Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

ngôn ngữ và văn học - hđ giao tiép

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (190.9 KB, 15 trang )

Trên cơ sở lí thuyết Hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, hãy phân tích ý kiến của nhà văn J.
Paul Sartre: Tác phẩm văn học như một con quay kì lạ chỉ có thể xuất hiện trong vận
động. Muốn làm cho nó xuất hiện, cần phải có một hoạt động cụ thể được gọi là sự đọc.
Và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra,
nó chỉ còn là những vệt đen trên tờ giấy trắng.
“Trích chương trình: Văn học là gì”
o0
PHẦN MỞ ĐẦU
Xin được mượn lời của L. Tônxtôi: “Khi ta đọc hoặc quan sát một tác phẩm
nghệ thuật của một tác giả mới, thì câu hỏi chủ yếu nảy sinh trong lòng chúng ta bao
giờ cũng là như sau: Nào, anh ta là con người thế nào đây nhỉ. Anh ta có gì khác với
tất cả những người mà tôi đã biết, và anh ta có thể nói cho tôi thêm một điều gì mới
mẻ về việc cần phải nhìn cuộc sống của chúng ta như thế nào?”.
Thật vậy, như chúng ta đã biết: Văn học là một hình thái ý thức xã hội đặc thù,
thuộc tính của văn học đều biểu hiện tập trung ở tác phẩm văn học. Văn học phản ánh
đời sống bằng hình tượng nghệ thuật, nhưng hình tượng do bản chất tinh thần, tự nó
không thể tồn tại được nếu thiếu các yếu tố vật chất mang nó như ngôn ngữ, kết cấu,
văn bản, quyển sách. Tác phẩm là sự kết tinh quá trình tư suy nghệ thuật của tác giả,
biến những biểu tượng, ý nghĩ, cảm xúc bên trong của nhà văn thành một sự thực văn
hóa xã hội khách quan cho mọi người soi ngắm. Sự nghiệp văn học của một người hay
một dân tộc, một giai đoạn lịch sử bao giờ cũng lấy tác phẩm làm cơ sở. Tác phẩm văn
học là tấm gương khách quan về tầm vóc tiếng nói nghệ thuật, chiều sâu phản ánh, trình
độ nghệ thuật, tài năng sáng tạo. Vì vậy, tác phẩm tuy phải hiện diện thành văn bản,
quyển sách nhưng không đơn giản chỉ là quyển sách, là văn bản ngôn từ, mà là sự kết
tinh của một quan hệ xã hội nhiều mặt.
Là một sản phẩm được tạo ra, tồn tại tách rời khỏi tác giả, hay nói cách khác là có
một tồn tại “trên cá nhân”, tác phẩm có một sinh mệnh khác so với những gì diễn ra
trong tâm trí nhà văn. Nó có thể sống ngắn ngủi hơn hoặc dài lâu hơn đời một nhà văn.
Tác phẩm lớn có thể được tiếp nhận trong những môi trường khác nhau, trường tồn
cùng nhân loại. Nó tập hợp những người cùng chí hướng, phân hóa những người khác lí
tưởng, và bản thân cũng được tiếp nhận khác nhau. Tác phẩm văn học do vậy chẳng


những là một quan hệ xã hội, mà còn là một quá trình xã hội. Trong đời sống, tác phẩm
luôn luôn được người đọc (và cả tác giả) tái tạo lại (tính nhiều dị bản, nhiều biến thể tiếp
nhận). Trong lịch sử, tác phẩm ngày càng tỏ ra cũ đi về chữ nghĩa, nhưng lại càng được
cắt nghĩa mới về nội dung. Nhờ vậy, tác phẩm là trung tâm của một hệ thống quan hệ
biến đổi mà ổn định: tác giả - tác phẩm - người đọc, và qua đó là hệ thống hiện thực
được phản ánh - tác phẩm, hiện thực tiếp nhận, và đồng thời là văn hóa nghệ thuật
truyền thống - tác phẩm - văn hóa nghệ thuật đương đại.
Chính bởi vậy mà nhà văn J. Paul Sartre đã từng có ý kiến cho rằng: Tác phẩm
văn học như một con quay kì lạ chỉ có thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm cho
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
1
nó xuất hiện, cần phải có một hoạt động cụ thể được gọi là sự đọc. Và tác phẩm văn
học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra, nó chỉ còn là
những vệt đen trên tờ giấy trắng.
“Trích chương trình: Văn học là gì”
Vậy chúng ta nên hiểu điều đó như thế nào?
Sau một thời gian học tập, tìm hiểu, nghiên cứu bộ môn Ngôn ngữ và văn học,
dưới sự giảng dạy của Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Minh Toán, em xin được mạnh dạn đưa ra
một số cách hiểu về ý kiến đó. Bài viết chủ yếu dựa trên cơ sở lí thuyết Hoạt động giao
tiếp ngôn ngữ.
Trong khoảng thời gian có hạn, vốn kiến thức, hiểu biết lại hạn hẹp, bài viết
không tránh khỏi những thiếu sót, em mong các thầy cô đóng góp ý kiến để kiến thức
của em, cũng như các bạn trong khóa học ngày càng hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
2
PHẦN NỘI DUNG
A. Cơ sở lí thuyết:
I. Hoạt động ngôn ngữ:
Ngôn ngữ là phương tiện không thể thiếu để con người sử dụng trong giao

