Tải bản đầy đủ (.pdf) (55 trang)

SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN Ở CAO BẰNG (22/12/1944 – 15/5/1945) - KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (655.38 KB, 55 trang )


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC



HOÀNG THỊ NHÂM




SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI VIỆT NAM
TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN Ở
CAO BẰNG (22/12/1944 – 15/5/1945)





KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC






SƠN LA, NĂM 2013

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC




HOÀNG THỊ NHÂM




SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI VIỆT NAM
TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN Ở
CAO BẰNG (22/12/1944 – 15/5/1945)




CHUYÊN NGÀNH: LỊCH SỬ VIỆT NAM

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Người hướng dẫn: TS. Phạm Văn Lực



SƠN LA, NĂM 2013
LỜI CẢM ƠN

Hoàn thành khóa luận này, em xin chân thành cảm ơn thầy giáo - Tiến sĩ
Phạm Văn Lực giảng viên khoa Sử - Địa đã tận tình giúp đỡ em trong quá trình
nghiên cứu và hoàn thành khóa luận.
Em xin gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo trong khoa Sử - Địa, thư viện
trường Đại Học Tây Bắc đã nhiệt tình giúp đỡ em trong quá trình thực hiện khóa

luận này.
Qua đây em cũng xin gửi lời cảm ơn tới tập thể sinh viên K50 Đại học sư
phạm Lịch Sử và toàn thể bạn bè đã giúp đỡ em trong quá trình thực hiện khóa
luận này.
Để khóa luận thêm hoàn thiện em rất mong nhận được sự chỉ bảo, góp ý
của quý thầy cô và các bạn sinh viên.

Em xin chân thành cảm ơn!

Sơn La, tháng 5 năm 2013
Người thực hiện:

Hoàng Thị Nhâm
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu, nhiệm vụ và đóng góp của đề tài 4
3.1. Đối tượng nghiên cứu 4
3.2. Phạm vi nghiên cứu 4
3.3. Nhiệm vụ của đề tài 4
3.4. Đóng góp của đề tài 5
4. Cơ sở tài liệu, phương pháp nghiên cứu 5
4.1. Cơ sở tài liệu 5
4.2. Phương pháp nghiên cứu 5
5. Bố cục của đề tài 5
CHƯƠNG 1. SỰ CHUYỂN HƯỚNG CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC CÁCH
MẠNG TRONG THỜI KỲ 1939 - 1941 VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG
TRONG VIỆC LỰA CHỌN CAO BẰNG ĐỂ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG

CÁCH MẠNG 6
1.1. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng trong thời kỳ
1939 - 1941 6
1.1.1. Tình hình cách mạng Việt Nam trong những năm 1939 – 1941 6
1.1.2. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng trong thời
kỳ này 12
1.2. Cao Bằng được Đảng ta lựa chọn để xây dựng lực lượng cách mạng 15
CHƯƠNG 2. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI
PHÓNG QUÂN 20
2.1. Quá trình thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 20
2.1.1. Sự ra đời các lực lượng vũ trang cách mạng ở Cao Bằng 20
2.1.2. Quá trình thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân 23
2.2. Vài nét về cuộc đời hoạt động của 34 chiến sĩ dự buổi lễ thành lập Đội
Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944 33
CHƯƠNG 3. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN
GIẢI PHÓNG QUÂN Ở CAO BẰNG (12/1944 - 5/1945) 37
3.1. Trận đánh đồn Phai Khắt (25/12/1944) 37
3.2. Trận đánh đồn Nà Ngần (26/12/1944) 40
3.3. Trận đánh đồn Đồng Mu (4/2/1945) 43
3.4. Trận phục kích ở đèo Cao Bắc (25/2/1945) 45
KẾT LUẬN 47
TÀI LIỆU THAM KHẢO


1
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là “đội quân chủ lực”, “đội
quân đàn anh” của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, được thành lập

ngày 22/12/1944 tại Nguyên Bình - Cao Bằng. Sự ra đời của Đội Việt Nam
tuyên truyền giải phóng quân đánh dấu bước phát triển rất quan trọng của lực
lượng vũ trang nhân dân ta trong quá trình hình thành và phát triển từ năm 1930.
Đó cũng là cái mốc đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đấu
tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Xuất phát từ kinh nghiệm đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc và lý
luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Bác Hồ và Đảng ta đã xác định: “phải dùng
bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng”. Chính vì vậy, ngay
từ khi mới ra đời Đảng ta đã rất coi trọng từng bước xây dựng lực lượng vũ
trang, trong Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt năm 1930 - cương lĩnh
đầu tiên của Đảng ta do Bác Hồ khởi thảo đã đề ra vấn đề thành lập “Quân đội
công nông”. Thực hiện chủ trương ấy của Đảng, từ rất sớm, các đội Tự vệ đỏ
trong Xô viết Nghệ - Tĩnh, đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam kỳ, du kích Ba
Tơ, các đội Cứu quốc quân… đã ra đời. Khi cách mạng đã phát triển thành cao
trào, cần tích cực chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, Bác Hồ đã nhận định đúng tình
hình, sáng suốt đề ra chủ trương lập “đội quân chủ lực” - Đội Việt Nam tuyên
truyền giải phóng quân.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực, đội viên
của Đội được chọn từ những thành viên ưu tú trong hàng ngũ các lực lượng vũ
trang địa phương, các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, đội quân Nam tiến, một số
là đội viên Cứu quốc quân. Vừa mới ra đời, với lực lượng rất non trẻ, dù chưa
được huấn luyện quân sự cùng nhau ngày nào, Đội đã ra quân đánh thắng giòn
giã trận Phai Khắt và trận Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là
đánh thắng” và truyền thống đánh thắng trận đầu của quân đội ta.
Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới và trong
nước, sự phát triển của phong trào cách mạng, sự lớn mạnh của các đơn vị vũ
trang, tháng 5/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã thống nhất
với cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang các địa phương trong cả nước
thành một lực lượng vũ trang thống nhất có tên gọi là Việt Nam giải phóng quân
để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa.



