Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

12 truyen ke (tiep)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (63.89 KB, 12 trang )

RÙA VÀ THỎ
1. Trời mùa thu mát mẻ. Trên bờ sông, một con rùa
đang ra sức tập chạy.
Một con thỏ trông thấy liền mỉa mai Rùa
- Chậm như sên mà cũng đòi tập chạy à?
2. Rùa đáp:
- Anh đừng giễu tôi! Anh với tôi thử chạy thi coi ai hơn?
Thỏ vênh mặt nhận lời Rùa và nghĩ: anh chàng
chậm như sên này mà cũng đòi thi với ta thì hắn thua
là cái chắc!
3. Rùa biết mình chậm chạp nên cố chạy hết sức và
không nghỉ chút nào. Thỏ nhìn theo mỉm cười. Nó nghĩ:
Ta chưa cần chạy vội, đợi rùa gần tới đích, ta phóng
cũng vừa. Nó nhởn nhơ trên đường ngắm trời, ngắm
mây, chơi với hoa đùa với bướm.
4. Tin vào tài chạy nhanh của mình Thỏ nghĩ bụng: ta
nghỉ lưng một chút đã, còn kịp chán! Nằm trên thảm cỏ
êm ái, Thỏ ngủ quên lúc nào không hay.
Trong lúc ấy, Rùa vẫn mải miết chạy về cột đích.
Thỏ choàng tỉnh dậy thì Rùa đã tới đích và thắng cuộc.
CÔ BÉ TRÙM KHĂN ĐỎ
1. Ngày xưa, có một cô bé có chiếc khăn đỏ, bé thích lắm, đi
đâu cũng lấy trùm đầu, nên có tên gọi là Khăn Đỏ. Một hôm, bà
Khăn Đỏ bị ốm. Mẹ bảo em đi mang bánh đi biếu bà. Mẹ dặn:
- Con đến thẳng nhà bà, đừng la cà dọc đường nhé.
Khăn Đỏ vâng dạ, chào mẹ rồi đem giỏ bánh đến nhà bà.
2. Giữa đường, gặp Chó Sói không biết là Sói độc ác, em thật
thà kể chuyện đem bánh đến biếu bà và vô tình nói cả chỗ ở
của bà. Sói ngon ngọt nói:
- Trong rừng đang vui lắm, có nhiều hoa đẹp, có cả chim nữa.
Vội gì, cháu hãy vào đó mà ngắm cảnh.


Nghe lời Sói, Khăn Đỏ rẽ vào rừng, mải mê ngắm hoa, bắt
bướm.
3. Sói đến nhà bà của Khăn Đỏ. Nó vào nhà, nuốt chửng bà cụ.
Sau đó, nó đội mũ của bà, nằm lên giường, rồi đắp chăn lại,
chờ.
Khăn Đỏ tới, thấy dáng hình kì lạ nằm trên giường bà, bèn
hỏi:
- Bà ơi! Sao tai bà to thế?
Sói giả giọng bà đáp lại:
- Tai bà to để nghe cháu rõ hơn!
- Bà ơi! Sao tay bà to thế?
- Để bà ôm cháu chặt hơn!
- Bà ơi! Sao mồm bà to thế?
- Để ăn thịt cháu dễ hơn!
Nói rồi Sói nuốt chửng luôn Khăn Đỏ. Xong đâu đấy, Sói ta
ngủ lại ngay trên giường bà.
4. Ngay sau lúc hai bà cháu Khăn Đỏ bị Sói nuốt chửng, bác thợ
săn ghé vào thăm bà.
Thấy Sói nằm ngủ trên giường, bác giơ súng lên định bắn,
nhưng thấy cái bụng căng phồng của Sói động đậy, bác lấy dao
rạch bụng nó. Hai bà cháu lần lượt chui ra, Sói giãy giụa chết.
Hai bà cháu thoát chết, cảm ơn bác thợ săn thật nhiều.
Khăn Đỏ ân hận lắm và nghĩ rằng: từ nay mình phải vâng
lời mẹ, phải đi đến nơi, về đến chốn, không được la cà dọc
đường.
TRÍ KHÔN
1. Một hôm, Hổ ra cạnh rừng chơi. Nó thấy người và trâu đang
cày ruộng.
Con trâu to lớn, khỏe mạnh đang rạp mình kéo cày, ngoan
ngoãn chịu cho người điều khiển.

