MỤC LỤC
TRANG
MỞ ĐẦU 2
NỘI DUNG 4
CHƯƠNG 1: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÂN NHÁNH
CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH 4
1.1. Quá trình hình thành của chủ nghĩa hiện sinh 4
1.1.1. Điều kiện lịch sử dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa hiện sinh 4
1.1.2. Nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa hiện sinh 7
1.2. Thực chất sự phân nhánh của chủ nghĩa hiện sinh 13
1.2.1. Chủ nghĩa hiện sinh hữu thần 14
1.2.2. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần 16
CHƯƠNG 2: DIỆN MẠO CON NGƯỜI TRONG
CHỦ NGHĨA HIỆN SINH VÔ THẦN 19
2.1 Sự mâu thuẫn trong vấn đề con người 19
2.1.1. Con người như cá nhân độc đáo và tự do 20
2.1.2. Con người với tâm trạng lo âu, cô đơn giữa “tha nhân”
và đồng thời như một dự phóng 24
2.2. Mối quan hệ cá nhân – xã hội trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần 29
2.2.1. Tính quy định xã hội đối với cá nhân 29
2.2.2. Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội 30
2.3. Quan niệm về tha hóa và tính chất hai mặt của chủ nghĩa hiện sinh vô thần 32
2.3.1. Quan niệm về tha hóa trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần 32
2.3.2. Tính chất hai mặt của chủ nghĩa hiện sinh vô thần 36
KẾT LUẬN 49
TÀI LIỆU THAM KHẢO 51
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI.
Triết học Phương Tây hiện đại ngoài mácxít ra đời từ khoảng giữa thế ký XIX, tạo
thành một giai đoạn mới trong tiến trình lịch sử triết học thế giới. Cho đến nay, không
thể phủ nhận những đóng góp to lớn của nó vào kho tàng tri thức của nhân loại. Khi
bàn về công tác lý luận, Đảng Cộng Sản Việt Nam nhận định: “Trong nhiều năm qua,
nội dung đào tạo đội ngũ lý luận hầu như chỉ bó hẹp trong các bộ môn khoa học
Mác – Lênin, chưa coi trọng việc nghiên cứu các trào lưu khác ”[21]. Do đó, tìm hiểu,
nghiên cứu triết học phương Tây hiện đại ngoài mácxít là cần thiết, quan trọng nhằm
phát triển trình độ tư duy lý luận và nâng cao năng lực nhận thức của con người; hơn
thế nữa là chắt lọc những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại.
Triết học phương Tây hiện đại ngoài mácxít, thoát thai từ sự đỗ vỡ truyền thống cổ
điển, đã phát triển phong phú, đa dạng và phức tạp với nhiều khuynh hướng chủ đạo.
Trong dòng chảy của Triết học phương Tây hiện đại ấy, chủ nghĩa hiện sinh
( Existentialism) là một trào lưu phi lý, nhân bản nổi trội, tiểu biểu bậc nhất xuất hiện
vào năm 1927 với tác phẩm “Hữu thể và thời gian”của Martin Heidegger, và kết thúc
vào năm 1960 như một triết thuyết lớn với “Phê bình lý trí biện chứng” của Jean Paul
Sartre. Trước hết, chủ nghĩa hiện sinh là triết học tâm trạng, đặc trưng cho bầu không
khí tinh thần của xã hội tư sản trong thời đại khủng hoảng qua hai cuộc đại chiến thế
giới. Đó là thời đại con người bị kẹt trong những mâu thuẫn lịch sử, hoang mang, lạc
loài. Chủ nghĩa hiện sinh tự nhận là cứu cánh, có thể kéo con người khỏi hậu trường
tối tăm trong nhiều thế kỷ. Với sự tiếp nối tuyên ngôn “con người là thước đo của vạn
vật”, chủ nghĩa hiện sinh với việc đưa con người lên vị trí độc tôn đã được tán dương,
ưa chuộng và trở thành trào lưu “mốt” những năm 40- 60 thế kỷ XX. Chính vì vậy, có
thể nói chủ nghĩa hiện sinh là thứ triết học tâm trạng, tâm trạng con người về thực tại
hay nói cách khác là về tồn tại người.
Chủ nghĩa hiện sinh vô thần là nhánh triết học không cầu cứu tới Thượng đế hay
thần thánh. Nó nhìn nhận con người, khuếch trương chủ quan tính con người qua lăng
kính phi tôn giáo. Vì vậy, vấn đề con người trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần mang
màu sắc nổi bật, đa diện và phức tạp. Nhằm thể hiện đúng tinh thần của Đảng ta:
“Đối với học thuyết khác – ngoài chủ nghĩa Mác- Lênin – về xã hội, cần được nghiên
2
cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng”[21] vì vậy tác giả chọn đề tài
“ Vấn đề con người trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần” với mong muốn và hi vọng
làm phong phú thêm nguồn hiểu biết về triết học phương Tây hiện đại ngoài mácxít;
nhất là trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế mà trong đó có giao lưu văn
hoá, tư tưởng. Đồng thời, việc tìm hiểu những giá trị và hạn chế của chủ nghĩa hiện
sinh vô thần riêng ở vấn đề con người càng khẳng định hơn nữa tính ưu việt của triết
học Mác – Lênin đối với triết học phương Tây hiện đại, khẳng định giá trị quý báu của
chủ nghĩa Mác – Lênin ở lý tưởng cao cả - lý tưởng giải phóng con người.
2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đề cập đến vấn đề này, chẳng hạn:
- Samuel Enoch Stumf, “Lịch sử triết học và các luận đề ”, Nhà xuất bản(Nxb)
Lao Động, Hà Nội, 2004, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch
- Bryan Magee, “Câu chuyện triết học”, Nxb Thống Kê, Hà Nội, 2003, Huỳnh Phan Anh
và Mai Sơn dịch.
- Lưu phóng Đồng, “Triết học Phương Tây hiện đại”, Nxb Lý Luận Chính Trị,
Hà Nội, 2004, Lê Khánh Trường dịch.
- P.Foulquie, “Chủ nghĩa hiện sinh”, Thế Sự xuất bản, Sài Gòn, 1968, Thụ Nhân dịch.
- Bùi Giáng, “Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại”, Nxb Vĩnh Phước, 1963,
Sài Gòn, 2 tập.
- Tam Ích, “Sartre và Heidegger trên thảm xanh”, Hồng Đức Xuất bản, Sài Gòn, 1969
- Lê Tôn Nghiêm, “Những vấn đề triết học hiện đại”, Ra Khơi Xuất bản, Sài Gòn,
1971.
- Trần Thiên Đạo, “Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc”, Nxb Văn Học, Hà Nội,
2001.
- Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng, “Lịch sử triết học phương Tây hiện đại”,
Nxb Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
- Nguyễn Hào Hải, “Một số học thuyết triết học phương Tây hiện đại”,
Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2001.
3
3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU.
Mục đích nghiên cứu:
Đề tài khóa luận nhằm phân tích một cách cụ thể, rõ nét những nội dung cơ bản về
vấn đề con người trong chủ nghĩa hiện sinh nhánh vô thần, qua đó bước đầu nêu bật và
đánh giá những giá trị cũng như hạn chế của nó. Thông qua nghiên cứu vấn đề con
người trong chủ nghĩa hiện sinh nhánh vô thần, đề tài khóa luận nhằm khẳng định tính
khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin trong quan điểm về con người, đồng thời chỉ ra
sự cần thiết phát triển quan điểm đó trong điều kiện hiện nay.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
Để đạt được mục đích trên, khóa luận thực hiện những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, khái quát sự hình thành và quá trình phân nhánh của chủ nghĩa hiện sinh.
Từ đó, thấy được những khác biệt giữa hiện sinh vô thần và hiện sinh hữu thần trong
quan niệm về con người.
Thứ hai, trình bày và phân tích những nội dung cơ bản trong vấn đề con người
trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần.
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU.
Khóa luận tập trung tìm hiểu những nội dung cơ bản trong vấn đề con người của
chủ nghĩa hiện sinh nhánh vô thần.
Trong giới hạn của một khóa luận tốt nghiệp, đề tài chỉ tập trung trực tiếp khảo cứu
tư tưởng những đại biểu hiện sinh vô thần như Nietzsche, Heidegger, Sartre, thông qua
một số tác phẩm tiêu biểu của họ.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
Khóa luận được nghiên cứu trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của chủ
nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Ngoài ra, khóa luận còn kết
hợp phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp quy nạp – diễn dịch,
phương pháp so sánh….
6. ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI.
Trên cơ sở trình bày một cách hệ thống và cụ thể những nội dung cơ bản của vấn
đề con người trong chủ nghĩa hiện sinh vô thần, khóa luận nêu bật và đánh giá khách
4
quan những giá trị, hạn chế của nó. Từ đó, khóa luận góp thêm một cách nhìn về thực
chất của chủ nghĩa hiện sinh nhánh vô thần, nhất là vấn đề con người.
