Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

vẻ đẹp của các nhân vật nữ trong truyện ngắn những ngôi sao xa xôi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (27 KB, 2 trang )

Đường Trường sơn - đông nắng, tây mưa ; một cái tên thôi cũng gợi cho ta về
một thời lửa cháy, gợi hình ảnh đoàn quân cha trước con sau cùng hát khúc quân
hành, gợi những đoàn xe ra trận vì Miền Nam thân yêu. Viết về những nẻo
đường Trường Sơn trong những năm đánh Mĩ, không chỉ có những bài thơ, bài ca
ca ngợi những chiến sĩ lái xe hay những cô gái mở đường trong trang thơ của
Lâm Thị Mĩ Dạ mà còn có những câu chuyện đầy cảm phục viết về những cô gái
thanh niên xung phong, những cô trinh sát mặt đường, những cô chuyên phá
bom nổ chậm mở đường cho xe qua. Những cô gái trẻ ấy đã được Lê Minh Khuê
(một cây bút nữ xuất sắc của mảnh đất Xứ Thanh) kể lại và khắc hoạ chân dung
tâm hồn tính cách. Ba cô gái trẻ là những ngôi sao xa xôi trên cao điểm Trường
Sơn.
Ba cô thanh niên xung phong : Thao, Nho và Phương Định biên chế thành một tổ
trinh sát mặt đường - cái tên gợi sự khát khao làm nên những sự tích anh hùng.
Tổ trưởng là Thao, lớn tuổi hơn một chút so với Nho và Phương Định. Nhiệm vụ
chính của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần san lấp, đánh
dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm
vì thường xuyên phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày và máy bay địch có thể
ập đến bất cứ khi nào. Đặc biệt phải đối mặt với thần chết trong mỗi lần phá
bom, công việc ấy diễn ra hàng ngày, thậm chí là năm lần trong ngày. Nơi ở của
họ là một cái hang đá mát lạnh, ngay dưới chân cao điểm, cách xa đơn vị. Cuộc
sống và chiến đấu của ba cô gái trẻ giữa chiến trường, dù rất khắc nghiệt, nhưng
họ vẫn bình thản, tươi vui, hồn nhiên và không kém phần lãng mạn. Đặc biệt họ
rất yêu thương nhau, gắn bó với nhau trong tình đồng đội keo sơn, dù cho mỗi
người một cá tính. Đặc biệt họ là những người có trách nhiệm tự giác rất cao,
quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ đư¬ợc phân công bởi công việc của họ
không hề đơn giản. Công việc ấy đòi hỏi ở họ phải bình tĩnh, dũng cảm, khôn
ngoan, nhạy cảm và kháo léo, đòi hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng hy sinh, không
quản khó khăn gian khổ bởi chẳng có ai biết được quả bom câm lặng có khi đang
ấm nóng dần lên, nằm chềnh ềnh ra đó và có thể nổ bất cứ lúc nào. Đố là những
phẩm chất cao đẹp, bình dị, hồn nhiên của ba cô gái thanh niên xung phong, tuy
nhiên mỗi người lại có những vẻ đẹp riêng của mình.