2
Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào đề cập đến vấn đề này
một cách cụ thể, chi tiết và hoàn chỉnh. Vì thế, việc lựa chọn “Sự ra đời và hoạt
động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Cao Bằng (22/12/1944 -
15/5/1945)” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn:
Về khoa học:
+ Khôi phục lại một cách hoàn chỉnh, hệ thống quá trình ra đời và hoạt
động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Cao Bằng (22/12/1944 -
15/5/1945).
+ Làm rõ vị trí, vai trò của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đối
với cách mạng Cao Bằng nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung.
Về thực tiễn:
+ Bổ sung nguồn tài liệu tham khảo về Đội Việt Nam tuyên truyền giải
phóng quân - tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam.
+ Làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy cho Giáo viên, sinh viên khi
nghiên cứu, học tập về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
+ Góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, học sinh,
sinh viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Vấn đề sự ra đời và hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng
quân ở Cao Bằng giai đoạn từ tháng 12 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 đã
được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu cụ thể sau:
+ Cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000)” của Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia, in năm 2003 đã khái quát toàn bộ sự nghiệp lãnh đạo của
Đảng bộ Cao Bằng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, kháng chiến chống
Pháp, công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, cải tạo Xã hội chủ nghĩa cũng
như xây dựng Chủ nghĩa xã hội và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước (1930 - 1975), sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối

đổi mới của Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiến lên công nghiệp hóa -
hiện đại hóa, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ
quốc (1975 - 2000). Trong đó có đề cập đến tình hình cách mạng Cao Bằng
trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945 và sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên
truyền giải phóng quân (22/12/1944).
+ Cuốn “Cao Bằng - Lịch sử đấu tranh vũ trang cách mạng (1930 - 1954)”
do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng tổ chức biên soạn và xuất bản năm 1990

3
viết về thời kì ra đời và phát triển lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng (1930 -
1954). Trong đó sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được
coi là bước ngoặt của cuộc đấu tranh cách mạng ở Cao Bằng.
+ Cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Nguyên Bình (1930 - 1945)” tập 1, do
Ban Chấp hành Đảng bộ Nguyên Bình xuất bản năm 1994 đã khái quát toàn bộ
hoạt động của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Nguyên Bình từ khi ra
đời đến năm 1945. Trong đó có đề cập đến sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên
truyền giải phóng quân và các hoạt động của Đội ở Nguyên Bình.
+ Cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Tam Kim (1930 - 2000)” do Ban Thường vụ
Huyện ủy Nguyên Bình xuất bản năm 2005 đã khái quát toàn bộ quá trình lịch
sử đấu tranh cách mạng giai đoạn (1930 - 2000) của Đảng bộ và nhân dân xã
Tam Kim. Trong đó có đề cập đến hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền
giải phóng quân ở Tam Kim những năm cuối 1944 đầu năm 1945.
+ Cuốn “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” của Nhà xuất bản
Quân đội nhân dân, 2003, đã khái quát quá trình ra đời và hoạt động của Đội
Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ tháng 12 năm 1944 đến tháng 5 năm
1945, nhưng còn mang tính chung chung, sơ lược, chưa đi sâu phân tích tình
hình cách mạng Việt Nam 1939 - 1945 và yêu cầu cấp thiết của việc thành lập
đội quân chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, chưa làm rõ ý
nghĩa của việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
+ Cuốn “Lịch sử quân sự Việt Nam” tập 9 của Nhà xuất bản Chính trị

quốc gia, 2000, đã đề cập đến các hoạt động quân sự từ năm 1897 đến Cách
mạng tháng Tám 1945 trong đó có vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng,
tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền (1939 - 1945) và việc
thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tháng 12 năm 1945 nhưng
còn mang tính sơ lược, chưa đi sâu làm rõ toàn bộ quá trình ra đời và các hoạt
động của Đội ở Cao Bằng.
+ Cuốn “Quân đội nhân dân Việt Nam - 65 năm chiến đấu, xây dựng và
trưởng thành” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội, 2009, bao gồm các
bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh, sĩ quan
thuộc nhiều lĩnh vực và một số nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Nội dung
cuốn sách đã phản ánh một cách khái quát, có hệ thống quá trình chiến đấu, xây
dựng và trưởng thành của Quân đội ta trong suốt 65 năm qua, trong đó có đề cập
đến những ngày đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đội Việt Nam tuyên
truyền giải phóng quân ở nhiều khía cạnh khác nhau.

4
+ Cuốn “55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam - Miền đất khai sinh và quá
trình phát triển” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 1999, đã đề cập đến
nhiều vấn đề của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có vấn đề căn cứ địa
cách mạng Cao Bằng và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
+ Cuốn “Những chặng đường lịch sử” của Võ Nguyên Giáp do Nhà xuất
bản Văn học xuất bản năm 1977. Cuốn sách gồm 2 tập: Từ nhân dân mà ra và
Những năm tháng không thể nào quên. Hai tập sách này đã đề cập đến hai thời
kỳ kế tiếp nhau trong lịch sử đấu tranh cách mạng có quan hệ tới vận mệnh sống
còn của dân tộc. Đặc biệt tập Từ nhân dân mà ra đã đề cập tới công việc chuẩn
bị khởi nghĩa vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng dưới sự chỉ đạo trực
tiếp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tập sách này tuy có đề cập tới sự
thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và những chiến công đầu
tiên: trận Phai Khắt, trận Nà Ngần, trận đánh đồn Đồng Mu nhưng ở mức độ
khái quát, sơ lược, chưa đi sâu tìm hiểu, phân tích vấn đề một cách hệ thống.

Có thể nói, tất cả các công trình nghiên cứu trên đều đã đề cập đến vấn đề này
dưới nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau nhưng sự phản ánh đó còn rất chung
chung. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trên cũng đã góp phần định hướng và
là nguồn tài liệu tham khảo quý để chúng tôi đi vào nghiên cứu đề tài này, làm rõ
thêm một số vấn đề khoa học mà các công trình trước chưa có điều kiện thực hiện.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu, nhiệm vụ và đóng góp của đề tài
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu sự ra đời và hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền
giải phóng quân.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu về sự ra đời và các hoạt động tiêu biểu của Đội
Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Cao Bằng trong khoảng thời gian từ
ngày 22 tháng 12 năm 1944 đến ngày 15 tháng 5 năm 1945.
3.3. Nhiệm vụ của đề tài
- Làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn cách mạng đưa đến sự ra đời của Đội Việt
Nam tuyên truyền giải phóng quân.
- Các hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Cao
Bằng từ ngày 22 tháng 12 năm 1944 đến ngày 15 tháng 5 năm 1945.
- Làm rõ vai trò và những đóng góp của Đội Việt Nam tuyên truyền giải
phóng quân đối với cách mạng Cao Bằng và cách mạng cả nước.

5
3.4. Đóng góp của đề tài
- Làm rõ sự ra đời và các hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải
phóng quân.
- Góp phần làm rõ vai trò và những đóng góp của Đội Việt Nam tuyên
truyền giải phóng quân đối với phong trào cách mạng Cao Bằng nói riêng và
cách mạng cả nước nói chung.
- Khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ, tinh
thần tự lực tự cường và truyền thống bách chiến bách thắng của Quân đội nhân

dân Việt Nam trong đấu tranh cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ tổ quốc ngày nay.
4. Cơ sở tài liệu, phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở tài liệu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng các nguồn tài liệu lưu trữ ở
Trung ương và địa phương, kết hợp với việc khai thác các tài liệu đã được công bố
trong các công trình nghiên cứu được cụ thể trong danh mục tài liệu tham khảo.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu dựa trên cơ sở nền tảng của phương pháp luận sử học
Mác xít và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đề tài được thực hiện bằng hai phương pháp nghiên cứu chính: phương
pháp lịch sử và phương pháp logic. Ngoài ra, còn sử dụng kết hợp các phương
pháp khác để bổ trợ: phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu,…
5. Bố cục của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, đề tài được kết
cấu thành 3 chương:
Chương 1. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng trong thời kỳ
1939 - 1941 và chủ trương của Đảng trong việc lựa chọn Cao Bằng để xây
dựng lực lượng cách mạng
Chương 2. Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Chương 3. Hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở
Cao Bằng (12/1944 - 5/1945)


