SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HẢI PHÒNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
Năm học 2015-2016
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Lưu ý: Đề thi có 01 trang. Học sinh làm bài vào tờ giấy thi.
PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3 điểm)
Đọc khổ thơ sau và trả lời các câu hỏi:
"Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ"
(Ngữ văn 8, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, trang 17)
Câu 1: Khổ thơ trên được trích trong bài thơ nào?
Câu 2: Tác giả của bài thơ đó là ai?
Câu 3: Bài thơ có khổ thơ trên được viết theo thể thơ gì?
Câu 4: Từ "bến " trong câu thơ "Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm" thuộc từ loại nào?
Câu 5: Biện pháp tu từ nổi bật có trong câu thơ "Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm" là gì? Nêu
tác dụng của biện pháp tu từ ấy?
Câu 6: Nêu nội dung của khổ thơ trên ?
Câu 7: Từ khổ thơ trên em hãy trình bày suy nghĩ của mình về tình yêu quê hương ?
Phần II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (3,0 điểm)
Bằng một bài văn ngắn (khoảng 200 đến 300 từ), em hãy trình bày cảm nhận của mình về vẻ đẹp
của khổ thơ sau:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo".
(Chính Hữu, Đồng chí, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, trang 129 )
Câu 2: (4,0 điểm)
Nhận xét về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh
Khuê, có ý kiến cho rằng: "Những thử thách nguy hiểm ở chiến trường, thậm chí cả cái chết,
cũng không thể làm mất đi ở nhân vật Phương Định sự hồn nhiên, trong sáng và những mơ ước
về tương lai".
Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên bằng một bài văn nghị luận
Đáp án tham khảo
Phần I: Đọc - hiểu:
1. Khổ thơ trên được trích trong bài "Quê hương".
2. Tác giả của bài thơ đó là Tế Hanh
3. Bài thơ được viết theo thể thơ 8 chữ.
4. Từ "bến" trong câu thơ "Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm" thuộc từ loại: Danh từ.
5.
- Biện pháp tu từ nổi bật trong câu thơ "Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm":
+ Nhân hóa: "im", "mỏi", "trở về nằm".
- Tác dụng: Biến con thuyền vô tri trở thành một sinh thể có linh hồn, đang nằm yên, nghỉ ngơi,
thư giãn sau những ngày vật lộn với sóng gió biển khơi.
6. Nội dung của đoạn thơ trên: Khắc họa hình ảnh những chàng trai xứ biển và con thuyền đánh
cá trở về.
7. Suy nghĩ của bản thân về tình yêu quê hương:
- Tình yêu quê hương là tình cảm tốt đẹp, sâu nặng trong mỗi con người. Nó luôn bồi đắp cho
con người những giá trị tinh thần cao quí. Nó là điểm tựa vững chắc, là hành trang quí báu cho
con người trên bước đường lớn khôn trưởng thành.
- Yêu quê hương là khi ta yêu quí ông bà, cha mẹ; yêu từng mái nhà, từng con đường đơn sơ;
biết yêu và biết quý trọng những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương xứ sở
- Tình yêu quê hương luôn gắn liền với tình yêu đất nước.
- Là HS, ngay từ bây giờ, cần phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, tích lũy kiến thức để mai này
góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
- Cần có thái độ phê phán những hành động, suy nghĩ chưa tích cực về quê hương, đất nước: chê
quê hương nghèo khó, lạc hậu; không có ý thức xây dựng quê hương, thậm chí quay lưng, phản
bội quê hương, xứ sở
Phần II: Làm văn
Câu 1:
I. Mở bài:
- Giới thiệu được tác giả Chính Hữu
- Giới thiệu được tác phẩm "Đồng chí"
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Ba câu thơ cuối bài đã vẽ lên bức chân dung đẹp về người
lính trong một đêm canh gác ở rừng.
II. Thân bài:
1. HS có một đoạn văn tóm lược lại nội dung của những khổ thơ trước.
2. Luận điểm 1: Hoàn cảnh sống và chiến đấu của người lính:
- Người lính sống và chiến đấu trong một hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt: "Đêm nay rừng hoang
sương muối".
- Câu thơ tự do dài đã mở ra một không gian núi rừng rộng lớn, hoang vu, vắng vẻ. Núi rừng
Việt Bắc lạnh giá, sương dày đặc trắng xóa. Đó không chỉ là một hiện thực, hơn nữa, đó còn là
điều kiện thiên nhiên thử thách người lính.
