Tải bản đầy đủ (.pdf) (31 trang)

Tuyển tập đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Chuyên Ngữ văn.Pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.96 MB, 31 trang )

Tuyển tập đề thi tuyển sinh vào 10 Chuyên Ngữ văn
Tài liệu theo admin Học văn lớp 9 – CH sưu tầm và tổng hợp.


Có đề bài nào thắc mắc, cứ hỏi. Nếu ad biết, ad sẽ giải đáp.


1. Đề thi vào 10 THPT,năm học 2013-2014
Chuyên Trần Phú – Hải Phòng.


Câu 1 (2,0 điểm)
Em hãy viết một đoạn văn phân tích hiệu quả của cách sử dụng các từ
“bỗng”, “phả” trong hai câu thơ sau:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
(Hữu Thỉnh, Sang thu, Ngữ văn 9 Tập II, NXB Giáo dục 2011, trang 70)
Câu 2 (3,0 điểm)
Trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, sau khi bày tỏ với vợ mình về
hoàn cảnh trớ trêu của lão Hạc nhưng lại bị vợ “gạt phắt đi”, nhân vật ông
giáo ngậm ngùi:
“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ,
thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi toàn những cớ
để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương;
không bao giờ ta thương Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một
người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến
một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì
đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn
đau, ích kỉ che lấp mất.”
(Nam Cao, Lão Hạc, Ngữ văn 8 Tập I, NXB Giáo dục 2011, trang 44)
Bằng một bài văn ngắn (tối đa 02 trang), em hãy trình bày suy nghĩ của mình


về ý nghĩ của nhân vật ông giáo trong đoạn trích trên.
Câu 3 (5,0 điểm)
Chứng kiến lần về phép thăm nhà của ông Sáu, nhân vật “tôi” trong truyện
ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng bày tỏ:
“Trong cuộc đời kháng chiến của tôi, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu
cuộc chia tay, nhưng chưa bao giờ tôi bị xúc động như lần ấy.”
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9 Tập I, NXB Giáo dục
2011, trang 195)
Bằng hiểu biết về truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang
Sáng, em hãy làm sáng tỏ lời tâm sự trên của nhân vật “tôi”.

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM
Câu 1: ( 2.0 điểm )
Tiêu
chí
Yêu cầu cần đạt
Thang
điểm
A.
Hình
thức
- Đúng hình thức đoạn văn nhận xét về hiệu quả của việc sử
dụng từ “bỗng”, “phả” trong hai câu thơ. Diễn đạt rõ ràng, có
cảm xúc; câu chữ không sai.
0,5
B. Nội
dung

- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, đảm bảo được những
nội dung cơ bản sau:

+ Từ “bỗng” diễn tả trạng thái bất ngờ, không được dự tính từ
trước, như là vô tình, thể hiện một sự ngỡ ngàng, sửng sốt.
+ Từ “phả” chỉ trạng thái bốc mạnh và tỏa ra từng luồng. Đặt
từ “phả” trong câu thơ gợi người đọc cảm nhận về một thứ
hương thơm như sánh lại, tỏa ra thơm nức, thoang thoảng trong
gió.
+ Hữu Thỉnh đã thành công trong việc sử dụng từ ngữ chính
xác, tinh tế, có khả năng biểu đạt phong phú, sâu sắc, gợi sự lan
tỏa trong lòng người đọc. Qua cách sử dụng các từ “bỗng”,
“phả”, nhà thơ đã có phát hiện tinh tế về hương vị ngọt ngào,
quyến rũ của mùa thu. Một mùi thơm của ổi chín quen thuộc, dễ
chịu phả vào trong gió se - một thứ gió đặc trưng của mùa thu
miền Bắc tất cả đã làm nên cái hồn, cái tình của mùa thu. Đây
cũng là một nét đẹp riêng, bình dị, dân dã, đáng yêu của mùa
thu nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.


0,5

0,5


0,5
Tổng

2,0

Câu 2: (3,0 điểm)

Tiêu

chí
Yêu cầu cần đạt
Thang
điểm
A.
Hình
thức
- Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ
- Diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc. Viết đúng văn phạm; chữ viết rõ ràng,
không sai chính tả. Đúng dung lượng một bài văn ngắn.
0,5
B. Nội
dung
HS trình bày bằng nhiều cách, về cơ bản đáp ứng được những nội dung sau:
1. Là người vừa chứng kiến, tham gia, vừa đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện,
nhân vật “tôi” (nhân vật ông giáo) trong truyện ngắn Lão Hạc được trực tiếp
bày tỏ thái độ, bộc lộ tình cảm, tâm trạng của bản thân. Ý nghĩ xuất hiện
trong đầu ông giáo trước tình cảnh khốn cùng của lão Hạc mang đậm tính
triết lí và xúc cảm trữ tình xót xa.
- Nêu bối cảnh xuất hiện những suy nghĩ này của ông giáo: Lão Hạc nhờ ông
giáo giữ hộ mảnh vườn cho cậu con trai, gửi ông giáo ba mươi đồng bạc đề
phòng khi lão chết. Từ đó, lão Hạc ăn khoai, củ ráy, củ chuối, sung luộc
chế tạo được món gì ăn món ấy. Ông giáo nói chuyện của lão Hạc với vợ,
người vợ đã gạt phắt đi.
- Nếu không nhìn thấy tấm lòng yêu thương con tha thiết của lão Hạc thì
trước việc lão loay hoay mãi với ý định bán chó, người ta chỉ thấy lão “gàn
dở”, lẩm cẩm. Hay trước việc lão Hạc thà chịu đói, chịu khổ chứ nhất định
không chịu tiêu lạm vào tiền bán vườn của con - một người không biết có trở
về hay không, người ta chỉ thấy lão thật “bần tiện” và “ngu ngốc”. Nếu ta
hiểu được cặn kẽ hoàn cảnh của lão, ta sẽ đồng cảm với nỗi đau của lão và

thương cho lão. Như vậy, nếu chỉ nhìn lão Hạc bằng cái nhìn bên ngoài thì
không thể nhận ra được cái bản chất tốt đẹp bên trong của lão. Suy nghĩ của
ông giáo thể hiện sự ngậm ngùi, xót xa.
- Ý nghĩ này của ông giáo không chỉ rút ra từ những chiêm nghiệm về lão
Hạc mà còn từ ngay chính người vợ của ông. Thị không ác nhưng cái nghèo,
cái khổ đã khiến thị chỉ còn biết chăm chút cho mình, gia đình mình. Thị bị
cuộc sống nghèo khổ làm cho quên hết mọi thứ. Biết bao gánh nặng đè lên
vai thị khiến thị trở nên bẳn gắt, nhỏ nhen. Không phải tính thị thế mà chính
cuộc sống khó khăn khiến thị trở nên cay nghiệt và khắt khe. Sự lo lắng, vun
vén nhất thời ấy trở thành tính ích kỉ, tàn nhẫn, che lấp đi bản tính tốt đẹp của
người phụ nữ.

