Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

Bài giảng Ô nhiễm môi trường nước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (231.52 KB, 16 trang )

Bài: Ô nhiễm môi trường nước
Phạm Minh Khuê, Phạm Văn Hán
- Đối tượng: Bác sĩ YHDP
- Số tiết: 4
MỤC TIÊU:
1. Định nghĩa được ô nhiễm nước, các nguồn, các tác nhân gây ô nhiễm môi
trường nước và tác hại của ô nhiễm môi trường nước đối với sức khỏe con
người.
2. Đề xuất được các phương pháp xử lý nước thải, và các biện pháp phòng
chống ô nhiễm nguồn nước.
3. Áp dụng được những kiến thức đã học để tuyên truyền giáo dục sức khỏe
cho cộng đồng về vệ sinh môi trường nước và cách phòng chống ô nhiễm
nước.
NỘI DUNG:
1. Khái niệm ô nhiễm môi trường nước
Ô nhiễm môi trường nước là khi thành phần của nước bị biến đổi và trở nên không
thích hợp trong sử dụng hằng ngày của người dân dù ở trạng thái nào khác biệt với
trạng thái ban đầu.
Sự biến đổi tính chất lý hoá và vi sinh vật của nước với sự có mặt của các chất ở
thể lỏng, thể khí hay thể rắn làm cho nước trở nên độc hại, gây nguy hiểm đến
người sử dụng, có hại cho sức khoẻ hoặc không thích hợp để sử dụng trong sinh
hoạt, trong các ngành công nghiệp, thể dục thể thao, hoặc trong các mục đích chăn
nuôi gia súc, nuôi cá và các loại sinh vật khác sống trong môi trường nước.
Người ta còn nói đến ô nhiễm nước ở trường hợp nước thay đổi nhiệt độ có liên
quan đến vấn đề tập trung các nguồn nước thải nóng của các vùng đô thị. Trường
hợp này gọi là “ô nhiễm nhiệt”.
Hiến chương Châu Âu về nước đã định nghĩa: “Ô nhiễm nước là sự biến đổi nói
chung do con người với chất lượng nước, làm nhiễm bẩn nước và gây nguy hiểm
cho con người, cho công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, nghỉ ngơi, giải
trí, cho động vật nuôi và các loài hoang dã”.
Theo Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam số 52/2005QH11 ngày 29 tháng 11


năm 2005 thì ô nhiễm môi trường được định nghĩa là: “sự biến đổi của các thành
phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng
xấu đến con người, sinh vật”. Còn theo Luật Tài nguyên nước của Việt Nam
(1999) thì "Ô nhiễm nguồn nước là sự thay đổi tính chất vật lý, hoá học và thành
phần sinh học của nước vi phạm tiêu chuẩn cho phép”.
Ô nhiễm nước có nguồn gốc tự nhiên: do mưa, tuyết tan, gió bão, lũ lụt đưa vào
môi trường nước chất thải bẩn, các sinh vật và vi sinh vật có hại kể cả xác chết của
chúng.
Ô nhiễm nước có nguồn gốc nhân tạo: quá trình thải các chất độc hại chủ yếu dưới
dạng lỏng như các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vào
môi trường.
Theo bản chất các tác nhân gây ô nhiễm, người ta phân ra các loại ô nhiễm
nước như sau: Ô nhiễm vô cơ, hữu cơ, Ô nhiễm hoá chất, Ô nhiễm sinh học, Ô
nhiễm bởi các tác nhân vật lý.
Những hậu quả do nguồn nước bị ô nhiễm đã tác động mạnh mẽ đến sức khoẻ
cộng đồng trên toàn thế giói. Nhiều tổ chức quốc tế (UNEP, WHO, GEMS) đã
được thiết lập nhằm theo dõi, can thiệp để hạn chế những nguy cơ do ô nhiễm
nước gây ra. Các báo cáo của WHO cho thấy:
- 80% các bệnh tật của các nước đang phát triển có liên quan đến sử dụng
nước bị ô nhiễm.
- Một nửa số giường bệnh trên toàn thế giới là các bệnh có liên quan đến
nước.
- 25.000 người chết hàng ngày trên thế giới có liên quan đến việc sử dụng
nước bị nhiễm bẩn.
Để xác định các nguyên nhân gây ô nhiễm nước, người ta đã đưa ra những lý giải
như sau:
- Do quá trình đô thị hoá, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển
công nghiệp giao thông vận tải… đã đưa vào nguồn nước một khối lượng
khá lớn các chất bẩn đa dạng làm thay đổi đặc tính tự nhiên của nước.
- Do đó, chúng ta có thể định nghĩa ô nhiễm nước như sau: “Nước bị coi là ô

