Giải Phẫu Cơ Quan Tiền Đình Ốc Tai
Mục tiêu bài giảng
1. Phân biệt được giới hạn tai ngoài, tai giữa, tai trong.
2. Mô tả cấu tạo các thành phần và chức năng của tai ngoài, tai giữa, tai trong.
3. Giải thích cơ chế nghe và giữ thăng bằng.
4. Vẽ hình soi màng nhỉ.
Tai (hay cơ quan tiền đình ốc tai) là cơ quan đảm nhiệm việc nghe và điều chỉnh
thăng bằng cho cơ thể. Mỗi một tai gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong.
I. Tai ngoài
Tai ngoài gồm loa tai và ống tai ngoài.
1. Loa tai
Nằm hai bên đầu vùng thái dương.
1.1 Hình thể ngoài
Loa tai hình loa kèn, có 2 mặt: mặt ngoài và mặt trong với nhiều nếp lồi lõm.
Hình 1. Loa Tai
1.Gờ luân 2. Gờ đối luân 3. Bình tai 4. Gờ đối bình ta 5.Dái tai
1.1.1. Mặt ngoài
Ở giữa có một chỗ lõm lớn gọi là xoắn tai, vây quanh là 4 gờ:
- Gờ luân: đi từ xoắn tai vòng ra sau đến nửa chu vi loa tai. Ở giữa có củ loa tai.
- Gờ đối luân: chạy song song phía trong gờ luân, đầu trên tách đôi tạo thành hai
trụ đối luân ôm lấy hố tam giác. Giữa hai gờ luân và gờ đối luân là lõm thuyền.
- Bình tai: như bình phong ở trước xoắn tai và lỗ tai ngoài.
- Gờ đối bình: đối diện và cách bình tai bởi khuyết gian bình tai.
- Phần dưới cùng của loa tai: mềm tự do gọi là dái tai.
1.1.2 Mặt trong
Hướng về da đầu, có các vết lồi lõm ngược với mặt ngoài.
1.2. Cấu tạo
Loa tai được cấu tạo bởi sụn, dây chằng, cơ và da.
1.2.1. Sụn loa tai
Là một mảnh sụn uốn hình lồi lõm tạo nên hình dạng của loa tai, ngoại trừ ở dái
tai. Ở đây chỉ có mép da bọc lấy mô mỡ và sợi. Sụn bình tai đi sâu vào trong góp
phần tạo nên ống tai ngoài.
1.2.2. Dây chằng và cơ
- Các dây chằng giúp thêm cho loa tai gắn vào xương thái dương là: dây chằng tai
trên, dây chằng tai trước và dây chằng tai sau.
- Các cơ ngoại lai: là các cơ bám da gồm có cơ tai trên, cơ tai trước và cơ tai sau.
- Các cơ nội tại: có nhiều cơ nhỏ nhưng cằn cỗi, kém phát triển.
Nói chung, ở người các dây chằng và cơ của loa tai nhỏ, cằn cỗi và thường không
giúp cho loa tai cử động được như tai động vật.
1.2.3. Da
Dính chặt vào sụn loa tai ở mặt ngoài, lỏng lẻo hơn ở mặt trong.
1.3. Mạch máu - thần kinh
- Loa tai được cấp máu từ các nhánh của động mạch thái dương nông (cho mặt
ngoài) và động mạch tai sau (cho mặt trong).
- Thần kinh:
+ Vận động: các nhánh đến từ dây thần kinh mặt.
+ Cảm giác: thần kinh tai lớn (nhánh của đám rối cổ).
2. Ống tai ngoài
2.1. Hình thể, kích thước
Là một ống hơi dẹt trước sau, đi từ xoắn tai đến màng nhĩ từ ngoài vào trong theo
một đường cong chữ S: đoạn ngoài cong lồi ra trước, đoạn trong cong lõm ra trước
và xuống dưới. Do đó, để thấy rõ màng nhĩ phải kéo loa tai lên trên và ra sau.
Chiều dài trung bình của ống tai ngoài là 25mm. Do màng nhĩ nằm theo một mặt
phẳng nghiêng nhìn ra ngoài, xuống dưới và ra trước nên thành trước dưới của ống
tai ngoài thường dài hơn thành sau trên 5 mm ( 27mm và 22mm ).