7. KẾT CẤU CỦA KHÓA LUẬN
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, khóa luận gồm 2 chương và 5 tiết:
Chương 1
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÂN NHÁNH
CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
1.1. Qúa trình hình thành chủ nghĩa hiện sinh
1.1.1. Điều kiện lịch sử dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa hiện sinh
Chủ nghĩa hiện sinh là trường phái triết học xuất phát từ việc biểu thị ý nghĩa tồn
tại thật sự của con người, tiến tới vạch ra mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội và thế
giới. Nó được coi là một trong các học thuyết Triết học phương Tây hiện đại ngoài
mácxít nổi trội nhất; là triết học của thời đại khủng hoảng, thể hiện sự khủng hoảng
của xã hội sau hai cuộc đại chiến thế giới. Trong chủ nghĩa hiện sinh, khuynh hướng
phi duy lý (irrationalism) chiếm ưu thế, thể hiện rõ tâm trạng bi quan và thất vọng của
con người đối với nền văn minh tư sản trong thế kỷ XX. Vì vậy, muốn hiểu cặn kẽ và
chính xác về chủ nghĩa hiện sinh không thể không đặt nó vào bối cảnh thời đại cụ thể -
xã hội phương Tây thế kỷ XX mà nó là đứa con tinh thần tiêu biểu.
Chủ nghĩa hiện sinh được ra đời chính thức vào năm 1927, người mở đầu cho
trào lưu này là Martin Heidegger với tác phẩm nổi tiếng của ông là “Hữu thể và thời
gian” và kết thúc vào năm 1960 với tác phẩm “Phê bình lý trí biện chứng” của Jean
Paul Sartre.
Với tư cách là một trào lưu triết học, chủ nghĩa hiện sinh bắt đầu hình thành tại
nước Đức ngay sau đại chiến thế giới thứ nhất kết thúc. Những biến cố xã hội không
đồng nhịp gắn liền với chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, gắn liền
với cuộc chiến,… đã tạo ra thay đổi sâu sắc trong ý thức xã hội của giai cấp tư sản.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) là kết quả tất yếu từ sự phát triển
kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới vào những năm đầu thế kỷ XX – khi nó đã
chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Từ góc độ chính trị, chiến
tranh thế giới lần thứ nhất là kết quả của sự gãy đổ cán cân quyền lực quốc tế. Trong
tác phẩm “Chủ nghĩa đến quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” Lênin đã nhận
định: “…bước chuyển của chủ nghĩa tư bản, giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền,
5
sang tư bản tài chính, là gắn liền với cuộc đấu tranh ngày càng gay gắt nhằm phân chia
lại thị trường thế giới” [12; tr475].
Đế quốc Đức hung hăng nhất vì Đức có tiềm lực kinh tế và quân sự nhưng lại có ít
thuộc địa. Lúc đó, châu Âu hình thành hai tập đoàn gây chiến, chống đối nhau : một bên là
Đức, Áo – Hung, và Thổ Nhĩ Kỳ; một bên là Anh, Pháp, Nga. Cả hai tập đoàn này đều ôm
mộng xâm lược và điên cuồng chạy đua vũ trang. Đức cũng như các nước tham chiến khác
đều muốn cầm bút vẽ lại bản đồ thế giới. Nhưng hậu quả là một nước Đức bại trận và kiệt
quệ sau chiến tranh khiến con người trở nên mơ hồ, hoang mang và dao động. Chiến tranh
thế giới lần thứ nhất đảo lộn cả châu Âu cà cũng đảo lộn cả đời sống kinh tế - xã hội – chính
trị - tư tưởng các nước tham chiến. Chính điều này đã làm thay đổi một cách sâu sắc trong ý
thức hệ của giai cấp tư sản lúc bấy giờ, một bộ phận không nhỏ người dân Đức ý thức mơ
hồ về sự cáo chung của lịch sử, dẫn đến hình thành tâm trạng lo âu về một cuộc sống với
thân phận nhỏ bé của con người ngày càng rõ rệt hơn.
Làn sóng mới của chủ nghĩa hiện sinh lại nổi lên ở Pháp vào thời kỳ trong và sau
đại chiến thế giới thứ hai (1939 - 1945) Nguyên nhân của cuộc chiến tranh thế giới thứ
hai là do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 1929-1933. Trận đại
suy thoái làm những mâu thuẫn vốn có giữa các nước đế quốc thêm phần gay gắt.
Nhân loại tưởng như sẽ ổn định khi vừa thoát ra khỏi bốn năm súng đạn nay lại tiếp
tục bị đeo bám bởi cuộc đại khủng hoảng, bởi một đại chiến khốc liệt hơn… Cuộc
chiến tranh thế giới lần hai đã thiêu rụi mọi thành quả của xã hội tư sản, lớp son cuối
cùng đã cháy tan thành tro bụi để lộ ra những vết loét của một cơ thể kinh tế - chính trị
nhiều khiếm khuyết. Chiến tranh thế giới lần hai là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt
nhất tàn phá nhất trong lịch sử loài người. Chỉ cần so sánh, đối chiếu giữa hai cuộc
chiến tranh cúng đủ thấy tính chất, quy mô, phạm vi của đại chiến lần hai so với lần
một: số nước tham chiến đông hơn, số người chết, bị thương và tàn tật nhiều hơn gấp
bội… Những tiếng súng đầu tiên của cuộc chiến cũng gắn liền với lệnh tổng động viên
ở Pháp. Những con người bị ném vào cuộc chiến ngoài ý muốn của mình. Nhưng Pháp
bại trận vào mùa hè năm 1940, rơi vào sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Kết thúc
chiến tranh, phần thắng thuộc về phe Đồng minh. Con người nhận thấy những gì?
Chiến tranh phơi bày ra quá nhiều bi thảm, chết chóc, điêu linh. Hiểm họa phát xít, diệt
chủng như bóng mây đen ám ảnh bầu trời châu Âu những năm thế chiến thứ hai. Người
ta có cảm tưởng rằng mình chỉ là những chi tiết vụn vặt, vô nghĩa trong guồng máy chết
6
chóc vô hình. Chiến tranh đã không làm cho thế giới được phân định rõ ràng, tươi sáng
hơn như cái “ý muốn” ngộ nghĩnh, giả tạo của giới cầm quyền các cường quốc.
Như vậy, có thể thấy điều kiện lịch sử phương Tây (cụ thể là nước Đức và nước
Pháp) qua hai cuộc đại chiến chính là mảnh đất hiện thực vô cùng phù hợp với dòng
triết học nhân bản, phi duy lý của thế kỷ XX – Chủ nghĩa hiện sinh. Trong thời đại
khủng hoảng với những đảo lộn, những biến cố, triết học hiện sinh xuất hiện để ghi lại
đậm nét tâm trạng của thời đại ấy. Điều này giải thích vì sao triết học hiện sinh là triết
học tâm trạng. Đơn giản vì nó bầu chứa những lo âu, sợ hãi, hoang mang, dao động;
những khiếp đảm, hoài nghi, bấn loạn của một thế hệ, của một thời đại.
Chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện trên nền đổ nát của một châu Âu điêu tàn, một
nước Đức bại trận, một nước Pháp từng bị phát xít chiếm đóng. Những cuộc đại chiến
tàn khốc, quy mô chính là nguyên nhân về mặt xã hội ra đời chủ nghĩa hiện sinh.
Nhưng tại sao chiến tranh lại gia tăng và bành trướng vào ngay thời đại của tiến bộ về
kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Sự giàu có về vật chất của thế giới, tại sao, lại không
tương đồng với hòa bình cho nhân loại, hạnh phúc cho mọi người ?
Chủ nghĩa hiện sinh phản ánh tâm trạng của một thời đại khủng hoảng; lo sợ,
hoang mang bởi những cuộc chiến và cũng hoang mang, lo sợ bởi sự thay đổi đến
chóng mặt của khoa học - kỹ thuật!
Khi trở thành lực lượng thống trị, giai cấp tư sản hầu như không cần đến cách
mạng xã hội nữa, mà tập trung vào các cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật với mục
đích phát triển nhanh chóng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và cũng để củng cố đại vị
của mình. Bằng cuộc cách mạng công nghiệp (và sau đó là cuộc cách mạng khoa học
và công nghệ), chủ nghĩa tư bản phương Tây đã bỏ lại phía sau thời kỳ cổ điển để
bước sang thời hiện đại. Lúc đầu, khoa học – kỹ thuật được coi như là chiếc chìa khóa
vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề của xã hội, khắc phục những mâu thuẫn. Thế
nhưng, chiến tranh xảy ra liên tiếp. Hai cuộc chiến với hàng triệu người thương vong,
với những tổn thất trầm trọng thực sự làm châu Âu chao đảo. Khoa học – kỹ thuật phát
triển nhưng kinh tế vẫn rơi vào thời kỳ suy thoái (1923 – 1933). Bom nguyên tử và
những hậu quả tàn phá khủng khiếp khi sử dụng nó đã gieo vào con người mối hồ nghi:
khoa học tiêu diệt con người? Đối với chiến tranh, con người bị đặt vào thế hy sinh như
những quân tốt thí mạng trên một ván cờ lụn bại. Đối với khoa học – kỹ thuật, con người
bị “vật hóa”, trở thành những chi tiết nhỏ nhặt, “sống” như một cỗ máy hết phần
7
sinh động. Dường như, ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào con người cũng chỉ thừa thãi,
mờ nhạt, bị che lấp. Chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện với “sứ mệnh” đưa con người ra khỏi
những nơi chốn cũ kỹ, đặt con người vào vị trí trung tâm – không có chiến tranh, không
có khoa học kỹ thuật. Thế nên, chủ nghĩa hiện sinh không phải là trào lưu duy khoa học.
