Tải bản đầy đủ (.doc) (54 trang)

Ảnh hưởng của yếu tố biện chứng trong triết học phật giáo đến tư duy của người việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (299.9 KB, 54 trang )

LỜI CẢM ƠN
Trong khoảng thời gian 4 năm học tập tại lớp Cử nhân Triết K11, khóa học
2011-2015, được sự giảng dạy của quý thầy cô, sự giúp đỡ và tạo điều kiện
của Khoa Lý luận Chính trị, đặc biệt là cô Nguyễn Thị Kim Hoa, cùng sự giúp
đỡ của Ban lãnh đạo nhà trường đã giúp cho tôi có được những kiến thức vô
cùng quý giá.
Tôi xin chân thành cảm ơn:
Ban giám hiệu đã tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ tôi trong quá trình học
tập và hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.
Th.S Nguyễn Thị Kim Hoa, giảng viên hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp của
tôi đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn, dạy bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi
trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.
Tập thể lớp CN Triết K11 đã động viên và giúp đỡ tôi trong quá trình hoàn
thành khóa luận tốt nghiệp.
Trong suốt quá trình hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, mặc dù đã cố gắng
hết sức song kiến thức còn hạn chế nên đề tài không tránh khỏi những thiếu
sót. Rất mong quý thầy cô góp ý để đề tài được hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Đắk Lắk, ngày tháng năm 2015
Sinh viên thực hiện
Vũ Thị Hà Thu
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
1.1. Lý do chọn đề tài
Đất nước ta đã trải qua một thời kỳ lịch sử lâu dài với những biến động
và thăng trầm của riêng mình. Gắn liền với nó là sự ảnh hưởng của rất nhiều
các trường phái triết học khác nhau đã du nhập, đã được chọn lọc và áp dụng
trong cách sống, cách tư duy của người Việt Nam chúng ta. Và không thể phủ
nhận rằng trong hàng loạt các tư tưởng triết học đó, Việt Nam nói riêng và
Đông Nam Á cũng như Châu Á nói chung đã bị ảnh hưởng khác sâu sắc và rõ
rệt bởi triết học Phật giáo.
Phật giáo là một tôn giáo lớn nhất thế giới, tồn tại rất lâu đời. Hệ thống


giáo lý của nó rất đồ sộ, số lượng phật tử đông đảo được phân bố rộng khắp.
Kể từ khi hình thành nó đã được truyền bá khắp năm châu bốn bể, từ phương
Đông đến phương Tây. Tầm ảnh hưởng của Phật giáo cũng không loại trừ
Việt Nam. Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, vào khoảng thế
kỉ II sau công nguyên và đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng
sâu sắc đến đời sống tinh thần của người Việt Nam. Nhìn chung, đây là tôn
giáo khá gắn bó, đồng hành với dân tộc. Trong quá trình tồn tại và phát triển ở
Việt Nam, Phật giáo đã có đóng góp cho dân tộc trên nhiều phương diện, đặc
biệt là trên lĩnh vực đạo đức, lối sống. Nhiều quy phạm, chuẩn mực đạo đức
Phật giáo đã được người Việt dựa trên cơ sở văn hoá của mình lựa chọn, tiếp
nhận, nâng cao và sử dụng ở các mức độ và phương diện khác nhau, góp phần
hình thành những giá trị, chuẩn mực trong lối sống, tư duy của người dân Việt
Nam. Có thể nói, tồn tại cùng dân tộc trong hơn hai ngàn năm qua, Phật giáo
đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hoá Việt Nam.
Tuy nhiên khi du nhập vào một đất nước, một quốc gia hay một dân tộc
thì triết học Phật giáo nói riêng cũng như các học thuyết triết học khác đều có
những biến chuyển để phù hợp và mang đậm dấu ấn riêng của các quốc gia
đó. Cùng bị ảnh hưởng bởi triết học Phật giáo nhưng người ta không bao giờ
đồng quy Việt Nam với các vương quốc Phật giáo khác. Đó chính là do nhận
thức của mỗi một cá nhân mang dòng máu Việt Nam. Mỗi con người Việt
Nam đều có những tư duy riêng của mình, có những cảm thụ, cũng như cách
chắt lọc riêng về những lý luận hay tri thức mà triết học Phật giáo mang lại
cho chúng ta. Đến với Việt Nam, những người nước ngoài không bao giờ
quên được những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, những cánh đồng sen
tỏa ngát hương thơm, hay cong cong mái chùa nghi ngút khói hương, hay là
cách mà con người Việt Nam đối xử với nhau và với xã hội. Vậy triết học
Phật giáo, ở đây là yếu tố biện chứng của triết học Phật giáo đã đến, đã ảnh
hưởng và đã biến đổi như thế nào đến đời sống xã hội, đặc biệt là tư duy của
con người Việt Nam. Đó chính là lý do mà tôi chọn đề tài nghiên cứu “ ảnh
hưởng của yếu tố biện chứng trong triết học Phật giáo đến tư duy của

người Việt Nam” làm đề tài khóa luận tốt nghiệp.
1.2. Mục tiêu đề tài
-Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
về vấn đề tôn giáo, đề tài đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống về ảnh
hưởng của yếu tố biện chứng trong triết học Phật giáo đến tư duy của người
Việt Nam.
-Với mục đích trên, khóa luận đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu sau:
Một là, khái quát về Phật giáo và quá trình du nhập, phát triển của Phật
giáo ở Việt Nam.
Hai là, trình bày lý luận chung về yếu tố biện chứng trong triết học
Phật giáo.
Ba là, ảnh hưởng của yếu tố biện chứng trong triết học Phật giáo đến tư
duy của người Việt Nam.
Bốn là, chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của Phật giáo đến
tư duy của người Việt Nam.
1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với tư duy của con người
Việt Nam là một đề tài rộng lớn. Đã có nhiều công trình nghiên cứu và đạt
được những kết quả đáng trân trọng. Có thể kể ra một số công trình sau đây:
- Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt
Nam hiện nay của Nguyễn Tài Thư (chủ biên), NXB Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1997;
- Ảnh hưởng của tư tưởng Triết học Phật giáo trong đời sống văn hoá
tinh thần ở Việt Nam của Lê Hữu Tuấn, luận án tiến sĩ Triết học, Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1998;
- Bàn thêm về ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam
hiện nay của Lê Văn Đính, Tạp chí Tôn giáo, số 10 - 2007;
- Đại cương Triết học Phật giáo Việt Nam, tập 1 của Nguyễn Hùng
Hậu, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002;
- Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông của

Nguyễn Hùng Hậu, NXB Khoa học xã hội, 1996;
- Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Viện
Triết học, Hà Nội, 1991;
- Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1 của Nguyễn Tài Thư (chủ biên),
NXB Khoa học xã hội, 1993;
- Mấy vấn đề Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam của Viện Triết
học, Hà Nội,1986;
- “ Phật giáo và tâm hồn người Việt”(Tạp chí Nghiên cứu Phật học số
6/1998) của Vũ Minh Tuyên
- Phật giáo với văn hoá Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy, NXB Hà
Nội, 1999;
- Tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay, mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp
thiết, Trung tâm thông tin tư liệu - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,
1996;
- Truyền thống văn hoá và Phật giáo Việt Nam của Minh Chi, NXB
Tôn giáo, 2003;
- Tư tưởng Triết học của thiền phái Trúc Lâm đời Trần của Trương
Văn Trung, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998;
- Vai trò của Phật giáo Việt Nam hiện nay của Nguyễn Khắc Đức, Tạp
chí Tôn giáo, số 7 - 2008;
- “ Vai trò và vị trí của Phật giáo ở Việt Nam” (Tạp chí Triết học số
6/2008) của Nguyễn Đức Lữ
- “ Vài suy nghĩ về Phật giáo dân gian Việt Nam”(Tạp chí Nghiên cứu
Phật học số 2/1997) của Hoàng Thị Lan;
- Ý nghĩa xã hội và nhân văn cao cả của Phật giáo của Trần Đình Hà,
Tạp chí Tôn giáo, số 10 - 2008;
Nhìn chung, có thể nhận xét một cách khái quát các công trình nghiên
cứu trên đều khẳng định Phật giáo có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã
hội Việt Nam, đặc biệt là đời sống tư duy. Những triết lý đầy tính nhân sinh
của Phật giáo kết hợp với văn hoá truyền thống đó tạo nên sự phong phú của

