Tải bản đầy đủ (.doc) (14 trang)

MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (86.57 KB, 14 trang )

MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC
TIỄN
NGUYỄN THÁI PHÚC*
*PGS.TS Luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
1. Đặt vấn đề
Như bất kỳ những lĩnh vực hoạt động khác của con người, hoạt động tố tụng hình sự
(TTHS) cũng chịu sự tác động của những quy luật khách quan nhất định. Những quy luật
khách quan này là gì và tác động, ảnh hưởng chi phối của chúng như thế nào đến tổ chức
hoạt động của TTHS trong lịch sử thế giới và lịch sử của mỗi quốc gia là một vấn đề cực
kỳ quan trọng đối với các nhà lập pháp. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt
động TTHS không thể là công việc chủ quan duy ý chí. Chỉ khi nào mà pháp luật TTHS
được xây dựng trên nền tảng nhận thức của nhà lập pháp về những quy luật khách quan và
những điều kiện tác động, chi phối của nó trong TTHS thì hoạt động của TTHS mới có thể
đem lại những kết quả mong đợi. Chính vì nhu cầu thực tế này của cuộc sống mà từ cuối
thế kỷ XIX khoa học TTHS đã có những nghiên cứu về sự đa dạng phong phú trong cách
thức tổ chức hoạt động TTHS trên thế giới nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng trong
tiến trình phát triển lịch sử hàng nghìn năm của TTHS để tìm ra những quy luật chung,
những sự khác biệt và xu hướng vận động của hoạt động TTHS. Hướng nghiên cứu này
trong khoa học TTHS được gọi là nghiên cứu về kiểu, mô hình TTHS hay còn gọi là mô
hình hóa TTHS. Tri thức về mô hình TTHS là nền tảng giúp chúng ta có được phương
pháp luận phù hợp khi đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật TTHS của mình.
2. Khoa học TTHS Xô Viết về kiểu và mô hình TTHS
Theo quan điểm của khoa học TTHS Xô Viết, TTHS cũng như các chế định pháp lý khác
gắn liền với nhà nước, chịu tác động của quy luật tiến hóa, cùng vận động và phát triển với
nhà nước. Tương ứng với mỗi kiểu nhà nước là mỗi kiểu TTHS nhất định. Cũng như kiểu
nhà nước, kiểu TTHS là tổng hợp toàn bộ các dấu hiệu của nó đặc trưng cho một hình thái
kinh tế – xã hội nhất định. Lịch sử phát triển tự nhiên của xã hội loài người đã biết đến 4
kiểu TTHS khác nhau, thay thế lẫn nhau: TTHS kiểu chiếm hữu nô lệ, TTHS kiểu phong
kiến, TTHS kiểu tư sản, TTHS kiểu XHCN. Cách tiếp cận này cho chúng ta thấy mối quan
hệ có tính phụ thuộc, bị chi phối về bản chất của TTHS trong quan hệ với chế độ xã hội
nhà nước mà nó tồn tại, trong đó vai trò của TTHS như là một chế định công bảo vệ các


