Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

phân tích 1 bài thơ trong nhật ký trong tù để làm sáng tỏ nhận định trên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (402.99 KB, 5 trang )

Bài làm
Con người hay nói hương hoa. Phải chăng cốt của hoa là hương, dù chút
hương ấy có vô tình, hay hữu ý? Văn thơ cũng vậy, như một loài hoa, đẹp
không chưa đủ, còn phải có hương để quyến rũ hồn người và làm say mê
lòng người. Nếu nói như vậy, Nhật kí trong tù của Bác là một loài hoa đẹp
thầm kín nhưng hương sâu và thơm lâu. Thế mà, trong tập Nhật kí trong tù?
Người lại viết:
Ngâm thơ ta vốn không ham
Rõ ràng Bác không tự nhận mình là nhà thơ và Người cũng không muốn
trở thành nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng Nhật kí trong tù vẫn được đánh giá
là một tác phẩm văn học có giá trị lớn. Có phải, nàng Thơ đã quá dễ dãi với
Người chăng?
Mọi thứ đều sợ thời gian, bởi lớp bụi thời gian sẽ làm mờ tất cả. Điều này
đúng hơn bao giờ hết với thơ văn. Sở dĩ thơ văn sống được qua sự tàn phá
của thời gian chính nhờ cái tâm, cái tình của nhà thơ trong tác phẩm của họ.
Thơ văn của Bác cũng không tách ra khỏi quy luật ấy. Hầu hết là những bài
thơ tứ tuyệt, thơ Bác ngắn gọn và giản dị trong sáng, thế nhưng mỗi lời thơ,
mỗi câu thơ như chất chứa điều gì sâu xa, thầm kín và làm cho người đọc
phải trăn trở, miên man. Đó chính là cái khí chất của thơ Bác, chất nghệ sĩ
ẩn kín chứ không phô trương. Vâng, Bác không tự nhận mình là nhà thơ.
Nhưng điều tồn tại hiển nhiên nơi Bác, bên cạnh người chiến sĩ cộng sản vĩ
đại, là một nghệ sĩ, là một nhà thơ. Chất nghệ sĩ nơi Người là kết tinh của
phẩm chất đạo đức cao đẹp. Người là một nhân cách lớn, nhân cách nghệ sĩ
nơi Người biểu hiện ở ngòi bút tài hoa, lời thơ dạt dào xúc cảm, tâm hồn
tinh tế, cảm xúc nhạy bén và chiều sâu của cái nhìn. Từng chữ, từng câu,
từng lời của thơ Người đòi hỏi người đọc phải biết lắng mình để hiểu, để
cảm và để yêu thơ Người. Yêu thơ Người là yêu chất nghệ sĩ nơi tâm hồn
Người. Hiểu thơ Người là hiểu vì sao Nhật kí trong tù là một tác phẩm văn
học có giá trị lớn, dù tác giả của nó hoàn toàn không ham ngâm vịnh trong
cảnh nước mất nhà tan.


