ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ
ĐINH THẾ THUẬN
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Ở MỸ, NHẬT BẢN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
CHO VIỆT NAM
Chuyên ngành: Kinh tế chính trị
Mã số : 60 31 01
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ CHÍNH TRỊ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. ĐINH VĂN PHƯỢNG
Hà Nội – Năm 2012
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự nghiệp giáo dục và
đào tạo nước ta phải đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ. Chuyển
đổi mô hình quản lý giáo dục đào tạo ở Việt Nam, mà trước hết là
giáo dục đại học, cần được tiến hành một cách thận trọng trên cơ sở
tổng kết lý luận và thực tiễn phát triển thị trường giáo dục đại học ở
các quốc gia đi trước, đồng thời so sánh với điều kiện thực tiễn và
mục tiêu phát triển của Việt Nam để có sự vận dụng linh hoạt, sáng
tạo, phù hợp.
Mặc dù có điều kiện rất khác biệt về văn hóa, kinh tế, chính
trị, xã hội, song Mỹ và Nhật Bản đều phát triển rất thành công thị
trường giáo dục đại học, và hơn thế, hai quốc gia này đã biến thành
tựu giáo dục của mình thành động lực quan trọng tạo ra sự phát triển
đột phá về kinh tế. Kinh nghiệm phát triển thị trường giáo dục đại
học của Mỹ và Nhật Bản là những bài học quý, có giá trị tham khảo
trong quá trình phát triển nền giáo dục đại học nước ta. Với ý nghĩa
đó, tác giả lựa chọn đề tài: “Phát triển thị trường giáo dục đại học ở
Mỹ, Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” làm đề tài luận
văn thạc sỹ Kinh tế chính trị của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Trong quá trình tìm tòi, khảo nghiệm để có một mô hình
phát triển giáo dục đại học theo hướng thị trường, phù hợp với Việt
Nam, các nhà khoa học nước ta đã thực hiện thành công một số công
trình như:
1
- “Hoàn thiện chính sách tài chính cho giáo dục đại học Việt
Nam”, Luận án tiến sĩ kinh tế của nghiên cứu sinh Lê Phước Minh.
- “Phát triển giáo dục Việt Nam trong nền kinh tế thị trường
và trước nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”, đề tài cấp Nhà nước do
PGS, TS. Trần Quốc Toản chủ nhiệm đề tài.
- “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế
kỷ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học tổ chức tại Đại học Hoa Sen, Thành
Phố HCM, tháng 12/2008.
- “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục đại học và
cao đẳng Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học do Ban liên lạc các
trường đại học và cao đẳng Việt Nam tổ chức tháng 2/2011.
Ngoài những công trình lớn kể trên, có rất nhiều bài nghiên
cứu độc lập của các nhà khoa học trong và ngoài nước đề cập tới việc
phát triển thị trường giáo dục đại học ở Việt Nam dưới nhiều góc độ
khác nhau, trong đó có ý kiến ủng hộ và có cả những ý kiến phản đối
việc phát triển thị trường giáo dục đại học.
Mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu, nhưng chưa công
trình nào khai thác một cách có hệ thống kinh nghiệm phát triển thị
trường giáo dục đại học ở Mỹ và Nhật Bản, đối chiếu với điều kiện
thực tiễn và mục tiêu phát triển của Việt Nam để rút ra các bài học
kinh nghiệm có giá trị tham khảo.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu: Thông qua khảo sát thực tiễn phát
triển thị trường giáo dục đại học ở Mỹ, Nhật Bản, đối chiếu với điều
kiện thực tiễn và mục tiêu phát triển của Việt Nam, rút ra những bài
học kinh nghiệm có giá trị tham khảo và đề xuất một số gợi ý chính
sách nhằm góp phần phát triển thành công thị trường giáo dục đại
học ở Việt Nam.
2
Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Khái quát những vấn đề lý luận về phát triển thị trường
giáo dục đại học.
- Chỉ ra những bài học kinh nghiệm trong phát triển thị
trường giáo dục đại học ở Mỹ và Nhật Bản.
- Khái quát bối cảnh phát triển thị trường giáo dục đại học ở
Việt Nam hiện nay, chỉ rõ những điểm tương đồng và sự khác biệt so
với điều kiện phát triển thị trường giáo dục ở Mỹ, Nhật Bản.