tiếp. Và tín hiệu ngôn ngữ nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở tín hiệu ngôn ngữ tự
nhiên làm chất liệu biểu hiện. Mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện của
ngôn ngữ nghệ thuật là một mối quan hệ có lí do. Trước hết, có một mối tương quan
chặt chẽ giữa ý nghĩa sự vật lôgic của một từ trong ngôn ngữ nghệ thuật của một từ
trong ngôn ngữ nghệ thuật và ý nghĩa hình tượng của từ này. Chẳng hạn trong ca dao
Việt Nam từ “thuyền” chỉ người ra đi, “bến” chỉ người ở lại:
Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
Ý nghĩa hình tượng nói trên liên quan mật thiết đến nghĩa sự vật của từ: “thuyền”
chỉ phương tiện đi lại trên mặt nước, “bến” chỉ nơi đỗ của thuyền (bến sông, bến bờ).
Mặt khác, ý nghĩa nghệ thuật của một tín hiệu ngôn ngữ nghệ thuật. Mặt khác, ý nghĩa
hình tượng của một tín hiệu ngôn ngữ nghệ thuật còn được qui định bởi những nhân tố
thẩm mĩ: chủ thể sáng tạo, đối tượng được nói đến, hoàn cảnh văn hóa…). Trong một
trường hợp khác, nhà thơ Xuân Quỳnh lại biểu hiện tình yêu bằng một biến thể:
“thuyền” – “biển”
…Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa, còn xa…
Có nguồn gốc từ ca dao nhưng sự thay đổi một yếu tố trong cặp tín hiệu trên đây
đã tạo ra những ý nghĩa mới: không gian, trạng thái của “thuyền” và “biển” đều là
không gian, trạng thái động, trong khi không gian của “thuyền” và “biển” là có sự đối
lập động – tĩnh. Đó cũng là sự thay đổi trong cảm xúc, trong khát vọng tình yêu của con
người. Tình yêu không chỉ là sự “khăng khăng” chờ đợi, mà là sự hướng vọng đến một
không gian tâm tưởng rộng mở, với niềm say mê khám phá, tìm kiếm vẻ đẹp, sự hòa
hợp trong tâm hồn.
Như vậy, giá trị của một tín hiệu ngôn ngữ nghệ thuật chủ yếu được qui định bởi
những mối quan hệ bên ngoài ngôn ngữ. Sự thực hiện chức năng của ngôn ngữ nghệ
thuật là sự thống nhất của quan hệ tiếp đoạn, quan hệ tuyến tính trong văn bản ngôn từ
và các nhân tố này. Tuy nhiên, khác hẳn với ngôn ngữ tự nhiên, những mối quan hệ này

là quan hệ mang tính hàm ẩn, không biểu hiện một cách trực tiếp, tường minh.
II. Hoạt động giao tiếp: Là tiếp xúc giữa con người với con người, trong đó diễn
ra sự trao đổi thông tin, bộc lộ tình cảm, yêu cầu hành động,… đồng thời thể hiện thái
độ, cách đánh giá, cách ứng xử của các nhân vật giao tiếp đối với nội dung giao tiếp và
giữa các nhân vật giao tiếp với nhau. Các nhân tố của hoạt động giao tiếp bao gồm có:
1. Nhân vật giao tiếp: Là những người tham gia vào quá trình giao tiếp. Các nhân
vật giao tiếp được chia làm hai phía: người phát và người nhận. Tất cả các nhân vật giao
tiếp, kể cả người phát và người nhận, đều có ảnh hưởng nhất định tới nội dung giao tiếp.
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
3
Một mặt, có thể thấy rõ rằng, nội dung giao tiếp là do người phát chủ động lựa chọn: nói
gì, viết gì là do người phát tự quyết tùy theo mục đích giao tiếp mà người phát đặt ra.
Mặt khác, người nhận là cá thể độc lập, có nhận thức riêng, có ý chí riêng, và có các mối
quan hệ xã hội nhất định với người phát,… vì thế, người phát không thể độc lập hoàn
toàn trong việc lựa chọn nội dung giao tiếp. Khi giao tiếp, người phát không thể tùy ý
thích gì nói nấy mà phải chú ý đến các đặc điểm của người nhận như đặc điểm lứa tuổi,
giới tính, nghề nghiệp, vị trí xã hội….
Người nhận trong thực tế giao tiếp rất đa dạng. Xét về số lượng, nhân vật có thể
là một, nhưng cũng có thể là số đông, như cuộc nói chuyện trước tập thể, chẳng hạn. Xét
về chủ hướng của người phát, cần phân biệt người nhận đích thực với người nhận nói
chung. Xét về đặc điểm của người nhận, còn có thể phân biệt người nhận có mặt và
người nhận không có mặt. Điển hình của cuộc giao tiếp không có mặt người nhận là
giao tiếp bằng hình thức viết. Sự có mặt/không có mặt của người nhận cũng ảnh hưởng
không nhỏ đến giao tiếp: Khi người nhận không có mặt, người phát sẽ chủ động hơn
nhiều trong việc trình bày nội dung đã định mà không lo ngại người nhận có phản ứng
tức thời làm cho cuộc giao tiếp có thể bị đổi hướng, và ngược lại. Xét về vai trò người
nhận trong cuộc giao tiếp, có người nhận tích cực và người nhận tiêu cực. Người nhận
tiêu cực là người nhận thông tin trong suốt quá trình giao tiếp. Khi đó giao tiếp chỉ diễn
ra theo một chiều:
Người phát Người nhận

Người nhận tích cực là người nhận luôn thay đổi vai trở thành người phát, nghĩa
là giao tiếp diễn ra hai chiều:
người phát nhận
nhận phát
2. Nội dung giao tiếp: Là hiện thực, thực tế khách quan được các nhân vật giao
tiếp đưa vào cuộc giao tiếp.
Hiện thực, thực tế khách quan vô cùng phong phú và tồn tại độc lập bên
ngoài các nhân vật giao tiếp. Người phát trước khi giao tiếp phải có quá trình nhận thức
thực tế khách quan. Thông thường thì chúng ta không thể có một nhận thức đầy đủ về
toàn bộ thực tế khách quan, mà chỉ quan tâm đến điều cần thiết với bản thân. Do vậy,
thực tế khách quan khi trở thành nội dung giao tiếp, về thực chất là những hiểu biết của
người phát về nó. Câu chuyện “Thầy bói xem voi” là một ví dụ minh họa cho điều này.
Mặt khác, người nhận độc lập với người phát nên cũng có những nhận thức nhất
định về hiện thực khách quan mà người phát đưa vào giao tiếp, nên người nhận hoàn
toàn đủ khả năng theo ý mình đánh giá những thông tin của người phát. Điều đó đòi hỏi
người phát phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi chọn nội dung giao tiếp.
3. Ngữ cảnh giao tiếp: (hay nói khác đi là hoàn cảnh giao tiếp)
Bao gồm có hoàn cảnh giao tiếp rộng và hoàn cảnh giao tiếp hẹp:
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
4
+ Hoàn cảnh giao tiếp rộng bao gồm toàn bộ: “hoàn cảnh tự nhiên” (địa lý, lãnh
thổ…), hoàn cảnh xã hội (chính trị, kinh tế, văn hóa,…), hoàn cảnh lịch sử (lịch sử quốc
gia, lịch sử dân tộc, lịch sử của tập thể xã hội mà các nhân vật giao tiếp là các thành
viên, lịch sử quan hệ giữa các nhân vật…). Hoàn cảnh giao tiếp rộng không tham gia
trực tiếp vào giao tiếp mà tham gia dưới dạng những hiểu biết, những kinh nghiệm về
chúng có trước hoạt động giao tiếp trong tư duy của người phát, người nhận. Thế nhưng
nó lại là cơ sở để các nhân vật giao tiếp phát ra lời này hay lời kia trong giao tiếp.
+ Hoàn cảnh giao tiếp hẹp là “hoàn cảnh giao tiếp chỉ nơi chốn cụ thể với những
đặc trưng riêng, ở đó diễn ra hoạt động giao tiếp”.
4. Đích giao tiếp: Là ý đồ, ý định mà các nhân vật giao tiếp đặt ra trong một cuộc

