Tấm lòng Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”
Mở đầu bài thơ gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng trong
“Thư trung thu, 1951”, Bác Hồ kính yêu đã viết như vậy.
Giữa thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp đang vào
giai đoạn quyết liệt với biết bao gian khổ, thử thách nhưng với
tấm lòng nhân ái bao la, Bác Hồ vẫn dành những tình cảm đẹp
nhất cho các cháu thiếu nhi, cho mầm xanh tương lai dân tộc.
Nhắc đến thiếu niên, nhi đồng, Bác luôn dành những vần
thơ đẹp nhất, thương cảm nhất cho các cháu (Trẻ em như búp
trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan/ Chẳng may vận
nước gian nan/ Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng/ Học hành
giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa/ Sức
còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đà khó nhọc cũng như người già -
Kêu gọi thiếu nhi, 1941).
Ngược dòng thời gian, những năm đầu trở về nước hoạt
động cách mạng (1942), tấm lòng của Bác đã dành cho con
trẻ. Đó là những trẻ chăn trâu, không được học hành; sống
nghèo nàn, cơ cực (Chăn trâu mấy trẻ con con/ Cùng nhau
xướng hát véo von trên gò/ Vì ai ta chẳng ấm no?/ Vì ai ta đã
phải lo cơ hàn?/ Vì ai cha mẹ nghèo nàn?/ Vì ai nhà cửa, giang
san tan tành?). Từ những dòng thơ đồng cảm ấy, Bác có lời
kêu gọi chân tình, thiết tha (Nhi đồng cứu quốc Hội ta/ Ấy là
lực lượng, ấy là cứu tinh/ Ấy là bộ phận Việt Minh/ Dân mình
khắc cứu dân mình mới xong - Trẻ chăn trâu).
Với những cháu thiếu nhi được đi học, Bác tặng tập vở
bằng cả tấm lòng thương yêu vô bờ để động viên các cháu học
tập nên người mai sau (Vở này ta tặng cháu yêu ta/ Tỏ chút
lòng yêu cháu gọi là/ Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau
cháu giúp nước non nhà - Tặng cháu Nông Thị Trưng).
Còn gì vui sướng hơn khi được Bác khen tặng! Đó là tấm
gương hai cháu bé liên lạc đã lập chiến công. Tuy tuổi còn nhỏ
nhưng hai cháu đã mưu trí, dũng cảm bắt sống được giặc:
(Bác được tin rằng/ Cháu làm liên lạc/ Bị giặc bắt được/ Lại
trốn thoát ngay/ Mang hai lính Tây/ Về với bộ đội/ Thế là cháu
giỏi/ Biết cách tuyên truyền/ Bác gửi lời khen/ Khuyên cháu
gắng sức/ Học hành, công tác/ Tiến bộ luôn luôn/ Gởi cháu cái
hôn/ Và lòng thân ái) và (Cháu có can đảm/ Giơ súng dọa Tây/
Bắt nó hàng ngay/ Lấy được súng nó/ Vì thành công đó/ Bác
gửi lời khen/ Khuyên cháu tập rèn/ Ngày càng tiến bộ/ Bác lại
gửi cháu/ Mấy chục cái hôn - Khen tặng hai cháu liên lạc
trong bộ đội Chiến khu II).
Mỗi mùa trung thu đến, các cháu thiếu niên, nhi đồng lại
náo nức đón chờ thơ Bác, náo nức đón chờ tình yêu thương
bao la (Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh
nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các
cháu tỏ lòng nhớ nhung - Thư trung thu, 1951).
Không những bày tỏ tấm lòng thương nhớ các cháu, Bác
còn có những lời khuyên như tình thương của Ông Tiên hiền
từ dành cho đàn cháu nhỏ (Ai yêu nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí
Minh?/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/
Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm
việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để
gìn giữ hòa bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí
Minh - Thư trung thu, 1952).
Mỗi trung thu về là một đổi thay của đất nước, của lứa
tuổi thiếu niên, nhi đồng. Các cháu càng khôn lớn, Bác càng
vui lòng. Niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống
Pháp hòa trong những vần thơ chúc Tết Trung thu năm 1953
của Bác thật sinh động (Chín Tết Trung thu/ Tám năm kháng
chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi
thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn
những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần/ Phát
động nông dân/ Cải cách ruộng đất/ Dân đỡ chật vật/ Hăng hái
tăng gia/ Xóm gần cho đến xóm xa/ No cơm ấm áo theo đà
tiến lên/ Chỉnh huấn chỉnh quân/ Bộ đội cố gắng/ Quyết chiến
quyết thắng/ Giết giặc lập công/ Khắp nơi Nam Bắc Tây Đông/
Đưa tin thắng trận, cờ hồng tung bay/ Các cháu vui thay!/ Bác
cũng vui thay!/ Thu sau so với thu này vui hơn - Gửi các cháu
nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu, 1953).
“Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi”! Đó là lời của Bác
khi nói về miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”. Hình ảnh các
cháu thiếu niên, nhi đồng miền Nam luôn ở trong trái tim Bác
Hồ. Nhớ thương các cháu và tin tưởng ngày thống nhất sẽ gặp
mặt, thỏa lòng non nước chờ mong (Bắc Nam sẽ sum họp một
nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các
cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi -
Gửi các cháu miền Nam, 1965).
Giữa trăm ngàn công việc của một vị Lãnh tụ tối cao của
dân tộc, Bác Hồ luôn dành cho thiếu niên, nhi đồng những tình
cảm yêu thương vô bờ bến. Bởi các cháu là người chủ tương
lai của đất nước; là những con người làm rạng danh đất Việt
mai sau (Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không,
dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai các cường quốc năm
châu được hay không; chính là nhờ một phần ở công học tập
của các cháu!).
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta hãy
thương yêu trẻ, chăm bồi cho con trẻ trở thành những chủ
nhân tương lai “vừa hồng, vừa chuyên” cho đất nước, cho
nhân dân.
LÊ ĐỨC ĐỒNG