Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

Tìm lại những tiếng nói trong văn học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.88 KB, 4 trang )

Tìm lại những tiếng nói trong văn học
Mai Anh Tuấn
1. Không phải chỉ ở năm 2012 mà trong vài năm trở lại đây, những nỗ lực kiểm
thảo, sưu tầm, minh bạch hóa văn học miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 đang dần
là công việc mang tính thúc ước và kết quả là chúng được xuất bản, đăng tải trên
internet hoặc lưu hành ngấm ngầm trong nhóm cộng đồng có chung quan tâm,
dẫn đến việc đọc, thẩm định tác phẩm của những gương mặt làm nên bộ phận
văn học này trở nên có phần thuận lợi, bài bản.
Đặc biệt, trong số đó, một vài tên tuổi nổi bật đã có thể xướng lên với lòng niềm
yêu mến, ngưỡng mộ công khai. Nếu tính từ những bước đi có tính qui phạm và
chính thống hóa của Từ điển văn học bộ mới (2004), nơi những Bùi Giáng (1926-
1998), Bình Nguyên Lộc (1915-1987), Dương Nghiễm Mậu (1936 – ), Nguyên Sa
(1932-1998) đã được T. Khuê viết với thái độ ít nhiều đúng mực, đến việc làm
công phu và đầy trách nhiệm các trang mạng Talawas (bắt từ 2003), Da Màu
(2009), Gió-o (2010) khi lần lượt tiến hành chuyên đề Văn học miền Nam và sau
cùng, song hành với hải ngoại, một số nhà xuất bản trong nước cũng lựa chọn,
ấn hành tác phẩm của nhiều nhà văn có tiểu sử-sự nghiệp khác nhau: Dương
Nghiễm Mậu với các tập truyện Nhan sắc, Cũng đành, Đôi mắt chân trời, Tiếng sáo
người em út (2007), Nguyên Sa với Tuyển tập thơ chọn lọc (2005), Phạm Công Thiện
với tuyển thơ Trên tất cả đỉnh cao là im lặng (2009), Bình Nguyên Lộc với Tuyển tập
Bình Nguyên Lộc (2002), Sơn Nam với loạt tập truyện Xóm Bàu Láng (2005), Biển cỏ
miền Tây và Hình bóng cũ (2009), Hương rừng Cà Mau (2009), Trang Thế Hy với
tuyển truyện ngắn Vết thương thứ 13 (2011), Toan Ánh với loạt sách Tiểu thuyết
lịch sử võ thuật Việt Nam (Múa thiết lĩnh ném bút chì, nho sĩ đô vật), Nếp cũ: Cầm – Kỳ –
Thi – Họa, Nếp cũ: Bó hoa Bắc Việt và Các thú tiêu khiển Việt Nam: Thú vui tao
nhã (2011) …, thì có thể nói, ở miền Bắc, nơi chịu thực tế bị thiếu thông tin kéo
dài và bị ngăn trở bởi yếu tố địa-chính trị, những điều kiện tri nhận tối thiểu về
họ đã không còn quá thiếu thốn, chênh vênh nữa.
Năm 2012, bên cạnh việc ấn hành tác phẩm của Bùi Giáng (Bùi Giáng, Đười ươi
chân kinh, thơ văn tinh tuyển), Tràng Thiên (tùy bút Quê hương tôi), Bình Nguyên
Lộc (tuyển truyện ngắn), và trao giải Sách hay cho bộ tiểu thuyết trường