6
CHƯƠNG 1
SỰ CHUYỂN HƯỚNG CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC CÁCH MẠNG TRONG
THỜI KỲ 1939 - 1941 VÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG TRONG VIỆC
LỰA CHỌN CAO BẰNG ĐỂ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG


1.1. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng trong thời kỳ
1939 - 1941
1.1.1. Tình hình cách mạng Việt Nam trong những năm 1939 - 1941
* Thế giới:
Do tác động của quy luật phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị
giữa các nước tư bản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa đã làm cho lực lượng so
sánh trong thế giới tư bản thay đổi căn bản, làm cho việc tổ chức và phân chia
thế giới theo hệ thống Vecxai - Oasinhtơn do kết quả của Chiến tranh thế giới
thứ nhất không còn phù hợp nữa. Điều đó nhất định dẫn đến một cuộc chiến
tranh mới giữa các nước đế quốc để phân chia lại thế giới.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 làm cho những
mâu thuẫn trên thêm sâu sắc, dẫn tới việc lên cầm quyền của Chủ nghĩa phát xít
ở một số nước với ý đồ gây chiến tranh để phân chia lại thế giới.
Trong khi chủ nghĩa phát xít Đức, phát xít Italia và chủ nghĩa quân phiệt
Nhật Bản đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh thì các cường quốc phương Tây lại
thực hiện chính sách hai mặt, điều đó đã tạo điều kiện cho phe phát xít gây ra
cuộc chiến tranh thế giới thứ hai tàn sát nhân loại.
Nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới khó tránh khỏi đang đến gần đã làm
cho tình hình thế giới càng trở nên căng thẳng.
Trên thế giới, từ những năm 30 của thế kỉ XX các nước phát xít mở rộng
xâm lược nhằm phân chia khu vực thống trị thế giới. Năm 1935, Đức chiếm
đóng vùng Xarơ do Hội Quốc Liên quản trị. Tháng 10 năm 1935, Italia xâm
lược Êtiôpia. Mùa hè năm 1936, Đức và Italia can thiệp quân sự vào Tây Ban
Nha, giúp bọn phát xít Franco chống chính quyền cộng hòa. Cũng trong năm
1936, Đức chiếm đóng vùng Rênani do Hội Quốc Liên quản trị.
Tháng 3 năm 1938, Đức chiếm đóng Áo. Tháng 3 năm 1939, Đức chiếm
Praha, sau đó chiếm cả Tiệp khắc. Tháng 4 năm 1939, Italia chiếm đóng Anbani.
Hơn nữa, Đức còn định lôi kéo cả Anh Và Mĩ đánh Liên Xô.

7

Trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới lần thứ hai,
các Đảng Cộng sản vẫn kiên trì, bền bỉ lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh
cho hòa bình, độc lập dân tộc và tự do dân chủ ở khắp nơi trên thế giới. Dưới sự
chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản điều chỉnh chiến lược cách
mạng tập hợp lực lượng rộng rãi để đòi quyền dân sinh, dân chủ chống phát xít
và nguy cơ chiến tranh.
Ở Châu Á Thái Bình Dương, bọn quân phiệt Nhật Bản phát xít hóa lên nắm
quyền liên tục gây hấn và uy hiếp nhiều nước trong khu vực. Nhân tình hình
căng thẳng ở Châu Âu do phát xít Đức và Italia gây ra, năm 1937, Nhật gây ra
sự kiện Lư Cầu Kiều và mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Năm 1938,
Nhật Bản khiêu khích ở vùng Khátxan (Mông Cổ). Sau khi đánh chiếm Trung
Quốc, Nhật Bản đã ngang nhiên thách thức các cường quốc có quyền lợi ở
Trung Quốc. Qua việc xâm chiếm Trung Quốc, Nhật Bản thấy được thái độ
ương hèn, thiếu nhất trí của các tập đoàn đế quốc vì lợi ích dân tộc hẹp hòi trong
đêm trước của cuộc chiến tranh.
Cuối cùng, ngày 1 tháng 9 năm 1939, Đức mở cuộc tấn công ồ ạt xâm lược
Ba Lan. Hai ngày sau, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức, cuộc chiến tranh thế giới
thứ hai bùng nổ.
Lợi dụng tình thế chiến tranh, chính phủ Pháp Daladier mạnh tay thi hành
hàng loạt biện pháp đàn áp các lực lượng dân chủ ở trong nước và phong trào
cách mạng ở thuộc địa. Mặt trận nhân dân Pháp bị tan vỡ. Đảng Cộng sản Pháp
bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Tháng 4 năm 1940, Đức tập trung lực lượng bất ngờ đánh chiếm các nước
Tây Âu: Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Lúcxămbua. Sau đó, quân Đức vượt
qua “chiến lũy Magino” tiến đánh Pháp. Liên quân Anh - Pháp bị đánh bất ngờ,
hoảng hốt bỏ chạy khỏi các phòng tuyến và bỏ ngỏ Pari cho quân Đức. Ngày 14
tháng 6 năm 1940, Pari bị chiếm đóng. Ngày 22 tháng 6 năm 1940, quân đội
Pháp đầu hàng. Chính phủ Pêtanh rút về Vichy ở Miền Nam nước Pháp trở
thành chính phủ bù nhìn, một bộ phận do tướng Đờ Gôn cầm đầu phải chạy ra
nước ngoài.

Sự thất bại và đầu hàng nhanh chóng của Pháp làm cho uy thế của Pháp bị
sụp đổ trên trường quốc tế, toàn bộ hệ thống thuộc địa của Pháp bị lung lay.
Pháp đầu hàng Đức, làm cho Anh bị cô lập, đặt Anh trước nguy cơ mất
nước. Mĩ cũng cảm thấy nguy cơ chiến tranh sẽ đe dọa đến nước mình. Vì vậy,
tháng 9 năm 1940, Hiệp nghị Anh - Mĩ được kí kết, liên minh Anh - Mĩ hình
thành do Mĩ khống chế.

