Tải bản đầy đủ (.doc) (166 trang)

Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 19321939

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (674.13 KB, 166 trang )

1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Với tư cách là một thành viên của cộng đồng, cá nhân đã xuất hiện
cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người. Trải qua quá trình phát triển lâu
dài của xã hội, với ý thức về bản ngã và bản sắc, từ tự phát đến tự giác, cùng
với những cuộc cách mạng dân chủ, vị trí của cá nhân từng bước được xác lập
như một chủ thể xã hội.
Việt Nam đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự chia tay dần dần của văn đàn
đối với kiểu nhà văn mang tư tưởng Nho giáo, dùng văn để truyền đạt đạo lý
thánh hiền, đem gương sáng đạo đức để giáo hóa. Văn học từ đây đến gần
hơn với con người và cuộc sống trong tính hiện thực của nó, quan tâm ngày
một sâu sắc hơn đến vấn đề cá nhân. Với tôn chỉ “trọng tự do cá nhân”, Tự
lực văn đoàn trở thành tổ chức văn học quan tâm đặc biệt đến vấn đề cá nhân
ở nửa đầu thế kỷ XX. Nhất Linh là người sáng lập Tự lực văn đoàn, đồng thời
cũng là linh hồn của nhóm. Cuộc đấu tranh bằng văn hóa, văn học nhằm xác
lập và cổ súy ý thức cá nhân diễn ra trong phần lớn sự nghiệp của Nhất Linh,
chính là hoạt động căn bản và bao trùm nhất, tập trung đầy đủ nhất chân dung
cũng như đóng góp của ông cho công cuộc đấu tranh giải phóng con người.
1.2. Nghiên cứu các hoạt động văn hóa, sáng tác văn học của Nhất Linh
là việc làm cần thiết để hiểu thêm quá trình vận động của tư tưởng, văn học
dân tộc, xác định rõ hơn vị trí của ông ở cương vị nhà cải cách - nhà văn này.
Đến nay, không ít người đã làm điều ấy. Ông đã được đề cập tới trong một số
công trình và từng bị coi là hiện tượng phức tạp. Tuy vậy, chưa có một nghiên
cứu nào tìm hiểu kĩ lưỡng và có tính hệ thống về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác
của Nhất Linh, cũng như chưa khảo sát thật đầy đủ, khách quan về sự tác
động của nền văn hóa phương Tây, của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
cũng như nền giáo dục Tây học đến những quan điểm, tư tưởng xã hội và
2
nghệ thuật của nhà văn. Vì vậy, nghiên cứu về Nhất Linh để từ đó có cái nhìn
thật toàn diện, thật khách quan về con người tư tưởng và sự nghiệp của nhà


văn này trong diễn trình văn hóa và lịch sử Việt Nam hiện đại vẫn là một đòi
hỏi nghiêm túc cần tới sự đóng góp của nhiều người.
1.3. Nhất Linh là nhà văn, nhà báo cổ súy cho cách tân, dân chủ, đấu
tranh mạnh mẽ cho giải phóng cá nhân. Ý thức cá nhân là hạt nhân tạo nên
điểm thống nhất giữa con người cải cách và con người nghệ sĩ của Nhất Linh,
thể hiện qua các hoạt động xã hội, các luận thuyết tiến bộ và qua những những
sáng tác văn chương, đặc biệt là trong những cuốn tiểu thuyết của ông. Trước
sự nghiệp sáng tác trải dài trong gần 40 năm, chúng tôi lựa chọn 7 cuốn tiểu
thuyết tiêu biểu của Nhất Linh giai đoạn 1932- 1939 làm đối tượng nghiên
cứu chính của luận án. Đây là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của
nhà văn Nhất Linh, thể hiện rõ nhất tư tưởng và cách tân nghệ thuật kết tinh
thành tác phẩm xuất sắc đưa ông lên bục vinh quang.
Với mục đích khảo sát một cách hệ thống diện mạo ý thức cá nhân, làm
rõ sự vận động, phát triển của ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh
giai đoạn 1932-1939, chúng tôi hi vọng rằng, luận án sẽ mang đến cho độc
giả, người yêu văn học những tư liệu bổ ích về một phương diện thuộc giá trị
tư tưởng của nhà văn Nhất Linh mà đến nay chưa được quan tâm thỏa đáng.
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi xác định rõ đối tượng của mình là “ý thức cá nhân” chứ
không phải “con người cá nhân”. Con người cá nhân là khái niệm chỉ hình
tượng trong văn bản nghệ thuật được nhà văn xây dựng dưới dạng khách thể
hóa thuộc vào thế giới hình tượng của tác phẩm. Còn ý thức cá nhân là khái
niệm chỉ tư tưởng thuộc thế giới quan và nhân sinh quan của tác giả. Trong tác
phẩm thì “Ý thức cá nhân” là quan niệm ẩn chìm đằng sau “con người cá
nhân”. Phân tích con người cá nhân trong tác phẩm thì có thể rút ra ý thức cá
3
nhân của tác giả. Nhưng, chúng không đồng nhất với nhau. Đối tượng nghiên
cứu của luận án là tổng thể ý thức cá nhân của Nhất Linh biểu hiện trong các
hoạt động xã hội, văn hóa, mà trước hết là văn học của ông.

2.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận án tập trung khảo sát 7 cuốn tiểu thuyết của Nhất Linh trong giai
đoạn 1932- 1939, bao gồm: Gánh hàng hoa (cùng Khái Hưng) năm 1933,
Đời mưa gió (cùng Khái Hưng) năm 1934, Nắng thu năm 1934, Đoạn tuyệt
năm 1935, Lạnh lùng năm 1936, Đôi bạn năm 1937, Bướm trắng năm 1939.
Ngoài ra, để góp phần soi sáng cho vấn đề nghiên cứu, luận án cũng mở rộng
khảo sát đối với toàn bộ sáng tác văn chương, các hoạt động ngoài văn
chương của Nhất Linh và một số sáng tác của Tự lực văn đoàn.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
Luận án đề ra mục tiêu phân tích các bình diện chính của ý thức cá nhân
trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 1932-1939. Đồng thời, làm rõ sự
vận động, phát triển của ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh ở từng
giai đoạn, góp phần khẳng định chắc chắn chỗ đứng của tác giả này trong tiến
trình hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc và vị trí hàng đầu của ông trong tư cách
là nhà văn đấu tranh cho giải phóng cá nhân.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận án xác định các nhiệm vụ chính tập trung nghiên cứu là:
- Làm sáng tỏ khái niệm ý thức cá nhân, tìm hiểu cơ sở hình thành ý
thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai đoạn 1932-1939.
- Trình bày, phân tích diện mạo và diễn biến của ý thức cá nhân trong
các tiểu thuyết của Nhất Linh.
- Làm sáng tỏ những đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm Nhất Linh trong
việc thể hiện các bình diện của chủ nghĩa cá nhân.
4. Phương pháp nghiên cứu
4
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu, tiếp cận tổng thể tác giả,
chủ yếu như sau:
- Phương pháp tiếp cận lịch sử
Xem xét hoạt động và sáng tác văn học của Nhất Linh trong bối cảnh

