Tải bản đầy đủ (.docx) (14 trang)

ĐỘ LỆCH GIỮA HIỆN THỰC XÃ HỘI VÀ TIỂU THUYẾT MĨ LA TINH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (239.87 KB, 14 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA: NGỮ VĂN- LỚP CỬ NHÂN VĂN 2B
MÔN: VĂN HỌC MĨ LA TINH

ĐỀ TÀI:
ĐỘ LỆCH GIỮA HIỆN THỰC XÃ HỘI VÀ
TIỂU THUYẾT MĨ LA TINH

Giảng viên hướng dẫn: Nguyễn Thành Trung
Sinh viên thực hiện: Phạm Nguyễn Huỳnh Như
MSSV: K38.606.088
TP.HỒ CHÍ MINH, THÁNG 05 NĂM 2014
MỤC LỤC
1.Sự chênh lệch về bối cảnh chính trị xã hội
1.1. Chế độ xã hội với bộ máy hành chính chuyên quyền, độc đoán
1.2. Quyền lực chi phối số phận con người
2. Hình tượng nhân vật trong tác phẩm
2.1. Nhân vật có quyền lực thống trị tuyệt đối
2.2. Bộ máy tay sai đắc lực
2.3. Thân phận nhỏ bé của người dân
2.4. Nhân vật nửa thiện nửa ác
3. Bức tranh tâm lí
4. Xóa nhòa ranh giới giữa giấc mơ- hiện thực
5. Kết luận
1. Sự chênh lệch về bối cảnh xã hội, chính trị:
1.1.Chế độ xã hội với bộ máy hành chính chuyên quyền, độc đoán:
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước Mĩ La Tinh nằm trong tầm ngắm của Mĩ. Mĩ đã
dùng sức mạnh của đồng đô la để chi phối các nước Mĩ La Tinh về kinh tế, chính trị, xã hội và
gây dựng ở đây chế độ độc tài. Những tên độc tài nắm quyền gây ra biết bao đau khổ không
những riêng xã hội mà còn trong đời sống riêng của từng người. Quyền lực của chúng to lớn và
bao trùm lên toàn bộ khu vực rộng lớn này.


Thế nhưng, các tiểu thuyết Mĩ La Tinh chỉ mô tả và phê phán chế độ chuyên quyền này
trong một vài nét tiêu biểu , có chọn lọc cho phù hợp với mục đích của người viết. Chẳng hạn
như, tác phẩm “ Ngài Tổng thống” của Miguel Angel Asturias đã khắc họa lên bức tranh hiện
thực tàn khốc của đất nước Guatemala chỉ bằng vài chi tiết nhưng cũng đủ để phản ánh toàn bộ
bối cảnh xã hội lúc ấy.
Để thể hiện tính chuyên quyền, độc đoán của bộ máy hành chính, tác giả đã lựa chọn chi tiết
bắt giữ người một cách vô lí. Những người dân bị bắt bởi vì họ vô tình làm trái ý Ngài Tổng
thống.Chẳng hạn như, một ông thầy cả không biết chữ bị bắt vì xé nhầm tờ giấy thông cáo về
ngày sinh cụ cố tổng thống trên nhà thờ. Viên thư kí người Ngài hay gọi là “ con vật đó” bị tống
giam vì lỡ tay làm đổ lọ mực vào tờ công văn ngài đang kí. Lính tuần tra vô cớ bắt một người
qua đường nào đó, khám xét từ đầu đến cuối và không mang vũ khí vẫn bắt mang về nhà giam vì
bị nghi là du đảng, phản loạn hay chỉ vì một câu nói của viên chỉ huy là “ Mặt thằng cha này rất
khó coi”. Còn luật sư Abel Carvajol bị bắt trong một trường hợp thật lạ lùng. Khi anh ta đi chúc
mừng Ngài Tổng thống trong bộ quần áo chỉnh tề. Không chỉ nhân dân mà ngay cả những người
nằm trong bộ máy chuyên quyền ấy cũng bị giam giữ bởi những nguyên nhân vu vơ. Ngài đại
tướng Canalet vì trong bài diễn thuyết của mình đã gọi quân lính là “ những ông hoàng của quân
đội” nên nằm trong tầm ngắm của Ngài Tổng thống. Bác sĩ Barênhô vì tố cáo với Ngài Tổng
thống việc giám đốc quân y ăn cắp tiền của nhà nước, mua thuốc muối của các hang nước chanh
về làm thuốc tẩy khiến hơn một trăm người bị thủng dạ dày và bị thiệt mạng. Lập tức ông bị
Ngài tổng thống gọi lên cảnh cáo vì như vậy là xúc phạm đến Ngài và có ý định chống đối Ngài.
Những người bị bắt dù không có tội nhưng vẫn được bộ máy cầm quyền định ra một nào đó
cho họ. Để kết tội cho phạm nhân, họ sẵn sàng lập ra những kế hoạch với hệ thống nhân chứng,
vật chứng một cách hợp lí và không thể bắt bẻ được. Trong tác phẩm, đã có rất nhiều nạn
nhân chịu oan ức trước sự cưỡng chế này. Đó là khi kết tội ám sát đại tá José Parrales Sonriculê,
ngài Tổng Thẩm sát đã tra tấn những người ăn mày ở phố Hàng Hiên cho đến khi họ chịu khai
rằng viên đại tá là do ngài đại tướng Canalet ám sát. Trong khi hung thủ gây ra cái chết của đại tá
là thằng Hình Nhân. Và lão Muỗi người duy nhất khai đúng sự thật đã bị bắn chết vì khai man.
Phiên tòa xét xử ngài đại tá là minh chứng rõ nhất cách thức buộc tội người khác của bộ máy
cầm quyền. Người ta cho ông xem hồ sơ vụ án của mình vào những phút cuối trước khi xét xử.
Họ đã sáng tạo ra một hồ sơ tội trạng vô cùng hoàn hảo. Họ không ngại ngần bẻ cong lại sự việc

