Tải bản đầy đủ (.pdf) (245 trang)

Tính chủ quan trong các phát ngôn tiếng việt có chứa các phương tiện chỉ thời, thể

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.91 MB, 245 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
*************************

TRƯƠNG THỊ THU HÀ


TÍNH CHỦ QUAN
TRONG CÁC PHÁT NGÔN TIẾNG VIỆT
CÓ CHỨA CÁC PHƯƠNG TIỆN CHỈ THỜI, THỂ.



LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ


Chuyên ngành: Lí luận ngôn ngữ
Mã số: 50408
Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệp







Hà Nội 2003




MỤC LỤC
Mở đầu
6
1. Lí do chọn đề tài.
6
1.1. Ý nghĩa khoa học.
6
1.2. Ý nghĩa thực tiễn.
11
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
12
3. Nhiệm vụ nghiên cứu.
13
4. Phương pháp nghiên cứu.
13
5. Kết cấu của luận văn.
14
6. Các quy ước.
16
Chương 1: Cơ sở lí luận.
17
1. Khái niệm tình thái.
17
1.1. Quan điểm của các nhà ngôn ngữ học thế giới về tình thái.
17
1.2. Quan điểm của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam về tình thái.
25
2. Tính chủ quan của phát ngôn.
34
2.1. Khái niệm tính chủ quan của phát ngôn, với tư cách là một

phương diện của phạm trù tình thái.
34
2.2. Các phương tiện đánh dấu tính chủ quan của phát ngôn.
37
2.2.1. Các phương tiện ngữ âm.
38
2.2.2. Các phương tiện ngữ pháp.
38
2.2.3. Các phương tiện từ vựng.
40
Chương 2: Đặc trưng ngữ nghĩa của các phương tiện chỉ thời, thể
trong tiếng Việt.
47
1. Nhận xét mở đầu.
47
2. Vài nét về vấn đề thời, thể trong tiếng Việt.
50
2.1. Tình hình nghiên cứu.
50
2.2. Các phương tiện biểu thị thời, thể trong tiếng Việt.
54

4
3. Cơ sở để nhận biết tính chủ quan trong các phát ngôn tiếng Việt
có chứa các phương tiện chỉ thời, thể.
73
4. Quan hệ giữa chủ quan và khách quan.
77
5. Tiền giả định và hàm ý của các phương tiện chỉ thời, thể trong
tiếng Việt.

80
5.1. Tiền giả định của các phương tiện chỉ thời, thể trong tiếng Việt.
81
5.1.1. Tiền giả định thực hữu.
81
5.1.2. Tiền giả định phản thực hữu.
82
5.1.3. Tiền giả định không thực hữu.
83
5.2. Hàm ý của các phương tiện chỉ thời, thể trong tiếng Việt.
84
5.2.1. Hàm ý về tính hiện thực của sự tình.
84
5.2.2. Hàm ý về tính chủ ý của sự tình.
88
5.2.3. Hàm ý đánh giá.
90
Chương 3: Phân tích các hàm ý đánh giá mang tính chủ quan gắn
với các phương tiện chỉ thời, thể trong tiếng Việt.
91
1. Nhận xét mở đầu.
91
2. Các kiểu ý nghĩa đánh giá gắn với các phương tiện chỉ thời, thể
trong tiếng Việt.
96
2.1. Đánh giá về tầm quan trọng của nội dung sự tình.
96
2.2. Đánh giá về tính chất bất thường, nằm ngoài dự tính chờ đợi
của sự tình nêu trong phát ngôn.
105

2.3. Đánh giá về tính tích cực/ tiêu cực (không tích cực) của sự tình
nêu trong phát ngôn.
114
2.4. Đánh giá về lượng.
118
Kết luận.
123
Tài liệu tham khảo.
127
Nguồn tư liệu trích dẫn.
131
Phụ lục.
139


5
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
1.1. Ý NGHĨA KHOA HỌC:
1.1.1. Các hư từ như: đã, sẽ, đang, lại, vẫn, mãi, còn, cũng, chỉ,
từng,… thuộc vào những hư từ có tần số xuất hiện rất cao trong giao tiếp
hội thoại hàng ngày cũng như trong bất cứ một văn bản được viết bằng
tiếng Việt nào. Có thể nói cứ giở bất cứ trang văn bản tiếng Việt nào ta
cũng có thể thấy các hư từ này. Lớp các hư từ này cùng với các lớp từ
khác của tiếng Việt như lớp các tiểu từ tình thái cuối câu, lớp các trợ từ,
lớp các liên từ,… giữ vai trò quan trọng trong việc diễn đạt tư tưởng, tình
cảm của con người. Khó có thể hình dung được sự thiếu vắng của các hư
từ này trong quá trình giao tiếp cũng như trong quá trình tư duy của người
Việt. Tuy nhiên, vai trò, vị trí cũng như đặc điểm ngữ nghĩa của lớp từ
này trong tiếng Việt, trước đây, dưới góc độ của ngôn ngữ học cấu trúc

được xây dựng chủ yếu trên các ngôn ngữ Ấn-Âu, chưa được nhìn nhận
một cách thấu đáo, xác đáng, với nhiều định kiến và phiến diện.
Chẳng hạn xét các phát ngôn sau:
1) Nó đã đi Hà Nội.
2) Nó sẽ đi Hà Nội.
3) Nó lại đi Hà Nội.
Theo quan điểm của ngữ pháp truyền thống, các câu trên là đồng
nhất về cấu trúc và gần như là đồng nhất về từ vựng. Chúng chỉ khác biệt
rất ít ở một số trợ từ (đã/ sẽ/ lại) mà những trợ từ này, theo quan điểm
truyền thống, là các từ trống nghĩa (mots vides, empty words) nên rất ít
được quan tâm nghiên cứu. Với cái nhìn như vậy người ta không thể thấy
được sự khác biệt giữa một câu nói ở dạng tiềm năng (nội dung mệnh đề)
với một câu nói hiện thực trong giao tiếp (phát ngôn). Cả ba câu trên ở
dạng tiềm năng cùng miêu tả một sự tình là “nó đi Hà Nội”, nhưng trong

