1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
LÊ THỊ HƯƠNG
Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TIỂU
THUYẾT “TRUYỆN NHÀ KỴ SĨ DON QUJOTE” CỦA
CERVANTES
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: LÝ LUẬN VĂN HỌC
HÀ NỘI - 2012
2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
LÊ THỊ HƯƠNG
Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TIỂU
THUYẾT “TRUYỆN NHÀ KỴ SĨ DON QUJOTE” CỦA
CERVANTES
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: LÝ LUẬN VĂN HỌC
Mã số: 60 22 32
Người hướng dẫn khoa học: PGS-TS. PHẠM THÀNH HƯNG
HÀ NỘI - 2012
3
LỜI CAM ĐOAN
Luận văn tốt nghiệp khóa đào tạo Thạc sỹ mang tên “ Ý nghĩa lịch sử và giá trị
nghệ thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote” của Cervantes” là
công trình nghiên cứu nghiêm túc của tôi dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Phạm
Thành Hưng. Tôi xin cam đoan, những kết quả thu được chưa từng được công bố
trên bất cứ công trình khoa học nào khác. Các nguồn sách, tài liệu tham
khảo,…đều được trích dẫn rõ ràng, có địa chỉ chính xác và tin cậy. Nếu lời cam
đoan trên không đúng, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2012
Học viên
Lê Thị Hương
4
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời trân trọng cảm ơn tới các thầy cô khoa Sau đại học, khoa Văn
học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội-
những người đã tận tình chỉ bảo và dạy dỗ tôi trong bốn năm học và đặc biệt là
PGS.TS Phạm Thành Hưng- người đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình hoàn
thành luận văn này. Với khoảng thời gian không dài cũng như kiến thức và sự
hiểu biết còn hạn hẹp nên luận văn khó tránh được những thiếu sót. Tôi rất mong
nhận được sự đóng góp ý kiến của thầy cô và các bạn gần xa. Trân trọng cảm ơn!
5
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Đối tượng, phạm vi, mục đích nghiên cứu
4. Phương pháp nghiên cứu
5. Cấu trúc luận văn
PHẦN NỘI DUNG
Chương1. CERVANTES TRONG NỀN VĂN HÓA PHỤC HƯNG
TÂY ÂU
1.1. Thời đại Phục hưng và chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật
1.2. Thân thế và sự nghiệp của Cervantes
1.3. Cervantes và những nhà văn cùng thời đại
1.4. Tiểu thuyết Don-Qujote-tín hiệu khủng hoảng của tinh thần nhân văn
chủ nghĩa.
1.4.1.Bi kịch của Sechxpia- nỗi thất vọng trước thực tại xã hội buổi giao thời
1.4.2. Tiểu thuyết Don Qujote- sự đổ vỡ xuất phát từ xung đột lý tưởng nhân văn
chủ nghĩa và thực tại tư sản hóa.
Chương2. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ- TƯ TƯỞNG CỦA TIỂU THUYẾT
“TRUYỆN NHÀ KỴ SĨ DON QUJOTE”
2.1. Don Qujote hình tượng sống động về một thời đại
2.2. Nỗi thất vọng và sự suy xụp của chủ nghĩa lạc quan nhân văn.
2. 2.1. Tiếng cười chua chát trong “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”
2.2.2. Sự đối lập của hai tính cách: chàng kị sỹ và người hầu Xan-chô Pan-xa.
2. 2.3. Cuộc chiến trường kỳ và tuyệt vọng của chàng kị sỹ Don Qujote
6
2. 3. Don Qujote- một ký thác và biểu tượng của niềm tin xa xôi
2.3.1. Khát vọng giải phóng con người và mơ ước về một xã hội lý tưởng của
Cervantes.
2. 3. 2. Niềm tin của chàng hiệp sĩ.
2. 3.3. Xan-chô- tín hiệu của một lối sống mới.
Chương3. GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TIỂU THUYẾT “TRUYỆN NHÀ KỴ
SĨ DON QUJOTE”
3.1. “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”-Lối kết cấu khai sinh cho tiểu thuyết
hiện đại
3.1.1. Khái niệm roman và tiểu thuyết phiêu lưu trinh thám châu Âu trung
cổ
3.1.2. Tính chất giễu nhại (parodie) đầy sáng tạo trong chủ đề và kết cấu
3.2. Giọng điệu trần thuật trong “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”
3.2.1. Giọng kể trào lộng, châm biếm
3.2.2. Giọng điệu suồng sã, dân dã nhưng giàu tính chiến đấu
3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.3.1. Lối đặc tả ngoại hình
3.3.2. Tính cách bộc lộ bằng hành động
3.3.3. Những khám phá trong thủ pháp miêu tả tâm lý
3.3.4. Vấn đề tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình (hoàn cảnh rộng và
hoàn cảnh hẹp của nhân vật Don Qujote)
3.4. Một tượng đài trong lịch sử vận động và phát triển của tiểu thuyết
PHẦN KẾT LUẬN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
7
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Mấy trăm năm nay, khắp thế giới, độc giả luôn luôn bị cám dỗ, say mê với
công trình sáng tác của thiên tài Cervantes. Chưa hề một ai thấy hình thù thực sự
của Don Qujote, nhưng không ai không biết, không nhớ, không tưởng tượng
được bộ mặt gầy gò và anh dũng, dớ dẩn mà sâu sắc, đáng cười mà đáng phục
của nhà kỵ sĩ đầu tiên và cuối cùng- nhà kỵ sĩ duy nhất Tây- Ban- Nha. Văn sĩ,
thi sĩ, nhà phê bình cũng như nhà triết học trên thế giới, từ phương Tây đến
phương Đông, từ trước đến nay, Marx, Engels, Toltoi cũng như Gorki, Lỗ Tấn
không ai là không xác nhận hệ giá trị của tập truyện cả về phương diện nghệ
thuật lẫn tư tưởng. Đề tài của Cervantes trong thời gian hơn ba thế kỷ nay vẫn
quyến rũ độc giả và kích thích tinh thần sáng tạo của nhiều nghệ sĩ khắp các
nước. Bao nhiêu họa sĩ, nhạc sĩ, nhà viết kịch sau Cervantes vẫn cố gắng dựng
lại chân dung và tính cách của nhân vật nhà kỵ sĩ trứ danh xứ Măng-sơ. Tác
phẩm thể hiện sức mạnh và thiên tài nghệ thuật của Cervantes. Cuốn tiểu thuyết
như kết tinh từ lịch sử văn hóa của dân tộc. Xuất phát từ một thời đại, nó vẫn có
một lực lượng lạ lùng để vượt qua biên giới của bản đồ địa lý và chính trị và để
chống chọ với sức tiêu mà, hủy hoại của thời gian.