nhiễm khi thành phần của nước bị thay đổi, hoặc bị huỷ hoại làm cho không
thể sử dụng nước vào mọi hoạt động của con người và sinh vật”
Một khi, nguồn nước bị ô nhiễm, thì thành phần và bản chất của nguồn nước sẽ
thay đổi, biến dạng.
- Thay đổi tính chất lý học (màu, mùi, vị, độ trong pH…)
- Thay đổi thành phần hoá học như hàm lượng các chất hữu cơ, các chất vô
cơ, các hợp chất độc )
- Thay đổi hệ vi sinh vật có trong nước (làm tăng hoặc giảm vi sinh vật hoại
sinh, vi khuẩn, vi rút ) hoặc xuất hiện trong nước các loại sinh vật mà trước
đây không có trong nguồn nước.
2. Nguồn gốc của ô nhiễm nước
Trong hoạt động sống của mình, hàng ngày con người đã thải vào môi trường
xung quanh một khối lượng nước bẩn tương đương với khối lượng nước sạch đã
được cung cấp. Nước bẩn thải ra từ các khu dân cư, đô thị, thành phố, các nhà máy
xí nghiệp v.v. có chứa một khối lượng lớn chất bẩn rất đa dạng. Khi nước bẩn
chảy vào nguồn nước sẽ làm thay đổi những đặc tính cơ bản của nguồn nước tự
nhiên. Ví dụ như thay đổi tính chất cảm quan của nước, làm cho nước có màu, mùi
đặc biệt, hoặc thay đổi thành phần hoá học của nước, làm tăng hàm lượng chất hữu
cơ, muối khoáng xuất hiện các hợp chất độc hại, hoặc thay đổi hệ sinh vật trong
nước, xuất hiện các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Ngày nay, với mật độ dân đô
thị ngày càng tăng, chính phủ và cộng đồng ngày càng quan tâm tới lĩnh vực
bảo vệ môi trường, mối liên quan giữa chất lượng môi trường và sức khoẻ
ngày càng được hiểu rõ, đồng thời những tổn thất kinh tế do ô nhiễm nước gây ra
cũng được đánh giá chính xác hơn nên đã thúc đẩy cải thiện các biện pháp áp dụng
nhằm kiểm soát ô nhiễm.
Nước có thể bị nhiễm bẩn bởi nhiều nguồn gốc khác nhau và mỗi nguồn gây ra ô
nhiễm nước lại có nhiều tác nhân ô nhiễm. Thông thường nước bị nhiễm bẩn bởi
cả nguồn gốc tự nhiên (như mưa bão, lũ lụt, núi lửa, xâm nhập mặn, hay do các
yếu tố tự nhiên trong đất như asen, sắt v.v.) và các nguồn gốc nhân tạo (nước thải
và chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, giao thông,

