Tải bản đầy đủ (.doc) (27 trang)

Lễ hội làng Giang Xá

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (222.23 KB, 27 trang )

Website: Email : Tel : 0918.775.368
Lễ hội làng Giang Xá
1.1 Giới thiệu về Lễ hội làng Giang Xá
Kể từ năm 1955, trải suốt một thời gian dài làng Giang Xá không mở đại
đám dài ngày mà chỉ có đám lệ một ngày. Mãi đến năm 1989, nhân dịp cụm di
tích đình và đền của làng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử và kiến
trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống của làng mới được phục hồi. Từ đó đến nay,
như đã thành thông lệ, cứ 5 năm một lần, làng Giang Xá lại nô nức vào đám.
Cũng từ đó, lễ hội đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá không thể thiếu của
người dân nơi đây. Mỗi người dân Giang Xá đều mong mỏi đến năm làng mở
đại đám để được chứng kiến cái không khí tưng bừng tràn ngập trên khắp mảnh
đất quê hương mình.
Hội làng Giang Xá ngày nay được tổ chức từ ngày 11 đến 14 tháng Giêng.
Trong đó ngày 11 là chính hội, có tổ chức rước nghinh Thánh giá từ đền về
đình. Hội làng Giang Xá ngày nay là sự kết hợp của hội làng và hội lệ ngày xưa.
Trước đây, theo trí nhớ của dân làng, sau khi tách khỏi xã Lưu Xá (khoảng vào
đời Thành Thái), làng Giang và làng Lưu cùng thờ chung một Thánh. Vì vậy,
“gián niên nhất lệ”, năm chẵn làng Lưu mở hội, năm lẻ mới đến làng Giang.
Nhưng đó cũng chỉ là hội lệ, chỉ kéo dài một ngày. Còn đại đám thì rất hiếm khi
làng tổ chức, khoảng 5 năm, 10 năm hay 15 năm, chỉ khi nào trong làng có
nhiều việc vui, mùa màng bội thu thì dân làng mới mở đám và tổ chức rước
nghinh vào ngày 12 tháng Giêng. Nhưng đã mở hội thì thường kéo dài từ 10 đến
16 ngày, thậm chí có năm phải sang tháng Hai (âm lịch) mới tế xuất tịch, giã
đám.
Trung tâm của lễ hội làng Giang chính là vị anh hùng dân tộc Lý Nam Đế,
người đã được dân làng tôn làm Thành Hoàng. Tất cả những truyền thuyết về Lý
Bí và nhà nước Vạn Xuân đã lắng đọng trong tâm thức của người dân, nó trải
cùng thời gian và trở nên sống động hơn bao giờ hết trong lễ hội nơi đây. Mọi sự
kiện quan trọng trong cuộc đời của người anh hùng này đều được người dân
Giang Xá ghi nhớ và trân trọng. Năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 1500 ngày sinh
1


Website: Email : Tel : 0918.775.368
của Người (theo truyền thuyết ở địa phương thì Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm
Quí Mùi (503)), dân làng có nguyện vọng mở hội để tưởng nhớ sự kiện này
nhưng vì điều kiện không cho phép nên các cụ cao tuổi trong làng mới quyết
định năm Giáp Thân sẽ mở hội vào tháng Giêng, cũng là dịp để kỷ niệm 1460
năm ngày Lý Bí lên ngôi Hoàng đế và thành lập nên nhà nước Vạn Xuân. Chính
vì vậy, tuy không đúng vào năm mở hội theo thông lệ (nếu đúng theo lệ 5 năm
một lần thì đến năm 2005 mới là năm làng mở hội) nhưng người dân Giang Xá
vẫn nô nức chuẩn bị và chờ đón ngày vào đám.