lịch sử, văn hóa, xã hội đương thời- những nhân tố tác động đến sự hình thành
nên ý thức cá nhân trong văn nghiệp của nhà văn, chi phối hoạt động xã hội và
hoạt động sáng tác.
- Phương pháp tiếp cận hệ thống
Đặt đối tượng nghiên cứu trong hoạt động và sáng tác văn học thời bấy
giờ, đặc biệt là Tự lực văn đoàn. Đồng thời xem xét sáng tác, hoạt động của
Nhất Linh trong một quá trình có tính hệ thống, qua các giai đoạn và trên mọi
phương diện chính trị, văn hóa, văn học để có thể lý giải được sự vận động
trong tư tưởng của nhà văn về ý thức cá nhân qua các giai đoạn; đồng thời góp
phần đưa đến những nhận định, đánh giá mang tính khái quát.
- Phương pháp so sánh
So sánh hoạt động, các sáng tác văn học của Nhất Linh ở các chặng
đường, các giai đoạn với các nhà văn trong Tự lực văn đoàn và các nhà văn
cùng thời, để thấy những đóng góp nổi bật của ông.
- Một số phương pháp bổ trợ như thống kê, phân loại, nghiên cứu liên
ngành
Việc sử dụng phương pháp này giúp chúng tôi có được những thông số,
dữ liệu mang tính định lượng, xác thực. Sự phối hợp giữa các phương pháp xã
hội học, văn hóa học, tâm lí học… cũng giúp luận án đáp ứng tốt hơn các mục
tiêu đã đề ra.
5. Những đóng góp của luận án
Chúng tôi dự kiến công trình nghiên cứu của mình sẽ có những đóng
góp sau:
5
5.1. Luận án sẽ phân tích một cách hệ thống, toàn diện quá trình phát
triển những bình diện của ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh giai
đoạn 1932-1939.
5.2. Luận án góp phần làm sáng rõ những đóng góp to lớn về nghệ
thuật tiểu thuyết của Nhất Linh, trước hết là những phương diện nghệ thuật
gắn liền với việc thể thiện ý thức cá nhân của ông.

5.3. Từ kết quả của Luận án, xác định đầy đủ hơn vị trí của Nhất Linh
trong đời sống văn hóa- xã hội, văn học của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.
6. Cấu trúc luận án
Ngoài Phần mở đầu và Phần kết luận, nội dung chính của luận án gồm 4
chương:
Chương 1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
Chương 2. Ý thức cá nhân và cơ sở hình thành ý thức cá nhân của Nhất
Linh
Chương 3. Diện mạo và diễn biến của ý thức cá nhân trong tiểu thuyết
Nhất Linh
Chương 4. Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh, nhìn từ
phương diện nghệ thuật
6
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Về chủ đề cá nhân trong văn học Việt Nam
Vấn đề “ý thức cá nhân” thu hút sự quan tâm của văn chương nghệ
thuật từ rất sớm, đến nay, đã có nhiều thành tựu. Các tác giả đã đi sâu và khai
thác ý thức cá nhân trên nhiều bình diện.
1.1.1. Trong văn học trung đại
Trong văn học trung đại, giới nghiên cứu vẫn tồn tại hai luồng ý kiến
khác nhau về vấn đề ý thức cá nhân. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng văn học
cổ trung đại thể hiện tính “phi ngã” (đồng nghĩa với việc không có cái tôi cá
nhân). Khuynh hướng thứ hai khẳng định ý thức cá nhân đã được thể hiện
trong văn học trung đại, ở một số tác giả với mức độ đậm nhạt khác nhau. Từ
góc độ của mình, chúng tôi thấy khuynh hướng thứ hai hoàn toàn có cơ sở.
Văn học Lý- Trần, giai đoạn đặt nền móng cho văn học viết, đã quan
tâm tới con người trong tư cách cá thể. Theo đánh giá của giáo sư Trần Đình
Sử, ý thức cá nhân trong văn học Lý- Trần, “được thức tỉnh trong vai trò tự
cứu, tự tìm đường giải thoát, tự tìm thấy yên tĩnh, hoà nhập với thiên nhiên

trước lẽ sinh diệt, huyễn ảo. Đó là một ý thức cá nhân thuần tuý tinh thần,
hoà hợp với thiên nhiên một cách siêu tự nhiên, siêu kinh nghiệm” [179]. Giai
đoạn sau (từ thế kỷ XV đến thế kỉ XVII), ý thức cá nhân xuất hiện dưới các
hình thức chính: hoặc là công thần trung quân ái quốc, hoặc lìa bỏ công danh,
thị phi, lánh đục về nhàn, hoặc đắm theo tiếng gọi của bản năng sắc dục (trong
tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ).
Thế kỷ XVIII-XIX, ý thức cá nhân được khẳng định qua các nhu cầu
sống, nhu cầu hạnh phúc, qua khát vọng công danh, hành lạc, phóng túng
ngoài những khuôn khổ giáo điều (trong tác phẩm của Đặng Trần Côn- Đoàn
Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát).
7
Khi xã hội phong kiến đi vào giai đoạn suy thoái, mọi quan hệ xã hội
đứt tung, con người sụp đổ niềm tin, ý thức cá nhân được thể hiện trong cảm
xúc thương thân, xót thân trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, dưới những cái
tôi bất lực, vô nghĩa (Nguyễn Khuyến), cười cợt, giễu nhại, tự trào đối với
chính mình và thời cuộc (Tú Xương)… Cái tôi khi tách ra khỏi cộng đồng, ý
thức được sự thiếu thốn tình thân, gia đình, bè bạn, cảm nhận trọn vẹn nỗi cô
đơn một mình một bóng, đặc biệt, cảm nhận về cái hữu hạn của kiếp người, về
trạng thái vô nghĩa của nhân sinh trong kiếp đời mỏi mòn vô tích sự.
Ở thế kỉ XIX, có thể coi Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát là những bậc
danh tài, thể hiện sâu sắc ý thức cá nhân. Nguyễn Công Trứ diễn đạt một ý
thức cá nhân mới- con người của công danh, hành lạc, con người của cái tôi
phóng túng, ngoài những khuôn khổ giáo điều. Cao Bá Quát thì khinh đời, bất
cần đời, coi thường thói tục, tự khẳng định một cái tôi với tinh thần tự giải
phóng khỏi những qui phạm cứng nhắc. Nguyễn Khuyến và Tú Xương cũng
là những danh sĩ thể hiện khá rõ cái tôi của nhà nho trong thời đại Nho học
cuối mùa thất thế. Ý thức về sự bất lực, vô nghĩa của mình trong thời cuộc
chính là thể hiện của ý thức cá nhân, về vai trò của bản thân đối với đất nước.
Tú Xương lại thể hiện một cái tôi muốn vượt thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp tù
túng một thời, bằng cách giễu nhại, tự trào. Ông đem mình ra làm thứ để cười

cợt với những tật xấu, nhưng qua đó, thể hiện thái độ ngạo đời của một nhà
nho bất đắc chí.
Có thể nói, ý thức cá nhân đã xuất hiện trong văn học Trung đại, từ thời
Lý- Trần cho tới cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỉ XX. Trải qua gần 10 thế kỉ, ý
thức cá nhân có sự vận động để đến dần với nhận thức đầy đủ về nó. Trong sự
vận động đó, ý thức cá nhân trong văn học Lý- Trần đặt những viên gạch đầu
tiên trong việc quan tâm tới con người cá thể, suy tư, chiêm nghiệm về nhân
sinh, vũ trụ; rõ nét ở Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao
Bá Quát và tiêu biểu với Nguyễn Khuyến, Tú Xương cuối thế kỉ XIX, đầu thế
8
kỉ XX. Dù đó là một ý thức cá nhân ở dạng chớm nở, nhưng không phải là
chưa xuất hiện. Với sự hiện diện này, có thể nói không phải văn học trung đại
là phi ngã- với nghĩa là không có con người cá nhân, mà là siêu ngã- với nghĩa
là kiểu cá nhân trung đại có phần nghiêng về loại hình. Nó chưa hoàn toàn là
cá nhân cá thể gắn với đời tư như sau này.
1.1.2. Trong văn học nửa đầu thế kỷ XX
Giai đoạn này, với những biến động lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, ý
thức cá nhân xuất hiện với màu sắc mới, thể hiện khá đậm đặc trong các sáng
tác thuộc khuynh hướng lãng mạn.
Tản Đà là người ý thức rất rõ về cái tài và sự đa tình ở mình, ông kêu
gọi hành đạo lập nghiệp và ngợi ca hưởng thụ, vui thú với trần tục ở đời, ôm
khát vọng “bồi lại tấm dư đồ rách, thiết tha thề nguyền cùng hồn non nước”,
đồng thời thích thả mình trong cái thú hưởng lạc, ăn chơi trong cơn “say nhừ”,
“say tít”… lúc hăng hái nhập thế, hành động, lúc lại buồn chán cảnh trần thế
và nuôi mộng thoát li. Cái tôi Tản Đà vừa là sự tiếp nối của cái tôi nhà nho tài
tử trong xã hội phong kiến, vừa ngông nghênh và đầy mâu thuẫn theo tinh
thần hiện đại. Đó là thói đa tình, phóng túng, hưởng lạc, là ý thức về quyền
năng của cái tôi, là sự mạnh dạn đưa ra những tình cảm riêng tư vào trong thơ,
khơi nguồn đầu tiên cái khao khát sống cho tình yêu, tận hưởng cuộc sống
tràn đầy năng lượng của tuổi thanh xuân. Ngông nghênh, kiêu bạc nhưng Tản