Sức quyến rũ của cuốn tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote” đã vượt ra
khỏi ranh giới đất nước Tây-Ban-Nha, được bạn đọc trong và ngoài nước háo
hức đón đọc. Trải qua gần 400 năm, vượt ra khỏi sự đào thải của thời gian, bộ
tiểu thuyết vẫn giành được sự hâm mộ rộng khắp và được công nhận là một
trong những tác phẩm lớn nhất của nhân loại. Pho truyện đã thật sự đi vào quần
chúng. Trong các ngày hội, hay trong các cuộc vui hóa trang của Tây-Ban-Nha,
Bồ-Đào-Nha cũng như nhiều nước châu Âu khác, người ta thường thấy xuất hiện
8
hiệp sĩ Don Qujote và giám mã Xan-chô Pan-xa “hệt như tả trong truyện”. Cuốn
sách được in ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới và ngót gần bốn thế kỷ nay,
Don Qujote vẫn là đề tài sân khấu, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, điện ảnh…
Đại thi hào Đức- Henri Heine nói: “Phải suy tôn Cervantes làm người
sáng tạo ra tiểu thuyết cận đại”. Công trình sáng tác của Cervantes đã đánh dấu
một thời đại mới trong văn học phương Tây. Nó có một ý nghĩa, một tác dụng
cách mạng đối với văn học của thời đại. Tác giả của cuốn tiểu thuyết bất hủ này
đã nêu rõ dụng ý của mình là: “…định viết một tập truyện hài hước để chế giễu
văn học kỵ sĩ” và “đánh tan sự tín nhiệm của một số người khá đông đối với loại
sách ấy”. Và tác giả khẳng định “tập sách sẽ rất hay, rất hoàn toàn, rất thú vị”.
Và quả thực Cervantes đã thành công vẻ vang về cả hai phương diện phá hoại và
xây dựng. Don Qujote ra đời, tồn tại đã chống chọi được với sự đào thải của thời
gian. Nhân dân Tây- Ban- Nha thừa nhận ngay tập sách đó là một tác phẩm của
dân tộc, của nhân dân. Nhân dân tính chính là một đặc sắc trong nghệ thuật tiểu
thuyết của Cervantes. Nội dung xã hội trong cuốn tiểu thuyết rất dồi dào và sâu
sắc. Chính tác giả đã nêu rõ ý định viết “những mẩu chuyện để tiêu khiển cho kẻ
đa sầu đa cảm, làm vui cho người độc giả vui tính, để cho anh dốt đọc vào không
chán, và cho nhà hiền triết cũng có thể nể nang” [8, 267]. Tuy nhiên, giá trị của
Don Qujote không chỉ khiêm tốn là vậy mà nó còn đặt ra vấn đề có ý nghĩa thời
đại, đó là ý nghĩa tố cáo cả một chế độ xã hội trong đó phê phán chính sách của
vua chúa Tây - Ban- Nha. Tập truyện còn đề cập vấn đề phụ nữ, vấn đề luân lý
gia đình, vấn đề tình yêu nam nữ một cách tinh tế, khéo léo.
Sức sống vĩnh cửu của tiểu thuyết Don Qujote không chỉ bởi những giá trị
về tư tưởng mà còn bởi giá trị nghệ thuật trong việc xây dựng nên nhân vật điển
hình bất hủ và đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của thể loại tiểu thuyết cũng
9
như ý nghĩa khai sinh cho loại hình tiểu thuyết hiện đại. Chàng Don Qujote đại
diện cho một giai cấp, yêu chuộng đạo đức và chính nghĩa. Giá trị văn hóa, tư
tưởng mà chàng mang theo được thể hiện thành công qua việc xây dựng nhân vật
điển hình. Đặc biệt, thành công của thiên tiểu thuyết còn bởi tác giả hiểu thấu
nghệ thuật ngôn ngữ của nhân dân, giọng văn suồng sã, gần gũi đi vào lòng quần
chúng. Hình tượng xây dựng trong tác phẩm bao giờ cũng là của dân tộc, của
nhân dân.
Với những lí do trên, tôi chọn đề tài nghiên cứu về ý nghĩa lịch sử và giá
trị nghệ thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote” để có cái nhìn sâu
sắc và toàn diện về bộ mặt xã hội phương Tây điển hình là Tây- Ban- Nha thời
đại Phục hưng và những giá trị độc đáo về mặt nhận thức lịch sử và phát triển
nghệ thuật của tập tiểu thuyết với vai trò mở đầu cho tiểu thuyết phương Tây.
2. Lịch sử vấn đề
Giá trị nội dung và nghệ thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don
Qujote” được cả thế giới công nhận và ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở
phạm vi văn học mà còn mở rộng ra phạm vi văn hóa, không chỉ ở Tây-Ban-Nha
mà còn ở nhiều quốc gia lớn nhỏ trên thế giới.
Tuy vậy, trong quá trình nghiên cứu và tiếp nhận văn học nước ngoài ở
Việt Nam chưa có nhiều tác giả quan tâm sâu sắc tới nhân vật Don Qujote cũng
như cuốn tiểu thuyết này. Người viết đề tài đã tìm được công trình Tiểu luận và
phê bình “Trên đường học tập và nghiên cứu”, Đặng Thai Mai, Nhà xuất bản
văn học, Hà Nội- 1969 nhân dịp kỷ niệm 350 năm tập ra đời. Ngoài ra, viết về
Cervantes cũng như nhân vật Don Qujote, cuốn “ Văn học Phương tây” của tập
thể các tác giả cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp
10
Hà Nội cũng có một số trang phân tích bối cảnh xã hội Tây-Ban-Nha đương
thời và hình tượng sống động Don Qujote.