Nó là trào lưu phi duy lý, nhân bản tiêu biểu, điển hình. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng,
trong một thời đại vô vàn biến cố, đổi thay thì những công thức của chủ nghĩa duy lý trở
nên lỗi thời, lạc hậu; những phạm trù của triết học duy lý trở nên chật hẹp, không đủ tải
chứa nội tâm con người; ngòi bút duy lý sẽ bất lực trước nỗi đau. Chủ nghĩa hiện sinh còn
là một tâm tính xác định trong con người của thời hiện đại ở phương Tây
Tóm lại, xã hội với những biến đổi chóng mặt theo chiều hướng không đồng
nhịp, làm xuất hiện trên nền những biến cố của thời đại những con người luôn rơi vào
tâm trạng lo âu, mang đầy tâm trạng. Việc phân tích chủ nghĩa hiện sinh còn cho phép
chúng ta hiểu rõ hơn những chuyển biến văn hoá ở thế kỷ XX, những chuyển biến vẫn
đang có tác động mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của con người phương Tây hiện đại.
Lúc này, triết học hiện sinh chiếm ưu thế trong khuynh hướng phi duy lý của phương
Tây hiện đại thế kỷ XX.
1.1.2. Nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa hiện sinh
Bất kỳ một nhân vật lịch sử nào, một nhà tư tưởng, một học thuyết triết học nào
cũng gắn với điều kiện lịch sử xã hội. Đúng như C.Mác nói: “Các triết gia không mọc
lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại mình, dân tộc mình, mà dòng sữa
tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong một trong những dòng tư
tưởng triết học” [12; tr156]. Chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện và phát triển với tư cách là
trào lưu triết học trong triết học phương Tây hiện đại ngoài mácxít, không thể không
kế thừa những tư tưởng trước đó.
Nguồn gốc sâu xa của chủ nghĩa hiện sinh là Socrates (469-339 tr.CN) với khẩu
hiệu “Hãy tự nhận biết chính mình” [4; tr131]; kinh thánh với những lời huyền nhiệm
về Chúa cứu thế và về thân phân con người St.Augustin (354-430) với tư tưởng về sự
giằng xé tâm hồn, nỗi ưu tư khi trước Chúa Vực sâu trong lương tâm con người bị
phơi bày trần trụi; Blaise Pascal (1623-1662) với câu nói: “Hãy để cho con người,
bằng cách trở lại với mình, xem xét những gì mà họ đang so sánh với cái đang hiện
hữu; hãy để cho họ xem mình như đã lạc loài…”[25; tr131].
8
Những bậc tiền bối trực tiếp chuẩn bị cho chủ nghĩa hiện sinh, ra đời là
S.Kierkegaard và Nietzsche. S.Kierkegaard là ông tổ của hiện sinh hữu thần (hiện sinh
tôn giáo) còn Nietzsche là ông tổ của hiện sinh vô thần. Họ chính là những người trực
tiếp đưa ra tư tưởng cốt lõi của thuyết hiện sinh. Các nhà hiện sinh sau này đã kế thừa,
phát triển và làm phong phú hơn những tư tưởng đó, để xây dựng nên một triết học hiện
sinh hoàn chỉnh, tồn tại với tư cách là một triết thuyết nhân bản, phi duy lý tiêu biểu.
Soren Kierkegaard (1813 - 1855) là một triết gia nổi tiếng Đan Mạch, được xem
là người mở đầu cho chủ nghĩa hiện sinh. Ông sống vào thời đại mà triết học của
Hêghen như một đỉnh cao, và bản thân Hêghen là một cái bóng vĩ đại. S.Kierkegaard,
với tư cách là người khai mở dòng triết học mới nhất định phải tấn công vào hệ thống
triết học cũ – triết học duy lý, mà con đường ngắn nhất là công phá Hêghen.
S.Kierkegaard cho rằng triết học Hêghen đã không đưa ra hướng dẫn nào về điều mà
một cá nhân phải làm. Hêghen, theo Kierkegaard, chỉ giải thích mọi điều dưới dạng
những tầm bao quát rộng lớn của ý niệm tuyệt đối trong đó những sự việc có thực,
những thực thể cá nhân không được nhắc đến. Sự phê phán của Kierkegaard đối với
Hêghen là sự phê phán đối với chủ nghĩa duy tâm. Nhưng điều đó cũng không đưa
Kierkegaard đến lập trường duy vật.
Muốn hiểu được tư tưởng của Kierkegaard không thể không phác họa đôi nét về
cuộc đời ông. Bởi nét độc đáo để phân biệt tư tưởng Kierkegaard là ở chổ ông sống với
những tư tưởng ấy, hay nói đúng hơn chúng được rút ra từ cuộc sống của bản thân ông.
S. Kierkegaard sinh ngày 5 – 5 – 1813 trong một gia đình gồm ba chị em gái và
ba anh trai. Kierkegaard là con út, là người con thứ bảy trong gia đình. Cha của
Kierkegaard là ông Mikael Pederson Kierkegaard. Ông đã thông truyền cho cho cậu bé
Kierkegaard một tình cảm tôn giáo mạnh mẽ. Thời tuổi trẻ, Kierkegaard sống một
cuộc sống phóng túng của một cậu sinh viên giàu có. Nhưng ông vẫn nghiên cứu thần
học và tham gia vào một số phong trào tôn giáo. Nói theo cách khác, cảm thức tôn
giáo nơi ông không hề mất đi.
Trong vài năm, những người anh chị của Kierkegaard đều qua đời (khi còn rất
trẻ). Chỉ còn lại Kierkegaard và người anh cả, sau đó cha của Kierkegaard cũng qua
đời. Thời gian như hối thúc Kierkegaard rằng cuộc sống còn rất ngắn ngủi. Cuộc sống
như nhắc nhở ông hãy dùng những ngày tháng còn lại để phụng sự cho Thượng đế.
Gia đình và hoàn cảnh sống của Kierkegaard đã tạo nên những nét riêng biệt trong tư
9
tưởng của ông. Những tác phẩm của ông để lại, đọc lên có vẻ như là những lời tự sự
của một con người ý thức sâu sắc với thời đại. Có một bóng tối vĩnh hằng nằm sâu
thẳm trong tâm hồn ông.
Cuốn sách đầu tiên của Kierkegaard nhan đề “hoặc là…hoặc là” (1843) lập tức
trở thành một sự kiện văn học. Cuốn sách là sự hoà trộn kỳ lạ của những lời tựa, lời
nói đầu, những đoạn chêm, tái bút, phụ lục, những thư từ, thơ và nhật ký. Đây là một
tác phẩm rất phong phú, đầy những tư tưởng hết sức mâu thuẫn về tôn giáo, siêu hình
và nghệ thuật, “Tác giả” của sách không phải một người mà là nhiều người. Việc ra
sách dưới nhiều bút danh đã thành một thói quen của Kierkegaard. Ông muốn tạo ra
một chuỗi sự “gián tiếp”, kể bằng các giọng điệu khác nhau với nhiều cuộc đời khác
nhau và những giá trị đạo đức đối lập nhau. Với Kierkegaard, cá nhân có nhiều cái
bóng của mình, tất cả chúng đều giống mình và thỉnh thoảng lại đòi là chính bản thân
mình. Và cũng trong tác phẩm này, Kierkegaard đã đưa ra một lược đồ các giai đoạn
của hiện sinh con người: Thẩm mỹ - đạo đức – tôn giáo. Kết thúc tác phẩm,
Kierkegaard nhắc đến một chủ đề (được lặp đi lặp lại như điệp khúc): Trước mặt
Thượng đế, chúng ta luôn luôn sai lầm. Mọi hy vọng về một sự biện chứng cho con
người nhờ vào con người đã bị phủ nhận. Có thể nói, ngay ở tác phẩm đầu tiên này,
Kierkegaard đã thể hiện rất rõ thái độ tôn sùng của ông đối với Thượng đế. Theo
Kierkegaard, tội lỗi đã ngăn cách con người với Thượng đế, với tha nhân và với chính
mình. Và tội lỗi chỉ có thể cứu chuộc bằng hy sinh. Luận đề này đã chi phối toàn bộ
cuộc đời cũng như tác phẩm của ông. Nói về điều này, Kierkegaard phụng sự cho chân
lý cũng là một sự hy sinh lớn nhất với Kierkegaard, ý nghĩa của chân lý chính là dâng
hiến đời mình cho chân lý. Và vào thời đại Kierkegaard sống, Kytô giáo đã bị làm biến
dạng trong đời sống tôn giáo Đan Mạch. Thế nên, cần phải có một người dám chết vì
Kytô giáo, dám chết vì chân lý. Hiến mình cho Thượng đế là một chỉ dẫn hiện sinh cao
cả nhất.
Sau tác phẩm đầu tiên vài tháng, “Sợ hãi và run rẩy” ra đời, được đánh giá là
một trong tác phẩm hoàn hảo nhất của Kierkegaard. Tác phẩm là sự suy niệm về tôn
giáo, lý giải về đức tin, tập trung chú giải một câu chuyện trong Kinh thánh: Abraham
hiến người con Issac cho Thượng đế. Abraham là “hiệp sĩ đức tin” của Kierkegaard.
Tại sao Abraham lại hiến con người cho Thượng đế? Kierkegaard trả lời: “Vì Thiên
10
chúa và vì chính bản thân ông - cả hai cũng là một. Ông làm thế vì Thiên chúa, bởi vì
Thiên chúa đòi hỏi bằng chính đức tin này của ông” [11; tr 526].