1,0











2. Ý nghĩ của ông giáo đã khẳng định một thái độ, một cách ứng xử mang
tinh thần nhân đạo.
- Trước khi đánh giá, nhận xét về ai đó, chúng ta cần quan sát, suy nghĩ đầy
đủ, phải nhìn họ bằng tấm lòng đồng cảm và đôi mắt của tình thương. Chỉ
khi biết đồng cảm với mọi người xung quanh, biết trân trọng và nâng niu
những điều đáng thương, đáng quí ở họ, biết tự đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể

của họ thì mới có thể hiểu đúng, cảm thông và yêu thương họ sâu sắc.
- Từ ý nghĩ của ông giáo cũng đặt ra cho mỗi người một bài học sâu sắc về
1,0







cách nhìn nhận con người: cần có một đôi mắt nhìn toàn diện, khách quan,
thấu đáo, bản chất, đôi mắt “cố tìm mà hiểu”, phát hiện khám phá vẻ đẹp con
người bên trong - vẻ đẹp“con người trong con người”. (Học sinh chú ý phân
tích ngắn gọn vẻ đẹp nhân cách của lão Hạc: một con người đôn hậu, yêu
thương, nghĩa tình; một tâm hồn sáng trong, lương thiện, giàu lòng tự trọng, vị
tha. Lão Hạc dù bị dồn đến đường cùng thì bản chất của lão vẫn tốt đẹp, lương
tri của lão vẫn tỏa sáng. Như vậy, “lão Hạc không những rất khổ mà còn rất
đẹp” - Quế Hương). Có thể nói, vấn đề “đôi mắt” trở thành vấn đề cơ bản
nhất trong sáng tác của Nam Cao, khẳng định tấm lòng nhân đạo sâu sắc
của người nghệ sĩ. (Học sinh có thể lấy các dẫn chứng từ các tác phẩm khác
của Nam Cao để làm sáng tỏ hơn vấn đề “đôi mắt”).
3. Ý nghĩ của ông giáo thể hiện một quan niệm nhân sinh sâu sắc.
- Ý kiến này không chỉ đúng trong tác phẩm Lão Hạc. Trong cuộc sống hàng
ngày, mỗi người sẽ không khỏi giật mình, để nhận thức lại cuộc sống và con
người xung quanh mình. Con người đã thực sự biết quan tâm, biết sẻ chia và
yêu thương, biết khám phá “cái bản tính tốt của người ta” bị che lấp bởi
“nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ”? Ý nghĩ của ông giáo cũng có ý nghĩa đánh
thức, gợi dậy niềm tin của nhà văn vào sự hướng thiện của con người.
Nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao dẫu bị đẩy đến khốn cùng, bi kịch hay
tuyệt vọng, bế tắc đều cố gắng “vươn lên giữ vững lẽ sống nhân đạo”. Đó

cũng là chiều sâu của giá trị nhân đạo trong tác phẩm của Nam Cao.
- Bằng ngòi bút miêu tả nội tâm sâu sắc, giọng văn mang đậm tính triết lí trữ
tình, đoạn văn đã thể hiện thành công ý nghĩ của nhân vật “tôi” - nhân vật
ông giáo. Cách nhìn, suy nghĩ của ông giáo (cũng có thể coi là của chính tác
giả) đã thể hiện được chiều sâu tư tưởng tác phẩm và quan niệm nhân sinh
của nhà văn.











0,5

Tổng

3,0

Câu 3: (5,0 điểm)

Tiêu
chí
Yêu cầu cần đạt
Thang
điểm

A.
Hình
thức
- Bố cục rõ ràng, cấu trúc hợp lí, lập luận chặt chẽ. Biết chọn
và phân tích dẫn chứng tiêu biểu.
- Diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc, có hình ảnh. Viết đúng văn
phạm; chữ viết rõ ràng, không sai chính tả.
0,5



B. Nội
dung



































1. Khái quát chung:
- Giới thiệu ngắn gọn tác giả Nguyễn Quang Sáng và truyện
ngắn Chiếc lược ngà.
- Truyện ngắn Chiếc lược ngà được trần thuật theo lời của
nhân vật “tôi” - người bạn của ông Sáu, người đã chứng kiến
cảnh ngộ éo le của cha con ông Sáu: “Trong cuộc đời kháng
chiến của tôi, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chia tay,
nhưng chưa bao giờ tôi bị xúc động như lần ấy.” Suy nghĩ này
của nhân vật “tôi” bày tỏ sự xúc động và sẻ chia sâu sắc với câu
chuyện của cha con ông Sáu. Ở đây, người kể chuyện đã hoàn
toàn chủ động điều khiển nhịp kể theo trạng thái cảm xúc của
mình, chủ động xen vào những ý kiến bình luận, suy nghĩ để dẫn
dắt sự tiếp nhận của người đọc.

0,5








2. Trình bày cụ thể:
2.1. Cuộc chia tay khiến nhân vật “tôi” “xúc động” đặc biệt
như thế chính là cuộc chia tay giữa ông Sáu với bé Thu, khi
ông Sáu phải trở lại chiến trường. Chính lúc ông Sáu chia tay
với bé Thu cũng là lúc bé Thu nhận ba, khóc giữ ba ở lại. Đây
là một tình huống vô cùng xúc động.
- Sau bao năm đi kháng chiến, ông Sáu mới có dịp trở về thăm
nhà, thăm con. Ông khao khát được gặp con, được nghe con
gọi tiếng “ba” nhưng suốt ba ngày phép ngắn ngủi ấy, bé Thu
không chịu nhận cha và kiên quyết không gọi “ba”. Khi bé
Thu hiểu ra, nhận cha thì lại là lúc cha con phải giã từ - ông
Sáu phải về đơn vị nhận nhiệm vụ mới.
- Nhìn cảnh má bận rộn chuẩn bị hành lý cho ba và mọi người
đến chia tay ba, vẻ mặt của bé Thu “có gì hơi khác”. Nó im
lặng “nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Mọi người đều không để
ý đến nó. Chỉ có nhân vật “tôi” là đang quan sát. Nhưng dường
như chính nhân vật “tôi” cũng không hình dung trước chuyện
sẽ xảy ra. Ông Sáu “đưa mắt nhìn con”, “muốn ôm con”, “hôn
con” nhưng lại sợ nó “giẫy lên”, “bỏ chạy”. Ông nhìn con
“với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”. Câu nói “khe khẽ” của
ông Sáu: “Thôi! Ba đi nghe con!” đã làm nổ tung cảm xúc mà

bé Thu đã dồn nén bao lâu. Bé Thu khóc thét lên như xé lòng
“Ba a a ba!” rồi chạy xô tới như con sóc, ôm chặt lấy ba,

1,0



















dang cả hai chân quắp chặt người ba, đôi vai nhỏ bé run run,
hôn ba cùng khắp, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài bên má
của ba. Còn ông Sáu cũng “không ghìm được xúc động” đã lén
“một tay rút khăn lau nước mắt”.
- Những giọt nước mắt trộn lẫn sung sướng, buồn tủi, thương
cảm của bé Thu, của ông Sáu, của mọi người có mặt thực sự
làm cho nhân vật “tôi” xúc động sâu sắc.

2.2. Cuộc chia tay của hai cha con ông Sáu thật cảm động và
đặc biệt xót xa, nó càng xót xa hơn bởi đây là cuộc gặp gỡ cuối
cùng của họ. Điều này lí giải vì sao nhân vật “tôi” lại có những
xúc động sâu sắc đến như vậy.
* Tình cảm của bé Thu với cha:
- Lúc ông Sáu nói lời từ biệt: “Thôi! Ba đi nghe con!” nhưng
không tiến lại để ôm lấy nó, nó đã bất ngờ thét lên một tiếng
“ba”. Nó gọi, rồi ôm chặt, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo của
ba. Một chuỗi những hành động liên tiếp của bé Thu đã nói lên
tình thương cha mãnh liệt. Tình cảm với người cha mà nó đã
nén lại bấy lâu, cùng với niềm ân hận về thái độ của mình với
ba trong những ngày qua và cả sự hốt hoảng khi thấy ba lại
phải đi xa đã khiến con bé bật lên tiếng gọi ấy. (Học sinh có thể
gợi dẫn phân tích lại các chi tiết trước đó khi bé Thu chưa nhận
ra cha để thấy rõ hơn cảm xúc của bé Thu lúc này). Tiếng gọi
“ba” thể hiện một sự dồn chứa những cảm xúc để rồi được
bùng nổ mãnh liệt: “tiếng ba như vỡ tung ra từ đáy lòng nó”.
Chứng kiến những biểu hiện tình cảm ấy của bé Thu, “bà con
xung quanh có người không cầm được nước mắt” còn người kể
chuyện - nhân vật “tôi” thì cảm thấy thương cảm, xót xa “như
có bàn tay ai nắm lấy trái tim” mình. Là người đồng đội của
ông Sáu, người đã từng sống, chiến đấu cùng đơn vị, cùng theo
ông Sáu về thăm nhà, chứng kiến tất cả các sự việc ấy, nhân
vật “tôi” đã thật sự xúc động. Cảm giác “như có bàn tay ai
nắm lấy trái tim mình” của nhân vật “tôi” phải chăng chính là
cảm giác thấy lòng mình se thắt lại trước sự chân thực, mãnh
liệt trong cảm xúc của bé Thu với ông Sáu.
* Tình cảm của ông Sáu đối với con:
- Trở về thăm nhà sau bao năm xa cách, ông Sáu lúc nào cũng
2,0

