ám sát xảy ra rại phố Hàng Hiên Đức Chúa. Và càng đọc bộ hồ sơ Carvajol lại cảm thấy “ người
ta đã buộc tập hồ sơ nặng trĩu này vào cổ mình để mình lăn xuống một cái vực thẳm”. Trong
phiên tòa, tất cả sự việc đối với Carvajol “ như một giấc mơ, nửa như nghi lễ, nửa như trò hề.
Ông là diễn viên chính”. Đứng trước những lời buộc tội mình, Carvajol không thể tự bào chữa
cho mình hay nói đúng hơn là không ai chịu nghe ông bào chữa. Ông cảm thấy đau đớn vì “ lời
nói trong miệng ông cứ rời rạc như ruột bánh mì thấm nước”.
Thậm chí nếu chúng không buộc tội được thì chúng sẵn sàng tìm cách để xử lí người đó một
cách bí mật. Chi tiết ngài tổng thống xử phạt Diện Mạo Thiên Thần đã thể hiện điều này. Ngài đã
tìm một người khác giả mạo Diện Mạo Thiên Thần đến Hoa Thịnh Đốn trong khi bắt hắn ngay
trên chuyến tàu đi đến đó. Mọi người cứ đinh ninh rằng Diện Mạo Thiên Thần đang sống một
cách sung sướng tại nước ngoài và Camila cứ nghĩ rằng chồng nàng đã phản bội nàng nhưng
thực chất hắn đang sống dở chết dở tại nhà giam. Hay là việc ra lệnh xử bắn thằng Hình Nhân
khi thấy hắn xuất hiện tại Hàng Hiên mà không cần phải bắt giam.
Ngoài ra, cuộc sống của người dân luôn được đặt dưới tầm kiểm soát của bộ máy hành chính
cầm quyền. Nhất cử nhất động của người dân đều được giám sát bằng mạng lưới mật thám khắp
thành phố. Điều này đã được chứng tỏ trong chương “ Thư từ của Ngài Tổng thống”. Mỗi ngày
ngài đều nhận được hàng loạt thư từ của những người muốn lập công với ngài. Họ xuất thân từ
tầng lớp thấp hèn và làm nhiều thứ nghề khác nhau trong xã hội. Những người họ tố cáo có thể
có quan hệ mật thiết với họ hay không có bất kì quan hệ gì cả. Đó là những người chủ của hàng
tố cáo khách hàng, linh mục tố cáo người bạn linh mục của mình , quản lí bất động sản tố cáo
chủ nhân, người dân tố cáo người tình cờ chạy quan nhà anh ta, bệnh nhân tố cáo người bệnh
nằm bên cạnh,… Chính vì thế, người ta không bao giờ nghi ngờ hay đề phòng họ.
Nhà tù trong cái nhìn của nhà văn bị khác đi. Nhà tù là nơi giam giữ những người có tội. Nó
là nơi tối tăm và bẩn thỉu, nơi chứa đựng những tội lỗi xấu xa và cái ác cùng cực. Thế nhưng
trong tác phẩm, nó được gọi bằng cái tên hết sức mĩ miều “ Nhà mới”. Nhà văn đã miêu tả tập
trung những bức tường và những hình vẽ kì lạ trên đó. Qua đó, ông muốn phân tích rõ tâm trạng
của tù nhân khi đứng trong bóng tối cô đơn lạnh lẽo của ngục tù. Đó là những hình vẽ tục tằn
chằng chịt như: những cây thánh giá, những câu kinh, những tên người, những ngày tháng,
những con số huyền bí bện chặt lấy nhau, những bộ phận sinh dục đủ cỡ. Và khung cảnh được
nhìn thấy là những lời dạy của chúa bên cạnh dương vật, một bầy quỷ sừng cong queo như

những cái giá nến,… Những hình vẽ này làm cho người ta khiếp sợ và muốn trốn thoát khỏi cái
thế giới điên loạn đó. Khi đắm chìm vào đó, những hình ảnh đưa người ta đến một thế giới mới-
một thế giới toàn là ác mộng. Họ quên mất thực tại và bị bóng tối bao vây. “ Cái đêm đầu tiên
trong nhà tù thật khủng khiếp. Người tù dần dần đứng trơ vơ trong bóng tối, như tách khỏi cuộc
sống giữa một thế giới ác mộng. Tường biến đi, trần biến đi, đất biến đi, thế nhưng tâm hồn vẫn
không cảm thấy tự do mà cảm thấy mình đã chết”
Để đánh giá về cái hiện thực cuộc sống đầy rối ren và khủng hoảng lúc ấy, Asturias đã dùng
lời rao xổ số điển hình của lão Fulgencio.“ Ông bạn ạ, ông bạn ạ! Ở cái đất này chỉ có một thứ
luật lệ duy nhất thôi, tức là xổ số: do xổ số mà người ta phải vào tù, do xổ số mà người ta bị xử
bắn, nhưng cũng nhờ xổ số mà người ta thành nghị sĩ, thành nhà ngoại giao, thành Tổng thống
nước Cộng hòa, thành đại tướng hay thành bộ trưởng! Ở đây, học hành mà làm quái gì, bởi vì
mọi sự đều là xổ số kia mà!” . Ở cái thế giới này, để sống sót chỉ có thể nhờ vào vận may của
mình mà thôi. Dù làm bất cứ việc gì, dù chấp hành luật pháp đầy đủ, nếu không có vận may bạn
vẫn có thể bị bắt vào tù như thường
Chỉ với vài chi tiết được lựa chọn như: việc bắt giam người, buộc tội người khác, cách xử lí tù
nhân và hình ảnh nhà tù. Tác giả đã khắc họa đầy đủ tính chất chuyên quyền của chế độ phát xít
và hiện thực đen tối của Mĩ La Tinh vào thời kì này.
2. Hình tượng nhân vật trong tác phẩm:
2.1. Nhân vật có quyền lực thống trị tuyệt đối:
Trong tác phẩm “ Ngài Tổng thống”, nhân vật chính được xây dựng từ nhân vật có thật ở hiện
tại. Đó là tên Tổng thống Cabrêra của nước Guatemala. Ông ta được tiếp nhận nhờ vào sự ủng
hộ của Mĩ. Sau khi Estrada tiếp quản chức tổng thống, ông ta bắt đầu làm ra một loạt các tội
phạm chính trị khủng khiếp, pháp luật áp dụng thoát được bắn và một số người từ phe đối lập.
Dưới sự cai trị của ông ta, đất nước Guetemala rơi vào trong bóng tối của những thế lực to lớn.
Tuy nhiên, tác giả đã xây dựng một nhân vật ngài Tổng thống như một con quái vật tàn ác,
bẩn thỉu và lố lăng. Nó không có tên gọi riêng, không là kẻ nào đó cụ thể. Có thể nói, con quái
vật đó là đại diện cho những gì bẩn thỉu, tàn nhẫn, bất nhân, xảo quyệt, gian trá trong xã hội. Nó
là đại diện cho những kẻ độc tài được sự hậu thuẫn của thế lực đồng tiền mĩ. Mặc dù là nhân vật
chính nhưng ngài tổng thống xuất hiện thỉnh thoảng để đưa ra các chỉ thị, hành động cho bọn tay
sai của mình. Điều đó cũng đủ để có thể hình dung được sự độc đoán và tàn bạo của nhân vật

