Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Khúc giao mùa của cuộc đời

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (201.82 KB, 4 trang )

Khúc giao mùa của cuộc đời
Thứ hai, 28 Tháng tư 2008, 06:50 GMT+7
Ngẫu nhiên, Thư Hà Nội nhận được bài viết của hai bạn trẻ với những cảm xúc khác
nhau cùng về tháng Tư lịch sử. Một bên là quá khứ, một bên là hiện tại. Một bên là nỗi
đau mất mát, một bên là hạnh phúc sinh sôi. Một bên là trăn trở số phận con người.
Một bên là náo động, khát khao, là tình yêu của vạn vật. Nhưng có lẽ đó cũng chính là
âm hưởng chủ đạo, là khúc giao mùa của cuộc đời…
Niệm khúc tháng Tư
Tháng Tư nắng vàng, ngai ngái vị nóng của mùa hè. Người ta bảo, sang tháng Tư coi như
đã hết mùa xuân. Vậy mà, thoang thoảng đâu đây, tôi vẫn cảm nhận được khí xuân dịu
dàng trời đất. Mỗi năm, khi tháng Tư về, tôi lại nhớ đến bà ngoại. Một nỗi nhớ ruột thịt, tri ân,
cộng với cả một niềm xót xa…

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập của chính quyền Sài Gòn - Ảnh tư liệu
Ngày đó, khi cả nước chào mừng ngày thống nhất đất nước 30-4, bà tôi lặng lẽ chống gậy
thắp nén hương trên bàn thờ người con trai cả đã nằm lại đâu đó ở chiến trường phía nam.
Không hề có một bức ảnh nào để lại, bức ảnh thờ chính là bức chân dung kí họa của một
người bạn họa sĩ vẽ cho cậu tôi trước khi lên đường nhập ngũ.
Những nén hương nghi ngút, bàn tay nhăn nheo của bà không ngừng lau đi lau lại cái lư
hương đã ngả màu thời gian. Bà đứng đó rất lâu, đôi mắt già nhăn nheo lại rỉ rén hai dòng
nước mắt. Hình ảnh đó của bà đã theo tôi đi suốt tuổi thơ, đến bây giờ khi đã lớn khôn hơn,
hiểu được nỗi đau mất mát người ruột thịt, tôi càng thấy thương và khâm phục bà ngoại
mình biết bao nhiêu.
Bà tôi chỉ có mỗi cậu tôi là con trai, lên đường nhập ngũ từ năm 1968 và rồi hai năm sau,
trong sự chờ đợi và hy vọng mỏi mòn, bà nhận được tin cậu mãi mãi không trở về nữa. Bà
đã như người mất hồn, phải hàng tháng sau bà tôi mới gượng dậy được. Nhưng, thật hiếm
khi mọi người xung quanh nhìn thấy ánh mắt bà có niềm vui như trước nữa.
Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, bà tôi cũng như bao người người đàn bà Việt thời ấy, âm thầm
lặng lẽ làm việc. Nỗi đau lặn dần vào trong, nhưng không bao giờ thành sẹo được. Bà nhắc
đến cậu tôi trong mọi câu chuyện thường ngày, dường như, mỗi góc nhà, mỗi khoảng sân
đều in bóng kỷ niệm về cậu.


Mọi người trong gia đình ai cũng hiểu rằng, suốt cả cuộc đời, bà không nguôi nhớ về người
con trai duy nhất của mình, với một niềm yêu thương, xót đau và tự hào vô bờ. Chúng tôi,
những đứa trẻ sinh ra sau chiến tranh cũng dần lây niềm tự hào về người cậu dũng cảm của
mình qua những câu chuyện thường nhật của bà. Tôi chắc rằng, mỗi đứa trong anh chị em
chúng tôi đều tự vẽ cho mình chân dung về người cậu chưa một lần được gặp với đầy sự
ngưỡng mộ thơ trẻ.
Bà tôi vẫn ngày ngày cặm cụi bên những luống rau, mái tóc giờ cũng đã trắng màu thời
gian. Nỗi đau mất mát cũng nguôi ngoai dần theo tháng năm. Nhưng cứ mỗi độ tháng Tư
về, khi hàng cây xà cừ xanh lá trên mỗi con đường Hà Nội, khi lúa đang thì con gái trên mỗi
thửa ruộng thôn quê, mỗi lần nghe những bài hát chiến thắng vang lên đầy hứng khởi kỷ
niệm ngày đất nước thống nhất, đôi mắt bà tôi lại hướng về một nơi xa xăm. Không biết
người con trai duy nhất của bà đang nằm yên nghỉ ở nơi nào.