Hổ lấy làm lạ lắm.
2. Hổ liền tới hỏi Trâu:
- Này anh Trâu! Anh to lớn nhường ấy sao lại chịu kéo cày cho
người?
Trâu đáp:
- Người tuy bé thật, nhưng người có trí khôn.
3. Hổ không hiểu trí khôn là cái gì, liền đến hỏi Người:
- Này Người, Trâu kia bảo ta là nhà ngươi có trí khôn. Trí khôn
đâu, cho ta xem!
Người đáp :
- Trí khôn ta để ở nhà.
Hổ năn nỉ :
- Người về lấy nó mang ra đây cho ta xem đi!
Người nông dân nói :
- Ta về Hổ ăn mất Trâu của ta thì sao ? Nếu thuận cho ta trói
lại, ta sẽ về lấy cho xem.
4. Hổ muốn xem trí khôn nên chịu để cho Người trói vào cây.
Trói xong, Người bảo :
- Ngươi sẽ được thấy trí khôn của ta !
Nói rồi, Người chất một đống rơm xung quanh Hổ, châm lửa
đốt. Lửa cháy ngùn ngụt. Hổ khiếp sợ, vùng vẫy. Dây trói cháy
rồi đứt. Hổ thoát nạn, chạy một mạch vào rừng. Cũng từ đó, bộ
lông hổ có vằn đen.
SƯ TỬ VÀ CHUỘT NHẮT
1.Chuột Nhắt lang thang đi kiếm ăn, vô ý để Sư Tử bắt
được. Nó lên tiếng van xin :
- Lạy ông, ông ăn cháu chẳng bõ dính răng, ông làm
ơn tha cho cháu, thả cháu ra, rồi sẽ có ngày cháu giúp lại
ông.
2.Sư Tử phì cười :

- Ừ thì ta tha. Nhưng nhà ngươi bé tẹo thế thì giúp ta
được việc gì ?
Được tha, Chuột Nhắt nói :
- Cảm ơn ông ! Sẽ có ngày cháu làm được điều tốt cho
ông.
3.Ít lâu sau, Sư Tử bị sa lưới. Nó gầm gào, vùng vẫy hết
sức mà cũng không thoát được, đành nằm bẹp chờ chết.
May sao, Chuột Nhắt đi qua trông thấy. Nó chạy về gọi
cả nhà chuột ra, cắn một lúc đứt hết các mắt lưới, giải
thoát cho Sư Tử.
4.Sư Tử được cứu thoát, cảm ơn cả nhà Chuột Nhắt. Lúc
ấy, Chuột mới nói:
- Lúc trước khi thả cháu ra thì ông phì cười, nghĩ là cháu
chẳng giúp ông được việc gì. Nay chúng cháu cứu được ông
cũng là nhờ ông đã tha cho cháu khi xưa.
BÔNG HOA CÚC TRẮNG
1.Ngày xưa, có hai mẹ con một cô bé rất nghèo khổ, sống
trong một túp lều. Một hôm, người mẹ bị ốm nặng. Cô bé
không biết làm gì hơn là đắp chiếc áo ấm duy nhất của mình
cho mẹ. Một buổi chiều, bà mẹ chợt tỉnh lại, nói với con:
- Con đi mời thầy thuốc về đây xem mạch cho mẹ.
2.Cô bé vội vã ra đi. Giữa đường, cô gặp một cụ già râu tóc bạc
phơ. Cô kể cho cụ nghe chuyện mẹ mình bị ốm, đang cần người
cứu chữa. Cụ tự nhận mình là thầy thuốc, bảo cô bé dẫn về nhà
xem mạch.
Xem xong, cụ bảo: “Cháu vào rừng, hái một bông hoa trắng
thật đẹp, đem về đây cho ta làm thuốc”.
3.Đến gốc đa đầu rừng, cô bé tìm được một bông hoa trắng rất
đẹp. Cô ngắt bông hoa và cầu mong cho mẹ mau chóng khỏi
bệnh.