giao tiếp nhất định. Đích giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động giao tiếp,
nó chi phối gần như toàn bộ việc lựa chọn các yếu tố còn lại, toàn bộ cách thức tiến
hành giao tiếp… Chọn nội dung nào để đưa vào giao tiếp là do ý định chủ quan của
người phát chi phối quyết định. Từ mục đích được đặt ra trong giao tiếp, chọn nội dung
giao tiếp phù hợp, người phát bắt đầu lập chiến lược giao tiếp: Với ai? Trong hoàn cảnh
nào? Bằng phương tiện giao tiếp nào?
Sự thực hiện chức năng của hệ thống tín hiệu ngôn ngữ biểu hiện ra trong quá
trình hoạt động giao tiếp. Toàn bộ các nhân tố ngoài ngôn ngữ của hoạt động giao tiếp
đều tác động lên quá trình hình thành văn bản. Văn bản chính là sự thực hiện hóa chức
năng của hệ thống ngôn ngữ trong mối quan hệ với người sử dụng, với hoàn cảnh và đối
tượng giao tiếp.
III. Hoạt động văn học:
Hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung và tác phẩm văn học nói riêng là một
hoạt động giao tiếp đặc biệt. Mối quan hệ giữa các nhân tố ngoài ngôn ngữ với hệ thống
ngôn từ làm chất liệu và văn bản nghệ thuật (sản phẩm của hoạt động sáng tạo) không
biểu hiện ra một cách trực tiếp mà được chuyển hóa vào hình tượng nghệ thuật.
1. Tác giả và độc giả: Trong hoạt động sáng tạo văn học, nhân vật giao tiếp trung
tâm của toàn bộ hoạt động này chính là tác giả, chủ thể của quá trình hoạt động sáng
tạo. Nhân vật giao tiếp thứ hai là một nhân vật tiềm ẩn, tồn tại như một tiềm năng chi
phối hoạt động sáng tạo của tác giả. Một sai lầm thường gặp là người ta hay đồng nhất
nhân vật giao tiếp tiềm năng với độc giả, người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Thực
ra độc giả chỉ là một trong rất nhiều nhân vật giao tiếp tiềm năng của hoạt động sáng tạo
nghệ thuật. Trong quá trình sáng tạo, tác giả có thể “trò chuyện” với rất nhiều nhân vật
tiềm năng, trong sự trải nghiệm hay tưởng tượng, tiên đoán của anh ta. Đó có thể là
những chủ thể của một quan điểm, một thế giới nghệ thuật đối lập hay tương đồng với
thế giới của tác giả. Đó cũng có thể là một đấng siêu hình, trong những hệ tư tưởng tôn
giáo nhất định hay ở một cấp độ gần gũi với hiện thực hơn: một tư tưởng triết học, một
quan niệm nhân sinh, một trường phái nghệ thuật, một người bạn, một người thân, một
lớp độc giả nào đó… Tuy nhiên, độc giả chính là một nhân vật giao tiếp tiềm năng phổ
biến nhất, người nhận tin gần gũi nhất của tác phẩm nghệ thuật. Vai trò của tác giả là

chủ động định hướng để người đọc tham gia vào quá trình giải mã nội dung được truyền
đạt trong tác phẩm. Đó chính là quá trình đồng sáng tạo giữa tác giả và độc giả. Tuy
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
5
nhiên, cái đích phải đến của quá trình này không thể là hai hướng hoàn toàn khác nhau,
mặc dù chúng ta có thể thừa nhận một độ chênh nhất định trong quá trình tiếp nhận tác
phẩm, mặc dù chúng ta có thể thừa nhận một độ chênh lệch nhất định trong quá trình
tiếp nhận tác phẩm. Cái đích mà người đọc cần phải đến không thể nằm ngoài những cái
đích mà tác giả đã đặt ra trong quá trình sáng tác.
2. Hoàn cảnh tiếp nhận: Tất cả các nhân vật giao tiếp tiềm năng đó dù vô hình
hay hữu hình đều tác động lên quá trình biểu hiện tư tưởng, sử dụng ngôn từ nhằm mục
đích giao tiếp mang tính thẩm mĩ. Chức năng thẩm mĩ của hình tượng ngôn từ được
hình tượng hóa qua hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật chính là phương tiện
chuyển tải thông điệp của hoạt động giao tiếp này. Hoàn cảnh giao tiếp của hoạt động
sáng tạo nghệ thuật luôn là một hoàn cảnh rộng: môi trường lịch sử, xã hội, văn hóa, văn
học. Đây cũng chính là nhân tố chủ yếu tạo nên ngữ cảnh của các đơn vị ngôn ngữ trong
văn bản nghệ thuật.
Thông điệp trong văn bản nghệ thuật luôn là một thông điệp phức hợp, tổng hòa
của các thông tin: thông tin sự vật – lôgic, thông tin hình tượng – thẩm mĩ, trong đó
thông tin hình tượng – thẩm mĩ là thông tin cơ bản.
Với tư cách là sản phẩm của một hoạt động giao tiếp đặc biệt không bị giới hạn
bởi thời gian, không gian cụ thể, văn bản nghệ thuật cũng vượt qua tính hữu hạn của cá
nhân tác giả - nhân vật giao tiếp. Tác giả, khi đã tham gia vào tác phẩm như một nhân tố
của cấu trúc nghệ thuật, không còn là một nhân vật giao tiếp bị giới hạn. Cái tính chất
vĩnh viễn hóa của tất cả các nhân tố giao tiếp qua văn bản là một đặc điểm nổi bật tạo
nên tất cả những cái mà người ta vẫn coi là sự kì diệu, sức hấp dẫn, ma lực, tính huyền
bí và sự bất tử của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nó đem lại một tham vọng nhiều khi
đến mức điên rồ, những cảm hứng sáng tạo tuyệt vời mà trong đó cả sự tưởng tượng lẫn
ảo tưởng đều chế ngự tâm trí tác giả. Văn bản nghệ thuật có thể thực hiện quá trình giao
tiếp ngoài cá nhân tác giả trong một không gian, thời gian đa chiều và bất tận như cuộc