này.
Diện mạo của Ngài đối với dân chúng là một điều bí ẩn, chỉ có những người thân cận với
ngài mới thấy được. Bí ẩn đến mức người ta coi việc được diện kiến ngài là một đặc ân quý giá.
Hàng ngày có cả đoàn người đến xin tiếp kiến Ngài nhưng có rất ít người được ngài chấp nhận
gặp mặt. Chỉ có thể biết đến hình dáng của Ngài thông qua những cuộc gặp của Ngài với vài
người thân cận nhất. Cách ăn mặc của Ngài gây ra cảm giác bí ẩn. “ Ngài Tổng thống luôn bồ đồ
màu tang: giày đen, quần áo đen, ca vát đen; cả chiếc mũ Ngài luôn luôn đội sùm sụp trên đầu
cũng màu đen. Ngài giấu hai hàng lợi đã mất hết răng sau bộ ria điểm bạc chải rất mượt ở hai
bên mép. Ngài có đôi má chảy xệ, da nhẽo và đôi mi mắt hum húp”. Hành động và thói quen của
Ngài không được nói đến trực tiếp mà thông qua những tên thân cận. Nhưng thói quen của Ngài
cũng luôn khác người và gây cảm giác kì dị. Chẳng hạn, “Ngài ngủ vào giờ nào- vì những người
thân cận với Ngài khẳng định rằng Ngài không bao giờ ngủ cả”.
Ngài không bao giờ bước ra ngoài để gặp mặt người khác vì sợ bị kẻ thù sát hại. Trong
truyện, Ngài chỉ xuất hiện một lần trong lễ Quốc Khánh nhưng chỉ trong chốc lát với tâm trạng
lo sợ, đề phòng. “ Sợ có kẻ ám hại, Ngài đứng nghiêng về một bên cho khỏi phơi ngực ra đằng
trước, và Ngài quay đầu từ vai nọ sang vai kia để quan sát đám dân chúng, đôi mày nhíu lại, hai
con mắt gườm gườm”. Ngài rất đa nghi, không ai có thể khiến Ngài tin tưởng. Ngài giám sát
ngay cả những người được xem là tin tưởng nhất. Diện Mạo Thiên Thần kẻ luôn được Ngài sai
bảo theo dõi người khác nhưng lại không biết rằng mình lại đang bị theo dõi.
Tuy không bao giờ bước ra khỏi văn phòng nhưng mọi nhất cử nhất động của người dân
trong thành phố đều được Ngài nắm trong lòng bàn tay. Ngài như có một thế lực vô hình với sức
mạnh vô biên, tồn tại khắp nơi để chi phối vận mệnh con người. “Một cái lưới dệt bang những
sợi dây vô hình, vô hình hơn cả dây điện báo, nối liền mỗi chiếc lá cây với Ngài Tổng thống:
Ngài lúc nào cũng chăm chú theo dõi từng động tĩnh trong tận lục phủ ngũ tạng của đám dân
chúng sống trong thành phố.”
Ngài xuất hiện rất ít trong tác phẩm nhưng mỗi khi Ngài xuất hiện là một quyết định, mệnh
lệnh quan trọng được ban ra làm thay đổi cuộc đời người khác. Những mệnh lệnh của Ngài đã
gây ra biết bao sự đau khổ cho người dân của Ngài. Nó khiến cuộc đời đang hạnh phúc, vui vẻ
của người ta chìm vào bất hạnh. Chẳng hạn, Ngài chỉ xuất hiện gặp Diện Mạo Thiên Thần để
đưa ra lệnh dụ ngài đại tướng đã khiến ngài đại tướng phải chạy trốn khắp nơi, sống cuộc sống

