KÝ ỨC VỀ BÀ TÔI
Bà tôi đã về theo tổ tiên đến nay tròn 24 năm. Bà tôi mất năm 1987, năm tôi
đang dạy ở một trường làng quê ở Miền Nam. Bố tôi báo tin bà mất vào một
buổi chiều, khi bà vừa đổ xoong cám cho lợn ăn. Bà mất quá đột ngột. Lúc bố,
mẹ và em tôi còn đang mải làm đồng. Nghe tin bà mất, lòng tôi đau đớn, khóc
thương bà mất mà không về để được nhìn bà lần cuối. Tôi ân hận lúc bà còn
sống mà tôi không chụp cho bà tôi tấm ảnh nào.
Ký ức về bà theo suốt cuộc đời tôi. Bà tôi dáng gầy, lưng hơi còng, gương mặt
khắc khổ, đôi mắt sáng cương nghị.
Tôi không biết bắt đầu như thế nào để nói hết về bà tôi. Mỗi khi nghe bà kể lại
quãng đời của bà, trong tôi lại trỗi dạy lòng kính trọng về sự chịu đựng, hy sinh,
tần tảo cùng bản lĩnh mà cả làng Hạ ở xã Thái giang của tôi đều biết. ( Quê tôi ở
thôn hạ liệt, xã thái Giang, huyện thái Thụy, tỉnh thái Bình).
Bà tôi góa chồng từ năm 30 tuổi. Ông tôi mất bỏ lại cho bà 2 người con. Bố tôi
và em bố tôi. Nhưng trước cách mạng tháng Tám, người dân Việt Nam chịu
“một cổ hai tròng” do Thực dân Pháp và Phát xít Nhật gây ra khiến hơn hai
triệu người chết đói. Người Thái Bình chết đói quá nhiều. Gia đình bà tôi trong
cảnh chung đó. Vì đói quá, ông tôi mất, rồi em bố tôi mất. Bà tôi đi ở cho Địa
chủ Thỏa để nuôi bố tôi. Bố tôi sống theo bà đi ở đợ, ngày ngày cắt cỏ chăn
trâu. Rồi bà tôi cũng giành dụm được ít tiền mua được một khoảnh đất nhỏ sau
đình làng Hạ làm chòi cho hai mẹ con sống. Bà tôi ở vậy nuôi bố tôi nên người.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng và Bác Hồ đem lại tự do, hạnh phúc
cho đất nước, cho nhân dân. Bà dựng vợ cho bố tôi. Gia đình tôi vào hợp tác xã.
Từ đó gia đình phát triển. Bà tôi bảo lúc đó vui lắm. bà bảo “Cuộc sống còn
nghèo nhưng hạnh phúc. Nước mắt bà chảy ra vì sung sướng, vui nhất là từ
ngày sinh ra cháu đấy.”
Năm tôi lên 6 tuổi, em gái tôi 2 tuổi, bố tôi xung phong đi bộ đội trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Suốt những năm tháng bố tôi đi xa, bà là
người chăm sóc tôi từng miếng ăn, giấc ngủ. Vì lúc đó, mẹ tôi là lao động
chính. Mẹ tôi chủ yếu làm việc ở ngoài đồng. Ngoài ra, mẹ tôi còn tham gia đội
nữ dân quân. Bởi lúc đó Đế qốc Mỹ đánh bom ác liệt ở miền Bắc. Với tôi, bà là
người đã dẫn dắt tuổi thơ tôi, nuôi tôi khôn lớn thành người.
Bà thường mặc chiếc áo nâu, cả đời bà tôi đi chân đất. Nhà tôi nghèo. Nhưng bà
vẫn lo ăn mặc và chuyện học hành cho 2 anh em tôi chu đáo.
Những buổi tối hay những mùa trăng, bà thường mang chiếc chiếu ra sân,
chúng tôi ngồi quanh bà nghe kể chuyện dân gian. Bà không biết chữ nhưng bà
kể nhiều chuyện bây giờ tôi còn nhớ mãi. Truyện Tấm Cám, Thạch sanh. Bà
thuộc cả truyện Trạng Quỳnh. Và Đặc biệt bà tôi thuộc rất nhiều thơ trong
Truyện Kiều. bà bảo nhớ nhất cái đoạn “ Gia đình Thúy Kiều mắc oan”. Chính
những câu thơ bà đọc đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ đó.