2.1.Quá trình chuẩn bị
2.1.1.Các cuộc họp
Hội làng chính thức được mở vào ngày 11 tháng Giêng và chỉ kéo dài
trong vòng 4 ngày nhưng để tạo nên một lễ hội thành công, thể hiện được toàn
bộ những giá trị văn hoá tốt đẹp của cộng đồng thì đòi hỏi trước đó phải có quá
trình chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng. Trong quá trình chuẩn bị cho lễ hội, các cuộc
họp bàn luôn đóng vị trí quan trọng, tại các cuộc họp này, mọi ý kiến đều được
đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ bởi ai cũng muốn hội làng mình được tổ chức
suôn sẻ, chu đáo.
Đã thành lệ, cứ đến ngày 2 tháng Chạp âm lịch hàng năm, nhân dịp
lễ Kỳ phúc của làng, các cụ cao tuổi, Ban Khánh tiết, Ban Bộ lễ, chính quyền
địa phương… lại tổ chức họp tại đình để bàn về việc tổ chức lễ hội năm sau cho
dù năm đó làng mở hội lệ hay đại đám.
Trước cuộc họp, bao giờ cũng vậy, Ban Khánh tiết luôn là những người ra
đình sớm nhất để chuẩn bị lễ vật cho lễ Kỳ phúc, lễ vật thường rất đơn giản, chỉ
có oản, chè kho, trầu, rượu, gọi là lễ phù tửu. Tiếp sau đó, các cụ cao tuổi lần
lượt ra đình. Theo lệ của làng, hễ cứ ra đến đền, đến đình đều phải chuẩn bị
trang phục cho chu đáo, quần áo ăn mặc ra sao đều có quy định rõ ràng theo tuổi
tác. Các cụ từ 70 tuổi trở lên thì mặc áo thụng đỏ, riêng các cụ từ 80 tuổi trở lên
được đội mũ ni (là một loại mũ có hình trụ tròn, phía sau có may một dải dài
phủ xuống gáy, hai bên là hai miếng vải nhỏ che kín vành tai); Các cụ từ 60 tuổi

đến 69 tuổi mặc áo thụng xanh; Từ 50 đến 59 tuổi thì mặc áo thụng đen. Riêng
2
Website: Email : Tel : 0918.775.368
Ban Khánh tiết có thêm thắt lưng đỏ ngang hông, trên cổ có khăn bao khẩu đỏ.
Khi dâng lễ lên Thượng cung thì kéo lên che miệng để tránh nói chuyện làm mất
vẻ trang nghiêm. Một điều khá đặc biệt ở Giang Xá trong các sinh hoạt cộng
đồng, đó là việc sử dụng các danh từ chỉ tuổi tác như một đại từ nhân xưng khi
thưa gửi với người cao tuổi. Ví dụ, các cụ 90 tuổi được gọi là “cụ cửu”, 80 tuổi
được gọi là “cụ bát”…và trong khi bàn bạc, trao đổi ý kiến với các cụ, những
người tham dự luôn phải bắt đầu bằng câu: “ Thưa các cụ cửu, bát, thất, lục,
ngũ, đồng dân…”.