3. Đối tượng, phạm vi, mục đích nghiên cứu
Trong phạm vi công trình nghiên cứu này, người viết tập trung vào tìm
hiểu, phân tích nội dung phản ánh để từ đó thấy được ý nghĩa lịch sử cũng như
giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”. Từ đó, người
viết tìm hiểu về những đóng góp của Cervantes trên phương diện nhận thức lịch
sử và xây dựng thể loại tiểu thuyết.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp lịch sử- xã hội là phương pháp đặt hiện tượng văn học vào
bối cảnh của xã hội để nghiên cứu. Bằng cách đó, hiện tượng văn học sẽ được
nhìn nhận trong những mối quan hệ ngoại sinh, được đánh giá đúng với những
quy luật khách quan của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Việc nghiên cứu tiểu thuyết
Don Qujote không nằm ngoài phương pháp đó nhằm phản ánh đúng bối cảnh xã
hội, bức tranh sinh động của địa phương, thời đại Tây-Ban-Nha thế kỷ XVI.
Cùng với phương pháp lịch sử- xã hội là phương pháp tiếp cận văn hóa
học sẽ được vận dụng trong nghiên cứu về Don Qujote. Phương pháp tiếp cận
văn học từ quan điểm văn hóa học ưu tiên cho việc phục nguyên không gian văn
hóa trong đó tác phẩm văn học đã ra đời, xác lập sự chi phối của các quan niệm
triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị, luật pháp, thẩm mỹ, quan niệm về con
người….từng tồn tại trong một không gian văn hóa xác định đối với tác phẩm về
các mặt xây dựng nhân vật, kết cấu, mô típ, hình tượng, ngôn ngữ,…tức là giải
mã các hình tượng nghê thuật, tìm ra những dấu ấn thời đại của tác phẩm.
Ngoài ra, trong công trình này, phương pháp quan trọng mà chúng tôi vận
dụng đó là phương pháp nghiên cứu nhân vật văn học bởi nhân vật là phương
11
tiện đắc dụng để nhà văn khái quát cuộc sống một cách hình tượng đồng thời thể
hiện sinh động những ý đồ tư tưởng- nghệ thuật của nhà văn. Nhân vật chính
Don Qujote là đối tượng chính của việc nghiên cứu. Tuy nhiên, để làm nổi bật
bức chân dung sống động về nhân vật này, còn có sự tương phản của bức chân
dung Xan-chô Pan-xa như là một sự đối chiếu để thấy được những nét tính cách,
những phẩm chất của nhân vật chính.
Sự thành công của mỗi một tác phẩm văn học bắt nguồn từ sự tổng hợp
hài hòa các yếu tố hoàn cảnh điều kiện xã hội và tài năng tác giả. Do vậy, cùng
với các phương pháp nghiên cứu chủ đạo trên, người nghiên cứu còn vận dụng
phương pháp nghiên cứu tác giả để hiểu được cái căn nguyên sâu sắc bức chân
dung nhân vật và giá trị tác phẩm.
Những phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp là những phương
pháp thuộc về kỹ năng không thể thiếu trong quá trình xây dựng, triển khai đề tài
và cũng được vận dụng trong việc thực hiện công trình nghiên cứu này.
5. Cấu trúc luận văn
Trong luận văn này, ngoài phần mở đầu, vấn đề ý nghĩa lịch sử và giá trị nghệ
thuật của cuốn tiểu thuyết Don Qujote được triển khai và giải quyết trong ba
chương:
Chương1. Cervantes trong nền văn hóa phục hung Tây Âu
Chương2.Giá trị lịch sử- tư tưởng của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”
Chương3.Giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”
12
PHẦN NỘI DUNG
Chương1. CERVANTES TRONG NỀN VĂN HÓA PHỤC HƯNG
TÂY ÂU
1.1. Thời đại Phục hưng và chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật
Vào thế kỷ XIV– XVI thế giới Châu Âu như có một “cơn gió lạ” thổi đến làm
thay đổi sâu sắc bộ mặt đời sống tinh thần và xã hội tạo thành phong trào văn
hoá Phục hưng. Đây được coi là một cuộc vận động tư tưởng và văn hoá rất mực
hào hứng và quyết liệt mà cho đến bấy giờ loài người chưa từng biết tới. Italia
được coi là cái nôi khai sinh ra phong trào, sau đó lan rộng sang các nước Tây
Âu và Trung Âu.
Phong trào văn hoá Phục hưng là một cuộc vận động sôi nổi nhằm làm sống
lại những truyền thống tốt đẹp mà thời cổ đại Hi Lạp và La Mã sáng tạo ra, đã bị
thời Trung cổ phong kiến và Nhà thờ cắt đứt, đồng thời phải phát huy cao hơn
nữa truyền thống đó cho phù hợp với yêu cầu trước mắt. Như vậy, phong trào
văn hoá Phục hưng không chỉ đơn thuần là phong trào phục cổ mà nó còn phải
kế thừa, phát huy cao độ những giá trị nhân bản tốt đẹp của một thời đại hoàng
kim đã chìm sâu vào lịch sử. Vào thời trung cổ, giáo hội và nhà thờ là một thế
lực thống trị hắc ám, tồn tại như một màn đêm đen tối phủ kín bầu trời phương
Tây. Nó ràng buộc con người vào những luật lệ hà khắc, kìm hãm sự phát triển
không cho con người được phát huy hết sức mạnh của mình. Nó truyền bá nhân
sinh quan yếm thế, xem cõi đời là một thung lũng nước mắt, thiên đường mới là
cuộc sống đáng hướng tới. Giá trị và quyền sống của con người bị coi khinh,
nhường chỗ cho những thế lực tôn giáo thần thánh. Vì vậy phong trào văn hoá
Phục hưng dấy lên truyền thống trân trọng, đề cao con người, trái ngược hẳn với
13
thái độ coi rẻ, miệt thị con người thời Trung cổ. Đó là truyền thống đấu tranh cho
tự do của con người, trái ngược với nền chuyên chính, độc tài của phong kiến và
giáo hội. Điều đó đã nói lên nhu cầu, khát vọng của con người mới mong muốn
có một cuộc cách mạng làm thay đổi toàn bộ xã hội đương thời, đưa con người
hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cuộc vận động tư tưởng và văn
hoá Phục hung là một cuộc cách mạng tinh thần, có ý nghĩa công phá hệ tư
tưởng phong kiến, thần quyền, thiết lập một nền tảng tư tưởng mới mang ý nghĩa
nhân đạo cao cả. Như một cơn mưa gột rửa những tối tăm bụi bặm của thời trung
cổ, cầu vồng đã mọc lên báo hiệu một cuộc sống mới, đầy ánh sáng sắc màu.
