Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một phạm trù lịch sử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (99.34 KB, 5 trang )

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một phạm trù lịch sử. Và ta nên xem xét nó
trong hoàn cảnh lịch sử đặc thù; gạn lọc, kế thừa thành tựu, cái mạnh, cái hay, thay
thế đổi mới những điểm còn yếu, còn áp đặt. Không vì Liên Xô tan vỡ mà đập vỡ
luôn, chôn vùi luôn cả những thành quả văn học nghệ thuật một thời; những sáng
tạo cá nhân tuy có gắn với thời thế, thời đại… vẫn là tâm huyết, tài năng. Chẳng
hạn hiện nay đã có Bách khoa toàn thư về Sholokhov (2013), hay các tác phẩm điện
ảnh kinh điển như Chiến hạm Potemkin, Đàn sếu bay qua, Bài ca người lính… Tính
nhân dân, tính nhân văn, niềm tin yêu lạc quan về con người, về lịch sử… có bao
giờ lại cũ. Mặc cho bao khó khăn, phức tạp, thiếu ánh sáng lý tưởng trên đường đi
tới, chiến tranh, cạnh tranh, cái Ác đôi khi lộng hành, nhân loại vẫn không mất hy
vọng. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải là hướng sáng tác duy nhất,
độc tôn; và về lý luận ta còn phân vân về cái gọi là phạm trù phương pháp, về sự
lắp ghép xã hội chủ nghĩa vào hiện thực còn đơn giản, và nhiều lúc còn điển quy
vội vã… còn trong thực tế, đôi khi nó đã bị diễn dịch thô thiển… Nhưng ta vẫn cần
công nhận là trong một thời khắc lịch sử nó đã lập nên kỳ tích. Và không có kỳ tích
nào là không có tì vết, nhưng dù có tì vết nó vẫn là kỳ tích! Rẻ rúng nó là không có
trái tim, không còn ký ức.
H.V.
Sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là vấn đề được
bàn tới nhiều cả trong thời đại Xô viết lẫn thời hậu Xô viết.
Trong nghiên cứu văn học Xô viết, vấn đề nguồn gốc của chủ nghĩa hiện thực xã
hội chủ nghĩa (XHCN) thường được gắn với hệ tư tưởng mác xít. Các nhà nghiên
cứu Xô viết cho rằng tuy chủ nghĩa hiện thực XHCN không đồng nhất với chủ
nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử (điều đã là nguyên nhân của những
tranh luận thập niên 1920 với RAPP), nhưng người nghệ sĩ hiện thực XHCN là
người chia sẻ thế giới quan duy vật biện chứng và điều đó cho phép người nghệ sĩ
phản ánh chân thật hiện thực lịch sử. Trên phương diện hiện thực lịch sử, chủ nghĩa
hiện thực XHCN thường được đặt trong thế đối lập với văn học quá khứ: nó chỉ
xuất hiện vào thời đại của cách mạng vô sản và XHCN. Cuộc cách mạng đó là chất
liệu sống, là mảnh đất trên đó một phương pháp sáng tác mới được nảy sinh(1).
Cuối thời Xô viết và thời gian đầu sau khi Liên Xô sụp đổ (cuối thập niên 1980 và


đầu thập niên 1990), việc lý giải nguồn gốc chủ nghĩa hiện thực XHCN dựa vào
những yếu tố ngoại văn học vẫn tiếp tục, nhưng theo xu hướng khác: cho rằng
“chủ nghĩa hiện thực XHCN là sáng tạo của hệ thống chính quyền toàn trị muốn
điều hành tất cả từ sản xuất xà bông bột đến thơ ca và văn xuôi”(2).
Tuy nhiên, những quan tâm lý giải nguồn gốc của chủ nghĩa hiện thực XHCN từ
chính bản chất văn học của hiện tượng này, dĩ nhiên vẫn trong tương quan với điều
kiện lịch sử xã hội trong đó nó được hình thành và phát triển, ngày càng được chú
ý hơn. Và những nghiên cứu tập trung chủ yếu vào sáng tác của Maxim Gorky –
người được coi là cha đẻ của văn học hiện thực XHCN.
(…)
Ngày 23-2-1932, Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ra nghị quyết
về việc “cải tạo các tổ chức văn học nghệ thuật”, trong đó khẳng định vai trò của
các tổ chức vô sản trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật đối với việc củng cố
những quan điểm văn học và nghệ thuật vô sản. Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh
của đội ngũ nhà văn vô sản, khuôn khổ của các tổ chức như RAPP, VOAPP (Hiệp
hội các nhà văn vô sản) trở nên chật hẹp và cản trở quy mô phát triển sáng tạo nghệ
thuật, đồng thời hơn thế nữa chúng có nguy cơ bị biến thành phương tiện khuyến
khích sự hẹp hòi, khép kín mang tính hội nhóm. Bởi vậy, Bộ chính trị Trung ương
Đảng đã ra quyết nghị “xóa bỏ Hiệp hội các nhà văn Nhà văn Maxim Gorky vô
sản (VOAPP, RAPP), thống nhất tất cả các nhà văn ủng hộ đường lối của chính
quyền Xô viết và mong muốn tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
vào một liên hiệp thống nhất các nhà văn Xô viết với thành phần cộng sản chủ
nghĩa trong đó”(3). Tổ chức thống nhất đó là Hội Nhà văn Liên Xô.
Ba tháng sau nghị quyết của Bộ Chính trị, thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực XHCN”
lần đầu tiên xuất hiện trên báo Văn Học (23-5-1932), như một sự đối lập với luận
điểm của RAPP đồng nhất máy móc những phạm trù triết học với văn chương
(“phương pháp sáng tác duy vật biện chứng”) bằng một khái niệm đáp ứng xu
hướng phát triển văn học Xô viết: một mặt nó thừa nhận vai trò của những truyền
thống của văn học hiện thực quá khứ, mặt khác khẳng định những phẩm chất mới
của chủ nghĩa hiện thực (xã hội chủ nghĩa) được tạo ra bởi đời sống xã hội mới và