Trong cuộc họp ngày mùng 2 tháng Chạp, toàn bộ công việc lễ tiết của
năm được Ban Khánh tiết tổng kết, cả những việc đã làm được và những việc
chưa làm được đều được thông báo trước toàn thể nhân dân. Sau đó, mọi người
chuyển sang bàn về việc mở hội của năm sau, thông thường nếu năm sau làng
chỉ có hội lệ thì không cần có sự tham gia của chính quyền, các cụ đại diện cho
dân làng sẽ tự quyết định toàn bộ chương trình. Những năm làng mở đám đại trà
thì cần thành lập Ban Tổ chức với sự tham gia của đại diện UBND và MTTQ.…
Sau khi thành lập, Ban Tổ chức sẽ tiến hành chia thành các tiểu ban và
phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban đó. Ví dụ như Tiểu ban thư ký có
nhiệm vụ thường trực để tiếp nhận các khoản đóng góp công đức của nhân dân
và cho niêm yết danh sách công khai cho dân làng biết, đồng thời chịu trách
nhiệm toàn bộ về việc thu, chi của lễ hội; Tiểu ban lễ tân gồm các bà trong Hội
Phụ nữ, có nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách giao hiếu, mời khách thụ lộc; Tiểu
ban cờ có chức năng tuyển chọn quân cờ và tổ chức sân chơi cờ người…
Sau cuộc họp ngày mùng 2, đến ngày 15 tháng Chạp, nhân tuần vọng cuối
cùng của năm, những gia đình có người thân lên tuổi tròn (50, 60, 70, 80, 90,
100) đều đội lễ ra đền và có lời với dân để dân xếp lễ, cho phép ra Giêng dự lễ
Khánh thọ của làng. Cũng nhân dịp này, làng tổ chức bàn giao giữa Ban Khánh
tiết cũ và Ban Khánh tiết mới. Ở Giang Xá, Ban Khánh tiết bao gồm toàn bộ

nam giới trong Hội Đồng canh của lứa tuổi 50, họ có nhiệm vụ chủ trì toàn bộ
công việc lễ nghi của làng trong vòng một năm, tất cả các tuần tiết của năm, kể
cả các ngày sóc, vọng, Ban Khánh tiết phải thay mặt cho toàn thể dân làng
3
Website: Email : Tel : 0918.775.368
chuẩn bị lễ phù tửu để mang ra đình, ra đền, ra chùa. Trong Ban Khánh tiết sẽ
bầu ra một người làm Trưởng ban để chịu trách nhiệm bao quát chung. Ông
Trưởng ban phải đáp ứng một số tiêu chuẩn như gia đình phải song toàn, vợ
chồng, con cái thuận hoà, bản thân ông ta cũng phải là người có đủ tư cách đạo
đức, không có điều tiếng gì xấu trong làng. Trưởng Ban Khánh tiết cũng thường
là Trưởng Hội Đồng canh. Trong trường hợp đặc biệt như gia đình vướng bụi
(tức là có tang) thì trưởng Ban Khánh tiết phải nghỉ. Trong ban sẽ cử người khác
lên thay. Các thành viên khác của Ban Khánh tiết cũng vậy. Nếu người nào mà
gia đình, họ hàng có người qua đời thì người đó chỉ được tham gia vào việc
chuẩn bị lễ vật chứ không được tham gia các công việc ngoài đình, đền. Trong lễ
bàn giao, cả ban mới và ban cũ đều phải sửa cơi trầu để làm lễ Thánh. Lễ của
ban cũ gọi là lễ tạ, còn lễ của ban mới gọi là lễ trình. Sau lễ bàn giao, Ban
Khánh tiết mới sẽ đảm nhận toàn bộ công việc lễ tiết và chuẩn bị cho lễ hội của
năm mới.
Cùng trong ngày 15, làng sẽ cử ra cụ Đăng cai mới cho năm sau. Cụ Đăng
cai thông thường là Trưởng Hội Đồng canh tuổi 70, có gia đình song toàn, thông
thạo công việc của làng và không có tang trở. Cụ Đăng cai là người đại diện cho
các cụ cao tuổi trong làng (từ 70 trở lên) để sắp xếp cùng với Ban Khánh tiết,
Ban Bộ lễ về công việc hội hè, lễ tiết của làng trong vòng một năm. Thông qua
cụ Đăng cai, Ban Tổ chức sẽ tham khảo ý kiến của các cụ cao tuổi để đề ra
chương trình cụ thể của lễ hội sao cho đúng với phong tục, tập quán của làng.
Trong lễ bàn giao, cụ Đăng cai mới cũng phải sửa cơi trầu làm lễ trình trước
Thánh.
Sau buổi lễ bàn giao của Ban Khánh tiết và cụ Đăng cai, dân làng lại tiếp
tục bàn về công việc chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Lần họp này, Ban tổ chức đã

đưa ra chương trình lễ hội dự kiến để tham khảo ý kiến của các cụ cửu, bát, thất
và nhân dân.