6
thực tế giao tiếp, (1) có thể được hiểu như là “nó đi Hà Nội” và tôi -
người nói - có cơ sở, có bằng chứng để cam kết về điều đó; (2) có thể
được hiểu như là “nó đi Hà Nội” và tôi không có hoặc có rất ít cơ sở,
bằng chứng về việc đó, ở đây việc “nó đi Hà Nội” chỉ là một đoán định
của tôi và (3) có thể được hiểu như là cái việc “nó đi Hà Nội” nằm ngoài
sự mong chờ, dự tính của tôi. Cái làm nên sự khác nhau này giữa các phát
ngôn chính là sự khác biệt về các trợ từ. Cùng một nội dung mệnh đề
nhưng đi kèm với những trợ từ khác nhau sẽ có những nội dung ngữ
nghĩa rất khác nhau.
1.1.2. Như chúng ta đã biết, trong các ngôn ngữ Ấn-Âu như tiếng
Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v. sự biểu đạt các ý nghĩa về thời, về thể
của sự tình trong phát ngôn là bắt buộc. Các ngôn ngữ này là các ngôn
ngữ có phạm trù thời và phạm trù thể. Các ý nghĩa về thời gian gắn với sự
chỉ xuất (các ý nghĩa về thời) hay các ý nghĩa về sự kéo dài hay không

kéo dài, hoàn thành hay không hoàn thành, kết thúc hay không kết thúc,
v.v. (các ý nghĩa về thể) của sự tình bị buộc phải diễn đạt ngay cả khi
không cần thiết. Chẳng hạn xét phát ngôn tiếng Anh sau:
I went to Hanoi yesterday. (Tôi đã đi Hà Nội hôm qua).
Mặc dù đã có biểu thức thời gian “yesterday” (hôm qua) chỉ rõ thời
điểm xảy ra sự tình được nêu trong phát ngôn nhưng ý nghĩa thời gian quá
khứ của thời điểm này vẫn phải được nhắc lại trong vị từ vị ngữ. Vị từ
“went” (đi) trong phát ngôn trên là dạng thức thời quá khứ của vị từ “go”
(đi) cho biết sự tình xảy ra trong quá khứ và không có gì liên quan đến
hiện tại.
Tương tự như vậy, trong tiếng Pháp, ý nghĩa thời gian cũng được
ngữ pháp hoá và bị buộc phải biểu đạt trong phát ngôn. Ví dụ:
Je suis allé(e) à Hanoi hier. (Tôi đã đi Hà Nội hôm qua).
Trong phát ngôn trên, vị từ “aller” (đi) bị buộc phải diễn đạt ở dạng
thức passé composé cho biết sự tình do nó biểu thị xảy ra và kết thúc

7
trong quá khứ mặc dù trong phát ngôn này cũng đã có biểu thức thời gian
“hier” (hôm qua) chỉ rõ thời điểm xảy ra sự tình. Trong phát ngôn này,
dạng thức passé composé của vị từ “aller” vừa diễn đạt ý nghĩa thời quá
khứ vừa diễn đạt ý nghĩa thể hoàn thành.
1.1.3. Trong khi đó, thực tế tiếng Việt lại không như vậy.
Với tư cách là một ngôn ngữ tự nhiên, tiếng Việt, cũng như các
ngôn ngữ tự nhiên khác, có đủ các phương tiện để biểu đạt các ý nghĩa mà
các ngôn ngữ khác có thể biểu đạt. Nhưng, không giống như các ngôn
ngữ khác, nhất là các ngôn ngữ Ấn-Âu, tiếng Việt không bị buộc phải
diễn đạt các ý nghĩa về thời gian khi không cần thiết. Điều này có nghĩa là
các ý nghĩa về thời gian không được ngữ pháp hoá trong tiếng Việt.
Trước đây do ảnh hưởng của truyền thống ngôn ngữ Ấn-Âu, một
số nhà ngữ pháp tiếng Việt cho rằng tiếng Việt có ba thời là thời hiện tại,

thời quá khứ và thời tương lai và các thời này được đánh dấu bằng ba hư
từ là “đang”, “đã”, “sẽ”. Trong đó “đang” đánh dấu thời hiện tại, “đã”
đánh dấu thời quá khứ và “sẽ” đánh dấu thời tương lai. (Dẫn theo [20, 1]).
Thực tế là trong một số trường hợp, các hư từ “đã”, “đang”, “sẽ” có
thể biểu đạt các ý nghĩa có liên quan đến thời quá khứ, thời hiện tại hay
thời tương lai. Chẳng hạn xét các phát ngôn sau:
1) Nó đã đi Hà Nội.
2) Nó đang đi Hà Nội.
3) Nó sẽ đi Hà Nội.
Trong các phát ngôn trên thời điểm xảy ra sự tình được biểu thị
trong tương quan với điểm quy chiếu là thời điểm nói, “đã” cho biết sự
tình xảy ra trước thời điểm phát ngôn, “đang” cho biết sự tình xảy ra đồng
thời với thời điểm phát ngôn và “sẽ” cho biết sự tình xảy ra sau thời điểm
phát ngôn. Trong các trường hợp này, “đã”, “đang” và “sẽ” dường như là
những phương tiện ngôn ngữ đánh dấu thời quá khứ, thời hiện tại và thời
tương lai.

8
Nhưng trong các trường hợp sau thì rõ ràng là “đã” không chỉ thời
quá khứ, “đang” không chỉ thời hiện tại và “sẽ” không chỉ thời tương lai.
Hãy xét các phát ngôn sau:
1) Ngày mai tôi đã đi rồi.
2) Ngày mai giờ này tôi đang học bài.
3) Nếu trời không mưa tôi sẽ đi đá bóng.
Trong các phát ngôn trên, “đã”, “đang”, “sẽ” không biểu thị các ý
nghĩa về thời gian. Trong phát ngôn (1), thời điểm xảy ra sự tình không
phải là thời điểm quá khứ. Tương tự, trong phát ngôn (2), thời điểm xảy
ra sự tình cũng không phải là thời điểm hiện tại. Trong phát ngôn (3), thời
điểm xảy ra sự tình không xác định vì sự tình nêu trong phát ngôn chỉ là
một giả thiết.