8
Sau khi chiếm đóng nước Pháp, từ cuối năm 1940 đến đầu năm 1941, Đức
đánh chiếm Nam Tư và Hi Lạp.
Trong vòng một năm rưỡi kể từ khi chiến tranh bùng nổ, phát xít Đức đã
thôn tính và đặt ách thống trị của mình lên hầu hết các nước châu Âu tư bản chủ
nghĩa. Đức trở thành cường quốc quân sự mạnh nhất, là kẻ cạnh tranh nguy
hiểm nhất của Mĩ và Anh trên thị trường thế giới, đang trực tiếp uy hiếp sự tồn
tại của Anh, Mĩ, Liên Xô và toàn thế giới.
Ngày 27 tháng 9 năm 1940, tại Béclin, Nhật Bản, Đức và Italia ký “Hiệp
ước tay ba” nhằm phân chia khu vực thống trị thế giới. Nhật công nhận sự thống
trị của Đức và Italia ở châu Âu. Đức, Italia công nhận sự thống trị của Nhật ở
Đông Á.
Gây ra chiến tranh thế giới, chủ nghĩa phát xít đã gieo rắc đau thương, tang
tóc và bắt nhân dân các nước làm nô lệ cho chúng. Tập đoàn phát xít Đức - Italia
- Nhật là kẻ thù nguy hiểm nhất của loài người.
Khi đã chiếm được Pháp và châu Âu tư bản chủ nghĩa, Đức chuẩn bị xâm
lược Liên Xô, mang tên kế hoạch “Bacbarot” với mục tiêu tiến công chớp
nhoáng chiếm Liên Xô trong vòng ba tháng và hủy diệt hàng loạt dân thường.
Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng phát triển ác liệt với quy mô rộng
lớn chưa từng thấy, lôi cuốn loài người vào một cuộc hủy diệt.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của chiến tranh thế giới thứ hai, một yêu cầu
đặt ra cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể loài người là giải
phóng dân tộc thoát khỏi ách nô dịch của phát xít Đức, Italia và Nhật Bản, cứu loài

người khỏi họa diệt chủng của phát xít, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.
Sứ mệnh của các Đảng Cộng sản, công nhân toàn thế giới là lãnh đạo và đứng
hàng đầu trong cuộc chiến tranh của các dân tộc vì độc lập, tự do, hòa bình, chủ
nghĩa xã hội, đánh bại cuộc tiến công của phát xít xâm lược.
Liên Xô - nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, trụ cột cho nền hòa
bình và cách mạng thế giới đảm đương trọng trách nặng nề nhất trong cuộc đấu
tranh này. Đứng trước âm mưu xâm lược của bè lũ phát xít và đứng trước thái
độ hai mặt của Anh - Pháp và Mĩ, Liên Xô phải gấp rút củng cố lực lượng quốc
phòng, củng cố biên giới phía Tây và phía Đông của mình đồng thời phải triệt
để lợi dụng mâu thuẫn nội bộ các tập đoàn đế quốc, tranh thủ thời gian hòa bình
tăng thêm sức mạnh cho Nhà nước Xô Viết.
Tháng 6 năm 1941, Đức tấn công Liên xô, cuộc chiến tranh vệ quốc của
nhân dân Liên xô đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới.

9
Cùng thời gian, tại châu Á Thái Bình Dương, chiến tranh bắt đầu lan rộng.
Lợi dụng sự thất thủ và đầu hàng của các đế quốc có thuộc địa ở châu Á như:
Pháp, Anh, Hà Lan, phát xít Nhật nhanh chóng cướp lấy thuộc địa, nô dịch
nhiều dân tộc khu vực này.
Đông Dương là thuộc địa lớn nhất của Thực dân Pháp được Nhật Bản quan
tâm hàng đầu trong chính sách Châu Á chỉ sau Trung Quốc. Nhật xâm lược
Đông Dương nhằm vơ vét nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho chiến tranh
và làm căn cứ quân sự đánh vào Hoa Nam và các nước khác ở Đông Nam Á.
* Trong nước:
+ Nhật nhảy vào Đông Dương
Việc nước Pháp đầu hàng phát xít Đức vào tháng 6 năm 1940 là cơ hội cho
phát xít Nhật triển khai các hoạt động quân sự của chúng ở Đông Nam Á đã
được vạch ra từ trước.
Từ tháng 9 năm 1940, chiến trường Đông Dương có những thay đổi lớn.
Sau một loạt các hành động mở đường, ngày 22 tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật

đánh vào Lạng Sơn, đổ bộ vào Hải Phòng, chính thức phát động cuộc chiến
tranh xâm lược Đông Dương, buộc thực dân Pháp phải dâng Đông Dương cho
Nhật. Chính quyền của thực dân Pháp ở Đông Dương từ Toàn quyền Catơru đến
Đờcu phải liên tiếp nhượng bộ các quyền lợi của thực dân Pháp ở Đông Dương
cho Nhật.
Đông Dương từ chỗ là thuộc địa của Pháp đến nay trở thành thuộc địa
chung của Pháp và Nhật.
Sự đầu hàng của chính phủ phản động Pháp và việc quân Nhật vào Đông
Dương đã làm đảo lộn mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở khu vực
này và cả Đông Dương bị lôi kéo vào guồng máy chiến tranh.
Về chính trị, chính quyền thực dân đã thủ tiêu các quyền tự do dân chủ mà
nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ đấu tranh đòi dân chủ 1936 - 1939.
Pháp - Nhật điên cuồng tấn công vào Đảng Cộng sản và các đoàn thể, các tổ
chức do Đảng lãnh đạo, báo chí tiến bộ bị đóng cửa. Những cuộc khám xét, bắt
bớ diễn ra hàng loạt. Ngày 29 tháng 9 năm 1939, đế quốc Pháp bắt đồng chí Lê
Hồng Phong tại Sài Gòn. Nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt giam. Nhiều cơ sở
Đảng bị đánh phá nhiều lần. Nhiều trại giam mới mọc lên ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ
và Nam Kỳ.

10
Về kinh tế, phát xít Nhật và thực dân Pháp thực thi ở Đông Dương nền
“kinh tế chỉ huy”, độc quyền, vơ vét sức người, sức của của nhân dân Đông
Dương phục vụ cho chiến tranh.
Những chính sách đàn áp, khủng bố mà thực dân, phát xít Pháp - Nhật thi
hành như chính sách kinh tế, tài chính phục vụ chiến tranh đã đẩy các tầng lớp
nhân dân đến bước đường cùng. Trừ một số đại địa chủ nhân cơ hội này tịch thu
hoặc mua rẻ ruộng đất của nông dân, số đông trung tiểu địa chủ bị thiệt hại, một
số sa sút, thậm chí bị tịch thu gia sản.
Tư bản bản xứ, số ít mở thêm được công nghệ nhỏ, số đông bị thiệt hại, sa sút.
Viên chức bị sụt lương, lại bị tăng thuế thu nhập và sinh hoạt đắt đỏ.