Phương tây như một người ngủ say bừng dậy sau đêm trường trung cổ, vững
vàng tiến bước vào lịch sử cận đại. Đúng như Ănghen nhận định: “Thời đại Phục
hưng là bước ngoặt tiến bộ, vĩ đại nhất từ trước tới bấy giờ loài người chưa từng
thấy”. Bước ngoặt đó đã làm thay đổi mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo,
tư tưởng và tinh thần. Chính trong bối cảnh đó, văn học nghệ thuật Phục hưng đã
nở hoa kết trái một mùa hoa, mùa quả hiếm có. Chủ nghĩa nhân văn chính là trào
lưu tư tưởng cơ bản tạo nên những giá trị rực rỡ đó.
Sau khi đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, Tây-Ban-Nha bước vào một
kỷ nguyên mới phát triển mạnh mẽ. Năm 1519, Saclơcanh đã cầm đầu đế quốc
La Mã thần thánh và một số thực dân địa ở châu Mỹ. Sau khi chiến thắng đế
quốc Thổ Nhĩ Kỳ, Tây-Ban-Nha ngày càng lớn mạnh. Trong hai thế kỷ XVI –
XVII, không ít người Tây-Ban-Nha thuộc đủ mọi thành phần xã hội từ quý tộc
đến nông nô đã đổ xô sang châu Mỹ và các thuộc địa khác ở châu Âu để truyền
bá lý tưởng tôn giáo và nền quân chủ. Những mầm mống suy yếu nằm ngay
trong chính sách đối ngoại đó đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của các dân tộc
bị nô dịch và nhân dân trong nước ngày càng phản đối gay gắt. Nhà nước quân
14
chủ Tây-Ban-Nha là nhà nước chuyên chế kiểu phương Đông với cơ sở xã hội
của nó là bọn quý tộc phong kiến và đẳng cấp tăng lữ. Thị dân và nông dân
không ủng hộ nhà nước đó, giai cấp quý tộc đi vào con đường tàn lụi vẫn bám
giữ lấy những đặc quyền, đặc lợi của chúng. Nhà nước quân chủ ở Tây-Ban-Nha
đã xây dựng một quân đội thường trực gồm cảnh sát và lính chiến rất lớn, vì vậy
nó mang tính chất một nhà nước quân phiệt. Đặc biệt, nền quân chủ Tây-Ban-
Nha gắn liền với lý tưởng đạo Thiên chúa giáo và nung nấu một đầu óc cuồng tín
đến mê muội. Trên đất nước Tây-Ban-Nha dày đặc những nhà thờ và tu viện.
Kết quả là thế kỷ XVI-XVII, nền kinh tế phá sản tới ba lần (1560, 1575 và
1617). Quân đội Acmađa- quân đội không hề chiến bại bị thua trận; các chiến
hạm của Anh vơ vét các thành phố và 6 năm trước khi cuốn tiểu thuyết Don
Qujote ra đời, đã có một trận dịch cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người.
Người dân phải bỏ đất đai ra các thành phố làm số người thất nghiệp, ăn mày
lang thang tăng lên. Và điều quan trọng là vào thời điểm này người dân Tây-
Ban-Nha không ý thức được sự suy thoái hay thực trạng lịch sử mà họ đang
sống. Người ta chỉ lo sao đừng ốm, thời tiết đừng ảnh hưởng tới mùa màng và
đọc truyện kiếm hiệp giống như thói quen xem truyền hình của chúng ta bây giờ.
Những cuốn sách kiếm hiệp đó trở thành những liều thuốc mê lặng lẽ gặm nhấm
tinh thần con người. Đó là những cuốn sách bịa đặt, giả dối với những nhân vật
hư cấu đến mức vô lý, những cuộc phiêu lưu, những chàng hiệp sĩ đi mây về gió
để cuốn hút cám dỗ độc giả và gây ra những hậu quả hết sức tai hại. Thế giới
quan của độc giả bị biến dạng, bóp méo, hóa thành thiển cận. Bất bình trước
thực tại, Cervantes đã viết cuốn tiểu thuyết Don Qujote nhằm đả kích các sách
kiếm hiệp bằng cách nhại lại bằng chính hình thức tiểu thuyết hiệp sĩ. Từ đây,
15
văn học Tây-Ban-Nha nói riêng và văn học thời Phục hưng nói chung mở ra một
hướng đi mới mẻ và táo bạo.
Trong giai đoạn hậu kỳ Trung cổ, nhiều dòng văn học tiến bộ đã lên tiếng
phê phán nhà thờ, lên án sự ăn bám của giai cấp quí tộc, xây dựng được những
hình tượng chân thực, châm biếm gay gắt các tu sĩ, cố đạo, hiệp sĩ, nhưng không
đủ khả năng vẽ ra bức tranh hiện thực rộng lớn của thực tại trong những mối liên
hệ nội tại của nó. Chủ nghĩa lịch sử và tính biện chứng trong tư duy chưa thâm
nhập vào được trong nền văn học đó. Cho nên, có thể thấy chủ nghĩa hiện thực
của văn học thời Trung cổ rất bị hạn chế. Ở thế kỷ XIV-XVI, hàng loạt những
phát kiến địa lý vĩ đại và những phát minh trong lĩnh vực sản xuất và văn hóa
(sáng chế thuốc súng, máy in, phương pháp luyện kim mới,…) đã kích thích sự
phát triển những quan điểm hoàn toàn mới đối với thế giới. Từ đây, những thay
đổi về mặt tư tưởng đã bắt đầu được nhận ra. Trên cơ sở lịch sử mới, những quan
niệm của chủ nghĩa nhân đạo thời đại Phục hưng ngày càng bộc lộ rõ ràng.
Hướng về con người với lòng tin to lớn, các nhà nhân văn xem con người như là
một kỳ quan của thiên nhiên, như là người điều khiển vũ trụ, khâm phục tài
năng, trí tuệ của nó. Sechxpia đã truyền đạt sự đắm say trước trí lực và vẻ đẹp
của con người qua những lời nói của Hămlet: “Con người là một truyệt tác biết
chừng nào! Cao qúy bao nhiêu với lý trí sáng suốt! Những khả năng của nó vô
tận biết bao nhiêu! Lớn lao và tuyệt với biết bao nhiêu trong hình dáng và cử chỉ!
Trong hành động thì giống như thiên thần, về hiểu biết thì như một bậc thánh!
Con người là sắc đẹp của thế giới, tinh hoa của muôn loài!” Ở thời đại Phục
hưng, thái độ đắm say với con người đã đi xa hơn rất nhiều so với thời Trung cổ.
