Tải bản đầy đủ (.pdf) (216 trang)

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO TÀI SẢN GÂY THIỆT HẠI VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.33 MB, 216 trang )


1
BỘ TƯ PHÁP BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI


ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC



TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO TÀI SẢN GÂY THIỆT HẠI
VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

MÃ SỐ: LH-08-05/ĐHL



KHOA LUẬT DÂN SỰ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI






HÀ NỘI 2009

2
BẢNG CHỮ CÁI VIẾT TẮT




BCA Bộ Công an
BLDS Bộ luật dân sự
BTC Bộ Tài chính
BTP Bộ Tư pháp
BTTH Bồi thường thiệt hại
CP Chính phủ
GTVT Giao thông vận tải
HN & GĐ Hôn nhân và gia đình
NĐ Nghị định
NQ Nghị quyết
QĐ Quyết định
TANDTC Toà án nhân dân tối cao
TT Thông tư
TTLT Thông tư liên tịch
TW Trung ương
VKSNDTC Viện kiểm sát nhân dân tối cao


3
MỤC LỤC


STT

NỘI DUNG

TRANG


MỞ ĐẦU
4

PHẦN THỨ NHẤT: TỔNG THUẬT NỘI DUNG CÁC CHUYÊN ĐỀ
NGHIÊN CỨU
9

PHẦN THỨ HAI: CÁC BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ
63
1 Khái niệm chung về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phân loại
trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ths. Nguyễn Minh Oanh.

63
2 Ý nghĩa, đặc điểm và xác định chủ thể của trách nhiệm dân sự do tài sản
gây ra
PGS.TS. Đinh Văn Thanh

75
3 Pháp luật dân sự Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia trên thế
giới qui định về trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại gây ra.
TS. Nguyễn Minh Tuấn

89
4
Lược sử qui định của pháp luật về trách nhiệm dân sự do tài sản gây
thiệt hại
TS. Phạm Kim Anh

102

5 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
TS. Vũ Thị Hải Yến
120
6 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây thiệt hại
Ths. Nguyễn Hồng Hải
134
7 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác
và cây cối gây ra.
Ths. Vũ Thị Hồng Yến
142
8 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản của vợ, chồng gây thiệt hại.
Ths. Bùi Thị Mừng
151
9 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồngcó yếu tố nước ngoài.
TS. Nguyễn Hồng Bắc
163
10 Một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về Trách
nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại.
TS. Nguyễn Văn Cường & Ths. Bùi Dung Huyền

173
11 Một số vấn đề thủ tục giải quyết tranh chấp và vấn đề thi hành án về
bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
TS. Trần Anh Tuấn

186
12 Những bất cập trong qui định của pháp luật về Trách nhiệm do tài sản
gây thiệt hại và hướng hoàn thiện.
TS. Trần Thị Huệ


204

4
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại của trách nhiệm
dân sự được áp dụng khi có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật hoặc tài sản của một
chủ thể nào đó đã gây ra trong thực tế một thiệt hại. Qui định của pháp luật về bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể
có quyền lợi bị xâm phạm, đồng thời răn đe, phòng ngừa đối với những người có
hành vi gây thiệt hại hoặc để tài sản gây thiệt hại .
Bộ Luật Dân sự năm 2005 đã qui định khá chi tiết và hệ thống đối với loại
trách nhiệm này. Trong đó, có những qui định về những thiệt hại do chính hành vi
của con người gây nên và những qui định về thiệt hại do tài sản gây thiệt hại. Tuy
nhiên, một bộ phận trong những qui định này, chưa chi tiết, chưa cụ thể vẫn còn
những thiếu khuyết nhất định. Đặc biệt là một số khái niệm làm bình diện chung cho
vấn đề nghiên cứu cũng như áp dụng thực tiễn; vấn đề xác định thiệt hại; vấn đề xác
định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, chủ thể được bồi thường; vấn đề xác định
lỗi, mức độ lỗi; vấn đề xác định điều kiện phát sinh...…
Bên cạnh đó do quá trình đô thị hoá, xây dựng mới các khu kinh tế, khu du
lịch và các công trình hạ tầng cơ sở ngày càng nhiều. Các phương tiện giao thông cơ
giới, các máy móc thiết bị ngày càng hiện đại hoạt động vói công suất lớn…mà đặc
tính hoặc cấu tạo chứa đụng những nguy hiểm khách quan trong quá trình chiếm
hữu, khai thác quản lý, vận chuyển dễ gây thiệt hại ngày càng lớn cho con người,
làm phát sinh trách nhiệm bồi thường do tự thân các tài sản này gây thiệt hại, mà
bản thân loại trách nhiệm này vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn.
Một yêu cầu khách quan là sự điều chỉnh của pháp luật phải phù hợp với thực
tế cuộc sống và xã hội Việt Nam, đồng thời phải phù hợp với quá trình hội nhập
quốc tế và của nền kinh tế thị trưòng. Với những điểm còn thiếu vắng của chế định
này làm cho cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi

áp dụng qui định của pháp luật để giải quyết đối với loại trách nhiệm này. Đây được
xem là một "khoảng trống" cần được khắc phục kịp thời.
Trong bối cảnh hội nhập, với thực trạng của nền kinh tế thị trường và xây dựng
Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay thì vấn đề tài sản thuộc quyền sở hữu,
chiếm hữu, sử dụng, quản lý, vận chuyển ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng. Vì

5
thế, "Trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại - Vấn đề lý luận và thực tiễn"
cũng đặt ra nhiều hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn cần giải quyết.
Thông qua việc nghiên cứu đề tài sẽ có những phân tích, luận giải về vấn đề
nghiên cứu, tìm ra những thiếu khuyết trong qui định đó, đưa ra hướng hoàn thiện
pháp luật về chế định này nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật, đồng
thời góp phần nâng cao tính trách nhiệm ứng xử của mỗi chủ thể. Trước tình hình
đó,việc nghiên cứu, tìm hiểu các qui định của pháp luật về trách nhiệm dân sự do tài
sản gây thiệt hại là việc làm có ý nghĩa quan trọng và cũng là một trong các nhu cầu
cấp bách đối với khoa học pháp lý dân sự ở Việt Nam hiện nay.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trách nhiệm BTTH nói chung và trách nhiệm BTTH do tài sản gây thiệt hại là
một nội dung rất quan trọng trong pháp luật Dân sự Việt Nam cũng như đa số quốc
gia trên thế giới. Bởi, các quy định của pháp luật trong chế định này đã bảo đảm khả
năng bồi thường cho người bị thiệt hại một cách kịp thời và hợp lý. Vì vậy, đây là
một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học pháp lý cũng như các nhà
thực tiễn áp dụng pháp luật. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về nội dung này
hoặc liên quan đến trách nhiệm BTTH nói chung, được thể hiện ở các cấp độ khác
nhau:
2.1. Các bài tạp chí
- Phùng Trung Tập - Lỗi và trách nhiệm ngoài hợp đồng. Tác giả bàn về các
hình thức lỗi ý nghĩa của việc xác định lỗi trong trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng.
- Nguyễn Thanh Bình – Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
vài nét về thực tiễn xét xử và hướng hoàn thiện - Tạp chí Kiểm sát, số 5/2003, trang

14,15,16.
- Trần Thị Huệ- Cần sửa đổi, bổ sung chế định bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng- Tạp chí Luật học- Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2005.
- Trần Ngọc Thành- Một số nguyên tắc đầy đủ trong dân sự- Tạp chí Toà án
nhân dân tối cao, năm 2006.
- Đặng Văn Dũng - Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
- Đặc san Toà án nhân dân, năm 2006.
- Lê Phước Ngưỡng - Tìm hiểu về trách nhiệm bồi thường do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra- Tạp chí – VKSNDTC, năm 2005.