Sau các cuộc họp toàn dân tại đình, đền với sự tham gia của các cụ trong
làng, để chuẩn bị cho lễ hội, cứ định kỳ một tuần hay mười ngày, ban tổ chức lại
tiến hành các cuộc họp riêng để phân công công việc cụ thể theo như chương
4
Website: Email : Tel : 0918.775.368
trình đã định. Các cuộc họp của Ban Tổ chức thường được tiến hành tại nhà cụ
Đăng cai. Mặc dù không có sự tham gia của các cụ cửu, bát, thất nhưng thông
qua cụ Đăng cai, các cụ luôn nắm được công việc cụ thể của Ban Tổ chức và có
những ý kiến đóng góp kịp thời. Cũng trong các buổi họp này, Ban Tổ chức đã
thành lập nên một ban trù bị gồm 6 người để chịu trách nhiệm soạn và kiểm kê
lại toàn bộ số trang phục dành cho hàng đô, chức việc, cũng như các tàn, quạt,
cán cờ, khung lọng... Đồng thời, các thành viên của các tiểu ban cũng căn cứ
vào nhiệm vụ cụ thể của ban mình để tiến hành lên danh sách và chọn lựa các
Hội Đồng canh phù hợp để phân công công việc. Tất cả các công việc chuẩn bị
cho lễ hội đều được cụ thể hóa từng chi tiết cho từng nhóm, từng ngày trong
suốt thời gian từ đó cho đến khi diễn ra lễ hội. Ví dụ: Ban Khánh tiết có trách
nhiệm tu lễ trong thời gian lễ hội, lễ vật gồm những gì, số lượng là bao nhiêu
đều do ban tổ chức căn cứ theo yêu cầu của từng ngày để quy định và phân công
cụ thể. Trong các cuộc họp này, các bộ phận được phân công nhiệm vụ phải báo
cáo chi tiết công việc và chương trình hoạt động của mình trong lễ hội. Đồng
thời, về mặt nghi lễ, ông trưởng thôn với tư cách là Phó trưởng ban tổ chức cũng
phải luôn bám sát những thông tin do cụ Đăng cai, ông Trưởng Ban Bộ lễ,
Trưởng Ban Khánh tiết, những người đại diện cho dân làng, thông báo để tham
khảo ý kiến của các cụ cao tuổi, nếu có khó khăn gì, cần bổ sung gì thì xin các
cụ góp ý.
Việc bàn bạc cho tổ chức lễ hội diễn ra rất tỷ mỉ, tất cả các bộ phận được
giao nhiệm vụ đều hồ hởi và cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất,
bởi ai cũng nghĩ đó là một vinh dự và trách nhiệm khi được góp sức mình để

làm việc “ Nhà Thánh”, để phục vụ việc làng.
Buổi họp cuối cùng diễn ra tại đình vào chiều ngày mùng 10 tháng Giêng,
ở cuộc họp này, toàn bộ chương trình của lễ hội được rà duyệt lần cuối. Đặc biệt
tại đây, các cụ và ban tổ chức sẽ sắp xếp lần cuối cùng cho đoàn rước ngày hôm
sau, thứ gì đi trước, thứ gì đi sau đều được quyết định cụ thể và thông báo công
khai cho mọi người cùng biết. Nếu có gì sơ suất thì các cụ sẽ góp ý ngay để kịp
thời khắc phục.
5
Website: Email : Tel : 0918.775.368
2.1.2. Lựa chọn hàng đô, chức việc và quá trình luyện tập
Hội làng chính là dịp để người dân tưởng nhớ đến công lao của Thành
hoàng làng mình thông qua các hoạt động như tế lễ, rước xách… chính vì vậy
những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động này đều phải được lựa chọn
kỹ lưỡng và trải qua quá trình luyện tập công phu từ nhiều tháng trước khi vào
hội.