Đà cũng là người thấm thía nỗi cô đơn của một cá nhân tài tình giữa cuộc thế
đen bạc, không có tri âm tri kỉ, và nỗi sầu “vạn thuở” ấy đã được ông khắc họa
đậm nét trong thi ca.
Đến những năm 1930, Thơ Mới làm náo động thi đàn với cái tôi khao
khát mãnh liệt được sống thực là mình, với mọi cung bậc cảm xúc trong tình
yêu, trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Cái tôi xuất hiện trên thi đàn lúc đầu thật
“bỡ ngỡ”, “như lạc loài nơi đất khách” bởi nó mang quan niệm chưa từng có
trong văn học truyền thống- quan niệm về cá nhân. Tuy nhiên, nó nhanh
9
chóng chiếm hữu độc giả bởi đó là tiếng lòng của mỗi cá nhân. Giai đoạn đầu,
nó thể hiện là cái tôi cá thể (Lưu Trọng Lư, Thế Lữ) đến cái tôi bản thể giai
đoạn sau (Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê…) và đặc biệt là
hiện tượng hướng tới sự giải thoát của cái tôi trong Đạo (như nhóm Xuân Thu
nhã tập).
Mở đầu cho Thơ Mới, là cái tôi bỡ ngỡ, rụt rè, “ngơ ngác” mơ màng và
đắm say của hồn thơ Thế Lữ trong vai người “khách tình si” ham mê vẻ đẹp
muôn màu của cuộc sống. Bên cạnh đó, Thơ Mới thời kì này cũng mang hơi
thở của lịch sử bi hùng trong cái tôi khỏe khoắn của Huy Thông, trong khát
vọng tự do của Thế Lữ. Tuy nhiên, niềm vui buổi đầu nhanh chóng qua đi
nhường chỗ cho cái tôi sớm buồn chán và nuôi mộng thoát li. Nhận thấy lý
tưởng của mình là phù du, họ trở nên bất mãn, hoài nghi hiện thực. Thế Lữ
mang nặng cảm giác cô đơn lạc lõng đành thoát li thực tại, vươn tới khoảng
trời cao rộng để tìm lẽ sống.
Sang 1936, Thơ Mới bừng nở trong một giai đoạn cực thịnh với sự phát
triển đầy đủ, cao độ của cái tôi cá nhân. Những gương mặt mới như Xuân
Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ,
Anh Thơ… với sức sáng tạo diệu kì đã đưa Thơ Mới lên vị trí thống lĩnh văn
đàn. Cái tôi lúc này mạnh dạn công khai, bày tỏ ước muốn, khát vọng sống và
nhu cầu hưởng thụ cuộc sống với trọn vẹn tâm thức, cảm giác. Mỗi nhà thơ là
một cái tôi “cá biệt”, lấp lánh sắc màu riêng, Thơ Mới trở thành một bản hòa

ca của những cái tôi cá nhân đa dạng, muôn màu: “Ta thoát lên tiên cùng Thế
Lữ, ta phiêu du trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn
Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã
khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ, ta trở về
hồn ta cùng Huy Cận” [190,46]. Sau này, cái tôi trong Thơ Mới có sự phân rã,
không còn nguyên vẹn xúc cảm tươi mới thuở ban đầu. Khi ý thức cá nhân lên
đến cao độ, cũng là lúc cái tôi hoài nghi về sự tồn tại của bản thể. Nó tuyệt
10
vọng, không đường hướng, không lối thoát. Khi nhóm Xuân Thu nhã tập ra
đời, “cái tôi Thơ Mới tuyệt giao với hiện thực, với lí trí để trở về với cõi vô
thức, đề cao sự linh diệu của hành động sáng tạo thơ” [175,121].
Nguyễn Tuân cũng là một màu sắc độc đáo về ý thức cá nhân trong văn
học nửa đầu thế kỷ XX. Xuất hiện trong “bộ dạng” ngông nghênh kiêu bạc,
Nguyễn Tuân đọng lại trong lòng độc giả bởi cái tài trong việc khắc họa chân
dung những tài hoa nghệ sĩ như ông Nghè, ông Tú, ông Cống với những thú
chơi tao nhã, với những tài năng thiên bẩm và một tâm hồn “đẹp”. Đa số họ ý
thức về tài năng của mình, dám sống vì cái tài đó, kiên cường bất chấp hệ lụy.
Đó là sự biểu hiện của một thái độ không buông xuôi bất lực, không a dua với
thói đời kệch cỡm, phàm tục trong xã hội đương thời. Có những thời điểm, cái
tôi phủ nhận xã hội một cách cực đoan, nó đắm trong lạc thú trần tục mà quên
đi những gì cần làm trong một kiếp người (Chiếc lư đồng mắt cua) nhưng
vẫn còn sự tự trọng của một con người ý thức về nhân cách. Không thoát khỏi
căn bệnh của chủ nghĩa lãng mạn, cái tôi Nguyễn Tuân chìm trong cô đơn, bế
tắc đã tìm đến thế giới của yêu ma (Xác ngọc lam, Đới roi, Rượu bệnh, Loạn
âm). Có thể hiểu đó là phản ứng tâm lý tất yếu của một ý thức cá nhân khí
khái, không chấp nhận tấn kịch xã hội. Nhìn một cách khách quan, cái tôi đó
gắng gồng mình lên để bảo vệ cho cái đẹp. Nó tự thấy tủi hổ, rồi hoài nghi
cộng đồng, thậm chí hoài nghi cả chính mình.
Trong giai đoạn đầu của trào lưu văn học hiện thực, các nhà văn dành
mối quan tâm chính cho con người giai cấp. Đến Nam Cao, ý thức về cá nhân