6
- Trịnh Đình Thế - Những bản án không thể thi hành được về trách nhiệm
bồi thường thiệt hại. (Dân chủ và Pháp luật, số 06/1999 - Bộ Tư pháp, 1999. – Tr.27
+ 38).
- Nguyễn Thị Thuỷ - Một số vấn đề cơ bản về Luật Bồi thường thiệt hại của
nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Tạp chí Kiểm sát. số 05/2003, tr 53,54...
2.2. Luận án tiến sĩ, luận văn cao học
 Lê Thị Mai Anh - Luận văn cao học - Những vấn đề cơ bản của trách
nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Luận văn nghiên cứu những vấn đề
chung.
 Lê Thị Bích Lan - Một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiêt hại do
xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và uy tín.
 Phạm Kim Anh - Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
 Trần Thu Hiền - Những nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
 Lê Thị Mai Anh - Luận án Tiến sỹ - Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do
người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
 Phạm Kim Anh - Luận án Tiến sỹ - Trách nhiệm dân sự liên đới trong
pháp luật dân sự Việt Nam.
2.3. Sách tham khảo, Chuyên đề và luận văn tốt nghiệp của sinh viên
+ Một trăm mười câu hỏi và trả lời về bồi thường thiệt hại - NXB Lao động

- xã hội, năm 2006.
+ TS. Đinh Trung Tụng (chủ biên), Bình luận những nội dung mới của
BLDS năm 2005, Nxb. Tư pháp 2005, Phần trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng.
+ Bùi Văn Thấm Tìm hiểu về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb
Chính trị quốc gia, 2004.- 556t.
+ Ngô Quỳnh Hoa, Vũ Thu Hiền - Hỏi đáp pháp luật về bồi thường thiệt hại
- Nxb Lao động - Xã hội.- 412 tr.;
+ Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Tìm hiểu pháp luật Huyền
Nga, Hương Lan, Châu Loan sưu tập và hệ thống hoá.- Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp.
Hồ Chí Minh, 1992.
+ Một số luận văn tốt nghiệp của sinh viên tại các cơ sở đào tạo luật, (Trách
nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra - Phạm Hương Giang; Năng lực

7
chịu trách nhiệm BTTH trong BLDS - Nguyễn Thị Vinh, Các nguyên tắc BTTH -
Nguyễn Thị Loan,…)
Các công trình nghiên cứu trên đây hoặc mới chỉ dừng lại ở bình diện chung
nhất những qui định của pháp luật về trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng hoặc nghiên cứu từng loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các
trường hợp cụ thể. Chưa có công trình nào nghiên cứu hệ thống qui định của pháp
luật về trách nhiệm dân sự do tài sản gây thiệt hại. Đề tài “Trách nhiệm dân sự do
tài sản gây thiệt hại – Vấn đề lý luận và thực tiễn” là một đề tài mang tính mới và
không trùng lặp với các đề tài được thực hiện và hoàn toàn độc lập.
3. Phạm vi và mục đích nghiên cứu
3.1. Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ xoay quanh vấn đề trách nhiệm bồi thường
do tài sản gây thiệt hại. Cụ thể, nghiên cứu các quy định của BLDS tại các điều 623,
625, 626, 627 và các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của BLDS về loại
trách nhiệm này.
3.2. Mục đích nghiên cứu đề tài:

Mục đích nghiên cứu đề tài là:
- Làm rõ một số vấn đề về lý luận và thực tiễn của những quy định của pháp
luật về loại trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra.
- Tìm hiểu quy định của BLDS và các văn bản pháp luật liên quan về trách
nhiệm BTTH do tài sản gây ra, qua đó, đối chiếu, so sánh giữa quy định của pháp
luật với thực tiễn về loại trách nhiệm này. Từ đó, đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm
hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra, góp
phần bảo đảm việc nhận thức và áp dụng quy định của pháp luật được thống nhất
trong thực tiễn.
- Kết quả nghiên cứu làm tài liệu tham khảo cho sinh viên tại các cơ sở đào tạo
luật, các đồng nghiệp và những người làm công tác thực tiễn.
4. Phương pháp nghiên cứu
Dựa trên cơ sở lý luận của học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để nhằm tìm ra mối liên hệ giữa các hiện tượng
để đánh giá các vấn đề nghiên cứu một cách khoa học. Các phương pháp phân tích,

8
so sánh, diễn giải, quy nạp, tổng hợp, chứng minh... cũng được sử dụng hợp lý trong
quá trình thực hiện đề tài.
5 .Nội dung của đề tài
Đề tài tập trung giải quyết các vấn đề sau:
- Làm rõ một số cơ sở lý luận và thực tiễn của chế định bồi thường thiệt hại do
tài sản gây ra.
- Tìm hiểu các quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm BTTH do tài sản
gây ra.
- Đối chiếu các quy định của pháp luật với việc áp dụng trong thực tế để tìm ra
những bất cập trong quy định của pháp luật về loại trách nhiệm này.
- Đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chế định này, đồng
thời nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật, góp phần nâng cao tính trách nhiệm
ứng xử của mỗi chủ thể trong "đời sống dân sự" tại Việt Nam.




9
PHẦN THỨ NHẤT
TỔNG THUẬT
NỘI DUNG CÁC CHUYÊN ĐỀ NGHIÊN CỨU

I. Những vấn đề lý luận cơ bản về Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra
1. Khái niệm và đặc điểm Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra.
1.1. Khái niệm trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra
Theo quy định chung của pháp luật thì công dân và pháp nhân có quyền được
bảo vệ tài sản, các lợi ích hợp pháp… Tại Điều 1, Sắc lệnh 97/SL ngày 22.5.1950 đã
ghi nhận : "Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành xử nó đúng
với quyền lợi của nhân dân". Trong Hiến Pháp 1992 (Đạo luật cơ bản của Nhà nước)
đối với tài sản của công dân đã ghi nhận cụ thể: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu
hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”. BLDS 2005 tại Điều 15 cũng ghi nhận cá
nhân có quyền nhân thân gắn với tài sản và quyền nhân thân không gắn với tài sản,
quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản.
Như vậy, khi tài sản của pháp nhân, của Nhà nước, hoặc tài sản, tính mạng,
sức khoẻ, danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm hại, Nhà nước sẽ áp dụng
những biện pháp cưỡng chế nhất định đối với người có hành vi xâm hại trái pháp
luật nhằm mục đích khắc phục những hậu quả xấu về tài sản và tinh thần, khôi phục
lại tình trạng vốn có ban đầu cho người bị thiệt hại. Việc khắc phục những tổn hại
được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm nghĩa vụ gây ra chính là trách nhiệm
BTTH ngoài hợp đồng.
Là một loại trách nhiệm pháp lý nên ngoài những đặc điểm của trách nhiệm
pháp lý nói chung như do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng, áp dụng đối với
người có hành vi vi phạm pháp luật, luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người bị áp
dụng, được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước…. thì trách nhiệm BTTH

ngoài hợp đồng còn có những đặc điểm riêng sau đây:
- Về cơ sở pháp lý: Trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm Dân sự và chịu
sự điều chỉnh của pháp luật Dân sự. Khi một người gây ra tổn thất cho người khác
thì họ phải bồi thường thiệt hại và bồi thường thiệt hại chính là một quan hệ tài sản
do Luật Dân sự điều chỉnh và được quy định trong BLDS ở Điều 307 và Chương
XXI và các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS.