bởi thế giới quan mới của các nhà văn Xô viết. Mặc dù trước đó, các nhà văn
(Gorky, Mayakovsky, A.Tolstoy, Fadeev) và các nhà phê bình (Lunacharsky,
A.K.Voronsky) đều đã thử đặt tên cho xu hướng mới này: chủ nghĩa hiện thực vô
sản, chủ nghĩa hiện thực có định hướng, chủ nghĩa hiện thực kỳ vĩ, chủ nghĩa hiện
thực anh hùng, chủ nghĩa hiện thực lãng mạn , tuy nhiên tên gọi “chủ nghĩa hiện
thực XHCN” nhanh chóng được phổ biến rộng rãi. Tại Đại hội lần thứ nhất Hội
Nhà văn Liên Xô năm 1934, nó được chính thức đưa vào Điều lệ của Hội. Gorky
trong báo cáo đọc tại đại hội đã nói về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ
nghĩa như một cương lĩnh sáng tạo hướng tới hiện thực hóa những tư tưởng nhân
văn cách mạng:
“Chủ nghĩa hiện thực XHCN khẳng định tồn tại là hành động, là sáng tạo mà mục
đích của nó là sự phát triển không ngừng những khả năng quý giá nhất của cá
nhân để chiến thắng những lực lượng tự nhiên, vì sức khỏe và sự trường thọ của
con người, vì hạnh phúc vĩ đại được sống trên thế gian”(4).
Tóm lại, thập niên 1920 và 1930 là thời kỳ bắt đầu công cuộc xây dựng nhà nước
Xô viết liên bang sau Cách mạng tháng Mười (1917) và nội chiến (1918-1921). Cái
chết của Lenin năm 1924 đánh dấu sự chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước sang
Joseph Stalin (1879-1953), bắt đầu một thời đại được gọi tên là “thời đại Stalin”
(từ giữa thập niên 1920 đến 1953). Khi nói về thời đại này, trong các tài liệu
phương Tây cũng như tài liệu Nga thời kỳ cải tổ và hậu Xô viết, người ta thường
nhấn mạnh đến sự hình thành chế độ chuyên chế toàn trị, những cuộc đàn áp đối
với một số giai tầng xã hội và sắc tộc, cuộc tập thể hóa nông thôn dẫn đến sự sa sút
của nông nghiệp ở giai đoạn đầu và nạn đói những năm 1932-1933, những tổn thất,
thương vong và việc chia rẽ thế giới thành hai thế lực thù địch, mở đầu cho cuộc
“chiến tranh lạnh” hậu thế chiến thứ hai.
Tuy nhiên, một sự thực khác không thể phủ nhận về “thời đại Stalin” là công cuộc
công nghiệp hóa mạnh mẽ đất nước, là chủ nghĩa anh hùng của quần chúng nhân
dân trong lao động và chiến đấu, là chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại
1941-1945, là việc Liên Xô trở thành một cường quốc với những tiềm lực mạnh
mẽ về khoa học, công nghiệp và quân sự, có ảnh hưởng chính trị to lớn trên phạm

