TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA TÂM LÝ GIÁO DỤC
LỚP TÂM LÝ GIÁO DỤC 3
MÔN LỊCH SỬ GIÁO DỤC THẾ GIỚI
ĐỀ TÀI:
GVHD: Ts. Hồ Văn Liên
SVTH: Lâm Thị Ngọc Diệu
Ngày 8 tháng 12 năm 2012
NỀN GIÁO DỤC
Ở NƯỚC ĐỨC
I. SƠ LƯỢC VỀ GIÁO DỤC NƯỚC ĐỨC.
Cuối thời trung cổ, hệ thống nhà trường Đức bắt đầu hình thành. Các trường đại học
Đức ra đời theo sau sự dẫn đầu của trường Đại học ở thế kỷ XIII của Paris và có cơ sở
là các khoa lớn như khoa học, thần học, luật học, nghệ thuật và y học. Thế kỷ XVI,
trường nhân dân (volksschule) ra đời, đáp ứng nhu cầu của nhà thờ thuộc phái Cải cách
Giáo hội, thu hút người Đức lớn tuổi hơn ở thành phố vào các trường đó học đọc và
viết. Thế kỷ XIX người Đức bắt đầu có sự đóng góp xuất sắc cho giáo dục ở nhiều lĩnh
vực còn chưa được thực hiện do sự tàn phá của cuộc chiến tranh những năm 30. Trường
Đại học Tổng hợp Goettingen mới thành lập đã tạo ra mô hình của trường đại học Đức
mới thuộc về nhà nước, nhấn mạnh việc học tập môn khoa học tập hợp các kiến thức
khoa học có tổ chức (Wissenschaft), đồng thời đưa nghiên cứu và giảng dạy vào nhà
trường.
Người Đức chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng của nhà giáo Thuỵ Sỹ vĩ đại Pestalozzi,
nhưng họ sử dụng tư tưởng này hiệu quả hơn để tạo ra nhà trường nhân dân của họ,
không biến nhà trường thành một môi trường mang tính chất gia đình vui vẻ và sáng tạo
như Pestalozzi mong muốn.
II. MỤC ĐÍCH, MỤC TIÊU GIÁO DỤC Ở ĐỨC.
Nhiệm vụ của nhà trường là truyền thụ vốn tri thức cơ bản rộng, phải chú ý tới sự hiểu
biết các quan hệ kinh tế và làm quen với máy tính, coi trọng các giá trị và năng lực xã
hội.
Từ lịch sử Cộng hoà liên bang Đức từ năm 1949, chính sách giáo dục cho tương lai đó
được xác định gồm 4 nhiệm vụ cấp thiết sau đây:
1. Giáo dục học sinh có trách nhiệm về chính trị trong một hệ thống dân chủ.
2. Hỗ trợ các bang mới là Branderburg – Mecklenburg, Vorpomern, Sachsen – Anhalt
và Thueringen, xây dựng các thiết chế giáo dục.
3. Hướng vào thị trường lao động tương lai của các học sinh tốt nghiệp.
4. Chuẩn bị học sinh bước vào cuộc thi đua trong Cộng đồng châu Âu.
Mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người trẻ tuổi có trình độ cao, phấn đấu đảm
bảo những tiêu chuẩn chất lượng trong khoa học và giáo dục, hiện đại hoá các cơ sở
giáo dục đã học.
Giáo dục phục vụ cho kinh tế và lợi ích của đất nước.
III. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC Ở ĐỨC.
1. Nội dung giáo dục:
Cộng hoà liên bang Đức có 16 bang. Các bộ giáo dục của từng bang phải chịu trách
nhiệm hoạch định và thực hiện chính sách giáo dục, không có 1 bộ luật giáo dục chung
cho cả nước Đức Liên bang và các bang phải hợp tác để đảm bảo chất lượng, hiệu quả
đào tạo. Chương trình giáo dục phổ thông do các bang quyết định. Ở bình diện liên
bang, hiện nay đã ban hành chuẩn giáo dục các môn học. Các bang xây dựng và ban
hành chương trình khung riêng cho bang. Các trường dựa vào chương trình khung cần tự
xây dựng chương trình dạy học riêng phù hợp với đặc thù của nhà trường. Điều này đòi
hỏi GV phổ thông cần có năng lực phát triển chương trình dạy học chi tiết của môn học.
