Đề bài: Phân tích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy
Bài làm:
Sứ mệnh cao cả và thiêng liêng nhất của thi ca xưa và nay thường trao về người mẹ, những hình ảnh
mà dù nhìn ở góc độ nào đều lắng đọng những nỗi niềm sâu sắc nhất, cho dù bạn viết bằng bất kì ngôn
ngữ nào.
Chắt lọc từ sức sống dân gian từ nhiều sắc thái văn hoá, dân tộc, nhà thơ Nguyễn Duy đã đến với
người đọc tiếng nói thuần khiết nhất về tâm tình mẹ - con, dòng đời - tình người đầy cảm động trong
bài thơ Người buồn nhớ mẹ ta xưa
Tiêu đề và lời kết bài thơ là câu ca dao đằm thắm, nghĩa là nhà thơ bắt đầu hành trình tìm về với hình
bóng mẹ đã khuất trên nền chất liệu thi ca dân gian bằng lời tấm tình xót xa đến ray rứt:
Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Trong đêm, nhân vật trữ tình đối ảnh đàm tâm; thời gian đồng hiện, lấp lánh gương mặt mình của
thuở ấy và bây giờ, hình bóng mẹ trong sự hồi ức đầy thương cảm tiếc nuối. Mẹ đã đi xa, đi vào cõi
vình hằng, có thể đã đến miền cực lạc có thể đã đến niết bàn, nhưng ở đây đối diện với con, người mẹ
vẫn lặng lẽ đến nao lòng. Cặp hình ảnh “chân nhang lấm láp” và “xăm xăm bóng mẹ” đưa ta đến gần
hơn với mẹ, với cõi người thiêng liêng.
“Mẹ ta” hiện ra bằng sự gần gũi nhưng ray rứt làm sao; gần như ca dao như dân gian nhưng ray rứt
bởi một đời lận đận:
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Lối tả thực làm sống lại hình ảnh chân thực nhất của mẹ. Hai tiếng mẹ ta rất riêng mà rất chung. Mẹ ta
không không có yếm đào- không nón quai thao- không áo tứ thân, chỉ bình dị nguyên mẫu đời thường,
chân lấm tay bùn, gieo neo vất vả. Nỗi nhớ về mẹ đã khuất gồng gánh theo cả cuộc đời tác giả được
biểu hiện qua sự đắc dụng của của các từ láy bần thần, lấm láp, xa xăm, rối ren càng tô đậm cuộc đời
lam lũ của người mẹ quê nhưng cũng là để tôn vinh đấng sinh thành cao cả. Ý thơ dung dị mà hình
ảnh thơ thấm đẫm, sâu sắc đến nhường nào.
Cái cò sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
Bất giác trong thơ hình bóng mẫu từ thiêng liêng lại được chuyển hoá bằng bóng dáng thân cò. Trong
ca dao ta thường gặp “con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng hát nỉ non” hay “cái cò đậu
cọc cầu ao /Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua” và “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời
đắng cay” ; nghiệt ngã đó một lần nữa tác giả đã vận vào đời mẹ ta, như một niềm tri ân thành kính
trong sự xót xa thân phận. Rồi, cũng chính cái cò sung chát đào chua cây cải về trời đó lại hiển hiện
trong kí ức bằng lặng, đẹp đẽ hồn nhiên của ngày thơ. Cánh cò bên nôi hoá trong lời hát thành bầu trời
ước mơ bay cao bay xa đến tương lai. Chấp chới cánh cò, chấp chới lời ru kết nối thành một biểu
tượng lớn lao nhất.
Điều da diết nhất, triết luận nhiều nhất trong bài thơ lại không phải là vấn đề lớn lao mà chính là ở
chỗ chân mộc nhất; thực sự nó đã thức tỉnh muôn người, hãy nhìn lại mình trên nẻo về với cõi thiêng
liêng trong ý thơ Ta đi trọn kiếp con người /Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru. Lời ru không xa lạ
trong thi ca ta thường thấy, vậy mà những ngôn ngữ rất đời thường của Nguyễn Duy lại khiến ta xốn
xang trước phận mình bởi nhà thơ đã nhận ra kiếp con người dễ gì sánh được mấy lời mẹ ru. “Mấy
lời” đó là sự kết tinh cả cuộc đời và của nhiều cuộc đời; hãy để nhà thơ hồi ức về mình trong lời ru
đưa nôi:
Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đến sao.
