PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG TRANH ẢNH VÀ LƯỢC
ĐỒ TRONG SÁCH GIÁO KHOA LỊCH SỬ- sử 9-
Bài 28
Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền
Sài Gòn ở miền Nam (1954-1965)
1.Đồng bào Hà Nội đón bộ đội vào tiếp quản thủ đô
Bộ đội tiến về Hà Nội 10-10-1954
Theo kế hoạch đã định, ngày 8/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam chia làm
nhiều hướng tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16h30’, Bộ đội ta tiến đến đường Đê La
Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Cầu Giấy, Nhật Tân. Sáng ngày 10/10/1954, quân đội ta
chia làm nhiều canh tiến vào 5 cửa ô. Trên ảnh thể hiện đoàn quân đang tiến vào phía Bắc
thành phố. Trên đường một biểu ngữ lớn lối liền 2 dãy phố với hàng chữ: “Hoan nghênh
quân đội nhân dân vào giải phóng Hà Nội”. Từ các ô cửa sổ của các ngôi nhà 2 bên phố,
những lá cờ đỏ sao vàng phấp tung bay. Hai bên hè phố, quần chúng nhân dân gồm già,
trẻ, gái, trai tay cầm cờ, hoa, biểu ngữ vẫy chào bộ đội. ở giữa lòng đường, bộ đội với ba
lô trên lưng, đầu đội mũ bọc vải đang bước đi trong hàng quân tiến vào thành phố.
Bức ảnh được sử dụng khi dạy học phần “Tình hình, nhiệm vụ mới của nước ta sau Hiệp
định Giơnevơ 1845”.
Khi sử dụng, giáo viên cần kết hợp với tài liệu tham khảo để miêu tả. Trước khi trình bày,
giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát bức ảnh, nêu lên nội dung qua gợi mở của thầy.
Tiếp theo, giáo viên bổ sung và trình bày: “Theo kế hoạch đã định, ngày 8/10/1954, các
đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam chia làm nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội.
Chiều 9/10/1954, quân đội ta tập kết tại cẩccô thành phố. Sáng 10/10/1954, các đơn vị
quân đội ta, trong đó có các chiến sĩ của trung đoàn Thủ đô -những người con tám năm
trước « Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh », đã trở về Hà Nội trong đoàn quân chiến
thắng.”Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quan tiến về”. Các cánh quân bao
gồm bộ binh, pháp binh, cao xạ, cơ giới chia làm nhiều hướng tiến vào thành phố. Sau đó
toả ra các khu rồi lần lượt tiếp quản nhà ga Hà Nội, Phủ Toàn quyền, khu Đồn thuỷ, Bờ
Hồ, Bắc Bộ Phủ… Bộ đội ta tiến đến đâu, bộ mặt thành phố biến đổi đến đó. Trước đó,
phố xá còn im ắng, lặng lẽ, mọi nhà đóng chặt cửa. Nhưng khi đoàn quân tiếp quản đến,
sức sống bật dậy, các cánh cửa mở toang, nhân dân đổ ra đường phất cờ, tung mũ, vỗ tay,
reo mừng không ngớt. Lần đầu tiên, sau tám năm dưới gót sắc của giặc, hôm nay người
dân Hà Nội sống trong ngày hội lớn, tưng bừng, náo nhiệt. Cả một rừng cờ đỏ sao vàng,
khắp nơi cổng chào,biểu ngữ dựng lên. Mấy chục vạn người, trẻ, già, trai, gái đổ ra
đường trong những bộ quần áo đẹp nhất. Tay mọi người cầm cờ, hoa, ảnh, tập trung trên
các đường phố đón bộ đội. Họ phất cờ, thả chim bồ câu, đánh trống, hổi kèn, đàn hát,
múa sư tử, đốt pháo, hô khẩu hiệu; nhiều đồng bào vui sướng nhảy ra giữa đường ôm hôn
bộ đội. Đây là cảnh một đường phố, nhân dân Hà Nội đón chào bộ đội vào tiếp quản thủ
đô. (Giáo viên nêu nội dung bức ảnh như trên).