Trong bất cứ lễ hội nào, đoàn rước luôn có vị trí quan trọng nhất, là hoạt
động trung tâm thu hút sự chú ý của những người tham dự hội. Những người
được tham gia vào việc phục vụ đoàn rước luôn cảm thấy rất vinh dự và tự hào,
bởi lẽ có nhiều người trong cả cuộc đời mình họ chỉ có được một lần đảm nhận
công việc quan trọng này. Ở Giang Xá, những người tham gia khiêng kiệu trong
đoàn rước được gọi chung là hàng đô. Hàng đô phần lớn là nam giới được lựa
chọn từ các Hội Đồng canh. Mỗi Hội Đồng canh sẽ được giao đảm nhận một
công việc cụ thể căn cứ vào số lượng người cũng như độ tuổi của hội đó. Ví dụ,
việc khiêng nhang án cần tám người thì ban tổ chức sẽ tìm một hội có khoảng 10
đến 16 người (kể cả người để thay thế), ở độ tuổi trên dưới 30 để giao nhiệm vụ,
hay như việc khiêng kiệu cỗ cần bốn người thì cũng phải chọn một hội thích
hợp. Sau khi đã lên danh sách các Hội Đồng canh và các công việc dự kiến của
hội đó, Ban Tổ chức sẽ cho mời các ông Trưởng Hội ra để bàn giao cụ thể công
việc. Các Trưởng Hội Đồng canh sẽ về và tổ chức anh em trong hội mình luyện
tập sao cho hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

Tuy vậy, không phải tất cả hàng đô đều được chọn lựa từ các Hội Đồng
canh. Theo lệ của làng từ xưa, riêng hàng đô phù giá - Những người lãnh trách
nhiệm khiêng kiệu Thánh, phải là những “trai thanh” với độ tuổi từ 18 đến 20,
chưa lập gia đình, có ông bà, bố mẹ song toàn, bản thân người đó phải khoẻ
mạnh, có đạo đức và không có tang chế. Chính vì vậy việc lựa chọn hàng đô phù
giá luôn là một công việc tốn nhiều công sức và thời gian. Ban Tổ chức phải rà
soát toàn bộ các gia đình trong làng để tìm ra các thanh niên đáp ứng đủ tiêu
chuẩn. Sau đó, đại diện của ban phải đến từng nhà để có lời với gia đình và mời
người đó tham gia phục vụ việc làng.
6
Website: Email : Tel : 0918.775.368
Nếu như trước đây tế tự, hội hè là việc dành riêng cho nam giới thì đến
nay điều này không còn đúng nữa. Từ nhiều năm trở lại đây, phụ nữ ở Giang Xá
được khuyến khích tham gia các công việc của làng. Chính vì vậy, trong lễ hội
của làng ngày nay, ta thấy có sự tham gia của các hàng đô nữ. Cũng như hàng
đô phù giá, số lượng hàng đô nữ tuy không nhiều nhưng được chọn lựa rất kỹ
càng. Họ phải là những “gái lịch”, chưa có chồng, ông bà bố mẹ còn đầy đủ,
không mắc ưu, mắc bụi.