đời sống tư duy của con người Việt Nam. Các công trình nghiên cứu nói trên,
trực tiếp hoặc gián tiếp, ở từng khía cạnh và mức độ xem xét khác nhau, đó
thể hiện tư tưởng triết học Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với đời sống tư
duy của người Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu làm sáng tỏ có tính hệ thống
về ảnh hưởng của yếu tố biện chứng trong triết học Phật giáo đến tư duy của
người Việt Nam thì cho đến nay vẫn chưa có một công trình khoa học chuyên
khảo nào trực tiếp đề cập đến. Các công trình trên là những tài liệu quý, hết
sức có giá trị là cơ sở để sinh viên tiếp thu và kế thừa những thành quả nghiên
cứu của những người đi trước. Vì vậy, khóa luận này, từ góc độ triết học đi
sâu nghiên cứu một cách tương đối có hệ thống về yếu tố biện chứng trong
triết học Phật giáo, từ đó tìm hiểu ảnh hưởng của nó đối với tư duy của người
Việt Nam.
2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Đối trượng nghiên cứu
Nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố biện chứng trong triết học Phật giáo
đến tư duy của người Việt Nam.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Khóa luận không đi vào nghiên cứu tất cả nội dung yếu tố biện chứng
của các tông phái trong mọi giai đoạn phát triển của Phật giáo, kể cả yếu tố
biện chứng trong triết học Phật giáo Việt Nam, cũng không đề cập đến ảnh
hưởng của yếu tố biện chứng trong triết học Phật giáo trong mọi lĩnh vực của
đời sống văn hóa, tinh thần con người Việt Nam, mà khóa luận chỉ đi vào
nghiên cứu yếu tố biện chứng trong triết học Phật giáo trên nội dung chủ yếu
là tư duy của người Việt. Từ đó, tìm hiểu ảnh hưởng của nó đối với tư duy
của người Việt.
3.3. Nội dung nghiên cứu
Khái quát về Phật giáo và quá trình du nhập, phát triển Phật giáo ở Việt
Nam.
Trình bày lý luận chung về yếu tố biện chứng trong triết học Phật giáo.
Làm rõ ảnh hưởng của yếu tố biện chứng trong triết học Phật giáo đến

tư duy của người Việt Nam.
Làm rõ những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của Phật giáo đến tư duy
của người Việt Nam.
3.4. Phương pháp nghiên cứu
Khóa luận sử dụng các phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng
và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng thời còn có sự kết hợp của một số phương
pháp khác như:
- Phương pháp lịch sử- logic
- Phương pháp phân tích – tổng hợp
- Phương pháp so sánh- đối chiếu
3. KẾT QUẢ THẢO LUẬN
CHƯƠNG 1. PHẬT GIÁO VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO
VIỆT NAM
1.1.Khái quát về phật giáo và quá trình du nhập, phát triển Phật giáo
ở Việt Nam
1.1.1. Quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở Việt Nam
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam vẫn chưa thống nhất
được với nhau về thời điểm Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Có ý kiến cho
rằng, từ những thế kỷ trước công nguyên, nhiều thuyền buôn Ấn Độ đã cập
bến nước ta. Các thương nhân Ấn Độ khi đó đã đem theo văn hóa Ấn Độ
cùng Phật giáo đến Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, Phật
giáo được du nhập vào nước ta vào khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên. Tôi
đồng tình với ý kiến của đa số các nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo được
truyền vào nước ta từ những thế kỷ đầu công nguyên. Theo nhiều nhà nghiên
cứu, Việt Nam đã tiếp thu Phật giáo từ Ấn Độ, Trung Hoa và sau này một số
ít qua Campuchia.
Từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V đã có nhiều nhà sư Ấn Độ và Trung
Quốc cùng vào Việt Nam để truyền đạo như Mahakyvưc, Khưudala (AĐ),
Mâu Bác Cư sĩ (TQ). Ở thế kỷ thứ III có Khương Tăng Hội, Chi Lương
Cương người Ấn Độ, thế kỷ thứ IV có Du Pháp Lan, Du Đạo Toái người

Trung Quốc, thế kỷ thứ V có Đàm Hoằng. Ở thời kỳ này cũng có một số nhà
sư Việt Nam có danh tiếng như Huệ Thắng, Thích Đạo Thiền. Quá trình
truyền đạo này đã hình thành nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu (một trong 3
trung tâm Phật giáo lớn: Lạc Dương, Bành Thành, Luy Lâu).
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ thế kỷ VI đến đầu thế kỷ X vẫn
được xem là giai đoạn truyền giáo. Tuy nhiên, giai đoạn này, ảnh hưởng của
các nhà truyền giáo Ấn Độ giảm dần, trong khi các nhà truyền giáo Trung
Quốc tăng lên. Đáng chú ý hơn cả là việc truyền nhập các phái thiền Trung
Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là hai phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và phái thiền
Vô Ngôn thông.
Đến thế kỷ thứ X, Việt Nam giành được quyền tự chủ. Chính trong thế
kỷ này Phật giáo mới bắt đầu hưng thịnh và có những đóng góp tích cực cho
đất nước. Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng định ra phẩm trật tăng già và ban
chức cho tăng sĩ. Bắt đầu từ đây cho đến thế kỷ XIV, các thiền sư được trọng
dụng, được mời tham gia vào chính sự, góp phần to lớn vào công cuộc hưng
thịnh của quốc gia.
Vua Đại Hành sau khi hoà với nhà Tống đã sai sứ sang triều cống
Trung Hoa và xin thỉnh kinh Phật đem về truyền bá. Nhiều thiền sư đã được
vua Lê Đại Hành mời tham gia đóng góp trí tuệ cho đất nước như Thiền sư
Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh.
Triều Lý, triều đại được xem là triều đại Phật giáo đầu tiên và cũng là
triều đại thuần từ trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Lý Thái Tổ (Lý
Công Uẩn), vị vua đầu tiên sáng lập nên triều đại nhà lý là người xuất xuất
thân từ cửa Phật, được nuôi dưỡng và trưởng thành ở chốn thiền môn. Việc
lên ngôi của ông cũng do sự sắp sếp tài tình của thiền sư Vạn Hạnh. Điều đó
đủ nói lên sức ảnh hưởng của Phật giáo trong triều đại này. Mọi công việc lớn
nhỏ của nhà nước thế tục trong giai đoạn này như chuyện chính trị, quân sự,
ngoại giao, chuyện dời đô đến chuyện dạy đạo đức cho dân đều có sự đóng
góp ý tưởng của các vị thiền sư. Nhiều thiền sư nổi tiếng về việc tu hành và
có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, như sư Vạn Hạnh, sư Viên Chiếu, sư