thiên Sông Côn mùa lũ của nhà văn miền Nam di tản Nguyễn Mộng Giác từng
gây nhiều chú ý trong dư luận, thì việc nghiên cứu, đánh giá văn học miền Nam
1954 – 1975 cũng bắt đầu đi từ riêng lẻ (như trường hợp Nguyễn Mạnh Tiến
điểm lại hiện tượng luận và dấu ấn, đóng góp phê bình của Lê Tuyên, Đỗ Long
Vân; Nguyễn Thanh Tâm điểm lại phê bình miền Nam đối với thơ Hàn Mặc Tử;
tạp chí Nhà văn giới thiệu và cho đăng lại nghiên cứu của Phạm Công Thiện,
Trần Bích Lan, Võ Công Liêm, Đặng Phùng Quân) hoặc xoáy vào một vấn đề
trọng tâm – mà điều này, đáng nói hơn, hút vào đó không ít những nỗ lực dài
hơi cả về tư liệu lẫn tâm sức: chẳng hạn, Đỗ Lai Thúy với thơ miền Nam qua kiến
giải thơ Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng và giới thiệu thơ Phạm Công Thiện, Nhã
Ca, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn trong công trình Thơ như là mỹ học của cái
khác (Nxb. HNV, H.,2012); Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (Khoa Ngữ Văn,
Đại học Sư phạm Hà Nội) với văn xuôi miền Nam qua việc chủ trì đề tài nghiên
cứu và hướng dẫn hàng loạt các luận văn thạc sĩ về truyện ngắn/tiểu thuyết/tùy
bút của Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Duyên Anh, Trần Thị Ngh.,
Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Thị Hoàng… Mới đây, vào trung tuần tháng 10/2012,
GS. Huỳnh Như Phương cũng đã có những diễn thuyết về văn học miền Nam tại
Viện văn học và Đại học Sư phạm. Ở cấp độ luận án tiến sĩ, chuyên luận thì
những nghiên cứu và công bố của Trần Hoài Anh (về phê bình lí luận miền
Nam), của Trần Thị Quỳnh Nga (về tiếp nhận văn xuôi Nga thế kỉ XIX ở Việt
Nam, trong đó miền Nam), hay của Nguyễn Thị Việt Nga (về thân phận con
người trong tiểu thuyết miền Nam)… đóng vai trò là chỉ dẫn cần thiết để quan
sát bức tranh tổng thể đời sống văn hóa văn chương miền Nam trước 1975. Đấy
là chưa kể một khối lượng phong phú báo chí văn chương miền Nam, từ Sáng
tạo, Hiện đại, Thế kỉ hai mươi, đến Bách khoa, Đại học, Văn, … và các tác phẩm khảo
cứu, dịch thuật của Nguyễn Hiến Lê, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyễn Văn
Trung, Vũ Đình Lưu, Tuệ Sỹ, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần, Tạ Chí Đại
Trường…, những nhân vật từng góp phần tạo nên đời sống văn sử triết sôi nổi ở
miền Nam, đều đã và đang có mặt trên nhiều kệ sách và là thư mục tham khảo
trong nhiều bài viết học thuật hôm nay.

2. Thực tế và những động thái phục dựng văn học miền Nam như trên chắc
chắc chưa thể là đầy đủ và có tính hệ thống. Chỉ một số lượng rất nhỏ những tác
phẩm văn chương có hệ số an toàn cao về nội dung mới được xuất bản lại và
mức độ phổ biến, đón nhận chúng chưa phải ở đâu cũng như nhau. Ngay cả một
số cá nhân, trước hết có quan tâm và thiện cảm nhất định đến bộ phận văn học
này, từng đầu tư thời gian, kinh phí lẫn cách giải quyết phiền hà ngoài văn
chương khi rọi chiếu, bình phẩm một số tác giả mang thân thế “nguy hiểm” thì
vẫn chưa thể đã xác tín hoàn toàn cho cộng đồng thấy đó là hành động nên
chung/bắt tay hơn là đứng ngoài lấy phong thanh làm sở cứ. Nhưng ít nhất,
bước đầu, nó chứng thực mong muốn, hành động “bước qua lời nguyền” của
thời hiện tại trước các lằn ranh ý thức hệ, thể chế và tâm thái văn chương đã từng
tồn tại hơn mấy chục năm qua. Với chứng cớ rằng đã có một lượng độc giả tìm
đọc văn học miền Nam 1954-1975 một cách tự thân vì văn chương thì tạm thời,
sự ngăn cách/trở giữa quá khứ – hiện tại, Nam – Bắc bởi định kiến mọi mặt sẽ
dần được tháo dỡ, tiến tới một khả thể cộng thông hiệu quả, chính đáng và chính
xác. Xét cho cùng, trong thời điểm mà các phương tiện thông tin đã làm cân bằng
lại cảm giác về sự thiếu hụt, những khoảng trống, khoảng trắng trong vốn văn
chương ở mỗi độc giả thì cũng thật khó để “ngăn sông cấm chợ” cho thật kì cùng
như trước đây, chưa kể “biện pháp mạnh” ấy lại là nguyên cớ của mọi háo hức,
tìm kiếm đặng biết mặt đặt tên cho những tiếng nói bị lãng quên hoặc bị đẩy vào
bóng tối. Chính bối cảnh mà ta đang khoác lên nó cái cảm quan hậu hiện đại hẳn
sẽ là cơ hội không nhỏ để mỗi vị thế bị/chịu ngoại biên trong văn học được hiểu
như là những giá trị khác thay vì loại bỏ, gạt ra ngoài lề. Tôi tin độc giả thông
thái đương đại sẽ không còn dễ dàng bị vũ trang tư tưởng cấm kị mà từ đó dẫn
đến thờ ơ, lãnh đạm, phủi tay với “ấn phẩm xám” nảy nở trong lòng miền Nam
trước 1975. Bằng hành vi đọc của mình, độc giả, cũng như tất cả những ai tôn
trọng mọi con đường đi tới thống nhất nhân tâm địa lí, đang góp phần tạo nên
sự hiện hữu đáng tin của một nền văn học dân tộc đúng nghĩa.
Văn học miền Nam đô thị 1954-1975 vẫn tiếp tục nằm trong “lãnh cung” nếu
công việc tìm lại những tiếng nói và đồng thời, hiển thị chúng không được coi là