Sách giáo khoa phổ thông do các nhà xuất bản tổ chức biên soạn dựa trên các chương
trình đào tạo và sau khi được Bộ giáo dục thẩm định và cho phép thì sẽ được lưu hành
trên thị trường. Các trường và GV có thể tự chọn sách giáo khoa cho mỗi môn học.
2. Phương pháp giáo dục.
Ở CHLB Đức, nói chung từ cuối thế kỷ 19 cho đến ngày nay tồn tại một hệ thống nhà
trường phổ thông phân hóa thành 3 nhánh cơ bản ở cấp trung học cơ sở (không kể loại
hình trường đặc biệt), đó là: trường Hauptschule, trường Realschule và
trường Gymnasium với ba loại bằng tốt nghiệp khác nhau. Kể từ những năm 1970, ở
nhiều bang còn có thêm các loại hình trường Gesamtschule, là trường tích hợp của các
loại trường nêu trên. Tính liên thông giữa các loại hình trường được đảm bảo về cơ bản
khi thoả mãn các điều kiện được thỏa thuận.
Các trường đào tạo nghề tồn tại trong bậc trung học (Sekundarstufe II) bên cạnh trường
gymnasium (gymnasiale Oberstufe). Hệ thống giáo dục phổ thông của Đức kéo dài 13
năm học. Trong xu hướng cải cách hiện nay, đa số các bang rút ngắn còn 12 năm học.
Trong thời kỳ nước Đức chia cắt sau chiến tranh, hệ thống giáo dục của Cộng hòa dân
chủ Đức được cấu trúc theo một hệ thống thống nhất. Trong đó „Trường phổ thông kỹ
thuật tổng hợp 10 năm“ (POS) dành cho tất cả học sinh phổ thông (không kể trường đặc
biệt, trường chuyên). Sau khi kết thúc trường học này, chỉ khoảng 10% học sinh sẽ học
tiếp lên „Trường phổ thông kỹ thuật tổng hợp nâng cao“ (EOS) kéo dài hai năm để có
thể vào thẳng đại học sau khi tốt nghiệp. Đa số học sinh còn lại sẽ vào học trong hệ
thống trường nghề (2 năm), một bộ phận vào các trường chuyên nghiệp, trường nghề có
bằng trung học phổ thông (3 năm). Sau khi thống nhất nước Đức năm 1990, các Bang
mới cải cách hệ thống giáo dục theo mô hinh chung của CHLB Đức.
- Nhà trẻ: Trẻ em từ 3 tuổi đến lúc tới trường có thể đi nhà trẻ cả ngày hay một phần
của ngày. Việc đi nhà trẻ là tự nguyện. Ở một số bang còn có những cơ sở quá độ
sang tiểu học như các lớp vỡ lòng (Vorklasse).
- Trường tiểu học : Trường tiểu học gồm 4 lớp đầu tiên, ở bang Berlin và Brandenburg
trường tiểu học có 6 lớp. Tất cả trẻ em đi học trường tiểu học. Nói chung giờ học bao
gồm các môn Tiếng Đức, Toán, Tìm hiểu tự nhiên, Nghệ thuật, Âm nhạc và Thể
thao. Giờ học ngoại ngữ được thực hiện ở tất cả các bang ở bậc tiểu học.
- Bậc định hướng : Cấp định hướng bao gồm hai bậc lớp 5 và 6, hoặc là được xếp vào
các trường cấp cao hơn (cấp định hướng phụ thuộc vào loại trường) hay tách khỏi
chúng (cấp định hướng độc lập với loại trường). Nó phục vụ việc hỗ trợ và định
hướng cho học sinh cho quá trình học tiếp.