Đường kính ống tai ngoài giảm dần từ ngoài vào trong đến chỗ nối 3/4 ngoài và
1/4 trong, rồi lại tăng dần lên, chỗ lớn nhất: 8mm, nhỏ nhất là 6mm.
2.2 Liên quan
Thành trước: khớp thái dương hàm ở phía trong và tuyến mang tai ở phía ngoài.
Thành dưới: liên quan với tuyến mang tai.
Thành trên: cách ngách thượng nhĩ và tầng giữa hộp sọ bởi một mảnh của xương
thái dương.
Thành sau: cách xoang chủm bởi một mảnh xương mỏng.
Đầu ngoài: thông với xoắn tai, đầu trong được đóng kín bởi màng nhĩ.
2.3. Cấu tạo
- Phần sụn sợi: ở 1/3 ngoài, sụn ống tai liên tiếp với sụn loa tai, nó có hình lòng
máng, nằm ở thành dưới và thành trước, có 2 khuyết ở thành trước để loa tai dể cử
động và ống tai ngoài có thể nông rộng ra được. Một mảnh sợi cuốn phía sau trên
biến mảnh sụn này thành ống.
- Phần xương: ở 2/3 trong: do phần nhĩ xương thái dương tạo nên.
- Da: da loa tai đi vào lót toàn bộ ống tai ngoài phủ lên mặt ngoài màng nhĩ. Da
phủ ở phần sụn thì dày hơn, dính chặt vào sụn và có nhiều lông tơ, các tuyến tiết
dáy tai.
2.4. Mạch máu - thần kinh
Động mạch cung cấp cho phần sụn có nguồn gốc như của loa tai: động mạch thái
dương nông và động mạch tai sau. Còn phần xương là động mạch tai sâu (nhánh
của động mạch hàm).
Thần kinh: cảm giác ống tai ngoài do thần kinh ống tai ngoài (từ thần kinh hàm
dưới) và nhánh tai của thần kinh lang thang .Do vậy, kích thích ống tai ngoài có thể
gây ho thậm chí buồn nôn.
2.5. Vai trò của tai ngoài
Loa tai người có nhiều nếp lồi lõm nên có khả năng thu nhận sóng âm từ mọi
hướng và có thể giúp định hướng khá chính xác nguồn phát ra âm thanh mà không
cần phải cử động như động vật.
Tai ngoài hội tụ, khuyếch đại sóng âm và truyền vào tai giữa.
II. Tai giữa
Tai giữa chủ yếu gồm hòm nhĩ trong đó chứa chuổi xương con của tai. Phía trước
hòm nhĩ thông với vòi tai, phía sau thông với xoang chủm. Ba phần này nằm theo
một hướng gần song song với trục phần đá xương thái dương.
1. Hòm nhĩ
Hòm nhĩ là phần chủ yếu của tai giữa.
1.1. Vị trí và kích thước
Hòm nhĩ là một khoảng trống chứa không khí nằm trong phần đá xương thái
dương, giữa ống tai ngoài và tai trong, chứa chuỗi xương con của tai. Gồm hai
phần: phần nằm ngang với màng nhĩ là hòm nhĩ thật sự và phần trên màng nhĩ là
ngách thượng nhĩ.
Phía sau thông với các xoang chũm, phía trước thông với mũi hầu qua vòi tai nên
không khí bên ngoài lưu thông được với tai giữa. Các thành cũng như các cơ quan
đi qua hòm nhĩ được phủ bởi niêm mạc liên tục với niêm mạc của hầu.
Hòm nhĩ có hình dáng như một thấu kính lõm hai mặt, trên rộng dưới hẹp, nằm
theo mặt phẳng đứng dọc nhưng hơi nghiêng để thành ngoài nhìn ra ngoài xuống
dưới và ra trước.
-Đường kính trên dưới và trước sau khoảng 15mm, đường kính ngang: phía trên là
6mm, dưới 4mm và đối diện với màng nhĩ là 2mm.