Khi bộ đội tiếp quản các khu phố, công nhân và thanh niên tự vệ các khu, đã cùng bộ đội,
công an được phân vào Hà Nội từ chiều hôm trước, giữ gìn an ninh trật tự. Đến 4 giờ
chiều, tên lính cuối cùng của quân Pháp rút hết sang phía bắc cầu Long Biên, và 4 giờ 30
phút, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội.
Chiều ngày10/10/1954, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do
Uỷ ban quân chính thành phố tổ chức.
Thật là một ngày vui lớn, ngày vui hội ngộ của những người con chiến thắng, của một
dân tộc đã chiến thắng”.
-Hướng dẫn sử dụng:
Trước hết GV cho HS quan sátbức tranh để tìm hiểu nội dung qua câu hỏi gợi mở
Hãy cho biết thời gian, địa điểm nơi bộ đội đi qua?
Không khí của nhân dân khi bộ đội tiến về giải phóng thu đô?
Sau khi HS trả lời, GV chốt ý như nội dung trên.
2.Hình.Nông dân được chia ruộng đất trong cải cách ruộng đất
Nông dân được chia ruộng trong cải cách ruộng đất .
-Nội dung :
Trong ảnh là cảnh người nông dân ở Thái Nguyên nhận ruộng đất do công việc thực hiện
“Cải cách ruộng đất” năm 1953 đem lại.
Qua bức ảnh cho thấy, rất đông người với băng cờ, biểu ngữ đứng trên cánh đồng. Một
người phụ nữ nông dân mặc quần đen, áo cánh nâu, đầu chít khăn mỏ quạ, bế trên tay đứa
con nhỏ, ăn mặc sạch sẽ và ấm áp,người phụ nữ trên môi nở nụ cười, nét mặt rạng rỡ đầy
phấn khởi, hài lòng. Trước mặt người phụ nữ là anh bộ đội đang cắm tấm biển (chắc là
tên người phụ nữ) vào thửa ruộng mà chị được chia. Từ đây, chị đã trở thành chủ thửa
ruộng đó, điều mà trước đây chị cũng như bao người dân cày nghèo khác có lẽ chỉ có
được trong những giấc mơ. Đảng và Chính phủ đã làm cuộc đổi đời cho họ. Từ nay, chị
và gia đình sẽ thoả sức cày cấy trên những thửa ruộng đó, tạo ra nhiều lúa gạo, bảo đảm
đời sống ấm no cho gia đình và ủng hộ cho kháng chiến. Tin gia đình được chia ruộng đất
bay đến chiến trường Điện Biên Phủ, đã góp phần không nhỏ trong việc động viên tinh
thần đối với các chiến sĩ Điện Biên, thúc đẩy các anh thêm hăng hái chiến đấu, quyết tâm
chiến thắng quân thù.
-Hướng dẫn sử dụng :
GV cho HS quan sát đồng thời tổ chức cho HS trả lời các câu hỏi:
Thái độ của nông dân khi được chia ruộng đất?
ý nghĩa của việc công cuộc cải cách ruộng đất?
HS trả lời câu hỏi. GV nhận xét và chốt ý.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (Tháng 7/1960)
Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng cụ Tôn Đức Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch nước
tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II (tháng 7-1960).
Mùa thu năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tại Thủ đô Hà
Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà
-Nội dung :
Từ ngày 7-15/7/1960 diễn ra kỳ họp thứ nhất của quốc hội khoá II. Quốc hội đã bầu Hồ
Chí Minh giữ chức Chủ tịch nước, Tôn Đức Thắng giữ chức Phó chủ tịch nước, Trường
Chinh giữ chức chủ tịch uỷ ban thương vụ Quốc hội, Phạm Văn Đồng giữ chức Thủ
tướng Chính phủ. Quốc hội bầu hội đồng quốc phòng, cử viện trưởng viện kiểm sát nhân
dân tối cao và chánh án toàn án nhân dân tối cao.