lang bạt, thiếu thốn còn con gái đại tướng, nàng Camila đứng trước cú sốc đó đã ngã bệnh nặng
đến sắp chết. Chỉ một câu khiển trách của Ngài mà bác sĩ Barênho từ một nhà khoa học với đầu
óc sáng suốt đã mang trong mình nỗi ám ảnh luôn có người theo sát mình.
Tóm lại, tác giả đã xây dựng hình ảnh Ngài Tổng thống trở nên bí ẩn và lung linh. Không ai
có thể biết được hết về con người Ngài, ngay cả người thân cận nhất cuả Ngài. Hình tượng Ngài
Tổng thống trở nên đa nghĩa và có thể tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau.Ngoài ra, nhân vật
Ngài Tổng thống còn đại diện cho những tên khủng bố, những tên độc tài tàn ác, chế độ phát xít
bất nhân hay mọi cái ác độc, xấu xa đang tồn tại trong xã hội.
2.2. Bộ máy tay sai đắc lực:
Trong hiện thực bao giờ cũng vậy, Tổng thống là người đưa ra lệnh và những người thực
hiện mệnh lệnh đó của ngài là bộ máy tay sai đắc lực. Chúng là những kẻ thừa hành mệnh lệnh
của cấp trên một cách tuyệt đối bất chấp là đúng hay sai.
Nhà văn trong “ Ngài Tổng thống” dùng tên gọi cụ thể để gọi tên cho những kẻ tay sai mà
dùng từ chỉ chức danh mà chúng đảm nhận để phân biệt. Đó là ngài Tổng Thẩm sát, ngài đại tá,
viên thứ trưởng Bộ chiến tranh,…Cách dùng như vậy có thể thấy rằng bất cứ người nào làm
những chức vụ này dưới chế độ độc tài đều là tay sai của người nắm quyền. Hay dưới chế độ
chuyên quyền, độc đoán này thì từ kẻ cầm đầu đến tay sai đều là những kẻ tàn độc, bất nhân và
gây ra biết bao đau khổ cho nhân dân.
Nếu như Ngài Tổng thống là người ra lệnh gián tiếp gây ra bất hạnh cho nhân dân thì bộ máy
những kẻ trung thành với Ngài là người trực tiếp mang đến sự đau khổ cho người dân vô tội.
Tiêu biểu cho bộ máy tay sai này là ngài Tổng Thẩm sát.
Tên Tổng Thẩm sát là tên hầu cận trung thành đích thực của Tổng thống. Việc bắt giam người
vô tội, vu oan cho người khác và kể cả xử lí các vụ án một cách bí ẩn đều do hắn theo lệnh của
Tổng thống mà làm và hoàn thành rất xuất sắc . Đối với viên Tổng Thẩm sát, ai có biểu hiện
chống đối với Ngài Tổng thống chính là chống đối hắn và không thể tha thứ. Hắn sẵn sàng ra tay
diệt trừ những kẻ phản loạn dù đó là ai đi chăng nữa. Từ già đến trẻ, từ đàn ông với phụ nữ
không ai có thể thoát khỏi bàn tay tên Tổng Thẩm sát. Hắn là người đã trực tiếp đi bắt luật sư
Abel khi ông ta đang trên đường đến chúc mừng Ngài Tổng thống vĩ đại. Hắn là người đã tra tấn
những tên ăn mày ở phố Hàng Hiên và ra lệnh giết chết Lão Muỗi. Và độc ác hơn cả, hắn đã giết
chết đứa con mới lọt lòng của chị Fêđina Rôđat bằng cách không cho đứa trẻ bú sữa. Đứa bé

trong vòng tay mẹ “ đã mất hết sinh khí, giống như một con búp bê bằng giẻ rách”.Không chỉ
vậy trong lúc chị Fêđina đang đau khổ và dần mất đi sự sống trước cái chết của đứa con, hắn
nhẫn tâm đẩy chị vào nhà chứa.
Tên Tổng Thẩm sát còn là một người gian trá và keo kiệt. Điều này được tác giả thể hiện
thông qua cách ăn uống và hành động của hắn. Khi ăn xong bát cháo Sôcôla- món ăn yêu thích
của viên Tổng Thẩm sát, hắn còn kiểm tra xem mình đã ăn hết sôcôla trong bát chưa bằng cách
dốc cái bát xuống hai lần và “ tiến lại gần đèn nhìn vào tận đáy bát để xem ngài uống hết thật
chưa”, “ Ngài lấy ngón tay quệt vào đáy bát cho thật chắc chắn là không còn gì nữa”. Hắn tính
toán cẩn thận những món tiền lời mà mình sẽ nhận được khi tống chị Fêđina vào nhà chứa. “
Ngài Tổng Thẩm sát tính đi tính lại món tiền lời trong việc này: một con một, một con số không,
một con số không, một con số không nữa, một con số không nữa, thêm một con số không nữa…
tất cả một vạn pơxô!”. Hắn còn là một tên láu cá và ranh mãnh khi lừa anh Gerano Rodas kí vào
tờ giấy là anh đã nhận của chủ nhà chứa Khoái lạc êm đềm một vạn pơxô để giúp hắn tránh được
sự phiền nhiễu của mụ Răng Vàng
Ngoài Ngài Tổng Thẩm sát, tác giả còn phê phán ngầm sự tham lam, ích kỉ của những tên cảnh
sát, mật thám qua việc hôi của nhà Đại tướng. “ Chúng vứt hết liêm sỉ, lục lọi tan hoang, sau khi
đã nậy tung khóa, lấy báng sung lục đập vỡ kính hoặc phá tan những cánh cửa tủ chạm trổ bằng
gỗ quý”
Tóm lại, tác giả dựa vào tên Tổng Thẩm sát để khái quát cho bộ mặt của những kẻ tay sai đắc
lực cho hệ thống những tên cầm quyền độc đoán và chuyên quyền. Lấy một con người để khái
quát lên bản chất của một tập thể.
2.3. Thân phận nhỏ bé của người dân:
Trong hiện thực, dưới chế độ độc tài khắc nghiệt, người chịu nhiều sự bất công và đau khổ
nhất là người dân nghèo khổ. Họ là những người có thân phận thấp hèn nhất trong xã hội. Do đó,
họ luôn bị các thế lực bạo tàn áp bức nặng nề.
Trong “ Ngài Tổng thống”, tác giả đã dùng những cái tên kì lạ để gọi họ. Đó là tên gọi gắn
liền với diện mạo bị biến dạng, tha hóa một cách khủng khiếp của họ như: thằng Cẳng Rỗng,
thằng Hình Nhân, lão Muỗi, mụ Câm Điếc, thằng Dở Hơi, mụ Răng Vàng,…. Ngoài ra, tác giả
còn đưa ra hình ảnh của những đám đông dị dạng để làm rõ thêm về số phận bi thảm của người
dân. Đó là hình ảnh của những đám người trong phiên tòa xét xử luật sư Abel: Salvador có hỗn