Nông dân bị nạn bán rẻ, mua đắt, địa tô cao và nạn vay nặng lãi, số đông
trung bần nông bị phá sản, đói rét cùng cực.
Công nhân bị thủ tiêu các quyền lợi xã hội đã ban hành, bị sụt tiền lương,
bị sa thải và thất nghiệp.
Dưới ách áp bức bóc lột của Pháp - Nhật, nhân dân ta bị đẩy vào tình cảnh
“một cổ hai tròng”, đã vùng lên khởi nghĩa ở nhiều nơi.
+ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng:
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi sang phương Tây
tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc, đến năm 1920, sau khi tiếp xúc với
bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc
địa” của Lênin, Người hoàn toàn tin theo Lênin và quyết định lựa chọn con
đường cứu nước giải phóng dân tộc cho dân tộc Việt Nam theo con đường cách
mạng vô sản; sự kiện này cũng đánh dấu bước chuyển biến về chất trong nhận
thức tư tưởng của Người.
Sau khi đón nhận được ánh sáng của cách mạng tháng Mười, Chủ nghĩa
Mác - Lênin và lựa chọn được con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc
bước vào thời kỳ hoạt động cách mạng mới đầy sôi nổi và nhiệt huyết.
Trước những diễn biến hết sức mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước,
Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định về nước để chuẩn bị cho công cuộc giải phóng
dân tộc.
Cuối tháng 1 năm 1929, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm sang Trung Quốc sau
đó đến Hồng Kông để tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt
Nam. Tiếp đó, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản người tiến hành một số công
tác tại Xiêm và Malaixia. Đầu tháng 5 năm 1930, Người trở lại Hồng Kông. Sau

11
vụ án “vụ án Tống Văn Sơ” được luật sư F.H Loseby người Anh bào chữa trắng
án, Nguyễn Ái Quốc trở lại Liên Xô vào mùa hè năm 1934.
Đến mùa hè năm 1936, Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị kế hoạch xin về
nước. Người dự định sang Béclin rồi sang Pháp và từ Pháp đi tàu về Đông

Dương. Nếu gặp khó khăn thì đến Thượng Hải, nơi Quốc tế Cộng sản đã lập lại
các cơ sở liên lạc của mình rồi tìm đường về Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã
được vụ tổ chức cán bộ của Quốc tế cộng sản mời đến làm tờ khai lí lịch, hộ
chiếu, giấy đi đường… Song chuyến đi này phải hủy bỏ vì tình hình thay đổi.
Trong thời gian bị giam lỏng ở Liên xô, không lúc nào người rồi xa mục
đích về nước cứu đồng bào.
Trước những chuyển biến của tình hình thế giới, có lợi cho cách mạng,
ngày 6 tháng 6 năm 1938, Nguyễn Ái Quốc chủ động viết thư đề nghị Quốc tế
cộng sản cho về nước hoạt động. Người yêu cầu: “đừng để tôi sống quá lâu
trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài
của Đảng” [11, 90]. Yêu cầu của Người được Quốc tế Cộng sản chấp thuận.
Vào một buổi chiều se lạnh, Nguyễn Ái quốc đáp xe lửa ở ga Iaroxalapxki rời
Mátxcơva đi về phương Đông. Nhưng “cơn lốc” của cuộc chiến tranh thế giới
làm gián đoạn hành trình của Người, buộc Người phải ở lại Trung Quốc một
thời gian.
Trong thời gian ở Trung Quốc, Người đã tham gia các hoạt động của Đảng
Cộng sản Trung Quốc. Người tham gia viết sách, đặc biệt là viết bài in trên báo
Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta), dưới dạng viết thư. Ngoài ra, Người còn
viết bài đăng trên tờ “Cứu vong nhật báo” (Trung Quốc). Qua đó, Người tố cáo
những vụ tàn sát dã man, như hàng chục nghìn đàn bà, con gái Trung Quốc ở
nhiều lứa tuổi bị giặc Nhật bắt cóc và hãm hiếp.
Cuối tháng 2 năm 1940, Nguyễn Ái Quốc với biệt danh “Ông Trần” về
Côn Minh. Người hỏi về tình hình trong nước, những hoạt động ở Côn Minh và
bắt liên lạc với ban chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tại Côn Minh, Người đã đến ở
nhà ông Tống Minh Phương trong một gian buồng nhỏ ở trên gác số nhà 77 ở
đường Kim Bích. Đây là gia đình Việt kiều được giác ngộ và tham gia cách
mạng từ những năm 30 của thế kỉ XX.
Suốt quá trình từ tháng 6 năm 1940 đến tháng 1 năm 1941 là giai đoạn
chuẩn bị trực tiếp cho sự trở về Tổ quốc của Người. Tháng 6 năm 1940, với sự
kiện nước Pháp bị phát xít Đức xâm lược, chính phủ Pháp đầu hàng phát xít

Đức. Người đã nhận định: việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho

12
cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ.
Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng.
Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc và một số cán bộ cách mạng
được Người huấn luyện tại Trung Quốc đã vượt qua cột mốc biên giới số 108 tại
châu Hà Quảng trở về đất nước sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài.
Sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt
Nam. Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Hà
Quảng – Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị đã quyết định đặt
vấn đề dân tộc giải phóng lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp
đông đảo lực lượng của dân tộc trong một mặt trận nhằm thực hiện một mục tiêu
duy nhất là “dân tộc giải phóng”. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã hoàn
thành sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam trong thời
kỳ mới, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc.
Sự trở về của Nguyễn Ái Quốc đã mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng
Việt Nam. Người đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cho công cuộc giải phóng dân
tộc, trong đó có việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của dân tộc, thực
hiện khởi nghĩa từng phần và tiến tới tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc khi
thời cơ đến.
1.1.2. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng trong
thời kỳ này
Từ năm 1939, trước sự chuyển biến của tình hình cách mạng trong nước và
thế giới, Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệu tập hai hội nghị Trung ương:
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (11/1939) tại Bà Điểm, quận Hóc
Môn, tỉnh Gia Định (cách Sài Gòn khoảng 20km). Hội nghị do Tổng bí thư
Nguyễn Văn Cừ chủ trì.
Hội nghị đã phân tích tính chất của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai; vị trí
của Đông Dương trong cuộc chiến tranh đó; những chính sách của đế quốc

Pháp; thái độ của các giai cấp xã hội và vạch ra đường lối chính trị của cách
mạng Đông Dương trước tình hình mới.
Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông
Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm
cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.
Đây là sự chuyển hướng quan trọng nhất về chỉ đạo chiến lược. Để phù hợp
với sự chuyển hướng đó, khẩu hiệu cách mạng cũng thay đổi. Hội nghị chủ
trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng

13
đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, chống lãi
nặng. Khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công, nông, binh được thay thế bằng
khẩu hiệu lập chính quyền dân chủ cộng hòa.
Về phương pháp cách mạng, chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân
chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt
động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và bất hợp pháp.
Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân
tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ trước đó nhằm tập trung
mọi lực lượng của dân tộc vào nhiệm vụ chủ yếu là chống chiến tranh đế quốc
và ách thống trị phát xít ở thuộc địa.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11 năm 1939 đánh dấu bước
chuyển hướng quan trọng về đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng,
thể hiện sự nhạy bén về chính trị và năng lực sáng tạo của Đảng. Nghị quyết này
góp phần làm phong phú kho tàng lí luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc, dân
chủ nhân dân.
Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình quốc tế và sự sục sôi của cách
mạng trong nước, đặc biệt là từ khi Nhật xâm chiếm Đông Dương tháng 9 năm
1940. Thực dân Pháp buộc phải ký hiệp định chấp nhận cho Nhật chiếm một số
địa bàn ở Đông Dương. Nhân dân ta một cổ hai tròng đã vùng lên khởi nghĩa ở
nhiều nơi. Ở Lạng Sơn có khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27 tháng 9 năm 1940. Lúc

này đòi hỏi Đảng ta cần có những chủ trương, chính sách thích hợp với hoàn
cảnh, điều kiện mới.
Trong hoàn cảnh đó, từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 1940, Hội nghị lần
thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương được triệu tập tại làng Đình Bảng, huyện
Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Hội nghị khẳng định
tiếp tục chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tập trung vào nhiệm vụ
giải phóng dân tộc, quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn và phát triển
thành Đội du kích Bắc Sơn, xây dựng căn cứ vùng Bắc Sơn - Võ Nhai; quyết
định đình chỉ khởi nghĩa vũ trang ở Nam Kì vì thời cơ chưa chín muồi.
Bước sang năm 1941, cuộc chiến tranh đế quốc ngày càng diễn ra quyết liệt
và phong trào giải phóng dân tộc ngày càng phát triển ở cả Âu, Á, Mỹ. Trước
những diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã triệu
tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lán Khuổi Nậm -
Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941.
Tham dự Hội, nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng

14
Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, đại biểu Xứ ủy Bắc kì, Trung kì, và một số đại biểu
hoạt động ngoài nước.
Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp
hành Trung ương đã quyết định những vấn đề lịch sử trọng đại của dân tộc.
Hội nghị phân tích sâu sắc tình hình quốc tế, tình hình cách mạng trong
nước sau các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì, binh biến Đô Lương và nhận
định: cách mạng đã bước sang thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh bằng bạo lực để
giành chính quyền cách mạng. Hội nghị đề ra chủ trương: Chuẩn bị khởi nghĩa
vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn hiện
nay. Hội nghị khẳng định: cần phải thay đổi chiến lược cách mạng bằng việc
tiếp tục nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Trong lúc này quyền lợi của bộ
phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc.
vì “nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc

lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn
chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng
không đòi lại được” [3, 113].
Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi
tắt là Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc cho
mục tiêu giải phóng dân tộc. Hội nghị nhận định: với lực lượng sẵn có, ta có thể
lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể
giành được sự thắng lợi và mở đường cho một cuộc khởi nghĩa to lớn. Từ đó,
hội nghị đề ra chủ trương thành lập lực lượng vũ trang toàn quốc bằng nhiều
hình thức, trong đó có việc mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có làm
cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu sẵn sàng gây cuộc khởi
nghĩa, phải có những tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế
quốc. Hội nghị đưa ra điều lệ của “Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc”, tên gọi,
tổ chức, biên chế và mục đích hoạt động của các đơn vị này.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5 năm 1941 đã
hoàn chỉnh đường lối đấu tranh mới của Đảng được nêu ra ở Hội nghị lần thứ 6
Ban Chấp hành Trung ương (tháng 11/1939). Đó là đặt nhiệm vụ giải phóng dân
tộc lên hàng đầu, đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt
Minh, xây dựng lực lượng quần chúng ở cả nông thôn và thành thị; tiến tới xây
dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang. Đó cũng chính là một trong
những nguyên nhân dẫn đến sự thành lập Đội Việt nam tuyên truyền giải phóng
quân sau này.


15
1.2. Cao Bằng được Đảng ta lựa chọn để xây dựng lực lượng cách mạng
Cao Bằng là một tỉnh ở địa đầu phía Bắc của Tổ quốc. Ở đây, núi rừng
trùng điệp xen kẽ với những cánh đồng, thung lũng vừa và nhỏ. Toàn tỉnh nằm
trên cao nguyên có độ cao trung bình trên 1000 mét, đặc điểm địa hình thấp dần
từ Tây Bắc xuống Đông Nam và từ Tây sang Đông, tạo thành một dải đất án

ngữ tự nhiên với những cụm điểm cao rất có ý nghĩa cho công cuộc phòng thủ
đất nước. Phía Bắc và Đông giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), phía Nam giáp
Lạng Sơn và Bắc Cạn, phía Tây giáp Hà Giang, Tuyên Quang. Toàn tỉnh có 15
huyện và 1 thị xã thì 9 huyện nằm sát biên giới Việt - Trung là Thạch An, Phục
Hòa, Hạ Lang, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Thông Nông, Bảo Lạc, Bảo
Lâm. Đây cũng là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc dài nhất trong các
tỉnh biên giới phía Bắc.
Địa hình của tỉnh chia làm 3 vùng rõ rệt: phía Tây là vùng núi đất xen núi
đá, phía Đông là núi đá cao có nhiều hang động, là căn cứ của các lực lượng vũ
trang trong các cuộc kháng chiến. Vùng phía Tây Nam phần lớn là núi đất có
nhiều rừng cây to rậm rạp. Cao Bằng có hệ thống sông suối có độ dốc lớn, lắm
thác, lắm ghềnh. Tuy nhiều đèo dốc, địa hình hiểm trở nhưng Cao Bằng có
mạng lưới giao thông nội tỉnh nối liền các huyện, vừa có các con đường ra các
cửa khẩu Tà Lùng (Phục Hòa), Sóc Giang (Hà Quảng)… Quốc lộ 3 và 4 là hai
con đường chính nối Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.
Cao Bằng cũng là tỉnh có nhiều nguồn lâm thổ sản phong phú như sa nhân,
mộc nhĩ, nấm hương… Rừng có nhiều gỗ quý như: lim, sến táu… và nhiều
hương liệu quý. Lòng đất Cao Bằng có nhiều mỏ khoáng sản có giá trị như:
thiếc, sắt, nhôm…
Về xã hội, Cao Bằng là một tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Cả
tỉnh có 10 dân tộc, trong đó có hai dân tộc đông nhất là Tày (gần 43%) và Nùng
(34%), còn lại là các dân tộc khác như: Kinh, Dao, Mông, Sán Chỉ, Hoa…
Từ xa xưa, đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã có truyền thống đấu tranh
bất khuất chống lại ách thống trị hà khắc của các triều đại phong kiến và chống
lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Do đó, cũng như bao nơi
khác trên đất nước Việt Nam, con người Cao Bằng luôn mang trong mình những
phẩm chất tốt đẹp như anh dũng, kiên cường, bất khuất, trung thực, thủy chung
son sắt. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, những phẩm chất tốt đẹp đó được phát huy
cao độ trong phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do cho nước nhà.
Trên cơ sở sự phát triển của phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở

Cao Bằng, sự truyền bá của tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách

16
mạng của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, mà chủ yếu là qua những hạt giống
đỏ - những thanh niên Cao Bằng giác ngộ cách mạng về hoạt động, ngày
1/4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã được thành lập ở Nặm Lìn, xã
Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Chi bộ đầu tiên của tỉnh làm việc
như một Ban tỉnh ủy lâm thời, do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Từ đây
giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Cao Bằng bước vào một thời kỳ lịch
sử mới - thời kỳ đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Từ chi bộ ban đầu, đến cuối năm 1930, một số chi bộ khác đã ra đời ở mỏ
thiếc Tĩnh Túc, châu Hòa An. Ban tỉnh ủy Cao Bằng được thành lập để tăng
cường sức lãnh đạo cho phong trào cách mạng của tỉnh. Lần lượt các chi bộ
Đảng được thành lập ở châu Hà Quảng (5/6/1931), chi bộ Đảng châu Quảng
Uyên (2/1932), chi bộ Đảng xã Vân Trình huyện Thạch An (1933), chi bộ Đảng
xã Minh Tâm châu Nguyên Bình (1935)…
Nhằm chuẩn bị cho việc đấu tranh giành chính quyền, Đảng bộ Cao
Bằng vẫn chú trọng phát triển lực lượng vũ trang. Một mặt, Tỉnh ủy chọn 40
cán bộ cử đi học tập quân sự ở Trung Quốc. Mặt khác, thành lập binh công
xưởng để chế tạo vũ khí, trang bị cho các đội viên tuyên truyền. Cuối năm
1939, tại châu Hà Quảng, đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên được thành lập.
Lúc đầu, có 3 đồng chí hoạt động tại địa bàn Lục Khu hỗ trợ cho phong trào
đấu tranh của quần chúng.
Khi tình hình quốc tế và trong nước có những biến chuyển mau chóng, đặc
biệt với sự kiện nước Pháp bị phát xít Đức xâm lược (6/1940), Nguyễn Ái Quốc
nhận định: đây là cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Và Người quyết
định về nước để chuẩn bị cho công cuộc giải phóng dân tộc. Rồi Người điện cho
Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp)
và Cao Hồng Lĩnh đang trên đường đi học ở Diên An (Trung Quốc) quay lại

chuẩn bị để về nước.
Trong quá trình chuẩn bị về nước, việc chọn điểm về - chỗ đứng chân trong
nước là một việc quan trọng quyết định sự thành bại và sự phát triển của cách
mạng về sau. Không phải ngẫu nhiên mà Cao Bằng lại được Nguyễn Ái Quốc
chọn làm điểm trở về để lãnh đạo cách mạng. Thực ra, ý tưởng ban đầu là chọn
đột phá khẩu ở một tỉnh hay một huyện quan trọng để tuyên truyền cách mạng
rồi sau đó xây dựng và mở rộng căn cứ địa cách mạng ra cả nước.
Đầu tiên, Người có ý định chọn hướng Côn Minh - Lào Cai, Người đã phái
Bùi Đức Minh và Hoàng Văn Lộc về Hà Khẩu để điều tra nắm tình hình trong

17
nước và đặt cơ sở liên lạc. Nhưng cầu Hồ Kiều - chiếc cầu lớn trên sông Nậm
Thi, trên đó có tuyến đường sắt Việt - Điền nối hai nước đã bị phá sập vào ngày
16/9/1940. Như vậy cửa khẩu lớn giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa đã bị
đóng sập. Do đó, cùng với những lý do khác về cơ sở quần chúng…, ý tưởng về
nước theo hướng Lào Cai không thành. Sau đó, Người tin cho Bùi Đức Minh và
Hoàng Văn Lộc trở lại Côn Minh tìm hướng mới. Đó chính là hướng Cao Bằng.
Trong suy nghĩ của Người, Cao Bằng quy tụ được nhiều yếu tố cần thiết về
“địa” và “nhân” thuận lợi cho việc xây dựng chỗ đứng chân, căn cứ địa cách
mạng để từ đó phát triển phong trào ra cả nước.
Về yếu tố địa lý tự nhiên, Cao Bằng thông thương với Trung Quốc bằng
những con đường mòn nhỏ, những con sông mà dân cư sống ở hai bên thường
hay qua lại. Đây là điểm thuận lợi cho những người hoạt động bí mật nhưng lại
là điểm bất lợi với chính quyền cai trị của Pháp. Trên ba con sông ở Cao Bằng là
sông Bằng Giang, sông Bắc Vọng, sông Quây Sơn nhân dân có thể dùng thuyền
nhỏ để đi từ Mỏ Sắt (Hòa An) đến Tà Lùng, sát biên giới Việt - Trung. Về
đường bộ, trên các huyện biên giới của Cao Bằng có rất nhiều cửa khẩu và hàng
trăm lối mòn sang Trung Quốc. Những con đường này thuận lợi cho việc tiếp
nhận những gì cần thiết từ vùng đất nằm ngoài sự kiểm soát của địch và đồng
thời là những lối thoát ra ngoài khi gặp khó khăn, bị vây ráp. Đây là những điều

kiện thuận lợi để “thoái”.
Bên cạnh đó, Cao Bằng nối với Bắc Cạn - Thái Nguyên, thông với cả nước
bằng quốc lộ số 3. Đây là yếu tố đảm bảo cho việc “tiến” để nối với miền xuôi.
Nối được với Thái Nguyên tức là nối được với các vùng rừng núi phía Đông Bắc
và Tây Bắc cũng như phát triển về xuôi, bởi Thái Nguyên là vùng đệm giữa
đồng bằng và miền núi. Từ Cao Bằng còn theo quốc lộ 4 để đến được với Lạng
Sơn, một điểm nút giao thông quan trọng trên con đường quốc tế xuyên Việt.
Ngoài việc đảm bảo hai yếu tố thuận lợi có thể rút sang Trung Quốc và tiến
về các nơi khác, về miền xuôi, địa hình Cao Bằng còn rất hiểm trở, giao thông đi
lại khó khăn. Ở đây, những vùng sâu, vùng xa, bộ máy cai trị của thực dân cũng
chưa vươn tới được, nhờ đó cán bộ cách mạng của ta có thể gây cơ sở để phát
triển phong trào.
Ngoài yếu tố “địa”, Cao Bằng còn chứa yếu tố “nhân”, đảm bảo cho việc
xây dựng một căn cứ địa cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của
mình, Hồ Chí Minh đã gặp nhiều người quê ở Cao Bằng, qua đó hiểu biết được
rất nhiều về vùng đất này. Một trong những người Cao Bằng đầu tiên lãnh tụ Hồ
Chí Minh gặp đó là Hoàng Văn Nọn (Tú Hưu) vào tháng 7/1935 tại Mátxcơva,