Mãn Giác, sư Không Lộ, sư Viên Thông…Có thể nói, hơn 200 năm dưới triều
đại nhà Lý, Phật giáo đã chiếm được địa vị độc tôn và có ảnh hưởng mạnh mẽ
đến mọi phương diện của đời sống xã hội Đại Việt.
Sang đời Trần, bộ máy hành chính nhà nước đã dần được xây dựng và
hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Nho giáo dần chiếm vị trí quan
trọng trong đời sống tinh thần cũng như trong tổ chức xã hội. Nhưng Phật
giáo thời Trần đến giữa thế kỷ XIV vẫn giữ được sự thịnh vượng của nó. Các
vua nhà Trần ý thức được rõ ràng vai trò của cả Nho giáo và Phật giáo đối với
xã hội. Trải qua một quá trình du nhập và phát triển đến đời Trần, Phật giáo ở
Việt Nam đã có sự góp mặt của 3 thiền phái từ Ấn Độ và Trung Quốc là Tỳ
Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Đến đầu thế kỷ thứ XIII, ba
thiền phái nói trên đã dần dần nhập lại làm một để hình thành nên phái thiền
mang đậm tính chất dân tộc là phái thiền Trúc Lâm.
Các tăng sĩ đời Trần không trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp chính trị
như các Thiền sư đời Lý, nhưng Phật giáo vẫn là một yếu tố quan trọng để
liên kết nhân tâm, cố kết cộng đồng. Tinh thần Phật giáo đã giúp cho các nhà
chính trị đương thời có những kế sách thân dân trong việc củng cố, xây dựng
và bảo vệ đất nước. Không thể phủ nhận được rằng, Phật giáo đã có những
đóng góp tích cực góp phần làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời của
dân tộc Đại Việt qua những chiến thắng bình Nguyên, dẹp Mông. Ở thời
Trần, rất nhiều chùa tháp qui mô to lớn hoặc kiến trúc độc đáo đã được xây
dựng. Phật giáo thời Trần đã có có sự phát triển đến cực thịnh.
Từ giữa thế kỷ XIV, cùng với sự suy vi của triều đại nhà Trần, Phật giáo
cũng dần mất đi tính nhập thế tích cực và ngày càng suy vong. Bảy năm dưới
triều đại nhà Hồ, Phật giáo suy vi một cách nhanh chóng. Quân Minh mượn
cớ khôi phục nhà Trần kéo quân sang xâm lược nước ta và đặt chế độ cai trị
hà khắc. Với âm mưu Hán hóa văn hóa Đại Việt, quân Minh đã tịch thu và đốt
hết sách vở trong đó có cả kinh sách nhà Phật; chùa chiền bị đốt phá, sư tăng
bị giết hại. Đến thời hậu Lê, ở Việt Nam xuất hiện thêm hai phái thiền là
Thiền Tào Động ở Đằng Ngoài và Thiền Lâm Tế ở Đằng Trong.

Thời Minh Mạng và Thiệu Trị bắt đầu có sắc trùng tu những ngôi chùa
và Tổ đình quan trọng, nhưng trong dân gian thì ảnh hưởng của Phật giáo
không còn sâu đậm như trước.
Thời vua Tự Đức, nước ta rơi vào vòng đô hộ của Pháp, Phật giáo Việt
Nam vốn đã suy vi, nay lại càng suy vi hơn. Dưới sự cai trị của nhà Nguyễn
(cả trước và sau khi Pháp xâm lược), Phật giáo tiếp tục suy tàn.
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, một số nhà tu hành và một số nhân
sĩ, trí thức Phật giáo đã đứng ra vận động phong trào “Chấn hưng Phật giáo”.
Kể từ đó, Phật giáo có sự khởi sắc. Một bộ phận Phật giáo đi vào hoạt động
có tổ chức, một số cơ sở đào tạo tăng tài lần lượt ra đời như An Nam Phật học
hội, Hội Phật học Bắc kỳ, Hội tăng già Trung Việt, hội Phật học Việt Nam,
tổng hội Phật giáo Việt Nam…
Thời kỳ Mỹ - Diệm, Phật giáo ở hai miền có sự khác biệt nhất định. Ở
miền Bắc, Phật giáo được quy tụ trong một tổ chức duy nhất là “Hội Phật giáo
thống nhất Việt Nam” sinh hoạt tín ngưỡng gắn với các hoạt động yêu nước, gắn
bó với dân tộc. Ở miền Nam, do tình hình chính trị phức tạp, Phật giáo bị phân
rã theo nhiều xu hướng chính trị khác nhau và hình thành nên 14 hệ phái.
Sau đại thắng mùa xuân năm1975, đất nước hoà bình, Bắc Nam thu về
một mối đã tạo điều kiện cho các hệ phái Phật giáo thống nhất. Tháng 11/1981,
Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã lập
ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua Hiến chương, Chương trình hành
động và bầu ra cơ quan lãnh đạo. Đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải
qua sáu kỳ Đại hội và không ngừng trưởng thành, phát triển.
Đánh giá một cách khái quát quá trình du nhập, phát triển của Phật giáo
ở Việt Nam chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
- Thứ nhất, Phật giáo vào Việt Nam bằng con đường dân giã và mang tính
tự phát thông qua các thương nhân Ấn Độ và các nhà truyền giáo Trung Quốc.
Phật giáo vào Việt Nam hoàn toàn mang tính tự phát. Công lao đầu tiên
của việc Phật giáo du nhập vào Việt Nam phải kể đến vai trò của các thương
nhân Ấn Độ. Từ những năm đầu công nguyên người Ấn Độ đã đi buôn bán

với nhiều nước trong vùng Địa trung hải, Trung Đông, Đế quốc La Mã. Họ đi
nhiều nơi để tìm nguyên liệu, hàng hoá. Chính trong quá trình đó, họ đã tới
Đông Nam Á, trong đó có đất Giao Chỉ. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng,
trung tâm Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam - Luy Lâu - được hình thành trước
tiên là do sự viếng thăm của các thương nhân người Ấn. Họ đến Việt Nam
trước cả các tăng sĩ, họ đến mang theo cả những kỹ thuật canh tác, y thuật,
phong tục tập quán và sinh hoạt tôn giáo của người Ấn Độ (Bà la môn giáo và
Phật giáo). Những đặc điểm văn hóa này đã có ảnh hưởng đến đời sống của
người dân bản địa Việt Nam. Như vậy, các thương nhân Ấn Độ đã tham gia
một cách tự phát vào quá trình truyền bá Phật giáo vào các xứ phương Đông,
trong đó có Việt Nam. Hay nói cách khác, họ đã đem Phật giáo đến Việt Nam
một cách tự phát, không có chủ đích. Tuy nhiên, Phật giáo ở Giao Chỉ thời kỳ
này mới chỉ là những sinh hoạt tín ngưỡng đơn sơ giới hạn trong sự đọc Tam
quy, cúng dường Phật pháp, bố thí chứ chưa có kinh điển.
Tiếp sau các tăng sĩ Ấn Độ là các nhà sư người Trung Quốc. Lúc này
nước Việt Nam đang chịu sự đô hộ Trung Hoa. Các nhà sư Trung Quốc đến
Việt Nam truyền đạo lúc này chưa phải do được người Việt mời, thỉnh mà
cũng hoàn toàn mang tính tự phát. Chỉ đến khi nước Việt Nam bước vào thời
kỳ tự chủ, vua Lê Đại Hành mới cho người sang Trung Hoa mời sư về thỉnh
kinh.
-Thứ hai, Phật giáo vào Việt Nam chủ yếu bằng con đường hòa bình, ít
gây ra xung đột với văn hoá bản địa.Phật giáo đến với dân tộc Việt Nam một
cách rất tự nhiên. Ngay từ buổi đầu mới du nhập, Phật giáo đã nhanh chóng
được người Việt đón nhận mà hầu như không gặp phải bất kỳ một trở ngại
nào. Thậm trí, nó còn được tiếp nhận một cách nhanh chóng vì bản thân nó có
nhiều điểm phù hợp với hệ thống tín ngưỡng của người Việt cổ. Người Việt
thời kỳ này tin tưởng có ông Trời ở trên cao, nhìn thấu mọi việc dưới đất,
trừng phạt kẻ ác, giúp đỡ người thiện. Linh hồn con người không chết đi cùng
thể xác mà nó vẫn còn tồn tại xung quanh người thân để che chở, bảo vệ, phù
hộ họ. Bên cạnh đó họ còn tin có ma xó, tin vào thầy mo, thầy cúng… Trong