khao khát được yêu con. Nhưng những ngày ông Sáu ở nhà, bé
Thu nhất định không chịu nhận cha. Đến lúc chia tay “mang ba
lô trên vai, bắt tay hết tất cả mọi người”, ông Sáu cũng muốn
ôm hôn con nhưng lại sợ nó từ chối. Người cha chỉ nhìn con
với “đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu” rồi khe khẽ chào từ biệt
con. Có lẽ, ông không muốn làm tổn thương tâm hồn con gái

một lần nữa. Nỗi buồn, sự đau khổ của người cha thực sự làm
mọi người cảm động.
- Đến khi con gái gọi tiếng “ba”, ông Sáu đã “không ghìm
được xúc động”, ông lén “rút khăn lau nước mắt” và chỉ nói
một câu “ba đi rồi ba về với con”. Chỉ một câu nói ấy rồi
dường như nghẹn ngào không nói được gì thêm. Với người cha
lúc này, nói thêm bất cứ lời nào cũng không cần thiết nữa. Có
thể nói, nếu tình mẫu tử được diễn tả khá nhiều trong văn
chương, một thứ tình cảm dễ bộc lộ, vừa rộng lớn vừa tự nhiên
thì tình phụ tử lại thường ít bộc lộ ra bên ngoài, kín đáo mà sâu
sắc.
(Chú ý: Nhân vật “tôi” đã từng nảy ra ý định muốn bảo ông
Sáu ở lại vài hôm. Nhưng không được vì cả hai người phải trở
về đơn vị nhận lệnh chiến đấu mới).
- Chia tay với con, ông Sáu dồn toàn bộ niềm say mê, tình
thương yêu để làm chiếc lược cho con như lời con dặn (chú ý
các chi tiết thể hiện tình yêu thương: cưa từng chiếc răng lược
thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc, tẩn mẩn khắc
chữ, mài lên tóc mình cho thêm óng mượt ). Nhưng ông Sáu
hi sinh bất ngờ trong một trận càn lớn của Mĩ - ngụy. Trước khi
hi sinh, ông Sáu nhờ nhân vật “tôi” chuyển cây lược đến cho
bé Thu: “Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng
trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết
được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược đưa cho tôi và nhìn tôi
một hồi lâu.” Một sự ra đi cảm động mà anh hùng. Nhân vật
“tôi” cảm nhận được sự trao gửi đầy yêu thương và tin cậy
trong đôi mắt của ông Sáu. Chiếc lược ngà cũng là chiếc lược
yêu thương, là biểu tượng cao đẹp của tình phụ tử. Chứng kiến
sự ra đi của ông Sáu, có lẽ nhân vật “tôi” không chỉ cảm thấy
đau đớn, xót xa mà còn nhận ra sự bất diệt của tình phụ tử -

một thứ tình cảm như “những con sóng ở bề sâu”, thâm trầm,
sâu sắc. Phải chăng “chỉ có tình cha con là không thể chết
được”? Câu chuyện về cha con ông Sáu cũng là câu chuyện của
bao nhiêu gia đình Việt Nam trong chiến tranh. Đó là một câu
chuyện với cảnh ngộ éo le, với những đau thương, mất mát.
Nhưng vượt lên trên tất cả cảnh ngộ éo le, những đau thương
mất mát của chiến tranh là tình cha con sâu nặng.


3. Đánh giá:
- Nhân vật “tôi” trong tác phẩm đã vô cùng xúc động trước
cuộc chia tay của cha con ông Sáu. Tình cha con của họ tỏa
sáng từ trong những éo le, khốc liệt của chiến tranh. Tác phẩm
là lời khẳng định và ca ngợi tình cảm cha con thiêng liêng như
một giá trị nhân bản sâu sắc, cao đẹp: Dù cuộc chiến tranh có
tàn khốc bao nhiêu cũng không thể nào dập tắt nổi những tình
cảm cao đẹp và bền vững của con người Việt Nam. “Chiến
tranh đã thử thách nghiệt ngã con người nhưng cũng bộc lộ vẻ
đẹp đầy bi tráng của tâm hồn Việt Nam.” (Trần Nho Thìn)
Những trang văn miêu tả cuộc chia tay giữa ông Sáu và bé Thu
là những trang văn thấm đẫm tình người - tình cảm mãnh liệt
của nhân vật, niềm cảm thông, xót xa của người kể chuyện
Tất cả những tình cảm này đã có sức lan truyền trực tiếp tới trái
tim người đọc. Tác giả Nguyễn Quang Sáng thực sự đã “làm
giàu thêm cho văn chương một cảnh chia li đầy xúc động và
xót xa giữa cha và con” (Nguyễn Văn Long).
- Truyện thành công ở nghệ thuật xây dựng tình huống, ngòi
bút miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật, lựa chọn nhân vật kể
chuyện thích hợp. Tác giả còn kết hợp nhuần nhuyễn giữa các
thủ pháp kể, tả với bình luận trữ tình, thay đổi điểm nhìn nhân

vật Người kể chuyện trong vai một người bạn thân thiết của
ông Sáu không chỉ là người chứng kiến khách quan và kể lại
mà còn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật. Đây là
một con người giàu lòng trắc ẩn, có sự thấu hiểu với những hi
sinh, mất mát mà bạn mình phải chịu đựng. Đồng thời qua
những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật kể chuyện, các chi tiết, sự
1,0

việc và nhân vật khác trong truyện bộc lộ rõ hơn, ý nghĩa tư
tưởng của truyện thêm sức thuyết phục.
Tổng

5,0

2. Đề thi vào 10 THPT,năm học 2013-2014–Chuyên Quốc học Huế.

ThS.Cao Đăng Ngọc Phượng – Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế ( giới thiệu)

Câu 1: Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:
“(1) Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm
giác riêng. (2) Có chiếc tựa mũi tên nhọn, tự cành cây rơi cắm phập xuống
đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng, thản nhiên, không
thương tiếc, không do dự vẩn vơ. (3) Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo
mấy vòng trên không, rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho
chậm tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. (4) Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan
khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng (…).”
( Khái Hưng, Ngữ văn 6, tập hai, trang 42)
1.1 Nội dung đoạn văn trên được trình bày theo cách nào? Vì sao?
1.2 Xét về cấu tạo, các câu (2),(3),(4) trong đoạn văn thuộc kiểu câu gì? Tác
dụng của kiểu câu đó trong đoạn văn?


Câu 2: Đọc hai câu chuyện sau và thực hiện các yêu cầu:
Câu chuyện 1
Một người nuôi trai lấy ngọc luôn suy nghĩ làm thế nào để tạo được viên
ngọc trai tốt nhất, đẹp nhất trên đời. Ông ra bãi biển để chọn một hạt cát và
hỏi từng hạt cát có muốn biến thành ngọc trai không. Các hạt cát đều lắc
đầu nguầy nguậy khiến ông sắp tuyệt vọng.
Đúng lúc đó có một hạt cát đồng ý, các hạt cát khác đều giễu nó ngốc, chui
đầu vào trong vỏ trai, xa lánh người thân, bạn bè, không thấy ánh mặt trời,
trăng sao, gió mát, thậm chí thiếu cả không khí, chỉ có bóng tối, ướt lạnh, cô
đơn, rất đau buồn, thử hỏi có đáng không? Nhưng hạt cát vẫn theo người
nuôi trai về không một chút oán thán.
Vật đổi sao dời, mấy năm qua đi, hạt cát đã trở thành viên ngọc lung linh,
đắt giá, còn những bạn bè chế giễu nó ngốc thì vẫn chỉ là những hạt cát…
Câu chuyện 2
Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt được vào bên trong cơ thể một
con trai. Vị khách không mời mà đến đó tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều
khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt
cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một
chất dẻo bọc quanh hạt cát.
Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình
thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp
2.1. Hãy đặt một nhan đề chung thể hiện hàm ý của cả hai câu chuyện trên.
2.2. Bằng một văn bản ( dài không quá một trang rưỡi giấy thi ), trong đó có
sử dụng một khởi ngữ và một câu hỏi tu từ ( gạch chân, xác định ), hãy nêu
suy nghĩ về bài học cuộc sống em nhận được từ hai câu chuyện.