đã thực sự có một tầm vóc mới. Không giống như con người cá nhân trong
văn học lãng mạn, chủ yếu phơi mở thế giới nội cảm riêng tư, cũng không
hoàn toàn là con người cá nhân thường thấy ở văn học hiện thực, luôn hiện
diện qua xung đột xã hội, tác phẩm của Nam Cao thể hiện sự tự giác cao về
giá trị cá nhân từ việc nghiêm túc nhìn nhận, mổ xẻ cuộc sống của chính nó.
Khát vọng khẳng định bản thân và trách nhiệm làm người khiến nhân vật của
11
ông luôn tồn tại trong trạng thái vật vã trăn trở. Nó ghê sợ cuộc sống mòn rỉ,
vô nghĩa chỉ loanh quanh với việc “làm để có ăn, ăn để sống, sống lại để đợi
chết” (Sống mòn). Nhu cầu được phát huy tận độ giá trị của con người, hướng
tới những mục tiêu nhân văn cao cả khiến nó luôn luôn day dứt. Quá trình tự
tranh đấu để vượt ra khỏi cái kén nhỏ bé, vươn tới một chủ nghĩa cá nhân văn
hóa làm nên vẻ đẹp bất diệt của nhân tính.
Có thể thấy, ý thức cá nhân đầu thế kỷ XX phát triển theo chiều hướng
từ con người cá thể đến con người bản thể. Từ những năm 20 của thế kỷ XX,
ý thức cá nhân còn dè dặt, ngượng nghịu, đến những năm 30, con người cá
nhân làm thành linh hồn cuộc cách mạng thơ ca. Cái sầu, cái cô đơn, bế tắc
trong Thơ Mới giai đoạn cuối là phản ứng tất yếu đối với xã hội, khi cá nhân
bất hòa với xã hội mà chưa tìm được lý tưởng.
1.1.3. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn với ý thức cá nhân
Từ Pháp trở về với tấm bằng cử nhân khoa học và một quan niệm mới
về xã hội và văn chương, Nhất Linh đã đứng ra làm chủ bút báo Phong Hóa và
tuyên bố thành lập nhóm bút Tự lực văn đoàn- là nơi tuyên truyền cho một
cuộc cách tân trong văn học, cho “phong trào Âu hóa” chống lại lễ giáo phong
kiến và là nơi đề xuất các hoạt động cải cách xã hội, nghiêng về những quan
niệm nhân sinh của phương Tây. Tự lực văn đoàn đã chủ trương một cuộc
cách tân hoàn toàn trong văn học, một mặt đấu tranh cho giải phóng cá nhân,
coi cá nhân là cơ sở của xã hội, mặt khác đấu tranh cho sự trong sáng của
ngôn ngữ và hiện đại hóa các thể loại văn học.
Quá trình phát triển của Tự lực văn đoàn có thể chia làm 3 thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất (1932-1934) bao gồm những tiểu thuyết lãng mạn như Hồn
bướm mơ tiên (1933), Gánh hàng hoa (1934), trong đó có những tác phẩm
tiến bộ đấu tranh cho quyền sống của cá nhân, phê phán đại gia đình phong
kiến như Nửa chừng xuân (1934), Đoạn tuyệt (1935). Thời kỳ thứ hai (1936-
1939), khuynh hướng phê phán lễ giáo và đại gia đình phong kiến vẫn tiếp tục
12
với Lạnh lùng (1936), Thoát ly (1937), Thừa tự (1938); đồng thời cũng xuất
hiện khuynh hướng nghiêng về bình dân với sự đồng cảm chân thành (Gió
đầu mùa, 1937; Con trâu, 1939) hoặc với những hoạt động cải cách dân quê
theo tôn chỉ của Hội Ánh sáng (Những ngày vui- 1936, Gia đình- 1936, Con
đường sáng- 1938-1939); ngoài ra còn có khuynh hướng lý tưởng hóa hình
ảnh người khách chinh phu, mê man trong hành động, ra đi vì lý tưởng (Thế
rồi một buổi chiều- 1936, Tiêu sơn tráng sĩ- 1935, Đôi bạn- 1939). Thời kỳ
thứ ba bắt đầu vào khoảng cuối 1939 và kết thúc khi cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp bùng nổ. Đây là thời kỳ Tự lực văn đoàn có những tác phẩm ít
nhiều mang màu sắc hiện đại chủ nghĩa như Bướm trắng (1939-1949), Đẹp
(1939-1940), Thanh Đức (1943).
Bản chất khuynh hướng của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là đấu tranh
cho chủ nghĩa cá nhân, khẳng định và giương cao lá cờ của chủ nghĩa cá nhân
tư sản. Khi mới xuất hiện, ngọn cờ chủ nghĩa cá nhân của Tự lực văn đoàn có
sức lôi cuốn, hấp dẫn mạnh mẽ, chiếm được sự đồng tình của đông đảo thanh
niên thành thị đương thời vì gắn liền với chủ nghĩa nhân văn, phát huy được
mặt tích cực của nó. Thời gian này, chủ nghĩa cá nhân chưa bị đẩy tới cực
đoan, vẫn còn gắn bó với đạo đức, với luân lý truyền thống. Tiểu thuyết Tự
lực văn đoàn ở chặng đường đầu (1932-1936) tập trung phản ánh mâu thuẫn,
xung đột giữa cái mới và cái cũ, tức là xung đột giữa ý thức cá nhân, chủ
nghĩa cá nhân và đại gia đình phong kiến, với những tập tục, lễ giáo phong
kiến hủ lậu, hà khắc, trói buộc quyền sống và hạnh phúc cá nhân của con
người. Đó là mâu thuẫn giữa những cô gái mới như Nhung, Loan, Mai với
những bà mẹ chồng, bà án, bà tuần phủ nào đó. Xung đột đó, từ Hồn bướm

mơ tiên đến Nửa chừng xuân, từ Đoạn tuyệt đến Lạnh lùng ngày càng trở
nên căng thẳng, quyết liệt. Các nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã phê phán
nhiều mặt cổ hủ, lỗi thời của của chế độ phong kiến, nhất là luân lý phong
kiến đối với người phụ nữ. Họ đứng về phía những người mới tiến bộ chống
13
lại lớp người cũ bảo thủ, lạc hậu, đứng về phía cá nhân chống lại chế độ đại
gia đình gia trưởng. Họ đã giương cao lá cờ đòi giải phóng cá nhân, giải
phóng bản ngã, đặc biệt là đấu tranh cho quyền lợi cá nhân chân chính của
người phụ nữ trong tình yêu, trong hôn nhân và gia đình. Tiểu thuyết Tự lực
văn đoàn, ở những mặt tích cực, đã đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt, không
khoan nhượng cho sự toàn thắng của chủ nghĩa cá nhân.
Khuynh hướng tư tưởng của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, ở những
chặng đường đầu, ít nhiều có tinh thần dân tộc, có màu sắc vị nhân sinh. Phan
Cự Đệ nhận xét: “Trong phạm trù ý thức hệ tư sản, Tự lực văn đoàn đã nói
lên những khát vọng dân tộc dân chủ của đông đảo quần chúng, chủ yếu là
của các tầng lớp tiểu tư sản trí thức và viên chức thành thị. Tự lực văn đoàn
không đặt vấn đề giải phóng xã hội nhưng đã đấu tranh đòi giải phóng cá
nhân, giải phóng bản ngã, đặc biệt là đấu tranh cho tự do hôn nhân, cho
quyền sống của người phụ nữ chống lại sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo
phong kiến, của đại gia đình phong kiến”[56,553]. Tuy nhiên, tinh thần cải
lương tư sản của văn đoàn cũng đã thể hiện khá rõ trong tuyên bố của Hoàng
Đạo trên báo Ngày nay: “Chúng tôi có tư tưởng cải cách xã hội một cách êm
thấm trong phạm vi luật pháp” [10], qua những hoạt động xã hội của nhóm và
qua một số hình tượng nghệ thuật cụ thể như cặp vợ chồng Hạc, Bảo trong
Gia đình; Duy, Thơ trong Con đường sáng.
Đến cuối năm 1939, khi thời kì Mặt trận Dân chủ Đông Dương chấm
dứt, hoàn cảnh chính trị, xã hội không thuận lợi, lý tưởng cải cách xã hội trong
khuôn khổ chế độ thuộc địa của Tự lực văn đoàn bị đổ vỡ, trong tâm trạng bi
quan bế tắc, chủ nghĩa cá nhân tư sản vốn là nền tảng tư tưởng của tiểu thuyết
Tự lực văn đoàn đã bộc lộ tất cả những mặt tiêu cực của nó. “Từ việc đấu