danh là thằng Hổ xám theo dõi phiên tòa với vẻ chững chạc của một con đười ươi, lão Góa
miệng méo xệc như miệng xác chết, lão Lulo béo phệ mặt nhăn nheo, lão Sở Khanh với vẻ lịch
sự như một quý tộc và đôi tai điếc lòi,…
Dưới sự áp bức nặng nề của chế độ độc tài, người dân dần dần bị tha hóa, mất dần nhân tính
của mình. Họ trở thành nô lệ của đồng tiền, trở thành những con người tự kỉ hay nói lẩm bẩm
một mình. “ người ta thấy chúng quay mặt vào tường, đếm từng đồng xu, cắn từng đồng tiền
kềnh xem thật hay giả, nói lẩm bẩm một mình, nuốt vụng những mẩu bánh mì khô khốc”. Bọn họ
dần dần trở nên ích kỉ và tằn tiện ngay cả những con người cùng cảnh ngộ với mình. “ Chúng
giữ khư khư những thứ cơm thừa canh cặn đúng là một lũ ăn mày, thà vứt cho con chó còn hơn
vứt cho những người bạn cùng cảnh ngộ”. Không chỉ vậy, họ lại ưa chuộng bạo lực và thích gây
gổ đánh nhau với bạn mình, coi họ như là kẻ thù, “ Chúng bới xấu nhau, cấu xé nhau, hục hặc
với nhau như kẻ thù”
Tất nhiên dưới sự cai trị độc tài của Ngài Tổng thống vĩ đại, để có thể sống sót trong sự
giam hãm vô hình đó, họ buộc phải trở thành những con rối, những con người đa chức năng luôn
thay đổi mình cho phù hợp với hoàn cảnh. Với thân phân những con rối, người ta có thể sai bảo
họ làm gì cũng được. Họ không có khả năng chống cự hoặc từ chối.Bị tra tấn, họ bắt buộc phải
trở thành nhân chứng để tố cáo ngài Đại tướng Canalet dù biết ông ta là người vô tội. Bị nghi
ngờ và hãm hại, một người Đại tá thẳng thắn, phóng khoáng như đại tá Fartan đã phải trở thảnh
một con người tàn bạo, độc ác và có thể ra tay tàn nhẫn đối với ân nhân mình. Vì ông ấy nhận ra
rằng chỉ có phạm pháp mới có thể được Ngài tin dùng. “ Tốt nhất là làm đổ máu đồng loại của
mình: đó là phương pháp lí tưởng. Người công dân nào phạm trọng tội đúng là người trung
thành nhất với Ngài Tổng thống”. Từ một người dân thuần phác đã phải trở thành tên mật thám
để được tự do về với gia đình như Rodas. Không chỉ vậy, hầu hết mọi người dân đểu cam tâm
tình nguyện trở thành mạng lưới mật thám bí mật của Ngài Tổng thống để có thể được lập công
với Ngài. Vì khi lập được công với Ngài họ có thể thoát khỏi cuộc sống tối tăm ấy. Số phận của
họ là số phận những con rối, bị người ta dùng làm việc gì cũng được, không thể chống cự dù
dùng bất kì cách nào
Dùng motif những con người dị dạng và khuyết tật, tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta hiện
thực rằng: con người chẳng qua chỉ là những mảnh vỡ rời rạc, mờ ảo. Con người sống ở đời mà
chẳng có vẻ gì là mang kiếp người. Họ chỉ như những linh hồn sống một cách vật vờ, những loài

vật thảm hại trước một thế giới bao la rộng lớn và đầy đen tối.
2.4. Nhân vật nửa thiện nửa ác:
Trong thực tế xã hội, ta chỉ có thể nhận xét và đánh giá một con người thông qua bề ngoài của
họ. Thường chúng ta chỉ có thể nhận thấy được một mặt trong con người của họ, có thể là thiện
hay là ác. Nhưng chỉ trong văn học, ta mới có thể khám phá vào sâu trong tâm hồn của mỗi con
người. Và phát hiện ra rằng, mỗi con người đều có những góc khuất không ai biết được. Nhân
cách mỗi người không hề đơn giản, một chiều mà vô cùng đa chiều phức tạp. Ai cũng có hai hay
nhiều nhân cách khác nhau. Văn học giúp chúng ta đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện bản
chất thật sự ẩn sau trong tâm hồn họ. Nhân vật có tâm hồn phức tạp, đa diện này được tác giả thể
hiện trong tác phẩm “ Ngài Tổng thống” qua nhân vật Diện Mạo Thiên Thần.
Giống như tên gọi của mình, anh ta sở hữu vẻ ngoài như một vị thiên thần được chúa giáng
xuống để cứu vớt con người thoát khỏi tội lỗi. “ Cái người vừa nói đây đúng là một vị thiên
thần: nước da hồng hào mịn như cẩm thạch, tóc vàng, miệng nhỏ, nét mặt thanh thanh như nét
mặt đàn bà, khác hẳn với đôi mắt đen láy sâu và rắn rỏi. Người đó bận đồ xám. Trong bóng tối
nhá nhem, bộ quần áo người đó trông như một đám mây. Tay người đó cầm một cây gậy trúc
mảnh dẻ và một cái mũ rộng vành trông giống một con chim bồ câu”.Khi đối diện anh ta, người
ta không thể thực hiện được những việc xấu xa tồi tệ mà mong muốn hướng thiện làm việc tốt.
Như người đốn củi đã bỏ ý định bỏ mặc thằng Hình Nhân mà cứu vớt từ trong đám rác khi gặp
mặt và nói chuyện với Diện Mạo Thiên Thần.
Nhưng bên trong vẻ ngoài đẹp đẽ ấy là bộ mặt của quỷ sa tăng, “ trông y đẹp và ác như quỷ
sa tăng” . Y là tên mật thám cao cấp của Tổng thống, là người được Tổng thống tin tưởng và
trọng dụng. Chính y đã theo lệnh Ngài Tổng thống dụ đại tướng Canalet chạy trốn dẫn đến bi
kịch cho gia đình đại tướng.
Những tưởng cuộc đời của y sẽ luôn là một người tàn ác có tâm hồn đen tối như vậy nhưng
không trong cuộc đời y cũng có những điểm sáng. Từ khi gặp và yêu người thiếu nữ trong sáng
Camila, tâm hồn y đã có sự dao động giữa thiện và ác. Y đã biết quan tâm, thương yêu người
khác. Y đã khóc khi thấy nàng Camila đau khổ trước sự hắt hủi của họ hàng. Đó là lần đầu tiên y
khóc sau khi mất mẹ. Khi nàng Camila bị bệnh sắp chết, y cảm thấy trời đất xung quanh mình
sụp đổ. Và y đã làm một việc mà mình chưa bao giờ làm là phản bội lại Ngài Tổng thống. Yđã
đem tin tức Tổng thống muốn sát hại thiếu tá Fatăng cho thiếu tá vì nghĩ rằng khi mình làm điều