- Đưa ra những gợi ý về chính sách phát triển thị trường giáo
dục đại học ở Việt Nam trên cơ sở các bài học kinh Nghiệm của Mỹ
và Nhật Bản.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: thị trường giáo dục đại học đặt trong
mối quan hệ với các nhân tố tác động tới sự vận động, phát triển của
nó.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài khảo sát sự phát triển thị trường
giáo dục đại học ở Mỹ, Nhật Bản và những điều kiện tiền đề tác
động trực tiếp tới sự phát triển thị trường này ở Việt Nam trong giai
đoạn hiện nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận biện
chứng duy vật của chủ nghĩa Mác – Lênin. Do phạm vi nghiên cứu
rộng và phức tạp, tác giả sử dụng phổ biến phương pháp trừu tượng
hóa khoa học nhằm gạt bỏ những vấn đề ít liên quan, tập trung làm
rõ đối tượng nghiên cứu là thị trường giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng những phương pháp
nghiên cứu thường dùng trong lĩnh vực khoa học xã hội như: kết hợp
lôgic với lịch sử, thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp, …
3
6. Đóng góp mới của luận văn
- Hệ thống những vấn đề lý luận về phát triển thị trường giáo
dục đại học.
- Rút ra những bài học kinh nghiệm phát triển thị trường giáo
dục đại học ở Mỹ, Nhật Bản.
- Đưa ra một số gợi ý về chính sách phát triển thị trường giáo
dục đại học ở Việt Nam hiện nay.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham
khảo, Luận văn được kết cấu thành 3 chương (8 tiết).
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về phát triển thị trường
giáo dục đại học
Chương 2: Thực trạng phát triển thị trường giáo dục đại học
ở Mỹ và Nhật Bản
Chương 3: Những bài học kinh nghiệm từ phát triển thị
trường giáo dục đại học ở Mỹ, Nhật Bản và một số gợi ý chính sách
cho Việt Nam.
4
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT
TRIỂN THỊ TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
1.1. Khái niệm, đặc trưng của thị trường giáo dục đại học
1.1.1. Khái niệm thị trường giáo dục đại học
Thị trường giáo dục đại học là tổng thể các quan hệ giữa nhà
trường, sinh viên, gia đình sinh viên, các doanh nghiệp và nhà nước
trong việc cung ứng và sử dụng dịch vụ giáo dục đại học đặt trong sự
chi phối bởi các quy luật kinh tế khách quan.
1.1.2. Những đặc trưng của thị trường giáo dục đại học
Thứ nhất, Thị trường giáo dục đại học có mối quan hệ gắn
bó mật thiết và trực tiếp giữa người cung cấp và người tiêu dùng dịch
vụ.
Thứ hai, thị trường giáo dục đại học luôn gắn bó mật thiết
với thị trường sức lao động.
Thứ ba, người sử dụng không hoàn toàn được tự do lựa chọn
dịch vụ theo ý mình.
1.2. Tính tất yếu khách quan và nội dung phát triển thị
trường giáo dục đại học
1.2.1. Tính tất yếu khách quan phát triển thị trường giáo dục
đại học
1.2.1.1. Do yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại.
5
1.2.1.2. Do tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập
kinh tế quốc tế
1.2.1.3. Do yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn
lực cho phát triển giáo dục đại học
1.2.2. Nội dung phát triển thị trường giáo dục đại học
1.2.2.1. Tạo lập môi trường phát triển
Muốn phát triển thị trường giáo dục đại học, trước hết cần
tạo lập các môi trường cần thiết như môi trường pháp lý, môi trường
kinh tế, môi trường văn hóa xã hội. Các môi trường này tồn tại đan
xen và có tác động tổng hợp chi phối sự ra đời, phát triển của thị
trường giáo dục đại học. Những tác động này bao hàm cả mặt tích
cực và tiêu cực, nếu chúng được tạo lập một cách đồng bộ sẽ phát
huy tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của nhau.
1.2.2.2. Phát triển các yếu tố cấu thành thị trường giáo dục
đại học.
Thứ nhất, phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng
với tư cách là chủ thể trực tiếp cung cấp dịch vụ giáo dục đại học.
Thứ hai, phát triển đội ngũ sinh viên, với tư cách là chủ thể
tiêu dùng dịch vụ giáo dục đại học.
Thứ ba, phát triển các dịch vụ giáo dục đại học với tư cách là
đối tượng của thị trường giáo dục đại học.