du lịch, chiến tranh v.v.). Phần này tập trung mô tả các nguồn ô nhiễm nước có
nguồn gốc nhân tạo.
2.1. Do các chất thải sinh hoạt
- Do quá trình đô thị hoá: Mật độ dân cư đông, nhà ở chật chội…
- Hệ thống cống rãnh tiêu nước thải không đảm bảo, tiêu thoát nước kém,
nước thải đổ ra sông ngòi không qua xử lý…
- Ngày càng nhiều rác từ nhiều nguồn khác nhau, xử lý rác còn kém, gây ô
nhiễm nặng nề.
- Chất thải trong sinh hoạt hàng ngày bao gồm:
o Nước dùng để tắm, rửa, giặt quần áo
o Nước qua chế biến thức ăn uống
o Nước lau cọ nhà cửa
o Nước tiểu, nước từ các hố xí tự hoại
o Rác bẩn trong nhà
o Phân người và gia súc
Ở Việt Nam, hầu hết nước thải sinh hoạt đều không được xử lý mà đổ thẳng vào
các nguồn tiếp nhận làm mức độ ô nhiễm tại các con sông trên toàn quốc đang
ngày càng ở mức đáng báo động.
2.2. Do các chất thải nông, lâm nghiệp
- Nhiều nơi vẫn còn tập quán sử dụng phân tươi bón ruộng. Việc lạm dụng
các loại phân vô cơ, các loại hoá chất bảo vệ thực vật dùng tràn lan, số
lượng nhiều, không đảm bảo thời gian phân huỷ hợp lý, dùng nhiều loại hoá
chất cực độc mà có loại đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng.
- Rừng bị tàn phá nặng nề, quá trình tái sinh rừng chậm, chất lượng rừng
kém.
2.3. Do các chất thải công nghiệp
- Các chất thải từ các quy trình sản xuất đã làm nhiễm bẩn toàn bộ môi
trường: không khí, đất, nước.
- Các chế độ xét duyệt về vệ sinh xây dựng, thiết kế nhà máy, xí nghiệp cũng
như các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp chưa được thực hiện nghiêm chỉnh.

- Hiện nay nhiều nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa có được quy trình xử lý nước
thải, rác. Những chất thải này không qua xử lý thường được thải ngay ra ao,
hồ, hay vào không trung một lượng lớn CO, CO2, SO2, SH2…
Tại Việt Nam, tại một số lưu vực sông lớn, nước thải công nghiệp hiện có lượng
thải đứng thứ 2 sau nước thải sinh hoạt. Ví dụ, tỷ lệ các nguồn nước thải tính theo
lưu lượng thải trong lưu vực sông Nhuệ-Đáy là: sinh hoạt chiếm 56%, công nghiệp
chiếm 24%, trồng trọt và chăn nuôi chiếm 16%, nước thải làng nghề chiếm 4%.
Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2006) thì từ nay đến năm 2010,
lượng nước thải công nghiệp tại các tỉnh thuộc lực vực hệ thống sông Cầu, Nhuệ-
Đáy và hệ thống sông Đồng Nai tiếp tục gia tăng. Nước thải công nghiệp hình
thành do quá trình sử dụng nước trong sản xuất. Điều kiện hình thành nước thải,
số lượng và thành phần nước thải rất khác nhau. Cho tới nay người ta biết tới trên
140 loại nước thải công nghiệp.
Thành phần và tính chất của nước thải từ các ngành sản xuất khác nhau là khác
nhau và do đó cũng có tác động khác nhau tới chất lượng nước. Ví dụ, nước thải
của ngành cơ khí-chế tạo máy chứa nhiều dầu mỡ và chất rắn lơ lửng, nước thải
của ngành chế biến thực phẩm chứa nhiều chất hữu cơ, nước thải của ngành sản
xuất dệt nhuộm chứa nhiều loại hóa chất như xút, thuốc tẩy, phèn, nhựa thông,
phẩm màu v.v. (Bộ Tài nguyên môi trường 2006).
Rác thải công nghiệp: Trong quá trình sản xuất, nhiều phế thải, rác thải đã được
đưa vào môi trường xung quanh, trong đó có môi trường nước. Bã thải công
nghiệp có khối lượng khá lớn ví dụ như xỉ than của ngành nhiệt điện; vỏ
hoa quả, bã mía trong ngành công nghiệp thực phẩm, các hoá chất trong
ngành công nghiệp hoá chất.
2.4 Do các chất thải của ngành nông nghiệp và chăn nuôi
Trong nông nghiệp người ta đã sử dụng nhiều loại phân bón để tăng năng suất cây
trồng như phân người, phân gia súc, phân xanh, phân hoá học. Để bảo vệ hoa màu
người ta đã dùng nhiều loại hoá chất trừ sâu, diệt cỏ để tiêu diệt sâu bệnh và cỏ
dại. Sự dư thừa của phân bón và hoá chất trừ sâu diệt cỏ đã là những tác nhân gây
ô nhiễm nước.