viễn du của những ngôi sao băng trong vũ trụ chừng nào nó còn tỏa sáng, còn một đời
sống thực của riêng nó, đó quả thực là một cuộc trò chuyện thiêng liêng giữa con người
và Vĩnh Cửu – cuộc trò chuyện của những vị thần, những vị thiên tài và những kẻ điên
rồ muốn chống lại sự hư mất tất yếu của con người, sự ngừng lời, lặng tắt và tan biến
của những lời đối thoại trong một không gian, thời gian xác định và hữu hạn.
B. Vận dụng lí thuyết trên vào việc phân tích ý kiến của nhà văn J. Paul
Sartre:
I. Tác phẩm văn học như một con quay kì lạ chỉ có thể xuất hiện trong vận
động.
1. Đặc thù của tác phẩm văn học:
Tác phẩm văn học có khả năng phản ánh đời sống. Văn học phản ánh đời sống
bằng hình tượng nghệ thuật, nhưng hình tượng do bản chất tinh thần, tự nó không thể
tồn tại được nếu không có các yếu tố vật chất mang nó như ngôn ngữ, kết cấu, văn bản,
quyển sách. Tác phẩm là sự kết tinh quá trình tư duy nghệ thuật của tác giả, biến những
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
6
biểu tượng, ý nghĩ, cảm xúc bên trong của nhà văn thành một sự thực văn hóa xã hội
khách quan cho mọi người soi ngắm, suy nghĩ…
Là một sản phẩm tồn tại độc lập tương đối với tác giả và người đọc, tác phẩm có
một tính chất nổi bật là tính chỉnh thể. Chỉnh thể là sự liên kết siêu tổng cộng để tạo ra
nội dung mới, chức năng mới vốn không có trong các yếu tố khi tách rời ra. Chẳng hạn:
câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là một chỉnh thể, mà trong kết cấu bền
vững của nó, mực và đèn, đen và sáng hàm chứa những nội dung và ý nghĩa mà những
chữ ấy thông thường tách riêng ra không có được.
Chỉ trong tính chỉnh thể thì nội dung và hình thức đích thực của tác phẩm mới
xuất hiện. Chẳng hạn các chữ trong câu thơ phải được kết hợp với nhau theo một cách
nào đó mới tạo ra được hình thức câu thơ lục bát hay câu thơ tự do có nhịp điệu và nhạc
điệu riêng, một điều mà các chữ trong dạng tách rời không thể có được. Cũng như vậy,
sự liên kết các chi tiết, sự kiện theo một cách nào đó mới tạo thành những hình thức
chân dung, phong cảnh, cốt truyện, nhân vật. Đến lượt mình, các hình thức lại thể hiện

các nội dung cuộc sống và tư tưởng, tình cảm tương ứng.
2. Sự vận động trong quá trình sáng tác của nhà văn:
Sáng tác văn học nghệ thuật thuộc lĩnh vực sản xuất tinh thần, theo phương thức
“cá thể”. Tố Hữu nói: “Mỗi người có một cách làm của mình, không bắt chước của ai
được”. Quả vậy, chỉ nói đến thói quen trong khi sáng tác cũng không ai giống ai. Chỉ
chốn thôn quê thanh vắng thì nguồn thơ của Puskin mới tuôn trào. Còn Đickenx nếu
phải rời phố xá Luân Đôn ồn ào sầm uất, sẽ không viết được một dòng, Laphôngten
thích viết ngoài trời, còn khi khóa trái cửa phòng, cách li vợ con ấy là lúc Gớt đang miệt
mài viết,… Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận ra được một điểm chung rằng, dù có thế nào
đi chăng nữa thì văn học cũng chỉ có thể xuất hiện trong sự vận động. Sự vận động ấy là
trạng thái tâm lí cùng với những khâu chung nhất trong quá trình sáng tác của nhà văn.
Đó là: Cảm hứng - trạng thái tâm lí then chốt và bao trùm trong sáng tác của nhà
văn. Cảm hứng được biểu hiện rõ nhất khi nhà văn bắt đầu viết, nhưng có thể bàng bạc
trong hầu hết các khâu của quá trình sáng tác. Tác phẩm văn học nghệ thuật bao giờ
cũng chứa đựng tình cảm chủ quan của chủ thể sáng tạo, cho nên cảm hứng sáng tạo của
văn nghệ sĩ phải thật mãnh liệt… Cảm hứng là một trạng thái tâm lí căng thẳng nhưng
say mê khác thường. Sự căng thẳng của ý chí và trí tuệ, sự dồi dào về cảm xúc, khi đã
đạt đến hài hòa, kết tinh, sẽ cháy bùng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, dẫn dắt họ
đến những mục tiêu da diết bằng con đường gần như trực giác, bản năng… Từ đây sẽ là
những bước đầu tiên của sự vận động trong quá trình sáng tác của nhà văn.
Đó là: Các khâu của sự vận động trong quá trình sáng tác của của nhà văn.
Thông thường có thể chia các khâu trong quá trình sáng tác như sau: hình thành ý đồ,
thu thập tư liệu, thiết lập sơ đồ, viết, sửa chữa… Các khâu này không phân biệt một
cách rạch ròi, có thể xem kẽ gối đầu nhau, và trong quá trình sáng tác cụ thể có thể thêm
hoặc bớt, nhất là tùy theo các thể loại văn học khác nhau. Có thể nói rằng: kết hợp
nhuần nhuyễn các yếu tố trên là một trong những khâu rất quan trọng để tác phẩm văn
học ra đời.
3. Sự vận động trong quá trình tiếp nhận của người đọc:
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
7

Nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm là để truyền đạt những khái quát, cảm nhận về cuộc
đời cho người đọc. Ngay khi viết cho mình thì “mình” đó cũng là một người đọc. Do đó,
chỉ khi được người đọc tiếp nhận, quá trình sáng tạo kia mới hoàn tất. Ở đây, vai trò của
quá trình tiếp nhận là vô cùng lớn lao. Để hiểu được thực chất của tiếp nhận, cần thấy rõ
là hình tượng nghệ thuật tồn tại như một quá trình có nhiều giai đoạn. Thoạt đầu, nó nảy
sinh trong ý đồ nghệ sĩ và được phát triển thành một thế giới nghệ thuật trọn vẹn tồn tại
dưới dạng tinh thần trong ý thức nghệ sĩ. Giai đoạn thứ hai là nó được thể hiện vào một
phương tiện vật chất nhất định, trở thành một tác phẩm mà người ta có thể đem ra đọc,
trình diễn, sản xuất. Tác phẩm được “cắt rốn” rời khỏi ý thức tác giả và tồn tại độc lập
trong xã hội. Nhưng ở đây, tác phẩm tồn tại độc lập qua một văn bản, được hiểu như
một tổ chức kí hiệu chặt chẽ liên tục, phù hợp với một ý nghĩa cấu trúc trọn vẹn, phức
tạp. Đối với những người không biết, hoặc không có ý định tiếp nhận văn học, thì tác
phẩm đến đây nhiều lắm chỉ được sử dụng như một vật, và như vậy quá trình hình tượng
bị đứt đoạn, tác phẩm bị bỏ quên.
Tác phẩm chỉ có được đời sống khi được tiếp nhận. Ở đây, hình tượng bước vào
giai đoạn tồn tại thứ ba, sự tiếp nhận chuyển nội dung văn bản thành một thế giới tinh
thần, biến tác phẩm thành yếu tố của đời sống ý thức xã hội. Tuy vậy, không phải mọi
sử dụng tác phẩm đều coi là “tiếp nhận văn học”. Văn học là một sản phẩm tinh thần,
kết tinh những kinh nghiệm tư tưởng tình cảm của con người trước một cuộc sống nhất
định. Chỉ khi nào sử dụng đến thế giới tinh thần đó mới coi là tiếp nhận văn học toàn
vẹn.
II. Muốn làm cho nó xuất hiện, cần phải có một hoạt động cụ thể được gọi là
sự đọc:
Chính bởi những điều đã nói ở trên mà người đọc là một trong những đối tượng
rất quan trọng của quá trình sáng tác và tiếp nhận văn học:
1. Người đọc như một yếu tố bên trong của sáng tác văn học:
Khi sáng tác, bao giờ nhà văn cũng hướng đến người đọc thực tế, của hôm nay và
mai sau ở ngoài văn học. Người đọc thực tế sẽ tiếp nhận sáng tác một cách cá thể, từng
người một, theo cá tính riêng. Nhưng nhà văn không biết cụ thể ai sẽ đọc văn mình hôm
nay, và càng không biết có ai mai sau. Dẫu biết cũng không quan trọng, vì tác phẩm

không phải là của riêng, và dẫu tác giả đề tặng người này người nọ cụ thể thì bản chất xã
hội của văn học cũng không thay đổi. Tác giả viết cho tất cả mọi người. Tất cả mọi
người có thể là người nhận, người nhận này xuất hiện với tác giả như một quan niệm
khái quát về người đọc thực tế của mình đã có hay có thể có. Chẳng hạn, Nguyễn Du có
ý gửi gắm ở người đọc mai sau, còn Nguyễn Hành (1771-1824) viết “Minh quyền tập”
dành cho những ai hiểu được tiếng kêu thương của con chim cuốc.
Người đọc tinh thần thường có mặt ngay từ đầu khi xuất hiện ý đồ và tồn tại trong
suốt quá trình sáng tạo, nó có tính chất giả thiết nhưng quan trọng. Tác giả biết viết thế
nào thì sẽ gây được hứng thú và thế nào thì sẽ bị người đọc chê. Khi sáng tác,
Đôxtôiépxki thường suy nghĩ cách khơi gợi người đọc. Khi các nhà văn viết xong
thường đọc thử cho một số người nghe là bởi lẽ đó.
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
8
Người nhận hữu hình là người đọc được khách thể hóa trong tác phẩm. Khi người
bình dân nói: “Ai ơi chớ lấy học trò”, Tản Đà làm thơ gửi “Người tình nhân không quen
biết”, Nguyễn Khuyến “Hỏi thăm quan tuần mất cướp”, Tố Hữu nói với bạn đời hay làm
thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” hoặc gọi “Em ơi…Ba Lan…” thì những người đọc được
gọi tên ra ấy là hiện thân cụ thể của một quan hệ nhắn gửi.
Như vậy, trong thực tế, trong ý thức tác giả và trong tác phẩm, người đọc đều là
yếu tố nội tại của quá trình sáng tạo văn học
2. Người đọc có vai trò quan trọng đối với đời sống lịch sử của văn học:
Đời sống lịch sử của tác phẩm văn học sở dĩ có được một mặt do tác phẩm phản
ánh đời sống chân thực, khái quát, sâu sắc, phong phú, cung cấp nhiều ý nghĩa tiềm tàng
cho người tiếp nhận. Mặt khác là do vai trò sáng tạo năng động của người đọc thực tế.
Người đọc là một phạm vi rộng: thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình
độ văn hóa, thành phần và địa vị xã hội, thị hiếu thẩm mĩ, khuynh hướng tư tưởng.
Người đọc khi tiếp nhận văn học thường xuất phát từ thực tiễn đời sống và nhu cầu tự
nhiên của tình cảm. Đặc điểm của nó là sự đa dạng muôn màu như sự muôn màu của cá
tính. Nhưng sự tiếp nhận của người đọc cũng có sự thống nhất. Các sáng tác chân thực,
tài nghệ, lột tả được nỗi niềm và ước ao của người đọc đều được đón nhận nhiệt tình.