10
- Về điều kiện phát sinh: trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng chỉ đặt ra khi thoả
mãn các điều kiện nhất định đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi trái pháp luật,
có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra, có lỗi của
người gây thiệt hại (không phải là điều kiện bắt buộc). Đây là những điều kiện
chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường những thiệt hại
do mình gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trách nhiệm BTTH có
thể phát sinh khi không có đủ các điều kiện trên.
- Về hậu quả: trách nhiệm BTTH luôn mang đến một hậu quả bất lợi về tài sản
cho người gây thiệt hại. Bởi lẽ, khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì tổn
thất đó phải tính toán được bằng tiền hoặc phải được pháp luật quy định là một đại
lượng vật chất nhất định nếu không sẽ không thể thực hiện được việc bồi thường.
Do đó, những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thể tính toán được nhưng cũng sẽ
được xác định theo quy định của pháp luật để bù đắp lại tổn thất cho người bị thiệt
hại. Và cũng chính vì vậy, thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ giúp khôi phục lại
thiệt hại cho người bị thiệt hại.
- Về chủ thể bị áp dụng trách nhiệm: Ngoài người trực tiếp có hành vi gây
thiệt hại thì trách nhiệm BTTH còn được áp dụng cả đối với những chủ thể khác đó
là cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ của người được giám hộ, pháp
nhân đối với người của pháp nhân gây ra thiệt hại, trường học, bệnh viện trong
trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại
hoặc tổ chức khác như cơ sở dạy nghề…
Thông thường, thiệt hại xảy ra thường do con người gây ra. Tuy nhiên, trên

thực tế hiện nay, nhiều khi tài sản cũng có thể tự bản thân nó gây ra tổn hại cho
người khác ví dụ như nhà, công trình xây dựng bị sụt; cây cối bị đổ, gẫy; súc vật
cắn, húc người... Chính vì vậy, ngoài trách nhiệm BTTH do hành vi của con người
gây ra thì pháp luật còn quy định về trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra. Trong
BLDS 1995 cũng như 2005 không có quy định về khái niệm cũng như không có các
quy định chung về trách nhiệm BTTH do tài sản gây mà chỉ quy định ở các trường
hợp BTTH cụ thể. Qua khái niệm trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung có
thể hiểu trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra là trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng phát sinh khi tài sản là nguyên nhân gây ra thiệt hại như hoạt động
của nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, cây cối đổ gẫy gây ra thiệt hại, nhà công
trình xây dựng bị sụt, đổ gây thiệt hại, gia súc gây thiệt hại...
1.2. Đặc điểm của Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra

11
Là một loại trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nên trách nhiệm BTTH do tài
sản gây ra cũng mang những đặc điểm của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói
chung. Tuy nhiên trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra nguyên nhân gây ra thiệt hại
không phải là do hành vi của con người mà là do bản thân tài sản gây ra. Chính vì
vậy, trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra còn có những nét đặc thù riêng:
* Về

điều kiện phát sinh trách nhiệm.
Nếu như các điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung
bao gồm có 4 điều kiện là: (1) Có thiệt hại xảy ra; (2) Có hành vi trái pháp luật; (3)
Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; (4) Có lỗi
của người gây thiệt hại thì các điều kiện xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại
chỉ cần ba điều kiện sau đây:
- Có thiệt hại thực tế xảy ra;
- Có sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt

hại thực tế đã xảy ra.
Sẽ là không hợp lý khi một đồ vật gây thiệt hại lại xét đến yếu tố hành vi.
Thuật ngữ hành vi gây thiệt hại trái pháp luật chỉ đúng khi thiệt hại do con người –
thực thể của quan hệ xã hội và là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự – gây ra. Vì
vậy, trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đồ vật gây ra chỉ cần xác định đúng
sự kiện gây thiệt hại là nguyên nhân trực tiếp làm tổn thất tài sản thực tế, giữa chúng
có mối quan hệ nhân – quả, thì chủ sở hữu tài sản phải là người chịu trách nhiệm bồi
thường.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đồ vật gây ra , yếu tố lỗi dường như
không được xem xét đến. Theo quan niệm truyền thống yếu tố lỗi chỉ được xem xét
khi gắn với một chủ thể xác định. Vì vậy, người ta cho rằng gắn lỗi cho đồ vật khi
chúng gây thiệt hại là không thể xảy ra. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, lỗi trong
dân sự là lỗi suy đoán cho nên trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại, chủ sở hữu
tài sản luôn bị coi là có lỗi. Nếu chủ sở hữu chứng minh được mình không có lỗi
cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm BTTH ví dụ như trong trường hợp bất khả
kháng. Lỗi của chủ sở hữu trong trường hợp này được hiểu là chủ sở hữu quản lý
không tốt hoặc không đúng quy trình … để đồ vật gây thiệt hại. Trong trường hợp
đặc biệt nếu pháp luật quy định phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi thì chủ
sở hữu hoặc chủ thể khác chứng minh được mình không có lỗi vẫn phải BTTH do

12
tài sản gây ra như trong trường hợp BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều
623), BTTH do làm ô nhiễm môi trường (Điều 624)...
* Về chủ thể chịu trách nhiệm dân sự do tài sản gây ra.
Trong thực tế, nhiều trường hợp sự kiện gây thiệt hại của đồ vật diễn ra trong
một quá trình và có thể nói là không liên quan gì đến trạng thái tâm lý hay nhận thức
của chủ sở hữu. Nói cách khác sự kiện gây thiệt hại của đồ vật nằm ngoài mong
muốn cũng như sự kiểm soát của chủ sở hữu. Để nâng cao trách nhiệm của chủ sở
hữu trong chiếm hữu, sử dụng tài sản và theo nguyên tắc công bằng thông thường
thì chủ sở hữu của tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản thuộc

sở hữu hoặc quyền quản lý của mình gây ra.
Việc xác định chủ thể trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
cũng có những điểm khác biệt. Nếu xác định chính xác chủ sở hữu đối với tài sản,
thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường là công bằng và hợp lý. Nhưng sẽ
rất phức tạp nếu “người đó’ chỉ có quyền quản lý mà không phải là chủ sở hữu.
Chẳng hạn, việc quản lý cây cối của công ty công viên và cây xanh. Thực tế đã có
những thiệt hại loại này xảy ra, nhưng việc quy kết trách nhiệm cho chủ thể phải bồi
thường là rất phức tạp. Không ít trường hợp có thiệt hại xảy ra nhưng không quy kết
được trách nhiệm bồi thường cho ai! Trong những trường hợp này đương nhiên chủ
thể bị thiệt hại phải chịu thiệt thòi.
Vì vậy, để bảo đảm sự công bằng, cần xác định theo tiêu chí sau:
- Tài sản đó xác định rõ chủ sở hữu và chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, thì
chủ sở hữu phải bồi thường.
- Nếu đồ vật được chủ sở hữu chuyển giao cho người khác quyền chiếm hữu,
sử dụng (thông qua hợp đồng thuê tài sản, thuê khoán…) theo ý chí của chủ sở hữu
cần xác định: Nếu có lỗi của người chiếm hữu, sử dụng, thì người chiếm hữu sử
dụng có trách nhiệm bồi thường; nếu người chiếm hữu, sử dụng không có lỗi mà
thiệt hại do chính đồ vật gây ra (mà người sử dụng không thể biết và luật cũng
không buộc phải biết) như đổ nhà, sập trần, xe ô tô bị bất ngờ gẫy khung xe… thì
chủ sở hữu phải bồi thường.
- Chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao trách nhiệm quản lý, thì những
người này có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp này cần quy định là trách
nhiệm liên đới để bảo đảm việc khắc phục được nhanh chóng, bảo đảm lợi ích cho
người bị thiệt hại.