2.5 Do các nước thải y tế
Theo quy định, nước thải y tế là loại nước thải nguy hại, cần phải được xử lý triệt
để trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Tuy nhiên trong thực tế, hầu hết các cơ sở y
tế trên cả nước chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc nếu có thì cũng ở quy mô
nhỏ, công suất chưa đáp ứng với lượng nước thải thải ra hằng ngày (Bộ
Tài nguyên và Môi trường 2006). Một số bệnh viện và trung tâm y tế đã
có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa triệt để. Ví dụ, theo Sở Tài
nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (2006) thì tổng lượng
nước thải y tế thải ra trên toàn thành phố là 17.000 m3/ngày, trong đó đã
có 13.000 m3/ngày đã được xử lý (chiếm khoảng 78%). Tuy nhiên, tỷ lệ nước
được xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 6772-2000 mới chỉ đạt 26% so với tổng lượng
nước thải. Phần lớn nước thải y tế đều được thải trực tiếp vào hệ thống tiếp nhận
nước thải sinh hoạt và đổ vào nguồn nước mặt trong lưu vực các sông làm gia tăng
nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
2.5 Do các nguồn gây ô nhiễm khác
Ngoài các nguồn gốc kể trên, nước còn bị ô nhiễm bởi các chất thải trong ngành
giao thông đường thuỷ. Các chất thải hàng ngày trên con tàu như phân, nước tiểu,
rác, nước rửa sàn tàu, dầu mỡ v.v. đều được đổ xuống sông biển. Không khí bẩn
tại các khu công nghiệp, đất bẩn bởi rác, phân trong các khu dân cư cũng là nguồn
gốc gây ra ô nhiễm nước và ô nhiễm môi trường. Rất nhiều con sông chảy qua các
thành phố lớn ở những nước đang phát triển đã và đang đóng vai trò như là hệ
thống cống rãnh mở dẫn các loại nước thải của thành phố. Rác thải sinh hoạt và
rác thải công nghiệp đã gia tăng tổng lượng ô nhiễm vượt xa khả năng tự làm sạch
của những con sông này. Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia 2006 thì 3 lưu vực
sông bị ô nhiễm vào loại nặng nhất Việt Nam là lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ-
Đáy và hệ thống sông Đồng Nai (Bộ Tài nguyên Môi trường 2006). Trên ba lưu
vực sông này có hai vùng kinh tế trọng điểm và cũng là vùng tập trung đông dân
cư nhất. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các con sông đang ở mức báo động và
nhiều đoạn đã trở thành sông chết.
3. Những hậu quả do nguồn nước bị ô nhiễm gây nên