vi toàn cầu mà trước đó chưa từng có.
Sự khởi đầu của một “thời đại Stalin” như thế thực chất là sự khởi đầu của văn hóa
Xô viết. “Thời đại mới – bài ca mới”, giữa những khuynh hướng văn học hiện thực
và phi hiện thực (hay hiện đại chủ nghĩa) trong văn học Nga ba thập niên đầu thế
kỷ, xu hướng văn học vô sản đã nổi lên như một hiện tượng đáp ứng tinh thần của
thời đại. Những cuộc thảo luận cuối thập niên 1920 - đầu thập niên 1930 là để đưa
đến việc “chính danh định phận” cho nó: chủ nghĩa hiện thực XHCN như một
phương pháp sáng tác mới và trở thành chủ đạo của văn học Xô viết. Sự tham gia
không chỉ của các nhà hoạt động văn học, văn hóa, mà cả các chính trị gia, các cơ
quan nhà nước, cơ quan Đảng vào việc này khiến nảy sinh quan niệm đã thành
“truyền thống” về chủ nghĩa hiện thực XHCN gắn với chính trị nhiều hơn là với
văn học (cả với nghĩa tích cực lẫn tiêu cực): đó là sự phản ánh hiện thực “trong sự
phát triển cách mạng”kết hợp “cải tạo và giáo dục tư tưởng theo tinh thần
XHCN” (Điều lệ Hội Nhà văn Liên Xô, 1934), là “sự tiếp tục học thuyết của Lenin
về tính đảng trong văn học” (Đại bách khoa toàn thư Xô viết, 1947), là “bóng ma
lý luận” “sáng tạo của Stalin những năm 1930” (L.P. Egorova, P.K.
Chekalov, Lịch sử văn học Nga thế kỷ XX, 1998) , là “nghệ thuật được giới quan
liêu trong Đảng chào mời, phục vụ những nhu cầu của xã hội toàn trị trong việc
hình thành ‘con người mới’” (Yu.B. Borev, Mỹ học, 2002).
Tuy nhiên, nếu nhìn vào nội dung của những ý kiến thảo luận ở thập niên 1920-
1930, có thể thấy cái thực sự được quan tâm ở xu hướng văn học này chính là đặc
thù “văn học” của nó: văn học hiện thực XHCN gắn bó với những tư tưởng triết
học nhưng không đồng nhất với triết học, phản ánh hiện thực thời đại cách mạng
nhưng không phải là “biên bản”, là “tuyên truyền”. Đồng thời, việc người ta nhắc
nhiều đến mối liên hệ giữa chủ nghĩa hiện thực XHCN với những xu hướng văn
học khác, đặc biệt là với chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa lãng mạn, một
mặt cho thấy phần nào bản chất linh hoạt và sống động của chủ nghĩa hiện thực
XHCN, mặt khác cho thấy sự đa dạng phong phú của đời sống văn học Xô viết
“thời đại Stalin”, nơi không phải chỉ có sự thống trị của những giáo điều mang tính
chính trị. Điều này có thể giúp lý giải sự hiện diện của những Cuộc đời Klim

Samgin, Sông Đông êm đềm… bên cạnh những Người mẹ, Đất vỡ hoang… trong
sáng tác của các nhà văn hiện thực XHCN “kinh điển” như Gorky, Sholokhov,
cũng như giúp hiểu được sự chuyển biến của nó vào thời kỳ cuối của sự phát triển
ở các thập niên 1960-1980.
Có thể chỉ ra ba nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa hiện thực XHCN:
1) Tính nhân dân: khái niệm này có thể được hiểu là sự gần gũi, dễ hiểu đối với
quần chúng lao động cả về đề tài lẫn hình thức thể hiện.
2) Tính tư tưởng: miêu tả đời sống thế tục của nhân dân, sự kiếm tìm những con
đường đi đến một cuộc sống mới mẻ, tốt đẹp hơn, những hành động anh hùng để
đạt được cuộc sống tốt đẹp đó cho mọi người.
3) Tính cụ thể lịch sử: trong khi miêu tả hiện thực chỉ ra tiến trình phát triển lịch
sử, thể hiện quan điểm duy vật về lịch sử (sự thay đổi những điều kiện lịch sử xã
hội sẽ dẫn đến những thay đổi trong nhận thức, trong thái độ đối với hiện thực).
( )
Các thập niên 1960-1980, xét từ phương diện chính trị xã hội, có thể được gọi tên
là “thời Khrushchev và hậu Khrushchev”. Đỉnh điểm quá trình “giải Stalin” một
cách đại trà diễn ra vào đầu thập niên 1960: năm 1961, thi hài Stalin bị đưa ra khỏi
lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ, thành phố Stalingrad đổi tên thành Volgograd,
các tượng đài Stalin bị dỡ bỏ, cuộc biểu tình ủng hộ Stalin ở Tbilisi (Gruzia) bị đàn
áp. Sau những chấn động chính trị giữa thập niên 1950 là những cải cách, “kế
hoạch bảy năm” (1959-1965) thay cho “các kế hoạch năm năm” truyền thống trong
kinh tế kế hoạch nhà nước. Đó là một số biến cố trong đời sống chính trị xã hội
“thời Khrushchev”. Năm 1964, những diễn biến phức tạp trong nội bộ lãnh đạo
dẫn đến việc Khrushchev phải rời bỏ chức vụ lãnh đạo tối cao của Liên Xô, người
thay thế là L.I. Brezhnev. Thời kỳ lãnh đạo của Brezhnev kéo dài 18 năm, và vào
thời cải tổ, nó được gọi bằng cái tên “thời kỳ trì trệ” (period zastoia, thuật ngữ
được cho là bắt nguồn từ báo cáo chính trị do M. Gorbachev đọc tại Đại hội Đảng
Cộng sản Liên Xô lần thứ 27 năm 1986). Thực ra, không hẳn giai đoạn này không
có những thành tựu: năm 1980, Liên Xô đứng đầu châu Âu và đứng thứ hai thế
giới về về tổng sản lượng công nghiệp (nếu như năm 1966, tổng sản lượng của