bối cảnh như vậy, Phật giáo với thuyết Nhân quả nghiệp báo, luân hồi, với
những quan niệm về công đức, Tam bảo… không những không đi ngược với
tín ngưỡng của người Việt mà còn rất phù hợp nên nó đã được tiếp nhận
nhanh chóng. Đồng thời, trong hoàn cảnh bị đô hộ bởi thế lực ngoại bang,
người Việt đã tìm thấy ở Phật giáo một nền tảng tư tưởng để củng cố bản sắc
dân tộc.
Với thái độ khoan dung, mềm dẻo, linh hoạt nên quá trình truyền bá
Phật giáo vào Việt Nam nhìn chung không gây ra những xung đột về văn hoá,
tôn giáo. Không những thế, Phật giáo còn chấp nhận chung sống và hòa đồng
một cách tích cực với hệ thống tôn giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa.
Vào Việt Nam, Phật giáo không những không loại trừ hệ thống tín
ngưỡng dân gian bản địa mà còn dung nạp nó, làm phong phú thêm giá trị của
bản thân mình. Với phương châm “hoằng hóa tùy duyên phương tiện”, Phật
giáo tỏ ra là tôn giáo khá linh hoạt thích ứng nhanh với các điều kiện nơi mà
nó đứng chân. Chính vì vậy, vào Việt Nam, Phật giáo đã không gây nên
những xáo trộn về mặt văn hóa. Nó nhanh chóng hòa đồng, bén rễ trong lòng
dân tộc và chiếm được cảm tình của đông đảo người dân Việt Nam.
Thậm chí, ngay từ những giai đoạn đầu khi mới được du nhập vào Việt
Nam, Phật giáo đã từng được sử dụng như một công cụ để chống lại sự xâm
lăng văn hoá, sự đồng hoá văn hoá của các thế lực xâm lược phương Bắc.
Triết lý Phật giáo gần gũi với với tinh thần dân tộc nên ngay từ giai đoạn đầu,
các nhà tư tưởng của nước Việt đã đến với Phật giáo để tìm một xu hướng độc
lập cho dân tộc, chống lại sự nô dịch tinh thần của tư tưởng Đại Hán. Và
người Việt đã thành công khi sử dụng Phật giáo làm ngọn cờ tư tưởng để tập
hợp, cố kết lòng dân.
Các giai đoạn sau này, trong quá trình phát triển ở Việt Nam, Phật giáo
cũng luôn luôn chung sống hài hòa và có đóng góp vào sự phát triển văn hóa
của dân tộc.
- Thứ ba, trong quá trình du nhập, phát triển, Phật giáo luôn gắn bó,
đồng hành với dân tộc và đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo

vệ nền độc lập của Tổ quốc, góp phần hình thành bản sắc văn hoá Việt Nam.
Phật giáo ngay từ buổi đầu du nhập và trong suốt quá trình phát triển
đều luôn gắn bó, đồng hành thủy chung với dân tộc. Giai đoạn đầu khi dân tộc
Việt Nam mới giành được độc lập, nhà nước non trẻ đứng trước vô vàn những
khó khăn, thiếu thốn thì chính các Thiền sư là những người đi đầu phục vụ
cho lợi ích của dân tộc, đem hết sức mình phục vụ cho quốc gia, xã tắc. Họ là
những người đã mở những cuộc vận động tạo ý thức quốc gia rất lớn.
Đến thời Lý - Trần, ý hướng xây dựng một nhà nước độc lập, tự chủ trên
mọi phương diện của các thiền sư cũng được thể hiện rất rõ rệt. Trên phương
diện địa lý, chính các thiền sư là người đã đóng góp một phần không nhỏ vào
việc dời kinh đô đến nơi thuận lợi để có thể xây dựng sự nghiệp độc lập dài lâu.
Các thiền sư cũng chính là người trực tiếp thiết lập kế hoạch ngoại giao và bàn
luận các vấn đề về quân sự. Hơn thế nữa, họ cũng không ngại can gián khi thấy
vua quan sống quá xa hoa, xa rời việc nước. Các giai đoạn sau này, Phật giáo tuy
không còn giữ được sự phát triển như thời Lý -Trần, nhưng nó vẫn luôn luôn gắn
bó, đồng hành, thủy chung cùng vận nước của dân tộc Việt.
Từ nửa sau thế kỷ XIV, Phật giáo mất chỗ đứng trong cung đình nhưng
nó có sức sống mãnh liệt trong dân gian. Nhờ lui về chốn thôn quê nó đã dung
hòa mạnh mẽ với hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa tạo nên dòng Phật
giáo có sức sống lâu bền cho đến tận ngày nay.Thời cận, hiện đại, trong bối
cảnh nước nhà bị đô hộ bởi các thế lực đế quốc thực dân, Phật giáo Việt Nam
đã có sự phân hóa nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung Phật giáo vẫn là tôn giáo
đồng hành, gắn bó với dân tộc ngay cả khi dân tộc gặp nguy nan. Trong bối
cảnh nước mất, nhà tan một bộ phận nhà tu hành và tín đồ Phật giáo tiên bộ
đã vận dụng triết lý nhà Phật để phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Nhiều
nhà sư đã cởi áo cà sa khoác áo lính ra chiến trận, nhiều chùa chiền trở thành
nơi cất dấu vũ khí, nơi nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Nhiều cuộc đấu tranh
tư tưởng giữa Phật giáo và các thế lực đế quốc đã diễn ra. Nhiều nhà sư đã
anh dũng hy sinh thân mình vì đạo pháp, vì hòa bình cho dân tộc.
Từ ngày hòa bình được lập lại trên đất nước ta, Giáo hội Phật giáo trở

thành một thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều nhà tu hành
Phật giáo đã tham gia quốc hội trong nhiều khóa. Phật giáo là tôn giáo duy
nhất ở Việt Nam hiện nay nêu phương châm hành động: “Đạo pháp - Dân tộc
- Chủ nghĩa xã hội”. Với phương châm hành đạo này, Phật giáo ngày càng
gắn bó mật thiết hơn với vận mệnh của dân tộc trong giai đoạn mới. Nhìn suốt
chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam, có thể nói rằng, Phật giáo là tôn giáo
luôn gắn bó, đồng hành thuỷ chung với dân tộc, được lòng dân tộc hơn các
tôn giáo khác và vì vậy nó có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian, góp phần
hình thành lối sống, nhân cách, đạo đức, tư duy cho một bộ phận không nhỏ
người Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay. Hai ngàn năm Phật giáo
Việt Nam là hai ngàn năm Phật giáo nhập thân vào dân tộc.
1.1.2. Khái quát một số nội dung cơ bản của Phật giáo
Tư tưởng triết lí Phật giáo được tập trung trong một khối lượng kinh điển
rất lớn, được tổ chức thành ba bộ kinh lớn gọi là tam tạng gồm:
Tạng luật: gồm toàn bộ những giới luật của Phật giáo qui định
Tạng kinh: chép lời Phật dạy
Tạng luận: Gồm những bài bình chú, giải thích về giáo pháp của Phật giáo
1.1.2.1. Quan điểm về thế giới quan của Phật giáo
Thể hiện tập trung ở nội dung của 3 phạm trù: vô ngã, vô thường và
duyên.
Vô ngã (không có cái tôi chân thật)
Trái với quan điểm của kinh Vêđa, đạo Bàlamôn và đa số các môn phái
triết học tôn giáo đương thời thừa nhận sự tồn tại của một thực thể siêu nhiên
tối cao, sáng tạo và chi phối vũ trụ, Phật giáo cho rằng thế giới xung quanh ta
và cả con người không phải do một vị thần nào sáng tạo ra mà được cấu thành
bởi sự kết hợp của 2 yếu tố là “Sắc” và “Danh”. Trong đó, Sắc là yếu tố vật
chất, là cái có thể cảm nhận được, nó bao gồm đất, nước, lửa và không khí;
Danh là yếu tố tinh thần, không có hình chất mà chỉ có tên gọi. Nó bao gồm:
thụ (cảm thụ), tưởng (suy nghĩ), hành (ý muốn để hành động) và thức (sự
nhận thức).

