Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT ĐÀO TRONG TRUYỆN NGẮN "MÙA LẠC"

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (331.62 KB, 3 trang )

Bài làm
Là nhà văn quân đội, đa số những tác phẩm của Nguyễn Khải chủ yếu
viết về người lính. Trong thời chiến, Nguyễn Khải viết về người lính chiến
đấu. Trong thời bình, Nguyễn Khải viết về người lính xây dựng hòa bình.
Tập truyện “Mùa lạc” trong đó có truyện ngắn “Mùa lạc” xuất bản vào đầu
những năm 60 viết về người lính xây dựng khi cuộc kháng chiến chống
Pháp chấm dứt, miền Bắc được giải phóng và đang phục hồi và phát triển
kinh tế.
Bối cảnh của truyện ngắn “Mùa lạc” là một đội sản xuất, đội số 6 của
một nông trường quân đội, nông trường Điện Biên. Ở đây những người lính
sau những năm tháng đổ máu bảo vệ Tổ quốc nay đang đổ mồ hôi để xây
dựng cuộc sống hòa bình ấm no. Để ca ngợi người lính, trong truyện ngắn
Nguyễn Khải đã xây dựng một nhân vật không phải là người lính, rất sinh
động và thú vị: nhân vật chị Đào.
Chị Đào vốn là một cô gái sinh ra ở một miền quê đồng bằng Bắc Bộ.
Nơi ấy trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi là vùng giặc tạm
chiếm. Lớn lên giữa một miền quê như thế, Đào đã chịu khá nhiều bất hạnh,
lấy chồng thì bị chồng bỏ rơi để đi theo người khác hàng mấy năm trời.
Chồng trở về, có con thì chồng chết, rồi con cũng chết, Đào trở thành một
người bơ vơ trước cuộc đời. Đào không còn gì để tin cậy và chờ đợi, không
còn gì để gắn bó, yêu thương, không còn gì để mình tự có trách nhiệm. Đời
Đào thế là trở thành một cánh bèo trên dòng nước chảy xiết. Để sống qua
ngày, Đào theo những chuyến buôn từ nơi này sang nơi khác, tối đâu là nhà,
ngả đâu là giường, không gia đình, không còn quê hương nữa.
Ngày qua ngày, niềm tin tưởng vào cuộc đời ở Đào cứ mất dần cho đến
lúc khô kiệt. Đào không còn có ai để mà tin, và cũng không thể tin ai. Cuộc
sống là thế mà! Đào càng từng trải thì càng chua chát. Quê hương được giải
phóng, cuộc sống mới cũng chưa đem lại cho Đào niềm vui chung của mọi
người. Rời bỏ miền xuôi lên Điện Biên, trở thành nông trường viên, Đào
mang theo hành trang của mình gần hết gánh nặng của cuộc sống cũ. Chị


lên nông trường chẳng qua vì cái nghề buôn chuyến của chị bây giờ không
còn sử dụng được nữa. Người ta lao động thì chị cũng lao động, thế thôi.
Chị không tin là đời mình sẽ thay đổi, có thể sáng ra, đẹp hơn, hạnh phúc
hơn. Lúc nào Đào cũng nghĩ chua chát về đời mình, “trâu quá xá, mạ quá
thì, hồng nhan bỏ bị còn gì là xuân”. Đối với Đào tất cả đều đã muộn màng,
Đào sẽ lại tiếp tục sống qua ngày, không hy vọng, không chờ đợi, không
yêu thương và cũng chẳng được yêu thương. Quen với những quan hệ trong
cuộc sống cũ, Đào không tin vào những quan hệ mới có thể xảy ra giữa
người với người. Mà quan hệ trong xã hội cũ là gì? Là nếu không lừa đảo
nhau thì người ta cũng chỉ dửng dưng với nhau, chẳng ai quan tâm đến ai.
Đào đã đối xử với mọi người trong nông trường theo cách lúc nào cũng dè
chừng, thủ thế và khi cần có thể xù lên như một con nhím để tự vệ. Đào cho
việc người ta ghép đôi Đào với Huân là một sự đùa cợt đầy ác ý. Huân là
một anh bộ đội vừa trẻ vừa đẹp trai nhất đội số 6 trong khi Đào ngót nghét
ba mươi, đã qua một đời chồng, nhan sắc thì có “cả một hàm răng khểnh”
với khuôn mặt nhiều tàn hương. Hãy nghe Đào trả lời về sự đùa cợt ấy: Huệ
thơm bán một đồng mười, huệ tàn nhị rữa giá đôi lạng vàng. Rồi Đào lại
thêm: Giá đôi lạng vàng chứ chưa chắc đã bán đâu! Thật là ngoa ngoắt!
Thật ra đó không phải là bản chất của Đào. Đào vốn là cô gái quê lao
động cần cù và có khả năng trở thành người lao động chân chính, nghĩa là
con người tốt. Đào không phải là không có tài. Đào có thể là người thông
minh, lanh lợi. Đào có thể tổng kết những kinh nghiệm sống của mình bằng
những câu vần vè vừa chắc chắn vừa thú vị. Sống ở nông trường, Đào đã
làm việc rất hăng hái. Một phần vì bản chất của Đào vốn như thế, một phần
vì Đào tự ai không muốn ai coi thường mình. Nhưng rồi dần dà, lao động
bên cạnh những con người lao động mới, nhiệt tình và vô tư, lao động vì
mục đích cao đẹp, Đào cứ bị cuốn hút và thay đổi mà chính chị cũng không
biết. Dần dà Đào nhận ra rằng, những con người chung quanh mình trung
thực và hồn nhiên biết bao. Niềm tin vào con người cứ thấm dần trong tâm
hồn Đào. Nếu xưa kia Đào không có một chốn nương thân thì bây giờ Đào

đã có một tập thể để tin cậy. Đào nhận ra rằng bây giờ mình đang trở thành
một người có ích cho mọi người. Những câu thơ của Đào hóa ra lại được
người ta khen ngợi. Lao động của Đào đang tạo ra giá trị cuộc sống. Tin vào
người, tin vào chính mình, những điều quan trọng ấy đã đến với Đào.
Khi nông trường bước vào mùa lạc, đội số 6 của Đào bước vào mùa thu
hoạch, Đào bắt đầu biết rằng chính Đào cũng đã đứng trước một mùa thu
hoạch đầu tiên đầy ý nghĩa. Trong sản phẩm mà mọi người vui mừng, có
đóng góp của mình, có những giọt mồ hôi vất vả của Đào. Riêng Đào có
thêm một thu hoạch bất ngờ: tình yêu muộn màng nhưng chân thành và đầy
hứa hẹn của Dịu – anh bộ đội đã từng gặp nhiều chuyện không may. Đào e
dè nhưng tin tưởng, Đào sẽ được yêu thương và yêu thương. Đào sẽ có một
gia đình hạnh phúc.
Đặt tên cho tác phẩm là “Mùa lạc” thật ra điều quan trọng của truyện
ngắn này không phải là mùa lạc lấy tên từ đất mà đó là thành quả của con
người. Cuộc sống mới đã đem lại hạnh phúc và giá trị cho con người. Cuộc
chiến đấu của những người lính trong thời bình cũng là cuộc chiến đấu cho
cuộc sống mới, cho hạnh phúc của nhân dân.
Đọc truyện ngắn “Mùa lạc”, nếu người đọc sẽ không quên nhân vật Đào,
thì người đọc sẽ phải nhớ về những người lính. Đây chính là điều Nguyễn
Khải muốn làm rõ trong truyện ngắn này.

×