- Trường Hauptschule: là loại hình trường bắt buộc cho tất cả các học sinh sau tiểu học
không đi học một loại trường câp cao hơn nào khác. Nó kết thúc với lớp 9, ở một số
bang với lớp 10. Trường Hauptschule truyền đạt kiến thức giáo dục phổ thông như là
nền tảng cho giáo dục nghề nghiệp thực tiễn.
- Trường Realschule: dành cho học sinh có khả năng cao hơn so với so với trường
Hauptschule, với các lớp từ 5 (hoặc 7) đến 10. Với bằng tốt nghiệp Realschule, nói
chung học sinh có được nền tảng cho mọi loại ngành nghề và học sinh có quyền đi
học trường phổ thông trung học chuyên ngành (Fachoberschule), Gymnasium chuyên
ngành hay chuyển tiếp sang trường Gymnasium.
- Trường Gymnasium: nói chung bao gồm 9 hay 8 bậc lớp (lớp 5 đến lớp 13 hay 12)
hoặc 7 bậc lớp (lớp 7 đến lớp 12). Văn bằng tốt nghiệp trường Gymnasium được xem
là chứng nhận đủ năng lực học tại các trường đại học.
- Trường Gesamtschule: Trong loại hình trường này người ta kết hợp các loại hình
trường khác nhau với hình thức tổ chức và nội dung khác nhau. Người ta phân biệt
thành các trường Gesamtschule tích hợp (giờ học chung cho tất cả học sinh) và các
trường Gesamtschule phối hợp (những loại trường trung học khác nhau trong cùng
một cơ sở nhà trường).
- Trường Gymnasium chuyên ngành (Fachgymnasium): Là loại hình trường
Gymnasium gắn với ngành nghề trên cơ sở bằng tốt nghiệp Realschule hay một bằng
tốt nghiệp tương đương. Sau 3 năm (lớp 11 đến 13) học sinh có được văn bằng chứng
nhận đủ khả năng học tại tất cả các trường đại học.
- Hệ thống đào tạo nghề kép (song hành) : Hệ thống này được gọi là hệ thống kép
(song hành), vì việc đào tạo được tiến hành tại hai địa điểm học: tại xí nghiệp và tại
trường dạy nghề. Nó là bộ phận hạt nhân của giáo dục nghề nghiệp ở Đức; hơn 60%
học sinh tốt nghiệp một khóa đào tạo nghề trong hệ thống này. Việc đào tạo trong
từng nghề được thực hiện trên cơ sở những quy định về đào tạo (quy chế đào tạo của
Liên bang). Hiện thời có gần 350 nghề đào tạo được công nhận trên cơ sở các quy
định về đào tạo.
- Trường trung học nghề (Berufoberschule): cho đến nay chỉ tồn tại ở một số bang và
cung cấp những người tốt nghiệp có bằng tốt nghiệp trường trung học và đào tạo
nghề khép kín hay 5 năm hoạt động nghề nghiệp khả năng lấy được chứng nhận đủ
trình độ vào trường đại học gắn với chuyên ngành. Với việc chứng minh các kiến
thức trong một ngoại ngữ thứ hai có thể lấy chứng nhận đủ trình độ vào đại học
chung.
- Trường trung học chuyên nghiệp (Fachoberschule): Được xây dựng trên cơ sở bằng
tốt nghiệp trường Realschule hay một bằng tương đương được công nhận. Việc học
toàn bộ thời gian kéo dài ít nhất 1 năm. Hình thức học bán thời gian có thể kéo dài
đến 3 năm. Bằng tốt nghiệp được coi là hợp lệ để vào học các trường Đại học chuyên
ngành (Fachhochschule).
