Tải bản đầy đủ (.pdf) (117 trang)

Sự ra đời và hoạt động của lực lượng thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến chống Pháp (1950 - 1954

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.14 MB, 117 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN






NGUYỄN VIỆT HÙNG




SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG
THANH NIÊN XUNG PHONG TRONG NHỮNG NĂM
KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1950 – 1954)




Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60 22 54



LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ


Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Xanh






Hà Nội – 2009

0
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 2
1. Lý do chọn đề tài 2
2. Tình hình nghiên cứu 3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài 4
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 5
5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu 5
6. Đóng góp của luận văn 6
7. Kết cấu của luận văn 6
Chương 1: SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN VỀ MẶT TỔ CHỨC CỦA
LỰC LƯỢNG TNXP TRUNG ƯƠNG (1950 – 1954) 7
1.1. Bối cảnh lịch sử 7
1.2. Đội TNXP công tác Trung ương ra đời 11
1.3. Sự phát triển và kiện toàn về mặt tổ chức của Lực lượng TNXP
Trung ương (1950 – 1954) 14
1.4. Sinh hoạt của Lực lượng TNXP Trung ương 23
Chương 2: LỰC LƯỢNG TNXP TRUNG ƯƠNG PHỤC VỤ CHIẾN
ĐẤU TRONG NHỮNG NĂM 1950 – 1954 27
2.1. Lực lượng TNXP Trung ương phục vụ các chiến dịch lớn từ năm
1950 đến 1953 27
2.2. Lực lượng TNXP trung ương trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 –
1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. 56
Chương III: MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM 73
3.1. Một số nhận xét 73

3.2. Những bài học kinh nghiệm 82
3.3. Một số đề xuất để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của TNXP trong
giai đoạn hiện nay 89
KẾT LUẬN 95
PHỤ LỤC 98
TÀI LIỆU THAM KHẢO 111


1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, là lực lượng xung
kích trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh
đã khẳng định: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, phần lớn là do các
thanh niên”.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ của dân tộc ta, dưới ngọn cờ của Đoàn, của Đảng, lớp lớp thanh
niên đã được tập hợp, đoàn kết và làm nên những chiến công hiển hách,
những thành tích xứng đáng là “Thế hệ anh hùng của một dân tộc anh
hùng”. Có thể kể tên hàng vạn các tấm gương anh hùng tuổi trẻ mà tên tuổi
các anh, các chị đã làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta. Các anh hùng trẻ
tuổi qua các thời kỳ cách mạng là những tấm gương sáng ngời về lòng quả
cảm, đức hy sinh, vượt qua khó khăn, thử thách, biết hy sinh quyền lợi cá
nhân để vì nghĩa lớn và vì lý tưởng cách mạng: “Độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội”. Lý tưởng cách mạng đó là bó đuốc soi đường và động
lực quan trọng để tuổi trẻ cống hiến và trưởng thành. Sự đóng góp lớn lao
của tuổi trẻ trong các thời kỳ cách mạng được Đảng và nhân dân ta ghi nhận:
“Lịch sử dân tộc chứng minh rằng ở bất cứ thời kỳ nào thanh niên với chí
tiến thủ và hoài bão lớn, với lòng yêu nước nồng nàn, luôn luôn đi đầu đáp
ứng những đòi hỏi của đất nước”.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là người làm nên
lịch sử. Trong thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
vinh quang và công lao to lớn trước hết thuộc về toàn dân, trong đó có thanh
niên xung phong, một lực lượng được Hồ Chí Minh sáng lập năm 1950.
Những đóng góp của thanh niên xung phong (viết tắt là TNXP) được thể
hiện trên nhiều lĩnh vực như tải thương, làm đường, thu dọn chiến

2
trường…Sự hy sinh quả cảm, cống hiến cả tuổi xuân, xương máu của hàng
nghìn TNXP cả trong sản xuất hay phục vụ chiến đấu xứng đáng được tôn
vinh, được tạc ghi vào lịch sử để các thế hệ mai sau noi gương và học tập.
Chính vì vậy, việc đi sâu nghiên cứu về TNXP trong những năm
kháng chiến chống Pháp nhằm đánh giá đúng vai trò, vị trí và những cống
hiến thầm lặng nhưng vô cùng to lớn của họ trong sự nghiệp cách mạng là
thực sự cần thiết, chẳng những có ý nghĩa khoa học, thực tiễn và còn là đạo
lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
Trong thời đại ngày nay, khi đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với
trào lưu chung của thế giới, thuận lợi xen lẫn khó khăn, thời cơ đi liền với
thách thức, những thế lực thù địch, phản động vẫn không ngừng hàng ngày
hàng giờ với nhiều thủ đoạn chống phá và chĩa mũi nhọn vào các lực lượng
cách mạng. Đặc biệt thanh niên là đối tượng bị dụ dỗ, lôi kéo nhiều nhất vì
thanh niên chiếm số lượng lớn trên tỉ số dân, là sức sống của hiện tại và
tương lai của dân tộc. Nghiên cứu về truyền thống hào hùng của TNXP
chính là góp phần khơi dậy trong thanh niên ngày nay niềm tự hào về một
quá khứ vinh quang với những chiến công vĩ đại của các thế hệ cha anh để
họ mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa
chọn.
Với những lý do trên, tác giả đã chọn vấn đề: “Sự ra đời và hoạt động
của Lực lượng thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến
chống Pháp (1950 – 1954)” làm đề tài Luận văn Thạc sĩ Lịch sử.