1.2.2.3. Định hướng, điều tiết sự phát triển thị trường giáo
dục đại học
6
Định hướng phát triển thị trường giáo dục đại học là xác
định mục tiêu chiến lược và sử dụng tổng hợp các nguồn lực của nhà
nước để tác động theo hướng dẫn dắt các lực lượng tham gia thị
trường giáo dục đại học hành động nhằm đạt tới mục tiêu chiến lược
đã xác định.
Điều tiết sự phát triển của thị trường giáo dục đại học là sự
can thiệp của nhà nước vào thị trường này nhằm phát huy những tác
động tích cực và hạn chế, khắc phục hậu quả của những tác động tiêu
cực nảy sinh tự phát trên thị trường.
1.3. Các điều kiện chi phối sự phát triển thị trường giáo
dục đại học
1.3.1. Mô hình và trình độ phát triển kinh tế
Thị trường giáo dục đại học tất nhiên chỉ nảy sinh trong nền
kinh tế thị trường, tuy nhiên tùy vào đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội
khác nhau mà các quốc gia đã phát triển kinh tế thị trường theo những
mô hình khác nhau, mỗi mô hình kinh tế này chi phối khác nhau tới sự
phát triển của thị trường giáo dục đại học.
Trình độ phát triển kinh tế tác động trực tiếp tới thị trường
giáo dục đại học, không có thị trường giáo dục đại học hoạt động
hiệu quả trong một nền kinh tế kém phát triển. Bên cạnh đó, trình độ
phát triển kinh tế luôn song hành với trình độ phát triển khoa học
công nghệ, mà sự phát triển khoa học công nghệ lại chi phối trực tiếp
tới chất lượng các dịch vụ giáo dục đại học.
1.3.2. Truyền thống văn hóa
7
Truyền thống văn hóa chi phối mạnh mẽ tới sự phát triển thị
trường giáo dục đại học, mà rõ nhất là sự ảnh hưởng của văn hóa tới
nhu cầu học đại học của người dân. Truyền thống văn hóa cũng chi
phối trực tiếp việc thừa nhận hay không sự tồn tại của thị trường giáo
dục đại học. Việc thừa nhận hay không sự tồn tại của thị trường giáo
dục đại học ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thị trường này.
1.3.3. Chính sách quốc gia về giáo dục đào tạo
Tùy vào đặc điểm tình hình, mỗi quốc gia có chính sách phát
triển giáo dục đào tạo riêng của mình. Có quốc gia bao cấp và thực
hiện độc quyền nhà nước đối với lĩnh vực này, một số quốc gia khác
lại coi đây như một loại hình dịch vụ và hoàn toàn để thị trường tự
điều tiết, phần đông các quốc gia còn lại coi giáo dục đại học là lĩnh
vực dịch vụ cần được xã hội hóa, nhưng vẫn đảm bảo vai trò điều
tiết, chi phối của nhà nước nhằm định hướng mục tiêu phát triển
nguồn nhân lực. Tùy vào các chính sách khác nhau đó mà thị trường
giáo dục đại học có thể hình thành hoặc không, có thể phát triển
nhanh hoặc chậm.
8
Chương 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở MỸ VÀ NHẬT BẢN
2.1. Tạo lập môi trường phát triển thị trường giáo dục
đại học
2.1.1. Tạo lập môi trường kinh tế
Nước Mỹ có điều kiện kinh tế hết sức thuận lợi khi phát triển
thị trường giáo dục đại học trên cơ sở kế thừa mô hình kinh tế thị
trường tự do của nước Anh. Khác với mỹ, tiền đề kinh tế cho sự xuất
hiện thị trường giáo dục đại học Nhật Bản được đánh dấu bằng cải
cách Minh Trị 1866-1869, và được tạo lập tương đối đồng bộ sau thế
chiến thứ hai. Sự thịnh vượng của nền kinh tế đã tạo ra một giai đoạn
vàng son cho nền đại học Nhật Bản.
2.1.2. Tạo lập môi trường chính trị, pháp lý
Ở giai đoạn đầu thành lập, một thể chế chính trị với quyền
lực nhà nước liên bang yếu đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho nền giáo
dục đại học Mỹ phát triển tự do. Tuy không thành lập được một hệ
thống giáo dục đại học mạnh, nhưng chính quyền liên bang đã dần
hoàn thiện một hệ thống quy phạm pháp luật cần thiết cho sự phát
triển thị trường giáo dục đại học. Hiến pháp quy định quyền tự chủ
cao của các chủ thể kinh tế, trong đó có các trường đại học.