Câu 3:
“Lời gửi của văn nghệ là sự sống”.
“Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một áng riêng, () và

chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta sống, (…) làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn,
óc ta nghĩ”.
( Nguyễn Đình Thi, dẫn theo Ngữ văn 9, tập hai, trang 14)
Từ việc tìm hiểu các ý kiến trên, hãy viết về “lời gửi” của một tác phẩm
trong chương trình Ngữ văn lớp 8 hoặc lớp 9 đã làm “thay đổi hẳn” cách
“nhìn”, cách “nghĩ” của em về con người và cuộc sống.

GỢI Ý
Câu 1:
1.1 Nội dung đoạn văn được trình bày theo cách diễn dịch.
- Vì: đoạn văn có câu chủ đề đứng đầu đoạn. Các câu còn lại trong đoạn văn
cùng hướng đến làm nổi bật ý đã nêu ở câu chủ đề.
1.2 Xét về cấu tạo, các câu (2),(3),(4) trong đoạn văn thuộc kiểu câu đặc
biệt ( không cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ).
- Tác dụng của kiểu câu đó trong đoạn văn: liệt kê, thông báo về sự tồn tại
của sự vật, hiện tượng: tăng tính thẩm mĩ, ấn tượng cho đoạn văn.

Câu 2:
2.1 Yêu cầu:
- Nhan đề được đặt phải chứa hàm ý gắn với nội dung ý nghĩa chung của hai
câu chuyện.
- Nhan đề được đặt cần ngắn gọn, súc tích, giàu tính hình tượng, thẩm mĩ.
2.2.
A.Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh viết văn bản nghị luận xã hội ( kiểu bài nghị luận về một tư
tưởng, đạo lí) có kết cấu ba phần: Mở bài – Thân bài – Kết bài, dài không
quá một trang rưỡi giấy thi. Bài viết có bố cục hợp lí, mạch lạc; diễn đạt trôi
chảy; chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ.
- Bài viết có sử dụng một khởi ngữ, một câu hỏi tu từ ( gạch chân, xác định
).

B. Yêu cầu về kiến thức:
- Học sinh nêu suy nghĩ về bài học cuộc sống nhận được từ hai câu chuyện.
- Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách. Sau đây là một số gợi ý:
* Nội dung tư tưởng của hai câu chuyện:
- Câu chuyện 1:
+ Trong cuộc sống, có những người do ngại khó, ngại khổ, chưa nhận ra giá
trị đằng sau những khó khăn, thử thách mà thiếu cố gắng, nỗ lực, thiếu ý chí,
quyết tâm…, chấp nhận làm “hạt cát” bé nhỏ, tầm thường.
+ Từ “hạt cát” tầm thường, để trở thành “ngọc trai” quý giá, con người phải
chấp nhận trải qua một quá trình thử thách gian khổ.
+ Có thử thách trong gian khổ, tôi luyện trong gian nan, con người mới có
thể thành công trong cuộc sống, đạt tới đỉnh vinh quang.
- Câu chuyện 2:
+ Cuộc sống vốn tiềm ẩn những khó khăn, biến cố bất thường.
+ Trước những khó khăn, biến cố đó, con người cần biết chấp nhận, đối mặt
với khó khăn, thử thách để vượt lên; hơn thế nữa, cần kiên trì, nỗ lực, quyết
tâm, chủ động biến thử thách thành cơ hội.
+ Có dũng cảm đối mặt, có nỗ lực, kiên trì…, con người mới tạo ra được
những thành quả có ý nghĩa, cống hiến cho đời.
* Bài học cuộc sống từ hai câu chuyện:
- Mỗi con người cần có ý chí, nghị lực, dám đối mặt và sẵn sàng chấp nhận
khó khăn, gian khổ trong cuộc sống. Đó chính là mấu chốt của thành công.
Trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi gặp biến cố bất thường hay phải đối
diện với cái xấu… con người cần chủ động, quyết tâm, luôn có ý thức vượt
qua để đạt tới thành công.
- Khó khăn, gian khổ cũng chính là điều kiện, là cơ hội để thử thách và tôi
luyện ý chí con người. Vượt qua nó, con người sẽ trưởng thành, tự khẳng
định được mình, sống có ý nghĩa hơn và đóng góp cho cuộc đời nhiều hơn.
Học sinh cần trình bày “bài học cuộc sống” với tình cảm chân thành, sâu
sắc; nêu được những vấn đề thực sự có ý nghĩa đối với cá nhân và cộng

đồng.

Câu 3:
1. Giải thích các ý kiến:
* Về ý kiến: “Lời gửi của văn nghệ là sự sống”.
- Văn nghệ là một loại hình nghệ thuật có giá trị to lớn trong việc tác động
vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức của mỗi người cũng như toàn xã hội: đem
đến cho con người một thế giới phong phú.
- “Lời gửi” của văn nghệ và các loại hình nghệ thuật khác chính là cuộc
sống, là sự sống; góp phần làm cho đời sống nhân sinh ngày càng tốt đẹp
hơn. Tác giả - người sáng tạo ra tác phẩm, chính là người đem “lời gửi” –
thông điệp về đời sống và con người – đến với các thế hệ bạn đọc.
* Về ý kiến: ““Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một áng
riêng, (…) và chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta sống, (…) làm cho thay đổi
hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”.”
- Tác phẩm văn học lớn có khả năng kì diệu trong việc tác động vào tư
tưởng, tình cảm, nhận thức của mỗi người cũng như toàn xã hội; để lại
những ấn tượng sâu sắc, có giá trị lâu dài.
- Mỗi tác phẩm văn học lớn đều đặt ra và giải quyết vấn đề theo một cách
riêng của nhà văn và cũng được bạn đọc tiếp nhận theo những con đường
riêng.
- Tác phẩm văn học lớn đánh thức những cảm xúc tốt đẹp trong tâm hồn độc
giả, giúp con người tự nhận thức, xây dựng và phấn đấu hoàn thiện mình
một cách toàn diện, bền vững.
=> Hai ý kiến ngắn gọn, cô động, sâu sắc cùng hướng đến thể hiện nội
dung, vai trò của văn nghệ nói chung và tác phẩm văn học nói riêng đối
với việc xây dựng, bồi đắp tâm hồn con người, làm cho cuộc sống ngày
càng hoàn thiện.
2. Phân tích lời gửi của một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 8
hoặc lớp 9.

Từ cách hiểu các ý kiến trên, học sinh viết về “lời gửi” của một “tác phẩm
lớn” trong chương trình Ngữ văn lớp 8 hoặc lớp 9 đã làm “thay đổi hẳn”
cách “nhìn”, cách “nghĩ” về con người và cuộc sống.
Sau đây là một số gợi ý:
- Giới thiệu những nét cơ bản về tác giả, tác phẩm.
- Phân tích để làm rõ:
+ “Lời gửi” của tác phẩm.
+ “Ánh sáng riêng” mà tác phẩm ấy ( bằng nội dung và nghệ thuật) đã rọi
vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức của mỗi con người cũng như toàn xã hội.
+ Từ “lời gửi” và “ánh sáng” ấy, tác phẩm đã cảm hóa, lôi cuốn, giúp mỗi
người tự thay đổi, tự nhận thức, tự xây dựng mình để được sống ý nghĩa
hơn, phong phú hơn với cuộc đời và với chính mình.
* Học sinh cần trình bày bài văn với tình cảm chân thành, sâu sắc; nêu
được những vấn đề thực sự có ý nghĩa không chỉ đối với cá nhân mà còn
với cả cộng đồng.