2. Tình hình nghiên cứu
Trong những năm qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc
kháng chiến chống Pháp, được xuất bản cả ở trong và ngoài nước. Trong các
công trình đó, có tác phẩm nghiên cứu toàn diện về cuộc kháng chiến chống
Pháp; có tác phẩm nghiên cứu từng vấn đề, từng thời kỳ, từng sự kiện lịch

3
sử trong suốt cuộc kháng chiến. Nhìn chung, trong các công trình nghiên cứu
này Lực lượng TNXP chỉ được đề cập đến một cách khái quát như một bộ
phận nhỏ trong lực lượng cách mạng đông đảo của cả dân tộc.
Nghiên cứu về Lực lượng TNXP, có các cuốn sách tiêu biểu như: 40
năm thanh niên xung phong (1950 – 1990) của nhiều tác giả, do nhà xuất
bản Thanh niên xuất bản năm 1990; tác phẩm Lịch sử Thanh niên xung
phong Việt Nam (1950 – 2001) do Văn Tùng, Nguyễn Hồng Thanh đồng chủ
biên, nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2002; Thanh niên xung phong
ngày ấy của tác giả Trần Dân, do nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm
1996; Thanh niên xung phong những trang oanh liệt của nhiều tác giả, nhà
xuất bản Thanh niên xuất bản năm 1996; Thanh niên xung phong Thanh Hoá
- Những chặng đường lịch sử của Ban đại diện Thanh niên xung phong tỉnh
Thanh Hoá, nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 1998.
Ngoài ra còn có một số bài viết trên các tạp chí, các hội thảo khoa học
được tổ chức trong những năm qua. Tuy nhiên, những tác phẩm trên đây chỉ
đề cập đến từng khía cạnh, từng mặt riêng lẻ về Lực lượng TNXP, đặc biệt
các tác phẩm nghiên cứu về TNXP trong những năm chống Pháp rất ít được
đề cập đến.
Cho đến nay, đứng ở góc độ lịch sử nói chung chưa có một công trình
chuyên biệt nào trình bày một cách hệ thống quá trình hình thành và hoạt
động của Lực lượng TNXP trong kháng chiến chống Pháp. Do vậy, nghiên
cứu đề tài này là sự cần thiết và cấp thiết.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài

- Đối tượng: Luận văn nghiên cứu những hoạt động của lực lượng
TNXP Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên các mặt chiến
đấu và phục vụ chiến đấu.
- Phạm vi nghiên cứu:

4
Luận văn nghiên cứu những hoạt động của Lực lượng TNXP Trung
ương kể từ khi được thành lập năm 1950 cho đến hết chiến dịch Điện Biên
Phủ năm 1954
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu:
Dựng lại bức tranh lịch sử hào hùng của Lực lượng TNXP Trung
ương trong những năm kháng chiến chống Pháp, qua đó làm nổi bật những
đóng góp, cống hiến, hy sinh của TNXP trong sự nghiệp cách mạng Việt
Nam.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
Tổng hợp các nguồn tài liệu, để trên cơ sở đó dựng lại những hoạt
động của Lực lượng TNXP Trung ương trên các mặt trận quan trọng trong
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp qua đó thấy được vai trò, vị trí và
những đóng góp của TNXP Trung ương đối với mỗi chiến dịch và đối với cả
cuộc kháng chiến.
5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tư liệu:
- Nguồn tư liệu của Ban Biên tập lịch sử Đoàn, Ban TNXP thuộc
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được chúng tôi sử
dụng như là nguồn tư liệu chính.
- Các bài nói, bài viết, tác phẩm của Hồ Chí Minh trong Hồ Chí Minh
toàn tập.
- Các văn kiện Đảng, nhất là thời kỳ 1945 – 1954.
- Các tác phẩm, bài viết, luận án nghiên cứu về kháng chiến chống

Pháp có liên quan đến đề tài.
- Các tài liệu, bút tích, hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Tuổi trẻ Việt
Nam, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Bảo

5
tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; các thư viện như Thư viện Quốc gia, Thư
viện Quân đội, Thư viện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh, Trung tâm lưu trữ Quốc gia; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử…
5.2. Phương pháp nghiên cứu:
- Luận văn được tiến hành trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện
chứng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những quan điểm
của Đảng về chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân; về bảo vệ và phát huy
vai trò của hậu phương chiến tranh…cũng như về vai trò, vị trí của thanh
niên trong đời sống xã hội, trong đấu tranh cách mạng và tiến trình lịch sử.
- Luận văn thuộc chuyên ngành lịch sử Việt Nam nên về cơ bản sử
dụng phương pháp lịch sử, phương pháp lôgíc, chủ yếu là phương pháp lôgíc
lịch sử. Ngoài ra tác giả còn sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, so
sánh, thống kê, đối chiếu…để giải quyết các vấn đề đặt ra trong luận văn.
6. Đóng góp của luận văn
- Làm rõ quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp chủ yếu
của Lực lượng TNXP Trung ương trong kháng chiến chống Pháp. Qua đó rút
ra những kinh nghiệm về công tác vận động thanh niên trong giai đoạn hiện
nay.
- Luận văn đóng góp, bổ sung những tài liệu có giá trị cho lịch sử của
tổ chức Đoàn - Hội - Đội và Lực lượng TNXP Việt Nam.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo,
luận văn gồm có 3 chương.




6
Chương 1: SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN VỀ MẶT TỔ CHỨC CỦA
LỰC LƯỢNG TNXP TRUNG ƯƠNG (1950 – 1954)
1.1. Bối cảnh lịch sử
Cuối năm 1949, đầu năm 1950, tình hình trong nước và thế giới có
nhiều biến chuyển, ảnh hưởng to lớn đến cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp của nhân dân ta.
Về phía thực dân Pháp, sau thất bại của cuộc tiến công lên Việt Bắc
(Thu – Đông 1947), khi âm mưu nhanh chóng kết thúc chiến tranh bằng
chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” bị phá sản, chúng buộc phải chuyển
sang kế hoạch “đánh kéo dài” bằng cách ráo riết thực hiện chính sách “dùng
người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, thực hiện
chiến lược “chiến tranh tổng lực” trên các mặt chính trị, quân sự và cả việc
triệt phá các cơ sở kinh tế của ta. Trong khi đó, phong trào đấu tranh phản
đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của các tầng lớp nhân dân Pháp
ngày càng dâng cao, dưới nhiều hình thức phong phú như lấy chữ ký, gửi
đơn kiến nghị đòi hoà bình ở Việt Nam, đấu tranh chống đưa lính sang Việt
Nam…Tình hình đó ngày càng khoét sâu thêm những mâu thuẫn trong giới
cầm quyền Pháp. Những khó khăn về kinh tế, tài chính cũng ngày càng tăng
lên. Lợi dụng lúc thực dân Pháp gặp phải những khó khăn như vậy, đế quốc
Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương, nhất là khi
Mỹ vừa chịu thất bại nặng nề khi chính phủ Quốc dân Đảng Tưởng Giới
Thạch được Mỹ ủng hộ, giúp đỡ đã sụp đổ hoàn toàn ở Trung Quốc, nước
Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời (tháng 10/1949). Nhờ sự giúp đỡ đắc
lực của Mỹ (thông qua kế hoạch Rơve), thực dân Pháp nhanh chóng triển
khai âm mưu “khoá chặt biên giới Việt – Trung”. Địch tăng cường xây dựng
hệ thống phòng ngự dọc theo đường số 4 (giáp biên giới); đồng thời thiết lập