Tiền đề chính trị cho sự ra đời và phát triển thị trường giáo
dục đại học Nhật Bản cũng được đánh dấu bằng cải cách Minh Trị.
Cùng với việc cải cách thể chế chính trị, hệ thống pháp luật của Nhật
Bản cũng dần được thiết lập tạo điều kiện pháp lý cần thiết cho sự
9
phát triển thị trường giáo dục đại học. Ngoài các điều khoản cơ bản
liên quan đến giáo dục đã được ghi trong Hiến pháp, hàng loạt các
đạo luật chi tiết cũng đã được ban hành để tổ chức và quản lý các
hoạt động giáo dục và hệ thống giáo dục đại học.
2.1.3. Tạo lập môi trường văn hóa, xã hội
Mỹ là quốc gia của những người nhập cư, điều này quy định
tính cởi mở của văn hóa Mỹ. Người Mỹ ít bị gò bó bởi những truyền
thống cũ, trái lại sự sáng tạo và tự do cá nhân được đề cao. Đặc điểm
văn hóa, xã hội này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thị trường
giáo dục đại học theo cả hai chiều hướng, một mặt nó tạo ra sự tự do
làm cho thị trường giáo dục đại học phát triển phong phú về loại hình
dịch vụ, đa dạng về hình thức tổ chức dạy học, mặt khác nó hạn chế
việc quy định những chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong các chương
trình giáo dục đại học.
Nhật Bản có đặc trưng văn hóa xã hội khác với Mỹ khi phát
triển thị trường giáo dục đại học. Trước cải cách Minh Trị, giáo dục
đại học Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Trung Hoa. Ý
thức hệ Nho giáo cùng với tinh thần võ sĩ đạo Samurai chi phối đời
sống tinh thần xã hội, xã hội phân hóa đẳng cấp rõ rệt. Với mong
muốn đuổi kịp phương Tây, Nhật Bản đã tiến hành những cải cách
mạnh mẽ và toàn diện, bao hàm cả lĩnh vực văn hóa, xã hội. Hệ tư
tưởng Nho giáo dần mất vị trí thống trị, và thay vào đó là các giá trị
văn hóa phương Tây mang tính tự do, không phân biệt đẳng cấp và
đề cao vai trò của cá nhân.
10
2.2. Xây dựng và phát triển các yếu tố cấu thành thị
trường giáo dục đại học
2.2.1. Xây dựng và phát triển hệ thống trường đại học
Tính thị trường chi phối mạnh mẽ quá trình hình thành các
trường đại học ở Mỹ. Giai đoạn 1969-1975 đã có khoảng 800 trường
đại học được thành lập mới và cũng có khoảng 300 trong số đó phải
đóng cửa hoặc sát nhập. [22]. Cơ chế cạnh tranh của thị trường đã
sàng lọc, loại bỏ bớt các trường yếu kém và thúc đẩy các trường khác
mạnh lên. Đến đầu thế kỷ XXI, Mỹ có khoảng 4000 trường đại học,
trong đó khoảng 1700 trường công và 2300 trường tư. [23]
Khác với Mỹ, hệ thống các trường đại học Nhật Bản không
hình thành một cách tự phát mà hình thành gắn liền với vai trò của
nhà nước. Đầu thế kỷ XIX, một số trường đại học quốc lập theo mô
hình châu Âu xuất hiện như Đại học Tokyo , Kyoto, Tohoku,
Osaca… Tiếp đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học của nhà nước,
trường công của các địa phương (public local) và nhiều trường
tư (private) cũng được tiếp tục thành lập. Cho đến nay, Nhật Bản
đã có hơn một nghìn trường đại học và cao đẳng, với hơn
200.000 giảng viên, trong đó phần lớn là ở loại hình trường tư.
2.2.2. Xây dựng và phát triển các dịch vụ giáo dục đại học
Đối với giáo dục đại học Mỹ, tính thị trường ngay từ đầu đã
tạo ra một cơ cấu dịch vụ giáo dục đại học phong phú, đa ngành, sát
thực tế. Cuộc sống thực tế, sự phát triển kinh tế xã hội của vùng đất
mới này rất nhanh chóng được phản ánh vào nền giáo dục đại học
11
của nó. Sự đòi hỏi khắt khe của thị trường cũng buộc các trường phải
tạo dựng thương hiệu cho mình bằng chính chất lượng đào tạo.