tranh đòi giải phóng cá nhân, Tự lực văn đoàn đã chuyển rất nhanh sang chủ
nghĩa cá nhân cực đoan của Andé Gide” [56,536].
14
Trong xã hội phong kiến, cá nhân không có quyền sống riêng. Từ trong
gia đình ra ngoài xã hội, nó phải tuân theo những nguyên tắc, những qui phạm
nghiệt ngã, con người bị trói buộc trong những qui phạm bất di bất dịch. Cuộc
đấu tranh đòi giải phóng cá nhân trong văn học lãng mạn trước 1930 (Tố
Tâm) chưa mạnh mẽ và quyết liệt như sau này trong phong trào Thơ mới và
Tự lực văn đoàn. Trong cuộc đấu tranh cho tự do yêu đương, cho giải phóng
cá nhân ra khỏi ràng buộc của lễ giáo phong kiến, cuộc đấu tranh giữa cái mới
và cái cũ, Tự lực văn đoàn đứng hẳn về phía cái mới: “Theo mới, như chúng
tôi đã nói, là Âu hóa… Âu hóa là đem những nguyên tắc của nền văn minh
Tây phương áp dụng vào đời ta. Ngày xưa ta không sống theo lẽ phải, ta sống
theo tục lệ thành kiến, theo mệnh lệnh bất khả luận của cổ nhân… Âu hóa là
điều hòa chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa xã hội, là hành động làm sao cho
trong xã hội, cá nhân được tự do phát triển giá trị của mình, cá nhân được tự
do nảy nở tính tình, tri thức của mình” [55].
Đến Tự lực văn đoàn, ý thức về con người cá nhân đã được nâng lên
thành một vấn đề xã hội. Đó là khát vọng vượt lên trên những ràng buộc của
xã hội phong kiến; giương cao lá cờ tự do yêu đương và tự do hôn nhân; ý
thức về sự bình đẳng nam nữ, về quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự; tìm sự
giải thoát trong tình yêu, trong những ước mơ cải cách xã hội.
Nếu so với Thơ Mới, nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn ở giai
đoạn đầu ít được biểu hiện trong những cảm xúc ủy mị. Dù chán chường,
tuyệt vọng họ vẫn sẵn sàng đối mặt, lựa chọn đấu tranh để giành lấy cái mình
muốn. Đó là tinh thần nhập thế đầy tích cực. Bên cạnh đó, các nhân vật trong
tiểu thuyết Tự lực văn đoàn còn tự khẳng định cá nhân theo nhiều chiều
hướng khác nhau: thoát li vào tình yêu lãng mạn nhằm trốn chạy nỗi cô đơn,
đề cao tiếng nói của ái tình hoặc ôm giấc mộng cải cách xã hội. Ngọc- một
chàng trai thành phố hào hoa- dành tình yêu say đắm cho Lan- cô thôn nữ hiền

lành chất phác, nương tựa cửa chùa (Hồn bướm mơ tiên); Phong (Nắng thu)
15
một thanh niên con nhà dòng dõi đã bước qua địa vị của mình để yêu Trâm-
cô gái câm nghèo. Dũng (Đoạn tuyệt) bỏ nhà ra đi thực hiện lí tưởng “làm
thay đổi hiện tình của dân quê”…
Giai đoạn sau, Tự lực văn đoàn đề cao sự tự do lựa chọn của cá nhân
trong hành vi và lối sống. Tuyết (Đời mưa gió) coi “lạc thú ở đời như một vị
thuốc trường sinh”, “ái tình là sự gặp gỡ của hai xác thịt” và “không bao giờ
trở thành vật sở hữu của ai”. Hiền (Trống Mái) mời Vọi tới dự sinh nhật mặc
mọi dè bỉu khen chê vì muốn chứng minh mình không hề phân biệt đẳng cấp;
mời Vọi đi tắm biển chỉ để thỏa ý thích lãng mạn. Cảnh (Thanh Đức) coi
trọng duy nhất thú ăn chơi. Y cho rằng “sinh ra ở đời để mà sung sướng, để
thỏa mãn chứ không phải để khổ sở, để than phiền hay để theo đuổi một mục
đích viển vông nào”. Xét theo chuẩn mực đạo đức quen thuộc, Tuyết, Cảnh,
Hiền được xếp vào dạng vô luân. Tuy nhiên, lối sống và cách hành xử của các
cá nhân đó xét đến cùng, chính là thể hiện của quan niệm về tự do cá nhân, về
cái tôi bản năng luôn tồn tại trong mỗi con người, đồng thời nó chính là minh
chứng cho sự lạc điệu của con người giữa cộng đồng xã hội trong một giai
đoạn không thể tìm ra được sự tương hợp, nếu không nói là mâu thuẫn. Đó có
thể coi là một sự thử nghiệm mang tính luận đề về con người cá nhân của các
nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn.
Theo tác giả Phan Cự Đệ “từ việc đấu tranh đòi giải phóng cá nhân,
Tự lực văn đoàn đã chuyển rất nhanh sang chủ nghĩa cá nhân cực đoan của
Ande Gide. Muốn có tự do cá nhân, muốn có bản lĩnh và cá tính, con người
phải sống khác với xung quanh, phải đối lập với cộng đồng, dù cái khác
người đó phải trả bằng một giá quá đắt. Phải thoát ra khỏi cuộc sống không
hoài bão, không lý tưởng… cái vực thẳm mà một số nhân vật Tự lực văn đoàn
rơi vào là chủ nghĩa cá nhân cực đoan và chủ nghĩa vô luân”[55]. Tiểu thuyết
Thanh Đức của Khái Hưng bắt đầu ca ngợi triết lý sức mạnh của Nietzsche,
cho rằng cái đẹp thuộc về kẻ mạnh, kẻ giàu, kẻ có tiền, kẻ thắng trong các

16
cuộc cạnh tranh, cướp đoạt. Ở một số tác phẩm thời kỳ cuối, Nhất Linh, Khái
Hưng không chú tâm nhiều vào việc đấu tranh giải phóng cá nhân, đòi nhân
quyền như trước, mà có xu hướng xây dựng những nhân vật cô đơn, bất lực vì
đã bị tước hết mọi vũ khí về tư tưởng, mọi quan hệ tốt đẹp giữa cá nhân và
cộng đồng xã hội.
Tự lực văn đoàn có hoài bão về một nền văn hóa dân tộc và thực sự đã
có đóng góp lớn cho nền văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng vào việc cách
tân văn học, xây dựng nền văn học hiện đại. Tự lực văn đoàn đã nói lên những
khát vọng dân chủ của đông đảo quần chúng, chủ yếu là của các tầng lớp tiểu
tư sản trí thức và viên chức thành thị.
Vấn đề ý thức cá nhân được Tự lực văn đoàn thể hiện trên các phương
diện cơ bản sau:
Thứ nhất, Tự lực văn đoàn tiếp nối tư tưởng giải phóng cá nhân từ số ít
nhà văn đầu thế kỷ XX, phát triển lên một tầm cao mới. Dù không đặt vấn đề
giải phóng xã hội nhưng đã đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, giải phóng bản
ngã, đặc biệt đấu tranh cho tự do hôn nhân, cho quyền sống của người phụ nữ
chống lại sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến, của đại gia đình
phong kiến một cách quyết liệt.
Thứ hai, đi tiên phong trong công cuộc đấu tranh giải phóng cá nhân
này, phải kể đến công lao của những cây bút như Nhất Linh, Khái Hưng,
Hoàng Đạo. Trong đó, áp đảo về số lượng tác phẩm, với các luận điểm mạnh
mẽ chính là vai trò của người chủ súy của Tự lực văn đoàn- nhà văn Nhất
Linh.
Thứ ba, thực chất lá cờ văn hóa của Tự lực văn đoàn là lá cờ của chủ
nghĩa cá nhân tư sản. Khi mới xuất hiện, ở những chặng đường đầu, nó đã
phát huy được những mặt tích cực; đến giai đoạn cuối, ý thức cá nhân trong
Tự lực văn đoàn đi theo xu hướng cực đoan, trái ngược với truyền thống đạo
lý của dân tộc, nhấn mạnh tự do cá nhân trong hành vi và lối sống có phần
17