trách nhiệm đương nhiên của văn học sử. Không chỉ gần đây mới có những phát
biểu cửa miệng mang tính chiêu tuyết cho việc dựng lại văn học miền Nam trước
giải phóng mà gần như bất kì ai có bằng cử nhân về văn học Việt Nam hiện đại
cũng đã/đang và sẽ băn khoăn về mức độ trọn vẹn, đa dạng của những bảng giá
trị văn học được cố định trong các giáo trình văn học sử hiện nay. Cũng đã và sẽ
có nhiều người đặt câu hỏi về tính sáng giá, đặc sắc, đột biến, phức tạp của toàn
bộ đời sống văn học một khi họ thấy người soạn sách phần nhiều chỉ dựa vào vai
trò xã hội và ý hệ tư tưởng mà nhà văn can dự, đảm nhiệm lấy. Dĩ nhiên, ta
không xa lạ gì với sự thật rằng văn học sử bao giờ cũng bị qui chiếu bởi cái nhìn
chính trị – xã hội và việc xây dựng các điển phạm trong nó không tránh khỏi
đường hướng tổng thể hài hòa lợi ích mà quyền lực thể chế có thể đạt tới. Chính
vì thế, với lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, nhất là từ sau 1954, thì sự lựa chọn
hàng đầu phải là văn học cách mạng, là những tác giả tác phẩm gắn chặt với chế
độ xã hội chủ nghĩa. Chính thống hóa, thư khố hóa và giá trị hóa bộ phận văn
học này là đặc trưng cơ bản của các bộ giáo trình văn học sử và chúng kéo theo
một toàn cảnh sinh hoạt văn chương tương tự, từ giảng dạy, nghiên cứu, đến
xuất bản, in ấn. Đây chính là điểm dẫn đến sự khuyết thiếu nhiều năm liền trong
cơ cấu tri thức văn hóa văn chương tiếng Việt mà sách vở nhà trường đang phải
đối diện.
3. Gần bốn thập niên qua kể từ khi đất nước thống nhất, văn chương tiếng Việt
đang không ngừng mở rộng không gian tồn tại, nhất là khi một số lượng lớn các
nhà văn miền Nam trước 1975 vẫn tiếp tục cầm bút sáng tác ở hải ngoại, ở nơi họ
trú xứ. Thành quả sáng tạo của họ đang làm cho giao diện văn chương tiếng Việt
mới hơn và cũng khác hơn so với quá khứ. Hệ qui chiếu văn học sử đối với giao
diện này chắc chắn phải được lập (thêm) trên nhiều bình diện khác nhau nhằm
giảm thiểu những vênh lệch, tắc nghẽn mà bộ khung phương pháp xã hội-lịch sử
có phần cứng nhắc đang duy trì. Bởi thế, hiện nay là thời điểm mà ý thức xem
xét lại văn học miền Nam dưới chế độ cộng hòa phải được bày tỏ: không thể
cùng lúc có hai cực trái chiều mà cơ hồ đều phiến diện như trường hợp Võ Phiến
(bộ Văn học miền Nam) và Trần Trọng Đăng Đàn (Văn học thực dân mới Mỹ ở

miền Nam những năm 1954-1975). Muốn vậy, cách hữu hiệu trước tiên là hãy để
nhiều hơn nữa những tiếng nói xuất hiện, từ/của chính người trong cuộc và của
những người đang trải nghiệm, lắng nghe tiếng nói ấy.

Nguồn: Văn nghệ trẻ số 5+6+7 ra ngày 3- 2-2013

×