Sau khi đã chọn đủ số hàng đô theo yêu cầu, công việc luyện tập được bắt
đầu. Việc luyện tập của hàng đô do các Cán biện phụ trách, Cán biện nam phụ
trách hàng đô nam, Cán biện nữ phụ trách hàng đô nữ. Trước đây ở Giang Xá,
tất cả các hàng đô tham gia lễ hội là do các phiên cử ra. Phiên là tổ chức dựa
trên cơ sở liên gia, toàn bộ số trai đinh của làng được chia đều thành tám phiên,
mỗi phiên bao gồm các gia đình nằm liền nhau trong cùng một khu vực, vì thế
có thể cùng họ, cùng giáp nhưng không cùng phiên. Trong khi đó, các Cán biện
là do hội Tư văn cử ra. Hội Tư văn là tổ chức của những người có học, hiểu biết
lễ nghĩa và là phải là con nhà khá giả, điều này cho thấy tầm quan trọng của
chức Cán biện đối với việc tổ chức lễ hội. Ngày nay, hội Tư văn không còn nữa,
nhưng việc lựa chọn Cán biện vẫn phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn khá khắt
khe. Cán biện phải là những người có độ tuổi từ 50 đến 69, có sức khoẻ, thông

thạo việc làng, có phong độ nghiêm trang. Có sáu Cán biện đảm nhận toàn bộ
công việc phân bổ hàng đô kiệu cũng như bố trí thời gian để tập luyện tại sân
đình. Trước khi bắt đầu tập, Cán biện cho toàn bộ hàng đô tập trung một buổi
chiều để nói rõ về tầm quan trọng của lễ hội. Sau đó bắt đầu “nghiêm quân” sao
cho thật thạo, đi, đứng, lùi, quay, lên cao xuống thấp, xoay ra xoay vào đều phải
khớp với nhịp trống. Khi đổi vai, Cán biện gụ vào thành trống để làm dự lệnh
cho hàng đô chuẩn bị, sau đó gõ vào mặt trống ba tiếng; tiếng thứ nhất, hàng đô
nhất loạt lui chân phải về đằng sau khoảng một bàn chân tạo thế chân chèo;
tiếng thứ hai, bá hai tay vào đòn kiệu, ép sát khuỷu tay vào ngực ở thế giữ thăng
bằng; tiếng thứ ba, ngửa ra đằng sau, đồng thời luồn mặt qua đòn kiệu, đặt đòn
kiệu đưa chân lên ở tư thế đứng nghiêm. Khi đi, trống điểm ba tiếng khoan hoà
7
Website: Email : Tel : 0918.775.368
“tông, tông - tông” (giữa tiếng thứ hai và tiếng thứ ba có khoảng cách dài hơn
hai tiếng đầu). Khi nghe tiếng trống, hàng đô thống nhất bước chân trái lên hai
bước ngắn để tránh rung kiệu, đặc biệt phải lưu ý, mỗi bước chỉ bằng một bàn
chân. Trong khi tập, Cán biện phải nhắc nhở mọi người những điều cần tránh
khi khiêng kiệu như không được bước bước một, không được bước chân nọ kê
chân kia.
Cùng với hàng đô, việc chọn quân cờ cũng được tiến hành. Cờ người vốn
là một trò chơi phổ biến của nhiều địa phương mỗi dịp xuân về. Sau nhiều năm
gián đoạn không tổ chức được, đến năm 2000, làng Giang Xá mới có điều kiện
khôi phục hội cờ truyền thống. Muốn chơi cờ người, trước hết phải lựa chọn
những người phụ trách sân cờ, gọi là cụ Tổng cờ và các bà Cai cờ. Từ xưa đến
nay, Tổng cờ và Cai cờ ở Giang Xá đều do các bà đảm nhận. Tổng cờ là người
bao quát chung toàn bộ quá trình từ lựa chọn quân cờ, luyện tập cho đến khi ra
dàn quân trên sân. Cụ Tổng cờ phải là người đã có tuổi (từ 70 trở lên), hiểu biết,
có phong thái, dáng vẻ ưa nhìn, gia đình cũng phải thuộc loại khá giả, có của ăn
của để. Giúp việc cho cụ Tổng cờ là hai bà Cai cờ, có độ tuổi từ 40 đến 50, cũng
phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung như các chức việc khác của làng. Các bà Cai

cờ sẽ trực tiếp lựa chọn và huấn luyện quân cờ.