Trong sự nghiệp phụng sự cho tôn giáo, hiến mình cho Thượng đế, Kierkegaard
đã sáng tạo ra khối lượng đáng kể các tác phẩm: “sự hồi khởi”, “ý niệm xao xuyến”…
Kierkegaard được người ta ca tụng, nhưng đối với Kierkegaard lại là sự thất bại, vì
người ta không hiểu ông. Người ta xem ông như một nhà văn nổi danh chứ không phải
một triết gia thức tỉnh cá nhân. Nếu với tư cách là tác phẩm triết học, những sách của
ông bị rơi vào lãng quên cũng như bản thân ông hoàn toàn cô độc giữa Đan Mạch khi
đó. Triết học, theo như Kierkegaard, phải là một sự suy niệm về cuộc đời, một sự giải
minh về hiện hữu con người.
Cùng với Kierkegaard, Friedrich Nietzsche (1844 – 1900) đã đặt nền móng
tư tưởng cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ XX. Là con trai một mục sư, suốt thời niên
thiếu nhà triết học người Đức cũng có niềm tin vào Kytô giáo, cũng là một kẻ mộ đạo.
Về điểm này, Nietzsche cũng như Kierkegaard của Đan Mạch. Nhưng dần dần lòng tin
ấy yếu đi và mất hẳn. Rốt cuộc, Nietzsche chống lại cả Thượng đế. Thế nên cũng tạo
bước ngoặc trong lịch sử, nhưng Nietzsche lại được nhắc tới như ông tổ của chủ nghĩa
hiện sinh vô thần. Bằng tuyên ngôn “đảo lộn mọi giá trị”, Nietzsche đã khích lệ những
cá nhân hãy sống là mình, vượt lên trên tất cả mọi ràng buộc, chuẩn mực, kể cả đó là
Thượng đế.
Tư tưởng của Nietzsche nổi bật hai mảng vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, Nietzsche
đã phê phán truyền thống một cách gay gắt. Thứ hai, Nietzsche đòi hỏi xác lập những
giá trị mới, đưa ra ý chí quyền lực để xây dựng hình ảnh con người siêu nhân.
Để phê phán và lật đổ hết thảy các giá trị luân lý cổ truyền, Nietzsche hướng
trọng tâm vào việc phân tách đạo đức nhân loại thành đạo đức ông chủ và đạo đức nô
lệ. Đạo đức ông chủ là đạo đức của giai cấp thống trị, giai cấp quý tộc, mang bản chất
tốt đẹp và cao cả. Giai cấp thống trị coi mình cao hơn quần chúng và khinh bỉ họ. Giai
cấp thống trị tự định nghĩa là tốt, họ không bị phán đoán bởi các giá trị hiện hữu độc
lập, nhưng họ là người sáng tạo ra các giá trị. Đạo đức nô lệ thuộc về những kẻ bị
kiềm chế, sống trong khổ đau, và không chắc chắn về bản thân mình. Đạo đức ông chủ
là quyền lực, sức sống, kiêu hãnh; còn đạo đức nô lệ là sự hèn nhát, sợ sệt, khiêm tốn.
Đạo đức nô lệ mang bản chất xấu. Sự phân biệt giữa đạo đức ông chủ và đạo đức nô lệ
là giữa tốt và xấu, chứ không phải giữa thiện và ác.
11
Nếu như Kierkegaard nhìn nhận sinh hoạt tôn giáo là hiện sinh cao quý nhất và
trung thực nhất thì Nietzsche kịch liệt lên án tôn giáo và coi tôn giáo là hình thức hiện
sinh nô lệ. Nietzsche rao giảng về cái chết của Thượng đế. Ông kêu gọi con người giết
chết Thượng đế để có cơ may trở thành siêu nhân. Con người không thể chịu đựng
trước một hoàn cảnh đáng thương là bao giờ mình cũng đầy tội lỗi. Nên Thượng đế
chết, thì con người sẽ không còn tội lỗi. Giờ đây con người chỉ cần dựa vào bản thân
mình, phải dám bắt đầu cuộc hành trình dấn thân. Và ở đây, ý chí quyền lực trong tư
tưởng triết học của Nietzsche được nêu bật lên một cách mạnh mẽ. Triết học của
Nietzsche là triết học “đảo lộn mọi giá trị”. Nietzsche đã trao cho con người cá nhân
khả năng vượt qua những hạn định thông thường, với một ý chí tự quyết độc đáo và
vượt trội. Ở Nietzsche, không chỉ còn là ý chí sinh tồn mà là một ý chí vươn lên quyền
lực, đạp lên trên tất cả, dẫm nát những luân lý thông thường và trở thành siêu nhân.
Nietzsche đón chào thế hệ người siêu nhân như một thế hệ huy hoàng của nhân loại.
Nietzsche dành rất nhiều tâm huyết xây dựng hình tượng siêu nhân. Nhiệm vụ của lịch
sử, của thời đại theo Nietzsche chỉ là để sản sinh ra những mẫu người siêu nhân mà thôi.
Kierkegaard và Nietzsche đã không chịu bước vào vòng thao túng của chủ nghĩa
duy lý. Sự nghiệp sáng tạo của hai ông lại rất hoà nhịp với thế kỷ XX. Những phạm trù
hiện sinh của Kierkegaard (âu lo, sợ hãi, đức tin) và tư tưởng về hình mẫu siêu nhân của
Nietzsche ( thể hiện trong tác phẩm “Zarathoustra đã nói như thế”) đã đặt nền móng cho
chủ nghĩa hiện sinh hiện đại. Trên nền tảng tư tưởng ấy, chủ nghĩa hiện sinh phát triển
như một triết thuyết bởi vì đã kế thừa phương pháp từ hiện tượng học.
Chủ nghĩa hiện sinh kế thừa trực tiếp và phát triển những tư tưởng của
Kierkegaard và Nietzsche. Hiện tượng học của Edmund Husserl (1859-1938), một nhà
triết học Đức tiêu biểu của thế kỷ XX đã đưa lại cho nó một phương pháp, một cơ sở
lý luận để trở thành triết học. Thế nên cũng hợp lý khi nhận định hiện tượng học Đức
hợp với tư tưởng của Kierkegaard thành chủ nghĩa hiện sinh.
Người có công khai sinh ra phương pháp hiện tượng học là Edmund Husserl
(1859 – 1938), một nhà triết học Đức tiêu biểu của thế kỷ XX. Hiện tượng học là một
học thuyết có tham vọng điều hòa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật trong lĩnh
vực nhận thức luận. Nhưng về thực chất, hiện tượng học của Edmund Husserl là một
nhận thức luận duy tâm chủ quan, do đó ông kêu gọi phải giải phóng nhận thức của
chúng ta ra khỏi những “hệ tư tưởng” đã được làm sẵn. Ông dùng thuật ngữ “hiện
12
tượng học” để gọi triết học của ông bởi sự từ chối vượt quá chứng cứ hiển nhiên hay
dữ kiện có sẵn đối với ý thức, và các dữ kiện rút ra từ các biểu hiện bề ngoài – các hiện
tượng.
Theo quan điểm của Edmund Husserl, ông từ chối khẳng định rằng thế giới tồn
tại hay không tồn tại, trong mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa chủ thể và khách
thể, Edmund Husserl không đưa ra thái độ đề cao yếu tố nào cả. Ông cho rằng có mối
liên hệ tương hỗ giữa chủ thể và khách thể trong quá trình nhận thức. Mối liên hệ
tương hỗ đó là do tính ý hướng trong quá trình nhận thức quy định. Và cả chủ thể và
khách thể cùng phối hợp với nhau trong quá trình nhận thức trong tính ý hướng đó.
Bên cạnh đó, ông chủ trương khắc phục mâu thuẫn giữa chủ nghĩa duy vật và chủ
nghĩa duy tâm. Nhưng cứ xét theo cách trình bày học thuyết hiện tượng học của ông,
dễ thấy Husserl vẫn đứng trên lập trường duy tâm. Theo quan niệm của ông trong hiện
tượng học ý thức bao giờ cũng là ý thức về (một cái gì đó) và đối tượng chỉ là đối
tượng cho ý thức. Ý thức luôn là ý thức về một cái gì. Ý thức không tự nó mà có được.
Nó nhất định hướng đến một cái gì không phải nó. Ý thức cần có đối tượng. Và đối
tượng thì phải là đối tượng của ý thức chứ không thể là đối tượng thuần tuý. Nhận thức
không còn là gián tiếp thông qua những hiện tượng để đạt tới một bản chất bị che dấu.
Cần phải mô tả trực tiếp về đối tượng như nó xuất hiện trước ý thức, mô tả những gì
mà mình đã sống thực và chỉ mô tả những cái đó mà thôi.
Thuyết hiện sinh nguyên bản là existentialisme, bắt nguồn từ chữ existence nghĩa
là tồn tại mà ra. Nhưng tại sao lại gọi là thế vì nó quan niệm sự tồn tại của con người
có trước bản thể. Trong các nước Thiên chúa giáo, người ta quan niệm con người là do
Chúa tạo ra. Chúa tạo ra con người theo ý Chúa. Đạo Thiên chúa gắn sự tồn tại của
mỗi con người vào “cái ý của Chúa ” này. Cái ý chung được thể hiện bằng giới luật,
đạo đức,… phải tuân theo. Nó chính là bản thể. Vì nó vừa có trong mỗi người vừa là
mục đính mà Chúa đưa ra bắt con người làm theo. Như vậy, con người sinh ra đã có
mục đích…, được quyết định bởi một quyền năng siêu phàm nằm ngoài vòng tay
mình. Thuyết hiện sinh phủ nhận con người sinh ra bởi Chúa, như vậy nó phủ nhận
cuộc sống bắt đầu bằng một chủ đích. Đây chính là điểm khác nhau quan trọng bậc
nhất giữa con người và các vật vô tri vô giác khác. Nếu con người sinh ra hoàn toàn do
một sự ngẫu nhiên, thì các vật vô tri vô giác khác lại được tạo ra từ chủ đích của con
người. Ví dụ, trước khi cái cốc tồn tại thì nó phải được con người nghĩ ra cách nặn đất
13
rồi nung lên (đây là sáng tạo) để dùng đựng nước (đây là mục đích). Như vậy, cái cốc
không thể tồn tại nếu không có ý định của con người. Ở đây ý định đi trước sự tồn tại.