tiêu cực. Ý thức cá nhân vốn là nền tảng tư tưởng của tiểu thuyết Tự lực văn
đoàn tự bộc lộ, phơi bày những mặt tiêu cực của nó. Dù vậy, những giá trị mà
bút nhóm tạo dựng nên vẫn không thể phủ nhận, đúng như Hoàng Xuân Hãn
khẳng định: Nhóm Tự lực không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan
trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại.
Với vai trò chủ súy, tiên phong trong việc thành lập và vận hành tổ
chức văn học Tự lực văn đoàn, Nhất Linh là người tạo nên môi trường của
văn đoàn ấy, từ đó, cùng với các cộng sự đã xây những bước ngoặt quan trọng
trong nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đồng thời, chính môi trường
sáng tác của Tự lực văn đoàn, với sự động viên, ủng hộ của đồng nghiệp và
đông đảo độc giả lúc bấy giờ, đã thúc đẩy, cổ vũ các hoạt động và sáng tác
của nhà văn Nhất Linh, đưa nhà văn đến những thành trì vững chắc trong nền
văn học hiện đại Việt Nam và trong lòng người yêu văn học.
1.2. Về con người và sự nghiệp của Nhất Linh
1.2.1. Trước 1945
Trước năm 1945, Nhất Linh được nhiều người nói đến, với tư cách là
một nhà cải cách xã hội theo xu hướng dân chủ tư sản, hoạt động trên lĩnh vực
văn hóa, chính trị, sáng tác văn học. Đó là các bài phê bình của Trương Tửu,
Đức Phiên, Trần Thanh Mại, Hà Văn Tiếp, Nguyễn Lương Ngọc, Mộng Sơn,
Quan Sơn, Vũ Ngọc Phan, Khái Hưng, Hoàng Đạo… đã đăng trên các báo:
Loa, Sông Hương, Tinh Hoa, Ngày nay, Thời thế, Hà Nội tân văn, Phụ nữ thời
đàm… Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu của Trương Chính: Dưới
mắt tôi (1939), Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại, tập II (1942), Dương
Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu (1942).
Về mặt chính trị, các tác giả nhắc đến Nhất Linh với vai trò Bộ trưởng
Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp do cụ Hồ làm chủ tịch, trưởng đoàn
đàm phán dự Hội nghị Sơ bộ năm 1946.
18
Về phương diện văn hóa, Nhất Linh là người sáng lập tuần báo Phong
Hóa, Ngày Nay, nhà xuất bản Đời Nay, sáng lập văn đoàn Tự lực và thành lập

Hội Ánh Sáng với “nhiều tia sáng yếu ớt hợp lại sẽ thành một luồng ánh sáng
lớn” [10] để thu hút các nhà trí thức có tấm lòng với người nghèo và cả thợ
thuyền, dân quê, học sinh… và “Hội Ánh sáng là một phong trào mới, đưa
dân tộc Việt Nam đến một cuộc đời mới, đẹp đẽ, tưng bừng” [9].
Các ý kiến tập trung đánh giá về sáng tác văn học của Nhất Linh, chủ
yếu ở thể loại tiểu thuyết. Tiểu thuyết của ông được coi là sự tiến bộ của tư
tưởng mới, có ý nghĩa “cách mạng”. Tác phẩm Lạnh lùng được nhiều người
đương thời nói đến nhất. Trên báo Tinh hoa số 3 ngày 27 tháng 3 năm 1937,
Nguyễn Lương Ngọc đã theo dõi khá sát chặng đường sáng tác của Nhất Linh,
ông viết: “Cũng như phần nhiều tác phẩm của ông (Nhất Linh), cái tiểu
thuyết mới này cũng là một luận đề tiểu thuyết. Nghĩa là nó vẫn đề xướng một
vấn đề triết lý, xã hội, nó vẫn chủ trương sự phá hoại một chế độ mới để thay
vào, nó vẫn muốn đánh đổ một quan niệm mà hoài bão một quan niệm khác.
Ông Nhất Linh đã tự gánh vác cái trọng trách của một nhà cải tạo xã hội, và
sao ta lại chẳng dám nói đứt đi cho rồi- ông đã là một nhà cách mệnh”.
Có thể thấy, khá nhiều ý kiến của các nhà phê bình trước 1945 đánh giá
về sự nghiệp của Nhất Linh. Trong đó, hoạt động văn hóa, chính trị cũng như
sáng tác văn học của ông- đặc biệt là sáng tác văn học với thể loại tiểu thuyết-
được đề cao. Về nội dung tư tưởng, các nhà phê bình khẳng định Nhất Linh có
ý thức cải cách xã hội, làm cho người đọc ghét cũ, yêu mới, góp phần đem
luồng không khí mới phấn khởi, tiến bộ vào xã hội… đồng thời, xác định cơ
sở nền tảng của tư tưởng ấy chính bởi sự tác động của văn hóa Pháp, của cuộc
cách mạng dân chủ tư sản Pháp và nhờ lòng quyết tâm theo nghề viết văn, làm
báo của Nhất Linh.
19
1.2.2. Từ 1945-1986
Giai đoạn này, do lịch sử đất nước có sự khác biệt giữa hai miền Nam-
Bắc nên tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa- xã hội của đất nước.
Nghiên cứu về Nhất Linh đi theo hai xu hướng khác nhau: Nhất Linh được đề
cao ở miền Nam nhưng lại bị phê phán ở miền Bắc.

Ở miền Nam, nhiều tác phẩm của Nhất Linh nói riêng và Tự lực văn
đoàn nói chung được in lại. Các công trình khảo cứu, nghiên cứu như Phê
bình văn học thế hệ 32, tập III (1972) của Thanh Lãng, Việt Nam văn học sử
giản ước tân biên, tập III (1960) của Phạm Thế Ngũ, Tự lực văn đoàn (1960)
của Doãn Quốc Sỹ, Lược sử văn nghệ Việt Nam (1974) của Thế Phong, Bình
giảng về Tự lực văn đoàn (1958) của Nguyễn Văn Xung, Tiểu thuyết Việt
Nam hiện đại (1972) của Bùi Xuân Bào… có đề cập đến sự nghiệp của Nhất
Linh. Ngoài ra, còn có nhiều bài báo nói tới Nhất Linh và văn nghiệp của ông.
Trong tuần lễ tưởng niệm Nhất Linh có các bài của Đặng Tiến, Nguyễn Văn
Trung, Nguyễn Văn Xung, Doãn Quốc Sỹ, Vũ Hạnh, Tường Hùng, Dương
Nghiêm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Trương Bảo Sơn, Thế Uyên… Bên cạnh
đó, còn có hồi kí của Nguyễn Vỹ, Nguyễn Thị Thế kể về Nhất Linh. Bản thân
Nhất Linh cũng nêu quan niệm sáng tác và tự đánh giá tác phẩm của mình ở
cuốn Viết và đọc tiểu thuyết.
Những cuốn sách của người trong gia đình như của bà Nguyễn Thị Thế,
Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Tường Thiết giúp người đọc biết được một số
sự kiện có tính chất riêng tư của Nhất Linh, nhưng không đủ. Ngoài ra, được
nhiều người nhắc đến là cuốn Chân dung Nhất Linh của Nhật Thịnh. Tuy
nhiên, cuốn sách Những người đã qua của Thế Uyên để lại nhiều ấn tượng
tốt cho người đọc. Thế Uyên cũng viết một cuốn Chân dung Nhất Linh cùng
với Nguyễn Mạnh Côn và một số người khác. Sau này Những người đã qua
được in lại trong Thế Kỷ 21, Cali 2004 và 2005 và Đất Đứng, Sacramento,
Cali. Năm 1968, Văn Uyển xuất bản hồi ký văn học về Nhất Linh, Thạch
20
Lam, Hoàng Đạo. Giai đoạn này, Khúc Hà Linh viết cuốn: Anh em Nguyễn
Tường Tam- Nhất Linh ánh sáng và bóng tối khảo cứu về Tự lực văn đoàn
nói chung và Nhất Linh nói riêng, khẳng định Nhất Linh là “vị chủ súy hay
linh hồn Tự lực văn đoàn” (chữ dùng của Khúc Hà Linh).
Đề cao hoạt động văn hóa cũng như sáng tác của Nhất Linh là xu hướng
phổ biến của các nhà nghiên cứu, phê bình miền Nam. Trừ vài bài viết của có