13
Cần lưu ý rằng, Điều 626 và Điều 627 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định hai
trường hợp không phải bồi thường là: thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị
thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Đây cũng là một thực tế rất phức tạp, vì
rằng nếu vì sự vô ý của chủ sở hữu hoặc của người được giao quản lý thì cũng rất

khó quy kết trách nhiệm bồi thường. Ví dụ: cây bị mục rễ tự nhiên đổ không phải do
bão, lụt (là những sự kiện bất khả kháng thông thường); hoặc có những công trình
công cộng lâu năm mà sức bền vật liệu hoặc thời hạn sử dụng đã hết… tự nhiên đổ,
thì cũng rất khó khăn khi xác định trách nhiệm. Nên chăng, cần có quy định về trách
nhiệm kiểm tra tài sản định kỳ nhằm phòng tránh rủi ro cho những người xung
quanh.
Đối với trường hợp tài sản thuộc sở hữu Nhà nước như cây cối trong rừng, thú
dữ, động vật khác gây thiệt hại thì lại có những đặc thù riêng. Do Nhà nước là một
chủ thể đặc biệt có rất nhiều đặc quyền và có thể được miễn trừ trách nhiệm nên
theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Nhà nước mới chỉ chịu trách
nhiệm BTTH do hành vi của cán bộ, công chức Nhà nước gây ra. Mặc dù Luật Bồi
thường Nhà nước đang được xây dựng và sắp được Quốc hội thông qua nhưng trong
phạm vi điều chỉnh của Luật này cũng loại trừ trách nhiệm của Nhà nước đối với
trường hợp tài sản của Nhà nước gây ra thiệt hại. Do đó, trong trường hợp tài sản
của Nhà nước gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ hỗ trợ cho người bị thiệt hại mà
không phát sinh trách nhiệm BTTH và người bị thiệt hại sẽ phải gánh chịu một rủi
ro.
*Về năng lực chịu trách nhiệm.
Theo quy định tại Điều 606 BLDS về năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân
thì:
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường;
Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì
cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi
thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để
bồi thường phần còn thiếu.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải
bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ
phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

14

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có
người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để
bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi
thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám
hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản
của mình để bồi thường.
Theo quy định trên thì người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân
sự gây thiệt hại thì có thể cha, mẹ hoặc người giám hộ phải chịu trách nhiệm BTTH.
Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp thiệt hại là do hành
vi của con người gây ra còn nếu thiệt hại là do tài sản gây ra thì nguyên tắc này
không thể được áp dụng bởi lẽ cha mẹ chỉ có thể bị suy đoán là có lỗi trong việc
giáo dục, quản lý con cái để con cái có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho
người khác. Còn trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại, chủ sở hữu của tài sản vẫn
là người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự và cha mẹ không
bị coi là có lỗi nếu tài sản đang do người khác quản lý. Hơn nữa, trách nhiệm dân sự
là trách nhiệm về tài sản và người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bằng tài sản
của mình. Do đó chủ thể chịu trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra phải là chủ sở
hữu của tài sản đó hoặc người đang chiếm hữu, quản lý tài sản chứ không thể là cha
mẹ hoặc người giám hộ. Nếu cha, mẹ, người giám hộ cũng là người quản lý tài sản
thì họ cũng có thể là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mặc dù người
chưa thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự không có năng lực tố tụng
nhưng người đại diện của họ có thể tham gia còn trách nhiệm vẫn phải thuộc về
những người này và họ phải bồi thường bằng tài sản của chính họ. Và nếu tài sản
của họ không đủ để bồi thường thì cha, mẹ, người giám hộ cũng không phải thực
hiện thay.
+ Về đối tượng bị xâm phạm. Nếu đối tượng bị xâm phạm trong trách nhiệm
bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung có thể là sức khoẻ, tính mạng, tài sản
danh dự, nhân phẩm, uy tín, thì đối tượng bị xâm phạm trong trách nhiệm bồi
thường do tài sản gây ra chỉ bao gồm thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe,còn
thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín không thuộc phạm vi tác động gây thiệt hại

của tài sản. Điều này được lý giải theo hướng, danh dự, nhân phẩm, uy tín là những
giá trị nhân thân gắn liền với từng cá nhân và danh dự, uy tín gắn liền với từng tổ
chức nhất định. Trong trường hợp bị xâm phạm đến các giá trị kể trên thường được
thông qua hành vi của con người dưới dạng hành động ( như thông qua lời nói, chữ
viết, hành vi cụ thể) trong sự tác động của quá trình nhận thức cũng như ý thức tôn

15
trọng các quyền tuyệt đối này và ý thức chấp hành pháp luật của con người. Tuy
nhiên. việc xâm phạm các lợi ích này có thể dẫn đến tổn thất về tinh thần cho người
bị thiệt hại hay thân nhân của họ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc xác
định đối tương bị xâm hại trong trường hợp tài sản gây thiệt hại lại là danh dự, nhân
phẩm, uy tín
2. Lược sử qui định của pháp luật về trách nhiệm BTTH do tài sản gây
thiệt hại.
Sự phát triẻn của pháp luật dân sự nói chung và pháp luật về trách nhiệm bồi
thường thiệt hại nói riêng gắn liền với lịch sử truyèn thống đạo đức, gắn liền với nền
văn hoá dân tộc và với quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của dân tộc Việt
Nam. Qua sử liệu cho thấy, trước thời nhà Lê, xã hội Việt Nam đã trải qua các thời
kì: nhà Đinh (967-1909); nhà Lý (1010-1225); nhà Trần (1226-1399); nhà Hồ
(1400-1406).
Việc nghiên cứu cũng như khảo cổ luật của Việt Nam gặp khó khăn trong việc
tìm kiếm tài liệu, các bộ luật chẳng hạn như Bộ luật Hình thư của nhà Lý, Bộ luật
Hình thư của nhà Trần cùng một số văn bản pháp luật quý báu khác bị thất lạc. Các
tài liệu chính để nghiên cứu các vấn đề pháp luật nói chung và các quy định của
pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã bị mất. Từ thế kỉ thứ XV, để nghiên
cứu về pháp luật ở các triều đại này, các nhà nghiên cứu đã phải sử dụng các tài liệu
gián tiếp của các tác giả như Phan Huy Chú, Ngô Sỹ Liên, Lê Quý Đôn, Hoàng
Xuân Hoãn...song những tài liệu này không đủ cơ sở để phân tích đánh giá cho một
kết luận chính xác nào về một vấn đề cụ thể, trong đó có những quy định của pháp
luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