IV. NHẬN XÉT VỀ GIÁO DỤC Ở NƯỚC ĐỨC
Báo cáo Nhìn về giáo dục được OECD công bố năm 2007 đã chỉ ra những khiếm
khuyết cơ bản của hệ thống giáo dục Đức:
- Trong 10 năm qua, hệ thống giáo dục Đức tụt hạng trong so sánh quốc tế các hệ
thống giáo dục từ bậc 10 xuống bậc 22. Do thiếu lực lượng tốt nghiệp đại học, nước
Đức ngày nay không đủ khả năng thay thế những kỹ sư đang chuẩn bị về hưu bằng
những người tốt nghiệp đại học trẻ tuổi. Điều này cũng tương tự đối với đội ngũ giáo
viên.
- Ở Đức tỷ lệ kỹ sư thấp so với các nước OECD. Cứ 1000 người Đức chỉ có 32 kỹ sư
của một niên khoá tốt nghiệp. Ở nhiều nước OECD con số này là 44. Điều tương tự
cũng đúng với các ngành khoa học tự nhiên.
- Tỷ lệ tú tài thấp và tỷ lệ những người bỏ ngang đại học cao: Trong phân tích hàng
năm về các hệ thống giáo dục người ta còn chỉ trích về tỷ lệ tú tài thấp và tỷ lệ bỏ
ngang đại học cao.
- Thiếu bình đẳng về cơ hội: ở Đức con đường học vấn lệ thuộc rất nhiều vào nguồn
gốc xã hội. Tỷ lệ con cái của những gia đình mà cha mẹ có trình độ từ đại học trở lên
trong số các sinh viên đại học gấp 2,3 lần con số này trong tỷ lệ dân cư nói chung.
Kết quả PISA 2000 (Programme for International Student Assessment) là Chương
trình quốc tế đánh giá thành tích học sinhđã mang đến sự bất ngờ cho nước Đức, và
người Đức gọi là “cú sốc PISA”, vì thành tích của học sinh Đức xếp ở hạng trung
bình và dưới mức trung bình của OECD, học sinh Đức đặc biệt kém trong các bài tập
về tư duy, đánh giá, trong khi người Đức vẫn tin rằng nền giáo dục Đức có chất
lượng tốt, tỷ lệ với mức đầu tư cao cho giáo dục. Ngoài ra, PISA cũng chỉ ra rằng
thành tích học tập của học sinh Đức phụ thuộc rất nhiều vào nguồn gốc xã hội của
cha mẹ, trong đó con em các gia đình có thu nhập và trình độ thấp và những học sinh
có nguồn gốc nhập cư có thành tich học tập thấp hơn. Sự phân luồng sớm đối với trẻ
em từ mười tuổi ở bậc trung học cơ sở ở Đức theo các loại hình trường khác nhau bị
phê phán là góp phần dẫn đến sự thiếu bình đẳng về cơ hội với các trẻ em, đặc biệt
trẻ em từ các gia đình nghèo và người nhập cư. Trong đó học sinh trường
Hauptpschule có thành tích kém nhất và được coi là thiếu cơ hội phát triển so với học
sinh các loại trường khác.
Giáo dục ở nước Đức cần chú trọng hơn nữa đến việc đánh giá nhận thức của học
sinh, cần có 1 hệ thống giáo dục chung thống nhất giữa các bang. Việc bỏ sót và lãng
phí nhân tài cũng cần được quan tâm.
Tài liệu tham khảo
- “Kinh nghiệm và thành tựu phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới – tập 1: Giáo
dục và đào tạo ở các khu vực châu Âu và châu Á” – Nguyễn Tiến Đạt (NXB Giáo
dục, 2006.
- Giáo dục thế giới đi vào TK XXI ( NXB Chính trị quốc gia tháng 7/2002, GS.VS
Phạm Minh Hạc – PGS.TS Trần Kiều – PGS.TS Đặng Bá Lãm – PGD.TS Nghiêm
Đình Vỹ
- Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn 26 (2010)
-