lại trong lịch sử chúng ta có thể khẳng định rằng thương người là
một đức tính lớn mà dân tộc nào tự mình cũng coi nó là một chuẩn mực đối
xử giữa con người và con người. Tuy nhiên, lòng thương người ở mỗi dân tộc
lại biểu hiện cụ thể trên những sắc thái khác nhau tùy theo điều kiện lịch sử,
điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của dân tộc đó. Qủa thật, trong Nho giáo
một vấn đề mấu chốt là đạo Nhân, còn trong Phật giáo tư tưởng trọng yếu vào
bậc nhất là từ bi. Tư tưởng nhân ái và tư tưởng từ bi, nhất là theo sự hiểu
thông thường của người dân, đều có ảnh hưởng sâu sắc đến nền đạo đức Việt
Nam, bởi vì cả Nho giáo và Phật giáo đều đã lưu hành ở Việt Nam từ hàng

18
nghìn năm, và đã từng được suy tôn làm quốc giáo. Tuy vậy, đức tính
“thương người” của Việt Nam không phải chỉ xuất phát từ Nho giáo hay Phật
giáo mà đã có trước khi Nho giáo và Phật giáo vào Việt Nam; nó xuất phát từ
chính yêu cầu của thực tiễn cuộc sống của người Việt Nam cổ đại và có sự kế
thừa, tiếp biến của ngoại lai tạo ra sự phong phú, đa dạng.
Chúng ta trở lại với điều kiện văn hóa – tư tưởng của cuối thế kỷ
XVIII đầu thế kỷ XIX. Có một điều tưởng như “nghịch lý” về hình thức đó là
trái với sự khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng của tình hình kinh tế,
chính trị của xã hội Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế
kỷ XIX thì đời sống về mặt văn hóa – tư tưởng của Việt Nam lúc này lại có
những bộc phát. Điều này có thể lý giải được khi chúng ta nắm bắt được quy
luật duy vật lịch sử về tính độc lập tương đối của ý thức xã hội so với đời
sống vật chất của xã hội.
Cùng với những thành tựu lớn lao trên lĩnh vực văn hóa thì về mặt tư
tưởng cũng có những kế thừa những thành quả thời kỳ trước và có những biến
đổi sâu sắc do sự thay đổi của hiện thực xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Trong
đó, tư tưởng nhân văn là một trong những biểu hiện đột phá trong nhận thức
của các nhà tư tưởng, nó vừa tiếp nối truyền thống nhân văn của dân tộc
nhưng bên cạnh đó nó còn mang những biểu hiện mới do hoàn cảnh lịch sử

của dân tộc có những thay đổi.
Từ thế kỷ XVI trở đi, nhà nước phong kiến bắt đầu suy yếu, báo hiệu
cuộc khủng hoảng không sao cứu vãn nổi của chế độ phong kiến Việt Nam là
cuộc thoán đoạt của Mạc Đăng Dung đưa đến cuộc phân liệt Nam Bắc triều,
mở đầu cuộc nội chiến tàn khốc. Trong văn học lúc bấy giờ, bên cạnh xu
hướng khẳng định một cách trực tiếp nhà nước phong kiến, còn xuất hiện
khuynh hướng khẳng định một cách gián tiếp thông qua phê phán. Nguyễn
Bỉnh Khiêm là đại diện tiêu biểu cho xu hướng này. Nguyễn Bỉnh Khiêm phê

19
phán hiện thực phong kiến nhưng vẫn đứng trên lập trường đạo đức phong
kiến để phê phán những yếu tố tiêu cực, làm sai lạc đạo đức ấy, làm suy yếu
chế độ phong kiến.
Đến giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, nước ta bước vào thời
kỳ khủng hoảng trầm trọng, và không có lối thoát. Những mâu thuẫn như
những ung nhọt chất chứa trong lòng xã hội từ lâu, đã đến lúc bộc lộ gay gắt
thành những cuộc đấu tranh xã hội quyết liệt. Văn học phát triển trong điều
kiện như thế, không thể còn khẳng định nhà nước và đạo đức phong kiến như
giai đoạn trước nữa. Văn học giai đoạn này đã khám phá con người và khẳng
định những giá trị chân chính của con người. Con người với tất cả sự phong
phú của nó trở thành đối tượng chủ yếu, thành mối quan tâm hàng đầu của
văn học, chứ không phải các vấn đề đạo đức phong kiến như trong văn học
giai đoạn trước.
Giai đoạn lịch sử này có thể xem là một “cuộc bể dâu” với những sự
“thay đổi sơn hà”. Chính vì thế trào lưu nhân đạo chủ nghĩa thời này xoay
quanh hai bình diện: phê phán những thế lực phong kiến chà đạp con người;
đề cao con người, đề cao cuộc sống trần tục của kiếp nhân sinh. Nó là sự kế
thừa và nâng cao tinh thần nhân văn trong văn học cổ Việt Nam thời trước.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, văn học cổ Việt Nam quan tâm
sâu sắc đến những con người bình thường, phải chịu nhiều nhọc nhằn, bất