Ngược lại con người tồn tại rồi mới đi kiếm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Ở đây
theo tôi, thuyết hiện sinh đã lý giải rất thông minh câu đố triết học “duy vật hay duy
tâm” thường được ví dụ bằng chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Đối
với con người thì đây là “Duy vật có trước duy tâm”, vì không ai tạo ra con người cả.
Đối với các vật thể thì “Duy tâm có trước duy vật”, vì con người không tạo ra cái gì
mà không có mục đích. Những vật con người tạo ra, đều được làm theo các quy luật
do con người tìm ra, tức là không phụ thuộc vào vật sẽ được tạo ra, cho nên những quy
luật này được coi là khoa học, vì nó khách quan.
Hiện tượng học đã “mở ra một chương mới vẻ vang trong lĩnh vực tư tưởng triết
học thế kỷ XX” [8; tr56], giúp con người “thấy được bên trong cái thế giới bên ngoài”
[8; tr56]. Hiện tượng học của Husserl là một học thuyết mang nhiều ý nghĩa và rất
phức tạp. Các nhà chủ nghĩa hiện sinh hiện đại đã trực tiếp sử dụng phương pháp hiện
tượng học để mô tả những cơ cấu của tình cảm, của ý thức. Chủ nghĩa hiện sinh thấm
nhuần phương pháp hiện tượng học của Husserl. Phương pháp hiện tượng học là cơ sở
lý luận của chủ nghĩa hiện sinh.
1.2. Thực chất sự phân nhánh của chủ nghĩa hiện sinh
Quá trình phát triển của chủ nghĩa hiện sinh có thể phân ra giai đoạn Đức và
giai đoạn Pháp. Lúc đầu, chủ nghĩa hiện sinh phát triển tập trung tại Đức. Bên cạnh
M.Heidegger, Karl Jaspers (1883 – 1969) cũng được xem là một đại biểu lớn của chủ
nghĩa hiện sinh Đức. Nói chung, triết học hiện sinh Đức mang màu sắc tâm trạng của
nước Đức trong cuộc đại chiến thứ nhất. Khi thế lực Quốc xã lên cầm quyền, sự cuồng
nhiệt phát xít bao trùm nước Đức, thì chủ nghĩa hiện sinh tạm thời lắng xuống. Sau đại
chiến thế giới lần hai, chủ nghĩa hiện sinh ở Đức được lưu hành trở lại. Nhưng dưới sự
thống trị điên cuồng của phát xít rộng khắp nước Đức thì chủ nghĩa hiện sinh tạm thời
lắng xuống, và trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh dời từ Đức sang Pháp.
Ở Pháp đại biểu chủ yếu của hiện sinh gồm có: Marcel (1889-1978), Jean Paul
Sartre (1905-1980), Camus (1908-1961), Simone De Beauvoir (1908-1986), Ponty
(1908-1961). Đa số họ đều là triết gia kiêm nhà văn, kịch tác gia và nhà chính luận,
giỏi vận dụng hình thức văn học nghệ thuật và lối diễn tả dễ hiểu để truyền bá quan
điểm của mình.
14
Chủ nghĩa hiện sinh tại Pháp trở thành một thứ triết học thời thượng, gắn liền với
tâm trạng bi quan, chán chường, thất vọng của xã hội Pháp trong và sau đại chiến lần
thứ hai. Chỉ cần liệt kê những tác phẩm triết học, văn học của các tác gia tiêu biểu
cũng đủ thấy sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa hiện sinh tại Pháp khi đó. Những
truyện, kịch, tiểu thuyết văn học mang tính triết lý được người ta đua nhau đọc. Những
tác phẩm nổi tiếng như “Buồn nôn”, “Sa đoạ” trở thành kinh thánh của những “con
chiên hiện sinh” chân chính.
Như vậy, về quá trình phát triển của chủ nghĩa hiện sinh, có thể phân ra giai đoạn
Đức và giai đoạn Pháp. Việc phân ra hai giai đoạn thực chất gắn với bối cảnh cụ thể
của mỗi đất nước, bối cảnh cụ thể sẽ sản sinh ra những quan điểm cụ thể. Nhưng ngay
trong mỗi giai đoạn Đức hay Pháp, chủ nghĩa hiện sinh cũng không hề thuần nhất và
đơn giản.
Khi bàn về chủ nghĩa hiện sinh, giới nghiên cứu đều cho rằng đây không phải là
một trào lưu triết học thuần nhất mà là một triết học khá phức tạp ở nội dung những lý
thuyết cũng như trong những biến thể của chúng. Thế nên điều dễ hiểu khi có nhận
định: mỗi triết gia là một chủ nghĩa hiện sinh. Những đại biểu khác nhau, những tư
tưởng không hẳn đồng nhất. Nhưng do cách giải quyết khác nhau của các nhà triết học
hiện sinh về sự tồn tại của Thượng đế nên có thể phân chia chủ nghĩa hiện sinh thành
hai nhánh: hiện sinh hữu thần và hiện sinh vô thần.
1.2.1. Chủ nghĩa hiện sinh hữu thần
Kierkegaard là người khai mở cho chủ nghĩa hiện sinh và còn được xem là ông tổ
của chủ nghĩa hiện sinh hữu thần. Rất nhiều quan điểm của Kierkegaard đã được các
triết gia hiện sinh về sau kế thừa. Nhưng với một xác tính tối cao dành cho Thượng đế,
Kierkegaard đặc biệt được các nhà hiện sinh hiện đại nhánh hữu thần khai thác. Theo
Kierkegaard thực tại hiện sinh phải chiếm chỗ chính yếu mà từ trước tới nay vẫn dành
cho lý trí. Và hiện sinh chỉ có ý nghĩa trong sự mặc khải Kitô giáo. Hiện hữu cao nhất
là hiện hữu của Thượng đế. Cả cuộc đời mình, Kierkegaard đã lớn tiếng thức tỉnh
những cá nhân, mạnh bạo đứng trên một chiến tuyến cô lập và kêu gọi tất cả hãy quay
về với tôn giáo đích thực, hiến mình cho Thượng đế. Nhưng sinh thời, không ai hiểu
ông, người ta lãng quên ông cùng những quan điểm triết lý của ông. Gần một thế kỷ
sau khi Kierkegaard mất đi người ta mới khêu lại ngọn đèn mà ông đã đốt.
15
Các tác gia hiện sinh nhánh hữu thần chứng minh và lý giải sự tồn tại của Thượng
đế đầy nhiệt thành, đức tin tuyệt đối vào sự hiện hữu của Thượng đế là nét nổi bật nhất
của chủ nghĩa hiện sinh tôn giáo. Điều này lý giải tại sao, trong vấn đề con người, từ
Kierkegaard đến Jaspers, Marcel đều quy hiện sinh về hiện hữu của Thượng đế.
Kierkegaard – ông tổ hiện sinh hữu thần – là một hình mẫu điển hình về đức tin
dành cho Thượng đế. Kierkegaard ngay từ những tác phẩm đầu tiên, đã chứng minh
một điều chắc chắn là Thượng đế tồn tại. Nhưng theo Kierkegaard, sự hiện diện của
Thượng đế không phải như triết học hay lý trí mô tả là chân lý tuyệt đối và khả tri (và
vì thế là khách thể), mà như là chủ thể. Con người không thể tìm kiếm Thượng đế một
cách khách quan, hay làm sáng tỏ Thượng đế một cách khách quan. Nhưng Thượng đế
vẫn tồn tại với tư cách là chủ thể. Kierkegaard quan niệm mối quan hệ giữa cá nhân và
Thượng đế là một kinh nghiêm độc nhất vô nhị và chủ quan. Trước khi có mối quan hệ
này, không cách nào có thể nhận thức được về nó. Mọi cố gắng để có nhận thức khách
quan về mối quan hệ giữa cá nhân và Thượng đế chỉ là một quá trình tiệm cận. Từ đó,
Kierkegaard nhấn mạnh: chỉ có đức tin mới là yếu tố duy nhất đảm bảo cho mối quan
hệ giữa cá nhân – Thượng đế. “Niềm tin đó chính là: bản ngã trong chính cái bản thân
nó, đã được đặt nền móng một cách trong sáng ở Chúa” [26,408]. Và quan trọng hơn,
trong mối quan hệ ấy, con người luôn luôn tội lỗi. Khi con người ý thức về tội lỗi của
bản thân, ý thức về sự tha hóa của bản thân thì đó cũng là khi con người cảm thấy sự
hiện diện của Thượng đế. Trong những triết gia cùng thời, Kierkegaard được đánh giá
là một nhà “hữu thần” triệt để. Niềm tin của ông dành cho Thượng đế đã thấm nhuần
trong mỗi tác phẩm mà ông viết. Cả cuộc đời của mình, Kierkegaard tự ví như là một
sự hiến dâng. Muốn chân lý tôn giáo trường tồn thì người chứng cho chân lý phải hiến
mình cho chân lý. Tương tự vậy, muốn cảm được sự hiện diện của Thượng đế thì phải
hiến mình cho Thượng đế.