Bỗng cô nghe văng vẳng bên tai tiếng nói của cụ già: “Mỗi
cánh hoa là một ngày mẹ cháu được sống thêm”. Cô liền đếm
số cánh hoa và thốt lên lo lắng: “Trời ơi! Chỉ có 20 cánh thôi
ư?”. Nghĩ một lát, cô liền xé mỗi cánh hoa thành nhiều sợi. Lạ
thay, mỗi sợi hoa lại biến thành một cánh hoa.
4.Nhìn thấy bông hoa lại có rất nhiều cánh, cô sung sướng
vùng chạy về.
Vừa tới nhà, cô đã thấy cụ già tươi cười ra đón và nói: “Mẹ
cháu khỏi bệnh rồi! Phần thưởng cho tấm lòng hiếu thảo của
cháu đấy”.
Bông hoa ấy giống như hoa cúc vàng nhưng lại có màu
trắng nên được gọi là bông hoa cúc trắng.
NIỀM VUI BẤT NGỜ
1.Vào một buổi sáng, cô giáo Mĩ dẫn các em bé mẫu giáo đi
qua Phủ Chủ tịch.
Các em reo lên: “A! Nhà Bác Hồ!” và ríu rít xin cô giáo cho
được vào thăm Bác Hồ. Cổng Phủ Chủ tịch bỗng trở nên ồn ào.
2.Cô giáo lúng túng. Bỗng cánh cửa Phủ Chủ tịch từ từ mở. Một
chú cán bộ mời cô giáo cho các em vào thăm nhà Bác. Các em
nhanh chóng xếp hàng đôi theo chú cán bộ và cô giáo bước vào
Phủ Chủ tịch.
3.Bác Hồ râu tóc bạc phơ, tươi cười đón các em. Bác nói:
- Các cháu có ngoan không? Bây giờ các cháu thích gì nào?
- Thưa Bác, chúng cháu thích thăm nhà Bác, thăm vườn của
Bác ạ.
Bác dắt tay em bé nhất và dẫn các em ra vườn xem hai cây
vú sữa miền Nam Bác trồng và thăm ao cá Bác nuôi.
4.Bác dặn các em phải ngoan ngoãn, sạch sẽ, vâng lời cô giáo.
Đã đến giờ Bác tiếp khách, cô gióa xin phép Bác cho các
em về.

Bác vẫy tay chào các em; em nào cũng ngoảnh lại để cố
ngắm Bác thêm chút nữa.
Cả cô giáo và các em, ai cũng cảm thấy vừa được một
niềm vui đến bất ngờ.
SÓI VÀ SÓC
1.Một chú sóc đang chuyền trên cành cây bỗng rơi
trúng một lão sói đang ngái ngủ.
2.Sói chồm dậy, định ăn thịt Sóc. Sóc van nài:
- Hãy thả tôi ra nào!
3.Sói nói:
- Được ta sẽ thả, nhưng ngươi hãy nói cho ta biết: Vì
sao bọn sóc các ngươi cứ nhảy nhót vui đùa suốt
ngày, còn ta, lúc nào ta cũng thấy buồn bực?
Sóc bảo:
- Thả tôi ra đã, rồi tôi sẽ nói.
4.Được tự do, Sóc nhảy tót lên cây cao, rồi đáp vọng
xuống:
- Anh buồn vì anh độc ác. Sự độc ác thiêu đốt tim
anh. Còn chúng tôi lúc nào cũng vui vì chúng tôi tốt
bụng, không làm điều ác cho ai cả.
DÊ CON NGHE LỜI MẸ
1.Như mọi lần, trước khi đi kiếm cỏ, Dê mẹ dặn các con:
- Mẹ đi vắng, các con phải đóng cửa. Khi về, mẹ sẽ gõ cửa
và hát. Ai lạ gọi cửa, các con không được mở.
Có một con sói nấp gần đấy. Nó đã có lần nghe được bài hát
của Dê mẹ.
2.Hôm ấy, đợi Dê mẹ đi được một lúc rồi, Sói rón rén đến trước
cửa nhà Dê.
Nó vừa gõ cửa vừa hát bài Dê mẹ vừa hát:
“Các con ngoan ngoãn