Liên Xô chỉ bằng 55% so với Mỹ, thì năm 1980 đã là 80%). Các ngành khoa học
vũ trụ, năng lượng hạt nhân và hàng không của Liên Xô thuộc hàng tiên tiến nhất
thế giới. Đây là thời kỳ phát triển hết sức mạnh mẽ việc xây dựng hệ thống giao
thông, các công trình nhà ở của dân cư để đáp ứng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ
(hệ thống tàu điện ngầm được xây dựng ở 11 thành phố, 1,6 tỉ mét vuông nhà ở đã
được xây dựng, cung cấp nhà ở miễn phí cho 162 triệu dân; một trong những ví dụ
phản ánh điều này trong nghệ thuật là bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Eldar
Razyanov Số phận trớ trêu). Sau 18 năm lãnh đạo của Brezhnev, thu nhập thực tế
của người dân Xô viết tăng 1,5%. Từ năm 1966 toàn Liên Xô đã thực hiện được
phổ cập bậc trung học, sách giáo khoa được phát miễn phí cho học sinh các cấp
học bên dưới. Liên Xô chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới về số lượng chuyên gia
có trình độ đại học(5).
Những người ủng hộ quan niệm về sự trì trệ của thời kỳ Brezhnev cho rằng nguyên
nhân sự ổn định kinh tế giai đoạn này là do cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới
đầu thập niên 1970 đã khiến Liên Xô trở thành nước xuất khẩu dầu khí hàng
đầu(6). Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực sản xuất không liên quan đến tài nguyên khoáng
sản phát triển rất chậm, đất nước lệ thuộc vào nhập khẩu hàng tiêu dùng và lương
thực, do sản xuất trong nước không hiệu quả và chất lượng thấp, tình trạng khan
hiếm hàng hóa kéo dài.
Sự ổn định kinh tế cũng tạo sức ì cho giới lãnh đạo, khiến họ không có động lực để
đổi mới, hiện đại hóa, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Tình trạng tham nhũng trở
thành một vấn nạn lớn. Sự kiện mùa xuân 1968 ở Tiệp Khắc, việc đưa quân vào
Afghanistan là hai trong số các ví dụ về sự phức tạp về chính trị đối ngoại. Trong
nước được cho là có quá trình “ngấm ngầm phục hồi Stalin”, xuất hiện một “chủ
nghĩa Stalin mới”(7). Những điều đó đã dẫn đến cuộc cải tổ (perestroika) 1986-
1990, mà kết quả của nó hiển nhiên là một sự thất bại với cuộc khủng hoảng kinh
tế trầm trọng và sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991.
Trong một bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội như vậy, đời sống văn học dĩ nhiên
cũng hết sức đa dạng. Những mặt tích cực tiếp tục tìm thấy sự phản ánh với tinh
thần khẳng định, tuy nhiên những thái độ bất bình trước những tiêu cực, những mặt

tối của xã hội Xô viết khiến xuất hiện dòng văn học chống đối (dissidence(8)) hoặc
của những người Nga lưu vong (hiện tượng “tamizdat” – “xuất bản ở bên đó”),
hoặc của những nhà văn trong nước xuất bản không công khai (văn học “dưới
hầm” hay “samizdat” – “tự xuất bản” – dòng văn học này cũng đồng thời mang
mầm mống của chủ nghĩa hậu hiện đại). Tuy nhiên, ngay trong bản thân dòng văn
học hiện thực XHCN, những xu hướng phê phán cũng ngày càng xuất hiện nhiều
hơn. Những thảo luận về chủ nghĩa hiện thực XHCN thập niên 1960 đã chỉ ra điều
này.

×