Sự tiếp nhận tác phẩm đương thời và tác phẩm quá khứ cũng có những khác biệt
đáng kể. Khoảng cách thời gian thường cho phép tiếp nhận đi vào chiều sâu.
Nhà văn và nhà phê bình cũng là một loại người đọc đặc biệt. Loại người đọc này
cũng bị xã hội qui định như những người đọc khác, nhưng sự tiếp nhận của họ khác biệt
ở tính chất nghề nghiệp và độ chuyên sâu. Nhà văn vừa là người sáng tạo vừa là người
đọc thực tế. Với nhu cầu sáng tạo ra những tác phẩm mới độc đáo về nghệ thuật, sự tiếp
nhận văn học của nhà văn thường gắn liền với sự tìm tòi những khía cạnh tư duy nghệ
thuật mới, sự phân tích có tính chất nghề nghiệp, kĩ thuật. Họ tiêu biểu cho sự tự ý thức
nội tại của quá trình sáng tạo văn học. Tiếp nhận văn học của nhà văn nhiều khi khó
tránh khỏi yếu tố chủ quan phiến diện nhưng thường bão hòa cảm xúc, và có nhiều phát
hiện sắc sảo lí thú.
Tiếp nhận văn học của nhà phê bình cũng mang tính chất chuyên nghiệp, nhưng ở
tư cách khác. Nhà phê bình đại diện cho các nhu cầu xã hội, thẩm mĩ của người đọc để
tiếp nhận tác phẩm. Đó là ý thức về văn học trên cấp độ ý nghĩa xã hội, xuất phát từ
những lập trường xã hội nhất định, từ cầu phát triển của những trào lưu văn học nhất
định.
Quan trọng hơn cả là tiếp nhận của nhà phê bình, nhà văn có ý nghĩa rất lớn đối
với sự phát triển năng lực tiếp nhận của người đọc nói chung.
III. Tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục:
1. Các giới hạn tiếp nhận tác phẩm văn học:
Nói đến vai trò tiếp nhận đối với đời sống lịch sử của sáng tác văn học không thể
bỏ qua vấn đề các giới hạn của tiếp nhận. Hoạt động tiếp nhận có nhiều cấp độ. Nhưng
vai trò sáng tạo của người nhận còn ở chỗ mở rộng các giới hạn nghĩa. Đọc tác phẩm là
đưa tác phẩm vào văn cảnh mới, quan hệ mới, phát hiện ý nghĩa mới. Khi Nguyễn Du
lần giở “cảo thơm” của Tiểu Thanh; rồi của Thanh Tâm Tài Nhân là ông đưa các tác
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
9
phẩm ấy vào hệ qui chiếu của thời đại ông. Khi ông kêu lên: “Đau đớn thay phận đàn
bà. Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” thì cái chung đó là sự bạc mệnh của người tài
tình. Các nhà văn lãng mạn trước 1945 đọc “Truyện Kiều” lại đưa nó vào văn cảnh khao

khát giải phóng cá tính. Ngày nay đọc “Truyện Kiều” ta lại đưa tác phẩm vào văn cảnh
đấu tranh chống áp bức bất công, giải phóng dân tộc. Khi Tố Hữu nói: “Đau đớn thay
phận đàn bà. Hỡi ơi thân ấy biết là mấy thân” thì cái chung ở đây đã rộng lớn hơn nhiều
so với ý nghĩa mà Nguyễn Du quan niệm. Còn với câu thơ của Chế Lan Viên: “Chạnh
thương cô Kiều như đời dân tộc. Sắc tài đâu mà lại lắm truân chuyên” thì ý nghĩa chung
còn rộng lớn hơn, chuyển sang một giới hạn khác. Đây là một việc rất phổ biến đối với
đọc văn học
2. Vai trò của sự đọc đối với sức sống của tác phẩm văn học:
Do được tiếp nhận bởi sự đọc mà tác phẩm văn học có thể có sức sống khác nhau.
Đời sống lịch sử của tác phẩm văn học là sự vận động của tác phẩm trong dòng trôi của
các thế hệ và các thời đại lịch sử. Tác phẩm không đứng yên, không đồng nhất với dự
đồ ban đầu, không đồng nhất với chính nó. Điều này không chỉ thể hiện trong sáng tác
dân gian với tính biến cải và dị bản mà chúng ta còn biết tới nhiều dị bản “Truyện
Kiều”, “Chinh phụ ngâm khúc”, “Lục Vân Tiên”… thậm chí đối với cả văn học hiện đại
cũng không ngoại lệ. Tác phẩm càng có âm hưởng xã hội lớn lao càng có nhiều dị bản.
Nhưng đời sống của tác phẩm không phụ thuộc chủ yếu vào sự biến đổi đó mà quan
trọng hơn cả là ở sự đọc. Về mặt này, số phận tiểu thuyết “Đôn Kihôtê” của Xécvantex
và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thuộc vào các trường hợp điển hình.
“Đôn Kihôtê” từ khi ra đời đã được đón nhận khác nhau. Chỉ riêng chân dung, tác
giả cho biết rất sơ sài, người gầy, mặt khô, có thể nói là thiếu chân dung. Khi mới ra
đời, người Tây Ban Nha hiểu Đôn Kihôtê là một chàng điên, buồn cười. Dịch sang tiếng
Anh, dần dần chàng họa sĩ có một bộ mặt khác. Đó là một người ngây ngô vừa buồn
cười vừa đáng yêu. Một tác giả viết: “Nỗi thất vọng của chàng làm ta vừa cười, vừa
thương. Khi thương chàng, ta nghĩ tới thất vọng của mình; khi cười chàng thì ta tự biết,
ta chẳng buồn cười hơn ta”. Dịch sang tiếng Pháp, dần dần Đôn Kihôtê được hiểu mới
hơn, theo “khẩu vị” Pháp của thế kỉ thứ XVII: Đôn Kihôtê là người có lí tính, trọng đạo
đức. Suốt thế kỉ thứ XVIII giới văn học Anh xem Đôn Kihôtê là người đáng kính vì có
quan niệm đạo đức nghiêm túc, có lí tính mãnh liệt, và vì cá tính quá mãnh liệt mà
chàng gạt bỏ mọi phán đoán cảm giác. Sang thế kỉ thứ XIX, dưới ảnh hưởng của chủ
nghĩa lãng mạn, Đôn Kihôtê trở thành một nhân vật bi kịch: chàng tự nguyện hi sinh