hạnh, tai ương. Văn chương gần gũi, cận kề con người trong cơn hoạn nạn,
vất vả. Không dừng lại suy nghĩ, triết lý về số phận, về đời người, bằng văn
chương, các nhà tư tưởng tìm phương cách cứu giúp con người bớt khổ. Văn
học luôn đề cao lối ứng xử tình nghĩa, thủy chung, phải đạo, trong quan hệ
giữa người với người. Ở đó, con người, theo tinh thần nhân văn, luôn chuộng
lối sống khoan dung, chan hòa. Xã hội không chấp nhận chủ nghĩa cá nhân
cực đoan. Con người, trong quan niệm của các nhà tư tưởng thiên về đạo lý,

20
đạo đức, chứ không theo bình diện triết học thể hiện ở bản thể luận hay nhận
thức luận.
Có thể nói, nội dung chủ nghĩa nhân văn giai đoạn này chủ yếu biểu
hiện trong quan hệ chống đối của quần chúng nhân dân đối với giai cấp thống
trị và với hệ tư tưởng phong kiến. Bên cạnh thái độ chính trị ấy là khuynh
hướng yêu cầu phát triển cuộc sống cá nhân và khát vọng tự do về cuộc sống
trần tục. Lúc này con người đã có ý thức chống đối những thế lực xã hội
thống trị, chống đối tư tưởng phản động, những khát vọng, những nhu cầu,
những đòi hỏi giải phóng tài năng, khát vọng đấu tranh để thực hiện nhu cầu
tự do, hạnh phúc, nhu cầu tự nhiên bản năng của con người. Có thể nói, chỉ
đến giai đoạn này, chủ nghĩa nhân văn mới phát triển mạnh mẽ đến thế. Bên
cạnh những tác phẩm thơ chữ Hán là hàng loạt sáng tác chữ Nôm – những
sáng tác này cùng nhau biểu đạt tư tưởng của thời đại.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, những điều kiện kinh tế - xã hội, văn
hóa, tư tưởng của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX chính là
những tiền đề giúp cho Nguyễn Du hình thành nên những tư tưởng nhân văn
quan trọng của mình. Và trước khi tìm hiểu về chủ nghĩa nhân văn của
Nguyễn Du, chúng ta sẽ tìm hiểu về chính bản thân tác giả và những tư tưởng
chung nhất của ông.
1.2. Nguyễn Du – cuộc đời và tư tưởng


Nguyễn Du tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại
làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh đúng lúc đất nước
loạn lạc, chứng kiến nhiều cuộc đổi thay sơn hà mà tác giả gọi là “cuộc bể
dâu” của đời người, của triều đại phong kiến và của chính mình. Sinh ra và
lớn lên trong một xã hội đầy rẫy những biến thiên cả về kinh tế, chính trị, tư
tưởng, hệ tư tưởng nào chi phối Nguyễn Du?