chừng mực như bài Thử xác định vị trí của Nhất Linh trong văn học sử và
lịch sử Việt Nam của Nguyễn Văn Xung hay Nghĩ về một thái độ trí thức
của Giáo sư Nguyễn Văn Trung trong Tạp chí Văn số 11-15/1964, còn hầu hết
những bài viết khác đều đưa lại cho người đọc cảm giác về sự tôn sùng mang
tính chủ quan, tình nhiều hơn lý.
Các nhà phê bình cũng có nói tới ảnh hưởng của văn học lãng mạn
Pháp tới các sáng tác của Nhất Linh, như Nắng thu ảnh hưởng Bản giao
hưởng đồng quê của Gide. Triết lý hành động để hành động trong Đôi bạn
cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng nhà văn trên, hay lối độc thoại của
Đôtxtôiépxki được vận dụng trong Bướm trắng… Tuy nhiên, trong bài nói về
vấn đề ảnh hưởng của Gide đến sáng tác của Nhất Linh, Khái Hưng cho rằng
sự băn khoăn ấy Nhất Linh đã có bốn năm trước khi đọc Gide. Gide chỉ làm
cho nó rõ rệt hơn ra mà thôi.
Có thể nói, các nhà phê bình miền Nam giai đoạn này có xu hướng
đánh giá cao hoạt động văn hóa, chính trị của Nhất Linh. Sáng tác văn học của
ông thì được ca ngợi cả về nội dung và nghệ thuật. Tuy nhiên, họ cũng phần
nào chỉ ra được điểm hạn chế trong các tiểu thuyết luận đề, và tính chất không
tưởng ở một số cuốn sách của nhà văn.
Ở miền Bắc, một số công trình nghiên cứu, giáo trình có bàn về Nhất
Linh như: Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (1957) của nhóm Lê Quí
Đôn, Sơ thảo văn học Việt Nam của Viện Văn học (1964), Tiểu thuyết Việt
21
Nam hiện đại tập 1 (1974) của Phan Cự Đệ, Văn học Việt Nam 1930-1945
(1961) của Bạch Năng Thi- Phan Cự Đệ. Ngoài ra các bài nghiên cứu của
Nguyễn Đức Đang, Vũ Đức Phúc, Nam Mộc… cũng ít nhiều đề cập đến Nhất
Linh. Nhìn chung, cách đánh giá của các nhà nghiên cứu miền Bắc còn dè dặt,
do quan điểm lúc đó nhìn nhận văn học lãng mạn còn bị những định kiến
chính trị chi phối: “Tinh thần dân tộc không có trong tác phẩm của Nhất
Linh, ít nhất cũng không có cơ sở chắc chắn. Bởi lẽ tác giả không nói tới sự
áp bức bóc lột của đế quốc”, “ông ta chỉ sáng tác những tác phẩm giả tạo và

đến khi ông ta định làm cách mạng thật thì hóa ra phản động” [209]. Sách
giáo khoa Văn học lớp 12, chương trình phổ thông trung học nhận định chung
về văn học lãng mạn cơ bản là bạc nhược, suy đồi, phản động, không giúp ích
gì cho cách mạng và Bướm trắng là tác phẩm suy đồi, trụy lạc, vô luân.
Nói về tư tưởng bình dân, tác giả Bạch Năng Thi cũng khảng khái nhận
xét: “Dù có cho là những cảnh nghèo khổ là do ở sự thiếu tổ chức của xã hội
chăng nữa, thì Nhất Linh cũng chỉ là đứng trên quan điểm cải lương tư sản
mà thôi” [193].
Một số nhà trí thức bấy giờ thì phê bình Phong Hóa là do một người
Việt Nam du học ở Pháp về, dùng cách hài hước để đả phá, có ác ý hoặc vô ý
thức, không có gì xây dựng “phong hóa” cho nước nhà. Vô ý thức được thể
hiện trong việc xây dựng nhân vật Lý Toét, tượng trưng người An Nam quê
mùa, ngớ ngẩn trước văn minh Âu Tây đang thịnh hành. Còn tác giả Nguyễn
Trác- Đái Xuân Ninh thì cho rằng hoạt động của Hội Ánh sáng là “hoạt động
cải lương tư sản”, mà đã “cải lương tư sản” thì tất yếu không cách mạng, là
một chiếc gậy thọc vào bánh xe lịch sử đang lao nhanh về phía trước. Nó là
phản động.
Các ý kiến đánh giá về Nhất Linh ở hai miền Nam- Bắc gần như có sự
trái chiều. Ngược lại với các nhà nghiên cứu, phê bình phía Nam có xu hướng
đề cao, ca ngợi sáng tác cũng như hoạt động văn hóa- xã hội của Nhất Linh,
22
các nhà nghiên cứu, phê bình phía Bắc hạn chế hơn trong các lời khen mà
dùng nhiều lời phê phán, chỉ trích. Một số ý kiến có thể coi là nặng nề, chưa
khách quan trong việc tách biệt giá trị nghệ thuật với chính trị. Các tác giả
cũng có khen đôi chút về nội dung chống phong kiến, hay đóng góp nhỏ về
ngôn ngữ nhưng đồng thời cũng coi đó là bệnh phô trương, hào nhoáng, giả
tạo của tầng lớp tiểu tư sản
Giải thích cho sự khác biệt gần như trái chiều này giữa các ý kiến đánh
giá về Nhất Linh ở hai miền Nam- Bắc, chúng tôi có thể đưa ra những lí do
như sau:

- Thứ nhất, do tác động của bối cảnh lịch sử: chiến tranh kéo dài, đất
nước bị chia cắt, phê bình văn học thời kỳ này chủ yếu dựa trên quan điểm xã
hội học và bị chi phối bởi tư tưởng chính trị. Vì vậy, trên phương diện tư
tưởng, các ý kiến trái ngược nhau giữa hai miền Nam- Bắc khi bàn về Nhất
Linh, nhưng trên phương diện nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lại có nhiều
điểm gặp gỡ.
- Thứ hai, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương trong “Đề cương
văn hóa Việt Nam” (1943) đã xác định văn hóa là một mặt trận của cuộc đấu
tranh cách mạng. Văn chương trở thành vũ khí cổ vũ chiến đấu, hướng về đại
chúng, đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân. Như lẽ tất yếu, văn học lãng
mạn chưa được quan tâm đúng mức. Nhất Linh và Tự lực văn đoàn không
phải là một ngoại lệ.
- Thứ 3, Ở miền Nam, các bài viết tập trung nhiều ở nhóm tác giả là bạn
bè, những người “cùng hội cùng thuyền” và con cháu của nhà văn Nhất Linh,
vì vậy, phần nào các ý kiến bị chi phối bởi tình cảm và thiện chí của tình bầu
bạn và huyết thống, nên có lúc, ở một số bài viết còn thiếu tính khách quan.
Ngược lại, ở miền Bắc, trong nhiều năm, Nhất Linh trong quan niệm của
chúng ta, là nhà văn phản động ở giai đoạn cuối. Sự phức tạp ở nhà văn về tư
tưởng, thái độ chính trị, cùng với nguồn tài liệu về ông chưa thực sự đầy đủ đã
23
làm tổn hại đến tinh thần khách quan trong đánh giá nhà văn Nhất Linh một
thời gian dài.
Vì vậy, nghiên cứu về Nhất Linh, phải xuất phát từ chính đời người, đời
văn và những cống hiến của ông đối với đời sống văn học. Tìm hiểu Nhất
Linh với tinh thần ấy là điều cần thiết và cũng chính là cách chúng tôi đang
hướng tới.
1.2.3. Từ 1986 đến nay
Giai đoạn này các nhà nghiên cứu, phê bình nhìn nhận lại đóng góp của
Tự lực văn đoàn nói chung và nhà văn Nhất Linh nói riêng, có những đánh giá
toàn diện và thỏa đáng hơn. Các bài nghiên cứu của Trương Chính, Trần Hữu