Danh và sắc kết hợp lại tạo thành 5 yếu tố gọi là “Ngũ uẩn”. Ngũ uẩn bao
gồm sắc (vật chất), thụ (cảm giác), tưởng (ấn tượng), hành (suy lý) và thức (ý
thức), chúng tác động qua lại với nhau tạo nên vạn vật và con người. Nhưng
sự tồn tại của sự vật chỉ là tạm thời, thoáng qua, không có sự vật riêng biệt
nào tồn tại mãi mãi. Do đó, không có “Bản ngã” hay cái tôi chân thực.
Vô thường (vận động biến đổi không ngừng)
Đạo Phật cho rằng “Vô thường” là không cố định, luôn biến đổi. Các sự vật,
hiện tượng trong vũ trụ không đứng yên mà luôn luôn biến đổi không ngừng,
không nghỉ theo chu trình bất tận là “sinh – trụ – dị – diệt”. Nghĩa là sinh ra,
tồn tại, biến dạng và mất đi.
Do đó, không có gì trường tồn, bất định, chỉ có sự vận động biến đổi
không ngừng.Với quan niệm này, Đức Phật dạy: “tất cả những gì trong thế
gian đó là biến đổi, hư hoại, đều là vô thường”. Vì vậy mọi sự vật không mãi
ở yên trong một trạng thái nhất định, luôn luôn thay đổi hình dạng, đi từ trạng
thái hình thành đến biến dị rồi tan rã. Sinh và diệt là hai quá trình xảy ra đồng
thời trong một sự vât, hiện tượng cũng như trong toàn thể vũ trụ rộng lớn.
Đức Phật cũng dạy rằng không phải là sự vật, hiện tượng sinh ra mới gọi là
sinh, mất (hay chết đi) mới gọi là diệt, mà trong sự sống có sự chết, chết
không phải là hết, không phải là hết khổ mà chết là điều kiện của một sinh
thành mới.
Duyên (điều kiện cho nguyên nhân trở thành kết quả)
Bàlamôn Phật giáo cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ từ cái
nhỏ nhất đến cái lớn nhất đều chịu sự chi phối của luật nhân duyên. Trong đó
duyên là điều kiện giúp cho nguyên nhân trở thành kết quả. Kết quả ấy lại nhờ
có duyên mà trở thành nhân khác, nhân khác lại nhờ có duyên mà trở thành
kết quả mới. Cứ như vậy mà tạo nên sự biến đổi không ngừng của các sự vật,
tuân theo quy luật “Nhân-Quả”, nhân là cái hạt, quả là cái trái, cái trái do
mầm ấy phát sinh. Nhân và quả là hai trạng thái nối tiếp nhau, nương vào
nhau mà có. Nếu không có nhân thì không thể có quả, nếu không có quả thì
không thể có nhân, nhân thế nào thì quả thế ấy.

Hạt lúa được gọi là “nhân” khi gặp “duyên” là điều kiện thuận lợi về không
khí, nước, ánh sáng, nhiệt độ…thì nhân sẽ phát triển thành “quả” là cây lúa.
Như vậy, thông qua các phạm trù Vô ngã, Vô thường và Duyên, triết học
Phật giáo đã bác bỏ quan điểm duy tâm lúc bấy giờ cho rằng thần Brahman
sáng tạo ra con người và thế giới. Phật giáo cho rằng sự vật và con người
được cấu thành từ các yếu tố vật chất và tinh thần. Các sự vật hiện tượng thế
giới nằm trong quá trình liên hệ, vận động, biến đồi không ngừng. Nguyên
nhân của sự vận động , biến đồi nằm trong các sự vật. Đó là quan điểm biện
chứng về thế giới tuy còn mọc mạc chất phát nhưng rất đáng trân trọng. Và đó
cũng là quan điểm duy vật biện chứng về thế giới.
1.1.2.2. Quan điểm về nhân sinh quan của Phật giáo
Nội dung triết lý nhân sinh của Phật giáo được thể hiện tập trung
trong thuyết “Tứ Diệu Đế” (Tứ thánh đế – Catvary Arya Satya) tức là 4 chân
lý tuyệt diệu đòi hỏi mọi người phải nhận thức được. Tứ diệu đế là:
Khổ đế:
Chân lí về sự khổ, cho rằng mọi dạng tồn tại đều mang tính chất
khổ não, không trọn vẹn, cuộc đời con người là một bể khổ. Phật xác nhận
đặc tướng của cuộc đời là vô thường, vô ngã và vì vậy mà con người phải
chịu khổ. Có 8 nỗi khổ là : sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, thụ biệt khổ
(yêu thương nhau phải xa nhau), oán tăng hội (ghét nhau phải gần nhau), sở
cầu bất đắc (mong muốn mà không đạt được) và ngũ thụ uẩn (do 5 yếu tố tạo
nên con người).
Như vây, cái khổ về mặt hiện tượng là cảm giác khổ về thân, sự bức
xúc của hoàn cảnh, sự không toại nguyện của tâm lý về bản chất. Về phương
triết học, khổ đau là một thực tại như thực đối với con người. khổ đế là một
chân lý khách quan hiện thực. khổ hay hình thái bất an là kết quả hàng lọat
nhân duyên được tạo tác từ tâm thức. Như vậy tri nhân thực tại là một cách
trực tiếp đi vào soi sáng mọi hình thái khổ đau của con người. Để thấu hiểu
triệt để cái căn nguyên của khổ đau, con người không thể dừng lại ở sự thật
của đau khổ, hay quay mặt chạy trốn, mà phải đi vào soi sáng cái bản chất nội

tại của nó.
Đạo Phật cho rằng đời là bể khổ, nỗi đau khổ là vô tận, là tuyệt đối. Do
đó, con người ở đâu, làm gì cũng khổ. Cuộc đời là đau khổ không còn tồn tại
nào khác. Ngay cả cái chết cũng không chấm dứt sự khổ mà là tiếp tục sự khổ
mới. Phật ví sự khổ của con người bằng hình ảnh: “Nước mắt của chúng sinh
nhiều hơn nước biển”.
Nhân đế (hay Tập đế):
Là triết lý về sự phát sinh, nguyên nhân gây ra sự khổ. “Tập” là tụ
hợp, kết tập lại. Nguyên nhân của khổ là sự ham muốn, tìm sự thoả mãn dục
vọng, thoả mãn được trở thành, thoả mãn được hoại diệt… Các loại ham
muốn này là gốc của luân hồi. Đạo Phật cho rằng nguyên nhân sâu xa của sự
khổ, phiền não là do “thập nhị nhân duyên”, tức 12 nhân duyên tạo ra chu
trình khép kín trong mỗi con người. 12 nhân duyên gồm:
1. Vô minh (không sáng suốt): đồng nghĩa với mê tối, ít hiểu biết, không
sáng suốt. Không hiểu được đời là bể khổ, không tìm ra nguyên nhân và con
đường thoát khổ. Trong mười hai nhân duyên, vô minh là căn bản. Nếu không
thấu hiểu Tứ diệu đế cũng được gọi là Vô minh.
2. Duyên hành: là ý muốn thúc đẩy hành động.
3. Duyên thức: tâm từ trong sáng trở nên u tối.
4. Duyên danh sắc: sự hội tụ các yếu tố vật chất và tinh thần sinh ra các
cơ quan cảm giác (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức).
5. Duyên lục nhập: là quá trình xâm nhập của thế giới xung quanh vào
các giác quan cảm giác, lúc đó thân sẽ sinh ra sáu cửa là: nhãn, nhĩ, tỳ, thiệt,
thân để thiêu hủy, đón nhận.
6. Duyên xúc: là sự tiếp xúc của thế giới xung quanh sinh ra cảm giác.
Đó là sắc, thinh, hương vị, xúc và pháp khi tiếp xúc, đụng chạm vào.
7. Duyên thụ: là sự cảm thụ, sự nhận thức khi thế giới bên ngoài tiếp
xúc với lục căn sinh ra cảm giác.
8. Duyên ái: là yêu thích mà nảy sinh ham muốn, dục vọng trước sự tác
động của thế giới bên ngoài.