quan hệ xã hội thống trị trong nhà nước. Trong cùng một kiểu TTHS có thể có những hình
thức (mô hình) TTHS khác nhau (cũng giống như trong một kiểu nhà nước có thể có nhiều
hình thức nhà nước khác nhau). Các điều kiện lịch sử cùng nhiều yếu tố khác như dân tộc,
văn hóa, tôn giáo, kinh tế, truyền thống pháp lý… trong từng quốc gia cụ thể đã hình thành
cách thức giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu của TTHS khác nhau. Đó chính là lời giải
thích sự hình thành các mô hình TTHS khác nhau ở các quốc gia có cùng một kiểu nhà
nước hoặc các quốc gia có kiểu nhà nước khác nhau nhưng có thể có mô hình TTHS giống
nhau. Lịch sử đã biết đến 4 mô hình TTHS tồn tại ở các kiểu TTHS trong những thời kỳ
khác nhau: Mô hình TTHS buộc tội (tố cáo); Mô hình TTHS xét hỏi (inquisitio); Mô hình
TTHS tranh tụng; Mô hình TTHS pha trộn (hỗn hợp).
Khoa học TTHS Xô Viết phân biệt khái niệm “kiểu TTHS” với khái niệm “mô hình
TTHS” hay “hình thức TTHS”. Nếu như khái niệm kiểu TTHS được xác định bởi quá trình
lịch sử thống nhất thì khái niệm mô hình TTHS bị chi phối bởi nhiều yếu tố như đặc thù
văn hóa, lịch sử, truyền thống pháp lý, tôn giáo… Mô hình TTHS phản ánh những tính
chất, đặc điểm của hoạt động TTHS – những yếu tố có thể thay đổi trong phạm vi của một
kiểu TTHS do tác động của những điều kiện lịch sử cụ thể tồn tại ở mỗi quốc gia. Mô hình
TTHS lịch sử là cách thức tổ chức hoạt động TTHS và cách thức tổ chức này quyết định
địa vị tố tụng của các chủ thể tham gia hoạt động TTHS như thế nào và nguồn động lực
của hoạt động TTHS là gì: là hoạt động tích cực của các bên tranh tụng hay là hoạt động
tích cực của các cơ quan nhà nước mà trước hết là cơ quan Tòa án hay là sự kết hợp cả hai.
Trường phái về mô hình TTHS của khoa học TTHS Xô Viết được thừa nhận là có những
hạt nhân hợp lý, có tính logic nội tại cao, làm rõ mối quan hệ giữa hoạt động TTHS với
bản chất nhà nước, với các điều kiện lịch sử cụ thể… Bên cạnh đó trường phái này cũng bị
phê phán là đã không phản ánh đúng trình tự hoạt động TTHS và quá trình tiến hóa của nó.
Khoa học TTHS ở Liên Bang Nga hiện nay không phân biệt các khái niệm “kiểu TTHS”
và “hình thức TTHS” hay “mô hình TTHS”. Các khái niệm này được sử dụng như là đồng
nghĩa với nhau. Có ba trường phái hay ba phương pháp tiếp cận về mô hình TTHS.
Trường phái thứ nhất là trường phái mô hình TTHS lý thuyết. Những người theo quan
điểm này đã không hoàn toàn lệ thuộc vào tiến trình lịch sử của TTHS mà ngược lại, từ
chính tiến trình lịch sử đó họ đã khái quát về mặt lý thuyết, xây dựng những đặc điểm lý

luận của các mô hình TTHS cụ thể. Cơ sở phân loại các mô hình TTHS là tiêu chí: có hay
không có tranh chấp – xung đột pháp lý giữa các bên tranh tụng bình đẳng với nhau trước
Tòa án (TA) độc lập. Có – đó là TTHS tranh tụng. Không có – đó là TTHS thẩm vấn. Nếu
như tranh chấp giữa các bên chỉ có ở một số giai đoạn của TTHS thì TTHS là mô hình pha
trộn. Các mô hình TTHS này gọi là mô hình TTHS lý thuyết vì chúng chỉ tồn tại trong lý
luận khoa học chứ không tồn tại ở hình thức nguyên mẫu trong lịch sử của TTHS. Có ba
mô hình TTHS lý thuyết là mô hình tranh tụng, mô hình xét hỏi và mô hình pha trộn.
Mô hình tranh tụng có những đặc điểm sau đây:
+ Có hai bên tranh tụng đối trọng nhau là bên buộc tội và bên bào chữa.
+ Hai bên này hoàn toàn bình đẳng với nhau về địa vị tố tụng.
+ TA hoàn toàn độc lập đối với các bên.
Mô hình tranh tụng đòi hỏi áp dụng phương pháp điều chỉnh pháp luật là phương pháp
trọng tài dựa trên tự do và độc lập ý chí của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng.
Phương pháp điều chỉnh này dựa trên yếu tố tự định đoạt và mệnh lệnh: thừa nhận quyền
tự định đoạt của các bên và quyết định có tính bắt buộc thi hành của TA (Trọng tài). Bản
thân các bên không thể tự mình tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến bên tranh tụng kia.
TA chỉ giải quyết vụ án trên cơ sở yêu cầu của các bên chứ không tự ý giải quyết những gì
ngoài yêu cầu của các bên. TA không thể thực hiện bất kỳ hành vi nào thuộc chức năng
buộc tội hay chức năng bào chữa. TA tiến hành hoạt động của mình trên cơ sở có sự buộc
tội của bên buộc tội đưa ra và chỉ giới hạn hoạt động trong phạm vi buộc tội. Điều này dẫn
đến hệ quả: sự tranh tụng của các bên xung quanh sự buộc tội chính là động lực làm cho
hoạt động TTHS tiến triển, vận động lên phía trước. Không có buộc tội – không có tố tụng.
Đây là một trong những quy tắc quan trọng của tranh tụng trên cơ sở thừa nhận vai trò độc
lập của TA.
Mô hình TTHS thẩm vấn là mô hình TTHS mà trong đó các chức năng cơ bản như chức
năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử tập trung vào một cơ quan nhà nước.
Mô hình này có các dấu hiệu đặc trưng như sau:
+ Không có các bên độc lập vì hoạt động tích cực của các bên bị thay thế bởi hoạt động
của cơ quan nhà nước trong TTHS – cơ quan tiến hành tố tụng.
+ Bị cáo hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng và là đối tượng xem xét của