Trong kỳ họp, sau khi quốc hội công bố kết quả bầu cử, Bác Hồ và Bác Tôn đã đứng dậy
bắt tay nhau rất thắm thiết, nhìn nhau rất trìu mến, đầy vẻ thân thiện và cảm thông. ánh
mắt của cả 2 vị Chủ tịch và Phó chủ tịch đều toát lên vẻ thân tình, ân cần như 2 anh em
ruột xa nhau lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng. Cả 2 vị lãnh tụ đều ăn mặc giản dị,
không comblê, ca vát, nhưng rất lịch sự. Phía sau là các đại biểu quốc hội cũng đứng cả
dậy, vỗ tay hoan hô không ngớt, tỏ vẻ rất hài lòng về sự sáng suốt và đồng cảm của tất cả
các vị đại biểu quốc hội, những đại biểu ưu tú của nhân dân, đã chọn ra được những
người có tài, có đức đứng ra gánh vác công việc của đất nước.
Bức ảnh trên còn thể hiện tinh thần đoàn kết Bắc – Nam. Bắc - Nam là anh em ruột thịt,
là con một nhà. Bác Tôn sinh ở miền Nam, Bác Hồ sinh ở miền Bắc nhưng đều là con
của dân tộc Việt Nam
-Hướng dẫn sử dụng
GV cho HS quan sát đồng thời tổ chức cho HS trả lời các câu hỏi:
-Hãy nhận xét việc hai nhà lãnh đạo cao nhất của mước ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh và
Phó chủ tịch Tôn Đức Thắng bắt tay nhau với nụ cười thân thiện thể hiện điều gì?
-Ý nghĩa của việc hoàn thiện bộ máy củng cố chính quyền dân chủ nhân dân?
Sau khi HS trả lời GV nhận xét và chốt ý.
4.Hình . Lược đồ phong trào “Đồng khởi”
Lược đồ phong trào Đồng Khởi
-Nội dung :
Đây là lược đồ phong trào “Đồng khởi” ở miền Nam những năm 1959-1960. Sau khi hiệp
định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, Mĩ đã tìm cách phá hoại hiệp định, dựng lên
chính quyền tay sai Ngô Đình Diện ở miền Nam, nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta.
Từ năm 1954 – 1959, Mĩ –Diệm đã đàn áp khốc liệt đồng bào miền Nam, gây nên những
tội ác man dợ. Chính những hành động đó đã làm cho mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân
Việt Nam với đế quốc Mĩ và tay sai ngày càng thêm sâu sắc.
Trong bối cảnh đó, hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành trung ương Đảng ta đã họp
(tháng 1/1959) và chỉ rõ con đường cho cách mạng miền Nam. Dưới ánh sáng nghị quyết
hội nghị 15, ngọn lửa “Đồng khởi” trên nhiều vùng ở miền Nam đã bùng lên mạnh mẽ.
Từ tháng 2/1959, nhân dân ở vùng Đông và Tây Bắc Ái (Ninh Thuận) đã nổi dạy phá tề,
trừ gian; tháng 4/1959, nhân dân làng Tà Boóc, huyện Đắc Lây (Kon Tum) và nhiều làng
khác ở Kon Tum, Đắk Lắk đã nổi dậy diệt ác, rời làng vào rừng chống Mỹ-Diệm. Tháng
8/1959, tại các xã Trà Phong, Trà Lãnh, Trà Quân… thuộc huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi)
nhất loạt chiêng trống, tù và nổi lên triệu tập nhân dân đứng dậy tiêu diệt bọn cảnh sát,
bảo an… Phong trào phát triển nhanh chóng thành cao trào “Đồng khởi”, trong đó tiêu
biểu là ở Bến Tre.
Ngày 17/1/1960, nhân dân các xã Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ
Cày với gậy gộc, giáo mác… đã nổi dạy đánh đồn, diệt ác ôn, giải tán chính quyền địch,
giành lấy quyền làm chủ ở thôn xã. Cuộc nổi dậy lan ra toàn huyện mỏ cày, toàn tỉnh Bến
Tre và toàn Miền Nam.