Công việc chọn lựa bắt đầu bằng việc lên danh sách quân cờ. Đội cờ gồm
32 quân, chia làm hai bên, một bên nam và một bên nữ. Toàn bộ quân cờ phải là
các nam thanh, nữ tú (trai chưa vợ, gái chưa chồng), đang ở độ tuổi trăng tròn,
hoặc18, đôi mươi, gia đình phải còn đủ cả ông bà, cha mẹ và không “vướng bụi”
trong thời gian tham gia đóng vai. Để chọn đủ 32 quân cờ, các bà Cai cờ phải đi
từng nhà có con trai, con gái đáp ứng đủ tiêu chuẩn và có lời với gia đình cho
các cháu ra đình để dân làng chọn tuyển. Công việc tuyển quân cờ mới thực sự
cuốn hút và hồi hộp làm sao. Thoạt đầu, phải tiến hành so vai để chọn những
người có chiều cao bằng nhau, những người có thân hình cân đối, khuôn mặt có
nét, có sắc. Số quân cờ có 32 quân nhưng phải chọn thêm một số người dự bị.
Sau khi chọn đủ quân cờ, công việc luyện tập bắt đầu. Cũng giống như hàng đô,
quân cờ cũng phải tập sao cho mọi hành động, khi đứng khi ngồi, khi ra khi vào,
8
Website: Email : Tel : 0918.775.368
khi tiến khi thoái, khi sắp hàng khi vào lễ, đều có phép tắc, có thứ tự, chỉ nghe
tiếng trống của bà Cai cờ làm hiệu mà thực hiện. Trong quá trình luyện tập, cụ
Tổng cờ và các bà Cai cờ phải chú ý quan sát cử chỉ, dáng điệu, nét mặt của
từng người để chọn sắm các vai phù hợp. Bao giờ cũng vậy, các vai tướng kể cả
tướng nam và tướng nữ phải là những người có dung mạo trội nhất, nét mặt phải
sắc sảo, dáng người cũng phải cân đối, có phong độ. Tiếp sau đó phải chọn các
vai sĩ, tượng, xe, pháo…Tất cả việc chọn lựa này, phải được giữ bí mật hoàn
toàn trong suốt quá trình tập, cho đến mùng 5 tháng Giêng, cụ Tổng cờ mới cho
công bố chính thức người nào vào vai nào, ghế nào. Toàn bộ công việc luyện tập
chỉ kết thúc trước khi lễ hội diễn ra vài ngày. Khi mọi công việc chuẩn bị cho
quân cờ đã hoàn tất, cụ Tổng cờ phải làm lễ trình Thánh và khao quân cờ. Khao
quân cờ ngày xưa là phải làm cỗ mặn, làm thật linh đình và mời tất cả quân cờ
đến nhà để ăn uống. Ngày nay, việc khao quân được đơn giản hoá rất nhiều, chỉ
tổ chức tiệc trà, bánh kẹo. Sau cụ Tổng cờ, tướng ông, tướng bà cũng phải làm
lễ trình và chọn ngày khao quân.

Cùng với hàng đô, quân cờ, các bộ phận khác cũng bắt tay vào công việc
chuẩn bị cho lễ hội. Phường trống, Phường kèn, Hội Sênh tiền, múa lụa, cờ reo,
cờ hiệu…ngày ngày tập trung các thành viên tại sân đình để luyện tập. Mọi
người ai cũng cố gắng tập thật chăm chỉ để đến ngày vào hội không xảy ra sơ
suất gì kẻo làng chê trách.