18
sau đó là Hoàng Đình Giong. Mặt khác, Cao Bằng là nơi có phong trào cách
mạng phát triển mạnh. Tháng 4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã ra đời ở
đây, cũng là chi bộ đầu tiên ở Việt Bắc: chi bộ Nặm Lìn (Hòa An - Cao Bằng).
Dưới ảnh hưởng của chi bộ này, lần lượt ra đời một số chi bộ khác tại Phúc
Tăng, Xuân Phách (Hòa An), Tĩnh Túc (Nguyên Bình), Sóc Hà (Hà Quảng) và
nhất là chi bộ Cốc Cooc (Quảng Hòa) - chi bộ giữ đường dây liên lạc từ Cao
Bằng ra Long Châu (Trung Quốc), nơi có chi bộ hải ngoại của Đảng Cộng sản
Đông Dương. Tới tháng 7/1933, Ban lãnh đạo Đảng hải ngoại đã công nhận Ban
chấp hành tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Tiếp sau đó,
các châu ủy cũng lần lượt được thành lập ở Hòa An (1933), Hà Quảng (1935).
Như vậy, so với các tỉnh biên giới phía Bắc, Cao Bằng là nơi có phong trào cách

mạng sớm nhất và vững chắc nhất. Đây là “hàng rào” quần chúng rất tốt bảo vệ
cho các cơ sở cách mạng.
Tháng 10/1940, trên đường từ Quế Lâm về Nam Ninh, Hồ Chí Minh đã
nhận định về vị trí Cao Bằng: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn
cho cách mạng nước ta, Cao Bằng có phong trào tốt từ trước lại kề sát với biên
giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc với quốc tế rất thuận lợi, nhưng từ Cao Bằng còn
phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn
quốc được. Có nối được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh
vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ” [10, 38 - 39].
Cũng cuối năm 1940, do thực dân Pháp khủng bố mạnh, một số thanh niên
dân tộc ở Cao Bằng đã vượt biên giới sang Trung Quốc. Hồ Chí Minh đã cùng
với một số đồng chí khác tập hợp và mở lớp huấn luyện cho số thanh niên này.
Sau đó, Người cử họ về nước làm nhiệm vụ củng cố, mở rộng phong trào Cao
Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước.
Trong quá trình chuẩn bị về nước, từ cuối năm 1940, Hồ Chí Minh đã cử
đồng chí Vũ Anh (Trịnh Đông Hải) về trước tìm một địa điểm đảm bảo các yêu
cầu: thật bí mật, có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui. Theo sự
hướng dẫn của Người, đồng chí Vũ Anh đã tìm được một địa điểm đáp ứng các
yêu cầu trên, đó là hang Cốc Bó, thuộc bản Pác Bó, châu Hà Quảng. Đây là một
hang có địa thế hiểm trở, lại thông sang được với bên kia biên giới để khi cần có
thể rút lui an toàn. Cách hang không xa là bản Pác Bó - một bản có phong trào
quần chúng bảo vệ rất tốt.
Đầu tháng 1/1941, thời điểm quan trọng của việc lựa chọn địa điểm về
nước, tại làng Tân Khư (Tĩnh Tây - Trung Quốc), Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và
trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Thụ - đại diện của Ban Thường vụ Trung ương

19
Đảng từ trong nước sang. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã báo cáo với Người tình
hình phong trào cách mạng trong nước và ở Cao Bằng, đề nghị Người về nước
theo hướng Cao Bằng bởi ở đây trình độ giác ngộ của nhân dân tương đối cao,

cán bộ lãnh đạo cách mạng khá vững vàng.
Ngày 28/1/1941, Hồ Chí Minh và một số cán bộ cách mạng được Người
huấn luyện tại Trung Quốc đã vượt qua cột mốc biên giới số 108 tại châu Hà
Quảng trở về đất nước sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Tới ngày
8/2/1940, với bí danh “Già Thu”, Người tới ở và làm việc tại hang Cốc Bó thuộc
bản Pác Bó. Từ đây, Pác Bó trở thành nơi đứng chân của Hồ Chí Minh cùng
Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc.
Như vậy, trước sự thay đổi của tình hình cách mạng thế giới và trong
nước, Đảng ta đã kịp thời đưa ra những quan điểm đúng đắn để chỉ đạo phong
trào cách mạng trong thời kì mới, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc,
tích cực xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang. Trong đó, Cao
Bằng là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh
và Trung ương Đảng chọn làm chỗ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng
toàn quốc.

















20
CHƯƠNG 2
SỰ RA ĐỜI CỦA ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN
GIẢI PHÓNG QUÂN

2.1. Quá trình thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
2.1.1. Sự ra đời các lực lượng vũ trang cách mạng ở Cao Bằng
Ngay sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương chọn Cao
Bằng xây dựng thành căn cứ địa cách mạng và chuẩn bị lực lượng cho Tổng
khởi nghĩa. Song song với công tác xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng
trong các đoàn thể quốc của Mặt trận Việt Minh, lãnh tụ Hồ Chí Minh còn quan
tâm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương tổ chức thí điểm Việt Minh lấy từ số cán bộ
mới về nước làm nòng cốt. Đây là các đồng chí vừa là cán bộ chính trị vừa là
cán bộ quân sự để phát triển các Hội cứu quốc trong quần chúng. Địa bàn chủ
yếu của đợt thí điểm Việt Minh là vùng Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình. Hồ
Chí Minh chỉ thị, Việt Minh phát triển đến đâu là tổ chức ngay tự vệ đến đó. Sau
3 tháng tổ chức thí điểm Việt Minh, số hội viên cứu quốc ở các châu này tăng
lên 2000 người với đầy đủ các thành phần già, trẻ, gái, trai,… Tại các tổng, xã
trong 3 châu này đã xuất hiện các đội tự vệ gồm những nam nữ hội viên hăng
hái. Đây còn là lực lượng để củng cố và phát triển Hội cứu quốc, làm thành “bức
tường thành” quần chúng bảo vệ cơ quan Đảng đóng ở đây, đưa đón cán bộ qua
lại hoạt động, làm giao liên và khi cần có thể chiến đấu với địch. Qua phong
trào, các cơ sở cách mạng chọn những cán bộ trung kiên cử ra nước ngoài học
tập quân sự để phát triển lực lượng về sau.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, với tư cách là trung tâm căn cứ địa của
cả vùng, nơi đặt bản doanh lãnh đạo của Trung ương, Cao Bằng là nơi đi đầu
thực hiện các chủ trương chính sách của Hội nghị. Sau hội nghị, phong trào cách
mạng của quần chúng phát triển khắp các châu trong tỉnh, đặc biệt là 3 châu: Hà
Quảng, Nguyên Bình, Hòa An trở thành 3 châu hoàn toàn Việt Minh. Các tổ

chức tự vệ ra đời ngày một nhiều làm nhiệm vụ hỗ trợ phong trào đấu tranh của
quần chúng. Mặt khác, Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng xây dựng lực lượng vũ
trang vùng căn cứ địa để vừa giữ vững địa bàn, vừa đào tạo nguồn cán bộ cung
cấp cho tỉnh. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1941, Hồ Chí Minh và Đảng bộ Cao
Bằng đã chọn hơn 70 cán bộ gửi sang Trung Quốc học quân sự.

×