3.Đề thi vào 10 THPT Chuyên,năm học 2013-2014
thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 1: (4,0 điểm)
Ta hỏi một con chim: Ngươi cần gì? Chim trả lời: Ta cần bay. Một con
chim được ăn kê béo trong lồng sẽ trở thành một con gà bé bỏng tội nghiệp
và vô dụng. Ta hỏi dòng sông: Ngươi cần gì? Sông trả lời: Ta cần chảy. Nếu
một dòng sông không chảy thì chỉ là một vũng nước, khô cạn dần và biến
mất. Ta hỏi con tàu: Ngươi cần gì? Con tàu trả lời: Ta cần ra khơi. Nếu con
tàu không ra khơi, nó chỉ là một vật biết nổi trên mặt nước và sẽ chìm dần
theo thời gian. Ta hỏi một bạn trẻ: Bạn cần gì? Bạn ấy trả lời:
(Nguyễn Quang Thiều - Những câu hỏi không lãng mạn)
Là một bạn trẻ, em sẽ trả lời câu hỏi cuối văn bản trên như thế nào?


Câu 2: (6,0 điểm)
Để sống được hàng ngày tất nhiên phải nhờ vào những giá trị tức thời.
Nhưng để sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào
những giá trị bền vững. Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt
lên trên các giá trị nhất thời, vươn tới các giá trị bền vững
(Theo Nguyễn Khải)
Em hiểu như thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ điều đó qua việc
phân tích hai văn bản (một thơ và một văn xuôi) trong số các sáng tác
sau: Con cò - Chế Lan Viên, Bếp lửa - Bằng Việt, Nói với con - Y
Phương, Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng,Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang
Sáng, Bến quê - Nguyễn Minh Châu.

4. Đề thi vào 10 THPT Chuyên,năm học 2012-2013
thành phố Hồ Chí Minh.

Trần Tiến Thành – CV Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu
Câu 1: (4,0 điểm):
“Với trẻ con, thật không có gì đáng chán hơn một người bạn lúc nào cũng
rủ rê học bài hay làm bài. Để làm những điều đúng đắn đó, không cần phải
có bạn bè. Cứ ngoan ngoãn tuân theo lời người lớn, một đứa trẻ ắt biết mình
nên làm gì và không nên làm gì.
Một đứa bạn hấp dẫn là một đứa bạn lúc nào cũng xúi ta làm những điều
không nên làm và không làm những điều lẽ ra phải làm. Vì với một đứa trẻ,
ngồi trong rạp chiếu phim bao giờ cũng quyến rũ hơn ngồi trong lớp học,
ngồi vắt vẻo trên cành mận luôn thú vị hơn ngồi trên dãy ghế ở trung tâm
luyện thi. Điều đó hiển nhiên như tự do bao giờ cũng hấp dẫn hơn luật lệ”.
( Theo Nguyễn Nhật Ánh – Tôi là Bêtô)
Em có đồng ý với suy nghĩ trên không?

Câu 2: (6,0 điểm)

“Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm
ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà
trở nên thâm trần và rộng rãi đến trăm nghìn lần”
( Hoài Thanh, Ý nghĩa văn chương, SGK Ngữ văn 7 – tập 2)
Hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua một số tác phẩm văn học.

GỢI Ý
Câu 1:
Trình bày suy nghĩ về vấn đề trong đoạn trích tác phẩm “Tôi là Bêtô” của
Nguyễn Nhật Ánh.
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Năm được phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
- Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
- Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích,chứng minh,
bình luận…)
- Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Không mắc lỗi
diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, trình bày bài rõ ràng.
b. Yêu cầu về kiến thức:
- Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.
- Những người bạn chỉ “rủ rê học hành” dễ dẫn đến sự nhàm chán, đơn
điệu; những người bạn “xúi ta làm những điều không nên làm” thường đem
lại sự thú vị,lôi cuốn. Điều này phù hợp tâm lí trẻ con: thích vui chơi hơn
học hành; thích tự do hơn luật lệ.
-> “Người bạn hấp dẫn” là người bạn bổ sung hoặc đem lại những điều mà
những mối quan hệ khác không có. Dù đó là những việc đi ngược lại khuôn
phép.
Tuy nhiên, những người bạn “xúi ta làm những điều không nên làm” chỉ
thỏa mãn những hành động, việc làm mang tính nhất thời,dễ dẫn đến những
hậu quả tai hại.
Những người bạn chỉ “rủ rê học hành” hoặc chỉ “xúi ta làm những điều

không nên làm” đều mang tính phiến diện. Bạn bè cần giúp cho đời sống
tinh thần ta thêm phong phú và dần hoàn thiện nhân cách.
Với vai trò là một người bạn, bản thân học sinh cũng cần có những thái độ,
hành động thích hợp trong mối quan hệ bạn bè.
Trong cuộc sống, tự do và khuôn phép cần có mức độ, giới hạnh nhất định.
* Lưu ý: Học sinh cần có những dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.
- Rút ra bài học cho bản thân, rèn luyện thái độ sống đúng đắn.

Câu 2:
Làm sáng tỏ một nhận định của Hoài Thanh trong “Ý nghĩa văn chương”
qua một số tác phẩm văn học.
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm được phương pháp làm bài nghị luận văn học.
- Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
- Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận ( giải thích, bình luận, so
sánh mở rộng vấn đề…) Đặc biệt, học sinh phải nắm vững thao tác chứng
minh.
- Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
- Không mắc lỗi diễn đạt;không sai lỗi chính tả,dùng từ; trình bày bài rõ
ràng.
b. Yêu cầu về kiến thức:
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận.
- “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình
cảm ta sẵn có”: văn chương khơi gợi trong tâm hồn người đọc những tình
cảm mới mẻ và làm sâu sắc hơn những tình cảm sẵn có.
“Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên
thâm trần và rộng rãi đến trăm nghìn lần”: văn chương giúp con người
nhận ra chiều sâu ý nghĩa cuộc đời và sống phong phú hơn. Văn chương
giúp cho con người thoát ra khỏi không gian chật hẹp của chính mình.
Giá trị, chức năng của tác phẩm văn học là làm phong phú thêm đời sống

tâm hồn; có khả năng làm thay đổi cuộc sống; làm cho đời sống con
người đẹp hơn; sâu sắc hơn.
Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm, con đường tác động của tác phẩm
văn học đến người đọc là con đường tình cảm. Thế nên, văn học đem lại
những cảm xúc, tình cảm mà ta chưa có, đồng thời giúp cho những tình
cảm sẵn có trở nên sâu sắc hơn.
Mặt khác, tác phẩm văn học phản ánh hiện thực cuộc sống muôn màu,
muôn vẻ nên cũng đem đến những trải nghiệm đa dạng cho người đọc về
cuộc đời.
Học sinh chọn tối thiểu hai tác phẩm tiêu biểu và phân tích để làm sáng tỏ.
- Chỉ những tác phẩm văn học phản ánh chân thật, cụ thể hiện thực đời sống
và có hình thức nghệ thuật độc đáo thì mới có những tác động tích cực đối
với tâm hồn con người.
- Khái quát, đánh giá những vấn đề đã bàn luận.

5. Đề thi vào 10 THPT Chuyên,năm học 2011-2012
thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 1: (8 điểm)

Mẹ và Quả
- Nguyễn Khoa Điềm -

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
Suy nghĩ của anh/chị về tình cảm của người con đối với cha mẹ qua bài thơ
trên.
Câu 2: (12 điểm)
Qua một số tác phẩm văn xuôi đã học, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định:
" Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học"

6. Đề thi vào 10 THPT Chuyên,năm học 2013-2014
thành phố Hà Nội.