3.1. Do các chất hữu cơ dễ phân huỷ
Nguồn nước có thể bị ô nhiễm do các chất hữu cơ động vật và thực vật do quá
trình thối rữa, phân huỷ của chúng.
Khi nguồn nước bị ô nhiễm nhẹ (lượng oxy hoà tan trong nước ở trên mức giới
hạn cho phép) các chất hữu cơ sẽ bị phân huỷ bởi các vi khuẩn hiếu khí tạo thành
các sản phẩm trung gian, gây ô nhiễm như: nitrat, nitrit, sunphat, phosphat, CO2…
Khi nguồn nước bị nhiễm bẩn nặng (lượng oxy hoà tan bị giảm đến mức tối thiểu),
quá trình phân huỷ các chất hữu cơ sẽ do các vi khuẩn kị khí đảm nhận và tạo ra
các sản phẩm gây nhiễm bẩn nước như indol, scartol, H2S, NH3, CH4…
Để đánh giá mức độ nhiễm bẩn của nước do các chất hữu cơ, người ta thường sử
dụng các chỉ số sau đây:
- Nồng độ oxy hoà tan trong nước
- Nhu cầu hoá học oxy
- Nhu cầu sinh hoá oxy
3.2. Những nguy cơ do tác nhân sinh học gây ra trong nước
Những nguy cơ sinh học chính truyền qua nước có thể xếp thành 4 loại: vi khuẩn,
vi rút, ký sinh trùng và các loại vi sinh vật khác.
Những chất gây ô nhiễm được phát hiện: phân, nước tiểu, có nguồn gốc người
hoặc động vật, nước thải sinh hoạt…
Sự nguy hại đến sức khoẻ con người do uống nước trực tiếp, do ăn các loại thực
phẩm hoặc do sử dụng nước trong chế biến thức ăn, vệ sinh cá nhân…
Có thể phân loại ô nhiễm nước do tác nhân sinh học như sau:
3.2.1. Vi khuẩn gây bệnh đường ruột
Trong các loại vi khuẩn gây bệnh, có những loại gây ra các bệnh hiểm nghèo như
tả, thương hàn hoặc các bệnh dễ lan truyền nhanh như ỉa chảy trẻ em, lỵ và các
bệnh đường ruột khác.
Nhóm Salmonella có thể truyền qua sò, hến hoặc chúng tồn tại trong vùng nước bị
ô nhiễm mà không thực hiện các biện pháp tiệt trùng.
Đường lan truyền của các bệnh dịch tả: Người bệnh - nước bẩn - nước sông -cung
cấp nước sạch và con người.

Để phòng chống các loại bệnh do các vi khuẩn gây bệnh chúng ta phải căn cứ vào
đường truyền bệnh của các loại bệnh này.
Cách khống chế:
- Cải thiện việc cung cấp nước cả về số lượng và chất lượng
- Xử lý vệ sinh phân tốt
- Giữ vệ sinh thực phẩm, cá nhân và gia đình
- Điều trị sớm và triệt để
3.2.2. Virus
Một số virus phát triển trong bộ máy tiêu hoá của người và chúng sẽ bị thải ra một
số lượng lớn trong phân và có thể có trong nước thải sinh hoạt và nước bị ô nhiễm.
Thường trong nước thải và nước bị ô nhiễm có virus đường ruột (virus bại liệt,
coxackie, Echo), adenovirus reovirus và virus viêm gan.
Cách khống chế: Ngoài các biện pháp trên cần phải sử dụng biện pháp tiêm phòng
vacxin.
Phân của người bị nhiễm trùng
Người bị cảm nhiễm
Nước
Thực phẩm
3.2.3. Giun sán
Loại nhiễm giun không có vật chủ trung gian
Đường lây truyền
Cách khống chế: Xử lý phân hợp vệ sinh để đất không bị ô nhiễm
Loại nhiễm sán do vật chủ trung gian sống trong nước
Bệnh sán lá gan (Clonorchiasis), sán lá ruột (Fassei slipsiasis), sán máng
(Schistosomiasis) và bệnh sán lá phổi (Paragonimiasis).
Đường lây truyền:
Rau-thực phẩm
Đất
Phân người bệnh
Người cảm nhiễm