Khác với Mỹ, ở giai đoạn đầu, giáo dục đại học Nhật Bản
được đặc trưng bởi hệ thống quản lý hành chính tập trung, điều này
quy định sự đơn điệu, xa rời thực tiễn của các chương trình đào tạo
đại học. Sau thế chiến II, cùng với sự gia tăng nhanh chóng các
trường đại học tư và việc mở rộng quyền tự chủ cho các trường công
lập, các dịch vụ giáo dục đại học Nhật Bản phát triển phong phú, đa
dạng và ngày càng sát thực tế.
2.2.3. Phát triển đội ngũ sinh viên
Trước thế chiến II, quy mô sinh viên toàn nước Mỹ duy trì
ổn định ở con số trên dưới 1,5 triệu, nhưng chỉ sau nửa thế kỷ, con số
này đã tăng lên 10 lần. Vào thập niên cuối thế kỷ XX, số sinh viên
chiếm 62% tổng số học sinh tốt nghiệp trung học; 60% thanh niên
trong độ tuổi 18-19, 31% thanh niên trong độ tuổi 22-24 đang theo
học đại học và 22% số người trên 25 tuổi đã tốt nghiệp đại học. [23].
Sự phát triển nhanh chóng số lượng sinh viên Mỹ nhờ cơ chế nhập
học dễ dàng, số lượng trường tư đông đảo và vai trò hỗ trợ tài chính
của chính phủ cũng như khả năng tự tạo quỹ tài chính bằng việc làm
thêm của sinh viên.
Với Nhật Bản, ở giai đoạn đầu phát triển thị trường giáo dục
đại học, số lượng người có nhu cầu học đại học cao hơn nhiều lần so
với khả năng thu nhận của các trường đại học. Do đó, cái mà chính
phủ Nhật Bản quan tâm trong chính sách phát triển giáo dục đại học
không phải là gia tăng số lượng sinh viên, mà là tìm cách gia tăng số
12
lượng các trường đại học để thỏa mãn nhu cầu học tập của người
dân. Quy mô giáo dục đại học Nhật Bản đã tăng lên 5 lần trong vòng
nửa thế kỷ. Năm 1960, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi vào đại học,
cao đẳng chiếm 10%, đến năm 2007, con số này là 60%. [2, tr. 3].
2.3. Việc định hướng và điều tiết sự phát triển thị trường
giáo dục đại học
2.3.1. Định hướng về mục tiêu phát triển
Cả Mỹ và Nhật đều đặt mục tiêu đại chúng hóa giáo dục đại
học và phát triển một hệ thống các trường đại học hàng đầu, đẳng
cấp quốc tế, tuy nhiên cách thực hiện mục tiêu của họ là khác nhau.
Ở Mỹ, quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học được thực hiện trên
cơ sở phát triển các trường cao đẳng cộng đồng, sự hỗ trợ tài chính
cho sinh viên dưới các hình thức đa dạng và một cơ chế nhập học
thông thoáng, còn việc hình thành các trường đại học với chất lượng
cao hoàn toàn nhờ vào sự cạnh tranh tự do trên thị trường với vai trò
tự chủ lớn của các trường đại học. Trong khi ở Nhật Bản, đại chúng
hóa giáo dục đại học có sự đóng góp to lớn của các trường đại học
tư, còn nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đầu tư xây dựng
các trường đại học hàng đầu, đạt đẳng cấp quốc tế.
2.3.2. Đảm bảo chất lượng dịch vụ
Cả Mỹ và Nhật đều có cơ chế kiểm định hiệu quả đối với
hoạt động của các trường. Tuy cùng xây dựng cơ chế kiểm định chất
lượng, nhưng cách làm của Mỹ và Nhật là khác nhau. Ở Mỹ, việc
kiểm định chất luượng các trường đại học và các chương trình đào
tạo là do các cơ quan kiểm định độc lập với chính phủ thực hiện, nhà
13
nước giữ vai trò kiểm tra và công nhận hoạt động cho các cơ quan
kiểm định đủ tiêu chuẩn. Ở Nhật Bản, việc kiểm định chất lượng các
trường đại học về cơ bản vẫn do nhà nước trực tiếp tiến hành, bên
cạnh đó cũng có sự tham gia của một cơ quan độc lập với chính phủ
mang tên Nihon Koto Kyoiku Hyoka Kiko
2.3.3. Khắc phục khuyết tật nảy sinh
Nhà nước Mỹ đã can thiệp để khắc phục có hiệu quả một số
hạn chế như: cơ hội học tập không bình đẳng cho những người có
điều kiện thu nhập khác nhau; nguy cơ mất cân đối cơ cấu nguồn
nhân lực; nguy cơ mất cân đối về cung cầu trong thị trường giáo dục
đại học nội địa. Ở Nhật bản, nhà nước cũng can thiệp để khắc phục
được một số hạn chế về nguy cơ mất cân đối trên thị trường nhân
lực; sự giảm sút chất lượng dịch vụ và nguy cơ mất cân đối cung cầu
ở thị trường giáo dục đại học trong nước.