2.1. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo Luật Hồng Đức
Trong Luật Hồng Đức tại chương tạp luật có các qui định về bồi thường thiệt
hại do hành vi của con người gây ra, như trộm cắp, đánh người và các qui định về
trách nhiệm bồi thường do tài sản gây ra. Điều 568 Luật Hồng Đức qui định:
“Khi có việc xây dựng hoặc phá huỷ gì mà phòng bị không cẩn thận để đến
lỗi xảy ra chết người thì bị xử biếm một tư và chịu tiền mai táng 5 quan, còn thợ
thuyền, chủ ty thì hình quan sẽ xem xét lỗi vì ai xảy ra mà định tội.”
Khi xây dựng nhà ở, công trình xây dựng thì chủ sở hữu phải chuẩn bị các
điều kiện cần thiết đảm bảo an toàn trong xây dựng và có biện pháp đề phòng các
trường hợp có thể gây thiệt hại cho tài sản, tính mạng sức khoẻ của người khác. Tuy

16
nhiên, nếu xây dựng hoặc phá huỷ công trình xây dựng mà gây thiệt hại thì chủ sở
hữu phải bồi thường. Trường hợp này có hai khả năng xảy ra, thứ nhất khi xây dựng
hoặc phá huỷ công trình mà người trực tiếp làm công việc đó có lỗi để gây ra thiệt
hại. Thứ hai, do người chủ không cẩn thận trong việc ngăn ngừa thiệt hại để cho
công trình xây dựng gây thiệt hại đẫn đến chết người, trường hợp này lỗi của chủ sở
hữu là gián tiếp cho nên chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại, đây là trách nhiệm do
tài sản gây ra.
Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp trên là lỗi vô ý
của chủ sở hữu hoặc lỗi của người trực tiếp xây dựng, của người nhận thầu công
trình và hậu quả là chết người. Mặc dù lỗi của ai nũa thì suy đoán cũng là lỗi của
chủ sở hữu vì người xây dựng là người làm thuê hoặc làm giúp cho chủ sở hữu, cho
nên công việc xây dựng hoặc phá dỡ là của chủ sở hữu, vì vậy chủ sở hữu công trình
và phải bồi thường. Nếu chủ sở hữu có lỗi vô ý vì cẩu thả “không cẩn thận” sẽ bị xử
tội biếm và phải bồi thường tiền mai táng cho nạn nhân là 5 quan tiền.
Khi xây dựng, phá dỡ công trình, việc gây thiệt hại có thể do thợ xây hoặc
người tháo dỡ công trình xây dựng bất cẩn để xảy ra thiệt hại, trước hết chủ sở hữu
phải bồi thường. Nếu những người trực tiếp thực hiên việc xây dựng, phá dở có lỗi,
thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị hình phạt tương xứng.

Ngoài các công trình xây dựng gây thiệt hại, pháp luật còn qui định các
trường hợp do súc vật gây ra thiệt hại. Điều 581 Luật Hồng Đức qui định:“ Người
thả trâu ngựa cho dày xéo, ăn lúa, dâu của người ta thì xử phạt 80 trượng và đền sự
thiệt hại. Nếu cố ý thả cho dày xéo thì biếm một tư và đền gấp đôi sự thiệt hại. Nếu
trâu ngựa lồng lên không kìm hãm được thì được miễn tội trượng”.
Theo qui định trên, người trực tiếp quản lý trâu, ngựa mà vô ý như chăn dắt
trâu ngựa trông coi không cẩn thận để trâu, ngựa phá hoại hoa mầu, mùa màng thì bị
phạt 80 trượng và phải đền bù toàn bộ thiệt hại. Trường hợp cố ý cho trâu, ngựa phá
hoại mùa màng, hoa mầu thường là những hành vi mang tính trả thù. Trường hợp
này, việc phá hoại mùa màng không những vi phạm trật tự an ninh xã hội mà còn
làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của chủ sở hữu, cho nên pháp luật áp
dụng các chế tài nghiêm khắc đối với người vi phạm.
Nếu do bản tính hung dữ, trâu, ngưạ lồng lên mà người chăn dắt không kìm
hãm được việc phá hoại của trâu, ngựa thì chủ sở hữu không có lỗi trong việc trông
coi, cho nên không phải chịu trách nhiêm hình sự, tuy nhiên về trách nhiệm dân sự
vẫn phải bồi thường thiệt hại.

17
Trâu, ngựa là loại súc vật to lớn giúp con người trong sản xuất kinh doanh, vì
vậy người nông dân thường phải lựa chọn những con súc vật này có tính hiến lành,
không hung dữ, như thế mới có thể điều khiển được chúng. Tuy nhiên, có những
trường hợp trâu, ngựa phá hoại mùa màng là do hành vi bất cẩn của con người hoặc
do hành vi cố ý sử dụng trâu, ngựa làm phương tiên, công cụ để phá hoại mùa màng
của người khác, cho nên chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm
dân sự.
Trong thực tiễn phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, có trường hợp những con
súc vật có tính hung ác luôn đe doạ gây thiệt hại, vì vậy chủ sở hữu phải có các biện
pháp ngăn chặn không cho súc vật gây thiệt hại tài sản, tính mạng, sức khoẻ của
người khác. Điều 582 Luật Hông Đức qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại
do súc hung dữ vật gây ra như sau:

“ Súc vật và chó có tính hay húc, đã và cắn người mà làm hiệu buộc ròng
không đúng phép (đúng phép là con vật hay húc người thì phải cắt hai sừng, đá
người thì buộc hai chân, cắn người thì phải cắt hai tai) hay chó dại mà không giết
thì đều xử phạt 60 trượng”.
Đối với súc vật có tình hung ác, thì chủ sở hữu phải có các biện pháp trông
giữ theo qui định của pháp luật như trâu, bò hay húc thì phải cắt hai sừng, vì sừng là
“vũ khí” nguy hiểm đẻ tấn công con người hay súc vật khác, nếu cắt bỏ thì khả năng
gây thiệt hại không còn. Nếu ngựa hay đá người thì phải buộc rằng hai chân trước và
sau sao cho có thể đi lại được bình thường nhưng không thể co chân đá người khác
và có nghĩa là nếu co hai chân sau lên cùng đá thì con ngựa sẽ bị ngã, cho nên không
thể gây ra thiệt hại.
Đối với chó hay cắn người thì cắt hai tai, đây là biện pháp trừng phạt theo
cách thức dân gian có hiệu quả. Chó phát hiện ra con người từ hướng nào và chuẩn
bị tấn công người hướng đó là do thính giác, vì thế chó bị cắt hai tai sẽ không phát
hiện ra tiếng động từ phía nào, cho nên nó không chủ động tấn công con người.
Đối với chó dại là nguồn nguy hiểm cho bất cứ ai, nếu không giết ngay sẽ gây
nguy hiểm về tính mạng cho người khác, vì thế chủ sở hữu phải giết chó dại ngăn
ngừa chó căn người, nhưng chủ sở hữu không thực hiện việc phòng ngừa đó, cho
nên phải chịu hình phạt là 60 trượng.
Súc vật không những gây thiệt hại về tài sản, tính mạng sức khoẻ cho con
người, mà còn gây thiệt hại cho những con súc vật cùng loại khác như trâu bò đánh