Hàng cây xà cừ xanh lá - Ảnh: pda.vietbao.vn
Suốt bao năm tìm kiếm, ngôi mộ mà dòng họ đắp cho cậu tôi ở nghĩa trang vẫn chỉ là ngôi
mộ không. Nỗi đau giờ dịu lại, nhưng niềm mong ước khắc khoải được đưa con trở về an
nghỉ trên mảnh đất quê hương vẫn canh cánh trong bà, không dễ gì nguôi ngoai. Bà tôi vẫn
chắt chiu từng đồng bạc, để nhờ người đi tìm mộ con, và bà vẫn chưa một ngày nào mất hy
vọng.
Mới đây, khi người đồng đội được cho là đã tự tay chôn cất thi hài của cậu đã thú nhận với
mẹ tôi rằng, cậu tôi hy sinh vì bom nên không có hài cốt. Đồng đội chỉ lượm được vài mảnh
quần áo rồi đem chôn cất như một ngôi mộ mà thôi. Bao nhiêu năm nay, người cựu chiến
binh ấy đã giữ kín bí mật này vì sợ bà tôi quá đau buồn, vì không muốn làm tiêu tan hy vọng
của bà…
Bà tôi giờ đã già lắm rồi, 30/4 này, bà lại đứng bên bàn thờ, đôi mắt vẫn không ngừng nhìn
vào cõi nào đó xa xăm. Ngoài kia, trời vẫn nắng ngai ngái vị nóng mùa hè. Đất nước không
còn tiếng bom đạn nữa, lớp trẻ chúng tôi bây giờ được học hành, vui chơi, được sống theo
những điều mình muốn. Tất cả, là nhờ vào máu xương và nước mắt của biết bao thế hệ cha
anh đi trước. Những ngày này xin đừng quên thắp một nén hương tri ân đến những người
đổ máu xương cho đất nước. Xin đừng bao giờ quên vẫn còn những người mẹ, người vợ

âm thầm, khắc khoải với những nỗi đau không nói được bằng lời.
Khúc giao mùa tháng Tư
“Tháng Tư về, gió hát mùa hè, có những chân trời xanh thế… Mây xa vời, nắng xa vời, con
sông xa lững lờ trôi… Nắng nhẹ nhàng, mây cũng nhẹ nhàng, hát giấc mơ nào xa lắm… Em
mong chờ, mãi mong chờ, bao nhiêu vẫn cứ đợi anh…”.
Bất chợt một chiều đạp xe trên phố, những thanh âm trong trẻo và tươi mới vọng lên từ một
quán café nhỏ bình yên trên đường khiến lòng xốn xang đến lạ… Ngơ ngác tự hỏi, từ bao
lâu sự bộn bề trong công việc đã khiến mình lơ đễnh, không còn chờ mong, hân hoan đón
mỗi tháng Tư về?
Tháng Tư…
Những ngọn gió giao mùa rủ nhau hong ấm từng vạt mưa cuối xuân ẩm ướt, làm những nỗi
muộn phiền như dần tan. Nắng tháng Tư không còn run rẩy nép mình trong cái se lạnh của
mùa xuân và cái rét nàng Bân thổn thức… Nắng tháng Tư không chói chang gay gắt, thắp
lửa ganh đua cùng những chùm hoa phượng đỏ. Mà nắng tháng Tư dịu dàng, vương vấn,
như một tình nhân khát khao, cùng gió tháng Tư dệt nên thầm thì những lời yêu.

Ngang qua đường Cổ Ngư xưa, bắt gặp những đôi tình nhân tay trong tay Ảnh:
blog.360.yahoo.com
Tháng Tư…
Xà cừ mùa lá mới…
Lá xanh như ngập chiều tháng Tư, như nỗi nhớ, níu gót xuân hồng đang dần xa. Ngước
nhìn lên những cành cao, bất chợt bắt gặp một màu xanh mênh mang hòa trong sắc xanh
của mây trời và lòng người. Chợt thanh thản và bình yên đến lạ kỳ khi chầm chậm bước đi
trong bức tranh của nắng, của lá, của gió, và hồn người – hiện lên từ những ân tình tháng
Tư như thế…
Tháng Tư…
Chập chờn giữa nhớ và quên, giữa thương yêu và hờn trách… Chênh vênh đôi bờ hư thực
trong ký ức một tình yêu nồng nàn như nắng, như lá và như gió tháng Tư… Ngang qua
đường Cổ Ngư xưa, bắt gặp những đôi tình nhân tay trong tay – với nụ cười hạnh phúc.
Cũng con đường ấy, dưới hàng cây ấy, và cũng giữa những ngày tháng Tư năm ấy, trái tim

ai đã chung một nhịp thương yêu, từ những chiều tháng Tư ngồi trong công viên cây xanh
Bách Thảo mơ về ngôi nhà nhỏ bình yên rộn rã tiếng cười trẻ nhỏ…
Nhưng tất cả mọi thứ chợt tan đi như ngọn khói rơm mỏng mảnh trên đồng ai đốt… Chỉ
tháng Tư ở lại, đằm thắm và mãi nguyên vẹn một tình yêu trong những câu thơ: “ Phố tháng
Tư – phố dài nỗi nhớ. Gió nồng nàn ve vuốt những môi hôn. Mây tháng Tư xôn xao lời yêu
cũ…Nắng đổi màu – nắng ấm giấc mơ hoa. Thương bàn chân tháng Tư về lặng lẽ. Ngác
ngơ tìm một vạt nắng chiều xa…”.
Tôi vẫn lặng thầm chờ mong và đi qua những khoảnh khắc giao mùa của đất trời Hà Nội mỗi
độ tháng Tư về, với biết bao cảm xúc bộn bề… Chiều nay bất chợt rơi ra đâu đó từ cuốn sổ
nhỏ một chiếc lá xà cừ khô xác. Chiếc lá nhỏ xinh tôi và em đã cùng hôn lên đó, rồi ép lại
trong cuốn sổ nhỏ trong một chiều tháng Tư năm nào…Giờ lá đã hóa thân cho kỷ niệm xanh
mãi cùng tháng năm, cho hương tình yêu dịu dàng len nhẹ giữa thời gian, để mỗi độ tháng
Tư về lòng lại xốn xang một điều gì đó chẳng thể gọi được thành tên…
• Lê Huyền- Lương Đình Khoa

×