Câu 1: (4,0 điểm)
Nick Vujicic, người Úc, sinh năm 1982, đã phải đối diện với hoàn cảnh vô
cùng nghiệt ngã từ khi mới chào đời.
Tháng 5-2013, Nick đã đến Việt Nam. Mặc dù là một người không tay,
không chân, anh trở thành một diễn giả nổi tiếng trên toàn thế giới. Bằng trái
tim của mình, anh đã chạm đến trái tim của hàng triệu người.
Hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về những điều kỳ diệu của chàng
trai đặc biệt này.

Câu 2: ( 6 điểm):
Phân tích tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, để thấy được
đây là một tác phẩm có tính kịch và đậm chất trữ tình.
( Câu 2 này không phải đề bài cụ thể. Nhưng tinh thần của nó là vậy!)


7. Đề thi vào 10 THPT Chuyên,năm học 2012-2013
thành phố Hà Nội.

Câu 1 (4,0 điểm)
Một chàng trai đứng giữa thị trấn và tuyên bố trái tim mình đẹp nhất vì nó
chẳng có tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông cho rằng đó là trái tim đẹp nhất.
Một cụ già xuất hiện và nói rằng trái tim mình đẹp hơn. Chàng trai và mọi
người ngắm trái tim đang đập mạnh mẽ, đầy sẹo lởm chởm, rãnh
khuyết,…Anh khẳng định trái tim mình hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những
mảnh chắp vá nhiều vết cắt. Cụ già nói:
- Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người tôi yêu…Tôi
lấy một phần trái tim mình trao cho họ, thường họ cũng trao một phần tim
của họ để tôi lắp vào. Nhưng những phần tim chẳng hoàn toàn giống nhau:
cha mẹ trao cho tôi phần lớn hơn tôi trao cho họ, ngược lại với phần tim của
tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà
tôi luôn yêu mến. Thỉnh thoảng tôi trao phần tim của mình nhưng không
nhận được gì nên tim có vết khuyết. Dù đau đớn nhưng tôi luôn hy vọng
ngày nào đó những rãnh khuyết sẽ được bù đắp…
Những giọt nước mắt lăn dài trên má, chàng trai bước tới, lấy một phần trái
tim mình trao cho cụ. Cụ cũng lấy một phần trái tim đầy vết sẹo trao cho
chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp, tạo nên những đường
lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim anh không còn hoàn hảo nhưng
lại đẹp hơn bao giờ hết…
(Phỏng theo Quà tặng cuộc sống, báo Tuổi Trẻ - NXB Trẻ, 2004)
Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện trên.

Câu 2 (6,0 điểm)
Trong tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi khẳng định:
“Cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng”.
Giải thích ngắn gọn nhận định trên và làm sáng rõ tư tưởng “náu mình, yên

lặng” trong bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh).

8. Đề thi vào 10 THPT Năng khiếu
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 1998

“Văn học giúp con người hiểu biết hơn, tốt hơn và đẹp hơn”.
Dựa vào các tác phẩm văn học mà anh/chị đã học, đã biết hãy chứng minh ý
kiến trên.

9. Đề thi vào 10 THPT Năng khiếu
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm học 1999-2000

Bàn về thơ, nhà thơ Huy Cận có viết:
“Cái chỗ đến cuối cùng của thơ là phải đem đến một cái gì nâng sự sống
lên”.
Em hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên.

10. Đề thi vào 10 THPT Năng khiếu
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2000-2001

Nói về thơ và việc làm thơ, Hàn Mặc Tử viết:
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi vần thơ đều dính não cân ta”.
Chế Lan Viên lại viết:
“Bài thơ anh anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa để mùa thu làm lấy”.
Các ý kiến này có gì mâu thuẫn với nhau không? Bằng những hiểu biết của
mình, em hãy bàn luận cho vấn đề thêm sáng tỏ.

11. Đề thi vào 10 THPT Năng khiếu

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2002-2003

Văn học giúp cho con người hiểu con người hơn, hiểu cuộc đời hơn.
Hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên.

12. Đề thi vào 10 THPT Năng khiếu
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2005-2006

Đề bài trích dẫn bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy
Câu 1: (3,0 điểm)
a. Nhận xét về cách viết hoa, cách dùng dấu câu trong văn bản trên đây.
b. Nghĩa của chữ “tròn” được dùng ở khổ (4) và khổ (6) có gì giống và khác
nhau?
c. Hãy tóm tắt nội dung mỗi khổ trong bài thơ trên bằng một cụm từ hoặc
một câu văn ngắn [có đánh số từ (1) đến (6)]
Câu 2: (7,0 điểm)
Phân tích bài thơ theo định hướng sau:
So với cách “ngắm trăng” của Lí Bạch qua Cảm nghĩ trong đêm thanh
tĩnh(Tĩnh dạ tứ), Hồ Chí Minh trong Ngắm trăng(Vọng nguyệt), cách
“ngắm trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ Ánh trăng trên đây,
theo anh/chị, có điều gì gần gũi, và điều gì là mới mẻ, bất ngờ? Bài học thấm
thía rút ra từ hình tượng “ánh trăng” của ông là bài học gì?

13. Đề thi vào 10 THPT Năng khiếu
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2011

Câu 1: Nghị luận xã hội (3,0 điểm)
Từ hai câu thơ: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh” và “Người đồng
mình tự đục đá kê cao quê hương” của nhà thơ Y Phương trong bài thơ “Nói
với con”, em có suy nghĩ gì về khát vọng xây dựng quê hương của tuổi trẻ

Việt Nam hiện nay?
Câu 2: Nghị luận văn học (7,0 điểm)
Nguyễn Đình Thi trong bài “Tiếng nói của văn nghệ” có viết:
“Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống
cho tâm hồn người”
Qua các tác phẩm văn học mà em đã được học và đọc thêm, hãy bình luận
và làm sáng tỏ ý kiến trên.

14. Đề thi vào 10 THPT Năng khiếu
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2012-2013

Bàn về văn học, nhà văn Thạch Lam có viết:
“Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm
cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông
nhìn và thưởng thức”. (Theo giòng)
Bằng các tác phẩm đã học và đọc thêm trong chương trình Ngữ văn 9, hãy
làm sáng tỏ nhận định trên.

15. Đề thi vào 10 THPT Năng khiếu
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2013-2014

“Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (V.Biêlinxki).
Qua một số bài thơ đã học và đọc thêm, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

16. Đề thi vào 10 THPT Chuyên, năm học 2009-2010
thành phố Hồ Chí Minh

Câu 1 (8 điểm):
“Bước vào thế kỉ mới, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức đều sẽ
cản trở sự phát triển của đất nước”. (Vũ Khoan, Chuẩn bị hành trang vào thế

kỷ mới). Suy nghĩ của em về vấn đề trên.
Câu 2 (12 điểm):
Hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện sâu sắc qua các tác
phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9.

BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu 1 (8 điểm):
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, tuy nhiên cần đảm bảo được các
yêu cầu sau:
1. Giải thích câu nói:
- Thế kỉ mới: đặt trong bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới của tác giả
Vũ Khoan, đây là nhóm từ chỉ thế kỉ XXI, thế kỷ của khoa học công nghệ,
của sự hội nhập toàn cầu…
- Nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại: chỉ thái độ coi trọng, tôn trọng quá
mức (sùng), bác bỏ, tẩy chay, chê bai (bài) các yếu tố bên ngoài (ngoại). Đặt
trong văn cảnh, có thể hiểu “ngoại” là các yếu tố nước ngoài.
- Nội dung câu nói: khẳng định cả hai thái độ (sùng ngoại, bài ngoại) đều
không thể chấp nhận được, vì cản trở sự phát triển của đất nước trong thời
kỳ mới.
2. Chứng minh:
- Thế kỷ mới (thế kỷ XXI) là thời kỳ đất nước ta đi vào công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, hơn thế nữa “hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế
giới” (Vũ Khoan, Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới). Bước chân vào thế
kỷ mới, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam có rất nhiều cơ hội (hòa
nhập, mở rộng giao lưu về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ ) nhưng
cũng đứng trước không ít khó khăn, thử thách (trong đó có thử thách làm sao
giữ được bản sắc, truyền thống dân tộc). Vấn đề làm sao tận dụng những cơ
hội, ứng phó với thách thức do tiến trình hội nhập đem lại là vấn đề hết sức
to lớn, là mối quan tâm của tất cả mọi người.