Bác viết Nhật kí trong tù là viết lại những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của
mình một cách chân thực. Vì vậy mà Nhật kí trong tù luôn thể hiện tâm hồn,
trái tim, ngòi bút của hai con người thống nhất: con người cộng sản với
những tình cảm lớn của nhân dân, với dân tộc, với nhân loại và con người
thơ với tiếng nói cùng ánh sáng trái tim của người nghệ sĩ.
Có nhiều bài thơ của Bác mới đọc qua tưởng như phảng phất khí vị thơ
Đường. Thực ra chất thơ, khí thơ Bác rất xa với thơ Đường. Cái nhìn của
Bác trong từng bài thơ không đơn thuần là cái nhìn của một nhà hiền triết
với cảm nhận, thưởng thức vẻ thẩm mĩ bên ngoài mà chủ yếu là cái nhìn của
một nghệ sĩ, biết cảm, biết hiểu và biết yêu những điều sâu sắc, qua đó, nổi
lên một triết lí thâm trầm nhưng sâu xa:
Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình
(Cảnh chiều hôm)
Hoa gì cũng vậy, có lúc nở rồi cũng phải có lúc tàn. Đẹp như hoa hồng,
thơm tho, tươi thắm rực rỡ và được nâng niu đến mấy cũng chỉ khoe sắc đua
hương một thời gian hữu hạn, cũng chỉ được yêu thích trong khoảnh khắc
rồi cũng tàn lụi một cách lặng lẽ, đơn độc trong cái lạnh lẽo, tẻ nhạt, vô tình
của người đời. Quy luật tạo hóa sao nghiệt ngã làm vậy! Dòng thời gian
mau qua, làm sao để níu kéo!
Thế mà nhà thơ vẫn nhìn đến số phận mong manh ấy của hoa với một
ánh nhìn đầy thương yêu và trân trọng. Người băn khoăn, day dứt cho kiếp
hoa “sớm nở tối tàn” vô vọng. Mà đâu chỉ là kiếp hoa? Đó còn là sự khổ đau
của kiếp người. Đứng trước sự khắc nghiệt của quy luật, kẻ không có cái
tâm, không có nỗi yêu, niềm say cái đẹp thì dửng dưng, vô tình, đến một
ánh nhìn thưởng thức thực sự cũng không có!
Ngược lại, với Bác, con người đã trọn đời sống cho cái đẹp, chiến đấu để
bảo vệ cái đẹp thì luôn băn khoăn nuối tiếc. Người cảm thấy bất bình thay
cho cái đẹp. Đó chẳng là con người có trái tim rực cháy lửa yêu thương và
tâm hồn tinh tế nhạy cảm đầy chất nghệ sĩ?

Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình.
(Cảnh chiều hôm)
Một lòng đau tìm đến một lòng đau, cái đẹp của hương hoa tìm đến và
gặp gỡ cái đẹp của người tù – thi sĩ, người tri âm tri kỉ của làn hương
thanh khiết quý giá kia. Những kiếp hoa xưa thường chỉ biết thở than thì
bây giờ, từ nỗi tủi đau, hoa thiết tha cất tiếng phẫn nộ và phản kháng bất
công. Tứ thơ vẫn mang nhiều nét truyền thống nhưng hình tượng thơ lại là
một sáng tác độc đáo, mới mẻ của Bác. Ngòi bút của nhà thơ Hồ Chí Minh
thật sắc sảo tinh tế, thổi vào bài thơ một tâm sự: hoa tàn nhưng hương vẫn
còn hiện diện.
Bài thơ khép lại nhưng dư ba vẫn mênh mang: cái đẹp thật sự bao giờ
cũng vươn lên. Đó phải chăng là chất triết lí mà người đọc Văn cảnh cảm
nhận được chiều sâu của bài thơ, chiều sâu của một cái nhìn, một tấm lòng
tinh tế và bao la như trời biển.
Ngòi bút của Bác không chỉ sáng tạo ở cách xây dựng hình tượng mà còn
nhuẫn nhuyễn ở cách kết hợp hài hòa hai yếu tố cổ điển và hiện đại. Điều ấy
có thể tìm thấy trong Chiều tối:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Không khí cổ thi khá rõ ở hai câu đầu: một cách chim chiều (Ngàn mai
gió cuốn chim bay mỏi – Bà Huyện Thanh Quan), một chòm mây trôi chầm
chậm ngang trời, lẻ loi, đơn độc, làm cho không gian trở nên mênh mông vô
tận, thời gian ngừng lại, lắng xuống. Chỉ một chòm mây, một cánh chim nhỏ
mà trải ra một khoảng không mênh mông, tĩnh lặng và tác giả cảm nhận nỗi
bâng khuâng qua bút pháp dùng điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh tràn vào lòng
người đọc. Một bút pháp tuyệt diệu, có sức gợi cảm, gợi tả và tạo hình. Hình
ảnh cánh chim và chòm mây làm ta liên tưởng đến câu thơ:
Thiên sơn điểm phi duyệt
(Liễu Tông Nguyên)