9. Duyên thủ: do yêu thích quyến luyến, không chịu xa lìa, rồi muốn
chiếm lấy, giữ lấy không chịu buông ra.
10. Duyên hữu: cố để dành, tồn tại để tận hưởng cái đã chiếm đoạt được.
11. Duyên sinh: sự ra đời, sinh thành do phải tồn tại.
12. Duyên lão tử: khi đã sinh thì xác thân phải tiêu hoại mỏi mòn, trẻ
rồi già, ốm đau rồi chết.
Thập nhị nhân duyên có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng nhìn
chung đều cho rằng chúng có quan hệ mật thiết với nhau, cái này là nhân, làm
duyên cho cái kia, cái này là quả của cái trước, đồng thời là nhân cho cái sau.
Cũng có lời giải thích là 12 yếu tố tích luỹ đưa đến cái khổ sinh tử hiện tại mà
yếu tố căn đế là ái và thủ, nghĩa là tham lam, ích kỷ, còn gọi là ngã chấp.
Mười hai nguyên nhân và kết quả nối tiếp nhau tạo ra cái vòng lẩn quẩn của
nổi khổ đau nhân loại.
Nguyên nhân sâu hơn và căn bản hơn chính là vô minh, tức là si mê
không thấy rõ bản chất của sự vật hiện tượng đều nương vào nhau mà sinh
khởi, đều vô thường và chuyển biến, không có cái chủ thể, cái bền vững độc
lập ở trong chúng. Chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng, khổ hay
không là do lòng mình. Hay nói cách khác, tùy theo cách nhìn của mỗi người
đối với cuộc đời mà có khổ hay không. Nếu không bị sự chấp ngã và dục
vọng, vị kỹ hay phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm thì cuộc đời
đầy an lạc hạnh phúc.
Diệt đế:
Là chân lý về diệt khổ. Phật giáo cho rằng mọi nỗi khổ điều có thể
tiêu diệt được để đạt tới trạng thái “niết bàn”. Một khi gốc của mọi tham ái
được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt. muốn diệt khổ phải đi ngược lại
12 nhân duyên, bắt đầu từ diệt trừ vô minh.
Vô minh bị diệt, trí tuệ được bừng sáng, hiểu rõ được bản chất tồn tại,
thực tướng của vũ trụ là con người, không còn tham dục và kéo theo những
hành động tạo nghiệp nữa, tức là thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Nói cách
khác diệt trừ được vô minh, tham dục thì hoạt động ngũ uẩn dừng lại, tu đến

niết bàn, tịch diệt khi ấy mới hết luân hồi sinh tử.
Phật Giáo cho rằng, một khi người ta đã làm lắng dịu lòng tham ái,
chấp thủ, thì những nỗi lo âu, sợi hải, bất an giảm dần, thâm tâm của bạn trở
nên thanh thản, đầu óc tĩnh táo hơn; lúc đó nhìn mọi vấn đề trở nên đơn giản
hơn, rộng lượng hơn. Đó là một hình thức hạnh phúc, cũng nhờ vậy tâm trí
không bị chi phối bởi những tư tưởng chấp thủ, nhờ không bị nung núng bởi
các ngọn lửa phiền muộn, lo lắng sợ hải mà tâm lý của bạn trầm tĩnh và sáng
suốt hơn, khả năng nhận thức sự vật hiện tượng sâu sắc hơn, chính xác hơn,
thâm tâm được chuyển hóa, thái độ ứng xử của bạn với mọi người xung
quanh rộng lượng và bao dung hơn. Tùy vào khả năng giảm thiểu lòng tham,
vô minh đến mức độ nào thì đời sống của bạn sẽ tăng phần hạnh phúc đến
mức độ ấy.
Ðạo đế:
Là chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ. Đây là con đường tu
đạo để hoàn thiện đạo đức cá nhân. Khổ được giải thích là xuất phát Thập nhị
nhân duyên, và một khi dứt được những nguyên nhân đó thì ta có thể thoát
khỏi vòng sinh tử. Chấm dứt luân hồi, vòng sinh tử đồng nghĩa với việc
chứng ngộ niết bàn. Có 8 con đường chân chính để đạt sự diệt khổ dẫn đến
niết bàn gọi là “Bát chính đạo”. Bát chính đạo bao gồm:
1.Chính kiến: hiểu biết đúng đắn và gìn giữ một quan niệm xác đáng
về Tứ diệu đế và giáo lí vô ngã.
2.Chính tư duy: suy nghĩ luôn có một mục đích đúng đắn, suy xét về ý
nghĩa của bốn chân lí một cách không sai lầm.
3.Chính ngữ: nói năng phải đúng đắn, không nói dối hay nói phù phiếm.
4.Chính nghiệp: giữ nghiệp đúng đắn, tránh phạm giới luật, không làm
việc xấu, nên làm việc thiện.
5.Chính mệnh: giữ ngăn dục vọng đúng đắn, tránh các nghề nghiệp
liên quan đến sát sinh.
6.Chính tinh tiến: cố gắng nổ lực đúng hướng không biết mệt mỏi để
phát triển nghiệp tốt, diệt trừ nghiệp xấu.

7.Chính niệm: tâm niệm luôn tin tưởng vững chắc vào sự giải thoát,
luôn tỉnh giác trên ba phương diện Thân, Khẩu, Ý.
8.Chính định: kiên định, tập trung tư tưởng cao độ suy nghĩ về tứ điệu
đế, vô ngã, vô thường, tâm ý đạt bốn định xuất thế gian .
Theo con đường bát chính đạo nói trên, con người có thể diệt trừ vô
minh, đạt tới sự giải thoát, nhập vào niết bàn là trạng thái hoàn toàn yên tĩnh,
sáng suốt, chấm dứt sinh tử luân hồi.
Ngoài ra Phật giáo còn đưa ra 5 đều nhằm răn đe đem lại lợi ích cho
con người và xã hội. Chúng bao gồm: bất sát (không sát sinh), bất dâm
(không dâm dục), bất vọng ngữ (không nói năng thô tục, bậy bạ), bất âm tửu
(không rượu trà) và bất đạo (không trộm cướp).
Như vậy, Phật giáo nguyên thuỷ có tư tưởng vô thần, có yếu tố duy vật và
tư tưởng biện chứng của thế giới. Phật giáo khuyên con người suy nghỉ thiện
và làm việc thiện nhằm góp phần hoàn thiện đạo đức cá nhân. Tuy nhiên
trong triết lý nhân sinh và con đường giải phóng của phật giáo vẫn mang nặng
tính chất bi quan không tưởng và duy tâm về xã hội. Và những tư tưởng xã
hội phật giáo đã phản ánh thực trạng xã hội đẳng cấp khắc nghiệt của xã hội
Ấn Độ cổ – trung đại và nêu lên ước vọng giải thoát nổi bi kịch cho con người
lúc đó. Phật giáo cũng nói lên được tự do bình đẳng trong xã hội nhưng triết
lý nhân sinh vẫn còn mang nặng tính chất bi quan không tưởng và duy tâm về
xã hội.
1.2. Khái quát đặc điểm Phật giáo Việt Nam và tình hình Phật giáo
Việt Nam hiện nay
1.2.1. Đặc điểm Phật giáo Việt Nam
Bàn về đặc điểm Phật giáo, còn có những ý kiến khác nhau. Nhìn
chung các nhà nghiên cứu có sự thống nhất cao về những đặc điểm của Phật
giáo Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm, đặc điểm cơ bản của
Phật giáo Việt Nam là tính tổng hợp, tính linh hoạt và xu hướng hài hòa âm
dương có phần thiên về nữ tính. Ông diễn giải tính tổng hợp của Phật giáo là
sự kết hợp giữa các tông phái của Phật giáo cũng như sự hòa đồng với các tôn