- Nếp nghĩ nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức tất yếu sẽ nảy sinh trong
quá trình hội nhập, gây nên rất nhiều hậu quả, có thể kể ra:
+ Nếp nghĩ sùng ngoại: tạo ra nếp sống, cách nghĩ xa lạ với con người, dân
tộc Việt Nam, dẫn đến một điều nguy hại: làm mất đi bản sắc, thui chột
truyền thống dân tộc, không có ý thức phát huy lòng tự tôn dân tộc.
+ Nếp nghĩ bài ngoại: ngược lại với sùng ngoại, lại tạo ra cách sống, cách
nghĩ bảo thủ, trì trệ, lạc hậu
(Lưu ý: học sinh phải lấy dẫn chứng trong thực tế đời sống để chứng minh).
3. Khẳng định vấn đề, nêu suy nghĩ và phương hướng cho bản thân:
- Cả hai nếp nghĩ (sùng ngoại, bài ngoại) đều cực đoan, làm cản trở sự phát
triển của đất nước trong giai đoạn mới.
- Trong thời kỳ hội nhập, trong “mái nhà chung” thế giới, mỗi người Việt
Nam (trong đó có học sinh, thế hệ tương lai của đất nước) phải có ý thức
phấn đấu học tập, hòa nhập một cách sâu rộng vào “mái nhà chung” ấy,
đồng thời phải có ý thức phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ gìn bản sắc riêng
của dân tộc mình. Đó chính là một trong những hành trang bước vào thế kỷ
mới.
Câu 2 (12 điểm):
Đây là một dạng đề bài tổng hợp, yêu cầu học sinh chứng minh, trình bày
suy nghĩ, đánh giá, cảm nhận về hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được
thể hiện sâu sắc qua các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ
văn 9. Các em có thể trình bày bằng những cách khác nhau, song cơ bản cần
đáp ứng được một số yêu cầu sau:
1. Giới thiệu sơ lược về các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình
Ngữ văn 9:
- Văn học thời trung đại: là thời kỳ văn học lớn của dân tộc (từ thế kỷ X đến
hết thế kỷ XIX). Đây là thời kỳ văn học ra đời và phát triển dưới các triều
đại phong kiến Việt Nam. Vì vậy, theo quy luật phản ánh của văn học nói
chung, văn học trung đại Việt Nam là tấm gương phản chiếu xã hội phong
kiến Việt Nam

- Những tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9: Chuyện
người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), Chuyện cũ trong
phủ chúa Trịnh - trích Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (thế kỷ
XVIII), Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, một số trích đoạn
trong Truyện Kiềucủa Nguyễn Du (thế kỷ XVIII), một số trích đoạn
trong Truyện Lục Vân Tiêncủa Nguyễn Đình Chiểu (thế kỷ XIX). Đây là
những tác phẩm văn học trung đại ra đời trong thời kỳ xã hội phong kiến
Việt Nam suy tàn mục ruỗng. Vì vậy, hiện thực được phản ánh chủ yếu
trong các tác phẩm này chính là những mặt trái của xã hội. Đó là sự rối ren,
sự xấu xa, vô nhân đạo của xã hội với những thế lực chà đạp con người và
thân phận khổ đau của con người - nạn nhận của chính xã hội ấy.
2. Chứng minh các tác phẩm trên đã phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội
phong kiến Việt Nam:
Tập trung vào những phương diện chính sau đây:
* Phản ánh hiện thực rối ren, bộ mặt xấu xa, vô nhân đạo của xã hội phong
kiến:
- Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ: phản ánh chế độ nam
quyền, chiến tranh phong kiến phi nghĩa gây ra bao nhiêu bất hạnh cho con
người.
- Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh - trích Vũ trung tùy bút của Phạm Đình
Hổ: phản ánh cuộc sống xa hoa của tầng lớp vua chúa, sự nhũng nhiễu của
bọn quan lại thời Lê - Trịnh.
- Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái: sự rối ren của xã hội phong
kiến được phản ánh thông qua số phận bi thảm, bộ mặt hèn nhát của lũ vua
quan bán nước, hại dân ; sự đại bại của bè lũ xâm lược.
- Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du): phản ánh
bản chất bất nhân, phi nghĩa của bọn buôn người.
- Lục Vân Tiên gặp nạn (trích Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình
Chiểu): phản ánh sự tàn ác, toan tính thấp hèn của kẻ bất nhân.
* Phản ánh số phận khổ đau, bị chà đạp của con người, đặc biệt là người phụ

nữ:
- Là số phận oan trái, bi kịch của Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam
Xương của Nguyễn Dữ), bị chồng nghi ngờ về lòng chung thủy, bị dồn vào
bước đường cùng, phải tìm đến cái chết ở bến Hoàng Giang.
- Là số phận chìm nổi Thúy Kiều, một người con gái tài sắc, đang sống trong
cảnh ấm êm, bỗng chốc rơi vào thảm cảnh: bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích
với bao nhiêu bẽ bàng, chua xót (Kiều ở lầu Ngưng Bích); trở thành món
hàng trong tay bọn buôn người (Mã Giám Sinh mua Kiều).
- Là Lục Vân Tiên nhân hậu nhưng trở thành nạn nhân của những toan tính
thấp hèn, âm mưu hiểm độc (Lục Vân Tiên gặp nạn).
3. Đánh giá chung, trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân:
- Hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện trong các tác phẩm
nói trên được thể hiện vừa sâu sắc (trên nhiều phương diện), vừa sinh động
(dưới nhiều hình thức thể loại, các kiểu dạng nhân vật phong phú). Hiện
thực ấy đã giúp các tác giả tái hiện lại bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam
trong những giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt làm nên giá trị hiện thực -
một trong những phương diện tư tưởng quan trọng của tác phẩm.
- Thông qua hiện thực ấy, các tác giả (Nguyễn Dữ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn
Du ) đã lên tiếng tố cáo đanh thép xã hội phong kiến, thể hiện sự bất bình
cao độ, đặc biệt là cất lên tiếng nói đồng cảm, xót xa, bênh vực và bảo vệ
con người.
- Thông qua hiện thực ấy, ta hiểu được tài năng và cả tấm lòng của các tác
giả văn học thời trung đại.
Người giải đề thi: ThS TRIỆU THỊ HUỆ
(Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM)

17. Đề thi vào 10 THPT, năm học 2013-2014
Chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định
Câu 1: (2,0 điểm)
Từ “mặt trời” trong các ví dụ sau được sử dụng theo biện pháp tu từ

nào? Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?
a) Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng
(Trích “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” - Nguyễn Khoa Điềm)
b) Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
(Trích “Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)
Câu 2: (1,0 điểm)
Khi trò chuyện với bác họa sĩ, nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ
Sa Pa” của Nguyễn Thành Long có nói:
“- Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi
xa lắm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng
viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một – không.
Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa.
Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú ấy nói: nhờ
cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không
quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu,
thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố
cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một – hòa nhé!”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng
từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không,
đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác
vẽ hơn” (Theo sgk Ngữ văn 9- Tập 1- tr 185- NXBGD- 2006)
- Qua những lời tâm sự trên, theo em, lí do nào khiến anh thanh niên cảm
thấy hạnh phúc?
- Nêu ngắn gọn những cảm nhận của em về nhân vật qua đoạn văn?
Câu 3: (2,0 điểm)
Từ niềm hạnh phúc của nhân vật anh thanh niên thể hiện qua lời tâm sự
trên, hãy viết một đoạn văn khoảng 15- 20 câu (có đánh số thứ tự các câu
trong đoạn văn) nêu lên suy nghĩ và quan niệm của em về hạnh phúc?
Câu 4: (5,0 điểm)

“Thơ là tiếng lòng” (Tố Hữu).
Hãy lắng nghe tiếng lòng của Thanh Hải qua đoạn thơ sau trong bài “Mùa
xuân nho nhỏ”:
Ta làm con chim hót
……………………
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.