Đặc biệt trong các trường hợp sau thì ý nghĩa về thời của các hư từ
này lại rất mờ nhạt. Hãy xét các phát ngôn sau:
1) Hôm qua, nó đã đi Hà Nội.
2) Hôm nay, nó đang đi Hà Nội.
3) Ngày mai, nó sẽ đi Hà Nội.
Trong các phát ngôn trên các ý nghĩa về thời gian quá khứ, thời
gian hiện tại và thời gian tương lai đã được làm rõ nhờ các biểu thức thời
gian: “hôm qua” chỉ một điểm thời gian trong quá khứ, “hôm nay” chỉ
thời gian hiện tại và “ngày mai” chỉ một điểm thời gian trong tương lai, vì
vậy về nguyên tắc các ý nghĩa đó không cần được nhắc lại một lần nữa
bởi các phương tiện chỉ thời, thể. Theo chúng tôi, lúc này, sự có mặt của
các hư từ này trong phát ngôn không còn là để giữ vai trò biểu đạt các ý
nghĩa về thời, thể của vị từ nữa. Chúng chuyển sang biểu đạt một ý nghĩa
khác, một ý nghĩa mà trong khuôn khổ của ngôn ngữ học truyền thống lấy
các ngôn ngữ Ấn-Âu làm trung tâm cũng như trong khuôn khổ hạn hẹp
của ngôn ngữ học cấu trúc, hình thức không quan tâm đến vai trò của chủ
thể tạo lời, đã không được nhận thức một cách rõ ràng.

9
Các phát ngôn trên nếu đặt trong một phạm vi rộng lớn hơn, phạm
vi tính chủ quan của phát ngôn, thì vai trò, vị trí, đặc điểm ngữ nghĩa của
các hư từ trên sẽ được giải thích một cách thoả đáng. Trong phạm vi tính
chủ quan tạo lời, đặc trưng ngữ nghĩa bao quát nhất của các hư từ trên
không phải là nhằm biểu đạt các ý nghĩa về thời, thể mà (chủ yếu) là biểu
đạt các ý nghĩa tình thái tức là biểu đạt thái độ, quan điểm, nhận thức, sự
đánh giá của người nói đối với điều được nói ra.
Chẳng hạn khi phát ra phát ngôn: “Hôm qua, nó đã đi Hà Nội”, cái
mà người nói hướng tới, cái mà người nói hàm ý không phải là sự định vị
sự tình “nó đi Hà Nội” được nêu trong phát ngôn trên một cái trục thời
gian tuyến tính nào đó mà là sự nhấn mạnh của người nói (người viết và

nói rộng ra là tác nhân tạo lời) về tính hiện thực của điều được nói ra.
Tương tự như vậy, khi phát ra phát ngôn: “Ngày mai, nó sẽ đi Hà Nội.”,
người nói không nhằm định vị sự tình trên trục thời gian tuyến tính mà
muốn nói với người nghe rằng đó là sự tình mà “tôi”-người nói- phỏng
đoán, nó có thể xảy ra mà cũng có thể không xảy ra. Ở đây người nói
không cam kết, không bảo đảm hoàn toàn về tính chân thực của sự tình
nêu trong phát ngôn.
Tóm lại từ trên ta có thể thấy, các hư từ như “đã”, “đang”, “sẽ”,
“lại”, “vẫn”,… mà ta vẫn thường gọi là các phương tiện chỉ thời, thể khi
đi kèm với vị từ không chỉ bổ sung các ý nghĩa về thời, thể của vị từ nêu
trong phát ngôn mà còn biểu đạt quan niệm, thái độ, nhận thức, đánh giá
chủ quan của người nói đối với sự tình được nêu trong phát ngôn. Mà
điều quan trọng là, chính điều này, trong nhiều trường hợp, mới là thông
tin quan trọng mà người nói muốn cung cấp, truyền đạt, gửi gắm đến
người nghe. Chẳng hạn trong phát ngôn “Nó đã đi Hà Nội”, không phải
các thông tin về nội dung sự tình là tất cả những điều mà người nói muốn
truyền đạt đến người nghe (bởi các thông tin này có thể người nghe đã
biết) mà có khi chính thái độ xác nhận, cam kết, đánh giá về tính chân

10
thực của nội dung sự tình đi cùng với nội dung mệnh đề đó mới thực sự là
những thông tin quan trọng, chủ yếu nhất mà người nói muốn truyền đạt,
gửi gắm đến người nghe. Sự xác nhận này có thể bác bỏ một nhận định
sai lầm nào đó từ phía người nghe hoặc từ bất cứ phía nào khác và do vậy
có tác dụng hiệu chỉnh, củng cố niềm tin của người nghe vào nội dung sự
tình và xa hơn là duy trì và phát triển giao tiếp. Với phát ngôn này người
nói cam kết nội dung sự tình là hoàn toàn chân thực, người nghe hoàn
toàn có thể tin tưởng vào điều đó. Như vậy, đến đây ta thấy rằng việc làm
rõ các hàm ý chủ quan của người nói khi nói đặc biệt là các hàm ý chủ
quan trong các phát ngôn có chứa các phương tiện chỉ thời, thể nêu trên là

điều rất cần thiết đối với ngôn ngữ học nói chung cũng như đối với ngữ
nghĩa học nói riêng. Riêng đối với tiếng Việt điều này càng có ý nghĩa.
Có hiểu hết được vai trò, tác dụng cũng như các loại ý nghĩa mà các hư từ
thời, thể có thể biểu đạt, chúng ta mới có thể phát huy tối đa cái chức
năng là công cụ tư duy và giao tiếp của tiếng Việt. Đó là lí do tại sao
chúng tôi lại chọn đề tài: Tính chủ quan trong các phát ngôn tiếng Việt
có chứa các phương tiện chỉ thời, thể.
1.2. Ý NGHĨA THỰC TIỄN:
Luận văn là sự tiếp tục của những nghiên cứu theo hướng ngữ pháp
chức năng trong tiếng Việt. Lần đầu tiên, các phương tiện chỉ thời, thể
trong tiếng Việt được miêu tả một cách hệ thống với các đặc trưng ngữ
nghĩa của chúng trong một khung miêu tả thích hợp: trong phạm vi của
tính chủ quan tạo lời gắn liền với các ý nghĩa tình thái. Kết quả nghiên
cứu của luận văn sẽ là cơ sở quan trọng góp phần xây đựng các sách giáo
trình, các sách giáo khoa về ngữ pháp tiếng Việt cho mọi người nói chung
và cho các học viên nước ngoài (chủ yếu là các học viên quen thuộc nhiều
với các ngôn ngữ Ấn-Âu, các ngôn ngữ có phạm trù thời và phạm trù thể,
nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các hư từ thường được coi là các
phương tiện chỉ thời, thể trong tiếng Việt) nói riêng. Ngoài ra thông qua