21
Sinh ra trong một gia đình đại quý tộc dưới triều Lê, Nguyễn Du mang
niềm tự hào của cả dòng họ - dòng họ đã được nhân dân ngợi ca bằng những
câu ca dao quen thuộc:
“Bao giờ ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước, họ này hết quan”
Dòng họ của Nguyễn Du không chỉ nổi tiếng về khoa cử, mà còn nổi
tiếng về văn chương. Nguyễn Nghiễm để lại hai tập thơ chữ Hán Quân trung
biên vịnh, Xuân đình tạp vịnh và một quyển Việt sử bị lãm. Ông cũng là
người nổi tiếng hay nôm với bài phú Khổng tử mộng Chu công. Nguyễn Nễ,
anh Nguyễn Du, cũng để lại hai tập thơ Quế hiên giáp ất tập, Hoa trình hậu
tập và cũng sở trường về quốc văn. Cháu Nguyễn Du là Nguyễn Thiện có tập
thơ Đông Phủ và là người nhuận sắc Hoa Tiên, còn Nguyễn Đạm, một cháu
khác, có tập Minh quyên. Theo Đào Duy Anh, nước Nam bấy giờ có "An
Nam ngũ tuyệt" thì nhà họ Nguyễn Tiên Điền đã chiếm đến hai người là
Nguyễn Du và Nguyễn Đạm rồi. Tóm lại, chảy trong mạch máu Nguyễn Du
là một huyết thống nho sĩ thư lại có tài văn chương. Huyết thống ấy đã ảnh
hưởng nhiều đến sự hình thành cá tính của nhà thơ, đặc biệt khi nó suy tàn và
thất thế vào thời mạt Lê. Sinh trưởng trong một gia đình như vậy, tư tưởng chi
phối Nguyễn Du trước hết vẫn là tư tưởng Nho giáo, trung quân mẫn thế; có
một điều chắc chắn rằng, qua thực tiễn gia đình và dòng họ, Nguyễn Du đã
nhận thức được nhiều điều về thế giới quan lại lúc bấy giờ. Chẳng nói đâu xa,
cha Nguyễn Du là một quan văn lại thỉnh thoảng cầm quân đi đánh giặc, có

công được khen thưởng cũng được hưởng vinh hoa phú quý trong khi đa số
nhân dân đói khổ. Sống trong một gia đình như thế tư tưởng của Nguyễn Du
không thể là cái gì khác ngoài tư tưởng trung quân. Nhưng trải qua những
cuộc bể dâu của đời người, tư tưởng của Nguyễn Du cũng có những biến đổi.
Khảo sát các chặng trong cuộc đời của ông ta hiểu rõ về điều này.

22
Yếu tố thứ hai tạo nên cá tính Nguyễn Du là quê quán. Nghệ Tĩnh là
một vùng đất rừng rậm, núi cao, sông sâu, biển rộng. Một thiên nhiên hùng vĩ,
khắc nghiệt thường kích thích ở con người một sức chống cự bền bỉ, một lòng
kiên nhẫn phi thường trước hết để tồn tại và sau đó để tồn tại một cách xứng
đáng. Bởi thế, dân Nghệ là những người kiên cường, cứng cỏi, tuy ăn "cá gỗ"
mà ý chí sắt thép. Hơn nữa, Nghệ Tĩnh từ xưa vốn là một vùng đất biên
cương, phân chia giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Sự cọ xát miền biên viễn
bao giờ cũng trau dồi con người thêm ý chí. Vả lại, nơi tiếp giáp của những
miền cương thổ bao giờ cũng là một nơi tự do. Bởi thế, Nghệ Tĩnh là đất đến
của những người tị nạn chính trị (gia đình Nguyễn Du là một trường hợp) -
những kẻ có thành tích bất hảo, những kẻ phiêu lưu, những người thích vượt
biên. Sự nhập cư của những người này mang đến cho đất Nghệ những nguồn
sinh lực mới, trong đó đáng kể hơn cả là lòng yêu tự do, chống lại những
khuôn mẫu do một thổ ngơi văn hóa áp đặt
Tuy nhiên, nói đến Nguyễn Du mà chỉ nói đến quê Nghệ là chưa đủ,
cần phải nói thêm quê Bắc nữa. Bởi lẽ, mẹ nhà thơ là con gái Kinh Bắc. Đây
là một vùng văn hóa cổ của người Việt. Đặc biệt, đất Kinh Bắc có sinh hoạt
quan họ trữ tình độc đáo, tao nhã, nhàn tản và thú vị. Nơi sản sinh ra các cô
thôn nữ "khoẻ mạnh mà không thô kệch, quê mùa mà thanh lịch, yêu kiều mà
đoan trang, áo nâu non, váy lưỡi trai bảy bức, yếm thắm hoa hiên, răng đen
hạt huyền, mắt trong như dòng suối" Đây là hình ảnh tiêu biểu cho người
đàn bà Bắc Bộ. Có thể, Bắc Ninh nói riêng và đồng bằng Bắc bộ nói chung
tuy ít sản sinh ra anh hùng, nhưng là nơi làm cho họ trở thành anh hùng, hoặc

thi nhân. Như vậy, Nguyễn Du đã kết hợp được ở bản thân mình ưu thế của cả
hai vùng đất, tuy đối lập nhau, nhưng lại bổ sung cho nhau đắc lực.
Huyết thống và quê quán mặc dù góp phần quan trọng vào sự hình
thành cá tính Nguyễn Du, nhưng vì là những yếu tố tĩnh, nên nó chỉ thực sự