Ngân hà chảy ngược lên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm
Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi.
Hồi ức đó hẵn không xa lạ đối với mỗi chúng ta. Ai cũng đã hơn một lần nghêu ngao trong đêm trăng
tuổi thơ: ngửa bàn tay ra đếm sao, bâng quơ hỏi chuyện con vịt đi sau ông Thần nông, xa xôi hơn thì
chuyện ban ngày chú Cuội đi đâu vân vân. Đêm trăng đó làm ta yêu hơn ngày thơ bé trong trẻo nhất
để rồi yêu mẹ nhiều nhất. Nguyễn Duy thì khác, có lần nhà thơ bộc bạch: “Mẹ tôi mất sớm. Tôi và em
gái tôi ở với bà ngoại. Hình ảnh về người mẹ trong bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" chính là hình
ảnh bà ngoại tôi hồi đó Những đêm hè trời trong, gió mát bà tôi thường trải manh chiếu cói trên mặt
đê sông Mã. Cùng các cháu nằm ngắm trăng, kể chuyện "Hằng Nga", chuyện "thằng cuội ngồi gốc cây
đa/để trâu ăn lúa ", chuyện ngụ ngôn nào đó, hoặc là đếm "một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba
ông sao sáng ". Nỗi niềm đó biểu hiện qua các từ láy nghêu ngao,đom đóm,leo lẻo càng làm ta trân
trọng hơn tình cảm của tác giả. Giấu tuổi thơ ngây ngô trong buồn lặng, giấu những kí ức đẹp đẽ sáng
trong trong niềm dấu ái, nhà thơ đã gói gém tất cả sự trân trọng trong trang viết thấm đẫm suy tư:
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ Mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng.
Vẫn là lời ru nhưng giờ đây nhà thơ đã nâng lên thành những vấn đề triết luận nhân sinh, lời ru mộc
mạc bỗng trở thành đạo lí chân thiện minh triết của mỗi người. Lời ru soi rõ bóng ta đi trong đêm, lời
ru chắt chiu mật ngọt dưỡng dung đạo lí ở đời. Quy luật tự nhiên Bà ru mẹ Mẹ ru con/Liệu mai sau
các con còn nhớ chăng trở thành lời thức tỉnh chúng ta trên hành trình lớn khôn. Cuộc sống hiện đại
có khi đã chi phối những hằng thường đạo lí vì thế điều mà nhà thơ băn khoăn hẵn không phải không
có lí do.
“ Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” (Kinh thi) đã trở thành đạo lí để chúng ta hướng về cội nguồn, về
đấng sinh thành. Biết vậy nhưng để hoàn thành tâm nguyện đó không phải là điều giản đơn, ngay cả
nhà thơ cũng tìm đến điều này qua phút giây bần thần trong đêm, qua nét vẽ của tâm linh - khói nhang
vẽ nẻo đường lên niết bàn xa xăm
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
Âm điệu chung của bài thơ phảng phất nỗi buồn, nỗi buồn trực cảm về hình ảnh người mẹ hoà cùng
bao kỉ niệm thân thương. Và chính nỗi buồn đó đã thắp lên trong lòng mỗi người những tình cảm chân
thật nhất về chốn yêu thương của mình. Sự hy sinh, đùm bọc đứa con của mẹ gắn với những hành
động yêu thương rất đỗi bình thương mà cao cả . Hình ảnh “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con” và
"miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương" đưa ta đến tận cùng tình thương yêu của mẹ mà thiết nghĩ
bất kì ai cũng tìm thấy mình ở đó. Và, những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ về người mẹ trong mỗi con
người là nguồn sống cho những lý tưởng cao đẹp, những giá trị nhân văn giúp cho cái chân, cái thiện,
cái mỹ vốn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta phát triển.
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là bài thơ đặc biệt bởi nó được ươm trồng ngay trên nền của chất liệu dân
gian nhưng lại có đời sống riêng của nó. Sự đắc dụng của 11 từ láy vào trong thể thơ “6 và 8” (như
cách nhà thơ gọi) đã tạo được sự biểu đạt lớn lao trong mạch chuyển của chủ đề, đây cũng là một
trong những cách biểu đạt thành công nhất của Nguyễn Duy trong góp phần cho bài thơ thăng hoa và
tạo mạch đồng cảm từ tác giả đến người đọc.