Các nhà hiện sinh hữu thần về sau đã kế thừa “niềm tin”, tinh thần “hiến dâng” từ
ông tổ Kierkegaard. Để chứng minh sự tồn tại của Thượng đế, Jaspers đã phê phán
quan niệm của chủ nghĩa duy lý cho rằng lý trí có thể nhận biết được mọi điều. Với
Jaspers, lý trí không thể nhận biết được Thượng đế, không thể bắt gặp được Thượng
đế. Jaspers tỏ rõ quan điểm triết học duy lý “không công nhận cũng không phủ nhận”
[10; tr92] sự hiện hữu Thiên chúa. “Nhưng nên biết rằng bất cứ ai hễ đã bước chân vào
lĩnh vực triết lý đều phải đề cập đến vấn đề đó” [10; tr92]. Theo Jaspers “Thiên chúa
16
không phải là đối tượng cho tri thức; ta không thể khám phá Thiên chúa một cách
tường tận rõ ràng. Ngài cũng không phải đối tượng của thực nghiệm giác quan, mà là
vô hình. Không nhìn thấy ngài, ta chỉ có thể tin tưởng vào ngài”[10; tr97]. Nếu
Kierkegaard quy sự hiện hữu của Thượng đế về sự cảm nhận tội lỗi nơi con người thì
Jaspers đặc biệt nhấn mạnh bản chất tự do của con người. Jaspers cho rằng: “khi biết
mình tự do, đồng thời con người tin tưởng chắc chắn có Thiên chúa. Như thế tự do và
Thiên chúa không thể tách rời nhau” [10; tr98]. Con người càng sống tự do bao nhiêu,
Thiên chúa càng hiện hữu bấy nhiêu trong con người. Mà tự do được gọi là hiện sinh
của con người. Thế nên, Thiên chúa, theo quan niệm Jaspers, chỉ xuất hiện ra với hiện
sinh. Cái hay, độc đáo trong tư tưởng của ông ở chỗ đã đồng nhất Thiên chúa với hiện
sinh con người. Jaspers lập luận về Thiên chúa đầy nhiệt thành: “ giải thích hiện sinh
như một tự do cũng không phải để chứng minh Thiên chúa hiện hữu, mà để chỉ ra
rằng: Hiện sinh là vị trí giúp ta chắc chắn cảm nghiệm được Thiên chúa hiện diện
trong ta” [10; tr99].
1.2.2. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần
Với ý chí quyền lực mạnh bạo, độc đáo, với hình mẫu siêu nhân thượng đẳng,
Nietzsche đã khuấy đảo cả nền triết học Tây Âu nửa cuối thế kỷ XIX. Sinh thời, do
bệnh tật ốm yếu, nên người ta xem ông là kẻ điên giữa thời cuộc, và triết học của ông
chẳng qua cũng chỉ là mớ hỗn độn những suy niệm lạc loài. Không ai có thể ngờ rằng,
con người ấy, tư tưởng triết học ấy lại có ảnh hưởng, tác động vô cùng to lớn đến
những trào lưu triết học, đến những triết gia tiêu biểu của thời đại “sau Nietzsche”.
Chính Nietzsche cũng không nghĩ rằng từ tư tưởng của ông mà một dòng triết học hiện
sinh vô thần đã như thêm lửa để bùng lên vào những năm 40 – 60 thế kỷ XX, đốt cháy
cả một giai đoạn châu Âu qua hai cuộc đại thế chiến.
Nếu các triết gia hiện sinh hữu thần khẳng định Thượng đế tồn tại bằng một ưu
ái đặc biệt và một đức tin mãnh liệt thì ngược lại, các triết gia thuộc nhánh vô thần đã
phủ nhận sạch trơn Thượng đế.
Nietzsche hân hoan rao giảng về cái chết của Thượng đế. Ông được xếp như
một triết gia kỳ lạ của một thế giới tinh thần kỳ dị vì đã mang trọng tội “giết chết
Thượng đế” – giết chết biểu tượng của lòng tin và niềm yêu tuyệt đối nơi con người.
Xây dựng những lý thuyết triết học của mình, Nietzsche muốn chống đối mọi thứ thần
tượng do lý trí tạo ra bằng cách chứng minh sự bất lực của lý trí trước những phi lý
17
của cuộc đời. Cuộc đời với những mâu thuẫn đầy rẫy đủ để Nietzsche bác bỏ tất cả
chân lý khách quan, bác bỏ cả Thượng đế. Ông không ngần ngại thẳng tay đập nát
những bảng hệ thống luân lý của xã hội đương thời. Theo Nietzsche, những cái đó chỉ
đáng coi là phù phiếm. Thượng đế cũng phù phiếm. “Thượng đế là một sự phỏng
đoán” [23; tr16]. Trong triết lý của mình, Nietzsche đã không dành chỗ ca ngợi hay
tôn vinh Thượng đế giống như các nhà hiện sinh tôn giáo. Nietzsche tâm niệm rằng
trước Thượng đế con người luôn luôn sai lầm. Và Nietzsche tuyên bố để không còn lỗi
lầm, để không còn tội nợ nữa thì con người phải giết chết Thượng đế. Trong tác phẩm
“vui biết” Nietzsche phát ngôn một câu nói bất hủ: “Thượng đế đã chết” [4; tr296].
Lời tuyên bố của Nietzsche khiến lòng tin của cả một châu Âu dao động, hoang mang
và lo sợ. Quan điểm phủ nhận sự hiện hữu Thượng đế của ông chính là muốn đề cao
vai trò, sức mạnh con người. Thuyết siêu nhân (hay các biến thể như thuyết “người
hùng”, “con người thượng đẳng”) của Nietzsche là điển hình cho quan niệm này.
Nietzsche lập luận: “Xưa kia, khi hướng nhìn về những trùng khơi thăm thẳm tuyệt mù
nọ, người ta bảo: Thượng đế; nhưng giờ đây, ta đã dạy cho các ngươi nói: Siêu nhân” [23;
tr161]. Thượng đế là đại diện cho một trật tự xã hội cũ, một niềm tin cũ. Vì thế, siêu
nhân sẽ là người trực tiếp đảo lộn, đánh sập tất cả những gì gọi là cũ kỹ đó. Siêu nhân,
trong cuộc chinh phục không khoan nhượng đối với “quá khứ bị bỏ rơi” sẽ sáng tạo lại
tất cả.
Sartre – nhà hiện sinh vô thần tiêu biểu của thế kỷ XX, giáo hoàng của hiện sinh
Pháp – đã tiếp nối khát vọng của Nietzsche đầy cuồng nhiệt. Sartre chấp nhận lời
tuyên bố của Nietzsche “Thượng đế đã chết”. Trong thế giới vô thần, con người mang
tâm trạng bị bỏ rơi, một tư tưởng Sartre lấy của Heidegger. Sartre coi Thượng đế chỉ là
một ảo giác của loài người, chỉ là một sản phẩm của cuộc sống ngột ngạt trong xã hội.
Đặc biệt, trong quan niệm của Sartre, con người là tự do. Nên nếu con người chấp
nhận Thượng đế có nghĩa là con người phủ nhận tự do của chính mình. Thừa nhận sự
hiện hữu của Thượng đế tức là bóp chết tự do cá nhân.
Các nhà hiện sinh hữu thần đặt Thượng đế vào trong một vị trí trang trọng trong
triết học để ca ngợi và nguyện hiến dâng. Các nhà hiện sinh vô thần gạt thẳng hình ảnh
Thượng đế ra khỏi cuộc sống của con người, nói chính xác hơn, Thượng đế đã trở nên
thừa thãi đối với hiện sinh con người. Vấn đề Thượng đế như định mốc phân biệt rõ
ràng hai nhánh của chủ nghĩa hiện sinh: hữu thần và vô thần. Nhưng xét cho cùng, vấn
18
đề Thượng đế trong chủ nghĩa hiện sinh nói chung luôn gắn liền với vấn đề con người.
Dù thừa nhận hoặc phủ nhận sự hiện hữu của Thượng đế thì cũng đều mục đích luận
giải hiện sinh con người, tồn tại người. Đúng như Emmauel Mounier nhận xét trong
“Những chủ đề triết hiện sinh”: “Triết hiện sinh, trước hết là một triết lý về con
người… dù là triết hiện sinh công giáo hay không công giáo nó cũng nhuốm một một
vẻ bi thiết mà đặc biệt là bi thiết về vận mệnh con người” [19; tr43]. Triết học hiện
sinh là triết học về thân phận con người. Vấn đề triết học trung tâm, quan trọng nhất
của chủ nghĩa hiện sinh chính là vấn đề con người. Nhánh hữu thần hay vô thần đều
tập trung vào vấn đề triết học cơ bản này. Do bác bỏ sự hiện hữu của Thượng đế,
không cần cầu tới niềm tin tôn giáo nên chủ nghĩa hiện sinh vô thần, khi đề cập đến
vấn đề con người, đã chứa đựng những sắc thái đặc biệt, những hướng giải quyết khác
lạ và nổi bật.
19
Chương 2
DIỆN MẠO CON NGƯỜI TRONG
CHỦ NGHĨA HIỆN SINH VÔ THẦN
2.1. Sự mâu thuẫn trong vấn đề con người
Trong suốt lịch sử triết học phương Đông cũng như phương Tây, từ cổ đại đến cận
đại, vấn đề con người luôn được quan tâm đến. Chỉ có điều, sự quan tâm đó, mức độ
đậm nhạt khác nhau, từ những khía cạnh khác nhau. Và chủ nghĩa hiện sinh đã kế thừa
truyền thống nhân bản trong lịch sử triết học.