11
việc miêu tả các đặc trưng ngữ nghĩa của các hư từ chỉ thời, thể trong
tiếng Việt, đặc biệt việc tìm hiểu vai trò của chúng trong việc hình thành
đích ngôn trung của phát ngôn, tức là hiện thực hoá dụng ý của người
phát ngôn khi phát ngôn, luận văn cũng góp phần làm rõ một số phương
diện thuộc cơ chế hoạt động của tiếng Việt nói chung và của các hư từ chỉ
thời, thể đó nói riêng.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU:
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi trong luận văn này là các hư từ
khi đi kèm với vị từ có khả năng biểu đạt các ý nghĩa về thời, thể cho vị

từ đó như: đã, đang, sẽ, vừa, mới, vừa mới, từng, chưa, còn, mãi, hoài,
v.v. Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi là các phát ngôn có chứa các hư từ
kể trên. Các phát ngôn này được rút ra từ các tác phẩm văn học hiện đại
Việt Nam như Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ, Trúng số độc đắc, Vỡ đê, Cơm
thầy cơm cô,… của Vũ Trọng Phụng; Bỉ vỏ của Nguyên Hồng; các truyện
ngắn của Nam Cao; Bên kia bờ ảo vọng, Quãng đời đánh mất của
Dương Thu Hương; Ba lần và một lần của Chu Lai; các tác phẩm được
giải nhất văn chương qua các thời kì; v.v.

12
3. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:
Từ tình hình thực tế và trong khuôn khổ có hạn của luận văn, trong
luận văn này chúng tôi tự đề ra cho mình những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1> Nghiên cứu lí luận về tính tình thái.
2> Nghiên cứu lí luận về tính chủ quan của phát ngôn.
3> Xác lập danh sách các phương tiện đánh dấu tính chủ quan của
phát ngôn.
4> Điểm qua tình hình nghiên cứu các vấn đề về thời, thể trong
tiếng Việt.
5> Xác lập danh sách các phương tiện chỉ thời, thể trong tiếng Việt.
6> Xác định cơ sở để nhận biết tính chủ quan trong các phát ngôn
tiếng Việt có chứa các phương tiện chỉ thời, thể.
7> Phân tích mối quan hệ qua lại giữa tính chủ quan và tính khách
quan trong phát ngôn.
8> Phân tích các ý nghĩa khách quan của các phương tiện chỉ thời,
thể tiếng Việt.
9> Phân tích các ý nghĩa đánh giá chủ quan gắn với các phương
tiện chỉ thời, thể.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
Việc nghiên cứu tính chủ quan của phát ngôn không nằm ngoài

phạm vi ngữ nghĩa, ngữ dụng nên bên cạnh việc áp dụng những phương
pháp nghiên cứu chung cho mọi ngành khoa học như phương pháp diễn
dịch, phương pháp quy nạp, phương pháp phân tích, thống kê, v.v., chúng
tôi tiến hành áp dụng một loạt các phương pháp phân tích ngữ nghĩa, ngữ
dụng như: phân tích ngữ cảnh, mở rộng, thu hẹp ngữ cảnh, so sánh đối
chiếu, thay thế, kết hợp, khúc giải, v.v. trong việc phân tích ngữ nghĩa của
các đối tượng nghiên cứu từ đó tìm ra đặc trưng về ngữ nghĩa cũng như
cơ chế hoạt động của đối tượng.
Cụ thể chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu như sau:

13
1> Thu thập, ghi chép các phát ngôn có chứa các phương tiện chỉ
thời, thể trong các tác phẩm văn học Việt Nam điển hình như Giông tố,
Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Trúng số độc đắc,… của Vũ Trọng Phụng; Dì
Hảo, Chí Phèo, Ở hiền,… của Nam Cao; Bên kia bờ ảo vọng, Quãng
đời đánh mất của Dương Thu Hương; Ba lần và một lần của Chu Lai;
v.v.
2> Phân loại, thống kê các phát ngôn theo từng phương tiện chỉ
thời, thể.
3> Thống kê, xác lập một danh sách các phương tiện chỉ thời, thể
trong tiếng Việt.
4> Phân loại các phương tiện chỉ thời, thể theo từng nhóm ngữ
nghĩa căn cứ vào các hàm ý về thời, thể mà chúng có thể có.
5> Phân tích tiền giả định và các hàm ý mang tính khách quan của
các phương tiện chỉ thời, thể theo từng nhóm ngữ nghĩa.
6> Phân loại các phương tiện chỉ thời, thể theo từng ý nghĩa đánh
giá chủ quan.
7> Phân tích các hàm ý chủ quan mà các phương tiện chỉ thời, thể
có thể biểu đạt.
5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN:

Luận văn của chúng tôi, ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục,
gồm có ba chương sau:
1> Chương 1: Cơ sở lí luận.
Chương này tập trung nghiên cứu các vấn đề lí luận về tính tình
thái của phát ngôn, một vấn đề quan trọng thu hút được sự chú ý của
nhiều nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó là những vấn đề về tính chủ quan của
phát ngôn với tư cách là một phương diện thuộc phạm trù tình thái cùng
với các vấn đề có liên quan. Trong chương này chúng tôi cố gắng xác lập
một danh sách tương đối đầy đủ các phương tiện đánh dấu tính chủ quan
của các phát ngôn trong tiếng Việt.

14
2> Chương 2: Đặc trưng ngữ nghĩa của các phương tiện chỉ thời,
thể trong tiếng Việt.
Chương này tập trung nghiên cứu các đặc điểm ngữ nghĩa nói
chung của các hư từ có thể biểu đạt các ý nghĩa có liên quan đến thời, thể
trong tiếng Việt (thường được ngữ pháp truyền thống gọi là các phương
tiện chỉ thời, thể trong tiếng Việt) trong quá trình truyền đạt các thông tin
khách quan (thuộc nội dung miêu tả) cũng như truyền đạt các thông tin
chủ quan (thuộc nội dung tình thái). Chương này tập trung phân tích các ý
nghĩa đặc thù mang tính khách quan của các phương tiện chỉ thời, thể
trong tiếng Việt. Ngoài ra chúng tôi còn đề cập đến những cơ sở để nhận
biết tính chủ quan trong các phát ngôn có chứa các phương tiện chỉ thời,
thể cũng như mối quan hệ, tác động qua lại giữa các ý nghĩa khách quan
và các ý nghĩa chủ quan. Và tất nhiên, để có cơ sở cho những phân tích về
sau, trước khi đi vào phân tích các đặc trưng ngữ nghĩa của các phương
tiện chỉ thời, thể trong tiếng Việt chúng tôi có điểm qua vài nét về vấn đề
thời, thể trong tiếng Việt. Trong phần này chúng tôi cố gắng đưa ra một
danh sách tương đối đầy đủ các hư từ có thể biểu đạt các ý nghĩa có liên
quan đến phạm trù thời và phạm trù thể trong tiếng Việt.