14
Chương 3. Bài học kinh nghiệm cho phát triển thị trường
giáo dục đại học ở Việt Nam
3.1. Những bài học kinh nghiệm từ phát triển thị trường
giáo dục đại học ở Mỹ và Nhật Bản
3.2.1. Bài học về tạo lập môi trường phát triển
Thứ nhất, việc tạo lập đồng bộ các môi trường kinh tế, chính
trị, pháp lý và văn hóa, xã hội là điều kiện thiết yếu để phát triển thị
trường giáo dục đại học.
Thứ hai, tùy vào đặc điểm riêng mà mỗi quốc gia có quá
trình tạo lập môi trường phát triển thị trường giáo dục đại học khác
nhau.
Thứ ba, việc tạo lập môi trường phát triển thị trường giáo
dục đại học là một quá trình lâu dài, cần được tiến hành thường
xuyên.
3.2.2. Bài học về xây dựng và phát triển các yếu tố cấu
thành thị trường giáo dục đại học
Thứ nhất, hình thành một hệ thống các trường đại học với sự
phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình trong đó có một bộ
phận hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Thứ hai, phát triển đội ngũ sinh viên đông đảo và tham gia
thị trường giáo dục đại học như những người tiêu dùng hiểu biết.
15
Thứ ba, phát triển hệ thống dịch vụ giáo dục đại học đa
dạng, thiết thực, bám sát nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho nền
kinh tế.
3.2.3. Bài học về định hướng và điều tiết sự phát triển thị
trường giáo dục đại học
Thứ nhất, định hướng, điều tiết thị trường giáo dục đại học là
việc làm cần thiết của nhà nước nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển và
khắc phục khuyết tật nảy sinh.
Thứ hai, định hướng, điều tiết của nhà nước bằng công cụ
kinh tế phải tuân thủ các quy luật kinh tế khách quan.
Thứ ba, việc sử dụng công cụ hành chính để điều tiết thị
trường giáo dục đại học phải được luật hóa.
3.2. Một số gợi ý về chính sách phát triển thị trường giáo
dục đại học ở Việt Nam
3.2.1. Bối cảnh phát triển thị trường giáo dục đại học ở Việt
Nam hiện nay
3.2.1.1. Những điều kiện tương đồng so với Mỹ và Nhật Bản
ở giai đoạn đầu phát triển thị trường giáo dục đại học
Một là, sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã tạo dựng được
những tiền đề của một nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại.
Hai là, môi trường chính trị pháp lý đang dần đổi mới theo
hướng từng bước hoàn thiện và đề cao vai trò quản lý xã hội của nhà
nước bằng hiến pháp và pháp luật.
16
Ba là, nền văn hóa Việt Nam đang dần thoát khỏi những ảnh
hưởng lạc hậu mang tính bảo thủ của tư tưởng Nho giáo truyền
thống, người Việt Nam ngày càng cởi mở trong việc tiếp thu những
giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại.
3.2.1.2. Những điều kiện khác biệt tác động tới phát triển thị
trường giáo dục đại học ở Việt Nam
Thứ nhất, Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa mà Việt Nam đang chủ trương xây dựng có nhiều điểm khác
biệt so với mô hình kinh tế thị trường tự do của Mỹ và mô hình kinh
tế thị trường nhà nước phát triển của Nhật Bản.
Thứ hai, nền văn hóa Việt Nam đề cao tính cộng đồng, thận
trọng trước cái mới và ít ủng hộ sự khác biệt. Người Việt Nam cởi
mở nhưng không dễ dãi trong việc tiếp biến những giá trị mới.
Thứ ba, Việt Nam là quốc gia phát triển thị trường giáo dục
đại học muộn. Đặc điểm này vừa là lợi thế, lại vừa là thách thức lớn
đối với nền nước ta.