7

“hành lang Đông – Tây” (Hải Phòng – Hà Nội – Hoà Bình – Sơn La) nhằm
cắt đứt sự liên lạc giữa căn cứ Việt Bắc của ta với đồng bằng Liên khu III và
Liên khu IV. Chúng đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để mở cuộc tiến công
quy mô lớn lên Việt Bắc lần thứ hai nhằm kết thúc chiến tranh.
Để chống lại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến
tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp, quân và dân ta đã phát huy sức
mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh cách mạng, tích cực phát triển chiến
tranh du kích khắp nơi, từ vùng địch hậu đến chiến trường chính làm cho
địch sa lầy trên mọi địa bàn. Bên cạnh việc phát triển chiến tranh du kích, coi
du kích chiến là chính, từ năm 1948 đến giữa năm 1950 bộ đội ta đã mở
hàng chục chiến dịch và đợt hoạt động quy mô nhỏ trên các chiến trường
toàn quốc. Ngày 18/3/1948, ta mở chiến dịch Nghĩa Lộ (Tây Bắc) giải phóng
thị trấn Nghĩa Lộ, bức địch phải rút 7 vị trí khác, có 163 địch ra hàng. Ngày
1/6/1948, ta mở chiến dịch Yên Bình tiêu diệt vị trí Phố Ràng và 300 tên
địch. Từ 1949 – 1950, quân ta lại liên tiếp mở các chiến dịch tiến công địch:
chiến dịch Lao – Hà (cuối tháng 2/1949) xoá bỏ vị trí Phố Lu và Bản Lầu
buộc địch phải rút 22 vị trí khác, giải phóng một vùng rộng lớn 22,789Km
2
;
chiến dịch Đông Bắc (từ tháng 3 đến tháng 5/1949) phá huỷ 53 xe quân sự
của địch ở Lũng Phầy.
Phối hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự, phong trào đấu tranh chính
trị ở các thành phố, các khu công nghiệp cũng có bước phát triển mới, góp
phần thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên. Đó là một bước tiến quan trọng của
quân đội ta trên con đường đẩy mạnh “vận động chiến”, từ du kích tiến dần
lên chính quy, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Thông
qua đó lực lượng kháng chiến của ta đã trưởng thành về mọi mặt.

8
Trong bối cảnh đó, trên bình diện quốc tế cũng có nhiều biến chuyển

có lợi cho sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Đó là cách mạng Trung Quốc
thành công, nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ra đời; Liên Xô cùng các
nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu đạt nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng
kinh tế - xã hội và đã chính thức công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa; sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân
tộc và đấu tranh vì hòa bình thế giới ở châu Á, Phi, Mỹ La tinh…Với điều
kiện thuận lợi đó, Đảng ta quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp tiến lên bước phát triển cao hơn. Tại Hội nghị lần thứ III của Đảng (từ
21/1 đến 3/2 năm 1950), Đảng đã khẳng định “ta cần phải nhân đà tiến bộ
của bản thân ta, dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng bạn, lợi dụng sự lúng
túng của địch, trông trước mưu mô của đế quốc Mỹ - Anh mà gấp rút hoàn
thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công trong năm 1950
này” [25, tr. 199].
Để đảm bảo thực hiện được những kế hoạch Đảng ta đã vạch ra, công
tác hậu cần phục vụ chiến đấu trở nên cấp bách, có ý nghĩa vô cùng quan
trọng. Chính vì lẽ đó, ngay từ đầu năm 1950, trong chỉ thị về việc chuẩn bị
chiến trường Đông Bắc, Đảng đã vạch rõ: “Chuẩn bị chiến trường Đông Bắc
cho thật đầy đủ để khi có đủ điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn quét địch ra
khỏi đường số 4 và một đoạn bờ bể, đánh bại quân địch trong vùng Đông
Bắc” [25, tr. 8].
Tháng 5 năm 1950, Trung ương lại chỉ thị cho Liên khu ủy Việt Bắc
về việc sửa đường và vận tải. Chỉ thị nêu rõ: “hiện nay việc giao thông liên
lạc giữa nước ta với nước ngoài, đặc biệt với Trung Quốc là rất cần thiết.
Trung ương quyết nghị sửa gấp những con đường lớn trong Liên khu Việt
Bắc từ biên giới vào…Tổ chức những đội xung phong công tác “brigade de

9
choc” trong các đoàn thể nhân dân. Chọn những đoàn viên hăng hái khoẻ
mạnh nhất là thanh niên tổ chức thành từng đội chữa đường để làm động cơ
thúc đẩy nhân dân.”[25, tr. 324, 325].