3> Chương 3: Phân tích các hàm ý đánh giá mang tính chủ quan
của các phương tiện chỉ thời, thể trong tiếng Việt.
Chương này tập trung phân tích những hàm ý đánh giá mang tính
chủ quan của người nói đối với những điều được nói ra. Qua khảo sát,
chúng tôi thấy các phương tiện chỉ thời, thể trong tiếng Việt thường biểu
đạt sự đánh giá của người nói về những vấn đề sau:
- đánh giá về tầm quan trọng của nội dung sự tình;
- đánh giá về tính bất thường, nằm ngoài sự dự tính chờ đợi của nội
dung sự tình;
- đánh giá về tính tích cực/ tiêu cực của nội dung sự tình;
- đánh giá về lượng.

15

16
6. CÁC QUY ƯỚC:
Ví dụ 1: [DTH, BKBAV, 92] = [tên tác giả, tác phẩm, trang trích
dẫn cứ liệu].
Trong đó, tên tác giả, tác phẩm đã được kí hiệu trong phần Nguồn
tư liệu trích dẫn. (Xem trang 131).
Ví dụ 2: [20, 9] = [thứ tự nguồn tài liệu tham khảo, trang trích dẫn].
Trong đó thứ tự nguồn tài liệu tham khảo đã được sắp xếp trong
phần Tài liệu tham khảo. (Xem trang 127).
Ví dụ 3:
- dấu (*) đặt trước phát ngôn: phát ngôn bất thường.
- dấu (?!) trước phát ngôn: phát ngôn có thể có nghĩa trong một số
ngữ cảnh nào đó do những nhân tố dụng pháp nhưng trong những ngữ
cảnh đó, nghĩa của phát ngôn phải được hiểu lại.

17

CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN

1. KHÁI NIỆM TÌNH THÁI:
1.1. QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ NGÔN NGỮ HỌC TRÊN
THẾ GIỚI VỀ TÌNH THÁI:
1.1.1. Tình thái khách quan:
Trong mấy chục năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của Ngữ
pháp chức năng, của lí thuyết hành vi ngôn ngữ, vấn đề tình thái được các
nhà Ngôn ngữ học đặc biệt quan tâm nghiên cứu. Nhưng thực ra, vấn đề
tình thái (modality, modalité hay modus) đã được các nhà Logic học quan
tâm, nghiên cứu từ rất xa xưa. Có thể nói Aristote là nhà Logic học đầu
tiên quan tâm đến tình thái. Trong các công trình về Logic học như “De
l’interprétation” (Về sự giải thích) [mục 12-13] bàn về sự phân loại mệnh
đề hay cuốn “Premiers analytiques” (Những phân tích đầu tiên) [mục 3-
13; 8-22], ông đã đề cập đến vấn đề tình thái. [7, 94].
Trong phạm vi của mình, khi xác định tính đúng/ sai hay giá trị
chân/ ngụy của mệnh đề, Logic học đã quan tâm đến tình thái của mệnh
đề ở các phương diện sau:
- Nội dung mệnh đề là hiện thực hay phi hiện thực;
- Nội dung mệnh đề là tất yếu hay không tất yếu;
- Nội dung mệnh đề là có khả năng xảy ra hay không có khả năng
xảy ra.
Theo quan điểm như vậy, các mệnh đề, tuỳ theo mối liên hệ giữa
chủ từ và vị từ xét trong mối quan hệ giữa mệnh đề với thực tế, được quy
về một trong ba nhóm sau:
- Nhóm các mệnh đề hiện thực: Các mệnh đề hiện thực phản ánh sự
xác nhận đối tượng có hay không có đặc trưng do vị từ nêu ra.

18

- Nhóm các mệnh đề tất yếu: Các mệnh đề tất yếu phản ánh những
nội dung nhận thức mà đặc trưng do vị từ biểu thị có ở đối tượng trong
mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện.
- Nhóm các mệnh đề khả năng: Các mệnh đề khả năng phản ánh
xác suất đối tượng có hay không có đặc trưng nêu ở vị từ.
Bảng màu tình thái trong Lôgic học rất đơn giản và đặc biệt là hoàn
toàn loại trừ vai trò của người nói. Người ta gọi đây là tình thái khách
quan (tình thái của Logic học) trong sự đối lập với tình thái chủ quan (tình
thái của Ngôn ngữ học).
Chẳng hạn, xét các phát ngôn sau:
1) Nó đã đi Hà Nội.
2) Nó lại đi Hà Nội.
3) Nó phải đi Hà Nội.
4) Nó sắp đi Hà Nội.
5) Có lẽ nó đi Hà Nội.
Trong số các phát ngôn trên, các phát ngôn (1), (2) được quy về
nhóm các mệnh đề hiện thực; phát ngôn (3) được quy về nhóm các mệnh
đề tất yếu và các phát ngôn (4), (5) được quy về nhóm các mệnh đề khả
năng.
Trong khi đó, ngược lại, tình thái chủ quan (tình thái ngôn ngữ) lại
đặc biệt quan tâm đến vai trò của người nói. Bảng màu tình thái chủ quan
đa dạng, phong phú hơn tình thái khách quan rất nhiều và đòi hỏi một sự
quan tâm nghiên cứu đặc biệt.
1.1.2. Tình thái chủ quan:
Tình thái chủ quan (tình thái của ngôn ngữ) là một trong những vấn
đề rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp của Ngôn ngữ học hiện đại. Có
thể nói từ trước đến nay, không có khái niệm ngôn ngữ học nào lại phức
tạp, gây nhiều tranh cãi như khái niệm tình thái. Dường như là có bao
nhiêu tác giả nghiên cứu về tình thái thì có bấy nhiêu quan điểm về tình


