I. MỞ BÀI:
Ăn uống là một nhu cầu tối quan trọng của đời sống con người, con người cần
ăn, thở để tồn tại. Nhưng khác xa với con vật, ăn uống của con người là một
hành động mang tính văn hóa chứ không chỉ dừng lại ở bản năng sinh tồn. Vậy
tại sao cơ cấu bữa ăn truyền thống của người Việt la cơm - rau - cá? Vì rất muốn
lí giải câu hỏi đầy lí thú này nên em đã chọn câu hỏi: "Cơ cấu bữa ăn truyền
thống của người Việt Cơm - Rau - Cá. Bạn hãy lí giải điều này" .
II. NỘI DUNG
Ăn uống là văn hóa, chính xác hơn đó là văn hóa tận dụng môi trường tự
nhiên. Cho nên, sẽ không có gì ngạc nhiên khi cư dân các nền văn hóa gốc du
mục (như phương Tây hoặc Bắc Trung Hoa) thiên về ăn thịt, còn trong cơ cấu
bữa ăn của người Việt Nam thì lại bộc lộ rất rõ dấu ấn của truyền thống văn hóa
nông nghiệp lúa nước. Trong vô vàn những yếu tố tác động đến cuộc sống hàng
ngày từ góc độ tự nhiên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hầu như đều
nêu bật hai tính trội của văn hóa Việt Nam truyền thống: sông nước và thực vật.
Văn minh Việt Nam - nền văn minh thực vật (khái niệm của học giả Pháp
P.Gourou) hay văn minh thôn giã, văn minh lúa nước mang tính chất thực vật
(mà cốt lõi là cây lúa) in dấu ấn đậm nét trong đời sống hàng ngày của con người
Việt Nam. Trong bữa ăn của người Việt thường xuất hiện ba thành phần chính
là: Cơm - Rau - Cá. Hai thành phần đầu tiên thuộc về truyền thống "văn hóa
thực vật". Còn thành phần sau này thuộc về "văn hóa sông nước". Cơm - rau - cá
là một cơ cấu bữa ăn thiên về thực vật. Và trong thực vật thì lúa gạo đứng đầu
bảng. Tục ngữ có những câu như: Người sống về gạo, cá bạo về nước; cơm tẻ mẹ
ruột; Đói thì thèm thịt thèm xôi, hễ no cơm tẻ thì thôi mọi đường.
Như chúng ta đã biết, quê hương của cây lúa là ở vùng Đông Nam Á thấp ẩm.
Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam gọi bữa ăn là bữa cơm, coi cây lúa là
tiêu chuẩn của cái đẹp (bài hát có câu: Em xinh là xinh như cây lúa…) và một
thời thì mọi giá trị như lương, thuế, học phí,… đều được quy ra "thóc gạo"!
Cũng không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt có vô số từ khác nhau để phân biệt
các giai đoạn trưởng thành và các bộ phận chuyên biệt của cây lúa. (Còn nhỏ là
cây mạ, lớn lên là lúa, hạt lúa già là thóc, bông lúa gặt về thì phần còn lại ngoài
đồng là rạ, đập tách hạt thóc ra rồi thì phần còn lại của bông lúa là rơm, sau khi
xay, giã xong thì hạt thóc chia thành hạt gạo, cám, trấu…..)
Trong cơ cấu bữa ăn truyền thống của người Việt Nam, sau cơm thì đến rau
quả. Nằm ở một trong những trung tâm trồng trọt, Việt Nam có một danh mục
rau quả, mùa nào thức nấy, phong phú vô cùng. Đối với người Việt Nam, thì đói
ăn rau, đau uống thuốc là chuyện tất nhiên. Ăn cơm không rau như nhà giàu chết
không kèn không trống; Ăn cơm không rau như đánh nhau không có người gỡ.