bản thân, một lòng phấn đấu để thực hiện lí tưởng mà đời không dung, cho nên vừa
buồn cười, vừa bi thảm. Bairơn lấy làm xót xa khi thấy Đôn Kihôtê bị đem làm trò cười.
Trong “Đôngjuan”, ông viết:
Buồn nhất trong câu chuyện buồn này
Là chúng ta cười nhưng nhân vật đúng
Chàng tuyên bố các lí thuyết vẻ vang
Đấu tranh chống bạo quyền và giữ gìn lẽ phải
Nhưng đời xếp chàng vào hạng người điên
Chẳng biết gì phải trái.
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
10
Nhưng ngược lại, những người mang cảm quan hiện thực chủ nghĩa thì hiểu Đôn
Kihôtê như là sự hạ bệ các lí tưởng anh hùng ảo tưởng, xa thực tế, không nhận ra thực
tại. Nhưng rồi sau đó, một số người lại hiểu Đôn Kihôtê là người xả thân, thà chết
không bỏ lí tưởng. Một số người còn hiểu rằng: Đôn Kihôtê ngây ngô, buồn cười là vì
chàng muốn diễn lại trong xã hội tư sản một đạo lí hiệp sĩ đã lỗi thời. Người ngày nay
có kẻ hiểu Đôn Kihôtê là điển hình của chủ nghĩa chủ quan, của chủ nghĩa duy ý chí…
Qua những điều đã nói ở trên, quả thực, ta thấy sự đọc có một vai trò vô cùng
quan trọng đối với sự trường tồn của tác phẩm văn học. Và tác phẩm văn học chỉ kéo
dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục.
IV. Ngoài sự đọc ra, tác phẩm văn học chỉ còn là những vệt đen trên tờ giấy
trắng:
Người đọc: Người tiếp nhận văn bản nghệ thuật của nhà văn sẽ cấp cho nó một số
phận lịch sử. Không có người đọc, văn bản chỉ còn tồn tại ở khía cạnh vật thể, không thể
tham gia vào đời sống ý thức như một nhân tố tích cực, “chỉ còn là những vệt đen trên
tờ giấy trắng”.
Hoàn thành một tác phẩm, một niềm hạnh phúc dạt dào trào dâng đến với nhà
văn. Vui vì cũng như người mẹ sinh nở, đã đưa lại cho đời một sinh mệnh bấy lâu thai
nghén. Nhưng người mẹ tinh thần này cũng có chỗ khác, có xen vào một chút ít nuối
tiếc, vì từ nay phải xa dần những cảnh, những người bấy lâu gắn bó da diết, thân thương

hết mực. Hồi tưởng lại khoảnh khắc này, Nguyên Hồng có nói: “Và đây, tất cả đã
xong… Tôi muốn thét, muốn reo, muốn cười, muốn khóc. Tôi đã muốn kêu gọi tên mấy
người thân thiết yêu dấu, và yêu đương của tôi. Tôi đã muốn đứng dậy, dang hết cánh
tay mà hôn, mà cắn… Tôi lại chỉ nằm xuống cái chõng ngắn hẹp của tôi, hai tay khoanh
ấp lấy gáy, mắt nhắm lại mà nghe một cảm giác bâng khuâng, nghẹn nấc và tràn đầy
trong người”. Thế rồi, từ đây, tác phẩm lại bắt đầu với một quá trình mới. Quá trình tiếp
nhận của người đọc.
Bởi lẽ đó mà ai đọc thơ Đường cũng không thể nào quên được bài thơ của Giả
Đảo (793-865):
Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ thùy
Tri âm như bất thưởng
Qui ngọa cổ sơn thu
Một trong những bản dịch hay nhất là của Trần Trọng San:
Hai câu làm mất ba năm
Một ngâm lã chã hai hàng lệ rơi
Tri âm nếu chẳng đoái hoài
Trở về núi cũ nằm dài với thu
Bài thơ hay vì tâm trạng nhà thơ, vì qua đó, ta còn học được sự lao tâm khổ tứ trong
việc sáng tác: Ba năm mà làm được hai câu thơ! Chứ đâu phải thơ là cứ “xuất khẩu
thành thi”, “thất bộ thành thi”, ấy vậy mà “tri âm” sẽ thế nào, đó là điều tác giả quan
tâm hàng đầu.
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
11
Cũng cùng chung tâm trạng đó, trong Phần dư cảo - Thơ đốt còn sót lại, Nguyễn Du có
viết:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà như khấp Tố Như?
Tạm dịch là:
Ba trăm lẻ mơ màng