GỢI Ý
Câu
Ý
Nội dung
1
Tiếng Việt

a
Hình ảnh “mặt trời” trong các ví dụ trên được dùng theo biện pháp tu từ:
- Câu a) biện pháp điệp từ “mặt trời” ở cả hai câu thơ; ẩn dụ “mặt trời” ở câu thơ thứ hai.
- Câu b) biện pháp điệp từ “mặt trời” ở cả hai câu thơ, ẩn dụ “mặt trời” ở câu thứ hai.
b


Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong các câu:
- Câu a: Nghệ thuật điệp từ “mặt trời” tạo sự liên kết chặt chẽ về nội dung, hình thức ở hai câu
thơ. Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời của mẹ” để chỉ đứa con và sự quý giá của con đối với mẹ, nhấn
mạnh vào tình yêu con, tình mẫu tử cao cả, thiêng liêng.
- Câu b: Nghệ thuật điệp từ “mặt trời” tạo sự liên kết chặt chẽ về nội dung, hình thức ở hai câu
thơ. Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời” ở câu thứ hai để chỉ Bác Hồ kính yêu và sự lớn lao, vĩ đại của
Người; thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ của nhân dân, của nhà thơ đối với Bác.
- Tác dụng chung của các biện pháp tu từ: Đều nhấn mạnh vào nội dung cần thể hiện, làm cho

các câu thơ trở nên vừa cụ thể, sinh động, giàu hình ảnh, vừa đa nghĩa, có sức gợi.
2
Văn học

a
Anh thanh niên cảm thấy hạnh phúc vì:
- Anh lập được thành tích, góp phần phát hiện một đám mây khô giúp không quân ta hạ được
máy bay phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Với anh, hạnh phúc là niềm vui được cống hiến,
làm việc có ích cho đất nước.
- Anh tự hào vì có ông bố “tuyệt lắm”, hai bố con cùng thi đua lập chiến công góp phần của
mình cho đất nước. Niềm hạnh phúc của anh thanh niên còn là được sống, làm việc cùng
những người thân yêu nhất vì mục đích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
b
Cảm nhận về nhân vật qua đoạn văn:
- Anh thanh niên đóng góp tích cực cho cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước nhưng là người
rất khiêm tốn, vô tư, đáng yêu.
- Anh có lí tưởng sống đẹp, là người yêu gia đình, nhiệt tình cống hiến cho đất nước.
3
Viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ, quan niệm về hạnh phúc

Về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn nghị luận đúng về hình thức, dung lượng (15- 20
câu, có đánh số thứ tự các câu), biết vận dụng một số thao tác lập luận để bày tỏ suy
nghĩ, quan niệm của bản thân. Diễn đạt trong sáng.
Về kiến thức: Cần đảm bảo một số ý:
- Giải thích: Hạnh phúc là niềm vui, sự sung sướng khi được thỏa mãn nhu cầu nào đó về vật chất,
về tinh thần. Có những niềm hạnh phúc lớn lao, cao cả, cũng có những niềm hạnh phúc bình dị, đơn
sơ. (Dẫn chứng)
- Quan niệm về hạnh phúc: Từ niềm hạnh phúc của nhân vật anh thanh niên học sinh có thể nêu
quan niệm của bản thân về hạnh phúc. Chấp nhận những quan niệm khác nhau về hạnh phúc, miễn
là có cách lí giải phù hợp và đặt quan niệm đó trong hoàn cảnh hiện tại, đối với lứa tuổi học sinh. Ví

dụ: Hạnh phúc là được học tập, được theo đuổi những khát vọng chân chính; được thực hiện những
ước mơ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, góp phần đem lại lợi ích chung cho xã hội; hạnh
phúc là được sống trong một gia đình êm ấm, thương yêu…
- Bàn luận:
+ Phê phán những người không biết trân trọng hạnh phúc mà mình đang có, không có ý thức vun
đắp cho hạnh phúc, chỉ biết tận hưởng hạnh phúc một cách ích kỉ.
+ Hạnh phúc không tự đến. Con người cần phải biết tự mình tạo nên hạnh phúc, phấn đấu hết mình
cho hạnh phúc của bản thân, gia đình và góp vào phần chung cho cộng đồng, xã hội. Khi gặp phải
những bất hạnh, khổ đau trong cuộc đời không nên bi quan, chán nản mà cố gắng vượt qua, xem đó
như cái giá của hạnh phúc, càng thấy hạnh phúc đáng quý hơn. (Dẫn chứng)
- Rút ra bài học nhận thức và hành động: Biết trân trọng hạnh phúc, biết tạo nên hạnh phúc chân
chính bằng những cố gắng của bản thân.
4
Thơ là tiếng lòng…

Yêu cầu chung:
Về kĩ năng: Biết viết bài văn có bố cục rõ ràng, biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, các
phương thức biểu đạt. Diễn đạt trong sáng.
Về kiến thức: Hiểu được ý nghĩa nhận xét của Tố Hữu. Cảm nhận và phân tích tiếng lòng của tác
giả Thanh Hải, nghệ thuật thể hiện tiếng lòng ấy qua đoạn thơ.
Yêu cầu cụ thể: Cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:
- Giới thiệu vấn đề: Thơ là tiếng nói tình cảm, là “tiếng lòng” của người làm thơ. “Mùa xuân nho
nhỏ” là tiếng lòng của Thanh Hải gửi lại cuộc đời trước lúc đi xa. Bài thơ được viết vào tháng 11-
1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời. Đó là tiếng nói bộc lộ tình cảm mến yêu, gắn bó
thiết tha với cuộc đời, với quê hương, đất nước. Đoạn thơ là ước nguyện chân thành, là lời tâm niệm
thể hiện tiếng lòng ấy của tác giả.
- Giải thích ý kiến của Tố Hữu: Tiếng lòng ở đây được hiểu là tiếng nói của tâm hồn, là cảm xúc.
Tố Hữu đã đề cập tới đặc trưng quan trọng nhất của thơ ca: là tiếng nói của tình cảm.
- “Tiếng lòng” của Thanh Hải qua đoạn thơ:
+ Đó là tiếng lòng khát khao hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân, đất nước; đem cái riêng

của mình hòa vào với cái chung: Nhà thơ muốn làm con chim, nhành hoa, nốt trầm xao xuyến
đem đến những âm thanh, những màu sắc, hương thơm cho cuộc đời. (Học sinh phân tích khổ “Ta
làm con chim hót…”)
+ Tiếng lòng khát khao hòa nhập ấy được đẩy lên cao trở thành một lẽ sống cao đẹp, lẽ sống
cống hiến và hi sinh: Nhà thơ nguyện làm một “mùa xuân nho nhỏ”, nguyện đem phần nhỏ bé
nhưng đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất cống hiến cho đất nước; nguyện sống với tất cả sức sống tươi trẻ
của mình để hiến dâng cho cuộc đời chung. Lẽ sống ấy rất giản dị, đáng quý, đáng trân trọng. Nó
càng đáng quý hơn vì nó bền bỉ qua thời gian, bất chấp những thử thách, thăng trầm trong cuộc đời.
“Dù là tuổi hai mươi” hay là “khi tóc bạc” đều nguyện sống với tâm niệm của mình- “lặng lẽ dâng
cho đời”. Những câu thơ ngắn nhưng là cả một sự trải nghiệm của cuộc đời nhà thơ: tuổi trẻ đi theo

×