=> Bằng những nét chân thực mà thơ ghi lại một thời gian khó, ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, câu
thơ của Chính Hữu đã gợi lên trong lòng người đọc những khắc nghiệt của thời tiết, những khó
khăn, gian khổ mà người lính phải đối mặt. Và họ đã vượt qua hoàn cảnh bằng những phẩm chất
rất đẹp, giản dị mà sâu sắc.
3. Luận điểm 2: Vẻ đẹp của người lính:
a. Tình đồng chí đồng đội: "Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới"
- Gian nan càng khiến cho tình cảm của họ thêm gắn bó, càng khiến cho tình người, tình đồng
đội của họ ấm áp hơn.
- Giữa nơi chiến trường khốc liệt, thiên nhiên khắc nghiệt, hình ảnh những người lính kề vai
nhau ngời sáng đẹp biết bao
- Họ truyền cho nhau hơi ấm sức mạnh và niềm tin để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
=> Có thể nói, chính hoàn cảnh khắc nghiệt của núi rừng hoang lạnh, hiểm nguy lại là nơi thử
thách tình đồng đội thiêng liêng cao cả của những người lính.
b. Tâm hồn lãng mạn, bay bổng: "Đầu súng trăng treo".
* Trước hết, đây là một hình ảnh thực được phát hiện từ chính những đêm hành quân, phục kích
của người lính.
* Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" còn thể hiện một phát hiện đầy lí thú, một quan sát tinh tế, một
tâm hồn lãng mạn của người lính giữa gian khổ, hiểm nguy vẫn mở lòng trước thiên nhiên.
- Hình ảnh thơ gợi nhiều liên tưởng phong phú: thực tại chiến tranh gian khổ và khát vọng hòa
bình, yên ấm; sức mạnh của tình đồng chí, chất chiến sĩ và thi sĩ. Xa hơn, có thể đó còn là biểu
tượng của chất hiện thực mà lãng mạn của nền thơ ca kháng chiến
=> "Đầu súng trăng treo" là một trong những những hình ảnh thơ đẹp nhất viết về người chiến sĩ
trong thời kì chống Pháp: gian khổ mà anh dũng, hiện thực mà thơ mộng. Chủ đề của bài thơ
được nâng cao và lắng sâu trong lòng người đọc cũng là nhờ hình ảnh thơ tuyệt đẹp này.
4. Nhận xét, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, cũng như cả bài thơ.
III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.
Câu 2:
I. Mở bài:
- Giới thiệu được tác giả Lê Minh Khuê
- Giới thiệu được tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi"
- Giới thiệu được nhân vật Phương Định
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận: "Những thử thách nguy hiểm ở chiến trường, thậm chí cả cái
chết, cũng không thể làm mất đi ở nhân vật Phương Định sự hồn nhiên, trong sáng và những mơ
ước về tương lai".
II. Thân bài:
1. Luận điểm 1: Hoàn cảnh sống và chiến đấu:
- Phương Định cùng với chị Thao và Nho làm thành một tổ trinh sát mặt đường. Họ ở "trong một
hang dưới chân cao điểm "
- Công việc của Phương Định và đồng đội đặc biệt nguy hiểm. Hằng ngày, họ thay nhau đứng
trên cao điểm đếm bom rơi rồi lao ra trọng điểm sau mỗi trận bom để khối lượng đất, đá phải san
lấp, đánh dấu và phá những quả bom chưa nổ.
2. Luận điểm 2: Vẻ đẹp tâm hồn: Sự trong sáng, hồn nhiên và giàu mơ mộng:
* Học sinh nêu và phân tích dẫn chứng: Phương Định thích ca hát, hay quan tâm đến hình thức
của mình, thích ngắm mình trong gương, hay làm ra vẻ "điệu" khi gặp các anh bộ đội. Thế giới
tâm hồn Phương Định thật phong phú với bao hồi ức về tuổi thơ, tuổi hoa niên, những kỉ niệm,
những khát khao Một trận mưa đá bất ngờ đổ xuống cũng khiến cô "vui thích cuống cuồng"
=> Nét hồn nhiên, tươi trẻ của cô thanh niên xung phong ấy không thể bị bom đạn khốc liệt vùi
lấp.
* Ngoài phẩm chất này, Phương Định còn để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng tốt đẹp
khác: có lí tưởng cao đẹp; có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ, gan dạ, dũng cảm và lạc
quan; tình đồng chí đồng đội gắn bó, thân thiết, sâu sắc ( Lưu ý: không phân tích những phẩm
chất này. Nếu phân tích sẽ bị lạc đề )
3. Nhận xét, đánh giá về thành công nghệ thuật của tác giả Lê Minh Khuê khi xây dựng nhân
vật Phương Định.
III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.