những cơ quan này.
+ Không có tranh chấp pháp lý của các bên, thay vào đó là ý chí của nhà nước, của pháp
luật và ý chí của nhà nước là động lực của TTHS.
Ở góc độ pháp lý, mô hình TTHS thẩm vấn chính là sự vận dụng phương pháp điều chỉnh
mệnh lệnh hành chính vào hoạt động TTHS.
Như vậy phương pháp tiếp cận này không gắn vấn đề nghiên cứu hoạt động TTHS với tiến
trình lịch sử của nó, chỉ khái quát, rút tỉa những đặc trưng, thuộc tính của TTHS tồn tại
trong những quốc gia khác nhau trong những khoảng thời gian khác nhau để thấy được
những gì chung nhất, điển hình nhất của mỗi mô hình TTHS. Theo cách tiếp cận này thì
không có vấn đề thay thế nối tiếp nhau của các mô hình TTHS. Mô hình TTHS tranh tụng
và mô hình TTHS thẩm vấn là đối lập nhau và mô hình TTHS pha trộn là sự quá độ
chuyển tiếp giữa chúng. Bất kỳ hoạt động TTHS nào trong thực tế cũng là mô hình TTHS
pha trộn với những biến đổi theo một trong hai hướng: pha trộn thiên về thẩm vấn hoặc
pha trộn thiên về tranh tụng.
Phương pháp tiếp cận này có ưu điểm đã lấy vấn đề cốt lõi nhất – thuộc tính của TTHS –
làm căn cứ phân loại. Đấy chính là tiêu chí nguyên tắc tổ chức hoạt động TTHS. TTHS cần
được tổ chức theo cách nào? Theo cách của quan hệ hành chính hay theo cách của tố tụng
TA? Nguyên tắc này xét cho cùng lại phụ thuộc vào việc thừa nhận vụ án hình sự có phải
là một tranh chấp pháp lý giữa các bên bình đẳng với nhau hay không. Cách tiếp cận này
có tính lôgic cao và đưa ra được hệ thống các mô hình TTHS hoàn chỉnh. Mô hình TTHS
tranh tụng hay thẩm vấn được xem như là chuẩn mực khi nghiên cứu để tự đánh giá về
TTHS của mỗi quốc gia cụ thể. Bên cạnh đó phương pháp tiếp cận này có một số hạn chế
nhất định như không phản ánh được quy luật phát triển của TTHS, không thấy được sự
thay thế nối tiếp nhau giữa các mô hình TTHS theo một trình tự lịch sử nhất định. Từ đó có
thể dẫn đến kết luận sai lầm là người làm luật có thể lựa chọn theo ý thích chủ quan của
mình mô hình TTHS tranh tụng hay thẩm vấn khi xây dựng pháp luật TTHS ở quốc gia
mình. Phương pháp này chỉ nhìn thấy mối quan hệ giữa các yêu tố bên trong của TTHS,
không nhìn thấy lý do, nguyên nhân hình thành hoặc thay thế các mô hình TTHS – tức là
mối liên hệ bên ngoài giữa TTHS với các điều kiện lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội, nhà
nước, dân tộc… Phương pháp này chưa cho thấy sự khác nhau giữa tranh tụng TTHS với