“Đồng khởi” đã làm cho hệ thống kìm kẹp của Mĩ – Diệm ở thôn xã bị phá vỡ từng mảng
lớn. Ngày 20/12/1960, mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam – người đại diện
chân chính của nhân dân miền Nam đã ra đời…
-Hướng dẫn sử dụng :
GV cho HS quan sát đồng thời tổ chức cho HS trả lời các câu hỏi:
-Trước hết GV cho HS quan sát lược đồ, giới thiệu khái quát lược đồ. Đồng thời tổ
chức cho HS khai thác lược đồ với các câu hỏi:
-Địa điểm những nơi nhân dân nổi dậy?
-Phong trào đồng thời phát triển như thế nào?
-Nêu nhận xét về phong trào Đồng khởi?
5.Hình. Nhân dân nổi dậy ở Trà Bồng (Quảng Ngãi năm 1959)
Nông dân nổi dậy ở Trà Bồng ( Quảng Ngãi-năm 1959)
-Nội dung :
Đây là bức ảnh rút ra từ tập ảnh được lưu giữ tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam
Trong ảnh là cảnh nhân dân người dân tộc Co ở vùng cao huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng
Ngãi mang theo các biểu ngữ kéo nhau ra rãy, ra rừng, nhằm tẩy chay cuộc bầu cử của
Mĩ – Diệm (tháng 8/1959). Đoàn biểu tình có cả Nam và Nữ. Tất cả mọi người đều mặc
quần áo dân tộc, đi hàng hai với khí thế hừng hực, quyết đấu tranh với kẻ thù. Nhân dân
các xã Trà Phong, Trà Nham, Trà Thanh cũng đã vùng dạy dùng vũ khí thô sơ tiêu diệt
địch. Cuộc khởi nghĩa đã lan ra 16 xã vùng cao. Tất cả những người Co làm việc cho
chính quyền Sài gòn cũng tham gia khởi nghĩa. Địch phải rút khỏi huyện lị chuồn về tỉnh.
Các uỷ ban tự quản của nhân dân được thành lập. Ngày 3/9/1959, nhân dân xã Trà Phong
mở đại hội bầu ra Uỷ ban nhân dân tự quản. Sau đó, lần lượt 16 xã vùng cao đã bầu ra uỷ
ban nhân dân tự quản.
Liên tục trong 8 ngày đêm nổi dậy, nhân dân Trà Bồng đã đập tan bộ máy nguỵ quyền,
quét sạch các đồn bốt, tiêu diệt 161 tên địch và làm bị thương hàng trăm tên khác. Thắng
lợi của cuộc khởi nghĩa ở Trà Bồng có ý nghĩa to lớn, mở đầu một trang sử mới, góp
phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở miền Nam.
-Hướng dẫn sử dụng :
GV cho HS quan sát đồng thời tổ chức cho HS trả lời các câu hỏi
-Trình bày cuộc nổi dậy của nhân dân Trà Bồng.
-Ý nghĩa lịch sử ?
-Sau khi HS trả lời GV nhận xét và kết luận như nội dung trên.
6.Hình. Chiến thuật “Trực thăng vận” của Mĩ
-Nội dung :
Sau thất bại trong phong trào Đồng khởi (1959-1960) ở miền Nam.Mĩ chuyển sang chiến
lược “Chiến tranh đặc biệt” một chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mĩ
được tiến hành bằng quân đội tay sai, do “Cố vấn” Mĩ chỉ huy. Để thực hiện mưu đồ càn
quét và bình định miền Nam, chúng thực hiện chiến thuật “Trực thăng vận” , “Thiết xa
vận”.