Cervantes, Rable, Sechxpia đã giải phóng con người khỏi quyền lực của các lực
lượng thần thánh, mang lại cho họ quyền tự do hành động cần thiết. Nhân vật
16
của họ hành động theo lý tính và khát vọng tự do của mình. Họ xử sự với tư cách
là một cá nhân độc lập, thấm nhuần tinh thần trách nhiệm trước mọi người. Cho
nên, ở Don Qujote người đọc chứng kiến và hình dung ra một cá nhân độc lập, tự
quyết, sẵn sàng xả thân vì những hành động nghĩa hiệp.
Tuy nhiên, các nhà nhân văn thời đại Phục hưng còn tiến thêm một bước
nữa. Họ bắt đầu đi tìm nguyên nhân tình cảnh bi thảm của con người ở ngay đời
sống, chứ không phải ở trong quan hệ thống trị của thần linh với con người. Văn
học Phục hưng đã phê phán ách áp bức của nhà thờ và của phong kiến, chống lại
mọi sự hạn chế gò bó tự do cá nhân. Nền văn học ấy hoàn toàn mang tính chất trần
thế, tính xã hội về nội dung, và con người được bộc lộ trong văn học không chỉ qua
những tư chất bẩm sinh (cảm xúc, trí tuệ, ) của mình mà cả qua những lý tưởng xã
hội của nó.
Thời đại Phục hưng được đánh dấu bằng việc khẳng định dần dần quan
điểm lịch sử nhìn nhận cuộc sống. Là những người làm chứng và là những người
tham gia vào những sự kiện lịch sử lớn lao (sự thay đổi bản đồ thế giới nhờ kết
quả phát kiến địa lý, phong trào cải cách tôn giáo, những cuộc đấu tranh cách
mạng của nhân dân,…) các nhà nhân văn đi tới kết luận là: xã hội không đứng
yên và có nguồn gốc phát triển mang tính chất trần thế chứ không phải là những
nguồn gốc thần thánh. Cái đó đã thúc đẩy các nhà tư tưởng và các nhà văn thời
Phục hưng nghiên cứu thực tại, kích thích sự nảy sinh nghệ thuật hiện thực với
xu hướng mô tả đời sống trong tính cụ thể về mặt lịch sử xã hội, trong những
mối liên hệ qua lại phức tạp bên trong của nó.
Xã hội càng phát triển và những mâu thuẫn xã hội càng sâu sắc, thì sáng tác
của các nhà văn càng có tính xã hội và mang tính thời sự hơn. Điều đó không đồng
nghĩa với việc văn học tăng cường phản ánh tính cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
17
Các truyện của Cervantes, Rabole, Sechxpia hay Bôcatsiô lẫn Sôxơ đều cố gắng giải
quyết những vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn lao. Nếu thời kỳ đầu của thời đại Phục
hưng, văn học hướng tới những say mê lạc thú thì các nhân vật thời Sechsxpia đã trở
thành những con người có trí tuệ, biết suy tư, đấu tranh tích cực với những lý tưởng
nhân đạo (Don Qujote, Păng-ta-gru-yen, Hămlet). Các nhân vật của thời Phục hưng
chín muồi về tư tưởng, bước lên vũ đài rộng lớn của đời sống xã hội, tự cảm thấy
mình có trách nhiệm đối với tương lai của xã hội loài người. Nên điều đó, có thể nhận
thấy ở Don Qujote không phải ngẫu nhiên, chàng quyết tâm rời bỏ quê hương, trải
qua biết bao trận đòn “thập tử nhất sinh”vì nghĩa.
Xây dựng hình tượng của một con người hành động hùng dũng, có những
đắm say mãnh liệt và quan tâm sâu sắc đến những vấn đề xã hội, các nhà nhân
văn đã khái quát hóa những nét điển hình của con người đương thời với mình.
Ăngghen đã giải thích sự toàn vẹn và sức mạnh trong tính cách con người thời
Phục hưng bằng lý do là họ đã sống chính giữa những mối quan tâm của thời đại
và tham gia một cách tích cực vào cuộc đấu tranh thực tiễn.
Nhân vật của thời đại Phục hưng đã mang trong mình ánh sáng phản chiếu
của một thời đại anh hùng, một thời đại đã sinh ra những người khổng lồ, những
cá tính con người sáng chói. Trong họ còn chưa thấy những dấu hiệu của sự tầm
thường nhỏ bé, sự phân đôi về tinh thần, một đặc điểm nổi bật đối với những đại
biểu của xã hội tư sản chín muồi. Cái riêng tư và cái xã hội hòa lẫn với nhau làm
một trong ý thức các nhân vật thời kỳ Phục hưng. Trong tâm hồn họ không có
chỗ cho các cuộc đấu tranh giữa “tình cảm” và “nghĩa vụ” vốn rất điển hình đối
với các nhân vật bi kịch của chủ nghĩa cổ điển sau này. Xã hội không đối lập với
họ với tư cách là một cái gì đó xa lạ mà nó được lĩnh hội như là cái riêng tư, như
là sự thể hiện bản chất riêng của họ. Tính toàn vẹn của các tính cách mà văn học
18
Phục hưng chín muồi sáng tạo nên được quy định bởi việc những đại diện -
những nhà nhân văn đề cao tính nhân dân trong sáng tác. Nhân vật thời Phục
hưng rất trung thực, chân thật, cả tin, chân thành, họ vốn có tinh thần nghĩa hiệp
chân chính, thể hiện trong sự sẵn sàng giúp đỡ những con người cùng quẫn về
mặt xã hội.
Có thể thấy rằng, trào lưu tư tưởng nhân văn chủ nghĩa là sản phẩm tinh thần
của thời đại Phục hưng, chung đúc lại yêu cầu và khát vọng muốn tự giải phóng của
con người thời đó thoát khỏi những xiềng xích trói buộc của Trung cổ Phong kiến và
nhà thờ. Chủ nghĩa nhân văn tìm thấy ở thời cổ đại- đặc biệt là ở thời cổ đại Hi Lạp-
tinh thần trân trọng và đề cao con người mà nhân sinh quan Trung cổ cố tình hạ thấp
và coi rẻ. Chính từ trong văn học nghệ thuật của cổ đại Hi Lạp mà văn nghệ Phục
hưng tìm thấy những biểu tượng sáng ngời về vẻ đẹp của con người, về ý chí đấu
tranh cho tự do chống thiên tai và chống áp bức bóc lột.