Tuổi thơ tôi đã làm cho bà tôi và mẹ tôi phải gian nan cực khổ. Tôi mắc nhiều
bệnh, èo ọt, gầy yếu. Một tuần có đến hai ba ngày bà và mẹ thay nhau ở nhà
chăm sóc tôi. Có hôm giữa đêm khuya, bà tôi cõng tôi lên trạm xá, gõ cửa y bác
sĩ. Vì phải nghỉ học chữa bệnh luôn nên sức học tôi bị sút kém. Thấy tôi không
khỏi bệnh, bà tôi tìm thầy lang, bất cứ nghe có thầy lang giỏi là bà tìm đến.
Bao nhiêu tiền bà cũng lo chạy. Nhưng bệnh tình tôi không khỏi mà như lại
thêm ra. Bà tôi , mẹ tôi buồn khóc đêm đêm. Khóc thương tôi bệnh và thương
bố tôi ở chiến trường xa, chẳng biết bao giờ về. Tôi cũng khóc, em tôi cũng
khóc. Cả nhà khóc. Có đêm, suốt năm canh, bà không ngủ. Bà ru tôi trên võng.
Tiếng ru hời cứ khắc khoải trong tôi cho đến tận bây giờ.
Bà tôi tin đến thầy lang nói . Nghe thầy lang nói kiêng ăn món này, bà tìm lo
cho tôi ăn món khác. Tôi được bà chăm sóc đặc biệt. Bà lo ăn, lo mặc, lo thuốc
thang, rồi bà tắm rửa cho tôi. Bà bảo “ Cháu phải khỏi bệnh, bố cháu không thể
chết ở chiến trường thì bà mới sống được”.
Bà tôi đi chùa lễ vào các ngày mùng một và ngày rằm. Bà nói “ đi chùa, bà
khấn lạy rồi con cháu khỏe mạnh, sum họp”. Bà đi chùa, tôi cũng đi theo bà.
Có hôm, tôi cầm cái đèn, quả cau, khay trầu, có hôm tôi xách mâm nhôm giúp
bà.
Chẳng biết vì thuốc thang hay vì sự chăm sóc bằng bàn tay và tình thương vô
bờ bến cả bà mà tôi cũng hết bệnh, tôi khỏe, lớn dần lên. Bà tôi vui lắm.Mỗi
buổi đi chợ về thể nào tôi cũng có quà của bà mua cho. Hôm thì ít ngô rang, hay
miếng sắn, có hôm gói xôi nếp nóng hoặc miếng bánh đa vừng… Bà còn mua
cho tôi cả cây sáo trúc đẹp.
Nhà nghèo nhưng bà biết sắp đặt đâu vào đó. Bà là trụ cột của gia đình. Từ
chuyện mua bán, trồng trọt, chăn nuôi, làm vườn, một mình bà quán xuyến. Mẹ
tôi chỉ biết làm đồng. còn chuyện trong nhà, bà tôi lo chu toàn. Hai vườn chè
nhà tôi được bà chăm sóc xanh tốt nhất nhì trong làng . Những lúc đói ăn, mất
mùa nhưng nhà tôi lúc nào cũng có gạo ăn, có khoai ngô, sắn. Ấy là vì sự khéo
léo của bà.
Bà tôi sống rộng rãi với mọi người. Từ chú bác họ hàng đến người xa lạ, thấy
đói, bà cho ăn, thấy khát bà cho uống. Bà sống chan hòa với lối xóm. Bà làm
mai làm mối cho ai thì ai cũng đều hạnh phúc. Chẳng thế mà bác Thúy, quê ở
mãi Thanh Hóa ra Thái Bình lập nghiệp những năm 60, bà tôi giúp dựng vợ gả
chồng. gia đình bác Thúy nhớ mãi, tết vẫn thăm bà tôi. Những năm tháng bộ
đội đóng quân ở quê tôi, từ củ khoai, bát nước chè xanh, bà tôi cũng giành cho
các chú bộ đội. Bởi vậy, có chú trước khi đi từ biệt bà tôi nước mắt nghẹn
ngào…
Bà tôi nấu món ăn thì thật ngon. Từ con cá mè, cá trôi, cá trắm đến cá rô, bà tôi
kho vừa ngậy vừa ngon. Bà bảo “Kho cá trước khi kho phải ướp đủ gia vị, phải
kho kỹ, húi cá khi nào cháy hết trấu mới được ” ( tức là vùi nồi cá xuống bếp
tro có than đỏ, đổ trấu trùm lên mặt vung, đốt khi hết trấu mới bắc nồi cá ra).