Hình 2. Cơ quan tiền đình ốc tai
1. Loa tai 2. Ống tai ngoài 3. Hòm nhĩ 4. Vòi tai 5. Tai trong 6.
Màng nhĩ
1.2. Các thành của hòm nhĩ
Hòm nhĩ có 6 thành:
1.2.1. Thành trần
Ở phía trên, là một mảnh xương mỏng của xương đá, ngăn giữa hòm nhĩ và hố sọ
giữa.
1.2.2. Thành tỉnh mạch cảnh
Ở phía dưới, hẹp và liên quan với tĩnh mạch cảnh trong ở hố sọ giữa.
1.2.3. Thành mê đạo
Hay thành trong, liên quan trực tiếp đến mê đạo của tai trong thành này có:
-Ụ nhô: là một lồi tròn ở giữa thành, do phần nền của ốc tai tạo thành. Trên mặt ụ
nhô có đám rối nhĩ tạo nên từ TK nhĩ (nhánh của TK IX ).
-Cửa sổ ốc tai: hình tròn, còn gọi là cửa sổ tròn, ở dưới và sau ụ nhô, được màng
nhĩ phụ đậy kín.
- Cửa sổ tiền đình: hình bầu dục, còn gọi là cửa sổ bầu dục, nằm ở sau trên ụ nhô,
được đậy bởi nền xương bàn đạp.
- Lồi ống thần kinh mặt: chứa TK mặt, nằm trên cửa sổ tiền đình và cong chéo từ
thành trong đến thành sau.
-Lồi ống bán khuyên ngoài: ở trên lồi thần kinh mặt. Do ống bán khuyên ngoài của
tai trong đẩy lồi lên.
-Mõm hình ốc: ở trước cửa sổ tiền đình chứa cơ căng màng nhĩ.
1.2.4. Thành chủm
Hay thành sau, rộng ở trên, hẹp ở dưới có:
- Ống thông hang: nối thông hòm nhĩ với hang chũm.
- Lồi ống thần kinh mặt: tiếp tục từ thành trong.
- Gò tháp: ở dưới ống thông hang, có gân cơ bàn đạp.
- Lỗ nhĩ ống thừng nhĩ: ở ngoài gò tháp, có thừng nhĩ đi qua.
1.2.5. Thành ĐM cảnh
Hay thành trước có:
- Lỗ nhĩ vòi tai: gần như đối diện với ống thông hang.
- Trên lỗ nhĩ vòi tai là ống chứa cơ căng màng nhĩ ( mà tận cùng là mõm hình ốc ở
mặt trong). Dưới lỗ là một vách xương mỏng ngăn cách hòm nhĩ với động mạch
cảnh trong.
1.2.6 Thành màng
Hay thành ngoài. Hòm nhĩ được giới hạn phía ngoài bởi màng nhĩ.
2.2. Màng nhĩ
2.2.1. Vị trí - kích thước
Màng nhĩ ngăn cách ống tai ngoài và hòm nhĩ, màu xám lóng lánh, có hình hơi
tròn, đường kính trên dưới 10mm, đường kính trước sau 9mm, dày 0,1mm. Ở
người trưởng thành, màng nhĩ nằm nghiêng, hợp với mặt phẳng ngang một góc 40
- 45
o
, nên mặt ngoài của nó nhìn ra ngoài, xuống dưới và ra trước.
2.2.2. Hình thể ngoài
Mặt ngoài lõm do cán xương búa kéo ở mặt trong. Chỗ lõm nhất là rốn màng nhĩ,
nằm ở gần trung tâm màng nhĩ và tương ứng với đầu cán xương búa.
Màng nhĩ gồm 2 phần:
- Phần trên: nhỏ, mỏng, mềm và dính trực tiếp vào khuyết nhĩ của xương đá, gọi là
phần chùng.
- Phần dưới: rộng, dày và chắc hơn, bám vào rãnh nhĩ qua một vòng sợi sụn gọi là
phần căng.
Giới hạn giữa 2 phần là nếp búa trước và nếp búa sau bắt đầu từ mõm ngoài xương
búa. Nhìn từ ngoài vào (soi màng nhĩ) thấy màng nhĩ có màu xám, góc phần tư
trước dưới sáng bóng gọi là nón sáng. Còn thấy được cán xương búa (tia búa), nếp
búa trước, nếp búa sau Góc phần tư sau dưới là nơi có thể xẻ để tháo mủ khi cần
thiết.