18
nhau. Đặc biệt trâu mộng là con vật luôn thể hiện mình có sức mạnh nhất mà con
khác phải coi chừng và phải nhường lãnh địa kiếm ăn, vì thế, do bản tính kình địch
thủ, cho nên chúng hay đánh nhau đến chết, do vậy, nếu xảy ra hai trâu đánh nhau
dẫn đến hậu quả một con chết thì được xử lý theo qui định tại Điều 586 LHĐ: “Trâu
của hai nhà đánh nhau, con nào chết thì hai nhà cùng ăn thịt, còn sống hai nhà
cùng cầy. Trái luật xử phạt 80 trượng”.
Con trâu là đầu cơ nghiệp của một gia đình nông dân, điều này vẫn còn phù

hợp đến ngày nay ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, nếu không có trâu cày, kéo thì ảnh
hưởng đến kinh tế của gia đình người nông dân, vì vậy Luật Hồng Đức qui định là
nếu hai con trâu đánh nhau mà một con chết thì con chết chia đôi cho mỗi chủ sở
hữu một nửa và con còn sống thuộc sở hữu chung của hai nhà. Qui định này nhằm
đảm bảo cho hai gia đình đều có trâu để cầy, kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp của
mỗi gia đình.
Qua những điều luật trên, Luật Hồng Đức đã qui định tương đối đầy đủ trách
nhiệm dân sự của chủ sở hữu khi các loại tài sản của mình gây thiệt hại cho người
khác. Điều này chứng tỏ các nhà làm luật đã dự liệu được các trường hợp tài sản có
thể gây ra thiệt hại và thể hiện cái nhìn tương đối toàn diện về trách nhiệm dân sự
ngoài hợp đồng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đương thời.
2.2. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo Luật Gia Long
Những thành quả của Luật Hồng Đức đã không được kế thừa trong luật của
nhà Nguyễn. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do
nhà Nguyễn bị ảnh hưởng, phụ thuộc nhiều vào chế độ phong kiến phương Bắc, cho
nên trong Hoàng Việt Luật lệ (Luật Gia Long), cấu trúc của Luật Gia Long hoàn
toàn khác so với Luật Hồng Đức. Trong chế định bồi thường thiệt hại thì các qui
định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra không có qui định cụ thể
mà chủ yếu qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi con người gây ra
(quyển 6 Hộ luật). Trong quyển 6, chủ yếu qui định về các hành vi gây thiệt hại về
tài sản của Vua hoặc quan lại triều đình mà không có qui định về bồi thường thiệt
hại tài sản của công dân. Điều này có thể được giải thích là trong xã hội nhà Nguyễn
pháp luật bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của giai cấp thống trị nhằm củng cố địa vị của
giai cấp thống trị đối với nhân dân lao động.
2.3. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của các Bộ Dân luật

19
Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, quốc mẫu Pháp đã thi hành chế độ
bảo hộ đối với Việt Nam và các nước Đông Dương, vì vậy các bộ luật dân sự của
nước ta thời kỳ pháp thuộc do nhà nước Pháp ban hành bằng tiếng pháp và được

dịch ra tiếng Việt. Các bộ luật này dựa theo Bộ luật dân sự của NAPOLEON nhưng
có điều chỉnh phù hợp với điều kiện chính trị kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Chế định bồi thường thiệt hại trong Bộ Dân luât Bắc Kỳ (DLBK) và Hoàng
Việt Trung Kỳ Hộ luật (DLTK) được chia thành trách nhiệm dân sự theo hợp đồng
và ngoài hợp đồng. Đối với trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, nguyên tắc chung
để xác định trách nhiệm dân sự được qui đinh tại Điều 711(DLBK) và Điều 763
(DLTK):
“Người ta phải chịu trách nhiệm không những tổn hại tự mình làm ra mà cả về
sự tổn hại do những người mà mình phải bảo lãnh hay do những vật mình phải
trông coi nữa.
Phàm vật vô hồn mà làm nên tổn hại. thì người trông coi vật ấy cho là có lỗi
vào đó, không phân biệt vật đó có tay người động đến hay không, muốn phá sự
phỏng đoán đó thì phải có bằng chứng trái lại mới được.
Bấy nhiêu trường hợp như trên đều có trách nhiệm cả, trừ khi người chịu trách
nhiệm đó có bằng chứng rằng cái việc sinh ra trách nhiệm ấy mình không thể ngăn
cấm được”.
Đoạn một điều luật trên qui định về nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự là
người nào gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường. Mặt khác nếu một người giám
hộ (bảo lỉnh) người khác mà để người được giám hộ gây thiệt hại thì người giám hộ
phải bồi thường thiệt hại, vì người giám hộ không thực hiện tốt nghĩa vụ giám hộ
của mình nên phải chịu thay người được giám hộ. Ngoài ra đoạn một điều luật còn
qui định trách nhiệm của người trông coi tài sản mà để tài sản gây thiệt hại thì phải
bồi thường thiêt hại. Người trông coi tài sản có thể là chủ sở hữu, hoặc người được
chủ sở hữu chuyển tài sản thông qua hợp đồng như gửi giữ…, người trông giữ
không bảo quản, coi giữ cẩn thận để tài sản gây thiệt hại là do lỗi của người trông
gữi, cho nên họ phải bồi thường thiệt hại.
Đoạn hai điều luật qui định vật vô hồn là các vật như nhà ở, công trình xây
dựng và các tài sản vô chi vô giác khác gây thiệt hại trong hai trường hợp: Thứ nhất,
do người quản lý trông coi, sử dụng tài sản mà có lỗi vô ý, quản lý, trông coi hoặc
khai thác sử dụng không cẩn thận để tài sản gây thiệt hại. Thứ hai là tài sản tự nó


20
gây thiệt hại mà không có hành vi tác động trực tiếp của người quản lý trông coi.
Trường hợp này người quản lý tài sản có lỗi vô ý gián tiếp là không thực hiện tốt các
biện pháp phòng ngừa có khả năng cho phép, cho nên để tài sản gây thiệt hại, vì vậy
chủ sở hữu hoặc người quản lý trông coi tài sản phải bồi thường thiệt hại. Nếu thiệt
hại xảy ra không phải do lỗi của người quản lý tài sản mà do hành vi trái luật trực
tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phát sinh khi người quản lý, trông coi
tài sản chúng minh được việc gây thiệt hại đó là bất khả kháng. Vì trường hợp này
người quản lý không có lỗi trong việc trông coi tài sản, thiệt hại xảy ra nằm ngoài
khả năng kiểm soát của con người, cho nên họ không phải chịu trách nhiêm dân sự.
Trách nhiệm dân sự về thiệt hại do súc vật gây ra được qui tại Điều 715
(DLBK) và Điều 766 (DLTK):
“ Người chủ con vật hay người dùng nó, trong khi nuôi nó mà nó làm tổn hại
sự gì phải chịu trách nhiệm dù khi đó mình có giữ nó hay nó trốn di mặc lòng”.
Súc vật là những con gia súc nuôi trong nhà như trâu, bò, lợn, chó.. đây là
những con thú dữ đã được thuần hoá, nhưng do bản năng hung dữ có thể xuất hiện
bất cứ khi nào, vì vậy chủ sở hữu, người sử dụng súc vật phải có biện pháp trông coi
cẩn thận, tuy nhiên có trường hợp chủ sở hữu đã áp dụng các biện pháp cho phép để
trông giữ nhưng súc vật vẫn trốn khỏi sự kiểm soát của chủ sở hữu hoặc người sử
dụng nó và gây thiệt hại cho người khác. Súc vật gây thiệt hại có thể do hành vi bất
cẩn của người quản lý nó hoặc do người quản lý đã không lường hết được các khả
năng sẽ gây thiệt hại thì những trường hợp này suy đoán là ngươì quản lý có lỗi
trong việc trông coi, quản lý súc vật để nó gây thiệt hại, vì thế chủ sở hữu hoặc
người quản lý sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại.
Tài sản lớn có giá trị của cá nhân là nhà ở, tài sản này có thể gây thiệt hại do
hành vi vô ý của chủ nhà thể hiện trong Điều 716 (DLBK) và Điều 767 (DLTK) như
sau:
“ Người chủ nhà mà nhà đổ nát làm thiệt hại cho người ta vì không chụi tu bổ

hay vì làm không chắc chắn phải chịui trách nhiệm về sự tổn hại đó”.
Khi nhà ở bị đổ gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ cho người khác
cần xem xét lỗi của chủ nhà trong việc tu bổ, sửa chữa thường xuyên những hư hỏng
thông thường. Nếu chủ nhà cố ý hoặc vô ý không tu bổ hư hỏng mà để gây thiệt hại
thì đây là hành vi vô ý của chủ nhà. Trường hợp nhà đổ do xây dựng không đảm bảo