Phân người bệnh
Nước
ốc
Cá-Sò-Hến
Người cảm nhiễm
Cách khống chế:
- Không ăn sống các loại thuỷ sản nuôi trồng trong nước
- Điều trị triệt để người mắc bệnh
3.2.4. Các bệnh do côn trùng có liên quan đến nước
- Muỗi gây bệnh sốt rét: Gồm 4 loài chính: Anophen minimus, A.dirus, A.
sundaicus, A. subpictus. Muỗi đốt người bệnh sốt rét, ký sinh trùng trong máu
người bệnh được hút vào trong dạ dày muỗi và phát triển qua nhiều giai đoạn. Khi
muỗi đó đốt người lành, chúng nhả ký sinh trùng sốt rét vào trong máu người lành
và gây bệnh sốt rét.
- Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết tên là Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn.
Chúng sống và đẻ trứng trong nước. Loại muỗi này đốt người và gây ra bệnh sốt
xuất huyết.
- Muỗi gây bệnh giun chỉ tên là culex pipiens chúng sống trong ao tù nước đọng,
các vùng nước bẩn lưu lâu ngày.
Cách phòng tránh các bệnh trên:
- Tiêu diệt các nơi muỗi đẻ, dụng cụ đựng nước có nắp đậy, thường xuyên
thay rửa dụng cụ đựng nước ăn, khơi thông cống rãnh, loại bỏ các nơi có nước tù
đọng.
- Diệt ấu trùng muỗi: Thả cá để cá ăn bọ gậy trong bể đựng nước, nhỏ dầu
diesen vào những vùng nước tù đọng.
- Diệt muỗi bằng phun thuốc, hương diệt muỗi.
- Chống muỗi đốt, ngủ trong màn, dùng màn có tẩm thuốc diệt muỗi ở
những nơi thường xuyên có dịch.
4. Những nguy cơ cho sức khoẻ do tác nhân hoá học
4.1. Các kim loại nặng

Nước có thể bị nhiễm độc bởi một số chất độc hoá học như các kim loại nặng,
các chất phóng xạ và các chất gây ung thư.
Nguyên nhân do nước bị nhiễm bẩn nước thải công nghiệp hoặc các chất hoá
học dùng trong đời sống và trong sinh hoạt.
- Chì (Pb): Nước có các khí CO2 và O2 dưới dạng hoạt tính có thể hoà
tan chì ở ống dẫn nước, dụng cụ đựng…Lượng chì có trong nước vượt
quá 0,1 mg/lít gây nguy hại cho sức khoẻ.
- Đồng (Cu): Nước thải công nghiệp là nguyên nhân của việc nước có
kim loại đồng. Lượng Cu vượt quá 1 mg/lít gây ngộ độc cho con người.
- Thạch tín (As): Nước thải của công nghiệp thuộc da, xưởng nhuộm…
mang As vào nước sông. Tỷ lệ qui định không được vượt quá 0,05
mg/lít.
4.2. Các hợp chất hữu cơ
Sự hiện diện của các Hydrocacbon đa vòng, các amin thơm, các hợp chất nitro
trong nước uống, đã là điều đáng lo ngại cho loài người. Vì các chất này có khả
năng gây ung thư, sinh các khối u ở người và động vật.
Đã có những dẫn chứng về nồng độ của chúng trong nước ngọt:
- Nước ngầm: 0,001 - 0,025 mg/l.
- Nước ao hồ được xử lý: 0,01 - 0,025 mg/l.
- Nước bề mặt: 0,025 - 0,1 mg/l.
4.3. Các hoá chất bảo vệ thực vật
Việc sử dụng các hoá chất bảo vệ trong nông, lâm nghiệp đã làm tăng sản
lượng của hai ngành trên hàng năm, tuy nhiên chính những hoá chất này, nếu
sử dụng một cách bừa bãi, cũng đem lại những hậu quả ghê gớm cho con
người. Các chất trừ sâu, diệt cỏ phân huỷ trong nước rất chậm (từ 6 tháng - 2
năm)
Các hoá chất trừ sâu, diệt cỏ theo nước uống, thức ăn vào cơ thể con người.
Người ta đã tìm thấy DDT và các hợp chất clo khác trong mô mỡ, sữa mẹ…
4.4. Các chất phóng xạ
Hiện tượng phóng xạ là sự tự chuyển hoá (phân rã) của các hạt nhân nguyên tử