Mau mở cửa ra
Mẹ đã về nhà
Cho các con bú”.
3.Dê con nhận ra không phải giọng mẹ chúng nên nhất định
không mở cửa.
Đợi mãi không đánh lừa được bọn dê con. Sói đành cụp
đuôi tiu nghỉu bỏ đi.
4.Dê mẹ về, gõ cửa và hát.
“Các con ngoan ngoãn
Mau mở cửa ra
Mẹ đã về nhà
Cho các con bú”.
Dê con mở cửa. Chúng tranh nhau kể cho mẹ nghe chuyện
Sói đến gõ cửa và giả giọng mẹ hát.
Dê mẹ khen đàn con ngoan, biết vâng lời mẹ.
CON RỒNG CHÁU TIÊN
1.Ngày xửa ngày xưa, Lạc Long Quân vốn là rồng biển,
kết duyên với nàng Âu Cơ vốn là tiên trên núi. Âu Cơ đẻ
ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Gia
đình họ sống rất đầm ấm, hạnh phúc.
2.Nhưng Lạc Long Quân vẫn không nguôi nỗi nhớ biển.
Một hôm, chàng hóa thành rồng bay ra biển. Âu Cơ và
đàn con ở lại.
3.Vợ nhớ chồng, con ngóng bố, mẹ con nàng Âu Cơ bèn
trèo lên núi cao gọi Lạc Long Quân trở về. Lạc Long
Quân từ biển bay lên núi gặp lại vợ con.
Hai vợ chồng bàn với nhau, rồi quyết định chia đôi
đàn con và hẹn khi nào gặp nguy hiểm thì báo cho
nhau biết để cứu giúp nhau, không bao giờ quên nhau.
4.Thế là một nửa theo mẹ lên núi, một nửa theo cha

xuống biển. Cảnh chia tay thật là cảm động. Người con
cả ở lại đất Phong Châu, được lên làm vua đất Văn
Lang. Đó là vua Hùng thứ nhất.
Vì thế, người Việt Nam ở đâu cũng cho mình là “con
Rồng cháu Tiên” và gọi nhau là “đồng bào”.
CÔ CHỦ KHÔNG BIẾT QUÝ TÌNH BẠN
1.Một cô bé xinh xắn có một con gà trống rất đẹp. Buổi sáng
thức dậy, Gà Trống bao giờ cũng chào cô; còn cô bé cũng chăm
sóc nó như người thân.
Một hôm, thấy bà hàng xóm có con gà mái, cô thích quá vì
nghĩ nó sẽ đẻ trứng, cô xin bà đổi Gà Trống lấy Gà Mái.
Gà Mái mỗi ngày tặng cô một quả trứng.
2.Lần khác, cô thấy bà hàng xóm mua về một con vịt. Thấy vịt,
cô cũng thích và lại gạ gẫm đổi gà mái lấy vịt. Gà Mái nghe
chuyện buồn lắm.
Cô cũng chơi thân với Vịt như đã từng chơi thân với Gà Trống
và Gà Mái. Khi cùng cô tắm sông, nó nhắc:
- Cô chủ đừng có bơi xa, lòng sông sâu đấy!
3.Lại một hôm khác, có người bà con đến chơi, dắt theo một
chú chó con. Thấy chó con xinh xắn, cô bé rất thích và lại gạ
đổi:
- Bác cho cháu con chó con này nhé! Cháu xin biếu lại bác
con vịt.
Vịt nghe chuyện đổi chác, kêu lên: “Quạc, quạc, quạc !”
4.Ôm chú Chó Con vào lòng, cô bé kể cho nó nghe mình đã đổi
ba người bạn trước như thế nào. Chó Con liền chạy khỏi tay cô,
chui vào gầm ghế. Đêm đến, nó cạy cửa trốn đi:
- Ta không muốn kết bạn với con người không biết quý
trọng tình bạn.
Sáng ra, cô bé chẳng thấy con vật nào ở bên mình nữa.