Tá, Nguyễn Hoành Khung, Lê Thị Đức Hạnh, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đình
Hượu, Vu Gia, Đỗ Đức Dục, Lê Thị Dục Tú, Nguyễn Hữu Hiếu, Hà Minh
Đức, Đỗ Đức Hiểu… Các công trình của Phan Cự Đệ, Trần Thị Mai Nhi, Hồi
kí của Tú Mỡ, đặc san báo Người giáo viên nhân dân (Số 27 đến 31, năm
1989) đăng ý kiến trong cuộc hội thảo văn chương Tự lực văn đoàn của khoa
Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp (do Giáo sư Hà Minh Đức tổng thuật), một
số Luận văn thạc sĩ, Luận án tiến sĩ về Tự lực văn đoàn và các nhà văn Tự lực
văn đoàn, một số lời giới thiệu các tác phẩm của Nhất Linh… được tái bản đã
góp phần mang lại cái nhìn mới về Nhất Linh trong các hoạt động chính trị,
văn hóa và văn nghiệp của ông. Cuộc đời và sự nghiệp của Nhất Linh được
nhìn nhận trên các phương diện cơ bản: là nhà văn có tư tưởng cải cách báo
chí xuất bản, cải cách xã hội, giải phóng cá nhân và một Nhất Linh làm cách
mạng.
Thời gian gần đây, số lượng sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu
sinh tìm hiểu, nghiên cứu về Tự lực văn đoàn nói chung và Nhất Linh nói
riêng cũng không ngừng tăng lên cùng với tấm lòng mến mộ nhà văn này. Chỉ
riêng luận án tiến sĩ đã có những công trình: Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân
vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn của tác giả Dương Thị Hương; Mô
24
hình tiểu thuyết Tự lực văn đoàn của Nguyễn Thị Tuyến; Tiểu thuyết của
Nhất Linh trước cách mạng tháng Tám của Vũ Thị Khánh Dần và Nhân vật
nữ trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng của Đỗ Hồng Đức. Các
công trình trên giới hạn phạm vi nghiên cứu trong tiểu thuyết Tự lực văn
đoàn, tiểu thuyết Nhất Linh và đi tới khẳng định “Nhất Linh đã tiến những
bước mạnh mẽ vào công cuộc hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế
kỷ XX. Trong sự cách tân nội dung cũng như nghệ thuật thể hiện, dù còn có
những hạn chế, nhưng lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, không thể không
ghi nhận những công lao, đóng góp của Nhất Linh” [45;118]. Trong đó, nhân
vật nữ trong sáng tác của Nhất Linh trở thành nhân vật trung tâm, truyền tải tư
tưởng của tác giả, thông qua đó, nhà văn đã “tung hô cổ vũ cho tư tưởng mới

một cách rầm rộ, và họ (Nhất Linh, Khái Hưng) đã tạo nên một cơn địa chấn
thực sự trên bình diện tư tưởng. Những tư tưởng ấy không phải không có lúc
gây sốc bởi nó quá mới, quá bạo nhưng nó đã đạt được mục đích, đó là thổi
bùng trong xã hội nhận thức về quyền sống, quyền được hạnh phúc và những
giá trị của người phụ nữ” [60].
Những năm đầu sau 1975, trong khi sách của Nhất Linh ít được hưởng
ứng trong nước, thì ở nước ngoài (Hoa Kỳ), một số tác phẩm của ông được in
lại. Tạp chí Thế kỷ XXI có nhiều bài phê bình về sự nghiệp văn học Nhất
Linh cũng như những đóng góp của ông cho văn hóa nước nhà. Trong đó, Võ
Phiến, Trương Bảo Sơn là những người viết nhiều, có ý kiến sắc bén về Nhất
Linh và luôn khẳng định địa vị quan trọng của Nhất Linh trong văn học Việt
Nam hiện đại. Ngoài việc đề cao Nhất Linh và văn nghiệp của ông, Võ Phiến
còn đánh giá cao Nhất Linh thời hậu chiến bởi sự đổi mới phong cách, bút
pháp, nghệ thuật… Ông khẳng định “Bình tâm mà nói, phải nhận rằng Nhất
Linh sau này viết sâu sắc hơn trước”.
Bên cạnh đó, Thụy Khuê cũng có một vài bài viết về Nhất Linh. Những
cố gắng của Thụy Khuê trong việc sưu tầm và nhận định, đánh giá về Nhất
25
Linh là không phủ nhận được. Dù vậy, phần phê bình cuốn truyện Bướm
Trắng và truyện dài Dòng Sông Thanh Thủy của tác giả này cho thấy còn có
nhiều gượng ép.
Tờ Thế kỷ XXI ở Hoa Kỳ mặc dù cố gắng dựng lại chân dung Nhất
Linh, người nghệ sĩ- người chiến sĩ nhưng còn tồn tại một số khuyết thiếu:
không nói tới giai đoạn làm báo của Nhất Linh với tờ Phong Hóa, Ngày Nay;
không xác định được nhà văn có uy tín của Tự lực văn đoàn là Thạch Lam,
Khái Hưng hay Nhất Linh; cũng như chưa phân định được các mốc văn học
đánh dấu con đường hoạt động và sáng tác của Nhất Linh.
Bản thân Nhất Linh, khi còn sống, đã từng không thực sự hài lòng với
chính những cuốn tiểu thuyết luận đề. Ông cho là trong sự nghiệp sáng tác của
mình, dở nhất là Đoạn tuyệt và Lạnh lùng, chỉ có Bướm trắng là “tạm

được” (chữ dùng của Nhất Linh). Điều đó cũng đồng quan điểm với một số
tác giả khác như Nguyễn Sỹ Tế và Thanh Tâm Tuyền trong buổi thảo luận
Nhìn về tiền chiến đã công kích các tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh và
Khái Hưng. Theo Thanh Tâm Tuyền, những tiểu thuyết luận đề đã chứng tỏ
sự nông cạn và hời hợt của tác giả.
Vấn đề ảnh hưởng của nền văn hóa, văn học phương Tây, phương
Đông, văn học truyền thống đối với tư tưởng, hoạt động xã hội và sáng tác của
Nhất Linh được các nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ, Trương Chính, Trần Thị
Mai Nhi, Trần Hữu Tá, Nguyễn Hoành Khung… đề cập đến. Theo Phan Cự
Đệ, Nhất Linh vẫn sử dụng những mô típ truyền thống, hình ảnh cô Minh
Nguyệt, cô cả Đạm ở Đoạn tuyệt làm ta liên tưởng đến Đạm Tiên trong
Truyện Kiều hay Nhất Linh học được ở Gide “cách đầu tư tâm hồn vào sự
phân tích tra vấn hạnh phúc” [8;63].
Một số nhà nghiên cứu cũng phê phán tính chất cải lương trong hình
ảnh người khách chinh phu ở tác phẩm của Nhất Linh: Họ hành động để hành
động, họ là những người khách tình si, những anh hùng chiến bại. Rồi cách

×