của nguyên tố này sang hạt nhân của nguyên tố khác, kèm theo các dạng bức
xạ khác nhau qua hiện tượng phân rã, các dạng bức xạ được bắn ra bên ngoài.
Có hai dạng bức xạ:
- Bức xạ hạt: Hạt anpha (), beta (), proton, notron…
- Bức xạ điện tử: Tia gamma (), tia rơnghen, hai loại bức xạ này có khả
năng ion hoá vật chất.
- Đơn vị đo lường độ phát xạ thường dùng trong y học: curie (ci).
Trong một vài năm gần đây, các chất phóng xạ được sử dụng ngày càng nhiều
trong các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, hiện tượng ô nhiễm phóng xạ vào các
nguồn nước đã được quan tâm nhiều, trên thế giới cũng như trong nước. Người
ta đã tìm thấy các chất phóng xạ trong nước uống, thực phẩm đặc biệt là các
loài nhuyễn thể sống dưới nước.
- ở mức độ nhiễm các chất phóng xạ liều cao có thể làm chết sinh vật và
con người, liều thấp có thể làm chết tế bào, thay đổi cấu trúc tế bào, gây
ra các bệnh về di truyền, bệnh về máu, bệnh ung thư…
4.5. Các chất kích thích tăng trưởng và diệt cỏ
Hiện nay, người ta càng ngày càng lạm dụng các hoá chất diệt cỏ, kích thích
tăng trưởng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là hai chất quan trọng: 2,4
D (2,4 Dichlorophenoxyacetei acid) và 2,4,5 T (2,4,5
Trichlopherophenoxyacetic acid) gây ô nhiễm môi trường sống (đất, nước)
nặng nề. Trước đây đế quốc Mỹ đã rải hàng chục nghìn tấn hoá chất này, gây ô
nhiễm đất, nước uống, gây nên những hậu quả to lớn cho con người, và đặc
biệt là cho thế hệ sau (như sinh quái thai, dị dạng bẩm sinh). Chất độc chủ yếu
là chất Dioxin (2,3,7,8 tetra chlorodibenzo paradioxine). Dioxin khó bị phân
huỷ trong môi trường tự nhiên và tích tụ trong chuỗi thức ăn, đặc biệt thức ăn
từ các loài thuỷ sinh vật.
5. Xử lý nước thải
Xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải y tế và nước thải công nghiệp trước khi
thải ra sông, hồ là biện pháp chủ động và tích cực nhất trong việc bảo vệ giữ
gìn nguồn nước trong sạch. Việc làm sạch nước thải trước khi thải ra sông, hồ

tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm bẩn của nước thải, khả năng tự làm sạch của dòng
sông và mục đích của việc sử dụng nguồn nước. Người ta có thể áp dụng
phương pháp làm sạch nước thải như:
o Làm sạch cơ học (lắng, lọc, bể tự lọc, bể hai vỏ)
o Làm sạch sinh học (bể lọc sinh học, cánh đồng tưới, cánh đồng lọc,
ao hồ sinh học)
o Làm sạch hoá học, vật lý (hấp phụ, trung hoà, keo tụ, trao đổi ion . )
Những năm gần đây người ta đã thiết kế các trạm xử lý nước thải ngay tại các
nhà máy, xí nghiệp. Nước qua xử lý được tái sử dụng (nước tuần hoàn), chỉ
thải bùn, cặn. Đó là “Nhà máy không có nước thải”. Tuy nhiên, phần lớn nước
thải từ các nguồn khác nhau ở Việt Nam hiện vẫn chưa được xử lý, hoặc
chưa được xử lý triệt để trước khi đổ vào các nguồn tiếp nhận. Theo tạp chí Tài
nguyên và Môi trường số 4/2007 thì chỉ 12% các cơ sở sản xuất hóa chất trên
toàn quốc có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
6. Kiểm soát ô nhiễm nước và quản lý chất lượng nước
Ngoài các biện pháp cơ bản để bảo vệ nguồn nước không bị nhiễm bẩn, công
tác kiểm soát ô nhiễm nước là không thể thiếu được. Công tác kiểm soát ô
nhiễm nước bằng các kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, bằng các kỹ thuật hiện
đại, nhằm phát hiện nhanh các hiện tượng và nguyên nhân gây ra ô nhiễm
nguồn nước. Cơ quan thanh tra giám sát Nhà nước của địa phương đề xuất các
biện pháp thích hợp để bảo vệ nguồn nước. Phạt vi cảnh những cá nhân, tập
thể, cơ quan đã gây ra nhiễm bẩn cho nguồn nước.Cơ quan kiểm soát nguồn
nước có kế hoạch định kỳ kiểm tra môi trường nước trong năm, đồng thời có
thể kiểm tra đột xuất khi phát hiện nguồn nước có nguy cơ bị nhiễm bẩn.
Để quản lý chất lượng nước, Bộ Y tế đã ban hành Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn
uống theo Quyết định số 1329/2002/BYT – QĐ ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng
Bộ Y tế và Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch theo quyết định số 09/2005/BYT–
QĐ ngày 11/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đã thiết lập
được một mạng lưới từ trung ương đến cấp huyện nhằm kiểm tra, giám sát chất
lượng nước.