Cho đến tháng 6 năm 1950, trước âm mưu của thực dân Pháp muốn
tiếp tục tấn công lên Việt Bắc lần thứ 2 nhằm khóa chặt biên giới Việt –
Trung, thiết lập hành lang Đông – Tây, Trung ương Đảng ta đã quyết định
mở chiến dịch Biên giới. Yêu cầu của chiến dịch là tiêu diệt một phần quan
trọng sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới phía Bắc nước ta; thu hẹp
phạm vi chiếm đóng của địch và mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tiến
tới giành thế chủ động trên chiến trường chính.
Như vậy, chiến dịch Biên giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với
cục diện chiến tranh giữa ta và địch. Do đó, công tác phục vụ chiến đấu
trong chiến dịch này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các cấp bộ
Đảng, chính quyền và Đoàn thanh niên cũng đã vận động được hàng vạn dân
công lên đường làm nhiệm vụ phục vụ tiền tuyến, sửa cầu đường, vận
chuyển súng đạn, lương thực, thuốc men cho bộ đội với tinh thần sẵn sàng
hy sinh, chịu đựng gian khổ hoàn thành mọi nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng
dân công có những hạn chế nhất định. Trước hết, thời gian đi dân công phục
vụ cho các chiến dịch thường chỉ vài chục ngày đến một, hai tháng. Với thời
gian ngắn, đối tượng rộng rãi, các cấp lãnh đạo không thể làm tốt công tác tổ
chức, giáo dục chu đáo và cũng không thế đảm đương được những nhiệm vụ
đột xuất và những nhiệm vụ đòi hỏi thời gian dài.
Để đáp ứng yêu cầu to lớn của cuộc kháng chiến, vấn đề đặt ra cho
cách mạng chúng ta lúc này là không những phải huy động đông đảo dân
công, mà còn phải tổ chức thêm một lực lượng mới, trẻ, khoẻ, được giáo dục

10
và tổ chức chặt chẽ, thực sự là đội quân chủ lực trong dân công để có thể mở
hàng trăm kilômét đường, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, đạn dược
trong bất kỳ tình huống nào của cuộc kháng chiến. Chỉ có như thế, bộ đội ta
mới có đủ điều kiện để đẩy mạnh tác chiến theo hướng mở các chiến dịch
lớn, dài ngày.
1.2. Đội TNXP công tác Trung ương ra đời

Trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng và
Hồ Chủ tịch nhận thấy cần thiết phải tổ chức các Đội thanh niên xung phong
để bổ khuyết những hạn chế của dân công đảm bảo cho công tác hậu cần,
đáp ứng kịp thời yêu cầu to lớn của chiến dịch. Hồ Chủ tịch đã trực tiếp chỉ
thị cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Đảng, Chủ tịch Liên đoàn thanh niên Việt Nam phải truyền đạt ý kiến của
Người với Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc về việc thành lập những
đội thanh niên xung phong công tác cho phù hợp đặc điểm của thanh niên là
luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Tháng 6 năm 1950, trong một Hội nghị
quan trọng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, nhằm quán triệt đường lối
quân sự trong giai đoạn mới của Trung ương, đặc biệt là chủ trương đánh
lớn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã truyền đạt chỉ thị của Hồ Chí Minh với
đồng chí Nguyễn Lam – Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt
Nam, người cũng có mặt trong Hội nghị. Trên tinh thần đó, ngày 15 tháng 7
năm 1950, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương đã họp Hội nghị mở rộng và
giao cho Ban Thường vụ Trung ương Đoàn ra quyết định thành lập Đội
Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên. Đây là thời điểm có ý
nghĩa lịch sử đối với sự ra đời của một đội hình thanh niên mang tính đặc thù
từ sáng kiến của Hồ Chủ tịch. Các đội TNXP chính là một hình thức mới để
tập hợp lực lượng thanh niên tham gia chiến đấu, là trường học để tuổi trẻ

11
Việt Nam rèn luyện, cống hiến và trưởng thành trong suốt hơn nửa thế kỷ
qua.
Các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Lam cùng Ban Thường vụ
Trung ương Đoàn đã trực tiếp lựa chọn bộ máy lãnh đạo cho Đội TNXP
công tác Trung ương đầu tiên này. Theo đó, Ban chỉ huy lâm thời của Đội
TNXP công tác Trung ương đầu tiên gồm có 5 đồng chí do đồng chí Vương
Bích Vượng - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm đội
trưởng, kiêm Bí thư chi bộ; đồng chí Võ Đức (nguyên trong ban lãnh đạo

Thành ủy Huế) công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, nhận nhiệm vụ
Đội phó phụ trách công tác chính trị; đồng chí Đặng Hồ Khuê, cán bộ Trung
ương Đoàn phụ trách công tác cung cấp hậu cần. Theo nhiệm vụ được giao,
Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức
và giáo dục chính trị, tư tưởng của Đội. Tổng cục Cung cấp trực tiếp điều
động, phân công công tác và giải quyết mọi chế độ, chính sách cho cán bộ,
đội viên.
Sau khi Đội TNXP công tác Trung ương có quyết định thành lập, một
lần nữa Đảng và Hồ Chủ tịch lại khẳng định cuộc kháng chiến càng phát
triển thì vai trò của thanh niên càng to lớn, công tác vận động thanh niên
phục vụ chiến trường càng trở nên cấp thiết. Ngày 20 tháng 7 năm 1950, Hội
nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về vận động thanh
niên, nêu rõ tầm quan trọng, vị trí, tính chất và nhiệm vụ của tổ chức thanh
niên. Trong đó nhấn mạnh công tác thanh vận phải “Động viên thanh niên
xung phong trong công cuộc hoàn thành chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng
phản công.” [25, tr. 417].