1.2.Thân thế và sự nghiệp của Cervantes
Mai-cơn đơ Cervantes sinh năm 1547 ở thị trấn A-ca-la đờ Hi-na-ret.
Thành phố ông sinh ra cũng chính là nơi khai sinh cho nhà đại văn hào vào
khoảng giữa thế kỷ XVI, còn là một đô thị nổi tiếng của nước Tây-ban-nha. Ở
đây, một tòa nhà cổ kính với cả một tổ chức giáo hội rất thần thế, cùng với các
cơ cấu chính quyền của vua Charles Quint, tượng trưng cho chế độ độc tài ngoan
cố vào hạng nhất trong lịch sử xã hội phong kiến. A-ca-la cũng là một thành thị
buôn bán khá thịnh vượng, tập hợp đủ mọi hạng người: bọn quan liêu hàng văn
hàng võ, cầu cạnh, kiếm chút danh vị rơi rớt của triều đình; và trong đám thị dân,
các chú lái buôn chen chúc nhau, xô đẩy nhau trên đường trục lợi. Lực lượng tư
sản trưởng thành. Thành phố A-ca-la cũng như các thành phố lớn châu Âu mấy
19
chục năm diễn ra cuộc đấu tranh kịch liệt cho quyền lợi công xã chống phong
kiến. Văn hóa Phục hưng tràn lan trên bán đảo. Nghề in sách vừa phát minh, chỉ
trong nửa thế kỷ đã phát đạt rất mạnh, gieo vào đầu óc lớp thanh niên tri thức
những hạt giống táo bạo của thời đại. Thành phố quê hương của Cervantes là nơi
tập hợp mọi tầng lớp: quý tộc, tư sản, nhà giàu, nhà nghèo, người trong nước hay
người tứ xứ. Ở họ là đủ mọi tính cách mang dấu ấn của thời đại: nóng nảy, ồn ào,
thích học, thích biết và thích cãi vã, gây lộn. Cervantes được chứng kiến khá
nhiều cuộc ẩu đả kịch liệt xảy ra giữa các cậu học sinh đại học, đại biểu cho hai
giai cấp đối địch- tầng lớp quý tộc bảo thủ và những phần tử tư sản tích cực đấu
tranh.
Cervantes trải qua thời thiếu nhi trong cảnh thiếu thốn. Tuy nhiên, việc
học của cậu bé vẫn được duy trì thường xuyên bởi sự quan tâm của ông bố cậu.
Trong thời gian ở Madrid khi 14, 15 tuổi, Cervantes đã học tu từ học (Retovice)
và tiếng Latin. Cậu sớm thể hiện năng khiếu văn chương và trở nên đam mê với
các tên tuổi Virgile, Ovide, Arioste, Boccace và Petarque. Bài thơ đầu tiên của
Cervantes được ra đời nhờ sự giúp đỡ của ông quan thầy Juan Lôpơ -đơ Hoyos.
Trường học của Cervantes chính là trường đời, là những ngày vất vả cực nhọc.
Ngay từ thuở bé, cậu đã thấy bố mẹ chạy vạy, lo toan vì miếng ăn hàng ngày:
bán từng mẩu vườn, cầm cố nữ trang, trốn nợ, tịch thu tài sản,…
Năm 1570 Cervantes vào hải quân và ngày mồng 7 tháng Mười năm 1571
ông tham gia trận đánh ở Lê-pan-tô. Trong trận này, lực lượng đồng minh Ý-
Tây-Ban-Nha đã giáng cho lực lượng hải quân hùng mạnh của Thổ- Nhĩ- Kỳ một
đòn nặng. Trong cuộc chiến này, Cervantes bị hai vết thương vào ngực và tay
trái. Cervantes xuất viện vào tháng tư năm 1572 và tham gia chiến dịch Tuy-ni-
di. Từ cuối năm 1573 đến đầu tháng năm năm 1574 Cervantes ở lại Ý với đơn vị
20
của mình và năm 1575 ông được phép trở về Tổ quốc. Ông rời khỏi Na-plơ,
cùng em trai là Rô-đơ-ri-gô lên đường ra khơi. Ngày 26 tháng 9 năm 1576 chiếc
thuyền chiến của ông bị bọn cướp biển châu Phi bắt giữ. Mặc dù đã chống cự
dũng cảm, cả đội thuyền bị bắt làm tù binh và bị bán làm nô lệ ở An-giê-ri. Đến
năm1580 Cervantes mới được chuộc lại và trở về Tổ quốc. Nhưng, khi đặt chân
lên đất nước quê hương, ông lại rơi vào một cuộc đời tù binh mới tồi tệ hơn. Là
một viên chức nhỏ, ông đấu tranh để sinh sống hết năm này sang năm khác ở
một xứ sở không còn có chỗ dành cho một anh lính và một công dân dũng cảm.
Năm 1605 phần một của tác phẩm thiên tài Don Qujote của ông ra đời. Từ đây,
cuộc đời sáng tác của ông bắt đầu phát triển mạnh với các thể loại như kịch,
trường ca và Cervantes tiếp tục viết phần hai của Don Qujote một cách ráo riết
năm 1615. Tác phẩm cuối cùng của ông là tiểu thuyết “Những cuộc ngao du của
Pec-xi-le-xơ và Xê-khin-xmun-đa”. Ông mất năm 1617.
Như thế, thời trai trẻ của Cervantes trải qua năm năm tù ngục khi tham gia
vào quân đội, rồi vượt ngục. Trước tòa án, Cervantes yêu cầu được nhận hoàn
toàn trách nhiệm và vinh dự của vai chủ động trong âm mưu táo bạo của hai lần
vượt ngục. Cervantes một lần nữa thoát chết và được kính nể bởi bản lĩnh phi
thường của một chiến sĩ không hề sợ hãi vũ lực. Hình ảnh của Cervantes đâu đó
thấp thoáng trong tập tiểu thuyết thiên tài “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”.
Truyện có kể về chuyện vua Azan, một lão vua phong kiến hết sức tàn nhẫn,
nhưng cũng phải cảm phục can đảm của anh chàng Saavedra, một tín đồ đạo Gia
tô, quốc tịch Tây-Ban-Nha, và tha thứ cho anh chàng trong những trường hợp
khá quan trọng. Đó chính là một đoạn tiểu sử của bản thân Cervantes kể lại bằng
thể thức tiểu thuyết.