tranh tụng TTDS.
Trường phái thứ hai là trường phái mô hình TTHS quốc gia truyền thống. Mô hình TTHS
quốc gia truyền thống là cách thức tổ chức hoạt động TTHS bị chi phối bởi những đặc thù
văn hóa – xã hội, tôn giáo, truyền thống pháp lý… của quốc gia và của khu vực. Trường
phái này tiếp cận mô hình TTHS theo đặc thù quốc gia bằng cách nghiên cứu các mô hình
TTHS đã hoặc đang tồn tại thực tế ở các quốc gia nhất định. Tiêu chí phân loại các mô
hình TTHS là những dấu hiệu đặc thù của TTHS trong một số quốc gia cụ thể ở một số
khu vực địa lý nhất định có đặc điểm riêng về dân tộc, tôn giáo, địa lý, truyền thống pháp
lý… Phương pháp tiếp cận này phủ nhận quá trình lịch sử thống nhất đối với các mô hình
TTHS bởi lẽ các mô hình TTHS quốc gia phụ thuộc vào các điều kiện xã hội, văn hóa, lịch
sử của các nền văn minh khác nhau. Các mô hình TTHS không chuyển tiếp, thâm nhập
nhau mà tự thân tồn tại và phát triển. Phương pháp này phân biệt:
+ Mô hình TTHS Rôman – Đức hay còn gọi là mô hình TTHS lục địa với đặc trưng về luật
thành văn điều chỉnh hoạt động TTHS (Một số tác giả phân biệt mô hình TTHS của Đức
với mô hình TTHS của Pháp như là hai mô hình TTHS độc lập).
+ Mô hình TTHS Anh – Mỹ hay TTHS của các quốc gia theo thông luật với đặc thù là coi
trọng yếu tố thực tiễn xét xử thể hiện trong các bản án của TA (án lệ).
+ Mô hình TTHS tập quán pháp với đặc thù hoạt động TTHS chủ yếu dựa vào tư tưởng
pháp luật (ý thức pháp luật) với sự ảnh hưởng của tôn giáo thí dụ như các hệ thống TTHS
của các quốc gia hồi giáo.
Phương pháp này cho thấy mối quan hệ giữa các yếu tố quốc gia đặc thù với cách thức tổ
chức TTHS, giữa đặc thù văn hóa – xã hội với đặc thù mô hình TTHS nhưng lại có hạn chế
là không thấy được quy luật chung giữa các mô hình TTHS, không thấy được sự kế thừa
giữa chúng.
Trường phái thứ ba là trường phái mô hình TTHS lịch sử. Trường phái này đưa ra khái
niệm về mô hình TTHS lịch sử. Đó là cách thức tổ chức hoạt động TTHS điển hình trong
từng giai đoạn phát triển lịch sử của xã hội loài người và chịu sự chi phối bởi mối quan hệ
giữa tự do cá nhân và nhà nước, giữa lợi ích riêng của cá nhân và lợi ích chung của nhà
nước, của xã hội. Những người theo trường phái này đã khái quát toàn bộ quá trình phát
triển lịch sử TTHS để chỉ ra quy luật chung và xu hướng vận động của tiến trình lịch sử đó