21
an toàn như chất lượng vật liệu không tốt, kỹ thuật xây dựng kém hoặc làm nhà tạm
bợ vì không có khả năng kinh tế…những trường hợp trên mà nhà ở gây thiệt hại thì
được coi là lỗi gián tiếp của chủ sở hữu, cần phải biết hoặc buộc phải biết về khả
năng nhà có thể đổ nát khi gặp mưa to, gió lớn, cho nên chủ sở hữu phải bồi thường
thiệt hại.
Các qui định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hai bộ Dân luật Bắc kỳ
và dân luật Trung kỳ đều dựa trên căn cứ vào lỗi trực tiếp hoặc lỗi gián tiếp của của
chủ sở hữu hoặc quản lý sử dụng tài sản. Nguyên tắc xác định trách nhiệm dân sự
dựa trên yếu tố lỗi đảm bảo được việc xác định đúng trách nhiệm dân sự của người
có hành vi trái luật, bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại trong việc khắc phục hậu
quả thiệt hại do người khác gây ra.
2.4. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của Pháp luật Việt
Nam hiện đại.
* Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của Thông tư 173/UBTP
năm 1972
Bộ dân luật Bắc kỳ được áp dụng ở miền Bắc nước ta đến cuối năm 1959 và
sau đó toà án áp dụng đường lối xét xử được Toà án nhân dân tối cao tổng kết kinh
nghiệm xét xử hàng năm và các văn bản hướng dẫn xét xử của Toà án nhân dân tối
cao. Trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại có Thông tư 173-UBTP ngày 23/3/1972 (
TT.173) của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng.
Theo Thông tư 173, để xác định một chủ thể có phải chịu trách nhiệm dân sự
hay không cần phải căn cứ vào 4 điều kiện sau:

- Phải có thiệt hại
Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất, cụ thể là các thiệt hại về tài sản, các chi
phí cần thiết và thu nhập bị mất do xâm phạm đến tính mạng sức khoẻ.. những thiệt
hại xảy ra phải tính toán được bằng một số tiền cụ thể.
- Phải có hành vi trái pháp luật.
Hành vi trái luật có thể là hành vi phạm pháp hình sự hoặc bất kỳ hành vi nào
vi phạm pháp luật nói chung hoặc vi phạm một qui tắc sinh hoạt xã hội.
- Phải có quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.

22
Thiệt hại xảy ra phải đúng là kết quả tất yếu của của hành vi trái luật, hành vi
trái luật là nguyên nhân chủ yếu có tính quyết định làm phát sinh hậu quả cụ thể.
- Người gây thiệt hại có lỗi.
Người gây thiệt hại nhận thức hoặc cần phải nhân thức hành vi của mình là trái
luật và có thể gây ra thiệt hại cho người khác. Lỗi của người gây thiệt hại có thể là
cố ý hoặc vô ý.
Khi có thiệt hại xảy ra, cần phải xem xét thiệt hại do hành vi trực tiếp hoặc
gián tiếp của con người. Hành vi trực tiếp gây thiệt hại là hành của một người đã xác
định được, hành vi đó là trái luật. Hành vi gián tiếp gây thiệt hại là do ngưòi đó
không thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa việc gây thiệt hại, như
không có các biện pháp phù hợp bảo quản tài sản dẫn đến việc tài sản gây thiệt
hại...Đối với những trường hợp hành vi trực tiếp gây thiệt hại cần xác định ý thức
chủ quan của người gây thiệt hại là biết, hoặc không biết hành vi của mình là sai để
xác định người thực hiên hành vi đó có lỗi cố ý hay vô ý. Trường hợp tài sản gây
thiệt hại do nguyên nhân chủ quan của người quản lý sử dụng tài sản, thì cần phải
xác định lỗi của người chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng thể hiện như thế nào
trong từng trường hợp cụ thể.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được hướng dẫn tại Mục B
điểm 4 của Thông tư 173 như sau:
“-Đối với thiệt hại do súc vật gây ra (như chó dại cắn chết người, trâu húc

người hay súc vật bị thương) thì người sở hữu súc vật trực tiép phụ trách viẹc trông
coi, chăn rắt phải chịu bồi thường.
Nếu súc vật đã chuyển cho người khác sử dụng (như cho mượn..) mà gây thiệt
hại thì người sử dụng súc vật đó phải bồi thường.
Cở sở trách nhiệm của người chủ sở hữu hay của người trực tiếp sử dụng súc
vật là lỗi của họ trong việc trông coi, chăn dắt súc vật không cẩn thân.”
Khi súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người khác lỗi lỗi vô ý
của chủ sở hữu hoặc người trực tiếp quản lý sử dụng thì chủ sở hữu hoặc người trực
tiếp quản lý sử dụng phải bồi thường thiệt hại. Nếu súc vật đã chuyển giao cho
người khác thông qua hợp đồng chuyển quyền sủ dụng thì, người chiếm hữu hợp
pháp phải bồi thường thiệt hại. Theo hướng dẫn trên, thì lỗi của người chủ sở hữu
hoặc của người trực tiếp quản lý sử dụng là lỗi vô ý, không cẩn thận trong việc trông
coi súc vật dẫn đến việc súc vật thoát khỏi sự kiểm soảt của chủ sở hữu, người quản

23
lý sử dụng và gây thiệt hại. Ngược lại, do lỗi vô ý để súc vật gây thiệt hại làm phát
sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì lỗi cố ý cho súc vật phá hoại mùa màng hoa
mầu của người khác... thì tất nhiên chủ sở hữu, người quản lý sử dụng phải bồi
thường thiệt hại.
Về nguyên tắc, khi xác định trách nhiệm dân sự của một chủ thể thì cần phải
xác định chủ thể đó có lỗi trong việc gây thiệt hại. Tuy nhiên, một số trường hợp
không cần xác định lỗi của con người, đó là trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm
cao độ gây ra. Nguyên tắc của trách nhiệm này là chủ sở hữu sử dụng tài sản thì
phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, trừ trường hợp chứng minh được thiệt hại
xảy ra hoàn toàn do lỗi người bị hại hoặc do bất khả kháng. Trách nhiệm dân sự do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được hướng dẫn tại điểm 5 mục B Thông tư 173.
“ Trường hợp thiệt hại xảy ra hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ, không
do lỗi của ai, thì cơ quan quản lý nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt
hại...”
Những năm 1970, miền Bắc đã hoàn thành cải tạo XHCN, cho nên phương tiện