Ngay từ đầu nửa sau thế kỷ V trước công nguyên, với luận điểm chủ đạo “con
người là thước đo của vạn vật ” [32; tr81], nhà biện thuyết Protagoras đã thể hiện rõ
tinh thần đề cao tự do, năng lực cá nhân, tạo nên một luồng gió nhân văn sâu sắc trong
triết học Hy Lạp cổ đại. Nhưng bước ngoặt thực sự trong triết học Hy Lạp, chuyển từ
triết học tự nhiên cũ sang triết học đạo đức, từ nguyên lý vũ trụ sang nguyên lý nhân
sinh phải kể đến “hiện tượng Socrates”. Triết học theo Socrates, phải là triết học dạy
con người sống, là tri thức về con người, dành cho con người. Vì vậy, triết học
Socrates có thể gọi là triết học đạo đức điển hình – triết học đạo đức duy lý. Sau đêm
trường trung cổ, lịch sử triết học Tây Âu tiệm tiến đến thời kỳ Phục hưng với tinh thần
chung của thời đại là chủ nghĩa nhân văn – tiếng gào thét của cá nhân đòi giải phóng.
Những con người khổng lồ giai đoạn Phục hưng đã dựng nên một thời đại con người.
Immannuel Kant – người khai mở triết học cổ điến Đức – lại một lần nữa khẳng định
con người là một sinh vật có lý tính. Để rồi sau đó nhà triết học duy vật nhân bản –
Ludwig Feuerbach – đã đặt con người vào vị trí trung tâm trong triết học của ông.
Điều đáng bàn là, theo các nhà hiện sinh, triết học cũ đã không dành cho con
người một vị trí thật xứng đáng; và khi nghiên cứu con người, triết học cũ chỉ chú ý
đến phương diện chung của con người mà chưa nhìn nhận đến phương diện riêng.
Triết học cũ chỉ xem con người như một đối tượng khách quan, một phần thuộc về thế
giới bên ngoài chứ không phải là con người hiện sinh. Để khẳng định một chủ nghĩa
20
về con người, của con người và vì con người, các triết gia hiện sinh đã đặt con người
vào một hoàn cảnh cụ thể, có một thân phận riêng biệt. Con người của chủ nghĩa hiện
sinh là con người cá nhân, là thân phận chứ không phải bản tính.
Con người đã được chủ nghĩa hiện sinh mổ xẻ, quay lật đủ chiều, xem xét đủ góc
cạnh. Thế nên, đã dành vấn đề con người ở vị trí trung tâm trong chủ nghĩa hiện sinh
nhưng vì con người hiện sinh tồn tại với tư cách cá nhân bởi vậy con người đa diện
mạo. Khó có thể định nghĩa chính xác con người chủ nghĩa hiện sinh là gì hay thế nào,
hơn nữa còn phụ thuộc vào cá nhân các nhà hiện sinh. Do đó, vấn đề con người nổi
cộm trong chủ nghĩa hiện sinh không có nghĩa vấn đề đó được trình như một bày hệ
thống. Tìm hiểu quan niệm về con người của chủ nghĩa hiện sinh vô thần không có
tham vọng phác họa con người theo nghĩa phổ quát. Như vậy không đúng với tinh thần
của chủ nghĩa hiện sinh. Và vì thế, con người hiện sinh đa diện mạo nên được tìm hiểu
và tiếp cận theo những diện mạo riêng biệt ấy.
2.1.1. Con người như cá nhân độc đáo và tự do
Từ chối nói về con người trừu tượng chung chung, các nhà hiện sinh đã quay lưng
lại với chủ nghĩa duy lý để hướng thẳng về hiện hữu. Chủ nghĩa hiện sinh là triết học
đề cao con người, khuếch trương chủ quan tính, đặt con người vào vị trí chủ thể mang
tính tuyệt đối. Chủ nghĩa hiện sinh tự nhận là triết học dành riêng cho con người, trao
cho con người chữ “hiện sinh” cao quý, thiêng liêng. Chủ nghĩa hiện sinh coi con
người là một bản thể duy nhất. Điều này không có nghĩa là ngoài con người không còn
gì mà là những cái khác so với con người đều nhỏ bé và không đáng xét. Như đã
khẳng định, cả hai nhánh hữu thần và vô thần đều xem vấn đề con người là vấn đề
trung tâm. Hiện sinh hữu thần quan niệm hiện hữu con người gắn chặt với hiện hữu
của Thượng đế bằng một thỏa ước bí nhiệm, thỏa ước của đức tin. Con người hướng
đến Thượng đế như cây cỏ hướng đến ánh sáng mặt trời. Do phủ nhận sự tồn tại của
Thượng đế, chủ nghĩa hiện sinh vô thần đã khắc họa đậm nét hình ảnh con người cá
nhân độc đáo, tự do. Cá nhân độc đáo vì nó duy nhất, không lặp lại, không do Thượng
đế sáng tạo. Cá nhân tự do vì nó không bị giới hạn, bị định chế bởi Thượng đế.
Nietzsche – ông tổ của hiện sinh vô thần – đã nhắc nhở con người: “Từ đáy lòng
mình ai cũng biết một cách quá rõ ta chỉ sống được một lần trong cuộc đời, ta là
trường hợp đặc thù, duy nhất, và không chỉ một sự tình cờ nào, dù quái ác đến đâu,có
thể một ngày kia tô bôi dị hợm nhiều phẩm tính hòa tan trong cái toàn thể”[24; tr5].
21
Nietzsche khẳng định tính độc đáo, tính duy nhất của con người qua hình mẫu siêu
nhân. Có thể coi biểu tượng siêu nhân đã chất chứa toàn vẹn nhất tư tưởng của
Nietzsche về bản chất độc đáo dành cho con người.
Tinh thần đề cao những cá nhân độc đáo của Nietzsche đã được các nhà hiện sinh
vô thần hiện đại ( Heidegger, Sartre) hưởng ứng mãnh mẽ. “ Đối với các nhà hiện sinh
mặt trời quay quanh trái đất hay trái đất quay quanh mặt trời không quan trọng. Cái cốt
tử có ý nghĩa thật sự là tồn tại của con người” [18; tr95]. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần
nhấn mạnh: con người thực tại phải có tính độc đáo, cá nhân phải khác cá nhân. Con
người độc đáo bởi lẽ chỉ có con người mới hiện sinh. Hiện sinh là phương thức tồn tại
đặt trưng của con người. “Chỉ có con người hiện hữu. Tảng đá là, nhưng nó không
hiện hữu. Cây là, nhưng nó không hiện hữu. Con ngựa là, nhưng nó không hiện hữu.
Thiên thần là, nhưng nó không hiện hữu. Thượng đế là, nhưng ngài không hiện hữu”
[5; tr36]. Heidegger khẳng định hiện sinh là một tư chất, một đặc ân dành cho con
người, chỉ có ở con người. Về sau, Sartre cũng mạnh bạo lên tiếng: “con người có một
phẩm giá cao hơn hòn đá hoặc cái bàn” [29; tr19 – 20]. Khởi nguyên triết học là con
người, còn con người là sự hiện sinh. Các nhà hiện sinh vô thần cho rằng quan niệm
triết học cổ điển đã đặt sai trọng tâm khi quan tâm tới lý tính, khoa học, tư duy…; nó
đã bỏ qua điều quan trọng nhất là con người cùng với đặc điểm đặc trưng nhất của con
người – tính chủ quan. Tính chủ quan của con người đơn giản là sự hiện sinh, sự sinh
tồn của con người. Với ngọn cờ khuếch trương chủ quan tính, chủ nghĩa hiện sinh vô
thần đã xuất hiện đúng lúc để khẳng định bản tính độc đáo của con người.
Con người là cá nhân độc đáo vì chỉ con người mới hiện sinh, và cũng chỉ con
người mới có quyền năng tự do vô hạn. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần tự hào đã thức
tỉnh con người khỏi giấc mơ tha hóa, nhắc nhở con người biết rằng nó là một cá nhân
độc nhất, nó là một nhân vị tự do. Tự do đích thực là hành vi sáng tạo của con người.
Nhưng nếu Jaspers luôn tâm niệm rằng: con người không tự sáng tạo nên mình, cho
nên tự do của con người là một tặng phẩm do Thượng đế ban cho, con người “có thể
sống không phụ thuộc trần thế, vì họ liên hệ chặc chẽ với Thiên chúa ”[10; tr126]; thì
các nhà hiện sinh vô thần khẳng định tự do của con người là tuyệt đối.
Nietzsche khẳng định con người là kẻ sáng tạo ra những giá trị riêng cho mình,
chỉ tuân thủ những nguyên tắc của chính mình. “Chính con người đã ban giá trị cho
những sự vật để bảo tồn lấy mình, chính người là kẻ sáng tạo ra ý nghĩa vạn vật, ý
22
nghĩa nhân bản!. Chính vì vậy họ tự gọi mình là “con người”, nghĩa là kẻ đo lường vạn
vật”. Rõ ràng Nietzsche đã trao cho con người cái quyền năng chỉ có ở Thượng đế.
Chưa ai, trước đó, từng mạnh bạo cổ súy tinh thần tự do sáng tạo của con người như
Nietzsche. “Thực ra, con người tự ban cho mình thiện và ác”[23; tr118]. Bản thân vị tổ
phụ của triết học hiện sinh vô thần cũng người tự do vô hạn thông qua những tư tưởng
của ông.