19
thái. Đánh giá về tính chất phức tạp của tình thái, V.Z. Panfilov đã phải
phát biểu: “không có phạm trù nào mà bản chất ngôn ngữ học và thành
phần các ý nghĩa bộ phận lại gây ra nhiều ý kiến khác biệt và đối lập
nhau như phạm trù tính tình thái”. (Dẫn theo [45, 215]). Mặc dù đều xác
nhận tình thái là một trong hai thành phần cơ bản trong cấu trúc ngữ nghĩa
của câu nhưng mỗi tác giả lại hiểu khái niệm tình thái theo một cách khác
nhau. Cách hiểu của V.N. Bondarenko về khái niệm tình thái không giống
như cách hiểu của M.V. Liapon lại càng không giống cách hiểu của J.
Lyons hay của J. Bybee.
V.N. Bondarenko cho rằng: “Tính tình thái là phạm trù ngôn ngữ
chỉ ra đặc điểm của các mối quan hệ khách quan (tình thái khách quan)
được phản ánh trong nội dung của câu và chỉ ra mức độ của tính xác
thực về nội dung của chính câu đó theo quan niệm của người nói (tình
thái chủ quan)”. (Dẫn theo [51, 48]).
M.V. Liapon thì cho: “Tính tình thái là một phạm trù chức năng
ngữ nghĩa thể hiện các dạng quan hệ khác nhau của phát ngôn đối với
thực tế cũng như các dạng đánh giá chủ quan khác nhau của điều được
thông báo”. (Dẫn theo [51, 48]).
Trong khi đó, J. Lyons lại cho rằng tình thái: “là thái độ của người
nói đối với nội dung mệnh đề mà câu biểu thị hay tình trạng mà mệnh đề
đó miêu tả”. (Dẫn theo [45, 216]).
Ở mức độ khái quát hơn, J. Bybee cho rằng, tình thái là “tất cả
những gì mà người nói thực hiện cùng toàn bộ nội dung mệnh đề”. (Dẫn
theo [52, 385]).
Sở dĩ có sự khác biệt giữa các tác giả trong cách hiểu về tình thái
như trên là do:
- Các ý nghĩa tình thái trong ngôn ngữ rất phong phú và đa dạng.
Nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi các đối lập phổ quát như các đối lập
hiện thực/ phi hiện thực; tất yếu/ không tất yếu; có khả năng/ không có


20
khả năng như Logic học mà là một quá trình nhận thức liên tục bao gồm
nhiều khâu, nhiều bước chuyển tiếp từ cực này đến cực kia của sự đối lập,
từ chắc chắn đến không thể, từ bắt buộc, cấm đoán đến cho phép và miễn
trừ,…
- Các ý nghĩa tình thái chủ quan không phân biệt nhau một cách rõ
ràng như các ý nghĩa tình thái khách quan mà giao thoa, đan xen, chồng
chéo, lồng ghép vào nhau và bổ sung cho nhau tạo thành nhiều tầng nhiều
bậc ngữ nghĩa khác nhau thuộc nhiều phạm trù khác nhau nên việc khái
quát các ý nghĩa đó thành một phạm trù phổ quát không phải là một việc
dễ dàng.
- Trong quá trình nghiên cứu, do mục đích nhu cầu của mình, các
tác giả nghiên cứu tình thái trong những phạm vi khác nhau nên khó có
thể tránh khỏi sự không đồng nhất về quan điểm.
Qua trên ta thấy quan điểm của các tác giả về tình thái không thống
nhất hoàn toàn với nhau nhưng điều đó không có nghĩa là không thể tìm
thấy một nét chung nào đó trong quan điểm của các tác giả về khái niệm
này. Nhìn chung, các quan điểm của các tác giả có thể quy về hai khuynh
hướng chính sau:
1.1.2.1. Khuynh hướng hiểu tình thái theo nghĩa hẹp:
Đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng này là Charles Bally, nhà
Ngôn ngữ học người Pháp, một trong những người có công lớn nhất trong
việc mở đường cho việc nghiên cứu về tính tình thái của ngôn ngữ một
cách có hệ thống. Theo ông, cấu trúc ngữ nghĩa của một phát ngôn bao
giờ cũng gồm hai thành phần: tình thái (modus) và nội dung mệnh đề
(dictum).

21
Phát ngôn = tình thái + nội dung mệnh đề.

(Sentence = modus + dictum).
Trong đó, nội dung mệnh đề (dictum) là những chất liệu tạo nên
phát ngôn, miêu tả sự tình của thế giới hiện thực và được coi là chưa có
sự tham gia của người nói (tức là không có tính chủ quan). Và, tình thái
(modus) là quan điểm, thái độ, cách nhìn nhận, đánh giá, của người nói.
Nội dung mệnh đề là bộ phận biểu hiện một nội dung sự tình ở dạng tiềm
năng nào đó gắn với chức năng thông tin, chức năng miêu tả của ngôn
ngữ. Còn tình thái, gắn với bình diện tâm lí, thể hiện những nhân tố thuộc
phạm vi cảm xúc, ý chí, thái độ, sự đánh giá của người nói (tức những
nhân tố thuộc chủ quan của người nói) đối với điều được nói ra, xét trong
mối quan hệ với thực tế, với người nghe và với hoàn cảnh giao tiếp. Tình
thái như vậy, giữ vai trò quan trọng trong việc thực tại hoá một nội dung
sự tình còn ở dạng tiềm năng thành phát ngôn hiện thực, tức là một phát
ngôn trong hoạt động hành chức của nó, một phát ngôn mà trong đó
người nói cho biết hành động, trạng thái do vị từ biểu thị là hiện thực hay
là khả năng, là có thể hay là không thể, là đáng tin cậy hay không đáng tin
cậy, là quan trọng cần lưu tâm chú ý hay là không quan trọng không đáng
lưu tâm chú ý, v.v. tóm lại là người nói cho biết nội dung sự tình nêu
trong phát ngôn theo quan điểm, theo cách nhìn nhận, đánh giá chủ quan
của mình thì như thế nào, ra làm sao, v.v. Tình thái cùng với nội dung
mệnh đề tác động qua lại tạo nên ngữ nghĩa chung của cả phát ngôn. Một
phát ngôn không thể không có nội dung mệnh đề cũng như không thể
không có tình thái. Chẳng hạn, xét các phát ngôn đã nêu ở trên, ta thấy cả
năm phát ngôn đều có cùng một nội dung mệnh đề là “nó đi Hà Nội”
nhưng quan điểm, thái độ, cách nhìn nhận, đánh giá của người nói đối với
nội dung mệnh đề đó trong mỗi phát ngôn là không như nhau. Với phát
ngôn “Nó đã đi Hà Nội”, người nói biểu thị sự cam kết, xác nhận nội
dung mệnh đề là chân thực, là đáng tin cậy và người nói có đầy đủ cơ sở,