Thứ tư, Việt Nam phát triển thị trường giáo dục đại học
trong xu thế toàn cầu hóa. Đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng trong
việc xây dựng chiến lược phát triển các dịch vụ giáo dục đại học
3.2.2. Một số kiến nghị về chính sách phát triển thị trường
giáo dục đại học ở Việt Nam
Thứ nhất, nhà nước cần thống nhất nhận thức và tạo sự đồng
thuận xã hội trong việc thừa nhận sự tồn tại và chủ động phát triển
thị trường giáo dục đại học.
17
Thứ hai, nhà nước cần xác định, phát triển thị trường giáo
dục đại học là một quá trình lâu dài, cần xây dựng kế hoạch chiến
lược, với lộ trình và bước đi phù hợp, tránh tư tưởng đơn giản, nóng
vội, chủ quan.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục đại học.
Thứ tư, xây dựng cơ chế kiểm định chất lượng và công khai
thông tin về hoạt động của các trường đại học, coi đây là giải pháp
quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ giáo dục đại học và tạo
sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ.
Thứ năm, gỡ bỏ sự bao cấp đối với các trường đại học công.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế hỗ trợ sinh viên trên cơ sở tạo điều
kiện phát huy năng lực của chính họ.
18
KẾT LUẬN
Đã đến lúc phải thừa nhận một thực tế khách quan là có một
thị trường giáo dục đại học đã và đang hình thành ở Việt Nam. Và
cũng như mọi loại thị trường khác, sự phát triển của thị trường giáo
dục đại học cần có vai trò quản lý của nhà nước nhằm xác định mục
tiêu, định hướng phát triển và khắc phục những khuyết tật nảy sinh.
Là một quốc gia đi sau, trong quá trình phát triển thị trường
giáo dục đại học, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của một số
quốc gia đi trước đã phát triển thành công loại thị trường này, mà
điển hình là Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, do đặc điểm kinh tế, chính
trị, văn hóa và bối cảnh phát triển thị trường giáo dục đại học ở Việt
Nam không hoàn toàn giống với Mỹ và Nhật Bản trong giai đoạn đầu
phát triển, nên khi vận dụng bài học kinh nghiệm của các nước bạn,
cần quán triệt quan điểm lịch sử, cụ thể, không rập khuôn máy móc,
mà phải có sự chọn lọc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo.
Những bài học kinh nghiệm mà tác giả khái quát từ việc
nghiên cứu thực trạng phát triển thị trường giáo dục đại học của Mỹ,
Nhật Bản và những gợi ý về chính sách mà tác giả đề xuất trong đề
tài này còn khiêm tốn và chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Tuy vậy, tác
giả mong muốn, công trình của mình góp một góc nhìn độc lập để
nhận thức thêm về thị trường mới mẻ này và góp phần hoàn thiện cơ
chế chính sách phát triển hiệu quả nó.
19
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Ban liên lạc các trường đại học và cao đẳng Việt Nam (2010), Kỷ
yếu Hội thảo khoa học, Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý giáo
dục đại học và cao đẳng Việt Nam.
2. Trần Khánh Đức (2008), "Cải cách giáo dục đại học Nhật Bản và
Đại học Hiroshima trong quá trình tập đoàn hóa", Tạp chí Khoa học
ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn (24), Tr. 3-5
3. Hayward, M. Fred (2009), Tổng quan về hệ thống giáo dục đại
học và cao đẳng của Mỹ, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. (Nguyễn Vạn
Phú dịch)
4. Nguyễn Minh Hiển, Trần Quốc Toản, Tạ Ngọc Châu (2005), "Đổi
mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế", Diễn đàn quốc tế về giáo
dục Việt Nam, Hà Nội.
5. Mai Quang Huy (2005), "Đổi mới giáo dục đại học nhìn từ kinh
nghiệm cải cách giáo dục đại học của Nhật Bản", Tạp chí Giáo Dục,
(108). Tr. 47-48
6. Vương Thanh Hương (2005), "Tìm hiểu về Công ty Đại học Quốc
gia Nhật Bản trong xu thế đổi mới giáo dục đại học", Tạp chí Phát
triển Giáo dục, (1). Tr. 38-40
20
7. Trần Thị Bích Liễu, Nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Mỹ:
Những giải pháp mang tính hệ thống và định hướng thị trường, Nxb
Đại học Sư phạm, Hà Nội.