Chiến thuật “Trực thăng vận” là chiến thuật quân sự của Mĩ được sử dụng trong chiến
tranh xâm lược Việt Nam, dùng máy bay lên thẳng vận chuyển nhanh chóng vũ khí và
quân lính chiến đấu, tấn công bất ngờ đối phương. Trong ảnh là cảnh tượng 2 trực thăng
của Mĩ vừa đổ bộ quân xuống và chuẩn bị bay đi, 5 lính được trang bị đầy đủ quân phục,
giày, mũ sắt, trên lưng đeo ba lô, còn súng quàng qua vai đưa về trước bụng, đang chạy
vội vã về phía trước. Qua bức ảnh ta thấy, đây là một chiến thuật hiện đại, diễn ra hết sức
nhanh chóng, bất ngờ, nhằm tiêu diệt lực lượng đối phương.
-Hướng dẫn sử dụng
GV cho HS quan sát đồng thời tổ chức cho HS trả lời các câu hỏi:
-Em hiểu thế nào về chiến thuật “trực thăng vận”?
-Quân Mĩ được trang bị như thế nào khi thực hiện chiến thuật “trực thăng vận”?
Sau khi Hs trả lời GV nhận xét và kết luận như nội dung trên.
7.Hình . Phá ấp chiến lược khiêng nhà về làng cũ
Ấp chiến lược
Phá “ấp chiến lược”, khiêng nhà về làng cũ
-Nội dung :
Trong việc tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” dựa vào lực lượng quân sự và
bằng những cuộc hành quân càn quét, Mĩ – Nguỵ ráo diết dồn dân, lập “ấp chiến lược” .
Chúng dự định dồn 10 triệu dân vào 16 nghìn ấp trong tổng số 17 nghìn ấp toàn miền
Nam bằng những thủ đoạn cưỡng bức trắng trợn. ấp lập đến đâu, địch giăng đồn bốt, bảo
an, dân vệ, chính quyền đến đó để kìm kẹp.
Nhân dân trong các “ấp chiến lược” bị kiểm soát gắt gao, ngột ngạt như trong các trại tập
trung. Mỹ – Nguỵ coi “ấp chiến lược” là một “quốc sách” và lập ấp chiến lược như một
cuộc chiến tranh tổng lực nhằm đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi các xã, ấp, tách dân
khỏi cách mạng, tiến tới nắm dân, thực hiện chương trình “Bình định” miền Nam.
Để chống địch “Bình định”, cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra giai dẳng, giằng co
nhau quyết liệt giữa lập và phá “ấp chiến lược”. Đến cuối năm 1962, mặc dù Mĩ- Nguỵ
đã huy động gần như toàn bộ quân vào nhiệm vụ càn quét, dồn dân, lập ấp chiến lược
nhưng chúng cũng chỉ thực hiện được một phần kế hoạch bình định. Trên nửa tổng số ấp
với gần 70% nông dân (6,5 triệu) toàn miền Nam vẫn do cách mạng kiểm soát.
Trong ảnh là cảnh nhân dân phá “ấp chiến lược” khiêng nhà về làng cũ. Nhà được làm
bằng tre, luồng và lợp gianh (rơm dạ đánh thành từng tấm). Có đến gần 2 chục người cả
ông già và thanh niên tham gia cùng với bộ đội và du kích. Không khí thật khẩn trương,
hối hả và tràn đầy quyết tâm, quân với dân một ý chí. Đó cũng là ý chí của nhân dân miền
Nam quyết tâm đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”của Mĩ. Qua đó cũng nói lên
phần nào sự thất bại của Mĩ –Nguỵ trong “chiến tranh đặc biệt”.
-Hướng dẫn sử dụng:
Cho HS quan sát và tổ chức cho HS trả lời các câu hỏi:
-Tại sao nhận dân ta cùng bộ đội giải phóng lại khiêng nhà về làng cũ?
-Sự việc đó thể hiện điều gì?
-Sau khi HS trả lời GV nhận xét và chốt ý như nội dung trên
Đoàn thị Hồng Điệp sưu tầm và tổng hợp
Đoàn Thị Hồng Điệp @ 11:30 17/03/2010