tốt thì chúa sẽ ban phước lành giúp Camila khỏi bệnh.
Diện Mạo Thiên Thần đã nhận ra sự thay đổi đó của mìnhvà y luôn dằn vặt đấu tranh với bản
thân để quên đi nàng Camila và trở về con người trước kia của mình. “ Tốt hơn là ngủ, là sự hư
vô, là cái ngất ngây dìu dịu kia, bắt đầu thì màu lam, tuy thông thường là màu lục rồi chuyển
sang màu đen, nó thấm qua hai con mắt vào đến tận lục phủ ngũ tạng, làm cho thân xác tê liệt
đi. Ôi, ước muốn! Ước muốn là được và không được. Nó như con chim họa mi bằng vàng, ta đan
mười ngón tay làm cái lồng để nhốt lại. Một giấc ngủ lù lù một khối, nó bồi dưỡng lại cơ thể,
không có ai đến quấy rầy, nó vào trong người bằng hai tấm gương mắt và thoát ra bằng hai cửa
sổ mũi. Đó là điều y ước muốn nhất lúc này: lấy lại giấc ngủ ngày xưa. Và trong một chốc y
nhận thấy giấc ngủ của y đang bay lượn tít trên cao, cao hơn cả mái nhà, trên khoảng không
sáng trùm lên nơi y ở, nó chính là ban ngày, ánh sáng ban ngày không gì tẩy xóa được. Y nằm
sấp. Không thể. Y nằm nghiêng sang bên trái để giữ cho con tim đừng thổn thức nữa”. Đỉnh
điểm của sự đấu tranh là khi y buộc phải lựa chọn nàng Camila và Ngài Tổng thống. Sự lựa chọn
khó khăn khi một bên là người phụ nữ mình yêu, một bên là vị chủ nhân mà mình phục sự. Cuối
cùng tình yêu mà y dành cho Camila đã chiến thắng. Điều đó đã dẫn đến kết thúc bi thảm của
cuộc đời y
3. Bức tranh tâm lí của con người:
Miguel Angel Asturias đứng những biến động của xã hội, những ẩn ức tâm lí, mặc cảm cá
nhân, những ảnh hưởng của các luồng tư tưởng đã khái quát lên bức tranh tâm lí của con người
đầy biến động của con người dưới chế độ xã hội khắc nghiệt
Con người sống dưới xã hội đầy rẫy các lực lượng quyền uy độc tài đó không thể nào không
mang cảm giác hoang mang, lo lắng, bất an, cảm giác luôn bị bao vây bốn bề, không biết lúc nào
tai họa sẽ ập đến mình.Trong thời đại này, điều mà con người luôn lo âu sợ hãi chính là thế lực
thống trị tối cao chuyên quyền, độc đoán. Tâm lí sợ hãi của con người chỉ là kết quả tất yếu trước
chế độ xã hội đầy khủng hoảng và rối ren. Điều này đã được Asturias thể hiện trong tác phẩm
qua những vụ bắt bớ kì lạ, những vụ án bị kết tội oan uổng:một vị bác sĩ nhân đức tố cáo tội danh
của cắp trên lại bị cảnh cáo, một người phụ nữ đang vui mừng vì lễ rửa tội của con mình bỗng
nhiên mất đi đứa con yêu dấu và bị đẩy vào nhà chứa, một người đàn ông đang đến vui vẻ đến
chúc mừng Ngài Tổng thống bỗng bị bắt vào nhà giam và bị xử tội tử hình,… Những sự việc kì
lạ, phi lí ấy tưởng chừng chỉ có thể xảy ra trong tưởng tượng nhưng nó xảy ra khắp mọi nơi trong