Tuy nhiên nói đến rau trong bữa ăn Việt Nam không thể không nhắc đến hai
món đặc thù là rau muống và dưa cà: Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau
muống nhớ cà dầm tương… Huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh) có làng Hiên Đường
(làng Ngang) có loại rau muống thân lớn, sắc trắng, đốt thưa, ngọn mẫm, ăn ngọt
và dòn, nổi tiếng từ thời Hùng Vương, thường dùng để tiến vua.Sự tích Thánh
Gióng gắn liền với quả cà; mẹ thánh gióng là người đàn bà trồng cà, cha thánh
gióng là ông thần đi hái trộm cà, bản thân thánh gióng nhờ ăn "bảy nong cơm, ba
nong cà" mà lớn thành người khổng lồ đi cứu nước. Cà và rau cải đem muối dưa
tạo thành những thức ăn độc đáo phù hợp với thời tiết và khẩu vị nên ngon
miệng tới mức tục ngữ có câu: Có dưa, chừa rau; Có cà thì tha gắp mắm.
Các loai gia vị đa dạng như hành, gừng, ớt, tỏi, riềng, rau mùi, rau răm, rau húng,
xương sông, thìa là, hồ tiêu, tía tô, kinh giới, lá lốt… cũng là những thứ không
thể thiếu được trong bữa ăn của người Việt Nam.
Đứng thứ ba trong cơ cấu bữa ăn và đứng đầu hàng thức ăn động vật của
người Việt Nam là các loại thủy sản - sản phẩm của vùng sông nước. Có lẽ vì hệ
thống sông ngòi ở Việt Nam dày đặc và chằng chịt vậy nên dễ đánh bắt các loại
thủy sản. Sau "cơm rau" thì "cơm cá" là thông dụng nhất: Có cá đổ vạ cho cơm,
Con cá đánh ngã bát cơm là thế. Từ các loại thủy sản, người Việt Nam đã chế tạo
ra một thứ đồ chấm đặc biệt là nước mắm và mắm các loại. Thiếu nước mắm thì
chưa thành bữa cơm Việt Nam. Cơm mắm không phải lúc nào cũng đồng nghĩa
với bình dân; các bà phi tần nhà Nguyễn từng đặt các địa phương làm hàng trăm
lọ mắm để tiến vua. Từ tiếng Việt, danh từ "nước mắm" đã đi vào ngôn ngữ loài
người, có mặt trong nhiều cuốn từ điển bách khoa Đông - Tây.
Bữa ăn của người Việt mang đậm đấu ấn văn hóa ẩm thực của khu vực Đông
Nam Á, thể hiện ở:
+ Tính tổng hợp trong chế biến cũng như trong thưởng thức các món ăn (gia vị
đối trị lẫn nhau, sử dụng các loại thực vật có khả năng kiềm chế lẫn nhau và điều
hòa tác dụng).
+ Tính đa dạng trong chế biến món ăn.
+ Tính linh hoạt và hài hòa trong việc lựa chọn món ăn và cách thức ăn sao cho
phù hợp với hoàn cảnh cụ thể (thời tiết, số lượng người, đối tượng và mục đích
mà bữa ăn phục vụ.
III. KẾT BÀI:
Như vậy, cơ cấu bữa ăn cơm - rau - cá đã thể hiện rõ nét văn hóa truyền
thống của người Việt Nam, đó là dấu ấn truyền thống của văn hóa nông nghiệp
lúa nước. Theo từng vùng miền mà món ăn đặc trưng cũng khác nhau, miền Bắc
do khí hậu lạnh nên các món ăn thường có nhiều mỡ đặc biệt là thịt mỡ. Miền
Trung do khí hậu theo mùa, cư dân cũng đa dạng trong loại hình sản xuất kinh tế
(trồng lúa nước, đánh bắt thủy sản, chăn nuôi....) nên các món ăn nó cũng có vị
khác với miền Bắc. Đó là vi cay, mặn, chát..vv. Tuy nhiên vị cay vẫn là vị đặc
trưng của miền Trung. Miền Nam thì các món ăn lại thiên về vị ngọt, các vùng
dù có những nét ẩm thực khác nhau nhưng trong bữa ăn lúc nào cũng có cơm và
nước mắm.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại cương về văn hóa Việt Nam, TS Phạm Thái Việt - TS Đào Ngọc Tuấn,
NXB Văn hóa thông tin.
2. Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm, NXB giáo dục.
3. Các wedsite:
/> />