12
Với một bộ máy lãnh đạo có năng lực và đầy quyết tâm, cộng thêm lại
được Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh động viên kịp thời, Ban chỉ huy Đội
TNXP, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã tổ chức đợt tuyển đội viên đợt
đầu chủ yếu là ở các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc
Giang…Hàng chục cán bộ khung của Đội đã tỏa đi các địa phương và cùng
với các cấp bộ Đoàn nhanh chóng phổ biến chủ trương, chọn lọc những cán
bộ, đoàn viên, thanh niên ưu tú, tích cực để lập ra các phân đội (số người
tương đương với một trung đội của các lực lượng vũ trang) và các liên phân
đội (gồm một số phân đội). Cho đến những ngày cuối tháng 8 năm 1950,
công tác tuyển đội viên bước đầu đã tập trung được hơn 100 người. Số cán
bộ, đội viên này được tập trung về căn cứ địa kháng chiến (gần cơ quan
Trung ương Đoàn) ở vùng Suối Lê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Do yêu cầu công tác chuẩn bị chiến trường gấp rút nên cuối tháng 8
năm 1950, lễ xuất quân đã được tổ chức tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện
Đại Từ, Thái Nguyên. Với tinh thần vừa hành quân vừa tuyển bổ sung, đến
gần biên giới thì toàn đội tập trung tại một vùng rừng núi gần căn cứ Lam
Sơn (Cao Bằng) để ổn định tổ chức và học tập chính trị, chuẩn bị nhận
nhiệm vụ. Lúc này, toàn Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên đã có hơn
200 đội viên, nhưng duy nhất chỉ có 1 đội viên là nữ làm nhiệm vụ y tá trong
đội vì lúc này chưa có chủ trương tuyển nữ TNXP. Tất cả là những đoàn
viên, thanh niên tích cực nhất được tuyển chọn từ các địa phương. Đội được
tổ chức thành 3 liên phân đội, dưới liên phân đội có các phân đội. Toàn đội
có 73 đảng viên trẻ, còn lại hầu hết là đoàn viên thanh niên cứu quốc, tuổi từ
18 đến 25. Thời gian phục vụ của đội viên là 6 tháng và được hưởng chế độ
cung cấp như bộ đội địa phương.

13
Như vậy, cho đến trước khi chiến dịch Biên giới mở màn, công tác
phục vụ chiến đấu được đặt lên hàng đầu để đảm bảo cho chiến dịch được
toàn thắng. Hàng nghìn dân công hỏa tuyến đã lên đường làm nhiệm vụ, đặc
biệt là từ chiến dịch này trở đi ngoài dân công hỏa tuyến thì TNXP, một lực
lượng mới mẻ hình thành từ sáng kiến của Hồ Chí Minh để phát huy sức
mạnh rời non lấp bể của tuổi trẻ, sẽ trở thành đội quân xung kích, chủ lực
trong công tác phục vụ chiến đấu và khi cần thiết sẽ trực tiếp chiến đấu.
1.3. Sự phát triển và kiện toàn về mặt tổ chức của Lực lượng
TNXP Trung ương (1950 – 1954)
Sau chiến thắng Biên giới, tình hình diễn biến khẩn trương và đặt ra
trước Đảng ta những yêu cầu mới cần phải có những đường hướng thích
hợp.
Kẻ địch bị thua đau và tổn thất nặng nề, đang rất hoang mang lúng
túng nhưng chúng vẫn còn đông quân và đang ra sức chấn chỉnh, tăng cường
lực lượng, củng cố thế bố trí, đặc biệt giữ vững đồng bằng Bắc Bộ, chuẩn bị

sẵn sàng đối phó với ta.
Còn ta, tuy thắng lợi ở Biên giới, diệt được nhiều sinh lực địch, mở
rộng căn cứ địa Việt Bắc, song mới chỉ thu hẹp được một phần phạm vi
chiếm đóng của địch; vùng trung du và đồng bằng đông người, nhiều của,
nơi có khả năng đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của kháng chiến vẫn
còn nằm trong vùng kiểm soát của chúng. Do cách mạng Trung Quốc đã
thành công và đã khai thông được biên giới, ta có điều kiện tiếp nhận sự chi
viện về vật chất của anh em bè bạn, đặc biệt là của Đảng, Chính phủ và nhân
dân Trung Quốc, nhưng nhu cầu về vật chất của cuộc kháng chiến là rất lớn
và ta vẫn phải giải quyết theo phương châm “tự lực cánh sinh” là chính. Tác
chiến tập trung của ta được đẩy mạnh và tiến bộ rõ rệt, song chiến tranh du

14
kích lại chậm phát triển, một số nơi bị chững lại và gặp khó khăn nhất là ở
đồng bằng Bắc Bộ, nơi địch đang tiến hành bình định ác liệt.
Trung ương Đảng thấy cần phải tận dụng thời cơ có lợi, tranh thủ thời
gian, tiếp tục mở một số chiến dịch nhằm tiến công tiêu diệt sinh lực địch,
phá kế hoạch củng cố, bình định của chúng, phát triển chiến tranh du kích,
giữ vững quyền chủ động chiến lược vừa giành được trên chiến trường
chính.
Trước những yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, Ban Thường vụ
Trung ương Đoàn khẩn trương mở rộng và phát triển Lực lượng TNXP công
tác nhằm phục vụ thật tốt cho các chiến dịch mà Trung ương Đảng có kế
hoạch triển khai.
Tháng 10 năm 1950, Trung ương Đoàn chỉ đạo thành lập Đội TNXP
công tác thứ 2. Tổng số lúc đầu của Đội là 1.737 đội viên, được tuyển ở các
tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh. Số lượng cụ thể là Đội Phú Thọ tuyển
được 600 người, Bắc Giang tuyển được 840 người, Bắc Ninh tuyển được
297 người [65, tr. 25].
Rút kinh nghiệm qua việc tổ chức Đội TNXP công tác Trung ương

đầu tiên, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã thống nhất với Tổng cục
Cung cấp, từ nay liên tục tăng cường phát triển đội viên vào Đội TNXP để
phục vụ nhu cầu của cuộc kháng chiến, và từ nay không giải thể Đội sau mỗi
chiến dịch mà thường xuyên tuyển thêm những đội viên mới để thay thế
những đội viên đã hết thời hạn phục vụ. Với quyết tâm như vậy, chỉ sau một
thời gian ngắn, Đội TNXP công tác Trung ương đã phát triển lên tới 3.000
đội viên và bắt đầu nhận cả nữ đội viên.
Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên ở
các địa phương gia nhập thanh niên xung phong được các cấp bộ Đoàn,