giao thông vận tải và các nguồn nguy hiểm cao độ khác chủ yếu thuộc sự quản lý
của các hợp tác xã, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội.. cho nên
TT.173 hướng dẫn là cơ quan quản lý nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt
hại. Thông tư 173 được áp dụng đến ngày Bộ luật dân sự 1995 có hiệu lực.
* Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của Thông tư 03-TATC
ngày 05/04/1983
Thông tư 173 được ban hành trong điều kiện nền kinh tế - xã hội còn chưa phát
triển, trình độ và kỹ thuật lập pháp còn đạt ở mức độ khiêm tốn; vì thế, những qui
định trong Thông tư này chưa thực sự toàn diện, thiếu vắng những qui định liên
quan đến trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, quan hệ xã hội phát sinh
ngày càng nhiều và phong phú hơn trong đời sống dân sự, vì thế, yếu tố khách quan
này đòi hỏi cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn. Thực trạng đó đã đưa đến cuộc trao đổi
thống nhất giữa VKSNDTC, Bộ GTVT và với TANDTC. Thông tư số 03-TANDTC
ngày 05/04/1983 được ban hành, hướng dẫn một số quy định về BTTH trong tai nạn
ô tô. Vào thời điểm Thông tư 173 được ban hành thì ở Việt Nam ô tô chỉ thuộc sở
hữu nhà nước, các cá nhân không có quyền sở hữu đối với các loại ô tô, vì thế, trong
mọi trường hợp, chủ sở hữu là nhà nước phải BTTH. Thời gian sau đó, ở Việt Nam,
ô tô không chỉ thuộc sở hữu của nhà nước mà còn thuộc sở hữu của tư nhân. Điều đó
chứng tỏ trong xã hội, khả năng kinh tế của mỗi cá nhân có độ chênh lệch, bởi thế,

24
các nhà lập pháp đã có cách nhìn nhận mới trong việc quy định trách nhiệm BTTH
do tai nạn ô tô. Trên cơ sở kế thừa những quy định của Thông tư 173 về cơ sở để
xác định việc bồi thường cũng dựa vào 4 điều kiện. Tuy nhiên, trong khi quy định về
trách nhiệm BTTH trong tai nạn ô tô đã quy định khá cụ thể về lỗi của từng chủ thể
(lỗi của phía ô tô, lỗi của nạn nhân, lỗi của người thứ 3). Ngoài ra, còn có dự liệu
khi ô tô va chạm mà gây thiệt hại và chỉ có 1 bên có lỗi thì bên có lỗi phải BTTH
còn nếu cả 2 bên có lỗi thì xác định trách nhiệm liên đới. Nếu trong trường hợp tự
thân hoạt động của ô tô mà gây thiệt hại thì phía ô tô phải bồi thường. Trong trường
hợp bất khả kháng như: do cây đổ, đá lở, sét đánh, v.v... thì phía ô tô không phải bồi

thường. Người phải BTTH cũng phải xác định tương đối cụ thể trong Thông tư 03,
cụ thể là người chiếm hữu phương tiện phải bồi thường những thiệt hại gây ra cho
người xung quanh mà không phân biệt người chiếm hữu phương tiện chỉ phải bồi
thường khi người lái xe đang làm nhiệm vụ được giao với khi không được giao
nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng hoặc sử dụng để làm việc riêng. Qui định này xuất phát
từ việc nhanh chóng khắc phục thiệt hại cho người bị thiệt hại và có tác dụng làm
cho người chiếm hữu phương tiện phải quản lý những người lái xe. Thông tư này
còn xác định người chủ xe là người chiếm hữu xe trừ khi xe đã được chuyển giao
cho người khác thông qua hợp đồng cho mượn, cho thuê không kèm theo người lái,
xe bị trưng dụng theo mệnh lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi xe
chuyển giao thì người được chuyển giao phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu xe
bị huy động phục vụ các nhu cầu của nhà nước như: chống bão lụt, dịch bệnh,... thì
chủ phương tiện vẫn phải BTTH nếu xe gây thiệt hại vì chủ phương tiện vẫn được
coi là thực hiện kế hoạch Nhà nưóc, được Nhà nước cung cấp cho kinh phí, nhiên
liệu, v.v.... Có thể nói, đây là quy định hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của chủ
xe mà cần được hiểu rằng trong trường hợp này, xe đã được chuyển giao và Nhà
nước chính là người đang chiếm hữu xe của cá nhân để phục vụ lợi ích công cộng,
không cân bằng giữa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, dẫn đến hậu quả rất khó khăn
trong việc khuyến khích chủ xe thực hiện nghĩa vụ với nhà nước...
* Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của BLDS 1995 và 2005
Trong Bộ luật dân sự 1995 và được sửa đổi bổ sung năm 2005, các qui định về
bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra không thay đổi, bổ sung mà thay đổi số các
điều luật. Qui định bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra gồm các điều luật sau đây:
Điều 627 BLDS 1995 (Đ623 BLDS 2005)-Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra. Điều 628 (624)-Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi

25
trường. Điều 629 (625) -Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Điều 630 (625)-Bồi
thường thiệt hại do cây cối gây ra. Điều 631(626)-Bồi thường thiệt hại do nhà cửa,
công trình xây dựng gây ra. Những qui định về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra

trong BLDS dựa trên cơ sở pháp lý là lỗi của chủ sở hữu hoặc của người trực tiếp sử
dụng, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó. Những người này có lỗi vô ý hoặc cố ý
để tài sản của mình gây thiệt hại. Ngoài ra, luật qui định trường hợp không cần xác
định lỗi của chủ sở hữu như trách nhiệm dân sự do ngưồn nguy hiểm câo độ gây ra.
3. Trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra theo quy định của pháp luật của
một số quốc gia trên thế giới.
3.1. Pháp luật của Cộng hoà Pháp
Pháp luật luật dân sự của Pháp ảnh hưởng mạnh đến pháp luật dân sự của nhà
nước phong kiến Việt Nam thời kỳ thuộc địa, vì thế các qui định về trách nhiệm bồi
thường thiệt hại nói chung trong các Bộ dân luật Bắc Kỳ và Dân luật Trung Kỳ đều
giống Bộ luật dân sự Pháp.
Điều 1384 Bộ luật dân sự Pháp qui định:
“Mỗi người phải chịu trách nhiệm không những về thiệt hại do mình gây ra mà
cả về thiệt hại do những người mà mình chịu trách nhiệm hoặc những vật mà mình
coi giữ gây ra”.
Điều 1385 BLDS Pháp: “ Chủ sở hữu con vật hoặc người sử dụng con vật ấy
phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do con vật gây ra, dù nó đang được coi giữ hoặc
bị xổng ra”.
Điều 1386 BLDS Pháp: “Chủ sở hữu công trình xây dựng phải chịu trách
nhiệm vè thiệt hại gây ra do công trình bị đổ vì thiếu bảo dưỡng hoặc vì khuyết tật
trong khi xây dựng”.
Các qui định trong Bộ dân luật Bắc Kỳ và Dân luật Trung Kỳ đã đựợc phân
tích tại phần đầu.
3.2. Pháp luật của Nhật Bản
Trong Bộ luật dân sự Nhật Bản, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được qui định
tại Chương V- Hành vi không hợp pháp. Chương này qui định về bồi thường thiệt
hại do hành vi không hợp pháp của con người trực tiếp hoặc gián tiếp gây thiệt hại.
Người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì cần phải xác định người chủ sở hữu, người trực

×