Bài làm
Trong lời điếu văn đầy xót thương và cảm động đọc trước linh cửu Chủ
tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Dân tộc ta,
nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng
dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non
sông đất nước ta”. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã thể hiện điều đó trong một bài
thơ khóc Bác – Bác ơi! Bác ơi! là tiếng khóc tiễn biệt, là lời “điếu văn bi
hùng”bằng thơ (Xuân Diệu). Bài thơ không chỉ bộc lộ nỗi đau xót và tiếc
thương, mà còn là sự đúc kết những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc của tác
giả về con người và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ của dân tộc đang tiếp diễn
vô cùng gay go, quyết liệt, ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.
Người qua đời là một tổn thất lớn lao đối với cách mạng và dân tộc Việt
Nam. Trong những ngày ấy, cả dân tộc ta và bạn bè quốc tế đã biểu lộ nỗi
tiếc thương, nỗi đau xót vô hạn trước sự ra đi của Người. Trong những ngày
ấy, “Đời tuôn nước mắt, đời tuôn mưa…”. Bác ơi! của Tố Hữu ra đời trong
không khí những ngày đại tang ấy.
Bài thơ như một bài “điếu văn bi hùng” thể hiện ở cả kết cấu, giọng điệu
lẫn hình ảnh, ngôn ngữ thơ… Tất cả đã bộc lộ nỗi đau xót, tiếc thương của
tác giả đồng thời đúc kết những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ
về con người và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài thơ mở đầu với khung cảnh đau buồn, tang tóc bao trùm lên toàn cõi
Việt Nam trong những ngày mất Bác:
“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”…
Không hiểu sao trong những ngày Bác mất, trời mưa tầm tã. Phải chăng
tổn thất lớn của dân tộc ta đã lay động đến cả trời xanh làm cho cao xanh
kia cũng tuôn trào nước mắt? Hay chính là nước mắt của con dân Việt Nam
khóc người cha già dân tộc đã thăng hoa, hòa vào vũ trụ và ngưng kết thành
mưa? Nhà thơ đã đồng nhất “đời” và “trời” tạo thành một ý thơ có sức khái
quát diễn tả nỗi đau lòng mình và nỗi đau dân tộc trước tổn thất quá lớn lao.
Đó là những giọt nước mắt nóng bỏng chất sử thi – một dân tộc anh hùng
tiếc thương một anh hùng dân tộc. Nỗi tiếc thương khiến cỏ cây, đất trời
bỗng trở nên bùi ngùi, tâm hồn người bỗng trở nên ngơ ngác:
“Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!”
Khung cảnh thiên nhiên, khung cảnh nhà Bác… tất cả vẫn còn đây,
nhưng tất cả đều thẫn thờ:
“Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
…
Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay ”
Đoạn thơ với rất nhiều câu hỏi và câu cảm thán. Những dấu hỏi, dấm
cảm, dấu chấm lửng, những thán từ cùng với cách ngắt nhịp chậm, nhịp dài
ngắn đan xen đã diễn tả một cách xúc động nỗi tiếc thương nghẹn ngào
trong lòng nhà thơ.
Bài thơ với lối kết cấu như một bài điếu văn cổ điển (lung khởi – thích
thực – ai vãn). Tính cổ điển trong kết cấu đã nâng hình tượng thơ và cảm
xúc của nhà thơ lên tầm vóc lịch sử và thời đại. Đó là hình tượng của muôn
đời và cảm xúc của muôn người. Hình tượng Bác hiện lên trong nỗi tiếc
thương vô hạn xen lẫn niềm kính phục thiêng liêng. Phần thứ hai của bài thơ
thể hiện những suy ngẫm, những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con
người và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người là tình yêu bao la,
Người mang nỗi lo “muôn mối như lòng mẹ”, Người “nâng niu tất cả chỉ
quên mình”, Người luôn mang hình bóng miền Nam trong trái tim, Người
“Một đời thanh bạch, chẳng vàng son”…
Đoạn thơ với chất giọng trầm hùng bi tráng, với những hình ảnh vừa giản
dị vừa lớn lao rất phù hợp với hình tượng Bác Hồ và nỗi tiếc thương, niềm
thành kính của nhà thơ đối với Bác. Còn gì đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi nhà
thơ dùng hình tượng trái tim để biểu tượng cho tình cảm bao la của Bác.