15
Đảng và chính quyền hết sức chú trọng. Những khẩu hiệu động viên, khích
lệ thanh niên tham gia thanh niên xung phong được tuyên truyền rộng rãi
như:
“Gia nhập Đội TNXP để phục vụ công tác kháng chiến là nhiệm vụ
của thanh niên”.
“Vào Đội TNXP là một vinh dự của tuổi trẻ”.
“Giúp đỡ thanh niên gia nhập Đội TNXP là nhiệm vụ của toàn dân”.
Điều kiện để lựa chọn vào Đội TNXP được công khai trong nhân dân
như:
- Tự nguyện, tự giác vào Đội.
- Tuổi không quá 25, đảng viên không quá 30 tuổi.
- Thành phần nông dân, tiểu tư sản nghèo.
- Có sức khỏe.
Danh sách những thanh niên gia nhập TNXP được niêm yết tại trụ sở
Ủy ban xã, huyện để thêm phần động viên, khuyến khích. Nhân dân ở các
địa phương tổ chức tiễn đưa con em lên đường nhận nhiệm vụ của Đội
TNXP như đưa tiễn con em nhập ngũ.
Trước khi bước vào phục vụ chiến dịch, các đội viên TNXP đã được
chuẩn bị khá kỹ về tư tưởng, tổ chức và nhiệm vụ chuyên môn, nội quy tổ

chức Đội TNXP, được giáo dục tinh thần phục vụ kháng chiến với tính xung
phong trong mọi công tác, giữ kỷ luật chiến trường, được các đồng chí bên
quân đội hướng dẫn tận tình công tác sơ cứu, tải thương và đều được học
những vấn đề cơ bản về quân sự để sẵn sàng đáp ứng tốt những nhiệm vụ

16
được giao trong mọi tình huống. Đội TNXP công tác Trung ương còn tổ
chức lễ tuyên thệ cho các đội viên trước khi đi nhận công tác ở mặt trận.
Rút kinh nghiệm so với Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên, các
Đội TNXP Trung ương thành lập về sau đã chủ trương điều chỉnh về mặt tổ
chức trên nguyên tắc đơn giản tổ chức, trực tiếp và thống nhất lãnh đạo.
Theo đó, từ Đội TNXP công tác thứ hai sẽ bỏ cấp Liên đội, giải tán Ban chỉ
huy Đội các tỉnh. Toàn thể tổ chức TNXP Trung ương phục vụ trong mỗi
chiến dịch chỉ có một Đội và một Ban chỉ huy Đội. Dưới Đội là Liên phân
đội có từ 175 đến 220 người. Dưới Liên phân đội có phân đội, trong đó có 1
phân đội làm công tác tải thương. Mỗi phân đội phụ trách 5 cáng, mỗi cáng 4
người khiêng, tất cả là 20 và 1 đồng chí phụ trách. Mỗi cáng là 1 tổ, 5 đồng
chí phụ trách 5 tổ và đồng chí phân đội trưởng hợp thành Ban chỉ huy phân
đội. Ban chỉ huy Liên phân đội gồm có 6 người, 1 Liên phân đội trưởng và 5
ủy viên, mỗi ủy viên trực tiếp chỉ huy 2 phân đội.
Với sự phát triển và được tổ chức như vậy, trong những năm từ 1951
đến 1953, Lực lượng TNXP Trung ương đã vượt qua mọi gian nan, thử
thách, không quản hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và sẵn
sàng chiến đấu trong các chiến dịch lớn. Lực lượng TNXP Trung ương đã
góp phần cùng quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội
Đảng lần thứ II và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương sau Đại
hội. Kết quả đạt được trong việc thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược tiêu diệt
sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng của ta và phá tan kế hoạch bình định của
giặc, đã tạo ra những tiền đề đảm bảo cho quân và dân ta giành thắng lợi lớn
trong Đông Xuân 1953 – 1954. Đó là những nhận định rất quan trọng của Hồ

Chủ tịch và Trung ương Đảng.

17
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức và hoạt động của mình, lực lượng
TNXP Trung ương đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Hồi đầu năm 1953,
khi nhận xét về các Đội TNXP công tác Trung ương, Hồ Chí Minh cho rằng
các Đội này “tổ chức nặng nề quá, nhiều người chỉ huy, ít người làm việc.
Năng suất công tác thì thấp. Số công gián tiếp rất cao, số người nghỉ và làm
việc linh tinh rất nhiều. Công việc thì nặng nhọc, làm đêm hại sức khỏe, mà
trong các đội có nhiều phụ nữ, ốm đau luôn, hại đến sinh đẻ về sau. Thời
gian xung phong quá ngắn (6 tháng) khó khăn cho việc rèn luyện, xây dựng
lâu dài. Học tập và lãnh đạo thì chậm và lúng túng. Vì thế tinh thần công tác
của anh em không đúng mức, nặng về ngành dọc thanh niên, không mật thiết
và chịu sự lãnh đạo của cơ quan sử dụng” [12]. Chính vì vậy, trước yêu cầu
mới của cuộc kháng chiến, Hồ Chí Minh thấy cần phải tổ chức tốt hơn nữa,
quản lý tốt hơn nữa Lực lượng TNXP Trung ương. Thời gian phục vụ của
TNXP phải dài hơn nữa để TNXP thực sự trở thành mặt trận rèn luyện, đào
tạo cán bộ, là trường học thực tiễn cho đông đảo đoàn viên, thanh niên.
Ngay sau đó, Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ
Kỳ, thư ký của Bác và đồng chí Tạ Quang Chiến, cán bộ văn phòng Phủ Chủ
tịch chuẩn bị xây dựng một số đội TNXP theo tinh thần như trên để làm kiểu
mẫu với yêu cầu:
- Tổ chức một Đội gồm 1.000 thanh niên chỉ cho 5% là cán
bộ để cho gọn nhẹ, ít người chỉ huy.
- Điều kiện gia nhập: Lấy tự nguyện, đi đến kháng chiến
thành công, xung phong bất kỳ công tác gì.
- Thành phần bần cố nông, không có phụ nữ, phải học tập
chính trị, văn hóa chuyên môn và luyện tập quân sự.