vì họ cho rằng chỉ có một tiến trình phát triển lịch sử của TTHS, một xu thế chung trong
tiến trình phát triển của xã hội loài người. Giống như trường phái khoa học TTHS Xô Viết
trước đây, những người theo trường phái này lấy tiêu chí thay thế lẫn nhau của các hình
thái kinh tế – xã hội làm cơ sở phân loại các mô hình TTHS nhưng không nhấn mạnh yếu
tố bản chất giai cấp của chúng. Phương pháp tiếp cận này chú trọng nghiên cứu các quy
luật khách quan thay thế các mô hình TTHS. Các mô hình TTHS đều có quy luật chung
trong quá trình phát triển của mình.
Trường phái này phân biệt ba mô hình TTHS lịch sử:
+ TTHS buộc tội sơ khai. Mô hình này hình thành ở thời kỳ nhà nước chiếm hữu nô lệ và
tồn tại đến thời kỳ đầu của nhà nước phong kiến. Đặc trưng của mô hình này là địa vị tố
tụng hết sức đặc biệt của người buộc tội. Thông thường người bị hại đồng thời là người
buộc tội. Người buộc tội quyết định sự khởi đầu của vụ án – khởi tố vụ án hay không khởi
tố – cũng như tiến trình của vụ án – đình chỉ hay không đình chỉ. Hệ thống chứng cứ được
thừa nhận như là căn cứ giải quyết vụ án nhưng chịu sự ảnh hưởng nặng nề của các quan
điểm tôn giáo, tập quán thời đó. Chân lý khách quan của vụ án được xác định bằng hình
thức thách đấu, thử thách bằng lửa, bằng nước. Các bên tranh chấp phải tuân thủ những thủ
tục và phải vượt qua những thách đấu thử thách như vậy trước sự chứng kiến của TA
(trọng tài) để chứng minh lẽ phải thuộc về mình.
+ TTHS thẩm vấn trung cổ. Mô hình TTHS này xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ
nhưng phát triển mạnh nhất, phổ biến nhất trong xã hội phong kiến thời kỳ quân chủ –
chuyên chế. Đầu tiên mô hình này tồn tại trong các luật lệ của giáo hội với hoạt động của
TA dị giáo – TA xét xử những người có quan điểm khác với quan điểm chính thống của
giáo hội. Về sau mô hình này được mở rộng ra xã hội dân sự thành mô hình hoạt động của
TA nhà nước. Vụ án hình sự có thể được bắt đầu từ những tin đồn, mật báo. Có sự phân
biệt hoạt động điều tra sơ bộ và hoạt động này không mang tính công khai đối với bị can.
Các giáo chủ là người tiến hành hoạt động điều tra thu thập chứng cứ để làm rõ tin đồn về
sự kiện tội phạm và chuyển vụ án ra Tòa để xét xử. Bị can luôn được suy đoán là có tội và
luật lệ cho phép áp dụng tra tấn, nhục hình với bị can như là cách thức thu thập chứng cứ.
Ở Đức thời kỳ đó ước tính có từ 60 đến 70 hình thức tra tấn khác nhau. Bị can hầu như bị
tước đoạt khả năng bào chữa, không được thừa nhận là chủ thể tham gia hoạt động TTHS

mà ngược lại, là đối tượng của hoạt động TTHS. TA có vai trò tích cực trong hoạt động tố
tụng, thâu tóm vào tay mình cả ba chức năng cơ bản của TTHS: vừa buộc tội, vừa bào
chữa, vừa xét xử. Hệ thống chứng cứ được xây dựng trên cơ sở những quy định chặt chẽ
về cách đánh giá chứng cứ theo những chuẩn mực giá trị nhất định (đánh giá chứng cứ
hình thức). Thí dụ như lời nhận tội của bị cáo là “chứng cứ vua”, lời khai của phụ nữ có
giá trị chứng minh ít hơn so với lời khai của nam giới, lời khai của người giàu trung thực,
đáng tin cậy hơn lời khai của người nghèo… Hệ thống chứng cứ này dù sao cũng được
nhìn nhận là một sự tiến bộ vì ý chí của pháp luật cũng đã thay thế cho sự tùy tiện của
thẩm phán. Mô hình TTHS này tuyệt đối hóa lợi ích nhà nước, đặt lợi ích nhà nước lên trên
hết và xem thân phận của bị can như là phương tiện để đạt tới mục đích có ý nghĩa xã hội
là chân lý của vụ án. Nhưng lịch sử đã cho thấy chính sự chà đạp lên quyền con người của
bị can lại là yếu tố cản trở việc thực hiện mục đích đó và là nguyên nhân phổ biến của
những sai lầm tư pháp.
+ Mô hình TTHS tranh tụng. Mô hình này phổ biến ở những quốc gia có truyền thống
thông luật. Nó ra đời đầu tiên ở Anh, sau đó được phổ biến ở các nước vốn là thuộc địa của
Anh. Mô hình này thừa nhận hoạt động TTHS là quá trình giải quyết tranh chấp pháp lý
giữa một bên là đại diện nhà nước và một bên là công dân bị cáo buộc là đã thực hiện hành

×