giáo khác. Còn tính linh hoạt được thể hiện ở chỗ: Phật giáo Việt Nam kết
hợp chặt chẽ việc đạo với việc đời. Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh thì cho
rằng, Phật giáo Việt Nam có mấy đặc điểm nổi bật: Một là, nơi gặp gỡ của hai
dòng Nam truyền và Bắc truyền của Phật giáo Ấn Độ truyền ra nước ngoài;
hai là, giáo - thiền hợp nhất, thiền -tịnh song tu; ba là, Phật giáo lưu truyền
trong dân gian mang tính dân tộc. Xem xét Phật giáo trong mối tương quan
quan các tôn giáo khác ở Việt Nam, cũng như với Phật giáo ở Ấn Độ, Trung
Quốc và một số nước khác, có thể rút ra một số đặc điểm nổi bật sau đây.
Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam có sự kết hợp giữa các tông phái vốn đã
tồn tại từ trước khi du nhập vào Việt Nam. Phật giáo truyền vào Việt Nam
gồm cả hai dòng Nam tông và Bắc tông (thường được gọi là Tiểu thừa và Đại
thừa).
Ở Việt Nam, theo nhiều nhà nghiên cứu thì Phật giáo Đại thừa được
truyền vào trước ở khu vực phía Bắc, sau đó, Phật giáo Tiểu thừa qua con
đường Campuchia cũng được truyền vào phía Nam Việt Nam và ăn sâu bén rễ
trong cộng đồng người Khơ me. Phật giáo Tiểu thừa vào Việt Nam nhưng nó
không làm lụi tàn Phật giáo Đại thừa. Cả hai hệ phái này cùng song song tồn
tại và phát triển trên đất nước Việt Nam cho đến ngày nay.
Hiện nay, Hệ phái Tiểu thừa tập trung chủ yếu trong khu vực đồng bào
Khơ me ở miền Tây Nam bộ và trong một số ít người Kinh ở Nam Bộ. Hệ
phái Phật giáo Đại thừa tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc, trong cộng
đồng người Kinh và một số ít trong đồng bào các dân tộc thiểu số khác. Ba
tông phái chính Đại thừa được truyền vào Việt Nam là Thiền tông, Tịnh độ
tông và Mật tông.
Thiền tông là tông phái do vị sư tổ người Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma sáng lập
ra vào đầu thế kỷ VI ở Trung Quốc. “Thiền” có nghĩa là tập trung tâm trí cao độ
để tìm ra chân lý. Tôn chỉ của Thiền tông được Bồ Đề Đạt Ma khái quát là: Bất
lập văn tự/Giáo ngoại biệt truyền/Trực chỉ nhân tâm/Kiến tính thành Phật (nghĩa
là: Không bày đặt chữ nghĩa/ Trong truyền, ngoài giáo điển/Chỉ thẳng vào tâm
người/ Thấy được tính mà thành Phật). Như vậy, Thiền tông thừa nhận có thực

tại siêu việt ẩn dấu sau giáo điển. Giáo điển chỉ là cái bè qua sông, chỉ là ngón
tay chỉ mặt trang mà thôi. Tu thiền là làm cho tâm lặng, lọc bỏ hết tham -sân - si
sẽ thấy được Phật tính và do vậy sẽ thành Phật.
Người tu theo Thiền tông phải là người có năng lực trí tuệ và phải tập
trung cao độ toàn bộ thời gian và tâm sức cho việc tu hành. Do đó Thiền tông
chủ yếu lưu truyền trong giới thượng lưu và tầng lớp trí thức. Ở Việt Nam
xuất hiện một số dòng thiền như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo
Đường…Đặc biệt, Ở Viết Nam đã xuất hiện một dòng Thiền riêng, đó là dòng
Trúc Lâm. Nhìn chung, các dòng Thiền ở Việt Nam giao quyện với nhau và
đều đề cao cái tâm, cho rằng, “Phật tại Tâm, Tâm tức là Phật”.
Tịnh Độ tông chủ trương phải dựa vào sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bên ngoài
để chứng ngộ chân lý. Tịnh Độ tông quan niệm, một số người có thể tự lực
giác ngộ, nhưng với đa số người khác thì sự giúp đỡ bên ngoài là vô cùng
quan trọng. Như vậy, Thiền tông hay Tịnh Độ tông đều là những biện pháp tu
hành, chỉ đối tượng áp dụng là khác nhau mà thôi. Nếu chỉ có Thiền tông,
Phật giáo chỉ có thể được biết đến trong giới tu hành và một số phật tử thuộc
tầng lớp trên của xã hội. Nhờ có Tịnh Độ tông, với quan niệm và cách thức tu
hành đơn giản, Phật giáo đã trở nên phổ biến và gần gũi với mọi người dân.
Mật tông (Chân ngôn tông) là tông phái sử dụng những phép tu huyền
bí như linh phù, mật chú, ấn quyết, để đạt được sự giác ngộ và giải thoát. Khi
du nhập vào nước ta, Mật tông nhanh chóng hoà quyện với tín ngưỡng dân
gian bản địa như dùng pháp thuật, yểm bùa để trừ tà ma, chữa bệnh, nên
không còn tồn tại như một tông phái riêng.
Khi được truyền bá vào nước ta, các tông phái trên không còn tồn tại
biệt lập, riêng rẽ và thuần khiết như ban đầu nữa mà chúng có sự kết hợp với
nhau, sử dụng những phương pháp của nhau trong quá trình phát triển
Thứ hai, Phật giáo Việt Nam có sự dung hợp với các tôn giáo khác, đặc
biệt sự dung hợp giữa Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đã đến mức “tam giáo
đồng nguyên”. Một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa truyền thống
Việt Nam là tính dung hợp. Các yếu tố văn hoá ngoại lai khi du nhập vào Việt