21
Trước khi trở thành một tiểu thuyết gia, thiên tài Cervantes bắt đầu sự
nghiệp với tập Galatee. Đây là một truyện tình dang dở, trắc trở với những lời
than vãn của những tâm hồn yêu đương cùng với giọng hát đồng quê. Tập sách
không được đón nhận, ông quay sang viết kịch. Nhưng mấy vở hài kịch của ông
không được dàn dựng mà chỉ được trả công soạn kịch bằng mấy đồng dukat.
Năm 1605, ông bắt đầu viết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”. Lúc này, ông đã 58
tuổi. Tác phẩm được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt và “bán chạy như bánh
thánh”. Tác phẩm của ông đã vượt qua lãnh thổ Tây-Ban-Nha sang bên châu Mỹ
và gắn với nó là rất nhiều giai thoại thú vị về sức mê hoặc của cuốn tiểu thuyết
này. Năm 1613 một tập tiểu thuyết mới dưới tên gọi Câu chuyện nhà kỵ sĩ Don
Qujote tiếp theo phần trước ra đời. Trong tay nhà đại văn hào, ngòi bút quả
không biết già.Tác phẩm của ông được cả thế giới hoan nghênh. Tên tuổi nhà
văn sĩ đã sáng tạo chân dung kỵ sĩ Don Qujote và Xan-chô vang lừng khắp Tây
Âu và ông được suy tôn làm người sáng tạo ra tiểu thuyết cận đại. Cho đến nay
tiểu thuyết này được tính là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế
giới, chỉ sau Kinh Thánh.
Tiểu thuyết “Truyện hiệp sĩ trứ danh Don Qujote thuộc dòng Hi-đan-gô
xứ Măng-sơ” gồm có hai phần: Phần I có 52 chương, phần II có 74 chương có
thể được tóm tắt như sau: Phần I, nội dung kể về một lão quý tộc nghèo ở nông
thông tên là Ki-ha-đa, cao lênh khênh, tuổi quãng năm mươi, vì quá say mê các
truyện hiệp sĩ phiêu lưu nên mụ mẫm cả đầu óc, lúc nào cũng muốn trở thành
hiệp sĩ lang thang để phò nguy cứu khốn, diệt trừ yêu quái và lũ khổng lồ, lập lại
trật tự và công lí. Lão lục những đồ binh giáp đã han gỉ của tổ tiên, đem đánh
bóng và sửa chữa lại để vũ trang cho mình. Lão phong cho con ngựa gầy còm
của lão cái tên chiến mã Rô-xi-nan-tê, còn bản thân lão là nhà hiệp sĩ Don
22
Qujote xứ Măng sơ. Và để đúng “mốt” của một hiệp sĩ lang thang, phải có
người tình xinh đẹp, lão nhớ đến một phụ nữ nông dân lão thầm yêu thời còn trẻ,
và ban cho chị ta cái tên là công nương Đuyn-xi-nê-a. Nhà hiệp sĩ ra đi để làm
lễ thụ phong: quán trọ thành lâu đài, hai ả gái điếm thành hai công nương, gã
chủ quán và cuốn sổ chi tiêu thành lãnh chúa và cuốn Kinh Thánh. Lần ra đi thứ
nhất kết thúc bằng cuộc giao đấu giữa Don Qujote với những người lái buôn, vì
họ không chịu thừa nhận Đuyn-xi-nê-a là đẹp nhất trần gian khi mặt họ chưa
nhìn thấy nàng. Don Qujote bị đánh nhừ tử, may có một bác nông dân cùng làng
đưa về gia đình. Rồi Don Qujote lại ra đi, lần này có thêm một giám mã là bác
nông dân cục mịch Xan- chô Pan-xa, hai thầy trò đi khắp nước Tây-Ban-Nha.
Thầy với mộng tưởng hão huyền: cối xay gió tưởng là lũ khổng lồ, chiếc chậu
thau của bác thợ cạo tưởng là mũ sắt của Mam-bri-nô, một phu nhân ngồi trong
xe ngựa tưởng là công chúa bị lão phù thủy bắt cóc, đàn cừu tưởng là đội
quân,…trò với mộng tưởng thực tế: khi thầy công thành danh toại, sẽ ban cho
mình một chức quan thống đốc cai trị vài hòn đảo. Trong chiến công đánh tan
một đám lễ tang, làm què chân một sinh viên, bác giám mã đã phong cho Don
Qujote biệt hiệu “Hiệp sĩ Mặt buồn”. Hai người quen là cha sứ và bác phó cạo
phải tìm cách bắt sống lão, nhốt vào cũi, đưa về cho gia đình. Lợi dụng lúc được
tự do, Don Qujote lại lao vào đám rước làm lễ cầu mưa để giải thoát cho bức
ảnh Đức Mẹ đồng trinh mà lão tưởng là một công chúa bị bắt cóc. Lão bị đánh
đến ốm đòn, và những người thân thích phải khiêng lão lên xe bò đưa về nhà
chữa chạy.
Phần II, mọi người tìm cách ngăn không cho Don Qujote ra đi,
nhưng cậu tú Xam-sơn Ca-ra-xcô bày mưu cổ vũ Don Qujote lên đường
lập chiến công mới. Lão gặp hiệp sĩ Gương soi (Xam-sơn Ca-ra-xcô
23
trá hình) và chấp nhận cuộc thách đấu với điều kiện kẻ thất bại sẽ phải
phục tùng mệnh lệnh của người chiến thắng. Nhưng không may, hiệp sĩ
Gương soi lại bị ngã ngựa. Hai thầy trò Don Qujote tiếp tục ra đi, gặp
đoàn xe chở một con sư tử trong cũi, Don Qujote bắt người hộ tống
phải mở cũi thả con sư tử đực ra để đánh nhau. Con sư tử không buồn
ra khỏi cũi, và hiệp sĩ Don Qujote với chiên công này quyết định đổi
danh hiệu “Hiệp sĩ Sư tử”. Thầy trò Don Qujote gặp hai vợ chồng một
bá tước. Họ đã đọc truyện Nhà quý tộc tinh khôn Don Qujote nên nảy
ra đính định trêu chọc. Họ đón tiếp Don Qujote với kiểu cách hiệp sĩ,
phong cho Xan-chô Pan-xa chức quan Thống đốc đảo Ba-na-ta-ri-a.