23
có tác động mạnh mẽ vào những thời điểm động. Thời đại Nguyễn Du chính
là một thời điểm động đó.
Là một cậu ấm con quan, song cuộc đời Nguyễn Du không phải lúc nào
cũng sống trong nhung lụa gấm vóc. Từ khi lên 10 tuổi, Nguyễn Du liên tiếp
gặp bất hạnh. 10 tuổi mồ côi bố, 12 tuổi mồ côi mẹ, anh em Nguyễn Du phải
ở cùng người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, lúc bấy giờ đang làm
Tả thị lang Bộ Hình kiêm Hiệp trấn xứ Sơn Tây. Nguyễn Khản là người nổi
tiếng phong lưu, thích nghe hát cô đầu “gặp khi con hát tang trở, cũng cứ cho
tiền bắt hát, không lúc nào bỏ tiếng tơ, tiếng trúc”. Sống với người anh như
vậy, Nguyễn Du có điều kiện hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời của những người
phụ nữ đặc biệt là số phận của những ca kỹ. Có lẽ chính những người phụ nữ
mà ông bắt gặp ở nhà anh mình đã ảnh hưởng đến tư tưởng của ông về thân
phận con người đặc biệt là những người phụ nữ. Tuy nhiên, những yếu tố đó
cũng chưa đủ tạo thành tính cách phức tạp và mâu thuẫn của ông, nếu ta
không kể đến những tháng ngày loạn ly ông phải sống điền dã nơi hang cùng
xóm vắng, trong sự thiếu thốn, lạnh rét như những người dân thời loạn bấy
giờ, cũng như những tháng ngày bôn ba xứ người đảm đương trọng trách đại
diện cho triều đình trên đường tuế cống tiếp cận một nền văn hóa, phong tục
mới khi ông đi sứ ở Trung Quốc.
Cuộc sống phong lưu của Nguyễn Khản cũng không kéo dài được bao
lâu vì sự kiện “phế trưởng lập thứ” trong phủ chúa Trịnh. Năm 1780, Đặng
Thị Huệ cùng Quận Huy Hoàng Đình Bảo mưu giành ngôi thế tử của Trịnh
Tông cho Trịnh Cán, gây ra nạn kiêu binh nổi dậy cướp lại quyền binh cho
Trịnh Tông, Nguyễn Khản đứng về phe Trịnh Tông, việc bại lộ, Nguyễn

Khản bị cách chức và bị giam. Khi Trịnh Tông lên ngôi chúa, ông được tha và
được giao những chức vụ quan trọng như: lại bộ thượng thư, tham tụng.
Nhưng kiêu binh vẫn tiếp tục cậy thế làm càn mà Trịnh Tông không thể làm

24
gì để dẹp yên nạn này. Thậm chí chúng còn kéo đến phá nhà, toan giết chết
ông. Nguyễn Khản phải trốn vào phủ chúa, rồi cải trang chạy lên Tây Sơn rồi
sau đó về quê ở Hà Tĩnh. Thời gian đầy biến động này, Nguyễn Du còn ít tuổi
nhưng cuộc bể dâu từ chính gia tộc mình không thể không ảnh hưởng tới nhận
thức của ông. Có lẽ những gì được chứng kiến đã khiến ông thay đổi nhãn
quan của mình về cuộc đời, về con người
Năm 1789, Tây Sơn kéo quân ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh. Nhờ
có cuộc khởi nghĩa mà bộ mặt nhơ nhuốc của giai cấp thống trị bị bóc trần.
Điều này không thể không vang dội vào tâm trí Nguyễn Du. Đó là ngọn
nguồn cảm hứng để sau này trong những bài thơ chữ Hán của mình, ông viết
về giai cấp thống trị không mấy thiện cảm. Đáng chú ý là vào thời kỳ này
“thái độ chính trị của Nguyễn Du chẳng có gì là sáng suốt”. Nguyễn Du hành
động như một nhà Nho bị ràng buộc bởi quan niệm “trung thần bất sự nhị
quân” (tôi trung không thờ hai vua). Vì thế, khi Tây Sơn kéo quân ra bắc lần
thứ nhất năm 1786, Lê Chiêu Thống cùng đám tùy tùng bỏ nước chạy theo
đám tàn quân của bọn xâm lược, Nguyễn Du cùng các anh em của mình là
Nguyễn Đề, Nguyễn Ức chạy theo Lê Chiêu Thống nhưng không kịp. Nguyễn
Du từ giã Nguyễn Đề, Nguyễn Ức về quê vợ ở Thái Bình sống nhờ người anh
vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn (lúc này đã theo Tây Sơn). Năm 1786, nghe tin ở
Gia Định, Nguyễn Ánh hoạt động mạnh, ông lên đường định vào Gia Định
theo Nguyễn Ánh nhưng chưa đi khỏi địa phận Nghệ An thì bị một viên
tướng của Tây Sơn bắt, Nguyễn Du bị giam 3 tháng thì được tha. Nhìn một
cách hiện tượng bề ngoài ta thấy Nguyễn Du trước sau đều cố gắng ra sức
chống Tây Sơn. Nhưng nếu hiểu tâm sự của Nguyễn Du qua thơ văn đặc biệt
là thơ văn chữ Hán thì ta lại thấy nhà nghiên cứu Lê Đình Kỵ có l í khi cho