Hay:
Chúng điểu cao phi tận,
Cô vân độc khứ nhàn.
(Lí Bạch)
Cũng là những nét chấm phá cổ điển gợi cảnh không gian bao la, với
những cánh chim bay cao, với áng mây nhàn nhã. Nhưng sao những cánh
chim, chòm mây ấy cứ bay mãi vào chốn xa xăm, vô tận, càng bay càng mất
hút trong cõi tuyệt mù của bầu trời mênh mông.
Câu thơ của Bác không như thế. Đó không chỉ là những nét hoa tạo hình
độc đáo vào bức tranh chiều tối nơi miền sơn dã mà đã thật sự đưa cánh
chim từ cõi hư không phảng phất ý vị siêu hình trở về với thế giới hiện thực,
thế giới sự sống hàng ngày, bình thường, giản dị.
Từ bút pháp cổ điển của Đường thi chuyển hẳn sang bút pháp hiện thực
rất gần với văn xuôi hiện đại, câu thơ được thổi vào hơi ấm của tình nghệ sĩ,
tình người và cảm hứng hiện đại bỗng nhiên lấp lánh sinh động. Cô gái xay
ngô trở thành trung tâm của bức tranh đã là một sáng tạo mang hơi hướng
hiện đại, thêm chữ hồng cuối bài thơ như một tiếng ca reo vui giữa cuộc sống
bình thường, nghèo khổ nhưng bình yên của cõi người. “Cuộc sống thật đáng
yêu, đáng sống biết bao”, dường như Bác cũng có một ý nghĩ như thế khi đặt
một chữ hồng kết thúc bài thơ. Chữ hồng kết thúc thật bất ngờ nhưng hết sức
tự nhiên, lột tả hết được cái tràn đầy trong cuộc sống! Ở đây ta bắt gặp cách
dùng nhãn tự tươi sáng, giàu tính biểu tượng và biểu cảm của Bác. Chính
chữ hồng đã góp phần quyết định tạo nên cái dư vị nồng ấm, cái âm hưởng
lạc quan của bài thơ và bài thơ từ màu sắc cổ điển, bỗng tỏa sáng một tinh
thần cách mạng hiện đại.
Có người nhận xét, thơ Bác không chỉ có thơ mà còn có cả họa, và trong
họa còn có hồn. Ta hãy suy nghĩ nhận xét ấy qua mấy câu thơ của Người:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng bụi không ngờ;
(Mới ra tù, tập leo núi)

Từ điểm nhìn ở xa, nhà thơ phóng bút từ nền trời vào trang giấy chỉ bằng
vài nét chấm phá mà tạo hình tuyệt mĩ. Một nét cho mây núi, Bác vẽ nên
bức tranh hùng vĩ, bao la. Một nét cho dòng sông, Bác vẽ nên bức tranh
trong sáng, phẳng lặng. Các gam màu từ tay Người phối hợp, tạo nên sự cân
đối, hài hòa. Bức tranh được điểm xuyết bằng chính tâm hồn của nhà thơ.
Nét bút ấy không phải ở bất cứ thi nhân hay họa sĩ nào cũng có mà đó là nét
bút thực sự gợi cảm và đầy sức sống!
Bằng ngòi bút sắc sảo, tinh tế và cảm xúc sâu sắc trên nền tảng chất nghệ
sĩ cùng hồn thơ phong phú, Bác đã để lại cho đời một tác phẩm văn học kiệt
xuất. Nhưng trên hết, Bác muốn gửi gắm lại các thế hệ tiếp bước Người tấm
lòng mênh mông tình người. Chính vì tấm lòng ấy chúng ta yêu thơ Bác, và
cũng chính vì tấm lòng ấy, mà Nhật kí trong tù để lại không chỉ giá trị, mà
lớn hơn, là bài học về sáng tạo nghệ thuật, về đạo lí làm người.
Bác không tự nhận mình là nhà thơ và quả thực Người không có ý muốn
lập nghiệp thơ, nhưng thơ của Bác luôn được coi là những tác phẩm xuất sắc
và được xem là “thơ của muôn đời”. Vâng, chính thơ Bác luôn biểu lộ cái
tâm và cái tình của người nghệ sĩ. Bác không tự nhận mình là nhà thơ nhưng
chính vì lẽ đó mà thơ Bác luôn mang âm hưởng và tiếng nói từ chính trái
tim nghệ sĩ lớn lao của Người. Tiếng nói, tiếng lòng ấy tạo nên Nhật kí
trong tù một cốt cách riêng và thơ Bác nói chung có thể hòa cùng dòng chảy
của thời gian, đến với người đọc hôm nay và mai sau.

×