Tuyến trung ương, Cục Y tế Dự phòng và môi trường và các viện thuộc hệ Y tế
dự phòng Quốc gia và khu vực với hệ thống labô xét nghiệm hiện đại.
Tại các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh. Các trung tâm này được trang bị labô xét
nghiệm thực hiện việc giám sát chất lượng các nguồn nước cấp trên địa bàn
tỉnh. Hàng tháng cán bộ trung tâm đến các cơ sở cấp nước lấy mẫu và tiến hành
xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay năng lực xét nghiệm labô của các Trung
tâm Y tế dự phòng có thể xét nghiệm dược khoảng 10-15 chỉ tiêu giám sát
nhóm A. Hầu hết các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chưa đủ phương tiện và
khả năng tiến hành xét nghiệm các chỉ tiêu giám sát nhóm B, C. Đối với các
chỉ tiêu này, khi có yêu cầu hoặc chỉ định các mẫu nước được lấy dưới sự giám
sát và chỉ định của Trung tâm Y tế dự phòng và gửi lên kiểm nghiệm tại các
Viện Trung ương thuộc hệ Y tế dự phòng hoặc Tổng cục đo lường chất lượng.
Ngoài ra trung tâm tham gia thẩm định, xét duyệt các dự án cung cấp nước
sạch của địa phương.
Tuyến huyện, trung tâm Y tế dự phòng huyện có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát
chất lượng nước trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, tuyến huyện chưa đủ năng và
trang thiết bị cho công tác xét nghiệm nước mà chỉ có thể kiểm tra nguồn nước
và lấy mẫu nước xét nghiệm theo yêu cầu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Ở tuyến xã, cán bộ chỉ phối hợp tham gia lấy mẫu và kiểm tra nguồn nước khi
có yêu cầu chứ chưa đủ năng lực và phương tiện để xét nghiệm nước
TÀI LIỆU THAM
1. Đào Ngọc Phong và cs (1997). Vệ sinh môi trường nước. Vệ sinh môi
trường - Dịch tễ tập 1. Nhà xuất bản Y học, 1997, tr 31 - 73.
2. Cục Y tế Dự phòng Việt Nam (2007), Vệ sinh môi trường nông thôn Việt
Nam, Bộ Y tế, nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
3. Đại học Y Hà Nội (Bộ môn Vệ sinh - Môi trường - Dịch tễ). Vệ sinh Môi
trường Dịch tễ. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội 2009.
4. Postel, Sandra L., Gretchen C. Daily, và Paul R. Ehrlich.
‘Human Appropriation of Renewable Fresh Water.’ Science (1996)
271:785-788.

5. WHO (1998), Hướng dẫn tiêu chuẩn nước uống tập III. Geneva.
6. WHO (1993), Hướng dẫn tiêu chuẩn nước uống tập I. Geneva.
7. WHO (1995), Hướng dẫn tiêu chuẩn nước uống tập II. Geneva.

×