2.2.3. Cấu tạo
Có 4 lớp, từ ngoài vào trong:
-Lớp da: phủ mặt ngoài của màng nhĩ, liên tục với da của ống tai ngoài.
-Hai lớp sợi: gồm lớp tia và lớp vòng. Phần chùng không có các lớp sợi này.
-Lớp niêm mạc:ở trong cùng, liên tiếp với niêm mạc của hòm nhĩ.
2.2.4. Mạch máu - thần kinh
- Động mạch: Màng nhĩ được nuôi dưỡng bởi động mạch tai sâu cho mặt ngoài và
động mạch nhĩ trước cho mặt trong. Chúng đều là nhánh của động mạch hàm.
- Thần kinh: ở mặt ngoài có thần kinh tai thái dương của thần kinh hàm dưới và
nhánh tai của thần kinh lang thang. Ở mặt trong có nhánh thần kinh nhĩ của thần
kinh thiệt hầu chi phối.
Hình 3. Hình soi màng nhĩ
1. Trụ dài xương đe 2. Rốn màng nhĩ 3. Nếp búa sau 4. Phần chùng
5. Nếp búa trước 6. Lồi búa 7. Tia búa 8. Nón sáng
2.3. Các xương con của tai
Chuổi 3 xương con là xương búa, xương đe và xương bàn đạp nối màng nhĩ với
cửa sổ tiền đình.
2.3.1. Xương búa
Hình giống chiếc búa, gồm có:
- Chỏm búa (đầu): hình cầu, có một diện khớp tiếp khớp với xương đe.
- Cán búa: áp sát và dính vào màng nhĩ, đầu cán búa có cơ căng màng nhĩ bám.
Cán búa nối với chỏm búa ở cổ búa, có dây chằng trước búa bám.
- Mõm trước: dài, hướng ra trước.
- Mõm ngoài: ngắn, có dây chằng ngoài búa bám.
2.3.2. Xương đe
Gồm có:
-Thân đe: có một diện khớp tiếp khớp với chỏm búa.
-Trụ ngắn: hướng ra sau, có dây chằng sau xương đe bám.
-Trụ dài: hướng xuống dưới, tận cùng bằng mỏm đậu, là nơi tiếp khớp với xương
bàn đạp.
2.3.3. Xương bàn đạp
Có hình giống cái bàn đạp yên ngựa. Nằm ngang và gồm có:
- Chỏm bàn đạp: tiếp khớp với mỏm đậu xương đe. Có gân cơ bàn đạp bám.
-Trụ trước và trụ sau: nối chỏm với nền xương bàn đạp.
-Nền bàn đạp: hình bầu dục, đậy lên cửa sổ tiền đình.
2.4. Các khớp và dây chằng của xương tai
Xương búa khớp với xương đe bởi khớp đe - búa. Xương đe khớp với xương bàn
đạp bởi khớp đe - bàn đạp. Xương bàn đạp thì lắp vào cửa sổ tiền đình bằng khớp
bán động nhĩ bàn đạp.
Xương búa đựoc cố định vào hòm nhĩ bởi dây chằng búa trên, búa trước và búa
ngoài. Cán búa dính vào lớp xơ của màng nhĩ.
Xương đe được cố định vào hòm nhĩ bởi dây chằng đe trên và dây chằng đe sau.
Xương bàn đạp nối với cửa sổ tiền đình bằng dây chằng vòng bàn đạp.
Hình 4. Các xương con của tai
1. Chỏm xương búa 2. Mỏm ngoài 3. Mỏm trước 4. Cán búa 5. Thân
xương đe
6. Trụ ngắn 7. Trụ dài 8. Đầu xương bàn đạp 9. Trụ xương bàn đạp
10. Nền xương bàn đạp
2.5. Các cơ của xương tai
2.5.1. Cơ căng màng nhĩ
Cơ căng màng nhĩ đi từ phần sụn của vòi tai trong ống cơ căng màng nhĩ và gân
của nó chui qua mỏm hình ốc để đến bám vào đầu trên của cán búa.
Khi cơ co, kéo xương búa vào trong, làm căng màng nhĩ, đồng thời ấn xương bàn
đạp vào cửa sổ tiền đình làm tăng áp lực ngoại dịch, do đó nghe được tiếng nhỏ và
trầm. Thần kinh hàm dưới có nhánh đến vận động cơ.