Có ai hậu thế khóc chàng Tố Như?
Hai câu này là hai câu kết trong bài thơ được sáng tác sau khi tác giả đã đọc câu chuyện
nàng Tiểu Thanh chép trong tình sử. Nguyễn Du, với tấm lòng thương yêu rộng lớn
không bờ bến của một bậc thi hào, đã viết lại tình sử của nàng Tiểu Thanh bằng thơ, có
sức rung cảm lạ thường. Cái lụy là của người tài sắc, của nàng Tiểu Thanh (Tạo vật đố
tài, tạo vật đố hồng nhan) là có cớ, nhưng văn chương vốn không mệnh mà cũng mắc
lây: Văn chương vô mệnh lụy phần dư, đến thế sao? Đó là dấu hỏi lớn của Nguyễn Du.
Từ đó, có sự liên hệ:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà như khấp Tố Như?
Tóm lại: qua những điều đã nói ở trên, một lần nữa chúng ta hoàn toàn tán thành
với ý kiến của nhà văn J. Paul Sartre: Tác phẩm văn học như một con quay kì lạ chỉ có
thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm cho nó xuất hiện, cần phải có một hoạt động cụ
thể được gọi là sự đọc. Và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể
tiếp tục. Ngoài sự đọc ra, nó chỉ còn là những vệt đen trên tờ giấy trắng”.
“Trích chương trình: Văn học là gì”
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
12
PHẦN KẾT THÚC
Trải qua dòng thời gian, tác phẩm văn học là tổng cộng sự tiếp nhận về nó. Bởi vì
tất cả sự tiếp nhận đều xuất phát từ nó. Chúng ta có thể tán thành quan điểm của
Phrăngxơ, xem đọc là một cuộc đối thoại với tác giả, đồng ý với Huygô xem đọc là cuộc
đối thoại với chính mình, nhưng xét đến cùng khi đọc tác phẩm văn phẩm văn học, trên
hết là khám phá cái mới trong cuộc sống và trong nghệ thuật, là nhận thức chính mình,
hưởng thụ và tự giáo dục. Vì vậy không thể gạt bỏ vấn đề chân lí ra khỏi sự đọc, sự tiếp
nhận.
Theo dõi đời sống của các tác phẩm văn học, ta thấy rõ một điều là tiếp nhận văn
học ngày càng chiếm lĩnh tác phẩm sâu sắc hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, trong nhiều
tương quan và bình diện hơn. Nhưng đồng thời phải nhấn mạnh rằng, trong những cách
lí giải khác nhau về tác phẩm nghệ thuật, có chỗ đúng, có chỗ sai, nhưng hoàn toàn

không có nghĩa là chỉ có một cách hiểu nào đó là duy nhất đúng. Xét theo quan điểm
lịch sử rộng lớn thì nhiều sự tiếp nhận, sự đọc khác nhau đều tỏ ra tương đối đúng. Điều
này gắn liền với sự khái quát nhiều mặt, nhiều nghĩa của tác phẩm, đồng thời cũng gắn
liền với việc tác phẩm được soi rọi dưới ánh sáng của các văn cảnh khác nhau. Chỉ trong
đời sống lịch sử lâu dài, sáng tác văn học mới bộc lộ hết sự phong phú và sức mạnh ẩn
tàng của nó.
Tóm lại, tác phẩm văn học là một quá trình, chân lí nghệ thuật cũng là một quá
trình. Đời sống của tác phẩm văn học cho thấy, không phải ý muốn chủ quan của người
đọc mang lại nghĩa mới cho tác phẩm, mà tiến trình của đời sống khách quan. Nhưng
mặt khác có tính năng động sáng tạo của người đọc mới phát hiện ra ý nghĩa mới. Ở
đây, người đọc cần phải có bản lĩnh cao mới có thể cắt nghĩa tác phẩm một cách mới mẻ
theo những bình diện mới, góc độ mới, khắc phục những động hình đã mòn.
Từ những điều đã nói ở trên, ta thấy rõ việc đọc có vị trí vô cùng quan trọng đối
với một tác phẩm văn học. Quả như nhà thơ Nguyễn Khuyến đã từng nói:
…Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa…
Người đọc cần phải nâng cao trình độ đọc của mình để hiểu tác phẩm một cách
sâu sắc nhất, để biến tài sản văn học thành sở hữu của mỗi người. Mà thông qua hoạt
động giao tiếp ngôn ngữ ấy, ta càng thấy rõ hơn ý kiến của nhà văn J. Paul Sartre: Tác
phẩm văn học như một con quay kì lạ chỉ có thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm
cho nó xuất hiện, cần phải có một hoạt động cụ thể được gọi là sự đọc. Và tác phẩm
văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra, nó chỉ còn là
những vệt đen trên tờ giấy trắng. “Trích chương trình: Văn học là gì” là hoàn toàn
đúng.
Hà nội, ngày 29 tháng 12 năm 2009
Sinh viên
Dương Thị Hồng Thúy
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
13
TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Đỗ Hữu Châu, Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự kiện
văn học, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2-1990.
(2) Nguyễn Duy, Thơ với tuổi hoa, NXB Kim Đồng, 2002.
(3) Đỗ Việt Hùng – Nguyễn Thị Ngân Hoa, Phân tích phong cách ngôn ngữ trong
tác phẩm văn học, NXB Đại học Sư phạm.
(4) Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều, NXB KHXH-
1991.
(5) Trần Đình Sử, Giáo trình Dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục.
(6) Bùi Minh Toán, Những mối quan hệ hệ thống của ngôn ngữ và việc phân tích
ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm văn học trong giảng dạy tiếng việt và văn
học, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3-1989.
(7) Lý luận văn học, NXB Giáo dục, 1996 (Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn
Xuân Nam…).
(8) Lý luận văn học, NXB Giáo dục, 2007 (Hà Minh Đức chủ biên, Đỗ Văn Khang,
Phạm Quang Long…).
(9) Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
14
MỤC LỤC
Nội dung Trang
Phần mở đầu 1
Phần nội dung 3
A. Cơ sở lí thuyết 3
I. Hoạt động ngôn ngữ 3
II. Hoạt động giao tiếp 3
III. Hoạt động văn học 5
B. Vận dụng lí thuyết trên vào việc phân tích ý kiến của
nhà văn J. Paul Sartre
6
I. Tác phẩm văn học như một con quay kì lạ chỉ có thể xuất

hiện trong vận động
6
II. Muốn làm cho nó xuất hiện, cần phải có một hoạt động
cụ thể được gọi là sự đọc
8
III. Tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có
thể tiếp tục
9
IV. Ngoài sự đọc ra, nó chỉ còn là những vệt đen trên tờ
giấy trắng
11
Phần kết luận 13
Tài liệu tham khảo 14
Dương Thị Hồng Thúy - K19. 0588
15

×