18

- Sinh hoạt: Ưu đãi theo bộ đội chủ lực, do Tổng cục Cung
cấp cấp phát và trang bị dụng cụ, vũ khí [12].
Và để thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 26/3/1953,
đại đội 261, đơn vị đầu tiên của Đội TNXP làm kiểu mẫu được thành
lập do đồng chí Vũ Kỳ làm Chỉ huy trưởng. Chỉ sau đó có 3 tháng,
Đội TNXP kiểu mẫu đã bao gồm 4 đại đội đầu tiên là 261, 263, 264,
266 trong đó mỗi đại đội có 4 trung đội, mỗi trung đội có 5 tiểu đội
[65, tr. 106].
Cũng từ đầu năm 1953, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai
đoạn cách mạng mới, Bộ Giao thông Công chính cho thành lập các đội chủ
lực giao thông với nhiệm vụ chủ yếu là sửa chữa và làm cầu đường đảm bảo
giao thông ở nhiều tỉnh với 19 đại đội gồm 3.131 người.
Như vậy, cũng trong năm 1953, cùng làm nhiệm vụ đảm bảo giao
thông, phục vụ chiến trường nhưng lại có 3 loại hình đơn vị khác nhau. Đó là
Đội TNXP công tác Trung ương (do Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc
Việt Nam tổ chức, chỉ đạo), Đội TNXP làm kiểu mẫu do đồng chí Vũ Kỳ
phụ trách và Đội chủ lực đảm bảo giao thông của ngành Giao thông Công
chính.
Trước tình hình này, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Văn
Trân (lúc này là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ
Giao thông) nghiên cứu việc tổ chức các lực lượng có chung nhiệm vụ sao
cho phù hợp để phát huy tác dụng một cách tốt nhất.
Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 15 – 8 – 1953, đồng chí
Nguyễn Văn Trân đã triệu tập một cuộc họp gồm thành phần là đại diện lãnh
đạo của Đội TNXP công tác Trung ương, Đội TNXP làm kiểu mẫu và Đội
chủ lực giao thông để bàn việc thống nhất 3 lực lượng ấy.

19
Cuộc họp đã thống nhất ý kiến rằng chỉ nên thống nhất 2 Đội TNXP
công tác Trung ương và Đội TNXP làm kiểu mẫu, còn Đội chủ lực giao

thông của ngành Giao thông Công chính thì vẫn nên để riêng. Việc thống
nhất phải chấp hành chỉ thị của Bác là chú trọng tăng chất lượng, chỉnh đốn
lại thành phần, biên chế hợp lý, bớt công gián tiếp và chú trọng rút kinh
nghiệm công tác để tăng năng suất…
Về công việc để chuẩn bị thống nhất, kiện toàn Lực lượng TNXP, bản
báo cáo của đồng chí Nguyễn Văn Trân nêu rõ:
1- Nguyên tắc là lấy tổ chức TNXP làm mẫu, Đội TNXP công tác
Trung ương bắt đầu chấn chỉnh ngay tổ chức, tuyên truyền giáo dục cho
đội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa tổ chức mới. Có kế hoạch cho phụ nữ
và các đội viên không đủ điều kiện hoạch đi công tác khác hoặc về địa
phương. Sắp xếp lại quân số cho đủ 2.000, chưa cần tuyển thêm. Số khác
thì đề nghị Tổng cục Cung cấp bố trí lại công tác, chuyển dần sang làm
đường để tập trung xây dựng.
2- Đội TNXP thì bổ sung thêm cho đủ quân số 1000, tổ chức cũng
cần sửa đổi chút ít và viết bản nội quy của Đội, nêu rõ mục đích, tính
chất, công tác và phương hướng đào tạo của Đội.
3. Cả 2 Đội phải chỉnh đốn lại tổ chức thanh niên và Đảng. Lựa
chọn cán bộ, tổ chức chỉnh huấn.
4. Tháng 12 – 1953 sẽ thống nhất: Có 1 Ban chỉ huy, 3 đại đội
gồm 3.000 người, sang năm sẽ tăng lên thành 5.000 người.
5- Tổ chức sửa đổi lại cho phù hợp với công việc làm đường, đủ
sức cho cán bộ chỉ huy không ít quá cũng không quá nhiều.” [12]

20
Tiếp đó, tháng 11 - 1953, trong bài viết với nhan đề "Đội Thanh niên
xung phong" đăng trên Báo Nhân Dân, một lần nữa Hồ Chí Minh yêu cầu:
"Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố
và phát triển Đội TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo
cán bộ sau này.
Nhiệm vụ của Đội TNXP là xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó, dễ

và phục vụ đến ngày kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang
của thanh niên ta." [76]
Không thể chậm chễ hơn được nữa, theo đúng kế hoạch đã định, tháng
12 – 1953, sau khi đã hoàn thành việc chấn chỉnh, củng cố, Đội TNXP công
tác Trung ương và Đội TNXP làm kiểu mẫu đã tiến hành thống nhất. Tháng
1 – 1954, lực lượng TNXP thống nhất này mang tên mới là Đoàn TNXP
Trung ương (mật danh là Đoàn XP). Đoàn XP có tổ chức và cơ cấu như sau:
Về chính quyền: Đoàn XP là đơn vị trực thuộc Hội đồng Chính phủ
trong đó Đoàn Thanh niên Cứu quốc là lực lượng nòng cốt. Đoàn XP có Ban
chỉ huy Đoàn gồm 2 người do đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) là
Đoàn trưởng và đồng chí Vũ Song làm Phó Đoàn trưởng. Các Đội có Ban
chỉ huy Đội 4 người và cơ quan Đội bộ. Ban chỉ huy Đoàn XP còn có các bộ
phận giúp việc như: Ban Cung cấp, Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban
Công tác và bộ phận hành chính.
Các đại đội có Ban chỉ huy 3 người và cán bộ kể cả nuôi quân, y tá
cứu thương. Các trung đội có 2 cán bộ trung đội.
Mỗi tiểu đội có 1 tiểu đội trưởng và 1 tiểu đội phó

21
Về tổ chức Đảng: Đoàn XP có Đảng ủy, Ở các Đội có Liên chi ủy từ 3
đến 5 người. Ở đại đội có Chi bộ, trong Chi bộ có các tổ Đảng được thành
lập tùy theo số đảng viên của từng Chi bộ.
Về tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc: Toàn Đoàn có một Ban Chấp
hành Đoàn. Ở Đội có Liên chi đoàn từ 5 đến 7 người và ở cấp đại đội có chi
đoàn rồi đến các trung đội có các phân đoàn và nhóm đoàn viên nằm trong tổ
tam giao của các tiểu đội.
Tình hình quân số: Tháng 12 – 1953 có 10.000 người.
Cuối tháng 12 – 1953 lực lượng TNXP thống nhất có 4 Đội là Đội 34,
Đội 36, Đội 38 và Đội 40.
Đến tháng 3 – 1954, Đoàn XP thành lập thêm Đội 42.