2.5.2. Cơ bàn đạp
Cơ bàn đạp nằm trong gò tháp ở thành sau hòm nhĩ tới bám vào chỏm xương bàn
đạp.
Khi cơ co, kéo xương bàn đạp ra sau, vào trong nghiêng khỏi cửa sổ tiền đình làm
giảm áp lực ngoại dịch tai trong và chùng màng nhĩ để nghe được tiếng bổng. Thần
kinh mặt chi phối cho cơ.
Nhìn chung 2 cơ trên phối hợp làm chùng hoặc căng màng nhĩ để nghe tiếng to hay
nhỏ, tiếng bổng hay trầm và giúp màng nhĩ chống đỡ được với các âm thanh quá
mạnh.
2.6. Mạch máu - thần kinh của hòm nhĩ
2.6.1. Động mạch
Có nhiều động mạch tới nuôi hòm nhĩ:
- Động mạch nhĩ trước và trên của động mạch hàm.
- Động mạch nhĩ sau của động mạch tai sau.
- Nhánh đá của động mạch màng não giữa.
- Động mạch nhĩ dưới của động mạch hầu trên.
2.6.2. Tĩnh mạch
Mạng tĩnh mạch hòm nhĩ đổ về xoang tĩnh mạch đá trên, đám rối chân bướm. tĩnh
mạch cảnh trong.
2.6.3. Thần kinh
Cảm giác do thần kinh nhĩ, thần kinh giao cảm từ đám rối nhĩ.
3. Các xoang chũm
Các xoang chũm nằm phía sau hòm nhĩ, trong mỏm chũm của xương thái dương từ
trước ra sau có:
- Ống thông hang: kích thước bé 4mm nên có thể xem như là lỗ, nối thông tầng
trên hòm nhĩ với hang chũm.
- Hang chũm: rộng nhất, ở sau ống thông hang.
-Các xoang chũm: là nhiều hốc nhỏ nằm rải rác trong mỏm chũm, thông với hang
chũm. Chúng được lót bởi niêm mạc từ hòm nhĩ.
4. Vòi tai
4.1. Mô tả
Vòi tai hay vòi nhĩ, đi từ lỗ nhĩ của vòi tai đến lỗ hầu vòi tai, theo hướng chếch
xuống dưới vào trong và ra trước, dài khoảng 4 cm.
4.2. Cấu tạo
Vòi tai gồm 2 phần:
-Phần xương: ở 1/3 ngoài, là một ống xương nằm giữa hai phần đá và nhĩ của
xương thái dương, phía trước hòm nhĩ và dưới ống cơ căng màng nhĩ. Phần xương
nối với phần sụn ở cơ vòi.
-Phần sợi sụn: ở 2/3 trong, nằm trong rãnh vòi tai ở nền xương bướm. Sợi chiếm
thành trước và dưới, sụn ở phía trên và sau, lồi ra ở thành bên hầu tạo nên gờ vòi.
+Niêm mạc vòi tai liên tục với niêm mạc hầu và hòm nhĩ. Có nhiều mô bạch huyết
ở niêm mạc phần sụn.
+Vòi tai chỉ mở ra khi nuốt, ngáp, dưới tác dụng của cơ căng màng khẩu cái và cơ
vòi hầu. Lúc đó áp lực ở hai bên màng nhĩ được điều chỉnh cân bằng
4.3. Mạch máu - thần kinh
- Máu đến vòi hầu từ nhánh động mạch hầu lên và động mạch màng não giữa.
- Thần kinh: từ đám rối nhĩ (thần kinh IX ) và thần kinh chân bướm (thần kinh V3).
5. Chức năng của tai giữa
- Dẫn truyền âm thanh từ ngoài vào tai trong.
- Cân bằng áp lực, tăng sức nghe và bảo vệ tai.
III. Tai trong
Tai trong nằm trong phần đá xương thái dưong, phía trong hòm nhĩ. Gồm có mê
đạo màng nằm trong mê đạo xương.
1. Mê đạo màng
Mê đạo màng là hệ thống các ống và các túi chứa nội dịch, gồm có: ống ốc tai,
soan nang, cầu nang, các ống bán khuyên, ống nội dịch, ống soan cầu , ống nối.