22

bằng chứng cho điều đó. Với phát ngôn “Nó lại đi Hà Nội”, người nói
không chỉ hàm ý rằng sự tình nêu trong phát ngôn là chân thực, là đáng
tin cậy mà còn hàm ý rằng sự tình đó nằm ngoài sự dự tính, chờ đợi, nằm
ngoài sự mong muốn của người nói. Với phát ngôn “Nó phải đi Hà Nội”,
người nói trình bày quan điểm, thái độ về sự tình dựa trên tiêu chuẩn sự
ràng buộc cho rằng sự tình nêu trong phát ngôn là một điều bắt buộc
(khách quan hoặc chủ quan) và do đó có thể còn kéo theo hàm ý rằng đó
là điều đáng tiếc, một điều nằm ngoài sự mong muốn, chờ đợi của người
nói. Với phát ngôn “Nó sắp đi Hà Nội” và “Có lẽ nó đi Hà Nội”, người
nói không bày tỏ sự cam kết, bảo đảm về tính chân thực của sự tình nêu
trong phát ngôn. Ở đây người nói không khẳng định cũng không bác bỏ
tính hiện thực của nội dung mệnh đề. Sự tình nêu trong các phát ngôn trên
chỉ là sự đoán định của người nói. Nó có thể xảy ra như thế mà cũng có
thể không xảy ra như thế.
Tình thái, theo cách hiểu hẹp như trên, bao gồm hai phạm trù: tình
thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa.
- Tình thái nhận thức (Epistemic Modality) hay còn gọi là tình thái
độ tin cậy, tình thái độ chân thực: Người nói biểu thị sự cam kết về mức
độ chân thực của nội dung mệnh đề.
Tình thái nhận thức gồm ba loại:
+ Tình thái nhận thức thực hữu (factive): Người nói cho rằng
nội dung mệnh đề là chân thực.
+ Tình thái nhận thức phản thực hữu (counter-factive):
Người nói cho rằng nội dung mệnh đề là không chân thực.
+ Tình thái nhận thức không thực hữu (non-factive): Người
nói không cam kết (hay cam kết ở mức độ thấp) mức độ chân thực của
mệnh đề. Ở đây nội dung mệnh đề có thể đúng như thế hoặc không đúng
như thế.

23

- Tình thái đạo nghĩa (Deontic Modality) hay còn gọi là tình thái
ràng buộc: Người nói nêu sự đánh giá của mình về tính chất đạo lí, tính
chất nghĩa vụ đối với điều được nêu trong câu.
Cùng theo khuynh hướng trên của Ch.Bally còn có một số các nhà
ngôn ngữ học khác như J. Lyons, F.R. Palmer.
Quan điểm của J. Lyons chúng tôi đã dẫn ở trên. Ở đây chúng tôi
chỉ bổ sung thêm quan điểm của tác giả về vấn đề nội dung các ý nghĩa
tình thái. Theo ông có ba loại ý nghĩa tình thái sau:
- Tình thái tất yếu và khả năng: bắt nguồn từ sự phân chia của các
nhà logic.
- Tình thái nhận thức: liên quan đến tính thực tế, tính hiện thực.
- Tình thái nghĩa vụ: liên quan đến những kiểu câu mệnh lệnh.
(Dẫn theo [51, 49]).
Còn F.R. Palmer cũng cho rằng “tình thái là thông tin ngữ nghĩa
của câu thể hiện thái độ hoặc ý kiến của người nói đối với điều được nói
ra”. (Dẫn theo [45, 216]). Ông chủ trương phân biệt trong câu “những yếu
tố biểu thị tình thái với những yếu tố biểu thị mệnh đề” tức là phân biệt
tình thái và nội dung mệnh đề. (Dẫn theo [45, 216]).
1.1.2.2. Khuynh hướng hiểu tình thái theo nghĩa rộng:
Cùng với sự phát triển của lí thuyết hành vi ngôn ngữ, khái niệm
tình thái cũng được hiểu theo một nghĩa rộng hơn. Từ chỗ chỉ bao gồm
những quan điểm, thái độ, cách nhìn nhận, đánh giá của người nói đối với
điều được nói trong câu, khái niệm tình thái được mở rộng đến tối đa.
Hiểu theo nghĩa rộng nhất, tình thái là “tất cả những gì mà người nói thực
hiện cùng với toàn bộ nội dung mệnh đề”. (J. Bybee) (Dẫn theo [52,
385]). Điều này có nghĩa là tình thái, theo nghĩa rộng nhất, bao gồm tất cả
các phương diện nội dung gắn với sự thực tại hoá câu, biến các nội dung
mệnh đề ở dạng tiềm năng thành các phát ngôn hiện thực trong giao tiếp
và trong tư duy. Hiểu về tình thái rộng như vậy nên khi đi vào phân tích