Chị Thao lớn tuổi hơn nên dự tính tương lai cũng thiết thực hơn, có ít nhiều từng
trãi nên không dễ dàng hồn nhiên, mơ mộng như¬ng rất thích hát và ghi chép
bài hát. Trong công việc rất bình tĩnh và quyết liệt vậy mà rất sợ máu và vắt.
Những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả chị lại tỏ ra bình tĩnh bằng cách
móc bánh bích quy trong túi và thong thả nhai. Áo lót của chị cái nào cũng thêu
chỉ màu chị hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm nhưng ai cũng
phải gờm chị : cương quyết, táo bạo.
Còn Nho lại là cô gái khác, có lúc bướng bỉnh, mạnh mẽ ; có lúc lầm lì cực đoan.
Mỗi khi Nho tắm, trông cô như một que kem trắng mát lạnh, cái cổ tròn và
những cúc áo nhỏ nhắn. Cứ quần áo ướt, Nho ngồi đòi ăn kẹo. Đặc biệt cô có sở
thích thêu hoa rực rỡ, loè loẹt trên khăn gối. trong một lần phá bom Nho bị
thương, chị Thao và Định hết lòng chăm sóc. Định rửa cho Nho bằng nước đun
sôi trên bếp than. Bông băng trắng, pha sữa vào một cái ca sắt cho Nho. Còn chị
Thao thể hiện rõ sự quan tâm của mình qua câu nói : "Cho nhiều đường vào, pha
đặc". Tình cảm quay cuồng trong chị. "Chị cứ đưa mắt nhìn Nho, lấy tay sửa cái
cổ áo, cái ve áo và tóc nó. Chị không khóc đó thôi, chị không ưa cả nước mắt".
Qua việc Nho bị thương, chúng ta thấy rõ được tình cảm mà các cô đã dành cho
nhau, đã gắn bó với nhau sâu sắc đến mức nào.
Nhân vật chính cũng là nhân vật kể chuyện là Phương Định. Phương Định là cô
gái Hà Nội trẻ trung và xinh xắn. Hai bím tóc dày tương đối mềm, cái cổ cao,
kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Các anh lái xe thường bảo : "cô có cái nhìn sao
mà xa xăm". Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó
dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng. Vốn là một nữ sinh hồn nhiên
nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, cô vào chiến trường. Giữa cuộc sống khắc
nghiệt và muôn vàn nguy hiểm, cô vẫn giữ được sự trong sáng trong suy nghĩ,
lối sống cả trong công việc. Cô có tâm hồn trong sáng, vô tư, giàu mộng mơ,
thích ca hát, hay hoài niệm về một thời học sinh ngây thơ bên mẹ, trong căn
phòng nhỏ ở một đường phố nhỏ yên tĩnh trong những ngày trước chiến tranh.
Những kỉ niệm êm đềm ấy sống lại trong trí nhớ của Định, giữa chiến trường dữ
dội làm dịu mát tâm hồn cô. Vào chiến trường đã ba năm, Định đã quen với đạn

bom, hiểm nguy, vượt qua bao gian lao vẫn không làm mất đi ở cô cái hồn
nhiên, vô tư lự. Cô giàu cảm xúc và thường làm điệu trước những anh lính trẻ.
Thực ra trong những suy nghĩ của cô, những người đẹp nhất, thông minh, can
đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.
Định rất yêu mến và gắn bó với đồng đội của mình. Khi chị Thao ngã vội đỡ chị
dậy, chăm sóc Nho khi bị thương, cô cảm phục tất cả các chiến sĩ mà cô đã gặp
trên tuyến đường Trường Sơn. Đồng thời Phương Định cũng là cô gái rất kín đáo
trong tình cảm. Có lẽ điều đáng quí nhất ở Phương Định chính là tinh thần, trách
nhiệm với công việc. Mỗi lần đi phá bom, cô đều xung phong đi, cô luôn đứng
trong tư thế sẵn sàng, chấp nhận gian khổ, hi sinh, có lòng dũng cảm không
quản khó khăn, luôn bình tĩnh tự tin trước mọi tình huống. Những phẩm chất cao
đẹp của Phương Định, của Thao, Nho đã được khắc hoạ bằng sự am hiểu tâm lí
giới tính của Lê Minh Khuê. Thành công về xây dựng nhân vật còn được đóng
góp bởi ngôn ngữ trần thuật tự nhiên, hấp dẫn dưới ngôi kể thứ nhất, những câu
ngắn, nhịp nhanh, giọng điệu gắn liền với ngôn ngữ đời thường, vừa trẻ trung
vừa giàu nữ tính. Từng là Thanh niên xung phong nên có lẽ Lê Minh Khuê mới
hiểu biết sâu sắc công việc và đời sống tình cảm tâm hồn của những nữ thanh
niên xung phong đến như vậy. Truyện khép lại khi một trận mưa đá bất ngờ đổ
xuống cao điểm khiến các cô gái trẻ hết sức vui thích.
Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong
sáng, giàu mộng mơ, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy
sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên
tuyến đường Trường Sơn. Đó cũng chính là những hình ảnh đẹp, tiêu biểu của
thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Nhân vật trong Những
ngôi sao xa xôi chính là Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc ngoài đời. Họ đã
góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Vì thế hệ
trẻ Việt Nam ngày hôm nay phải sống cho đẹp, cho có ích để bao xương máu của
những anh hùng, liệt sĩ đã không đổ xuống vô ích, để đất nước Việt Nam ngày
càng tươi đẹp hơn.

×