1.1.Các ống bán khuyên
Có 3 ống bán khuyên:
- Ống bán khuyên trước: nằm trong mặt phẳng thẳng đứng hợp với mạt phẳng
đứng một góc 45
o
, hướng ra trước, ra ngoài.
- Ống bán khuyên sau: nằm trong mặt phẳng đứng, hợp với mặt phẳng đứng dọc
một góc 45
o
và vuông góc với ống bán khuyên trước.
- Ống bán khuyên ngoài: ngắn nhất, nằm gần như trong mặt phẳng ngang.
Mỗi ống bán khuyên có hai trụ:
- Trụ màng bóng: tận cùng bằng bóng màng rồi đổ vào soan nang. Trong bóng
màng có mào bóng là nơi bắt đầu của dây thần kinh tiền đình.
- Trụ màng đơn: đổ vào soan nang. Trụ màng đơn của ống bán khuyên trước và sau
hợp lại thành trụ màng chung trước khi đổ vào soan nang.
1.2. Soan nang và cầu nang
- Soan nang nhận 5 lỗ của ống bán khuyên và nối với cầu nang bởi ống soan cầu.
Cầu nang lại nối với ống ốc tai bằng ống nối.
Hình 5. Mê đạo màng
1. Ống bán khuyên trước 2. Ống bán khuyên ngoài 3. Ống bán khuyên sau 4.
Ống nội bạch huyết
5. Soan nang 6. Cầu nang 7. TK tiền đình (thuộc dây VIII) 8. TK ốc tai
(thuộc dây VIII)
- Trong soan nang và cầu nang có vết soan nang và vết cầu nang, là nơi bắt đầu của
dây thần kinh tiền đình.
- Từ ống soan cầu có ống nội dịch, đi trong ống tiền đình và tận cùng bằng túi nội
dịch nằm dưới màng cứng ở mặt sau phần đá xương thái dương.
1.3 Ống ốc tai
Ống ốc tai dài khoảng 32mm, xoắn 2 vòng rưởi như con ốc, nằm trong ốc tai của
mê đạo xương, phía trước trong so với ống bán khuyên.
Cắt ngang ống hình tam giác có 3 thành:
- Thành dưới: là mảnh nền, đi từ bờ tự do của màng xoắn đến thành ngoài ống ốc
tai. Thượng bì của mảnh nền dày tạo ra thành cơ quan xoắn, là nơi khởi đầu của
thần kinh ốc tai.
- Thành ngoài: sát với thành ốc tai. Tại đây nội mạc xương dày lên tạo thành đây
chằng xoắn ốc.
- Thành trên: đi từ bờ tự do mảnh xoắn ốc tai đến dây chằng xoắn còn được gọi là
thành tiền đình.
1.4. Nội dịch
- Mê đạo màng chứa đầy dịch lỏng gọi là nội dịch.
- Thành phần như dịch nội bào, nhưng nhiều kali và ít protein hơn.
- Có lẽ tiết ra từ dây chằng xoắn.
2. Mê đạo xương
- Mê đạo xương là một loạt những hốc xương thông với nhau có thành là một lớp
xương đặc, nằm trong phần đá xương thái dương, chứa đựng mê đạo màng và
ngoại dịch. Có ba phần: 3 ống bán khuyên xương, tiền đình và ốc tai.
2.1. Ống bán khuyên xương
Các ống bán khuyên xương: có vị trí, hình thể và các thành phần tương tự như các
ống bán khuyên màng, chứa các ống bán khuyên màng cùng tên.
2.2. Tiền đình
Tiền đình: chứa soan nang và cầu nang. Như một hộp có 6 thành, mà thành ngoài
của tiền đình là thành tiền đình của hòm nhĩ, thành trong có lỗ thông với cống tiền
đình.
Hình 6. Thiết đồ ngang qua ống ốc tai
A. Thang tiền đình B. Ống ốc tai C. Thang nhĩ
1. Thành tiền đình ốc tai 2. Màng mái 3. Thành ngoài 4. Vân mạch 5. Rãnh
xoắn ngoài
6. Dây chằng xoắn 7. Mảnh xoắn xương 8. Hạch xoắn 9. Bờ mãnh xoắn
xương
10. Rãnh xoắn trong 11. Cơ quan xoắn 12. Ỗng trong 13. Mảnh nền
2.3. Ốc tai
Ốc tai chứa ống ốc tai, và tương tự ống ốc tai, nó có hình con ốc xoắn 2 vòng rưỡi.