8. Trần Thị Bích Liễu (2005), "Chất lượng giáo dục đại học của Mỹ
và Nhật Bản", Tạp chí Phát triển Giáo dục, (4). Tr. 35-39
9. Phạm Thị Ly (2009), "Vai trò của nhà nước trong việc xây dựng
một đại học đỉnh cao cho Việt Nam: Bài học thành công và thất bại",
Báo cáo tại Hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học
ở Việt Nam” do Văn phòng Quốc hội tổ chức vào ngày 22-
23/12/2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Lê Phước Minh (2005), Hoàn thiện chính sách tài chính cho giáo
dục đại học Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Hà Nội.
11. Bùi Trân Phượng, Nguyễn Phương Ngọc, Vũ Thế Khôi (2009),
Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỷ, Nxb
Văn hóa Sài Gòn, Thành Phố Hồ Chí Minh.
12. Bùi Thiên Sơn (2004), "Nhìn lại chi tiêu cho nền giáo dục đại
học ở một số nước và ở Việt Nam", Tạp chí Tài chính, (12). Tr. 55-
57
13. Lâm Quang Thiệp, Johnstone, D. Bruce, Altbach, G. Philip
(2006), Giáo dục đại học Hoa Kỳ. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
14. Phạm Đỗ Nhật Tiến (2007), "Chuẩn thị trường giáo dục dưới
góc nhìn của giáo dục so sánh", Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Giáo
21
dục so sánh lần 1”, Viện nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm
Thành Phố Hồ Chí Minh.
15. Phạm Thụ (2005), "Dịch vụ giáo dục đại học và cơ chế thị
trường", Tạp chí Đông Nam Á, (8). Tr. 9-12
16. Hoàng Thụy (2005), "Giáo dục đại học trước áp lực thương mại
hóa", Tạp chí Tia sáng, (5). Tr. 30-33
17. Trần Quốc Toản (2011), Phát triển giáo dục Việt Nam trong nền
kinh tế thị trường và trước nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đề tài
khoa học cấp nhà nước, Hà Nội.
18. Văn phòng Ủy ban quốc gia – Hợp tác kinh tế quốc tế (2005),
Các văn kiện gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam.
19. Phan Việt (2006), "Những điều có thể học từ hệ thống giáo dục
đại học Mỹ", Tạp chí Tia Sáng, (4). Tr. 45-46
Tiếng Anh
20. Altbach, & J. Baslan (Eds.), World class worldwide:
Transforming research universities in Asia and Latin America (pp.1-
28), Baltimore, MD: The Johns Hopkins University Press
21. Jun Oba (2005), "Higher Education in Japan - Incorporation of
National Universities and the Development of Private
Universities", Paper prepared for seminars on higher education in
Istanbul and Ankara, Turkey. (Trích theo Trần Khánh Đức (2008),
22
"Cải cách giáo dục đại học Nhật Bản và Đại học Hiroshima trong
quá trình tập đoàn hóa", Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã
hội và Nhân văn (24) , Tr. 2)
22. Martin A. Trow, American Higher Education: Past, Present and
future. (Trích theo Lâm Quang Thiệp, D. Bruce Johnstone, Phillip G.
Altbach (2006), Giáo dục đại học Hoa Kỳ, Nxb Giáo Dục, Hà Nội,
Tr. 22-23)
23. National Center for Education Statistics, Digest of Education
Statistics, Chapter 3A, post Secondary Education: College &
University Education.
24. The College Board, Trends in Student Aid, October, 2000. (Trích
theo Lâm Quang Thiệp, Johnstone, D. Bruce, Altbach, G. Philip
(2006), Giáo dục đại học Hoa Kỳ. Nxb Giáo dục, Hà Nội, Tr. 27)
25. Roger Geiger, The ten Generations of American Higher
Education. (Trích theo Lâm Quang Thiệp, Johnstone, D. Bruce,
Altbach, G. Philip (2006), Giáo dục đại học Hoa Kỳ. Nxb Giáo dục,
Hà Nội, Tr. 24-25-219)
Website
26. />duc-va-nghien-cuu-tai-cac-dai-hoc-nhat-ban (Lê Thành Nghiệp,
"Nền giáo dục đại học Nhật Bản, quá trình thành lập, đặc điểm và
hiện trạng")
23
27. />duc-dai-hoc-Hoa-Ky/40183843/202/ (Đỗ Huy Thịnh, "Kiểm định
chất lượng trong giáo dục đại học Hoa Kỳ")
28. (Tố Tố, "Việt Nam xuất siêu du học")
29. />30. />chau/2010/10/3ba21458/
24