“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, trọn kiếp người”.
Còn gì giản dị gần gũi hơn và cũng bao dung trời biển hơn khi nhà thơ so
sánh tấm lòng của Bác với tấm lòng của người mẹ:
“Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau”…
“Bác sống như trời đất của ta”, Bác đem “Tự do cho mỗi đời nô lệ” và
Bác còn “Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa”, Bác dành sữa cho em thơ và
tặng lụa cho người già. Con người của “trời đất”, của “tự do” được lồng
trong con người của đời thường. Con người vĩ đại Hồ Chí Minh hòa vào con
người bình thường Hồ Chí Minh tạo nên một vẻ đẹp vừa lớn lao, vĩ đại vừa
gần gũi, thân thiết.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt đối với miền Nam. Bác
nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Để đáp lại lòng mong mỏi của
cháu con trong Nam, Bác đã dự định sẽ vào thăm nhưng dự định chưa kịp
thực hiện thì… Tố Hữu đã so sánh:
“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi nhớ cha”
Nỗi nhớ thương miền Nam của Bác giống như “nỗi nhớ nhà” và nỗi
mong ngóng Bác của miền Nam giống như “nỗi mong cha”. Nỗi nhớ thương
gắn với nỗi đau chia cắt thân mình Tổ quốc và khát vọng thống nhất, đoàn
tụ. Câu thơ diễn tả một thứ tình cảm rất gia đình nhưng ý thơ vượt lên câu
chữ để diễn tả một vấn đề mang tính sử thi của thời đại và dân tộc.
Đoạn thơ khép lại bằng những hình ảnh suy tưởng mang tính khái quát
cao mà vẫn chan chứa cảm xúc:
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Bác để lại nhiều: độc lập, tự do, cơm no, áo ấm… Nhưng tất cả đều xuất
phát từ một thứ vô cùng quý giá: “tình thương” – “Bác thương các cụ già”,
“Bác thương đàn cháu nhỏ”, “Bác thương đoàn dân công”… Bác thương
dân, yêu nước nên đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Bác “nâng niu tất
cả chỉ quên mình”. đúc kết cuộc đời Bác, nhà thơ chiêm nghiệm và nhận
thấy hai phẩm chất nổi bật: tình yêu thương quên mình và sự giản dị thanh
cao. Tác giả dùng hình tượng “áo vải” mong manh để nói về “một đời thanh
bạch”, thể hiện phẩm chất giản dị mà thanh khiết vô ngần của Bác. Bác là
vậy, giản dị mà vĩ đại, “áo vải” mà “hồn muôn trượng”.
Đoạn thơ với rất nhiều hình ảnh so sánh, ẩn dụ đã thể hiện một cách sâu
sắc những suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ về con người và cuộc đời
của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tố Hữu đã vĩnh hằng hóa, bất tử hóa hình tượng
Bác Hồ trong thiên nhiên, đất trời và trong lòng người. Đoạn thơ thể hiện
niềm cảm phục thành kính, niềm tự hào thiêng liêng trước anh linh của vị
cha già dân tộc.
Trong niềm xúc động, niềm cảm phục và tự hào, nhà thơ đã thay mặt con
dân nước Việt thầm nói lên lòng mình:
“Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!
Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều”.
Và thầm hứa với Bác:
“Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.
Biến đau thương thành hành động, cả dân tộc Việt Nam đã đứng lên thực
hiện di chúc của Bác. Sáu năm sau ngày Bác đi xa, chúng ta đã “đánh cho
Mĩ cút, đánh cho Ngụy nhào”, đem lại hòa bình, thống nhất, nối liền một dải
non sông và xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trong số rất nhiều những bài thơ viết về Bác, cùng với trường ca Theo
chân Bác, Bác ơi! là một thành công lớn của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ là
niềm xúc động chân trào và những chiêm nghiệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ
Chí Minh, vị Cha già dân tộc, người anh hùng vĩ đại của thế kỉ XX. Bác
ơi! là bài thơ khóc Bác nhưng đó là những dòng nước mắt nóng bỏng chất
sử thi.