Trong lễ hội, ngoài đoàn rước, các hoạt động tế, lễ cũng là một nội dung
rất quan trọng. Chính vì vậy, để đảm bảo cho các cuộc tế, lễ diễn ra trang trọng,
từ nhiều ngày trước khi vào hội, Ban Bộ lễ phải tổ chức cho các quan viên tế
luyện tập thật chu đáo. Ở Giang Xá, Ban Bộ lễ do dân cử ra, gồm có bốn người,
độ tuổi từ 60 trở lên, gia đình phải toàn vẹn ông bà, bố mẹ, đồng thời người
được cử vào Ban Bộ lễ phải có đạo đức, có tinh thần trách nhiệm cao. Khi một
người trong Ban Bộ lễ vướng bụi thì phải xin nghỉ và ba người còn lại sẽ làm
thay phần việc của ông ta. Trong trường hợp Ban Bộ lễ chỉ còn lại hai người thì
làng sẽ cử thêm người vào Ban Bộ lễ để đảm bảo công việc. Ban Bộ lễ có trách
nhiệm quán xuyến toàn bộ công việc lễ tiết của làng, chịu trách nhiệm tổ chức
9
Website: Email : Tel : 0918.775.368
việc tế, lễ, kiểm tra lễ vật do Ban Khánh tiết chuẩn bị, nếu chưa đúng yêu cầu thì
nhắc Ban Khánh tiết làm lại.
Dưới Ban Bộ lễ là Ban Chấp sự, chịu trách nhiệm trực tiếp về tế, lễ. Ban
này gồm 22 người, độ tuổi từ 45 trở lên, cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung
về gia đình và cá nhân như các chức việc khác. Trong suốt thời gian dài trước
đây, khi làng còn bát giáp, những người trong Ban Chấp sự là do các giáp cử ra.
Họ phải trải qua một quá trình luyện tập rất công phu. Theo truyền thống của
làng, các nam thanh niên đến tuổi 16, 17 tuổi đã bắt đầu được học tế, học lễ. Cứ
vào những đêm tháng Tám sáng trăng, trai làng trong các giáp lại tập trung tại
các nhà có sân rộng để học tế, lễ do một cụ cao tuổi, thông hiểu việc làng hướng
dẫn. Cùng với thời gian, làng trải qua nhiều thay đổi, nhưng việc lễ nghĩa vẫn
luôn được bảo lưu. Ban Chấp sự dưới sự chỉ huy của ông Chủ tế vẫn duy trì toàn
bộ các nghi thức trong việc tế tự của làng. Là người giữ trọng trách quan trọng,

thay mặt cho dân làng thực hiện các nghi lễ với thần thánh, ông chủ tế phải được
lựa chọn rất kỹ lưỡng, phải là người trên 60 tuổi, còn khoẻ mạnh, ngoại hình cân
đối, dung mạo nghiêm trang, sáng sủa, không có khuyết tật, gia đình của Chủ tế
cũng phải là người sống lâu đời ở làng, bản thân ông ta cũng phải song toàn,
đông con nhiều cháu và có đủ cả con trai, con gái. Dưới sự hướng dẫn của Chủ
tế và Ban Bộ lễ, trước lễ hội nhiều ngày, quan viên tế ở làng cũng luyện tập như
các bộ phận khác. Ở Giang Xá, việc tế lễ ở đình, đền phải tuân thủ theo những
quy tắc rất chặt chẽ, vì thế khi học, ông Chủ tế phải hướng dẫn tỷ mỉ cho Ban
Chấp sự từ cách làm lễ Thập bái, cách đi đứng sao cho trông thật khoan thai mà
vẫn trang nghiêm, cách để tay khi dâng rượu, dâng hương, cách quỳ ở chiếu…
tất đều phải thực hiện sao cho đều, cho đẹp, cho thật nhịp nhàng với tiếng nhạc
của phường bát âm, của chiêng, trống điểm trên sân tế.
Toàn bộ quá trình chuẩn bị được diễn ra thật khẩn trương, sôi nổi. Các bộ
phận đều cố gắng tập trung làm tốt công việc của mình. Ngày mùng 10 tháng
Giêng, sau khi đã luyện tập đâu ra đấy, tất cả hàng đô, chức việc tập trung tại
đình để duyệt lại lần cuối để ngày hôm sau vào đám đảm bảo không xảy ra sơ
suất gì. Trong buổi tập này, dùng đủ các đồ trần thiết như đi rước thật, hàng đô,
10

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×