Kết thúc những ngày cầm quyền của Xan-chô là một cuộc tấn công giả
của quân thù khiến Xan-chô bị một trận đòn nên thân. Còn thầy cũng
bị trêu chọc đủ đường. Cuối cùng, hai thầy trò bỏ tòa lâu đài “mất tự
do” ấy để ra đi. Bước ngoăt của tác phẩm là trận giao đấu giữa hiệp
sĩ Vầng trăng bạc- cậu tú Xam-sơn Ca-ra xcô với Don Qujote. Don
Qujote bị đánh ngã và phải cam kết trở về nhà, từ bỏ một năm cuộc
đời hiệp sĩ lang thang. Cuối cùng, kiệt sức vì những cuộc phiêu lưu
đầy đau buồn, thất vọng, Don Qujote ốm nặng. Đến lúc này, lão mới
nhận ra tai hại của những truyện hiệp sĩ. Lão viết di chúc và qua đời.
Ở tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote” nói riêng và những sáng tác
của là Cervantes nói chung, độc giả cảm nhận được một tâm hồn nhân văn chủ
nghĩa.Tác phẩm của ông phản ánh xã hội đương thời sâu sắc qua hệ thống nhân
vật với những nét tính cách điển hình. Người đọc được cười bởi những hành
động “hiệp nghĩa” của Don Qujote nhưng lại khóc trước những suy nghĩ của
chàng khi đã hiểu ra một cách sâu sắc nguyên nhân của những hành động ấy.
24
Hiệu quả nghệ thuật ấy có được là bởi Cervantes từ thuở thiếu thời đã hòa mình
vào cuộc sống của nhân dân với nông dân, thợ thủ công, những người ăn xin và
lang thang, tiếp xúc với ngôn ngữ và những cảnh bần cùng của họ, hiểu sâu sắc
và thông cảm với lòng căm thù của họ đối với những kẻ áp bức. Suốt đời, ông
sống với nhân dân và điều đó giải thích những đặc điểm sáng tác của ông: lòng
thương người rộng lớn, sự căm thù đối với mọi cảnh áp bức, nô lệ và một sự lừa
dối tình yêu tự do say sưa, không bao giờ thỏa hiệp và lòng yêu nước cao cả.
1.3.Cervantes và những nhà văn cùng thời đại
Thời đại Phục hưng có ý nghĩa lịch sử lớn lao vì đó là những thế kỷ có
chức năng chuyển giao giữa thời đại cũ và mới, giữa thời phong kiến và thời chủ
nghĩa tư bản. Đó là thời đại khi mà xã hội tư sản đang hình thành, khi mà những
người tư sản sáng lập xã hội đó còn chưa bị vướng víu bởi những ràng buộc
quyền lợi giai cấp của mình. Họ tự cảm thấy mình là đại biểu cho tất cả nhân loại
đau khổ, khi hiện thực còn mang tính anh hùng và có thể đưa ra những nhân cách
toàn vẹn, sống bằng lý tưởng và ít nhiều phục tùng lợi ích của nhân dân. Thời đại
Phục hưng được đánh dấu bằng những cái mà thời kỳ cổ Hy Lạp không hề biết
đến: sự sụp đổ ào ạt của những mối liên hệ xã hội cũ, trong xã hội xuất hiện
những con người lạnh lùng, tàn nhẫn. Văn học thời kỳ Cervantes đã khái quát
những hiện tượng của đời sống và các nhà nhân văn đã phản ánh trong tác phẩm
của mình cuộc đấu tranh bi thảm, hết sức căng thẳng về tâm lý của con người
hành động nhân đạo chống lại chế độ tư sản xa lạ. Trong việc mô tả những cảm
xúc mạnh, trong việc khám phá sự năng động của tình cảm con người Sechxpia
nổi lên với tiếng nói mới so với các nhà viết kịch cổ đại.
25
Văn học Phục hưng kế thừa một cách có ý thức truyền thống nghệ thuật
của văn học cổ Hy Lạp- La Mã. Trong nền kịch cổ Hy Lạp, Êđip của Xô-
phốc-lơ nổi lên như một kiệt tác với nhân vật Êđip huyền thoại. Tuy ngang
với Êđip về sức mạnh tinh thần nhưng những nhân vật bi kịch thời Phục hưng
khác với Êđip về căn bản. Nhân vật bi kịch Phục hưng là con đẻ của một thời
đại khác, khi mà sự hài hòa xã hội đã bắt đầu bị phá vỡ và điều ác xuất hiện.
Bởi vậy, họ đã mất sự trầm tĩnh kiểu tự sự vốn là đặc điểm nổi bật đối với các
nhân vật của Etsin hay Xô-phốc- lơ. Tình trạng bất ổn của cuộc sống thúc giục
họ đấu tranh, khêu gợi trong họ những xúc động sôi nổi. Cống hiến lớn lao
của Sếchxpia vào nền kịch thế giới là ở việc khám phá ra sự vĩ đại và nỗi đau
đớn tâm hồn của con người đẹp về mặt đạo đức, con người vốn đối lập với
“những lực lượng yêu quái” do các quan hệ tư sản mới sinh ra. Bi kịch của
Sechxpia có đặc điểm nổi bật là sự căng thẳng gay gắt về tâm lý, các tính cách
được khắc họa một cách rõ ràng, sự phong phú của những cách lý giải hiện
thực, tức là những phẩm chất không thể có ở kịch cổ đại vốn được nuôi dưỡng
bằng những truyền thuyết thần thoại, và được hình thành trong điều kiện khi
mà giữa cá nhân và xã hội còn có thể có sự cân bằng. Nhân vật trong văn học
Phục hưng khác với Edip, Angtigon, Mê đê, đã mất tính tĩnh tại. Họ tích cực
tác động qua lại với những hoàn cảnh xung quanh, ở trong một quá trình
thường xuyên phát triển. Vua Lia và Hăm Lét, Juliet của Sechxpia, Laurenxia,
Phơ rôn đô xô của Lôpê đờ Vê ga đã biến đổi, Don Qujote của Cervantes hoàn
toàn không tĩnh tại. Tính biến động nội tâm của hình tượng đã tăng thêm sức
sống và sức biểu cảm của nghệ thuật của nó.
Châu Âu thế kỷ XVI, những mâu thuẫn của xã hội mới chưa lộ ra một
cách đầy đủ, các nhà văn chưa đủ sức khám phá ra những đặc điểm của một thời