xã hội luôn đe dọa con người này.
Trước sự lo lắng, sợ hãi đó, con người luôn tồn tại trong mình một nỗi ám ảnh đeo bám suốt
đời. Bác sĩ Barênhô luôn như cá nằm trên thớt, lúc nào cũng nơm nớp sợ một bàn tay tội ác thò
ra từ bóng tối kết liễu đời mình khi bị Ngài Tổng thống cảnh cáo. “ Ông vừa đóng cửa vừa nhìn
lên mái nhà, từ đó một bàn tay tội ác có thể mò xuống bóp cổ ông, và ông chạy vào trong phòng,
trốn sau một cái tủ treo quần áo”. Anh Rodas sau khi chứng kiến cái chết của thằng Hình Nhân
luôn bị ám ảnh bởi con mắt của nó sau khi chết. Điều đó đeo bám anh trong mọi việc từ bữa ăn
đến giấc ngủ. “ Một con mắt lướt qua năm đầu ngón tay phải của y, như vệt sáng của bóng điện
nhỏ chiếu ra, từ ngón tay út sang ngón tay giữa, từ ngón tay giữa sang ngón tay đeo nhẫn, từ
ngón tay đeo nhẫn sang ngón tay trỏ, từ ngón tay trỏ sang ngón tay cái. Chỉ một con mắt…chỉ
có mỗi một con mắt… phập phồng, trông rung cả mình. Y nắm tay lại để bóp nát nó đi, bóp rất
chặt, đến nỗi móng tay đâm cả vào thịt. Không ăn thua: y xòe tay thì con mắt lại hiện ra, trông
chỉ bằng quả tim chim, nhưng ghê sợ hơn cả địa ngục. Mồ hôi y ướt đẫm hai thái dương, dính
nhem nhép và nóng bỏng nhưu nước dùng thịt bò. Ai thế nhỉ? Ai mà lại có thể nhìn y qua con
mắt đang dính chặt vào tay và đang nhảy như hòn bi trên bàn bạc theo nhịp nhảy múa ma quỷ
thế này nhỉ?”. “ Con mắt biến thành con số tám, rồi nó nổ đùng một cái, tưởng chừng nó chạm
phải cái gì sắp vỡ ra; mà nó vỡ ra thật dưới những tiếng chân vang động ngoài phố…”. Những
ám ảnh của nhân vật có thể chỉ là tưởng tượng, nhưng nó có ý nghĩa tiên tri, dự báo về trạng thái
tâm lí con người hiện đại.
Dưới sự cai trị tàn ác của bộ máy hành chính độc đoán này, con người cũng vẫn có khát vọng
vươn lên, khát vọng lật đổ chế độ độc tài đang hãm hại họ. Nhưng dù có phản kháng, khát khao
mãnh liệt đến mức nào, họ vẫn bị sự ngăn cản của các thế lực thống trị .Điều này được thể hiện
qua những nhân vật chính diện trong tác phẩm, họ chỉ biểu hiện một cách sơ sài một cách yếu
đuối sức phản kháng của nhân dân với chế độ thối nát đè trĩu lên đất nước. Ngài Đại tướng
Canalet tha thiết muốn làm cách mạng. Ông luôn nói đến công lí, tự do, ruộng đất cho người cày
và các quyền tự do dân chủ, nhưng rút cuộc ông lại chết vì tức giận khi thấy tấm hình cưới của
con gái. Bác sĩ Barênhô là một người trung thực, yêu thương nhân dân nhưng vẫn phải e sợ và
chùn bước trước sự đe dọa của Ngài Tổng thống. Nhân vật Cacvakhan cho ta biết rằng ông là
một người có tư tưởng tự do, ghét đạo và được quần chúng yêu mến, nhưng hoàn toàn không
được biết gì về hành động cụ thể và thiết thực của ông. Anh sinh viên là nhân vật chứa đầy mâu

thuẫn. Anh luôn hăng hái nói rằng: “ Phải đi với cách mạng” nhưng sau đó lại ngâm nga những
vần thơ hèn yếu.
Sự thất bại của khát vọng hạnh phúc, tìm kiếm tự do của con người đã cho thấy uy quyền
tuyệt đối của một lực lượng thống trị luôn đe dọa con người. Mặt khác cho thấy rõ sự bất lực của
con người trước cuộc đời, trước uy quyền. Họ trở nên hèn nhát và yếu đuối. Viên thư kí bị phạt
một trăm roi mà không hề than vẫn hay oán trách Ngài Tổng thống vì cho rằng thật sự mình đã
mắc lỗi và đáng bị như vậy. “ Nó không hề nghĩ rằng hình phạt đó là bất công, mặc dù đã là con
người, ai cũng nghĩ như thế. Trái lại nó nghĩ rằng dĩ nhiên người ta phải đánh nó để dạy cho nó
không được vụng dại như thế- và nó cũng chẳng được kêu lên một tiếng cho lòng nhẹ nhàng-
phải làm làm mọi việc cho chu đáo và không được đánh đổ mực vào công văn nữa”. Lucio
không hề nhận ra kẻ thù thực sự của mình là chế độ độc tài khắc nghiệt hay nhận ra mà biết mình
không thể làm gì được nên hắn đã đổ hết mọi tội lỗi lên Rodas. Hắn ở trong tù luôn nhấm nháp
khoái cảm của sự phục thù. Hắn tập đi tập lại động tác giết người dành cho ke thù của mình. “
Hắn khuơ tay vào bóng tối, tưởng đâu mình đã nắm được chiếc chuôi của con dao giá lạnh, rồi
như bóng ma diễn tập lại cử chỉ tưởng tượng nhảy bổ đâm vào Rodas”. Ngài Carvajol đứng
trước phiên tòa của mình không thể phản kháng được gì. Khi bị bắt vào nhà giam, ông ta bất lực
trước tất cả, chỉ biết lẩm bẩm đếm những tiếng kêu của những con người khốn khổ bị giam cho
đến khi chết khát. Và ông cảm thấy “ mình tách rời khỏi đám người này và lăn theo những vực
sâu xuống địa ngục của tuyệt vọng”.
4. Sự xóa nhòa ranh giới giữa giấc mơ và hiện thực:
Trong tác phẩm của Asturias luôn có những trang đầy những hình ảnh, lạ lùng, bí hiểm, khó
hiểu. Những giấc mơ luôn xen lẫn vào thực tại khiến cho người đọc không thể nào phân biệt
được đâu là mơ, đâu là thực. Những giấc mơ được tác giả miêu tả thật hỗn loạn. “ Những giấc
mơ xen lẫn vào nhau, những vũng dầu long não… những vì tinh tú chuyện trò chậm rãi”. Trong
giấc mơ luôn xuất hiện những hình ảnh kì quái đan xen vào đó. Những hình ảnh trong giấc mơ
luôn có sự đứt đoạn , không liền mạch với nhau. Như trong giấc mơ của Diện Mạo Thiên Thần
xuất hiện những hình ảnh ma quái không ăn nhập gì với nhau: bắt đầu tiếng đàn lục huyền, tiếng
xương vụn, tiếng hát, tiếng cười vô tận như bị quỷ ám, bóng đen ngăn cách giữa hắn và Camila,
“ bóng đen toát ra tiếng cười của những chiếc đầu lâu nổi trong mỡ lều bều của tang tóc…”.
Sau đó là những vòng tròn làm bằng mắt người, bão thổi, đám tang của Camila, đống hài cốt làm