24
những nội dung cụ thể của tình thái, quan điểm của các tác giả có những
sai biệt đáng kể. Chẳng hạn, V.N. Bondarenco và một số lớn các nhà
nghiên cứu tình thái chỉ công nhận hai nhóm ý nghĩa sau là những ý nghĩa
tình thái:
- Tính khả năng, tính thực tế và tính cần yếu. Nhóm ý nghĩa này là
cơ sở cho tình thái khách quan.
- Sự nghi ngờ, tính không chắc chắn (giả định khả năng) và tính dứt
khoát. Nhóm ý nghĩa này là cơ sở cho tình thái chủ quan. (Dẫn theo [51,
49]).
Còn E.M. Volt lại cho rằng “sự đánh giá có thể coi như một trong
những kiểu tình thái trùm lên trên nội dung được miêu tả của sự biểu thị
ngôn ngữ”. (Dẫn theo [51, 49]). Ngoài ra còn có những kiểu ý nghĩa tình
thái khác như: “tình thái cần yếu, tình thái mong muốn (nguyện vọng),
tình thái yêu cầu, tình thái khuyên nhủ, tình thái ngăn cấm và cảnh cáo
trước, tình thái răn đe”. (Dẫn theo [51, 49]).
Những tác giả như J.R. Searle cho rằng vấn đề tình thái, theo nghĩa
rộng nhất, nên được nghiên cứu trong khung lí thuyết hành vi ngôn ngữ
(theory of speech). (Dẫn theo [45, 217]).
Có thể thấy, tình thái, theo cách hiểu rộng, bao gồm nhiều kiểu ý
nghĩa, nhiều phạm trù khác nhau nhưng tựu trung lại có những nhóm
chính sau:
1> Các ý nghĩa liên quan đến sự phân biệt giữa các loại câu: câu
trần thuật, câu hỏi và câu cầu khiến.
2> Các ý nghĩa thể hiện quan điểm, thái độ, sự đánh giá, lập trường
hay cảm xúc của người nói đối với điều nói ra như: người nói đánh giá về
mức độ tin cậy, quan trọng của sự tình, xem nó là điều mong muốn hay
không mong muốn, là điều bình thường hay là điều không bình thường,
nằm trong sự dự tính hay nằm ngoài sự chờ đợi, có khả năng xảy ra hay
không có khả năng xảy ra, v.v.


25
3> Những ý nghĩa liên quan đến sự nhận định của người nói về giá
trị chân nguỵ của điều được nêu trong phát ngôn: khẳng định hay phủ
định sự tồn tại của sự tình.
4> Những đặc trưng liên quan đến sự diễn tiến của sự tình (kéo dài/
không kéo dài, bắt đầu/ kết thúc, v.v), liên quan đến khung vị từ và mối
quan hệ giữa chủ thể được nói đến trong câu và vị từ (các ý nghĩa thời,
thể hay các ý nghĩa được thể hiện bằng vị từ tình thái).
5> Các ý nghĩa phản ánh các đặc trưng khác của phát ngôn và hành
động phát ngôn gắn với ngữ cảnh, theo quan điểm, đánh giá của người
nói. Ví dụ, đặc tính siêu ngôn ngữ, hỏi lại, sự đánh giá của người nói về
mức độ hiểu biết của người nghe, thái độ, tình cảm của người nói đối với
người nghe, sự đánh giá của người nói đối với các quan điểm, ý kiến
khác, v.v.
1.2. QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ NGÔN NGỮ HỌC VIỆT
NAM VỀ TÌNH THÁI:
Ở Việt Nam, vấn đề tình thái cũng đã thu hút được sự quan tâm,
chú ý của nhiều tác giả ở nhiều góc độ khác nhau. Hoàng Phê là người
đầu tiên đã vận dụng lôgic tình thái để nghiên cứu một số tác tử ngôn ngữ
như tác tử “trừ phi” trong cấu trúc “P trừ phi Q”. Nguyễn Đức Dân cũng
là người rất tích cực áp dụng logic tình thái vào nghiên cứu tiếng Việt.
Bên cạnh đó là một loạt các tác giả khác như Hoàng Trọng Phiến, Đỗ
Hữu Châu, Hoàng Tuệ, Phạm Việt Hùng, Nguyễn Ngọc Trâm, Cao Xuân
Hạo, v.v.
Hoàng Trọng Phiến là một trong những người đầu tiên có ý kiến về
tình thái. Tình thái, theo ông, là “phạm trù ngữ pháp của câu. Ở trong
dạng tiềm năng nó có mặt trong tất cả các kiểu câu. Điều kiện này thể
hiện rõ ở chỗ câu có giá trị thời sự. Nó có tác dụng thông báo một điều gì
mới mẻ. Qua câu người nhận hiểu rõ người nói có thái độ như thế nào đối

với hiện thực, người nói trình bày hiện thực với sự đánh giá của mình

26
(đánh giá đúng hay sai, tin hay ngờ, ước đoán hay đã tồn tại thực, khuyên
bảo hay ra lệnh…”. [32, 30].
Đỗ Hữu Châu khi bàn về ngữ nghĩa của câu cũng đã đề cập đến vấn
đề tình thái. Theo ông “tình thái sẽ bao gồm toàn bộ những ý nghĩa thuộc
phạm vi dụng học và sẽ tập hợp lại thành thông điệp bộc lộ kèm với lõi P
của câu”. [5, 16]. Cách hiểu về tình thái như vậy quá phức tạp nên để cho
dễ hiểu ông chủ trương phân biệt các ý nghĩa tình thái thành tình thái nội
câu (intraphrastique) và tình thái phát ngôn (modalité d’énonciation).
Trong đó, tình thái nội câu (intraphrastique) bao gồm những ý nghĩa tình
thái được chứa đựng trong nội bộ kết cấu của câu và tình thái phát ngôn
(modalité d’énonciation) bao gồm những ý nghĩa tình thái bao trùm toàn
bộ câu. [5, 16].
Hoàng Tuệ, trong một bài viết chuyên về tình thái, cho rằng: “tình
thái là thái độ của người nói được biểu thị đối với sự việc hay trạng thái
diễn đạt trong câu”. [49, 3]. Quan điểm này của Hoàng Tuệ cũng giống
như quan điểm của Ch. Bally, nghĩa là coi tình thái là bộ phận biểu đạt
thái độ của người nói đối với sự tình nêu trong phát ngôn và cùng với nội
dung mệnh đề làm nên ngữ nghĩa của cả phát ngôn. Nguyễn Ngọc Trâm
cũng đi theo hướng quan điểm này. Theo tác giả, tình thái (tình thái chủ
quan) là “thái độ của người nói đối với sự việc, sự trạng được nói đến
trong câu”. [47, 51], [46, 19].
Khác với tất cả các tác giả nêu trên, Cao Xuân Hạo chủ trương coi
tình thái là “tất cả những ý nghĩa gì được truyền đạt trong câu mà không
thuộc ngôn liệu”. [18, 520]. Trong đó đáng chú ý nhất là những ý nghĩa
liên quan đến:
1> tính hiện thực hay không hiện thực của sự tình. (tình thái [± hiện
thực]).

2> tính tất yếu hay không tất yếu của sự tình. (tình thái [± tất yếu]).

×