Nam đã có sự dung hợp từ rất sớm, đặc biệt là giữa Phật giáo và Đạo giáo. Từ
thời Bắc thuộc, Phật giáo đại diện cho một nền văn hóa lớn đối trọng với văn
hóa Trung Hoa đã được người dân Việt Nam đón nhận. Đạo giáo mặc dù đến
từ Trung Hoa, nhưng không phải là tư tưởng đại diện cho tập đoàn thống trị,
nội dung lại có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng dân gian bản địa nên
cũng dễ dàng được người Việt Nam chấp nhận. Cả Phật giáo và Đạo giáo
được tiếp biến bởi văn hoá Việt Nam và đã nhanh chóng hòa quyện với nhau.
Quan hệ giữa Phật giáo với Nho giáo cũng hình thành và trở nên khăng khít
Việt Nam thường được coi là nơi mọi hệ tư tưởng có thể trú chân và
phát triển. Nhưng người Việt không hề dễ dãi trong việc tiếp thu văn hóa
ngoại lai, trái lại còn rất thận trọng, nhất là đối với những giá trị văn hoá đến
từ đất nước của những kẻ xâm lăng. Nho giáo phải mất khoảng mười lăm thế
kỷ và cũng chỉ khi nền độc lập dân tộc được củng cố vững chắc thì mới trở
thành hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội. Phật giáo vốn du nhập bằng con
đường hoà bình, lại vốn gần gũi hơn, nhưng để trở thành hệ tư tưởng chủ đạo
cũng phải mất gần mười thế kỷ. Đặc biệt, khi tồn tại trong một nền văn hoá
giàu bản sắc, chịu tác động bởi tinh thần khoan dung, cởi mở của dân tộc Việt
Nam, các tôn giáo đã phải biến đổi để thích nghi theo hướng hòa hợp.
Đầu tiên, Phật giáo được tín ngưỡng cổ truyền tiếp nhận, rồi tín ngưỡng
cổ truyền tiếp nhận Đạo giáo và tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo, hình thành
nên cục diện “Tam giáo đồng nguyên”. Người Việt cho rằng, “Tam giáo đồng
quy”, thoạt nhìn tam giáo có vẻ khác nhau, nhưng khi đi sâu tìm hiểu thì
chúng đều có chung một mục đích đó là khuyến thiện. Sự dung hòa tam giáo
ở Việt Nam diễn ra hết sức tự nhiên và thể hiện sinh động trong tình cảm,
hành động của người dân. Với tư duy tổng hợp, người Việt Nam cho rằng tam
giáo có khác nhau về phương tiện, cách thức nhưng có chung nguồn gốc, có
chung mục đích và nhất là có thể bổ trợ cho nhau.
Người Việt đã không chỉ dung hợp văn hóa, tôn giáo ngoại lai với nhau
mà còn dung hợp chúng với văn hóa và tín ngưỡng bản địa. Người dân đã tiếp
biến Phật giáo và Đạo giáo, rồi kết hợp với tín ngưỡng phổ biến của cư dân

nông nghiệp là đạo thờ Mẫu để hình thành nên một thứ “Tam giáo bình dân”,
trong đó Nho giáo được thay thế bằng đạo Thánh Mẫu. Hầu hết các ngôi chùa
cổ Việt Nam đều thờ cả Phật và mẫu hoặc thần. Kiến trúc chùa thường theo
mô típ “Tiền Phật hậu Mẫu” hoặc “Tiền Phật hậu Thần”, và trong thực tế
nhiều nơi, gian thờ mẫu còn lấn át cả không gian thờ Phật. Sự kết hợp giữa
Phật giáo với tín ngưỡng bản địa của người Việt đã tạo ra dòng Phật giáo dân
gian, với truyền thuyết về Phật mẫu Man nương và những tích chèo cổ như
Quan Âm Thị Kính, hay truyện thơ về công chúa Ba…cùng những quan niệm
độc đáo mang đậm bản sắc Việt Nam.
Phật giáo còn được kết hợp với tín ngưỡng tổ tiên của người Việt mà
điển hình nhất là sự xuất hiện của Phật giáo Hoà Hảo. Phật giáo Hòa Hảo hay
còn gọi là đạo Hòa Hảo ra đời vào năm 1939 ở An Giang. Giáo lý Phật giáo
Hoà Hảo là sự kết hợp của Tịnh Độ tông với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của
người Việt. Tôn chỉ của nó là “Học Phật, Tu Nhân”, noi theo giáo lý Đức Phật
mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết “Tứ ân” – Ân cha mẹ, ân đất
nước, ân Tam Bảo và ân nhân loại. Cách thức tu hành của Phật giáo Hoà Hảo
rất đơn giản là “tu hành tại gia”. Các nghi lễ gần gũi với nghi lễ thờ cúng tổ
tiên.
Thứ ba, sự hòa quyện giữa Phật giáo với văn hóa, tín ngưỡng bản địa
của người Việt đã làm nảy sinh dòng Phật giáo dân gian hết sức độc đáo.
Phật giáo là tôn giáo linh hoạt, có tính thích ứng cao. Ở Việt Nam,
dòng Phật giáo dân gian đã có lịch sử khoảng 20 thế kỷ, bởi ngay từ khi được
truyền bá vào nước ta, Phật giáo đã có sự tiếp biến với tín ngưỡng cổ truyền
của người Việt. Ngay từ buổi đầu du nhập, Phật giáo nhanh chóng bị bản địa
hóa và trở thành chỗ dựa tinh thần để người Việt chống lại sự xâm lăng và
đồng hóa về văn hóa của các thế lực ngoại bang. Dòng Phật giáo dân gian là
sản phẩm của sự kết hợp giữa Phật giáo với phong tục, tập quán và tâm thức
của người Việt. Người Việt đã gửi gắm vào đó quan niệm, ước vọng và các
giá trị văn hóa của mình. Do đó, quan niệm về Đức Phật trong dòng Phật giáo
dân gian cũng có nét đặc thù so với Phật giáo nguyên thuỷ. Trong dòng Phật

giáo dân gian, các hiện tượng tự nhiên vốn có được người Việt cổ thần thánh
hóa từ trước đó như mây, mưa, sấm chớp, được Phật hóa trở thành Phật Pháp
Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Tín ngưỡng Phật điện hình thành ở trung
tâm Luy Lâu đã truyền đi các địa phương khác và trở thành một trong những chỗ
dựa về mặt tâm linh của cả dân tộc Việt Nam qua nhiều thời đại và còn tồn tại
cho đến ngày nay. Trong lịch sử, các lễ hội rước Phật để cầu mưa thuận, gió hòa,
mùa màng tươi tốt không chỉ phổ biến ở các địa phương mà ngay cả triều đình
cũng đứng ra tổ chức các nghi lễ này. Hiện nay, ngày Phật đản vẫn được tổ chức
gắn liền với lễ nghi nông nghiệp tại chùa Dâu (Bắc Ninh).
Dòng Phật giáo dân gian còn độc đáo ở xu hướng hài hòa âm dương có
phần thiên về nữ tính. Các vị Phật Ấn Độ xuất thân vốn là nam giới, khi vào
Việt Nam đã bị biến thành “Phật ông - Phật bà”. Ở một số chùa của người
Mường còn có những tên gọi rất nguyên sơ:
Bụt đực - Bụt cái. Trong tâm thức người Việt, Phật bà có gì đó gần gũi
hơn, nên Quán Thế Âm Bồ Tát hoá thân thành Phật bà Quan âm và trở thành
vị thần hộ mệnh cho tất cả cư dân.
Người Việt còn có những vị Phật bà của riêng mình. Người con gái của
Man Nương được xem là Phật tổ của Việt Nam, ngày sinh được lấy làm ngày
Phật đản. Bản thân Man Nương được tôn là Phật Mẫu. Phật giáo dân gian đã
đóng góp cho nền văn hóa dân tộc cả một hệ thống các biểu tượng về “Phật
nữ” như: Quan Âm Thị Kính (còn gọi là Quan Âm Tống Tử).
Quan Âm Diệu Thiện (Phật bà Chùa Hương, Bà Chúa Ba), Phật bà nghìn
tay nghìn mắt, Bà Bồ tát,…Thậm chí, ngay cả Đức Phật Thích Ca vốn là nam
giới mà trong các bức tranh dân gian vẫn được hình dung như phụ nữ. Bên
cạnh đó, Việt Nam có khá nhiều chùa mang tên các bà như: Bà Dâu, Bà Đậu,
Bà Đen, Bà Tướng, Bà Giàn, Bà Đanh, Bà Nành, Bà Ngô,…Trong quá khứ
và hiện tại, đa số phật tử tại gia là phụ nữ.
Ở các nước chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo cũng có dòng Phật
giáo dân gian nhưng cùng với thời gian nó thường bị mai một. Nhưng Phật
giáo dân gian ở Việt Nam mang đậm màu sắc tín ngưỡng, phản ánh ước vọng

của người Việt cổ vẫn tồn tại với tư cách là một hiện tượng văn hóa thông qua
các lễ hội ở các làng quê trên khắp lãnh thổ nước ta.

×