bằng xương hông của lũ trẻ hát lên, những người làm bằng thủy tinh đục, đám chim bồ câu biến
ra từ thân xác Camila,…. Và những hình ảnh đã vượt ra phạm vi bên ngoài. Như hình ảnh con
chim xuất hiện trong giấc mơ của thằng Hình Nhân. “ Ta là quả Táo Hồng của chim thiên
đường, ta là sự sống; Thân ta một nửa là dối trá, một nửa là chân thật; ta vừa là hoa hồng vừa
là quả táo; ta cho tất cả mọi người một con mắt thật và một con mắt giả; kẻ nào nhìn bằng con
mắt giả của ta sẽ thấy, thấy vì kẻ đó đang mê; kẻ nào nhìn bằng con mắt thật của ta sẽ thấy, thấy
vì kẻ đó nhìn thật! Ta là sự sống, là quả Táo Hồng của Chim Thiên Đường, ta là ảo ảnh của tất
cả như gì có thật và là hình ảnh thật của mọi sự hư ảo trên đời!”. Nó xuất hiện như để xóa đi
ranh giới giữa hiện thực và hư ảo.
Không gian của giấc mơ lấn chiếm cả không gian hiện thực. Giấc mơ kinh hoàng hiện lên như
cuộc sống thật bên ngoài. Như trong giấc mơ của nàng Camila, không gian trong giấc mơ là nhà
của bác nàng. Khung cảnh ngôi nhà giống hệt hiện thực với tiếng gõ cửa, tiếng nước chảy, thái
độ thờ ơ của người trong nhà khi nghe thấy gõ cửa làm cho người đọc tưởng rằng đó là sự việc
đã xảy ra trong căn nhà trong khi nàng Camila gõ cửa bên ngoài.
Những giấc mơ luôn là một cơn ác mộng vừa bừng tỉnh và người mơ là nhân vật chính trong
đó. Có thể nói giấc mơ chính là sự giải tỏa những uất ức, những ham muốn lẫn sự sợ hãi bị dồn
nén vào ban ngày của con người. Khi Diện Mạo Thiên Thần bị tiếng gõ cửa làm tỉnh giấc, y cảm
thấy dễ chịu vì thực tế khác hoàn toàn giấc mơ. Điều này cho thấy những giấc mơ chỉ kết thúc
khi người mơ bừng tỉnh dậy. Do đó có thể xem những sự việc xảy ra trong giấc mơ là hiện thực.
Việc miêu tả nhập nhằng giữa hình ảnh của giấc mơ và hiện thực cho thấy Asturias đã thành
công trong việc trộn lẫn giữa huyền ảo và hiện thực làm cho ranh giới giữa thực và ảo không thể
phân biệt được nữa.
5. Kết luận:
Hiện thực cuộc sống luôn sinh động với nhiều dáng vẻ,đa chiều, luôn biến đổi, và không có
cái gì là chân lí duy nhất cả. Điều đó đã cho thấy rằng không thể đóng khuôn hiện thực vào một
khuôn mẫu có sẵn, một hình thức nhất định. Và do đó văn học không thể nào phản ánh hiện thực
một cách chuẩn xác được mà văn học chỉ là sự suy ngẫm của tác giả về hiện thực cuộc sống.
Tác giả đã sử dụng các yếu tố huyền ảo như một tấm gương phản chiếu một hiện thực độc
đáo tạo ra bởi niềm tin và mơ tưởng của con người. Qua lăng kính cái ảo, chúng ta có thể nhận
diện được hiện thực một cách chân xác hơn, đích thực hơn. Nó còn hướng đến phản ánh những

bình diện hiện thực mới- đó là hiện thực mang tính dự cảm, cảm nhận , là cái chưa có hoặc đã có
mà chưa nhìn thấy được
Nhắc đến văn học Mĩ La Tinh là nhắc đến nghệ thuật phản ánh hiện thực mang phương thức
huyền ảo. Phương thức đó giúp tạo ra nhiều hình tượng nghệ thuật đa nghĩa, có ẩn ý cao, mang
tính khái quát, gợi mở nhiều ý nghĩa, phản ánh nhiều vấn đề con người, xã hội trên thế giới, đề
cập không chỉ cái đang xảy ra mà còn dự báo những vấn đề xảy ra trong tương lai.
Hiện thực trong tác phẩm “ Ngài Tổng thống” không chỉ là cuộc sống xã hội đầy biến động mà
còn cả thế giới tâm trạng phức tạp của con người trong thời hiện đại.
Đó là bức tranh về xã hội với những thế lực thống trị tàn ác, cực đoan, ở đó số phận con người
thật bi thảm. Con người không làm chủ được cuộc sống, số phận của mình mà như những con rối
luôn làm theo yêu cầu của người khác. Bởi vì chỉ có làm vậy thì họ mới có thể sống sót và tồn tại
trong xã hội đen tối ấy.
Thông qua tác phẩm, tác giả còn cung cấp cho con người cách thâm nhập vào thế giới, cuộc
sống bộn bề đang phơi bày khắp nơi, đánh thức mọi suy nghĩ của con người trước những biến
động của thời đại, vừa như xích lại gần con người vừa như lôi con người ra khỏi nỗi lo âu, thấp
thỏm, chờ đợi.

×