rằng: “Nguyễn Du không phải là người hoạt động chống Tây Sơn hăng hái
lắm” và thái độ của Nguyễn Du đối với Tây Sơn không phải là một mực cố

25
chấp”. Nguyễn Du đã để lại những sáng tác bằng chữ Hán viết về người anh
vợ của mình như “Họa Hải ông Đoàn Nguyễn Tuấn, giáo dần phụng mệnh
nhập Phú Xuân kinh, đăng trình lưu biệt bắc thành chư chủ hưu tác” có những
lời bộc bạch nhắn gửi thân tình: “Lần đi này nếu gặp anh tôi có hỏi (thì nhờ
ông nói lại, tôi đang ở bước đường cùng và tóc đã bạc lốm đốm”. Nếu chỉ
hiểu đơn giản rằng đó là những lời nhắn gửi thân tình thì chưa thấy hết sự
giao động trong tư tưởng của Nguyễn Du. Cần thấy rằng Đoàn Nguyễn Tuấn
lúc đó đã theo Tây Sơn. Nói với anh vợ như vậy chắc là Nguyễn Du không
coi Đoàn Nguyễn Tuấn là người đi ngược lại với luân thường đạo lí. Nếu
Nguyễn Du coi Tây Sơn là quốc thù vô đạo thì sẽ không có bài thơ trên. Mặt
khác, Nguyễn Du đã từng sống ở nhà Đoàn Nguyễn Tuấn, điều này tự nó là
minh chứng hùng hồn cho thái độ của ông đối với Tây Sơn. Đó là thái độ bất
hợp tác nhiều hơn là thái độ của kẻ phản nghịch. Khi Nguyễn Huệ mất, uy
danh nhà Tây Sơn vẫn lừng lẫy, Nguyễn Du đã đến sống ở nhà anh ruột là
Nguyễn Nễ ở Thăng Long, bấy giờ đang làm quan cho Tây Sơn, đây cũng là
bằng chứng cho thấy rằng Nguyễn Du không ngăn được “mối cảm tình vụng
trộm” đối với Tây Sơn.
Sau khi được Tây Sơn thả ra, Nguyễn Du về quê vợ Thái Bình và Hồng
Lĩnh quê cha sống “10 năm gió bụi”. Cuộc sống long đong, vất vả đã làm
Nguyễn Du chưa đến tuổi 30 mà tóc đã bạc trắng. Ở ông có bao nhiêu mâu
thuẫn không thể giải tỏa được mà trước hết là những mâu thuẫn trong tư
tưởng, thái độ đối với xã hội đương thời. Một mặt, ông mang mối cô trung với
nhà Lê, mặt khác lại toan vào Nam theo Nguyễn Ánh. Một đằng giai cấp xuất
thân là quí tộc phong kiến nhưng cuộc đời gió bụi mà ông từng nếm trải lại
đưa ông về gần với những con người bất hạnh trong xã hội. Có lúc Nguyễn
Du vượt ra khỏi chỗ đứng của giai cấp xuất thân để nói tiếng nói phản đối xã

hội phong kiến bạo tàn chà đạp những người lương thiện. Nguyễn Du quả

×