Đỉnh ốc hướng ra trước ngoài, đáy ốc hướng vào trong sau. Từ đó có thần kinh ốc
tai đi ra.
Ốc tai có một trụ và từ trụ này có mảnh xoắn xương nhô ra từ phía trong, có bờ tự
do ở phía ngoài. Ống ốc tai gắn vào bờ tự do của mảnh xoắn xương này. Và như
vậy, mảnh xoắn xương và ống ốc tai ngăn ốc tai ra làm hai nửa: nửa trên là thang
tiền đình và nữa dưới là thang nhĩ. Hai thang này chỉ thông nhau ở đỉnh ốc tai, chổ
đó gọi là khe xoắn ốc. Thang nhĩ có cửa sổ ốc tai và được đậy bằng màng nhĩ phụ,
ngoài ra từ thang nhĩ còn có cống ốc tai hay ống ngoại dịch, thông ngoại dịch với
mặt dưới xương thái dương.
2.4. Ngoại dịch, khoang ngoại dịch
Mê đạo màng không lấp đầy mê đạo xương và giữa chúng là ngoại dịch, và khoang
đó gọi là khoang ngoại dịch. Thành phần của ngoại dịch như nước não tuỷ (nhiều
natri) nhưng có nhiều protein hơn.
2.5. Cơ chế nghe
Âm thanh được tiếp nhận bởi loa tai, truyền qua ống tai ngoài đến làm rung màng
nhĩ, rồi làm rung cán xương búa, truyền qua xương đe và xương bàn đạp trong
hòm nhĩ. Nền xương bàn đạp đập làm rung ngoại dịch trong tiền đình. Từ đấy,
xung động âm thanh truyền trong ngoại dịch từ thang tiền đình qua khe xoắn ốc
đến thang nhĩ. Nội dịch trong ống ốc tai cảm ứng xung động và tác động lên cơ
quan xoắn ốc để tạo thành kích thích của các sợi thần kinh ốc tai truyền lên thần
kinh trung ương qua dây thần kinh tiền đình ốc tai cho cảm giác thính giác.
2.5. Cơ chế thăng bằng
Do các ống bán khuyên sắp xếp theo 3 hướng trong không gian nên khi có sự thay
đổi tư thế theo hướng nào đó thì nội dịch trong các ống bán khuyên, soan nang và
cầu nang sẽ thay đổi, tác động lên các cơ quan nhận cảm của thần kinh tiền đình ở
mào bóng, vết soan nang và vết cầu nang để làm phát sinh những xung động thầnh
kinh về trạng thái thăng bằng.
3. Mạch máu - thần kinh
3.1. Mạch máu
- Động mạch mê đạo là nhánh của động mạch nền vào tai trong qua ống tai trong,
chia ra nhánh tiền đình và nhánh ốc tai.
- Tĩnh mạch: các tĩnh mạch mê đạo đổ về xoang tĩnh mạch đá dưới.
3.2. Thần kinh
Tai trong là nguyên ủy của thần kinh tiền đình và ốc tai.
- Thần kinh tiền đình:
+ Ngành trên: do các nhánh từ soan nang, một phần cầu nang, ống bán khuyên
trước và ngoài tạo nên.
+ Ngành dưới: do các nhánh từ cầu nang và ống bán khuyên sau tạo nên.
Hai ngành này tụ lại, chạy về hạch tiền đình tạo nên TK tiền đình để đảm nhiệm
chức năng thăng bằng.
- TK ốc tai: cơ quan cảm thụ là cơ quan xoắn, từ đó mảnh sợi đi qua mảnh xoắn tập
trung về hạch xoắn rồi tụ họp nhau lại thành dây ốc tai có chức năng nghe.
Hai phần TK tiền đình và ốc tai cùng nhau tạo nên TK VIII và đi qua ống tai trong
vào hộp sọ.
- See more at: />tai#sthash.0s3m9bH0.dpuf