Mặc dù từ đầu tháng 2 đến tháng 4 năm 1954 Đoàn XP điều chuyển
sang chủ lực 5.000 người nhưng Đoàn XP vẫn không ngừng được bổ sung
để đến cuối tháng 5 – 1954 có 10.063 người.
Về điều lệ: Đoàn XP có điều lệ riêng gồm 6 phần. Bản điều lệ này quy
định rõ tên gọi và nhiệm vụ của Đoàn, về nhiệm vụ của mỗi đội viên, quy
định về công tác tổ chức, công tác lãnh đạo và giáo dục. Trong đó, ngay ở
phần 1, nói về nhiệm vụ của Đoàn XP, điều lệ đã chỉ rõ “Đoàn phải xung
phong làm mọi việc, bất kỳ việc khó, việc dễ, phục vụ kháng chiến cho đến
ngày kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên
chúng ta.” [65, tr. 112]
Như vậy, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, Lực lượng TNXP
Trung ương lúc này đã được kiện toàn về bộ máy tổ chức và phát triển mạnh
về số lượng. Đoàn TNXP Trung ương đã sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu,
nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn quyết định.

22
1.4. Sinh hoạt của Lực lượng TNXP Trung ương
Cuộc sống, chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Lực lượng TNXP vô
cùng vất vả, gian nan, cho nên ngay từ đầu các đồng chí lãnh đạo Trung
ương Đoàn, lãnh đạo các Đội TNXP và Ban chỉ huy mặt trận đã đặt nhiệm
vụ giáo dục cho đội viên tinh thần sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ,
xung phong nhận mọi công tác và ra sức học tập, rèn luyện để trở thành
những đoàn viên, thanh niên gương mẫu, cốt cán trong kháng chiến. Với
hoàn cảnh công tác phân tán nhiều và phải làm việc ngày đêm vất vả, việc tổ
chức học tập rất khó khăn nhưng từ cán bộ đến đội viên TNXP đều cố gắng
khắc phục, phân công nhau đi từng bộ phận để phổ biến tài liệu và hướng
dẫn, giải thích cặn kẽ những tài liệu đó để anh chị em hiểu và liên hệ với
công tác thực tế hàng ngày. Một số tài liệu thường được phổ biến trong các
Đội TNXP gồm có: Mở rộng dân chủ, Hiểu rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ,
Huấn thị thi đua của Bác, Tin tức chiến thắng hàng ngày, Tác phẩm “Trường

kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, Mục đích và ý nghĩa của chiến dịch,
Mười điều kỷ luật của Đại tướng, Tám điều Mệnh lệnh của Hồ Chủ tịch,
|Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Thanh niên Xung phong
Ngoài việc học tập những bài học chính trị, tư tưởng, đường lối của
Đảng, Nhà nước, Ban chỉ huy các Đội TNXP rất quan tâm đến vấn đề giáo
dục, rèn luyện đội viên trong thực tiễn công tác thực tế. Lao động gian khổ
và những thử thách ác liệt nhất ở chiến trường kết hợp với công tác giáo dục
chính trị đã tôi luyện cho thanh niên mau chóng trưởng thành, các anh chị
em TNXP ngày càng tha thiết với tổ chức và tập thể hơn, hăng hái vượt mọi
gian khổ, khó khăn để làm tròn nhiệm vụ của Đội đối với nhân dân, đối với
kháng chiến.

23
Đội TNXP ngày càng phát triển mạnh mẽ theo từng chiến dịch, rồi
Đội phát triển lên thành Đoàn TNXP, thực tế đó đặt ra yêu cầu công tác tư
tưởng, thông tin, văn hóa, văn nghệ phải không ngừng phát triển theo cùng
nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Chính tinh thần lạc quan, yêu đời bằng
những câu ca, điệu hát trong các buổi sinh hoạt văn nghệ hay trên đường
công tác đã tiếp thêm sức mạnh cho TNXP. Một bài thơ trên báo “Xung
phong”
1
ở Liên phân đội Hoàng Văn Thụ đã phần nào thể hiện điều đó:
“Trên rừng có những hươu nai
Sườn non có những gái trai sửa đường
Xông pha tắm nắng gội sương
Phục vụ tiền tuyến diệt phường xâm lăng”.
Cuộc sống trong rừng núi thiếu thốn đủ bề, những đêm khuya rét buốt
tiếng hò của TNXP làm đường vang vọng:
“Một, hai xin hỏi chín, mười
Muốn tăng năng xuất, ta thời làm sao?

Chín, mười xin trả lời ngay
Thi đua làm tốt, làm nhanh, làm nhiều
Phát huy sáng kiến dồi dào
Không để giờ chết thế nào cũng tăng

1
Báo Xung phong (sau đổi tên là báo Thanh niên xung phong) ra đời để đáp ứng nhu cầu thông tin, văn
hóa, văn nghệ của các Đội TNXP. Ban đầu báo được in bằng khuôn đá trên giấy bản, sau đó báo được in
bằng máy in xách tay do Bác Hồ tặng. Báo Xung phong ra nửa tháng một số. Tòa soạn là những lều lán
trong rừng, có một người chuyên trách (coi như chủ bút), còn người viết tin, viết bài hầu hết là những cán
bộ, đội viên các Đội TNXP. Do vậy, các bài viết đều phản ánh thực tế tình hình công tác, sản xuất, chiến
đấu từ cơ sở. Cũng có những bài mang tính chất uốn nắn, hướng dẫn từ trên đưa xuống nhưng không nhiều.
Để mặt báo thêm vui, thêm sinh động, ngoài phần tin, phần viết về các điển hình, người thật, việc thật, báo
còn có cả mục ca dao, tranh khắc gỗ, truyện cực ngắn…

×