Ngày tết đến, mặc dù bố ở chiến trường xa, bà ẫn lo tươm tất. Bà gói bánh
chưng, bà đi chung thịt lợn cho 4 khẩu ăn. Sáng 27, phiên chợ Thượng , bà cho
tôi đi theo. Bà không quên mua cho tôi vài cái pháo rạ đốt xông nhà lúc giao
thừa. Sáng mùng một, bà rửa mặt cho tôi bằng nước ấm có lá mùi Bà làm
mâm cúng, thắp hương . Bà bảo tôi ngồi bên bà, bà lầm rầm khấn bái hồi lâu.
Bà tôi nghiêm nghị lắm. Tôi sợ bà tôi. Vì bà tôi giáo dục tôi không chỉ bằng lời
mà cả bằng roi mây. Bà tôi có sợi mây ở trước hiên. Nếu hôm nào trốn học, đi
chơi thì thể nào cũng bị trận đòn. Buổi tôi trốn bà đi chơi đến khi về, bà đã cầm
roi đứng đợi ở trước nhà. Bà bắt tôi nằm úp xuống. Mông tôi oằn lên vì trận
roi. Chẳng biết bà cất roi ở đâu. Nhưng mỗi khi có trận đòn roi, tôi như hiểu vì
sao bà đánh. Tôi đã làm bà buồn vì quá nghịch ngợm, thường gây cho người
khác buồn. Ví như thả diều, diều bay vào vườn ổi vườn cam, trèo lên làm gẫy
cành. Rồi tắm sông có ngày suýt chết đuối phải cấp cứu Giờ tôi còn đâu
những cái roi của bà.
Bà chăm lo sự học hành cho tôi chu đáo. Sau giải phóng Miền Nam, bố tôi
phục viên, sức khỏe yếu, lại một tay bà cáng đáng. Bà chăm sóc bố tôi như từng
chăm sóc tôi. Những cơn sốt rét, bố tôi kêu bà tôi lại thuốc thang, rồi những bữa
ăn… Bố tôi cũng khỏe lại, da hồng lại. Bà sung sướng bảo “Ông trời thương bà
đấy”. Sự học của tôi được bà thường xuyên quan tâm. Bà dạy bảo nghiêm
túc .Bà lên nhà trường hỏi thầy cô giáo sức học của tôi. Đêm, khi tôi chuẩn bị đi
ngủ, bà gọi tôi, bà giảng giải “ Đời bà không biết chữ. Đời bố mày chỉ học lớp
bốn. Chúng mày cũng muốn thất học sao? Xã hội tiến tới không học thì không
có nghề nghiệp chỉ có đói khổ cháu ạ!”. Cứ những câu ấy, bà thuộc lòng mỗi
khi dạy bảo tôi. Rồi tôi cũng học được hết ấp 3, vào đại học. Tôi đã làm được
điều bà dạy bảo. Tôi lấy vợ, đưa vợ về thăm bà. Lúc đó, Bà mừng. Bà thấy
cháu dâu của bà ngoan, đức hạnh, bà cầm tiền cho 2 cháu. Bà dặn “ khi nào về
cho bà cái áo đỏ cháu nhé!”. Cháu “ Thưa vâng”. Cháu không ngờ đó là lần
cuối cùng gặp bà. Bà ơi! Cháu chưa mua cho bà chiếc áo đỏ thì bà đã ra đi.
Ngày xây mộ bà, tôi cũng biệt tăm, bởi xa quê những hơn 2000 cây số, vì công
việc và vì cái nghèo nhà giáo dạy văn mà cháu không về bên mộ bà.
Lại sắp đến giỗ của bà. Bà ơi! Cháu có lỗi với bà. Bóng bà đã khuất từ lâu.
Nhưng hình bóng bà, tình thương của bà, cháu giữ mãi suốt cuộc đời.
Mùa xuân 2011
Trần Đức Thủy
GV trường THPT Long Thạnh, huyện
Giồng Riềng, Tỉnh Kiên Giang
ĐT: 0986559189