Tiếp nối bản lĩnh của Nietzsche, Sartre – thủ lĩnh của hiện sinh vô thần Pháp – đã
đưa tự do trở thành một vấn đề chính yếu trong triết học của ông. Sartre nhìn tự do như
nét đặc trưng phân biệt con người với mọi thực thể khác trong vũ trụ. Sartre từ chối
Thượng đế để nói hết về tự do cá nhân. Không có một con người được cho sẵn bởi
đấng Thượng đế sáng tạo, một người thợ tối cao. Thượng đế không đưa ra kế hoạch là
chúng ta sẽ phải như thế nào, hay là chúng ta phải sống ra sao. Tất cả cuộc sống của ta,
tương lai của ta đều do ta sáng tạo. Con người là sản phẩm sáng tạo của chính mình.
Mỗi người vào đời để tô vẽ nên bản thân mình và ngoài bản thân ấy không còn có gì
khác nữa. Sartre khẳng định : “Hiện sinh thuyết vô thần mà tôi trình bày ở đây có tính
cách mạng hơn cả. Thuyết này cho rằng nếu Thượng đế không hiện hữu; thì ít ra, phải có
một hữu thể mà hiện hữu của nó có trước yếu tính: một hữu thể hiện hữu ở đó trước khi
có thể bị bất cứ quan niệm nào định nghĩa. Hữu thể đó chính là con người ”[29; tr19].
Theo như diễn đạt của Sartre, nguyên lý của triết học hiện sinh vô thần chính là: hiện
hữu có trước lý tính. Hiện hữu là chỉ rằng một cái gì tồn tại; yếu tính biểu thị rằng cái
đó là gì – bản chất. Với công thức tồn tại có trước bản chất, Sartre cũng như các nhà
hiện sinh vô thần đã chỉ ra một đặc trưng vinh quang của con người – tự do. Sartre giải
thích thêm: “con người hiện hữu trước đã, con người tự thấy mình sinh ra đời đã, sau
đó con người mới định nghĩa mình được”[29; tr19]. Theo quan niệm của Sartre, con
người lúc đầu không là gì cả, sau đó con người mới sẽ là (thế nọ, thế kia…) và sẽ là
cái mình tự tạo nên. Như vậy, không có bản tính nhân loại nói chung, cá nhân không
thể giống cá nhân. Từ ý tưởng này, Sartre phủ nhận rằng không có một đấng Thượng đế
nào cả để quan niệm bản tính đó. Sartre đặt vào tay con người một phẩm chất cao quý là
độc đáo, một quyền năng tối thượng là tự do. Không còn bóng dáng của Thượng đế, nhà
hiện sinh vô thần tiêu biểu cho thế kỷ XX nghiễm nhiên công nhận chỉ có con người
mới tự do và khuyến khích con người cần phải đi đến tự do đích thực của mình.
23
Tự do là lựa chọn, là sáng tạo. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần nhấn mạnh tính chủ
thể thuần túy. Con người luôn có khả năng chọn lựa, bất kể ở trong tình huống nào. Cả
khi con người bị cầm tù thì con người vẫn có tự do để chọn lựa thái độ của mình trong
tình huống ấy. Sartre lý giải thật minh bạch: “Con người không những chỉ hiện hữu
giống như cái mình tự quan niệm ra nhưng còn giống như cái mà con người mong
muốn vậy. Vì con người chỉ sau khi mình hiện hữu rồi mới tự quan niệm về mình
được và sau khi đã sinh ra mình rồi mới tự mình muốn được, do đó con người chỉ là
cái mình tự tạo nên. Đó là nguyên tắc thứ nhất của thuyết hiện sinh ”[29; tr19]. Tự do
biểu hiện ở mức cao nhất chính là con người tự tạo cho mình một bản chất: “…kẻ hèn
nhát tự tạo cho mình thành hèn nhát, kẻ anh hùng tự tạo cho mình thành người hùng.
Kẻ hèn nhát luôn có khả năng để không còn hèn nhát và con người hào hùng không
còn là người hùng nữa”[29; tr37]. Tự do là lựa chọn theo đúng sở nguyện của bản
thân. Thông qua lựa chọn mà con người bộc lộ bản chất. Nhưng trong cuộc sống con
người không chỉ lựa chọn một lần mà lựa chọn nhiều lần, trong cùng một cảnh ngộ
hoặc trong nhiều cảnh ngộ khác nhau. Thế nên, bản chất con người không thể bất biến.
Quả là theo như cách lập luận của chủ nghĩa hiện sinh nhánh vô thần, chưa khi nào
con người lại tự do vô hạn đến vậy, tự do tuyết đối; chưa khi nào con người được trân
trọng hơn thế, trân trọng thiêng liêng. Hiện sinh vô thần đã “xây dựng” con người
bằng “chất liệu” độc đáo, tự do.
Con người hiện sinh độc đáo, tự do còn bởi thông qua “cái chết”. Có thể nói, “cái
chết” là một chủ đề đặc biệt trong triết học hiện sinh nhánh vô thần. Sartre, trong một
số lượng lớn những sáng tác văn học, đều đề cập ít nhiều đến cái chết. Điển hình,
trong kịch “Kín cửa” và truyện phim “Sự đã rồi”, các nhân vật đều là người đã chết.
Thực ra, các nhà hiện sinh vô thần mải miết nói về “sự chết” nhiều đến vậy vì theo họ
đề này là một tín niệm hiện sinh rõ nhất. Cái chết biểu thị bản chất tự do của con
người: “Tự do để chết và tự do trong cái chết”[23; tr145]. Theo Heidegger, chỉ có hiện
hữu để chết mới đem đến cho hiện hữu một mục đích và đẩy nó đến điểm kết thúc của
mình. Nhà hiện sinh vô thần nói đến cái chết như một lối kết luận chứ không trình bày
nó như một bi kịch. Sự sống của con người là nhằm mục đích tiến đến cái chết. Thậm
chí, cái chết là một ý niệm tô điểm cho sự sống. Nếu cuộc đời là một con đường thì cái
chết không hẳn ở cuối đoạn đường mà là đồng hành cùng người lữ khách cô độc. Hiện
sinh gắn liền với sự chết bởi “Kẻ nào chưa hề sống đúng lúc thì làm thế nào hắn có thể
24
chết cho đúng lúc”[23; tr14]. Trong cuộc sống con người có thể thay thế nhau trong
nhiều việc. Trong mối quan hệ với tha nhân, cá nhân cũng bị choán chỗ, bị thay thế.
Tức là, con người luôn ở trong tình trạng có khả năng đánh mất mình, đánh mất tính độc
đáo cá thể. Nhưng chỉ “sự chết” là tuyệt đối không thể thay thế. Cái chết của bất cứ ai
cũng là tự mình. Cái chết dành cho mọi người, nhưng mỗi người một cái chết riêng tư.
Như vậy, có thể thấy chủ nghĩa hiện sinh vô thần đã khắc họa rõ nét diện mạo
con người cá nhân độc đáo, tự do. Đây chính là một trong những điểm nổi bật nhất,
trọng tâm nhất của nhánh này khi bàn về vấn đề con người. Các nhà hiện sinh hữu thần
cũng nhắc đến tự do nhưng sứ mệnh của họ là đưa con người trở về với chúa. Còn với
các triết gia hiện sinh vô thần, con người tự do là con người sáng tạo ra chính mình, tự
cho mình một bản chất, và kiến thiết mình trong tương lai. Thế nên, sứ mệnh của
Nietzsche, Heidegger, Sartre… là sứ mệnh thắp lên ngọn đuốc mang tên độc đáo để nó
cháy bùng ánh lửa của tự do cá nhân.
2.1.2. Con người với tâm trạng lo âu, cô đơn giữa “Tha nhân” và đồng thời
như một dự phóng.
“Chủ nghĩa hiện sinh là nỗ lực triết lý về những sự kiện đầy kịch tính diễn ra trên
sân khấu không từ vị trí khán giả, từ phía người quan sát, mà từ góc độ của diễn viên –
người nhập cuộc, trực tiếp tham gia vào những lớp diễn, đóng vai cho vở kịch cuộc
sống” [18; tr94]. Do đó, tính chất chân thực của tồn tại cá nhân được chủ nghĩa hiện
sinh khắc họa rõ nét.
Với hiện sinh hữu thần, chất tôn giáo luôn đậm đà trong tư tưởng của
Kierkegaard, Jasper, Marcel. Con người của hiện sinh hữu thần cũng lo âu, cũng cô
đơn nhưng đó là nỗi lo âu, cô đơn nhuộm màu sắc tôn giáo trong thời đại “đánh mất
chúa”. Khi con người quay trở về với chúa, các nhà hiện sinh hữu thần cũng nhằm
mang tôn giáo lại cho trường học.
Không giống vậy, các triết gia hiện sinh vô thần đã phân tích sắc nét từng góc cạnh
đời sống, số phận mỗi cá nhân. Qua nhãn quan của nhà “vô thần”, bằng ngòi bút phanh
phui mổ xẻ, tình cảnh của con người được đặt tên là lo âu, nếm trải, cô đơn trong một
thế giới dửng dưng, người công giáo gọi thất vọng là một thái độ không đức tin còn hiện
sinh nhánh vô thần bắt nguồn từ một thất vọng ban sơ, thất vọng của đời sống.
Con người cá nhân độc đáo, tự do. Nhưng thế giới này bủa vây xung quanh con
người quá nhiều tai ương, cạm bẫy, bí ẩn không thể lường trước. Nên hiện hữu của con
25