HAI TIẾNG KÌ LẠ
1.Chú bé Pao- lích bỏ nhà ra ngồi ở công viên.
Thấy Pao- lích đang buồn bực, một cụ già hỏi
chuyện và biết ở nhà chú không được ai quý mến.
Cụ muốn giúp chú bé biết nói hai tiếng kì lạ. Cụ
còn yêu cầu Pao- lích phải nói hai tiếng ấy cho thật dịu
dàng, vừa nói vừa nhìn vào mắt người ta.
2.Mừng quá, Pao-lích chạy ngay về nhà. Thấy chị Lê-
na đang vẽ, Pao- lích nhìn vào mắt chị rồi nói thật dịu
dàng:
- Chị Lê- na, chị vui lòng cho em mượn một cái bút
được không?
Chị Lê- na nhìn chú ngạc nhiên và cho mượn ngay.
3.Thích thú với hiệu quả của hai tiếng kì lạ, Pao- lích
chạy tìm bà, ôm lấy bà, nhìn vào mắt bà và dịu dàng
nói:
- Bà vui lòng cho cháu một mẩu bánh nhé!
Bà cười, đưa ngay cho chú một cái bánh ngon nhất.
4.Đến trưa, Pao- lích ngoan ngoãn ngồi nghe anh nói
chuyện. Anh cho biết là sắp đi bơi thuyền, Pao- lích
nắm lấy tay anh và lại nói dịu dàng:
- Anh vui lòng cho em đi bơi thuyền với nhé!
Anh vui vẻ đồng ý ngay.
SỰ TÍCH DƯA HẤU
1.Xưa có người tên là Mai An Tiêm làm ăn chăm chỉ, lại biết
nhiều nghề, được vua yêu mến, nhận làm con nuôi.
Một hôm, trong bữa tiệc thết khách, An Tiêm nói các thứ
trong nhà đều do mình làm ra. Một viên quan vốn ghét An Tiêm
bèn về tâu với vua. Vua giân, đày vợ chồng An Tiêm ra đảo
hoang.

2.Cảnh vật ở đảo hoang vắng, chỉ thấy cát là cát, không một
bóng người. Vợ chồng An Tiêm chăm chỉ làm ăn.
An Tiêm uốn cung, vót tên để bắn chim làm thức ăn hàng
ngày, dựng nhà bằng tre, gỗ, cỏ gianh trong rừng. Chồng đóng
khung cửi, vợ phơi khô cỏ cói dệt thành vải may quần áo.
3.Một hôm, nghe tiếng chim lạ ngoài bãi, vợ chồng chàng ra
xem. Thấy chim nhả những hạt đen trên mặt cát. An Tiêm liền
lấy hạt đem trồng thử trong vườn.
Ít lâu sau, hạt mọc thành cây rồi đơm hoa, kết quả. Quả
to, có vỏ màu xanh thẫm nhưng khi chín, bổ ra thì thấy ruột
đỏ, cùi trắng, hạt đen nhánh.
4. Ăn quả lạ thấy ngọt và mát. An Tiêm bèn khắc tên mình vào
quả rồi nhờ sóng biển đưa vào đất liền. Một người dân nhặt
được đem dâng vua. Vua hối hận: “An Tiêm nói đúng: tất cả
mọi của cải đều do con người làm ra”. Vua cho đón vợ chồng An
Tiêm trở về. Thứ quả lạ đó chính là giống dưa hấu ngày nay.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×